Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2009

SỐNG TRONG ĐỜI NHƯ GIÓ LỘNG

Trong chiều dần hết những cánh mùa thu chao vòng lần cuối
Tội lỗi em đâu hãy phơi bày
Một ngọn lá sẽ tàn, dù biết vậy
Hãy xanh hơn thuở mới ra đời
Và cũng như cánh chim cuối trời giông tố kia
Hãy vỗ tiếng chào lực lưỡng trên gió lộng

Tôi làm thơ một đời không ý nghĩa gì
Lời ngợi ca cỏ cây
Có khi vơi đi nỗi buồn cơm áo
Có khi yêu hơn một kẻ lạc lòng
Tôi đã đi ở cuối cùng kia
Và tôi sẽ bắt đầu nơi đó
Nơi đó, bắt đầu hay chấm dứt, không ý nghĩa gì
Nhưng lòng tôi, tên khốn nạn
Đã thì thầm với tôi
Hãy sống lại
Như chiều tà
Như đêm tối
Như lá cây

Môi của em đâu hãy mở
Mắt của em đâu hãy xinh đẹp
Tiếng diụ dàng đâu em hãy thốt
Và nụ cười em đâu hãy nở
Trong trái tim ta có một dòng huyết lưu
Nồng nàn và ngọt ngào như rượu lễ
Trên hai tay chúa dang ra
Mở đầu một bài chúc phúc

Mọi người sẽ đến đây,hẵn thế
Sẽ qùi dưới dãy ghế kia, đúng vậy
Nhưng ngàn đời họ làm sao biết
Kẻ ruỗi dong đã đến đây
Đã ôm bài thuyết giáo ra đi
Mãi mãi về sau
Im tiếng

Hãy cho tôi ngợi ca, một ngày
Trong ơn của đấng cao cả nào đó
Hỡi lòng tôi, tên khốn nạn, hãy im đi
Đừng thở dài những lời cay đắng
Hãy hát, lúc chiều tà
Hồn rung chuông vô tận
Sự bội phản của em đâu hãy phô bày
Tôi hết mình ca tụng

Một ngọn lá sẽ tàn, dù biết vậy
Hãy xanh hơn thuở mới ra đời
Và cũng như cánh chim cuối trời giông tố kia
Hãy vỗ tiếng chào lực lưỡng trên gió lộng

TỪ HOÀI TẤN

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2009

Thơ Huỳnh Văn Dung


KHI TRỞ LẠI TRƯỜNG CŨ


về lại Huế anh ghé thăm trường cũ

ngôi trường xưa lấp lánh nắng ban mai

anh dừng lại nhìn trẻ thơ ngồi học

thoáng thấy em thanh thản đứng giảng bài


trường em dạy xưa kia anh đã học

giấc mơ đời rạo rực lửa phương Đông

sách vở thơm áo trắng cũng như lòng

cánh diều nhỏ bay giữa trời ước vọng


về lại Huế anh ghé thăm trường cũ

cổng trường xưa hàng phượng lá xanh mơ

anh lạc lõng như thú hoang xa núi

giữa sân trường tiếc nuối chuỗi ngày thơ


vài bạn nhỏ ngỡ ngàng nhìn anh đến

áo trắng hiền vẫy mực đẹp ngây ngô

đôi mắt nai ôm cặp dáng thiên thần

anh nhìn lại – ô hay mình đáng tội


bởi xa lắm tuổi thanh xuân cao ngạo

anh trở về kỷ niệm cũng phôi pha

bàn ghế xưa không còn dịp được ngồi

thử cầm bút tô xanh đời mình lại


về lại Huế anh ghé thăm trường cũ

gió sân trường thơm bụi nước bên sông

anh bỡ ngỡ giữa trăm ngàn tiếng động

vì từ lâu bút mực đã cạn dòng


anh trở lại mong được ngồi cuối lớp

đôi tay vòng theo bạn nhỏ trông lên

trước bảng lớp tay em đều nhịp thước

ấm lòng anh kẻ lang bạt tìm về


anh xin làm người tình si trước cổng

theo em về qua những ngõ phố xưa

có bướm trong hoa có tiếng đàn vọng

gợi lại giấc mơ đậm hương bốn mùa…


Thứ Ba, 28 tháng 7, 2009

ĐẶNG TIẾN: Về một xu hướng thơ Việt hải ngoại: thơ tân hình thức


Nhà phê bình Đặng Tiến - Ảnh: xaluan.com

Tân Hình Thức là một trường phái thi ca hiện đại được phổ biến từ năm bảy năm nay, phát khởi do Tạp Chí Thơ, ấn hành tại Mỹ, chủ yếu từ số 18, xuân 2000 “chuyển đổi thế kỷ”, và được nhiều nhà văn, nhà thơ trong và ngoài nước hưởng ứng. Tên Tân Hình Thức dịch từ tiếng Anh New Formalism, một trường phái thơ Mỹ, thịnh hành những năm1980 - 1990.


Thơ Tân Hình Thức có những đặc tính sau đây:
- Thơ không vần, nhịp điệu hoàn toàn khác với thơ cổ điển, nhưng được trình bày trên trang giấy như một bài thơ truyền thống : nhìn vào thì nhận ra ngay là thơ.

- Mỗi dòng như thơ cổ điển, gồm 5,6, thường là 7, 8 chữ (âm), có khi là lục bát, có thể xếp thành khổ 4 (hay nhiều) dòng. Cứ đến số chữ quy định là xuống dòng, không cần tôn trọng cú pháp, ý nghĩa của câu nói. Từ khổ trên xuống khổ dưới cũng vậy, và cứ vậy tiếp tục. Khi có, khi không chấm câu.

- Để xâu kết câu nói, các tác giả thường kể chuyện, chuyện nọ xọ chuyện kia, khi có khi không mạch lạc.

- Từ vựng đời thường, thông tục, có khi tục, của người bình thường sử dụng hằng ngày, trong sinh hoạt cụ thể. Không có mỹ từ pháp cổ điển như ẩn dụ, hoán dụ, biền ngẫu, nhưng có luyến láy để tạo nhịp cho câu nói.

Các tác giả tỏ ra hãnh diện về điều này, là đưa cuộc sống vào thơ, làm sống chất thơ trong cuộc sống, như vậy là cách tân, thậm chí là cách mạng. “Nếu không mang được những câu nói thông thường vào thơ thì làm sao mang được đời sống vào thơ? Và nếu không thì làm sao chia sẻ được nỗi vui buồn của mọi tầng lớp xã hội, để thơ trở thành tiếng nói của thời đại?”(1)

Trong chừng mực nào đó, họ có lý. Thơ tân hình thức là một loại ca dao tân thời, không phải thứ ca dao đã trở thành văn học được chọn lọc và giảng dạy ở nhà trường qua lăng kính thẩm mỹ trí thức, mà câu ca dao do người dân quê phát biểu trong đời sống, để sống đời sống hằng ngày. Ví dụ câu ru em này có hai thoại:

Thoại A, gần với thơ Tân Hình Thức:
Hai tay cầm bốn tao nôi
Tao mô thẳng thì thôi
Tao mô dùi thì sửa lại cho cân


Thoại B, gần với thơ truyền thống:
Hai tay cầm bốn tao nôi
Tao thẳng, tao dùi, tao nhớ, tao thương


Thơ Nôm Nguyễn Khuyến:
Năm nay cày cấy vẫn chân thua
Chiêm mất đằng chiêm, mùa mất mùa
Phần thuế quan thu, phần trả nợ
Nửa công đứa ở, nửa thuê bò
Sớm trưa dưa muối cho qua bữa
Chợ búa trầu chè chẳng dám mua.


Đây là một bài thơ đường luật chỉnh chu, thậm chí là sắc sảo trong lề lối của nó. Nhưng đặt ra ngoài niêm luật, thì nó rất “tân hình thức”, trong lý tưởng thâm trầm nhất: đưa lời thường và đời thường vào thơ. Cụ Tam Nguyên mà sống vào thời này tí toáy nghịch thơ Tân Hình Thức, e các cụ Đỗ Kh., Nguyễn Đăng Thường phải sĩ khí rụt rè, và cụ Khế Iêm khỏi bỏ công viết cả mấy trăm trang dài thoòng biện hộ cho “hiệu ứng cánh bướm”.(2)

Ngoài ra, theo tôi, người làm thơ Tân Hình Thức đầu tiên là Nguyễn Văn Vĩnh, khi năm 1914 ông hạ bút viết câu ‘Ve sầu kêu ve ve’, là tân hình thức hết nấc.
Ngược lại, câu vè dân gian: Nghe vẻ nghe ve /Nghe vè đánh bạc /Đầu hôm xao xác lại là một câu vần vè cổ điển, gần với thi ca truyền thống.

Nguyễn Văn Vĩnh tiết lộ: trước khi dịch bài ngụ ngôn của La Fontaine, Con Ve và Con Kiến, ông chưa hề làm thơ, nghĩa là chưa tập tành. Câu ve sầu kêu ve ve có lẽ đến tự nhiên, theo ý câu tiếng Pháp, ông Vĩnh không có ý đồ cách tân, tham vọng văn học gì. Nhưng vô hình trung, ông đã thay đổi tương quan giữa thơ và cuộc sống, và bẻ một bước ngoặt trong tâm thức văn học Việt Nam, dù rằng, trong thực tế câu thơ ấy không mấy ảnh hưởng vào văn học. Các nhà thơ sau này mới có ý thức và dụng công cách tân rõ rệt hơn.

Kỹ thuật vắt dòng, hay bắc cầu (enjambement) thường gặp trong Thơ Mới, là một kinh nghiệm tiếp thu từ thơ Pháp, làm nổi bật một từ ngữ, hình ảnh nào đó. Đến Bích Khê (1915-1946) thì lối vắt dòng trở thành một thi pháp toàn diện, có giá trị thẩm mỹ riêng (dùng chữ ngắt dòng có lẽ đúng hơn là vắt dòng) như bài Duy Tân (1941):

Người họa điệu với thiên nhiên, ân ái
Buồn, và xanh trời. (Tôi trôi với bờ
Êm biếc - khóc với thu - lời úa ngô
Vàng - Khi cách biệt - giữa hồn xây mộ -
Tình hôm qua - dài hôm nay thương nhớ...)


Trong bài tựa Thơ Bích Khê (1988), Chế Lan Viên thừa nhận là do ảnh hưởng thơ Bích Khê, ông đã làm bài Tập Qua Hàng:
Chỉ một ngày nữa thôi. Em sẽ
Trở về. Nắng sáng cũng mong. Cây
Cũng nhớ. Ngõ cũng chờ. Và bướm
Cũng thêm màu trên cánh đang bay
(3)

Bài này chưa “tân hình thức” vì còn vần cây - bay, nhưng vần ở đây, không có tác dụng gì. Bỏ vần đi, thay chữ cây bằng vườn, và xếp đặt lại, ta sẽ có:

Chỉ một ngày nữa thôi em sẽ
trở về nắng sáng cũng mong vườn
cũng nhớ ngõ cũng chờ và bướm
cũng thêm màu trên cánh đang bay


Bài thơ dưới dạng này, mà gửi đăng Tạp Chí Thơ thì tuyệt!
Nói vậy để thấy trong thơ, ranh giới giữa trường phái này trường phái khác, cựu nọ tân kia, không phải lúc nào cũng rạch ròi. Trong tinh thần đó Tân Hình Thức là một biến thái của trường thơ dân tộc; và chúng tôi tâm đắc với Khế Iêm khi anh viết “Nhìn lại mọi thời kỳ, từ truyện thống đến tự do và Tân Hình Thức, Thơ như sợi chỉ xuyên suốt, luôn luôn đổi thay, phù hợp với nhịp đập của thời đại”.(4) Là một trong những người chủ xướng, có lẽ là người tận tụy nhất với Tân Hình Thức, anh tâm sự: “Mỗi thời kỳ văn học đều có quan điểm thẩm mỹ và giá trị lịch sử của nó, vì không ai có thể phủ nhận. Nhưng có điều nghich lý là tiến trình sáng tạo cũng là tiến trình phủ nhận. Những điều chúng tôi nêu ra trong thơ tiền chiến hay tự do cũng chỉ là thể hiện tiến trình phủ nhận chính mình vì chúng tôi đã từng sáng tác thơ vần điệu và tự do trước khi chuyển qua Tân Hình Thức”(5) (Khế Iêm đã xuất bản hai tập thơ là Thanh Xuân 1992, làm theo vần điệu và Dấu Quê 1996, làm theo thể tự do).

Ngay ở Hoa Kỳ, Tân Hình Thức cũng là một thuật ngữ mới xuất hiện trong thập niên 1980 dưới dạng New formalism. Đến 1996 mới có 25 nhà thơ ra mắt dưới danh xưng New formalism như hiện nay, với tập thi tuyển Những Thiên Thần Nổi Loạn.(6) Nhưng dường như Thơ Tân Hình Thức lại bắt nguồn từ Pháp, từ thi phẩm của Jean Ristat, Từ Khúc Giục Mùa Xuân Rảo Bước (Ode pour hâter la venue du Printemps), đăng nhiều kỳ trên báo La Nouvelle Critique giữa 1977-1978. Thể thơ thông dụng ở Pháp là Alexandrin, 12 chân (âm) và tiếng Pháp đa âm. Tác giả cứ mỗi dòng 12 chân thì xuống hàng, bất chấp cú pháp và từ vựng. Đỗ Kh. đã dịch bài thơ dài này, cũng bằng cách xuống dòng, dưới dạng lục bát, có lẽ vì nó “dân tộc”: đến chữ thứ sáu thì xuống dòng tám chữ, cứ như thế & như thế suốt non một ngàn câu.(7) Bản dịch có trích đoạn đăng rải rác trên các báo như Hợp Lưu, Tạp chí Thơ, số 2 (1994), số 18 (2000). Nhà thơ Nguyễn Đăng Thường, ở Luân Đôn, hợp tác vào bản dịch, tâm đắc và cao hứng làm một bài thơ dài, 31 khổ 5 câu, cũng theo lối xuống dòng tân hình thức, nhưng chọn thể thất ngôn, là bài Những Nụ Hồng của Máu, được đánh giá là tân kỳ và đặc sắc. Bài thơ đăng trên báo Thế Kỷ 21 số 27, tháng 7 năm 1991, California, có lẽ là tác phẩm thơ Tân Hình Thức đầu tiên cùng với bản dịch của Đỗ Kh. mà gần đây Nguyễn Đăng Thường đã in lại, theo dạng thủ công nghệ, dưới tên nhà xuất bản Giọt Sương Hoa.

Cuối dịch phẩm Đỗ Kh. đã cẩn thận ghi chú bối cảnh chính trị của bài thơ, Jean Ristat làm để góp phần vào tham vọng “đổi mới” của Đảng Cộng Sản Pháp trước thềm Đại Hội thứ 22 đầu năm 1977, do đó mà có hình ảnh giục giã mùa xuân. Anh còn nói thêm: Ode, dĩ nhiên, còn là một bài thơ tình. Jean Ristat là bạn trai của Aragon, là bí thư và là người thừa kế di sản văn chương của Aragon, và bài thơ có âm hưởng đồng tính luyến ái. Nói rộng ra, phong trào Tân Hình Thức tại Âu Mỹ nằm trong một khí quyển văn hóa đặc biệt, bên cạnh các phong trào Nữ Quyền, Quyền Đồng Tính luyến ái, Phản Chiến, thậm chí có cả cao trào Hội Chứng (Chiến Tranh) Việt Nam.

Cho nên khi Tạp Chí Thơ công bố: “Tân Hình Thức là một cuộc hòa điệu giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và tự do, giữa nhiều nền văn hóa khác biệt, và ở phần sâu xa hơn, hóa giải những mầm mối phân tranh đã ăn sâu vào ký ức, chẳng phải của một dân tộc mà của cả nhân loại từ hàng trăm năm trước. Chúng ta với thời gian hơn một phần tư thế kỷ, có may mắn cận kề và học hỏi những cái hay của nền văn hóa bao quanh, áp dụng những yếu tố thích hợp vào ngôn ngữ, để làm giàu cho nền thơ Việt»(8), lời văn có vẻ đại ngôn, nhưng là tâm nguyện chân thành. Các tác giả là những người có ý thức sâu sắc về văn học, và trách nhiệm của họ, họ xả thân (và tài chánh) cho thơ mà không có một tham vọng chính trị hay văn học nào. Thậm chí, sau cả thập niên cố gắng, họ vẫn âm thầm làm việc trong đơn độc, có khi là đố kị, không được như những người chủ xướng nhóm Đa Đa tại Âu Châu hồi đầu thế kỷ trước, hay nhóm Xuân Thu Nhã Tập, tại Việt Nam về sau.

Nghiệm cho cùng, thơ và người đều có tử vi. Phan Khôi đã nổi danh với bài Tình Già đăng năm 1932 trên Phụ Nữ Tân Văn. Ngày nay, e không báo nào đăng một bài gọi là thơ như Tình Già; mà có đăng thì sẽ không có tiếng vang. Lỡ có tiếng vang e chỉ gây phiền hà cho tác giả. Cụ Phan dù tái sinh, e cũng đành dứt hương thề.

Gần đây, nhà thơ Chân Phương, trước kia cùng lò Tạp Chí Thơ có bài phê bình gắt gao trường phái Tân Hình Thức Việt Nam, cho rằng bắt chước không phải phép, biến trò vắt dòng thành một tiểu xảo máy móc thiếu suy nghĩ.(9) Theo tôi thì các nhà thơ Tân Hình Thức Việt Nam cũng “tôn trọng ước lệ và cách luật” ít nhất là trong tiềm thức. Chỉ lấy ví dụ trên Tạp Chí Thơ số 20 đã dẫn, thì bài Giữa Những Dòng Thơ của Phan Tấn Hải cấu trúc chìm là thơ 5 chữ, Con Mèo Đen của Khế Iêm là thơ 8 chữ, Mưa Muộn của Nguyễn Thị Thanh Bình là thơ 7 chữ. Có người sẽ hỏi: như vậy vắt dòng làm gì. Trả lời: vắt dòng là thành phần hữu cơ trong toàn bộ kỹ thuật Tân Hình Thức. Có khi gây hứng thú, như bài Những Nụ Hồng của Máu của Nguyễn Đăng Thường đã nói ở đoạn trên; mở đầu như sau:

Mười ngàn lẻ một đêm mưa trước
Ngày chúa bị đóng đinh trên cây
Vĩ cầm buổi trưa hôm đó có
Một tia nắng khẳng khiu chiếu dọi
Qua khung cửa tò vò rơi trúng...


Hứng thú vì đọc kiểu gì, vắt hay không vắt dòng, thơ vẫn hay. Như vậy, khen tác giả tài tình cũng được, chê tác giả ăn gian, bắt cá hai tay cũng xong. Anh tự sự:
“Bài thơ dài (dòng) vì tôi rất mong muốn với vài ba người nó sẽ là một thứ Chanson du Mal Aimé, hoặc Giây phút chạnh lòng hay Le condamné à Mort của một thời kỳ, thời đại nhiễu nhương. ‘Những Nụ Hồng của Máu’ là một ca khúc đầy ‘âm thanh và cuồng nộ’, là thơ tình, thơ lãng mạn, thơ hài, thơ châm, thơ hiện thực, siêu thực, thơ hạng nhất, thơ hạng bét hay không thơ (tùy người đọc), là tiểu thuyết ba xu, là soap opera, là film noir, cải lương, hát bộ, TV, phim thời sự, là một tranh cắt dán hàm bà lằng, hay đầy nghệ thuật (tùy vào người xem) với những cóp nhặt từ đông tây kim cổ”(10) (Những bài thơ Nguyễn Đăng Thường nhắc đến là của Apollinaire, Thế Lữ và Genet).

Và hứng thú ở chỗ này nữa: Nguyễn Đăng Thường vô hình trung đã đưa ra một định nghĩa linh động và cụ thể về thơ Tân Hình Thức, mà anh không ngờ tới. Ngoài ra Tân Hình Thức không cắt đứt với truyền thống, ngược lại còn đa mang, hỗn mang hằm bà lằng quá khứ.

*
Cao đẹp thay dụng tâm đưa lời thường, và đời thường, vào thơ. Khốn nỗi, đời thường, ai biết là đời nào đây?

Cùng một chuyến Tân Hình Thức, cô Mai Ninh làm thơ trên du thuyền trên sông Nil, cô Trọng Tuyến làm thơ giữa một hội nghị khoa học tại Nhật, cô Thanh Bình ngược con đường gió trên cánh đồng xuân đến nhà ông Đinh Cường, khi ông này làm thơ trong lúc vẽ tranh tại Virginia; cô Ngọc Nhung làm thơ khi đi chợ đêm mua băng vệ sinh tại Quận Cam, ông Đỗ Minh Tuấn làm thơ lúc chữa ống nước tại Hà Nội, ông Đỗ Kh. vừa làm thơ, vừa làm tình rải rác đó đây trên thế giới rồi chép miệng sướng cũng chẳng có nhiều... Vậy đời nào là đời thường? Lời nào là lời thường?

Do đó mà thơ Tân Hình Thức ỳ à ỳ ạch. Trong thơ truyền thống, từ Nguyễn Trãi đến Xuân Diệu cách nhau năm trăm năm, câu thơ không khác nhau bao nhiêu. Giữa hai ông Lưu Hy Lạc và Phan Nhiên Hạo, cách nhau vài buổi chiều, vài con đường, sao mà thơ khác biệt nhau quá!(11)

Đ.T



-------------
1. Tạp Chí Thơ, số 20, tr .73, 2001, California.
2. Khế Iêm, Tân Hình Thức, tr. 35-74, nxb Văn Mới, 2003, California. Sách lý thuyết về thơ Tân Hình Thức, 180 trang.
3. Chế Lan Viên, Tuyển Tập, tr.282, nxb Văn Học, 1983, bài này trích từ tập Hái Theo Mùa, 1973-1977.
4. Khế Iêm, Tân Hình Thức, sđd, tr. 19.
5. Khế Iêm, Tạp Chí Thơ, tr.114, số 21, 2001, California.
6. Mark Jarman và David Mason ấn hành, Rebel Angels, nxb Story Line Press, 1996, Oregon, tái bản 1998.
7. Jean Ristat, Ode pour hâter la venue du Printemps, nxb Gallimard, 1978, Bản dịch Đỗ Kh. Đoản Khúc để mùa Xuân đến vội, nxb Giọt Sương Hoa, 2001, London.
8. Tạp chí Thơ, số 20, sđd, tr.75.
9. Chân Phương, Tạp Chí Văn Học, tr.74, số 226, tháng 7- 8, 2005, California.
10. Nguyễn Đăng Thường, Tạp chí Thơ, tr.124, số 18 năm 2000.
11. Cho đến hôm nay, tôi biết có ba tập Thơ Hình Thức đã xuất bản: Trong nước: Đoàn Minh Hải, Đại Nguyện của Đá, 2002. Tại Hoa Kỳ: Lưu Hy Lạc, 26 Bài Thơ Tân Hình Thức, Giọt Sương Hoa, 2002; Hà Nguyên Du, Gene Đại Dương, nxb Tạp Chí Thơ, 2003.

Thứ Ba, 21 tháng 7, 2009

Nguyễn thị Hậu - Những khoảng lặng Sài Gòn

Sài Gòn ngày chợt lạnh

Buổi sáng trời mây mù, hơi lạnh tràn trên các con phố dài xao xác gió. Đi trên những con đường nắng sớm xiên xiên giữa hai hàng cây, vài cánh chim vụt bay từ vòm xanh cao, gác chuông Nhà Thờ như còn vương sương sớm... Dòng xe cộ trên đường giờ đi làm dường như cũng thong thả hơn, không vội vã cuống quýt chen lấn cáu kỉnh như những ngày nắng nóng. Áo lạnh được dịp khoe trên phố: áo gió các màu, không hiếm những chiếc áo khoác dày có mũ trùm đầu, áo len các kiểu: tay dài tay lửng, kín cổ hở cổ... những chiếc khăn quàng nhẹ nhàng như làn mây... Vòm cây như xanh hơn, cao hơn. Những quán cà phê như ấm cúng hơn, người với người cũng như thân quen hơn. Sài Gòn như lạ hơn, đẹp hơn, và dịu dàng hơn.

Chợt nhận thấy khoảng lặng hiếm hoi của Sài Gòn năng động. Sống ở Sài Gòn bạn hãy một lần sống chậm để tự mình tìm ra khoảng lặng trong lòng mình và trong lòng thành phố. Bạn sẽ yêu Sài Gòn hơn, thật đấy!

Một ngày nào ở một nơi nào, tôi đã ngồi bên bạn một buổi sáng như thế này. Và một góc nhỏ nào đó trong tôi, cái buổi sáng se lạnh ấy luôn ấm mãi...

Trưa

Văn phòng nhìn ra con đường có hai hàng cây dầu cao vút. Đầu mùa mưa vòm lá xanh ngăn ngắt, thi thỏang vút lên một bóng chim nhỏ nhoi… Ngày nắng gắt mà gió vẫn lộng… mùa nắng Sài Gòn đấy: có cái nắng, có cái gió nhưng không có cái ngột ngạt hầm hập như chảo rang của ngày hè Hà Nội.

Cả buổi sáng lu bu công việc ngồi lỳ trong phòng, trưa mới bước chân ra hành lang. Sững sờ, một thềm hoa dầu nâu vàng hai cánh xoay xoay trong gió trước khi đậu im trên mặt đất, giữa thảm cỏ xanh, trên mặt hồ bên những cánh bèo nhỏ nhoi xinh xắn. Một làn gió đến, hàng trăm cánh hoa lại nhẹ nhàng điệu luân vũ giữa không trung… Có bữa, trưa ngồi café dưới dàn bông giấy lốm đốm nắng xuyên qua mái lá xanh mướt. Ngòai kia, xe và người dường như cũng chậm lại, tránh đường cho những cánh hoa dầu cuống quýt xà xuống đuổi theo những bông giấy tím đỏ chạy giỡn chơi trên vỉa hè.

Bạn mail về, bảo, thèm được một lần đi giữa phố đưa tay nhặt cánh hoa dầu trên mái tóc ai. Mùa này nơi đó đâu có hoa dầu hai cánh, chong chóng của ngày xưa…

Chiều

Đường một chiều. Dòng người xe xuôi chảy. Giờ tan tầm, vội vã tất bật nhưng nhịp sống Sài Gòn dường như vẫn yên ả. Nắng đã dịu làm chiều chầm chậm hơn… Tôi ngồi ở cái bàn quen thuộc thường café một mình vào mỗi chiều như chiều nay, đọc một cái gì đấy, âm thanh hỗn độn của dòng xe chạy không dứt ngòai kia lướt qua, hình như thóang một tiếng chim hót thật mảnh tựa như sợi nắng cuối chiều vương trên ngọn xanh cao…

Cuộc sống cứ trôi đi… Thì vẫn công việc vẫn những mối quan hệ thân sơ trong đời thật trên mạng ảo. Bên dưới cái mặt phẳng đơn điệu của thời gian, ký ức vẫn ẩn sâu, bé nhỏ mà sắc nhọn như gai trên thân bụi tầm xuân mọc đầy khu vườn nhà ai mà có lần đi qua tôi đã ước ao được bước vào.

Nhưng vẫn thiếu chút run rẩy lá, chút mơ hồ hương, chút xao xác gió, chút dè dặt nhìn, chút mong manh hơi thở, chút ngập ngừng chạm nhẹ… Vẫn thiếu, chỉ một chút thôi, vì chẳng thể nào quay ngược thời gian được nữa…

Bạn còn nhớ không

Mưa Sài Gòn ào đến thật nhanh, thật lớn, rửa trôi bụi đường làm tan khói xe. Nhưng rồi bỗng chốc những vòm lá ánh lên tinh khôi trong nắng nhạt khi tạnh mưa, cũng bất ngờ như khi mưa đến. Và mặt trời dịu dàng tạm biệt phố... Sau vài phút dòng người và xe lại tấp nập trên đường.Bạn còn nhớ không, một ngày nào đó bạn vào Sài Gòn. Tối đầu tiên Sài Gòn đón bạn bằng cơn mưa như muốn sập trời sập đất. Bạn bảo: lạ thật, mới hồi chiều nắng chói chang như thế, gió nhẹ như thế, Sài Gòn vẫn “thất thường” thế ư? Mình cười, Sài Gòn đang mùa mưa mà… Đường ào ạt nước, người và xe vẫn ào ạt chạy… Rồi cũng bất ngờ như khi bắt đầu, những hạt mưa nhẹ dần rồi tạnh hẳn. Không khí đầy hơi ẩm, mát lạnh, phố loang loáng nước, những vòm lá trên cao lấp lánh ánh đèn…

Bạn còn nhớ không, lần đầu tiên chúng mình gặp lại sau một thời gian dài xa nhau. Dường như giữa mình và bạn có chút gì như lạ lẫm. Ngồi bên nhau trong quán nhỏ, hơi ấm bàn tay bạn, hơi ấm bờ vai bạn, nhờ cơn mưa đã xóa nhòa cảm giác đó…

Những cơn mưa Sài Gòn dễ thương biết nhường nào.

Ngõ hòang anh

Nhiều lần, trên đường đi làm tôi rẽ vào 1 ngõ nhỏ, tránh con đường ầm ào như cơn lũ ngòai kia. Ngõ nhỏ ngoằn nghèo, tính ra xa hơn đi đường chính. Nhờ vậy nó vẫn giữ được nhịp thở bình thản thật đáng yêu. Con đường nhỏ được tráng xi măng bằng phẳng sạch sẽ. Những ngôi biệt thự nhỏ, vài căn nhà phố, một hai ngôi nhà cao tầng nhưng tất cả đều mang vẻ trầm lặng sau những bức tường cũ loang lổ vôi và những cánh cổng sắt tróc sơn mỗi lần đóng mở kêu kin kít. Ngõ yên tĩnh đến mức các số điện thọai quảng cáo dạy kèm học thêm khoan cắt bê tông… cũng buông tha không làm bẩn những bức tường, dường như không nỡ làm ngõ vắng giật mình.

Chiều về tôi thường đi xe chầm chậm trong ngõ ấy, dưới những bông hòang anh rực rỡ trên nền lá xanh mướt vươn ra từ sau song sắt trên cao. Có buổi trưa nắng thong thả một mình, mắt lơ đãng buông theo ngoằn nghèo ngõ nhỏ, lòng bỗng bình yên…

Ngõ nhỏ còn có giàn bông giấy cành đan nhau rậm rạp, mỗi khi có cơn gió nhẹ thỏang qua bông trắng bông đỏ lại nhẹ nhàng đuổi theo nhau. Nhưng, hình như có quá nhiều người đã viết về bông giấy, cả tôi cũng vậy...

Không hiểu sao ngõ hòang anh hay làm tôi nhớ đến những truyện ngắn của A. Sêkhốp, như Ngôi nhà có căn gác nhỏ, Một chuyện đùa, và nhất là Người đàn bà có con chó nhỏ.

Dù chẳng có mảy may gì giống như trong tưởng tượng của tôi về những câu truyện ấy.

Mưa thơm

Sáu giờ rưỡi chiều mới về, nhà mất điện. Cơn mưa sập xuống, trời đất tối mù mịt. Kiếm được cái đèn pin tìm đốt mấy cây nến, đặt ở tầng lửng và trên lầu. Ngòai kia mưa ầm ào như trút mà trong nhà vẫn nóng. Lạ, hễ mất điện thì bao giờ cũng có cảm giác như nóng hơn, ngột ngạt hơn, vào giữa ngày đông cũng vậy.

Lắc lư trên cái võng gần cửa sổ. Nghĩ, sao không mở cửa sổ cho mát nhỉ, mưa có tạt một chút cũng có sao đâu. Bèn mở tung cánh cửa… Gió lẫn hơi nước li ti hắt vào mang theo hơi ẩm mát của đất, của mưa tràn vào nhà. Thoang thỏang mùi hoa ngọc lan rồi bỗng chốc hương thơm đẫm trong căn phòng nhỏ. Nhìn ra, ồ, cây ngọc lan trồng dạo nào giờ đã cao ngang cửa sổ. Không thể nhìn thấy những nụ hoa trắng như ngọc trốn trong kẽ lá, thế mà hương thơm cứ quấn qúyt chẳng thèm biết đến những giọt mưa đang ào ào rơi xuống. Hương ngọc lan nồng nàn làm ta muốn hít một hơi căng lồng ngực, để rồi khi ngủ hơi thở vẫn đẫm hương thơm…

Mưa như không có ý định ngừng lặng. Những ngọn nến chập chờn, mùi nến thơm dịu dàng. Cây nến hình bông hồng gắn trên đế gỗ này là quà sinh nhật của con gái lớn, cây nến trong chiếc ly có hình mèo Kitty xinh xắn là do con gái út mua vì “trông dễ thương quá”, hộp nến có hình những chiếc lá nhỏ là bạn tặng mình vào một lần gặp lại ở nơi xa…

Một mình với hương thơm mỏng manh và chập chờn ánh nến, đôi lúc không rõ tiếng tí tách của mưa hay là của nến. Đã có lần nào trong đời bạn là ngọn nến của riêng ai…?

Mình đã bỏ lỡ nhiều cơn mưa thơm như thế…

Tháng ba cho anh

Tháng Ba, ở Sài Gòn không thấy rõ cái rạo rực sinh sôi của “mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông uống nước, mùa em đi phát rẫy làm nương, anh vào rừng đặt bẫy cài chông” như tháng ba Tây Nguyên. Nhưng thóang đâu đây sức sống bừng lên đỏ rực những chùm bông giấy trên phố, ần hiện đâu đó trên gương mặt người thiếu nữ rạng ngời, trên đôi vai vững chãi của chàng trai trẻ. Tháng Ba, mùa nắng đang chầm chậm nhường chỗ cho mùa mưa đến sớm. Nắng còn như tiếc nuối, sau những ngày nhạt nhòa của một mùa đông lạ lùng, tháng Ba này nắng chợt bùng lên, gay gắt mà đắm đuối…

Một buổi chiều nào đó nắng vàng sánh như mật, ngồi trên tầng lầu cao nhất thành phố, anh và em ngắm nhìn Sài Gòn của em. Sài Gòn không có những con đường nồng nàn hoa sữa, không có những con phố dài xao xác heo may, không có những mặt hồ biếc xanh mờ sương sớm. Nhưng Sài Gòn có những con đường trưa nắng vàng hoa điệp, có hàng cây mỗi chiều thả những cánh hoa dầu xoay tít bay bay, có những đêm gió chướng ào ạt thổi qua thành phố. Sài Gòn của em có quán cà phê nơi chúng ta cùng bạn bè gặp gỡ. Dàn bông giấy vẫn nghiêng nghiêng che mát vỉa hè khấp khểnh từng viên gạch. Cánh tím mỏng manh vẫn nhẹ nhàng đậu xuống bên ta. Những gương mặt lạ quen mỗi ngày dường như không bao giờ cũ, những con người thoắt đến thoắt đi mà sao bỗng thấy thân thiết lạ lùng…

Mưa Sài Gòn vẫn thế, nắng Sài Gòn vẫn thế, gió Sài Gòn vẫn thế. Chỉ có anh và em là đã khác…

NGUYỄN THỊ HẬU

vanchuongviet.org

Khổng Đức - THI TÍNH TỰ DO

Tự do là vô hạn, nhưng không phải là vô ảo. Nó không chỉ thể hiện sự tồn tại trong triết học và thi học, mà còn biểu hiện trong văn học phê bình của chủ nghĩa tồn tại, Heidegger và Sartre đều là những nhà phê bình tài hoa, có không ít những bản văn để đời; các ông ấy cho rằng thi tính tồn tại trong văn học, nhưng phản đối chủ nghĩa hình thức và nội dung duy mỹ. Họ phê bình thi tính nhưng vẫn quán triệt tư tưởng tự do hóa không thể nào dừng lại được. phản ánh khuynh hướng tự do hóa triệt để của khẩu hiệu “ Không tự do thà chết còn hơn”. Phê bình thi tính tự do, tức là phê bình tư tưởng chủ đạo của chủ nghĩa tồn tại và đây cũng là phương pháp đặc sắc và là qui luật.

“… Nên thơ thay, con người cư trú trên tinh cầu này.”(c’est poétiquement pourtant, que l’homme habite sur cette terre).

Đó là câu thơ hay của Holderlins (1770 – 1843) , một trong những thi nhân nổi tiếng ở Đức. Cũng là chủ đề trong tác phẩm “ Thi, ngôn ngữ, ý tứ” của Heidegger bình luận về Holderlins và bản chất thi ca. Chỗ cư trú của con người ở đây là thi ý. Thi ý kiến tạo bản tính đặc thù của nơi cư trú; thi ý và cư trú không hề bài bác lẫn nhau; trái lại nó cùng thuộc một vị trí hổ tương hô hoán cho nhau. Thi ý là năng lực cơ bản nơi con người cư trú. Ỳ nghĩa của thi ý cư trú là gì? Nó có ý nghĩa là tự do thẩm mỹ. Heidegger chũ trương “ thi ngôn chí “; phương pháp phê bình của ông là đem thi, ngôn ( ngôn ngữ) và chí ( tư tưởng) phân chia ra để chúng “đối thoại” với nhau, rồi từ sự đối thoại của ba sự kiện đó mà hiển hiện tư tưởng ý nghĩa . ông cho rằng “tính của nghệ thuật là thi tính”. Một trong những nhiệm vụ của thơ là bộc lộ ý nghĩa và chân lý, mà chân lý và ý nghĩa bị ẩn dấu trong ngôn ngữ và thi ca. Phê bình là bài trừ sự che đậy, khiến cho tư tưởng và ý nghĩa phô bày ra, từ ẩn dấu đến phô bày triển hiện tư tưởng ý nghĩa của ngôn ngữ và thơ. Ông nói sở dĩ chọn thơ Holderlins làm đối tượng phê bình, không phải vì thơ của ông ấy được kể là nhiếu nhất, mà chỉ là vì thơ của Holderlins là thơ kêu gọi của định mệnh, chứ không phải do chính bản thân biểu đạt tính chất của thơ. Điếu đó giúp cho việc tìm kiếm yếu tố bản chất của bản chất tính.

Ông trích trong tập thơ của Holderlins 5 câu thơ quan thiết như sau :

“ Trong tất cả hoạt động của con người làm thơ là chân thực nhất “

“ Vì vậy con người có một thứ của cải nguy hiểm nhất là ngôn ngữ - nhưng chính điều đó lại chứng thực sự tồn tại của nó.’

“ Từ khi con người có sự đàm thoại, có thể nghe được âm thanh người này người khác”

“ Nhưng có được sự trường tồn ấy do thi nhân đạt được thần tứ.”

“ Con người có đầy đủ tài đức, nên thi ý được cư trú trên mảnh đất nầy.”

Rõ ràng là ông ta quan tâm đến thơ và lịch sữ ngôn ngữ, chủ nghĩa tồn tại, và phương thức suy luận. Cho rằng lãnh vực hoạt động của thơ là ngôn ngữ. Do đó bản chất của thơ cần phải thông qua bản chất của ngôn ngữ để hiểu rõ. Cơ sở “ hiện thế” của con người là đối thoại, ngôn ngữ trong sự đối thoại mới chân chính thành hiện thực. Holderlins đi thẳng vào sự suy luận bản chất của thơ, từ chỗ tối cao của ý nghĩa mà nhìn thì đó là lịch sử, vì nó là thời đại chuẩn bị lịch sử, nhưng kể như là bản chất của lịch sử thì nó là bản chất của bản chất tính.

Sao lại gọi là bản chất của bản chất tính? Sartre cho rằng, đó là tự do, Theo quan điểm của ông “ vũ khí phê phán không thể quay lại phê phán vũ khí”; Thi tính triển khai tách rời nội dung của tự do, thì nó sẽ biến thành ngôn ngữ học, tu từ học, phù hiệu học, ngữ nghĩa học, tự thuật học, và đối tượng tư duy, không thể nào thành bình luận tự do của phản tỉnh. Vào khoảng nửa đầu thế kỷ 20, văn đàn Tây phương đã biểu hiện sự lầm lẫn về phê bình, quá thiên về phê bình hình thức mà quá ít phản tỉnh tự do, văn học đánh mất bản chân tự do, phê bình thành ra giảng giải và chính là đánh mất giá trị tồn tại. Đối với văn học Pháp cũng như Âu châu từ thế kỷ 17 trở lại đây, theo Sartre đó là thời đại triển khai dạng thức phê bình thi tính tự do hóa của Hegel. Ông giống như Hégel triển khai sự thăng trầm tiêu trưởng của lý niệm, biểu hiện một thứ cuồng nhiệt mãnh liệt phê bình tư do hóa thi tính, phác họa gần 200 năm cái quỷ tích vận động tự do hóa văn học.

Ông cho rằng thế kỷ 17, giữa tác giả và độc giả có sự đồng nhất tính, chức trách của tác gia rõ ràng , đối tượng tả tác là có những sự giáo dưỡng, giới định nghiêm túc, độc giả tích cực, những độc giả đối với tác giả cùng tiến hành coi ngó chăm sóc tác gia không có đầy đủ khả năng diễn đạt quá tự do. Chủ nghĩa văn học cổ điển không có sức lực biểu hiện tinh thần tự do; tác giả chủ nghĩa cổ điển là một thứ giai cấp ký sinh, họ không vì đại chúng lao động mà thuyết thoại, nỗ lực làm cho tác phẩm tận thiện tận mỹ, hợp với đạo đức luân lý va qui phạm của xã hội, chỉ làm vui thích tầng lớp quí tộc và vua chúa. Tác phẩm miêu thuật nhiều sự thể nghiệm, hòa hài mà xung đột thích ứng đối với phê phán. Ý chí tự do không được phô bày đúng mức. Văn học thế kỷ 18, thời kỳ cao độ của giai cấp tư sản, đó là thời đại có hương vị, tính chính trị, tính dân chủ và tính tự do được triển khai, tác giả không chỉ được giai cấp lãnh đạo nuôi dưỡng, mà còn được giai cấp tư sản cùng dân chúng duy trì; sự tả tác của tác gia xuất hiện đối tượng phục vụ và đa nguyên hóa, như Kant, J.J. Rousseau có thể biểu đạt trực tiếp sụ thể nghiệm và cảm tưởng đối với vấn đề tình dục, thống khổ, tự do v..v…

Tinh thần tự do của thế kỷ 18 là thời kỳ có thể đưa đến sự phản ứng của công chúng, nhưng cũng là thời kỳ của lịch sử lý tính, lịch sử của quyền lực.. Sự lưu hành văn học giáo hội, sự hoằng dương tinh thần lý tính đến một trình độ nào đó chắc chắn sẽ ức chế tinh thần tự do văn học.

Đối diện với văn học thế kỷ 19 trở lại đây, Sartre căn cứ theo quan điểm tự do của giai cấp tư sản tiến hành phân tích thí tính tự do hóa. Giai cấp tư sản coi văn học như là công cụ, mà văn học tự thân thì khát khao độc lập, văn học khát khao đập phá hàng rào của giai cấp tư sản để hướng về tự do, sự mâu thuẩn của nó sinh ra trương lực. Một mặt khác văn học mang tính dân chủ, tự do, nhất là văn học bình dân đạt đến sự phát triển, sụ tự do của nhân tính đạt đến trình độ biểu đạt; văn học thương nghiệp chiếm cứ bộ phận thị trường , nó cởi mở sự ràng buộc của tư tưởng tôn giáo, cự tuyệt hình thái ý thức phục vụ giai cấp tư sản; nhưng sự độc lập của văn học cũng như sự tự do bị sự dẫn dụ của kim tiền. Dòng văn học chủ lưu chậm chạp và hình thức uốn cong hướng về trường phái văn học hiện đại. Nó lại một lần nữa bị nhóm người thiểu số cầm nắm, không thể nào tiếp thu được với nhân dân đại chúng. Văn học chuyển vào giai đoạn phản tỉnh, nhắm đả phá các hình thức cũ và tôi luyện một thứ kỷ xảo tả tác nhằm nỗ lực kiến lập tiêu chuẩn thẩm mỹ của chính mình. Kết quả là văn học độc lập tính tăng gia, tự do tính lại không được duy trì một cách rộng rãi. Sau thế kỷ 19, và sau hai cuộc thế chiến, giai cấp vô sản được phát triển, văn học giai cấp tư sản cùng với giai cấp vô sản, về phương diện tự do cái nầy tiêu thì cái kia trưởng tạo cho văn đàn có hai khuynh hướng chủ yếu : phủ định tự do và tự do phủ định tạo thành nền văn học đang biến chuyển chưa biết về đâu ?./.

(Trích dịch từ Văn luận sử Tây phương thế kỷ 20)


Khổng Ðức
(VANCHUONGVIET.ORG)

Thứ Năm, 16 tháng 7, 2009

Xin mời đọc NGỰA HỒNG - tập thơ CAO THOẠI CHÂU


NGỰA HỒNG
thơ CAO THOẠI CHÂU
Bìa: Vũ Hà Tuệ
Phụ bản: Phạm Cung, Lê thị Kim, Ngô thị Hạnh
Nhà xuất bản Thanh Niên 2009

Liên hệ tác giả: thoaichaucao@gmail.com
http://caothoaichau.blogspot.com

Thứ Ba, 14 tháng 7, 2009

Thơ tháng bảy

Từ nơi xa xăm


Hoàng hôn nhuộm mái đầu người phụ nữ tìm ngọn nguồn mình trong tăm tối
Nơi xa xăm em làm gì với đống rác quá khứ
Bọt biển tan vào một chiều không hẹn hò
Năm ấy, chúng ta đang học cấp hai ở một thị xã

Người bạn mới đem đến cho tôi những suy nghiệm
Về một thời đại đã lùi khuất
Nơi có tình yêu em mọc cỏ hoa dập dìu khu vườn yên tĩnh
Năm ấy, chúng ta mới bước vào đời

Từ nơi xa xăm không hẹn ước
Người sớm đã già nua
Còn chiếc bóng của kỷ niệm
Năm ấy, chúng ta dường như đã lãng quên




Đường bay

Bay về những cánh chim trời
Chiều nay
Ngồi đọng lại cùng quá khứ
Em mang chiếc mặt nạ đời
Nhỏ to cùng cuộc sống

Bay về những vai áo xanh thời cắp sách mộng mơ
Mơn man cùng lộc biếc
Ngây thơ con mắt lá dăm
Cười ai môi mỏi lời ái mộ

Trong khu rừng non sáng nay
Ai hóa tượng bên bờ suối
Lời mọc cánh
Bay về mãi những chân trời
Tìm kiếm kẻ đứng ngoài ranh giới cuộc sống
Rằng – như một ẩn ngôn – không dấu vết




Mùa thu

Sự vô vị sang trọng từng ngày tiếp diễn
Cửa hàng mùa thu trưng bày những hình nhân
Thỉnh thoảng có một ai đó đi qua
Nhìn kỹ mới thấy nụ cười nhẹ trên môi

Tiếng chân khua một ngày im lặng
Ngồi dưới một trời hoa lá bay
Người bạn nhiều năm qua gặp và nói
Không có kỷ niệm nào lấp đầy
Những ngày trống vắng

Tôi ngồi dưới những hàng cây hôm nay ngọn cao ngọn thấp
Mơ mộng vàng bên cửa hàng triển lãm mùa thu



Từ Hoài Tấn