Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2009

Trần Tiến Dũng : Ở cùng một nơi với những người vấp ngã

Tôi nhìn thấy em đi qua trong mắt tôi
đôi mắt tôi như hòn đá treo trên miệng vực
rung gãy từng nhánh hoa thần thánh
tiếng chim tắt lịm dưới đáy vực tự do

Mùi em là tấm khăn trải cho lũ côn trùng
nắng da thịt em chảy tràn trong gió và kéo mùi em lên đồi
kéo đôi mắt tôi lên đồi
đôi mắt này
hòn đá này
không thể rơi khỏi mùi hương đàn bà
người đàn bà này của tôi
người dạy tôi hát
người dạy tôi phải vấp ngã để nhìn đôi mắt ý thức bay lên
ngôn ngữ về quyền con người là vết thương không bao giờ lành

Ở cùng nơi với những người vấp ngã
tôi gọi nàng là tự do!
người đàn-bà-tự-do của tôi
tự tay nàng đặt vào cái nhìn tôi hòn đá khác

Tôi đến được nơi tôi tiếp tục đứng dậy

Không thể mơ giấc mơ trồng mỗi một cây tùng trên da thịt và tâm hồn tự do
không thể khóc và khóc trong giấc ngủ
không thể dậm chân dập tắt mùa lửa thức

Nỗi đau đớn tiếp tục cháy
trước khi nàng đặt vào mắt tôi hòn đá khác
tất cả những gì thuộc về tôi đã không như trước nữa

Và trái tim tôi
đau đớn từng nhịp sống ở nơi tôi tiếp tục đứng dậy.

TRẦN TIẾN DŨNG

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2009

ĐẶNG TIẾN : Âm trầm Tuệ Sĩ



Tuệ Sĩ là bậc danh sĩ cao tăng, đã trọng nhiệm nhiều chức vụ trong hàng giáo phẩm Việt Nam. Trong và ngoài nước nhiều người biết danh và ái mộ, qua những trầm luân mà ông chịu đựng non nửa thế kỷ, chúng tôi không nhắc lại nơi đây, vì ai muốn truy tìm thì rất dễ.
Tuệ Sĩ còn là nhà thơ, nhiều người biết danh, nhưng ít người được đọc, vì thơ ông ít được phổ biến. Mới đây, trong nước, nhà xuất bản Phương Đông đã ấn hành tập thơ
Những điệp khúc cho dương cầm, song ngữ Việt-Pháp đối chiếu, do Dominique de Miscault, nữ họa sĩ người Pháp, chuyển ngữ và trình bày, minh họa, bà gọi là “biểu cảm đồ họa” (expressions graphiques). Trang bên trái là văn bản Việt-Pháp nối tiếp, trang bên phải là hình cách điệu nhà sư đang lướt ngón tay trên phím dương cầm.
Sách gồm 23 bài thơ ngắn, trình bày trên 53 trang, khổ vuông 21 x 21 cm, giấy tốt, in đẹp và trình bày trang nhã.
Điều đáng mừng là độc giả Việt Nam và thế giới có dịp tiếp cận với thơ Tuệ Sĩ, trong niềm đồng cảm nhân loại, qua thi ca và nghệ thuật. Trong lời tựa, bà De Miscault kể lại:
“Tôi được hạnh ngộ với Tuệ Sĩ và người thân từ mùa xuân 2003.
Chúng tôi đã học tập phơi trải và trao đổi hai thế giới, diễn dịch những cảm xúc, đồng thời là dấn thân. Tôi không phải phật tử cũng không phải kẻ tu hành, lại không biết tiếng Việt, nhưng thơ Tuệ Sĩ thì đã gặp đâu đó tại châu Âu già cỗi. Đó chẳng phải là những khoảng hư không mà các tác gia thần bí đã trải nghiệm?
Kinh nghiệm phiêu du trong bóng đêm và tĩnh lặng, cũng như những tâm hồn khắc khoải, vô vọng truy tầm lời giải đáp cho những hy sinh, dù tự nguyện hay cưỡng chế ? ”
Bà tiếp xúc với thơ Tuệ Sĩ nhờ việc lược dịch của một người Pháp được Tuệ Sĩ duyệt lại. “Tôi cố gắng nắm bắt nội dung qua những hình ảnh, và không gian sống của Tuệ Sĩ như tôi được trông thấy và đã khai thị cho tôi. Tôi chọn những từ ngữ và ảnh tượng đơn giản nhất, đã giản lược và tát cạn tối đa thi pháp để tập trung vào cuộc phiêu lưu thần bí của nhà sư mệt mỏi vì đời sống và những truy tầm vô vọng…
Vô vọng hay không, vẫn là câu hỏi. Buông thả theo dòng đời.
Dương cầm và tịch lặng là thần giao giữa hai lục địa giữa chúng tôi.
Nơi đây không còn là hoài cảm hay xúc cảm, mà là phân tích khô khan cõi dửng dưng.
Tôi hân hoan được tiếp tục chia sẻ, và trong dài lâu tính nhẹ nhàng tuyệt đối của đời sống.”
Bài tựa này đã được Hạnh Viên dịch ở trang 7, tôi dịch lại để đóng góp.
Một cơ duyên khác, là với kỹ thuật điện tử hiện đại, toàn bộ công trình của TS – Dominique de Miscault và nhà xuất bản Phương Đông được đưa lên lưới, để người đọc, Việt hay ngoại quốc, khắp năm châu bốn biển đều có thể thưởng lãm. Năm mươi trang giấy không phải là công trình to tát gì, nội dung cũng không phải chuyện khai sơn phá thạch, nhưng là một sự kiện văn học, như cơn gió bất ngờ đưa đóa lan rừng ra ánh sáng.
Tuệ Sĩ không phải là người tìm danh vọng, nhất là bằng thi ca. Ông không tìm độc giả, tìm tri kỷ, tri âm. Ông thừa nội lực để sống an nhiên trong tịch lặng giữa cõi ta bà. Nhưng thơ ông xuất hiện như vầng trăng ra khỏi đám mây, như mùi hương bông sứ chợt thoảng vào vườn khuya, là một niềm vui chung, và cho người lữ khách ngồi lại bên đường, buổi chiều, “cười với nắng một ngày sao chóng thế… đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan“, câu thơ ngày xưa của ông mà Bùi Giáng hết lời ca ngợi.
Thơ, thơ gì đi nữa, thì trước tiên phải là ngôn ngữ. Ngôn ngữ của ai đi nữa thì cũng mang sử tính. Thơ thiền sư làm bằng ngôn ngữ hàng ngày vẫn vang âm xã hội và lịch sử.
Ví dụ bài cuối :

Giăng mộ cổ

Mưa chiều hoen ngấn lệ

Bóng điêu tàn

Huyền sử đứng trơ vơ

Sương thấm lạnh

Làn vai hờn nguyệt quế

Ôm tượng đài

Yêu suốt cõi hoang sơ.

Ý nghĩa chính xác của bài thơ là gì ta không nên giải thích chân phương. Nhưng từ ngữ thì rõ ràng là trầm tích đau thương của con người trong lịch sử. Bà De Miscault dịch hay và thoát (xem Trên kệ sách của mạng Da màu). Tôi vẫn táy máy dịch lại xem như góp một nốt đàn vào bản hợp tấu :

Sur les tombes antiques

La pluie du soir se confond en larmes

Des mythes illusoiresEn ruine esseulés,

La bruine givre

Les épaules meurtries de laurier

Serrant la statue

J’aime ô que j’aime les espaces innocents

Trầm tích lịch sử còn dư vang rõ hơn trong bài này ;

Ngoài biên cương

Cây cao chói đỏ

Chiến binh già cổ mộ

Nắng tắt chiến trường

Giọt máu quạnh hơi sương
(Tr. 34)

A la frontière

Le grand arbre rougeoie

Le soldat vieillit sur la tombe antique

Le soleil éteint la bataille

Le sang se condense en rosée.

Thơ gì, thơ ai, thơ nước nào, trong ngôn ngữ vẫn là một thứ ngoại ngữ ; người đọc một bài thơ trong tiếng mẹ đẻ là đã dịch bài thơ ấy ra ngôn ngữ của riêng mình. Gọi là tiếng lòng.
Trong nghề dạy học và việc bình luận văn chương tôi có đôi kinh nghiệm về việc dịch thuật và thông ngôn này. Gặp những bài thơ Tuệ Sĩ việc giảng luận có phần trắc trở. Ngôn ngữ vẫn là ngôn ngữ chung là tiếng Việt, nhưng tương quan giữa người nói và lời nói thì khác nhau. Khi Tuệ Sĩ viết đâu đó “Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang” thì ông không chỉ nói về màu áo, cũng không nói về ngọn đồi, mà phản ánh tâm linh trong một thế giới khác. Đưa lời thơ Tuệ Sĩ vào ngôn ngữ thế tục e dễ thành dung tục.
Thơ bao giờ cũng phản ánh ba tính cách: môi trường xã hội trong lịch sử ; ngôn ngữ trong những biến chuyển với thời đại; và tác giả, qua đời sống hàng ngày; nhưng ở Tuệ Sĩ đời sống hằng ngày, ý thức và vô thức dường như đã thăng hoa, thành một siêu thức. Ngôn ngữ do đó cũng siêu thoát, khó bề lý giải chân phưong và đơn phương.
Đầu thế kỷ XX giới văn học tây phương đưa ra khái niệm “thơ thuần túy”, và nghệ thuật nguyên chất theo nghĩa của hóa học: thực thể nguyên chất đối lập với những thực thể tạp chất “impur”, có lẫn lộn nhiều ngoại tố. Nghệ thuật nguyên chất là kiến trúc của ngôn ngữ: một dạo khúc dương cầm, một tranh tĩnh vật, một bài thơ đẹp. Người thưởng thức không pha lẫn vào đó những kỷ niệm, buồn vui riêng tư, nhất là những thành kiến lịch sử, chính trị. Yêu một chân dung phụ nữ không phải vì nó hao hao giống một người bạn cũ.
Trong nghệ thuật, dân tộc là một tạp chất.
Tôi nghĩ khi Tuệ Sĩ đặt tên Những điệp khúc cho dương cầm, và làm những bài thơ mô tả tiếng dương cầm, là ông muốn cho tiếng thơ mình trong trẻo, thuần khiết “trong như tiếng hạc bay qua“. Do đó, bình giải thơ Tuệ Sĩ là tạo cơ nguy gây tạp âm không phải lẽ và không phải lúc. Bài viết này vẫn mang tạp âm là ngoài ý muốn của chúng tôi.
Lấy một ví dụ ngoài đề, cho thông thoáng. Nhà thơ Phạm Công Thiện, thời trẻ, có lúc tu tại một Phật Viện Nha Trang. Một hôm anh về chơi với nhà văn Võ Hồng, ở lại mấy hôm, khi về Chùa, anh có thơ:

Mưa chiều thứ bảy, tôi về muộn

Cây khế đồi cao trổ hết bông.

Anh tâm đắc thường đọc cho chúng tôi nghe, và chúng tôi hiểu đại khái, nhưng chưng hửng khi nghe Phạm Công Thiện, mười năm sau, tự dịch câu thơ ra tiếng Pháp :

Je suis le RetourIl fait Tard sur le Chemin

Sept jours après la pluie tombe

En hautdu Temple

L’arbre est leDéfleuri

Chúng tôi đã hiểu chung chung: thứ bảy là trước chủ nhật, cây khế là cây khế, ngọn đồi là ngọn đồi, nhưng qua bản dịch tiếng Pháp, thì nội hàm câu thơ không phải chỉ có vậy.
Nhưng nghĩ cho cùng, ai làm sao hiểu hết một câu thơ, kể cả tác giả?
Và cách tiếp cận thơ Tuệ Sĩ của bà De Miscault biết đâu là cách hay nhất, như câu tiếng Pháp không biết của ai “la voix du cœur est la voie au cœur”: lời trái tim là lối đến con tim.
Đọc thơ Tuệ Sĩ. Bằng trái tim.

Nỗi Nhớ :

Màu tối mù lan vách đá

Nhớ mênh mông đôi mắt giã từ

Rồi đi biệt

Để hờn trên đỉnh gíó

Ta ở đâu

Cánh mộng phù du
Tr. 18

Les ténèbres envahissant les pierres du murImmense le souvenir des regards de nos adieux

Et je m’en vais à jamais

Délaissant les chagrins aux cimes de l’ouragan

Où suis-je ?

Frêles sont les ailes de l’éphémère

Tình người:

Ta sống lại trên nỗi buồn ám khói,

Vẫn yêu người từ khoảnh khắc chiêm bao

Từ nguyên sơ đã một lời không nói

Nhưng trùng dương ngưng đọng cánh hoa đào

Nghe khúc điệu rộn ràng đôi cánh mỏi

Vì yêu người ta vói bắt trời sao.

Tr 50

Sur mes chagrins enfumés, je revis

L’Amour des hommes à chaque instant de mes songes

Dès l’origine la parole a été retenue

Comme l’océan retient le reflet du printemps en fleur

Des refrains animent mes ailes épuisées

Pour l’Homme, j’ouvre mes mains au firmament étoilé

Trần thế:

Theo chân kiến

Luồn qua cụm cỏ

Bóng âm u

Thế giới chập chùng

Quãng im lặng

Nghe mùi đất thở

Tr. 46

Traces de fourmi

Je faufile entre les herbes

Ténèbres des ténèbres

Les mondes s’amoncellent

Silences entre silences

J’accueille la terre respirante.

Thơ Tuệ Sĩ cô đúc, hàm súc, uyên áo. Người đọc không quen cho là khó hiểu, vì tác giả không đề cập đến một đề tài nào chính xác, không miêu tả không tự sự. Ngôn ngữ lấp lánh ánh sáng tâm cảm và ngoại gới, trầm tư và huyễn mộng. Hình ảnh chập chờn, ngôn từ lảo đảo, như những tiếng dương cầm đuổi bắt nhau, chưa kịp tương phùng đã muôn đời vĩnh quyết.
Thỉnh thoảng, người đọc cảm thấy an tâm trong đôi lời thơ mạch lạc:

Cửa kín chòm mây cuốn nẻo xa

Ngu ngơ đếm chữ, mắt hoa nhòa

Tay buồn vuốt mãi tờ hương rã

Phảng phất mưa qua mấy cụm nhà

Tr. 26

Người Thơ hé mở một thoáng tâm linh, nhưng hình ảnh vẫn mang tính cách tượng trưng, xa cách, xóa nhòa tâm sự cá nhân, pha loãng tình riêng vào làn mưa trên mái ngói.
Đôi khi người đọc gặp vài từ ngữ, ẩn dụ trở đi trở lại như những ám ảnh, tạo nên dăm viên đá cuội trên lộ trình cậu bé tí hon, nhưng dễ gì tìm được heo hút đường về.

Ngoại giới biết đâu là ảo giác:

Bóng sao đêm dài vời vợi

Thật hay hư, chiều nhỏ ưu phiền

Tr. 10

Và thơ, tập thơ mình cầm trong tay, những nốt nhạc, những hàng chữ “đen trắng đuổi nhau thảnh ảo tượng“. Thơ, tất cả thi ca trên cõi trần này biết đâu chẳng là ảo giác của ảo giác ?
Cần gì để nói thêm về Những điệp khúc cho Dương cầm của Tuệ Sĩ?
Phải chăng là tiếng ve sầu chung thủy, ưu hoài những mùa hạ đã ra đi?
Tiếng ve trở về,
Khóc mùa hè mà khô cả đại dương

Đặng Tiến (Orleans 17/8/2009)

damau.org

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2009

Thơ Trần Vấn Lệ

Mai Mốt Tôi Về Thăm Hậu Nghĩa

“Mai mốt tôi về thăm Hậu Nghĩa, thăm Trảng Bàng, thăm xóm đạo Tha La, thăm con sông chảy qua thành phố, Vàm Cỏ Đông ơi, nhớ lắm mà!”.

Từ núi Bà Đen tôi ngó xuống, mơ hồ Hậu Nghĩa dưới lùm mây, mơ hồ ai đứng bên song cửa, tóc mướt vô tình cơn gió bay...

Tôi nói gì em? Tôi mới nói. Tôi đang đâu nhỉ? Ở quê người! Hai mươi năm chẵn xa non nước, còn tấm lòng đây chưa bốc hơi!

Còn tấm lòng đây, tôi nhớ em, nhớ người con gái má hoa sen và chân hoa nở theo từng bước và nụ cười như trăng mới lên!

Còn tấm lòng đây, tôi với thơ, giấy xanh, giấy đỏ đã bao tờ, thả bay theo gió về vô tận mong đậu bên nàng một giấc mơ!

Một giấc mơ màng Hậu Nghĩa đâu? Củ Chi hầm hố có lên lầu? Xương thù, xương bạn, xương nào mục, Vàm Cỏ ơi chìm đi nước sâu!

Vàm Cỏ ơi về trong chiêm bao, một mai mưa nắng áo phai màu, tôi mà về được, tôi hay gió, em lạnh chiều nghe chắc hụt hao?

Nhớ quá. Thơ tôi bỗng rất buồn. Ai kìa hiển hiện giống như sương...Hai mươi năm chẵn tôi mường tượng: ai đó chờ tôi ở cuối đường...

TRẦN VẤN LỆ

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2009

lục bát Từ Hoài Tấn

Ủ TÌNH

Trưa dài mỏng cánh hoa bay
Người đi hơi hướm còn đây ghế ngồi
Ai về nhặt giúp tình tôi
Trải đường em bước qua rồi tan theo
Ngày heo hút quạnh kêu chiều
Yêu em cũng thử đâm liều một phen
Ướp tình cho tới lên men
Say lòng năm tháng ru quên cuộc đời


Trần Trung Sáng : Nhớ người mấy độ phong sương

Nhân ngày giỗ đầu nhà văn Sơn Nam (13/8/2008 -13/8/2009)

Phong sương mấy độ qua đường phố
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê”
Sơn Nam

Giới thiệu về Sơn Nam, nhà văn Bình Nguyên Lộc có lần đã viết: “Sơn Nam là một tâm hồn lạc lõng trong thế giới buyn-đinh và Mercedes, trong thế giới triết hiện sinh, tranh trừu tượng và nhạc tuýt. Nhưng đó là một tâm hồn đẹp không biết bao nhiêu, đẹp cái vẻ đẹp của lọ sứ Cảnh Đức Trấn ở Giang Tây (có khác lọ hoa Ý Đại Lợi ngày nay), và ít được người đời thưởng thức hơn là họ đã thưởng thức một tiểu thuyết gia chuyên viết về chuyện tình chẳng hạn. Nhưng phải nhìn nhận rằng, cái đẹp Sơn Nam bất hủ…”

sonnam-phamvanchau

Chân dung nhà văn Sơn Nam (tranh Phạm văn Châu)

Thực vậy, bên cạnh những trang viết giản dị, nhân hậu, thấm đậm dấu ấn vùng văn hóa Nam Bộ qua các tác phẩm: Hương Rừng Cà Mau, Vọc Nước Giỡn Trăng, Bà Chúa Hòn, Ngôi Nhà Mặt Tiền, Một Mảnh Tình Riêng, Dạo Chơi,… hoặc những công trình nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa dân gian như: Văn Minh Miệt Vườn, Gia Ðịnh Xưa, Bến Nghé Xưa, Người Sài Gòn, Gia Định Xưa, Phong Trào Duy Tân Bắc-Trung-Nam,… nhà văn Sơn Nam còn có không ít những truyện ngắn và tản văn ẩn chứa nỗi niềm cô tịch, lạc lõng như ông đã thố lộ trong bài thơ duy nhất của mình (bài thơ không tên, được viết làm lời tựa cho tập truyện Hương Rừng Cà Mau xuất bản ở Sài Gòn năm 1961):


Năm tháng đã trôi qua
Ray rứt mãi đời ta
Nắng mưa miền cố thổ
Phong sương mấy độ qua đường phố
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê

Giấc mơ thầm kín

Là một người dành nhiều năm tháng rong chơi phong sương trên đường phố, đến mức được định danh là “ông già đi bộ”, do đó, khi đọc những trang văn của Sơn Nam, chúng ta sẽ không ngạc nhiên, khi hầu như luôn gặp gỡ ông phác hoạ những con phố nghèo nàn; những phận người bươn chải trong cuộc mưu sinh trầy trụa; những đứa bé trần như nhộng, nô giỡn giữa vũng bùn lầy… Phải chăng, chính từ cái thực tế lầm than như vậy, mà rải rác những nhân vật của ông thường nhen nhúm một giấc mơ thầm kín, nuôi khát vọng đổi đời. Đó là: giấc mơ trúng số!.

Điển hình nhất, chỉ với một tập truyện Người Bạn Triệu Phú (Nxb Khai Trí, 1971), gồm 10 truyện ngắn, thì đã có hơn 5 lần ông nhắc đến chuyện trúng số.

Trong truyện “Nhớ Năm thìn”, khi nhắc đến cảnh lụt lội tang tóc ở miền Trung, nhà văn Sơn Nam mong muốn làm một điều gì đó để chia sẻ cùng người hoạn nạn. Ông viết: “Người đang uống rượu, người đang hát, người đang đắp mền, người đang thất nghiệp đều muốn giúp đồng bào. Chỉ cần tổ chức đừng câu nệ hình thức. Kẻ hoang phí đang muốn mua vé số”.

Ổ truyện “Một kiểu làm ăn”, gặp lại người quen cũ trở nên thành đạt, giàu có, ông có đoạn:

- Làm nghề gì vậy? Trúng số độc đắc?
Anh ta im lặng hồi lâu:
- Tôi đâu có mua giấy số.

Trong truyện “Người bạn triệu phú”, nhà văn Sơn Nam kể lại: khi đến thăm một người bạn ở một xóm nhỏ lao động, tình cờ một bà hàng xóm báo tin ông hay: “Ổng trúng số độc đắc!”, thế là Sơn Nam nửa ngờ nửa tin, vừa muốn ghé vào thăm, vừa thấy phân vân. Cuối cùng, ông mạnh dạn mở cửa vào gặp bạn, thấy chẳng hề có chút biểu hiện nào vui mừng đặc biệt. Cảnh sinh hoạt gia đình của bạn cũng thể hiện vẻ túng quẩn, cơ cực như mọi ngày. Nói bóng gió chuyện “trúng số”, người bạn vẫn thản nhiên…

Về sau, khi đọc tin trên báo (lúc ấy, người trúng độc đắc phải in hình và tên trên báo) biết chính xác là bạn đã trở thành triệu phú, ông mới nghiệm ra một quy luật: “Hễ trúng số 1 ngàn, mình hò hét, khoe khoang với anh em chòm xóm, niềm vui của mình được trọn vẹn, cởi mở. Còn nếu trúng một đôi triệu, mình trở nên con người khác… vừa lo lắng, vừa sợ sệt cho tương lai”.

Cảm động nhất là ở câu chuyện “Con gà què”.

Một hôm, Sơn Nam gặp một anh đồng hương làm nghề đạp xích lô, cứ nằng nặc đòi chở ông đi. Anh ta cứ chở đi lòng vòng mãi, mà không nói rõ mục đích làm gì. Hồi lâu, đến lúc dừng lại, anh ta mới ấp úng lật từ nệm xe, khoe với Sơn Nam 3 tấm vé số cặp ba, cùng tờ giấy dò, để biết rằng đó là 3 tờ vé trật. Thế nhưng, anh phu xe nói: “Người ta số 1, còn tôi số ‘dia rô’. Nói thiệt cho thầy thương, hồi tối rồi, tôi thức suốt đêm, không dám báo tin cho vợ tôi biết, sợ vợ tôi buồn rồi tức tối, gia đình tôi đã nghèo lại gặp thêm chuyện buồn thảm. Tôi uống rượu liên miên. Tôi mua cái bao thơ, để dành 3 tấm giấy số đó làm kỷ niệm cuộc đời. Nhích một chút là đời tôi đâu phải như vầy. Từ số ‘dia rô’ nhích qua số 1. Trời ơi! Có một chút xíu mà sao coi bộ khó quá”.

Sau 1975, ông vẫn tiếp tục liền mạch qua nhiều tác phẩm với phong cách độc đáo rất “Sơn Nam”. Và chừng như giấc mơ trúng số của ông vẫn không ngừng nghỉ.

Chẳng hạn, ở tập sách Tuổi Già (Nxb Văn học, 1997) – một trong những tác phẩm cuối cùng của Sơn Nam, ông có những đoạn: “Mua giấy số lai rai, nhưng mươi năm qua chưa thấy ai trúng được bạc triệu! Người giàu nhất ở ven xóm Hố này là… ông chủ trại hòm, ta gọi đó là mặt hàng mua không cần trả giá” (tr. 113), hoặc: “Gần Bích, khi thằng bé bán giấy số đến, người nọ mượn quyển xổ số tỉnh Tây Ninh từ hai ngày trước. Xem sơ qua, xé nát hơn hai chục tấm, ném xuống đất, mua cho thằng bé hai tấm, gọi là xã giao”(tr.123). Một đoạn khá thú vị, khi nhắc đến sự việc thi sĩ Bùi Giáng xuất hiện ở một xóm nhỏ: “Có người nảy ra sáng kiến ‘Giáng’cũng đồng âm với con gián, con rệp. Con gián tương ứng với con nhền nhện, bèn đánh đề lấy số 33, nhưng lại trật lất! Bà con bảo rằng mấy ông thi sĩ làm thơ quá cao siêu, nhưng chẳng ích lợi cụ thể gì cho dân nghèo cả” (tr.113).

Tấm giấy số đời người

Nhiều người cho rằng, khi còn sống, nhà văn Sơn Nam là người nghèo, nhưng khi mất đi, ông trở thành nhà giàu với phần mộ lên đến hơn cả tỉ đồng. Cứ y như trúng số!

sonnam-buttich Thực vậy, tọa lạc ở vị trí đắc địa nhất của khu Nghĩa trang công viên Bình Dương, ngôi mộ của nhà văn Sơn Nam rất bình dị mà độc đáo như tính cách của ông. Toàn bộ đá xây mộ được mua từ Bình Định. Trên phần bia, bên cạnh chữ “Sơn Nam 1926 – 2008”, những người thực hiện đã khắc khuôn mặt của Sơn Nam bằng đá. Theo ông Nguyễn Văn Thiền – Chủ tịch Hội đồng quản trị Nghĩa trang công viên tỉnh Bình Dương, chân dung của nhà văn Sơn Nam được lấy từ một tờ báo có in hình nhà văn đang đi thực tế, mang túi balô nhỏ có ổ bánh mì. Bên ngoài phần mộ, có hai tảng đá to với hai câu thơ: bên trái là “Phong sương mấy độ qua đường phố”, bên phải là “Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê”.

Sinh thời, nhà văn Sơn Nam đã đồng ý ký tặng xác mình cho Nghĩa trang công viên tỉnh Bình Dương với lý do: “Người ta quý mình thì mình nhận lời thôi”. Để có được “hợp đồng” lạ lùng này, ông Nguyễn Văn Thiền đã gặp nhà văn Sơn Nam và gia đình ông trước ngày ông mất hơn một năm. Ông Nguyễn Văn Thiền không phải là người hâm mộ văn chương của Sơn Nam, chưa từng đọc qua Hương Rừng Cà Mau. Ông chỉ đọc rất ít tác phẩm của Sơn Nam nhưng một số truyện ngắn, một số bài báo của nhà văn đã để lại trong ông một ấn tượng sâu sắc về một con người không cầu vinh lợi, sống giản dị toát ra trong từng câu chữ mộc mạc. Ông Thiền nói: “Khi sống, ông ấy vì mọi người thì khi mất đi, mọi người phải vì ông ấy. Những người như nhà văn Sơn Nam xứng đáng được yên nghỉ ở nơi đàng hoàng tử tế. Đó không chỉ là tâm huyết của tôi mà còn của tập thể mọi người ở Nghĩa trang công viên Bình Dương”.

Phải chăng, đó là tấm giấy số đời người, sinh thời nhà văn Sơn Nam thường đợi chờ, chừ đây mới có được?

Phụ Lục: Sơn nam ở xứ Quảng

sonam-nguyenvanxuan

Sơn Nam và nhà văn Nguyễn Văn Xuân ở Đà Nẵng

Một trong những lần hiếm hoi nhà văn Sơn Nam ghé đến miền Trung và quê hương đất Quảng (cách đây đã hơn 10 năm ) chủ yếu là hành hương, tìm thăm cội nguồn, nền tảng sự nghiệp các chúa Nguyễn và những công thần khai khẩn đất phương Nam.Dù vậy, ông đã dành khá nhiều thời gian riêng tư với người bạn vong niên là nhà “Quảng Nam học” Nguyễn văn Xuân. Tôi không biết, hồi trước 1975 hai nhà văn đã từng gặp gỡ nhau nhiểu lần chưa, nhưng quả nhiên, lúc hai tác giả Khi Những Lưu Dân Trở LạiHương Rừng Cà Mau ngồi bên nhau, ngẫu nhiên chúng ta như được nhìn thấy những trang sách lớn đồ sộ liền mạch, đầy sống động về công cuộc mở rộng, khai khẩn đất đai của người dân nước Việt.

May mắn được tiếp kiến ông, tôi tò mò hỏi: thỉnh thoảng có những bài báo phác họa nên một chân dung Sơn Nam có vẻ nhếch nhác, khổ sở…, điều đó có đúng lắm không? Lúc ấy, nhà văn Sơn Nam cười khà khà bảo: “Hỏi ông Xuân thử!” rồi nói tiếp: “Họ thường viết về tôi như vậy, có lẽ cũng từ lòng tốt mà thôi. Thực ra, họ không hiểu hết về tôi…”.

sonam-trantrungsang

Sơn Nam và tác giả Trần Trung Sáng

Hôm ấy, ngồi ở một quán nhỏ ở đường Lê Lai ( TP Đà Nẵng), bên cạnh nhà văn Sơn Nam, nhà văn Nguyễn văn Xuân cũng cười khà khà khà như ông. Hai ông không bàn thêm về những “ khổ đau” và “hạnh phúc” cuộc đời riêng nữa, mà tán gẫu về những chuyện nguồn gốc phong tục, tập quán, văn hoá, ẩm thực… phát triển từ thời khai mở Đàng Trong đến ngày nay. Chúng tôi mời nhà văn Sơn Nam thưởng thức món ăn bánh nậm của một chị bán hàng rong. Ông thích thú khen ngon, bảo nó rất đặc trưng Quảng Nam và hẹn lần sau trở lại sẽ ăn nữa. Nhưng đâu ai biết được, đó là lần cuối cùng ông ghé đến miền đất này.

Giờ đây, nhà văn Sơn Nam đã về cõi vĩnh hằng. Nhà văn Nguyễn văn Xuân cũng đã ra đi trước đó không xa.

TTS

nguồn damau.org

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2009

hoàng hôn nhớ nắng

Nắng chiều chia nửa cho tôi
Một phương là tiếng môi cười vô thanh
Một phương là nỗi ngọn ngành
Âm vang ngày mới nắng hanh lối về
Ráng chiều nửa ngọn mân mê
Mai về dầu có phương quê đợi chờ

Tôi chia nửa nắng cho người
Hơ tình cho ấm một thời rét băng
Tôi chia tôi chút nắng tàn
Một ngày xa bước chân nàng mù khơi

Nắng chiều chia hết cho tôi
Ngày mai nữa lại chờ người ấy chăng ?

TỪ HOÀI TẤN

Thứ Hai, 10 tháng 8, 2009

MỘT THỜI TÔI ĐANG SỐNG CUỘC ĐỜI TÔI ĐANG QUA

Mỗi sớm mai cùng với tiếng phát thanh của đài truyền thanh huyện Đức Hòa
Lúc năm giờ
Tôi thức dậy
Nhóm lửa nồi nước súp
Chất đầy lên chiếc xe lăn
Những thứ vặt vảnh
Chén đũa tô muỗng hủ lớn hủ nhỏ tương chao nước mắm rau thơm tiêu hành tỏi ớt
Đẩy xe lên ngã tư
Ngã tư ngã tư
Bắt đầu một ngày phố chợ


Mỗi sớm mai cùng với tiếng gà gáy tàn đêm rựng sáng
Tôi biết mình đang sống
Và đang thức dậy
Với nỗi ngậm ngùi khôn tả
Ngoài đường tiếng xe bò lọc cọc lăn
Chị bán hàng rau gánh vội
Đẩy xe lên ngã tư
Ngã tư ôi ngã tư
Thời đại tôi – cuộc sống tôi
Đã bắt đầu
Đang bắt đầu
Ở ngã tư
Ngã tư ôi ngã tư


Bạn có bao giờ nghĩ rằng tôi
Qua từng đêm trắng
Trến chiếc ghe con
Mái chèo vời vợi
Sông nước đùa vui
Bỏ mười năm trôi dạt bến bờ
Cơm áo thê nhi
Giăng trãi đời mình lên cuộc sống
Vật vã kế sinh nhai
Phảng phất tiếng kêu gọi của trần gian
Những lo toan nhà cửa – thóc gạo – cá mắm
Thời tiết giông ngang – gió chướng – mưa nắng trộn mùa
Những ngày trầm mình dưới con nước nổi
Đồng tháp mười mênh mông
Sự sống trên từng cọng bàng non vượt nước từng khúc củi mục xeo lên từ lòng đất


Tôi có kinh nghiệm của kẻ đắm tàu
Trôi bập bềnh trên biển rộng
Tôi cũng có kinh nghiệm của kẻ thát phu
Rượu uống mềm không mỏi miệng


Hằng sớm vẫn lúc năm giờ
Đời của tôi tiếp diễn
Đẩy xe lên ngã tư
Ngã tư
Ôi ngã tư


Thời đại đang qua trên đầu
Đang trỗi những hồi kèn dậy đất


TỪ HOÀI TẤN
Hậu Nghĩa 1989

Trích từ Hành tinh phiêu lạc - NXB Thuận Hóa 2003

BÀI TÌNH CA Ở HẬU NGHĨA - Thiếu Khanh


em mắt nghìn thu xanh cỏ biếc
ta lên rừng thẳm ngủ chiêm bao
vòng tay thân ái xa biền biệt
ta gặp nhau mà vẫn nhớ nhau

em nhớ ta hay ta nhớ em?
từng đêm lặn lội giữa bưng biền
ta qua Hậu Nghĩa ngày mưa xám
róc vỏ thân tràm ta viết tên…

năm tuổi chiến trường xuyên vạn lý
núi sông biết mặt đứa phong trần
yêu em ta bỗng thành thi sĩ
thơ lính hong ngời mắt mỹ nhân.

ta trót đam mê ngùn ngụt lửa
nghìn đêm nuôi nấng mộng phi thường.
cho em một cánh tay gần gũi
dành một tay vào buổi nhiễu nhương.

đôi lúc toan vung cờ nghĩa khởi
cùng em đi tiếu ngạo giang hồ.
ngao du trên suốt vùng biên giới
về đóng quân doanh ở Hố Bò.

mình không cười giễu ta cuồng vọng
chỉ sợ nhàu phai áo học trò
theo gã thư sinh làm loạn tướng
e mình lây phải mộng phiêu du!

đêm ta đụng trận trong Vàm Cỏ
lửa sáng rừng sâu nhớ mắt nàng.
ngày hát nghêu ngao qua Thố Mố
trong lòng nỗi nhớ chợt thênh thang!

Đức Huệ – Củ Chi đến Đức Hòa
quê huơng nàng hoá quê hương ta
năm năm vác súng giang hồ vặt
chỉ nhớ tình nhân chẳng nhớ nhà.

ta tự miền Trung vào Hậu Nghĩa.
đồng chua ngâm nứt gót chân chai
tóc em chao gió thơm rừng mía
reo giữa hồn ta tiếng hát dài...

Hậu Nghĩa, 1967
THIẾU KHANH

Thơ Hoàng Lộc


tắm ngựa

ta ở ngoài trung rầu ngọn bấc
vô nam, nghe gió bỗng se lòng
xứ người đã lắm tay thành đạt
sao một ta đây còn long đong ?

bạn vốn thương hồ, mê ngựa chiến
nuôi đôi con - Tết, thả trường đua ?
ta ăn nhờ bạn, giúp việc bạn
tắm ngựa cho quen gió trở mùa

khi hát lưng chừng bài Tẩy Mã
nghĩ mình hơn hẳn Uất Trì Cung
mồ hôi ngựa với ta-đầy-rượu
tiếc bạn không là Đường Thế Dân !

tiếc bạn xô bồ mâm phú quí
ham chơi bỏ mặc cái trăng thề
gió lên, vó dựng, rung bờm - hí
ngựa muốn dành ta nỗi nhớ quê ?

ta chẳng rành chi coi tướng ngựa
ngó nhau, bốn mắt chạnh khô vàng
ngửi nhau chợt thiết thân ngày cũ
mới biết mình với ngựa - đồng hương...

Hoàng Lộc

Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2009

Thơ

TỪ HOÀI TẤN
Lau lách ngàn sông

Ta về bước qua năm tháng
Chừng nghe cháy mộng giang hồ
Đường xưa không còn vướng bận
Ngày dài vẳng gọi hồn thơ

Sinh biệt mấy lần quá khứ
Nguồn vui nẻo tận mong người
Ai chờ ai mùa ngô lúa
Giông mưa bạt gió bời bời

Không chờ thì sầu cũng tới
Theo em bốn hướng mây giăng
Trăng về không soi lầm lỗi
Những ngày êm ái miên man

Ta về vội lời từ tạ
Tháng năm gió thổi ngang đầu
Thuyền vui ngàn sông lau lách
Tình em thoảng phất trước sau