Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2010

Từ Hoài Tấn - ba bài thơ mùa thu

Hương chiều

Nắng ngát hương chiều
Vẻ lao xao của nỗi nhớ
Trầm tư xanh
Chiếc lục lạc kêu bên kia đường
Gã trai trẻ mang chiếc mặt nạ tuồng và một gánh hàng bày biện
Bây giờ là mùa thu
Và lễ hội Halloween
Hàng cây vươn những cánh tay chào mời đêm
Người ngồi đội nón lệch
Trong sâu thẳm của rừng tóc thiếu nữ bức tranh pha trộn màu cam
Nhìn nghiêng về quá khứ
Bây giờ là mùa thu
Điệu múa của cơn gió pha phất cuối ngày chiều còn hương nắng ngát


Ngẫm Nghĩ Mùa Thu

Trong một cái quán nhiều người ngồi quanh chiếc bàn vuông
Những ly nước màu ngà
Trò chuyện
Mùa thu đi trên đường
Theo chiếc lá vàng rơi không rơi
Nhiều tiếng cười khẽ
Thì thầm đâu đó những lời tình tự vẳng xa của đôi tình nhân trong góc quán
Mùa thu bước qua đường
Có ai vẫy tay chào đón


Thời Xanh

Ở nơi đây tiếng dạ cầm ngân hằng đêm
Căn nhà không cổng đóng
Nhiều năm qua không bóng người thăm
Chỉ còn những chú chim sâu trên nóc nhà mỗi ngày ra vào ríu rít
Chuyện kề về những ngày vui vầy của hai người yêu nhau hò hẹn nơi chốn này
Sâu thẳm vùng quá khứ
Bao mùa qua cùng với nắng mưa
Thời tiết và tháng ngày
Ngôi nhà thầm lặng giữa không gian tưởng nhớ tôi
Với tiếng dạ cầm bồi hồi một thuở
Xuân xanh


TỪ HOÀI TẤN

Thứ Năm, 28 tháng 10, 2010

Đặng Tiến - BÙI GIÁNG, SƠ THẢO TIỂU TRUYỆN

Des lisières lointaines les cerfs ont bramé
Từ ven rừng xa tiếng nai gào gọi
Apollinaire

Sơ thảo, gọi như vậy vì tính cách sơ lược của bài viết. Vì một số dữ kiện nêu lên, không chắc chắn, dù cho người viết hết lòng tìm căn cứ. Chung quanh Bùi Giáng có nhiều giai thoại, dần dần trở thành huyền thoại, đồng thời với những tư liệu có khi không hợp lý, hay mâu thuẫn, không dễ gì kiểm chứng.
Sơ thảo, vì lối biên tập còn rườm rà, khi chúng tôi cố tình muốn đưa ra nhiều tư liệu, có lúc ngoài lề, để người khác có thể men theo và truy cứu thêm, về chuyện này hay chuyện khác. Sơ thảo, tóm lại, không phải là lời từ tốn vào đề chiếu lệ, mà là lời mời gọi giới văn học và độc giả cải chính, bổ sung đào sâu hay nâng cao. Bùi Giáng đứng tên trên khoảng 60 đầu sách, chủ yếu là 14 tập thơ, xen kẽ 19 dịch phẩm, 6 sách giáo khoa đầu tay, phần còn lại là biên khảo về triết học và thơ.
Hiện nay còn khoảng 10 tập thơ và nhiều văn bản dịch, chưa in. Trên cơ bản, Bùi Giáng là nhà thơ.
*
Bùi Giáng là tên thật. Có khi sử dụng nhiều bút danh khác: Vân Mồng, Bùi Bàng Giúi, Búi Bàng Giùi, Báng Giùi, Trung Niên Thi Sĩ, Ðười Ươi Thi Sĩ. Ông sinh ngày 17 tháng 12 năm 1926, Bính Dần, tại làng Thanh Châu, nay đổi thành Duy Châu vì thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam [1] . Thân phụ là Bùi Thuyên, tục danh Cửu Tỳ, địa chủ giàu có; thân mẫu là Huỳnh Thị Kiền, còn tên là Hai. Cụ Bùi Thuyên có hai đời vợ, bà trước là con Phạm Tuấn, là một trong năm tiến sĩ đồng khoa 1898 cùng quê Quảng Nam, gọi là Ngũ Phụng Tề Phi [2] . Bà mất sớm khi hạ sinh người con thứ ba. Bà sau là cháu nội cụ Hoàng Văn Bảng, em ruột Hoàng Diệu, phó bảng khoa 1853, Thượng thư Bộ Binh, Tổng Ðốc Hà Ninh, tuẩn tiết tại Hà Nội năm 1882. Bà sinh được hai gái và bảy trai. Bùi Giáng là con thứ năm, kể cả con bà mẹ trước, nên còn tên là Sáu Giáng. Những chi tiết này chứng tỏ Bùi Giáng xuất thân tự một giòng họ gia thế. Họ này gốc Nghệ An, di dân vào đây từ đời Hồng Ðức [3] . Nhiều người trong giòng họ này nổi tiếng như bác sĩ Bùi Kiến Tín, sản xuất dầu khuynh diệp, kỹ sư Bùi Thạnh, hay giáo sư Bùi Xuân Bào, gia đình ra lập nghiệp tại Huế. "Dòng họ Bùi giàu có bậc nhất trong vùng với những sở ruộng "cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi". Bùi Giáng trong mắt người dân thuở đó là một trang công tử. Dòng họ Bùi gốc ở Vĩnh Trinh lên ngụ cư ở Trung Phước khoảng những năm đầu của thập kỷ 40. Hồi đó, dòng họ có những căn nhà lầu đầu tiên ở xứ này. Trong nhà của họ có rất nhiều nô bộc. Sau này, nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân nhận xét rằng những dòng họ giàu có nổi tiếng ở xứ Quảng đều sinh sống dọc hai bên triền sông, tận dụng lợi thế "nhất cận thị, nhị cận giang" [4] . Sông Thu Bồn quanh năm có lưu lượng cao, nối liền miền Thượng Du với cửa Ðại (Hội An), cửa Hàn (Ðà Nẵng) và cửa Kỳ Hà (Tam Kỳ) qua nhiều sông lớn khác. Do đó, Vương Quốc Chăm đã đóng đô tại vùng Trà Kiệu, bên sông này, khoảng thế kỷ IV. Nhờ kinh tế phồn thịnh, dân địa phương nhiều người học hành và đỗ đạt. Bùi Giáng sinh ra và lớn lên giữa "những dãy nhà rộng thênh thang tường xây bằng đá" [5] . Thời niên thiếu giữa một thiên nhiên phong phú, nhiều sắc thái: sông hồ, đồi núi, ruộng nương là một thiên đường mà Bùi Giáng suốt đời hoài vọng, và gọi là cố quận. Trong Ngày Tháng Ngao Du, ông kể: "Hồi nhỏ, tôi được sanh ra và lớn lên trong miền quê hẻo lánh. Chung quanh có ruộng đồng sông núi trùng điệp, những đám cỏ chạy suốt tuổi thơ. Làng tôi xưa kia có nhiều cỏ mọc, cỏ mọc từ trong làng ra ngoài ruộng, tới những cồn, gò, đồi núi thật xanh. Từ đó về sau, tôi tìm kiếm mãi một màu xanh không còn nữa vì những trái bom và hòn đạn khổng lồ". Có lẽ vì vậy mà mãi đến tuổi 71 ông mới về quê sau non 50 năm xa cách, qua bài thơ Tâm Sự, 1996, trong Ðêm Ngắm Trăng.
Về học trình của Bùi Giáng, tư liệu chi tiết nhất là bài diễn văn năm 1995 của Bùi Văn Vịnh, em ruột: "Thuở nhỏ, anh học trường Bảo An, tại Ðiện Bàn, Quảng Nam. Sau đấy, anh theo Trung học ở trường Thuận Hóa, Huế. Năm 1945, đang lớp đệ tứ thì gặp đảo chính Nhật, song anh kịp đậu Thành Chung (Diplôme). Cùng năm, anh lập gia đình riêng - chị qua đời ba năm sau. Việt Minh lên, anh trôi nổi khắp các tỉnh Nam Ngãi Bình Phú của Liên Khu V trong vùng kiểm soát này. Cho đến 1950, khi có kỳ thi Tú tài đặc biệt do Liên Khu V tổ chức ("đặc biệt" vì đề thi do Liên Khu IV gửi vào, thi xong bài thi gửi ra Liên Khu IV chấm), anh đậu Tú tài II Văn Chương, rồi lên đường ra Liên Khu IV, tới Hà Tĩnh, để tiếp tục vào học Ðại Học. Từ Liên Khu V ra Liên Khu IV phải đi bộ theo đường mòn trên núi, hơn một tháng rưỡi trời. Khi ra đến nơi, trong ngày khai giảng sau khi nghe ông Viện trưởng Ðại học đọc diễn văn, Bùi Giáng quay ngay về Quảng Nam - với một tháng rưỡi đi bộ nữa theo đường mòn trên dãy Trường Sơn. Và anh bắt đầu quãng đời "Mười lăm năm chăn dê ở núi đồi Trung Việt". Xin mở một ngoặc đơn: con số "15" được hiểu với nghĩa tượng trưng của điển " mục dương", và anh chăn dê chứ không bò hay trâu! Tháng 5-1952, gửi đàn dê lại cho... chuồn chuồn, châu chấu, anh băng qua Huế lấy Tú tài tương đương, để vào Sài Gòn ghi danh theo học Ðại Học Văn khoa. Lần này nữa, sau khi nhìn danh sách các giáo sư sẽ giảng dạy, anh quyết định chấm dứt việc học ở trường của mình tại đây" [6] . Nhiều bài biên khảo sử dụng tư liệu này, vì tư cách của tác giả và những dữ kiện cụ thể được đưa ra. Nhưng cũng có người tự hỏi: Hà Tĩnh thì làm gì có đại học? Năm 1952, thì Sài gòn làm gì có đại học văn khoa [7] ? Chúng tôi dò hỏi và đề nghị một học trình khác của Bùi Giáng:
Tiểu học: Bùi Giáng có học trường Viên Minh, Hội An,
1940 ông bắt đầu vào Trung Học, trường Cẩm Bàng, Quy Nhơn. Trường tên như thế vì là tên làng của chủ trường, ông Lâm Tô Bông, người Quảng Ngãi.
1941-1945: Bùi Giáng ra Huế, học trường Tư thục Thuận Hóa. Thầy là các vị Hoài Thanh, Ðào Duy Anh, Trần Đình Ðàn, Lê Trí Viễn...Hai ông sau là cùng quê với Bùi Giáng. Nhà thơ khâm phục và về sau có viết bài ca ngợi các bậc thầy này.
1945: Nhật đảo chính. Ông đỗ bằng Thành Chung, thường gọi là Diplôme, sau khi thi hỏng năm trước, và ở lại lớp Tứ Niên C.
1943: Bùi Giáng đọc trên báo Bạn Ðường, do Hướng Ðạo chủ trương, in tại Thanh Hóa, mấy câu thơ: Mịt mùng một nẻo quê chung Người về Cố Quận, muôn trùng ta đi. Theo Bùi Giáng "đây là một niềm tương ngộ, cuộc trùng phùng, những tao ngộ tình cờ trong một cuộc Hội Thoại". Có thể xem như là khởi điểm nguồn sáng tạo văn học của Bùi Giáng, như ông thổ lộ ở phần đầu Lời cố Quận (1972), mà không cho biết tên tác giả câu thơ. Tuy nhiên trước đó, trong Ði vào Cõi Thơ (1969), Bùi Giáng có trích hai câu này trong một đoạn 4 câu trong bài Cảm Thông (12 câu, 1940) và nói rõ là của Huy Cận. Bài này chưa bao giờ được in ở các thi tập đã xuất bản của Huy Cận.
1945: ông về quê, cưới vợ, dọn lên Trung Phước, một làng Trung Du hẻo lánh.
Vợ ông tên Phạm Thị Ninh, trạc tuổi ông, sinh trưởng trong một gia đình công chức khá giả, ông bà Phán Trai, Hội An, ở gần Chùa Cầu, nay còn người em là Phạm Văn Hòa, 71 tuổi. Bà Ninh qua đời năm 1948 vì bệnh dài hạn và đẻ non, đứa con cũng mất, tại làng Trung Phước. Người em, Bùi Công Luân, kể lại rằng khi mất, thì "chị không thấy mặt chồng. Anh Bùi Giáng bấy giờ đang ở Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên gì đó, nghe phong thanh anh đang đi học" [8] . Chúng tôi lần theo, và được biết là giai đoạn này, Bùi Giáng tiếp tục học tại trường Nguyễn Huệ Bồng Sơn, tỉnh Bình Định. Trường này không dạy đủ lớp, chỉ dạy hai trên ba năm, bậc Tú Tài, và chỉ dạy chuyên khoa Toán Lý Hóa. Bùi Giáng có ra Hà Tĩnh - bài Kỷ Niệm, trong tập Mưa Nguồn, làm tại Hà Tĩnh, 1951- nhưng có thể để học tiếp ban Tú Tài văn chương, rồi bỏ dở. Tháng 5-1952, Bùi Giáng về thành [9] . Rồi vào Sài Gòn dạy học. Học trình Bùi Giáng, chúng tôi chỉ biết có vậy. Trên cơ bản ông là người tự học và đã đạt tới một kiến thức uyên bác, làm nhiều người ngạc nhiên và kính phục. Chúng tôi phụ chú thêm ba điểm :
1. Việc hôn nhân: khi trả lời một bài phỏng vấn của báo Thời Văn, 1997, Bùi Giáng có tiết lộ: "phải thuận theo ý cha mẹ lấy cô vợ người thành phố Hội An, suốt đời không biết cày sâu cuốc bẫm là gì" [10] . Người em trai Bùi Công Luân xác nhận điều này trên báo Khởi Hành số 25 đã dẫn, nói rằng hai bên không yêu nhau.
2. Việc chăn dê: khoảng 1948, tại Trung Phước, chúng tôi tin vào kỷ niệm của ông Phạm Văn Hòa: "Ông anh rể tôi kỳ lạ lắm. Hồi đó ổng mua một đàn dê khoảng 100 con và rủ tôi đi chăn cùng. Buổi sáng ông thường lùa dê vào Giáp Nam, Gò Om, sau đó hai anh em rủ nhau xuống khe (suối) Le ngồi dưới bóng của các lùm tre và...đọc thơ suốt buổi. Có những buổi ổng lang thang lên tận các quả đồi hái hoa, lá kết vòng thơ thẩn đeo vào cổ cho dê... " Ðặc biệt Bùi Giáng rất thương vợ. Sáng nào ông cũng vắt một bát sữa dê đem chưng lên cho vợ uống. Tôi chẳng hiểu hồi đó ông có tâm sự gì nhưng chỉ biết ông nuôi dê để chơi thôi, không thấy bán (vì nhà rất giàu, đâu cần tiền), cũng không thấy giết thịt vì ông rất yêu những con dê. Mỗi con ông đặt cho một cái tên, rất kỳ lạ. Chuyện Bùi Giáng chăn dê nhiều người còn nhớ. Ðấy là hình ảnh một thanh niên hàng ngày lặng lẽ lùa dê vào núi, trên tay ôm một cuốn sách tiếng Pháp dày cộp. Quãng đời du mục của Bùi Giáng kéo dài khoảng 3 năm thôi nhưng sau này khi viết Nỗi lòng Tô Vũ, thi sĩ đã đề từ "Kỷ niệm một đoạn đời 15 năm chăn dê núi đồi Trung Việt Nam Ngãi Bình Phú". Mười lăm năm - nhiều người cho rằng có thể Bùi Giáng lấy thời gian lưu lạc của nàng Kiều để nói về đời mình" [11] .
3. Thời kháng chiến: ngày Toàn quốc Kháng Chiến chống Pháp, Bùi Giáng đúng 20 tuổi. Vậy ông làm gì? chẳng nhẽ chỉ chăn dê và làm thơ? Bùi Giáng có đi bộ đội, thời đó là Giải Phóng Quân. Trong lúc "vui lòng cởi mở" ở dưỡng trí viện Biên Hòa tháng 5-1969, ông có kể với các Bác sĩ trong viện: "trong thời trai trẻ, đi kháng chiến, một chiều nọ, mệt, đói, anh đang lê từ bước một với chiếc ba lô khá nặng sau lưng, thì vừa quẹo một đường mòn, anh chợt thấy một thiếu nữ thiểu số đang giặt áo bên bờ suối, anh vừa ngừng chân thì "Bông hoa rừng" nọ cũng vừa ngừng tay giặt, mỉm cười với anh và niềm nở hỏi chào anh. Anh tưởng mình như đang lạc vào suối Ðào-nguyên, và hình ảnh này vẫn không phai trong tâm khảm anh. Ðó là phần Cô em Mọi nhỏ; còn Hoàng hậu Nam-Phương thì đến với anh trên một bao thư: người mẫu nghi thiên hạ này, sau anh có gặp lại ở Huế - lần này, người thiệt, chớ chẳng phải là một con tem thư - nhưng thực và mộng vẫn không sai biệt." [12] Ðoạn văn được trích dài, để quy chiếu, về một chi tiết trong tiểu sử mà các tài liệu khác không đề cập, và trong chừng mực nào đó giúp ta hiểu thêm về hình ảnh người đàn bà - rất nhiều đàn bà - trong thơ Bùi Giáng.

*
1952 - 1960: về vùng "quốc gia", Bùi Giáng vào Sài Gòn lập nghiệp, dạy Pháp văn và Việt văn cho nhiều trường Tư Thục: Tân Thịnh, Vương Gia Cần...và gửi thơ đăng báo. Ông cư ngụ tại đường Trương Tấn Bửu, nay là Trần Huy Liệu, gần chợ Trương Minh Giảng, cùng với các em, trong một ngôi nhà giữa vườn cây vú sữa [13] . Võ Phiến, ở gần đó, thường lui tới. Có lần Bùi Giáng chiêu đãi Ðinh Hùng tại nhà, mời ăn Mì Quảng, nhưng tại một căn nhà đường Dixmude, Ðề Thám, theo lời kể của Mặc Thu [14] . Mì Quảng là món ăn quê hương mà ông tự hào và ưa thích. Có lần tuyên bố: "ta ăn hai ngàn tô mì Quảng nữa ta chết " [15] . Thời gian dạy học, ông đã soạn 6 cuốn sách giáo khoa, do nhà Tân Việt ấn hành, về Bà Huyện Thanh Quan, Lục vân Tiên, Kiều (1957), Tản Ðà, Chu Mạnh Trinh, Tôn Thọ Tường và Phan Văn Trị (1959) chủ yếu cho học sinh cấp hai. 1960-1975 : 1960: xuất bản Tư Tưởng Hiện Ðại, biên khảo về tư tưởng phương Tây, chủ yếu là chủ nghĩa hiện sinh đang thời thượng. Có thể xem như là sáng tác đầu tay quan trọng. Dường như từ thời gian này ông mới học tiếng Ðức, bắt đầu đọc Heidegger, do ảnh hưởng nhóm Phật giáo Vạn Hạnh với Thượng tọa Thích Minh Châu, Tuệ Sĩ, và Phạm Công Thiện. Hai cuốn về Heidegger, in 1963, trích nhiều tiếng Ðức. 1962: xuất bản tập thơ Mưa Nguồn, có bài làm từ 1950, thời chăn dê. Có lẽ Mưa Nguồn là tập thơ đều tay và giá trị nhất của Bùi Giáng. Liên tiếp, năm sau, là 4 thi phẩm: Lá Hoa Cồn, Ngàn Thu Rớt Hột, Màu Hoa Trên Ngàn và Sa Mạc Trường Ca. Dường như sau đó có thời gian ông về ở chùa Phát Hội, một trung tâm nghiên cứu Phật Học, tiền thân của Ðại Học Vạn Hạnh, với Nhất Hạnh, Tuệ Sĩ, Phạm Công Thiện,...
1965: chiến tranh leo thang. Cùng với nhóm trí thức: Nhất Hạnh, Hồ Hữu Tường, Tam Ích,... Bùi Giáng tham gia kêu goị hòa bình. Dường như đây là hoạt động chính trị chính thức duy nhất trong đời Bùi Giáng. Nhưng lá thư gửi René Char của Bùi Giáng chỉ nói đến hòa bình chung chung. Thời gian này ông chủ tâm dịch sách, xuất bản 13 dịch phẩm, nhiều nhất là Camus. Kịch bản Ngộ Nhận (le Malentendu) xuất bản 1967, đã đăng trên báo Bách Khoa từ 1963, và Bùi Giáng yêu thích Camus từ lâu. Dường như đôi bên có trao đổi thư từ.
1969: xuất bản 10 tác phẩm trong một năm, chủ yếu về thơ. Ðồng thời xảy ra tai nạn lớn: một hỏa tai thiêu rụi căn gác ông ở và chứa sách, trong ngõ Phan Thanh Giản, bây giờ là Ðiện Biên Phủ. Căn gác này do tu sĩ Thanh Tuệ, chủ nhà xuất bản An Tiêm, thuê cho Bùi Giáng ở, chứa nhiều tư liệu và rất nhiều sách, Pháp, Anh, Ðức, Hán, có ghi chú. Hỏa hoạn xảy ra khoảng 3 giờ chiều, trước đôi mắt bất lực của Bùi Giáng và Thanh Tuệ, thiêu rụi tư liệu, bản thảo, và sách tặng của Camus, dường như có cả sách tặng của Heidegger. Bùi Giáng, cuồng nhẹ từ trước, nổi cơn điên, được gia đình đưa vào dưỡng trí viện Biên Hòa đầu tháng 5-1969. Theo các bác sĩ của viện: "Người cầm bút cô độc này, bịnh đã chuyển từ cuồng nhẹ sang cuồng nặng" [16] . Không biết bệnh có di truyền hay không, vì thân sinh ông cũng bị cuồng nhẹ, theo lời người địa phương "thân sinh ông Bùi Giáng là ông Bùi Thuyên, thường gọi là Cửu Tỳ, Ông Cửu Tỳ cũng là một người ... điên, hàng ngày thường làm bộ cưỡi ngựa bằng mo cau đi từ làng Trung Phước đến làng Cà Tang đọc thơ, làm câu đối và đặc biệt ông này rất thích chọc ghẹo...các cô gái có nhan sắc!" [17]
Ra khỏi dưỡng trí viện, Bùi Giáng sống lang thang nay đây mai đó. Từ đầu năm 1973, ông dọn về khu nội xá của Ðại Học Vạn Hạnh, đường Trương Minh Giảng, có phòng riêng ở lầu 3. Thời gian này Bùi Giáng thỉnh thoảng có dự những buổi đàm luận chính trị với nhóm trí thức chủ hòa thời đó: Nguyễn Đăng Thục, Tuệ Sĩ, Ngô Trọng Anh,...nhưng vẫn ăn ngủ đó đây và biểu diễn nhiều trò lạ mắt trong y phục thùng thình trên hè phố Sài Gòn. Thân hữu và gia đình vẫn ồ ạt xuất bản sách cho ông. Tạp chí Văn đã ra một số đặc biệt Bùi Giáng tháng 5-1973, và Mai Thảo, phụ trách tờ báo giải thích về sau: "Phải làm cái gì về ông. Ðể ghi nhận lại". Mai Thảo còn kể tiếp: "chưa biết tìm Bùi Giáng ở đâu, thì thi sĩ bất ngờ ghé thăm tòa soạn. Ông chỉ còn là da bọc xương trong quần áo thùng thình, mái tóc dài đạo sĩ, cái túi vải còn thêm cây gậy (...)
Mấy tháng trước biến cố 1975, chỉ thỉnh thoảng nghe thấy ông vẫn lang thang đây đó, một quán này, một bãi hoang kia, ngủ bất cứ ở đâu " [18]
1975-1998: Sau 1975 bệnh cuồng trầm trọng thêm, dù rằng vẫn có lúc ông sáng suốt. Sống nhờ bạn bè và trợ cấp của gia đình từ nước ngoài. Có lúc ở nhờ chùa Già Lam, xóm Gà, Gia Ðịnh. Từ 1985, về ở với gia đình người cháu gái, đường Lê Quang Ðịnh, Tân Bình, Vợ chồng người cháu giúp Bùi Giáng định cư và định tâm, an dưỡng và sáng tác, đến ngày cuối đời. Hiện gia đình này còn giữ nhiều di cảo.
Từ 1992, tâm trí có phần ổn định, Bùi Giáng làm nhiều thơ trong năm 1993. Sau đó sáng tác cầm chừng, vẫn làm nhiều thơ. 1996 về thăm lại "Cố Quận" Quảng Nam khi đã 71 tuổi.
7-10-1998 (ngày 17 tháng Tám năm Mậu Dần): Bùi Giáng mất tại Sài Gòn vì bị tai biến mạch máu não. Ðêm 23-9, ông có uống rượu, trượt té và vào hôn mê sâu. Giải phẩu tối 25-9, nhưng ông vẫn hôn mê, cho đến 14 giờ ngày 7-10 thì qua đời.
Tang lễ được tổ chức trọng thể tại chùa Vĩnh Nghiêm. Khoảng 600 người, phần đông là thanh niên, sinh viên đến canh thức, ngâm thơ. Một đám tang nhẹ nhàng, nhắc lời ông thường nói, để đời: "vui thôi mà".
11-10-1998: an táng tại nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Ðức.
Hiện nay Bùi Giáng còn 10 tập thơ và dịch phẩm chưa in.
Đặng Tiến
Viết cho ngày tưởng niệm Bùi Giáng, 7-10-2003, Sơ Thu Quí Mùi
[1]Du khách đi thăm di tích Chàm ở Mỹ Sơn, từ quốc lộ số 1, lấy tỉnh lộ 610 khoảng 15 km sẽ đi qua làng Duy Châu. Ði thêm 30 km sẽ đến làng Trung Phước, nơi Bùi Giáng chăn dê, nay đổi là Quế Phước vì thuộc huyện Quế Sơn, phía mỏ than Nông Sơn. Cả hai làng đều nằm bên sông Thu Bồn, bờ bên này và bên kia.
[2]Năm người theo thứ tự là: Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn, Ngô Truân và Dương Hiển Tiến. Ngoại trừ Phan Quang huyện Quế Sơn, bốn người kia đều thuộc huyện Diên Phước, nay là Ðiện Bàn.
[3]Bùi Tấn, Chớp Biển, Sài Gòn, Anaheim 1996, tr. 35.
[4]Nguyễn Minh Sơn, báo Người Lao Ðộng, số Xuân Quý Mùi 2003, TPHCM.
[5]Bùi Công Luân (em ruột Bùi Giáng), báo Khởi Hành, số 25, tháng 11/1998, tr. 27, California.[6]Bùi Văn Vịnh, trong Chớp Biển, sdd, tr. 90.
[7]Trường Ðại Học Văn Khoa, Sài Gòn, có từ 1958. Trước đó, có lớp Văn dạy tại Ðại Học Sư Phạm, 1956. Khoa trưởng cả hai trường thời đó là G.s Nguyễn Huy Bảo, mà Bùi Giáng tỏ lòng ngưỡng mộ, như đã tuyên bố ở trang 17, báo Thời Văn, 6-1997, Sài Gòn. Tại Khu IV, khoảng 1948, chỉ có lớp dự bị Văn Khoa, 7 sinh viên học với g.s. Ðặng Thai Mai, Quần Tín, Thanh Hóa, và g.s. Cao Xuân Huy, Diễn Châu, Nghệ An. Cụ Huy là thầy Bùi Giáng môn Pháp văn, tại trường Thuận Hóa, Huế.
[8]Bùi Công Luân, trong Chớp Biển, sđd, tr. 15, có đăng lại trên báo Khởi Hành, số 16 tháng 2-1998, tr. 20, California.
[9]Cùng một thời điểm với nhà thơ Tạ Ký 1928-1979. Tạ Ký vào học trường Khải Ðịnh 1952, Huế, học đủ ba năm cấp ba, đậu Tú Tài năm 1955. Tạ Ký cùng quê, và ở cùng xóm, trong làng Trung Phước với Bùi Giáng. Làng này đã trở thành một đề tài thi ca qua câu thơ Tạ Ký: Trung Phước ơi, sông sâu dài uốn khúc, Tình cheo leo cao vút một con đèo. Trong chiến tranh, một chiều mưa bên bờ sông Vĩnh Ðiện, nhà thơ Tường Linh, quê ngoại ở Trung Phước, học trò Pháp văn của Bùi Giáng, nhìn về Trung Phước, có câu thơ cảm động : Thấy gì đâu, chỉ thấy núi mây mờ Lòng gọi mãi tên làng xưa Trung Phước! Nhà văn Võ Phiến, 1986, có lời bình luận: "Làng Trung Phước, ngày còn ở trong nước tôi chưa đến bao giờ, chính dân làng còn khó về làng huống hồ người xa kẻ lạ. Từ khi xa nước, nghe nói tới Trung Phước càng thấy mơ hồ típ tắp. Tôi đinh ninh đó là một làng đáng tưởng nhớ, đáng mê say : dễ gì một ngôi làng nhỏ bé hẻo lánh, mà có được hai thi sĩ dễ thương ngoan lành như vậy ? Hơn nữa, ngoài Tạ Ký và Tường Linh, làng Trung Phước còn liên hệ dến một thi sĩ thứ ba rất quen thuộc là Bùi Giáng, người đã từng sống với đàn dê tại đây một thời gian thời kháng chiến chống Pháp " (Võ Phiến, Văn Học Miền Nam - Thơ, nxb Văn Nghệ, tr. 3145, 1999, California.) Khi mộ Tạ Ký được dời về Gò Dưa, Thủ Ðức, Tường Linh có đọc điếu văn. Ngày nay cùng nghĩa trang với Bùi Giáng.
[10]Bùi Giáng, tạp chí Thời Văn, số 19, tháng 6-1997, tr. 26, TPHCM.
[11]Nguyễn minh Sơn, báo Người Lao Ðộng, sđd. Chúng tôi chua thêm hai điều : a. Mười lăm năm là cái "khớp" trong đời Bùi Giáng : mười lăm tuổi, rời thôn ấp về " thành phố " Huế, mười lăm năm sau, đất nước chia đôi, rồi 1969, vào dưỡng trí viện Biên Hòa, v..v...Ông có bài thơ Mười lăm năm: Mười lăm năm ngọn tử phù Mù sương cố quận chín tầng tầng rơi Linh cảm, có thể quan hệ với thân phận Thúy Kiều. b.Tâm sự u uất: Bùi công Luân xác nhận điều này, khi Bùi Giáng rời gia trang ở Thanh Châu miền trung du Trung Phước chăn dê: "dường như anh muốn xa lánh trốn tránh, thậm chí đoạn tuyệt với một cái gì đó. Có thể là một quá khứ với những kỷ niệm không phai. Có thể là một đoạn đời với nhiều bão giông còn âm " Bùi Giáng có thơ: Người điên mang một mối buồn Chưa bao giờ biết cỗi nguồn từ đâu (Một Lần Nàng Tiên)
[12]Thơ Ðiên, nxb Ki-Gob-Jó-Cì, Thái Bình Ðiên Quấc, năm Chó 70, tr. 81, 1970, Sài Gòn. Sách do các bác sĩ dưỡng trí viện Nguyễn văn Hoài, Biên Hòa, thực hiện, 140 trang khổ 16x24 cm.
[13]Viên Linh, Khởi Hành số 25 bđd, tr. 23.
[14]Mặc Thu, Khởi Hành, số 25, tr. 25.
[15]Trần Hữu Cư, báo Thời Văn, bđd, tr. 71.
[16]Thơ Ðiên, sđd, tr. 80. Giám đốc dưỡng trí viện là Tô dương Hiệp, con trai nhà văn Bình Nguyên Lộc. Bác sĩ chuyên trị Bùi Giáng và thân thiết, là Nguyễn Tuấn Anh.
[17]Nguyễn minh Sơn, báo Người Lao Ðộng, sđd.
[18]Mai Thảo, tạp chí Văn, số 26, tháng 8-1984, California, in lại trong Hợp Lưu, số 44, tháng 12-1998, tr. 15-16, California.
nguồn: www.art2all.net

Thứ Tư, 27 tháng 10, 2010

Gặp gỡ tháng Mười

Từ Hoài Tấn - Huỳnh Ngọc Thương (trước khi đưa gia đình đi định cư ở Mỹ)

Nguyễn Miên Thảo - Huỳnh Ngọc Thương

Huỳnh Ngọc Thương - Viêm Tịnh

Cao Quảng Văn - Từ Hoài Tấn

Viêm Tịnh - Cao Quảng Văn

Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2010

Thơ Hoàng Lộc

màu bạc

ơi em tình yêu màu gì ?
mà trăng anh thấy nhiều khi rất vàng
màu trong màu đục trường giang
và đôi khi cũng đại ngàn, biển - xanh

ngày xưa em biết dỗ dành
thương màu đỏ (tưởng tình anh, mặt trời)
để hồng lên má lên môi
thương luôn màu đá chạm lời hoa cương

rồi ra xám ngắt nỗi buồn
lá khô úa cả linh hồn thu đông
vai em suối biếc thành dòng
mà lòng em bạc trắng cùng màu vôi...

10-2010

Thơ Nguyễn Miên Thảo

TRÁI TIM CHẾT RẤT THẬT THÀ

nhiều khi ngày tới bất ngờ
mới hay còn sống đến giờ , lạ chưa
cuộc đời khi nắng khi mưa
chưa từng bão tố là chưa biết gì

từ ngày em bỏ ra đi
câu thơ cũng úa huống gì là ta
trái tim chết rất thật thà
tự nhiên sống lại vẫn là nỗi đau

từ ngày hai đứa xa nhau
ta tình nguyện đứng phía sau cuộc tình

nhiếu khi em rất lạ thường
yêu ta như thể lại dường không yêu
ta xoay đủ cả trăm chiều
phía nào ta cũng cô liêu một mình

Nguyễn Miên Thảo

Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2010

Thơ Lữ Thượng Thọ

TIỄN KINH KHA

Đưa người bầu rượu rung trong gió
Lạnh một dòng sông, lạnh Kiếm Thần
Ba nghìn tân khách bên sông Dịch
Một chiếc đò qua, mấy kẻ buồn?

Gươm vỗ không kêu nên không chém được
Thép lạnh đưa hồn đến cõi xa
Rượu uống chưa say, bầu dốc ngược
Ướt nhèm Thân thế dưới trăng tà.

Trăng ngà đẹp như bàn tay mỹ nữ
Ai vô tình mà cất một lời khen
Vợ của bạn đẹp qua từng giọt rượu
Tráng sĩ mà không dằn được cơn thèm

Ai đưa người ta không đưa người
Còn rượu đây ta uống một mình thôi
Không đưa đón, bởi không cần đưa đón
Mà tháng năm vẫn cứ lạnh lùng trôi

Đò ra giữa dòng, biết mình là dại
Ai thay ai? Mà ai mượn tay ai.
Kẻ chống kiếm nhìn lối về thăm thẳm
Trong túi chiến bào, khô một bàn tay.

12 / 1990

Lữ Thượng Thọ
http://art2all.net



Thứ Năm, 7 tháng 10, 2010

Thơ Lê Ngọc Quang

Một bạn đọc, Lê Ngọc Quang ở Hà Nội gởi bài thơ. Xin chép lại để cùng thưởng thức.

VẪN CÒN THƯƠNG MÃI HUẾ ƠI

Nhớ một chiều trở lại Huế thương
Bóng hàng cây nghiêng nghiêng giọt nắng.
Góc phố xưa quen quen đường nhỏ
Hẹn hò em mưa chợt ùa về.
Lao xao tiếng rơi mềm trên áo
Nép mình ao ước mãi bên nhau.
Từng chiều cùng em ngược Kim Long
Ngắm khói lam dưới chân Thiên Mụ.
Chuông ngân nao lòng người xa xứ
Một cõi thinh không ngập trĩu lòng.
Mái chèo khua sông hương lấp lánh
Hàng Phượng khoe sắc tuổi học trò.
Tan lớp áo dài ơi, tím Huế
Đong đầy nỗi nhớ Huế thương ơi.

( Hà Nội- Lê Ngọc Quang )

Thứ Tư, 6 tháng 10, 2010

Thơ Từ Hoài Tấn

Niềm cô quạnh khôn nguôi

Những con đường ôi những con đường không gặp một con đường nào cả
Sụ im lặng của ngọn lá nằm bên lề
Thinh không nghe gì tiếng hát âm âm u u
Bóng mây tan vào buổi xế

Em bước đi trên con đường này không gặp một con đường nào cả
Không gặp một ai
Không nghe một lời vang mù mù xiêu xiêu
Đội chiếc mũ trắng ra đi vào chặp tối

Ta ở trên con đường này không gặp một con đường nào cả
Ngày mùa thu ngai ngái mùi rơm xưa chốn nội đồng
Năm mười chin tuổi băng qua cơn lũ màu xanh ở phía đồng bằng ấy đã trở thành nỗi ám ảnh
Như một mũi tên lao vào hư vọng
Con đường dài không gặp một con đường nào cả



Công chức

Buổi sáng ngọ nguậy dậy
Vươn vai một lát
Rửa mặc súc miệng
Chải đầu
Ra ngồi ghế
Mang chiếc vớ
Mặc áo quần
Thắp hương bàn thờ ông địa
Lại nằm võng đu đưa một lát
Nghe tiếng rao xôi cúc ngoài hẻm
Bảy giờ sáng
Chuẩn bị đi làm
Đi làm đi làm
Không đi làm thì làm gì

TỪ HOÀI TẤN

Thứ Hai, 4 tháng 10, 2010

Ra mắt sách về đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh


Ông Trần Đình Sơn giới thiệu tập sách - Ảnh: L.Điền

TT - Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn vừa ra mắt tập sách Đồ sứ ký kiểu Việt Nam thời Lê - Trịnh (1533-1788) khảo tả các loại cổ vật dùng trong cung vua phủ chúa như tô, bình, chén, đĩa, nai rượu, ấm trà, chậu rửa... một thời gắn liền với kinh đô Thăng Long.
Tập sách ảnh khổ lớn (26x30cm) giới thiệu chi tiết các hiện vật và hoa văn họa tiết những cổ vật thời Lê - Trịnh, giai đoạn xuất hiện các loại đồ ký kiểu ở Thăng Long.
Tại buổi giới thiệu sách sáng 2-10, ông Trần Đình Sơn phân tích hoàn cảnh lịch sử Việt Nam dẫn đến sự ra đời triều đại Lê - Trịnh, và chính bối cảnh chiến tranh kéo dài giữa họ Trịnh phù Lê đánh nhau với nhà Mạc khiến các vùng gốm sứ truyền thống của Việt Nam bị điêu tàn, thất tán nghệ nhân và dần dần bị mai một.
Đồ sứ ký kiểu là hình thức các đồ ngự dụng Việt Nam đặt nghệ nhân Trung Quốc (về sau có cả các nước phương Tây) làm theo kiểu của vua quan nước ta. Bằng công trình này, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn không những giới thiệu các cổ vật quan trọng quý hiếm ít người sưu tầm được, mà còn nghiên cứu giải thích rõ các thuật ngữ gắn liền với cổ vật ấy mang thông tin và giá trị lịch sử như thế nào.
LAM ĐIỀN

Trần Duy Phiên : Ý Thức và Tôi


Khác với các anh ấy - thành phần chủ đạo và rường cột, tôi là khách của Ý Thức. Bây giờ nhớ lại khó mà xác định thời điểm nào nhưng không thể sau 1960, lần đầu tiên tôi được mời đến sinh hoạt với Gió Mai - tên gọi ban đầu của Ý Thức. Cũng không nhớ nỗi nơi đến và hôm ấy có những ai, chỉ biết đó là một địa điểm tại Huế và người ân cần tiếp tôi là Trần Hữu Ngũ (bút hiệu Thuỳ Linh - Ngy Hữu). Hình thức sinh hoạt như hội nghị bàn tròn văn nghệ. Hôm ấy, Ngũ đặt vấn đề viết cho ai? viết thế nào? Tôi hăng say phát biểu.

Thời ấy ở Huế, lớp trẻ chúng tôi thường thành lập những nhóm sinh hoạt văn nghệ nhỏ (Có phải do ảnh hưởng của Tự Lực Văn Đoàn?). Trước khi đến với Gió Mai, tôi đã có dịp đọc một số sáng tác của nhóm ấy đăng ở báo Công Dân và ở một tạp chí viết tay - truyện ngắn của Lữ Quỳnh, kịch thính phòng của Lữ Kiều... và thầm mến phục.

Lúc ấy tôi cũng có nhóm riêng - nhóm Văn Nghệ Mới, và học chưa qua bậc trung học. Văn Nghệ Mới là nguyệt san chép tay, ra tới 28 số thì tan đàn rẻ nghé. Tôi vào đại hoc. Rồi sau đó, chiến tranh leo thang, những biến động chính trị dồn dập, những cuộc xuống đường của phong trào học sinh ở Huế, ở Sài Gòn lan dần đến các đô thị miền Nam. Năm 1964, tôi cùng Bảo Cự và Trần Đình Vỹ thành lập nhóm Hồng Sơn thu hút những sinh viên của năm trường đại học ở Huế (Sư Phạm - Văn Khoa - Luật Khoa - Khoa Học và Y khoa) đáp ứng ba sinh hoạt của nhóm: Văn hoá - Xã Hội - Kinh tế. Phong trào đấu tranh năm 1966, nghiền nát những ước mơ của chúng tôi từ trong trứng nước. Bốn năm tôi ngồi ghế đại học là bốn năm sôi sục đấu tranh. Ai chiến thắng còn tôi thì chiến bại - ra trường bị đẩy lên dạy học tít tận Kontum - một tỉnh biên cương cận kề trận địa. Nhưng không thể dập tắt trong tôi ham muốn viết lách.

Tết Mậu Thân tôi từ Kontum về Huế. Nói là về quê ăn Tết nghỉ Tết nhưng có ăn nghỉ được gì! Khuya mồng một Tết, chiến trận ập vào thành phố. Sáng mồng hai, tôi từ nhà ở đường Chu Văn An đưa chị và các cháu chạy lánh bom đạn ở Tiểu Khu. Đất hẹp người đông, người ta đục thủng tường rào và chuyển dân qua khu trường Đại Học Sư Phạm. Trong lây lất đói khát, tình cờ tôi gặp Trần Hữu Lục từ Vân Dương băng qua Đập Đá chạy lên. Rồi sau đó, Nguỵ Ngữ, Từ Hoài Tấn, Thân Trọng Minh(bút hiệu Lữ Kiều - Nàng Lai)...Người ta phát chẩn gạo theo sổ gia đình, tôi thành lập một tờ khai và đứng tên chủ gia đình. Gia đình gì mà toàn cả văn thi sỹ! - Khi kiểm tra, người phụ trách thắc mắc nhưng rồi cũng phát!

Mùa hè năm 1969, tôi lại từ Kontum về Huế cùng với Tần Hoài Dạ Vũ làm tờ Việt - báo bất hợp pháp, in rô-nê-ô. Chính quyền thẳng tay đàn áp phong trào đấu tranh và khe khắc với mọi sinh hoạt của giới trẻ. Báo Việt chỉ tồn tại chừng một năm. Sau đó di cư vào Sài Gòn xin đất của Đối Diện để sinh hoạt, gánh nặng bây giờ ở trên vai của Trần Hữu Lục và Trần Minh Thảo. Cũng trong khoảng thời gian ấy, tôi được biết Gió Mai cũng tha phương, nghe đâu tạm cư ở Phan Rang và cho ra tờ Ý Thức, bất hợp pháp, in rô-nê-ô. Từ Kontum, tôi sửng sốt và hân hoan đón nhận Ý Thức. Tiếp đó, tôi gởi tác phẩm của mình về tham gia.

Một hôm, đang trong giờ dạy, tôi được văn phòng báo có khách. Huỳnh Ngọc Sơn - đồng nghiệp và cũng là thành viên của Việt - cùng với một người lạ đang chờ tôi ở hành lang. Gặp nhau mới biết anh ta là Nguyên Minh - thành viên cốt cán của Ý Thức. Tôi xin nghỉ hai giờ sau, chúng tôi đưa Nguyên Minh đến Câu Lạc Bộ Thanh Niên đầu cầu Dakbla. Minh cho hay anh từ Sài Gòn bay lên đây với mục đích thương lượng để xuất bản truyện dài ĐỐT LỬA SAU MÂY của tôi đã đăng mấy kỳ trong tờ Việt. Chúng tôi nhâm nhi và nói chuyện văn nghệ cho đến ba giờ chiều, tôi đưa Nguyên Minh lên phi trường và anh về lại Sài Gòn trong ngày.

Chiến cuộc năm 1972, Kontum bị bao vây, chỉ thoát ra bằng máy bay. Gia đình tôi phải xé lẻ để di tản. Tôi là người thoát sau cùng. Chạy qua bốn tỉnh về tới Phan Rang tôi mới gặp lại vợ con và các em. Những ngày hè vô công rỗi nghề, tôi ngồi viết trong nắng nóng. Rồi tôi đi tìm Trần Hữu Ngũ. Vợ chồng Ngũ vừa lấy nhau và đang tá túc ở một căn phòng nhỏ của hội quán Hướng Đạo(?). Thiếu cơm thiếu áo thiếu nhà, gặp nhau chúng tôi lại say sưa nói chuyện văn nghệ. Tôi sống ở Phan Rang chừng bốn tháng. Sau đó về lại Kontum, tiếp tục dạy học. Tôi vẫn lai rai gởi bài cho Ý Thức. Và tôi có dịp đọc thêm sáng tác của Trần Hữu Ngũ, Đỗ Nghê, Nguyên Minh, Lê Ký Thương, Châu Văn Thuận, Hồ Thanh Ngạn...

Chiến cuộc năm 1975 - mùa xuân đại thắng, hoà bình lập lại, cuộc sống cơ cực tối mắt tắt đèn. Đâu không rõ, lúc bấy giờ ở địa phương tôi đi ra khỏi tỉnh phải xin giấy phép. Rắc rối như thế nhưng năm 1978, tôi có việc phải về Phan Rang. Và tôi lại tìm thăm Trần Hữu Ngũ. Chúng tôi gặp nhau mà lòng đứa nào cũng nặng trĩu gánh cơm áo và thế sự. Tôi cho Ngũ hay mình đã xin thôi dạy, hiện đang miễn cưỡng làm cán bộ phường với trợ cấp 12 đồng mỗi tháng. Ngũ cho tôi hay anh không đến nỗi bức bách cỡ ấy. Với cái máy quay Rô-nê-ô tao hái ra tiền lẻ dài dài - Ngũ tâm sự - Tao cũng không muốn đi dạy nhưng vợ tao không đồng ý, khuyên tao cố bám công nhân viên nhà nước để khỏi phải đi kinh tế mới. Gần ba ngày chuyện vãn với nhau, chúng tôi không bao giờ nghĩ tới và nói tới văn nghệ! Cũng không đứa nào nhắc tới bạn bè trong nhóm. Tôi về lại Kontum, mỗi khi nhớ Ngũ vẫn cảm thấy thiếu vắng một cái gì trong cuộc tao ngộ.

Sau năm 1985, nhân đọc Nghị Quyết 5 của Trung Ương nói về Văn Hóa Văn Nghệ, tôi thực sự phấn khởi, mày mò cầm bút trở lại và sinh hoạt trong một câu lạc bộ nhỏ ở thị xã Kontum.

Năm 1989, trên đường trở về từ Sài Gòn, tôi ghé lại Nha Trang thăm bạn bè. Tôi đi với Ngô Văn Ban, Thế Vũ đến chơi nhà Lê Ký Thương. Trong cuộc vui, Thương cho hay anh giã từ cầm bút chuyển sang cầm cọ. Rồi anh trưng ra một số tư liệu hội họa và mấy bức tranh anh vừa hoàn tất. Tôi là người viết văn làm thơ, gặp một bạn viết văn làm thơ lại đem chuyện hội họa ra kháo nhau! Ý Thức chết rồi ư? Tôi thương mình ế độ. Tôi thương Ý Thức mệnh yểu. Đã thế, khi chia tay, Lê Ký Thương giao cho tôi bản thảo TIẾNG VẠC KÊU SƯƠNG - một bộ tiểu thuyết ba tập, viết rất công phu - mà không một ký thác nào! Tháo bỏ cái cục nợ bằng cách này? Rõ ràng Ý Thức chết rồi! Thôi đừng nói nữa mà nghe đau.

Mãi cho đến đầu hè năm 2000, tình cờ tôi tiếp một cú điện thoại mà tưởng mình mơ. Phiên đấy ư? Minh đây. Thân Trọng Minh, Phiên còn nhớ không? - Giọng Huế, rất gần gũi. Minh ư? Nhớ chứ - Tôi thật sự xúc động. Mình đang ở Pleiku, sẽ qua Kontum ngay bây giờ. Mình đi cùng vợ và Lê Ký Thương - Minh nói. Vậy nhớ ghé và ở lại nhà mình - Tôi nói - Nhà mình chẳng là gì nhưng được cái rộng rãi. Tôi cúp máy và báo ngay tin vui cho nhà tôi hay. Cả hai vợ chồng gấp rút sửa soạn. Hơn một giờ sau, các bạn đã có mặt. Ba mươi hai năm dâu bể, một cái bắt tay! Vợ Minh là Hằng - một phụ nữ xinh đẹp khả ái, dám gởi con cho mẹ theo chồng điền dã cao nguyên để tìm đề tài hội họa. Lê Ký Thương tôi biết cầm cọ từ lâu, còn Thân Trọng Minh cũng không muốn cầm bút viết văn nữa sao? Không hẳn thế. Ngay sau đó, vợ chồng Minh tặng tôi một số bức ảnh chụp các hoạ phẩm của mình, kèm theo hai tác phẩm vừa mới xuất bản : KẺ PHÁ CẦU - tập kịch của Lữ Kiều. Và CUỘC ĐI DẠO TÌNH CẢM - tập truyện của nhiều tác giả. Lê Ký Thương cũng tặng tôi hai tập do anh dịch đã xuất bản: MỘT NỖI ĐAU RIÊNG - tiểu thuyết của KENZABURO OE. Và PHÙ THUỶ XỨ OZ - tiểu thuyết của L. FRANKBAUM

Khoảng cuối năm 2001, tình cờ tôi lại nhận một cú điện thoại của Thân Trọng Minh nữa. Vợ chồng mình vừa đi du lịch ở Mỹ về - Minh nói. Vui quá phải không? - Tôi cười và thầm nghĩ cái số anh ta sướng có khác - ngày xưa qua Pháp tu nghiệp nay lại qua Mỹ rong chơi. Phiên có biết ai lo liệu in tác phẩm KIẾN VÀ NGƯỜI của ông ở Mỹ không? - Minh đố. Không - Tôi nói. Hoàng Khởi Phong đấy! - Minh nói to, rõ từng tiếng nhưng tôi không tin tai mình. Hoàng Khởi Phong là bạn văn chương của tôi cách nay 28 năm. Thuở ấy anh là sỹ quan, làm thơ. Anh từ Pleiku đổi sang Đà Lạt, sau biến cố 75, thì tít mù chẳng biết sống chết nơi đâu. Chúng tôi tìm nhau mà chơi vì duyên nợ văn chương. Người xưa tương kính vì tài đức. Chúng tôi không dám sánh, chỉ biết chúng tôi ăn ở với nhau vì tình nghĩa như đạm thủy. Cái giọt nước trong không gợn chút cặn bã lợi danh vinh hoa quyền thế ấy gắn kết chúng tôi nghìn trùng xa cách.

Hôm qua mở hộp thư điện tử. You have 01 unread message. Tôi vọi check mail. Thư của Nguyên Minh hối thúc tôi viết một hồi ký về Ý Thức và gởi ngay. Báo cho Phiên hay trước năm 1975 Hoàng Khởi Phong là một trong số anh em chủ trương tạp chí Ý Thức - Cuối thư Nguyên Minh cước chú. Thế ư? - Tôi ngẩn cả người! Bao nhiêu năm chơi với nhau có nghe anh ấy nói đâu! Nhưng tôi tin Nguyên Minh.

Thì ra, trước sau xa gần, tôi không thể không là bạn của anh em Ý Thức. Tiền định ư?./.
Trần Duy Phiên

Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2010

Nguyên Minh : Một Thời Ý Thức 1970 - 1975


Bìa Ý Thức số 1- ngày 01.10.1970
Tưởng rằng văn chương chỉ là một đam mê nhất thời của tuổi trẻ. Cuộc sống ê chề, nặng đè làm còng lưng với những lo toan về cơm áo... Cơn lốc biến động lịch sử đã cuốn mất hút những dấu tích của một thời làm văn học nghệ thuật mà chúng tôi đã gầy dựng qua tạp chí và nhà xuất bản Ý Thức tại miền Nam trong thập niên 70. Kể từ năm 1975, bao nhiêu năm sau đó, những khó khăn về kinh tế của đời sống áo cơm cùng những khổ đau về tinh thần, nhiều người trong chúng tôi đã im lặng, xếp bút. Anh em sống tản mác, trong nước có, hải ngoại có. Bây giờ tuổi đã xế chiều, tóc bạc phơ và lòng cũng chùng xuống. Văn chương chữ nghĩa của một thời trai trẻ giờ lại thôi thúc mình như cái nghiệp trọn đời phải trả.

TẠP CHÍ Ý THỨC: NHÓM CHỦ TRƯƠNG:

Đầu tiên, tại Huế vào năm 1957, vào thời ấy ở Huế thường có những nhóm văn thơ tập trung chín mười anh em, tuổi chưa tới hai mươi, thường là những học sinh, sinh viên, như nhóm Thiên Thanh, Hai Mươi, v.v… Nhóm chúng tôi được mang tên Gió Mai. Gồm có Lữ Kiều, Lữ Quỳnh, Hoài Linh, Thùy Linh (Ngy Hữu Trần Hữu Ngũ), Hồ Thủy Giũ, Nguyên Thạnh (Nguyễn Mậu Hưng), Thiên Nhất Phương (Châu văn Thuận), Nguyên Minh. Hồ Thanh Ngạn… Hàng tháng ra một số báo, bài vở tác giả tự viết tay, tập trung lại đóng thành một tập duy nhất, rồi truyền tay nhau mà đọc. Thỉnh thoảng ra một vài tập thơ của từng tác giả như U Hoài thơ của Lữ Kiều, Thác Loạn của Lữ Quỳnh, Những Người Cùng Đi tuyển tập thơ của nhiều tác giả. Tuyển tập thơ văn Gió Mai, in ronéo. Hết bậc trung học ở trường Quốc Học, anh em bắt đầu tản mác. Lữ Kiều, Nguyên Thạnh vào Sài Gòn học Y Khoa, Thùy Linh, Hồ Thủy Giũ, Nguyên Minh vào Sư Phạm Qui Nhơn, Lữ Quỳnh, Hồ Thanh Ngạn nhập ngũ, ở Huế chỉ còn Châu văn Thuận vào Đại học Sư phạm. Từ đó Gió Mai không ra báo thường xuyên. Tại Qui Nhơn, Thùy Linh, Nguyên Minh, Hồ Thủy Giũ, cùng bài vở của anh em trong nhóm từ xa gởi về làm một số Gió Mai tha hương, Chủ biên: Thùy Linh (Trần Hữu Ngũ).

Năm 1967, tại Phan Rang, khi Ngy Hữu và Nguyên Minh về dạy học tại đó, tập họp bài vở anh em trong nhóm ở xa làm một số Xuân Gió Mai, in roneo, khô 21x30. Đến năm 1969, Gió Mai mở rộng và đổi tên là Ý Thức, hai tháng ra một số báo, in ronéo. Lúc này, nhóm chủ trương có thêm Trần Hữu Lục, Lê Ký Thương, Võ Tấn Khanh, Đỗ Nghê (Đỗ Hồng Ngọc). Tòa soạn : Theo chân người viết. Thực ra là 11 Nguyễn Thái Học. Phan Rang.

Báo ra được 6 số thì dọn vào Sài Gòn, ra chính thức Bán nguyệt san văn học nghệ thuật, in Typô rồi đến Offset, phát hành rộng rãi toàn quốc. Tòa soạn đặt tại 666 Phan Thanh Giản, Sài Gòn. Chủ nhiệm trên pháp lý là Dược Sĩ Nguyễn thị Yến, một người bạn gái của Nguyên Minh, không biết gì về văn chương, trên thực tế là Nguyên Minh với chức danh trên giấy phép do Bộ Thông Tin cấp là Tổng Thư Ký. Tại tòa soạn, những số báo đầu tiên có Thái Ngọc San, Nguyễn Mai phụ tá, sau đó có Võ Tấn Khanh, Lê Ký Thương vào giúp sức với Nguyên Minh. Báo ra 24 số thì tạm đình bản. Đầu năm 1975, Ý Thức ra bộ mới do Lữ Kiều chủ biên. Báo vừa in xong số 2 tháng 3 năm 1975 xảy ra, chưa kịp phát hành.

CỘNG TÁC VIÊN:

Kể từ Ý Thức thời quay ronéo đã có thường xuyên các truyện ngắn, thơ của Tần Hoài Dạ Vũ, Mường Mán, Đông Trình, Doản Dân, Nguyễn Kim Phượng, Hồ Minh Dũng, Từ Hoài Tấn, Luân Hoán, Chu Trầm Nguyên Minh, Thế Vũ, Nguyễn Lệ Tuân, Thái Ngọc San…

Ý Thức thời in Typô và offset có thêm Trần Nhựt Tân, Huỳnh Hữu Ủy, Nguyễn Ước, Huỳnh Ngọc Sơn, Bảo Cự, Trần Duy Phiên, Nguyễn Lệ Uyên, Mang Viên Long, Bùi Giáng, Huy Tưởng, Từ Kế Tường, Nguyễn Tôn Nhan, Lê Văn Thiện, Phạm Ngọc Lư, Phan Việt Thủy, Trịnh Công Sơn, Kinh Dương Vương, Nguyễn Xuân Thiệp, Huỳnh Phan Anh, Cao Hữu Huấn, Phan Tấn Uẩn, Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Phan Thịnh…

Hình Thức: Chữ Ý Thức thời ronéo do Lê Ký Thương kẻ. Khổ báo là 21x30. Đánh máy trên stencil là Chị Hồ Thị Kim Phương, một người bạn gái của Nguyên Minh, rất sính văn chương, tẳn mẳn đếm từng chữ để canh hai bên lề ngay ngắn, không khác gì sắp chữ chì in typô.

Khi Ý Thức chính thức có giấy phép của Bộ Thông tin, khổ báo được đổi thành 14x2O. Số 1 bìa do Lê Ký Thương trình bày. Số 2 do Đỗ Quang Em. Số 3 do Vị Ý. Số 4 đến số 7 trở lại Lê Ký Thương. Số 8 tranh bìa Hoàng Ngọc Biên.

Bắt đầu số 9, Ý Thức lại thay đổi khổ báo, hình vuông 19x19. Bìa và ruột do Nguyễn Bom trình bày, rất mới lạ. Số 12, tranh bìa của Bửu Chỉ: Quê hương ta ngày trùng tu. Số 18, tranh bìa của Hồ Đắc Ngọc. Số 21 Ý Thức chuyển qua in offset. Lê Ký Thương trình bày và kỹ thuật in do Nguyên Minh chăm nom.

NHÀ IN:
Rô-nê-ô Nguyễn, 11 nguyễn Thái Học, Phan Rang.

Khi báo còn mang tên Gió Mai, số Xuân 67, bài vở của anh em Ngy Hữu đánh máy chữ trên tờ stencil bằng máy đánh chữ xách tay của nhà trường mà Ngy Hữu làm hiệu trưởng, và tôi nghĩ ra cách in rô-nê-ô không cần máy quay, chỉ cần một quai guốc nylon kẹp giữa hai miếng gỗ, đổ mực đen lên thẳng tờ stencil, phía dưới là tờ giấy trắng, rồi kéo mực xuống, thế là có một trang in. Bằng cách thủ công đó chúng tôi đã in xong một tập san văn nghệ dày cả 100 trang, số lượng 100 cuốn. Chữ nghĩa rõ ràng không lem nhem như một số báo thời đó in rônêô, phổ biến hạn chế thỉnh thoảng xuất hiện trong vài nhà sách.

Sẵn dịp tôi đến chơi với anh Mạch Chí Quang, chủ nhà in Nghệ Thương, Phan Rang, thấy có một máy quay Rônêô bỏ không trong một xó phòng. Anh Mạch gợi ý tôi đem về mà dùng, tiền bạc chẳng bao nhiêu, đưa làm hai lần, mỗi lần là một tháng lương của tôi, 5000 đồng. Trị giá một lượng vàng. Tôi mừng quá, đồng ý ngay và khiêng máy ngay về nhà. Để khỏi phiền phức, nguy hiểm cho tôi, người chị kế của tôi lo giấy phép của Tỉnh được quyền mở cơ sở in ấn mang tên Rônêô Nguyễn. Tôi phải mua thêm hai máy đánh chữ đặc biệt có corp Roman để giống như chữ chì in sách. Chị Hồ Kim Phương, ngồi gõ từng chữ, thật chậm và mạnh tay để làm thủng đều màn sáp trên tờ stencil. Tôi làm vệ sinh và trang bị lại những phần hư hỏng của máy quay. Tôi phải nhờ Lữ Kiều, lúc bấy giờ còn là sinh viên Y khoa tìm mua hộ tôi một máy xén giấy rồi gởi qua chành về cho tôi. Thế là tôi có đủ phương tiện để in báo, làm đẹp tờ Ý Thức. Trong thời điểm này Ý Thức đã xuất bản tập truyện “Nỗi bơ vơ của bầy ngựa hoang” của Trần Hoài Thư. Bìa do Lê Ký Thương trình bày. Số lượng 1000 cuốn. Độc giả và bạn hữu không thể nghĩ tập truyện đó in bằng phương pháp rônêô, cứ nghĩ là in Typô tại nhà in lớn ở Sài Gòn.
Nhà in Đăng Quang 734A Phan Thanh Giản, Sài Gòn.

Khi chị Mai, người chị đầu của tôi, từ Nha Trang về thăm nhà, thấy tôi hì hục quay tài liệu sách giáo khoa cho các trường học, anh em bạn bè có Lê Ký Thương, Võ Tấn Khanh, Trần Hữu Ngũ, chị Hồ Thị Kim Phương và các em tôi cùng nhau làm việc, người xén giấy, kẻ đánh máy, tôi quay máy in, các em tôi cùng phụ nhau bắt cuốn, đóng thành tập. Chị gợi ý tôi vào Sài Gòn cùng chị, mua nhà cũ ở mặt tiền, cất lại thành nhà cao tầng và mở nhà in. Tôi phải giải thích cho chị, vào Thủ đô muốn mở nhà in phải trang bị máy móc tối tân hiện đại. In Typô tôi chưa rành nói chi đến offset. Chị khuyên tôi: Không biết thì học. Đúng. Thế là tôi nhờ các bạn trông coi tạm thời Cơ sở Rônêô để theo chị Mai vào Sài Gòn. Tôi phải vào tập sự ở nhà in riêng của Nhà xuất bản Thương Yêu của Nhã Ca, Trần Dạ Từ. Ở đây tôi nắm rõ về sắp chữ chì và máy in Typô khổ lớn.
Trong khi chờ đợi ngôi nhà bốn tầng cất xong của chị Mai và chờ đợi máy in offset tự động chị Mai đặt mua ở Ý chuyển về Việt Nam, tôi tạm thời tìm một nhà in ở gần nhà để in Tạp chí Ý Thức mà tôi đã được cấp giấy phép chính thức. Đó là Nhà In Đăng Quang, cách nhà chị tôi 100 mét. Chủ nhà in là một bà già gốc người Huế. Quản lý nhà in là anh Trần Quang Huề. Sau này giữa tôi và anh Trần Quang Huề gắn bó với nhau trong hệ thống phát hành Hàm Thụ.
Nhà in Thanh Bình, 666 Phan Thanh Giản, Sài Gòn.
Sau khi máy in offset tự động cùng các máy móc khác đã ráp xong hoàn chỉnh, tôi bắt đầu tổ chức
từ tổ xếp chữ chì, máy Typo, máy offset tự động, thư ký văn phòng, kế toán… Và tờ báo Ý Thức được in ofset. Lúc bấy giờ có Võ Tấn Khanh nhân dịp nghĩ hè, và Lê Ký Thương vào phụ giúp cho tôi từ kỹ thuật cũng như viết bài phỏng vấn… Từ căn phòng ấm cúng làm tòa soạn báo Ý Thức, nhà xuất bản Tiếng Việt, Hoa Niên, một phòng khác dùng để làm văn phòng nhà phát hành Hàm Thụ, đến việc in ấn báo Ý Thức và sách đều không tốn tiền, tất cả đều trừ vào lương bổng của tôi như đã thỏa thuận ngay từ lúc lập nhà in Thanh Bình. Vào thời này, năm 1971, tại Sài Gòn những nhà in trang bị máy offset chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một nhà in tối tân như thế, mà từ chủ đến giám đốc và nhân viên đều mới tập tễnh bước vào nghề. Bây giờ nghĩ lại mà giật mình. Ngoài cơ sở Ý Thức in ấn tại đây, tôi cũng yểm trợ tiếp tay với Cha Nguyễn Ngọc Lan in mấy sách của nhà xuất bản Đối Diện như Cho Cây Rừng Còn Xanh Lá của Nguyễn Ngọc Lan, Cách Một Giòng Sông của Trần Hữu Lục, Phía Sau Mặt Trời Mọc của Trần Duy Phiên.

Nhà in Tiếng Việt 11 Nguyễn Thái Học, Phan Rang.

Năm 1974 tôi thành lập một nhà in riêng cho cơ sở Y Thức, không đặt tại Sài Gòn mà lại tại Phanrang, cũng 11 Nguyễn Thái Học, trước đó vài năm đã thành nhà sách Tiếng Việt. Tất cả máy móc rất gọn nhẹ và tối tân. Một máy offset tự động in khổ giấy A3. Hai máy đánh chữ điện IBM quả cầu. Cũng nhờ chị Hồ Thị Kim Phương và một cô em gái của người bạn tên Đỗ thị Hương Lan xử dụng. Phơi bản kẻm tôi tự làm lấy. Đứng máy in tôi và các bạn như Lê Ký Thương, Võ tấn Khanh thay phiên nhau. Tôi vẫn thường xuyên vào Sài Gòn trông nom cơ sở chính và trở về Phanrang bắt tay in báo Y Thức bộ mới và các tác phẩm của anh em trong nhóm.

NHÀ XUẤT BẢN.

Song song với nhà xuất bản mang tên Ý Thức còn có Tiếng Việt, Hoa Niên, Thời Xanh. Từ lúc còn mang tên Gió Mai, in ronéo, phát hành hạn chế, chúng tôi đã xuất bản: -Nội chiến, tập truyện của Ngy Hữu, Miền Hoang Vu, tập truyện của Nguyên Minh.

Khai trương nhà xuất bản Ý Thức thời ronéo là tập truyện Nỗi bơ vơ của bày ngựa hoang của Trần Hoài Thư.

Khi cơ sở Ý Thức dời về Sàigòn, tập truyện Cát Vàng của Lữ Quỳnh được xuất bản, bìa in offset do Đinh Cường trình bày, phát hành rộng rãi trên toàn quốc. Tuần tự, cũng mang tên Ý Thức, đã xuất bản: Những vì sao vĩnh biệt, tập truyện thứ hai của Trần Hoài Thư. Sau đó là Thời mù sương, tập truyện thứ hai của Lữ Quỳnh. Sách được in tại nhà in Thanh Bình.

In tại nhà in riêng offset đặt tại Phan Rang: Bếp lửa thơm mùi bả mía, tập thơ của Lê Ký Thương, Tình người, tập thơ của Đỗ Nghê (một bút hiệu khác của Đỗ Hồng Ngọc), Kẻ phá cầu, tập kịch của Lữ Kiều

Ý Thức, tủ sách Hoa Niên, dành cho thiếu niên, đã xuất bản: Đám tang đa đa, truyện dài của Nguyên Minh. Mưa qua thành phố, tập truyện của Nàng Lai (một bút hiệu khác của Lữ Kiều). Em bé bất hạnh, Anh hùng tí hon, của Trần Quang Huề. Tranh bìa bốn cuốn sách trên của họa sĩ Nguyễn Trung. Chim bay về đâu, truyện dài dành cho lứa tuổi 16, của Võ Tấn Khanh. Sách dịch có Cậu bé gỗ của Châu Lang (một bút hiệu khác của Châu văn Thuận), Trên ngọn hải đăng của Lê Ký Thương…

Mang tên nhà xuất bản Tiếng Việt, có Ngọn cỏ ngậm ngùi, tập truyện thứ ba của Trần Hoài Thư, Sông sương mù, tập truyện của Nguyễn Mai. Sách dịch có Mười hai năm bên cạnh Hitler của Nguyên Thạnh (bút hiệu của Nguyễn Mậu Hưng).

NHÀ PHÁT HÀNH SÁCH.

Do sự giới thiệu của anh Trần Quang Huề, cựu giám đốc Nhà Phát hành sách báo Thống Nhất, nhà Đồng Nai nhận độc quyền phát hành báo Ý Thức. Nhưng chỉ được 4 số thì họ trả về số lượng hơn một nửa, và các độc giả cho biết là các nhà sách tại tỉnh họ đều thiếu vắng khuôn mặt tờ báo. Muốn báo và sách do Y Thức xuất bản được có mặt mọi nơi, cũng nhờ anh Trần Quang Huề gợi ý là chúng tôi phải lập một hệ thống phát hành riêng. Sau khi tôi và anh Trần Quang Huề đi một chuyến từ Sài Gòn đến tận Quảng Trị, giao thiệp với các nhà sách có uy tín và sẳn sàng cung cấp sách mà họ yêu cầu. Về lại Sài Gòn, chúng tôi thành lập Nhà Phát hành sách mang tên NHÀ SÁCH HÀM THỤ do anh Trần Quang Huề làm giám đốc. Văn phòng cũng đặt tại 666 Phan Thanh Giảng. Được sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà xuất bản có uy tín thời bấy giờ như An Tiêm, Lá Bối, Ca Dao, Cảo Thơm, Trí Đăng, Thương Yêu…, tạo điều kiện cho cơ sở phát hành chúng tôi vững mạnh. Ngoài sách ra chỉ có độc nhất có tạp chí Ý Thức kèm theo.

Để dể dàng chuyển sách đi miền trung và cao nguyên, tôi lập một nhà sách tại 11 Nguyễn Thái Học Phan Rang. Còn các tỉnh miền Nam thì kho sách tại Sài Gòn phụ trách. Hàng tuần chúng tôi đều chở sách bằng xe Toyota riêng đến các tỉnh.

Như chiếc ghế bốn chân, vững vàng không ngã. Dây chuyền đã khép kín. Trong tay đã có nhà in, nhà xuất bản, tạp chí Ý Thức và nhà phát hành, chúng tôi mới yên tâm, chuẩn bị cho ra tờ tạp chí Ý Thức bộ mới, và in các tác phẩm của anh em trong và ngoài nhóm.

Nhưng người tính không bằng trời tính. Mọi việc đều tan tành theo mây khói…/.
Nguyên Minh
nguồn : vanchuongviet.org