Thứ Hai, 31 tháng 1, 2011

VĨNH BIỆT NGUYỄN TÔN NHAN

17 giờ ngày 28 tháng chạp năm Canh Dần (31-1-2011)
Nhà thơ Nguyễn Tôn Nhan đã rong chơi cõi khác
Xin chia buồn cùng chị Quỳnh Hương và các cháu
Nguyễn Miên Thảo - Từ Hoài Tấn - Viêm Tịnh - Phạm Tấn Hầu
Vũ Trọng Quang - Từ Kế Tường - Triệu Từ Truyền - Trần Áng Sơn
Bùi Chí Vinh - Phù Hư - Thân Trọng Minh - Đinh Công Bảy - Văn Viết Lộc ...
ooo
Thơ NGUYỄN TÔN NHAN
XUÂN BAN ĐẦU
bài thơ xuân nào run lẩy bẩy
bến tầm dương say vấy hồn trinh
em ơi khờ dại một mình
và xa dội một tiếng kình gõ mau
o
bài thơ xuân quên mất nhau
khờ em đâu nhớ những màu tơ xưa
ồ thơ đưa đẩy đã bưa
sóng xô đời đã kịp vừa biệt tăm
o
biệt cả tăm lẫn tằm
say đằm vai mỏng mảnh
mưa sài gòn sủi tăm
anh lang thang vô ảnh
o
trời ơi nước sóng sánh
trời đất vào mùa đầu
hay mùa cuối hòa nhau
mắt đỏ màu máu thốn
o
hai với hai là bốn
sương muối xuống ào ào
bài thơ nào lẩy bẩy
xa xôi còn muốn chao
o
cái xuân xoang chẳng cuối đầu
như anh chưa hiểu hết màu ái ân
o
cứ lên gân lên gân tới nữa
đến thân tàn nhụy rữa mới thôi
o
đất trời ôi ôi ôi ôi
sài gòn nát cả mùi hôi ban đầu
Sài Gòn Giêng 2011
Bài thơ cuối cùng của Nhà thơ Nguyễn Tôn Nhan
đăng trên báo Khởi Hành Xuân Tân Mão 2011 ở hải ngoại

Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2011

XUÂN NGỘ

Tết đến vui hớn hở
Mừng gặp lại bạn xưa
Bốn mươi năm là mấy
Thương mến sao cho vừa

Bạn xa ta ngày tháng
Cũng héo gầy chờ mong
Bạn xa ta ngày ấy
Bèo nước đã long đong

Tha hương buồn viễn xứ
Bao năm niềm cô đơn
Chân bước hoài bước mãi
Dặm đường trần mênh mông

Tình yêu không gặp mặt
Tính yêu giấu chân dung
Đèn khuya bóng hiu hắt
Mỏi dò tìm mông lung

Em sang sông từ đó
Thuyền giã bến xa bờ
Tiếng ca người cứ ngỡ
Bài ly biệt ngu ngơ

Tết về nay gặp bạn
Thôi thì bỏ mong chờ
Sao tháng giêng chờ sáng
Gần nhau tựa giấc mơ

Ngày Xuân không cạn hết
Lời tình ngỏ xôn xao
Em không về để biết
Tình anh nhiều biết bao

Tết này vui với bạn
Nhắc chi cuộc tình hoài
Sông đâu chờ năm tháng
Miên miết chảy dạc dài

Bạn cùng ta hãy chén
Trà rượu với men say
Mai sông về với biển
Giọt nước vẫn tràn đầy

TỪ HOÀI TẤN

Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

Tết ở Huế

Mùa xuân thường đến với Huế sau mùa mưa và cái giá lạnh bắt đầu. Khi mai vàng nở rộ trong các Vườn và miệt Vườn Kim Long, Vỹ Dạ, Đại nội, báo hiệu Tết sắp đến.Không khí Tết ở Huế có tính chất trầm mặc như cố đô cổ Kính của một thời xa xưa. Có lẽ thi vị Tết của Huế mang sắc thái dung hợp của hai miền.Huế chuẩn bị Tết không ồn ào, nhộn nhịp như miền Nam. Từ khoảng hai mươi tháng chạp âm lịch, những gian hàng Tết được trưng bày những sản phẩm của địa phương hay từ nơi khác mang tới trược Chợ Đông Ba hay Thương Bạc. Không khí tết nhộn hă\n lên, thức ăn từ vùng quê Hương Điền, Phú Lộc, Phú Vang chuyển đến. Những hạt nếp trắng, thơm dẻo từ Sịa vào, làng Chuồn lên. Cam quít ngọt ngào từ Hương Cần, bưởi Kim Long, Nguyệt Biều. Bên cạnh những trái dưa hấu tròn trĩnh từ trong Nam ra, rượu đủ loại và vải vóc, áo quần may sẵn. Từ Bắc vào như trà Bắc Thái, vải thiều, hồng đỏ, táo tàu, kẹo bánh...Vào ngày 23 Tết, ngày đưa ông Táo về trời, Huế có tục cúng âm hồn (nhớ ngày thất thủ kinh đô) nên ở đâu cũng thấy hương khói nhất là trong Đại nội. Lễ tảo mộ cũng diễn ra trong những ngày này. Người sống lo cho người chết. Những ngôi mộ nằm rảI rác ở Nam Giao, Ngự Bình được làm cỏ, quét vôi lại. Ở nông thôn, người ta chuẩn bị Tết chậm hơn phải đợi đến sau vụ cấy từ 25 Tết trở đi.Nói đến Tết ở Huế, phải nói đến thức ăn và nghệ thuật nấu nướng khéo léo của các bà nội trợ. Ngoài những món đặc sản hàng ngày của Huế như bánh khoai của Thượng Tứ, cơm hến bến đò Cồn, bún bò Gia Hội, bánh cuốn Vỹ Dạ, bánh bèo Ngự Bình và các loại chè đậu xanh đánh, chè hột sen... Thức ăn cua Huế không ngọt và béo như Miền nam nhưng thường cay và mặn nhưng giữ tính chất đậm đà của địa phương.Ngày Tết ở Huế dù nghèo nhất cũng gói cho được bánh tét nhân mỡ, nhụy đậu xanh. Đặc biệt bánh tét gói nếp làng Chuồn (An Truyền), mềm, dẻo, thơm ngon để lâu. Các loại khác như bánh ít đen, ít trắng, bánh hột xoài, hột sen... Mứt thì đủ loại đặc biệt: mứt gừng cay, bí trắng, mứt hột sen lấy từ sen hồ Tịnh Tâm.Tết với món dưa món, củ kiệu. Chọn trái đu đủ già, gọt vỏ, thái mỏng, phơi qua một nắng, ngâm vào nước mắm ngon và bỏ thêm ít đường, củ kiệu. Dưa món ăn với bánh tét, hợp với khẩu vị không chi bằng. Nước mắm ruốc Biển ngon thơm: mắm Nam Ô, Thuận An không thua gì Phan Thiết hoặc Phú Quốc. Thịt gà luộc bóp rau không trộn gỏi như trong Nam, thịt heo ba chỉ chấm mắm tôm chua ăn với khế, vả... Tết không thể thiếu nem, chả, tré. Nem ngon An Cựu, tré "mụ" Tôn của Đông Ba ăn chua, dòn. Ngày Tết ở Huế diễn ra trong không khí đầm ấm của gia đình. Huế vẫn còn giữ những tập tục, kiêng cử ngày xưa, không xuất hành, động thổ ngày mồng một Tết.Ăn mặc trong ba ngày tết tươm tất, trọng lễ nghi. Đối với người lớn tuổi chuộng khăn đóng, áo dài. Phụ nữ với tà Áo dài xanh phơn phớt hồng hoặc tím. Tà áo dài và chiếc nón bài thơ là nét chấm phá tuyệt vời, tô điểm thêm cảnh hữu tình cho Sông Hương núi Ngự.Trong cảnh sương mù tỏa nhẹ trên dòng Hương Giang, tiếng chuông Thiên Mụ ngân vang, tạo cảnh nên thơ:Gió đưa cành trúc la đà Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương...Thú vị nhất, ngày Tết lên Chùa vãng cảnh, theo đò dọc lên thăm điện Hòn Chén, lăng tẩm hoặc xuôi về bến đò Cồn, Vỹ Dạ và nhớ lại câu hò năm xưa:Đò từ Đông Ba đò qua Đập Đá Đò từ Vỹ Dạ thẳng ngã ba Sình, Lờ đờ bóng ngả trăng chênh Giọng hò xa vọng, nhân tình nước non Các bạn có cảm tưởng như lạc vào cõi thần tiên, phiêu bồng. Trước đây những trò Giải trí thường tổ chức sau mồng năm Tết như Hội Chợ ở Thương Bạc, đánh bài chòi, lối chơi như bài tới hoặc đua ghe trên sông Hương, hội vật ở làng Sình... Cuộc chơi kéo dài đến mồng bảy, ở nông thôn đến rằm tháng giêng.Ngày nay, trước sự đổi thay của lịch sử, cố đô Huế đã chuyển mình trở thành trung tâm Du lịch nổi tiếng, một di sản quốc tết. Huế vẫn còn giữ được tính cách bình dị, âm thầm kín đáo trong sinh hoạt ăn mặc, cảm nghĩ. Tính chất này thể hiện đậm đà trong những ngày Tết.Ai đến Huế, xa Huế làm Sao không khỏi chạnh lòng nhớ thương với cảnh thơ mộng Huế, thi vị đầm ấm của những ngày Tết Cổ truyền của Huế. Huế đã để lại trong lòng bạn những kỷ niệm khó quên. Huế đẹp, Huế thơ, Huế mơ mộng...

Hương Giang
từ internet

Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2011

TẾT VỚI NGƯỜI HUẾ...


Ngô Quỳnh Tiên

Ăn Tết Nguyên đán không phải là phong tuc riêng của Huế. Tuy nhiên, Tết Huế có những nét riêng thú vị. Là kinh đô xưa, Huế còn giữ được nhiều cổ tục trong việc đón Tết và ăn Tết.
Trước tiên, là ở phần lễ nghi, cúng kiếng. Nếu ở ngoài Bắc, người ta coi lễ cúng ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp là nghi lễ khởi sự cho một cái Tết nên tổ chức rất trọng thị, thì ở Huế lễ cúng ông Táo có phần đơn giản hơn.
Đối với nhiều gia dình người Huế, ngày 23 tháng Chạp đơn thuần là chỉ là ngày thay cát lư hương, quét dọn bàn thờ gia tiên, và tiễn ba ông đầu rau bằng đất nung trên trang bếp ra chân ngôi miếu hay gốc cổ thụ nơi đầu xóm để thay bằng ông Táo mới.
Cái không khí Tết thực sự cảm nhận được phải từ sau ngày 25 tháng Chạp, khi các phường hội thợ thuyền làm lễ cúng tổ nghề, cũng là lễ cúng tất niên, dù một số nghề vẫn tiếp tục hoạt động cho tới tận phút giao thừa như thợ may hay thợ cắt tóc.
Trước Tết, người Huế có thói quen đi thăm các phần mộ tổ tiên. Sau khi quét dọn bàn thờ, thay cát mới cho lư hương và đánh bóng những bộ tam sự, ngũ sự trên bàn thờ gia tiên, mọi người chuẩn bị hương hoa đi thăm viếng phần mộ những người thân đã quá vãng. Họ đến đó, dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc những luống hoa, bụi cỏ nơi phần mộ, rồi thắp mấy nén nhang mời người quá cố về ăn Tết với gia dinh.
Với những người còn giữ những liên hệ ruột rà nơi quê quán thì lúc này chính là dịp họ trở về thăm bà con nơi quê cũ, biếu người này hộp trà, người kia quả mứt để đón Tết. Đành rằng, người xứ quê có thể mua sắm thật dễ dàng những thứ ấy nơi chợ huyện, chợ làng, nhưng họ thật sự quý trọng những món quà này bởi đó là tấm lòng của những người ly hương nhưng không ly tổ.
Và họ cũng hào hiệp đáp lễ người miệt phố bằng dăm ba ký nếp, cân đậu hay nhành mai chúm chím nụ vàng, lòng những mong cái Tết nơi phố phường sẽ thấm đẫm tình quê hương bản quán.
Với các bà, các chị, Tết là dịp để họ trổ tài nữ công gia chánh. Ngày trước, dường như người ta tự làm tất cả các món ăn mặn ngọt, chay tịnh... mà không phải mua thứ gì. Tết Huế có hàng trăm món ăn: mặn thì có bánh tét, dưa món, thịt bò dầm nước mắm, giò heo bó, chả thủ, nem tré, kim chi chuối chát, hành muối, kiệu chua... ngọt thì đủ loại mứt bánh: mứt gừng, mứt dừa, mứt khoai lang, mứt bí đao, mứt hạt sen, mứt me, mứt cóc, mứt xoài, bánh in, bánh thuẫn, bánh dẻo, bánh bó, chè xanh đánh, chè đông sương, chè khoai tía... Đồ ăn mặn có món gì thì đồ chay có món đó.
Huế vốn nổi tiếng với các món cỗ chay cao cấp trong cung đình xưa và hầu hết các bà nội trợ đất thần kinh đều biết nấu được một, hai món chay đặc sắc. Nhờ thế mà cỗ chay ngày tết rất phong phú và đặc sắc. Ngày nay, tuy hàng quà bánh trái tràn ngập chợ Tết nhưng đa phần phụ nữ Huế vẫn thích tự mình làm các món nhắm như thịt dầm, kim chi và đặc biệt là dưa món, thứ không thể thiếu trong Tết Huế.
Sự cúng kiếng trong ngày tết ở Huế mới thực sự cầu kỳ. Trước Tết có cúng ông Táo, cúng tổ nghề, cúng tất niên, cúng lên nêu, cúng rước ông bà về ăn Tết, cúng thần Hành khiển (thần coi sóc trong năm), cúng giao thừa…
Từ sáng Mồng Một Tết trở đi, phải cúng ông bà ngày 3 bữa, ngày Sóc cúng chay, ngày thường cúng mặn. Đến chiều mồng Ba phải làm cỗ cúng đưa (tiễn ông bà về lại cõi trên). Tiếp theo là cúng đầu năm, cúng sao, cúng rằm Nguyên tiêu...
Cũng chính nhờ cổ tục này mà người Huế dù đi làm ăn xa ở trong Nam ngoài Bắc, Tết đến, cũng tranh thủ về với gia dinh, không chỉ để được sum họp với người sống mà còn như muốn tìm trong không khí thành kính, linh thiêng ấy, hình ảnh của những người thân đã khuất bóng.
Đêm giao thừa là lúc gia đinh đoàn viên. Khác với ngoài Bắc, ở Huế không có tục hái lộc đầu năm nên người Huế không ra khỏi nhà trước và sau khi giao thừa. Nhờ thế mà cây cối trong các đền chùa ở Huế vẫn giữ nguyên lộc biếc suốt cả mùa xuân.
Mấy năm gần đây, nhà nước có tổ chức cầu truyền hình đêm giao thừa nên một bộ phận cư dân Huế, nhất là lớp trẻ, đã "biệt" ra khỏi nhà vào đêm trừ tịch, song ít ai trở về nhà sau lúc giao thừa. Ấy là bởi cái tục đạp đất. Người Bắc cũng có lệ xông đất, nhưng dân Huế đã gọi rất đúng tên cổ tục này: đạp đất.
Không ai muốn về nhà sau giao thừa bởi họ muốn tránh việc đạp đất nhà mình. Người ta mong người đến đạp đất nhà mình vào sáng Mồng Một Tết là những người có chức sắc, có học vấn, hay là người nhẹ vía, để tài lộc, may mắn sẽ theo họ đến với gia đình suốt cả năm sau đó.
Nhiều gia đình ở Huế còn "ra lệnh" cho con cái, đứa nào nặng vía thì sáng Mồng Một Tết không được dậy sớm, có thức giấc cũng phải nằm yên, chờ đứa khác nhẹ vía hơn, đã được cha mẹ dặn trước từ đêm giao thừa, đặt chân xuống đất trước. Lúc đó, những đứa khác mới được ra khỏi giường.
Người Huế thường dành ngày Mồng Một Tết để đi viếng mộ tổ tiên, thăm nhà thờ họ tộc, thăm ông bà, cha mẹ, chúc Tết thầy dạy nghề, dạy chữ... Sang Mồng Hai, mồng Ba, mới tính đến chuyện thăm viếng đồng nghiệp, bằng hữu. Ngày nay, tệ "viếng xếp vi tiên" cũng có le lói ở một đôi nơi, nhưng nếp lễ nghĩa xưa vẫn là phổ biến.
Nói đến Tết, tất phải nói chuyện chơi. Dân Huế xưa chơi Tết thật lắm trò. Không kể những trò trong cung vua phủ chúa, trò vui nơi thôn dã cũng đã phong phú. Trò chơi tập thể có hội bài chòi, đu tiên, đua ghe, đấu vật...
Nơi đầu đường, góc phố có các trò bài vụ, bầu cua tôm cá...; trong mỗi nhà thì có hội bài tới, xăm hường, tứ sắc, bài cẩu... Sau này, đu tiên vắng bóng, bài chòi chỉ còn lại nơi thôn dã, nhưng hội đua ghe trên sông Hương và vật võ làng Sình (Phú Mậu, Phú Vang) vẫn duy trì đều đặn. Hàng năm, trong công viên Thương Bạc vẫn diễn ra hội chợ với các trò vui xuân có thưởng và trong các gia đình người Huế, tiếng gieo xúc xắc của trò xăm hường vẫn rộn vang trong ba ngày tết.
Tết ở Huế còn là dịp để muôn hoa khoe sắc. Ngoài làng Chuồn chuyên nghề làm trướng liễn để treo ngày tết, Huế còn có làng Thanh Tiên chuyên làm hoa giấy. Từ giữa tháng Chạp, hoa giấy nơi đây theo chân dân làng đi làm đẹp khắp chốn thành kinh. Nhưng đẹp nhất vẫn là những đoá hoa đến từ những làng hoa ven sông Hương: hoa huệ Nguyệt Biều, hoa cúc Bãi Dâu, thược dược Phú Thượng, hoa mai Dương Xuân...
Tất cả đều tụ hội về công viên Phu Văn Lâu cả tuần trước Tết, để từ đó tỏa ra làm đẹp cho mọi miền, mọi nhà của xứ Huế trong dịp Tết. Khoảng chục năm trở lại đây, đi chợ hoa đã trở thành một thói quen của người Huế. Đến chợ hoa, nếu tinh ý, bạn sẽ nhận ra tính cách, khiếu thẩm mỹ, trình độ học vấn và cả sự sang hèn của những hạng người mua hoa và thưởng hoa. Đó cũng là một thú vui của Tết Huế vậy.
http://www.donghuongtth.com/

Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

10 năm Thư Quán Bản Thảo


10 ngọn nến cho ngày sinh nhật Thư Quán Bản Thảo .

TRẦN HOÀI THƯ


(Chặng đường 10 năm khó khăn và thuận lợi của một tạp chí văn học)

Cũng vào thời gian này, 10 năm về trước, số báo đầu tiên của tạp chí Thư Quán Bản Thảo được ra đời, èo ọp, mỏng manh chưa đầy 100 trang, tranh bìa của Trần quí Thoại, khổ chữ 8 li ti đọc muốn nổ tròng con mắt !

Chúng tôi bắt đầu làm với vốn liếng chỉ là một khẩu súng Hot melt glue gun với giá $15, những thẻ keo chảy (Hot melt glue sticks) , cùng với một máy in hiệu HP 5SI in ruột, một color printer in bìa, một máy cắt giá rẽ mạt mua từ Ebay. Chúng tôi chẳng có một tí ti gì về kinh nghiệm in ấn. Cũng chẳng cần đắn đo tính toán để nghĩ là sau 3 số tặng không, không một quảng cáo, không một mạnh thường quân bảo trợ thì lấy tiền đâu để mua giấy mua mực, hay mua tem làm cước phí cho những số kế tiếp…

Vậy mà giờ đây tạp chí đã có mặt được mười năm, với 44 tập. Mỗi tập dày trên 200 trang trừ số 1 và 2 ! Cọng thêm một cơ sở xuất bản là Thư Ấn Quán, với sự ra đời của biết bao nhiêu đầu sách, nhớ không xuể. Có những tập dày gần 900 trang, khâu chỉ, bìa cứng. Có những tập mỏng khoảng 80 trang, giấy loại quí hiếm đặc biệt. Lại thỉnh thoảng chơi sang. Bìa sách được ép láng bằng phim laminate, ngay cả nhà in cũng không dám chơi vì rất đắt và rất tốn công phu. Nhiều bạn đọc lo lắng dùm. Cho sức khỏe. Và cho tình trạng tài chánh của chúng tôi. Có bạn bảo chúng tôi khùng - crazy !

Cám ơn quí bạn. Dỉ nhiên là phải cực, là phải hao tốn. Nhưng đổi lại, cho phép chúng tôi kể ra từ sâu thẩm tấm lòng: chúng tôi có một thứ hạnh phúc kỳ diệu: Hạnh phúc của người thợ gặt trúng được mùa màng dư dật niềm vui. Trên đời này, tùy theo quan niệm cá nhân, một niềm vui nào đó có thể ít hay nhiều, lớn hay nhỏ, tầm thường hay cao cả. Có niềm vui đến rồi đi như thời gian đã bỏ chúng ta, nhưng cũng có niềm vui mang thời gian theo bên đời ở với ta mãi mãi. Có khi nó là liều thuốc quí., giúp ta sức mạnh. Nó không phải là những lời tung hô, vinh danh phù phiếm.. Trái lại, nó giúp mình sống đẹp, làm đầu mình ngẩng cao. Nó làm tâm hồn mình lớn dậy chẳng những hôm qua mà mãi đến bây giờ.

Như thể hôm nào: niềm vui rộn ràng từ những buổi sáng tinh sương, cùng với đám con côi cút trở về từ những điểm làm ăn đêm.. Áo quần ta dính đầy bùn sình dầm nước, thân thể thì lạnh run. Ta đập cửa quán bên đường để gọi cốc xây chừng và để xin nhờ hơi nóng từ bếp lửa hồng sưởi ấm. Cô hàng thương tình chụm lửa nấu nước. Niềm vui như nồi nước đầu ngày sôi réo gọi và êm ái như tiếng củi cháy lách tách kêu dòn trong bếp quán.

Một quán nghèo bên đường, một cô hàng xinh vẫn còn ngái ngủ, đôi má ửng hồng vì lửa (hay vì e thẹn), một cốc xây chừng chỉ mấy đồng bạc. Đơn giản như vậy đó. Tầm thường như vậy đó. Vậy mà ta mua được một niềm vui cho cả đời cả kiếp.

Cô hàng chợ Huyện mơ gì nhỉ
Mà sao yên lặng như tương tư
Tôi biết đêm rồi không chó sủa
Đêm rồi tôi cũng dệt cơn mơ…
Cô hàng chợ Quận mơ gì nhỉ
Sáng đã lên rồi cô biết không
Cô hiểu lòng tôi giờ ấm lắm
Khi trống trường vọng lại bâng khuâng
... (1)

Bây giờ cũng vậy. Thay vì tiếng trống trường vang lên rộn ràng thì nay là niềm vui xôn xao của chữ nghĩa. Từ đó, cánh cửa như những trang sách tiếp tục mở ra. Mở ra cho những niềm vui nho nhỏ nở thêm hoa, thêm búp. Mở ra để chúng tôi biết rằng, hành trình mà chúng tôi đang theo đuổi là có bạn bè 7 độc giả luôn luôn có mặt bên cạnh. Từ đó trước lạ sau thành thân thiết. Có bạn đọc từ số 1 đến bây giờ. Có bạn mới nghe và gởi thư yêu cầu tặng sách. Có bạn tận Phan Rí Cửa ở VN. Có cháu ở Hà Nội xin TQBT cung cấp về Thanh Tâm Tuyền. Có người sinh viên khoa Ngữ Văn ra trường hạng Ưu và gởi thư cám ơn TQBT về những tài liệu Di sản văn học miền Nam. Có bạn ở Úc xin số chủ đề Y Uyên, Nguyễn Bắc Sơn. Có anh ở Cali hỏi Văn, Thời Tập. Có cô em hỏi Chàng Nho Sinh dưới Gốc Tùng của Lữ Kiều. Có bạn tình nguyện bỏ công đánh máy hay tình nguyện giúp sửa lỗi chính tả… Rồi những trang mạng như Talawas.org, Damau.org, vanchuongviet.org mong chúng tôi hợp tác về những chủ đề di sản văn học miền Nam.. Chúng tôi cám ơn họ, và trong những lá thư, chúng tôi bảo là rất vui vì họ đã giúp chúng tôi khỏi… thất nghiệp.

Không thổi đèn cầy, không hát happy birthday to TQBT, nhưng những ánh lửa hồng từ 10 ngọn đèn cầy đã thấy đâu đó dưới căn hầm bề bộn này. Qua ba chiếc máy in HP 5SI đang đồng ca. Qua những đường dây cable USB chuyển những tín hiệu, những chữ nghĩa đến các máy in. Qua một đêm mất ngủ, thay vì đầu óc nóng bừng, thì trái lại, để đêm thân mật cùng máy móc, cùng chữ nghĩa. Qua một cuốn sách nữa mới ra lò, giấy còn tươi mực, bìa còn thắm màu tranh. Qua chiếc laminator (máy ép phim plastic) $30 may mắn mới mua từ một ngôi nhà bán garage sale cheo leo trên một vùng chập chùng núi và đồi nào đó cách hơn ba giờ đồng hồ xe chạy mà giá thị trường gấp cả hai, ba chục lần !. Nó là một tặng vật vô giá bất ngờ. Nó chạy êm ru. Nó nhả ra những bìa láng bóng.

Nó giúp làm sáng lên hình tranh của người họa sĩ và sáng cả tâm hồn chúng tôi, bây giờ.

Happy birthday. Mười năm rồi đấy. Bao nhiêu giòng nước đã chảy dưới cầu. Chỉ tội nghiệp những chiếc máy HP không người chăm sóc bảo trì. Khi mua, chúng xem như đồ sắp phế thải, vậy mà vẫn giúp chũ chúng, chạy ngày chạy đêm không mệt mỏi. Mười năm là thời gian đủ dài để cho chúng có quyền về hưu và những con ngựa già đã nghe chừng thấm mệt :

Mười năm một góc phòng hiu quạnh
Một chỗ ngồi như kẻ ẩn cư
Mười năm miệng ngậm cùng tâm sự
Đời cứ loanh quanh hoài cơn mơ
Mười năm lên xuống thang lầu cũ
Đôi lúc nhìn về hướng cõi Nam
Giật mình. Thấy ráng hoàng hôn đỏ
Trên nhánh cây gầy trơ trụi câm
Mười năm cũng vẫn dòng xe cộ
Cũng vẫn đèn xanh đỏ dập dìu
Con đường lên phố mười năm ấy
Có exit nào để bớt cô liêu ? (1)

Vậy mà mỗi lần một số báo ra đời là niềm vui cứ mọc lên, cứ tiếp tục đâm chồi, ngày tiếp ngày, tháng tiếp tháng. Bởi vì hạnh phúc biết bao, khi được biết rằng ít ra nó cũng là một mái nhà đúng nghĩa, một thảo nguyên văn chương để bầy ngựa từ lâu xiêu tán, nay trở về họp lại bầy. Bốc lại nấm tro tàn tìm ra những di sản văn chương miền Nam ngỡ chừng đã mất.

Xin được gởi đến quí bạn niềm vui này. Cám ơn và cám ơn./.

Trần Hoài Thư
Trích lại từ vanchuongviet.org

Thứ Tư, 12 tháng 1, 2011

Hai Vẻ Đẹp của Nhất Linh






















Hoa Phong Lan của Nhất Linh (28/10/1957)

Tháng 10 năm 2010 vừa qua một họa phẩm hiếm quí của Nhất Linh đã được bán đấu giá tại Hồng Kông.
Sotheby’s nhà bán đấu giá nghệ phẩm danh tiếng cho biết lần đầu tiên một bức họa của Nguyễn Tường Tam được bầy bán trên thị trường thế giới. Bức họa mang tên Cảnh Phố Chợ Đông Dương (Scène de Marché de rue Indochinois) vẽ trên vải lụa, khổ 20×36 IN, thực hiện trong khoảng năm 1926-1929, do một tư nhân bên Pháp đặt bán với giá khởi đầu 25,000-32,200 Mỹ kim.
Sotheby’s trang trọng giới thiệu bằng Anh ngữ tác giả Nguyễn Tường Tam và bức họa của ông mà tôi tạm dịch sang tiếng Việt như sau:
Cảnh Phố Chợ Đông Dương đánh dấu lần đầu tiên một họa phẩm của Nguyễn Tường Tam xuất hiện trên thị trường quốc tế. Sinh năm 1905
* tại Hải Dương (Bắc Việt) trong một gia đình nghèo Nguyễn Tường Tam khi còn rất nhỏ tuổi đã sớm mất cha, một vị thông phán. Mặc dù gặp nghịch cảnh khó khăn tất cả bẩy người con của gia đình Nguyễn Tường đã cố vươn lên để sau này trở thành những người nổi danh có những đóng góp đáng kể cho đất nước và cho nền văn hóa Việt Nam.
Nguyễn Tường Tam, bút hiệu Nhất Linh, cùng với người bạn văn Khái Hưng, đã sáng lập ra hội văn hóa Việt Nam nổi tiếng mang tên Tự Lực Văn Đoàn. Ông cũng là sinh viên đợt đầu tiên của Trường Mỹ Thuật Hà Nội. Bạn cùng lớp với ông có Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ, Mai Trung Thu, Georges Khán, Công Văn Trung và Lê Ang Phan, những người mà sau này được xem là tầng lớp họa sĩ tiền phong cho nền hội họa Việt Nam hiện đại.
Cảnh Phố Chợ Đông Dương với màu sắc ấm cúng và tinh tế, với đường nét duyên dáng trên vải lụa thanh tú đã thể hiện hết vẻ đẹp tuyệt vời của tranh lụa vốn là nét độc đáo của Trường Mỹ Thuật Hà Nội. Mô tả cảnh sinh hoạt rộn rịp của một ngôi chợ điển hình miền Nam bộ, với đàn bà và trẻ con làm chủ điểm, bức tranh cho thấy sự lưu tâm của người nghệ sĩ đối với đời sống xã hội, và có lẽ nó hé mở cho thấy tương lai của ông sau này là người rất nhậy cảm trước những biến chuyển về xã hội cũng như về văn hóa của đất nước ông.
Năm 1927, mặc dù có thực tài vẽ, Nguyễn Tường Tam đã tự ý rời bỏ Trường Mỹ Thuật để theo đuổi nghề báo và viết văn, với sự luyến tiếc vô cùng của các giáo sư nhà Trường, đặc biệt là của họa sĩ kiêm giám đốc Victor Tardieu. Nhà cầm quyền Pháp hồi ấy không mấy yên tâm về quyết định của ông vì đây là một thời kỳ chuyển tiếp của Đông Dương: một thời kỳ cách tân từ cũ qua mới làm lay động cấu trúc xã hội và chính trị trên mảnh đất thuộc địa này của người Pháp.
Để có thể trở thành một “nghệ sĩ tự do,” Nguyễn Tường Tam tiếp tục vẽ tranh lụa và mở vài cuộc triển lãm ở Hà Nội, Sài Gòn và Nam Vang. Không một ai biết chắc là hồi trẻ ông đã vẽ bao nhiêu bức tranh. Mặt khác những tiểu thuyết của ông được xem là có tính cách mạng và ông bị mật thám Pháp theo dõi kỹ.
Sau năm 1929, Tam thôi vẽ và thành lập báo Phong Hóa ở Hà Nội, một tờ báo nổi tiếng và là cơ quan tiền phong cổ vũ cho sự đổi mới, đả phá những ý niệm cổ hủ thay bằng những tư tưởng tiến bộ, đưa đến sự tiến hoá về xã hội cũng như về giáo dục.
Tam không những được xem là vị lãnh đạo trên địa hạt văn học nghệ thuật, ông còn là tiểu thuyết gia mới hàng đầu, đồng thời là một chính trị gia được nhiều người biết tới. Ít người biết ông là một họa sĩ bởi lẽ trải qua bao nhiêu biến cố và thời gian không còn bao nhiêu họa phẩm của ông sống sót. Một bức tranh với khổ khá lớn và được bảo tồn kỹ như bức tranh này, Cảnh Phố Chợ Đông Dương quả là họa phẩm cực hiếm, bởi vì không những không còn nhiều những tranh như thế tồn tại, mà còn bởi vì nó cung cấp thêm một cái nhìn quan trọng vào trong di sản của ông, một trong những người Việt Nam Mới tiền phong nổi danh.
(Modern and Contemporary Southeast Asian Painting, Hong Kong 4 October 2010, trang 116)
*
Tháng 10 vừa qua tôi nhận được từ nam Cali một cú điện thoại khiến tôi sửng sốt. Bác sĩ Hà Quốc Thái–một người tôi quen biết–báo cho tôi là ở Hồng Kông họ vừa bán đấu giá một bức tranh của ông cụ tôi. Anh Thái là một người sưu tập tranh quí, anh tỏ ý tiếc là đã không mua được bức tranh ấy vì đã có người trả quá cao (trên
Sotheby’s website bức tranh đã được bán với giá 596,000 Hồng Kông đô-la, khoảng 75,000 Mỹ kim). Mặc dù chưa nhìn thấy bức tranh mà chỉ nghe anh Thái nói đó là một bức họa lớn vẽ cảnh chợ trên vải lụa và ký tên TAM, tôi đặt ngay câu hỏi về tính trung thực của bức tranh ấy. Bởi nhiều lẽ: thứ nhất là sau gần nửa thế kỷ sưu tập những di cảo của ông cụ tôi chưa hề trông thấy hoặc nghe nói đến một bức tranh nào tương tự như thế, thứ hai là trong tất cả tài liệu và tranh vẽ của ông cụ mà tôi cất giữ đều ký tên hoặc là NHẤT LINH hoặc là TƯỜNG TAM, chứ không bao giờ ký TAM không thôi. Thấy tôi tỏ ý nghi ngờ anh Thái hứa gửi tôi quyển sách của nhà Sotheby’s để tôi so chữ ký ông cụ và anh cũng nói thêm nhà bán đấu giá Sotheby’s là một cơ quan uy tín quốc tế rất lâu đời không bao giờ có chuyện họ bán một bức tranh giả mạo. Sau khi nhận được quyển sách nhìn chữ ký và so với chữ TƯỜNG TAM ký trên bức thư từ chức Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao của ông cụ thì tôi không còn nghi ngờ gì nữa: chữ Tam ký trên tranh giống chữ Tam trên bức thư. Bức tranh này được vẽ khi ông cụ tôi ở trong khoảng từ 20 đến 23 tuổi, có lẽ hồi đó ông chưa có bút hiệu Nhất Linh.
Nhìn bức tranh tôi bàng hoàng. Mối xúc động đó của tôi hoàn toàn có tính cách cá nhân. Ðó là tâm trạng của một đứa con lần đầu tiên được nhìn thấy một họa phẩm mà nó chưa từng nhìn thấy của người cha thân yêu. Hơn thế nữa bức tranh như một cánh cửa vừa hé mở lộ ra một phần đời của cha nó mà nó chưa hề biết tới.
Tôi nhìn bức tranh mà như không nhìn tranh. Hình ảnh hiện lên trong tôi là tác giả bức tranh ấy, một cậu thanh niên mới ngoài 20 tuổi, đứng trước một giá vẽ họa cảnh phố chợ Sài Gòn gần 90 năm xưa.
Tôi tự hỏi tại sao bức tranh này lại là cảnh phố chợ ở Sài Gòn mà không phải là cảnh chợ Hà Nội hay một làng quê đất Bắc? Dịp nào mà cha tôi trong thập niên 20 của thế kỷ trước đã có phòng triển lãm tranh ở Sài Gòn và Nam Vang? Nguyên do nào khiến ông đã phiêu lưu rời xa Hà Nội sớm thế khi ông mới hai mươi mấy tuổi đầu?
Tôi tìm thấy câu trả lời trong vài dòng ngắn ngủi sau đây khi đọc lại tiểu sử Nhất Linh. Thụy Khuê trong cuốn sách Nhất Linh, người nghệ sĩ người chiến sĩ, cho biết: “Cuối năm 1923 ông đậu bằng Cao Tiểu. Nhưng vì chưa đến tuổi vào trường cao đẳng, nên làm thư ký sở tài chính Hà Nội, kết duyên văn nghệ với Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu, viết Nho Phong. Lấy vợ và theo ban cao đẳng. Lúc đầu, năm 1924 học thuốc được một năm thì bỏ, chuyển sang học Mỹ Thuật, được một năm cũng bỏ. Năm 1926 Nguyễn Tường Tam vào Nam, gặp Trần Huy Liệu, Vũ Đình Di định cùng làm báo. Nhưng vì tham dự đám tang Phan Chu Trinh, hai người này bị bắt, Nguyễn Tường Tam phải trốn sang Cao Miên, sống bằng nghề vẽ và tìm đường đi du học”.
Như vậy là trong thời gian ở Sài Gòn và Nam Vang cha tôi đã sống bằng nghề vẽ. Ông tổ chức những buổi triển lãm để bán tranh và một trong những bức ấy có một người (Việt hay Pháp?) mua được đem qua Pháp để hơn 80 năm sau bán đấu giá ở Hồng Kông: đó là bức tranh tôi đang nhìn ngắm được chụp lại và in trong cuốn sách của nhà Sotheby’s.
Ngắm bức tranh tôi ngẩn ngơ. Lần đầu tiên tôi thấy một họa phẩm lớn của ông vẽ trên vải lụa. Những bức tranh mà tôi sưu tập được là những bức nhỏ cha tôi vẽ sau này, phần lớn là những bản phác họa trên giấy vẽ hoa lan, vẽ phong cảnh Ðà Lạt… Trước sau tất cả các họa phẩm này đều toát lên một vẻ đẹp thật sự của tài hoa.
Mặc dù sau năm 1929 ông cụ tôi không sống về nghề vẽ như một họa sĩ chuyên nghiệp nhưng lòng mê say hội họa của ông vẫn theo ông cho đến cuối đời. Ông dùng tài vẽ của mình, theo từng giai đoạn, hoặc để làm báo, hoặc vẽ theo cảm hứng. Với báo Phong Hóa và Ngày Nay trước kia ông ký tên Ðông Sơn và sau này với Văn Hóa Ngày Nay ông ký tên Nhất Linh trên những bức vẽ. Phần lớn những tranh tôi giữ được là những bức cha tôi vẽ theo cảm hứng trải qua nhiều giai đoạn của đời ông.
Từ bức tranh
Cúc Xưa vẽ ở Hồng Kông năm 1948,
bức
Cathédrale de Bourges ở Paris năm 1954
cho đến bức Phong cảnh Ðà Lạt năm 1958 …

Ðặc biệt là trong những năm 1956-58 hồi chúng tôi ở Ðà Lạt, tôi chứng kiến cha tôi trong những buổi đi chơi xa hoặc đi tầm lan ông thường vẽ phác phong cảnh và hoa phong lan trên một cuốn sổ tay. Thời gian này tôi thấy ông vẽ còn nhiều hơn là ông viết nữa.
Bức tranh Cảnh Phố Chợ Ðông Dương mới khám phá này còn gây cho tôi thêm một thắc mắc. Vì lẽ gì mà người nghệ sĩ trẻ tuổi tài hoa ấy lại tự ý rời bỏ Trường Mỹ Thuật để theo đuổi nghề báo và viết văn?
Ðể trả lời cho câu hỏi này một người bạn của ông cụ tôi, nhà văn Trương Bảo Sơn, giải thích: “Ở trường Mỹ Thuật anh tin tưởng đời anh sẽ là một họa sĩ, thực là thích hợp với tâm tồn nghệ sĩ của anh. Anh mê say hội họa, nhưng rồi sau một năm, một hôm cùng bạn theo giáo sư về vùng quê vẽ mấy con trâu, anh nhận thấy cái cảnh nghèo khổ của dân quê và sự vô lý của công việc anh đang làm: trong lúc dân chúng bao nhiêu người còn phải sống trong cảnh “bùn lầy nước đọng”, anh lại có thì giờ đi vẽ trâu”.
Ông Trương Bảo Sơn là người rất thân cận với ông cụ tôi, chắc hẳn là đã được nghe chính ông cụ tôi tâm sự, nên đoạn trích của ông về lý do ông cụ bỏ hội họa là cực kỳ quí giá và quan trọng vì phản ảnh đúng tâm trạng ông cụ tôi.
Mặc dù không còn gì để nghi ngờ nữa tôi vẫn muốn tìm hiểu thêm lý do khiến ông cụ tôi bỏ vẽ và tôi đã được soi sáng hơn khi đọc kỹ lại truyện ngắn Hai Vẻ Đẹp của Nhất Linh. Trong truyện tác giả Tam của bức tranh kia hoá thân thành nhân vật Doãn. Chỉ khác một điều: Tam là họa sĩ trước khi Đi Tây. Còn Doãn là họa sĩ khi từ Pháp trở về.
Nhất Linh tả hoạ sĩ Doãn vẽ cảnh chợ ở một làng quê, gần gũi với cảnh chính ông vẽ trong bức Cảnh Phố Chợ Đông Dương:
Biết là có phiên chợ, Doãn dậy sớm ra ngồi ở hàng nước đầu làng để đón những người gồng gánh đi qua. Chàng cần lấy dáng điệu một bọn người gánh hàng, vì chàng đương làm dở một bức bình phong sơn vẽ cảnh chợ nhà quê.
Doãn vẽ mỏi cả tay mà vẫn còn muốn vẽ. Giở cuốn sổ tay xem lại, chàng thấy nhiều dáng rất linh động. Nhưng chàng vẫn nhận thấy nó sai hẳn sự thực; người ở trang giấy đẹp đẽ, sạch sẽ khác xa những người thật xấu xí, bẩn thỉu, tiều tụy đi diễn qua trước mắt chàng từ sáng đến giờ…
Nhất Linh diễn tả tâm trạng của Doãn khi vẽ một cảnh nghèo khó như sau:
Doãn lim dim mắt nhìn cái mái nhà gió đêm qua thổi bay từng mảnh để hở cả rui tre. Chàng toan chữa lại bức tranh, nhưng sao lại thôi, vì chàng cho thế là vụn vặt quá. Những cái mái nhà thủng làm chàng lo sợ; nếu mai kia họ đem rạ mới lợp lại, màu mái nhà đổi khác thì bức tranh của chàng đành vứt đi. Chàng cúi xuống vẽ thật mau. Được một lúc chàng tự nhiên mỉm cười vì một ý ngộ nghĩnh thoáng hiện trong óc:
– Mình chỉ cốt vẽ, muốn cho người ta ở nhà dột mãi, không cho người ta lợp lại mái nhà nữa…
Rồi chàng buồn rầu tự hỏi làm sao họ lại có thể sống trong cái nhà đó được.
Người họa sĩ trong truyện cuối cùng tìm thấy chân lý: đó là sự khám phá ra vẻ đẹp thứ hai trong Hai Vẻ Đẹp của cuộc đời:
Doãn táy máy rứt một cây cỏ đưa lên miệng nhai lá. Mùi đất ở rễ cỏ chàng tưởng như một mùi thơm của thời quá vãng còn vương lại, để chàng nghĩ đến cái ý nghĩ của quê hương. Doãn thấy mình đã bao lâu nay sống ở giữa chốn quê như một người xa lạ; bây giờ chính những cảnh nhem nhuốc của quê hương đã kích thích chàng, xúi giục chàng quay về với quê hương và mong mỏi cho quê hương trở nên đẹp đẽ. Đời của đám dân quê đã bao lâu bị chàng thờ ơ, lạnh nhạt, bỏ quên như xác những con vờ bên sông kia, từ lâu chàng sẽ săn sóc tới.
Thoáng một lúc chàng thấy hiện ra, trên những làng xóm ngủ yên, in bóng xuống các ruộng nước rải rác ở chân trời, những cảnh đẹp khác hẳn những cảnh đẹp vẫn phô diễn trong tranh: đó là những cảnh đời đẹp đẽ sáng sủa mà mấy tháng trước đây chàng đã có lần tưởng đến, nhưng cho là không bao giờ thành được sự thực. Doãn ngẫm nghĩ:
– Ta phải hết lòng đi tìm cái đẹp ấy cho người khác, cũng như là bấy lâu ta đi tìm cái đẹp về hình sắc để ghi trên vải lụa.
*
Hai Vẻ Đẹp của Nhất Linh nói lên hết.
Từ hội họa chàng họa sĩ đã nhìn thấy một cái đẹp khác: vẻ đẹp cao cả của cách mạng làm cho đời tốt hơn.
Và chàng sau đó đã thực sự lên đường đi tìm vẻ đẹp thứ hai cho đời ông và cho quê hương ông. Hành trang lên đường là điều tâm niệm sau đây của André Gide mà ông đã đặt làm lời mở cho truyện Hai Vẻ Đẹp:
Anh phải luôn luôn tự nhủ rằng đời người có thể đẹp đẽ hơn: đời của anh và đời của những người khác.

Nguyễn Tường Thiết

* Nguyễn Tường Tam sinh ngày 25-7-1906 nhưng bởi muốn đủ tuổi để đi thi, ông đã làm lại giấy khai sinh tăng thêm một tuổi, do đấy trên giấy tờ ghi ngày sinh là 1-2-1905. (Chú thích của NTT)
nguồn: www.damau.org

Thứ Ba, 11 tháng 1, 2011

Thơ Thái Ngọc San

Thái Ngọc San - Đinh Cường vẽ

Hà Nội của tôi


Đôi bím tóc ngắn ngủn của em
Chiếc răng cời
Và đôi mắt trái sấu
- Hà Nội của tôi!


Chiếc tàu điện leng keng leng keng
Như có điều gì giận dỗi
Phải không em, những con đường cũ rồi
Nhưng mối tình tôi vẫn mới
- Hà Nội của tôi!


Những con đường hun hút nửa đêm
Và một mùi hương kỳ diệu
Tôi sẵn sàng đổi trao cả cuộc đời
Cho mùi hương hoa ấy
- Hà Nội của tôi!


Hà Nội của tôi!
Dẫu em đã xa bên kia những bãi bờ sông Hồng
Những mùa nước vẫn sôi trong tim tôi cuồn cuộn
Dẫu con rùa vàng không còn dưới đáy Hồ Gươm
Tôi vẫn mơ Người Hoàn Kiếm!

Hà Nội 2-1984
THÁI NGỌC SAN

Thứ Hai, 10 tháng 1, 2011

Thơ Nguyễn Miên Thảo

CÓ NGHĨA LÀ XA CÁCH ... ĐỂ YÊU THÔI

Nếu còn sống vài ba trăm năm nữa
Nhắc tên em ta vẫn bồi hồi
Tim vẫn đập rộn ràng trong ngực
Khi nghe em về một sáng mưa bay
.
Biết đâu sẽ có người con gái khác

Làm tim ta đau như em bây giờ
Cũng có thể có người con gái khác
Chẳng bao giờ hiểu hết một nhà thơ
.
Những khát khao vẫn còn nguyên trai tráng

Vẫn còn nguyên nhịp đập trái tim cuồng
Cũng có thể một ngày hương tình ái
Sẽ không còn mua chuộc được ta chăng?
.
Nói chuyện xa xôi làm gì thêm mệt

Ta yêu em yêu cả đất cả trời
Ta yêu em có nghĩa là…xa cách
Có nghĩa là xa cách để… yêu thôi
.
Nếu rủi ro ta với em xa thật

Như bây giờ đang xa cách – sao đâu
Thôi ta hoá thành con ngựa đá
Cất vó một lần cho đến nghìn sau.

NGUYỄN MIÊN THẢO

Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2011

Ngũ ngôn Xuân

HỎI XUÂN

Xuân năm nay lại đến
Hoa vừa nở sang mùa
Người xuôi quen khách cũ
Mấy năm rồi về chưa ?


MỘT NGÀY


Một ngày không làm gì
Ra trước ngõ nhâm nhi
Xuân mới về bên xóm
Ngóng ai chờ bên ni


NƠI ĐIỀN DÃ

Tình ai lên phố thị
Trăng miền quê bạc màu
Thôn nữ phơi tóc rối
Bên giậu buồn đêm thâu


CẢM HƠI XUÂN

Sớm mai gió se mình
Đầu ngày hơi ngần ngại
Xuân mới khẽ bên mình
Thì thầm lời êm ái


BƯỚC XUÂN

Em lụa là trước gió
Ngày đùa ánh dương hồng
Tình anh vừa dạm ngỏ
Xuân bước dặm tình không
Nồng nàn em đem tới
Trải đường hoa thinh không
Xuân có về đừng vội
Em có gần thong dong
Tình anh như liền nối
Hai bờ Xuân mênh mông


TỪ HOÀI TẤN

Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2011

CHÚC MỪNG NĂM MỚI


Kính Chúc Quý Thân Hữu và Bạn Đọc
Một Năm Mới Sức Khỏe Dồi Dào - Vạn Sự Như Ý