Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

Thơ Hạc Thành Hoa

LẠI MỘT MÙA MƯA SẮP TỚI

em từ độ mùa mưa vừa dứt hạt
theo mây bay về mãi tận nơi đâu
trời vừa xanh nắng thu vàng rực rỡ
áo lụa vàng đi để nắng vàng đau

tôi từ đó chợt đau từng khúc hát
thương về đâu và nhớ về đâu
nước trôi đi bóng trăng còn ở lại
một vầng trăng bốc lửa ở trong đầu

đã mấy mùa mưa rồi không gặp lại
mà vẫn mơ hồ như mới hôm qua
ôi đôi mắt long lanh màu thép biếc
và nụ cười đủ khóc một đời ta

em chắc hẳn sau thời gian cách biệt
tới hôm nay có lẽ đổi thay nhiều
ta thì cũng một đời như cỏ dại
gặp nhau giờ đau xót biết bao nhiêu

ta chẳng còn là mây mùa thu trước
em không còn là trăng của thu xưa
và chuyện cũ có đôi lần nhớ lại
cũng đành ngậm ngùi như một giấc mơ

em bây giờ đã một đời yên phận
còn riêng ta đời sống vẫn lênh đênh
người ta yêu đến bây giờ chưa gặp
nên đường xa vẫn lủi thủi một mình

không bóng cây xanh mơ hồ trước mặt
không tiếng chim chia sớt nỗi sầu đời
em thì vẫn nụ cười thánh thiện
một vầng trăng trong vắt giữa hồn tôi


trời đất mơ hồ như thuở yêu nhau
mùa mưa nầy em ơi chừng sắp đến
em ở đâu có nghe lời ta gọi
đến cùng ta chia xẻ nỗi buồn đau

http://my.opera.com/hoadongphuong/blog/

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011

Cao Huy Khanh VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 – 2011: NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

Kỳ 78 – 25.7.2011 (Trích đăng từ 1.1.2010, xem MỤC LỤC DANH SÁCH ở Kỳ 75)

TƯỞNG NIỆM

Nguyễn Cao Kỳ

NGƯỜI NÉM BOM MIỀN BẮC TRỞ VỀ

Việt kiều Mỹ cựu phó tổng thống chế độ cũ sinh 1930 tại Sơn Tây – Qua chữa bệnh ở Malaysia, mất tại đây 23.7.2011 (82 tuổi).

Từng học trường Bưởi Hà Nội, di cư vào Nam 1954.

Gia nhập quân đội VNCH, được cử qua Pháp học phi công trở về làm sĩ quan cao cấp chỉ huy các phi đội chiến đấu ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Năm 1965 là Tư lệnh Không quân chế độ Sài Gòn đề xướng chiến dịch “Bắc tiến” đã dẫn đầu phi đội máy bay phản lực VNCH mở chuyến oanh kích đầu tiên ra miền Bắc nhắm đánh vào Nghệ An – Hà Tĩnh (phi công Phạm Phú Quốc bị bắn hạ trên đường trở về). Sau đó đường công danh lên như diều được xem là ngôi sao trẻ quân sự và chính trị đang lên, làm bộ trưởng rồi thủ tướng (chức vụ tương đương) rồi phó tổng thống chế độ Nguyễn Văn Thiệu cho đến ngày chính quyền miền Nam sụp đổ.

Được xem là một lãnh đạo trẻ năng nổ, có nhiệt tình, tính tình bộc trực thẳng thắn – biệt danh “Tướng râu kẽm” - có lòng tự trọng dân tộc theo khuynh hướng khác với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Trong thời gian nắm quyền lãnh đạo chính phủ có ý muốn chống tham nhũng, gần gũi với dân nghèo nhưng tất cả cuối cùng đều không đi đến đâu. Cuối sự nghiệp bị xem như làm “bù nhìn” cho TT Nguyễn Văn Thiệu.

Đến những ngày cuối cùng tháng 4.1975 còn hô hào ở lại “tử thủ” Sài Gòn nhưng rốt cuộc đành tự lái máy bay đào thoát ra hạm đội Mỹ rồi qua Mỹ sống đời lưu vong.

Trên xứ người hầu như không tham gia vào các hoạt động chống Cộng kể cả những kế hoạch đưa quân về “phục quốc”. Có viết cuốn hồi ký “Chúng ta đã thất bại ở miền Nam như thế nào?”

Năm 2004 bất ngờ được mời trở về VN như một hành động biểu tỏ chủ trương hòa giải, hòa hợp dân tộc “xếp lại quá khứ nhìn về tương lai” từ 2 phía. Chấp nhận trở thành lãnh đạo cao cấp nhất chế độ cũ trở về cùng vợ (vợ mới ở Mỹ sau khi ly dị năm 1989 với bà vợ thứ hai khá nổi tiếng thời VNCH), “khóc lần thứ hai trong đời khi từ trên máy bay nhìn thấy lại Sài Gòn sau 30 năm” (lần đầu khóc là khi ra đi). Khẳng định trở về vì “nhớ quê hương và xem quê hương cần gì để mình có thể đóng góp trong khả năng của mình.”

Từ đó còn thêm vài lần trở về nữa, về thăm tận quê nhà Sơn Tây, ra Hà Nội gặp bạn học cũ trường Bưởi. Đã giới thiệu nhà đầu tư Mỹ bỏ vốn đầu tư vào khu du lịch ở Quảng Ninh, khuyến khích con út là nữ MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên (con bà vợ thứ hai, 6 con qua 3 đời vợ) bỏ vốn kinh doanh quán cà phê cao cấp ở Đà Nẵng…

Tất nhiên đã trở thành một đối tượng gây tranh luận ồn ào cho cộng đồng VN hải ngoại chia làm 2 phe chống và ủng hộ trong đó phe cực đoan kịch liệt đả phá dữ dằn nhất – tới mức chửi bới thậm tệ – là “kẻ phản bội”.

Đáp lại, khẳng định rằng bây giờ ai còn nhắc chuyện quá khứ kiểu như thế nữa thì quả là “chuyện hoang tưởng”!

781 - Cao Hữu Điền

“ĐEN” LÝ LỊCH

Nhạc sĩ sinh 1947 tại Huế. Sống ở Huế (2011).

Thuộc dòng dõi nổi tiếng học giỏi làm quan đất cố đô, lớn lên ra đời về Quảng Trị dạy học cấp 3.

Có tư tưởng tiến bộ nên sau 30.4.75 dù bản thân gia đình “có vấn đề” (cha bị cộng sản ám sát) vẫn chấp nhận ở lại hòa nhập với chế độ mới. Nhưng do lý lịch quá “đen” nên đương nhiên khó được chính quyền mới mở rộng vòng tay dung nạp, có lúc bị điều chuyển về trường tiểu học làm giáo viên… thể dục!

Trong cảnh khốn cùng chỉ còn biết tìm quên trong thơ nhạc, đã in một tập nhạc phổ thơ bạn bè.

May mà sau đó có được chiếu cố đưa về Sở Giáo dục sử dụng đúng chuyên môn giáo viên sinh ngữ. Từ đó được Pháp cấp học bổng qua tu nghiệp, một việc hiếm có thời đó ở địa phương này.

Hết thời gian tu nghiệp vẫn kiên quyết quay về dù người thân và bạn bè ở hải ngoại làm đủ cách khuyên can, ngăn cản vô ích!

Rốt cuộc quay về thì lại rơi vào cảnh bị bạc đãi trở lại tới lúc chịu hết nổi đành bỏ việc vào TPHCM làm nghề hướng dẫn viên du lịch đưa khách Tây đi tour kiếm sống qua ngày.

Cuối đời gió bụi, lớn tuổi thêm bệnh tật quyết định trở về cố quận sống đời ẩn dật cạnh dòng sông Hương làm kẻ “kết nối Internet” gửi đến người đồng điệu những ca khúc, vần thơ tìm niềm vui an ủi tuổi già (và cả vẽ tranh nữa). Đặc biệt phổ biến nhiều loại “thơ tin nhắn” thường chỉ 4 câu lục bát chuyển qua ĐTDĐ:

“Lòng ta là một biển khơi

Nhiều khi sóng gió tơi bời ngả nghiêng.

Đêm qua mưa suốt mọi miền

A di đà Phật muộn phiền tan theo…”

(Giữa dòng di động)

782 - Dương Nguyệt Ánh


“BOM LADY”

Nhà nữ khoa học Việt kiều Mỹ sinh 1960 tại VN. Sống ở Mỹ (2011).

Thuộc dòng họ Dương nổi tiếng trí thức văn nhân miền Bắc, xưa là Dương Khuê, Dương Lâm và sau này là Dương Thiệu Tước, Dương Thiệu Tống, Dương Tường, Dương Thụ, Dương Thu Hương… Gia đình di cư vào Nam năm 54.

Di tản qua Philippines từ ngày 28.4.1975, sau đó đến Mỹ.

Lớn lên học đại học tốt nghiệp nghành hóa và khoa học máy tính.

Năm 1983 được tuyển vào làm việc tại Trung tâm sản xuất Vũ khí Hải quân thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ. Từ đó dần trở thành một chuyên gia chế tạo vũ khí hiện đại, nổi tiếng với sáng chế loại bom nhiệt áp (thermobaric) diệt hầm ngầm được sử dụng trong cuộc chiến Mỹ đánh quân khủng bố Al Queda ở Afghanistan nên được tặng cho biệt danh “Phu nhân bom”.

Làm đến chức trưởng nhóm nghiên cứu rồi giám đốc khoa học – kỹ thuật, đại biểu dự hội nghị NATO, nhận nhiều giải thưởng khoa học Mỹ và quốc tế. Được viết sách, làm phim vinh danh là một “người VN tự do” không chấp nhận chế độ cộng sản.

Có chồng 4 con.

783 - Dương Văn Đức

TƯỚNG “MÁT”

Cựu trung tướng VNCH sinh khoảng 1928 tại Mỹ Tho – Mất khoảng 1984 (57 tuổi).

Một trong những tướng lãnh kỳ cựu của chế độ miền Nam từng nắm quyền tư lệnh quân đoàn 4, ủng hộ đảng Đại Việt.

Sau thời chế độ Dương Văn Minh (không dính dáng bà con gì) lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm bị thất sủng nên tham gia cuộc đảo chính định lật đổ chế độ Nguyễn Khánh nhưng thất bại, bị bắt đưa ra tòa. Cuối cùng được xử nới tay chỉ buộc phải giải ngũ.

Thất chí sinh ra rượu chè tối ngày, ai ai cũng bị chửi tất kể cả chế độ Thiệu Kỳ lúc đó suýt bị trừng trị song sau có người đỡ nhẹ tội cho, đổ cho tại rượu chè dữ quá nên thành ra “mát dây” (khùng, từ tiếng Anh “mad”)!

Sau ngày Giải phóng vẫn bị bắt đi cải tạo ra tới Hoàng Liên Sơn. Trong tù vẫn giữ tật cũ nói thẳng chửi thẳng không sợ ai không kiên dè gì hết song may mà cũng được cho qua nhờ bạn tù bao che chạy tội cho là vì bệnh “mát”.

Năm 1983 được cho về nhưng chỉ một thời gian ngắn sau chết một cách bí ẩn, đang đêm bị đánh chết dìm xác xuống ao ở gần nhà sáng ra mọi người mới hay.

Công an nói có lẽ do say sưa chửi bới va chạm với bọn du đãng bị chúng giết nhưng cũng có giả thuyết tại đương sự lại lớn tiếng chửi bới cộng sản nên bị chính quyền âm mưu ám hại!

784 - Dương Văn Tân

ĐI TÌM MỘ ĐẾN… LIỆT CỘT SỐNG!

Cựu chiến binh sinh 1941 tại Tây Ninh. Sống ở Tây Ninh (2007).

Sau chiến tranh đã tận dung các chuyến đi công tác khắp địa bàn miền đông Nam bộ qua tới Campuchia để truy tìm hài cốt liệt sĩ đồng đội.

Về hưu năm 1993 vẫn tiếp tục cùng bộ đội Tây Ninh làm công việc này. Đặc biệt từ kinh nghiệm đi tìm mộ đã có sáng kiến chế ra cây xăm đất rèn bằng thép cứng mới xuyên được lớp đất vùng này rất cứng đồng thời từ chất thép đâm xuống sâu trong lòng đất còn vang ra âm thanh khi chạm vào hài cốt giúp phân biệt được dưới đó là xương cốt trần hay được bọc vải.

Tính ra đến năm 2005 đã tham gia tìm kiếm đượïc khoảng hơn 12.000 bộ hài cốt bộ đội mất tích trong chiến tranh chống Mỹ trong vùng giáp giới 2 phía VN – Campuchia. Được mọi người kính phục phong là “Vua tìm hài cốt” do không chỉ tìm ra dấu tích mộ mà còn tự tay moi hài cốt lên rồi đem đi làm vệ sinh riêng trước khi gói lại vào bọc ny lông mang về. Song cũng vì vậy lại chuốc lấy nỗi khổ tâm hễ khi nào dự đám tiệc hay ăn giỗ, nhiều người không dám ngồi chung bàn sợ… “mùi” xác chết vương vất!

Công việc cứ thế mà tiếp tục thì không ngờ gặp tai họa xảy đến cuối năm 2005 trong một chuyến đi lặn lội trong rừng núi biên giới đến tỉnh Kampong Cham đã không may bị té ngã chấn thương cột sống nặng phải cấp tốc đưa về TPHCM chữa trị.

Vết thương quá nặng làm đốt xương sống bị lệch nên điều trị hơn 2 năm vẫn chưa khỏi, chỉ mới bắt đầu tập đi từng bước gượng gạo đau nhói. Nhưng đau hơn cả là không biết bao giờ mình mới bình phục để được quay lại với “chiến trường mới” theo chân hài cốt đồng đội trong khi đêm đêm vừa chợp mắt đã mơ thấy bao hình dáng mơ hồ đứng đó nhìn mình với đôi mắt buồn thê thiết không thể tả nên lời.

785 - Dat Nguyen

CẦU THỦ BÓNG BẦU DỤC CHUYÊN NGHIỆP VN ĐẦU TIÊN

Huấn luyện viên thể thao Việt kiều Mỹ tên cũ Nguyễn Tấn Đạt sinh 1975 tại Mỹ. Sống ở Mỹ (2011).

Mẹ mang thai từ VN đến 30.4 cùng 5 con di tản qua Mỹ, đến tháng 9 thì sinh mình là con thứ sáu trong trại tỵ nạn ở Arkansas.

Lớn lên với thể hình vượt trội so với người Việt cao 1,8m cân nặng 108kg nên tham gia chơi môn bóng bầu dục – môn thể thao kiểu bóng đá “đô vật” rất được dân Mỹ ưa thích, VN chưa có – đứng vị trí hậu vệ chốt chặn bảo vệ khung thành.

Kết quả đạt nhiều thành công khích lệ nên được tuyển vào CLB Dallas Cowboys ở Texas bắt đầu thi đấu giải chuyên nghiệp NLF từ năm 1999. Đoạt nhiều giải thưởng hậu vệ xuất sắc mùa bóng, được ghi tên vào Bảo tàng Vận động viên Texas.

Năm 2006 bị chấn thương cổ nên giải nghệ chuyển qua làm huấn luyện viên bóng bầu dục

Lấy vợ Mỹ có 2 con gái. Năm 2004 được vinh danh Việt kiều có công trạng nhận phần thưởng Cây đuốc vàng tại Dạ hội quốcgia Việt – Mỹ tổ chức ở Thủ đô Washington.

786 – Dinh Q. Le

NGHỆ THUẬT THỊ GIÁC VỀ CHẤT ĐỘC DA CAM

Nghệ sĩ nghệ thuật đương đại Việt kiều Mỹ tên cũ Lê Quang Đỉnh sinh 1968 tại Hà Tiên. Sống ở Mỹ (2011).

Cuộc chiến biên giới Tây Nam năm 1978 đẩy gia đình phải vượt biên qua Mỹ.

Tại đây tốt nghiệp đại học ở California ngành nhiếp ảnh, sau đó theo học ngành nghệ thuật thị giác đương đại ở New York. Từ đó thể hiện một phong cách sáng tạo cực kỳ hiện đại tổng hợp các ngành nghệ thuật liên quan phục vụ thị giác – cái nhìn – từ nhiếp ảnh, hội họa đến quay video, quay phim…

Đã tổ chức triển lãm tại Mỹ và nước ngoài, được tặng nhiều giải thưởng quốc tế.

Đặc biệt trong các tác phẩm của mình thường xuyên nhắc đến đề tài chiến tranh do ám ảnh để lại từ thời thơ ấu chứng kiến cuộc chiến tranh chống Mỹ rồi sau đó là chiến tranh Campuchia. Nổi cộm hơn cả là dấu ấn di chứng CĐDC trên vô vàn nạn nhân trẻ em VN.

Năm 1998 lần đầu tiên quay lại VN đã tự bỏ tiền túi ra tổ chức một cuộc triển lãm “mini tự phát” một số tác phẩm đó tại một quầy hàng cho thuê ở TPHCM: Những mẫu “búp bê CĐDC” như bào thai dị dạng, trẻ song sinh dính liền với nhau, mất tay mất chân, mặt mày méo mó biến dạng bẩm sinh…

Chuyến trở về để lại ấn tượng quá sâu đậm: “Khi đó dù chưa biết mọi thứ ở đây như thế nào tôi đã cảm thấy đây là nơi mình muốn ở. Có gì đó sâu sắc trong lòng gắn tôi với nơi này dù lúc đó mọi thứ ở đây đều rất lạ đối với tôi…”

Thế là sau đó quyết định… ở lại luôn bởi “về Mỹ 2 tuần là thấy… nhớ”!

Cứ thế tiếp tục sáng tạo trên quê hương tuy thể loại nghệ thuật của mình quá mới quá cấp tiến chưa dễ được mọi người hiểu và chấp nhận.

Không chỉ thế còn lập ra “Thư viện mỹ thuật đương đại” miễn phí góp phần phát triển nâng cao kiến thức nghệ thuật hiện đại cho lớp trẻ VN tìm đọc. Và năm 2007 lập tiếp gallery triển lãm tranh miễn phí mang tên “Sàn Art” dành cho giới mỹ thuật trong nước được tự do sáng tạo không phải chiều theo thị hiếu thị trường.

787 – Don Lam

“MR WALL STREET VIET NAM”

Doanh nhân Việt kiều Canada sinh 1972 tại Nha Trang. Sống ở TPHCM (2011).

Sau 1975 vượt biên đến Canada định cư.

Học đại học tại Toronto tốt nghiệp bằng thương mại năm 1990. Ra làm ngành ngân hàng và kiểm toán tại Canada.

Năm 1995 được cử về VN làm công tác nghiên cứu đầu tư vào VN. Ban đầu chỉ định ở thời gian ngắn nhưng sau đó qua thực tế quan sát và thâm nhập thị trường VN nhìn thấy tiềm năng cùng triển vọng đầu tư lớn ở đây nên quyết định ở lại làm ăn lâu dài.

Từ đó xin nghỉ làm chỗ cũ ra hợp tác với một doanh nhân Đức lập công ty đầu tư tài chính nước ngoài đầu tiên ở VN vào năm 2003 nay là Tập đoàn VinaCapital chuyên đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đất đai, công ty kinh doanh lẫn thị trường chứng khoáng… Với vốn ban đầu 10 triệu USD hiện đã phát triển lên tới trên 1,8 tỉ USD trong đó doanh thu từ chứng khoáng chiếm một tỉ lệ đáng kể đưa đến biệt danh “Ông Wall Street VN” (Wall Street tên phốù chứng khoáng nổi tiếng của Mỹ ở New York).

Đạt thành công lớn rồi mới bắt tay vào tham gia hoạt động từ thiện, tập trung vào lập quỹ tài trợ mổ tim cho trẻ em nghèo VN đến nay đã hỗ trợ trên 2,5 triệu USD giúp mổ tim cho khoảng hơn 2.200 em.

Với mình đó là thêm một công việc lâu dài nữa trên quê hương trở lại, nơi mà “dù đi đâu thì tôi cũng trở về nhà tại VN vào chiều thứ sáu.”

788 - Đàm Thị Duyên

NỮ HOÀNG THỢ LẶN MÃI MÃI TRỞ VỀ

Lao động sinh 1960 tại Cà Mau. Sống ở Cà Mau (2007).

Sinh ra từ vùng sông nước Cà Mau nên theo nghề gia đình làm nghề thợ lặn trên sông Cái Lớn ở vùng Năm Căn. Sau 1975 chuyên lặn xuống đáy sông trục vớt tàu chìm trong đó có nhiều tàu Mỹ bị bắn chìm trên sông này thời chiến tranh.

Đây là một nghề cực gian khổ trong điều kiện tư nhân hành nghề lặn đến độ sâu 50m mà chỉ được trang bị thô sơ không đeo kính lặn, không mang đồ bảo hộ và nhất là không có bình hơi mang theo mà chỉ ngậm ống thông hơi từ trên thả xuống. Vì thế dễ xảy ra tai nạn chết người song bản thân vẫn kiên trì giữ nghề, theo nghề trở thành người phụ nữ duy nhất nơi đây dám làm nghề này.

Từ thợ lặn dần tổ chức nhóm lặn riêng từ năm 1989, nổi tiếng là “Nữ tướng” Mười Duyên có khi chỉ huy đến gần 50 thợ lặn vào cuộc truy tìm tàu chìm.

Sau khi lấy chồng sinh được 3 con thì theo chồng con qua định cư Mỹ.

Nhưng được một thời gian nhớ nghề lại một mình quay về tiếp tục gây dựng lại nhóm thợ lặn năm xưa, lo mình bỏ đi anh em biết trông cậy vào ai. Đã 3 lần rời quê hương rồi 3 lần trở về như vậy!

Lần đầu trở về được một thời gian thì xảy ra tai nạn một người anh lặn quá sâu bị sóng nhồi khi trồi lên được đã bứt hơi thổ huyết mà chết nên chán nản bỏ tất cả ra đi về Mỹ. Nhưng vài năm sau lại tái xuất hiện năm 2006 dẫn theo đứa con út “cho biết quê hương”, sau đó đưa con qua Mỹ lo cho con vào học xong xuôi rồi lại trở về với bến cũ Năm Căn.

Chấp nhận sống một mình trong căn nhà bên bến sông ngó mặt ra biển cả muôn trùng, nơi làm điểm xuất phát cho những giấc mơ lặn sông lặn biển “đã mang lấy nghiệp vào thân” thì cứ thuận theo mệnh trời sóng nước.

789 – Đào Thị Dạt

NGƯỜI MÙ NUÔI CHỒNG 11 NĂM SỐNG ĐỜI THỰC VẬT

Cán bộ về hưu sinh tại Quy Nhơn. Sống ở Quy Nhơn (2001).

Đi du kích xã đánh Mỹ. Lấy chồng đồng đội mới sinh con trai đầu lòng thì chồng bị địch phục kích bắn chết. Một thời gian sau cũng bị bắt giam cho đến ngày giải phóng 30.4.1975.

Hòa bình, lấy chồng khác cũng là đồng chí cùng chiến đấu năm xưa sinh thêm được một bé trai.

Gia đình đang đầm ấm hạnh phúc thì năm 1989 di chứng bệnh tật thời chiến tranh cùng lúc kéo đến cho cả 2 vợ chồng. Bản thân sức khỏe suy sụp, đặc biệt 2 mắt mờ dần đến mù luôn, tay chân cử động khó khăn cũng gần như bại liệt. Nhưng nặng nhất là chồng bị tai biến nằm liệt một chỗ dẫn đến sống đời thực vật.

Thế là vừa mù vừa di chuyển trong nhà bằng cách lết người đi để chăm lo cho chồng nằm một chỗ vô tri vô giác mà vẫn sống suốt hơn 10 năm trời như một phép lạ. Đêm nào cũng nằm dưới đất nơi chân giường “trực” bệnh: “Khổ mình chịu chứ không để chồng khổ… Giờ tôi nuôi chồng như nuôi em bé vậy.”

790 - Đào Thị Hồng Đào

NGƯỜI RUN MÃN TÍNH ĐI TÌM MỘ

Cán bộ về hưu sinh 1950 tại Nam bộ. Sống ở TPHCM (2009).

Đi thanh niên xung phong từ năm 15 tuổi tham gia chiến đấu ở miền đông Nam bộ. Nhiều lần bị đánh bom B52 suýt chết.

Sau 75 dư chấn những trận bom B52 ngày xưa gây nên bệnh rối loạn tiền đình ngày càng nặng khiến phải xin về hưu non để chữa bệnh. Nhưng bệnh biến thái thành chứng run mãn tính thường xuyên run tay lẩy bẩy, những khi bị xúc động càng run dữ, run lên đầu ngoặt nghẹo làm líu lưỡi nói lắp luôn.

Đã vậy gia đình lại lâm cảnh tang thương, chồng sĩ quan bộ đội cũng mắc bị thương tật chiến tranh mất sớm để lại 3 con dại.

Dù vậy vẫn cắn răng chịu đựng vượt lên tất cả nuôi con trưởng thành đàng hoàng.

Ôm bệnh mãn tính như thế trong người vậy nhưng khi con cái đã ổn định, từ năm 2006 vẫn bắt đầu cùng đồng đội cũ tổ chức đi truy tìm hài cốt liệt sĩ bạn bè chiến đấu năm xưa nay chưa biết gửi thân xác mục rữa nơi đâu. Đi khắp các tỉnh miền đông và tây Nam bộ đã tìm được gần 100 bộ hài cốt báo tin cho gia đình được yên lòng: “Tôi tự nhận thấy đó như một món nợ lớn. Dù sao tôi cũng may mắn hơn là được nhìn thấy đất nước độc lập thống nhất…”

Dù bệnh run mãn tính vẫn còn đó song “Khó khăn đến mấy tôi vẫn còn đi, đi đến khi nào không còn đi được nữa.”

(Còn tiếp)

http://sites.google.com/site/vanvietloc4/home/ho-so-hau-chien/hshc-ki-78

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

Thơ Nguyễn Miên Thảo

TÌNH YÊU, HÃY CƯỜI LÊN VỚI NÓ


hãy cười lên dù tình yêu có bóp nát trái tim ta
dù tình yêu đốt cháy trái tim thành tro bụi
hãy bùng lên ngọn lửa
hãy cười lên dù là phút giây cuối cùng
của tình yêu - sự sống
hãy cười lên với nó

dù cuộc đời có biết bao phiền muộn
bao lo toan dằn vặt
hay như một lừa lọc vô tình
hãy cười lên
vì ngọn lửa tình yêu
không bao giờ tắt

dù những ngày tàn thu lạnh lẽo
bắt đầu cho một mùa đông giá buốt
những ngọn cỏ vẫn biết sống cho tình yêu
mặt đất
trong úa tàn vẫn sinh nở xanh tươi
hãy cười lên với nó

hãy cưòi lên
dù sự chật hẹp của cuộc đời
không chứa hết được đôi cánh tình yêu
vẫn hãy cười lên
vì tiếng khóc

hãy cười lên
vì tình yêu,hãy cười lên
dũng cảm như đối đầu với bạo ngược
bởi thiếu vắng tình yêu sẽ thiếu vắng nụ cười
thiếu vắng nụ cười,cuộc sống này sẽ chết
hãy cười lên với nó

hãy cười lên
trong nỗi lo toan
lừa lọc
tình yêu vẫn nuôi dưỡng sự sống
dù sự sống chối bỏ tình yêu
hãy tin vẫn còn một đời sống chân thật khác
hãy vỗ lên
đôi cánh của tình yêu
hãy cười lên với nó

hãy cười lên
dù cơn bão tình yêu có quá đầy nước mắt
hãy cười lên
vì tình yêu không bao giờ là tội lỗi

hãy cười lên
tình yêu là điều đẹp nhất
và không bao giờ kết thúc
hãy cười lên
hãy cười lên với nó

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

Thơ Từ Hoài Tấn

Nhìn rõ mặt

Ngày xối xả tóc khuôn mặt
Định hình lớp áo thô kệch
Người bước ra ngoài không gian sẫm
Níu tay giữ lại chút hơi ấm
Tàn tro

Quét đi lớp bụi thời gian trên khuôn mặt tượng đá công viên
Chiều không màu
Thái độ trâng tráo của sự thật
Thổi phồng no đủ niềm ước ao
Đau đớn vô hình nhẹ xuyên qua màn chắn lịch sử

Tháng bảy ngoài đường nghe tiếng sóng người ngun ngút
Nỗi đau về phía biển
Âm vang những tham vọng truyền thống từ ngàn năm trước




Gặp gỡ chiều hè

Vô tình em hé lộ vết sẹo tuổi thơ
Phía ngoài hành lang chiều tới
Bồi hồi lời nói tựa thành gai nhọn
Đau buốt anh ngày hạn hán

Nỗi mong đợi như chiếc kim khâu
Vá lại những đường giá rét trên tấm thân đời
Nụ cười như giọt nước hiếm hoi nuốt ngọt họng khô
Dịu dàng lần hò hẹn

Có khi bên đường cây cỏ phát ra âm thanh chào mừng
Em đã đến rất nhẹ
Ngọn gió cong cớn lượn là mùi hương ban đầu
Ngày dài không hết

Em yêu – một chiều hè
Không thể quên





Âm khác

ở đại dương không có chỗ để neo đậu
không có bến bờ cho kẻ
không có chỗ ngụ cư

tình xanh
trên mái lá
đời xanh
trên ngõ lạ

đã đi đã bước ra đi rồi
ngoái lại làm chi
kẻ vô hình

ở đất liền không có chỗ để đứng ngồi
không có ghế dựa cho người
không có tấm lưng cong




Ngắm nhìn mình

Không có việc gì làm tự ngắm nhìn mình
Trông không giống ai
Ngoài ra cũng không giống mình

Mỗi người
Trong cuộc đời
Có khi nào một lúc
Tự ngắm nhìn mình


TỪ HOÀI TẤN

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

Tưởng nhớ Trầm Kha Nguyễn Văn Đồng

Trm Kha

1948 - 1974

Tàn Cuc


khi về bóng lạ tên người

trong mê hoang đã lạnh vùi xương da

khói sương riêng bóng với ta

nghe hờ điệp khúc quân qua mặt thành

bỗng xa, rồi bỗng mông mênh

mới hay hồ điệp bồng bềnh năm canh

say hồn theo ánh trăng xanh

ngẩn ngơ trong cõi phù vân một mình

cỏ hoa đắp đổi cuộc tình

chút riêng tư đã hết đành nhớ quên.

( VĂN số 181 ngày 1 tháng 7 năm 1971 )

CHỢ LÀNG CHUỒN - Tiểu Kiều

Chợ làng Chuồn (An Truyền) ở xã Phú An, huyện Phú Vang, cách thành phố Huế 5km về hướng Đông, nằm cạnh ngôi đình làng được Bộ Văn Hóa công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Chợ này rất nổi tiếng về rượu, bánh tét, bánh khoái cá kình và thủy sản thì có cá nước lợ, rau... của đầm Chuồn.

Chợ đông từ lúc 5 giờ đến 9 giờ sáng, bạn hàng tấp nập bán mua, bởi đây là nguồn cung cấp tôm cá cho các chợ lớn nhỏ của thành phố Huế: Đông Ba, An Cựu, Bến Ngự, chợ Xép Đông Ba, Gia Hội, Phước Vĩnh, chợ Cống, Hai BàTrưng… và đặc biệt là dịch vụ giao đặc sản cho các nhà hàng, khách sạn ở Huế. Có một thời, cua làng Chuồn được đóng đi Trung Quốc.

Chợ Chuồn có rất nhiều món cá ngon thích hợp với khẩu vị của người Huế như cá dìa, cá đối, cá kình, có bống thệ, cá ong hương… Giá cả thì theo luật tiền nào của nấy, các loại cá ngon bổ dưỡng này giá tiền đắt hơn các loại cá biển, sông khác.

Các bà nôi trợ sành ăn của Huế thường chọn tôm cá làng Chuồn cho bữa ăn gia đình. Nhờ có nhiều đặc sản như vậy nên các mẹ làng Chuồn có cơ hội trỗ tài làm mắm đặc sắc như mắm rò, mắm nêm, mắm tôm… tuyệt diệu nhất là nước mắm nguyên chất, ăn với thịt heo luộc, bún con rất ngon!

Mỗi ngày, từ sáng sớm, người buôn bán vội vàng chở tôm cá đi ngược xuôi lên các chợ, trước đây họ thường gánh cá chạy bộ rồi sau đó là đi xe ngựa rồi xe đò, xe lam… Ngày nay phương tiện vận chuyển hiện đại hơn, các o, các chị lớn tuổi đi bằng xích lô, các cô gái trẻ trung thì nhanh nhẹn gọn gàng hơn với xe đạp, xe máy… Cứ như thế mà cá làng Chuồn có mặt khắp các chợ ở Huế.

Ở làng Chuồn có một món ăn lạ, được một số đông người đồng điệu ca ngợi, đó là bánh khoái cá kình. Người ta quen ăn bánh khoái ở tiệm Lạc Thiện, Thượng Tứ, nay với bánh khoái cá kình, lần đầu khi mới ăn ai cũng cảm thấy phiền hà bởi cá đầy xương xóc, nhưng khi đã ăn quen rồi thì đâm ra nghiện, cứ mãi mong mùa cá đến để tìm lại hương xưa.

Ngoài ra, còn có bánh tét, quanh năm bốn mùa chẳng cần phải đợi đến tết, bánh tét dẻo, nhụy béo ngậy và thơm phức.

Chợ làng Chuồn còn có rau câu, làm gỏi để nhậu hoặc luộc chấm mắm nêm, tôm kho đánh là món ăn đậm đà. Rau câu để chế biến thành thạch xoa, ăn vào ngày hè rất mát. Ở Huế có câu “Thạch xoa một vốn bốn lời…”. Aga cũng được chế biến từ rau câu.

Món nổi tiếng nhất là rượu, cay đến xé họng nhưng lại ngọt lịm rất có hậu và tê tê đầu lưỡi, có nồng độ cao, có thể dùng để nướng khô mực, cá, tôm…

Riêng ngày Tết, chợ làng Chuồn có bán liễn để chưng bày bàn thờ, thế là các liễn này có bán ở khắp phố phường Huế.

Nhà hàng Duyên Anh, chuyên bán đặc sản làng Chuồn, giá cả phải chăng, thức ăn tươi ngon nên luôn đông thực khách.

Tiểu Kiều


***


MỘT SỐ HÌNH ẢNH CHỢ CHUỒN

Hàng bán nước mắm, ruốc, mắm rò, nước ớt...

.

Một góc quán bánh khoái cá kình (Ảnh: Hạnh Nhơn)

.

.

Bàn tay thiếu nữ trên phố (Huế) với bánh khoái cá kình của o Lành ở Chợ Chuồn.

.

Bánh khoái cá kình

.

Góc chợ này mệ Nhỏ bán mắm rò từ thời con gái đến nay đã trên 50 năm.

.

Mắm rò chợ Chuồn

.

Chủ nhân một hàng cau trầu trong chợ Chuồn (Ảnh: Nguyen Doan Quang)

.

Hàng cá chợ Chuồn

.

Ca bống thệ, đặc sản đầm Chuồn.

.

Cá kình, đặc sản đầm Chuồn

.

Bánh tét làng Chuồn

.

Liễn Tết làng Chuồn.

http://voque.org

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

Thơ Việt - nghĩ vài điều khi vọng nhìn từ 2010 đến nay

(Toquoc)- Tôi vẫn đọc thấy đâu đấy năm 2010 là một năm thơ sôi động, nhiều gương mặt sáng giá… Chỗ khác thì năm 2010 là năm trầm lắng của thơ Việt. Hai kiểu nói nghịch nhĩ ấy, thực ra với thực trạng thơ Việt Nam gần đây, cụ thể là từ 2010 đến nay, thì nói kiểu nào cũng trúng.


Martin Heidegger trong những suy nghĩ sâu thẳm quan niệm chỉ có thi gia và tư tưởng gia là những kẻ cư lưu ngàn đời canh giữ cho ngôi nhà của hữu thể. Trong đấy, Heidegger cho rằng thi gia là kẻ đi đường thẳng, có thể ngay lập tức trực nhập vào các kinh nghiệm bản nguyên của thế giới. Ngược lại, triết gia thường đến với các bản chất thế giới bằng con đường vòng, sau cả một quá trình dài vật lộn, trăn trở về thế giới bằng những hoạt động tư duy rất phức tạp. Thi gia và triết gia là hai kẻ độc hành bằng hai đường đi khác nhau, nhưng đều dẫn đến một đích - cái bản chất thế giới. Vì thế, bao giờ cũng vậy, thi gia và tư tưởng gia là những của quý hiếm, tinh hoa nhân loại chắt lọc ra. Mà đã quý hiếm, là tinh túy người thì hiển nhiên không lấy đâu ra mà nhiều. Cho nên, trên khắp thế giới, các dân tộc vẫn tự hào về các nhà thơ, nhà tư tưởng của dân tộc mình. Họ là con cưng, là tinh túy do một dân tộc chắt lọc ra, cô đúc nên, như kim cương bất tử, lấp lánh sáng xuyên thời-không.

Thế mà Việt Nam là một dân tộc thơ vì trên khắp phương tiện truyền thông, người ta vẫn thường nhận như vậy. Ở Huế, gần đây có tuyển 1000 nhà thơ Huế đương thời, rồi tuyển thơ các địa phương: Thơ tuyển Phú Thọ, Thơ tuyển Thái Bình… Có thể vì thế chăng mà chúng ta ít gặp triết gia, vì ra ngõ là gặp nhà thơ, gặp những “tinh túy” có thể cộng thông ngay lập tức với các bản chất. Thế nên cần gì những kẻ suy nghĩ vẩn vơ, vòng vo tam quốc, hệ thống nên cái này nọ mang tên là triết gia. Việt Nam không có triết gia (có chăng một chút các nhân vật trong Trúc lâm thiền phái khi xưa và Trần Đức Thảo gần đây là cận triết gia mà thôi).

Nhại thế để thấy rằng ở Việt Nam, cái căn tính dễ dãi, đơn giản hóa mọi vấn đề của cư dân tiểu nông, làng xã đã in hằn sâu vào suy nghĩ con người nơi đây, làm thành những nếp hằn mang tính lịch sử. Ở Việt Nam, một ngày không biết có bao nhiêu tập thơ được ra đời? Nhưng phần lớn là những cái tên lạ hoắc. Thơ in ra để cho, biếu, tặng… thì được, chứ bán thì rất khó, ngoại trừ vài cái tên thời danh.

Tôi vẫn đọc thấy đâu đấy năm 2010 là một năm thơ sôi động, nhiều gương mặt sáng giá… Chỗ khác thì năm 2010 là năm trầm lắng của thơ Việt. Hai kiểu nói nghịch nhĩ ấy, thực ra với thực trạng thơ Việt Nam gần đây, cụ thể là từ 2010 đến nay, thì nói kiểu nào cũng trúng.

Nói thơ Việt 2010 là một năm thơ sôi động, với nhiều gương mặt thì đúng quá đi rồi, với bao nhiêu cái tên kể mỏi miệng chưa hết: Phạm Thị Điệp Giang, Tằng A Tài, Yên Khương, Lam Hạnh, Jalau Anưk, Du Nguyên, Tuệ Nguyên, Nguyễn Phan Quế Mai, Lê Hưng Tiến, Tiểu Anh, Nhã Thuyên, Lưu Mêlan, Đỗ Trí Vương; Nhụy Nguyên, Phan Thị Vàng Anh, Vi Thùy Linh, Trương Đăng Dung, Lê Anh Hoài, Lê Hải, Vũ Thành Sơn, Phạm Tường Vân… Đó là chưa kể hằng hà sa số những nhà thơ, tập thơ mà tôi biết ra đời song “không một tiếng vang”. Nếu cứ “lấy thịt (giấy) mà đè người (thơ)” như tình hình xuất bản ở Việt Nam gần đây thì tôi chắc rằng người thơ cứ bẹp dí, siêu mỏng, siêu phẳng. Trong đó, đáng chú ý hơn cả có lẽ là Mai Văn Phấn với hai tập thơ Hôm sauĐột nhiên gió thổi (cuối năm 2009), đánh dấu sự bước qua chính mình để làm mới thơ của anh. Hội thảo thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn tháng 5/2011 vừa rồi là sự khẳng định vị trí thơ Mai Văn Phấn trong làng thơ đương đại.

Người ta còn nhắc đến nhiều các sự kiện ồn ào như trình diễn thơ trong ngày thơ Việt 2010. Sự xuất hiện tới tấp của các tác giả thơ trên văn học mạng mà Lưu Mêlan, Lê Vĩnh Tài là hai đại diện sáng giá… Đồng thời, hiện tượng Vi Thùy Linh với Phim đôi - tình tự chậm, sự xuất hiện ồn ã trên các phương tiện thông tin đầu năm nay đã có một ý nghĩa riêng. Nữ nhà thơ này, với những hoạt động năng nổ của mình cả trong và ngoài thơ đã khiến dư luận chú ý, tạo nên hiện tượng trong đời sống thơ nước nhà thời gian qua. Với sự quan tâm từ nhiều phía, cả giới phê bình thơ lẫn văn hóa, đại chúng, sự xuất hiện của Phim đôi - tình tự chậm cho thấy thơ vẫn sống theo kiểu của riêng nó.

Tất cả, rung chuông gõ trống, làm nên sự náo nhiệt nhất định của thơ Việt thời gian vừa qua.

Ngoài ra, năm 2010 còn có các hội thảo lớn, khẳng định (hay đúng hơn, củng cố) lại các vị trí đã được khẳng định, như hội thảo kỉ niệm lần thứ 90 ngày sinh của nhà thơ cách mạng đầu đàn: “Tố Hữu - thân thế và sự nghiệp". Hội thảo về "Thân thế và sự nghiệp nhà thơ Chế Lan Viên" nhân sinh nhật thứ 90 của ông. Đồng thời là các tuyển tập ra đời, xác định chắc chắn ngôi vị của các cây thơ đa đề vẫn tỏa bóng lâu nay như Lưu Quang Vũ, Nguyễn Duy, Hoàng Cầm…

Điểm qua cũng đã bấy nhiêu hiện tượng, vậy nói thơ Việt không ồn ào, sôi động sao được.

Trái lại, nếu nói thơ Việt năm qua trầm lắng thì cũng… không sai. Bởi vì, dù cho hiện tượng, sự kiện thơ rất nhiều nhưng nhìn từ 2010 đến nay, vẫn không thấy một sự kiện gì đáng để nói thơ gây ra chấn động trong đời sống văn hóa dân tộc. Các sự kiện thơ chỉ nóng trong giới thơ, sáng tác, phê bình với nhau chứ ít có ảnh hưởng mạnh tới xã hội. Nghĩa là thơ ca Việt Nam thời gian qua có một không gian hiện hữu rất nhỏ bé, nóng trong tiểu khí hậu chật chội. Thơ khá xa lạ đối với phần đông xã hội.

Điều này không phải vì các nhà thơ của chúng ta dở, bất tài mà có nhiều nguyên nhân. Cá nhân tôi luôn tin rằng, thời đại nào thì có người nghệ sỹ của thời đại ấy. Nhưng vì đâu nên nỗi nhà thơ Việt thì nhiều mà nhà thơ ưu trội, với những câu thơ “kinh người” lại hiếm. Nhà thơ của ta hiện nay cứ sàn sàn như nhau, nhòe lẫn vào nhau khó tìm ra bản sắc. Lý giải tình trạng này có thể xem mấy nguyên nhân sau:

- Yếu tố đầu tiên là sự cố ý làm lẫn lộn giá trị thi ca của các thế lực phi nghệ thuật, nhưng lại “định hướng” cho sự “phát triển” của nghệ thuật đã tạo ra nhiều thần tượng bằng đất thó. Các thần tượng ngụy tạo, “những đỉnh cao nghệ thuật được tạo dựng” đã làm xáo trộn nhiều chân giá trị. Điều này khiến cho những nhà thơ tài năng đôi khi bị vùi dập, nhẹ hơn thì bị lẫn vào trong một đám hỗn độn những nhà thơ bất tài.

- Yếu tố tiếp theo, là do tiếp nhận thơ Việt Nam vẫn rơi vào hệ hình truyền thống, lấy thơ vần vè cổ điển làm khuôn mẫu và vì thế dị ứng với các hình thức thơ mới. Việt Nam là một quốc gia tiền hiện đại có xen ghép yếu tố hiện đại và hậu hiện đại vì thế vấn đề tiếp nhận rất phức tạp. Người ta vẫn chưa quen với mỹ học của cái khác, chấp nhận cái không giống mình chưa phải là thói quen trong công chúng tiếp nhận ở Việt Nam hiện nay. Điều này, thể hiện rõ trong quan niệm đa chiều về thơ Việt hiện thời.

- Và một nguyên nhân rất quan trọng, làm cho tiếp nhận thơ Việt Nam rơi vào hỗn độn, đó là hoạt động phê bình thơ thiếu chuyên nghiệp và khoa học. Một nền phê bình phát triển sẽ giúp cho công chúng định hướng được các đối tượng thẩm mỹ chất lượng cao. Nhưng tại Việt Nam, phê bình văn học nói chung và phê bình thơ hiện nay chưa đảm đương được nhiệm vụ của mình. Nhà phê bình Việt Nam thiếu chuyên nghiệp, rất ít nhà phê bình có phương pháp phê bình mạch lạc, uyển chuyển. Những phê bình kiểu điểm sách theo dạng PR rất nhiều, kiểu như nấm sau mưa, nhưng quá nhiều nấm có khi lại làm ngộ độc công chúng tiếp nhận.

Phê bình văn học Việt Nam thường nặng về tính báo chí, khen chê theo ấn tượng chủ quan, bề mặt. Giới phê bình xuất thân trường ốc thì cứng nhắc, cứ lý thuyết áp vô một cách cơ giới, khiên cưỡng, tạo thành các sinh thể phê bình khô khan và vô nghĩa vì không chạm đúng bản chất. Đó là chưa kể phê bình vì tình cảm riêng vì sức ép bên ngoài văn học chi phối, hay vì kinh tế mà chất lượng phê bình bị biến chất. Kết quả là nhiều hiện tượng thơ “không đáng” lại được vinh danh quá mức… Các giá trị thơ ca vì thế mà lẫn lộn.

- Cuối cùng, ở một đất nước mà nhà thơ cứ mọc lên tua tủa như cỏ, mà ai cũng cho mình là tài thơ, có phong cách riêng, phá bỏ các chuẩn mực cũ, làm cách tân… Tất cả đều muốn “nổi”, muốn có vị trí trong làng văn nên người ta phải làm nhiều cách phi thơ để khẳng định thơ mình. Những hoạt động tiếp thị bên lề các phương tiện truyền thông, quảng bá thơ diễn ra rất sôi nổi. Người ta dựa vào quyền uy (nếu có), không thì tiền tài, nhẹ hơn là quan hệ, thậm chí là “phí tình”, đem cái “sắc” để tiến thân cho thơ (đáng ngại là có những kẻ có hầu hết các thế mạnh ấy). Tất cả tập trung vào một nhiệm vụ tối cao, tạo cho thơ mình một vị thế trong dư luận. Thế là xong, làm được việc ấy là trở thành nhà thơ có tài, được xã hội thừa nhận. Vẫn thấy nhiều nhà thơ cứ có một vài bài viết về mình (mà hầu hết theo lối bạn bè thù tạc), là bắt đầu có những phát biểu… “quá nhời”, “động trời”… Kiểu phát biểu của các tài năng cỡ lớn.

Những bộ óc siêu việt như Platon, Heidegger, Nietzsche luôn kỳ vọng vào sự thâm sâu của thơ ca. Nhà thơ ấy là kẻ tiếp thông với những thế giới huyền nhiệm, cao cả, vì thế là sứ giả của trời và người, phát ngôn viên của cái đẹp, của các bản chất. Nhà thơ chỉ quy phục nàng nghệ thuật. Nhưng ở Việt Nam, nhà thơ còn có thêm nhiều chức năng nữa, như giải trí, đấu tranh xã hội, tuyên truyền, giáo dục… những lĩnh vực mà đã có các loại hình văn hóa khác đảm nhiệm, nay thơ kiêm nhiệm hết. Heidegger, Nietzsche hiểu rằng thơ ca là con đường lữ hành độc đạo của kẻ sáng tạo cô đơn và kiên trinh. Đạo đức học của thơ ca là cất mình lên cao hơn cái thường ngày, biết im lặng để phát ngôn. Thơ hay tự nó sẽ tạo ra số phận cho mình. Thơ ra đời trước nhất vì cái riêng tư, cứu chuộc cho thân phận nhà thơ trên thập giá đời. Đi tận cùng cái tôi nhà thơ sẽ bắt gặp cái nhân loại trong đấy. Những Nguyễn Du, Hàn Mạc Tử, Bùi Giáng làm thơ trước nhất cho mình, sau đó, tự khắc đến với người. Những ồn ào náo nhiệt bên ngoài thơ, có thể, đã xô đẩy nàng thơ bay biến. Một tự tin đích thực với nhà thơ bây giờ nghĩ cũng là cần thiết, đạo đức học về im lặng trong thơ hẳn nhiên có thế giá của mình. Thơ hay tựa như suối nguồn mà những kẻ đọc khi đi qua ắt phải dừng lại thanh tẩy mình trong ấy.

Những yếu tố trên xoắn luyến vào nhau, cùng tồn tại, cùng “hoạt động” không ngừng làm cho thơ Việt bị méo mó đi rất nhiều. Kết quả là, thơ Việt Nam rơi vào tình trạng nhiều người làm thơ nhưng thiếu những trụ cột và không định hình được ngôi nhà thẩm mỹ thơ ca. Tình hình thơ Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI vẫn còn nhiều điều đáng bàn và cần những cái nhìn nghiêm khắc để có một nền thi ca thực sự khởi sắc.

Huyền Minh

http://vanhocquenha.vn

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

Cao Thoại Châu : Cùng cháu ngoại bi bô tập nói

Bắt chước đôi chim ông cháu ta tập nói
Cháu nói theo ông để sớm thành người
Ta cũng thấy mình cần tập lại
Lắng nghe lòng dăm tiếng chim vui

Cháu đang nhận thứ quà quý giá
Thiên nhiên trao tặng cho con người
Tiếng suối reo tiếng rừng khuya xao xác
Sấm sét kinh hoàng và nhẹ tiếng mưa rơi

Gió đi qua dưới mái hiên ngoài
Thứ tiếng cần học cho mau biết
Không chỉ quẩn quanh theo tiếng nhạc
Đời đôi khi nghe tiếng thở dài

Học lấy tiếng lòng đời diệu vợi
Tiếng còi tàu và tiếng những chia ly
Tiếng dồn nén thẳm sâu ký ức
Tiếng con sông đem nước xa về

Nước xa về nước trong nước đục
Phân biệt làm sao bên đục bên trong
Hoa cỏ cũng mang nhiều tiếng nói
Có khi là những tiếng đau thầm

Đây cái bàn cái nôi kia là cái ghế
Gọi tên đi sự vật ở quanh mình
Mỗi ngay tập gọi tên nhiều thứ nữa
Những tấm lòng nhân hậu xung quanh

Trong ngôn ngữ có nhiều nhân nghĩa
Đẹp vô cùng hai tiếng thuỷ chung
Gọi tên đi đây là trang sách
Gọn gàng vuông vức bốn bề vuông

Cháu sinh ra trong lòng đất mẹ
Tiếng mẹ nghe trong suốt cuộc đời trong
Không phải nói tiếng của người nào khác
Hiểu gì không, hạnh phúc đến vô cùng!
19-7-2011
http://caothoaichau.blogspot.com/

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

Nguyễn Phú Yên : Nhìn lại trào lưu lãng mạn ở Việt Nam

Khái quát
Theo bước chân của những nhà truyền giáo và thương nhân, văn hóa phương Tây đã đến nhiều vùng đất ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đông Nam Á... Ở Việt Nam, cùng với sự xâm lược của thực dân Pháp, văn hóa Pháp và phương Tây đã xâm nhập đất nước ta, ảnh hưởng nhất định đến tư tưởng và tình cảm các tầng lớp dân chúng thời ấy. Sự thay đổi về chế độ chính trị, sự biến động trong kết cấu xã hội, đổi thay về cuộc sống và tâm trạng đã tác động đến quá trình sáng tác, cảm xúc, suy nghĩ của người trí thức. Về mặt nghệ thuật, chủ nghĩa lãng mạn phương Tây (cùng một số trào lưu khác sau đó như tượng trưng, siêu thực) xuất hiện từ một thế kỷ trước đó đã để lại dấu ấn rõ nét và tạo nên một trào lưu nghệ thuật mới trong văn chương, hội họa, âm nhạc Việt Nam, trong đó mạnh mẽ nhất vẫn là ở lĩnh vực văn chương kể từ đầu thập niên 1930 trở đi.

Văn chương lãng mạn
Tuy chịu ảnh hưởng sâu đậm của phương Tây nhưng ở Việt Nam nghệ thuật lãng mạn không tạo nên trường phái, không có tuyên ngôn rõ ràng. Người ta nhận ra khuynh hướng ấy trong các tác phẩm văn thơ, trong một số quan điểm nghệ thuật và thẩm mỹ từ những phát biểu và tranh luận của nhiều cây bút thời bấy giờ. Trên văn đàn bắt đầu xuất hiện những cây bút mới, trước hết là phong trào Thơ mới và nhóm Tự Lực văn đoàn.
Thật ra mầm mống lãng mạn đã manh nha từ một số tác phẩm trước năm 1930 của Tản Đà, Đoàn Như Khuê, Tương Phố, Đông Hồ, Hoàng Ngọc Phách với Tố Tâm... Dưới ảnh hưởng của thơ ca Pháp, những tác giả thơ mới đã mạnh mẽ đi vào thế giới tâm hồn, đi vào cái tôi, cái bản ngã đậm chất riêng tư. Vả lại thơ mới xuất hiện đầu những năm 1930 giữa thời kỳ thoái trào cách mạng và khủng bố 1930-1931, khủng hoảng kinh tế cho nên những trí thức, viên chức thành thị, trong đó có những nhà thơ mới, lại dễ dàng tìm vào cái tôi hơn. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh viết: “Ngày thứ nhất - ai biết đích ngày nào - chữ tôi xuất hiện trên thi đàn Việt Nam, nó thực bỡ ngỡ. Nó như lạc loài nơi đất khách. Bởi nó mang theo một quan niệm chưa từng thấy ở xứ này: quan niệm cá nhân”. “Đời chúng ta đã nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh... Thực chưa bao giờ thơ Việt Nam buồn và nhất là xôn xao như thế”.
Chủ nghĩa lãng mạn đã tạo được một giai đoạn thơ ca giàu hương sắc với nhiều phong cách và cá tính sáng tạo phong phú. Chính Tố Hữu cũng nhìn nhận rằng thơ mới đã nói lên được “một nhu cầu lớn về tự do và về phát huy bản ngã”. Có người cho rằng đó là khuynh hướng thoát ly và tiêu cực. Thật ra những nhà lãng mạn chỉ trung thành với khuynh hướng đã lựa chọn của mình, dù có thể hoàn cảnh xã hội có tác động thật sự đến tâm hồn họ, thậm chí đôi khi tác động thật mạnh mẽ nữa.
Cũng chính tác động ấy mà Huy Cận đã nói đến nỗi “đau đời” và Nhạc sầu dù có làm rơi lệ nhưng vẫn ấm áp chất nhân văn rõ rệt. Nếu văn chương cổ điển là văn chương phi ngã thì ngược lại văn chương lãng mạn đưa vào đậm nét cái tôi cá nhân, khẳng định cái tôi một cách tích cực, xem cái tôi là một chủ thể sáng tạo được khai thác không hề vơi, đã cảm thụ thế giới thiên nhiên và con người qua trái tim giàu tình cảm. Sự xuất hiện cái tôi đồng thời đem đến cuộc đấu tranh đòi tự do cá nhân, giải phóng cá nhân đã là một yếu tố tích cực và tiến bộ. Xuân Diệu thể hiện nỗi khao khát được sống mạnh mẽ: Chân nổi gió cứ mặt trời thẳng đến và mong được nâng hồn mình lên Để hóng gió của ngàn phương thổi tới. Còn Phạm Huy Thông thì Muốn có đôi cánh tay vô ngần to rộng, Để ôm ghì cả vũ trụ vào lòng tôi. Lại nữa ở trong một xã hội nửa phong kiến nửa thuộc địa, các nhà thơ mới lại càng ra sức đấu tranh cho quyền tự do yêu đương, cho những cảm xúc phong phú, cho những mơ mộng xa vời, cho cái đẹp mang màu sắc chủ quan của mình. Huy Cận tìm lại những nét đẹp của dân tộc từ trong quá khứ, trong vũ trụ trăng sao; Xuân Diệu say sưa trong tình yêu đắm đuối; Lưu Trọng Lư tìm cái đẹp ở người tráng sĩ, ở con nai vàng ngơ ngác trong rừng thu; Thế Lữ theo gót hải hồ của người chinh phu hoặc mơ về tiên giới; Phạm Huy Thông đi tìm người anh hùng chiến bại; Thâm Tâm yêu người ly khách ra đi không trở về...
Trên những nẻo đường mới, nhà thơ lãng mạn tìm vào tình yêu. Thơ tình yêu tràn ngập trên báo chí, sách vở đương thời. Trong các nhà thơ mới, Xuân Diệu được xem là nhà thơ của yêu đương, là thi sĩ của tình yêu. Thơ của ông là bài ca sự sống. Dưới mắt ông, yêu là thái độ sống mãnh liệt và tình yêu đôi lứa là nguồn cảm hứng sâu sắc nơi ông. Xuân Diệu nồng nhiệt, say mê nên vội vàng, giục giã yêu đương “Gấp đi em anh rất sợ ngày mai”, “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi” để rồi thấy cuộc đời “nổi nênh, xiêu đổ, tan tác, tứ ly”. Còn ở Vũ Hoàng Chương, tình yêu là lẽ sống cao cả, ông đã ôm giấc mộng tình mà thảm thiết khóc than. Và ở chặng cuối đường ông không quên cái vị chua chát của tình yêu xác thịt để rồi tìm vào thơ say: Hai xác thịt lẫn vào nhau mê mải, Chút ngây thơ còn lại cũng vừa chôn (Vũ Hoàng Chương) ...
Thơ lãng mạn vẫn có những bài thơ yêu đời, yêu cuộc sống, ngợi ca tình yêu trong sáng (Xuân đầu, Tặng thơ của Xuân Diệu; Chiều xuân, Tình tự, Áo trắng, Đi giữa đường thơm của Huy Cận; Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp; Tương tư, Hai lòng của Nguyễn Bính...) hoặc say đắm thiên nhiên, khao khát niềm giao cảm với cuộc đời. Người ta tìm thấy ở đó những nét đẹp hồn nhiên của tình yêu tuổi học trò, những kỷ niệm tươi thắm của một thời e ấp, say đắm ban sơ, của tuổi thần tiên thơ mộng... Nhưng sắc nét hơn cả ở thơ lãng mạn vẫn là cái tôi buồn bã và cô đơn - dưới mắt một số người đã trở thành yếu tính của lãng mạn. Cái buồn bã ấy đôi khi chỉ làbuồn xa vắng, buồn vẩn vơ, buồn mênh mông từ trong những hình ảnh quen thuộc của cảnh vật chung quanh, chẳng hạn tiếng gà trưa đều đi vào trong thơ Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, gợi nên một nỗi buồn rười rượi, một vẻ hoang vắng, đìu hiu và cô liêu: Mỗi lần nắng mới hắt bên song, Xao xác gà trưa gáy não nùng; Tiếng gà gáy buồn nghe như máu ứa, Chết không gian khô héo cả hồn cao. Vũ Hoàng Chương thì nghe buồn suốt cả cuộc đời: Mưa lùa gian gác xép, Ngày trắng theo nhau qua. Lá rơi đầy ngõ hẹp, Đời hiu hiu xế tà. Nhưng cái buồn ấy còn được đẩy tới bến bờ da diết, áo não nhất: nó bàng bạc khắp cả thời gian, không gian, đó là nỗi buồn nhân thế, dường như cũng thấm đẫm tự ngàn xưa như trong Kinh cầu tự, Lửa thiêng của Huy Cận ...
Nỗi cô đơn cũng là nét chủ đạo của văn chương lãng mạn. Những nhân vật cô đơn để lại dáng vẻ nổi bật, đó là Lamartine dưới gốc sồi trong buổi chiều hôm sau cái chết của Elvire, là René của Chateaubriand, Dũng của Nhất Linh, là “kẻ bộ hành ngơ ngác” của Thế Lữ, là nàng kỹ nữ của Xuân Diệu... Như vậy dễ nhận ra con người của văn chương lãng mạn là một cái tôi buồn vơ vẩn, cô đơn chán nản và “lịm người trong thú đau thương”(Lưu Trọng Lư). Thật ra cái tôi đó xuất hiện và đắm chìm trong hoàn cảnh xã hội lay chuyển, đổi thay đến ngột ngạt nên trở thành cô đơn, cách biệt, buồn thương: Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá, Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ...(Xuân Diệu) và đến đây ta đã có thể nghe tiếng khóc dài trong văn chương Việt Nam.
Người ta còn tìm thấy ở các tác phẩm lãng mạn tình yêu thiên nhiên, lòng yêu nước sâu sắc, tìm thấy rất nhiều hình ảnh quê hương, đất nước, nhiều màu sắc dân tộc, nhiều nét đẹp xưa, đậm đà hương vị làng quê, ở đó thấm đẫm tinh thần dân tộc, sáng lên tâm hồn và cốt cách Việt Nam: Huy Cận với Tràng giang; Xuân Diệu với Đây mùa thu tới; Tế Hanh với Quê hương; Hàn Mặc Tử với Mùa xuân chín, Đây thôn Vĩ Da; Đoàn Văn Cừ với Chợ tết; Anh Thơ với Chiều xuân; Nguyễn Nhược Pháp với Chùa Hương; Vũ Đình Liên với Ông đồ, Nguyễn Bính với Lỡ bước sang ngang... Hình ảnh đất nước trong thơ mới là hình ảnh của nước Việt Nam thanh bình, đẹp đẽ và đáng yêu hiện lên với tất cả trìu mến. Bên cạnh hình ảnh đó, các nhà thơ mới còn biểu lộ tâm sự yêu nước thầm kín. Họ nghĩ đến quê hương, đất nước, khao khát tự do, độc lập; đó là tâm sự con hổ của Thế Lữ, là hình ảnh khách chinh phu vừa đau xót vì cảnh mất nước vừa say mê cái đẹp của thiên nhiên, là giấc mộng anh hùng qua hình ảnh Kinh Kha quan tâm đến những người bị chà đạp trong xã hội. Tiếng thơ đau xót. quằn quại của họ có ý nghĩa một lời phủ nhận, phản kháng thực tế xã hội của chế độ phong kiến thực dân đương thời.
Trào lưu lãng mạn cũng đã có được những tác phẩm mang ý nghĩa nhân văn, tiến bộ. Có thể nhắc đến Nhớ rừng, Tiếng gọi bên sông của Thế Lữ; Con voi già của Phạm Huy Thông; Đôi bạn, Đoạn tuyệt của Nhất Linh, Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân... Người đọc nhận ra một Nhất Linh biết băn khoăn, dằn vặt đi tìm lý tưởng; một Khái Hưng sôi nổi, yêu đời, lạc quan trong cái xao xuyến của một lớp thanh niên cùng thế hệ; một Thạch Lam giàu lòng nhân ái... Tác phẩm của nhóm Tự Lực văn đoàn ngoài những tiểu thuyết lãng mạn còn có những tiểu thuyết phê phán mạnh mẽ lễ giáo phong kiến, đoạn tuyệt với cái cổ hủ, lạc hậu, xiển dương cái mới được lớp người trẻ đồng tình.
Cũng chính với lòng yêu nước đó, sau này một số nhà văn, nhà thơ lãng mạn đã dấn thân vào con đường đấu tranh cách mạng của dân tộc.

Âm nhạc lãng mạn.
Bối cảnh lịch sử và cơ sở xã hội để hình thành và phát triển âm nhạc cải cách tức là tân nhạc, trong đó có âm nhạc lãng mạn, cũng tương tự như ở lĩnh vực văn chương, hội họa. Có nghĩa là xuất phát từ bầu khí xã hội và làn gió Tây học đã lan đến các tầng lớp công chúng, nền tân nhạc hình thành và phát triển theo nhiều khuynh hướng khác nhau. Ở giai đoạn đầu của nền tân nhạc, âm nhạc lãng mạn đã có mặt và khẳng định được diện mạo riêng, tạo được vai trò và ảnh hưởng lớn lao đối với người nghe không chỉ trong giai đoạn ấy mà còn kéo dài đến ngày nay.

Sơ lược về sự ra đời của nền tân nhạc Việt Nam.
Cuộc xâm lăng của thực dân Pháp đã đưa luồng văn hóa phương Tây vào đất nước ta. Tuy ở trong một hoàn cảnh bị áp đặt song chúng ta vẫn xem đây là sự giao thoa và tiếp biến có tính chất quy luật giữa hai nền văn hóa. Chúng ta tiếp nhận và sau đó cải đổi để sáng tạo nên cái của riêng mình. Từ vốn liếng di sản âm nhạc dân tộc sẵn có, ta tiếp thu kỹ thuật sáng tác mới với nguồn cảm hứng thời đại mới để tạo nên âm nhạc cải cách, tên gọi ban đầu của tân nhạc.
Trong khi các phong trào ca hát lời ta điệu Tây diễn ra, các nhạc sĩ Việt Nam trong giai đoạn đầu của nền tân nhạc cảm thấy có nhu cầu sáng tác bài hát của chính mình trên cơ sở ký âm pháp Tây phương. Nhu cầu này có động lực tất yếu là sự đổi thay của xã hội, từ đó thị hiếu mới nảy sinh và công chúng đô thị ưa chuộng sự mới lạ trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có âm nhạc nói chung, ca hát nói riêng. Như vậy ngay từ những năm 1930 chúng ta đã có những sáng tác thuần Việt ra đời, trong đó có những bài hát chịu ảnh hưởng âm nhạc Tây phương song cũng không ít những bài hát mang ngôn ngữ âm nhạc dân tộc. Trong buổi đầu của phong trào tân nhạc, có nhiều nhạc sĩ hoạt động đơn lẻ song cũng có nhiều nhạc sĩ qui tụ thành từng nhóm do cùng sở thích, chủ trương và môi trường hoạt động. Những nhóm này đã có nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật; họ cũng là những người tiên phong trong phong trào sáng tác và phổ biến những bài tân nhạc đầu tiên, tạo được ảnh hưởng lớn lao trong quần chúng và có vai trò lịch sử nhất định trong quá trình hình thành và phát triển nền tân nhạc Việt Nam. Có thể kể đến những bài hát đầu tiên xuất hiện sớm trong phong trào tân nhạc như Bẽ bàng (1935), Nghệ sĩ hành khúc (1937) của Lê Yên; Tiếng sáo chăn trâu (1935), Bên hồ liễu (1936), Bóng ai qua thềm (1937) của Văn Chung; Xuân năm xưa (1936) của Lê Thương; Gió thu (1937), Tiếng hát đêm thu (1938), Biệt ly (1939) của Dzoãn Mẫn…
Thật khó xác định thời gian hình thành và xuất hiện của các nhóm nhạc, tuy nhiên theo hồi ức của các nhạc sĩ lão thành, có thể đó là những năm 1936-1940 - thời gian mà phong trào được thúc đẩy mạnh mẽ và tạo đà phát triển cho nhiều thập niên sau. Có thể kể đến các nhóm nhạc chính như sau:
- Nhóm Myosotis: Nhóm này gồm các nhạc sĩ Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, Phạm Văn Nhường, Trần Dư, Vũ Khánh... từng hoạt động từ nhiều năm trước đó trong các buổi họp mặt hoặc các buổi diễn từ thiện ở các rạp hát. Trong nhóm, nhạc sĩ Thẩm Oánh chủ trương trung dung, nghĩa là các bài hát cải cách theo ký âm pháp Tây phương nhưng có “ý nhạc Việt Nam” và “cảm tưởng thuần túy Á Đông”. Còn nhạc sĩ Dương Thiệu Tước chủ trương sáng tác theo “âm điệu Tây phương” cũng như nhiều nhà văn Việt Nam viết bằng tiếng Pháp vậy. Bên cạnh việc hòa nhạc, nhóm còn có hoạt động nổi bật khoảng cuối năm 1938 là xuất bản các bài hát của nhóm, đầu tiên là các bài như như Đôi oanh vàng, Hoa tàn, Phút vui xưa... và sau đó là Hồ xưa, Xuân về, Tiếng khóc trong phòng the, Thanh niên ơi...(Thẩm Oánh) và Tâm hồn anh tìm em, Một ngày mà thôi...(Dương Thiệu Tước).
- Nhóm Tricéa: Tên nhóm là cách chơi chữ: ba chữ (tri) C và ba chữ A, viết tắt của nhóm từ Collections des Chants Composés par des Artistes Annamites Associés (Tập hợp các ca khúc do nhóm nghệ sĩ Việt Nam sáng tác). Nhóm gồm các nhạc sĩ Văn Chung, Lê Yên, Dzoãn Mẫn, mà theo nhạc sĩ Thẩm Oánh, chủ trương “đi sát quần chúng” hơn. Văn Chung chịu ảnh hưởng của nhạc Trung Hoa nên dòng nhạc của ông mang tính chất Á Đông rõ nét. Còn Lê Yên và Dzoãn Mẫn thiên về bay bướm nhịp điệu, dòng nhạc mang âm hưởng phương Tây nhiều hơn. Nhóm qui tụ được một số nhạc sĩ khác, cũng xuất bản nhiều bài hát của nhóm khoảng từ năm 1939 trở đi như Khúc ca ban chiều, Trên thuyền hoa, Đóa hồng nhung, Hồ xuân và thiếu nữ, Bóng ai qua thềm của Văn Chung; Biệt ly, Sao hoa chóng tàn, Tiếng hát đêm thu, Một hình bóng, Một buổi chiều mơ, Trở lại cùng anh của Dzoãn Mẫn; Bẽ bàng, Vườn xuân, Một ngày vui của Lê Yên...
- Nhóm Phạm Đăng Hinh: Nhóm ra đời sau nhóm Tricéa do nhạc sĩ Phạm Đăng Hinh đứng đầu cùng nhiều nhạc sinh violon và violoncelle, thường biểu diễn các sáng tác của ông, từng ra mắt tại rạp Majestic, Hà Nội. Nhóm hoạt động một thời gian ngắn rồi ngưng, để lại một vài sáng tác như Đám mây hàng (tức là Cám dỗ), bài hát trong bộ phim Việt Nam Trận phong ba quay tại Hong Kong năm 1940.
- Nhóm Đồng Vọng: Nhóm qui tụ một số nhạc sĩ trẻ, phần lớn là hướng đạo sinh, thích ca hát và du ngoạn, hoạt động sôi nổi ở Hải Phòng. Đó là các nhạc sĩ Canh Thân, Hoàng Quý, Phạm Ngữ, Hoàng Phú (Tô Vũ), Lê Xuân Ái, Văn Trang... Một số nhạc sĩ xuất hiện trên sân khấu Nhà hát lớn Hải Phòng trong các chương trình kịch của nhà thơ Thế Lữ khi ông ra hoạt động cho Hội Ánh Sáng (nhóm Tự Lực văn đoàn) của đất cảng vào năm 1939. Vì là nhóm hướng đạo sinh nên nhiều tác phẩm của họ mang tính chất vui tươi, hùng tráng của lứa tuổi thanh thiếu niên. Phạm Ngữ có bài Trước cảnh cao rộng, Nhớ quê hương; Hoàng Quý có Chùa Hương, Tiếng chim gọi đàn, Trên sông Bạch Đằng, Dưới bóng thông xanh, Chiều xuân, Đêm trong rừng...; Canh Thân có Đi với tôi đến chốn trời xa, Khúc ca mùa hè...
Ngoài các nhạc sĩ nhóm Đồng Vọng, đất Hải Phòng còn có nhạc sĩ Lê Thương với Tiếng đàn đêm khuya, Một ngày xanh, Trên sông Dương Tử, Thu trên đảo Kinh Châu...; nhạc sĩ Văn Cao với nhiều tác phẩm nổi tiếng như Suối mơ, Bến xuân, Thiên thai, Trương Chi, Buồn tàn thu...
- Nhóm Nam Định: Nổi bật trong số các nhạc đất thành Nam có Đặng Thế Phong với ba bài hát Con thuyền không bến, Đêm thu, Giọt mưa thu từng xuất hiện trong chương trình biểu diễn vở kịch Cái va của nhóm Vũ Trọng Can ở Nam Định và sau đó diễn tại rạp Olympia, Hà Nội.
- Nhóm Tổng hội Sinh viên: Trong sinh hoạt văn nghệ từ 1943-1945, hoạt động của Tổng hội Sinh viên đã gây dấu ấn sâu đậm trong phong trào tân nhạc. Trong cuộc tranh đấu chính trị chống thế lực ngoại bang Pháp - Nhật thời đó, tổng hội đã sử dụng tân nhạc như một phương thức tập hợp và kêu gọi thanh niên, gây tinh thần yêu nước mãnh liệt trong quần chúng. Hoạt động hăng say không mệt mỏi trong tổng hội có Lưu Hữu Phước với một sự nghiệp âm nhạc đầy đặn, qui mô với nhiều thể loại sáng tác phong phú. Đó là những bài sử ca hùng tráng như Ải Chi Lăng, Bạch Đằng giang, Hội nghị Diên Hồng...; những bài ca viết về thanh niên như Tiếng gọi thanh niên, Tráng đoàn Lam Sơn, Lên đàng...; những bài ca dành cho thiếu sinh như Gieo ánh sáng, Thiếu sinh hành khúc, Bạn đường...; ca tụng thiếu nữ như Việt nữ gọi đàn, Thiếu nữ Việt Nam...; những sầu niệm qua thời binh lửa như Kinh cầu nguyện, Hồn tử sĩ, Hờn sông Gianh, Đoàn quân ma...; lĩnh vực ca kịch có phổ nhạc trong kịch thơ Tục lụy của Thế Lữ và tiểu ca kịch Con thỏ ngọc...
Việc xuất hiện các nhóm nhạc cùng với việc xuất bản các bài hát tân nhạc đã thật sự hình thành phong trào sáng tác tân nhạc ở khắp các tỉnh trong nước. Tuy nhiên có một hoạt động có thể gọi là châm ngòi cho phong trào, đó là các cuộc diễn thuyết ủng hộ tân nhạc của một nhạc sĩ trẻ đất Huế là Nguyễn Văn Tuyên vào năm 1938 khi ông từ Sài Gòn ra hô hào ở đất Bắc. Được sự hỗ trợ của thống đốc Nam kỳ Rivoal, Nguyễn Văn Tuyên ra Hà Nội nói chuyện tại Hội Trí Tri vào tháng ba năm ấy. Tuy cử tọa đông đảo nhưng giọng nói khó nghe, vả lại bài hát cải cách đã có sẵn tại đây, nên lời kêu gọi của ông không mấy thuyết phục. Tại Hội Trí Tri Hải Phòng, trước số cử tọa không đông, ý kiến của ông đã được chia sẻ, nhất là khi nhạc sĩ Lê Thương trình bày một số bài hát của các tác giả đất Bắc. Sau đó nhân kỳ hội của Trường nữ học Hoài Đức, ông Tuyên còn trình bày nhạc mới tại rạp chiếu bóng Palace, được cử tọa tán thưởng bài hát Bông cúc vàng của ông.
Lúc này báo chí cũng đã bắt đầu hô hào và đăng tải những bài tân nhạc. Báo Ngày Nay ra ngày 31-7-1938 đăng bài hát Bình minh (thơ Thế Lữ) của Nguyễn Xuân Khoát. Tháng 9-1938 bài Con thuyền không bến đăng trên tạp chí Bạn Gái. Tiếp đó lần lượt xuất hiện trên báo Ngày Nay các bài như Bông cúc vàng, Kiếp hoa (thơ Nguyễn Văn Cổn) của Nguyễn Văn Tuyên; Hồn xuân của Nguyễn Xuân Khoát; Bản đàn xuân của Lê Thương; Khúc yêu đương của Thẩm Oánh; Đám mây hàng của Phạm Đăng Hinh; Đường trường của Trần Quang Ngọc... Ở miền Nam, tuần báo Thanh Niên cũng ủng hộ tân nhạc bằng loạt bài Phong trào nhạc mới của Lê Thương từ 25-3-1943 đến 26-8-1944; bài Tuyên ngôn về âm nhạc của ba tác giả Lưu Hữu Phước, Trần Văn Khê, Nguyễn Tôn Hoàn. Báo còn đăng các bài hát Hội nghị Diên Hồng, Thượng lộ tiểu khúc, Gieo ánh sáng, Hờn sông Gianh, Xếp bút nghiên, vở ca kịch Con thỏ ngọc...
Từ đầu năm 1939 một số bài tân nhạc đã được bày bán tại các hiệu sách. Các lớp dạy nhạc cũng được mở ra ở nhiều nơi: Nguyễn Thiện Tơ, Trần Đình Khuê, Dzoãn Mẫn, Dương Thiệu Tước (Hà Nội), Nguyễn Thông, Lê Ngát, Dzoãn Ân (Sài Gòn)... Ở miền Bắc cần nhắc đến hoạt động của nhóm Việt Nam nghệ sĩ đoàn, đứng đầu là Đàm Quang Thiện với chương trình biểu diễn ca nhạc ngày 20-3-1939; của Hội Khuyến nhạc Bắc Việt thành lập khoảng năm 1944 do nhạc sĩ Nguyễn Văn Giệp làm hội trưởng, được sự cộng tác của nhiều nhạc sĩ danh tiếng. Năm 1945, hội đã tổ chức thành công một cuộc đại hòa tấu long trọng nhân kỳ đại hội âm nhạc năm đó và tổ chức được cuộc thi sáng tác âm nhạc đầu tiên tại Việt Nam vào cuối năm 1944 đầu năm 1945, trong đó các bài đoạt giải thưởng là Việt Nam hùng tiến (Thẩm Oánh), Việt Nam minh châu trời Đông (Hùng Lân), Trung thu đất Việt (Tống Ngọc Hạp). Ở Sài Gòn cũng có những buổi hòa nhạc của Võ Đức Thu, Thái Thị Lang...
Lực lượng sáng tác tân nhạc ngày một đông đảo ở khắp các tỉnh thành. Tại Huế có các nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Hữu Ba, Văn Giảng, Lê Quang Nhạc, Ngô Ganh, Lê Cao Phan... Tại Đà Nẵng có La Hối, Dương Minh Ninh, Phan Huỳnh Điểu...

Xuất phát điểm của dòng ca khúc lãng mạn.
Khi nhắc đến sự ra đời của trào lưu âm nhạc lãng mạn, chúng ta không thể tách rời trào lưu này với hoàn cảnh đất nước vào giai đoạn lịch sử ấy. Nó có cơ sở xã hội rõ rệt. Dưới chế độ thuộc địa, các thành thị đông đúc hơn, thương mại được củng cố; viên chức, tiểu chủ, trí thức, giáo viên, sinh viên học sinh, nhà văn, nhà báo... đông dần lên và hình thành tầng lớp mới. Song từ những năm 1920 trở đi, với các chính sách của thực dân Pháp, đời sống của họ trở nên bấp bênh nên nảy sinh bất mãn với chế độ. Tầng lớp này bắt đầu phân hóa; một bộ phận giương cao ngọn cờ tư sản dân tộc, một bộ phận khác đi theo phong trào cách mạng dân tộc. Thất bại của khởi nghĩa Yên Bái (9-2-1930) đã xói mòn con đường của phong trào tư sản. Cùng với sự khủng bố, đàn áp của thực dân, nền kinh tế bị khủng hoảng đe dọa cuộc sống khiến tầng lớp này hoang mang, dao động, buồn rầu, u uất. Tất cả tâm trạng đó được giãi bày trong văn chương, âm nhạc như một cách thoát ly thực tế. Chủ nghĩa lãng mạn do vậy đã trở thành chốn nương náu êm đềm cho một số nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ. Bắt đầu xuất hiện nơi họ nhu cầu tình cảm mới, thị hiếu thẩm mỹ và rung động mới. Âm nhạc lãng mạn Việt Nam phát triển từ trong bối cảnh đó.
Chính ngay từ bước đầu giai đoạn hình thành nền tân nhạc Việt Nam, đặc biệt trong những năm từ 1935-1938 trở đi, chúng ta thấy xuất hiện rất sớm những tác phẩm lãng mạn trong số rất nhiều ca khúc ở nhiều thể loại. Chúng ta dễ dàng nhận ra sự khai sinh dòng ca khúc lãng mạn có tiền đề thứ nhất là sự tiếp thu luồng âm nhạc phương Tây (ca khúc lãng mạn châu Âu thế kỷ XIX và nhạc nhẹ cổ điển) cùng với chủ nghĩa lãng mạn phương Tây đang xâm nhập vào đất nước; đồng thời tiền đề thứ hai quan trọng không kém là thành tựu rực rỡ của văn chương lãng mạn Việt Nam vào thời kỳ này (đặc biệt phong trào thơ mới và nhóm Tự Lực văn đoàn) đã tác động và tăng nguồn lực cho âm nhạc lãng mạn. Nhiều tác giả đã chọn khuynh hướng lãng mạn và trung thành với lựa chọn đó. Bên cạnh những bài sử ca, bài ca cách mạng, ca khúc lãng mạn đã chiếm được cảm tình của quần chúng, được đông đảo người yêu nhạc nghe, hát và truyền lại cho các thế hệ sau.
Rõ ràng xuất phát điểm của dòng ca khúc lãng mạn chính là thời điểm ra đời của nền tân nhạc Việt Nam. Cùng với sự tác động và nguồn ảnh hưởng từ các tiền đề trên, dòng nhạc này ngày càng phong phú để có thể tự khẳng định khuynh hướng, tính chất cũng như chủ đề, nội dung rõ nét. Âm nhạc lãng mạn đã được phổ biến rộng rãi trong cả nước ngay từ khi ra đời, sau đó do hoàn cảnh chia cắt đất nước năm 1954, âm nhạc lãng mạn thời tiền chiến chỉ còn được phổ biến trong các đô thị ở miền Nam.
Trong đời sống âm nhạc ở các đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975, dòng ca khúc lãng mạn đã có vị trí xứng đáng do giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ của nó, đã tác động và khơi nguồn sáng tác cho nhiều lớp nhạc sĩ kế tiếp chọn lựa khuynh hướng này. Mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh, bên cạnh nhiều khuynh hướng âm nhạc khác ra đời, âm nhạc lãng mạn, trữ tình vẫn không bị đánh mất giá trị và vai trò của nó; âm nhạc lãng mạn vẫn là chỗ dựa tinh thần cho nhiều tâm hồn thanh niên bơ vơ, lạc lõng giữa cuộc chiến tàn khốc.

NGUYỄN PHÚ YÊN