Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Bài từ trang dohongngoc.com


Thư gởi bạn xa xôi… “Sinh hoạt văn nghệ”

Đỗ Hồng Ngọc.

IMG_Kim Tuan
Nhạc sĩ Miên Đức Thắng hát tưởng niệm Kim Tuấn


Kể chuyện sinh hoạt văn nghệ gần đây hả? Ừ được. Trong tháng 9 này cũng khá sôi nổi. Mình kể bạn vài “vụ” mình có tham dự thôi nhé.

* Đầu tiên là Thứ bảy 7.9, mình nói chuyện ở chùa Xá Lợi về “Vận dụng tư tưởng Kim Cang Bát Nhã trong cuộc sống”. Ủa, cái chuyện vận dụng này không phải “văn nghệ” hả? Mình lại thấy nó văn nghệ. Nếu không, sao lúc này thấy thơ bạn nhiều bài về thầy và chùa? Nào có người tự dưng mang con giao cho thầy, rồi tự dưng đến đòi lại, nào chuyện thầy quét lá trước cổng chùa gặp… tiền kiếp của mình v.v… Vậy mà không văn nghệ là gì? Chỉ cần “vận dụng” câu ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm hay “tức phi / thị danh” cũng đủ quá văn nghệ rồi? Vì nó làm cho cuộc sống đẹp hơn, bạn không thấy sao?

* Ngày 14.9 có buổi “Tọa đàm khoa học” về Bùi Giáng ở trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn (Văn khoa). Nghe “khoa học” mình cũng hơi ớn! Bùi Giáng hồi đó chắc không tính làm thơ cho “tọa đàm khoa học” chi đâu! Nhưng ôi, đông quá. Những người yêu mến Bùi Giáng và sinh viên tề tựu rất sớm. Gia đình Bùi Giáng có đại diện là nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn (vai chú BG) và các vị từ  Quảng Nam vào. Có các bài trình bày của Huỳnh Như Phương, Nhật Chiêu, Lê Minh Quốc… Mình gặp ở hành lang rất nhiều bạn bè, có cả cô Kim Cương. Gặp Kim Cương đi… cà nhắc. Hỏi sao vậy? Bị viêm khớp, đau chân! Mình mong được nghe bài của Giao Hưởng (Trần Phá Nhạc) về Phật tánh trong thơ BG mà không được vì thiếu thời gian. Thơ BG thường hạ mấy chữ “hà dĩ cố?” (tại sao vậy?) trong kinh Kim Cang nhớ không? Nhưng mình vẫn nhớ nhất 2 câu: “Em ơi em đẹp vô cùng/ Vì em có cái lạ lùng bên trong” mà mình đã xin phép thêm: “Em ơi em đẹp vô song/ Vì em có cái bên trong lạ lùng” (rồi cứ thế đọc lòng vòng) trong một bài viết về Cái Đẹp năm nào.

* Ngày 15.9 lại dự ra mắt tạp chí Quán Văn 16, chủ đề Sông Seine. Nhóm bạn cũ mới của Ý Thức cũng đều có mặt hôm đó. Nào Thân Trọng Minh, Trần Hữu Lục, Trần Duy Phiên, Sâm Thương, Từ Hoài Tấn, và Nhật Chiêu, Cao Quảng Văn, vợ chồng Trương Văn Dân – Elena… . Nhiều bạn cũ lâu ngày gặp lại, người nào cũng đầu hai mái tóc, có người một mái trắng phau. Hơn 40 năm rồi còn gì. Mới thôi! Nguyên Minh mời mình phát biểu vài câu. Mình nhắc chuyện Nguyên Minh cùng Chu Trầm Nguyên Minh, Cao Quảng Văn… đi Tây, và nhờ đó mà cảm hứng làm tập “chuyên đề” về Sông Seine này! Chuyến đi đó Nguyên Minh bệnh suýt chết. Về được đến nhà mừng quá, bà xã cho ăn luôn mấy con chim bồ câu cho lại sức, rồi chàng mời bọn mình đến khui chai vang, ăn cùng pâté gan… vịt! Quán Văn với Nguyên Minh cũng giống như “Thư Quán Bản Thảo” của Trần Hoài Thư vậy. Sự mê say làm báo của các bạn khiến mình rất nể phục.

* Ngày Thứ bảy 21.9 mình tham dự buổi tọa đàm về cuốn Ngàn năm áo mũ của Trần Quang Đức, một nhà nghiên cứu văn hoá trẻ, chưa đến 30 tại Café Thứ Bảy của nhạc sĩ Dương Thụ. Ngàn năm áo mũ nghiên cứu về “áo mũ” từ ngàn năm của người Việt, so sánh với Trung Hoa, Nhật, Triều Tiên… Gần đây, các phim cổ trang Việt có vấn đề về “áo mũ” và gây nhiều tranh luận. Nghiên cứu có chiều sâu và đáp ứng nhu cầu tìm hiểu trong lãnh vực này. Không ngờ người dự rất đông, đặc biệt là các bạn trẻ. Bạn thấy đó, chuyên “áo mũ” của ngàn năm mà được các bạn trẻ bây giờ quan tâm đến vậy cũng là một tín hiệu đáng mừng phải không?

* Ngày CN 22.9 lại có Lễ trao giải Sách Hay 2013 ở Rex. Đông ơi là đông! Chứng tỏ người ta đang rất quan tâm đến sách và sách hay. Đây là một giải thưởng văn học tư nhân rất có uy tín hiện nay của nhóm các nhà văn hóa-giáo dục Nguyên Ngọc, Chu Hảo, Bùi Văn Nam Sơn, Quách Thu Nguyệt, Giãn Tư Trung… Đây đã là năm thứ ba. Năm ngoái đã trao giải cho tiểu thuyết của Nguyễn Mộng Giác nhớ không? Năm nay thấy trao các giải Sách Hay cho Tạ Chí Đại Trường, Lê Tất Điều (Mỹ), Nguyễn Văn Tuấn (Úc), Quế Sơn (Canada), Bùi Ngọc Tấn, Trần Văn Thủy… Tiêu chí của giải là sách hay, không kể trong nước hay ngoài nước. Đây là một giải có chất lượng, đáng trân trọng.

* Hôm nay Thứ bảy 28.9, có buổi Tưởng niệm 10 năm ngày mất của nhà thơ Kim Tuấn…  Rất đông bạn bè anh em về dự. Thơ Kim Tuấn không phải ai cũng biết, cũng nhớ… nhưng nhạc phổ thơ Kim Tuấn thì ít ai không biết không nhớ! “Anh cho em mùa xuân, mùa xuân này tất cả, lộc non vừa trẩy lá…” (Kim Tuấn/ Nguyễn Hiền) hay “Từng bước từng bước thầm/ Khi người yêu không đến/ Tuổi xanh buồn lặng căm/ Em yêu gì xa văng/ Cho trời mây ướp buồn…” (Kim Tuấn/ Y Vân)…
Nhà thơ Bảo Khôi, con trai Kim Tuấn “nối nghiệp” cha, cùng in chung tập thơ “Con Đường…”  với 26 bài của Kim Tuấn cùng 22 bài của Bảo Khôi. Rất nhiều kỷ niệm về Kim Tuấn được anh em nhắc lại từ thời Pleiku, Saigon… Riêng mình vẫn nhớ buổi sáng cùng Kim Tuấn và Bùi Nghi Trang ngồi café ở bờ sông Saigon. Kim Tuấn nhắc những kỷ niệm tuổi thơ gian khổ ở Phan Thiết rồi nói không biết sau này anh em có còn gặp nhau không. Chẳng ngờ không lâu sau đó, anh đã đột ngột qua đời vì cơn nhồi máu cơ tim.
Có nhiều giọng hát, giọng ngâm thơ rất hay của Miên Đức Thắng, Tôn Thất Lan, Bảo Cường, Thu Thủy, Trầm Ka, Minh Hoàng… trong buổi hôm nay.

Tường trình xong rồi đó nhé. Đừng có bảo quên bạn… xa xôi nữa nhé!
Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc.

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Mời đọc tập thơ thứ 3 của Từ Hoài Tấn

NHÀ XUẤT BẢN HỘI NHÀ VĂN

BIÊN TẬP : VŨ HỒNG
TRÌNH BÀY, BÌA : LÊ KÝ THƯƠNG
PHỤ BẢN : LÊ KÝ THƯƠNG, THÂN TRỌNG MINH, LÊ THÁNH THƯ
Sách dày 200 trang - Giá bìa 100.000 VNĐồng



Bạn bè thân hữu trong và ngoài nước muốn nhận được tác phẩm và ủng hộ tác giả vui lòng gởi địa chỉ và ấn phí về các địa chỉ sau:
 Hồ Văn Hiền
email: tuhoaitan@gmail.com
Số 250/5/9 đường Phú Thọ Hòa, phường Phú Thọ Hòa
Quận Tân Phú - TP Hồ Chí Minh
Điện thoại : Cellphone : +84 908 809 405
Hoặc:
Tài khoản số : 0109056378
tại Ngân hàng Đông Á - Việt Nam
________________________________________________________________________________

Tập thơ đã có bày bán tại:
Nhà Sách Hà Nội
Số 245 Nguyễn thị Minh Khai - Quận 1 - TPHCM
Tel: (08) 3832 2047

__________________________________________________________________________
 
TRÍCH LỜI TỰA  :
........
Đây là tuyển tập thơ của thời kỳ 1967 – 1974, được chọn lọc lại từ 3 tập thơ chép tay còn giữ lại được qua bao nhiêu đổi thay của thời cuộc (Tôi phải mở ngoặc ở đây với lời cám ơn sâu sắc đến bạn thân và cũng là bạn học của tôi – Trần Đinh Sơn – đã cất giữ cẩn thận giùm tôi trong gần 3 năm tôi buộc phải đi khỏi thành phố).
Thoạt đầu tôi không có ý định xuất bản các bản thảo này, chỉ in theo dạng bản thảo lưu trữ vài chục tập, dành tặng thân hữu để kỷ niệm một thời kỳ - một thuở thanh xuân đáng nhớ.
Nhưng cuối cùng sau bao nhiêu ngày tháng, tuyển tập này lại được xuất bản chính danh dưới tên nhà xuất bản Hội Nhà Văn Việt Nam. Và nó sẽ được mang một tên chung : PHỤC HƯNG TÔI & EM
Cám ơn bạn bè thân hữu ở trong nước cũng như ở nước ngoài đã giúp tôi thực hiện tuyển tập thơ này.
Từ Hoài Tấn 
Tháng 6 - 2013  

P/S : Số lượng in hạn chế

Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

CHIA BUỒN VỚI BẠN HUỲNH NGỌC THƯƠNG

 
ĐƯỢC TIN 
HIỀN MẪU NHÀ THƠ, NHÀ PHONG THỦY HUỲNH NGỌC THƯƠNG
VỪA  QUA ĐỜI VÀO LÚC 3 GIỜ 55 NGÀY 21 THÁNG 9 NĂM 2013
( NHẰM NGÀY 17 THÁNG TÁM NĂM QUÝ TỴ)
THƯỢNG THỌ 96 TUỔI
 
TANG LỄ CỬ HÀNH TẠI LÀNG VINH HÒA,XÃ VINH HIỀN, HUYỆN PHÚ LỘC, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ.
AN TÁNG TẠI NGHĨA TRANG QUÊ NHÀ
 
 
XIN CHIA BUÔN ĐÉN ANH HUỲNH NGỌC THƯƠNG VÀ TANG QUYẾN
CẦU NGUYỆN HƯƠNG HỒN MẸ SỚM VỀ NƯỚC PHẬT
viêm tịnh - từ hoài tấn - nguyễn miên thảo - hồ trọng thuyên - 
cao huy khanh - văn viết lộc - vương từ - lê thị ngọc quí -
 hoàng thị thiều anh - nguyễn văn trai -  phạm tấn hầu - 
đoàn phạm túy linh - lê thánh thư - trần quốc định - hồng nga -
 hồ thị cẩm dung -hồ văn hậu - vũ trọng quang - nguyễn lương vỵ - nguyên quân -võ chân cữu

Một bài thơ hay

Khóc trên đường về

Lâm Hảo Dũng
lam_hao_dung-ngo_pleiku
Tác giả và Ngọ Pleiku (Ảnh 2011 – Van-Can)

 

Tôi yêu chàng qúa đổi !
Khi khóc trên đường về
Lệ chàng như sám hối
Lời chàng như tỉ tê…

 
Bóng thời gian theo gió
Thổi tóc nhạt phai màu
Tôi muốn làm trăng tỏ
Thấy ta còn bên nhau

 

Tay chàng tôi nắm chặt
Nụ cười tôi vẫn trao
Dáng chàng như nắng nhạt
Cuốn hút mắt tôi sầu

 
Đèn đêm chưa vội sáng
Tôi nhìn chàng rất sâu
Chưa bao giờ tôi hỏi?
“Đừng xa nhau mai sau”

 
Tôi nguyện cầu ơn Chúa
( Nghiêng bóng chàng bên vai)
Buồn tôi giờ đã úa
( Sao tôi cũng lệ đầy ?)

 
Tôi mong nhịp đời quay
Những trang mầu cổ tích
Tôi bên chàng nơi đây
Chia hai phần bánh thánh…

 
Lâm Hảo Dũng
(Gởi Ngọ Pleiku)
Sep.14, 2013 – 3H58’ pm
Nguồn: Tác giả gửi thơ và ảnh


Từ sangtao.org

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Một trang tuổi trẻ

Trang quảng cáo cuối tập san Văn số 110 ngày 15/7/1968 chủ đề : NGÀY TRỞ LẠI HUẾ
Mời bạn cũ xem và nhớ lại.



Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

Thơ năm 1967

Hôm nay đi dự ra mắt Quán Văn 16, một bạn văn đã tặng cuốn tập san Văn rất quý, có bài thơ của tôi năm 1967 - thời tuổi trẻ đạp đẽ ở Huế.
Cám ơn bạn Đặng Châu Long đã có lòng.
Mời thân hữu đọc lại :




Trao đổi với nhà thơ Cao Thoại Châu

 
 
Vài nét về nhà thơ Cao Thoại Châu:
* Nhà thơ Cao Thoại Châu, tên thật Cao Đình Vưu.
-Sinh Năm 1939, tại Giao Thủy, Nam Định, Bắc Việt. Vào Nam năm 1954.
-Tốt nghiệp đại học Sư Phạm Sài Gòn. Cựu giáo sư các trường Trung Học Thủ Khoa Nghĩa, Kontum, Pleime và Tân An. Khởi viết năm 1963 trên các tạp chí Văn, Nghệ Thuật, Khởi Hành, Văn Học, Thái Độ… -Hiện sống tại Long An Việt Nam.
* Tác Phẩm đã xuất bản:
- Bản Thảo Một Đời (Thơ 1991)
- Rạng đông một ngày vô định (Thơ năm 2006)
- Ngựa Hồng (Thơ 2009)
- Vớt lá trên sông. (Tạp văn, 2010)
- Vách đá cheo leo (Tạp bút, 2012)
- Mời em uống rượu (Thơ trước 1975, đang in)


LƯƠNG THƯ TRUNG (LTT):
Kính chào nhà thơ Cao Thoại Châu,
Trước hết xin phép được gọi thi sĩ bằng Thầy, vì nhiều lẽ. Thứ nhất là nếu gọi bằng ông thì quá xa lạ, làm cho cuộc trao đổi mất vui; còn nếu gọi bằng anh thì thiệt tình tôi không dám vì tự đáy lòng của một đứa học trò tỉnh lẻ Long Xuyên những năm 1957-1963, như tôi, tôi thấy có chút gì áy náy lắm; chi bằng xin phép được gọi thi sĩ bằng Thầy là hợp đạo nghĩa nhất vì quan niệm miền quê Long Xuyên-Châu Đốc học trò tụi tôi là rất kính trọng các nhà mô phạm, quý vị giáo sư và các Thầy Cô giáo các cấp dù mình có học hoặc chưa học với các Thầy Cô ấy ngày nào. Nên xin Thầy cho phép vậy!
Thứ đến, được biết , bắt đầu sự nghiệp dạy học của Thầy thì ngôi trường Trung học Thủ Khoa Nghĩa (Châu Đốc) là nhiệm sở đầu tiên Thầy ghé lại. Thầy có thể chia sẻ thêm với bạn đọc và học tró cũ của Thầy về những ngày xưa thân ái ấy không?
CAO THOẠI CHÂU (CTC):
Tôi vào nghề năm 1963 khi mới 22. Trường dạy đầu tiên là trường Thủ Khoa Nghĩa tại Châu Đốc tỉnh An Giang, khi ấy có tên khác là Châu Phú, đường phố hẹp nhà nhiều tầng thật quá hiếm. Và tại thị xã này tôi bắt đầu thực sự tiếp xúc với vùng đất gọi là Lục tỉnh hay miền Tây, với lối sống, ngôn ngữ mà thực sự trước đó tôi chỉ biết có Sài Gòn, nơi dễ hòa tan mọi thứ. Còn tại nơi tôi vừa đến, tôi như cục đường thả vào ly nước nhưng không tan ngay mà cứ rõ nét ra giữa đường và nước như một sự bơ vơ những chiều biên giới.
Cái tuổi 22 vào thời kỳ đó dường như chưa được chuẩn bị chín mùi cho một người làm thầy. Một trải nghiệm của tôi là, dù ở tuổi ấy nhưng nếu đã hay đang yêu thì người ta “chững chạc” hơn, ổn định hơn, ứng xử ra tấm ra món hơn. Còn tôi, chỉ những học là học không một bạn gái nào cho nên khi vào nghề tôi rơi ngay vào mâu thuẫn phải làm một người lớn khi tuổi còn chưa trưởng thành. Gần một năm đầu nhìn, tiếp xúc với nữ sinh cứ lấn cấn như với một… thiếu nữ!
Ở trường ấy và nhất là địa phương ấy, vào thời ấy, một người nói giọng Bắc là điều bất lợi; là một người có máu văn nghệ sẽ cộng chung bất lợi thêm vào. Tổng số này sẽ tăng hơn khi tôi không tự nhủ phải tuân thủ những quy định tủn mủn bởi không hề có ý tiến thân trong thang bậc của nghề.
Học sinh của tôi khi ấy không hiểu sao chúng đều to cao khỏe mạnh, lác đác những cái hũ chìm và ống khói, nghịch ngơm và đang bị “nhuộm” màu Sài Gòn, rõ nhất là mê làm thơ viết truyện! Một lần, tôi cùng một nhóm những Phạm Yến Anh, Hà Văn Nghĩa, Láng, Trạc… cùng với một vài người đã rời trường như Ngy Do Thái, Song An Châu… ra một giai phẩm! Hình như đó là “Thế kỷ mới” gì đó. Tôi lo phần tìm người vẽ bia và in ấn tại Sài Gòn. Cũng còn quá trẻ, tôi gánh phần này mà quên rằng in từng ấy cuốn báo phải có tiền! Không hiểu bằng cách nào tôi in thiếu được ở một nhà in nhỏ và quen, sách lấy ra, phần gửi về Chân Đốc, phần giữ lại Sài Gòn và tôi đã làm việc không mấy thầy giáo nào dám làm là dẫn theo một số học sinh, xin vào các trường Sài Gòn để… bán! Lỗ to và tôi mang nợ với ông chủ nhà in cả năm sau mới trả hết! Cái ranh giới thầy trò lúc ấy hình như đã bị gạt sang một bên, không phải vì tôi yêu chuyện viết lách mà chỉ vì… tôi chưa trưởng thành! Và tôi phải trả giá!
Thành cái gai trong mắt một số người. Cuối cùng, chỉ hai năm sau đó người ta bẻ cái gai ấy…Những ngày ở Châu Đốc quả là một thời giống như cổ tích…

LTT:
Vâng, rồi khi nào Thầy bắt đầu chìm vào cõi thơ văn? Khi về Châu Đốc, lúc bấy giờ Thầy đã có thơ văn đăng trên các tạp chí văn học nghệ thuật ở Sài Gòn chưa? Ngoài ra, trong bài thơ Bài Giảng Khai Trường có hai câu:"Chúng ta bây giờ như những mộ bia / Ghi đầy đủ những người đã chết…" có phải là bài thơ của buổi Thầy dự ngày khai trường đầu tiên của mình ở trường Thủ Khoa Nghĩa không?
CTC:
1/ Trước khi xuống Châu Đốc tôi đã có thơ đăng ở các nhật báo với bút danh khác,tức là chỗ không thể tiến xa.
2/ Bài thơ anh nêu tôi làm ở Pleiku năm 1970 tức đã xa Châu Đốc mấy năm rồi.

LTT:
Thầy còn nhớ kỷ niệm nào về bút danh “Cao Thoại Châu”?
CTC:
Ở trường Thủ Khoa Nghĩa này tôi có bút danh như ngày nay và bài thơ đầu tiên ký bút danh ấy. Cái duyên là, một lần tôi làm thơ ký TN, vô tình mấy học trò đến lúc bản thảo để trên bàn. Một cô học trò đệ Tam coi nhưng không nói gì về thơ mà nói về bút danh, cách gợi ý xa xôi của cô làm tôi nhận ra mình đang ở đâu (Châu Đốc), chữ lót tên cô học trò và họ Cao của tôi… trong một phút bất chợt hình thành bút danh dùng hết đời tôi. Thật hên, với bút danh này thơ tôi được các báo đăng như người đã thành danh! Châu Đốc đã cho tôi một món quà vô giá như thế đó.
Chỗ ngồi của nhà giáo thời chiến
Tuổi hai mươi bước vào nghề giáo
Dẫm lên chông gai những lối mòn
Thầy nhủ thầm mình làm nhân chứng
Cho sự chán chường chạy khắp châu thân

Quê các em có núi có sông
Có máu chảy loang từng cánh đồng
Có trận tuyến trên nhiều cây số
Các em đào dần khoảng trống trong tim

Thầy dạy các em tình yêu sông núi
Yêu đồng bào tổ quốc quê hương
Nhưng trót giấu đi bề ngang bề rộng
Và trọn bề sâu của nỗi cô đơn

Các em say mê con người sáng tạo
Mê áo cơm và Thượng đế trên trời
Thầy dậy các em về lòng dũng cảm
Làm người chân thành mãi mãi không thôi

Rồi một đêm khoác áo ra đường
Với nỗi sầu với phẫn nộ như điên
Đạn vẫn nổ ầm phá tung đêm lạnh
Máu vẫn chảy hoài trên mỗi bản tin

Bảng với phấn và Thầy tự nhiên vô dụng
Và bơ vơ giữa bóng tối xây thành
Các em sau này lớn lên mỗi đứa
Đứng nơi nào trong cuộc chiến tranh ?

Cao Thoại Châu
Châu Đốc 1963.

LTT:
Ở trên Thầy có kể:"Học sinh của tôi khi ấy không hiểu sao chúng đều to cao khỏe mạnh, lác đác những cái hũ chìm và ống khói, nghịch ngơm và đang bị “nhuộm” màu Sài Gòn rõ nhất là mê làm thơ viết truyện!” Thấy có nhắc đến những Phạm Yến Anh, Hà Văn Nghĩa, Láng, Trạc… cùng với một vài người đã rời trường như Ngy Do Thái, Song An Châu… Rồi sau này Thầy có tên trong bút nhóm nào khác không? Các bút danh như Phạm Yến Anh, Ngy Do Thái có phải do Thầy đặt tên cho học trò của mình không?
CTC:
Tôi chỉ có 1 mình, không bao giờ có bút nhóm nào hết cả. Tôi và các em ấy chỉ tụ lại có một lần đó thôi. Các bút danh ấy hoàn toàn do các em tự chọn.

LTT:
Kể ra cũng đã hơn sáu mươi năm vui thú cũng như lăn lộn với nàng thơ, nếu phải nhìn lại những đoạn đường, Thầy thấy vào những thời khắc nào thầy làm thơ hứng thú nhất? Và nếu phải tự đánh giá các tác phẩm của mình như nhà văn Nguyễn Hiến Lê tự nhận định các tác phẩm của ông, Thầy sẽ nhận định các tác phẩm của mình như thế nào?
CTC:
Tôi hiểu hai từ "thời khắc" của anh là giai đoạn, thời kỳ. Tôi không có một giai đoạn nào làm thơ hứng thú nhất bởi vì… lúc nào cũng hứng thú cả, Với tôi, đó là những khoảnh khắc "lên đồng"! Nhận định vế các tác phẩm của tôi? Nhường lại cho người đọc, tiện hơn!

LTT:
Dường như vài ba năm trở lại đây Thầy viết nhiều về văn xuôi như tùy bút, ký sự, tiểu luận; dĩ nhiên là một nhà thơ thành danh từ những năm 1960, Thầy thấy các trang văn xuôi của mình có là một cách viết mới hơn so với thơ không?
Ngoài ra, theo thiển ý của tôi, nhạc là phải hát, vọng cổ phải ca và thơ phải ngâm thì mới diễn đạt được hết những chất say đấm nồng nàn trong từng câu ca lời nhạc và các vần thơ mà các bậc nghệ sĩ đã để hồn mình vào các cung bậc thiết tha u trầm ấy. Và Thầy có thích nghe ngâm thơ không?
CTC:
Văn xuôi cũng như thơ của tôi, nhận định về chúng là việc làm của người đọc chứ không phải của tôi! Có thích nghe ngâm thơ.

LTT:
Là một người trẻ làm thơ giữa những năm chinh chiến, Thầy có bài thơ tình nào trong thời chinh chiến ấy không? Thầy nghĩ gì về thơ tình Miền Nam giữa những mùa binh lửa ấy?
CTC:
Mãi đến ngoài hai mươi tuổi- chính xác là lâu hơn thế- tôi mới có bài thơ tình đầu tiên cho mình. Đúng ra, trước đó cũng có được đôi bài nhưng là thơ tình “cóc gặm” của một cậu học trò thích lang thang hơn bám trường bám lớp. Thơ tình miền Nam trước 1975 là một mảng của tấm lụa là gấm vóc chứ không phải “hiện sinh chủ nghĩa” hiểu một cách bệnh họan là “yêu cho gấp và yêu bất kể chết ” như một số “nhà nghiên cứu” quy chụp đâu. Say đắm một cách đắm say, mới mẻ và kinh thánh, và khổ nỗi cũng có nhiều nỗi buồn thời đại quá, tôi vẫn nghĩ thế khi nhớ lại một thời thơ tình miền Nam.
Khi nhà thơ và cũng là người thầy của tôi, Nguyên Sa, tung ra hình ảnh này “Hôm nay Nga buồn như con chó ốm/ Như con mèo ngái ngủ trong tay anh” là ông đã tham gia vào lớp người mở một khu vườn mới cho thơ tình giai đoạn đất nước vừa chia cắt, mà theo tôi là nhà thơ mang ở bên Tây về nóng hổi. Hình ảnh “chó ốm” trong hình dung thi ca là sự làm nũng của một cô gái được yêu và “ngái ngủ” phải chăng là chú mèo nấn ná không muốn ra khỏi vòng tay đầy hơi ấm của người vuốt ve nó? Và đó là hình tượng mới, “đời” hơn những gì cách điệu ước lệ trước kia.Có điều là khi gieo xuống Sài Gòn nó lại rất Việt Nam, nghĩa là rất thơ và rất… người! Trong trí nhớ tôi – một người đọc thơ mẫn cán và chuyên nghiệp- vẫn còn sự bồi hồi của một cảm xúc như tiếng gió reo nhè nhẹ rồi vù vù không thiếu phần cổ trang trong mô tả một nhan sắc “Em đi như vẽ trên đường nắng / Em nói như đàn trong miệng ai” của Hòang Trúc Ly, thì hai người thi sĩ này bên tám lạng bên nửa kí lô gram! Người con gái ấy chuyển động theo hướng “đi, nói” sao mà diễm lệ đến thế, không xao lòng nhận lấy những ba động mà được chăng? Mấy câu khác “Em giấu đi những nỗi lòng vỡ rạn / Anh cũng thề giấu hết gió mưa đi/ Bao nhiêu ánh đèn rũ rượi tái tê/ Những ngõ vắng tối tăm anh giấu hết” ( thơ Hoàng Anh Tuấn) thì cũng là gió mới ở Tây về , nghe trái tim nhân bản vô cùng.
Sài Gòn những năm sau 1954 đang có một làn gió văn chương hiện sinh thổi vào, qua ngả giảng đường đại học hoặc do các tiệm sách lớn, và nơi tiếp nhận chính là văn chương tại chỗ. Người ta bắt đầu làm quen với cảm xúc mới mẻ này “Đời sống ôi buồn như cỏ khô/ Này anh, em cũng tợ sương mù/ Khi về tay nhỏ che trời rét/ Nghe giá băng mòn hết tuổi thơ” ( Nhã Ca), thì đấy, không đấu tranh, không cuồng vội, chỉ là thơ và người thôi! Thơ tình miền Nam chào giã biệt một thời đại thi ca – thường gọi là Thơ Mới- mà không cần đến lễ lạc hoặc một sự hủy diệt nào, để ra riêng cho mình một cơ ngơi hiện đại.
Đất nước bị chia cắt thì than ôi, có những cuộc tình bị chia thành hai nửa “ Hai đứa mình hai bến sông sâu/ Dây thép gai giăng mắc ngang cầu/ Đôi tay anh cuốn tròn thương nhớ / Đôi mắt em buồn như mưa ngâu ”. Nếu tôi không quán xuyến được hết, thì theo tôi, “dây thép gai” lần đầu tiên có mặt trong thơ miền Nam là ở mấy câu này của Hoàng Khanh đăng trên báo khoảng năm 1958.
Chẳng bao lâu thì chiến tranh bùng phát ngày một khốc liệt và dai dẳng. Nó động đến từng gia đình và thanh niên bị cuốn vào cơn lốc đó, không có ngoại lệ cho những người cầm bút. Một cuộc chiến tranh mà cả những người không thích nó cũng phải mặc áo lính như một bổn phận công dân. Nguồn xúc cảm của thi ca không thể ở nhà khi tác giả ra đi và những lo âu, thậm chí những đổ vỡ trong các cuộc tình hiện dần trên báo.Những nhà thơ thời ấy họ rất thật tình và ngay thẳng, bom đạn và chết chóc đe dọa những mối tình đẹp và họ đã không nói khác đi- họ ngay thẳng và thật tình. “Anh trở về hàng cây nghiêng ngã/Anh trở về hòm gỗ cài hoa/Anh trở về bằng chiếc băng ca/Trên trực thăng sơn màu tang trắng” (…) “Mai anh về em sầu thê thiết/Kỷ vật đây viên đạn màu đồng/Cho em làm kỷ niệm sang sông/ Đời con gái một lần dang dở” ( thơ Linh Phương) như một tâm trạng chung của nhiều thanh niên cùng thời với tác giả. Có thể về trong hai cách đấy và có thể ( nay gọi là nhiều khả năng) người ở nhà nhận một kỷ niệm như viên đạn bắn cho không chết nhưng ngắc ngoải tan hoang! Tình yêu và hạnh phúc thường xuyên trong tình trạng khẩn cấp như một thành phố nào đó bị thiết quân luật!
Còn không thì lối về cũng chẳng hanh thông gì “ Tôi về ngơ ngác đôi tay/chân đi hồn rã áo bay lạ người/vẫn mình trên phố ngược xuôi/nghe trong cơn rộn tiếng đời héo hon /mai đây bỏ lại phố phường/bụi se cát mỏi trên đường tôi đi” ( thơ Lâm Chương) – ở đâu về và rồi đi đâu trong những năm tháng dang dở mộng chưa thành ấy?
Khi 26 tuổi tôi mất một mối tình cũng trong tình cảnh chung đó, nên tôi hiểu và trọng sự vội vã và cái quyền bị lung lay này “… em hỡi em/người anh yêu/anh có quyền hôn em lúc này/bởi ngày mai anh trở ra mặt trận/ở đó, anh không thiếu một thứ gì/kể cả máu/chỉ duy có thứ này/hãy viện trợ cho anh/đó là giọt lệ em xanh biếc…” nhà thơ bị mất một chân vì mìn nổ Luân Hoán đã viết như tiên tri thế ấy. Không thiếu một thứ gì, máu thì nhiều không kể xíêt giống như cái chết lởn vởn xung quanh, trong cảnh tượng đó, những “giọt lệ em xanh biếc” bỗng trở thành một thứ khát khao dù rằng lệ hay máu thì cũng là bi thương thôi. Tôi nghe một sự lẩn quẩn giữa hai dòng nước này của con người Thời chiến tranh là nền cho nhiều bài thơ tình mang dấu ấn của nó , có điều là tính hùng tráng hay bi tráng mà thôi.”Tặng cho em trái lựu đạn cay/Hạch nước mắt của thời đại mới/Thứ nước mắt không buồn không vui/Đang ràn rụa trên mặt anh chờ đợi/Tặng cho em cuộn dây thép gai/ Thứ dây leo của thời đại mới/ Đang leo kín tâm hồn ta hôm nay/ Đó là tình yêu anh, em nhận đi đừng hỏi/ Tặng cho em cuộc chiến tranh đang tàn/ Trên quê hương của bao nhiêu bà mẹ/ Nơi đồng bào ta ăn bom đạn thay cơm/ Nơi vải xô không đủ để chít đầu con trẻ”. ( thơ Trần Dạ Từ). Những thứ dùng để hạ sát được nhà thơ mang làm tặng vật như tặng cho nhau một tâm trạng thừa mứa những vô vọng nghịch lý của một thời. Bài thơ này dường như thay lời muốn nói cho cảm quan nghệ thuật trước cuộc sống bị đắp bờ bao của phẫn nộ. “Tặng vật tỏ tình” không hùng tráng mà bi tráng thấy rất rõ- và chắc hẳn không ít người có thời đã coi như bài thơ viết cho mình, thậm chí “ứng” vào mình. Mấy câu khác của Hồ Minh Dũng “Còn ba năm nữa anh sẽ về/ Anh biết chắc không còn quê hương để ở/ Em gắng sắm cho anh một cây đàn bầu Làm bằng nắp hòm người lính nghèo/ Chết ngoài mặt trận” nghe có vẻ như báo động một tương lai khi nhà thơ hết hạn kỳ đối diện với chết chóc, nhưng sao đó lại không là thơ tình viết bằng trái tim người làm thơ bị cuốn vào cuộc chiến?
Chiến tranh là hòa bình bị dán đè lên một mảnh giấy, ai cũng biết thế và ai cũng nuôi  trong lòng một hy vọng ngày mảnh giấy rơi xuống. Nhà thơ vốn là người bén nhạy hơn “ Và có thể nào đêm nay không còn tiếng súng/Không còn nghe tiếng còi hụ giới nghiêm/ Ba giờ sáng xuống Ngã tư quốc tế / Ăn một tô mì thơm ngát bình yên” ( Phạm Cao Hoàng). Thật tuyệt vời cho tô mì ăn vào phút đầu tiên của hòa bình! Nó như một niềm hân hoan bé mọn không ít lần bị hụt hẫng. Phải đã từng có mặt ngòai phố , đứng ở một gốc cây, sau một tảng đá, trong giờ giới nghiêm mới hình dung ra được ảo ảnh một phút giây hòa bình là thế nào.
Thơ tình thời chiến không phải là mảng chánh yếu trong thơ tình trước 1975 của thành thị miền Nam, nhưng tràn ngập trên các báo là thơ lọai ấy. Những bài thơ đấy như một sự bộc phát cá nhân, không một định hướng nào, một sự khích lệ cũng không. Người đọc thơ nhận ra cái đáng yêu của những nhà thơ phải ra trận, họ không là tráng sĩ ra biên cương, chỉ là những thân phận người thời chiến, một đôi khi chịu nhận thiệt thòi- một cuộc tình như nói ở trên, chẳng hạn- và họ chuyển hóa thành thơ với nguồn cảm hứng, những hình tượng còn tươi ( thay vì chế biến) là họ có lòng tự trọng và chân thật. Rồi “đời đã bắt kẻ làm thơ đi làm lính/ mang trong đầu những ý nghĩ trong veo / xem cuộc chiến như tai trời ách nước” (thơ Nguyễn Bắc Sơn). Và, với tôi, đây là những câu thơ tình hay nhất của một thời đại trong thi ca miền Nam:
Người yêu tôi ở tận đồng bằng
Tôi đánh điện về nàng xin hỏi cưới
Ông già vợ chịu thằng trai tứ chiếng
Cho nàng theo cầm bước chân tôi
Nàng đứng đưa tay chờ đợi chân đồi
Tôi chạy xuống ôm chầm hôn tới tấp
Ðám cưới không nhà cao nhà thấp
Không áo quần lễ lạc xênh xang
Tôi quá nghèo chỉ bộ đồ xanh
Dăm thằng bạn quen nhau thời khốn khó
Nàng thì thào bên tôi cần gì thứ đó
Miễn tình anh vô lượng như thơ anh
(thơ Trần Hoài Thư )

Thơ tình thời chiến ở miền Nam trước 1975- hiểu gọn là thơ “Sài Gòn”- không có không khí hào hùng nhưng đó là một nét đẹp bởi nó chân thật, làm nên một giai đọan thi ca đáng lưu giữ và trân trọng, nó có tính lịch sử rõ ràng. Tuy nét đó là một nỗi buồn có phần bị động, khó lòng nói hết.

LTT:
Thầy thấy sao về dòng thơ hôm nay kể cả thể cách và ý tưởng so với thơ trước đây ở Sài Gòn, có khác nhau nhiều lắm không?
CTC:
Thi ca mang tính thời đại, tôi nghĩ thế. Thật khó có thể nghĩ gì theo nghĩa so sánh về thơ hôm nay và thơ trước hôm nay. Chỉ có thơ “thật’ và thơ “giả làm thật” thôi!

LTT:
Vâng, vậy có thơ "thật" và thơ "giả làm thật" nữa sao Thầy? Xin Thầy chia sẻ thêm một chút về hiện tượng này.
CTC:
Anh ơi, "Trung ngôn nghịch nhĩ", "Sự thật mất lòng"…mà "trái tai, mất lòng" thì…làm sao sống? Thế nhé!

LTT:
Khởi đi từ Châu Đốc và cũng để kết thúc cuộc trò chuyện này, xin Thầy cho biết sau 60 năm qua rồi, Thầy còn nhớ gì về Châu Đôc và có lần nào Thầy trở lại thăm Châu Đốc không?
CTC:
Tôi nhớ nhưng không trở lại nơi ấy vì lâu rồi, người năm xưa giờ chẳng còn mấy ai. Nếu còn thì đó cũng là những người “già” bị thời gian và thời thế làm cho già mà tôi lại chỉ thích người trẻ!

LTT:
Xin chân thành cảm ơn Thầy đã bó công sức và thời giờ chia sẻ cùng học trò cũ và bạn đọc về một khoảng đời dạy học và làm thơ của Thầy dài có tới hơn sáu mươi năm trôi qua rồi và kính chúc Thầy luôn luôn dồi dào sức khỏe, an vui, hạnh phúc.
Trân trọng kính chào Thầy.
CTC:
Cảm ơn anh LTT.

Lương Thư Trung Houston ngày 10 tháng 08 năm 2013

 Nguồn: http://damau.org/archives/29259

Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

Vết ngứa trong tim

LTS: Thời sự văn hoá tuần này nổi lên những tranh cãi về một dòng nhạc đã được định hình và vẫn sống trong tâm thức người Việt. Sinh thời, Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn… là những người đã tạo ra một xu hướng, trào lưu riêng trong nhạc Việt, nhưng chưa bao giờ họ phủ nhận dòng nhạc khác với mình. Vì vậy, việc một nhạc sĩ đương thời vừa lên tiếng dè bỉu “nhạc sến” thật sự là một hành vi “bất thường”.

Chuyện cuối tuần

Vết ngứa trong tim

SGTT.VN - Hoàng đế nhà Nguyên Hốt Tất Liệt (1215 – 1294) có tất cả, trong lịch sử xâm lược của mình. Nhưng vẫn có một điều làm ông mang nỗi hận cho đến lúc chết, đó là nước Đại Việt. Ba lần mang đại quân từng đè bẹp mọi quốc gia lân cận đến đất Nam, nhưng cả ba lần Hốt Tất Liệt chỉ nhận được tin dữ mang về.
Lệ Quyên, cũng như nhiều ca sĩ từ miền Bắc khác, đã thành danh và làm nên sự nghiệp từ dòng nhạc bolero. Ảnh: TĐ
Cay đắng vì không khuất phục được, cay đắng vì không hiểu sao mình không thể can dự vào giấc mơ ép dân Nam làm nô lệ cho mình, Hốt Tất Liệt luôn nhắc đến Đại Việt trong sự căm ghét, tận đến lúc trút hơi tàn. Trên giường bệnh, lịch sử ghi rằng Hốt Tất Liệt từng thở hắt và nói rằng “nước Nam như vết ngứa trong trái tim ta”.
Thật giản dị để hiểu được cảm giác này của Hốt Tất Liệt, khi nhìn thấy một dân tộc chân đất, giản dị và chừng như rất uỷ mị, yếu ớt, nhưng khi chạm vào, thì hoá ra đó là điều bất khả.
Người Việt, văn hoá Việt và những giá trị mang tính bản sắc địa phương luôn tiềm ẩn những giá trị độc đáo như vậy: nhỏ nhoi mà lớn lao, khuất nhưng không bao giờ tắt.
Nhạc sến – với nhiều tranh cãi từ cái tên gọi, cho đến việc làm đẹp cho nói bằng một cái tên đầy chất hiện đại là bolero – vẫn là một điệu đặc biệt khó tả trong âm nhạc, lẫn văn hoá miền Nam, kéo dài đến miền cây số của miền Trung. Và dù có nhận định như thế nào, yêu thương hay ghét bỏ, nhạc sến vẫn đã gắn liền với người miền Nam, trở thành một hình thái bản sắc riêng sống động, gắn liền với mọi thế hệ, và có thể dự đoán là ít nhất trong một thế kỷ nữa.
Về mặt học thuật, nhiều nhà nghiên cứu đã tìm thấy sự gắn liền mạch sống của nhạc sến với vọng cổ, hò, lý… miền Nam, cũng như ngôn ngữ chịu nhiều ảnh hưởng của trào lưu văn chương nghệ thuật, có tính uỷ mị, thê lương hay chân thành, triết học từ thời đại của Tiểu thuyết thứ Bảy, từ đầu thập niên 30 thế kỷ 20.
Về mặt đời sống, nhạc sến là chuyến xe chất chồng và đầy đủ nhất lịch sử tâm hồn, hoàn cảnh, con người… của miền Nam từ năm 1954 cho đến 1975. Bất cứ nhà nghiên cứu xã hội nào cũng có thể tìm thấy một kho dữ liệu khổng lồ phản ánh trung thực mọi thứ về con người và toàn miền Nam. Nó là quá khứ, là chiêm nghiệm và đầy khả năng suy đoán đa chiều cho những ai sống trong nền văn hoá này, bất kể thế hệ nào, độ tuổi ra sao.
Nhưng cũng kỳ lạ, nhạc sến cũng là một loại “vết ngứa trong tim” của nhiều nhạc sĩ, ca sĩ… xuất thân hoặc được hưởng thụ từ dòng chảy này, vì dù có cố viết bắt chước lại, có mô phỏng hay trình bày lại, cũng khó mà chinh phục được, dù bề ngoài của sến thì rất giản đơn – và có thể cũng rất “bất thường”.
Nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo cho rằng từ “sến” bắt nguồn từ “sen” trong “con sen” – từ gốc Pháp vào những năm 1930 – 1940 dùng để chỉ cô giúp việc ở miền Bắc. Còn nhà văn Lê Đình Bích cho rằng đó là tên một trong hai cây đàn chủ lực trong trình diễn âm nhạc tài tử ở Tây Nam Bộ (cây kia là guitar phím lõm). Theo ông, có thể thuở xưa, khi nghe một bản đàn tài tử cải lương chơi bằng đàn sến (ảnh) thật hay, người nghe đã thốt lên: “Chơi thế này mới gọi là sến!”, và “sến” dần trở thành tính từ đồng nghĩa với mùi mẫn, đi vào lòng người.
Hiện tại chứng minh rằng nhạc sến vẫn chiếm lĩnh ở mọi nơi, và dù khuất bao lâu, nó vẫn trỗi dậy như một điều không thể thiếu ở miền Nam, và xa hơn thế nữa. Cứ như là đến New Orleans thì nghe blues, và đến Nashville thì nghe country. Tôi đã từng đến miền Bắc, đi tìm để nghe những điều rất riêng của âm nhạc nơi này, và lạ thay, ngay ở các công viên giữa trái tim Hà Nội, tôi vẫn thấy người ta chơi đàn và hát nhạc sến một cách say mê.
Có ý cho rằng sến là một sản phẩm của thời chiến tranh nên uỷ mị, chán chường, nên giờ không hợp thời. Nhưng trên thực tế cũng có rất nhiều sản phẩm thật sự sinh ra từ thời chiến tranh, mà đã bị quên lãng hoàn toàn. Nhưng nói cho đúng, thì chiến tranh không sinh ra văn hoá, và chỉ có nền văn minh mới sản sinh ra âm nhạc trường tồn mà thôi. Bản thân âm nhạc không có giai cấp, chỉ có con người bị ràng buộc của nghèo nàn giai cấp mới ấn định thứ bậc cho cuộc sống mình.
Có ý cho rằng sến đã quá cũ, không nên làm sống lại, không nên lôi ra đời sống hôm nay. Nhưng phải chăng người Việt – với đa số – không thể thiếu nó trong không gian tồn tại của mình? Việc nó vẫn được chào đón, thậm chí là làm giàu cho các nhạc sĩ, ca sĩ, hơn cả các thể loại pop, rock, dân gian đương đại gì đó… cũng là một ví dụ đáng suy nghĩ. Nhưng sến xưa cũ thì đã sao? Đã hơn 300 năm từ ngày có nhạc của Mozart, người ta vẫn nghe lại với đúng hoà âm đó, hoà thanh đó và thậm chí càng cổ càng tốt, thì sao?
Hốt Tất Liệt cho đến chết vẫn chưa bao giờ gãi được vết ngứa trong tim mình, vì chỉ khi hiểu được Đại Việt, ông mới có thể thanh thản ra đi. Cũng như rất nhiều người đứng bên ngoài ánh sáng của nhạc sến và cay đắng vì những gì mình không cảm nhận được. Và Hốt Tất Liệt vẫn chết, Đại Việt vẫn ung dung tồn tại.
Nhưng tại sao, vẫn có một lớp người luôn nhân danh văn minh và trẻ trung để vùi dập một dòng nhạc, khi nó chỉ có một chức năng là giải trí cho con người? Câu hỏi vẫn chưa được trả lời, cho đến khi tôi vô tình đọc lại phần Những thói xấu của người Việt, về tật “tự giam hãm mình trong luỹ tre làng” để mở mắt nhân ái nhìn những đổi thay và khác biệt bên ngoài, dẫn đến việc ngu dốt chà đạp mọi thứ mình không thể kiểm soát được, chinh phục được. Ông Trần Huy Liệu vẫn nói đấy thôi, trong tập Một bầu tâm sự, xuất bản năm 1927.
TUẤN KHANH

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

Thư mời ra mắt QUÁN VĂN số 16

T H Ư  M I
Ra mắt và giao lưu
Q U Á N  V Ă N   
s ố  1 6

C h ủ   đ ề :

NHỮNG CÂY BÚT BÊN DÒNG SÔNG SEINE
Thời gian:
9 giờ sáng chủ nhật 15.9.2013
Địa điểm:
Quán cà phê LUẬT
305/11 Nguyễn Trọng Tuyển
Phường 3 Quận Phú Nhuận
Trân trọng kính mời
bạn văn, thân hữu và độc giả đến tham dự.
Hân hạnh được đón tiếp.

NGUYÊN MINH
& Nhóm chủ biên tập san văn học Quán Văn

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

BÁNH KHOÁI AN TRUYỀN

 PHẦN 2
                                                         
                                                               Hoàng hôn trên đầm Chuồn ( Nguồn : vov.vn)

 
     An Truyền là một làng nằm ven đầm Chuồn, một đầm thuộc hệ thống phá Tam Giang, gần cửa biển Thuận An, nên làng cũng gọi là làng Chuồn. Trước thế kỷ thứ XIX, An Truyền thuộc tổng Vỹ Dạ, đầu thế kỷ XX thuộc tổng Quảng Xuyên, nay thuộc xã Phú An, huyện Phú Vang.
Để đi đến làng Chuồn có thể đi qua cầu Vỹ Dạ sang đường 49, rồi rẽ phải sang đường Ngọc Anh chạy đến ngã tư cắt ngang đường tránh cầu Lim1. Đi quá ngã tư 10m thì rẽ trái. Hay đi qua cầu An Cựu, chạy về cầu vượt Thủy Dương. Đến đây rẽ tay trái lên đường tránh Cầu Lim. Gần cuối đường sẽ gặp ngã tư giao cắt với đường Ngọc Anh. Nhìn qua phải sẽ thấy con đường chạy thẳng  tới trước mặt, có biển đề xã Phú An. Đây là con đường dẫn đến làng An Truyền. Con đường bên phải đi về xã Phú Mỹ.



Đầu làng phía tay phải là trường trung học cơ sở Phú An



Đối diện với trường Phú An là cổng làng Triều Thủy, láng giềng của làng An Truyền



Đường chính trong làng khá hẹp, dẫn đến đình làng bên tay phải và đi tới một chút là chợ làng bên tay trái.



Chợ làng đông đúc vào buổi sáng, buổi chiều vắng vẻ. Chợ trông ra hồ sen trước đình, nay khô cạn

Như đã nói trong Phần 1, lão Trần không tham gia chiến trận tàn sát lũ cá kình, mà đi tìm di tích văn hóa. Lão nhờ Thọ, K9, chở đi một vòng, chụp vài tấm ảnh. Nhưng chiều nay lão Trần rủ lão Kongkong quay lại làng Chuồn để cho lão phó nhòm biết đường sá và tác nghiệp. Nhưng dường như lão này lại dự định khi biết đường sẽ dẫn bạn nhậu về - đúng là chỉ đường cho hươu chạy ! Ngày nay văn hóa ăn nhậu lan tràn khắp cả nước. Còn nhớ thời sinh viên có một định nghĩa hài hước được truyền miệng: hạnh phúc là sự thỏa mãn của các lỗ. Ngày nay hình như định nghĩa ấy đã trở thành triết lý sống của toàn xã hội.

Nói đến làng An Truyền thì người ta nhớ đến câu nói dân gian "họ Hồ làm quan, họ Đoàn làm giặc". Chính sử triều Nguyễn thì gọi biến cố anh em Đoàn Hữu Trưng mưu toan giết vua Tự Đức và đưa con của Hồng Bảo lên làm vua là "giặc chày vôi" còn sử ngày nay thì ca ngợi cuộc nổi dậy của những người xây Vạn Niên Cơ và lấy tên của thủ lĩnh họ Đoàn này đặt cho một con đường trong thành phố (đường chạy ngang trước mặt nhà thờ Phủ Cam, chạy vòng sang phải đến gặp đường Trần Phú ở ngã ba Thánh Giá). 

Đoàn Hữu Trưng (1844-1866) là một thanh niên thông minh, hay chữ nổi tiếng khắp làng, cho nên mặc dầu chưa đỗ đạt gì thì đã lọt "mắt xanh" của Tuy Lý Vương Miên Trinh. Vương cho Trưng vào vương phủ để học, và  Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, nhà thơ tài danh của đất kinh thành đã gả con gái là Thể Cúc cho chàng. Nhưng chàng thì mộng làm đại sự, nên đã tụ họp bạn đồng chí hướng lập ra Đông Sơn Thi Tửu Hội, để uống rượu, làm thơ, bàn chuyện chính sự, và tuyển mộ binh sĩ.

Nhân khi dân tình ta thán vì công trình xây lăng vua, Đoàn H Trưng bàn với mẹ của Đinh Đạo (con của Hồng Bảo, đúng ra tên Ưng Đạo, nhưng bị đổi theo họ mẹ vì Hồng Bảo hai lần âm mưu giành ngai vàng, bị giam và chết trong ngục) tổ chức đàn chay cho Hồng Bảo ở chùa để tập họp binh sĩ. Đêm 16 tháng 9,năm 1866, quân binh nổi dậy kéo qua công trường xây lăng. Đoàn Trưng tự đóng giả làm quan tham tri bộ Công, giả lệnh vua bắt Nguyễn Văn Xa và Nguyễn Văn Chất, hai đốc công quá khắc nghiệt về triều trị tội. Dân phu mững rỡ bắt trói Nguyễn Văn Xa, còn Nguyễn Văn Chất do vắng mặt nên thoát nạn. Đoàn H Trưng cho dân phu đang cầm chày giã vôi nghỉ việc, nhưng họ lại hăng hái kéo nhau đi theo binh lính của Đoàn Trưng về thành nội.

Quân dân kéo về được Hữu quân Tôn Thất Cúc mở cửa thành. Thị vệ chống trả. Đoàn Trưng chém bị thương Vệ Úy Nguyễn Thịnh và Chỉ Huy Sứ Phạm Viết Trang. Chưởng Vệ của vệ Long Võ là Hồ Oai thấy quân họ Đoàn đông bèn rút lui vào điện Càn Thành, nơi vua ngủ, và giữ chặt cửa. Đoàn Trưng không vào được bèn tập hợp quân ở điện Thái Hòa, cho người đi rước Đinh Đạo đến để đưa lên  ngôi. Nhưng Hồ Oai đã kịp gọi các vệ quân khác vào cứu giá. Quân nổi dậy không chống cự nổi quân triều đình. Anh em Đoàn Trưng bị bắt. Cả nhà bị trị tội. Riêng Đoàn H Trưng và Đoàn Tư Trực bị xử lăng trì. Cả nhà Đinh Đạo, từ mẹ đến vợ, con đều bị xử tội chết.

Hai lão Trương, Trần được một người địa phương chỉ cho mộ của Đoàn Trưng, Đoàn Trực nên lội ruộng đi tìm. Nhưng khi tìm ra lại hỏi một người khác nữa, một bà già đang giã trầu trước cửa, thì bà này nói đó là mộ của "ông cậu", được thờ ở đình làng. Các ông họ Đoàn được chôn đâu đó trên núi không ai biết. Họ Đoàn ngày nay có tới sáu nhà thờ họ. Không biết nhà thờ nào thờ các ông.



Hai ngôi mộ với cửa mộ là hai đốm trắng phía bên kia đám ruộng đầy nước được cho là mộ hai ông họ Đoàn, nhưng một bô lão khẳng định là không phải.



Bà già đang "xoáy" trầu bảo đó là mộ "ông cậu", còn mộ mấy ông họ Đoàn không ai biết ở đâu. Bà là người  trong gia tộc họ Đoàn.



Nhà thờ có biển đề Từ đường Đoàn Tộc Cận Kênh, vì còn những nhà thờ họ Đoàn khác.


Nhà thờ họ Đoàn Cận Kênh

Nhưng Đoàn Trưng lại có liên  hệ với họ Hồ, dòng họ phát sinh ra các đại quan, đại trí thức của thời đại. Em vợ của Đoàn Trưng, con của Tùng Thiện Vương là Thức Huấn kết hôn với hầu tước Hồ Đắc Tuấn, sinh ra Hồ Đắc Trung (1861 - 1941) làm quan thượng thư nhiều bộ (bộ Lễ kiêm bộ Công, rồi bộ Học kiêm bộ Hộ) dưới thời vua Duy Tân. Ông Trung như vậy gọi ông Trưng là dượng. Ông Thượng Thư có chị gái là Hồ Thị Nhàn xuất gia với pháp hiệu Diên Trường và trở thành tỳ kheo ni đầu tiên của ni bộ (đoàn hể các nữ tu sĩ) Phật giáo miền Trung. Ni sư cũng là người xây dựng chùa Trúc Lâm và cúng dường cho Hòa Thượng Giác Tiên. Một người con gái của ông Trung là Hồ Thị Hạnh sau khi kết hôn một thời gian cũng đi tu và trở thành một tu sĩ xuất chúng, sáng lập nhiều ni viện, cô nhi viện, đồng sáng lập Đại học Vạn Hạnh, ra báo Liên Hoa, dịch thuật nhiều kinh sách. Đó là sư bà Diệu Không. Chị của sư bà là Hồ Thị Huyên, mẹ của nhà bác học Bửu Hội, cũng xuất gia là sư bà Diệu Huệ. Một chị khác là Hồ Thị Chỉ, người yêu của vua Duy Tân, nhưng sau lại trở thành Ân Phi của vua Khải Định.

Các con trai của Thượng Thư Hồ Đắc Trung cũng là những người tiếng tăm lừng lẫy: Hồ Đắc Khải là Thượng Thư bộ Hộ dưới triều vua Bảo Đại, bác sĩ Hồ Đắc Di, hiệu trưởng trường Đại Học Y Hà Nội, Hồ Đắc Điềm, tiến sĩ Luật, Phó chánh án Tòa án Nhân Dân Tối Cao, Hồ Đắc Liên, kỹ sư, Cục Trưởng Tổng Cục Địa Chất, Hồ Đắc Ân, tiến sĩ Dược. Cháu của ông Thượng Thư là Hồ Đắc Hàm, Đốc Học trường Quốc Học.



Nhà thờ họ Hồ Đắc



Bên trái nhà thờ là ngôi chùa làng - có nhiều Phật tử đang sinh hoạt



Bên cạnh chánh điện là tăng xá khá lớn



Văn Miếu (còn gọi là Văn Chỉ) của làng, thờ những người dân trong làng đỗ đạt cao và làm quan


Mấy đứa trẻ trong làng chạy theo Trương Kongkong đòi chụp ảnh



Con hói tưới ruộng này  là một nhánh của sông Như Ý, và nguồn là sông Hương



Quán cà phê của làng, nằm gần con hói, trông cũng ra dáng "văn nghệ" không kém quán trong thành phố.
Hai lão lò dò hỏi đường ra Đồng Miệu ở ven đầm Chuồn. Con đường đi ven đầm bằng đất gồ ghề và đầy rác rưởi.



Miếu Khai Canh ở Đồng Miệu, sát bên đầm Chuồn



Đầm Chuồn nơi có ruộng ô, là nơi nuôi cá với những nhà chồ là nhà sàn trên đầm để canh giữ cá


Chiều xuống, những người làm nghề trên đầm trở về làng. Lão Thanh Kong kong hỏi thăm chỗ mua cá và chỗ nhậu.
Dân làng trả lời cứ ra đây họ sẽ chở bằng thuyền ra chồ. Họ sẽ lấy cá trong nò ra nấu nướng tại chỗ, thường là  buổi chiều và có thể ở  lại nhậu suốt đêm.
Lão Trần nhớ tới bạn là Hồ Mừng, quê làng Chuồn, nay ở Bình Phước và đang ở nhà con tại Bình Triệu. Gọi điện thoại hỏi nhà, Hồ Mừng cho biết có người em ở đây. Hai lão tìm tới thì nhà đóng cửa.
 


Ngõ vào nhà Hồ Mừng



Nhà đóng cửa. Người em cũng đi ở chỗ khác




Trên đường đi ra đầu làng hai lão đi ngang nhà thờ Công Giáo. Hôm nay có lễ, bà con họ đạo tới rất đông



Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời và ban phát sự bình an. Dĩ nhiên, sự bình an rất khó mà có được nhưng đó là niềm hy vọng của giáo dân.
Khi ra khỏi làng thì trời đã về chiều. Hai bên đường là đồng ruộng, mồ mả và . . .  rác.



Hoàng hôn trên cánh đồng An Truyền

Chưa bằng lòng với chuyến đi, mấy hôm sau, lão Trần lại tiếp tục tìm kiếm và cuối cùng cũng tìm được lăng mộ của cụ Thượng Thư Hồ Đắc Trung nằm bên cạnh tịnh thất Liên Tịnh, gần chùa Hồng Ân, trên đường đi lên đồi Thiên An.



Lăng mộ Thượng Thư Hồ Đắc Trung



Nhà thờ cụ Thượng Thư bên cạnh lăng mộ

Theo lời dân làng thì họ được cụ Thượng dạy cho phép tắc, lễ nghi cho nên lễ thu tế ở đình làng vào giữa tháng 7 âm lịch (16 -18) diễn ra rất bài bản, trang nghiêm. Trước đây, con cháu đi xa cũng thường trở về dự lễ, đoàn tụ với gia đình, thăm viếng làng xóm, thăm mồ mã tổ tiên trong dịp này.
Bánh khoái cá kình, bánh tét, rượu gạo, hải sản tươi sống, cọng với thói ăn nhậu tràn lan nhất định không thể tạo ra được tương lai tươi sáng cho làng Chuồn. Có lẽ lòng biết ơn tiền nhân, biết lễ nghĩa đối với bà con, láng giềng, biết giáo dục con cái nên người như cụ Thượng, nếp sống có đạo lý hướng thượng (không hướng về cái bụng) mới là niềm hy vọng cho tương lai sáng sủa của tất cả chúng ta.

Trương Văn Thanh
Trần Ngọc Bảo
http://www.art2all.net/chantran/chantran_tho/tranngocbao/banhkhoaiantruyen/banhkhoaiantruyen2.htm
Đăng lại bài của Trần Ngọc Bảo để nhớ làng quê Ngoại (Họ Đoàn) và quê Nội (Họ Hồ)