Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Về làng Chuồn

TTCT - Khi biết tôi muốn đến làng Chuồn - ngôi làng lớn ở xã Phú An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế, nhiều người ở TP Huế đã nhắc tôi phải rất ý tứ, kẻo làm phật lòng người dân ở ngôi làng “có cá tính” này.
Đình làng Chuồn được công nhận di tích văn hóa cấp quốc gia từ năm 1994 - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ
Làng Chuồn chỉ cách TP Huế chừng 7km theo đường mới mở. Qua khỏi cầu Vỹ Dạ rồi qua tiếp những khu phố mới một quãng, cảnh trí vùng nông thôn Phú An hiện ra với ruộng lúa ngát xanh, xóm làng trù phú, kề bên là đầm Chuồn bao la với nò sáo cắm dày.
Những di sản lớn
Làng Chuồn có tên là An Truyền, nhưng xưa nay người ta vẫn quen gọi làng Chuồn. “Đến làng Chuồn phải thăm đình trước đã. Không thăm đình thì có đến làng Chuồn cũng coi như chưa đến” - trưởng thôn Đoàn Rô nói khi đưa tôi đến ngôi đình cổ rộng đến 420m2, với 80 cột chia làm bảy gian.
Đây là một tiêu mẫu kiến trúc độc đáo của đình làng thời nhà Nguyễn, còn khá nguyên vẹn đồ trang trí, thờ tự từ ngày xưa lưu lại.
Đình lớn bởi làng Chuồn là một làng giàu. Trưởng làng Hồ Văn Lạp cho rằng ngôi đình xếp hạng di tích cấp quốc gia này được làm lại thời nhà Nguyễn, khi dân làng sau hàng trăm năm định cư đã hưng vượng lên nhiều. “Trong số bốn tộc Hồ, Nguyễn, Đoàn, Huỳnh có công khai lập làng, họ Hồ đã làm làng Chuồn trở nên có tiếng tăm vì có nhiều người đỗ đạt cao, làm quan lớn tại triều” - ông Lạp nói.
Những tư liệu ở làng cho thấy cụ Hồ Đắc Tuấn đỗ cử nhân thời Tự Đức, có con trai là cử nhân Hồ Đắc Trung (1856-1939) làm đến thượng thư bộ Học, bộ Lễ, bộ Công, có con gái là chánh phi của vua Khải Định. Các tiến sĩ y khoa Hồ Đắc Di, tiến sĩ luật khoa Hồ Đắc Điềm, tiến sĩ dược khoa Hồ Đắc Ân, sư bà Diệu Không đều là con cụ Hồ Đắc Trung.
“Câu ca Ai to gan về làng Chuồn không biết có từ thời nào. Nhưng người làng Chuồn được người các nơi cho là ngang tàng, khí khái, thậm chí là hung hãn có lẽ cũng vì người làng Chuồn thấy người làng mình giỏi giang, có nhiều danh gia vọng tộc, có người là quan đại thần ở triều” - cụ Đoàn Bợt, 87 tuổi, vị chánh tế của làng Chuồn, lý giải.
Một góc đầm Chuồn - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ
Nhiều người có tuổi tác ở đây đều biết ngọn nguồn cuộc nổi dậy lật đổ vua Tự Đức mà dân gian quen gọi là “loạn chày vôi” (hay “giặc chày vôi”) do ba anh em ruột người làng Chuồn là Đoàn Trưng, Đoàn Trực và Đoàn Ái khởi phát hồi năm 1866. Cuộc nổi dậy thất bại, ba anh em bị xử tử.
“Người bên ngoài kiêng nể người làng Chuồn có lẽ một phần cũng vì họ thấy cái gan dạ của người làng Chuồn qua cuộc nổi dậy của ba anh em nhà họ Đoàn” - cụ Bợt nói.
Năng động làm ăn
Với 1.100 hộ, nhà cửa ở làng Chuồn giống phố bởi có đến 40% nhà ở đây là nhà lầu. Nhưng “phố làng Chuồn” buổi mai khá vắng lặng, trừ chợ làng là đông người. “Từ 4g-5g sáng, người ở đây đã kẻ xe đạp, người xe máy, chở cá, chở bánh bao, chở rượu đi bán xa bán gần, đến trưa đến chiều mới về. Dân ở đây xưa nay lo chuyện làm ăn ghê lắm” - một bà cụ nói.
Nghề truyền thống số 1 ở đây là buôn bán cá với 70% số hộ có người theo nghề này. Cá tôm đánh bắt trên đầm Chuồn phần được bán ở chợ làng, bến làng, phần được đưa lên phố Huế và cả nhiều nơi trong tỉnh. Làng Chuồn còn nổi tiếng với một loại rượu ngon được người xa kẻ gần quý chuộng, là sinh kế của hàng trăm hộ trong làng.
Làm bánh bao - một nghề mới ở làng Chuồn - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ
Buổi chiều làng Chuồn rộn ràng hơn. Hơi mù bốc lên từ đầm nước quyện với khói bếp tỏa ra trông thật ấn tượng. Sau buổi mai đi bán, buổi chiều về kẻ nấu bánh tét, hấp bánh bao, người nấu rượu. Các quán ăn ở chợ ở đầm thì lo đón khách. Buổi chiều, buổi tối bếp ở làng Chuồn rậm lửa.
“Làng Chuồn mình xưa đã giàu. Chừ mình muốn làm giàu thì phải nỗ lực nhiều lắm. Phải bung ra, phải mềm dẻo, phải biết kinh tế thị trường cần cái chi, mình phải làm răng để có thu nhập đàng hoàng, tử tế. Mừng là dân mình đã làm được. Làng mình chừ chỉ còn 5% hộ nghèo” - trưởng thôn Đoàn Rô nói.
HUỲNH VĂN MỸ

http://dulich.tuoitre.vn/Du-lich/600099/ve-lang-chuon.html

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Triết gia và thi sĩ


10:41 | 28/03/2014
BÙI VĂN NAM SƠN
Trong “Bùi Giáng, sơ thảo tiểu truyện”(1), nhà phê bình văn học Đặng Tiến nhận định có tính tổng kết về văn nghiệp Bùi Giáng như sau: “Trên cơ bản, Bùi Giáng là nhà thơ”.
Triết gia và thi sĩ
Nhà thơ Bùi Giáng - Ảnh: internet
Thế nào là “trên cơ bản”? Tôi không muốn hiểu câu nhận định trên đây theo nghĩa thông thường của sự phân loại, đánh giá về văn nghiệp của một tác giả: Bùi Giáng trước hết và trên hết, hay, tựu trung, là một nhà thơ, nói khác đi, phần có chân giá trị là sự nghiệp thi ca của ông, còn các phần còn lại là thứ yếu, không “cơ bản”. Thật ra, trong khối lượng đồ sộ và đa tạp của Bùi Giáng “văn xuôi”, dù khó tính đến mấy, ta vẫn có thể chắt lọc ra không ít những trang tuyệt bút từ các Giảng luận văn học (Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan đến Phan Văn Trị/Tôn Thọ Tường và Tản Đà), các tùy bút văn chương, các nghị luận triết học, đó là chưa kể một số bản dịch thành công khá đặc biệt. Trong chừng mực nào đó, chúng có giá trị tự tại, độc lập với việc có hoặc không có “Bùi Giáng nhà thơ”. Vì thế, tôi muốn thử hiểu nhận định trên đây theo một cách khác: dù là văn xuôi hay thơ, Bùi Giáng vẫn “trên cơ bản, là nhà thơ”, theo nghĩa: Bùi Giáng có ý thức sử dụng ngôn ngữ theo nghĩa rộng như là “ngôn ngữ thi ca”. Chính điều này tạo nên nét riêng biệt, độc sáng của thi văn Bùi Giáng, và đồng thời mời gọi ta hãy đến với Bùi Giáng theo cách hiểu ấy.

Như ai cũng dễ nhận ra, và như chính Bùi Giáng đã thừa nhận, bút pháp và thơ của Bùi Giáng thoạt đầu xuất phát từ cội nguồn Thơ Mới. Nhưng, do một sự tương ứng sâu thẳm nào đó và cũng là một cơ duyên, việc Bùi Giáng tiếp cận và tiếp thu tư tưởng, nhất là triết học về nghệ thuật, của Heidegger, theo chúng tôi, là một trường hợp khá hy hữu: nó thanh tân, trọn vẹn và chung thủy đến lạ thường. Sự gặp gỡ này còn có sự hiện diện của một nhân vật thứ ba có ý nghĩa quyết định: thi sĩ Đức Friedrich Hölderlin. Heidegger là triết gia, Hölderlin là thi sĩ, sống cách nhau ngót hơn một thế kỷ, nhưng thật lạ lùng khi Heidegger từng nhiều lần nhấn mạnh rằng ông không còn có thể phân biệt mình với Hölderlin được nữa(2)! Tự nhận mình đồng nhất với một người khác, nhưng không ai nghĩ rằng Heidegger tự “đánh mất mình” trong mối quan hệ lạ thường ấy. Ta cũng có thể nói hệt như thế về mối quan hệ tay ba: Heidegger - Hölderlin - Bùi Giáng! Trong bài tham luận ngắn này, chúng tôi muốn lưu ý đến mối quan hệ lạ thường này như một nỗ lực góp phần soi sáng quan niệm sống, sáng tác và suy tưởng của Bùi Giáng.

1. Triết gia - thi sĩ 

Quyển Giảng giải về Thơ Hölderlin của Heidegger(3) (tập 4 trong Toàn tập) chỉ ngót 200 trang, nhưng đã được Bùi Giáng dịch và diễn giải hơn 1000 trang, chia làm hai tập: Lời Cố quận và Lễ Hội Tháng Ba. Có thể nói đây là công trình văn xuôi quan trọng nhất và cũng phức tạp, sâu sắc nhất của Bùi Giáng. Theo một cách nói quen thuộc, chính ở đây, Bùi Giáng đã đi từ “tự phát” đến “tự giác” trong quan niệm sống và sáng tác văn chương.

Hölderlin (1770 - 1843) là một trong những thi sĩ nổi tiếng nhất của nước Đức, bạn đồng học và có ảnh hưởng sâu đậm đến hai khuôn mặt lớn của triết học Đức: Schelling và Hegel. Đáng chú ý: Hölderlin cũng có định mệnh tương tự Bùi Giáng: hơn 30 năm cuối đời sống trong trạng thái “điên tam đảo tứ”! Ta biết rằng Heidegger có những bài giảng đầu tiên về Hölderlin vào những năm 1934 - 35 (ngay trước khi soạn luận văn nổi tiếng: Nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật (4)). Ông tiếp tục bàn về Hölderlin cho tới 1946, được tập hợp lại thành sáu luận văn trong tác phẩm vừa kể. Bùi Giáng nhận định: “Mười năm sau Sein und Zeit [Tồn tại và Thời gian, 1927, tác phẩm chính của Heidegger], Hölderlin xuất hiện trên hầu hết những cuốn sách của Heidegger mỗi phen tư tưởng của Heidegger bước tới điểm quyết định”. “Riêng cuốn sách Giảng giải về thơ Hölderlin này mang một ý nghĩa trầm trọng và sâu xa như thế nào trên con đường tư tưởng của Heidegger, thành tựu một cái gì cho Tư tưởng Tây phương, chuẩn bị cho một cuộc hội thoại lặng lẽ mênh mông nào khác, những người theo dõi Heidegger ắt đã từng nhận thấy”. “Người nào đã đọc kỹ từ lâu cuốn sách dị thường ấy của ông Heidegger, ắt đã rõ nguyên do lối sắp đặt thứ tự các bài giảng… Và cũng không ngạc nhiên gì nhiều trước lối dịch và giảng dường như kỳ dị của dịch giả”. Bùi Giáng viết tiếp: “Nhan đề ấy nói gì? Có thể hiểu cưỡng bức theo hai cách:

1. Cuộc tiếp cận (của chúng ta với) Hölderlin.

2. Cuộc tiếp cận của Hölderlin.

Theo nghĩa thứ hai là thế nào? Hölderlin tiếp cận cái gì? Ấy là: tiếp cận Uyên Nguyên, đi về cận lập với Uyên Nguyên. Sao gọi là Uyên Nguyên? Theo nghĩa thứ nhất: chúng ta tiếp cận? Đi về tiếp cận? Nhưng Hölderlin không phải là một cá nhân. Nguồn thơ thi dựng của ông là một nguồn Thi nhiên hi hữu. Hölderlin là Nguồn Thơ ấy. Vậy thì tiếp cận Hölderlin là tiếp cận nguồn thơ ấy. Nhưng tại sao tiếp cận mà không tắm mình vào? Vì đó là Uyên Nguyên và trong khi chúng ta dò dẫm trên bước tiến lại gần, thì Uyên Nguyên cũng đi về với chúng ta trong thể lệ riêng biệt: gần gũi mà xa xôi”(5)…

Đàng sau cách diễn đạt bay bổng nhưng khá tối tăm ấy là diễn trình tư tưởng của Heidegger được Bùi Giáng theo dõi sát sao và thể nhập trọn vẹn. Có thể chia sự “tiếp cận” của Heidegger với thơ Hölderlin làm hai thời kỳ: thời kỳ sớm từ 1934 đến 1939 và thời kỳ muộn là 1939 - 1946, với sự khác biệt quan trọng.

Thời kỳ sớm nổi bật với hai luận văn: Hölderlin và bản chất của thi ca (Bùi Giáng dịch và giảng trong Lời Cố quận, An Tiêm, 1972, tr. 146-242) và Siêu hình học nhập môn (được Bùi Giáng dịch và giảng một phần trong Trăng Châu Thổ (Quế Sơn, Võ Tánh, 1969, tr. 207-308).

Ở thời kỳ này, Heidegger xem Hölderlin là một thi sĩ quan trọng, nhưng không quan trọng với tư cách thi sĩ, mà như là triết gia-thi sĩ, nói khác đi, tuy Hölderlin làm thơ, nhưng nội dung của nó không phân biệt với triết gia. Thật ra, những đại thi hào Tây phương như Homer, Sophockles, Virgil, Dante, Shakespeare và Goethe thực hiện bản chất của thi ca còn phong phú hơn cả Hölderlin, nhưng tại sao Heidegger lại tập trung vào Hölderlin? Lý do là vì, theo ông, Hölderlin là nhà thơ làm thơ về thi ca. Ông gọi Hölderlin là “thi sĩ của những thi sĩ”(6) không theo nghĩa tôn vinh về đẳng cấp mà chỉ vì Hölderlin là nhà thơ của bản thân thi ca. Hölderlin đã viết những câu thơ về bản thân thi ca như thế nào, trong chừng mực là một thứ “siêu-thi ca” mang đầy đủ tư cách của một nhà tư tưởng? Xin điểm lại ngắn gọn năm điểm:

- Hai điểm đầu tiên có vẻ mâu thuẫn với nhau. Hölderlin gọi thi ca là công việc “hồn nhiên thơ dại nhất”(7), nhưng đồng thời cũng là công việc “nguy hiểm nhất”(8). Vì lẽ thi ca nảy sinh trong ngôn ngữ, nên câu hỏi có thể đặt lại là: ai làm chủ ngôn ngữ và ngôn ngữ hiểm nguy theo nghĩa nào? Theo Heidegger, ngôn ngữ là cái gì quá “thân thiết” với con người, nó có thể “thôi miên” ta ở vẻ ngoài khiến ta dễ bỏ qua căn cơ, nền tảng. Sự hàm hồ của ngôn ngữ làm cho cái không bản chất trở thành bản chất, đồng thời biến bản chất thành cái gì nông nổi, bì phu. Đối diện với hiểm nguy ấy, Hölderlin đã trả giá bằng sự điên loạn của mình, một sự cố không thể điều trị hay cứu chữa bằng y học. “Điên loạn là số phận của Hölderlin, vì “những hoa trái đầu mùa bao giờ cũng thuộc về phần của thần linh” và Hölderlin là “hoa trái bi kịch nhất trong lịch sử nước Đức”. Phải chăng ta cũng có thể nói như thế về Bùi Giáng?

- Điểm thứ ba: con người chỉ hiện hữu trong ngôn ngữ, và ngôn ngữ bao giờ cũng hiện hữu trong đối thoại, trong “nói” và “nghe”. Đó là đặc trưng của con người, bởi chỉ con người mới mang thời tính, tức tìm thấy chính mình ngay trong lòng sự vật khi chúng được từng bước khai mở bằng một cách nào đó. Ngôn ngữ là nơi ta thể nghiệm: hoặc có thể đi sâu vào được vùng ẩn mật, khép kín của thực tại khôn dò, hoặc chỉ phải dừng lại ở bề mặt của sự hiện diện thô sơ.

- Điểm thứ tư là từ chính lời thơ của Hölderlin: “Những gì bền vững là do thi sĩ thiết lập nên”(9). Những gì tưởng như vững bền, thường trụ trong thế gian đều cần được “thiết lập nên, nếu không, chúng sẽ bị chìm lấp, lẫn lộn trong mớ hổn mang”. Để sự vật hiển hiện ra cho ta, ta phải đứng vào vùng ánh sáng thích hợp. Như thế, con người không chỉ thụ động ngồi nhìn sự vật chung quanh, rồi gọi tên chúng. Ngược lại, chính thi sĩ đặt tên cho chúng, và chỉ có việc đặt tên này mới thiết lập nên sự vật. Sự vật và bản thân Tồn tại không bao giờ phơi bày mà phải được sáng tạo và thiết lập. Thi sĩ có vai trò trung tâm trong sự hiện hữu của con người(10).

- Và sau cùng, điểm thứ 5, lại từ một câu thơ khác của Hölderlin: “Con người sống trên đời như một thi sĩ”(11). Sống như một thi sĩ là sống giữa lòng những gì thiêng liêng, vừa ẩn giấu, vừa vẫy gọi, mang tađến gần bản chất của sự vật. Sự hiện hữu được thi sĩ tạo dựng và thiết lập là một quà tặng được ban cho ta, bên ngoài quyền năng của cá nhân mỗi người. Cũng thế, thi ca không chỉ là một trò chơi với những từ ngữ và ngữ pháp đã có sẵn, trái lại, cấu tạo nên bản chất của ngôn ngữ, qua đó, cấu tạo nên cả mối quan hệ của một dân tộc với vận mệnh lịch sử của mình. Thi sĩ không tái tạo cái khả kiến, trái lại, làm cho nó trở nên khả kiến. Đó cũng là ý của Hölderlin khi nói về Oedipus, nhân vật thần thoại đã tự móc mắt mình: “Có lẽ đức vua Oedipus có thừa một con mắt!”. Như Heidegger nhận xét: có lẽ Hölderlin cũng có thừa một con mắt! Hölderlin là thi sĩ của thời đại khốn khó, khi thế giới cũ không còn mà thế giới mới chưa đến. Sự điên loạn của nhà thơ là kết quả của sự canh giữ cô đơn, của việc sáng tạo nên những sự thật mới mẻ, dù không mấy ai hay biết. Như thế, trong thời kỳ này, Heidegger đánh giá cao chất lượng tư tưởng trong thơ Hölderlin: thi sĩ thiết lập nên những nhu cầu thiết yếu và nghiêm trọng, với “sứ mệnh” khôi phục lại những gì đã suy tàn, gãy đổ của một thời vàng son quá khứ (như nền “nghệ thuật lớn” của “hệ hình Hy Lạp”)(12).

Heidegger viết những lời mạnh mẽ: “Công việc của chúng ta là mang lại quyền lực cho Hölderlin”. Nói cách khác, ở đây, thi sĩ và triết gia không còn phân biệt về sứ mệnh; họ chỉ khác nhau ở tính cách và phương tiện: một bên dùng lối ẩn dụ, ít nhiều tối tăm, một bên sử dụng khái niệm minh nhiên, sáng sủa. Hölderlin là quan trọng, nhưng chưa phải với tư cách là nghệ sĩ mà như là triết gia: “đứng trên đỉnh núi cao của thời đại, thấu hiểu quá khứ và dự phóng tương lai”. Ta dễ dàng liên tưởng đến thời kỳ đầu của Bùi Giáng Mưa Nguồn, của Bùi Giáng, Heidegger và tư tưởng hiện đại

Đời xiêu đổ nguồn xưa anh trở lại
Giữa hư vô em giữ nhé ngần này…


Sau một Nietzsche bơ vơ, “mất quê hương”, Heidegger muốn nhìn thấy nơi Hölderlin hình ảnh và lời kêu gọi của kẻ “quy hồi cố quận”, tìm lại được quê hương đã mất.

2. Thi sĩ - triết gia 

Vào thời kỳ muộn, qua việc giảng giải các tụng ca Như trong ngày Lễ hội  Hồi tưởng (Bùi Giáng: Lễ Hội Tháng Ba, Nxb. Văn hóa Sài Gòn 2008), Heidegger cho thấy một bước nhận thức sâu hơn về Hölderlin chung quanh bản chất và trách vụ của thi ca. Lần đầu tiên, Hölderlin đích thực xuất hiện “trên cơ bản là nhà thơ (wesentlich als ein Dichter/essentially as a poet) vì Heidegger thừa nhận rằng ông đã được Hölderlin “dạy dỗ” về bản chất của thi ca theo ngôn ngữ của cái BỐN (Trời, Đất, Con người và Thần linh).

- Tụng ca Như trong ngày Lễ hội (1800)(13) là mới mẻ, phong phú khi mô tả sự nghèo nàn tinh thần của thời đại mà Hölderlin gọi là sự thiếu vắng lễ hội. Trong Hồi tưởng(14), ta lắng nghe những nhớ tưởng của thi sĩ về “những giấc mộng vàng” (Bùi Giáng: “Giấc vàng long lanh”) trong những “lễ hội” đã qua. Lễ hội là gì? Là ra khỏi nhịp điệu nhàm chán thường ngày. Là ra khỏi vòng kìm tỏa của sự “hữu ích”, “hữu dụng” để sống đích thực là chính mình. Trong thời đại của khoa học - kỹ thuật - công nghệ, con người bị “đóng khung” (Gestell), khiến cho sự “ưu tư” (Sorge/Care) khó trở thành sự ưu tư đích thực. Thời hiện đại không thể có “lễ hội”, vì ta không còn từ ngữ, không còn ngôn ngữ để làm việc ấy nữa (Bùi Giáng: “Tôi bước qua từ ngữ rụng hai lần”). Đó là cảm thức sâu sắc rằng bản chất cao nhất của thi ca, của người “thi sĩ tương lai” như nói trước đây không thể đạt tới được nữa:

Đạp thanh hội cũ hào hoa
Giấc vàng buổi Tảo Mộ đà cáo chung

                                    (Bùi Giáng)

- Vậy phải làm gì khi “hệ hình Hy Lạp” của nền “nghệ thuật lớn” cổ đại là bất khả phục hồi, một đi không trở lại? Trong Xây Ở Suy Tư (1951), Heidegger cho rằng: ta không thể làm cho thần linh quay trở lại, mà chỉ còn có thể “chăm lo” (schonen) và “chờ đợi” sự lai đáo ấy. Trong Thi sĩ là gì trong thời khốn khó?, khi bình giảng về tụng ca Bánh và Rượu của Hölderlin, Heidegger thấy cần thiết phải tạo nên một “bầu khí” (Ether) thích hợp để đón đợi và làm chỗ cư lưu cho “thần linh”, bởi “chỉ còn có thần linh mới có thể cứu vớt chúng ta”. “Thần linh” ở đây không được hiểu như là sức mạnh siêu nhiên mà như là những kích thước mới cần được khám phá cho sự hiện hữu của con người. Sự đón đợi ấy là sự chuẩn bị ở trong tư thế lẫn sự chuyển hóa ở trong tâm thức. Heidegger viết: “Là thi sĩ trong thời đại khốn khó có nghĩa là:đón đợi, hát ca, dõi theo sự vẫy gọi của thần linh. Đó là lý do tại sao người thi sĩ trong đêm trường tối tăm của thế giới [Bùi Giáng: “thế dạ”] lại tỏ bày sự linh thánh. Đó là lý do tại sao, trong ngôn ngữ của Hölderlin, đêm trường của thế giới lại là đêm thánh thiêng”(15). Ta biết rằng, thời hiện đại được gọi là “đêm tối”. Ở thời kỳ đầu, Heidegger đọc Hölderlin qua hình ảnh một đêm trường đầy tối tăm, bế tắc (Siêu hình học nhập môn, tr. 46). Bây giờ, đi sâu hơn, hình ảnh mới lại là hình ảnh của “Tửu thần Dionysos ngao du ca hát trong đêm thánh”. Trên con đường Quy hồi cố quận, bây giờ Hölderlin lại trải nghiệm đêm tối như cái gì “thanh sạch”, “hân hoan”, hay, nói như ngôn ngữ Bùi Giáng, trong “hồn ca vũ địa”.

Tóm lại, khi thử đặt Bùi Giáng vào trong mối quan hệ mật thiết với Heidegger và Hölderlin, qua đó soi sáng phần nào hành trạng, suy tư và sáng tác của ông, ta thấy Bùi Giáng là một trường hợp khá đặc biệt, hiếm có: không chỉ tiếp thu nguồn thi ca, tư tưởng vốn xa lạ theo nghĩa thâm cảm, tri kỷ mà còn tự dấn mình thực hiện trọn vẹn như một biểu trưng: “Trút linh hồn dường như thể như thân”. “Biết ít, vui nhiều, ấy là tặng vật, cho người phù du”(16). Bùi Giáng không muốn ai bắt chước mình. Nhưng có lẽ ông muốn mình được đọc, được hiểu như một dấu hiệu của sự TỰ DO trong “thời khốn khó”. Quả thật, Bùi Giáng, “trên cơ bản, là một nhà thơ”.

B.V.N.S
(SH301/03-14)


---------------------------
(1) http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=337&rb=0102.

(2) Martin Heidegger: Erlauterungen zu Hölderlins Dichtung / Elucidations of Hölderlin’s Poetry/Minh giải Thi ca Hölderlin, bản tiếng Anh của Keith Hoeller, New York, 2000, tr. 13 và trong The Heidegger Controversy: A Critical Reader, ed. R. Wolin, Cambridge, Mass, 1993: “Tư tưởng của tôi ở trong mối quan hệ quyết định với thi ca của Hölderlin” (tr. 112).

(3) Martin Heidegger: Erlauterungen zu Hölderlins Dichtung, Gesamtausgabe, Band 4, Vittorio Klostermann, Frankfurt am Main, 1981.

(4) Martin Heidegger: Der Ursprung des Kunstwerkes, Reclam 1960, 2008 (BVNS dịch và chú giải, sắp xuất bản).

(5) Bùi Giáng: Lễ Hội Tháng Ba, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, tái bản 2008, tr. 7 và tiếp.

(6) Martin Heidegger: Hölderlin und das Wesen der Dichtung / Hölderlin và bản chất của thi ca, Toàn tập, Tập 4, tr. 47.

(7) F. Hölderlin: “Dichten: diss unschuldigste aller Geschaffte” (III, 77), Sđd. Tr. 31.

(8) “Darum ist der Guter Gefahrlichsten, die Sprache dem Menschen gegeben… damit er zeuge, was er sei…” (IV, 246), Sđd. Tr. 31.

(9) F. Hölderlin: “Was bleibt aber, stiften die Dichter” (IV, 63), Sđd. tr. 31.

(10) Chuồn chuồn, Châu chấu, Rừng Marylin, Biển Bardot, Ngành Novak, Đóa John Keats, Miền Hà Thanh, Ngành Mật niệm, Đóa U linh, Hồng lĩnh Hạc lâm, Quỳnh Lai Thị Xứ, Nghìn thu Cổ lục, Ngày Hy Nga, Đêm Bé Chị, Hoa trên Ngàn, Sóng Hồng Hoang, Thềm dục vọng… (xem thêm: Mai Thảo, Một vài kỷ niệm với Bùi Giáng, trong nhiều tuyển tập).

(11) “Voll Verdienst, doch dichterisch wohnet Der Mensch auf dieser Erde” (VI, 25) Sđd. tr. 31.

(12) Bùi Giáng: Hư vô và Vĩnh viễn (Mưa Nguồn): “Hồn hoa cỏ Phượng Thành Hy Lạp úa”.

(13) F. Hölderlin: “Wie wenn am Feiertage…”, trong M. Heidegger: Erlauterungen zu Hölderlins Dichtung/ Giảng giải Thơ Hölderlin, Toàn tập, Tập 4, tr. 49 và tiếp.

(14) F. Hölderlin: “Andenken”, nt, tr. 79 và tiếp.

(15) Thi sĩ để làm gì?/Wozu Dichter?/What are poets for? Bản tiếng Anh trong Poetry, Language, Thought, London 1975, tr. 94.

(16) F. Hölderlin: “Zu wissen wenig, aber der Freude viel, Ist Sterblichen gegeben…” (IV, 240)/To know little, but of joy much Is given to mortals. Heidegger dùng làm đề từ cho phần bình giảng về Tụng ca “Quy Hồi Cố quận/Gửi người thân thuộc” (Heimkunft/An die Verwandten) của Hölderlin. Sđd. tr. 13, Bùi Giáng: Lời Cố Quận, An Tiêm 1971, tr. 30. 
   
http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p4/c18/n14781/Triet-gia-va-thi-si.html

Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Nghệ thuật : nơi nguyên thủy chân lý phát sinh



Dịch từ Nghệ thuật Triết học của Vương Đức Phong
I.                   Tính linh : năng lực tối cao của tâm trí con người.
          Chúng ta đã thảo luận về chân lý nghệ thuật, tức là cần phải thảo luận tiếp cái chân lý tạo thành năng lực tâm trí của con người. Sự sáng tạo nghệ thuật, nói về tính chất căn bản thì mỗi con người có thể tùy lúc tiến hành việc hoạt động, nó là tâm trí của mỗi cá nhân cung cấp cái năng lực ấy. Thứ năng lực đó theo từ ngữ cổ đại của người xưa, thì đó là “tính linh”.
 Tính linh là năng lực tâm trí tối cao của con người, nó vượt ra ngoài năng lực logic;  tính linh cũng có thể nói là “sức tưởng tượng của nghệ thuật”. Chúng ta thường cho rằng, chỉ có lí tính mới  là năng lực tối cao của tâm trí con người, và sức tưởng tượng của nghệ thuật nằm trong giai tằng cảm tính thấp kém. Nhưng cách suy nghĩ đó không chính xác. Tính linh cố nhiên thuộc cảm tính, nhưng không phải vì thế mà thấp hơn lí tính. Đó là năng lực tạo ra hình ảnh, sức sáng tạo ấy là ở trong cảm tính, tức sáng tạo phải trải qua  phương diện tạo hình mới thông qua tính siêu việt tồn tại. Khi chúng ta thưởng ngoạn cái đẹp của thiên nhiên, tính linh mới phát huy tác dụng là vì trong nội tâm chúng ta đã ám tàng sự tạo hình. Nếu không có thứ năng lực ấy, chúng ta không sao lãnh hội được vẻ đẹp của thế giới thiên nhiên. Nếu  trong bụng chúng ta lúc nào cũng bòi bọt, phải chạy vạy lo miếng ăn, thì cảnh sắc thiên nhiên đối với chúng ta cũng không sao tồn tại được; vì tính linh của chúng ta bị cảnh sinh hoạt chèn ép, thì cảnh sắc dù có đẹp mấy cũng thành hư không.
Tính linh giúp con người dạt được thành tựu gì? – Thành tích nghệ thuật, tôn giáo, triết học đều có cơ sở từ tính linh. Dù chủ nghĩa học thuyết triết học là lí tính, nhưng cơ sở tôn trọng học thuyết ấy vẫn là tính linh. Tại sao vậy? Vì triết học chỉ dựa vào tính siêu việt tồn tại của cảm ngộ mới nắm được tài liệu và đối tượng chân chính của nó. Về phương diện khoa học chúng ta không thảo luận sự tồn tại của siêu việt tính, mà chỉ thảo luận lãnh vực đặc biệt cụ thể của sự vật cùng sự hỗ tương liên hệ. Chỉ có tại nghệ thuật, tôn giáo và triết học chúng ta mới tiếp xúc đến khát vọng tối cao của tâm linh con người, tức vượt bỏ sự hữu hạn để đạt đến vô hạn. Bình thường chúng ta không biết đến điểm này, nhưng đối với ý nghĩa của cuộc đời của chúng ta cũng như sự đánh giá về cuộc sống của mình, chúng ta đều phải xuyên qua điểm vô hạn. Tỉ dụ như làm sao bạn đánh giá được tình yêu? Tình yêu là sự kiện rất mâu thuẩn, bạn nghĩ về nó như thế nào? Chắc chắn là nó có hai phương diện: một phương diện nó là sự kiện của thế tục, tức là tình cảm quan hệ cụ thể giữa nam và nữ, trong đó mỗi bên đều hướng về một nguyện vọng và đối tượng khác nhau.
Do nguyện vọng và sự hướng về bên này bên kia mà thành ra mối liên hệ ràng buộc giữa hai đằng. Sự ràng buộc ấy là một thứ kinh nghiệm trong  thế giới tồn tại, nó có tính cụ thể, thế tục dễ trôi qua với biến đổi tiêu tan. Trong tinh thần văn hóa Trung quốc, điểu chính của ái tình có ý nghĩa thế tục, chứ không hề có tính  siêu việt thần thánh. Trước thời cận đại trong ngôn ngữ Hoa không có từ “ái tình”. Trong bộ tiểu thuyết lớn là “Hồng Lâu Mộng” không có từ ái tình, tuy nhiên chúng ta vẫn gọi mối liên hệ giữa Bảo – Đại là ái tình, và vai trò toàn bộ Hồng Lâu Mộng là “bi kịch ái tình”. Nhưng đó là cách nói của chúng ta, con người của đời nay, chứ tác giả của bộ sách không hề nghĩ đến là bộ tiểu thuyết ái tình.  Trong Hồng Lâu Mộng tác giả mượn cái miệng của tiên tử Kỉnh Ảo mà gọi nó là “ý dâm”; đưa nhân vật chính am hiểu tình ái là Giả Bảo Ngọc để nói rằng “đó là người dâm nhất trong thiên hạ cổ kim”. Dâm là từ rất tục,  nhưng dùng từ đó đủ làm sáng tỏ, mặc dù nó là “cơ phu lạm dâm” (sự dâm đảng thuộc về da thịt cơ thể); hiển nhiên vẫn là một vật thuộc thế tục. Nhưng  dân Trung quốc thực sự không muốn thừa nhận đó là sự vật của thế tục. Hồng Lâu Mộng tuy không đưa ra từ ái tình nhưng vẫn đề cao sự kiện đó; đề cao đến mức cực hư ảo. Ban đầu trên thượng giói kẻ hầu hạ là Thần Anh dùng nước cam lồ tưới bón cho cây Giáng Châu. Về sau Thần Anh được đầu thai xuống cõi trần, và Giáng Châu thì thành tiên nữ cứ bức rức không trả được ân nghĩa tưới bón ngày xưa nên cũng xin đầu thai xuống trần, sử dụng nước mắt để báo đáp lại cái ân vũ lộ xưa. Đó là cách giảng giải lai lịch tính siêu việt thế tục ái tình.
 Cho nên trong sự kiện ái tình chúng ta vẫn chìm trong thế tục mà vượt khỏi thế tục, Thực tế chỉ cần chúng ta phải chân thành với tình yêu, chúng phải tin tưởng rằng tình yêu là vĩnh hằng. là bất  hủ. Chúng  ta phải thừa nhận điểm cố hữu đó, nếu không thì chúng ta không thể nào đạt được hạnh phúc của con người  trong khung thế tục của động vật. Cũng vì vậy nên khi tình yêu bị thất bại, chúng ta phải đau khổ như thứ đau khổ cực thống thiết  của con người.
Phàm sự hoạt động của con người có ý nghĩa chân thực thì cuộc sống là hiện tượng có giá trị, tức là từ cõi thế tục trở thành siêu việt. Nếu phương diện siêu việt đó đánh mất thì chúng ta chỉ là một thứ động vật. Tính linh của con người chỉ đối chiếu với sự lãnh hội tính tồn tại siêu việt; hơn nữa sự lãnh hội là một thứ cần biểu hiện. nếu dùng khái niệm biểu hiện thì đó là triết học, còn sự biểu hiện dùng hình tượng của cảm tính tức là nghệ thuật. Trong triết học chúng ta triển khai sự nhận thức tự ngã, còn trong nghệ thuật chúng ta triển khai sự quán chiếu tự ngã (quán chiếu là từ của Phật, tức dùng trí tuệ xem xét sự lý thấu đáo).
Trong sự quán chiếu tự ngã chúng ta cấu tạo được hình tượng tự ngã của con người; trong cái hình tượng ấy lại bao hàm được bộ mặt của tính siêu việt. Trong tác phẩm nghệ thuật cấu tạo nên hình ảnh thế giới giúp chúng ta thấy rõ chân tướng và ý nghĩa của bản chất nhân sinh, khiến cho nghệ thuật thành khả năng của tính linh. Trong nghệ thuật chúng ta làm như vậy, trong triết học. tôn giáo chúng ta cũng làm như vậy. Thế giới hiện thực với thế giới chân thực là một khái niệm khác nhau.
II.- Nghệ thuật là chân lý nguyên thủy phát sinh – Vấn đề bản chất nghệ thuật đối vơi con người ngày nay mà nói rất khó khăn. Một khi nghĩ đến nghệ thuật là chúng ta nghĩ ngay đến thứ phi lí tính, nghĩ đến một thứ tình cảm, có cảm giác là nó không liên hệ gì đến chân lí. Nhưng thật ra nghệ thuật lại là nơi phát sinh chân lí nguyên thủy.
Bình thường chúng ta đều cho rằng,  con người suy tư phát hiện được chân lí là do  lí tính. Thế nhưng chính Marx lại bảo cho chúng ta biết rằng nguồn gốc của chân lý  là ở trong cuộc sống chúng ta. Trong tập bản thảo viết tay thời trẻ về triết học kinh tế năm 1844, Marx từng viết: trong sinh hoạt có một thứ cơ sở ngoài khoa học không có gì khác – đó là lời nói sai từ xưa tới nay; cảm tính mới là cơ sở của tất cả khoa học. Nói về sự sinh hoạt ở đây là chỉ  cho sinh hoạt cảm tính của con người, tự nhiên trong đó có bao hàm nghệ thuật.
Cơ sở lí tinh là sinh hoạt cảm tính của con người, nói theo ý nghĩa chân thực của mệnh đề ấy, nếu trong suy tư lí tính của con người phát sinh ra lời lẽ chân lý, thì thật ra đó là sự tìm lại được cái chân lí do cảm tính con người trong sự sinh hoạt đưa vào trong sự vật. Cho nên hình thức lí luận chân lí đó không phải là nguyên thủy. Vì vậy nên Heidegger nói: “ Khoa học quyết không phải là nguồn gôc phát sinh chân lí, khoa học chỉ là lãnh vực chân lí được mở rộng, trước sau nghệ thuật là một trong những phương thức căn bản được mở rộng.
Ngoài ra sinh hoạt cảm tính cũng là một thứ phong trào lịch sử, trong đó có liên quan đên sinh hoạt trọng đại của dân tộc, sự quyết định vận mệnh trọng đại của lịch sử. Nghệ thuật tham dự trong việc quyết định ấy, không phải chỉ là biểu hiện sự quyết đoán, mà nghệ thuật đối với việc tham dự quyết đoán có chân lý nguyên thủy phát sinh. Heidegger đối với vấn đề lịch sử nói rất rõ ràng, dù có vẻ cực đoan: nghệ thuật là xây dựng nền tảng lịch sử; nghệ thuật có ý nghĩa mang tính căn bản của lịch sử. Ông nêu ra sự kiện bi kịch của cổ Hi Lạp từng tham dự vào việc lựa chọn vận mệnh của dân tộc; vì nó dùng phương thức nghệ thuật bi kịch tham dự vào cuộc đấu tranh của dân chúng, cùng dùng sự đấu tranh làm quyết đoán. Ông nói: “Trong bi kịch không biểu diễn và khai triển cái gì mà là tiến hành sự đấu tranh phản kháng giữa thần mới và thần cũ. Do ngôn ngữ của tác phẩm sanh ra ngữ ngôn của dân chúng, bởi vì nó không hề bàn luận thứ chiến tranh ấy mà chì nói là dân chúng đổi thay; khiến cho từ ngữ mang bản chất tính của một thứ đấu tranh quyết đoán. Thần thánh là gì, phàm tục là gì? Cái gì là vĩ đại, cái gì là nhỏ nhen? Dũng cảm là gì, nhu nhược là gì? Cái gì là cao quí, cái gì là thô tục? Chủ nhân là gì, nô lệ là gì?
Dĩ nhiên tác giả và diễn viên của bi kịch không phải là kẻ chiến đấu trên quảng trường của một thành phố, thực tế người chiến đấu là dân chúng. Nhưng trong chiến đâu chưa chắc là có chân lí; khả năng đấu tranh hoàn toàn là đui mù, ý nghĩa tự thân của nó chưa hề được giảng giải. Do sự gia nhập của nghệ thuật, con người thể nghiệm được vận mệnh mới gia nhập đấu tranh.  Ở đây đề ra những sự việc trong bi kịch, tức là gia nhập vào văn học, cũng tức là thể nghiệm đối với ngôn ngữ vận mệnh mà gia nhập vào đấu tranh. Ngôn ngữ văn học cố nhiên là sinh ra từ  ngôn ngử của dân chúng; nhưng mối quan hệ của nó đối với ngôn ngữ dân chúng không phải là quan hệ biểu hiện, khái quát, trau luyện. Ngữ ngôn của dân chúng là ngữ ngôn của đấu tranh. Ngữ ngôn văn học trong bi kịch giống với ngữ ngôn đấu tranh, ngữ ngôn đấu tranh là biến đổi từ ngôn ngữ kịch; từ đó khiến cho sự đấu tranh thành đấu tranh tự giác. Đấu tranh tự giác là sự lãnh hội và thể nghiệm vận mệnh , cùng tại cơ sở đó mà mà thành ra có quyết định. Cho nên Heidegger nói:  Người xưa  chính là tuân theo những ngôn ngữ trong tác phẩm bi kịch, mỗi từ ngữ đều mang bản chất của sự việc đấu tranh mà đưa ra quyết định. Từ ngữ đưa ra quyết định tức là nghệ thuật tạo ra quyết   định. Trong sự quyết định của nghệ thuật phát sinh chân lý ngyên thủy.
Ngày nay chúng ta không còn tưởng tượng đến sự vật của nghệ thuật nữa; chỉ biết nghệ thuật đem lại cho chúng ta sự khóai thích, vật khiến cho chúng ta cảm thấy nhàn  hạ, không sao tưởng tượng nổi là nó tham dự vào quyết đoán lịch sử; mặc dù chính xác là nghệ thuật trực tiếp tham dự. Người xưa chính là tuân theo những chân lý ấy, vốn là từ nguyên thủy nghệ thuật phát sinh, đối với sự phát sinh ấy  chúng ta không chịu khó truy tầm. Kì thực khi có một thời đại mới hiện ra, thì người ta phát hiện cái tối sơ hiển hiện ra tinh thần tân thời đại và nguyên tắc của nó chính là nghệ thuật. Nghệ thuật dùng cái thực tiển phát hiện của nó là tinh thần mới và nguyên tắc mới.
Đạo lí ấy mà giảng giải ra là phạm vi to lớn của dân tộc, của con người, mà có lẽ con người chúng ta  không thể nào cảm được một cách chân thiết. Mỗi cá nhân con người chúng ta đều mang một vận mệnh, và vận mệnh là một thứ tồn tại siêu việt, không giống như cảm tính sự vật bình thường hằng ngày, chúng ta có thể trực tiếp cảm tri được. Chúng ta kể như là một cá nhân, thì vào lúc nào biết  được phải xử sự với vận mệnh ra làm sao? Chỉ khi bị đau khổ chúng ta mới biết đến vận mệnh. Thống khổ phát sinh tất không thể không đấu tranh; chúng ta xác thực cần tiến hành một thứ nỗ lực, đó là sự đấu tranh. Thống khổ là một thứ thể nghiệm tình cảm sâu sắc, nó khiến chúng ta phải chụp bắt lấy tâm linh của mình, bắt buộc phải đưa ra một quyết đoán. Thật ra, không có một thứ lí luận có thể giúp chúng ta giải quyết được sự thống khổ cùng quyết đoán điểm bước ngoặc quan trọng của đạo lộ nhân sinh. Thực tế chỉ có thể giải quyết bằng con đường nghệ thuật biểu hiện những bức xúc rắc rối mới giúp chúng ta lãnh hội được tính chất chân thực của sự thống khổ, thông qua hiện tượng đó mới nhận thức được vận mệnh, mà nhận thức vận mệnh là nhận thức bằng cảm tính trình hiện trong tác phẩm.
III.-  Có hai thú định nghĩa về Mỹ.- Đi sâu vào việc thảo luận bản chất nghệ thuật, tất phải đạt đến một thứ yêu cầu, tức nêu rõ giới hạn của truyền thống mỹ học và tính triết học nghệ thuật.Thế nhưng cái khó khăn cơ bản của truyền thống mỹ học là phân ra chân lý và mỹ học. Qui định hình thức của tác phẩm là Mỹ, còn chân lý của tác phẩm là nội dung chứ không phải là hình thức. Từ xa xưa, mỹ học đã từng cố gắng luận bàn về sự thống nhất giữa Mỹ và Chân. Nhưng trong mỹ học làm sao thống nhất được hai sự kiện ấy. Có thể giải đáp khái quát bằng một câu như sau: Chân chính nghệ thuật là sự biểu đạt hình thức nội dung của chân lý là mỹ. Cái gọi là họa phẩm chân lý, tức nội dung tác phẩm, là sự phản ảnh chính xác sự kiện hiện thực. Thế nhưng trong sự thống nhất ấy, mỹ và chân vẫn phân chia ra, vì chúng ta tuyệt đối không thừa nhận trong hình thức tác phẩm có chân lí, hay có chân lí phát sinh.
Chúng ta hảy đưa ra một sự việc làm thí dụ để thảo luận . Rõ ràng chúng ta không có cách gì để nói rằng họa phẩm đôi giày của Van Goch vẽ bằng sơn dấu trình hiện được cái giá trị mỹ học truyền thống của Tây phương. Như xem đến một phép tắc hòa hài, tất biết tôn trọng và từ đó tiếp thu được sự thích thú và khoái trá. Đến bây giờ mọi người đều thừa nhận bức tranh đôi giày người nông phụ của Van Goch là đẹp, nhưng nó đẹp ở chỗ nào? Tất nhiên không phải là bản thân hình thức của họa phẩm, cũng không phải xác định là do hình thức của cảm tính. Mà như Heidegger nói : Mỹ là vì tính tồn tại trong sự tồn tại – là sự trong sáng biểu hiện ra. Ông cũng định nghĩa về mỹ là “ cách thức làm cho chân lý phô bày ra”.
Trong khi đó Hegel lại định nghĩa: “ Mỹ là cảm tính của lí niệm hiển hiện”. Định nghĩa ấy mới xem qua so với định nghĩa của Heidegger không có gì khác biệt. Nhưng thật ra hai định nghĩa về căn bản rất khác nhau. Thứ I, chân lý của Hegel là lý niệm, còn của Heidegger  là “tồn tại của tồn tại không che đậy”. Lí niệm với không che đậy khác nhau. Lí niệm là pháp tướng của sự tồn tại; còn không che đậy là tồn tại của tồn tại được phô bày ra. Điểm quan trọng của nó ở đây là chân lí của sự tồn tại và chân lí tồn tại”. Nhưng chân lí của sự tồn tại là cái gì? Như đôi giày của Van Goch, bản tính đó là dụng cụ, chân lý là cái đó. Tại sao lại gọi là “chân lí tồn tại của sự tồn tại? Kì thực đôi gìày của Van Goch không phải để nói với chúng ta nó là cái gì; mà  phần lớn chỉ ra tính lao động của người nông phụ, tức là nhắm vào trong cái đặc tính đáng tin đó. Cái đặc tính đáng tin đó không phải là tính dụng cụ của đôi giày người nông phụ, mà liên quan đến sự sinh tồn của người nông phụ; và đó là cái tồn tại của sự tồn tại của đôi giày. Heidegger đã mô tả  cái thế giới của đôi giày mà Van Goch đã cung cấp cho chúng ta.
Từ cái điểm đen ngòm rách lủng bên trong của đôi giày như là nơi tụ hội những bước chân lao động đắng cay. Cái mũi giày cứng rắn, cái khu kín đáo há miệng, tích tụ nỗi lạnh lẽo trên cái đỉnh cao trơ trọi hay trên bước đi của bờ ruộng cheo  leo. Trên đôi giày dính các vết đất bùn. Vào những buổi chiều.đôi giày dã từng lủi thủi cất bước một mình trên cánh đồng hoang vu. Trong đôi giày đó không hề có một vảy gọi, rõ ràng là nó thuộc làu các hang hốc vắng lặng, biểu trưng các miền hoang vu trong thời tiết đông lạnh u ám. Cái công cụ ấy thấm đượm biết bao nỗi ưu tư, cùng với sự chiến thắng cảnh nghèo khốn vui vẻ không lời, ẩn chứa nỗi đau đớn run sợ trong thời sinh đẻ cận kề giây phút chết chóc.  
Dụng cụ ấy phần lớn thuộc vào thế giới nông phụ phải bảo tồn. Van Goch vẽ tất cả không phải là đôi giày nhà nông, mà là sự tồn tại của đôi giày nông gia, do sự tồn tại của đôi giày lóe sáng lên, vì thế mà họa phẩm thành ra đẹp.  Van Goch vẽ đẹp không phải do họa phẩm không đẹp mà là do tính đặc trưng của đôi giày nông phụ. Nó cũng không khai triển cái chân lý tồn tại mà là triển hiện sự ngưng tụ cái thế giới sinh tồn của đôi giày nông phụ.Vì vậy nên Heidegger mới lí giải cái chân lí khác với sự lí giải của Hegel.
Điểm thứ 2- Nếu nói rằng lí niệm là chân lí, thì dĩ nhiên chân lí liên quan đến tồn tại; như thế mỹ là trình hiện chân lí của hình thức cảm tính. Cho nên mới nói rằng cảm tính trình hiện. Như thế mỹ chỉ là đầu mối hiển hiện ở cảm tính chứ không phải nằm trong bản thân của lí niệm. Bản thân lí niệm không có cái gọi là mỹ hay bất mỹ. Còn trong định nghĩa của Heidegger mỹ là cách thức hiện thân của tự thân chân lí, mỹ tức nằm trong chân lí. Mỹ tự động phát sinh và thuộc về chân lí. Nó tự thuộc vào hiện tượng phát sinh nhưng không phải là phát sinh ở bên ngoài. Khi mà chân lí tự động phát sinh thì nó khiến chúng ta cảm động, cũng tức là chân lí nguyên thủy gây cho tình cảm xúc dộng là biết ngay. Cho nên Heidegger mới nói rằng: chân lí phát sinh xuyên qua sự sáng tạo thi ý. Mỹ và chân lí không phải cùng song song hình thành, mà  chân lí là tự thiết lập.
                                                                                             Khổng Đức dịch         
                                                                                                     4-2014

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

TRỞ VỀ VỚI KIỀU TRONG TƯ THẾ HỒN NHIÊN



     ’Nhật mộ hương quan cộng nhất sầu’*

     Khi tôi bừng thức dậy, ám ảnh mọi thứ giữa đời như ấn tượng xô đẩy ngả nghiêng, trộn lẫn vào nhau -quand je me suis réveillé, j’ai eu l’impression d’avoir tout mélangé- ’Tôi’ ở đây là tôi của nàng Kiều, một cái tôi chung, một chỉ định từ  mỗi khi đã ’hoàn hồn’ thức tỉnh (to awaken), đó là tâm lý nội tại, một bất chợt đơn thuần nhưng trong cái tư thế đó chính là cái chao đảo, rối loạn tâm tư, chính những trạng thái đó âm hưởng phần nào tương quan tâm trạng của Thúy Kiều từ khi mới lớn cho đến khi bước vào đời; với đầy đủ mộng mơ của một cõi đi về hạnh phúc, nhưng cõi mộng trở về không có thực, để rồi chấp nhận thương đau, dấn thân, nhập thế, con đường trước mặt Kiều là cả một đánh đổi thương mong ’compassiononate’. Không riêng Kiều mà tư thế hồn nhiên như đã an bài cho mỗi chúng ta. Cho nên, trong cuộc đời thực trạng làm người đều nằm trong qui trình của thời gian và chính lẽ đó mà hồn nhiên không thấy thời gian. Tuổi trẻ không thấy mình là thời gian. Kiều cũng thế; để rồi thương vay khóc mướn. Không riêng Kiều; ’Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu’. Âu cũng là lẽ thường.  
Cuộc đời và thời gian bắt đầu từ đây. Thức dậy -réveil/awakening- để nhận ra thời gian, vì thời gian là cơ sở, là yếu tố hủy diệt. Thời gian là cuộc đời.Quan Viên Ngoại và Kiều là đối tượng của thời gian, hai cái nhìn khác biệt nhau nhưng tựu chung là một. Kiều rơi lệ với cha là một cái giá đánh đổi, Kiều biết đau xót nhưng không thể ngăn được. Trong La vie En Fleur  của Anatole France, có đoạn viết: ’Cuộc đời con người hoàn toàn đau đớn và không khi nào dứt được những mối thương đau…’ cho nên trong thương đau cũng có cái sung sướng của đau thương; trong hạt lệ vẫn có vinh quang của hạt lệ.
Đau thương là ý nghĩa cuộc đời, một hiện thể của con người. Cuộc đời đang sống là đấu tranh với hạnh phúc, do đó con người phải biết chấp nhận đau thương để trả cái giá hạnh phúc. Kiều là nạn nhân của sự chọn lựa bi thương và hạnh phúc. Cái sự cớ đó đưa tới nước mắt, nước mắt nằm trong cõi vô thức của Kiều; khóc cho cuộc đời, khóc cho chính mình, hạt lệ đó chính là thân phận con người, trong đó thân phận con người mà Kiều đang thủ giữ là cái khóc âm thầm và trầm thống :
                                              ’Khóc than khôn xiết sự tình’
                              ...’Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm’
Khóc thầm của Kiều là nước mắt khô không lệ. Đó là tiếng khóc mà Thượng đế an bài trong chúng ta. Với tư thế hồn nhiên; Kiều đánh mất hiện hữu, nhất là hiện hữu đó lại là một hiện hữu của tâm trạng, không còn là tính cách vật lý nghĩa là không phụ thuộc vào sự chuyển vần của ngoại tại nhưng vẫn ý thức sâu xa hiện hữu tính của mình. Thành thử qua sự chuyển vần ngoại tại và ý thức hiện hữu, đấy là thời gian hiện sinh của Thúy Kiều. Cho nên chi ’kiếp người’ là cả biến động với thời gian; đổi thay theo tâm trạng, đổi thay theo nhịp đời. Bởi trong tư thế hồn nhiên con người không thể biết mình biến dịch và Kiều cũng ở trong biến dịch hồn nhiên đó:
                                                ’Sen tàn, cúc lại nở hoa
                                      Sầu dài, ngày ngắn, đông đà sang xuân’
Đấy là sự bắt gặp giữa hiện hữu và vô tri (inconnu/unknown) qua thời gian, ’trở về’ của tư thế vô tư có nghĩa là không biết chi cả, Kiều đang ở trạng thái của sự trở về ’rever’ với cõi mộng mà mộng của Kiều là mộng ảo!
                                              ’Tiếng sen sẽ động giấc hòe
                                    Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng’
Điều ấy cho chúng ta thấy được tâm lý nội tại ở Kiều, một tâm lý hiện-sinh-hữu-thức đưa đến vô-thức-trung-hòa của mộng. Chính cái sự lý phủ phàng nầy Nguyễn tiên sinh đã nhấn mạnh rõ ràng như một qui trình thời gian và con người:
                                                ’Trăm năm trong cõi người ta’
Lời thơ mở đầu như nhắc nhở; trăm năm là thời gian, cõi người ta là hiện thể, hai yếu tố nầy trở nên qui luật mà con người phải nhận lấy khi mở mắt chào đời cho đến khi nằm xuống. Thời gian là nhân chứng của con người, thời gian đi mà con người không đi, con người chết mà thời gian không chết, đó là hiện tượng dung thông mà chỉ thốt lên lời ai oán để nhận lấy.Thốt nhưng không Than, vì than là mất tính hiện hữu. Thốt hay than là một. Không! Nói như thế là không có thời gian hiện hữu, thời gian xã hội và thời gian con người. Thốt là ngậm đắng như Nietzsche đã nói trong Zarathustra: -Thốt để được trở về và Kiều muốn trở về trong tư thế hồn nhiên đó!
                                                 Đau đớn thay phận đàn bà
                                           Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung’
Giữa hoàn cảnh đó; ngoài thời gian hiện sinh, bao hàm hiện hữu tính của con người. Nguyễn Du đưa vào trong Đoạn Trường Tân Thanh một thời gian Vô-Tri /Unconscious đẩy Kiều vào ’nhập thế’. Kiều đã sống 3 nhịp đời khác nhau với đời. Mà giòng đời đi qua trong Kiều là hình thể của vô-tri-tính nằm trong hiện-hữu-tính của thời gian. Vậy ’trở về với Kiều trong tư thế hồn nhiên’ là một lý tính giữa vô-tri và hiện-hữu, cả hai được qui về cùng một thể. Cho nên tâm lý sự thể và vật lý sự vật đã tạo nên một trạng thái khác không kém phần quan trọng; ấy là sự chán chường, buông xuôi, chấp nhận như chuộc tội, biết rằng đó là một hiện hữu phi lý. Nhưng thật ra; nhìn vào tâm thức con người, sự bi đát đó không phải một hai là thời gian mà chính là thân-phận-làm-người, ngoại vi của cuộc đời Nguyễn Du cũng là thân phận, người đã nhận lãnh như an bài, đau đớn chấp nhận để trở về với mộng ban đầu nơi ngọn Hồng Lĩnh với dòng sông Lam, mơ về thú điền giả... Đó là tâm hồn của con người đang hướng ngoại để tìm nơi trú ẩn, một ý tưởng vượt thoát của Kiều, vượt thoát ra khỏi quá khứ của Kim Trọng và Thúy Vân, vượt thoát những vướng mắc đưa đẩy rồi đẩy đưa Kiều vào hoàn cảnh chán chường, buông thả, một hợp thể của đoạn trường . Thật vậy; nhân gian cũng thường nói ’đoạn trường ai có qua cầu mới hay’ đó là nỗi bi thống của Kiều nằm trong vực thẳm của Nguyễn Du, có thể là sự cớ che lấp bản ngã của mình(?). Tất cả trở về trong tư thế hồn nhiên, một hành động che lấp để được bình yên; dù rằng Kiều đang đối diện với sự thế, lấy cái vô tư để khấp lỏa ’nghĩ thân mà lại ngậm ngùi cho thân’. Một lối dự phóng thời gian của Thúy Kiều, nảy sinh từ sự chán chường của hiện hữu phi lý, điều mà đời kết nạp cho Kiều, giờ đây chỉ còn là tiếng đồng vọng như lời ai óan, như đoạn trường, dự phóng nầy là biểu lộ một nỗi niềm sợ hãi về đời người về cuộc sống, về thời gian hiện sinh, về thời gian tâm lý mà bản thân Kiều cũng như Nguyễn tiên sinh phải chịu nhận để sống còn, chính nhờ vào tư tưởng thâm hậu đó Kiều mới hiện hữu tồn lưu (existence) tác động từ vô thức ngoại giới như một hiện tượng lướt qua trong đời :
                                                         ’Mai sau dù có bao giờ’
Đó là hoài vọng của những con người rơi vào tuyệt vọng, thất chí để chờ xem ‘thời gian’ và ‘trở về’ làm được gì với tư thế hồn nhiên :
                                                 ‘Đốt lò hương ấy so tơ phím này’
Từ tất cả bi thương mà Kiều nhận lãnh là ý thức bất mãn, chán chường không chịu được những giới hạn của phút giây đang hiện có và phút sống hiện tại. Baudelaire cũng chua xót kêu lên trong Spleen de Paris : ‘Any where out of the world’ bất cứ ở đâu của thế giới loài người đều chua xót, chứa đựng một khí hậu xấu xa -il fait mauvais- một sự phẩn nộ trong người.  Chính là lúc Kiều muốn sống ngoài cuộc đời này, ra khỏi thế giới của người đời như Baudelaire ; vì nhận rõ sự bất tương, bất đồng của giòng thời gian trôi chảy, cái sự lý đó là chấp nhận hiện hữu sống để được sống còn (survival/survivre) dù là thảm họa sẽ xẩy đến.
Qui nạp những tình huống như thế cho nên Kiều luôn luôn mơ về, dù mơ về với mộng ảo, muốn vượt qua tất cả mọi thực tại, mọi biến cố cũng như những trung gian đưa đẩy Kiều, ngay cả cửa Phật cũng đem lại khổ sở cho con người trong hiện hữu. Một hiện hữu tha hóa, một xã hội tha hóa, một chế độ phong kiến hủ hóa. Kiều hay Nguyễn Du đều là nhân vật sống thực, một kiểu thức ‘existential’ để rồi quay về với tư thế hồn nhiên. Cho nên con người ở thời điểm đó chỉ biết ‘ngậm đắng’ :
                                                    ‘Đau đòi đoạn, ngất đòi hồi
                                                 Tỉnh ra lại khóc, khóc rồi lại mê’
Nhưng phải nhận ngay rằng, những giai đoạn đời đẩy Kiều vào hầu hạ, đẩy Kiều vào ‘lầu son gác tiá’, đẩy Kiều đi tới cái chết, đó là ý thức sống dậy réveil/awakening để đưa Kiều về với thực tại của thời gian , tức giá trị hiện hữu hoàn cảnh. Cái cơ bản đó là cơ bản của vọng lai để chờ đợi giải thoát. Muốn được giải thoát Kiều phải có một tư thế sống hồn nhiên để được thương mong, đó là tâm lý nội tại. Nguyễn Du dàn dựng như thế là hợp lẽ với đời. Vì sao ? Thưa rằng nhân vật Kiều là kẻ bi-hùng-tráng nhưng đành sống trong yếm thế. Xem lại thời gian sống của Kiều : 15 năm lưu lạc là một tại thế của sự thất bại hoàn toàn. Kiều bị ‘quẳng’ vào đời, ném xuống hố tuyệt vọng, đứng ‘chịu đòn’ với đời, hứng chịu ‘bề hội đồng’ ở lầu son, phỉnh phờ, lường gạt. Tất cả Kiều nhận tất không một mảy may ; nhận trong chua xót, trong bi thiết, trong bao nhiêu đớn đau của đời người. Thúy Kiều hóa thân từ Chánh Huệ để nhập vào Tà Huệ. Đó là thảm kịch đời ! Có nên đẩy Kiều vào một góc tường nào đó nữa không ? Hay phải đợi ba trăm năm sau rồi khóc. Trể ! nên khóc bây giờ trước khi chết, đừng khóc khi đã chết ; đó là ý tứ của Tiên Điền nhắn gởi.
Giữa hai hoàn cảnh khách thể và chủ thể họ sẽ xử lý như thế nào ? Cả hai thứ nầy đều sống thừa dù xã hội hôm qua hay hôm nay. Cho nên chi hủy diệt con người khách thể, hủy diệt con người chủ thể là cứu con người bản thể tức cứu Kiều ra khỏi những háo hức, vụ lợi vô ý thức. Nguyễn Du đứng trước một không gian đối tượng của vọng lai để làm sao cho Kiều sống như trở về tư thế hồn nhiên. Nỗi đau ấy phát tiết như sau :
                                                       ‘Thân sao thân đến thế nầy
                                                 Còn ngày nào cũng dư ngày ấy thôi’

                                                                            
Đấy là luận chứng luân lý về thời gian và con người, hai vị trí nầy là tâm trạng khắc khỏi của bi thương, một ‘đoạn trường cho hết kiếp nầy mới thôi’. Vũ trụ con người chính là thời gian nội giới, sự chuyển vần của giòng tâm thức để đưa con người đến toàn diện hơn. Kiều là kẻ đứng trước tâm thức đó, đối đầu với thời gian xã hội, mà thời gian xã hội chính là thảm kịch. Trong sự phối hợp giữa mình cùng ngoại giới, con người phải tuân theo như mệnh lệnh của luật chuyển di hay hủy diệt, điều đó như phát sinh ra cái gọi là ‘tài mệnh tương đố’ để trở thành hình thể của nhân sinh quan. Từ nhận định khái quát, về sự phối hợp tất nhiên giữa ngoại tại và nội tâm để tạo nên một thể thời gian qui định của đời, cái đó thuộc thời gian của con người và thời gian xã hội, hai sứ mạng nầy liên kết với nhau để tạo nên một vũ trụ riêng mình. Bao nhiêu biến động trong đời Kiều là số phận, một số phận riêng tư nhưng đồng thời bao hàm thân phận đàn bà phải trải qua những cuộc bể dâu là biện chứng từ ngàn xưa của nhân loại. Trong Kinh Thi cũng nhắc đến ; ‘cổ lai tài mệnh lưỡng tương phương’ Thúy Kiều là nạn nhân bi đát của thời đại, Kiều là đại diện sự thật của thời gian, thời gian của số phận được vận chuyển vào trong ‘Đoạn Trường Tân Thanh’ bằng một giòng thời gian như nhiên của vũ trụ ; bao gồm vũ trụ con người, vũ trụ thời gian và vũ trụ xã hội đó là một liên trình của 3 thể luân hoàn : khách thể, chủ thể và siêu thể. Đối với Kiều ; ‘mai sau dù có bao giờ’, dù hoạn nạn hay bi thương, vinh hay nhục vẫn son sắc với đời, vẫn trở về trong tư thế hồn nhiên để giữ được cái thế an nhiên tự tại :
                                                    ‘Bắt phong trần, phải phong trần
                                               Cho thanh cao, mới được phần thanh cao’
Đó là lời cuối trong đại thi phẩm vĩ đại của Nguyễn Du. Một đại thi hào Việt Nam và cả thế giới. Cốt tủy của truyện thơ là nói lên triết thuyết nhân sinh. Nói lên tính nhân bản, có lẽ cho tới ngày nay người ta vẫn còn suy ngẫm về chân lý đó. Cho nên lý luận Kiều tức nói được nỗi lòng của Nguyễn Tiên Điền, người đã gởi xác và hồn vào trong một tinh anh sáng ngời đó cho muôn thế. Không có hạt lệ nào bi thương hơn Đoạn Trường Tân Thanh và cũng không có tiếng thơ nào bi thiết và trầm thống như Kiều. Nó vẫn mãi mãi là giòng thơ đương đại và thời thượng. Hơn hai trăm năm qua chưa có một thi văn nào nhỏ xuống những dòng huyết lệ như thế. Thiết nghĩ ngày nay có tâm trạng đó chăng cũng chỉ là ‘mua vui cũng được một vài trống canh’ chỉ là chiếu lệ cho vui với đời thôi mà ! Làm sao có được một nhân vật thi bá như vậy. Có ! nhưng có của lớp phường chèo mượn tiếng mua danh. Rõ khốn !   

VÕ CÔNG LIÊM (ca.ab Family-day 2/2012)

* ‘Bóng xế quê hương một nỗi lòng’ Hán Dương văn diễn-Bắc Hành Tạp Lục. Nguyễn Du.
** Tranh vẽ : Cái Đầu. Khổ : 12’X 16’ trên giấy cứng. Acrylics+Oilstick+India ink+Mixed. vcl 2009.
SÁCH ĐỌC :
-  Truyện Thúy Kiều. Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim. NXB Đại Nam. Không ghi ngày tháng năm phát hành. Hiệu Khảo : Trần Trọng Kim : Hà-nội, Năm Ất Sửu 1925.