Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

THƯ MỜI

Tham dư buổi giao lưu và giới thiệu
cuốn sách mới nhất của nhà văn Nguyên Minh:

MÀU TÍM HOA MUA





Dời lại sáng chủ nhật 04/5/2014

Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

Nhà thơ Viêm Tịnh - Sài Gòn và Cafe Sống Chậm

Nguyễn Miên Thảo - Viêm Tịnh (từ Huế vào) - Từ Hoài Tấn - Nguyễn văn Trai




Buổi sáng ở Cafe Sống Chậm của nhà thơ Lynh Bacardi
Nhưng nhà thơ đi đâu mất
(Cafe đã giảm giá : 15 ngàn/ly - Mời quý vị ủng hộ)

Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

QUÊ NHÀ - Thơ NGUYỄN MIÊN THẢO


Ta ngồi đây với nỗi nhớ quê nhà

không biết được ngày mai còn về kịp
chôn tấm thân trong lòng đất mẹ
những buổi chiều nghe biển hát cùng ta


Nhớ vô cùng con đường đất quê xa
cây cầu Bến Đò chia hai nỗi nhớ
cái thuở tan trường ngày hai buổi
lẻo đẻo theo em về đến tận sân nhà

 
Cái tuổi mười lăm sao buồn quá đỗi

gã thất tình chưa biết làm thơ
em đã giết anh trong đôi mắt
đôi mắt thơ ngây chưa có bến bờ
 

Nhớ vô cùng khu vườn thơ ấu
những hàng cau trăng thắp sáng đêm rằm
những bụi chuối sau hè cây mãng cầu trước ngõ
điều tưởng bình thường giờ cũng hóa xa xăm

 
Ôi nhớ lắm ngôi nhà xưa ta ở
nhớ từng bụi bông con chó con mèo
hơn nửa đời người làm thân du mục
tuổi thơ mình ,ta vẫn mãi mang theo
 

Quê hương ta là da là thịt
bao nỗi đau thương bom đạn chia lìa
những ngọn cỏ cũng biết giữ mình trong sạch
giữa bao điều giả trá điêu ngoa
 

Tiếng chuông chùa chiều hôm vọng mãi
trong hồn ta từ buổi chào đời
đã rửa sạch bao điêu tăm tối
xua tan dần mấy cuộc phong ba
 

Cái thuở đình làng biến thành hợp tác
nay vẫn uy nghi đứng giữ đất làng
nét cổ kính vẫn giữ nguyên nguồn cội
kẻ vong thân nào không đất tổ quê cha
 

Ta vẫn hẹn một ngày về quê cũ
chôn tấm thân trong lòng đất sinh thành
sóng biển rì rào ru ta tròn giấc ngủ
sưởi ấm hồn lạnh giá ánh trăng thanh
 

Giờ ta còn lưu lạc phương xa
nhớ về cố hương với nỗi đau thắt ruột
nếu rũi ngày mai ta không về kịp
hãy cho ta làm bụi đất quê nhà .


Nguyễn Miên Thảo

Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

TẠM BIỆT HUẾ

18 tháng 4 năm 2014
uống cà phê chiều bên Sông Hương
tạm biệt
một tuần nhiều chuyện để nhớ

7 giờ 30 đêm cầu Trường Tiền rực rỡ
lên xe buýt 8 giờ tối
tạm biệt Huế
Festival 2014
chuyến bay 21 giờ 45
11 giờ đêm Sài Gòn phía dưới
trở lại Sài Gòn


Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

Tập thơ "Phục sinh, tôi & em" của Từ Hoài Tấn


(NetCodo) Chiều 14/4, tại trụ sở Tạp chí, số 9 Phạm Hồng Thái, thành phố Huế, Tạp chí Sông Hương tổ chức buổi giới thiệu tập thơ “Phục hưng tôi & em” của nhà thơ Từ Hoài Tấn.

Đông đảo văn nghệ sĩ TT- Huế, bạn bè thân hữu và những người yêu thơ đã có mặt chia sẻ niềm vui này với nhà thơ Từ Hoài Tấn nhân dịp ông về thăm Huế, vui với Festival Huế và giới thiệu thơ.

Đông đảo văn nghệ sĩ, bạn bè thân hữu và những người yêu thơ đã đến tham dự buổi giới thiệu thơ
Tập thơ “Phục sinh, tôi & em” có thể nói là sự luyến tiếc dĩ vãng và lưu giữ một chặng thăng hoa đời thơ Từ Hoài Tấn như ông từng chia sẻ "một giai đoạn sung sức nhất của tuổi trẻ- những năm hai mươi của cuộc đời.”. Nhà thơ tâm sự: “Đây là tuyển tập thơ của thời kỳ 1967-1974, được chọn lọc lại từ 3 tập thơ chép tay còn giữ lại được qua bao nhiêu đổi thay của thời cuộc”. Tập thơ có 99 bài thơ, chia làm ba phần: Bão vọng, Hãy lay tình thức dậy và Ngợi ca mây trắng.

Tập thơ “Phục sinh, tôi & em” ...
Buổi giới thiệu diễn ra trong không khí ấm cúng, thân mật. Nhà thơ Võ Quê đánh giá cao Tạp chí sông Hương đã có nhiều nỗ lực xây nên ngôi nhà để các văn nghệ sĩ có nơi chốn "về lại trong tranh ảnh, âm nhạc, thơ ca...với cái tình rất tình".
Các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu: Nguyễn Miên Thảo,Viêm Tịnh, Phạm Tấn Hầu, Võ Quê, Trần Đình Sơn, Huỳnh Ngọc Thương, Bảo Cường ... đã chia sẻ những cảm nhận về tập thơ, những kỷ niệm một thời cùng Từ Hoài Tấn và đọc thơ, ngâm thơ của ông.

và tác giả: nhà thơ Từ Hoài Tấn
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn dí dỏm, tinh tế, đùa vui "ít nói, nhưng đúng với cái tên của anh, cứ từ từ mà tấn tới", còn nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Tổng Biên tập Tạp chí sông Hương thì nhấn mạnh: "Phục hưng, tôi & em, cũng có nghĩa phục hưng lại những năm tháng thanh xuân, phục hưng lại những trang bản thảo của thời kỳ sung sức trẻ trung nhất của đời người, phục hoài lại khoảng thời gian sôi nổi của thi đoàn khoảng năm 1967- 1974, một phân khúc đời người mà từ đó về sau, đã mở lối cho thi nhân bước những bước gan góc và mãnh liệt đến miền thi ca. Nhưng quan trọng nhất, là “Tôi và em đã gần đến với thế kỷ của ánh sáng của riêng mình”.
Nhà thơ Từ Hoài Tấn, tên thật là Hồ Văn Hiền, sinh năm 1950, quê quán ở An Truyền (Làng Chuồn), Phú Vang, Thừa Thiên - Huế, hiện sống tại TP. HCM. Ông bắt đầu sáng tác từ 1964 với những tác phẩm xuất hiện trên các tạp chí Văn, Khởi Hành, Ý Thức, Nghệ Thuật, Vấn Đề, Trình Bày, Tuổi Ngọc,… (trước 1975) và Văn, Thanh Niên, Văn Nghệ TP. HCM, Sông Hương,… cùng một số diễn đàn mạng sau 1975.
Tính đến nay, ông đã xuất bản nhiều tập thơ, trong đó có những tập in chung với nhiều tác giả. Có thể kể đến những thành công như: Tự tình với Huế (NXB Trẻ 2004); 1.000 nhà thơ Huế đương thời (NXB Hội nhà văn 2006); 700 năm thơ Huế (NXB 2006); Những dòng sông đêm (in chung cùng Viêm Tịnh, Nguyễn Miên Thảo, Lê Ngọc Thuận- NXB Thuận Hoá 2007); Bông và Giấy- 30 tác giả hôm nay (NXB Lao Động 2010); Hành tinh phiêu lạc (thơ- NXB Thuận Hoá 2003); Đi, đứng và chạy … với thời gian(thơ- NXB Hội Nhà Văn 2012); Phục Hưng, tôi và em (thơ- NXB Hội Nhà văn 2013).
Hiên Huyền
http://hue.vnn.vn/

Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

Giới thiệu tập thơ “Phục hưng tôi & em” của nhà thơ Từ Hoài Tấn

23:17 | 14/04/2014
SHO - Chiều 14/4, Tạp chí Sông Hương  tổ chức buổi giới thiệu tập thơ “Phục hưng tôi & em” của nhà thơ Từ Hoài Tấn tại trụ sở Tạp chí, số 9 Phạm Hồng Thái, thành phố Huế.
Giới thiệu tập thơ “Phục hưng tôi & em” của nhà thơ Từ Hoài Tấn
Buổi giới thiệu có sự tham dự của các văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế, những thân hữu, người yêu thơ Từ Hoài Tấn.
Nhà thơ Từ Hoài Tấn, tên thật là Hồ Văn Hiền, sinh năm 1950, quê quán ở An Truyền (Làng Chuồn), Thừa Thiên - Huế, hiện sống tại TP. HCM. Ông bắt đầu sáng tác từ 1964 với những tác phẩm xuất hiện trên các tạp chí Văn, Khởi Hành, Ý Thức, Nghệ Thuật, Vấn Đề, Trình Bày, Tuổi Ngọc,… (trước 1975) vàVăn, Thanh Niên, Văn Nghệ TP. HCM, Sông Hương,… cùng một số diễn đàn mạng sau 1975.

Tính đến nay, ông đã xuất bản nhiều tập thơ, trong đó có những tập in chung với nhiều tác giả. Có thể kể đến những thành công như Hành tinh phiêu lạc (thơ - NXB Thuận Hoá 2003) - Những dòng sông đêm (in chung cùng Viêm Tịnh, Nguyễn Miên Thảo, Lê Ngọc Thuận - NXB Thuận Hoá 2007) - Đi, đứng và chạy … với thời gian (thơ - NXB Hội Nhà Văn 2012).
Và nay, trong không khí Festival 2014, ông về thăm Huế, ra mắt tập thơ “Phục hưng tôi & em” còn nóng hổi.

Tập thơ “Phục hưng tôi & em” có thể nói là sự luyến tiếc dĩ vãng và lưu giữ một chặng thăng hoa đời thơ Từ Hoài Tấn. Ông tâm sự: “Đây là tuyển tập thơ của thời kỳ 1967-1974, được chọn lọc lại từ 3 tập thơ chéo tay còn giữ lại được qua bao nhiêu đổi thay của thời cuộc”. Tập thơ có 99 bài thơ, chia làm ba phần: Bão vọng, Hãy lay tình thức dậy và Ngợi ca mây trắng.

Buổi giới thiệu diễn ra trong không khí ấm cúng, thân mật. Các bạn văn Nguyễn Miên Thảo,Viêm Tịnh, Phạm Tấn Hầu, Võ Quê... đã chia sẻ những cảm nhận về tập thơ, những kỉ niệm một thời cùng Từ Hoài Tấn khi ông còn ở Huế, trong cái tuổi đôi mươi đầy hoài bão. Họ nói về thời niên thiếu cùng ông chủ trương các tập san thơ văn “ Cuồng Biển”, nhà xuất bản “Nội Dung” ở Huế và những người bạn một thời Mường Mán, Thái Ngọc San, Ngụy Ngữ. Mà như nhà thơ Từ Hoài Tấn chia sẻ là: “Những sáng tác thơ văn từ đó như một giai đoạn sung sức nhất của tuổi trẻ - những năm hai mươi của cuộc đời.”

Những người bạn yêu thơ Từ Hoài Tấn còn cao hứng đọc thơ ông, những bài họ đã thuộc. Nghệ sĩ Bảo Cường cũng góp mặt và tngâm thơ Từ Hoài Tấn để dành tặng mọi người.  

Về thơ Từ Hoài Tấn, nhà phê bình Khổng Đức viết: “Thơ của Từ Hoài Tấn mang đầy bản chất thi tính “Poétique”., nhưng cái hay của bài thơ không phải ở đó mà chính là ở bản chất tồn tại. Tính tồn tại đó ẩn kín sau ngôn từ, theo Heidegger chính đó là chân lý nguyên thủy”.

Ở một góc độ khác, nhà thơ Vương Từ, người bạn thơ lâu năm của lại cho rằng: “Tôi đọc thơ Từ Hoài Tấn nhiều năm qua, giờ đọc vẫn thấy mới lạ trong cái xúc động nhiều chiều”.

Cũng vì thế mà nhà thơ Trần Hữu Dũng trong bài viết “thơ Từ Hoài Tấn: nỗi ám ảnh với thời gian” đã nhận định: “Từ Hoài Tấn có những bài thơ hào sảng, chất ngất chất sông nước miệt vườn... Một mảng thơ riêng với chất tươi mát, thấm đẫm đời sống dân dã”.



Trường Giang
http://tapchisonghuong.com.vn

Trang thơ Từ Hoài Tấn
08:40 | 14/04/2014
Từ Hoài Tấn có thơ xuất hiện khá sớm trên báo Văn (miền Nam) khoảng giữa năm 1960. Ngay từ buổi đầu, thơ Từ Hoài Tấn đã có một giọng điệu riêng. Và khác với một số người trong nhóm Nội Dung ngày ấy (như Thái Ngọc San, Mường Mán, Nguyễn Miên Thảo…), Từ Hoài Tấn có vẽ lặng lẽ như sự tách biệt của một con đường độc đạo để đi vào khu rừng nội tâm.
Trang thơ Từ Hoài Tấn
Nhà thơ Từ Hoài Tấn
Từ Hoài Tấn đã xuất bản ba tập thơ cho các thời kỳ khác nhau. Điều này cho thấy năng lực sáng tạo, sự điều chỉnh nguồn thi hứng trước sự thách thức của các khuynh hướng thơ đương đại và những biến cố trong đời. Nhân ra mắt tập thơ “Phục sinh tôi & em” viết trước năm 1975, Sông Hương xin được trích giới thiệu một số bài trong tập thơ này.
Phạm Tấn Hầu giới thiệu



TỪ HOÀI TẤN


Tình duyên tôi

Yêu em một ngày
Trong hầm than cũ thời niên thiếu
Một ngày của ngày xưa
Bằng cả quãng đời sau đó
Yêu em một ngày
Sớm mai rồi em biến mất
Tôi trơ đôi tay không
Những năm còn lại làm sao tìm được


Một hôm tôi gặp em
Trong quán rượu tháng năm
Tôi nói yêu em
Như ngày xưa yêu em một ngày
Em nhìn tôi lạ lùng
Rồi quay lưng đi thẳng
Tôi lầm bầm ôi yêu em có một ngày
Dẫu một ngày mà bằng cả quãng đời sau đó


Những ngày sau cùng tôi gặp em luôn
Trên khắp nẻo đường trên khắp ngõ hẻm
Gặp em giữa đêm khuya
Hay gặp em giữa trưa nồng
Hoặc chiều vừa xế bóng
Tôi cố nhìn hoài không nhận được ra em
Như ngày xưa đã yêu em một ngày
Ôi dẫu yêu em có một ngày
Mà bằng cả quãng đời sau đó

                                                (Huế 1967)



Tặng phẩm người cô đơn

Những nhịp mùa trở đổi như lời hẹn xa xăm vừa mới trở về.
Trên tất cả những chung vui đã sống những hiền hòa đã tan đi,
trong những bóng tối ngả nghiêng mọi con đường, ngàn khoắt
khuya đã ngủ và những tiếng chim đã nghe. Sao trong tối mù

mịt còn lóe lên đốm lửa cuối ngày xanh xuân cháy tận
Mùa mưa cũ em còn nhớ không
Đôi guốc mòn lẹp xẹp đi theo dòng nước nhỏ. Ơi những chiếc lá
khô tội tình trong một buổi chiều buồn
Hàng cây nghe không
Lời gọi đêm trùng
Và ai hát cô đơn dưới trời mưa lũ
Mùa mưa cũ thôi em còn nhớ gì nữa
Những sáng tay ôm những chiều trong mắt
Nắng khơi cho ta mối hy vọng đã nhạt nhòa
Em đốt cho ta những tình tự ngủ lâu đời dưới lớp tro thạch lạnh
Đêm cũng vui như phút chia xa


Hãy nhớ một ngày mai ấy
Đường mưa em bước nhỏ qua sông
Vai cầu buồn trong mùa giá rét
Thôi đã qua rồi những tình mộng cũ
Sao nhịp mùa vẫn trở về hò hẹn trăm năm
Sao những bầy chim không ngừng bay tới
Còn nhớ chi
Tóc dài suối biếc
Mắt thiên thu nở đóa mỵ kiều
Thôi đã qua hết những mùa những năm những tháng những gì
còn vương mãi trong lòng
Con chim đường sớm mai mới hót
Và cây ngu ngơ đứng bên đường mãi mãi dửng dưng làm sao
biết một người suốt đời đi trong trời tăm tối.

                                                                (1972)



Ca ngợi mây trắng

Những ngày nghe tiếng chim hồng rộn rã
trên nền trời
Đường ai qua ngập ngừng bước
Lệ sao se thắt trái tim
Mùa không tiếng người xôn xao
Vẫy bàn tay đêm héo úa
Bài hát cũ thì thầm
Ôi không
Không


Giờ đợi mong đã nhạt
Dòng sông xưa ai còn trông
Màu áo trắng thơm ngát chiều gió nổi
Lướt qua đời
Loài mây hoang dạt
Giấc mơ tan đi những mối tình
Lời sao không chết đi
Cười sao không ngạt thở
Lệ sao không chảy buồn trên mắt tượng
Ôi còn chi bóng hình
Cõi đau xưa
Không
Loài chim vẫn hót
Bài ca thiên cổ ấy

                                (1974)

(SDB12/03-14)
http://tapchisonghuong.com.vn

Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

VỀ HUẾ

Ngày 10/4/2014 khởi hành từ Sân bay Tần Sơn Nhất - đến Phú Bài 10 giờ 30 sáng - thành phố Huế 11 giờ.
CHÀO HUẾ TA ĐÃ VỀ


Tại nhà bảo tàng tư nhân Trần Đình Sơn
Nguyễn Miên Thảo - Viêm Tịnh - Từ Hoài Tấn
Cafe Tạp chí Sông Hương
Viêm Tịnh - Bảo Cường - Nguyễn Miên Thảo - Từ Hoài Tấn - Nguyên Quân

Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014

CHIA BUỒN

Nhận được tin buồn :

Cụ bà VÕ THỊ CHÁU
Pháp danh Diệu Trường 
(Thân Mẫu của nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, TBT tạp chí Sông Hương)
Sinh năm Ất Sửu - 1925
Nguyên quán: Triều Sơn Trung, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế
Đã từ trần vào lúc 11 giờ 40 phút ngày 6 tháng 4 năm 2014 
nhằm ngày mồng 7 tháng Ba năm Giáp Ngọ)
Hưởng Thượng thọ 90 tuổi
Linh cữu của bà quàn tại quê nhà Giáp Kiền, làng Hương Cần, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế
Lễ viếng được tổ chức từ 9 giờ sáng ngày 8/4/2014 (nhằm ngày mồng 9 tháng Ba năm Giáp Ngọ)
Lễ hạ quan được cử hành vào lúc 11 giờ ngày 11/4/2014 (nhằm ngày mồng 12 tháng Ba năm Giáp Ngọ), an táng tại cánh đồng Bàu Giang Hạ Xứ, thuộc Giáp Kiền, làng Hương Cần, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Xin thành thật chia buồn với nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc
Cầu chúc cụ bà an vui miên cực lạc

Viêm Tịnh - Huỳnh Ngọc Thương - Từ Hoài Tấn - Nguyễn Miên Thảo - Nguyên Quân - Võ Quê - Lê Ngọc Thuận  - Lương Túy Vân - Hạ Nhiên Thảo - Văn Viết Lộc - Cao Thoại Châu - Nguyễn Liên Châu - Trần Áng Sơn - Ngô Đình Hải  - Triệu Từ Truyền - cùng thân hữu tại TP Hồ Chí Minh

Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

Khổng Đức : Vấn đề thưởng ngoạn văn học



I- Điều kiện thưởng ngoạn
I- 1.Vai trò chủ thể trong việc thưởng ngoạn văn học chính là độc giả, tất nhiên phải có đầy đủ hai điều kiện: a/ Từ thái độ bình thường hằng ngày gia nhập vào thái độ thẩm mỹ, khi bắt đầu tiến vào giai đoạn thưởng ngoạn độc giả phải thực hiện sự biến đổi tâm lí, tức là phải vứt bỏ cái tâm thái tự ngã trong cuộc sống hiện thực hằng ngày, vứt bỏ thái độ thực dụng của chủ nghĩa công lợi, chỉ vận dụng thái độ thẩm mỹ đối với tác phẩm văn học, nhất là chớ có lẫn lộn sinh hoạt với nghệ thuật; có như thế mới thưởng ngoạn được cái đẹp của tác phẩm nghệ thuật một cách chính xác. Ngược lại cứ ỷ lại vào kinh nghiệm của sinh hoạt ngày thường, lấy cái tâm thái thực dụng hẹp hòi mà thưởng ngoạn văn học nghệ thuật thì không thể nào tiếp thu được tính hư cấu phong phú của thi ý, càng không thể nào nói đến việc tiếp thu tính ảo tưởng quái đản. Ở đây, chúng ta nhấn mạnh đến tác dụng sự biến đổi tâm lí của độc giả chỉ là nhắm vào tính phi công lợi trong thưởng ngoạn văn học. Sự thật là do cuộc sống của độc giả trước khi thưởng ngoạn tích lũy bao kinh nghiệm cấu kết thành sự mong đợi thẩm mỹ, không những chỉ do sự đọc trong tác phẩm mang lại mà còn đối với độc giả trong hoạt động thưởng ngoạn văn học nghệ thuật có sự cộng minh và phát sinh ảnh hưởng tích cực sự sáng tạo hình tượng.
          Chính vì nhằm vào thái độ công lợi thực dụng không liên quan gì đến thẩm mỹ, nên đầu thế kỷ 20, nhà tâm lí người Thụy sĩ mới đề ra thuyết “tâm lí cự li”. (Nên tìm xem thêm trong Tâm lí văn nghệ của Chu Quang Tiềm- Khổng Đức dịch).
2.- Phải có năng lực cảm thụ nghệ thuật. Biết đọc là chuyện đương nhiên, nhưng biết đọc không chưa đủ mà còn cần phải có khả năng cảm thụ, năng lực và tu dưỡng để hiểu được cái đẹp của nghệ thuật. Trong hoạt động thưởng ngoạn văn học, việc tu dưỡng nghệ thuật của chủ thể rất là quan trọng. Để cho việc tiến hành thưởng ngoạn nghệ thuật văn học được thuận lợi và thỏa mãn, độc giả cần phải liên tục đề cao năng lực cảm thụ nghệ thuật  của mình.
Năng lực cảm thụ nghệ thuật của chủ thể thưởng ngoạn là bao quát các khái niệm văn học mà độc giả đã xác định. Các nhà lí luận nghệ thuật đương đại của Tây phương đưa ra thuyết “thỏa ước văn học” (convention). Gọi là thỏa ước là thói quen, tức là đối với hệ thống của mỗi môn loại nghệ thuật tác phẩm trình hiện đều nắm vững được cái khung kết cấu của nó. Như đối với thỏa ước văn học thì chúng ta hiểu được các thứ quy tắc đặc trưng biểu hiện, các yếu tố truyền thống. Hiểu được các thỏa ước văn học thì độc giả nắm vững được sự hình thành đối với tiểu thuyết, thi ca, tản văn v…v…và các hình thức văn học khác.
Thỏa ước văn học là một thứ loại hình trầm tích trường kỳ trong đại não của độc giả, từ đó đối với tác phẩm văn học hình thành một thứ phản xạ có diều kiện, do đó mà thuyết thỏa ước văn học làm cho bản thân tác phẩm có được những qui phạm và nguyên tắc; không bằng nói rằng trong sự tiếp xúc lâu dài giữa độc giả và tác phẩm văn học hình thành cái năng lực chủ thể.
II.- Vai trò khách thể trong việc thưởng ngoạn- Hoạt động thưởng ngoạn văn học đòi hỏi phải có khả năng, tức là nói về phương diện khách thể tác phẩm, vẫn cần phải có đầy đủ đặc chất nội hàm thẫm mỹ. Tác phẩm nghệ thuật phải hay đẹp mới có thể khiến cho người thưởng ngoạn cảm thụ được cái hay cái đẹp của nghệ thuật. Tác phẩm văn học kể như là ý thức thẩm mỹ của tác giả dùng ngôn ngữ biểu hiện và truyền đạt, cần sáng tạo hình tượng  nghệ thuật có giá trị mỹ học cao độ để gây sự xúc động nhận thức; như thế mới có thể ban cho người thưởng ngoạn cảm thấy vui thích. Những hình thức đồ họa, khái niệm hóa, thú vị thấp kém, thậm chí là những tác phẩm thuộc văn học du hí thuần túy hoàn toàn không có sức sống nghê thuật.
Sự thưởng ngoạn thành công không bao giờ ngoài những tác phẩm hấp dẫn; tác phẩm càng ưu tú thì nghệ thuật miêu tả càng sống động, càng sâu sắc, hình tượng nghệ thuật càng tươi sáng, càng điển hình, càng đưa người thưởng ngoạn vào sự thích thú. Lực hấp dẫn nghệ thuật của tác phẩm văn học, đối với việc thưởng ngoạn có hiệu quả sẽ sanh ra ảnh hưởng vô cùng quan trọng.
3.- Chủ thể và khách thể thưởng ngoạn cùng thích ứng – Hoạt động thưởng ngoạn văn học tiến hành thuận lợi vẫn phải dựa vào tính thích ứng giữa chủ thể và khách thể. Và khi đề cập đến mối quan hệ thưởng ngoạn giữa chủ và khách thì phải nói đế quan điểm quan trọng của phái tâm lí toàn hình (cũng gọi là Cách thức tháp Gelstalt) của Rudolf Arnheim, là thuyết “dị chất đồng cấu”. Arnheim cho rằng, trong việc thưởng ngoạn thẩm mỹ, hệ thống thần kinh của người thưởng ngoạn không có đem cái nguyên bản dạng thức phức tạp chủ yếu của tác phẩm nghệ thuật bày ra, mà chỉ khơi gợi một thứ “lực” giống như lực kết cấu của tác phẩm, khoái cảm thẩm mỹ bắt nguồn từ đối tượng thẩm mỹ kết cấu thành một lực nhất trí cùng với tầng lớp đại não bì, cái gọi là “vì dạng thức lực của lá mùa thu cùng với cái tâm lí buồn bực của con người cấu kết nhau thành một dạng nhất trí (bi lạc diệp vụ kinh thu). Thế giới ngoại tại kết hợp với tâm linh nội tại, đạt đến sự hỗ tương đáp ứng, thành cảnh giới thẩm mỹ vật với ngã đồng nhất. Thuyết “dị chất đồng cấu kết” trình bày mối liên hệ thẩm mỹ của cơ chế sinh lí tâm lí; đem nó vận dụng vào hoạt động thưởng ngoạn văn học; tức là coi tác phẩm văn học như là cuộc sống tồn tại đầy sinh khí.
Tác phẩm là hình thức thể hiện cuộc sống, nó ám hợp một thứ khuynh hướng tình cảm tương ứng với cơ năng sinh sống của con người, từ đó hình thành một thứ quan hệ cùng cơ cấu, độc giả đối với việc thưởng ngoạn phẩm vị tác phẩm, tức là phóng thích cái hoạt lực sống của chính mình.
II.- Quá trình thưởng ngoạn văn học- Thưởng ngoạn  văn học kể như là một thứ hoạt động tinh thần đặc biệt, quá trình của nó là 10 phần sống động phức tạp; chúng ta có thể  phân chia việc thưởng ngoạn văn học ra làm ba giai đoạn là: cảm tri, thể vị, và lãnh ngộ (lãnh hội giác ngộ).
1.- Giai đoạn cảm tri cũng gọi là cảm thụ. Trong việc thưởng ngoạn văn học, giai đoạn cảm thụ nghệ thuật, biêu hiện chủ yếu là cảm thụ được hình thức của tác phẩm  và cảm thụ được hình tượng nghệ thuật của nó. Tức là độc giả thông qua cảm giác của mình, khí quan tri giác đạt đến toàn bộ cảm tính tồn tại của tác phẩm và nắm được cái trực quan, nó là cơ bản của việc thưởng ngoạn nghệ thuật.
Văn học là sự hiển hiện hóa của ngôn ngữ phù hiệu mà chủ thể thẩm mỹ ý thức được; do đó điều mà độc giả tiếp xúc đầu tiên là ngôn ngữ của tác phẩm văn học. Ngôn ngữ văn học là phù hiệu mang đầy ý nghĩa hàm súc, tình cảm, nó không chỉ là hình thức mà đồng thời cũng là nội dung. Như Lưu Hiệp từng nói trong thiên Thần tứ của Văn Tâm Điêu Long: Sự vật nhờ có tai mắt mà biết đến, từ lệnh là điều cơ bản nằm ngay vị trí then chốt. Khi then chốt này thông suốt thì diện mạo sự vật không thể che giấu. Ngôn ngữ văn học giống như đường nét và màu sắc trong nghệ thuật tạo hình, có thể mang độc giả tiến đến cảnh giới nghệ thuật để cho họ trực giác được lực cảm nhiễm của tác phẩm và công lực nghệ thuật của tác giả. Như Vương Mông trong bài “Xuân chi thanh” dùng hình thức mở đầu để dẫn độc giả vào thưởng ngoạn:
Một tiếng vang to, đêm tối đến rồi. Cảnh tượng hoàng hôn, ánh trăng xuất hiện nơi góc tường đối diện vuông vuông, cái tâm của đỉnh núi Ngũ  Nhạc như co lại rồi trương ra, thân xe quá nhỏ khiến người trong xe cùng  lắc  lư. Như cái nôi của con trẻ ngọt ngào biết bao”.
Đó là một đoạn văn dùng chữ mới tươi mát, như tiếng vang to, màn đêm đến bao trùm, ánh trăng vuông vuông đầy vẻ tối tăm; lại thêm hình ảnh cái xe, cả một hệ thống ý tượng thâm nhập vào ý thức chủ nhân ông tạo  thành một sự khẩn trương trong tâm tư độc giả. Giai đoạn cảm thụ nghệ thuật cần phải thông qua ý thức của phù hiệu ngôn ngữ tác phẩm mới trực tiếp cảm thụ được hình tướng và hình thức đối với tac phẩm. Điều đó đối với tác phẩm khác nhau mà nói, sự cảm thông thưởng ngoạn nghệ thuật cũng có sự bất dông.
Đối với các tác phẩm mang tính trử tình mà nói, chủ yếu cảm thụ đối với tác phẩm là ý cảnh thẩm mỹ. Thí dụ như thưởng thức bài “Thu tứ” theo điệu Thiên tình sa của Mã trí Viễn:
        “Khô đằng lão thụ hôn nha             Tiểu kiều lưu thủy nhân gia
         Cổ đại tây  phong sấu mã              Tịch dương tây hạ,
                             Đoạn trường nhân tại thiên nhai.
Tạm dịch: Cây khô dây héo quạ kêu - Dưới cầu nước chảy bên lều vắng tanh. Đường xưa gió thổi ngựa trành – Vầng dương tây lặn xa xanh, Chân trời lữ khách ngậm vành đắng cay…
 Trong khi độc giả đọc bài thơ ấy, trước tiên là cảm xúc với cảnh vật thiên nhiên, như cây khô dây héo quạ kêu, ngựa ốm, cầu nhỏ, nhà vắng vẻ, gió thổi… khách giang hồ cô đơn nơi chân trời… Chúng ta nhìn thấy gió thu hiu hắt, trời chiều đã ngã hoàng hôn, dây leo khô héo, cây già tàn tạ, quạ bay về tổ trong cảnh trời u ám với tiếng kêu não nùng, nước chảy réo rắt dưới cầu, túp lều đơn côi vắng vẻ…Trong cảnh hoang dã thê lương, một gã lãng du ngồi trên lưng con ngựa gầy đang cất bước trên nẻo đường gập ghềnh, lòng đòi đoạn.
Đối với tác phẩm mang tính tự sự, giai đoạn chủ yếu cảm thụ nghệ thuật là cảm thu nhân vật trong tác phẩm với tình tiết và khung cảnh sinh hoạt.
Trong giai đoạn thưởng ngoạn tác phẩm, sự cảm tri của độc giả tiến hành theo sự tổng hợp tri giác toàn hình; khách thể luôn luôn hướng về chủ thể truyền đạt tin tức thẩm mỹ, chủ thể cũng luôn luôn tuân theo theo khách thể thông qua cảm giác lí giải biểu tượng, tình cảm đạt đến khách thể, tức nắm được toàn thể trực quan, thể hệ hình tượng trong tác phẩm.
2.- Giai đoạn thẩm mỹ phán đoán – Thẩm mỹ phán đoán tại cơ sở  cảm thụ nghệ thuật, phải trải qua từ biểu đến lý (tức là từ hình thức biểu hiện đến nội dung bên trong tác phẩm), từ cạn cợt đến thâm sâu, từ cảm tính đến tư khảo lí tính và hiểu biết. Trong giai đoạn này độc giả phải thông qua sự tìm tòi và phân tích tiến đến sự lãnh hội ý nghĩa sâu xa của tác phẩm, thấu sát tính chất nghệ  thuật của tác phẩm là sự thành công hay thiếu sót, hoặc là phô diễn tài hoa đáng thán phục, hoặc là tư tưởng rất thâm thúy, tình cảm thâm nhập những yếu tố lí tính linh hoạt. Như Tào Tuyết Cần nói về tác phẩm Hồng Lâu Mộng chỉ là ý tưởng, lời lẽ hoang đường, thế nhưng đầy nước mắt cay đắng, mọi người đều cho đó là si mê của tác giả, nội dung là không ai nắm được ý nghĩa tiềm tàng ở bên trong. Thẩm mỹ phán đoán là phải giải mã cái ý nghĩa bên trong đó. Dĩ nhiên sự thẩm mỹ phán đoán không phải là lí tính khái quát hay kết luận đầy trừu tượng, mà là một thứ lí giải tình cảm không tách rời khỏi hình ảnh cụ thể. Trước sau vẫn duy trì được tính chất nghệ thuật xúc động quán chiếu tình cảm, liên tưởng tượng trưng đặc điểm là tái sáng tạo. Vì thẩm mỹ phán đoán không phải là phán đoán theo logic, mà là mang tính tình cảm chủ quan.
3.- Giai đoạn thể nghiệm – Thẩm mỹ thể vị, tức là tìm tòi ý nghĩa sâu xa và dư vận dư vị của tác phẩm đó. Sự thể nghiệm thẩm mỹ đối với tác phẩm đòi hỏi độc giả “dĩ thân thể chi, dĩ tâm nghiệm chi”, tức là phải đem hết thân tâm tìm hiểu chiêm nghiệm tác phẩm. Nói một cách khác là đem thân tâm thâm nhập vào tác phẩm, lãnh hội, thể hội đến những chỗ lay động thể xác con người, những điểm xúc cảm tình tự con người. Như một từ nhân cận đại từng nói: đem những ý cảnh kết cấu vào trong ý tưởng, sau đó trầm tư, đem cả nhân thân cùng chân tay cạy cục cũng như cả tính linh thâm nhập và biến hóa, như ôm trọn vào lòng; sau khi hình ảnh trong tác phẩm gây xúc động rồi suy đoán thấu được ý nghĩa sâu xa của tác phẩm; nói chung là chúng ta nắm được ý ngoài lời. Như Khổng Tử nghe nhạc thiều ở Tề, ba tháng không biết đến mùi thịt. Đó là cảm giác, chúng ta căn cứ vào thực tiễn, chúng ta có thể nói rằng, cái mà chúng ta cảm giác được, khng thể nào hiểu được ngay, mà phải hiểu được sự việc rồi mới có thể có cảm giác sâu xa về nó. Nhưng trong việc thưởng ngoạn một tác phẩm, thường thường độc giả phải như say đắm lặn ngụp vào trong tác phẩm, nghĩa là phải từ trong thẩm mỹ thể nghiệm mà vượt ra, đi sâu vào việc lãnh hội hình tượng bao hàm tính chất ý nghĩa, phải liên hệ đến việc tìm hiểu lịch sử nhân sinh, mới tìm hiểu được ý nghĩa ở ngoài lời của tác phẩm, vận ngoại chi chỉ (điểm nhắm đến ở ngoài vần điệu, vị ngoại chi vị (nghĩa là vị ở ngoài mùi vị) vv…
Hoàng Dược Miên nói: “Đọc xong một bài thơ hay chúng ta thường từ cảm giác hữu hạn đến vô hạn, giống như trong thơ Trung Quốc có câu:
‘Thiên trường địa cữu hữu thời tận, thữ hận miên miên vô tuyệt kỳ”. nghĩa là: Trời đất tuy có dài lâu đến mấy cũng có ngày chấm dứt, nhưng mối hận này thì mãi mãi không bao giờ hết. Đối với việc thưởng ngoạn văn học, độc giả cũng  phải kéo dài bất tận, để đạt sự siêu việt thẩm mỹ và thăng hoa.
Ba giai đoạn: cảm thụ nghệ thuật, thẩm mỹ phán đoán, thể nghiệm ngoạn vị; nhưng thường là một quá trình thưởng ngoạn thâm nhập và tương hỗ liên hệ, tương hỗ tác dụng. Có cảm thụ mới có thể có phán đoán chính xác, có cảm thụ phán đoán mới có thể có thể nghiệm ngoạn vị. Và trong khi thể nghiệm ngoạn vị lại có thể tăng thêm nghệ thuật cảm thụ, hiệu chính thẩm mỹ phán đoán. Người thưởng ngoạn phải chú ý đến ba giai đoạn khác nhau và liên hệ trong khi thưởng ngoạn tự giác hoàn thành toàn thể quá trình.     
                                          Dich từ văn học lí luận của Đại học Bắc Kinh                                        Khổng Đức (4-2014)

Bài viết do tác giả gởi