Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

Ba bài thơ Xuân mới



Ngày Xuân đêm Xuân        

Nâng em một tấm thân gầy
Mai là yêu ấp những ngày có nhau
Đời dài được mấy đêm thâu
Chia là ly biệt ngày sau dõi tìm
Xuân còn hãy ngụ cùng em
Thân là nơi chốn bình yên mùa tình
Đêm xuân mấy khắc làm thinh
Ngày xưa như mới bóng hình như in


 
Tình thiêng

Có một cõi không gian cho em
Lung linh dạ khúc
Băng phiến ngầm
Mắt thuyền sóng lấp
Em vui hay buồn trong ngõ ấy
Cũng vàng ươm ánh một cuộc đời
Em khóc hay cười trong cõi ấy
Cũng chiều hôm vội với mưa mau

Một thuở ngây khờ như trẻ dại
Trong ngần như sương mai
Một chút tình thiêng như vô ngại
Tấm lòng há lượng với bao la


Mùa Xuân một mình ở nhà

Vào ngày hoa nở
Người ở đâu
Không về ngắm lặng
Cuộc bể dâu

Vào mùa Xuân tới
Ta ở nhà
Thinh không vang tiếng hát
Thời xa xưa

Vào lúc đó
Cuộc đời nở hoa




TỪ HOÀI TẤN

Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

Đinh Cường Tưởng niệm 13 năm ngày mất (29.1.2002-29.1.2015) nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị


Hôm nay, vẫn một ngày tuyết trắng xóa như năm nào tôi đã viết về chị, nhân tưởng niệm 8 năm ngày chị mất. Và hôm nay được e-mail của Nguyệt Mai gởi, nói sẽ đăng bài ấy lên blog của chị để nhớ về một nhà điêu khắc nổi tiếng Việt Nam và Quốc Tế nhân 13 năm ngày mất… Tôi không viết được điều gì thêm ngoài nỗi nhớ anh chị, nhớ đến một kỷ niệm thât đẹp tại nhà anh chị ở Paris cùng bạn bè uống rượu đến gần sáng. Những tấm thiệp chị đi đâu cũng gởi về, và gặp lại chị ở Huế năm nào. Cho tôi ngồi im, thật im, chiều nay, để được nhớ về anh chị – anh Bửu Điềm, chị Điềm Phùng Thị thân quý. Anh mất trước, và chị mất mới đó mà đã 13 năm. Nhưng những tác phẩm điêu khắc của chị thì còn mãi mãi trong lòng người yêu nghệ thuật.
Virginia, January 27, 2015
Đinh Cường


Điềm Phùng Thị
thời thanh xuân ở Huế

Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

Đứng trước ngã tư đường của nghiệp

Phỏng vấn Mathieu Ricard
**))((**

Theo luật về nghiệp báo, mọi lựa chọn mà chúng ta thực hiện trong từng giây phút đều có tác động đến số phận của mình. Mathieu Ricard đưa ra một vài hướng dẫn có ích để hướng nghiệp lực đến bến bờ hạnh phúc.

Mathieu Ricard, sinh tại Pháp năm 1946, và được đào tạo thành một nhà nghiên cứu sinh học phân tử ở Viện Pasteur trước khi đổi chiếc áo của phòng thí nghiệm để lấy chiếc áo của một tu sĩ Phật giáo Tây Tạng năm 1972. Ricard trở thành đệ tử và thị giả cho đại sư Dilgo Kyentse Rinpoche và cùng du phương hoằng hóa với ngài ở các nước Bhutan, Ấn độ, Nepal, và Tây Tạng cho đến khi ngài qua đời vào năm 1991. Ricard là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng như Lượng Tử và Hoa Sen, Hạnh Phúc: Hướng Dẫn Để Phát Triển Kỹ Năng Quan Trọng Nhất Của Cuộc Sống. Ricard hiện trú tại Tu Viện Shechen ở Nepal.
Tôi có cơ hội gặp gỡ ông trong một chuyến ông ghé qua New York và có dịp nói chuyện với ông về nghiệp, một khái niệm cơ bản của Phật giáo, thường gây tranh luận trong văn hóa phương tây nhưng không được hiểu rõ.
Mark Magill
 

Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2015

LỊCH SỬ ĐẠO HỒI



                                   
 


           Trong lịch sử thế giới, chưa từng có một tôn giáo nào bành trướng một cách mạnh mẽ và nhanh chóng cho bằng đạo Hồi. Từ một nhóm người du mục sống trong một ốc đảo heo hút giữa sa mạc Syro-Arabia đã mau chóng biến thành những con người đầy quyền lực tung hoành từ Cận Đông đến Âu Châu và từ Bắc Phi đến tận các nước Châu Á:
            - Chỉ trong vòng 10 năm kể từ ngày giáo chủ Muhammad qua đời (632-642) quân Hồi Giáo Ả Rập đã chiếm trọn bán đảo Arabia (rộng gấp 8 lần Việt Nam), chiếm Iraq, Syria, Palestine, Ai Cập và phía Tây nước Iran.
            - Trong 2 năm (648-649), quân Hồi chiếm CarthageTunisia.
            Một điều làm cho cả thế giới kinh ngạc là lần đầu tiên người Ả Rập chiếm một nước Âu Châu, đó là Hy Lạp.
            - Thừa thắng xông lên, người Hồi Giáo Ả Rập mở cuộc chiến tranh đánh Tây Ban Nha.  Sau 5 năm, người Hồi chiến thắng đã chiếm trọn nước Âu Châu rộng lớn và nổi tiếng sùng đạo Công Giáo nhất thời bấy giờ.
            - Năm 712, quân Hồi Giáo chiếm trọn Iran (Ba Tư) và dùng nước này làm bàn đạp tiến quân đánh chiếm các nước Trung Á ở phía nam nước Nga, chiếm vùng Bắc Ấn rộng lớn (nay là Pakistan và Afganistan) và xâm nhập phía Tây Trung Quốc - Quân Hồi bị quân nhà Đường chận lại tại sông Talas nên phải rút về Trung Á.
            Sự xuất hiện và bành trướng của đạo Hồi trong thế kỷ 7 hung bạo dữ dội như cơn gió xoáy (tornado) khiến cho cả thế giới phải kinh hoàng.
            Chúng ta thử tìm hiểu những nguyên nhân nào đã khiến cho đạo Hồi có thể bành trướng với tốc độ vũ bão như vậy. Các sử gia đã phân tích 3 nguyên nhân sau đây:
 

Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

Một sai lầm khó tha thứ

Nguyễn Man Nhiên


Kính gởi anh Lê Ký Thương!
Đồng kính gởi Ban biên tập trang mạng vanchuongviet.org

Tôi là Nguyễn Viết Trung. Sau khi đọc bài báo “Tác giả chính bài “Chụt là gì” là ai?” của anh Lê Ký Thương đăng trên vanchuongviet.org ngày 21/1/2015, tôi xin được phản hồi như sau:
Bài “Chụt là gì?” (nguyên là một tiểu mục trong chương Địa danh Khánh Hòa xưa và nay) in trong sách “Từ dinh Thái Khang đến tỉnh Khánh Hòa” của tôi (NVT) năm 2004, sau đó đăng lại trên mạng vanchuong viet.org với bút danh Nguyễn Man Nhiên tháng 12/2006, đã hình thành trên cơ sở sao chép đến 80% câu chữ và ý tưởng của tác giả Lê Ký Thương trong bài viết cùng tên “Chụt là gì?” đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ Nha Trang năm 1985.
Tôi thành thật xin lỗi anh Lê Ký Thương vì đã vi phạm quyền tác giả. Tôi cũng xin sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của anh LKT trong việc xử lý vấn đề này.
Tôi cũng thành thật xin lỗi quý độc giả trang Văn Chương Việt.
Kính đề nghị Ban biên tập vanchuongviet.org gỡ bài của tôi trên mạng để tránh hiểu lầm về sau.
Tôi biết đây là một sai lầm khó tha thứ. Nhưng cũng mong anh Lê Ký Thương, với tình bạn lâu năm giữa chúng ta, thông cảm và chấp nhận lời xin lỗi chân thành này của tôi.
Trân trọng!


Tái bút: Những thư điện tử mà anh Lê Ký Thương gởi cho tôi trước khi đăng bài báo, rất tiếc tôi đã không có cơ hội đọc được và trả lời anh, vì sai địa chỉ (địa chỉ email của tôi là: nguyenmannhien.nghethuat@gmail.com chứ không phải mannhien@gmail.com)
Nguyễn Man Nhiên

Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2015

Làng Chuồn trước mùa bánh Tết


(SHO). Nhiều người Huế đi xa quê, mỗi năm tết đến xuân về, ngoài nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, cảnh vât,…da diết thì trong tâm trí họ hình ảnh bánh tét làng Chuồn cũng trở thành một điều gì đó không thể quên bởi cái hương vị quê hương đặc biệt không lẫn vào đâu được đã tạo nên đặc trưng riêng của món ăn này.
Làng Chuồn trước mùa bánh Tết 

Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015

MỘT TRƯỜNG HỢP ĐẠO VĂN CẦN LÀM SÁNG TỎ


Tác giả chính bài "Chụt là gì" là ai? Lê Ký Thương

BÀI CẬY ĐĂNG
Thời gian gần đây, tôi có dự định sưu tập những bài viết của mình từ khi mới biết cầm bút sáng tác đến nay , làm bản thảo duy nhứt cho con cháu mình sau này. Trong quá trình sưu tập, không may cho tôi là lạc mất bài “CHỤT LÀ GÌ?” mà tôi đã in lần đầu trên tập san Văn Nghệ Nha Trang năm 1985, chỉ còn hy vọng bài này được in lần thứ hai trên BÁCH KHOA VĂN HỌC SỐ 5, THÁNG 5-1991. Vừa rồi, trong những ngày đầu năm 2015, may mắn cho tôi là nhờ một người quen làm ở Thư viện Tổng hợp TP. HCM - ở đây còn lưu trữ đủ bộ BKVH, tìm ra bài “Chụt là gì?” của tôi. Và còn mừng nữa là đầy đủ bằng chứng là bài “Chụt là gì?” của tôi xuất hiện khá lâu trước bài “Chụt là gì?” ký tên Nguyễn Viết Trung do Hội Văn Học Nghệ Thuật Khánh Hòa in năm 2004 và bài “Chụt là gì?” ký tên Nguyễn Man Nhiên đăng trên mạng vanchuongviet.org ngày 25.12.2006.
Khi phát hiện sự trùng khớp đặc biệt về nội dung và câu chữ trong văn bản, ngày  14-1-2015 tôi đã gởi thư điện tử cho ông Nguyễn Viết Trung (Nguyễn Man Nhiên) kèm theo bản photocopy bài “Chụt là gì?” của tôi đăng trên BKVH, bản photocopy bài của ông Trung in trên sách “Từ dinh Thái Khang đến tỉnh Khánh Hòa” – trang 67, 68, 69 và bản photocopy đăng trên mạng vanchuongviet.org, hỏi cho biết lý do tại sao có sự trùng khớp như vậy? Đồng thời đề nghị ông Trung gỡ bài  trên mạng vanchuongviet.org để tránh sự hiểu lầm về sau, ông không trả lời. Đến ngày 16-1-2015, tôi sợ thư điện tử của mình bị thất lạc, bèn gởi tin nhắn hỏi lại, nhưng ông Trung vẫn im lặng. Tôi đã kiên nhẫn chờ đợi qua một tuần, ông Trung vẫn cố tình phớt lờ thắc mắc của tôi. Điều này khiến tôi suy nghĩ ông Trung không tôn trọng sự thật hiển nhiên.
Vì vậy, hôm nay tôi buộc lòng phải lên tiếng về bài “Chụt là gì?” để quý độc giả minh định.
Sài Gòn, 22-1-2015
·        Đồng kính gởi: - Ban biên tập Tạp chí Nha Trang (Hội VHNT Khánh Hòa), 34 Yersin, TP. Nha Trang, tỉnh KH. Và Ban biên tập vanchuongviet.org. Để cậy đăng.
·        Ông Nguyễn Viết Trung (Nguyễn Man Nhiên) – email: mannhien@gmail.com. Để biết.                       
Tôi xin đính kèm những tư liệu quanh bài “Chụt là gì?” sau đây:

Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

Người Việt đầu tiên đặt chân tới Hoa Kỳ là ai?




Khi Bùi Viện (một vị quan sống dưới triều vua Tự Đức) đến Hoa Kỳ để đặt quan hệ ngoại giao vào đầu những năm 1870, lịch sử đã coi ông là người Việt Nam đầu tiên đặt chân lên đất nước châu Mỹ này. Nhưng trong cuốn Con đường thiên lý, nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê đã đưa ra những bằng chứng thuyết phục, chứng minh rằng trước Bùi Viện 20 năm, có một người Việt đã thực hiện một chuyến phiêu lưu ở miền Tây hoang dã của Hoa Kỳ như một cao bồi thực thụ.
Từ một người đi tìm vàng ở California, Trần Trọng Khiêm (người làng Xuân Lũng, phủ Lâm Thao, Phú Thọ) trở thành ký giả người Việt đầu tiên trên đất Mỹ.
Trần Trọng Khiêm sinh năm Tân Tỵ (1821), tức năm Minh Mạng thứ 2, là con của một gia đình thế gia vọng tộc ở phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, nhưng trong người lúc nào cũng sẵn máu phiêu lưu. Năm ông 21 tuổi, vợ ông bị một viên chánh tổng âm mưu làm nhục rồi giết hại. Sau khi giết tên chánh tổng báo thù cho vợ, ông xuống Phố Hiến (Hưng Yên), xin làm việc trong một tàu buôn ngoại quốc và bắt đầu bôn ba khắp năm châu bốn bể.

Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015

Người ngồi đợi trước hiên nhà

 
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
 
          Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, cuối năm 1954 – đầu năm 1955 ở quê tôi gần một nửa gia đình có người thân đi tập kết ra miền Bắc. Không khí làng quê chùng xuống vì tình cảnh kẻ Bắc người Nam. Những người đàn bà tiễn chồng tiễn con ra đi, mắt đẫm lệ, hẹn hai năm trở về mà lòng còn nghi ngại. Chính quyền “quốc gia” tiếp thu từ vĩ tuyến 17 trở vào và những người con đất Quảng từng hiến tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến chống Pháp đành phải lìa bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, theo đơn vị vào Quy Nhơn, xuống chiếc tàu Ba Lan đang đợi sẵn. Nhiều người ra đi khi vừa lập gia đình, để lại những người vợ trẻ, có người mang bào thai trong bụng.
          Nhà ngoại tôi năm người ra đi trên những chuyến tàu năm ấy: ông ngoại, hai người con trai và hai người con rể. Mới một tháng trước đó, nhà ngoại rộn rã với đám cưới của dì Bảy. Dượng Bảy người Tam Kỳ, mồ côi cả cha mẹ, đi bộ đội, đóng quân ở làng tôi, thầm yêu dì, rồi đơn vị đứng ra làm lễ cưới. Chỉ một tháng sau là đơn vị chuyển đi, đôi người đôi ngả.
          Ra miền Bắc rồi vào lại miền Nam chiến đấu, dượng tôi vẫn tìm cách liên lạc với gia đình. Thỉnh thoảng một lá thư gói trong bọc ni-lông bé tí chuyển đến nhà tôi giữa đêm khuya mang theo tin tức của dượng như một niềm hy vọng đáp lại nỗi trông chờ mòn mỏi của dì. Năm dượng đi, dì tròn 20 tuổi. Suốt 20 năm sau đó, có những người ngỏ ý, dạm hỏi, dì vẫn không lung lạc, với niềm tin sẽ có ngày dượng trở về. Gần cuối cuộc chiến tranh, tin tức của dượng về nhà thường xuyên hơn. Hình như lời cầu nguyện của dì linh ứng để dượng tránh hòn tên mũi đạn nơi chiến trường.
         Nhà tôi gần đường số 1. Mỗi ngày, sau khi đi làm đồng trở về, dì tôi thường ngồi trên bộ phản gõ ngoài hiên nhìn ra con ngõ, nơi ngày xưa dượng cùng những người đồng đội lần đầu đến nhà tôi xin chỗ trú quân.  Tháng 4 – 1975, những đoàn xe Molotova nối tiếp nhau chạy ngang trước nhà tôi để chuyển quân vào mặt trận phía Nam. Dượng tôi ở trên một chuyến xe đó. Hai mươi năm, dượng không quên người xưa nhưng đã quên cảnh cũ. Khi đến địa phận huyện Mộ Đức, dượng đảo mắt tìm xóm nhà quê vợ nhưng không nhận ra vì cảnh vật đổi thay. Đến khi dừng lại hỏi nhà, thì xe đã chạy vượt qua gần năm cây số. Trên đường tiến quân, đâu thể quay xe trở lại, dượng chỉ kịp nhờ một người đi đường báo tin cho gia đình và gửi tặng dì tôi một chiếc nón bài thơ mua trên đường hành quân.
         Những ngày sau đó gia đình tôi nao nức trong niềm vui chờ đợi. Ông ngoại tôi mất sớm trên miền Bắc, ba tôi hy sinh trên chiến trường đã tám năm, nỗi đau dần nguôi ngoai. Nhà có năm người ra đi, ba người trở về, cũng còn là may mắn. Dì Bảy tôi lại ngồi trước hiên nhà mỏi mắt nhìn ra đường cái. Nhưng hai cậu tôi lần lượt trở về mà dượng Bảy vẫn không tin tức. Những chiếc xe chở bộ đội hồi hương chạy qua không dừng lại. Gia đình dò hỏi các nơi, mãi đến cuối năm 1975 mới nhận giấy báo tử: dượng ngã xuống trong trận đánh ở Xuân Lộc, cửa ngõ phía đông bắc Sài Gòn, chỉ mươi ngày trước khi chiến tranh ngưng tiếng súng.
          Như trong một câu chuyện cổ, người kỵ sĩ ra đi trên lưng chiến mã, nhưng ngày chiến thắng chỉ có chiến mã trở về mà không bóng dáng người trên lưng ngựa. Dì tôi nén nỗi đau vào bên trong. Nhà tôi lập bàn thờ cho dượng. Tôi đã nhờ người về tận xã Tam Thanh, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam tìm gia đình dượng, nhưng không ai còn nhớ tên người lính cũ Nguyễn Ngọc Linh. Gần đây dò tìm danh sách liệt sĩ trên mạng, cũng không có thông tin gì để tìm mộ phần của dượng.
         Ngày hòa bình, dì tôi đã qua tuổi 40. Vẫn có người đàn ông để ý đến dì, nhưng lòng dì không còn rung động. Bà ngoại tôi ngày một già yếu. Những người con trai của bà về thăm ít ngày rồi lại đi ra thành phố. Những người con gái theo chồng theo con. Chỉ còn mình dì Bảy ở lại chăm sóc bà, trông coi nhà thờ giữa khu vườn ít bàn tay vun xới.
         Bà ngoại mất, mấy năm trước dì vào Sài Gòn sống với em, nhưng được ít lâu, nhớ quê, lại về sống một mình trong ngôi nhà cũ. Dì lại tiếp tục những bữa cơm vắng lặng như mấy mươi năm trước. Và mỗi buổi chiều muộn lại ra ngồi trước hiên nhà nhìn con đường kéo dài như nỗi chờ mong trong vô vọng. Đêm đêm ngọn đèn điện trên gian thờ lập lòe theo tiếng kêu của thạch sùng, có cảm giác như thời gian ngưng đọng đã từ lâu lắm. Mỗi lần về thăm, ngồi bên mâm cơm đạm bạc với dì, tôi chợt nghĩ nếu ngày đó dì đi bước nữa, thì liệu bây giờ dì có được hưởng hạnh phúc không. Hay là hồi trẻ dì “tự túc” một đứa con, theo lời khuyên trong một lá thư đẫm tình thương yêu của dượng, hẳn nay có chỗ trông nhờ và nguồn an ủi.
         Mùa lụt năm ngoái, sau những trận mưa dữ dội là những cơn xả lũ ác nhơn, vùng quê tôi nước tràn trắng trời trắng đất. Nhà ngoại tôi nước ngập đến lưng cửa sổ, gần bằng trận lụt năm Giáp Thìn. Nhớ hồi đó, tôi còn nhỏ, nhà tôi đông người, thôn xóm cho ghe đến tận nhà chuyển người và gia súc lên vùng đồi cao. Lần này, chỉ có dì Bảy với người cháu gái, nửa đêm nước dâng vào nhà bất thần, may có vài người bà con ở gần đến giúp đỡ kê bàn ghế để có chỗ nằm cao hơn mặt nước, chờ đất trời thu nước xuống.
         Mùa lũ dữ rồi cũng qua, vườn rau xanh trở lại. Những ngày này, dì tôi, bà Lê Thị Thỏa, một trong bao người phụ nữ bình dị đã đi qua chiến tranh, năm nay tròn 80 tuổi, đang ngồi một mình đợi Tết ở ngôi nhà gần cầu Vĩnh Phú thuộc thị trấn Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Nguyện cầu hồn thiêng những người đã ngã xuống độ trì cho dì bình an, trường thọ.
 
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Tác giả gởi cho viet-studies ngày 19-1-15

Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

Hai bài thơ



Từ Hoài Tấn                                

MỘT BUỔI CHIỀU CHỜ MƯA



Trong những ngày nghỉ cuối tuần
những người đàn ông và những người đàn bà
thường ra ngoài hiên trước
chờ cơn mưa vào buổi chiều
họ im lặng và húng hắng, thỉnh thoảng

Ngọn lá rơi nhưng không xuống đất
theo gió bay đi

Chúng tôi muốn có cuộc sống của chúng tôi
rất tự do và lực lưỡng

Đám trẻ con lên tiếng ở cuối chân trời
thế kỷ của chúng đang dần lộ mặt

Chúng tôi muốn có những cơn giông
và bão
chúng tôi muốn sạch sẽ thế giới

Có những cơn mưa vô cùng mong đợi
gội rửa cuộc đời

Những ngày nghỉ cuối tuần của nhân loại
trong buổi chiều chờ mưa




LÀM CÔNG CHỨC


buổi sáng đi làm không thấy ông già dịch ở cổng
nghe bảo vệ nói hôm qua đã đột tử
với cơn lên máu bất thần

ông già dịch mỗi buổi sàng uống cà phê đầu đường
lăng nhăng nhiều chuyện
gã giám đốc mèo mỡ với cô thư ký xinh đẹp
tên trưởng phòng bị vợ quậy ở cơ quan
chuyến đi biển mùa hè của tập thể nhân viên
không gì không biết
biết và viết trong đầu
cuốn sách đọc vào mỗi sáng sớm

kẻ già đã tự tuyệt thanh xuân
thiếu nữ điên cuồng sắc úa

tôi sống buồn như nỗi tự do
mỗi ngày lên cơn cùng khát vọng
nắn nót từng niềm vui
gậm nhấm nỗi cô đơn xỉ mốc

không thấy đống bụi bám trên chiếc quạt trần
ngày ngày vẫn quay tít
không thấy ngoài khuôn cửa kiếng màu trà
sự bình yên dấu mình trong cơn bão
cuộc sống như nhiều dòng nhạc từng thời
đã đi và quay lại

ly cà phê đen và buổi sáng nguội tanh
trầm ngâm mấy viên gạch lề đường
cuốn sách dở ra rồi khép lại
ai đã rời bỏ một con đường
nơi có sự chông gai, sự bào mòn của nỗi quen thuộc




Chủ Nhật, 18 tháng 1, 2015

Sài Gòn ăn uống

  •   Vương Hồng Sển
  • Thứ sáu, 11 Tháng 11 2011 15:22
Nay có ít câu về tô phở. Khi tôi từ Sóc Trăng năm 1947 chạy lên nầy. Tôi không được mục kích cảnh sống trên đất Sài Gòn nầy những năm tao loạn 1945-1946. Và khi tôi có được mụn con trai, lối những năm chung quanh 1950, vợ chồng tôi và con ngồi xe xích lô máy từ chợ Bà Chiểu xuống Sài Gòn nếm ba tô phở đường Turc. Rồi đưa nhau đi xem xi nê, rồi trở về nhà cũng bằng xích lô mà vẫn chưa xài hết 100 bạc (100$00).


Năm 1950, tôi làm công nhựt nơi viện bảo tàng trong vườn Bách Thảo, lãnh lương công nhựt 2,745$ mỗi tháng, thế mà đủ chi dụng. Thêm có dư mua sắm đồ cổ ngoạn theo sở thích. Tô phở đường Turc, anh Ba Bò bán mỗi tô 10$, gọi thêm chén thịt 5$ là ê hề. Thịt cục nào cục nấy lớn bằng một tô thịt vụn ngày nay. Đã thơm ngon thêm thật nới tiền, ngày nay còn nhớ và cũng nhớ luôn anh Ba Bò bán thịt rẻ vì là thịt của Chùa. Chùa này không phải chùa Phật mà vốn là thịt của Sở Thủy Binh Pháp. Người ta “chọt” và để nới giá cho anh Ba! Cùng lúc ấy, từ 1950 cho đến trào ông Diệm, khi quán cóc trước cửa thảo cầm viên chưa bị trục xuất để chỉnh trang vường bách thảo và đô thành. Lúc ấy nơi trước cửa vường mé bên Ba Son có một quán nhỏ bán café, người chủ quán vì tai nạn chiến tranh bị cắt mất một giò. Nên có biệt danh là “quán thằng Cụt”. Cụt ta đi nạng chống và mỗi lần xê dịch vẫn nhảy cò thọt còn mau lẹ hơn chim nắc nước. Và Cụt sở trường pha café rất đậm rất ngon, café buổi sáng hơi nghi ngút giá chỉ có một đồng rưỡi (1$50) một tách không sữa. Và ngày nay tôi thèm và tiếc nhứt, viết đến đây, đổ bọt oáp đầy họng. Tôi thèm nhứt là ổ bánh mì có nhét fromage, giá năm đồng (5$00) mỗi ổ, dài cỡ một gang tay, bánh mập như ổ 20 bạc hiện thời (1983), cắt hai ra, Cụt nhét fromage gruyère tràn tới ngoài, thêm hai cọng hành lá xanh tươi. Buổi ấy tôi còn răng, bánh giòn, fromage thơm thủm thủm (xin đừng chê hôi mà tôi cho miếng sandwich au fromage của Cụt sở thú). Ngày nay bánh giá đáng 50$ (25.000 cũ) không bì mà vẫn kiếm đố nơi nào có?

Thứ Năm, 15 tháng 1, 2015

Thiền - Nhìn từ phương thức "Thức Ngộ" đặc thù Phật giáo Á Đông

  •   Trịnh Văn Định
  • Thứ ba, 26 Tháng 3 2013 16:59
Thiền là sản phẩm trí tuệ của khu vực Đông Á, kết tinh của hai nền văn hoá lớn nhất của khu vực là Trung Hoa và Ấn Độ cổ đại, hơn nữa, là phương thức nhận thức con người có chiều sâu và được thử thách qua nhiều thời đại và trong khu vực cũng có những phương thức tu duy khác nhưng không tiêu biểu và đặc thù như Thiền.
Tất cả những gì hiện diện được hình dung là văn hoá đều nhằm phục vụ cho con người. Từ cổ chí kim, những khát vọng, những tìm tòi ở mọi nơi mọi chỗ trên hoàn cầu này đều nhằm từ tìm hiểu bản ngã đến thúc đẩy tha nhân văn hoá hơn. Thiền với tư cách là đặc phẩm Á Đông là một sáng tạo như vậy. Cái được gọi là Thiền Á Đông, được hình dung là một nội hàm đa diện. Từ góc nhìn giáo dục, Thiền là một Phương tiện đặc thù của Á Đông. Bài viết quan niệm Thiền như một sáng tạo của Á Đông trong nhận thức con người và thế giới và từ đó Thiền trở lại với tư cách là một phương thức đặc phẩm của Á Đông trong thức ngộ tha nhân.
1.   Từ nhận thức bản ngã và thế giới đến thức ngộ tha nhân
1.1. Từ nhận thức bản ngã  và thế giới…