Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

Giới thiệu thơ Châu Đăng Khoa



Nhận được tập thơ của bạn gởi tặng đã lâu, nay có dịp được giới thiệu trên blog này.
Chúc nhà thơ sáng tác dồi dào

THT

Châu Đăng Khoa biến ảo với thơ

Châu Đăng Khoa, một trong những guitarist hàng đầu VN, vừa cho ra mắt tập thơ Eo óc cung bậc (NXB Hội Nhà văn ấn hành). 

Châu Đăng Khoa biến ảo với thơ Châu Đăng Khoa biến ảo với thơ
Đây là tập thơ đầu tiên của người nhạc sĩ tài hoa này, nhưng sức nặng của câu chữ khiến người ta không thể coi anh là kẻ ngẫu nhiên tạt ngang vườn thơ.
Nhà nghiên cứu văn học Nhật Chiêu nhận xét thơ của Khoa là “những “giọt đắng” của đời đang “chìm lên” trong một ngôn ngữ xoáy lốc”. Cả giọng điệu, hình ảnh lẫn ngôn ngữ thơ anh đều cực kỳ phóng túng, với trập trùng cảm xúc và hình ảnh, lắm khi khiến người đọc không khỏi chênh chao.
Đâu đó ta bắt gặp những bài mà hơi thơ như “phất phơ buồn tự ngàn xưa thổi về” (Huy Cận): “Lan man cô liêu ngang qua đây/lòng mây bay quen ngày chưa đầy” (Đối âm), có những bài rung lên nhịp điệu tiêu dao: “Ghé chùa chơi/giày mới mua/vất bụi gai/đánh dấu chỗ nằm/mai trở lại” (Lệt phệt tôi).
Lại có bài gập ghềnh, chập chờn như thể người viết đang giữa cơn mộng du: “Ngựa phố ngựa thảo nguyên/bung buồn quỷ mị/ngựa điên dây cương ghị/dựng đứng kinh chiều/chuông ngân/thót xuống ngày cái tót…” (Vệt). Và có những bài đầy lấp vấp, ám ảnh trong “men ký ức”: “Nhớ em cuống quýt bàn tay/mở đêm phóng thích/cuộc này chang chang” (Thả)…
“Có khi gắp câu thơ qua bữa” - Châu Đăng Khoa đã viết như thể, đủ thấy với anh, thơ cũng đã trở thành một phần máu thịt.
Phạm Thu Nga
TNO 

Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

Thanh Tâm Tuyền (1936 -2006)

Đặng Tiến
Nhà thơ, nhà văn Thanh Tâm Tuyền qua đời trưa ngày 22 tháng 3-2006, tại thành phố Saint Paul, Minnesota, Hoa Kỳ, thọ 70 tuổi.
Thanh Tâm Tuyền là một tác gia chính yếu đã làm mới nền văn học Miền Nam, trước 1975, và góp phần tạo nên một khúc quành cho văn học Việt Nam nói chung trong nửa sau thế kỷ 20. Ông đã làm mới câu thơ, bài thơ, ý thơ và quan niệm thi ca Việt Nam. Ông cũng làm mới câu văn xuôi, cách kể chuyện bắt đầu từ  truyện Bếp Lửa.
TTTuyen 4 Dinh CuongÔng du nhập nghệ thuật phương Tây bằng cách đọc trực tiếp, không kinh qua trường học Pháp thuộc như các nhà văn, nhà thơ  lớp trước. Ảnh hưởng phương Tây do đó có tính cách trực tiếp, tự do và sáng tạo. Ngược lại, ông có khả năng thiết lập quan hệ hữu cơ và mật thiết giữa các bộ môn văn học và nghệ thuật : Thơ, Văn, Nhạc, Họa, như ở các nước phương Tây.
Về nội dung chính yếu, chất liệu trong thơ văn Thanh Tâm Tuyền là ý thức thất bại. Thất bại của con người trước định mệnh nói chung, cụ thể là sự bất lực của giai cấp trí thức tiểu tư sản Việt Nam trước thời cuộc. Viết văn, làm thơ, làm nghệ thuật nói chung, là cố gắng vượt qua sự thất bại đó, biến nó thành nghệ thuật.
Thanh Tâm Tuyền là người sâu sắc, uyên bác, tài hoa, nghiêm túc, tư cách và tiết tháo.
*

Chứng từ Thanh Tâm Tuyền (1 và 2)

Thanh Tâm Tuyền là một trong những nhà thơ tiên phong đổi mới tư duy thơ, một nhà thơ lớn có bóng bao trùm một miền thơ rộng của thế kỉ XX. Nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, cho đến nay, cả văn bản thơ và những suy tư về lối viết… của Thanh Tâm Tuyền chưa được giới thiệu rộng rãi. Đọc Thanh Tâm Tuyền có thể nhận thấy một bằng chứng khá thuyết phục rằng: kẻ làm thơ muốn đổi mới thơ cần có một quan niệm mới, một suy tư thật mới, một cách nghĩ khác, một tiếng nói khác. Nhận thấy việc cung cấp ít nhiều những “chứng từ tinh thần” của Thanh Tâm Tuyền (đã đăng trên Khởi hành với tên gọi là Âm bản) cho độc giả lúc này thích hợp và có nhiều ý nghĩa.
Dưới đây, http://phebinhvanhoc.com.vn xin trân trọng giới thiệu những suy tư giàu tính lí luận, độc đáo và sâu sắc của Thanh Tâm Tuyền về việc làm thơ, và viết văn…
Mai Vũ sưu tầm và giới thiệu
Chứng từ Thanh Tâm Tuyền (phần 1/2)

1. Đã lâu lắm tôi không làm thơ. Có đến mười năm. Tập thơ cuối cùng đã làm hồi 59 – 60. Không làm thơ mà cũng không đọc thơ. Nói cho đúng, xem rất nhiều nhưng đọc rất ít. Mà thơ làm ra không để xem mà để đọc. Đọc thầm một mình, đọc cho một người, hay đọc cho nhiều người nghe. Đọc là có tiếng, nghe tiếng dội của những tiếng.

Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

Ba bài thơ năm ngoái

Điều đáng kể


không thấy gì và không nghe gì 
tháng chín đi qua 
tháng chín đổi màu 
và tháng mười tới 
tháng mười đỏ 
rồi tháng mười một của đông phương hồng 
tháng mười hai cuộc đổ bộ của tự do 
cũng không thấy gì và không nghe gì 
những năm tháng không cần để nhớ 
cũng không cần phải quên 
bởi dù có hay không 
tin hay không tin 
cũng vậy 
như lịch sử là sự tổng hòa của dối trá và sự thật
em tặng ta một tấm tình 
đó là điều đáng kể



Kẻ khác


quên đi ngày tháng này 
có phải là điều dễ chịu
khi sống là 
từng ngày phải nghe phải thấy 
những điều trái tai gai mắt
khi sống là 
tự vây mình bằng nỗi ám ảnh bốn bức tường 
những ngày ước mơ như mây trời ngoài vuông cửa 
khi sống là 
tự mình đồng hóa với tên hèn mọn 
đâm ngọn dao vào quá khứ
khi sống là 
tự mình làm kẻ khác
kẻ khác và cuộc đời bình thường 
nhưng 
“ làm gì có cuộc đời bình thường 
chỉ là cuộc sống thôi!”



Hình nhân


nếu được chọn một công việc trong những ngày không có gì để làm 
tôi sẽ là hình nhân rơm rạ ngoài ruộng lúa 
canh giữ cho mùa màng 
ít ra đó cũng là điều lợi ích bé mọn 
điều có ý nghĩa hơn là suốt ngày ngồi than mây khóc gió 
     – những cuộc tình lỡ làng hay những cuộc hẹn hò thất bại 
lời ca ngợi nhau như những nọc độc êm ả
tôi chỉ muốn là hình nhân 
giữa đất trời thanh thoát 
hơn là giống loài nhai lại 
trên những con đường mòn làng quê
  
2014

Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2015

Qua mùa Xuân


Làm gì khi mùa xuân qua
Người phu quét lá và hoa tàn
Chợt nhận ra đất trời không có gì thay đổi
Chỉ có những người đi qua đường sáng nay
Cúi xuống lưng hơi còm một chút
Thấy trong vũng nước đọng cơn mưa bất chợt từ đêm qua
Khuôn mặt người đã khác

Làm gì khi mùa xuân qua
Người đã về nơi chốn cũ
Sau những ngày quê xưa
Chốn cũ ấy hay cuộc ra đi từ bốn mươi năm trước
Nơi ấy cũng là chốn cũ và trở về đây lại là quê xưa
Bằng hữu, người tình nằm vào dòng nào đó trong một trang quá khứ

Mùa xuân qua
Tàn hoa một thuở
Bóng chếch xuống bên thềm
Chiều nắng reo niềm cô độc
Vui như tiếng cười một giọng ngắn dài
Vang âm ngày tháng trống
Người già như lá cây
Mùa vàng lại tới
Để còn kịp thấy mùa xuân
Như lời hẹn thường hằng

Làm gì khi mùa xuân qua
Lại cũng chờ mùa xuân khác tới


TỪ HOÀI TẤN

Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

Thơ Cao Thoại Châu

CẢM XÚC TRÊN ĐƯỜNG PHỐ HUẾ

Không ở đâu thấy hò bằng mắt
mà giọng hò ngọt sắc như dao
chiều giăng mưa bủa lưới trên cầu
thương con sếu ngại rét đông cúm rúm

Thương cả hai người, em với bóng
chiều vàng nghiêng nón lá qua sông
để giọng hò em mát mái xuôi dòng
người ta đã xây bến đò Thừa Phủ

Đêm vườn ai đóa quỳnh nở sớm
thương kẻ si tình em cũng lớn theo hoa
trên vài cầu ai đợi ai qua
mà dưới chân cầu chỉ toàn là nước

Dậy rất sớm trái tim nồng thao thức
đêm không dài nghe bước chân qua
tiếng kinh ai tụng sớm trên chùa
tưởng giọng hò ngân ra thành sợi

Cảm xúc vỡ òa dưới mái cong Đại Nội
đêm về chấp chới tiếng dơi bay
nghe cơn mưa không rơi xuống tự trời
nghe trái tim sinh đôi trong lồng ngực

Của bầy chim bỏ xứ đi xa
gửi lại Huế nỗi sầu đá dựng
thương con sông dịu dàng ra biển
con sông không chịu mặn bao giờ

Huế của những ngày mưa mọc lên từ đất
có ai buồn bỏ Huế ra đi
nghe dòng sông thở giữa đêm hè
nghe đá nổi rùa kêu trong từng khúc ruột


Nguồn: blog cao thoại châu

Họa sĩ Lê Bá Đảng và phố Con Mèo Câu Cá ở Paris


Hoàng Phủ Ngọc Phan


                    
Từ truyền thuyết…
Ở Paris còn có một con đường phố vào loại hẹp nhất và ngắn nhất…thế giới được người Pháp trân trọng giữ gìn như một di sản văn hóa , tên là phố Con Mèo Câu Cá (La Rue Du Chat Qui Pêche).
Phố Con Mèo Câu Cá có chiều rộng 1m8. chiều dài 29m, nằm trong khu Đại học Sorbonne, thuộc địa bàn Quận 5. Đầu đường giáp bờ sông Seine. Cuối đường giáp phố đi bộ La Huchette. Phố Con Mèo Câu Cá ra đời từ năm 1540, vói những cái tên ban đầu là phố Etuves, phố Renard, Bouticles. Những cái tên đó chứng tỏ ngày xưa nơi đây từng là một khu phố lao động nhộn nhịp với những lò xông hơi, hàng quán… Năm 1926 nó được chính thức nhập địa bạ thủ đô Paris với tên La Rue Du Chat Qui Pêche. Cái tên đường phố không giống ai nầy xuất xứ từ một câu tục ngữ Pháp: Aller voir pêcher les Chats …( Đi xem những con mèo câu cá – Ý nói chuyện khó tin). Một chủ tiệm bán cá trong khu phố đã mượn câu tục ngữ đó làm chiêu bài để câu khách. Thế là chết tên con đường phố. Nhưng tại sao chủ tiệm lại lấy chiêu bài nầy? Tất nhiên phải có lý do. Theo truyền thuyết của người Pháp thì từ thế kỷ XV có một tu sĩ kiêm thuật sĩ giả kim đã sống ở đây với một chú mèo đen rất tinh khôn, có tài bắt cá. Mèo thường ngồi trên bờ sông, khoắng tay xuống nước một cái là chộp được một con cá. Nhiều người tin rằng cả nhà thuật sĩ là phù thủy và con mèo là trò ma quái của ông ta..Có ba chàng sinh viên rình bắt được con mèo, giết đi rồi ném xác xuống sông Seine. Mèo chết, nhà thuật sĩ cũng bỗng nhiên mất tích. Nhưng ít lâu sau người ta lại thấy ông trở về xóm cũ và con mèo đen của ông lại tiếp tục ngồi câu cá bình thản bên bờ sông Seine. Xem ra nhà thuật sĩ va con mèo là một và là một con quỉ. Nhưng con qủi ấy chẳng làm hại gì ai ngoài chuyện bắt cá để sống.

Đến tiểu thuyết
    Năm 1930, một cô gái người Hungary di cư đã sinh sống ở khu phố nầy. Cô vừa làm thợ,vừa làm thuê để kiếm tiền theo học Đại học Văn khoa.Từ dưới đáy của xã hội mà khu phố cô đang sống là một tụ điểm cô viết tiểu thuyết lấy tên là La Rue Du Chat Qui Pêche.
Tiểu thuyết dựng lại bi kịch về sự băng hoại của giới thượng lưu quí tộc châu Âu sau Chiến Tranh Thế Giới lần I (1914-1918). Chính trong khu phố nấy,người ta đã chứng kiến những cựu hoàng nước Đức, nước Lỗ, quí tộc dòng dõi Nga Hoàng, công nương nước Ý…sa cơ thất thế,phải kiếm sống bằng đủ nghề hạ lưu như đâm thuê, chém mướn,t rộm cướp, mại dâm, đĩ đực…Điểm sáng trong tiểu thuyết là hình ảnh một cô gái con của một gia đình lao động di cư, cố níu giữ lấy nhân phẩm bằng một niềm kiêu hãnh thầm lặng để vươn lên. (Đây cũng chính là nét tự truyện của tác giả).Tiểu thuyết được xuất bản và đoạt giải Grand Prix International ở Luân Đôn năm 1936. Cho đến nay, tác phẩm nầy đã được dịch ra 12 thứ tiếng. Điều này đã khiến cho cái khu phố mang tên La Rue Du Chat Qui Pêche trở nên nổi tiêng khắp châu Âu cùng với tác giả quyển tiểu thuyết là Jolán Foldes –còn được biết dưới những tên khác như: Yoland Foldes; Johan Foldes; Yolande Clarent (1902-1963).

Và hình ảnh Con Mèo trong tranh Lê Bá Đảng
     Năm 1941, Jolán Foldes rời Paris sang định cư ở Luân Đôn và tiếp tục sống bằng nghề viết văn.Trong thời gian nầy có một thanh niênViệt Nam tên Lê Bá Đảng người làng Bích La, Phủ Triệu Phong,Tỉnh Quảng Trị, sang Pháp trong chương trình tuyển mộ lính thợ - từng tham gia kháng chiến của Pháp và bị Đức Quốc Xã bắt làm tù binh. (Thế hệ lính thợ nầy đã được chính phủ Pháp bày tỏ lòng biết ơn và vinh danh vào năm 2010, thời tổng thống Sarkozy). Cũng như Jolán Foldes, Lê Bá Đảng vừa làm thợ vừa học và tại học viện nghệ thuật Toulouse. Ông cũng tích cực tham gia các hoạt động của kiều bào yêu nước từ thời chống Pháp sang đến thời chống Mỹ. Sau Chiến Tranh Thế Giới lần II (1939-1945),đời sống ở châu Âu cũng có dạng khủng hoảng tương tự như sau Thế Chiến lần I. Lúc nầy Lê Bá Đảng đã lập gia đình cùng với một phụ nữ người Nhật là bà Myshu và có một con trai đầu lòng,cuộc sống vô cùng khó khăn. Một hôm trên đường tìm việc, ông tình cờ lạc bước vào phố Con Mèo Câu Cá. Tự nhiên ông nẩy ra sáng kiến vẽ tranh con Mèo để bán. Không ngờ mặt hàng nầy rất được ưa chuộng. Một bức tranh trên tấm giấy nhỏ với vài nét bút sinh động, bán được vài quan (1 quan=1 đồng fr). Có tháng bán tới 160 con mèo. Thế là tạm đủ sống Ông còn đem tranh mèo in vào đĩa, càng bán chạy hơn .Cứ thế kéo gần năm năm, lấy ngắn nuôi dài trước khi ông khẳng định được tên tuổi của mình bằng tranh Lê Bá Đảng.
       Bây giờ Lê Bá Đảng là một họa sĩ tầm cỡ quốc tế. Năm 1989 ông được Viện Quốc Tế St Louis (Hoa Kỳ) tặng giải thưởng “Nghệ sĩ có tài năng lớn và tư tưởng nhân đạo”. Rồi Trung tâm tiểu sử quốc tế thuộc Đại học Cambridge đưa vào danh sách “Nhân vật nổi tiếng thế giới năm 1992-1993”. Năm 1994, được nhà nước Pháp tặng Huân chương Nghệ Thuật và Văn Học (Chevalier de l’Ordre des Arts et des Lettres). Năm 2005 ông được nhà nước Việt Nam tặng Huân Chương Chống Mỹ Cứu Nước
      Ngay cả người Pháp cũng chưa chắc mấy ai đã hiểu hết những nỗi đau xót và vinh quang đằng sau cái tên phố Con Mèo Câu Cá. Nhưng họa sĩ Lê Bá Đảng thì sẽ không bao giờ quên nơi đây là bước khởi đầu của sự nghiệp sáng chói của mình. Bởi vậy thỉnh thoảng, chúng ta vẫn còn bắt gặp trong tranh hoặc trong những chữ ký trên tác phẩm hội họa của ông hình ảnh con mèo. Phải chăng con mèo nầy chính là Con Mèo Câu Cá?
 
     Trong chuyến công du sang Pháp năm 1993,thủ tướng Võ Văn Kiệt đã dành thời gian gặp gỡ hai nhân vật tiêu biểu trong giới Việt kiều yêu nước ở Paris là nhà khoa học Hoàng Xuân Hãn và họa sĩ Lê Bá Đảng. Nhân  dịp nầy, họa sĩ đã tặng thủ tướng một tác phẩm điêu khắc rất có giá trị của mình và bức tượng ấy được thủ tướng mang về trưng bày ở phòng khách tại nhà riêng ở đường Tú Xương, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
    Sau năm 1975, họa sĩ Lê Bá Đảng đã về thăm làng Bích La của mình và để lại nơi ấy một số công trình phúc lợi cho bà con họ hàng. Nhưng quan trọng nhất là Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng ở Huế - nơi được họa sĩ lưu ký hàng tăm tác phẩm hội họa và điêu khắc quan trọng nhất.

Họa sĩ Lê Bá Đảng đã từ trần vào 1g15 (giờ Paris) ngày 7.3 2015 ở tuổi 94 . Chiều 9.3.2015, sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Thừa Thiên-Huế đã tổ chức lễ tưởng niệm họa sĩ Lê Bá Đảng tại trung tâm này. Sau cùng còn một việc nên nghĩ tới. Đó là cần có một con đường mang tên ông, nhất là ở những thành phố có đời sống văn hóa cao.

                                                                                    HOÀNG PHỦ NGỌC PHAN

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 10-3-15

Nguồn : viet-studies.info

Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

Đọc thơ và hiểu thơ




(GDVN) - Đọc và hiểu thơ quả không đơn giản chút nào. Không phải chỉ đối với những bài thơ viết bằng chữ Hán mà ngay cả với thơ tiếng Việt, việc hiểu thơ cũng không dễ.


LTS: Ngày thơ Việt Nam năm 2015 vừa được tổ chức khá hoành tráng trên nhiều địa phương cả nước. Và có mấy ai thực sự biết đọc thơ và hiểu thơ? Chưa kể đọc, hiểu rồi còn dạy học trò làm được điều đó? Nhà giáo Nguyễn Cẩm Xuyên đã có một bài viết rất thú vị về chuyện này, Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Thơ là khách thể; tôi là chủ thể. Đọc thơ là mới bước vào ngưỡng cửa của lâu đài thơ. Vào và xem gì - có thấy được gì không thì còn là vấn đề. Có khi vào rồi nhưng mắt người xem chẳng thấy chi - hoặc có thấy nhưng lại qua lăng kính riêng của mình thành ra cái vốn có của thơ bị biến dạng đi. Cũng nhiều khi kiến văn của người xem thơ hẹp cộng với cái chủ quan khiến cái hiểu cũng lệch lạc.
Ta đã từng được nghe nhiều người bình thơ hùng hồn nhưng nội dung sai lạc. Có người bàn về hình tượng “bướm” trong thơ Nguyễn Bính đã cho rằng ý nghĩa hình tượng này là “thiếu khí cốt, là nhảm”, có người cho rằng Nguyễn Khuyến khi viết “một tiếng trên không, ngỗng nước nào” là để tả trời… Có người giảng thơ Hồ Chí Minh cứ khen mãi cái hay của chữ “rát mặt” trong câu “Rát mặt đêm thu trận gió hàn” của bài thơ Giải đi sớm, mà không biết từ này là của người dịch thơ đã dịch ép chữ “nghênh diện” trong nguyên tác Tảo giải của Ngục trung nhật kí.
Có người hiểu biết nhiều nhưng khi bình, nặng chủ quan nên cũng đôi khi nhầm lẫn. Nhà thơ rất nổi tiếng là Xuân Diệu bình bài thơ Đề miếu Sầm Nghi Đống của Hồ Xuân Hương, đến câu “Ghé mắt trông lên thấy bảng treo” thì cứ khăng khăng phải là “Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo” thì mới đúng, mới thể hiện được khí phách… mà quên mất rằng chữ “lên” đã rành rành trong bản thơ Nôm lưu trữ (1).

Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015

Vĩnh biệt Lê Bá Đảng - họa sĩ tài ba của VN


TT - Ngày 9-3, bà Đinh Thị Hoài Trai - giám đốc Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng - cho biết họa sĩ Lê Bá Đảng đã từ trần vào 1g15 (giờ địa phương) ngày 7-3 ở tuổi 94 tại Paris (Pháp) do tuổi cao sức yếu. 

Tiễn biệt ông - một họa sĩ tài danh, Tuổi Trẻ giới thiệu bài viết của nhà văn Tô Nhuận Vỹ.
Trong phút giây đau buồn khi nghe tin anh ra đi, tôi muốn thầm nói đôi lời tiễn anh về chốn vĩnh hằng mà không sao nói được...
Tang lễ của họa sĩ Lê Bá Đảng được tổ chức tại nhà riêng của họa sĩ ở Pháp.
Chiều 9-3, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Thừa Thiên - Huế cũng đã tổ chức lễ tưởng niệm họa sĩ tại Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng với sự có mặt của đông đảo văn nghệ sĩ cùng những người yêu mến nghệ thuật và con người Lê Bá Đảng.
Nói gì về anh? Viết gì về anh? Người ta đã nói, đã viết quá nhiều rồi. Chúng tôi cũng đã viết, đã nói không ít về anh. Về Bàn chân Giao Chỉ, về Hạt gạo Trường Sơn, về Ngựa, về Mèo, về Mắt, về Thiền xanh, về Tranh hai mặt, về Nghệ thuật sắc không, về Tấn tuồng nhân loại, về Cõi người ta, về Không gian Lê Bá Đảng, về Hàng rào mỹ thuật trên chính vùng đất ngày xưa người Mỹ xây dựng hàng rào điện tử McNamara, về các đài liệt sĩ theo mô hình thành Cổ Loa trên khắp đất VN...
Tôi lần giở từng lá thư anh gửi cho tôi từ buổi sơ giao cho tới ngày anh còn có thể cầm bút, những câu chữ chân chất, đất cát, bộc trực đẫm chất làng quê.
Về dự tính Bức tranh khổng lồ trên vùng Bàu Hồ, anh viết: “Tôi đã đọc lui đọc tới hai ba lượt thư anh. Anh có lý. Vì đây là “có một không hai”. Tôi cũng biết tôi được ưu đãi hơn ai hết. Nhưng anh để tôi nói rõ ý kiến của tôi là: muốn làm một cái chi ở Huế chưa hề đâu có, để làm giàu cái văn hóa Huế và dựng lên một cái chi mà chưa ai có, cho đến cả Trung Hoa, Thái Lan, Miến Điện, Nhật Bản... mà cũng không có, là: một tranh rất lớn nằm ngửa trên mặt đất, con người có thể dạo chơi trên tranh (với giày mềm thuê của tôi). Anh cần nói rõ ý định của tôi với lãnh đạo. Những ý nghĩ tham lam của tôi là làm sao để Huế trở nên một kinh đô mỹ thuật” (thư ngày 5-3-2008).
Thụy Khuê viết về dự tính này của anh: “Ông muốn dựng Cõi người ta trên đất Huế, tâm của đất Việt”. Lãnh đạo Thừa Thiên - Huế đã ủng hộ ao ước lớn này của anh; tiếc rằng bởi nhiều lý do, dự án này chưa thực hiện được.
Tôi nhớ tới lời của họa sĩ Trần Khánh Chương - chủ tịch Hội Mỹ thuật VN - đã nói trong một bộ phim về anh gần đây: “Lê Bá Đảng có tác phẩm gần như ở tất cả các thể loại của mỹ thuật và với thể loại nào ông cũng ở đỉnh cao”.
Và không ít lần anh viết cho tôi về quãng thời gian anh vẽ tranh chống giặc. Anh viết: “...Hồi còn nghèo, phải vẽ để kiếm ăn từng bữa, giữa một xã hội rất bỡ ngỡ làm người VN giữa bọn giặc. Từ ngày đầu kháng chiến chống Pháp cho đến chống Mỹ là tôi hoàn toàn vẽ tranh chống giặc, may là nhà tôi để cho tôi tự do, ít tiền nhưng lo đủ sơn, cọ, giấy, vải để tôi vẽ tranh chống giặc. Nhiều tranh tôi trang trí Đại sứ miền Nam hồi ấy, (tranh) về nhà những người yêu nước và yêu tranh Lê Bá Đảng về chuyện chống giặc... Không phải kể lể khoe khoang nhưng nếu có dịp nên cho mọi người VN biết là chúng tôi ở nước ngoài nhưng đã giúp vào chống giặc cùng bà con bên nhà...”.
Tôi muốn nói, và khẳng định, điều này: Chính vì luôn đau đáu nỗi niềm thương nước, luôn khát khao một nước VN độc lập và thống nhất, Lê Bá Đảng (và cả Điềm Phùng Thị) thủy chung với Hồ Chí Minh. Thủy chung trọn đời.
Năm ngoái, đoàn làm phim Từ Bích La đến sông Seine của đạo diễn Đặng Nhật Minh, Lê Cẩm Tế, nhóm bạn Pháp và tôi phải tranh thủ quay bất cứ hình ảnh nào của anh, bất cứ câu nói nào mà anh còn có thể nói, để chắt ra, lọc ra từng mét phim về anh, bởi anh đã quá yếu rồi. Vậy mà hôm từ mộ con trai anh trở lại nhà anh, cả đoàn sững ra. Anh ngồi dựa vào góc salon, dưới chân là cái túi đựng một bộ áo quần. Hỏi anh tính làm chi đó, anh có vẻ ngạc nhiên: “Đi về làng Bích La mình chớ làm chi nữa!”.
Nào anh, cùng chúng em đi về làng mình đi anh...
Bậc thầy của hai thế giới Đông - Tây
Họa sĩ Lê Bá Đảng sinh ngày 27-6-1921 tại làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Năm 1939, ông sang Pháp trong đoàn lính thợ của quân đội nước này, tham gia vào những đội quân chống phát xít và bị Đức quốc xã bắt làm tù binh. Sau đó, ông học tại Học viện nghệ thuật Toulouse.
Năm 1950, lần đầu tiên ông triển lãm các tác phẩm của mình tại thủ đô Paris (Pháp), sau đó trở thành một họa sĩ nổi tiếng ở châu Âu.
Năm 1989, ông nhận giải thưởng “Nghệ sĩ có tài năng lớn và tư tưởng nhân đạo” của Viện quốc tế Saint Louis của Mỹ.
Năm 1992, ông được Trung tâm tiểu sử quốc tế thuộc Đại học Cambridge của Anh đưa vào danh mục những người nổi tiếng thế giới.
Năm 1994, ông được Nhà nước Pháp tặng Huân chương Văn hóa nghệ thuật.
Ông được gọi là họa sư và giới nghệ thuật đánh giá là bậc thầy của hai thế giới Đông - Tây. Họa sĩ Lê Bá Đảng đã sáng tạo ra một phương pháp nghệ thuật được gọi tên là “Không gian Lê Bá Đảng” (Lebadangspaces).
Năm 1992, ông thực hiện cuộc triển lãm đầu tiên ở quê hương VN ngay tại làng quê Bích La Đông.
Năm 2006, Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng đã được xây dựng và đi vào hoạt động để trưng bày tác phẩm của họa sĩ Lê Bá Đảng tại địa chỉ 15 Lê Lợi, TP Huế.
Tác phẩm Bàn chân Giao Chỉ - Ảnh: Ngọc Hiển
Tác phẩm Bàn chân Giao Chỉ - Ảnh: Ngọc Hiển
Tác phẩm Hạt gạo, đồng thời là vọng gác bảo vệ Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng tại Huế - Ảnh: Thái Lộc
Tác phẩm Hạt gạo, đồng thời là vọng gác bảo vệ Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng tại Huế - Ảnh: Thái Lộc
Tác phẩm Cõi người ta - tác phẩm độc bản mà Lê Bá Đảng cho biết: “Đây là một loại tranh rất quan trọng đối với tôi. Yêu cầu tỉnh Thừa Thiên - Huế gìn giữ cẩn thận cho con cháu mai sau!” - Ảnh: T.L.
Tác phẩm Cõi người ta - tác phẩm độc bản mà Lê Bá Đảng cho biết: “Đây là một loại tranh rất quan trọng đối với tôi. Yêu cầu tỉnh Thừa Thiên - Huế gìn giữ cẩn thận cho con cháu mai sau!” - Ảnh: T.L.
Nhà văn TÔ NHUẬN VỸ

Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2015

Những bức tranh đắt nhất thế giới

Những họa sĩ tài năng khi xưa hẳn đã không thể ngờ rằng, tác phẩm của họ khi truyền lại cho hậu thế lại trở thành những tài sản vô giá. Giá trị của những tác phẩm đó sẽ còn tiếp tục được nâng lên theo thời gian.

1. Bức “Nafea Faa Ipoipo” – 300 triệu USD
Bức tranh sơn dầu 'Khi nào em lấy chồng?' (Nafea Faa Ipoipo) vẽ năm 1892 được bán với giá gần 300 triệu đô la.
Bức tranh sơn dầu ‘Khi nào em lấy chồng?’ (Nafea Faa Ipoipo) được hoàn thành năm 1892 của họa sĩ người Pháp Paul Gauguin.

Báo chí cho biết bức tranh sơn dầu “Khi nào em lấy chồng?” (Nafea Faa Ipoipo) vẽ năm 1892 được bán với giá gần 300 triệu đô la, phá kỷ lục 250 triệu mà Qatar đã trả cách nay ba năm để mua bức tranh “Những người đánh bài” (The Card Players) của Paul Cezanne.
Các cơ quan truyền thông nói rằng tiểu vương quốc này cũng chính là người mua tranh “Khi nào em lấy chồng?” từ một quỹ tín thác của một gia đình người Thụy Sĩ.
Bức tranh này, theo lịch trình đã định, sẽ được mang ra triễn lãm tại một số thành phố trên thế giới, trong đó có Washington vào tháng 10 năm 2015.
Ông Rudolf Staechelin, người quản lý quỹ tín thác gia tộc Staechelin, cho tờ New York Times biết rằng người mua tranh sẽ nhận tranh vào đầu năm tới.

Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2015

Cuộc đời nghệ sĩ của vua Hàm Nghi

Ngoài hình ảnh một vị vua yêu nước trong thời kỳ Pháp thuộc, bị đày lưu vong tại Alger (thủ đô Algeria) cho đến hết đời, vua Hàm Nghi còn là một nghệ sĩ, họa sĩ. 

Bức tranh Chiều tà từng được bán đấu giá tại Pháp - Ảnh: T.L
Bức tranh Chiều tà từng được bán đấu giá tại Pháp - Ảnh: T.L
Cháu gái đời thứ 5 tìm về tổ tiên
Chiều 5.3, hội thảo với chủ đề Vua Hàm Nghi: Một cuộc đời nghệ sĩ, do Trung tâm văn hóa và hợp tác Pháp tại TP.HCM tổ chức, với diễn giả là cô Amandine Dabat, nghiên cứu sinh tiến sĩ lịch sử mỹ thuật VN của Đại học Paris IV - Sorbonne, đã diễn ra tại Thư viện khoa học tổng hợp TP.HCM.


Cuộc đời nghệ sĩ của vua Hàm Nghi - ảnh 2               Ảnh: P.C.T
“Hiện nay, phần lớn các tác phẩm của vua Hàm Nghi được lưu giữ trong các bộ sưu tập cá nhân của gia đình tôi cũng như tại các gia đình hậu duệ của bạn bè vua Hàm Nghi. Sinh thời, vua Hàm Nghi không bán tranh mà chỉ tặng cho những người thân cận”, cô Amandine Dabat cho biết.

Trẻ trung, duyên dáng với nụ cười thường trực trên môi, cô gái sinh năm 1987 Amandine Dabat, cháu gái - hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi theo nhánh công chúa Như Lý - một trong 3 người con của vua Hàm Nghi, dễ dàng giành thiện cảm từ những người tham dự buổi thuyết trình mà cô có mặt với vai trò là một diễn giả. Amandine rặt Pháp, nhưng đã dành cả tuổi trẻ của mình để tìm hiểu về cội nguồn và quyết định chọn đề tài luận văn tiến sĩ về cuộc đời và khía cạnh nghệ thuật, họa sĩ của vua Hàm Nghi.
Không ít người dự khán xúc động khi nghe cô chia sẻ: “Từ trong sâu thẳm, tôi luôn ý thức về gốc gác, tổ tiên của mình là người Việt. Dù ở Pháp ít người biết về vua Hàm Nghi, nhưng tự thân tôi mong muốn được tìm hiểu về con người đáng tự hào của ông nên khi học lên tiến sĩ, tôi quyết định chọn đề tài về ông để làm luận văn tốt nghiệp. Các thành viên hậu duệ gia đình vua Hàm Nghi chúng tôi đã từng tới VN du lịch với mong muốn khám phá quê hương tổ tiên mình”.
Mục đích của buổi hội thảo là giới thiệu cuộc đời nghệ thuật của vua Hàm Nghi, điều mà hầu như chưa được biết đến, và phác thảo hành trình đến với nghệ thuật của ông trong thời gian lưu đày. Chính phủ Pháp, với mong muốn “Pháp hóa” vua Hàm Nghi, đã thấy được thiên hướng hội họa của ông và đề nghị ông học vẽ dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Marius Reynaud. Từ đó, ông gặp gỡ các nghệ sĩ khác tại Alger, cũng như tại Paris, nơi ông nghỉ hè mỗi hai năm từ năm 1893. Vua Hàm Nghi cũng được học điêu khắc cùng Auguste Rodin. Hoạt động nghệ thuật trong bối cảnh bị lưu đày, đối với vua Hàm Nghi là một cơ hội giúp ông tìm lại mối dây liên kết với Đông Dương. Đến với nghệ thuật, ông được thỏa sức sáng tạo và thể hiện tình cảm của mình với đất mẹ VN.
Người mở đầu cho lịch sử hội họa VN hiện đại
Nhà VN học nổi tiếng N.I.Nikulin người Nga từng nhận định về vua Hàm Nghi rằng: “Số phận đã đưa đẩy ông trở thành người sáng lập nền hội họa hiện đại VN. Vua Hàm Nghi có vị trí vinh dự trong lịch sử dân tộc, không chỉ vì cuộc đấu tranh cho tự do, chống lại chủ nghĩa thực dân, mà còn vì nền hội họa của VN”.
Lên ngôi từ tuổi 13, vua Hàm Nghi trị vì được vài năm thì bỏ ngôi đi kháng chiến rồi bị lưu đày. Ông học vẽ, học nặn tượng trong những ngày lưu vong. Ông có tài chụp ảnh, vẽ tranh, nặn tượng theo các trường phái nghệ thuật Tây phương. Năm 1926, ông có cuộc triển lãm tranh ở thủ đô Paris, và với sự kiện ấy, vua Hàm Nghi cùng với họa sĩ Lê Văn Miến được xem là hai người đi tiên phong vào nền hội họa sơn dầu theo kỹ thuật Tây phương, mở đầu cho lịch sử hội họa VN thời hiện đại. Rõ ràng, vua Hàm Nghi đã trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp, bởi ông là người VN đầu tiên triển lãm tranh, tượng tại Paris, chỉ kém một năm so với sự kiện thành lập Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội vào năm 1925.
Vua Hàm Nghi vẽ nhiều phong cảnh Algeria và Pháp, bằng phong cách hội họa phương Tây với cái “hồn” VN. Tranh của ông được đánh giá cao về hai mặt tình cảm và nghệ thuật, như lời của Amandine nghiên cứu: “Tranh cấu trúc chặt chẽ, màu sắc chọn lọc, nội dung đi tìm cái đẹp của thiên nhiên, nhưng kín đáo, trầm buồn, u uẩn bởi nghệ thuật là phương tiện để ông thể hiện sự hoài nhớ quê hương. Ông sáng tác nhiều, như vẽ tranh sơn dầu, phấn tiên, điêu khắc đồng, thạch cao... Nếu như phần lớn chủ đề tranh của vua Hàm Nghi là phong cảnh, thì trong điêu khắc, Hàm Nghi tìm cách thể hiện những khuôn mặt phụ nữ, hay con người, qua những bức tượng bán thân. Hàm Nghi luôn thể hiện như một nghệ sĩ phương Tây và một nghệ nhân VN”.
Tác phẩm tiêu biểu trong cuộc đời nghệ sĩ của vua Hàm Nghi là bức tranh Déclin du jour (Chiều tà), sáng tác năm 1915. Đây được xem là một phát hiện kỳ thú của lịch sử mỹ thuật VN khi có một họa sĩ vẽ theo cách của phương Tây từ rất sớm - thời điểm sớm hơn các tranh ra mắt của nhiều họa sĩ VN tiền bối như Nam Sơn, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, Lê Phổ, Lê Văn Đệ… Đây cũng là tác phẩm của cựu hoàng phát hiện được dưới nghệ danh Xuân Tử khi bán đấu giá ở Paris ngày 24.11.2010 với giá 8.800 euro.
Đáng tiếc là vào năm 1962, căn nhà ông sống ở Algeria bị cháy trong một cuộc chiến tranh tại đây nên tác phẩm của ông không còn nhiều.
Cuộc đời nghệ sĩ của vua Hàm Nghi - ảnh 3
Vua Hàm Nghi (Nguyễn Phúc Ưng Lịch) sinh ngày 3.8.1871, mất ngày 14.1.1944, là vị hoàng đế thứ 8 của nhà Nguyễn - vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử VN. Ngày nay, VN xem ông, cùng với các vua chống Pháp như Thành Thái, Duy Tân, là 3 vị vua yêu nước trong thời kỳ Pháp thuộc. Tháng 11.1888, chính phủ Pháp đưa vua Hàm Nghi sang lưu đày cho tới cuối đời tại Alger để chấm dứt phong trào Cần Vương.
Phan Cao Tùng
thanhnien.com.vn

Thứ Tư, 4 tháng 3, 2015

Gặp cháu ngoại vua Thành Thái thầm lặng cống hiến cho cố đô Huế

Dân trí Một câu chuyện về sự tình cờ, bén duyên của những thế hệ còn lại dòng dõi vua Nguyễn từng đóng đô tại Huế cho chúng tôi nhiều xúc động về nhiều việc làm có ý nghĩa với tổ tiên của cô Monie Phương (Công Tôn Nữ Y Phương) – cháu ngoại vua Thành Thái.

Chuyến về Huế định mệnh
“Tôi sinh ra tại Pháp, mẹ tôi người gốc Huế là công chúa Lương Mỹ, một trong nhiều người con của vua Thành Thái. Cha tôi là người Campuchia. Sau khi mẹ sinh ra tôi một thời gian ngắn thì không mất do bị bạo bệnh. Từ lúc nhỏ đến lớn tôi chưa lần nào về quê hương Việt Nam. Năm 2004, khi tôi làm nghề về du lịch có cơ hội đi cùng đoàn văn hóa khảo sát du lịch ở Capuchia. Chúng tôi về Việt Nam để tìm hiểu tiềm năng du lịch. Tự nhiên đến những vùng đất từ Bắc tới Nam ở đất nước hình chữ S, tôi cảm thấy bị thu hút. Và lúc đặt chân đến Huế, dù chỉ vài ngày nhưng nó hút hồn, mê hoặc tôi dữ lắm. Nhiều di tích lịch sử của vua chúa tạo nên một cảm giác bồi hồi không thể diễn tả hết” – cô Monie Phương nhớ lại lúc quay trở về cố hương lần đầu tiên, khi ấy cô đã hơn nửa cuộc đời, 50 tuổi tròn.
Sau chuyến đi đó, cô Monie nhớ Huế vô cùng. Đúng 1 tháng sau, cô một mình đi về lại Huế theo đường xe để tận mắt thấy và cảm nhận phong cảnh hai bên đường nhiều hơn. Không biết một chữ tiếng Việt, cô tìm cách học qua một số thầy tu ở chùa, hay nhờ một số bạn bè mới là Phật tử hay chở cô đi thăm lăng tẩm dạy từng từ một qua các đồ vật cụ thể gặp ở bất cứ chỗ nào đi qua. Cô đã tìm đến với ban đại diện Nguyễn Phước tộc tại Huế – nơi liên lạc của dòng họ các vua Nguyễn, và tìm hiểu dần về nguồn gốc của gia đình mình, nhưng cô hầu như “kín tiếng”, ít nói với ai nguồn tích của mình để tự thân làm những gì mà bản thân mách bảo.
Và cứ thế, mỗi năm cô dành 18 ngày nghỉ phép cộng với 24 ngày nghỉ lễ quốc gia dành rồi gói ghém đồ đạc về Huế đều đặn. Trong khoảng thời gian đi qua qua lại lại giữa 2 nước, cô chăm chỉ học tiếng Việt từ những Việt kiều tại Campuchia. Cách viết tiếng Việt cô cũng linh động học theo từ bộ từ ngữ tiếng Pháp, vì cô cho rằng tiếng Pháp có cách nói và viết giống nhau về chữ, nên tiếng Việt cũng vậy do chữ Quốc ngữ có nguồn gốc từ nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes người Pháp sáng tạo thành. Thành thử, việc tự học đem lại rất nhiều hiệu quả, không mấy chốc, tiếng mẹ đẻ của cô thuần thục nhanh chóng.
Với tình cảm trong người là mong muốn đi tìm lại dòng họ của mình, cô đã trải qua không biết bao nhiêu chặng đường dài trong những ngõ ngách ở xứ Huế. Đền đài, di tích, lăng tẩm, mộ phần, thiên nhiên ngày càng tích tụ một thứ tình cảm của “đất mẹ”, thấm dần vào trong tâm khảm cô, và tạo nên ý nghĩ cho cô phải làm một điều gì đó có ích.
Hành trình tu sửa lăng mộ cho cha ông
“Phủ đầu tiên tôi vào là Hoàng Hóa Quận Vương (con thứ 66 vua Minh Mạng, phủ ở đường Tô Hiến Thành – PV) gây một cảm xúc mạnh mẽ. Thời gian sau đó tôi cứ đi hết chỗ này đến chỗ khác, quan sát và thấy nhiều mộ xưa không được bảo quản, hư hỏng nặng thấy xót lắm. Có mộ bị hỏm những lỗ sâu vào trong, người ta nói bị ăn trộm vô đào vàng vì các mộ họ hàng vua chúa xưa thường có bỏ đồ trang sức quý để chôn cùng. Sau mỗi lần đi, về chỗ nghỉ là tôi lại vẽ sơ đồ chi tiết như đi bao nhiêu bước tới mộ nào, có vật nào làm dấu. Rồi liên hệ mấy anh em bên Nguyễn Phước tộc đi khảo sát với tôi để lên phương án sửa chữa.
Gặp cháu ngoại vua Thành Thái thầm lặng cống hiến cho cố đô Huế
Cô Monie Phương đang lật lại cuốn gia phả dòng họ, xem những mộ phần mà mình đã tu sửa