Thứ Ba, 23 tháng 8, 2016

http://baotreonline.com/tu-hoai-tan/

Từ Hoài Tấn

 
Nhà thơ Từ Hoài Tấn sinh tại Huế, hiện sống tại Sài Gòn. Blog: http://tuhoaitan.blogspot.com/ . Sáng tác từ 1964. Thơ văn đã xuất hiện từ những năm 1960, 1970 trên các tạp chí Văn Nghệ tại Sài Gòn và một số diễn đàn mạng sau 1975. Mười lăm năm giang hồ vùng sông nước và bưng biền của vùng Ðức Hòa Ðức Huệ Tỉnh Long An trước khi định cư cùng gia đinh tại Sài Gòn năm 1994.
Tác phẩm đã xuất bản: Hành tinh phiêu lạc (thơ 2003 – NXB Thuận Hóa); Tự tình với Huế (In chung – NXB Trẻ 2004); 1000 Nhà thơ Huế đương thời (In chung – NXB Hội Nhà Văn 2006); 700 năm thơ Huế (In chung – NXB Thuận Hóa 2006); Những dòng sông đêm (in chung cùng Viêm Tịnh, Nguyễn Miên Thảo, Lê Ngọc Thuận  – NXB Thuận Hóa 2007); Bông và Giấy  – 30 tác giả hôm nay (In chung – NXB Lao Ðộng 2010); ÐI, ÐỨNG VÀ CHẠY … VỚI THỜI GIAN  (thơ – NXB Hội Nhà Văn 2012); PHỤC HƯNG TÔI & EM (thơ – NXB Hội Nhà Văn 2013); MẤY KHÚC ÐOẠN GIANG HỒ (Thơ lục bát – Cuồng Biển thực hiện 2016).
Thơ của Từ Hoài Tấn dung dị mà lắng đọng, hình ảnh và tiết tấu thật đẹp. Có những khổ thơ được sử dụng điệp ngữ tạo hiệu ứng ray rứt, khắc khoải. Ông có ý tưởng thâm trầm, tra vấn thời gian. Phần lớn thơ ông là thơ tình, thấp thoáng tâm tình và bối cảnh đời sống thị dân. Thận Nhiên.
tu-hoai-tan
Khi mùa mưa bắt đầu

Cơn mưa đi qua ánh sáng của ngày
Khúc hát ru chiều sẩm tối
Người thanh niên đứng trong ngõ hẻm cụt nói rằng
Môi hôn trên cây và nụ cười trên gió

Cuối tháng này có một cuộc dạo chơi
Của hai người không hẹn gặp
Những cây vẫn đứng trên đỉnh đồi
Mùa hạ hanh nồng nỗi mong đợi ai đó

Tại sao không là em những ngày ngồi cùng nhau dưới mái hiên quán vỉa hè
Là những cuộc trò chuyện mùa thu êm dịu
Gió và nắng – đi và đứng – bên ngày dài
Không bắt đầu và không kết thúc

Tại sao không là ta có không ngày và đêm của tháng và năm
Ði quẩn quanh bên bờ vực của hồi ức
Ở đó có không mùi ánh sáng của vị giác bốc hơi
Một thời tuổi trẻ không có gì đáng nhớ

Em thân yêu – những giọt nước trong veo hứng vào lòng bàn tay
Chiều không xanh trên đại lộ
Chiều thẳng tắp hai hàng me cao tuổi bên đường
Chiều môi hôn hờ hững cuộc tình thấy lạ

Ta cùng em – đứng bên lề năm tháng nghĩ ngợi gì
Ðôi con mắt dõi theo một khoảng xanh trong chiều xám
Còn lại âm hưởng xa vẳng bài tình ca
Khi mùa mưa bắt đầu trở lại

Sài Gòn, mùa Xuân

năm tháng sẽ làm đẹp cho mùa màng
những ngày đông sắp hết
hoa lá trở lại
mới tinh khôi
như tình em
vừa được tân trang lại
ấy là nụ hôn vào buổi sáng gặp nhau ở một lề đường vắng
(không thể hôn nhau giữa chốn đông người)

có một vài chiếc lá không muốn rời đi
vẫn đu đưa bài hát muộn màng với gió
tôi sẽ về đâu sẽ về đâu
hoá vàng bay hoá vàng bay
vực thẳm đời tan nát

có một vài búp hoa nghẹn nở
vẫn nuối thời sơ sinh
tôi không muốn đâu không muốn đâu
là một sớm rực rỡ
để rồi đêm tăm tối tàn phai

có một tấm lòng ước vọng trinh nguyên
như tuổi xanh như chồi biếc
tôi sẽ không dậy lớn với thời gian
sẽ không thành lá xanh trên ngọn
để cuối con đường vật vã biệt tăm

có một vài ngày trong một tháng
một vài tháng trong một năm
là mùa Xuân
ở lại cùng cỏ cây hoa lá
cùng sự bất diệt
của niềm vui

những ngày tháng chạp

cơn gió lắt lay
ngày se se hơi thở của mùa màng cuối năm
đi trên đường hay ghé vào vỉa hè
tìm hơi ấm nóng của ly cà-phê đầu ngày
nghĩ ngợi gì đó

cuối năm lỡ một cuộc hẹn về
những năm tuổi trẻ ngoài ấy
dòng sông, cây cầu và giấc mộng lãng mạn ở cố cung
thiếu nữ khuôn mặt trầm buồn thiên cổ

ta sống với quá khứ như lời tưởng niệm về một thời hối tiếc
ví dụ không kịp một lời tỏ tình khi em ra đi
như không kịp yêu một lần đã qua thời tuổi trẻ
ví dụ như không kịp được nhờ hơi ấm của người mẹ sớm ra đi
không nghe được lời di ngôn của người cha sắp mất
khi tháng chạp về mỗi năm lại đi qua
cuộc sống vẫn không ngừng
mà lòng ta chưa nguôi nỗi ngậm ngùi tìm thời gian đã mất

những ngày tháng chạp
có ai đi qua không ngoái lại nhìn

Kỷ niệm

Gió mát như một lần em đi ngang qua đây
Trong tầm nhìn của dĩ vãng
Sự chia tay ngọt lịm và đau đớn như vết dao cắt trên ngực

Tháng mười hai năm ấy
Mưa trở lại
Trong hẻm nhỏ có quán cà phê
Bà chủ bốn mươi tuổi
Em trở lại ngồi bên ta
Lời tình ái dài và đều như mưa ngoài cửa

Ta kiệt sức trên lối mòn
Cuộc sống như những vòng kẽm gai buộc
Tìm cơn mộng hằng đêm
Cười trong cõi khác

Gió mát như một lần em đi ngang qua đây
Chỉ một lần trong cuộc đời
Gió mát
Cuộc hội ngộ trí tưởng
Êm ái như một nỗi buồn

http://baotreonline.com/tu-hoai-tan/

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2016

Những bức ảnh cực hiếm về cuộc đời Bảo Đại, vị vua cuối cùng

Bảo Đại là vị Vua cuối cùng của triều Nguyễn, cũng là triều đại phong kiến cuối cùng của nước ta. Cai trị đất nước giữa thời kỳ "bản lề", lại thấm nhuần văn hóa Pháp từ bé, những hình ảnh đáng nhớ về ông thường gắn với đời sống quý tộc phong lưu, "Âu hóa" hơn là chuyện vận mệnh đất nước. 

 
Bảo Đại tiếp xúc với nền văn hóa Pháp từ rất sớm. Bức ảnh trên chụp khi ông còn đang là Hoàng tử Vĩnh Thụy, trong chuyến thăm tới Pháp năm 1922 cùng Vua cha Khải Định (Ảnh: T. Do Khac)
Cũng trong năm 1922, Hoàng tử Vĩnh Thụy được vợ chồng cựu Khâm sứ Trung Kỳ Jean François Eugène Charles nhận làm con nuôi và bắt đầu quá trình học tập theo chương trình giáo dục Pháp. Đến năm 1932, ông theo học tại Trường Khoa học Chính trị Pháp (Ảnh: Bettmann)
Do tiếp xúc, sống và học tập cùng văn hóa phương Tây từ nhỏ, Bảo Đại trưởng thành giống với một cậu trai pháp bảnh bao hơn là một vị Vua của một nước phong kiến châu Á (Ảnh: Bettmann/CORBIS)
Vị Vua cuối cùng của Việt Nam có vóc dáng cao lớn (1m82), gương mặt điển trai, lối sống phóng khoáng, phong độ, vì vậy mà có đời sống tình cảm khá phực tạp, chịu điều tiếng là mê ăn chơi, hưởng lạc. Bức ảnh này được chụp Bảo Đại trong trang phục dạ hội tại Pháp vào năm 1932 (Ảnh: Agence Mondial)
Bảo Đại được biết đến là một người cưỡi ngựa điêu luyện như một kỵ sỹ. Ông cũng yêu thích và hâm mộ nhiều môn thể thao thời thượng, quý tộc thời đó như golf, tennis, bơi thuyền. (Ảnh: Raymond Reuter/Sygma/Corbis)
Bảo Đại đặc biệt thích chơi Tennis. Vì vậy sau khi về nước ông đã cho xây dựng một sân quần vợt "tiêu chuẩn quốc tế" ngay tại kinh thành Huế, khiến nhiều du khách hiện nay tới thăm di tích Cố đô Huế vẫn nghĩ đó là một công trình hiện đại được xây sau này!
Một bức ảnh hiếm hoi Bảo Đại chụp cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không rõ ngày tháng của bức ảnh nhưng nhiều khả năng là giai đoạn sau khi ông thoái vị và tham gia Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Ảnh: T. Do Khac)
Vào tháng 3/1946, trên tư cách cố vấn tham dự phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Trùng Khánh, Trung Quốc, Bảo Đại đã không về nước mà đến Côn Minh rồi qua Hồng Kông, chấp nhận sống cuộc đời lưu vong. Bức ảnh trên nằm trong loạt ảnh được tạp chí Time của Mỹ thực hiện vào tháng 6/1948, tại căn hộ riêng của ông ở Hồng Kông (Ảnh: Life)
Vị cựu Hoàng lưu vong tiếp phóng viên trong bộ vest sáng màu chải chuốt, tay châm thuốc lá như một tay chơi sành điệu. Tại Hồng Kông, để tiện ăn chơi mà không bị chú ý, Bảo Đại đổi tên thành Wang Kunney tiên sinh, tuy nhiên danh phận Đế vương của ông không thể che mắt được người thường. Dân thượng lưu Hồng Kông đồn rằng muốn xem mặt Bảo Đại chỉ cần tìm ở 14 tiệm nhảy, nếu không thấy thì tìm ở các sòng bạc (Ảnh: Life)
Bảo Đại hướng dẫn chú cún cưng của mình thực hiện động tác bắt tay (Ảnh: Life)
Bức ảnh chụp trong một chuyến công tác tới Pháp năm 1948 tại khách sạn Ritz, trung tâm Paris (Ảnh: Bettmann/CORBIS)
Sau thời gian dài lưu vong ở Hồng Kông rồi Pháp, Bảo Đại về nước vào tháng 3/1949 để 4 tháng sau đó lên làm Quốc trưởng Chính phủ Lâm thời Quốc gia Việt Nam do thực dân Pháp dựng lên. Trong hình ông đang đứng nói chuyện với viên sỹ quan Pháp khi vừa đáp xuống sân bay Gia Lâm, Hà Nội vào tháng 3/1954, vẫn trong bộ âu phục chải chuốt quen thuộc cùng cặp kính râm lịch lãm (Ảnh: Life)
Bảo Đại làm Quốc trưởng đến tháng 10/1955 thì bị Ngô Đình Diệm phế truất. Ông sau đó sang Pháp sống lưu vong tại Paris cho đến cuối đời (Ảnh: Life)
Một bức ảnh kháp chụp trong cùng chuyến đi Hà Nội năm đó (Ảnh: Stringer/AFP)
Bảo Đại chụp cùng Tướng Pháp Đờ-lát Đờ Tát-xi-nhi trong chuyến thăm đồng bào thiểu số Tây Nguyên tại Buôn Mê Thuột vào tháng 5/1950 (Ảnh: Stringer/AFP)
Vua Bảo Đại trên trang bìa tạp chí Pháp Paris Match, số ra tháng 9/1953, vẫn với điếu thuốc lá trên tay - thứ gần như gắn liền với "thương hiệu" Bảo Đại (Ảnh: (Ảnh: Walter Carone/Paris Match)
Một bức ảnh "chất lừ" khác cũng trong số tạp chí đó (Ảnh: Walter Carone/Paris Match)
Bảo Đại cùng con gái, Công chúa Phương Mai hào hứng theo dõi cuộc đua Công thức một từ hàng ghế V.I.P tại đường đua Monza huyền thoại của Ý năm 1955. Có lẽ ông cũng là một trong những người Việt đầu tiên có cơ hội xem trực tiếp môn thể thao vốn dành cho giới nhà giàu này (Ảnh: Mario De Biasi/Mondadori Portfolio)
Bảo Đại chụp cùng người vợ Pháp của mình, bà Monique Baudot vào năm 1992, 5 năm trước khi ông qua đời vào năm 1997 (Ảnh: Raymond Reuter/Sygma/Corbis)

Từ INTERNET

THƯƠNG TIẾC NHÀ VĂN DƯƠNG NGHIỄM MẬU







Được tin nhà văn Dương Nghiễm Mậu đột ngột qua đời vào hồi 21giờ 35 phút tại Sài Gòn, hưởng thọ 81 tuổi. Chúng tôi - bằng hữu và người ái mộ nhà văn - vô cùng thương tiếc. 

Xin thành kính phân ưu cùng tang quyến và cầu chúc hương hồn anh an nhiên cõi tự tại

khổng đức - nguyễn minh hoàng - nguyễn khắc nhân - nguyễn quốc thái - ngụy ngữ - từ hoài tấn - nguyễn duy kông - ngô đình thành - lê tây sơn - nguyễn miên thảo - viêm tịnh - cao huy khanh - nguyễn lệ uyên - võ chân cửu - phù hư - phạm mạnh hiên - nguyễn văn trai - nguyên quân - phạm tấn hầu - hồ đăng thanh ngọc - vũ trọng quang  - lynh bacardi - nguyễn thanh văn - hạ đình thao - hoàng lộc - đức phổ - triệu từ truyền - huỳnh ngọc thương - lê thánh thư - nguyễn văn hiền - ,,, và một số bằng hữu văn nghệ ở Sài Gòn

Nhà văn Dương Nghiễm Mậu qua đời

03/08/2016 09:36 GMT+7
TTO - Nhà văn Dương Nghiễm Mậu vừa đột ngột qua đời lúc 21g35 ngày 2-8 sau một cơn nhồi máu cơ tim, cộng với một khối u lớn ở gan - thông tin từ người nhà cho biết.
Nhà văn Dương Nghiễm Mậu qua đời
Chân dung nhà văn Dương Nghiễm Mậu do Tạ Tỵ vẽ - Ảnh: L.ĐIỀN chụp lại
Nhiều bạn văn trong và ngoài nước khi hay tin đều ngỡ ngàng bởi trước đó nhà văn Dương Nghiễm Mậu vẫn khỏe mặc dù năm nay đã bước sang tuổi 80.
Văn đàn Việt Nam biết đến Nhà văn Dương Nghiễm Mậu từ năm 1955, ông tên thật là Phí Ích Nghiễm, sinh ngày 19-11-1936 tại làng Mậu Hòa, huyện Đan Phượng, phủ Hoài Đức (nay thuộc Hà Nội).
Trước 1975, Dương Nghiễm Mậu có khoảng 16 tập sách được xuất bản. Ông cũng tham gia chủ trương nhà xuất bản Văn xã, làm báo Văn nghệ,cộng tác với các báo: Sáng tạo, Thế kỷ 20, Tia sáng, Văn, Văn học, Bách khoa, Giao điểm…
Một người bạn văn của là nhà văn, họa sĩ Tạ Tỵ, đã nhận xét về ông rằng: “Dương Nghiễm Mậu, tuy không có quyền chọn lựa hướng đi nhưng cũng chẳng sẵn sàng làm một dòng nước nhỏ, nên chấp nhận sự có mặt của mình trước cuộc sống với một thế đứng riêng biệt”.
Năm 2007, công ty Phương Nam và NXB Văn Nghệ tái bản bốn tập truyện của ông gồm: Nhan sắc, Đôi mắt trên trời, Tiếng sáo người em út, Cũng đành.
Sau 1975, nhà văn Dương Nghiễm Mậu ở lại Sài Gòn, sinh nhai bằng nghề làm tranh sơn mài cho đến cuối đời.
Linh cữu nhà văn Dương Nghiễm Mậu quàn tại nhà riêng ở quận Tân Bình, TP.HCM.
Lễ viếng bắt đầu sau 9g ngày 3-8; đến 6g15 ngày 5-8 sẽ làm lễ động quan, sau đó di quan đi hỏa táng ở Bình Hưng Hòa.
LAM ĐIỀN
TTO