Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

TỪ HOÀI TẤN những ngày ở Huế


Cầu Trường Tiền (Huế) – Nguồn: panoramio



Như có chút mùa thu của năm
Khi đi trên đường bờ sông
Dấu tích buổi lễ hội đã tàn
Nhưng những chị bướm vàng vẫn khoe sắc
Trong ánh nắng cuối ngày
Có mùa thu không ở Huế
(hay chỉ là cơn hoang mộng yếu ớt của mấy ông già hoài cổ)

Những người năm ấy trên đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu
Chiếc áo dài sắc tím của những cô gái phố cổ
Đâu đó vẻ nhạt nhòa
Triều đại cũ đang được khơi dậy
Buồn
Như bao đời xưa
Buồn
Như sự bất lực của những ông vua đã khuất
Buồn
Như sự tàn lụi kéo dài qua tháng năm

Những ngày ở Huế không có đôi mắt em dõi theo
Bởi em đã qua đời từ ngày ấy
Ngôi nhà ở thượng thành không còn thấy bóng dáng ngồi trên chiếc xích đu
Vẻ xuân mọng thời con gái
Không có những ngày mùa đông sớm em phong phanh áo lụa đạp xe qua cầuTrường Tiền
Hẹn hò ở dốc Nam Giao
Trong ngôi nhà gỗ ấy
Mưa lất phất ngoài cửa sổ
Nơi chúng ta có những nụ hôn ngọt ngào
Ấm cả mùa đông dài xứ Huế
Em đã qua đời Huế đã qua đời
Buồn
Như thiên cổ

Những ngày ở Huế loanh quanh bờ sông
Một mình như vẫn thế
Mây mù với không gian đầy hơi nước
Những chiếc thuyền câu lẻ loi ven sông
Một dáng người lom khom trong quá khứ
Như nhớ như thương
Đền đài phế tích

Tôi trở về vào giữa mùa thu
Một chuyến về bình thường và lặng lẽ như bao kẻ
Khi máy bay đáp xuống Phú Bài
Có một nỗi ngậm ngùi không dưng
Bao nhiêu năm rồi
Bao nhiêu đổi thay rồi
Ôi bầu trời quê hương tôi vẫn trời xanh mây trắng
Chỉ có người tôi yêu
Đã không còn nữa

Những ngày ở Huế
Thường đi dọc bờ tường bên sông Hương
Như một người khách lạ
Hình như tôi đã ra đi từ năm đó
Nhiều năm sau trở về
Không có gì vui
Cũng chẳng viết nổi một bài thơ

Từ Hoài Tấn

Huế 16 – 20/9/2016
https://phamcaohoang.blogspot.com/2016/09/2484-tho-tu-hoai-tan-nhung-ngay-o-hue.html

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

Làn hơi lạ bên dòng sông Hương

Viêm Tịnh


Image result for nhà thơ viêm tịnh
viêm tịnh

                                                        Làn hơi lạ bên dòng sông Hương

Huế, miền cố đô cổ kính, thơ mộng và nhiều di sản văn hóa. Nhưng có những người viết không theo nét êm đềm xưa cũ của dòng sông Hương. Một trong những làn hơi lạ đó là Viêm Tịnh, người cùng thời, và là bạn hữu của nhiều cây bút nổi tiếng trong giai đoạn 1965-1975.

Viêm Tịnh tên thật là Võ Công Danh Ngọc. Thời trai trẻ anh đã trải qua nhiều năm lưu lạc xa xứ, nhưng sau sự cố 1975 lại trở về ở hẳn với cố đô.
Qua phỏng vấn của Cao Thoại Châu năm 2011, Viêm Tịnh cho biết hồi thuở nhỏ, anh bắt đầu làm thơ từ sự rủ rê của Trần Dzạ Lữ. Nhà anh có một sạp báo ở ngay làng Vỹ Dạ. Trần Dzạ Lữ hồi đó đứng chủ trương tờ báo văn nghệ viết tay và in rô-nê-ô đặt tên Mây Ngàn. Lữ hàng ngày tới sạp báo để…coi cọp, đã rủ bạn Võ Công Danh Ngọc chơi…làm thơ. Khi đi vào sáng tác, anh đã sớm thành danh, trước tiên với những người trong cuộc.
Viêm Tịnh in bài thơ đầu tiên trên tạp chí Văn Học vào năm 1965. Anh còn viết cả truyện ngắn, nhưng thơ anh từ lúc đầu đã mang một phong vị riêng. Nó không nhiều chất “Huế truyền thống”, mà nặng ưu tư, từ cách ngắt câu, chọn nhịp. Anh nói chỉ viết ra tự nhiên theo suy nghĩ rất thực của mình, không hề biết tới vần điệu, niêm luật gì cả.

Viêm Tịnh
Của một thời

  (Gửi H.Hải)

những bậc thang đưa ta về
có em ở bên ta
hơi ấm sưởi mùa xuân lạnh giá
chỉ còn em
bên bờ Vĩ Dạ thuở ấu thơ
trong khu vườn người bạn thời đi học
ta ngồi quạnh hiu
nghiệm ra mình đang sống

rồi cũng phải ra đi
một ngày sẽ đến
những con đường nhỏ
đất và những viên sỏi
lạo xạo dưới bàn chân trần rất thật

những người phụ nữ bên đời
chỉ riêng em cho ta hơi ấm
cho ta hương nồng
mùa đông của lẻ loi
không thể rời

ta đã về căn phòng không em
bên dòng sông biếc màu phỉ thúy
lòng buồn như trời chớm hoàng hôn 


Viêm Tịnh đăng thơ rất ít nên không có tên “vang dội” như những bạn cầm bút cùng lứa. Mãi đến năm 2007, anh mới có tập thơ in chung cùng Nguyễn Miên Thảo, Lê Ngọc Thuận, Từ Hoài Tấn. Đến tháng 6-2014, tủ sách Thư Ấn quán ở Hoa Kỳ đã tập hợp, xuất bản cho anh tập đầu tay: Thơ Viêm Tịnh, như một khẳng định về một nét riêng trong dòng chảy 20 năm Văn học miền Nam.
Theo bài phỏng vấn được in trong tập thơ, Viêm Tịnh kể rằng năm 1977, sau thời gian đi “học tập cải tạo” về, anh kiếm được một chân đãi sạn thuê trên dòng sông Hương. Chiếc phà nối bằng những thùng phuy chở công nhân đi hành nghề. Một bữa, cô gái làm chung với anh khoe một nắm tiền cổ bằng kim loại vừa mót được dưới đáy sông. Đám thợ đang hứng khởi săm soi mớ tiền đồng, thì bất ngờ một cơn lũ mạnh xô qua chiếc phà, cuốn cô gái xuống dòng nước trôi.
Phải trưa ngày sau, người dân mới tìm ra được xác cô thợ ấy. Viêm Tịnh tức tốc xin nghỉ việc ngay. Từ đó anh lặng lẽ mang theo nỗi ngậm ngùi trong lòng. Có khi nó hiện ngầm trên nhiều dòng thơ anh làm tản mác đó đây.
                             Bạch thủy
Em theo gió bay về nơi có cát
Cát cuộn chân em và biển giữ em
Ta xa quá chốn đèo heo hút gió
Biết ngày nào hết đêm trắng vì em.

Thơ Viêm Tịnh như hơi thở tự nhiên của anh, không màu mè triết lý. Nhưng người đọc vẫn thấy màu siêu thực của những con đường nội thành, của cảnh hoàng cung vắng lặng. Cao Thoại Châu còn cho là anh có hơi thở  ‘‘tân hình thức’’. Nhưng có lẽ đa phần các thi sĩ đều không màng sự phân định về thể loại. Họ chỉ nói bằng giọng tự nhiên, nhi nhiên của mình, mà ra thơ.
Không dễ ai cũng có được điều đó. Về sau tôi mới được biết thêm, rằng Viêm Tịnh còn có cả người anh trai ở nước ngoài, và cô cháu gái ruột ở Hà Nội, cả hai cũng theo nghiệp văn chương và đều nổi tiếng.  Thì ra,  cho dù đã có « gien », nhưng nếu không có niềm đam mê, không thường xuyên « tắm » trong hơi thở thi ca thì không dễ gì làm ra được những bài thơ hay.

ĐÊM 30 Ở ĐỒI THIÊN AN
                                 (với Cao Huy Khanh - Trần Lượng)

Đêm bỗng nhiên lửng lơ một nỗi nhớ

những tiếng thầm thì
thổi ngọn lá thông reo
bên triền đồi mượt mà sương giá Thiên An
chập chờn những gọi mời mộng ảo

Em không để lại gì hơn bước đi rộn rã
nụ hôn tuyệt vời
đêm đang sâu
đêm ba mươi choáng ngợp qua mỗi gốc thông già
em quấn quýt mười ngón tay
hồng nhuận

Và thế thôi, khởi từ nhúm lửa nhỏ
cháy bùng lên óng ánh một làn da
soi bóng em, hằn vết nỗi đoạn đời
trần gian ơi,
điều không thể thả rơi vào quên lãng

Với chiếc que diêm
đốt vội điếu thuốc
sao mà,
lại,
phải sang xuân rồi.

TUYẾT PHAI


Ta gọi em từ bờ Bắc
xuống bờ Đông Nam xa lắc
một âm ba từ viên đá tuổi thơ qua hồ sen Vỹ Dạ
mùa thu, mùa thu trơ lạnh miền yêu
một bóng tà dương phủ mầm bạch liên hạ xế

Hạ huyền, hạ huyền nụ sơ khai
hoa chớm bình minh trắng chớp đời
yêu dấu xa qua, xa qua

Đông xế
đại đoá màu vàng phai
hộ thành gió chướng thổi tình cuồn cuộn
trái tim nhói mầm ghen tuông

Xuân về bên em,
dòng sông lững lờ
nghìn cánh hoa nở sáng màu hoàng ngự
em tươi như đào hồng, không giá rét

Chợt có nhau
tỉnh lặng
giữa đêm xuân.
Khung cảnh vẫn là khung cảnh Huế, “khí hậu” trong bài thơ nghe đâu vẫn phảng phất tiếng chuông từ ngôi chùa cổ, với âm vang của “dòng sông lững lờ”. Nhưng hình như người đọc đã nghe thấy đâu đó một thành phố Huế như đang chuyển động theo những nhịp bước của thời đại. Của thế giới văn minh với những khách lữ hành mang dáng vẻ “Tây ba lô” ghé vào các đền đài phế tích. Dòng thơ của Viêm Tịnh đang rất “hôm nay”.
Xin được mở ngoặc nói thêm là bước vào thập ký thứ 2 của thế kỷ thứ XXI, cố đô Huế với Tạp chí Sông Hương đang là nơi tập trung giới thiệu để “tiếp nhận và sáng tạo” dòng thơ “Tân hình thức Việt”. Nhưng cả trên các tạp chí cũng như các tập tiểu luận nghiên cứu “chính thống” đã “công bố” về dòng thơ “mới” này (cả trên bản in giấy hoặc điện tử), không ai “thèm nhắc” đến tên tuổi một thi sĩ đã tiếp cận với nó rất tự nhiên, từ khá lâu
(Trích bản thảo Vén Mây-tập tản văn thứ 3 của V.CH.C
về các nhà thơ Miền Nam trước 1975)


Võ Chân Cửu
(tác giả gởi)

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

Từ Blog PHẠM CAO HOÀNG

T   H   Ơ
TỪ HOÀI TẤN
Chân dung Từ Hoài Tấn
Ảnh PCH – Sài Gòn, September 7, 2016

Một buổi chiều ra khu ngoại ô

Những ngày gió ngược qua cánh đồng
Khu vực nóng và ran những tiếng chuông cấp độ ba
Làn sóng người trôi như con nước
Ngoại ô
Ở bên ngoài cuộc sống khác
Sinh hoạt khác
Đó cũng là một cuộc sống bình thường
Trong một xã hội bình thường
Cái ác và điều thiện pha trộn lẫn vào nhau
Không phân biệt
Đây khu ngoại ô
Đàn bà và đàn ông cùng một bộ đồng phục
Thật dễ chịu khi được hướng dẫn không nên suy nghĩ mông lung ngoài công việc và ngày lương mỗi nửa tháng
Ngày từng ngày
Quay như con vụ
Không ngưng nghỉ
Em hãy cho tôi một chút tình cảm được không
Như 10 phút nghỉ giữa giờ ca kíp
Chút tình cảm không để làm gì
Đem về nhà treo giàn bếp
Trốn khỏi không gian ngột ngạt của nội đô
Tinh giản cuộc đời như ngọn gió chiều nay lướt qua
Hồi âm quen của quá khứ
Trên con đường dẫn ta ra khỏi sự thân thuộc nhàm chán từng ngày
Lớp son môi nhợt nhạt của tình yêu
Hay sự lừa đảo êm ái ru ngủ của ước ao giả tạo
Trên con đường này ra khu ngoại ô
Hít và thở sự trong lành của không gian mới
Trong tình cờ nào đó của một ngày
Sự tự do bay bổng
Đó là một buổi chiều trong cuộc đời của một người bề bộn mưu sinh
Đã biến cái khó tin thành sự thật

Bữa tiệc ngắn trong một buổi chiều ở căn nhà cũ

Tháng mười hai loanh quanh với nhịp điệu cũ
Ngày lòng vòng đêm lòng vòng
Qua khu phố gãy từng khúc nhà
Những cánh cửa xiêu vẹp núp sau bức tường xây dang dở
Căn nhà cũ đấy
Căn nhà thuê những năm chín mươi thế kỷ trước
Những căn nhà chỉ mười lăm mét vuông
Năm sáu người chia nhau ở
Cho tròn một vòng đời
Chiều nay, bạn cũ, bên chiếc xe ôm nuôi sống gia đình bạn
Thăm bạn
Mời bạn gói thuốc (vì ta nay đã bỏ thuốc)
Mời bạn ly bia (ta nay cũng bỏ bia)
Nhưng không nhạt nhẽo vì để bạn uống một mình
Những thứ ấy không quan trọng
Bằng buổi chiều ta gặp bạn
Và bữa tiệc ngắn
Nhiều chuyện để nói
Không bao giờ hết
Nhưng bạn phải trở về đời sống thực của bạn – có người gọi bạn đi xe ôm
Tạm biệt bạn
Ta cũng trở về cuốc sống của ta
Lòng vòng loanh quanh ngày và tháng
Tạm biệt căn nhà cũ đấy
Những năm không hề quên
Ta đã ra đi và bạn ta còn ở lại
Bao giờ ra khỏi  -  một ngày mai

Mưa cuối năm và cuộc hò hẹn của ly biệt

Những giọt đều rả rich như đếm thời gian trôi dần đến những ngày cuối một năm
Bão và áp thấp ngoài bờ xa
Chiều lưng dần tia nắng yếu
Niềm vui cạn những mong chờ
Khi người từ đất nước bên kia bờ đại dương
Về gặp lại trong thoáng chốc
Về nhắc lại thời xưa ngôi nhà trên kinh rạch đầy ắp kỷ niệm
Về nhớ lại bài hát trong một đêm muộn màng không lời
Về như áng mây bay ngàn đời không bao giờ dừng lại
Về ngậm ngùi rồi một ngày xa biệt yên vui cuộc sống mỗi người một không gian khác
Về thắp lại hồi tưởng trong những ngày sắp tới
Buổi sáng xám
Góc nhỏ quán
Tách trà vàng
Nhìn nhau
Đôi mắt cũ
Bài hát của một thời nghe thoảng như xa
Khúc đàn màu bạc như mái tóc
Những đóa hoa đang chờ một mùa mới tinh khôi đang tới
Nỗi mong chờ gặp lại em rộn nhịp những bước chân đến nơi hò hẹn
Nhiều năm qua cùng với nỗi truân chuyên của cuộc sống đã phai dần những nồng nàn tình thơ trẻ xuân xanh
Hạnh phúc của mỗi người cũng như viên đá cuội được mang về từ mặt trăng
Không khác gì viên thiên thạch phiêu lạc trong vũ trụ
Nhìn nhau bằng đôi mắt ấy không thay đổi được sự thật là chúng ta chỉ còn cách trở lại thế giới với một cuộc đời khác
Mới cùng được bên nhau
Khởi đầu lại cuộc tình dở dang của ngày trước
 Mưa ngoài kia trời cuối năm
Tôi cùng em
Cuộc hò hẹn của ly biệt


Sông nước miền Tây

những buổi chiều chèo xuồng qua rạch Cần Giè
đi tắt ra sông Vàm Cỏ
bìm bịp kêu bên sông
con nước lớn
xuôi về vùng ánh sáng xa kia
nơi đô hội
xuồng nặng những bó bàng
với niềm hy vọng
sự bươi chải của sinh kế
mười lăm năm sống với cây cỏ bưng biền
yêu những loài hoa dại
trong những ngày miệt mài nhổ những cọng bàng no tròn ở vùng trũng nước
miếng ăn từ những giọt mồ hôi
từ những vắt cơm giữa trưa vội vã trên gò đất nổi mùa nước ngập
người vợ đồng quê tối sớm nụ cười cam phận
người vợ hiền như củ khoai
đám con nhỏ lớn dần như cây cỏ
năm tháng vui đùa cơm gạo đầy vơi
nghĩ đến cuộc đời như đám rừng tràm tự nhiên sau nhà không ai vạch đường mở lối
sống từng ngày như loài chim thiên di
luôn luôn chuẩn bị dời tổ trú ẩn
ba bốn ngày có một chuyến ghe xuôi về đất giồng
mang đầy sản vật của đồng nội
băng qua sông
nương theo sóng xô bờ
vào bến chợ
tóc râu ta dài và buồn như sông nước mặt trời chiều
bên bến đò chờ con nước
lại về rồi lại đi
mỗi tháng năm lần bảy lượt
những đêm trăng tròn trên sông
hay những khuya neo ghe cùng trăng khuyết
bình minh xa lạ những nẻo đời
khúc hát trầm cho tương lai
nghẹn lời trong cổ
năm năm ngụp lặn trên dòng kinh Xáng thẳng tắp xuyên qua thôn ấp của vùng khai hoang
nơi giao tranh xưa còn lại những hố bom sâu nay là giếng nước ngọt
những căn nhà lá mới neo đậu bao nhiêu cuộc đời
mở một đời sống khác
gia đình thân yêu ở miền Trung xa xôi
nhiều năm qua không còn tin tức
lời kể lại ngày xưa thương nhớ thuở thiếu thời đã mất dần cùng quá khứ
và tuổi trẻ đã đem cho
anh em ơi uống bữa rượu này
bưng biền say sóng nước kênh xanh
những ngày tôi thơ dại cùng cỏ lau
là những ngày tôi chất ngất tuyệt vọng
tìm ra sông lớn băng qua rạch gần
chiếc xuồng trôi cùng nỗi tự do
thênh thang vùng sông nước
tôi vừa ra khỏi cuộc xoay vần
tìm niềm cô đơn vui cùng lau lách
tôi sống xa cách những ngày tháng vết hằn đau quá vãng
thời tuổi trẻ sương mù
cùng em bơi trong bể cạn
tôi sống đùa vui sông nước miền Tây
kỷ niệm ghi dấu cùng năm tháng
khi bước qua cuộc đời này
sẽ còn ai để kể lại
mười lăm năm chìm đắm ở miền Tây
(Tưởng nhớ và gởi lại những năm tháng sống ở vùng bưng biền Đức Huệ biên giới Campuchia)

Bản tình ca khi xa cách

Gởi NT và Huế

Ai còn nhớ ánh mắt xanh trong
Chiều quyến luyến
Bữa rượu tiễn đưa người
Trong ngày lạnh mùa đông xứ sở
Người về hay người ra đi
Mây trắng còn bay trên trời xám
Như tình yêu ta
Cũng có khi nhuốm màu ảm đạm
Màu sắc của cuộc chia ly
Cũng có khi là dấu hiệu báo trước của niềm vui tái ngộ
Không hẹn về một điều gì chắc chắn ví dụ tình yêu chúng ta
Cũng có khi đó là cuộc sống
Ai còn nhớ chút hơi ấm ở bàn tay
Nụ cười trước ngõ
Dáng hình em cô gái nhỏ
Xinh như cây tường vi
Hoa nở mùa xuân nụ chào mừng anh đến
Tình sử như muôn đời
Mộng tràn lan giấc ngủ
Mơ về em khi vắng từng phút giây không gặp
Rộn rã lòng của buổi hẹn đầu tiên
Bao giờ cũng là buổi hẹn đầu tiên
Ai còn nhớ lời thì thầm ngọt ngào êm như gió
Trong những lần qua khoảng cách của không gian
Trong những lần qua đường dây nối lại
Em xa nhưng bước tình gần
Quanh tròn ngày tháng
Bên ta chưa hết mong chờ
Mở lời yêu đằm thắm
Ai còn nhớ con dốc mùa đông năm ấy ở cố đô
Em tìm ta trên gác vắng
Dỹ vãng đi qua ngoài cửa song thưa
Quên đi mùa Xuân năm ấy mẹ ta đã ra đi
Em mặc áo dài lụa màu đen buồn chia ngày tang khó
Trong tình em niềm yêu đời của lần sống lại
Cùng em cuộc sống tỏa hương
Cùng em ấm áp của tình nồng
Cùng em lại vui mùa xuân mới
Như chưa được một lần nào vui như thế
Ai còn nhớ như một lần được nhớ
Ngày ta yêu nhau như những người đã từng yêu nhau
Ngày ta yêu nhau như những người được yêu nhau
(Sài Gòn 01/2013)


Xa Huế

Nếu không có ngày lưu lac
Sao ta mong một chuyến về
Cầm tay người nghe đã khác
Màu da rám nắng chân quê
Ngày vui xa chung rượu nhạt
Những năm hương lửa ấm nồng
Đời ta áng mây phiêu bạt
Buồn dài những núi cùng sông
Thương ai mơ ngày mai ấy
Ngày mai ấy của sử xanh
Lời yêu thơm lừng ngầy ngậy
Hương hoa những lá cùng cành
Đã về làm khách chốn cũ
Bồi hồi âm vọng ngày xưa
Người chờ ta nơi cửa Phủ
Gầy hao dáng của ngày xưa
Xa Huế sầu ta đất khách
Trà vơi sớm tối cuộc đời
Xuồng ghe một vùng lau lách
Muôn trùng tiếng gọi ngàn khơi
Mưa nắng miền Nam có lẽ
Buồn vui với gió sông hồ
Hẹn người lời nghe như khẽ
Vang âm qua mấy núi đồi
Xa Huế nhiều năm rồi nhé
Từ khi tạm biệt thời xuân
Bến đâu là bờ tắp ghé
Nơi đâu là chốn nương thân
Ta đi dễ nào quên được
Huế của lòng ta Huế tự ngàn xưa
Xa người sao tình ta quên được
Yêu của ngày xưa Em ấy ơi

TỪ HOÀI TẤN

https://phamcaohoang.blogspot.com/2016/09/2460-tu-hoai-tan-5-bai-tho.html