Khổng Đức sọan dịch

Con người cũng ở trong sự chi phối của
âm dương, cùng thống nhất với thiên nhiên, từ thời Hán trở đi hay nói đến “thiên nhân hợp nhất”. Nên khi biến thành
cuộc sống cá thể cũng như tinh thần nhận thức vốn là một cơ cấu thiên nhiên,
Quản tử mới nói rằng: “ Cái tinh của khí đi vào Đạo là sinh, đã sinh ra thì suy
tư, mà suy tư là biết, nhận thức, biết rồi bèn dừng lại. Phàm hình thể con
người vượt quá sự biết là hết sống. Một vật có thể biến hóa gọi là Thần, một
việc có thể đổi thay gọi là Trí, sự biến hóa không đổi khí, cũng như thay đổi
không di dịch trí. Mạnh Tử cũng nói về tình chí liên quan đến khí và người: Chí
là tướng soái của khí, khí là sự sung mãn của cơ thể. Cái chí mà chuyên nhất
thì động đến cái khí, cái khí mà chuyên nhất thì động đến cái chí. Ông cũng
phát huy sự dưỡng khí, cái khi đó là khí hạo nhiên, nó rất lớn, rất mạnh, cứ
thuận dưỡng đừng để bị hao tổn thí nó có
khả năng lấp đầy cả trời đất (Hạo nhiên
chi khí chí đại chí cương, dĩ trực dưỡng
nhi vô hại, tác tắc hồ thiên địa chi gian). Đến Trang Tử thì xem khí
là gốc của sự sinh tồn. Ông cho rằng con
người sinh ra là do khí tụ lại, nên khí tụ là sinh, khí tản là chết, như
đã nói ở trên; đồng thời ông cũng xem khí
là một thứ hư không , sự sống con người được coi là một cảnh giới cao
nhất, tức là cảnh giới “ tâm trai” ( có
nghĩa là chay tịnh ở trong lòng ).Đến đời Tây Hán thì khí đã thâm nhập vào đời sống tinh thần, được Hoài Nam tử giải thích
: Trong đời sống của con người có ba yếu
tố rất quan trọng đó là Hình, Khí và Thần,
Hình thì coi như là cái nhà của sự sống, Khí là tạo cho cuộc sống sung mãn, Thần là phép tắc của sự sống. Nếu
một trong ba thứ đó mất di thì cả ba đều bị thương tổn. Khí là ở giữa khoảng hình
và thần, là một thứ vật chất có công dụng
làm cho cuộc sống trở nên sung thực; nó có thể khiến cho cuộc sống có
trạng thái bồng bột, hưng phấn. Ông còn giải thích thêm rằng khí có ý nghĩa với
đời sống con người, như tinh thần thì tinh
là khí của con người, còn thần
là sự duy trì của con người.
Nói chung , thế giới này là do hai khí
âm dương tạo thành; khí âm dương không
những cung cấp cho vạn vật, mà còn ban cho con người tinh thần. Nên con người
phải tuân theo phép tắc của vạn vật mới bảo trì được sức sống hưng thịnh, mới
có thể có được sự sinh tồn tốt đẹp.. Đến
đời Đông Hán thì có nhà tư tưởng Vương Sung, xuất phát từ lập trường ý hướng nguyên khí thành tôn trọng thiên nhiên. Lập trường của ông là lập trường
của nhà Nho chống lại Hoàng Lão ( Đạo học) Ông tuyên bố : “ Khí trời đất giao
hợp sinh ra vạn vật, cũng như khí của vợ chồng
giao hợp thì sinh ra con cái ( Thiên
địa hợp khí vạn vật tự sinh, do phu phụ hợp khí tử tự sinh dã). Lại nói,
con người sở dĩ sinh ra là do khí âm dương, khí tác dụng nơi người khác nhau,
nên khiến cho tính cách chẳng ai giống
ai, tài năng con người cũng từ đó có sự phân biệt. Trời hấp thụ nguyên khí, còn người thì hấp thụ nguyên tinh; nói
khác đi, tài năng con người cao thấp là do kết quả hấp thụ nguyên khí. Từ khi
Tào Phi đưa ra vấn đề “ văn khí” mang tính cơ sở triết học,
cũng từ đó phạm trù triết học biến thành phạm trù văn học. Ông bác bỏ quan điểm
“ văn nhân tương khinh” và cho rằng thể
tài văn chương vô cùng phức tạp, do khí chất kẻ cầm bút khác nhau nên trong
việc trước tác mỗi người có một sở trường riêng. Trong Điển luận Tào Phi nói rõ: Tài tính của con người
là do trời sinh, sức người không sao biến đổi được; ngay đến cha anh cũng không
sao truyền thụ khả năng cho con em của mình. Khí cũng có tính thanh tính trọc,
tính tình con người là do hấp thụ khí nuôi dưỡng nên rất khác nhau. Do đó
mà từ Mạnh Tử đã đề ra việc “dưỡng khí”, đến đời Ngụy Tấn Nam Bắc
triều, Lưu Hiệp trong tác phẩm “ Văn Tâm Điêu Long” nêu rõ mối quan hệ giữa khí chất con người và
sáng tạo văn học.: “ Khi tình cảm rung
động,thì ngôn từ phát sinh, lý trí phát triển nẩy nở thì văn thơ hiển hiện; Bởi
vì chúng ta bắt đầu từ sự ẩn tàng mà đi
đến sự phô diễn biểu hiện ra bên ngoài.
Tuy nhiên tài năng có kẻ tầm thường , có người phi phàm, khí chất có kẻ kiên
cường, có người yếu đuối; học lực có
người nông cạn, có kẻ sâu sắc, vào đời có kẻ thanh nhã, có người ô trọc, v…v…
Cũng theo ông Tài và Khí đều là tiên thiên, con người sinh ra là đã có rồi,
việc học hành và luyện tập là hậu thiên, tức là phải thông qua sự học tập mới
có được. Làm việc sáng tạo mà chỉ nhắm vào yếu tố tiên thiên không đủ, mà phải
lo hàm dưỡng việc hậu thiên. Ngoài ra
còn phải chú ý tập trung vào tính tình thì tài, khí, học, tập mới trở thành
sống động; phong cách sáng tác của nghệ thuật gia mới khai triển những hình
tượng mới lạ. Lưu Hiệp cũng nhấn mạnh
vào việc dưỡng khí, chủ trương thần thái phải thanh tĩnh và bào trì nuôi dưỡng
cái nguyên khí. Quan niệm dùng khí để đánh giá sự sáng tạo văn học nghệ thuật,
sau đời Lục triều đối với các nhà lý luận đã thành một hành vi tự giác. Đến đời
Đường, các nhà lý luận vận dụng khí để tiến hành việc phê bình văn học, và trở
thành như quan niệm triết học truyền thống. Bạch Cư Dị từng viết :” Trong trời
đất có ba yếu tố là Túy ( tinh hoa) Linh và Khí, vạn vật đều hấp thụ được ba
yếu tố ấy, mà ở con người là nhiều nhất,
và trong các giai tằng thì hàng
văn nhân lại hấp thụ nhiều hơn cả. cho nên khí ngưng là tính, phát ra là chí,
tản ra là văn…” Đến các triều đại Nguyên - Minh -Thanh sự nhận thức đối với sáng tác càng tinh tế hơn,
và đối với văn học nghệ thuật càng minh xác. Văn khí trở thành thần khí tính
tình của tác gia nghệ thuật gia. Dương Hùng đời Nguyên từng nói: “ Con người có
diện mạo cốt cách, có thần khí tính tình, thi ca hay dở, cao thấp cũng từ thần khí.” Đổng Kỳ Xương cũng nói:”
Văn cần phải có thần khi”. Liêm Khẩn đời Tống
kế thừa Mạnh Tử đề cao việc dưỡng khí, tức dùng luân lý đạo đức của Nho gia hun đúc bồi dưỡng tính tình con người. Làm văn cần phải dưỡng khí, vì khí cùng tính chất với trời đất, nếu có nó đầy đủ
thì có thể phối hợp với Tam Linh ( tức Trời, Đất, Nguời ), quản nhiếp mọi việc;
nên bậc quân tử chỉ lo phần bên trong
chứ không quan tâm việc ở bên ngoài.. Đến đổi có người cho rằng: Đạo là
vua của Khí, và Khí là tướng soái của văn, Đạo sáng suốt thì khí hưng thịnh,
khí hưng thịnh thì ngôn từ trôi chảy (đạt) trong văn chỉ cần từ trôi chảy thông suốt mà thôi. Thế nhưng có nhiều nhà lý luận còn
nói đến khí vận, khí cách, trong khía cạnh luận văn, luận nghệ, đó là thời kỳ đối
với khí thành ra đa nguyên hóa.
Tóm lại từ Tào Phi phân tích chia khí ra
làm hai loại thanh trọc, đến Lưu Hiệp
lại phăng ra là cương khí và nhu khí.
Thanh trọc và cương nhu thành đối ứng không phân biệt cao thấp. Về sau người ta
lại nhấn mạnh đến coi trọng thanh khí
hay cương khí; cho rằng khi dương cương mới là loại hình lý tưởng. Vận dụng khí
lấy thế mạnh mới là hay, đó là thế di chuyển không thể ngừng nghỉ, không ngừng
nghỉ thì trôi chảy; giống như dây đàn căng thẳng, phát ra những âm thanh dịu
dàng, êm ái, hay như dòng sông chảy mau
tung tòe thành các xoay nước lượn quanh
nhìn không chán mắt. Tư Không Đồ đời Đường trong Thi phẩm cũng
đề cao khí: “ Vận dụng thần như
không, vận dụng khí như cầu vồng…” Đó
là tiêu chí của một phong trào thẩm mỹ,
nó phản ánh khuynh hướng thẩm mỹ của mọi
người.
Khổng Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét