Thứ Năm, 12 tháng 10, 2023

THƠ KHÔNG THƠ (từ bài 14 đến bài 20)

 Bài 14

PHÍA SAU LƯNG 


Tất nhiên là phía sau lưng không có gì để nói (một số người nghĩ vậy)

Vì mọi thứ đều đã qua 

Nhớ cũng được quên cũng được 

Đôi khi lại vui vì đã cất đi một gánh nặng hoặc một quá khứ buồn 

Đôi khi nghĩ rằng đó là sự vô nghĩa của việc hồi tưởng 

Hay là sự lùi lại 

Như vậy phía sau lưng có gì để nhớ tới 

Sự trống rỗng hay là gánh nặng 

Chỉ là phía sau lưng 

Trang giấy đã được lật qua 




Bài 15

MỘT NGÀY THÁNG TƯ 



Ngày không nắng không mưa 

Ngày ui ui 

Ngày đẹp 

Ngày đẹp đối với những tình nhân dạo chơi 

Không vui với những bạn nhà nông mới vừa gặt lúa muộn,không phơi phóng gì được vì bây giờ là tháng 4 mùa mưa miền Nam sẽ bắt đầu 



Mùa mưa sẽ sớm bắt đầu 

Từ khuya hôm trước 

Tôi đã nghe những giọt mưa trở lại quen thuộc hàng năm trên mái tôn ngôi nhà trong hẻm nhỏ 

Mấy mươi năm trở lại nơi chốn cũ - nhưng là nơi chốn của người khác 

Tôi không còn thấy cuộc sống tôi ngày ấy nữa 

Qua cơn lốc khủng khiếp 

Một thế kỷ vừa ra đi 

Cùng gió bụi 



Tháng tư, tiếng khóc và tiếng cười 

Đã nửa thế kỷ bị ám bởi tội lỗi không có thật 

Ai sẽ nói về chân lý, đã ở trọng tay của kẻ khác 



Friedrich Nietzsche

(15/10/1844 - 25/08/1900)

Friedrich-Nietzsche.jpg

Friedrich Nietzsche (15/10/1844 - 25/08/1900) là nhà triết học, nhà ngữ văn, nhà phê bình văn hóa người Đức, có ảnh hưởng sâu sắc tới nền triết học phương Tây. Các tác phẩm của Nietzsche bao trùm nhiều chủ đề như nghệ thuật, lịch sử, ngữ văn, tôn giáo, bi kịch, văn hóa và khoa học với phong cách viết mang đậm tính ẩn dụ và sử dụng nhiều nghịch lý. Nietzsche không được đánh giá cao bởi những người đương thời trong suốt cuộc đời của ông, nhưng tư tưởng của ông được biết tới rộng rãi vào những năm 1960 và từ đó đã có ảnh hưởng lớn tới các nhà triết học thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, đặc biệt trong các lĩnh vực của triết học lục địa như thuyết hiện sinh, chủ nghĩa hậu hiện đại, hậu cấu trúc luận.


There are no eternal facts, as there are no absolute truths.

(Không có sự thật vĩnh hằng, tương tự cũng không tồn tại một chân lý tuyệt đối.)





Bài 16

CHỦ NHẬT 


Chủ nhật hay Chúa nhật 

Ngày của ta hay ngày của Chúa 

Đều là ngày của tình yêu 

Ngày của gia đình thân ái 


Cuộc sống bắt đầu bởi hai người, trước bàn thờ của Chúa 

Tình yêu nối kết giữa hai người, trong ý nguyện Chúa 


Tôi yêu em 

Như ý Chúa đã sắp đặt 


Mỗi tuần kết thúc bằng ngày Chủ nhật hay Chúa nhật 

Hạnh phúc thay con người được trải nghiệm qua 

Trong vâng ý Chúa 


Chúng ta yêu cuộc sống, không phải bởi vì ta quen sống mà bởi vì ta quen yêu thương.

(We love life, not because we are used to living but because we are used to loving.)

Friedrich Nietzsche



Bài 17

NHỮNG CHUYẾN ĐI


Cuộc đời là những chuyến đi 

(Không nhớ ai đã nói như thế)

Chuyến đi một mình, hai mình, hay nhiều mình hoặc rất nhiều mình 

Ai cũng phải đi cả, ngoại trừ là cái cây thì không đi đâu cả 


Tôi yêu những chuyến đi  

Vì tôi đi nhiều nhất, từ khi nhỏ 

Vì gia đình tôi phải đi, từ bỏ quê nhà, về những miền đất mới 

Những chuyến đi cho đến cuối đời, cũng có những mất mát không tránh khỏi 

Như mẹ tôi như cha tôi 

Chỉ còn lại tôi đang cuộc hành trình 

Tôi vẫn đi còn đi, trên những đoạn đường của số phận 


Không thể dừng lại, những chuyến đi của cuộc đời 

Cho đến khi biến mất 

Về một nơi nào đó nhỉ

Cũng sẽ là những chuyến đi không hình bóng 

Sau cuộc nhân sinh này 



Bài 18

MÙA MƯA - THÁNG TƯ  - SÀI GÒN VÀ TÔI 



Tôi sinh ra từ một làng quê ở Thừa Thiên Huế 

Nhưng duyên nợ gắn kết ở xứ Sài Gòn 

Chú Mạ tôi rời bỏ quê hương khi tôi mới 6 tuổi 

(Ở quê tôi xưa thường gọi cha bằng Chú vì cho rằng con cái phải kêu như vậy cho dễ nuôi)

Tôi đi học ở làng được vài năm thì Chú tôi ra đem vô Sài Gòn gởi cho Dì tôi đi học lớp Nhì ở trường tiểu học Trương Mình Giảng quận 3. Lớp tôi phải học bên Đình Ông Súng vì trường chật 

(Năm đó trong lớp tôi thích một bạn gái tên Hồng, không biết nay ở đâu, may ra có đọc được thì liên lạc với người bạn cũ ái mộ - thật là lãng mạn! )

Tôi ở với dì được mấy năm, 

Dì làm công chức ở Sở Điền Địa sau khi ông chồng mất, nuôi năm anh chị ăn học, trong căn nhà của dì ở hẻm 136 Trần Quang Diệu. 

Dì xem tôi như con, tôi kính yêu dì như mẹ, mặc dù dì rất nghiêm khắc 

Tôi xa gia đình xa mạ tôi từ nhỏ nên tình cảm của dì rất có ý nghĩa với tôi 

Chú tôi hàng tháng lái chiếc xe Land Rover về Sài Gòn lấy hàng cho mạ tôi cùng với nồi thịt nai mạ tôi ướp sẵn 

(Dạo đó Chú tôi xin được chân tài xế cho ông Địa Điểm Trưởng một Khu dinh điền thuộc tỉnh Bình Tuy

Mạ tôi mở một tiệm tạp hóa khá lớn ở chợ Mépu thuộc quận Võ Đắt)


Tôi không nhớ gì Sài Gòn khi ấy, ngoại trừ những ngày nghỉ tôi cùng ông anh họ chui xuống gầm bộ ván ngựa đọc lén truyện Tàu, hoặc chủ nhật đi coi phim Ấn Độ ở rạp Văn Lang, hay ngày thanh minh dì dẫn cả nhà đi tảo mộ ở nghĩa trang Trung Việt trên Lăng Cha Cả 

Tôi không nhớ mưa có hay không ở Sài Gòn 

Và tháng tư cũng như các tháng khác trong năm 

Cuộc sống bình yên của những năm tuổi nhỏ 


Mười năm sau tôi lại trở về Sài Gòn với một nhân dáng khác 

Khi cuộc chiến tranh đã khốc liệt 

Tôi đã qua mùa mua ở các sân bãi doanh trại giữa những hàng rào kẽm gai 

Từ biệt Sài Gòn 

Sài Gòn sẽ trở thành quá khứ 

Nhiều năm nữa tôi lại trở về Sài Gòn 

Tôi không còn là tôi nữa 

Tôi đã bước qua một cuộc đời khác một thời đại khác 

Chú Mạ tôi cũng thành quá khứ và Dì cũng thế 

Từ tháng tư năm ấy 


Mùa mưa vẫn trở lại Sài Gòn 

Những cơn mưa đầu mùa thường đến vào tháng tư ở miền Nam

Thời tiết không có gì thay đổi cả từ hàng trăm năm nay khi Sài Gòn được tìm thấy 

Tôi vẫn còn ở Sài Gòn giữa nhiều biến đổi cảnh vật do thời thế 

Thành phố nhiều người lạ hơn người quen 

Nhưng cuộc đời là thế mà 

Như sự chuyển dịch của mỗi hành tinh trong vũ trụ 

Từng phút giây 

Mùa mưa - tháng tư - Sài Gòn và tôi, cũng thế 



Bài 19

NẮNG THÁNG TƯ 


Tháng tư không mặc áo bước ra đường 

Chờ cơn giông tới 

Những ngọn gió như bầy gai nhọn 

Châm vào da

Có nhắc ta một ngày tháng tư năm ấy 

Quả đạn pháo 122 ly rơi trong thành phố 

Nổ trước mặt ta khi đang cố vượt qua con đường bên kia của sự vô vọng 

Nhắc lại ly cà phê sáng hôm ấy với người bạn cùng đơn vị ở trong hẻm đường Công Lý, bắt tay từ giã để không bao giờ gặp lại nữa 

Bạn về đâu tôi về đâu 

Trong vòng quay của cơn hỗn loạn 

Khi chúng ta chưa tới tuổi ba mươi 

Chưa có những gì ràng buộc 

Chúng ta có tuổi trẻ 

Và chúng ta cũng không còn tuổi trẻ 

Vì chúng ta đã gặp tháng tư 


Tháng tư ở miền Nam có nắng rất nóng 

Nhưng là để bắt đầu những cơn mưa của mùa 

Cũng như đã bắt đầu những tháng năm rất khác 


Nắng tháng tư, chỉ là nắng tháng tư thường hằng của miền Nam hai mùa mưa nắng 

Không cần mặc áo, ra đường 

Cơn mưa sẽ tới 

Ở đâu đó trên mặt đất này 

Bắt đầu của những bắt đầu 

Một cuộc tồn sinh khác 



Bài 20

THÁNG TƯ, NHỮNG BẾN BỜ KHÔNG HẸN 


Vào một ngày khi sự thật đã được bày ra 

Lời nói dối hoàn hảo 


Tôi muốn chết trên cao nguyên 

Trong một ngày đầu Xuân sớm 


Tình yêu ở phía bình nguyên xa 

Giữa dòng sông tự tử 


Tháng tư, những cuộc hẹn hò 

Bất chợt 

Không báo trước 

Vì sự bất lực của ngôn từ 


Khi tôi yêu em 

Sự cứu chuộc của một kẻ suy tàn 

Trước đền nguyện cuộc đời 

Hạnh phúc đến từ những điều bất chợt 

Như bến bờ không hẹn, dừng chân 


Tôi sẽ chết trong biển xanh đôi mắt em 

Một ngày tháng tư nào đó 

Không có nhận xét nào: