Bài 41
KẺ LẠ
Kẻ lạ là người không quen
Nhưng không chắc là người không quen của kiếp trước, nếu có
Lạ và quen chỉ là khái niệm của sự hiện hữu
Không phải không có sự đổi thay
Không phải là bất biến
Bởi vì loài người, cho đến nay, vẫn còn là dấu hỏi về sự khai sinh của một giống loài thông minh nhất trên trái đất, để thống trị
Như vậy kẻ lạ là ai
Có lẽ chỉ là sản phẩm của sự tưởng tượng?
Kẻ lạ có phải là kẻ khác
Hay
Kẻ lạ chính là mình
Mỗi người đôi khi là kẻ lạ của chính mình
Bởi kẻ lạ là minh chứng cho sự tồn tại và hiện hữu của chúng ta
“tha nhân nắm giữ bí mật về hữu thể tôi, họ biết tôi là ai. Như thế, ý nghĩa sâu thẳm của hiện hữu tôi thì nằm ngoài tôi. Tha nhân có lợi thế trên tôi.”(Jean-Paul Sartre, Being and Nothingness, tr. 473)
Bài 42
NHỮNG CHIẾC GHẾ BỎ TRỐNG
Những chiếc ghế bỏ trống
Không phải là không có người ngồi
Vì không ai thích ngồi ở đó
Hoặc ai cũng sợ chỗ ngồi đó
Cho nên bị bỏ trống
Nhưng rồi cũng sẽ có người ngồi
Vì không thể để trống
Phải có người ngồi
Để duy trì sự tồn tại của chiếc ghế
Nếu không đem vào lò đốt rác
Những chiếc ghế không thể bỏ trống
Hoặc không có
Bài 43
CHỖ NGỒI
Có những chỗ ngồi tiếc nuối khi nhìn lại
Là chỗ ngồi trong lớp học của tuổi thơ
Khi cuộc đời chưa mang đến một ý nghĩa nào cả
Là chỗ ngồi trong khu vườn tuổi trẻ mộng mơ nhiều ước vọng
Là chỗ ngồi bên người yêu buổi hẹn hò đầu tiên của anh thanh niên mới lớn
Là chỗ ngồi trong một quán cà phê ngày tháng thất nghiệp
Là chỗ ngồi trên sân ga hay phòng đợi nào đó chờ một cuộc lên đường
Là chỗ ngồi trong khu bảo sanh chờ một sinh linh sẽ ra đời
Mỗi người ai cũng có một chỗ ngồi đáng nhớ trong suốt cuộc đời
Trừ khi bạn không có chỗ ngồi nào cả
Bạn sẽ lơ lửng giữa thinh không
Bạn đã vượt ra ngoài vòng sinh tử
Bạn chỉ là mây bay
Hoặc bạn là một sự vật nào đó không có thật
Bài 44
VIẾT TIẾP GIẤC MƠ
Tôi thường muốn nhớ lại những giấc mơ
Nhưng không bao giờ nhớ được
Vì vậy tôi phải viết tiếp
Những giấc mơ
Khi không còn mơ được
Như vậy đó không còn là giấc mơ
Chỉ là hiện thực của đời sống
Đôi khi tôi có ý tưởng rằng giấc mơ là một đời sống khác của ước vọng
Và tôi cần viết tiếp
Vì khi những gì không đạt được trong cuộc sống hiện hữu
Người ta sẽ có trong những giấc mơ
Thường là vậy
Có ai ngủ không mơ đâu nhỉ
Bài 45
THÁNG MƯỜI Ở SÀI GÒN
Tháng mười ở Sài Gòn hay của Miền Nam, thường là lúc giao mùa giữa mùa mưa và mùa nắng
Nước nổi ở đồng bằng đã rút hết
Người ta chuẩn bị một mùa lúa mới, trên lớp phù sa vừa được bồi đắp
Đó là mấy chục năm trước, khi tôi còn lang thang kiếm sống ở Miền Tây
Khi đó, “Miền Tây không hề yên tĩnh”
Những đoàn người, là chúng tôi, được phân loại là tầng lớp ngoài lề xã hội, gọi là ngoài luồng, đổ về những khu hoang hóa, để lập những làng mạc, để bắt đầu cho một cuộc sống
Đó không phải là quần đảo Goulag của ông Solzhenitsyn
Vì tất cả đã được tự do
Hít thở không khí tự nhiên giữa trời cao rộng lớn
Theo một ý nghĩa nào đó thì được tự do sống không có những hàng rào vây quanh và không có “người bảo vệ”
Nhưng chúng tôi không được “tự do” lâu như thế vì chiến sự đã nổ ra ở biên giới phía Tây Nam, chỉ cách chỗ chúng tôi chưa đầy cây số
Đoàn người phải rút trở lại thành phố và giải tán ai ở đâu về đó
Bấy giờ là mùa khô
Tháng mười năm ấy tôi lại lang thang khắp ngõ hẻm Sài Gòn trên chiếc xe đạp bà chị họ cho, bỏ báo, lấy báo cho Dì tôi, để kiếm cơm và chỗ ở
Tôi không còn sự chọn lựa
Nhưng dì tôi sẽ đi định cư nước ngoài trong thời gian tới
Tôi phải chuẩn bị rời khỏi nơi đây
Tôi không có con đường nào để đi
Bây giờ là tháng mười
Nghe phía nơi chốn cũ, biên giới phía Tây Nam chiến sự tạm lắng xuống
Tôi quen một gia đình khi còn ở đó và họ muốn tôi về đó lập nghiệp
Tôi phải quyết định
Tôi phải thay đổi
Tháng mười ở Sài Gòn
Từ biệt một chặng đường đời
Và tôi đã về nơi ấy
“Quần đảo Goulag” của đời tôi
Hình như vật vờ hơn mười lăm năm !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét