Nhà thơ Thái Ngọc San - Ảnh: vanchuongviet.org
…Làng em đây, núi rừng Trung Việt cũng là đây/Xưa kia đã hùng dũng đánh Tây/Giờ lại hiên ngang xây thành chống Mỹ/Đường Trường Sơn là đường chân lý/Đã cùng quê em kết nghĩa hẹn hò… (Quê em, 1971)
1. Tôi thuộc thế hệ đàn em, đã quen thân Thái Ngọc San hơn ba mươi năm nay. Nhưng đến khi anh đột ngột ra đi, qua bạn bè anh, tôi mới biết thêm rằng, trước khi anh có một tuổi trẻ không yên ổn dễ dàng với ba lần bị bắt đi lính, ba lần đào ngũ vẫn kiên trì chọn con đường dấn thân đến với phong trào đấu tranh chống Mỹ của lực lượng trí thức ở miền Nam, anh đã có một tuổi thơ đầy gian truân bất trắc. Điều đó phần nào giải thích vì sao sinh ra ở Lệ Thủy, Quảng Bình, chưa đầy mười tuổi anh đã vào Huế để rồi suốt đời gắn bó với Huế, trở thành dân Huế rin; giải thích vì sao anh đã từng lang thang trên hầu khắp các đô thị lớn ở miền Nam và đã từng trốn khỏi dòng tu… Tất cả những khó khăn cay cực đó không thể ngăn cản mà góp phần tạo nên những cảm xúc cường tráng, đầy nhiệt huyết của hồn thơ tranh đấu:
Làng em đây, núi rừng Trung Việt cũng là đây/Xưa kia đã hùng dũng đánh Tây/Giờ lại hiên ngang xây thành chống Mỹ/Đường Trường Sơn là đường chân lý/Đã cùng quê em kết nghĩa hẹn hò… (Quê em, 1971).
Cuộc đời nổi trôi, sóng gió, lang bạt kiếm sống và trốn lính của anh, từ Huế đến Đà Nẵng, Quy Nhơn, Thủ Dầu Một, Sài Gòn, Bảo Lộc, Kon Tum, Đắc Lắc… đều in dấu vào thơ anh, và “càng đi ta càng thấy thiết tha, ăn bát canh bầu nhớ trái khổ qua, tắm nước sông Hương mơ trời Hoàn Kiếm” (Ngợi ca đất nước). Anh đã đi qua Những con đường khô cây, Một buổi chiều trở về căn nhà ở khu Sáu Quy Nhơn; sống trong Những ngày Sài Gòn với nỗi buồn “của kẻ đi tìm quê hương mất dấu”… Đó là những rung động chân thành, người viết rút ruột mình ra chuốt thành những câu thơ bốc lửa của phong trào tranh đấu. Bị bắt vào trại giam Ghềnh Ráng, trại lính Tam Kỳ, trại lính Đắc Tô, có khi rơi vào tình trạng bế tắc nhưng anh vẫn giữ cho mình khát vọng, dù rất nhỏ nhoi:
Tôi thèm có một lần được qua bên kia/Vắt nắm cơm cho người bạn cũ/Những hy vọng nào xanh mái tóc/Mắt dù đã sâu ngày chờ đợi/Tôi vẫn nhớ bạn bè tôi (Những con đường khô cây, 1968).
2. Khác với nhiều người cùng thời, thơ tranh đấu của Thái Ngọc San tuy vẫn hô hào Đã đến giờ chúng ta hành động nhưng rất kiệm lời, với sự điềm tĩnh, vẻ lì lì rắn rỏi của một người đã chọn hướng đi cho mình một cách tự tin. Có lẽ vì thế mà cái mốc 1975 không hiện ra một cách rạch ròi phân định ranh giới trong thơ anh. Ngay cả trong những bài báo sau này, Thái Ngọc San vẫn là sự nhất quán của một cảm xúc nồng nàn về lẽ phải, tình người lắng đọng thành chiều sâu suy tưởng, được vuốt nhọn trong tâm hồn lắm nghĩ suy, khao khát. Không nên coi tất cả các cây bút trưởng thành trong vùng tạm chiếm đều “không có cái nhìn và chỗ đứng vững vàng ở tư thế mới để viết ngay những tác phẩm có trình độ tư tưởng và nghệ thuật mới” (1) như có người đã vơ đũa cả nắm. Cái vạch nối cùng một chất giọng trong thơ anh vắt ngang qua hai giai đoạn là cảm xúc ra đi - trở về: Gửi lại bé thơ, Tình ca để lại, Lòng ngưỡng mộ và Tôi sẽ trở về, Ngày hội tháng năm, Đêm mưa ở Vỹ Dạ: Đứa con mười năm trở về/Úp mặt trong áo mẹ/Đứa con trở về đã bằng tuổi cha/Ngày nằm xuống/Bằng tuổi cây hải đường/Trước ngõ/Bằng tuổi quê hương/Ba mươi năm khốn khổ (Đêm mưa Vỹ Dạ, 1975).
Trở về sau cuộc chiến tranh với bao tai ương mất mát, cả người nằm xuống cũng không được yên thân, “ngôi mộ cha tôi còn ở đâu đây, bom đã cày mất dấu, cồn cát cứ phôi pha theo năm tháng, nhưng vết thương còn ẩn náu” (Đồng Hới của tôi). Hòa bình. Không còn những “ngày rắp tâm bắn vào đêm những liều thuốc nổ” để Thái Ngọc San có thể đốt cháy cảm xúc thành ngòi nổ xuống đường, đẩy cảm xúc đến cao trào để phát ra tiếng nổ, thành “tiếng loa vang khắp mọi nẻo đường”. Đồng hành cùng với đất nước, người làm thơ lại bước vào một hành trình mới, đến với Buổi sáng trong rừng cao su, Buổi chiều trên vùng đất mới, với Đêm Cửa Tùng, trở lại với Thành phố bên dòng sông xanh, về với Hà Nội của tôi, Đồng Hới của tôi… Tuy cảm xúc không còn cháy bỏng nồng nàn như thời làm thơ tranh đấu, nhưng những bài thơ hay của Thái Ngọc San trong thời gian này là những bài viết về Huế, thành phố có dòng “Hương Giang xanh in bóng tháp chùa”, về Hà Nội với “chuyến tàu điện leng keng gõ vào tâm thức”, với “mùi hoa sữa lưu lại tì vết trong tâm hồn”. Anh chuyển thời gian sinh hoạt thường ngày thành thời gian nghệ thuật, chuyển không gian địa lý thành không gian nghệ thuật, không gian tâm tưởng tồn tại bền vững choáng chật tâm hồn người đọc.Điều đáng quý ở Thái Ngọc San là ở những cảm xúc bình thường lại ẩn chứa chiều sâu của ý tưởng. Cứ khi nào anh lên giọng, đi vào những triết lí sâu xa thì lại dễ thất bại (Thơ rời trên đường Trường Sơn, Rất bình thường, Thơ dán trên bàn làm việc, Điều tôi muốn nói,… là những ví dụ). Chỉ khi nào anh khảm những cảm xúc chân thành vào cái tôi trữ tình đầy nhiệt huyết, neo tâm trạng lắng lại trước những biến đổi của mỹ cảm, anh mới có những hình tượng thơ có sức khái quát sáng hẳn lên:
Tôi biết thời gian sẽ chẳng đợi tôi/Nên tôi cứ đi và đi mãi/Sợ mai kia đôi chân mỏi/Những buồn vui sẽ chết với cuộc đời (Khát vọng, 1983)
3. Cả quãng đời tuổi trẻ ném vào chiến tranh, khi ngoảnh lại thấy hốt hoảng, nên sau ngày hòa bình, Thái Ngọc San tập trung cho công việc viết lách, ngoài thơ anh còn viết truyện ngắn và làm báo. Vài chục truyện ngắn in rải rác trên các báo, đã có lần được anh gom lại thành tập Bầy thú hoang dã (nghe đâu đã được một nhà xuất bản nào đó từ chối không in, theo kiểu eo sèo của ngành xuất bản). Trước đây, khi đọc một vài truyện trên báo, quả thật tôi không mấy chú ý. Giờ có dịp đọc lại một cách hệ thống, bỗng hiện ra một thế giới nhân vật độc đáo, những con người có đời sống không bình thường, lững thững đi về tập hợp đứng chật tâm hồn anh, thể hiện những ý tưởng khác nhau, thành một vệt đậm của cuộc đời qua bút pháp khô lạnh, có khi đến mức nhói đau.
Thái Ngọc San chỉ có một truyện hồi ức chiến tranh, về thân phận cô Mai, người phụ nữ thác cuộc đời ngắn ngủi của mình vào cuộc chiến tranh dai dẳng như Chuyến tàu không dừng lại, hầu hết những truyện còn lại anh đều chăm chú quan sát và miêu tả cuộc sống hôm nay, truy tìm bên trong sự bình lặng của đời thường, trong thế giới đơn lẻ nhưng đầy những góc cạnh dữ dội của tâm hồn con người. Hùng thọt, một Gã kéo chuông nhà thờ, là nạn nhân của chế độ cũ, cô độc đứng bên tượng thờ Chúa, từ trong sâu kín tâm hồn vẫn giữ được phẩm hạnh, vạch trần bản chất của kẻ chăn dắt con chiên; một bà Phán tính khí thất thường trong Câu chuyện một ngã ba sống cô độc trong quá vãng vàng son; một ông Lâm tự giam hãm đời mình và buộc vợ con sống tách biệt với xã hội loài người như một Bầy thú hoang dã; một thanh niên nhiệt thành tin tưởng một cách trong sáng vào lý tưởng như Bửu bỗng rơi vào tình trạng bi kịch của sự nhận thức dẫn đến cái chết bi thảm trong Bản tường trình về một cái chết… Là người nắm giữ thế giới nội tâm của nhân vật, anh đã tạo cho mỗi nhân vật đều là quá trình tự ý thức và đều trở nên sống động, đi lại nói cười. Ở những truyện nào anh thể hiện ý tưởng từ bản thân nhân vật thì truyện ấy thành công, còn truyện nào anh gài ý tưởng vào nhân vật sẽ dẫn đến sự sáo mòn thiếu sức hấp dẫn. Đó là những truyện hướng theo chủ đề thời sự có tính chất thông tấn như Người khách ôm chiếc cặp da, Một trăm trang… mặc dù tác giả đã cố gắng nâng cao ý nghĩa xã hội nhưng không neo chắc vào cội nguồn của hệ tư tưởng nhân văn sẽ không tạo nên đời sống riêng cho nhân vật. Những truyện hay của anh bao giờ cũng chuyển hóa giữa nhiều lớp nghĩa, một tầng mang ý nghĩa xã hội phổ biến, một tầng hàm chứa tư tưởng nhân ái, đặt nhân vật ở thế lưỡng đối gay gắt giữa phẩm chất làm người và bản năng dục vọng, các bản năng mà như thuộc tính nó vốn có.
4. Thái Ngọc San là người có lý tưởng xã hội, lý tưởng thẩm mỹ sáng rõ, sống có bãn lĩnh, có chủ kiến và biết bảo vệ chủ kiến của mình. Có lẽ chính vì thế mà cách đây hơn hai mươi năm, trên hành trình đi tìm cái đẹp, anh đã lặng lẽ rời Tạp chí Sông Hương nơi anh đang làm Thư ký Tòa soạn, chuyển sang làm phóng viên báo Thanh Niên, với thái độ quyết liệt giống như trước đây đến với phong trào rồi thoát ly lên rừng, cũng giống như sau năm 1975 rời cơ quan theo đoàn thanh niên xung phong đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Phú Xuân, Đắc Lắc. Chuyển từ lý tưởng thẩm mỹ sang lý tưởng công dân, Thái Ngọc San có thể dễ dàng góp phần đấu tranh cho lý tưởng bác ái, dân chủ, công bằng xã hội hơn. Tên tức là người. Như chính cái tên của anh, quá trình làm báo là sự tiếp tục hành trình lặng lẽ đi san sẻ những ngọc ngà quý giá mà anh có được tự tấm lòng, đem cho mọi người, những con người nhỏ bé trong xã hội, cần có sự giúp đỡ, sẻ chia. Những gì mà Thái Ngọc San để lại, còn có cả mấy trăm bài báo, trong đó có nhiều phóng sự văn học có giá trị, tiếc rằng tôi chưa có điều kiện đề cập ở đây.
Khi đánh giá đóng góp của một nhà văn, không nên căn cứ vào số trang được viết ra mà phải căn cứ vào hiệu ứng tư tưởng - nghệ thuật được thể hiện trên trang giấy. Nhìn lại số trang chưa lấy gì làm nhiều nhặn cho lắm của Thái Ngọc San, có thể thấy, những mặt mạnh và mặt yếu của anh hiện ra từ đó. Đây đó trong thơ vần điệu chưa được chú ý lắm, nhưng nó tự nhiên, gần gũi với ngôn ngữ đời sống, không làm duyên, trau chuốt để trở thành món ăn tinh thần cấp cao theo kiểu “đặc sản”. Thơ anh sau năm 1975 bớt đi cái khát vọng tung phá, sự phẫn nộ đến cuồng nhiệt, nhưng vẫn giữ được sự cường tráng của cảm xúc. Có người cho rằng, thơ Thái Ngọc San tiêu biểu cho Huế cổ kính và thơ mộng (2), nhưng theo tôi, sự nhất quán trong thơ anh là chất giọng rắn rỏi, gân guốc mạnh mẽ. Phải chăng điều này phù hợp đối với văn xuôi hơn là với thơ? Vì vậy, tôi cho rằng đóng góp về văn xuôi, trong đó có truyện ngắn và hàng trăm phóng sự văn học chưa có điều kiện khảo sát như đã nói ở trên, là đáng ghi nhận. Văn xuôi của anh ít có những trang trữ tình mượt mà mà là lối kể chuyện bình dị. Anh hay kể ở ngôi thứ nhất, làm nhân chứng để dẫn chuyện. Anh ít sử dụng đối thoại, mà thiên về tự sự và độc thoại để khơi dậy dòng đối thoại ngầm trong nội tâm nhân vật. Một vài truyện có kết cấu độc đáo, như sự lắp ráp các mảng cùng một bảng màu để làm nền cho đời sống nhân vật - những con người được miêu tả ngoại hình và ngôn ngữ phù hợp đến sắc nét… tất cả như đã khẳng định Thái Ngọc San đang trên đường hình thành một văn cách riêng, một chân dung đang dần dần hiện ra giữa đời sống văn học, nhưng bỗng nhiên anh ngừng viết…
Quả thật là, trong những năm gần đây, khi thấy anh hầu như không sáng tác văn học mà miệt mài với những chuyến đi, những bài báo nóng hổi đời sống, tôi lấy làm mừng vì nghĩ rằng anh đang trầm tích trữ lượng cho một bút lực văn xuôi trong tương lai, và tin rằng có lúc “tôi sẽ trở về lặng lẽ như một ngôi sao, và bất ngờ như một cơn bão” (Tôi sẽ trở về), nhưng sao anh không thực hiện lời hứa ấy, mà vội vã ra đi, anh San ơi!…
P.P.P
(246/08-09)
(1) Lê Dục Tú, Một vài nét về thơ miền Nam từ sau 1975, Tạp chí Văn học, số 5.1984
(2) Võ Văn Trực, Lực lượng trẻ trong đội ngũ thơ hôm nay, tạp chí Văn học, số1. 1986
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét