Thứ Năm, 11 tháng 1, 2018

Trong giấc mơ tôi (kỳ 3)

Nguyễn Tuyết Lộc
*THỜI CỦA BIẾN CỐ
Ai cũng biết từ năm 1954 đến 1960 dưới chính quyền Ngô Đình Diệm, Huế nói riêng cũng như cả miền Nam nói chung tưởng chừng như hưởng một nền hòa bình yên ả. Và ai cũng phải công nhận ông Diệm thành công rõ rệt trong những năm đầu. Để được như thế, thật ra ông không có một ngày được ngủ yên. Ông quyết lật đổ vua Bảo Đại – nói cách khác với sự góp ý và OK của người Mỹ, gạt bỏ mọi thành phần chống đối, trấn áp các phe đối lập, từ nhóm Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo cho đến các đảng Đại Việt, Quốc Dân đảng, xây dựng một bộ máy chính quyền có tổ chức chặt chẽ, lại có thêm ông em là Ngô Đình Nhu làm cố vấn, lập đảng Cần Lao để phục vụ chế độ. Nhiều trường đại học khác được thành lập ở các thành phố lớn, dân chúng nhìn chung đã tạm yên ổn làm ăn. Nhưng càng về sau, chính sách của ông ngày càng áp bức, không tin dùng ngay cả những người có công đưa ông về nước, chỗ nào cũng có mật vụ, nạn tham nhũng làm lũng đoạn cả guồng máy nhà nước dân sự cũng như quân sự. Nhất là chính sách kỳ thị tôn giáo rõ rệt. Ngày lễ Noel trường học được nghỉ, trong lúc ngày lễ Phật Đản bị huỷ bỏ trong học đường cũng như trong chính quyền và quân đội… Tôi nghe người ta nói mỗi người – ngay cả những bậc thông minh, kỳ tài – đều có một “điểm mù”. Có khi đây chính là “điểm mù” của toàn bộ thành viên họ Ngô Đình chăng?
Sự chống đối chính quyền gia đình trị họ Ngô cứ âm ỉ, ngày càng mạnh mẽ và căng thẳng hơn. Đặc biệt trong giai đoạn này là vụ tự tử của nhà cách mạng, nhà văn nổi tiếng Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam để lại nhiều bùi ngùi thương tiếc. Những thiện cảm mà quần chúng dành cho ông Ngô Đình Diệm trong những năm đầu ông vể nước giờ đã tiêu tan. Không thể chịu nổi tình trạng này, một số đơn vị quân đội đã nổi dậy chống đối.
Mở đầu là cuộc đảo chánh của Đại tá Nguyễn Chánh Thi và Trung tá Vương Văn Đông. Nguyễn Chánh Thi là Tư lệnh đầu tiên của Lữ đoàn Nhảy dù. Ông là sĩ quan rất được Tổng thống tin dùng, từng có lần tháp tùng Tổng thống viếng thăm Trung Hoa Dân Quốc trong chức vụ Tùy viên quân sự. Tuy vậy ông vẫn ngấm ngầm bất mãn với chính quyền mà ông cho là gia đình trị và tham nhũng. Tháng 11 năm 1960, ông cùng Trung tá Vương Văn Đông tham gia nhóm các sĩ quan mưu toan đảo chính, lật đổ Chính phủ, bao vây Dinh Độc Lập nhưng bị phản công, cả hai cướp máy bay đào thoát sang Campuchia tị nạn.

Thứ Hai, 8 tháng 1, 2018

Trong giấc mơ tôi (kỳ 2)

Nguyễn Tuyết Lộc
*SANG MÙA BIỂN ĐỘNG
Khi Ba tôi chuyển công tác từ Huế ra Lệ Thuỷ - Quảng Bình anh Hai khoảng 5, 6 tuổi, thường theo Mẹ đến chùa lễ Phật, chơi đùa múa hát với chú điệu Thích Trí Quang, Hoà thượng Thích Trí Quang bây giờ. Chú điệu Thích Trí Quang lớn hơn anh Hai hai tuổi theo tuổi khai sinh, còn theo tuổi âm lịch thì chú điệu tuổi Giáp Tí hơn anh Hai tuổi Ất Sửu chỉ một năm. Hoá ra đúng như người ta vẫn nói “trái đất tròn”, ai ngờ hai người “bạn” thân một thời thơ dại – Hoà thượng Thích Trí Quang và giáo sư Nguyễn Văn Hai, anh tôi – còn duyên kỳ ngộ về sau ở đất Huế đô lúc mỗi người đã có vị trí, thanh vọng riêng trong xã hội, hẳn có những ngần ngại tôi không dám hỏi.
Ông nội chúng tôi là thầu khoán xây dựng nên giàu có. Sau khi đỗ bằng Tiểu học Yếu lược, anh Hai được Ba Mẹ tôi cho vào Huế ở với ông nội tại Ô Hồ, khu vực sau lưng chùa Diệu Đế - Gia Hội - tiếp tục học lớp nhì nhất niên (Cours Moyen Première Année), nhì nhị niên (Cours Moyen Deuxième Année) và lớp nhất (Cours Supérieur) ở Khải Định.
Vì anh Hai là cháu đích tôn nên ông nội rất cưng chiều. Sáng anh đi bộ từ Ô Hồ đến Khải Định, chiều từ Khải Định về Ô Hồ, ăn trưa trong trường, ngày nghỉ thì rong chơi với bè bạn. Khi ông nội mất, do đau buồn anh không tập trung học hành và chỉ thi đậu bằng Tiểu học, viết tắt là CEPCI (Certificat d’Études Primaire Complémentaire Indochinoise) mà lại rớt vào năm thứ nhất Cao đẳng Tiểu học. Ba Mẹ tôi phải đưa anh về Lệ Thuỷ, nhờ bạn là thầy Trần Tiếu Dư kèm cho anh học lại lớp nhất, nhờ vậy cuối năm anh thi đỗ vào Khải Định với thứ hạng rất cao, được cấp học bổng toàn phần vào nội trú. Từ đó anh hăng say học tập, không lêu lổng bạn bè nữa. Anh đọc đủ loại sách báo từ tiểu thuyết, thơ, kịch, cho đến khảo luận, lịch sử bằng tiếng Pháp và tiếng Việt. Có thứ anh nhịn tiêu dùng tiền Ba Mẹ tôi cho thêm hàng tháng để mua, có thứ do trao đổi với bạn bè hoặc đi mượn ở thư viện L'Accueil, hay chuyền tay nhau mà có. Hầu như học sinh nội trú đều lâm một bệnh chung là đọc sách. Càng đọc càng thấy say. Cả một chân trời mới mở ra trước mắt. Đọc sách, nghiên cứu, sưu tập tư liệu là công việc theo anh Hai tôi trọn một đời, có thể nói đó là hobby lớn nhất của anh.
Vào những năm 1945, chương trình áp dụng cho ban Cao đẳng Tiểu học và Tú tài bản xứ chịu ảnh hưởng nặng nề của chương trình Pháp, dùng tiếng Pháp làm chuyển ngữ, tiếng Việt chỉ được xem như một sinh ngữ phụ. Đúng ra đây chỉ là chương trình Pháp thật sự nhưng có chút sửa đổi nhỏ áp dụng cho các trường Việt Nam. Chương trình này kéo dài đến hết Thế giới Đại chiến thứ hai trên toàn cõi Việt Nam. 1945, sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập, chương trình Việt được ban hành gọi là chương trình Hoàng Xuân Hãn, được đem ra áp dụng trước ở Bắc Việt và Trung Việt, thêm giờ tiếng Nhật, riêng ở miền Nam thì vì có sự trở lại của người Pháp nên chương trình Pháp vẫn còn tiếp tục.

Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2018

Trong giấc mơ tôi (kỳ 1)

Nguyễn Tuyết Lộc
*LOUISVILLE – HỘI NGỘ SAU 22 NĂM
1997.
Đây là lần đầu tiên tôi đi Mỹ thăm anh Hai tôi sau 22 năm xa cách kể từ 75.
Vào thời điểm này, không dễ dàng gì lấy được visa vào nước Mỹ. Thời Việt Nam đã “đổi mới” nhưng những ngăn trở, nghi ngại ở cả hai phía đối địch cũ chưa thể xóa nhòa. Những người vượt biên trước đây được nhà nước “xóa án phản bội Tổ quốc”, thậm chí họ được tiếp đón nồng hậu khi trở về thăm quê nhà với danh xưng rất đẹp: Việt Kiều Yêu Nước. Còn họ xác định thế nào là Việt kiều yêu hay không yêu nước thì thú thật tới giờ tôi vẫn chưa rõ. Bởi sau khi bộ đội cụ Hồ chiếm được miền Nam một thời gian ngắn ngủi thì hàng chục ngàn quân, dân, những người làm cho chế độ cũ phải vào tù, gọi là đi “học tập cải tạo”, với hàng loạt trại cải tạo tại rừng thiêng núi hiểm trên toàn quốc. Chính phủ Mỹ mất 8 năm trời điều đình với chính quyền Hà Nội để họ được trả tự do cùng gia đình sang định cư tại Mỹ, ưu tiên theo diện ODP (Orderly Departure Program) hay còn gọi là “Chương trình ra đi có trật tự”, với tư cách là những người tị nạn chính trị chứ không phải vì lý do nhân đạo. Mà thật, vì hầu hết ra đi do sợ chế độ khắt khe của Cộng sản, hoặc bế tắc kinh tế, mối lo cho tương lai học hành nghề nghiệp của con cái, hoặc do cha mẹ đi cải tạo trong tù, nhà trường không cho hoặc gây khó dễ việc học hành của con em họ. Mặt khác, họ cũng lao động hết sức mình nơi quê người để kiếm tiền gửi cho thân nhân ở quê nhà, đỡ một phần đất nước phải gánh vác.
Anh chị Hai đón tôi ở phi trường Kentucky, không có màn ôm nhau khóc hu hu, không mừng mừng tủi tủi, một phần tính anh Hai tôi nghiêm khắc, phần khác tôi vẫn còn rụt rè do hai anh em cách nhau hơn 20 tuổi, nhưng nhìn cách anh chuẩn bị đón em út rất chu đáo cũng biết là anh thương em lắm. Anh Hai cho biết anh Thạch cũng đang trên đường từ Paris bay qua New York rồi từ New York về thành phố này. Chiều mai anh Thạch sẽ đến, ba anh em sẽ được ở chung một nhà như hồi tôi còn nhỏ. Thích quá. Cuộc hội ngộ này chỉ có trong giấc mơ.
Trên đường về anh Hai lái xe “ngon lành” lắm, viu viu như thanh niên lái vậy. Tôi nhìn anh, nhìn chị. 22 năm! Bỗng dưng mắt tôi hoe hoe đỏ, mũi tôi phập phồng, có cái gì đó chặn nghẹn cổ tôi. Tôi muốn khóc òa lên nhưng không dám khóc. Tôi thương anh tôi quá.
Đây rồi xe dừng trước số nhà 8409 - Calm Lane - Louisville, địa chỉ mà tôi thường thấy trên những bức thư anh Hai tôi viết gửi về cho tôi với nét chữ thân thương. Anh chị dẫn tôi đi một vòng quanh nhà rồi bảo tôi lên phòng nghỉ ngơi.
Phòng anh chị ở basement, ba phòng ngủ tầng trên thì hai phòng dành cho tôi và anh Thạch. Anh Hai đã tự tay thay drap giường sạch sẽ tươm tất. Chuyến bay thật xa, mệt, tôi chỉ trông chui vào phòng để ngủ một giấc thẳng cẳng cho sướng cái đời.
Trời se lạnh. Đêm Louisville thật yên tĩnh.
Gần 12 giờ trưa thức dậy, tôi mở cửa đi bộ vòng vòng quanh nhà. Rất nhiều cây xanh trồng thành hàng ngăn nắp. Nhà này biệt lập với nhà kia bằng những khoảng sân cỏ rộng không có hàng rào ngăn cách, trước nhà là đường một làn dành cho xe hơi, sau lưng nhà nào cũng có một khoảng vườn lớn, người thì dùng khoảng đất trống này để dựng hồ bơi di động, hình dáng đủ kiểu thật đẹp mắt được lắp ráp bằng những thanh gỗ, keo gắn kết, dây kẽm to bản niềng lại rồi bơm nước vào, vườn nhà anh chị Hai thì để cỏ mọc hoang. Cuối biên vườn là con rạch nhỏ. Người Mỹ gắn tên tuổi mình với cuộc chiến mang tên Việt Nam, nước Mỹ gây ân oán khắp cả trên thế giới hoá ra rất yêu thiên nhiên, đất nước của không gian và lá xanh, xanh thật là xanh!
Tiếng lao xao gọi nhau trước sân nhà, khoảng năm sáu trẻ em độ chừng mười lăm tuổi, da đen có da trắng có, cả da vàng nữa đang chơi bóng chuyền, tôi cũng gia nhập, cũng hò hét. Bỗng tiếng anh Hai gọi:
- Tuyết Lộc, vô ăn sáng rồi đi mall.
Tôi ngồi vào bàn ăn nghe anh dặn dò:
- Chiều ni cả nhà đi đón chú Thạch, tối mới về. Ở đây o không nên lang thang ngoài đường, gặp bọn da đen kiếm chuyện nó đánh. Da trắng kỳ thị lắm, thấy da vàng hay đen nó khinh, cũng kiếm chuyện. O không được vào nhà người lạ cho dù họ có mời vào mình cũng đừng vào. Mình vào rồi họ đóng cửa lại gọi police tới, bảo mình đã vô nhà họ bất hợp pháp là o bị còng tay dẫn đi ngay. Tóm lại, muốn đi đâu o nói với anh, anh đưa đi. Nghe o và chú Thạch qua anh đã lên chương trình cho cả nhà rồi, nơi nào cần đi anh sẽ dẫn đi để biết văn hóa ở đây. O biết không, ở đây nhiều thứ căng thẳng lắm, ví dụ như trời đang nắng, ti vi báo sắp có mưa đá là mình phải lo tìm chỗ trú ẩn ngay. Vừa rồi anh được bảo hiểm đổi chiếc xe mới toanh vì trần xe của anh bị mưa đá làm thủng hết. Nhà phần nhiều làm bằng thứ dễ cháy chất liệu nhẹ, nếu cháy phải nhanh chóng thoát thân trước chứ ham lấy của cải cháy luôn cả người, nếu có lốc xoáy chạy tìm góc nào đó dưới basement ngồi niệm Phật, nhưng không may lốc đã đến nhà chỉ có cách cuốn theo nó mà thôi, Phật không kéo lại nổi. Mưa nữa, o thấy nhà cửa đẹp đẽ sang trọng ri chứ mưa lớn một trận là như lũ, nước tràn cả xuống tầng hầm, nước rút đi anh chị phải múc nước tát ra ngoài. Ống nước hư hay đường dây điện có vấn đề anh chị phải gọi người tới sửa chữa, tốn kém đã đành mà rất phức tạp, họ tháo banh mọi thứ ra, khi họ đi mình dọn dẹp cực lắm. Lúc còn trẻ, mình chịu được, lớn tuổi rồi cái chi cũng thấy mệt nên anh chị dùng đồ đạc phải rất cẩn thận, không hà tiện cũng như người hà tiện. Những ngày o và chú Thạch ở đây chị sẽ nấu cho cả nhà ăn, vì chỉ có chị dùng bếp ga, hỏng đâu chị biết đó. Tuyết Lộc đừng đụng vào bếp ga. Áo quần cũng để chị, hai, ba ngày chị bỏ máy giặt một lần, o rửa chén bát, anh làm tài xế nếu ngày đó anh không đi dạy, chú Thạch ưa cắt cỏ với anh thì cắt… Cỏ ở khu vườn sau nhà lên cao lắm rồi, anh chờ chú Thạch qua cắt đó.Anh lên chương trình xong cả nhà ra xe đến mall gần nhất. Mỗi người mua chi tùy thích. Anh nói đi chợ một lần để ăn hai ngày.