Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

Những bài thơ mùa khô 2015




CÓ PHẢI NGÀY ĐÃ TÀN KHÔNG

ngày không tàn chỉ là hết thôi
giờ cùng cuối
hết ngày nhưng không tàn
vì còn đêm phía trước
và ngày không bao giờ tàn
luôn luôn sống lại
khi sáng mai
lúc ấy tôi bắt đầu
từ tinh sương mặt đất

tình yêu tôi
sống lại từ
trang vở mới đầu tiên
như ngày
không tận


BÀI HÁT CHO SỰ KHỞI ĐẦU

tôi vẫn nghĩ rằng
hay bắt đầu nghĩ rằng
phải có một bài hát dạo đầu
cho mỗi cuộc đời
như bài quốc ca trước trận đấu bóng

bài hát của tôi là gì
khởi đi cuộc sống
ngày hôm nay
cũng như mặt trời cuộc sống
tia nắng đầu ngày
thức giấc lá cây
lay tỉnh ngọn cỏ

bởi vậy
thật quan trọng sự khởi đầu
là một bài hát

nhưng thật ra
tôi chưa có bài hát nào cả

CỦA MỘT NGƯỜI

khi sự giả trá là thói quen đầu môi
chìm mình trong huyễn hoặc
tư vinh danh mình
bằng những lời bịa đặt
lúc nào lũ ruồi nhặng cũng thèm thuồng mật ngọt
yêu thích lòng gian dối

tôi đã đeo mặt nạ
nhiều năm không cảm giác
nhưng hôm nay
tôi đập vỡ tan
trò ngớ ngẩn ấy


THƯ GỬI KẺ VÔ DANH

nhiều ngày tôi vẫn chưa viết được
bức thư gửi
người vô danh
sự ám ảnh mọc gai trong trí óc
làm đau buốt những ngày qua

đó là sự ngụy trá được che đậy
như màu sắc loài kỳ nhông
đổi thay liên tục
của một con người
(hãy cứ tạm gọi như vậy)

đó là vẻ im lặng của cây cỏ
dưới sự khắc nghiệt của thiên nhiên
nhiều năm hay nhiều thập niên
được gọi là sự biến đổi của khí hậu
hay sự suy tàn của trái đất
 (hãy cứ tạm gọi như vậy)

đó là vẻ giả tạo của nỗi yêu thương muộn mằn
điểm trang thêm vào giọt nước mắt
mái tóc ngắn cho một bên khuôn mặt một nửa của người đàn bà
là một nửa của sự nhẹ dạ
đâu đó trong những ngày thanh xuân
nụ hoa giả trong chiếc bình gốm
sự dịu dàng cần thiết của tình ái
hay lòng đắm mê yêu
(hãy cứ tạm gọi như vậy)
từng ngày nghe tiếng kêu gào ngoài cánh cửa đóng đã nhiều năm
thư có viết đâu
để gửi kẻ nào đó vô danh
vì bởi
kẻ ấy lại là tôi.


MỘT MÙA HÈ

mùa hè sẽ tới dù không phải
là mùa hè
tháng tư
cũng sẽ tới
là những tháng tư bình thường
không phải một mùa hè báo động
những con chim chết ngoài biển


để lại cho người một áng mây bay
tàn héo mộng
năm ấy buổi hẹn đầu
đã là bóng hình biệt dạng
người rời rã như mây tan
phai như chiếu nắng tắt
để cho người làm chi
tình vắng lặng

mùa hè không mong rồi cũng tới
viết lại một trang đời
nỗi buồn sa mạc hóa

để lại cho người làm chi một kiếp sau
ngày tháng trắng
chôn vùi trang ký ức kia
một mùa hè vô tận

tuyết dù có tan trên đỉnh băng sơn
hay lửa dung nham thiêu tràn mặt đất
ngày đêm chưa nguôi nhung nhớ niềm đớn đau một đống tro tàn
mùa hè bất diệt

TỪ HOÀI TẤN
Sài Gòn tháng 4/2015

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

Triết hiện sinh: "Tiến lên để sống"

  •   Bùi Văn Nam Sơn
  • Thứ hai, 27 Tháng 4 2015 15:21
Trong thời gian nước Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng, một sinh viên đứng trước sự lựa chọn khó khăn: trốn sang Anh để tham gia cuộc kháng chiến hoặc ở lại để chăm sóc người mẹ già yếu, cô độc mà anh là chỗ dựa duy nhất. Tham gia kháng chiến vì "đại nghĩa", nhưng chưa chắc đóng góp được gì nhiều. Ở lại vì đạo hiếu riêng tư, nhưng vắng anh, người mẹ chắc không thể sống sót. Anh có thể xin lời khuyên từ các vị linh mục, nếu anh là tín đồ. Nhưng, có linh mục cộng tác với địch, có linh mục kháng chiến và có cả linh mục trùm chăn. Chọn hỏi người nào cũng tức là mặc nhiên đã chọn trước câu trả lời! Nếu chọn hỏi Jean-Paul Sartre, người thầy giáo chủ trương thuyết hiện sinh, chắc hẵn Thầy Sartre sẽ trả lời: "Anh tự do. Anh hãy suy nghĩ, chọn lựa và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình!". Nói cách khác, chẳng có một nguyên tắc, một đạo lý có sẵn nào (triết học gọi là "tiên thiên"/ a priori) quyết định hộ cho anh được cả. J. P. Sartre, trong luận văn nổi tiếng "Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản" (1946, bản tiếng Việt của Đinh Hồng Phúc, sắp xuất bản) nêu trường hợp éo le ấy như một điển hình cho vô vàn tình huống nan giải của đời người, chẳng hạn: có nên bắn hạ một máy bay chở khách khi bị bọn khủng bố chiếm giữ và sắp lao vào chỗ đông người? Có nên ngăn cản sự tiến bộ của khoa học trong nghiên cứu tế bào gốc và nhân bản người? v.v.. và v.v..
Đặt con người trước những "hoàn cảnh ranh giới" của sự sợ hãi, lo âu, xấu hổ, ghê tởm, tội lỗi, bệnh tật, cô đơn, khủng hoảng để cảm nhận sự tự do vừa như gánh nặng vừa như nghĩa vụ, là tạo cơ hội cho con người đối diện với chính mình, tra hỏi về khả thể của tự do và phẩm giá ngay cả trong những cảnh huống ngặt nghèo nhất. Triết thuyết hiện sinh ít bàn trực tiếp về giáo dục ("rao giảng", "dạy dỗ" là những gì thật xa lạ với tinh thần thuyết hiện sinh!), nhưng, đúng như nhà giáo dục học R. Reichenbach nhận xét, "bất kỳ nhà giáo "giỏi" nào cũng đều là một nhà theo thuyết hiện sinh! Điều này người ta thường quên hay không hề biết đến. Nhưng thật đáng nhắc lại và không bao giờ là muộn! Tất nhiên, không có nghĩa là một nền sư phạm "hiện sinh chủ nghĩa" là hoàn toàn đầy đủ. Không, không ai bảo thế cả!"
"LÙI LẠI ĐỂ HIỂU, TIẾN LÊN ĐỂ SỐNG!"
Câu nói trên đây của S. Kierkegaard, một trong những triết gia tiền phong của thuyết hiện sinh, tóm gọn tinh thần của triết thuyết. "Lỗi lầm" là động lực thường trực để con người biết ngoái nhìn lại quá khứ, thấu hiểu và cảm thông. Còn "tiến lên để sống" là dũng cảm đề ra những dư phóng cho tương lai, với ý thức đầy đủ về hoàn cảnh giới hạn về nhiều mặt của chính mình cùng với trách nhiệm phải gánh vác trước tha nhân và cộng đồng, tức, thật sự sống "hiện sinh", hoặc buông xuôi, mê muội, vô ý thức. Trong trường hợp trước, ta quan tâm đến câu hỏi: làm sao thực hiện sự tự do hay, ta tự định hình mình như thế nào? Khác với "chủ nghĩa hư vô", thái độ "hiện sinh" không bao giờ là bi quan, yếm thế, dù không muốn tự gọi là "lạc quan". Tự do, trong triết hiện sinh, là tự do tích cực, chủ động, là tự do "để làm gì", chứ không chỉ là tự do thoát "khỏi cái gì". Khi không hài lòng với trực trạng, thì, theo nghĩa "hiện sinh", ta phải hành động để thay đổi nó đi. Cho dù khó có thể hình dung một dự phóng cho toàn bộ lịch sử và xã hội, tín niệm của thuyết hiện sinh vẫn là tự mình hãy "tạo nên" ý nghĩa cho nó. Ý nghĩa và giá trị chỉ hình thành qua hành động, dù trong nghịch cảnh, nếu không muốn kéo lê đời mình trong sự nhàm chán: rút cục, ta có thể kết luận rằng hành động của ta là vô nghĩa, phi lý, hoặc ta tìm thấy ý nghĩa trong hành động cụ thể (chứ không ở đâu khác được!).
Triết hiện sinh chia tay với triết học "trừu tượng". Nó quan tâm đến tính chủ thể cụ thể của con người, chứ không phải khái niệm trừu tượng về "chủ thể". Đó là lý do nhiều triết gia hiện sinh (như Sartre, Camus...) chọn hình thức văn nghệ (tiểu thuyết, kịch...) để đến gần hơn với đời sống thực, nói lên những băn khoăn, thao thức, đau khổ và lựa chọn trong "thân phận" làm người.
Khẩu hiệu có lẽ trứ danh nhất của thuyết hiện sinh Pháp (Sartre) rằng hiện hữu có trước bản chất muốn nói rằng ta không hề hay biết một "bản tính" hay "bản chất" có sẵn nào đó của con người để, chẳng hạn, dùng làm định hướng hay đường lối bất biến cho giáo dục, luân lý và sự phát triển xã hội, hoặc để từ đó, xác định chỗ đứng của con người trong vũ trụ. Đúng hơn, ta "bị ném vào cuộc đời" và không có bản tính định sẵn nào cả. Mặt tích cực của quan niệm này là: khi dự phóng, quyết định, hành động, ta "tự tạo ra chính mình". Thuyết hiện sinh, theo cách hiểu ấy, đã ảnh hưởng rộng rãi ra khỏi Tây Âu vốn là cái nôi của nó. Một trong những nhà triết học giáo dục quan trọng nhất của nước Mỹ là Maxine Greene (1917-2014) phát triển tư tưởng hiện sinh, xoay quanh chủ đề: Tự do như là Thực tiễn. "Tự do", theo bà, không phải là nhờ sống trong một "nước tự do", mà vì ta sống theo một cách thế tự do. Theo Greene, vấn đề cốt lõi là làm sao thực hành tự do bên ngoài vai trò và chức năng định sẵn (trong trường hợp của bà là: người Mỹ, phụ nữ, da trắng, trí thức..)? Lý tưởng (cao) của giáo dục là ở chỗ làm cho con người có năng lực "siêu việt" lên khỏi vị trí hầu như đã được an bài và khó tránh khỏi ấy. Vậy, chính "con người cụ thể", chứ không phải bản tính nhất định nào, vẫy gọi con người hãy tự sáng tạo chính mình. Trong diễn trình ấy, những vấn đề chỉ được đặt ra cho từng con người cá nhân cụ thể để giải đáp và tiếp tục tìm tòi, vươn tới.
Triết hiện sinh, như thế, không phải là triết học trường ốc với sách vở mốc meo, mà là hoạt động: triết học là làm triết lý. Ý nghĩa của hoạt động này, nói như Karl Jaspers, là góp phần "soi sáng" hiện hữu của con người trong một hoàn cảnh nhất định. Chức năng của nó là cho ta thấy rằng cá nhân mình là duy nhất, là tự do, là có thể chọn lựa, dù ở trong bất kỳ tình huống nào.
Theo một nghĩa rộng nào đó, hầu như không triết gia hay nhà giáo dục nào không là "nhà hiện sinh"! Socrates cũng thế, John Dewey cũng thế. Tuy nhiên, triết thuyết (giáo dục) hiện sinh, theo nghĩa chặt chẽ, là sản phẩm độc đáo và sâu sắc của thế kỷ 20, một "thế kỷ ngắn" đầy những cực đoan, nói như Eric Hobsbawm hay "thời đen tối" dưới con mắt của Annah Arendt, sẽ được tiếp tục tìm hiểu qua vài nét thật đặc sắc của nó.
.............................
Bản tác giả gửi VHNA. Bài đã đăngNgười Đô Thị, Bộ mới, số 36, 23.04.2015)

Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2015

một bài thơ ấn tượng : chào đón mùa phục hưng / thơ từ hoài tấn (nxb hội nhà văn vn )

                                                      
                     CHÀO ĐÓN MÙA PHỤC HƯNG
                                                                  thơ từ hoài tấn


                                                     từ hoài tấn  [i.e hồ văn hiến 1950 -      ]
                                                                        (ảnh tư liệu :  tác giả)


              Cuối cùng giọt sương hoa  đã nở hoa
                      dưới mặt trời chiếu chan kỳ diệu
                      con rắn hoa của đời sống trườn mình
                      qua những bụi cây khô qua những con đường lở
                      cơn địa chấn đã bắt đầu
                      xô ngã vùng núi đá
                      đã bao nhiêu năm nay đã nhai lại một lời tiên tri.

              Sẽ sống yêu trong cõi nọ
                      sẽ chết vô tâm bên bờ cô đơn kia.

                     Hãy cúi xuống như một người gìa sống gần hết trăm năm
                      những năm còn lại không biết làm gì
                      nên sáng tác một bài kinh ăn năn
                      một đời tội lỗi tầm thường đi qua
                      một chuỗi ngày tháng và năm vô ích
                      của cơn xung đột với mây trắng.

                      Hãy cúi xuống trong hoài niệm
                      soi mặt mình trong bóng lá
                      quá khứ cụt lủn như cây cối nửa đời
                      sần sùi niềm hối tiếc
                      tuổi trẻ hoang phí chưa hết già nua
                      người tình nào vẫn ruổi dong trong sa mạc lớn
                      sống qua mười năm như trăm năm
                      nên mong chờ cõi diệt
                      có nghe niềm rung chuyển tương lai
                      ì ầm vực thẳm
                      người đứng suốt bao năm trên triền đá trơn lu
                      không thấy mình đang nô đùa với cái chết
                      như cuộc tự sát chưa đến giờ tốt
                      trong sự chờ đợi không dưng.

                      Nhưng núi đã rung chuyển tương lai là lời ca bão tố
                      người sẽ trở về đời
                      giữa đường phố
                      nói về cuộc tự sát dở dang trên rừng núi vô danh của trí tưởng
                      thời đại mới trở những nhánh nghi ngờ
                      đời bập bênh trên biển gian nguy
                      những mùa đi qua ai đặt tên
                      cánh tay trần gian khô đét
                      những bước tường thành hy vọng sắp đổ xuống không ai biết
                      đầu rỗng mơ ngày mai tới
                      ngày mai bắt kịp một ngàn sau
                      có nghĩ chốn không tên này mãi bị bêu rếu
                      trên vết rêu mốc của thời oanh liệt
                      trên môi miệng của đám đông hò hét dã thú
                      những lòi chim rực rỡ sợ hãi trốn hút ở cao xanh
                      chết mịt mùng trong khuất bóng
                      hay những loài chim mơ ước kia mãi về đâu
                      không bao giờ trở lại.

                     Thế nào hạt sương cũng nở hoa
                       hạt sương cuối cùng của một buổi mai sẽ thắt nỗi chờ đợi
                       cúi xuống hôn đất
                       niềm rung chuyển tương lai
                       từ từ nổi gió
                       từ từ dâng lên
                       cơn đổi thay kỳ diệu
                       trần gian sẽ bốc lửa thiêu tan
                       trần gian sẽ  lại dựng
                       cuộc tự sát trên non cao không còn ai nhắc đến.

                       Đám đông vừa lớn dậy
                       giữa thời đại đầy dẫy những vết tích của hoang phế
                       và sự suy tàn của tội ác
                       đám đông bước đi
                       dưới những bàn chân non bắt đầu ướt mịn
                       dòng thác lớn trở về
                       tóa đi một lần, mãi mãi.

                       Người nào vừa ngang qua đây
                       giữa thủy triều hỗn loạn
                       bài hát đám đông
                       bắt đầu dựng lại những khu vườn rực rỡ
                       cây trái tái sinh
                       và loài chim xinh đẹp bắt đầu trở lại.

                       Người chào đón mùa phục hưng
                       bằng nước mắt ôi bao năm qua.

                           1972
                          từ hoài tấn

                           ( trong thi tập  PHỤC HƯNG  TÔI & EM )

                             art2all.net >



                                                 ra mắt PHỤC HƯNG TÔI & EM/ TỪ HOÀI TẤN
                                                                    tại tòa soạn tạp chí Sông Hương
                                                                                 (ảnh: Internet)                              

               
                        

                 
             



Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

Lời Dạy Nguyên Thủy của Thích Ca và Nguyên Lý Cơ Bản của Phật Pháp



Đại Ý:
- Không ai thật sự rõ biết những lời dạy nguyên thủy của Thích Ca Mâu Ni là gì.
- Mỗi tông phái trong Phật Giáo có những hệ thống giáo lý và kinh điển khác nhau, và có khi đối nghịch nhau.
- Tuy vậy có một số quan niệm cơ bản hầu như đều rất giống nhau trong mọi tông phái. Các quan niệm cơ bản nầy nói chung đều tụ quanh nguyên lý diệt khổ của Thích Ca. Các quan niệm nổi bật nhất là “vô ngã”, “vô thường” và nguyên lý “Tứ Diệu Đế”.
- Tôi cho rằng nói chung chỉ có các quan điểm cơ bản vừa nêu trên là lời dạy nguyên thủy thật sự của Thích Ca, và do đó là cốt tủy của Phật pháp.
Lời Dạy Nguyên Thủy của Thích Ca
Không ai biết những lời dạy nguyên thủy thật sự lúc còn sinh tiền của Thích Ca là gì. Đó là vì khoảng 500 năm sau khi ông qua đời thì các đệ tử mới bắt đầu ghi chép lại các lời ông dạy thành những tập kinh đầu tiên.
Trong Phật Giáo có hai giáo phái chính đó là Tiểu thừa (còn gọi là Nguyên Thủy hay Nam Tông) và Đại thừa (còn gọi là Bắc Tông). Trong phạm vi của mỗi giáo phái chính trên, có hàng trăm tông phái chi nhánh khác nhau. Mỗi tông phái có những hình thức và nội dung tín ngưỡng hoàn toàn khác hẳn với các tông phái khác.

Thứ Hai, 13 tháng 4, 2015

“Người khổng lồ văn chương” Günter Grass qua đời

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà văn Günter Grass của Đức, người viết cuốn Cái trống thiếc và đã giành giải Nobel Văn chương, vừa qua đời ở tuổi 87
Tờ Telegraph cho biết ông Grass qua đời trong ngày 13/4 tại thành phố Lübeck của Đức. Nguyên nhân của cái chết chưa được làm rõ. 
Grass sinh tại thành phố Danzig, nay là Gdansk, vào năm 1927. Ông bị buộc phải tòng quân vào năm 1944, khi mới 16 tuổi và trở thành một pháo thủ xe tăng trong lực lượng Waffen SS. Cuộc chiến của Gunter kết thúc 6 tháng sau khi ông nhập ngũ, lúc còn chưa bắn được viên đạn nào, bởi bị thương ngoài chiến trường.
Người ta đã cáo buộc ông là kẻ phản bội, đạo đức giả và chủ nghĩa cơ hội, sau khi ông viết về trải nghiệm thời kỳ đi lính ấy trong cuốn hồi ký Peeling the Onion (Bóc vỏ hành), ra mắt năm 2006. Grass rất ngạc nhiên trước sự phản ứng, cho biết thời trẻ ông chỉ nghĩ SS là “một lực lượng đặc nhiệm”.
Ông cũng cho biết đã công khai nói về quá khứ tham gia chiến tranh trong những năm 1960 và đã dành gần hết cuộc đời để xem xét lại niềm tin thời trẻ của mình, thể hiện qua các tác phẩm đã ra mắt. 
Nhà văn Günter Grass, tác giả cuốn Cái trống thiếc nổi tiếng
Sau chiến tranh, ông theo  học nghệ thuật ở Düsseldorf và Berlin. Ông dọn tới sống ở Paris vào năm 1965 và bắt đầu viết một cuốn tiểu thuyết kể lại câu chuyện của nước Đức trong nửa đầu thế kỷ 20, qua cuộc đời của một cậu nhóc đã không chịu lớn lên. 
Kết quả là Cái trống thiếc ra đời, một tác phẩm pha trộn nhiều yếu tố tưởng tượng, gia đình, triết lý và ngụ ngôn chính trị. Cái trống thiếc trở thành hiện tượng ăn khách toàn cầu, nhưng bị giới phê bình chỉ trích kịch liệt, nhất là ở nước Đức. 
Phẫn nộ với cuốn sách, các thành viên hội đồng lập pháp Bremen đã từ chối trao giải văn chương cho nó. Cuốn sách còn bị đốt cháy ở Düsseldorf. Nhưng nó lại giúp Grass có giải Nobel Văn chương. Khi trao giải Nobel Văn chương cho Grass, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã ca ngợi ông là một nhà văn “với những câu chuyện ngụ ngôn mang màu sắc đen tối, hài hước đã vẽ lại gương mặt bị lãng quên của lịch sử”
Phát biểu nhận giải trước Viện Hàn lâm Thụy Điển vào năm 1999, Grass cho biết phản ứng của dư luận đã dạy ông một bài học, rằng “các cuốn sách có thể gây tức giận, tạo ra sự phẫn nộ và thù ghét”. Ngoài ra tác phẩm hình thành từ tình yêu đất nước của một con người có thể gây xúc phạm tới quê hương của kẻ khác. “Kể từ sau cuốn sách, tôi đã trở thành một nhân vật gây tranh cãi” – ông chia sẻ. 
Quả thực, ông đã từ từ tung ra nhiều tác phẩm gây tranh cãi quanh các vấn đề công bằng xã hội, hòa bình và môi trường. Ví dụ như năm 1977, Grass đã động tới vấn đề chia sẻ quyền lực chính trị giữa đàn ông và phụ nữ, nạn đói và sự trỗi dậy của nền văn minh nhân loại trong một cuốn sách dày 500 trang. 
Năm 1986, ông tung ra cuốn  The Rat (Con chuột), khám phá chủ đề tận thế, và năm 1995 thì tung ra cuốn Too Far Afield, xem xét sự hợp nhất của nước Đức qua con mắt của những người Đông Đức. Cuốn sách khiến nhà phê bình văn chương nổi tiếng Marcel Reich-Ranicki của Đức nổi giận và gọi tác phẩm này là “một sự thất bại hoàn toàn”. Tờ Der Spiegel thậm chí còn đăng hình bìa với ảnh cuốn sách bị xé làm hai nửa. 
Cuốn tiểu thuyết cuối của Grass là Crabwalk, ra mắt năm 2002, xem xét vụ chìm tàu chở khách Wilhelm Gustloff vào năm 1945. 3 cuốn hồi ký của ông là Peeling the Onion, The Box và Grimms’ Words cũng động chạm tới nhiều vấn đề nhạy cảm. 
Tường Linh
Theo Telegraph

Thứ Tư, 8 tháng 4, 2015

Ngai vàng thoáng chốc, tâm hồn trường sinh

"Vua Hàm Nghi là một trong những họa sĩ đầu tiên của Việt Nam bắt đầu vẽ theo truyền thống châu Âu - với thể loại tranh sơn dầu, bằng sự tính toán theo phép phối cảnh. Hàm Nghi cần phải được coi là người mở đầu cho nền hội họa hiện đại của Việt Nam. Và điều rõ ràng là ông đã trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp". Cố giáo sư, tiến sĩ N.L.Nikulin, nhà Việt Nam học người Nga từng nhận định như thế trong một bài viết.

Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2015

Nguyễn Thị Ánh Huỳnh / BẮC THANG LÊN ĐÀ LẠT


bắc một cái thang
là đèo Chuối
bắc hai cái thang
là đèo Bảo Lộc
bắc ba cái thang
là đèo Prenn
em đã trèo lên mây 
bằng xe hơi
Đà Lạt treo trên cao
lửng hửng mù sương
em đã bắc một trăm cái thang
vẫn không trèo lên được đời anh
tâm hồn anh xa hơn trời
anh đã bắc một ngàn cái thang
mà không trèo lên được tình yêu em
tình yêu em không ở trên trời
dù em
đang ở Đà Lạt

 
Đà Lạt 3-2010

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

GẶP BỬU Ý ở PHẠM NGŨ LÃO




nắng đột nhập một thiền thất kín đáo
nở nụ hồn nhiên
một văn nhân nhà nguyễn của triều thần
ẻo lả bên thềm nhành hoa rung trước gió
nép mình vô lự với nhiệm mầu
lất phất bay . mùa quá vãng qua quá vội
tâm bát nhã đơm thơm xin hoằng pháp
áo khép mong manh một chuỗi đời vô ngại
liễu quán . vừng nhật nguyệt bao la
khúc tỳ bà . một thời phôi pha
trong tĩnh lặng ta nghe hồn rung động
khúc tiêu tương . một thời đã qua
với tay mềm yêu dấu tháng ngày ơi
nắng có tàn tình ta vẫn theo mộng
mộng vỡ mê đường . mộng cố nhiên
trăng trong sáng ta gieo hồn lãng tử
một niệm hư không suốt chín tầng
nguyệt về hay nguyệt đã ra đi ?
xin dẫn độ để tiêu diêu miền cực lạc
và cùng nhau đồng vọng tiếng cung thương
ta . gieo vào đời qua từng trang thư tịch
em . gieo vào hồn trong nỗi nhớ sầu bi
gió trên ngàn theo bóng với quan san
ôi hương nước ! nam ai nam bằng trong tiếng phách đưa
cho con thuyền lơ lửng sóng vỗ tình ta về cuối ngọ
lợi tha . xá lợi tha !

xin khất lại
thời gian là huyễn hóa
đóa vô thường
chấp nạp với sát-na

a-di-đà . quán thế giới nam-mô ./.

VÕ CÔNG LIÊM (hue.vn. 26/3/2015)