Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2016

TRẦN BẢO ĐỊNH : MIỄU SÁO TRÂU!

1.
- Chào ông!
Thầy cai giật mình, ngước mắt thấy lồng chim sáo trâu treo xiên nhà. Thầy chưa kịp phản ứng.
- Con c...(!?)
Cô hai quần ống thấp ống cao, từ dưới bếp chạy hớt hơ hớt hãi ra thềm hàng ba ngạch cửa.
- Thôi chết rồi!Chết rồi...Thầy cai bỏ qua cho em!Con sáo mắc dịch, m...ắ...c...
Cô thở hổn hển, thở đứt hơi, rớt tiếng... bộ ngực căng cứng phồng lên xẹp xuống theo nhịp hổn hển!
Thầy cai đứng như trời trồng, mắt ngó chết trân bộ ngực cô hai thiếu điều rớt răng... quên giận!
*
- Bộ em giỡn mặt qua hả?Lần nào cũng ''bị'' là ''bị'' mần sao?
Thầy cai nổi thầu lậu, mặt quạu giống mặt thợ thiến trâu.
Tiếng sáo trâu nói liên tục:
- Hôi lắm!Tanh lắm!Gớm...
Mà thiệt, cô hai lúc nào cũng cố tình mần mình mẩy hôi hám, mùi lợm giọng khiến ai ngửi đều muốn nôn...Sống thời buổi làng xóm bất ổn, lòng người bất an...đành mượn giả che thật.
Thầy cai cầm cây gậy, dọm đứng dậy ra hàng ba nhà đập con sáo. Cô hai kịp thời ấn vai thầy cai ngồi xuống ghế.
- Chấp nhất chi thú vật nói tiếng người. Thầy quá bộ tới thăm, em sướng lắm!Chuyện xui xẻo, thầy tưởng em không buồn sao?
Nắng ban trưa liếm chưn thầy cai khi nhảy qua vách trống trơn đầu song.
- Về đi cha nội!Về đi cha nội! Về...
Sáo trâu nhả tiếng khàn và đục như lời thúc giục từ cõi âm. Da thầy cai nổi ốc!
Mấy canh giờ chìm trong thời khắc õm ờ bỡn cợt, cô hai thấy đã đủ và đến lúc đuổi thầy cai. Như thể thiệt thà và ngây thơ, cô hai trật dây lưng, kéo quần xệ mí cho thầy cai ngó cái ''bị'' đỡ hậm hực. Thấy mới tin, thầy cai thấy ''cục đỏ lòm'' nên vui trong bụng:''Tưởng con hai nó trát, nào dè nó thiệt!'.
Thầy cai đứng dậy phủi đít, nắm tay cô hai thay lời từ giã.
- Chào ông!Chào ông...
Tiếng sáo trâu đu theo lỗ tai thầy cai ra tới ngõ. Bực cái mình, thầy chẳng thèm giữ ý giữ tứ:
- Ông! Ông... cái con c...!?
Cô hai tủm tỉm cười nhìn con sáo trâu, rồi quày quả xuống bếp cất gói bông gòn, đổ chén nước bông mồng gà đỏ ối!
2.
Ông ba Thịnh tía cô hai cùng một vài người anh em bạn, ngắm nghía đám chim sáo vừa bẫy bắt ở cù lao An Hóa; họ muốn lựa trong số chim sáo rừng nầy, chọn một con tập nói tiếng người.
Người bạn trung niên nói với ông ba:
- Bẫy chim sáo dù sáo đen(sáo trâu), sáo nâu, sáo sậu (cà cưỡng) bẫy lúc con nước ươn, bữa nay con nước nhảy, tui thấy nên dẹp bẫy và chọn số chim sáo mình đang nắm trong tay.
- Được đó chú ba!
Chàng trai trẻ Tân Thạch lên tiếng.
Ông ba hiểu cái khó không phải dạy chim sáo nói tiếng người mà cái khó là chọn ra được con sáo ưng ý. Chọn con có đủ yếu tố bộ óc tiếp thu nhanh và thích lập đi lập lại theo phản xạ bắt chước có điều kiện. Việc nầy, không ai qua nổi lão Minh. Trong đám chim sáo xây lố cố, lão Minh chọn ra con sáo trâu chưa tàn điếu thuốc. Nó đầu to, mỏ, móng cực đẹp; chưn cẳng bự, lông đuôi ngắn, cuống lông đuôi to, dáng linh hoạt ...anh em hôm đó, ai nhìn cũng thích.
Chàng trai trẻ Tân Thạch nhận luyện tập sáu trâu nói được tiếng người trong một thời gian sớm nhất, trước khi ông ba dời vợ con lánh qua xứ khác và anh em gia nhập nghĩa binh Thủ Khoa Huân.
Lão Minh nói với chàng trai trẻ:
- Người xưa truyền rằng:''Cha mỏ vàng chưn vàng, mẹ mỏ vàng chưn cước''. Cái vàng là màu của ‘’Thổ’’trong ngũ hành. ‘’Thổ’’đây chịu sự nhẫn nhục và bao dung như lòng đất mẹ. Một khi đất mẹ bị xâm lấn thì, cái ‘’dũng’’ xuất đầu lộ diện. Cái dũng mãnh ở cha, cái thông minh ở mẹ khi kết hợp khác chi song kiếm hợp bích, lo chi chẳng thành!
- Ông nói vậy, sao ông chọn sáo trâu nầy mỏ trắng?
Chàng trai trẻ thắc mắc.
- Ta không theo lời người xưa vì tình hình hiện nay ta chưa cần sự dũng mãnh và thông minh. Cái ta cần kíp bây giờ là sáo trâu nhanh chóng nói được tiếng người. Việc nầy, sáo trâu mỏ trắng vượt trội hơn sáo trâu mỏ vàng vì, mỏ trắng thuộc hành ‘’Kim’’. Trong ngủ hành, Kim khắc Mộc. Mộc sinh từ Thủy nên Kim thừa sức chống đỡ những kẻ mạnh bên ngoài đến bằng con đường thủy…
Lão Minh không muốn nói thêm sự suy nghĩ của mình nữa, người trung niên chêm vô:
- Lý sao lão không chọn sáu sậu?Tui thấy sáo sậu nhạy nói hơn sáo trâu, nó huých gió tài tình dù chưa biết nói!
Ông ba rót chén trà mời lão Minh. Hoa dừa rụng trắng đất cù lao, hơi mát phả từ những bóng râm của vườn cây ăn trái dịu lòng người.
Lão Minh nói chậm rãi:
- Ta không chọn sáo nâu vì, sáo nâu ăn no thích nằm, tính làm biếng và hung dữ. Còn cà cưỡng tức sáo sậu hay nói chớ không nói hay, miệng tía lia suốt ngày, bắt chước tiếng động...nghe vui tai và ngắm nghía đã con mắt, dùng nó thì hỏng việc chẳng đặng tích sự gì!
Có tiếng người chen vô, hỏi:
- Mần sao biết nó là cà cưỡng để chọn không lầm?
Lão Minh ngoái cổ ra sau, cười:
- Tưởng ai, té ra thím ba vợ ba Thịnh. Thím hỏi đố chơi, chớ cha sanh mẹ đẻ thím ở cái cù lao nầy, sao thím không biết?Cà cưỡng có miếng da màu vàng ở đuôi mắt, nếu miếng da dài, to là con trống;ngược lại, miếng da vừa, nhỏ là con mái. Mái, trống gì rồi cũng không giúp được thím lúc gặp nguy nan!
Lão nói chắc nịch:
- Trong ba sáo đó, sáo trâu hợp tình cảnh bây giờ và hơn hẳn kể cả nhồng, vẹt chẳng thể bường!
*
Chàng trai trẻ mang sáo trâu về quê Tân Thạch, lão Minh bí mật chỉ riêng chàng tập luyện thành công sáo trâu nói tiếng người trong vòng năm, sáu tháng. Lúc xuống ghe, lão còn chạy ra bến sông căn dặn :
- Nhớ chọc tức nó xù mào, khi sáo trâu xù mào nó sẽ nói lời người dạy vì thấy kẻ lạ nó phát ghét!
3.
Nửa đêm, má con cô hai ôm sáo trâu sang sông Tiền, bỏ xứ Trúc giang tới tá túc đất An Khương. Mấy tháng đầu yên ổn, từ lúc thầy cai lui tới thả dê tuy có phiền nhưng chưa phức tạp và hiểm nguy. Dù sao thì con sáu trâu cũng đủ sức nói lời người can ngăn sự trân tráo, sàm sỡ của thầy cai đối với cô chủ.
Sau ngày nghĩa binh Thủ Khoa Huân san bằng đồn giặc Tây ở Bình Cách thành bình địa. Bọn vong nô làm chỉ điểm sùng sục tối ngày, truy tìm người theo ông Thủ khoa. Gia đình má bị chúng chấm điểm và điều tra. Thầy cai bị tên tri huyện Chợ Gạo lột chức và thải hồi. Má không liên lạc được tía và bạn tía. Nghe thiên hạ phông phanh ông Thủ khoa cùng nghĩa binh đã rút về miệt Thuộc Nhiêu và có lẽ, xuống An giang. Má con cô hai và sáo trâu quyết định trốn khỏi An Khương.
- Má!Chị hai!Giặc...giặc...c...h...ạ..y...
Sáo trâu bay phía trước dò đường, cảnh giới nó la bài hãi!
Đương lòn qua đám rừng trâm bầu chạy cặp hướng Tịnh Hà, má con cô hai khựng lại khi nghe tiếng la của sáo trâu. Muộn rồi, lũ người Việt theo Tây ập đến bắt trói thúc ké và lôi kéo má con cô hai như lôi kéo súc vật.
Trời chưa sáng tỏ, thằng sếp chỉ huy phùng mang trợn mắt ra lịnh đám lính tiếp tục hành hạ thân xác má con cô hai. Bất thần, từ cành mận trắng sáo trâu vỗ cánh lao vút tựa mũi tên bay thẳng mặt kẻ thù, móng chưn sắt của đôi chưn dũng mãnh đâm mù hai mắt thằng sếp, máu trào xối xả và đôi chưn nó dính tòn teng!
- M...á!C..hị...
Chúng bứt đứt đầu và xé sáo trâu từng mảnh!
Về sau, nghe nói xác má con cô hai lũ giặc liệng xuống sông Bảo Định chỗ giáp nước.
*
Đoạn đường từ chợ Hòa Tịnh đến chợ An Khương, nơi ngã ba quẹo về làng Trung Hòa huyện Chợ Gạo xưa kia, người sở tại lập miếu thờ sáo trâu, tục gọi ''miếu sáo trâu''. Trải qua mấy trăm năm, bao lần nhiều lượt đường mở rộng, người làm đường không biết hoặc vô tình ủi sập... Dấu mất, tích còn!Có lẽ, nhờ miệng đời truyền miệng?
Người thạo chuyện, ngửa mặt than:
- Thú nói tiếng người. Người thì ngược lại!?
*
Trần Bảo Định

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2016

Ai là 'ông tổ' nghề báo nước Việt?

   Người Việt làm báo trước nhất trong buổi đầu báo chí sơ khai, không ai khác hơn là Sĩ Tải Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898). Trước khi Gia Định báo được ông tiếp quản năm 1869, thì trước đó, cây bút họ Trương đã cộng tác viết bài cho báo Pháp ngữ rồi. Bởi vậy mà trong Sài Gòn năm xưa, cụ Vương Hồng Sển cho rằng ông “là tổ nghề báo quốc văn ta vậy”.
Lợi thế lớn nhất của nhà báo họ Trương, hẳn ai cũng thèm muốn, thậm chí chỉ xin được có được một mảnh lưng vốn ngoại ngữ và kiến thức uyên bác của Trương Vĩnh Ký thôi, cũng lấy làm thỏa lắm rồi. Vì chăng, Trương Vĩnh Ký biết tới 26 ngoại ngữ khác nhau, trong đó bao gồm nhiều sinh ngữ và cả tử ngữ, nên ông từng được gọi là “nhà bác ngữ” là vì thế. Với vốn kiến thức uẩn súc, học giả họ Trương còn được vinh dự nằm trong danh sách 18 nhà bác học thế giới của thế kỷ XIX. Vốn ngoại ngữ siêu phàm cùng vốn văn hóa uyên thâm như thế, nên cái sự làm người xây nền cho báo chí nước Việt, thật xứng lắm thay.
Trước khi góp công lớn cho sự ra đời, phát triển của báo chí Việt ngữ, thì Trương Vĩnh Ký cộng tác viết bài cho một tờ báo Pháp ngữ, mà theo Lược sử báo chí Việt Nam, đó là tờ Bulletin du Comité Agricole et Industriel de la Conchinchine, một tờ báo có “mục đích để nghiên cứu về nông nghiệp và công nghệ xứ này và mở rộng công cuộc đấu xảo hàng năm để khuyến khích hai nghề đó”. Nhờ việc viết bài cho tờ báo ấy, mà “ta đã được thấy người Việt Nam viết báo bằng Pháp ngữ đầu tiên là Trương Vĩnh Ký”.
Con đường công danh, sự nghiệp của học giả họ Trương, kể ra thiên hạ bàn luận, mổ xẻ đã nhiều. Thôi thì ở đây, xin miễn bàn việc ấy, chỉ xin xét về ông ở lĩnh vực báo chí, sách vở, với vai trò là người tiên phong, khai mở cho báo chí Việt ngữ của người Nam ta buổi sơ kỳ báo chí đất Việt.
Trước nhất, là sự dự phần to lớn của Trương Vĩnh Ký đối với tờ báo Việt ngữ đầu tiên: Gia Định báo. Sau khi ra đời và được quản lý bởi thông ngôn người Pháp Ernest Potteaux, đến ngày 16.9.1869, báo nằm dưới quyền quản lý của Trương Vĩnh Ký. Và theo biên khảo Sài Gòn năm xưa, cụ Sển phát hiện điều thú vị rằng “Ngộ hơn hết là trong cái ô chừa đợi chữ ký của người quản lý, thuở ấy không dịch “gérant” mà viết là kẻ làm nhựt trình”. Dưới bàn tay điều khiển của học giả Trương, Gia Định báo trở nên có hồn hơn, đa dạng về thể loại, đề tài hơn, đúng như nhận định của Nguyễn Việt Chước là “Từ khi được Trương Vĩnh Ký trông nom, với sự cộng tác của Tôn Thọ Tường, Paulus Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, nội dung tờ báo bớt khô khan và thêm phần phong phú: có bài khảo cứu, nghị luận, có mục sưu tầm tục ngữ ca dao, thi ca và cổ tích”.
Sau khi kết thúc vai trò tổ chức, quản lý với tờ báo quốc ngữ đầu tiên này, mặc dù đảm nhận nhiều vị trí khác nhau theo thời gian trong bộ máy chính quyền bảo hộ, hoặc tham gia chính quyền nhà Nguyễn, nhưng nghiệp báo của Trương Vĩnh Ký không vì thế mà dừng. Ngược lại, ông vẫn dành tâm huyết cho báo chí nước Việt buổi ban đầu mới được phôi thai. 

Theo cụ Sển cho hay, trong thời gian 1888 – 1889, Trương Vĩnh Ký đã chủ trương một tờ báo khác, được biết đến với tên gọi Thông loại khóa trình (miscellanées), sau này đổi tên là Sự loại thông khảo. Theo quan điểm của GS Nguyễn Văn Trung (trong tác phẩm Hồ sơ về Lục châu học), cũng như Thuần Phong (trong Đồng Nai văn tập số 3, tháng 1.1969) cho rằng Thông loại khóa trình “là tạp chí văn học hay học báo đầu tiên bằng Quốc ngữ ở miền Nam” (lời GS Nguyễn Văn Trung). Báo này xoay quanh các mục về thơ văn cổ, thơ văn đương thời, phong tục văn hóa… Theo Báo chí quấc ngữ ở Sài Gòn cuối thế kỷ 19 thì Thông loại khóa trình là tờ nguyệt san có nhiều cái đầu tiên như: báo tư nhân đầu tiên, báo do người Việt làm chủ đầu tiên, báo đầu tiên dành cho học sinh, báo tự đình bản đầu tiên…
Thông loại khóa trình in từ 12 – 16 trang mỗi kỳ, được Trương Vĩnh Ký bỏ tiền túi ra thực hiện. Theo nhà nghiên cứu báo chí Việt Nam Huỳnh Văn Tòng, thì báo “được trình bày như một quyển sách, khổ 16x23,5 có trang bìa và cả trang nhan đề”. Báo bán được 300 – 400 số. Tuy nhiên, do không đủ vốn nên sau khi ra được 18 số, ông phải dừng in. Trong tác phẩm Trương Vĩnh Ký, nhà văn hóa, GS Nguyễn Văn Trung sau khi thống kê cho hay trong 18 số báo thì có 12 số năm đầu và 6 số năm thứ hai. Số cuối cùng đề tháng 10.1889. Mục đích của Thông loại khóa trình được thể hiện ngay trong lời nói đầu số 1.1888 của báo là: “nói chuyện sang đàng, chuyện tam hoàng quốc chí, phá phách lộn lạo xài bẩn để cho học trò coi chơi cho vui. Mà chẳng phải là vô ích đâu; cũng là những chuyện con người ta ở đời nên biết cả. Có ý, có chí thì lâu nó cũng thấm, nhứt là trí con trẻ còn đang sáng láng, sạch sẽ, tinh thần còn minh mẫn, tươi tốt, như tờ giấy bạch, như sáp mềm, vẽ vời, uốn sửa sắc nào thế nào cũng còn đặng; tre còn măng để uốn, con trẻ nhỏ dễ dạy” (Chúng tôi trích nguyên văn ngôn ngữ thời bấy giờ).

Không chỉ là người làm chủ tờ báo tư nhân đầu tiên, là chủ bút báo tiếng Việt đầu tiên, Trương Vĩnh Ký với sở học của mình, còn cộng tác với nhiều tờ báo Pháp ngữ, Việt ngữ khác nhau. Ngoài nghiệp làm báo, học giả họ Trương còn có công lớn trong việc xuất bản sách báo tiếng Việt. Trong Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945 có cho biết một điểm đáng lưu ý, rằng: “Ông bắt đầu có sách xuất bản từ năm 26 tuổi (1862) và theo nghiệp viết văn cho đến lúc từ trần (1898)”. Điểm này, Nguyễn Liên Phong trong Điếu cổ hạ kim thi tập có đề cập đến “thường khi dạy các quan Langsa học chữ nho, và lại phiên dịch các truyện sách chữ nho ra chữ quốc ngữ cũng nhiều thứ”. Sách này khen ông là:
Phong tư nết dịu dàng,
Chữ nghĩa hơi thâm thúy.
Thường dạy quan Langsa,
Sảo thông tiếng  u Mỹ.
Sách vở dọn nhiều pho,
Thẻ biên không mỏi chí.
Cờ dựng chốn Hàn lâm,
Bia truyền nhà Sử thị. 

Bên cạnh việc chủ trương báo chí, để phổ biến văn hóa rộng rãi, Trương Vĩnh Ký đã cho in nhiều thơ văn Việt như Lục Vân Tiên, Thúy Kiều, Phan Trần… Căn cứ vào biên khảo Trương Vĩnh Ký, nhà văn hóa của GS Nguyễn Văn Trung, và thống kê này chưa hẳn đã đủ hết, ta thấy được sự nghiệp sáng tác, sưu tầm, in ấn đồ sộ của Trương Vĩnh Ký. Theo đó ông đã sưu tầm văn thơ đủ loại như văn, vãn, vè, văn tế, văn xuôi… gồm 52 tài liệu khác nhau. Có thể kể ra đơn cử như: Nữ tắc, Thơ dạy con, Huấn nữ ca, Thương dụ huấn điều, Phan Thanh Giản tự thuật thế sự, Bài hịch Nguyễn Tri Phương, Nhựt trình đi sứ Lang sa (1863)…  Xem thế đủ thấy, không chỉ là người tiên phong cho báo chí Việt ngữ, sự đóng góp của Trương Vĩnh Ký cho sự phát triển, phổ biến văn hóa trong lĩnh vực sưu tầm, sáng tác, in ấn, xuất bản cũng thật đáng nể. Thế nên sau khi ông mất, từng có cuộc lạc quyên để dựng tượng nhà bác ngữ, nhà báo nổi tiếng nước Nam ngay nơi đất Sài Gòn. Còn thời điểm học giả họ Trương lìa xa dương thế, bao lời tiếc thương gửi đến, đều ngợi ca những đóng góp trên lĩnh vực văn hóa của ông. Tỉ như:
…Dốc chí mở mang giáo hóa,
Đêm sách đèn đợi sáng thức khuya;
No lòng gói ghém văn chương,
Ngày cơm nước quên xơi biếng khát,
Sắp cuốn này, chua cuốn khác, phí lương tiền phó tử;
Nào Annam lễ tiết, nào Huấn nữ cách ngôn,
Nào Địa dư danh hiệu; dạy người đường chẳng mỏi,
Nhắm nay làm ít kẻ ra công.
Tiếng nước nọ, chử nước kia, rộng kiến thức lập thành:
Nào Tự vị giải âm, nào Học qui thông khảo,
Nào Văn tự nguyên lưu; trí nhớ rất lạ thường…

(Trích bài Khóc điếu của Nguyễn Khắc Huề đăng lại trong Trương Vỉnh Ký hành trạng (lưu ý những chữ trích chúng tôi tôn trọng nguyên văn ngôn ngữ, dấu câu thời xưa không đổi).
Trần Đình Ba

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2016

Vĩnh biệt danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, 1918-2016: Truyền kỳ họa lục

Đặng Tiến
Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đã qua đời lúc 10 giờ 27 phút hôm nay 15-6-2016, nhằm ngày 11-5 âm lịch, tại Hà Nội, hưởng thọ 99 tuổi ta, con số “dương cùng” đúng theo vận hạn dịch lý.
Nhà danh họa tuổi Mậu Ngọ, sinh năm 1918. Không rõ ngày tháng.
Giấy tờ ghi là ngày 20 tháng 10 năm 1922, các tư liệu về sau đều chép theo như vậy. Và cáo phó chính thức, cũng như thông tin báo chí đã ghi như vậy.
Ông sinh tại làng Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình khoa bảng và giàu có. Thân sinh là Nguyễn Tư Tái, xuất thân phó bảng, làm quan rồi từ nhiệm, về quê khai hoang, lập nên ấp Lạc Lâm và được dân làng tôn làm thành hoàng. Mẹ tên Trần Thị Luật, là người chữ nghĩa, đã khuyến khích con nặn tượng đất thó, từ tấm bé, ghi khởi điểm cho con đường nghệ thuật của danh họa về sau.
Gia đình, bảy anh chị em, đều thành đạt.
Nguyễn Tư Nghiêm học và tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương, Hà Nội, khóa cuối, khóa 15 (1941-1946) cùng Bùi Xuân Phái, với ông là bạn thân thiết. Cùng thi tốt nghiệp cuối năm 1946, nhưng vì cuộc Toàn quốc kháng chiến, nên không kịp nhận kết quả. Do đó có tư liệu nói ông tốt nghiệp 1952, trường Mỹ thuật kháng chiến.
Lúc đầu, ông vẽ sơn dầu; bức Người gác Văn Miếu (1944), chỉ có một mảng màu, thời đó đã được đánh giá cao, là tranh hiện đại, và được giải nhất cuộc Triển lãm Duy nhất (Salon Unique) thời đó. Đồng thời ông còn hai bức Cổng làng Mía  Cánh đồng quê nổi tiếng.
Thời kỳ đầu Cách Mạng tháng 8, ông về quê, tham gia cướp chính quyền, rồi tham dự chính quyền ở huyện. Trước đây có tài liệu nói ông làm Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện, nhưng là nhầm ông với người cùng tên là ông Hoàng Nghiêm. Tiếp theo đó, ông tích cực tham gia kháng chiến chống Pháp, chuyên vẽ tranh địch vận. Năm 1948 ông ra Việt Bắc, công tác ở cơ quan Hội Văn nghệ tại xã Xuân Áng, Phú Thọ. Tại đây ông điều khiển xưởng vẽ Xuân Áng, bắt đầu vẽ sơn mài rồi chuyên về kỹ thuật này.
Ông nổi tiếng vì đã đưa gam màu lạnh, xanh lam, xanh lá cây, vào sơn mài. Họa sĩ từ tốn kể lại rằng không tài giỏi gì: chỉ dùng màu lam Phổ (bleu de Prusse) phủ lên vàng thếp, thành màu xanh lục, theo yêu cầu vẽ tranh bộ đội vào thời điểm ấy. Kỳ thật, đây là khúc quành của nghệ thuật hội họa sơn mài, tạo nét linh động, đa sắc, tươi mát, đồng thời đưa sơn mài đến gần hiện thực hơn. Giai đoạn này, tại Hội nghị văn nghệ Việt Bắc, 1949, giá trị tranh sơn mài còn bị tranh cãi, trên cơ sở ba tác phẩm sơn mài của Nguyễn Tư Nghiêm: Cụ già học i tờ, Vệ quốc quân đứng gác đêm,  Vệ quốc quân ngồi giữa cánh đồng, những bức sơn mài đầu tay. Năm trước, 1948, ông đã được giải nhất cuộc triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, nhưng với bức khắc gỗ Dân quân Phù Lưu.
Sau 1954, về Hà Nội, ông tiếp tục sáng tác đủ thể loại: phấn tiên, màu nước, sơn dầu, sơn mài. Vì quan hệ với phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, ông bị chính quyền lên án cùng với các bạn đồng nghiệp khác: Sỹ Ngọc, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái, Văn Cao, Phan Tại… Ông kể lại: năm 1959, ông bị đưa đi bệnh viên tâm thần tại Khoa Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai. Sau một tháng ở đó, ông bị “tước” toàn bộ những thứ có trên người. Thời đó chưa có thẻ Đảng, nên không có chuyện ông “trả lại thẻ Đảng” như truyền thuyết. Nhưng sau khi ra Viện ông bị coi như bị mất hết, kể cả Đảng tịch.
Ngoài ra, tranh ông còn bị lên án là không “hiện thực” như tranh con mèo sáu chân, con ngựa tám chân, là… “sai đường lối”. Ngược lại, bức sơn mài “Con Nghé quả thực” sáng tác năm 1957, theo đường lối, đề cao việc phân chia tài sản sau cuộc Cải Cách Ruộng Đất, được dư luận chính thức đề cao, được giải thưởng Mỹ thuật toàn quốc, được lưu trữ tại viện Bảo tàng mỹ thuật hiện nay, ông lại không tâm đắc. Ông tâm sự với bằng hữu: “nhưng sự đời vẫn thế! Cái người ta thích thì chưa chắc đã phải là cái mình thích, và ngược lại”. Câu nói thường thôi, nhưng trong hoàn cảnh nào đó, lại là bi kịch. Về sau, ông vẽ lại nhiều lần đề tài Con Nghé, bản nổi tiếng được sáng tác năm 1968, sau này thuộc bộ sưu tập Đức Minh.
Họa sĩ trải qua một thời gian dài gian nan, điêu đứng, sinh nhai bằng cách vẽ tranh thương mãi, qua các đề tài: Gióng, Kiều, Múa Cổ… và tùy đơn đặt hàng. Đặc biệt là tranh “con giống” theo mười hai con giáp trong âm lịch. Từ cuộc triển lãm năm Rồng, 1988 Mậu Thìn, tranh ”con giống” mới đựơc sắp xếp thành hệ thống “lục thập hoa giáp” theo quan niệm Âm Dương Ngũ Hành, ví dụ hai năm Thân Dậu, (Khỉ Gà), hành Kim, màu trắng làm chủ…, tranh Ngựa chủ màu đỏ vì hành Hỏa, v.v.
Giới phê bình nghệ thuật đã có nhận xét: tranh Nguyễn Tư Nghiêm phối hợp bút pháp hiện đại với tư duy cổ truyền, địa phương, tạo nên bản sắc riêng. Đường nét, màu sắc, nhịp điệu, không khí luôn luôn được phong cách hóa, dựa theo họa tiết trống đồng Đông Sơn, hoa văn đồ gốm Lý Trần, tranh tượng dân gian, kiến trúc đình chùa, nhịp điệu chèo tuồng, múa hát truyền thống. Kỹ thuật tạo hình, cho dù hiện đại và cách điệu, vẫn gợi lên được khí hậu tín ngưỡng dân tộc – và các nền văn hóa lân cận Đông nam Á.
Là nghệ sĩ, thì ai ai cũng cần đời sống nội tâm phong phú. Nơi Nguyễn Tư Nghiêm, tâm linh có khuynh hướng thần bí, rung cảm như bị cuốn hút vào cõi u linh. Do đó nhìn toàn bộ, nghệ thuật ông hướng theo thi pháp huyền nhiệm – poétique mystique – và từng tác phẩm một thỉnh thoảng truyền đạt một cảm xúc thần bí. Người không nắm bắt được xúc cảm này, cho rằng ông cầu kỳ hay lập dị. Nhưng ta có thể hiểu chất dân tộc trong nghệ thuật Nguyễn Tư Nghiêm không phải là một dụng tâm bảo vệ truyền thống, trong ý chí bảo thủ, mà là một nhu cầu siêu linh, từ tiềm thức chuyển lên ý thức và thể hiện, hóa thân, thành nghệ thuật. Chất dân tộc không phải là hoài niệm, mà là khai phóng và dự phóng, là siêu hình hiển linh thành hình khối, một “truyền kỳ họa lục”; có vậy mới hóa giải được mâu thuẫn trong tranh ông: chất cổ truyền trong nét hiện đại, chất dân tộc và tầm thế giới.
Tranh ông mang tính cách bản địa nhưng không phải là “sắc màu viễn xứ” (exotisme), ngược lại khá gần trường phái Siêu thực Âu Châu, và tác phẩm lừng danh của Chagall, Miro, thậm chí một số tranh Picasso mà ông hằng ưa thích. Tranh “lục thập hoa giáp” của Nguyễn Tư Nghiêm không giống tranh Tết hiện hành của nhiều đồng nghiệp Việt Nam, mà lại gần với những “thú vật đồ” (bestiaire) trong truyền thống phương Tây, mà các họa sĩ hiện đại trên thế giới thường vẽ lại. Sự trùng hợp là do niềm đồng cảm thẩm mỹ chung cho một thời đại chứ không phải là sao chép lẫn nhau.
Đồng thời đây đó, ông có khuyên giới họa sĩ trẻ nên bảo vệ và phát huy mỹ quan dân tộc, như vậy là đúng đường lối, và là thống nhất lời nói với việc làm, lý luận với thực hành; kỳ thật đây là hai phạm trù khác nhau. Không phải nói đúng là vẽ đẹp. Do đó, mà chúng tôi cho rằng trong sáng tạo nghệ thuật Nguyễn Tư Nghiêm không có “ý chí bảo thủ”. Còn ngoài đời, ông nói gì lại là chuyện bên lề. Quan niệm nghệ thuật và giá trị nghệ thuật của họa sĩ nằm trong bức tranh, chứ không phải trong lời nói. Thơ, tiểu thuyết cũng vậy thôi. Nói chung, làm cái gì, thì mình phải là mình trước đã (dĩ nhiên khi “người ta” cho phép: sự đời vẫn thế). Ngày nay, tranh Nguyễn Tư Nghiêm được đánh giá cao, liên tiếp nhận nhiều giải thưởng như giải nhất triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, với tác phẩm Gióng 1990, và giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về văn học nghệ thuật, 1996.
Đến năm Bính Thân 2016 này, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đạt 99 tuổi ta, Nguyễn Khuyến, trong Di chúc, đã gọi là “ngã hạn phùng cửu cửu”. Ông ra đi trong tiếc thương nhưng cũng là quy luật.
Bức tranh Tết cuối cùng chúng tôi có được là tranh Hổ “Thiên hình” vẽ năm Canh Dần 2010. So với tranh cọp những giáp trước, thì bức “Thiên hình” này phảng phất nét chân dung tự họa, như tranh Cọp trong tuyết, 1849, Hokusai vẽ lúc cuối đời, xem rất xúc động.
clip_image002
Nguyễn Tư Nghiêm không ngừng sáng tạo, miệt mài lao động, cống hiến cuộc đời cho nghệ thuật, đạt đến những họa phẩm tân kỳ, dung hòa truyền thống dân tộc sâu xa với trào lưu hiện đại thế giới, ông là tấm gương sáng mà không dễ gì hậu sinh có người theo kịp.
Từ chốn tha hương, chúng tôi thành kính gửi lên anh linh ông tấm lòng ngưỡng mộ trọng vọng.
Orleans, 15-6-2016.
Chép lại từ  http://vandoanviet.blogspot.com/

Thứ Hai, 20 tháng 6, 2016

TƯỞNG NHỚ NAM TRÂN : MẤY BÀI THƠ NGÀY ẤY

TỪ HOÀI TẤN


những tặng khúc Nam Trân 



           mưa thấm lời từ biệt

Những ngày mưa dội vào sông nhỏ
Nghe tiếng thời xưa thổi xuống lòng
Anh mở đời anh khuôn cửa lớn
Chờ em hôn êm ái hư không

Biết mấy năm sau còn gặp lại
Thở giữa mùa mưa thơm rất hương
Nắm tay dắt mộng vào huyền sử
Đêm sẽ tàn không hơi mênh mông

Xa xôi đã cách ngàn non nước
Hãy khẽ thì thầm những mến yêu
Chiều nay mưa dài trên mắt ướt
Mưa dạt một mùa thương có phai

Những ngày không có em vô tận
Và sẽ còn em trong cách chia
Hãy uống một đời men rượu ấm
Mai về mai bước nhỏ phương xa




           tình xuân xanh


Một thời em đã qua sông ấy
Nước bạc mùa thu những no về
Mơ tới cuối đời nghe nhạc lũ
Hoàng hôn vó ngựa rui phương quê

Hãy vui cho hết giờ hội ngộ
Hãy cười dầu sẽ biết xa xôi
Chiều nay môi thắp lời kinh nguyện
Nghìn năm mây trắng ngủ quanh đời


Yêu em cho tới mùa xưa cũ
Tình thơ phơi phới ngát hương đời
Yêu em hết mùa trăng xuân nữ
Cho gió sương tan lóe nụ cười




       em đã tới và em đã đi


Một mùa nghe mưa trên mái lá
Chiều nhỏ tiếng chuông buồn đỏ gay
Hỡi cô em đã thành qúa khứ
Có biết lòng ta ngây lệ say


Lá biếc hôn cành hoa thắm mộng
Những ngày mây bỏ lạc xa ngàn
Em tới bên hồn thơm hương sớm
Mười năm nghe vỡ những mùa sang


Em tớí như xuân vừa thoáng động
Hãy yêu người mấy thuở như xuân
Thu có sầu dâng cơn lệ đỏ
Thu hãy chờ ta vui hết năm


Hỡi cô em đã thành qúa khứ
Tiếng hát còn buồn trong nhạt phai
Mời em hư ảo lời vui của
Ngày chia xa bóng nhạt sông dài



 •       mưa, vẫn là mưa thiên cổ


Chào em lần nữa, con đường cũ
Rót rượu tình hoài mong viễn phương
Hình như sương của ngày xưa xuống
Như tiếng ân cần như mênh mông


Thôi hết là em, cô gái nhỏ
Những năm thơ dại đã qua đời
Thôi hết là mưa, mưa thiên cổ
Mùa đông rét mướt nỗi xa xôi


Ta vuốt phong trần thương mấy cõi
Áo vai nghiêng dưới mái nguyệt buồn
Hát khúc hoài ca bên viễn xứ
Mai rồi, trăm nước rộng ngàn sông


Chào em lần nữa, tình chia cách
Cuối phố cười thắp thuốc lãng quên
Bao năm mây trắng về hôn ấm
Những mối sầu chung một nỗi niềm

(Saigon 10 -1974)






Nam Trân


Nắng nhạt sông xa tình trăng cũ
Chốn hoài hương mây trắng quanh đời
Phương của bốn mùa sầu bủa lối
Em của tình ta có pha phôi


Biếc của nghìn năm non núi ấy
Lá của rừng cây hiu hắt reo
Gió đưa dạt một đời lau sậy
Hát lời chim lẻ giữa cô liêu


Có nhớ đường xưa vui tiếng gót
Qua đây thoảng nhẹ những năm dài
Có nhớ môi mùa trăng mật ngát
Ngọt tình điên sương ấm đôi vai


Mưa của mùa mưa thơm của gái
Phòng thư nghiêng mái tóc hương lừng
Em của một thời yêu mê dại
Xa rồi, sao ngoảnh lại phân vân



Sài Gòn 1974

(Trích từ tập thơ PHỤC HƯNG TÔI & EM của Từ Hoài Tấn xuất bản 2013)

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016

VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC NAM TRÂN

 
Hồ Thị Nam Trân sinh tại Huế, ngày 14 tháng 12 năm 1953 (tức là ngày 9 tháng 11 năm Quý Tỵ), giờ Tý. Tốt nghiệp Cử Nhân Sư Phạm (1976) ban Pháp Văn (Đại Học Sư Phạm, Huế). Cựu Phát thanh viên Đài Truyền Hình Huế. (Trích gia phả họ Hồ Phước Tích do Phu Ho biên soạn)
Sau một thờI gian lâm bệnh đã qua đời vào hồi 21giờ 20 ngày 18/6/2016 (14 tháng 5 Bính Thân) tại nhà riêng, hưởng thọ 64 tuổi.
Lễ di quan sẽ tiến hành vào lúc 07 giờ sáng thứ ba 21/6/2016 
 
VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC NAM TRÂN. XIN THÀNH KÍNH CHIA BUỒN CÙNG TANG QUYẾN VÀ CẦU NGUYỆN CHO HƯƠNG HỒN NAM TRẦN VỀ NƠI AN LẠC.
 
 
NHỮNG NGƯỜI QUEN BIẾT CŨ 

Thứ Năm, 9 tháng 6, 2016

Tết Đoan Ngọ

Lý giải vì sao có tục ăn rượu nếp vào Tết diệt sâu bọ



Lý giải vì sao có tục ăn rượu nếp vào Tết diệt sâu bọ

Phải chăng, chính chất men trong rượu nếp lại có thể khiến những chú sâu bọ trong cơ thể ta say rồi ngất?

Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương - diễn ra vào ngày 5/5 âm lịch. Đây được coi là ngày có thời điểm khí dương thịnh nhất trong năm, với thời gian Mặt trời chiếu sáng dài nhất.
Ở nước ta, dân gian còn gọi ngày Tết Đoan Ngọ là Tết diệt sâu bọ, bởi đó là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng.
Lý giải vì sao có tục ăn rượu nếp vào Tết diệt sâu bọ - Ảnh 1.
Theo quan niệm của người xưa, ăn mận, vải, dưa hấu, bánh gio, rượu nếp... trong ngày này, đặc biệt là lúc mới ngủ dậy sẽ khiến sâu bọ, giun sán trong người chết hết.
Nhưng liệu bạn có thắc mắc rằng, vì sao người xưa lại ăn rượu nếp trong ngày Tết đặc biệt này không? Phải chăng chúng có uy lực gì khiến giun sán trong người phải "gục" hết cả? Câu trả lời sẽ được bật mí ngay sau đây!
Tại sao ta lại ăn rượu nếp trong ngày Tết Đoan Ngọ?
Theo quan niệm người xưa, trong hệ tiêu hóa chúng ta thường có nhiều loại sâu bọ trú ngụ, nếu không diệt trừ bớt đi thì chúng sẽ sinh sản ngày một nhiều và gây tai hại.
Tuy nhiên, việc tiêu diệt chúng không phải thời gian nào cũng có thể làm được, chỉ có ngày mùng 5/5 âm lịch chúng mới ngoi lên. Bởi vậy, ta không thể để vụt mất cơ hội tốt nhất để trừ khử chúng.
Lý giải vì sao có tục ăn rượu nếp vào Tết diệt sâu bọ - Ảnh 2.
 Cơm rượu miền Bắc hạt gạo to, mẩy, tơi, có độ bóng và ươm vàng màu mật.
Do đó mà theo truyền thống, người xưa thường dùng loại thức ăn có đủ vị cay, nóng, ngọt, chua, đắng để giết "sâu bọ" - những con giun, sán, ký sinh trùng trong cơ thể. Và rượu nếp hay cơm rượu nếp là món ăn hoàn hảo hội tụ đầy đủ những vị như thế - đã được trọng dụng.
Ngoài ra, người xưa còn cho rằng, ăn rượu nếp, nhất là khi bụng đoi đói sẽ làm cho các chú sâu trong bụng dễ "say lử đử" rồi chết ngất.
Dưới góc độ khoa học, lớp cám của vỏ gạo nếp rất giàu chất dinh dưỡng, bao gồm cả gluxit, protit, lipit, các muối khoáng. 
Trong đó, vitamin nhóm B và chất xơ là có nhiều hơn hết. Do đó, chúng ta ăn cả nước lẫn cái của cơm rượu nếp không những có tác dụng bồi bổ cơ thể, tăng sức đề kháng mà còn có thể ngăn ngừa các bệnh tim mạch, đột quỵ và cao huyết áp.
Có bao nhiêu loại rượu nếp tất cả?
Mặc dù là món "không thể thiếu" trong dịp Tết Đoan Ngọ nhưng ít ai biết rằng, rượu nếp ở mỗi vùng lại có sự khác nhau đôi chút.
Cụ thể, cơm rượu nếp miền Bắc được nấu bằng gạo nếp với men rượu, ủ khoảng 2 - 3 ngày cho ngấm. Cơm rượu nếp miền Trung là những viên cơm nếp nguyên miếng, thơm ngọt.
Lý giải vì sao có tục ăn rượu nếp vào Tết diệt sâu bọ - Ảnh 3.
 Cơm rượu miền Nam có dạng viên tròn, màu trắng.
Cơm rượu nếp miền Nam không để rời mà viên thành từng viên tròn trước khi ủ. Dẫu mang hình dáng nào nhưng đây vẫn là món ăn được nhiều người ưa thích để "diệt sâu bọ".
Liệu rằng ăn rượu nếp sẽ khiến bạn say như uống rượu?
Cần phải hiểu rằng, cơm rượu nếp hay rượu nếp được lên men hoàn toàn từ gạo nếp trong khoảng 3 ngày.
Gạo nếp dùng làm rượu phải là nếp cẩm, nếp cái hoa vàng vẫn nguyên vỏ lụa và lớp cám nên giàu chất dinh dưỡng, đặc biệt là protein, lipid, các nguyên tố vi lượng và vitamin (nhất là vitamin B1).
Men sử dụng làm rượu nếp cũng được làm từ nhiều loại thảo dược có đặc tính cay, nóng. Về cơ bản men rượu là một hỗn hợp gồm các vi sinh vật có khả năng thủy phân tinh bột thành đường và lên men dịch đường thành rượu.
Do chứa 1 lượng cồn thấp, nên cơm rượu rất khó gây nên cảm giác say xỉn cho người dùng như các loại rượu thông thường.
Dù không gây say nhưng cũng không nên ăn khi bụng đói!
Nhiều người đồn nhau rằng, khi ngủ dậy cần ăn ngay mận, vải, rượu nếp... thì sâu bọ mới dễ chết. Nhưng theo các chuyên gia, việc mới ngủ dậy, hay khi bụng đói mà ăn rượu nếp, trái cây như mận, vải... không tốt cho sức khỏe.
Lý giải vì sao có tục ăn rượu nếp vào Tết diệt sâu bọ - Ảnh 5.
Bởi sau 1 đêm dài, bụng bạn hoàn toàn trống rỗng, việc ăn thực phẩm giàu tính axit sẽ khiến dạ dày dễ kích thích, dẫn đến viêm loét hơn.
Hơn nữa, mận, vải... hay rượu nếp có hàm lượng calo không cao nên không thể cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết, năng lượng để duy trì sự trao đổi chất bình thường của cơ thể. Do đó, bạn có thể ăn sáng xong rồi thưởng thức những món đồ này cũng vẫn chưa muộn!