Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Đọc Sách Mới: “2013 VCL Tranh Vẽ Võ Công Liêm”

Phan Tấn Hải
dau_nguoi_tren_gia_ve-vo_cong_liem
Đầu người trên giá vẽ – Võ Công Liêm
Đó là một tuyển tập tranh vẽ và các bài lý luận về hội họa, một hình thức hiếm thấy. Không chỉ là cách vẽ hiếm thấy, chính cách lý luận trong các bài viết của Võ Công Liêm cũng rất mực hiếm gặp trong đời thường.
Anh là họa sĩ? Vâng, Võ Công Liêm là họa sĩ rất mực hậu hiện đại ngay nét vẽ của anh, nơi đó hình người và chân dung như những phóng ảnh đã biến dạng trong trí nhớ, dù là tranh vẽ trên giấy (như tấm “Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E” với những khuôn mặt dài, cơ phận trên mặt chệch nghiêng hư ảo) hay trên bố (như tấm “Bóng Tối” nơi những tảng màu phi hình dạng nằm chồng lên nhau cũng đầy ẩn nghĩa như bóng tối).

Tranh Võ Công Liêm là những tảng màu trong trí nhớ, trong mơ, nơi hình dạng không đủ hiện ra hình dạng. Thí dụ, tấm tranh “Ngươì Đàn Ông và Trăng” là một người ngồi, đầu trông như lười chiếc rìu và chúng ta không thấy trăng đâu cả, chỉ trừ vài lằn trắng như gợi ra.
Nhưng tấm tranh “Tiếng Động” gợi chúng ta nhớ tới trường pháí Futurism của các họa sĩ Ý thời đầu thế kỷ 20. Làm sao vẽ được tiếng động? Họa sĩ Võ Công Liêm đã chọn cách vẽ những tảng màu dọc như xô chạm vào nhau, như những bước chân đi…
Nơi trang cuối, tác giả tự giới thiệu như sau.
Sanh: 1943. Tại: Vỹ Dạ, Huế. VN Tự học vẽ: Vẽ những ám ảnh nội tại, những vóc dáng khác nhau qua đường nét phóng túng để diễn tả trọn vẹn tình yêu và tự do.
Tú tài văn chương (Quốc Học – Huế. 1960-1963)
Triết học Đông Phương (Sài Gòn, 1963-1965)
Hàm thụ Triết học Tây Phương (Cambridge, Anh quốc, 2000-2003)
Triển lãm tranh gia đình (Calgary, AB. Canada 2007)
Địa chỉ: lvocong@hotmail.com
tranh_vo_cong_liem
Hình chụp lại từ tập tranh của Võ Công Liêm.
Võ công Liêm cũng là một nhà lý luận về mỹ thuật. Trong bài tưạ đề “Modigliani: Họa Sĩ Không-Hóa” họ Võ đã viết về họa sĩ nổi tiếng này, trích như sau:
“…Thời gian sống ở Pháp Modi la cà khắp phố phường Paris, trao đổi hay thảo luận về hội họa với những bậc tài hoa, hay những bậc thầy mà Modi một thời ngưỡng mộ, ông thường ngồi cà phê nơi tụ hội văn nhân nghệ sĩ hay những hộp đêm, hầm rượu, say sưa tửu điếm. Modi ham vẽ như ham sống, đến đâu cũng vẽ, ông vẽ những đường nét như ‘vết chém’ qua chân dung của các nghệ sĩ như Diego Rivera, Picasso, Juan Gris, Jacques Lipchitz, Moise Kisling và Chain Soutine… với những nét bung phá đó, dần dần ông chuyển hướng qua đường nét ‘cổ-dài’ (long-necked nude) khởi từ đó Modi nghiên cứu và dồi mài đường nét ‘dài’ để tạo cho mình thế đứng riêng biệt. Qua những hình ảnh trong tranh người ta gán cho ông cái tên gọi họa-sĩ-phỉ-báng (le peintre maudit). Nhưng chính trong cái xấu xí (damnable) là cả một ngạc nhiên sau nầy khi mà người ta tìm thấy ‘chất liệu’ đó như một bản chất riêng biệt về cái bôi nhọ, chê bai mà Modi đã vẽ lên những hình tượng như thế.
Đời bỏ quên Modi, những đứa con tinh thần của Modi trở nên vô thừa nhận; điều đó có khác gì Van Gogh. Modi ngậm đắng lao vào đời như kẻ khốn cùng; mặc dù những năm gần đấy tiếng tăm Modi đã trở thành ‘huyền-sử-ca’ trong giới văn nhân ở Paris cũng như ở cố quốc.(nước Ý mắc cái nợ di sản của Modigliani) nhưng không phải những thừa nhận đó mà kéo Modi ra khỏi vũng tối, có những đêm say mướt dưới cơn mưa ở Montparnasse, lạnh, đói, thiếu thốn ‘poverty-stricken’ sống nương nhờ như kẻ vô gia cư vô điạ táng, một đời phóng đãng phủ quanh ông để rồi buột miệng: “Tôi say ngất ngư cho tới chết” (I am going to drink myself to death) Tiếng nói đó như thổn thức cho thân phận mình. Modigliani chấp nhận mọi thương đau để hoàn thành những tác phẩm mà Modi nuôi dưỡng từ khi dấn thân vào con đường hội hoạ, người đã trải qua những chặng đường khốc liệt nhất, kể cả những cuộc tình đi qua trong đời Modi. Những tác phẩm của ông chính là đời ông…” (hết trích)
Vâng, đúng như thế. Những tác phẩm của ông chính là đời ông. Câu này có lẽ cũng đúng cả cho Võ Công Liêm, một họa sĩ phức tạp cũng như những suy nghĩ rất mực triết học của ông.
Tập tranh không đề giá bán. Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn Quý IV - 2013
Độc giả quan tâm có thể liên lạc về: lvocong@hotmail.com.

Phan Tấn Hải
Nguồn: Võ Công Liêm gửi

THƯƠNG TIẾC KIM LONG







XEM LẠI MỘT HÌNH ẢNH MỚI ĐÂY THÔI :

gặp nhau ở Huế một ngày đầu tháng 8-2013 tại cafe tạp chí Sông Hương - từ trái qua: Huỳnh Ngọc Thương - Viêm Tịnh - Nguyễn Miên Thảo - cô Dung - Nguyên Quân - không biết tên - Kim Long - Từ Hoài Tấn
Với bạn Kim Long ở Huế tháng 8 - 2013 (Huỳnh Ngọc Thương chụp)

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Anh Kim Long đã ra đi !

(SHO) Từ khuya 29/12/2013, một tin buồn lan nhanh trong bạn bè văn nghệ: Họa sỹ Kim Long vừa ra đi lúc 23h10. Việc họa sỹ Kim Long sẽ không qua khỏi vì căn bệnh ung thư quái ác là điều chính anh, gia đình, bạn bè đã tiên liệu; song tin anh qua đời vẫn bất ngờ. Sao đi nhanh vậy anh Kim Long ơi!
Anh Kim Long đã ra đi !
Họa sỹ Kim LOng phát biểu khai mạc phòng tranh "Về với Sông Hương"
Cách đây chừng một tháng, họa sỹ Kim Long có những ngày cùng các bác sỹ Khoa Ung bướu Bệnh viện Trung ương Huế chống chọi với bệnh tật trong vòng tay ấm áp của chị Thanh – vợ anh và mối quan tâm lo lắng của bạn bè ở Huế. Đặc biệt vợ anh – chị Thanh, đằng đẵng một thời gian dài, đã hết lòng săn sóc, theo anh từng mỗi bước chân, vuốt ngực anh từng hơi thở khó nhọc…
Nhưng hình như tri nhận được lẽ vô thường của kiếp phận, anh lặng lẽ giấu cơn đau, vẫn giữ nụ cười trên môi trước mọi người.
Đó cũng như là cách sống của anh, cách anh thể hiện lẽ yêu đời trong đời thực cũng như trên tranh vẽ.
Họa sỹ Kim Long, tên thật là Nguyễn Quốc Hoàng, sinh năm 1946 tại Huế. Anh từng học Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế. Năm 1970, anh theo gia đình vào Sài Gòn lập nghiệp. Sống xa quê, anh luôn thường trực nỗi nhớ Huế và niềm đam mê hội họa trong anh hàng bao nhiêu năm vẫn luôn cháy bỏng. Anh nghĩ về nghệ thuật hết sức giản dị mà sâu sắc vô cùng: “Mỗi một con người, đều là một nhà thơ, một nghệ sĩ, bởi vì, trước một bài thơ hay, một bức tranh đẹp, mỗi người đều rung động và chính sự rung động đó, sẽ giúp con người thăng hoa hơn. Trong thẳm sâu, mỗi con người đều có những thôi thúc vươn lên trên những lo toan hằng ngày về cơm ăn áo mặc. Thực vậy, “cái đẹp cứu rỗi nhân loại”, đưa con người vào nếp sống văn hóa, vượt thoát đời sống động vật để bay lên cõi bao la của Tâm và Linh”.
Tiếng nói âm thầm của tâm linh ấy ngày đêm không ngơi thôi thúc anh cầm cọ. Lặng lẽ, âm thầm, không vội vã, từng khoảnh khắc nào đó trong ngày, anh sống với màu sắc và những hoài niệm tuổi thơ dưới bóng kinh thành Huế.
Họa sỹ Kim Long và bức "Thiếu nữ và sen" đầy chất Huế
Những năm sau này, họa sỹ Kim Long không chỉ hướng về mà còn thực hiện nhiều chuyến “Về Lại” quê hương xứ Huế đầy ý nghĩa.
Bắt đầu từ Festival 2008, anh và những người bạn Huế xa quê ở TPHCM đã “về lại” quê nhà tại “Tuyệt tình cốc” (2/100 Lê Thánh Tôn, Thành nội Huế). Hai năm sau, tại tòa soạn của Tạp chí sông Hương, anh và nhóm bạn  đã tổ chức phòng tranh “Lại Về” với 7 tác giả (Ái Lan, Kim Long, Lê Văn Ba, Trương Hoa Đôn, Nguyễn Thượng Hải, Nguyễn Thượng Hỷ và điêu khắc gia Trương Đình Quế). Lại về góp một phòng tranh cùng chia vui với Festival Huế 2010 ngày đó.  Riêng anh, thầm lặng với những bức tranh sơn dầu đen trắng, đã gợi cho người xem một cảm giác sâu nặng tình quê, ắp đầy tâm thức Huế, lay động kỳ lạ.
Họa sỹ Kim Long và bạn bè cùng triển lãm "Lại về lại" tại Festival Huế 2012
Festival năm 2012, tại phòng trưng bày của Tạp chí Sông Hương, họa sĩ Kim Long “Lại về lại” với nhóm bạn của mình. Riêng anh mang về Phố ven sông (sơn mài) là ký ức, hoài niệm của tuổi thơ và Nhan sắc (sơn dầu) như một nỗi nhớ mong khắc khoải quê nhà và một thời gian rộn rã với bạn bè ở Huế thập niên 60 – như anh thổ lộ.
Tác phẩm "Phố ven sông"
Tác phẩm "Nhật nguyệt"
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Sông Hương, anh và bạn bè cùng về tổ chức triển lãm “Về với Sông Hương”, ấm áp tình văn nghệ sỹ.
Những cuộc triển lãm ở Huế, anh đứng ra lo liệu mọi việc, từ rủ rê bạn bè, gói ghém tranh chuyển lên tàu, đến việc in catologe, giấy mời…
Không chỉ vậy, trong một số triển lãm ở Huế, anh còn quyên góp trao học bỗng cho sinh viên nghèo. Cũng như hàng năm, anh theo vợ đi làm từ thiện ở Huế và nhiều nơi khác nữa.
Họa sỹ Kim Long (trái) và nhóm bạn họa sỹ trao học bỗng cho sinh viên mỹ thuật Huế
Anh còn tham gia nhiều cuộc triển lãm khác. Ngày 9/9/2009 tại Trung Tâm Văn Hóa Công Giáo Việt Nam, số 6 Tôn Đức Thắng Q.1 Tp.HCM, anh cùng triển lãm chủ đề “Dấu ấn Đức Tin lần II”, chung với 61 họa sĩ, điêu khắc gia nổi tiếng trong và ngoài nước, với các tác phẩm Cõi Thực, Phố Núi. Tranh của Kim Long ở đó đầy chất thơ, thấm đẫm chất thiền trong trẻo, hồn nhiên, bàng bạc sự mơ hồ cõi sống.
Ngày 21/12/2009 tại Trung Tâm Mục Vụ Đa Minh Ba Chuông, 190 Lê văn Sỹ Q.PN, TpHCM , anh cũng triển lãm tranh chủ đề “Đêm Đông Không Nhà” chung với 59 họa sĩ, điêu khắc gia, nhiếp ảnh gia, nhằm mục đích gây quỹ cho người lang thang không nhà vào đêm giao thừa Canh Dần. Lần đó, họa sỹ Kim Long có những bức tranh Nẻo về, như là một tri ngộ về Vô thường.
Tác phẩm "Nẻo về"
Sống một cuộc đời phóng khoáng, chân tình và quan tâm rất mực đến bạn bè, sự ra đi của anh là nỗi mất mát quá lớn đối với không chỉ người thân, mà còn đông đảo bạn bè anh.
Với Tạp chí Sông Hương, anh ra đi là sự mất mát một người anh, một người bạn đồng hành.
Biết cõi sương mù như “Nẻo về” của anh rồi ai cũng đến, nhưng sao không khỏi rưng rưng khi nhớ về anh.
Xin thắp nén nhang lòng, kính tiễn biệt anh, người nghệ sỹ hết lòng vì Huế, vì Sông Hương, vì lẽ sống chân thực nhất của cuộc đời.
 
Hồ Đăng Thanh Ngọc
http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p0/c41/n13816/Anh-Kim-Long-da-ra-di.html

HỌA SĨ KIM LONG ĐÃ RONG CHƠI CÕI KHÁC

BẠN BÈ ĐAU ĐỚN ĐƯỢC TIN 
HỌA SĨ KIM LONG
ĐÃ QUA ĐỜI TẠI SÀI GÒN VÀO LÚC 23 GIỜ 10 NGÀY 29 THÁNG 12 NĂM 2O13
HƯỞNG THỌ 68 TUỔI
BẠN BÈ XIN CHIA BUỒN ĐẾN CHỊ  KIM LONG  VÀ CÁC CHÁU
CẦU NGUYỆN ANH THANH THẢN RONG CHƠI CÕI KHÁC

trần áng sơn  - viêm tịnh - nguyễn miên thảo - phạm tấn hầu - nguyễn văn trai - huỳnh ngọc thương - triệu từ truyền - dương đình hùng - nguyễn thượng hải - hồ đăng thanh ngọc - nguyên quân - miên đức thắng  - bảo cường - nguyễn vân thiên -  văn viết lộc - hồ văn hậu - vũ trọng quang - từ hoài tấn ... và bằng hữu

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Bùi Giáng trong cái nhìn của các nhà phê bình văn học ở miền Nam trước 1975

Trần Hoài Anh
                                                                    
           1. Nói đến Bùi Giáng, người ta thường nghĩ đến một nhà thơ vừa quen lại vừa lạ. Quen vì thơ ông vốn mang âm hưởng lục bát của ca dao, của truyện Kiều, dễ thuộc, dễ nhớ, được nhiều người yêu mến, tìm đọc. Nhưng lạ, vì để hiểu đời và thơ Bùi Giáng là điều không đơn giản. Vì vậy, Bùi Giáng luôn là một hiện tượng thu hút rất nhiều sự quan tâm của độc giả cũng như các nhà nghiên cứu, phê bình văn học trong và ngoài nước từ khi ông còn hiện hữu trên cõi đời cho đến lúc ông đi ra ngoài cõi sống.


       Trong văn học miền Nam 1954 – 1975, đời và thơ Bùi Giáng luôn được các nhà phê bình văn học chủ tâm nghiên cứu. Bùi Giáng đã hiện diện trong các công trình phê bình, nghiên cứu văn học ở miền Nam như: Những nhà thơ hôm nay (Nhà văn Việt Nam xb, Sài Gòn, 1957) của Nguyễn Đình Tuyến; Văn học hiện đại, thi ca và thi nhân (Quần Chúng xuất bản, Sài Gòn, 1969) của Cao Thế Dung; Những Khuynh hương trong thi ca Việt Nam (Khai Trí xb, Sài Gòn, 1962) của Minh Huy; Thơ Việt Nam hiện đại 1900 – 1960 (Hồng Lĩnh xb, Sài Gòn, 1969) của Uyên Thao; Tác giả tác phẩm (Tác giả Xb. Sài Gòn, 1973) của Trần Tuấn Kiệt... Đặc biệt cùng với Trịnh Công Sơn, Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đình Toàn, Nhật Tiến, Thế Uyên, Thế Phong, Võ Hồng, Bùi Giáng là một trong mười khuôn mặt văn nghệ được Tạ Tỵ nói đến trong tác phẩm chân dung văn nghệ có tên Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay nổi tiếng của mình do Lá Bối xuất bản, Sài Gòn, 1972.

            Và càng đặc biệt hơn khi Tạp chí Văn, một trong những tạp chí nghiên cứu, phê bình văn học có uy tín trong đời sống văn học miền Nam trước 1975 đã dành hẳn số 11 ra ngày 18/5/1973 để giới thiệu về Bùi Giáng với các bài: “Bùi Giáng, hồn thơ bị vây khổn” của Thanh Tâm Tuyền; “Thi ca và tư tưởng” của Tuệ Sỹ; “Bùi Giáng, về cố quận” của Nam Chữ; “Bùi Giáng, cải lương ca” của Cao Huy Khanh; “Bùi Giáng trên đường về cố hương” của Trần Hữu Cư; “Ẩn ngữ, cung bậc thi ca” của Thục Khưu; “Chung quanh vấn đề Bùi Giáng” của Trần Tuấn Kiệt; “Thư từ” trao đổi giữa Nguyễn Xuân Hoàng và Bùi Giáng và một số sáng tác thơ, văn của ông …

        Ngoài ra Bùi Giáng còn xuất hiện trên nhiều báo, tạp chí, công trình nghiên cứu khác ở miền Nam trước 1975 mà do điều kiện khó khăn về việc tìm kiếm tư liệu, người viết bài này chưa có thể sưu tập được. Tuy nhiên qua những gì hiện có, chúng ta cũng có thể khẳng định rằng Bùi Giáng là một trong những hiện tượng văn học khá nổi bật thu hút ngòi bút của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học ở miền Nam trước 1975. Và nói như Tạ Tỵ: “Bùi Giáng là một hiện tượng, người yêu thơ phải nhìn Bùi Giáng qua phong cách độc đáo, ở đấy, mỗi dòng, mỗi chữ, mỗi ý, được viết ra là máu thịt của thi nhân dâng hiến cho đời. Thơ Bùi Giáng không thuộc trường phái nào hết. Nó không cũ, chẳng mới. Nó có thể là thơ, là tư tưởng, đôi khi thơ và tư tưởng lẫn lộn giao hòa tạo thành một vùng “mờ mịt thức mây”. Thơ Bùi Giáng như cơn đau chưa dứt, như nỗi bàng hoàng chiêm bao chợt tỉnh, để rồi lại chìm vào chiêm bao khác. Nó bâng khuâng ở mỗi vần, mỗi chữ. Có lúc, nó buồn bả như niềm tuyệt vọng! Người yêu thơ cứ phải men lần theo, như đi trên một hành lang trú ngụ. Nhiều điều bí mật. Mỗi khúc quanh lại mở ra những kỳ dị phi thường” (1)

            Nhận định trên đây của Tạ Tỵ về Bùi Giáng có lẽ cũng là cảm thức chung của các nhà phê bình văn học ở miền Nam trước 1975  khi nghiên cứu về đời và thơ Bùi Giáng.

            2. Buffon nói “Văn là người”. Điều đó rất đúng với Bùi Giáng. Đi vào cõi thơ Bùi Giáng tức là đi vào cõi người của Bùi Giáng. Mà cuộc đời Bùi Giáng thì phiêu bồng như thơ ông. Vì vậy, để hiểu đời và thơ Bùi Giáng có lẽ người đọc cũng phải để hồn mình bồng bềnh phiêu lãng trong cõi thơ của ông. Bởi Bùi Giáng đã từng quan niệm “Cõi thơ là cõi bồng phiêu ”. Đi vào cõi thơ Bùi Giáng tức là đi vào cõi bồng phiêu của đời Ông. Vì vậy khi tìm hiểu các bài nghiên cứu, phê bình văn học ở miền Nam trước 1975 viết về Bùi Giáng, chúng tôi đều thấy chất phiêu bồng này đan xen trong tâm thức và cảm quan của người viết. Thế nên, để hiểu Bùi Giáng, các nhà phê bình, nghiên cứu phải xuất phát từ nhiều điểm nhìn, nhiều hệ quy chiếu khác nhau thì may ra mới chạm đến cõi thơ và cõi đời Bùi Giáng. Bởi theo Tạ Tỵ, Bùi Giáng là người “đã đi vào chiêm bao giữa cuộc sống vì cuộc sống vừa khủng khiếp vừa nên thơ, con người không thể dùng lý luận để biện minh phải trái. Nhưng dù nói gì mặc lòng, đích thực thơ Bùi Giáng bị cái hàng rào triết học bủa vây thật chặt chẽ” (2). Và theo chúng tôi, đây chính là một yếu tính trong đời và thơ Bùi Giáng.

        Nói đến thơ và đời Bùi Giáng là nói đến sự hợp hôn diệu kỳ giữa thi ca và triết học. Chính vì vậy đi vào cõi thơ Bùi Giáng, người đọc cần có một tầm đón đợi phù hợp, phải xuất phát từ nhiều điểm nhìn khác nhau cùng với một vốn sống, vốn văn hóa phong phú may ra mới thấu cảm được với hồn thơ của thi sĩ. Đây cũng là điều mà các nhà phê bình văn học ở miền Nam trước 1975 tập trung lý giải. Bởi theo Nguyễn Đình Tuyến “Thơ Bùi Giáng được rất nhiều ca tụng nhưng đồng thời cũng gặp nhiều ngộ nhận. Đó là hiện tượng không thể tránh được đối với các thi tài lớn. Từ lâu, nhà thơ đã linh cảm những bất trắc trên đường sự nghiệp, nhưng với một khát vọng thiết tha và mãnh liệt khởi sự từ mưa nguồn chớp bể, nhà thơ vẫn đi theo tiếng gọi của nàng thơ và không thể chiều ý tất cả chúng ta” (3)

            Tuy nhiên với sự đồng cảm và tri âm sâu sắc của những tâm hồn đồng điệu, các nhà phê bình văn học ở miền Nam đã đến với đời và thơ Bùi Giáng bằng một sự trân quí, sẻ chia. Chính vì vậy, trước bao nhiêu câu hỏi của người đời về hiện tượng điên hay không điên của Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền trong bài viết “Bùi Giáng, hồn thơ bị vây khổn” với tất cả sự cảm nhận, tinh tế của một thi sĩ và trách nhiệm của một nhà phê bình đã xác tín “Không. Bùi Giáng không điên, ông là một nhà thơ sáng suốt cực kỳ. Ông là một nhà thơ “ngộ”. Đừng hiểu chữ “ngộ” trong cái nghĩa đơn giản của Đạo giáo…” (4). Và chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với nhận định này của Thanh Tâm Tuyền.
            Quả thật, Bùi Giáng không phải là một nhà thơ điên như có người nhầm lẫn. Trạng thái điên “nếu có” ở Bùi Giáng chính là sự phóng chiếu của những ẩn ức, đam mê trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Và nếu nhìn từ lý thuyết phân tâm học của Freud chúng ta sẽ thấy rõ vấn đề này. Chính vì vậy, trong cái nhìn của các nhà phê bình văn học miền Nam trước 1975, Bùi Giáng là một thi nhân luôn gắn với cuộc sống con người và hồn thơ của ông luôn neo đậu trong cõi người. Nếu có phiêu bồng thì đó chỉ là sự phiêu bồng của những phút thăng hoa trong sáng tạo. Nói như Cao Thế Dung: “Đọc thơ Bùi Giáng ai cũng nhận thấy có cái độc đáo từ chiều sâu thẳm trong cõi tiềm thức. Chiều sâu ấy như chiều sâu của vô cùng với khắc khoải của khát vọng từ xa vắng người mà rất người” (5). Và cũng theo Cao Thế Dung, tìm vào cõi thơ Bùi Giáng: “người ta chợt nhớ ra cái bóng dáng xa xăm của Verlaine khi bắt đầu dấn thân vào cuộc đời. Nỗi buồn của thơ Bùi Giáng tựa như âm thừa của trận mưa nguồn, của cỏ nội. Nỗi buồn dâng thiệt cao trong cơn say rồi thoát giữa hư vô để tìm lại bóng con người. Nỗi buồn ấy thấm sâu rồi lan nhẹ theo từng mảnh tâm tư trước cơn dao động của ý thức” (6)
            Song cõi thơ Bùi Giáng không chỉ đậm đặc nỗi buồn mà còn chất đầy nỗi cô đơn của thân phận trước những dâu bể cuộc đời. Nỗi cô đơn ấy nhiều khi ám ảnh cả đời người  mà nếu không “vịn” vào một cái gì đó để “đứng dậy” thì con người cũng dễ bị gục ngã trước cuộc sống. Trong cõi thơ Bùi Giáng nỗi cô đơn là một căn tính mà các nhà phê bình văn học ở miền Nam trước 1975 đều nhận thấy. Vì vậy, khi nhận định về vũ trụ thơ Bùi Giáng, Tạ Tỵ đã thốt lên một cách xa xót: “Bùi Giáng thường gặp mình giữa hồn mình. Cô đơn và cô đơn trước bạt ngàn vướng mắc” (7). Còn Trần Hữu Cư thì cho rằng: “Bùi Giáng vẫn còn đó, có lẽ Bùi Giáng chỉ nhận những lời ngợi khen hay thống trách, nhưng có lẽ quá hiếm người hiểu ông muốn làm gì trên cõi đời này… Cho nên Bùi Giáng vẫn sống cô độc” (8)
            Quả thật những suy nghĩ của Tạ Tỵ và Trần Hữu Cư về nỗi cô đơn trong đời và thơ Bùi Giáng thật đúng với cõi đời và cõi thơ của ông. Cô đơn vốn là một căn tính trong bản thể. Tùy theo thân phận / nhân vị của mỗi người mà nỗi cô đơn đó hiện hữu như thế nào!? Ở Bùi Giáng, theo chúng tôi, nỗi cô đơn của ông là nổi cô đơn của định mệnh, của duyên nghiệp. Ông không chỉ cô đơn trong đời mà còn cô đơn trong thơ, cô đơn trong tư tưởng của mình. Sự cô đơn ở Bùi Giáng như một hệ lụy tất yếu của số phận, không thể lý giải. Vì thế, đã lâu rồi, người ta vẫn cứ đặt nhiều câu hỏi về đời và thơ của ông. Và từ những góc nhìn, những suy tưởng riêng của mình mà mỗi người có cách lý giải khác nhau. Nhưng nếu bảo rằng chúng ta đã hiểu và chia sẻ hết những gì hiện hữu trong đời và thơ Bùi Giáng, thì đó là điều không thể !? Nói như Trần Hữu Cư: “Bùi Giáng vẫn sống trong cô độc”. Bởi theo Tạ Tỵ: “Thơ với Bùi Giáng đích thị không phải là cứu cánh, chỉ được thực hiện nhằm giải tỏa ám ảnh về thân phận trong vòng đai cuộc sống nhiều băn khoăn với ý thức siêu hình”. (9)
            Vì vậy, trong cái nhìn của các nhà phê bình văn học ở miền Nam, thơ Bùi Giáng là “cuộc hội thoại giữa thi ca và tưởng…”. Nó “luôn luôn là những tương ứng của chung và riêng” (10). Và cuộc hội thoại nầy chính là một đặc điểm trong thi pháp thơ Bùi Giáng mà theo Cao Huy Khanh trong bài tiểu luận “Bùi Giáng, cải lương ca” thì “Văn chương Bùi Giáng là một nỗ lực giải quyết và thực hiện tư tưởng triết lý tồn sinh một cách sống động và thơ mộng” (11). Tính chất triết lý này chi phối rất sâu sắc cõi sống và cõi thơ của Bùi Giáng. Vì vậy, Tạ Tỵ cho rằng: “Bùi Giáng đi vào cõi thơ luôn đeo bên mình niềm ám ảnh của triết học” (12). Và chính vì thế “Bùi Giáng làm thơ nhưng chẳng bao giờ thừa nhận thi ca là lẽ sống duy nhất của đời mình. Người thơ coi kiếp sống như một hiện hữu bất đắc dĩ, nên làm thơ cho khuây khỏa ám ảnh, cái ám ảnh thực sâu đậm bi thương giữa cõi đời hỗn mang và suy tưởng thuần khiết” (13). Và cũng theo Tạ Tỵ: “Bùi Giáng thoát hồn vào ảo giác để nhận ra sự thật” (14). Nhận xét nầy có thể xem là một gợi mở, là chìa khóa để giải mã hành trình sáng tạo thơ của Bùi Giáng cũng như sự hiện hữu khá dị thường của ông trong cuộc đời mà hiện nay vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời đáp!?
            Một điều lý thú mà hầu hết các nhà phê bình ở miền Nam trước 1975 đều tập trung nghiên cứu với những nhận định khá sâu sắc và xác đáng đó là lĩnh vực ngôn ngữ trong thơ Bùi Giáng. Văn chương là nghệ thuật của ngôn từ. Ngôn từ trong thơ bao giờ cũng là một trong những giá trị đặc biệt làm nên phong cách nhà thơ. Ngôn ngữ trong thơ Bùi Giáng là một vũ trụ ngôn ngữ mà ở đó cuộc hôn phối diệu kỳ giữa thi ca và tư tưởng được thể hiện một cách sâu sắc. Vũ trụ ngôn ngữ trong thơ Bùi Giáng là vũ trụ của những tiếng nói vang vọng từ trong chiều sâu tâm thức và tâm cảm cho nên nó là một thứ ngôn ngữ phi / siêu logic, ngôn ngữ nghệ thuật phi / siêu nghệ thuật. Vì vậy trong cái nhìn của Cao Thế Dung “Thơ Bùi Giáng vốn là sự khó hiểu vì ông đã phá cái trật tự của ngôn ngữ, ông đã đảo lộn cái cơ cấu tạo hình ngôn ngữ. Ngôn ngữ qua thơ ông chỉ còn là một thứ trò chơi. Ông dỡn với từng chữ, đùa cợt với âm thanh thơ” (15) . Còn Tạ Tỵ lại cho rằng: “Thơ Bùi Giáng mang nhiều ẩn dụ ở chiều sâu ngôn ngữ” (16). Và theo Nam Chữ: “Mặc dầu có khi trái ngược nhau đến cực độ, ngôn ngữ thi ca của ông (Bùi Giáng - THA) ngụ ý một cách sâu xa. Người ta biết rõ ràng những dung từ khó khăn nhất, những âm vận ngắn củn nhất, đôi lúc đến quá liều lĩnh, khi đi vào trong cung cách lập ngôn của ông đều trở nên linh hoạt dị thường, đều trở nên nhẹ nhàng và âm điệu réo rắc như nhịp tấu của một tay gảy đàn tài tử, không còn câu nệ ở hình thức cây đàn nữa”. (17)
         Mặt khác, từ góc nhìn truyền thống Cao Huy Khanh cho rằng: “Thơ Bùi Giáng cốt yếu là một hiện tượng ngôn ngữ độc đáo tựu thành từ mối đam mê nguồn thơ lục bát (đặc biệt truyện Kiều) phối hợp với âm điệu ca dao thuần túy dân tộc” (18). Song phải chăng, ngôn ngữ trong thơ Bùi Giáng là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa thi ca và tư tưởng, giữa nghệ thuật và triết học. Và điều nầy đã tạo nên một phẩm chất riêng có trong thơ ông, nên khi nhận định về ngôn ngữ thơ Bùi Giáng, Nguyễn Đình Tuyến cho rằng: “lời thơ rộng rãi luôn luôn thay đổi bình diện, thâm trầm trang nhã mà không xa lời ca nơi đồng ruộng, thôn trang, bình dị mà tân kỳ, đó là tính chất của thơ Bùi Giáng” (19)
            Tuy nhiên khi nói đến ngôn ngữ thơ Bùi Giáng, các nhà phê bình văn học không chỉ nói đến mặt sáng tạo, mặt thành tựu mà còn chỉ ra những mặt hạn chế. Đó là sự dễ dãi, đùa cợt, sáo rỗng trong ngôn ngữ ở một số bài thơ của Bùi Giáng mà theo Cao Thế Dung là kỹ thuật thơ của Bùi Giáng “chưa phải là điêu luyện vì cách sử dụng ngôn ngữ của ông còn nhiều điểm đáng chê vì nó không thể hiện được phần yếu tính của thơ”. (20) Không những thế, Cao Thế Dung còn cho rằng có lúc Bùi Giáng sử dụng những “ngôn từ quá cũ, sáo rỗng, chẳng hạn như “Nữ Chúa Nương” và nhiều khi còn dùng những ngôn ngữ mà với thi ca nó sẽ tầm thường như con chuồn chuồn, con kiến” (21)

            Theo chúng tôi, ý kiến nầy tuy có phần xác đáng nhưng cực đoan. Vì không nhất thiết cứ là thơ thì ngôn ngữ phải là những “lời có cánh” bay bỗng, sang trọng, xa cách cuộc sống đời thường. Và nếu cho rằng dùng những ngôn từ trong cuộc sống làng quê như chuồn chuồn, con kiến sẽ làm tầm thường hóa thơ ca thì đây là ý nghĩ có phần hàm hồ . Bởi vì, ngôn ngữ thơ, suy cho cùng cũng là ngôn ngữ từ đời sống được nhà thơ chưng cất lên mà thôi. Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây, là nghệ thuật và kỹ thuật sử dụng ngôn ngữ của nhà thơ như thế nào trong quá trình sáng tạo thơ ca, chứ không phải là việc dùng từ “bình dân” hay “bác học”. Bởi lẽ, nói như Rimbaud: “Tiếng nói kia của nhà thơ sẽ là hồn của tâm hồn, thu gom hết sự vật, hương, thanh sắc, nó sẽ là ý tưởng móc vào ý tưởng mà lôi kéo đi”. (22)

            Một bình diện khác trong thế giới nghệ thuật thơ Bùi Giáng mà các nhà phê bình văn học ở miền Nam cũng đề cập đến đó là giọng điệu mà theo Uyên Thao: “Bùi Giáng cũng tạo được một cái lạ” đó là “cái ngang” và chính “cái ngang” này đã làm cho “Bùi Giáng có cái giọng bạt đó và cái giọng bạt đã ảnh hưởng vào âm vận của thơ Giáng” (23). Và trong cái nhìn của Uyên Thao thì Bùi Giáng là một trong không nhiều gương mặt thơ tiêu biểu của thơ ca hiện đại Việt Nam.

            Thục Khưu trong bài Ấn ngữ, cung bậc thi ca Bùi Giáng, đã cảm nhận vẻ đẹp trong giọng điệu thơ Bùi Giáng bằng những cảm xúc rất tinh tế và sâu sắc. Theo Thục Khưu cái ngân nga trong thơ điệu Bùi Giáng “là một bức thông điệp mỹ miều đồ sộ của tâm hồn” (24). Thơ là tiếng nói của tâm hồn. Giọng điệu trong thơ bao giờ cũng là giọng điệu của tâm hồn thi nhân. Đây là một trong những yếu tố thi pháp làm nên nét riêng trong phong cách của mỗi thi nhân. Giọng điệu ấy bao giờ cũng là phương thức hữu hiệu nhất chuyển tải tâm thức và tâm cảm của thi nhân đến người tiếp nhận. Vì thế, Tạ Tỵ cho rằng: “Thơ Bùi Giáng súc tích chứa đựng nhiều u uẩn. Cái khung trời sáng láng hồn hậu chan hòa mơ ước, phiêu bồng của buổi nào xa xôi, vẫn thấp thoáng hiện về trong thi nhân qua những vần điệu” (25).
Không chỉ lạ lẫm trong giọng điệu, thơ Bùi Giáng cũng khám phá nhiều lĩnh vực của hiện thực và đó là một hiện thực luôn vận động: từ truyền thống đến hiện đại, từ thế giới hữu hình đến vô hình, từ hiện thực cuộc đời đến hiện thực tâm linh... Sự vận động này vô cùng linh hoạt và biến sinh theo sự biến đổi của đời sống. Nó phiêu bồng và chuyển dịch như cuộc đời của thi nhân. Chính vì lẽ đó, Nam Chữ cho rằng: “Phần lớn, đề tài trong thi ca Bùi Giáng còn phức tạp hơn cả người ta tưởng tượng được. Nó còn đảo lộn hơn cả cái người ta hiểu. Nghĩa là đã có một sức cảm quan như vượt qua sự rung động thuận lợi của một cá nhân hơn là một con người” (26). Vì vậy, cũng theo Nam Chữ hành trình tiếp nhận thơ Bùi Giáng cũng là một hành trình đi từ chối bỏ đến tham dự, từ ngoại vi đến trung tâm... Và đây là một hành trình lâu dài.
Ta hãy nghe Nam Chữ giãi bày hết sức thành thực về hành trình tiếp nhận thơ Bùi Giáng trong đời sống văn học lúc bấy giờ: “Một trường hợp rất bi đát nhưng có thực trong đất nước Việt Nam này, chúng ta có ngờ nỗi đâu một người suốt đời tận tụy với nghệ thuật, đã có hơn mấy chục tác phẩm được in ra (tiểu luận, phê bình, dịch, thi ca…) giờ đây lại thêm một mớ tóc trắng phất phơ về chiều, trừ một số rất ít chịu thần phục, thơ ông, lại gần như không có độc giả… Một vài tác phẩm, nhất là về thi ca cái giá trị đúng mức của nó, lần đầu tiên xuất hiện đã không được đón nhận rộn rịp như một số thi sĩ trước ông và sau ông vài năm. Thực ra phải đợi đến nhiều năm, gần 10 năm sau tác phẩm thơ ca của ông ra đời người ta mới hốt hoảng và tìm đọc lại những tác phẩm trước kia của ông” (27). Phải chăng, đây cũng là qui luật hằng thường trong tiếp nhận các hiện tượng văn học của người đời. Đến nỗi, một thiên tài như Nguyễn Du mà còn phải thở than: Bất tri tam bách dư niên hậu / Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như... nghe sao mà chua chát thế!

Và cũng theo Nam Chữ cách lập ngôn của Bùi Giáng “là cách ông muốn im lặng đến cùng. Ông muốn nói một thứ tiếng nói im lặng, chẳng ai hiểu ông cả. Trừ phi một người nào đó trong chúng ta cùng đứng trên vực thẳm lặng lờ như ông, cùng nhìn xuống đáy sâu không đáy kia.” (28). Theo chúng tôi cái im lặng của Bùi Giáng là im lặng của một người đã đốn ngộ. Và ông dùng thơ ca để chuyển tải sự im lặng của mình như một ứng phó trước những nhiễu nhương của cuộc đời mà ông chỉ dự phần như một kẻ bên lề.

Song, cuộc đời đã không để Bùi Giáng sống trong lặng im. Bởi càng ngày, người yêu thơ Bùi Giáng, người quí mến, kính trọng văn tài của Bùi Giáng càng nhiều và luôn có sự tiếp nối giữa các thế hệ. Đây có phải là niềm hạnh phúc với ông chăng?! Bởi như Trần Tuấn Kiệt trong bài viết chung quanh vấn đề Bùi Giáng đã xác quyết: “Ta có thể so sánh con người Bùi Giáng ngày nay với Đức Phật thời Ngài mới bắt đầu thuyết pháp ở vườn Lộc Uyển. Trong khi đó ma vương quỉ sứ và môn đệ Bà La Môn giáo đến châm chích đủ điều. Nhưng Đức Phật vẫn là Đức Phật và ma quỉ gì đó vẫn là ma quỉ” (29)

3. Có thể nói, Bùi Giáng hiện hữu giữa đời như một ngôi sao lạ, mà theo thời gian, hào quang của nó chắc chắn sẽ còn mãi tỏa sáng. Cuộc đời và văn nghiệp của ông có thể còn những uẩn khúc, những bí mật cần được giải mã. Song một điều, ai cũng phải thừa nhận đó là tài năng của ông.  Những tháng năm còn “làm kiếp con người” (từ dùng của TCS), Bùi Giáng chẳng có gì cả: học vị, học hàm, địa vị xã hội, tài sản... nghĩa là ông không có một chút lợi danh gì cả ngoài những ngày tháng phiêu bồng. Ông là một người “vô sản” đúng nghĩa chứ không phải là những người “vô sản” chỉ được phủ một lớp vỏ danh từ. Nhưng tài sản mà ông để lại cho đời thật vô giá nhất là sự nghiệp thơ ca của ông mà nói như Tạ Tỵ: “Bùi Giáng không nói gì cả, nhưng toàn bộ thi phẩm của Bùi Giáng đã khơi động một trời thơ rộng rinh, bát ngát. Thi nhân không dấn thân vào đâu hết, coi cuộc đời như cõi dong chơi tạm bợ. Làm thơ cũng là đi vào thơ như đi vào cõi vô định. Không có chọn lựa hay thử thách chỉ có xúc cảm và ngôn ngữ giao thoa, diễn đạt những gì ám ảnh trong hồn” (30)

Văn nghiệp của ông dù trải qua những biến thiên của cuộc sống nhưng nó vẫn vượt qua mọi giới hạn, mọi rào cản của đời sống chính trị xã hội để tồn sinh với cuộc đời. Bởi lẽ, cái làm nên giá trị văn chương của Bùi Giáng không chỉ có ở tài năng của ông mà còn ở tấm lòng của ông đối với quê hương đất nước. Và theo Trần Hữu Cư cảm hứng “tư cố hương” là một niềm khắc khoải không nguôi trong thơ Bùi Giáng. Vì vậy “Tất cả những gì ông làm trong thơ, viết lách, dịch thuật…v…v… tất cả đều làm một cuộc lên đường tìm lại một “màu hoa trên ngàn”, một “tình yêu quê hương” cho thời hiện tại, thời mà chúng ta đang sống trong nỗi mất quê hương” (31) Phải chăng đây là cái gốc tạo nên hệ giá trị nhân bản của mọi sáng tạo nghệ thuật của Bùi Giáng trong đó có thơ ca mà theo Cao Thế Dung đó là “biết yêu sự thực, biết quí trọng những gì cao đẹp trong con người, tình yêu, nghệ thuật” (32)

Chính giá trị nhân bản này là bệ phóng chắp cánh cho hành trình sáng tạo của ông và nó cũng là nhân tố kết nối ông với cuộc đời, với con người, làm cho văn nghiệp của ông nói chung và thơ ca nói riêng sẽ vượt lên mọi giới hạn để mãi mãi tỏa hương trong  cuộc đời. Và có thể nói, Bùi Giáng là người đã vượt qua giới hạn của vận mệnh con người và định mệnh nghệ thuật để vươn đến sự bất tử thường hằng như những câu thơ giản dị mà đầy tính triết luận của ông:
                                   Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu
                              Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu rất xa.
                                  Gọi tên rằng một, hai, ba
                            Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm.
                                                                    Xóm Đình An Nhơn, Gò Vấp: 16/8/2013
            ( Bài viết nhân kỷ niệm 15 năm ngày mất nhà thơ Bùi Giáng.)
Chú thích:
(1) (2) (7) (9) (12) (13) (14) (16) (25) (30) Tạ Tỵ, Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay, Lá Bối xuất bản, Sài Gòn 1973, tr.583 – 584, tr. 563, tr.557, tr.568, tr.571, tr.575, tr.575, tr.579, tr.563, tr. 587.  
(3) (19) Nguyễn Đình Tuyến, Những nhà thơ hôm nay, Nhà văn Việt Nam xuất bản, Sài Gòn 1967, tr.18, tr.17.
(4) Thanh Tâm Tuyền,  “Bùi Giáng, hồn thơ bị vây khổn”, Văn số 11, ra ngày 18 /5/ 1973,  tr.8
(5) (6) (15) (20) (21) (32) Cao Thế Dung, Văn học hiện đại thi ca và thi nhân, Quần chúng xuất bản, Sài Gòn 1969, tr. 42; 42, tr.44,  tr.48, tr.48, tr.48
(8) (31) Trần Hữu Cư, “Bùi Giáng trên đường về cố hương”, Văn 11, ra ngày 18 /5/ 1973, tr.69, tr.56
(10) Tuệ Sỹ,  “Thi ca và tư tưởng”, Văn số 11 ra ngày 18/5/1973, tr.27
(11) (18) Cao Huy Khanh “Bùi Giáng, cải lương ca” Văn 11, ra ngày 18 /5/ 1973 tr.60, tr.65
(17) (26) (27) (28) Nam Chữ, “Bùi Giáng, về cố quận”, Văn 11, ra ngày 18 /5/ 1973  tr.45, tr.43, tr.43, tr.48
(22) Trần Hoài Anh , Thơ - Quan niệm và cảm nhận, Nxb. Thanh niên, H, 2010, tr. 280
(23) Uyên Thao, Thơ Việt Nam hiện đại 1900 – 1960, Hồng Lĩnh xb, Sài Gòn 1969, tr.455
(24) Thục Khưu, “Ẫn ngữ, cung bậc thi ca”, Văn 11, ra ngày 18 /5/ 1973, tr.74
(29) Trần Tuấn Kiệt, “Chung quanh vấn đề Bùi Giáng”, Văn 11, ra ngày 18 /5/ 1973, tr. 79

         
Trần Hoài Anh(vanchuongviet.org ) 

Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

Triển lãm tranh : Nhớ Trương Thìn

Ngày 26 tháng 12 năm 2013 tại Gallery Tự Do 53 Hồ Tùng Mậu Quận 1 TPHCM
NHÓM CỌ:
TRƯƠNG THÌN - RỪNG - THÂN TRỌNG MINH - LÊ TRIỀU ĐIỂN - LÊ KÝ THƯƠNG - LÊ THỊ KIM - DƯƠNG ĐÌNH HÙNG - HỒ THANH




Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

CHÚC MỪNG GIÁNG SINH VÀ NĂM MỚI 2014

 


KÍNH CHÚC QUÝ BẠN VÀ GIA ĐÌNH MỘT MÙA GIÁNG SINH VUI VẺ VÀ NĂM MỚI AN LÀNH HẠNH PHÚC GẶP NHIỀU MAY MẮN


RA MẮT TUYỂN TẬP THƠ CỦA HOÀNG TRÚC LY

 
 
Vào lúc 10 giờ ngày 23 tháng 12 năm 2013 ra mắt Tuyển tập thơ của cố thi sĩ Hoàng Trúc Ly (Tưởng niệm 30 năm ngày mất: 23.12.1983 - 23.12.2013); tại Cafe Sống Chậm số 225/17 Nguyễn Đình Chiểu,phường 5, quận 3 (đối diện trường THCS Kiến Thiết) do nhà thơ Lynh Bacardi làm chủ.
 Tuyển tập  gần như toàn bộ thơ của Hoàng Trúc Ly gồm 2 tập: Tập đầu Trong Cơn Yêu Dấu (Nxb Hướng Dương, năm 1963) và tập Người Lớn Từ Biệt Trẻ Con (Nxb Thanh Niên, năm 2008). 
 Phạm Công Thiện viết về thơ Hoàng Trúc Ly: "Thơ Hoàng Trúc Ly có ma lực kỳ quái của những câu phù chú. Đối với Hoàng Trúc Ly, ngôn ngữ hãy còn mới tinh, mỗi chữ đều mang một linh hồn, mỗi chữ là một sinh mệnh. Tôi gọi Hoàng Trúc Ly là thi sĩ lớn, là nhà thơ bậc thầy của thi ca hiện đại."
 Ngôn ngữ thơ Hoàng Trúc Ly đẹp, mượt mà, trữ tình, tinh khôi.
Trong tập thơ có bài "Sầu Ca sĩ" được viết tặng ca sĩ Thanh Thúy, mà ai yêu thơ Hoàng Trúc Ly đều biết và được truyền tụng đến bây giờ:
  Từ em tiếng hát lên trời
  Tay xoa vòng tóc tay vời âm thanh
   Sợi buồn chẻ xuống hồn anh
   Lắng nghe da thịt tan tành sau xưa

   Trời em tiếng hát lên từ
   Âm ba tóc rối lững lờ vòng tay
   Áo dài lùa nắng vào mây
   Dấu chân hồng nhạn rụng đầy gió sương
Hay:
  Ô hay con gái bay nhiều quá
  Hai cánh tay mềm như cánh chim 

 Tập thơ xuất hiện lần đâu tiên vào năm 1963, họa sĩ Trịnh Cung vẽ bìa. Lần in lại này có thêm hai bài viết nhận định về thơ Hoàng Trúc Ly của Đặng Tiến; 'Hoàng Trúc Ly: Nụ Cười Trong và Đôi Mắt Sáng", bài của Phan Bá Thụy Dương: "Hoàng Trúc Ly: Hành Trình Phiêu Bạt Của Một Thiên Tai Thi Ca", và Cảm đề của Tam Ích, đọc trên Đài Phát thanh Sài Gòn tháng 12 năm 1962.
 Đảm nhận chương trình do nhà thơ Trần Hữu Dũng thực hiện. Buổi ra mắt tập thơ, có phần giới thiệu và đề dẫn của nhà thơ Vũ Trọng Quang, bày tỏ về thơ của nhà văn Mặc Tuyền, một người em cũng là người bạn thân thiết với Hoàng Trúc Ly, nhận định về thơ của nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Tiến Văn, đặc biệt có sự góp mặt của nhà thơ Đinh Hương, em gái của tác giả. 
 Ngày tập thơ ra mắt cũng là ngày giỗ của thi sĩ, ông qua đời cách đây đúng 30 năm; vào ngày 23/12/1983, một người lái xe bất cẩn đụng phải khi anh băng qua đường Bùi Thị Xuân, quận 1 Sài Gòn. Khi ấy anh vừa tròn 50 tuổi. 
 Hoàng Trúc Ly sinh năm 1933 tại Đà Nẵng, nguyên quán Bình Định. Sau khi đậu tú tài Pháp, ông ghi danh học luật, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn tự ý từ giã giãng đường đại học để hành trình vào thơ.
 
(Nhị K)

Vài hình ảnh trong buổi tưởng niệm nhà thơ Hoàng Trúc Ly

Trích từ album của Huỳnh Lê Nhật Tấn:

Chị Đinh Hương, em gái nhà thơ Hoàng Trúc Ly
Mặc Tuyền - Trưởng BTC


Nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn
Cung Tích Biền - Dương Nghiễm Mậu
Một góc phòng
 Phạm Viêm Phương - Từ Hoài Tấn

Vũ Trọng Quang - Chiêu Anh Nguyễn
Mặc Tuyền - Trần Hữu Dũng

Lý Đợi

 Huỳnh Lê Nhật Tấn - Cung Tích Biền - Dương NGhiễm Mậu

Cám ơn bạn Huỳnh Lê Nhật Tấn
Quý thân hữu muốn xem đầy đủ hơn vào facebook: 

Hết mình!

23 Tháng 12 2013 lúc 20:35
Hôm nay, 23/12, có một buổi gọi là tưởng niệm nhà thơ Hoàng Trúc Ly do anh Mặc Tuyền và các anh chị thân quen khởi xướng tại quán Sống Chậm của Lynh Bacardi. Nhà thơ Hoàng Trúc Ly mất đã 30 năm, thơ anh hay, nổi tiếng ở miền Nam trước đây nhưng cho đến bây giờ những người dù có làm thơ sống ở phía Bắc không biết anh là ai, tệ hơn, thế hệ sau này, những người sinh sau năm 1975 tại miền Nam, cũng không biết anh là ai!

"Ghi chú" này không nói về thơ Hoàng Trúc Ly, cũng không nói về buổi gặp gỡ cực kỳ vui vẻ với rượu, tiếng đàn, giọng ca... sáng nay, mà nói về một khía cạnh khác là tình người, tình bạn bè văn nghệ của một nhân vật liên quan là anh Mặc Tuyền, dù anh cũng nói rằng "thôi, mày (là tui) đừng có nói gì...".

Không phải là "kỷ niệm 30 năm ngày mất" nhà thơ Hoàng Trúc Ly mà anh Mặc Tuyền mới "tưởng niệm" mà rất nhiều năm gần đây, vào ngày 23/12 anh đều có tổ chức tại những nơi khác nhau. Anh (MT) nói với tôi: Tao làm vì tao nhớ ổng!". Ừ, đơn giản là vậy, nhưng sống để được một người luôn nhớ đến mình khi đã chết đi, và người còn sống vẫn nhớ người "đàn anh", bạn... đã mất từ rất lâu, không phải là dễ.

Tôi biết anh Mặc Tuyền đã lâu, khi còn sống ở miền Tây, anh sống theo kiểu "tài tử Nam bộ" đúng nghĩa, sống luôn "hết mình" bất chấp điều tiếng. Kỷ niệm đầu tiên khi tôi gặp anh cũng là chuyện hết mình vì bạn. Tôi nhớ lúc đó là năm 1991, anh em văn nghệ đều nghèo túng. Khi đó xuất bản vừa được "cởi trói", tôi cũng viết lách chút đỉnh và in vài ba cái truyện ngắn đầu tiên trên các tờ văn nghệ địa phương, nghĩa là hoàn toàn vô danh tiểu tốt. Một hôm nhà thơ Phù Sa Lộc nói với tôi là viết đại vài cuốn tiểu thuyết dạng diễm tình, bán rất dễ. Vậy là tôi ngồi vào máy chữ, gõ liên tục hai tháng thì được 1 cuốn 2 tập, toàn chuyện yêu đương tầm xàm, tay ba tay tư... Phù Sa Lộc hăm hở dẫn tôi lên nhà một "đầu nậu" ở Long an bán sách, thế nhưng... không có tiền, đầu nậu hẹn sẽ... trả sau.

Chúng tôi chỉ còn đủ ... tiền xe về Cần Thơ. Phù Sa Lộc nói: Thôi, ở lại đây vài bữa, vô nhà Mặc Tuyền chơi! Chúng tôi tìm đến nhà anh. Một căn nhà lá xập xệ, nền đất, chỉ có hai cha con và... con chó cái, anh nói nó vừa  nuôi con xong, chó con đã cho đi hết. Nhà nghèo, trống huơ trống hoác. Mới gặp tôi lần đầu nhưng anh niềm nỡ như gặp thằng em. Lúc đó khoảng 2g trưa, anh cho chúng tôi ăn bằng... mì gói, loại bao giấy, rồi dặn: Nằm ngủ đi (hic, chỉ có 1 cái giường sắt nhỏ tí), tao đi lát về! Anh bỏ khách ở nhà với đứa con chừng 13 tuổi, đi đến năm giờ chiều mới về, vừa bước vô cửa đã hối: Mặc đồ vô! Đi nhậu, đi nhậu! Hơi ngạc nhiên nhưng chúng tôi cũng theo anh ra đầu ngõ đón xe lôi đến 1 quán nhậu. Tại đây anh nói: Mày thích gì kêu nha, thoải mái nha! Hơi ngạc nhiên nhưng tôi cũng không nghĩ ngợi gì. Chúng tôi ăn nhậu no say. Khi gần về, tôi có chút tò mò, nên khi đi toilet ghé tai hỏi ông chủ quán, cũng là người thích dân văn nghệ: Bộ ông anh của em... thiếu nợ anh độ nhậu bao bạn bè này hả? Ông chủ cười khà khà: Không, không nợ. Ổng đổi con chó cho bữa nay!

Bàng hoàng! Và đúng vậy, khi chúng tôi trở về, con chó khá lớn nhà anh nuôi đã không còn chạy ra mừng chủ!

NGUYỄN ĐÌNH BỔN
từ Facebook

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

TƯỞNG NIỆM NHÀ THƠ HOÀNG TRÚC LY


HOÀNG TRÚC LY
14/4/1933 - 23/12/1983

Nhà thơ Hoàng Trúc Ly tên thật là Đinh Đắc Nghĩa, sinh năm
1933 tại Đà Nẵng, nguyên quán Bình Định. Sau khi đậu bằng
tú tài Pháp ông ghi danh vào trường Luật, nhưng chẳng được
bao lâu thì bỏ học vì bài giảng khô khan, không khí chật hẹp,
nóng bức, chẳng thoải mái của các giảng đường.
Tác phẩm tiêu biểu: tập thơ duy nhất  Trong cơn yêu dấu  và
một số các thi phẩm khác đăng rải rác trên các báo, tạp chí, tập
san ở miền Nam Việt Nam.
Thơ Hoàng Trúc Ly có nhiều bài sáng tạo mang sắc thái tuyệt
mỹ,  xuất thần với những ngôn ngữ,  thi ảnh tinh khôi,  đầy rung
cảm, trữ tình và tiềm tàng   ý niệm huyền học, triết học.
Hoàng Trúc Ly qua đời ngày 23 tháng 12 năm 1983 tại Sài gòn
vì tai nạn giao thông.
Tác phẩm:
- Trong cơn yêu dấu (Hướng Dương, 1963)
- Tiếng Hát Lang Thang (1967)
- Huyền Sử Một Kiếp Hoa (1967)
- Trạng Quỳnh

Trích thơ:

Sầu ca sĩ
tặng Thanh Thúy

Từ em tiếng hát lên trời
Tay xoa vòng tóc tay vòi âm thanh
Sợi buồn chẻ xuống hồn anh
Lắng nghe da thịt tan tành sau xưa
Trời em tiếng hát lên từ
Âm ba tóc rối lững lờ vòng tay
Áo dài lùa nắng vào mây
Dấu chân hồng nhạn rụng đầy gió sương


Nhân dạng
Tôi còn yêu cho biển còn xanh
Mây còn bay cho chim cất cánh
Ngựa què rồi em cởi lưng anh
Tôi cứ yêu, khốn nạn cứ cười
Chim cứ bay cho mây gãy cánh
Em chết rồi ai ám sát tôi

Tiếp Theo Và Hết
anh sẽ bình yên mà chờ đợi
từ đau thương ấy đến bây giờ
từ mùa xuân rụng trên vừng trán
có phải tên người yêu là Thơ ?

hay là, hay là, hay là, ai ?
trong em : thú vật và thiên thần
anh mơ thượng đế khi yêu dấu
thể xác linh hồn không nói năng

anh sẽ vì em anh sẽ yêu
hai tháng hai năm hai buổi chiều
khi ngất ngư rồi anh sẽ chết
nhớ gì như nhớ bóng người yêu

và cón các anh còn các em
hoa ngón tay còn níu tóc thề
dâng em tất cả ôi hoàng hậu
ta biết còn gì trong cuộc mê ?

(Trong Cơn Yêu Dấu)

Phạm Công Thiện viết về thơ Hoàng Trúc Ly:
Thơ Hoàng Trúc Ly có ma lực kỳ quái của những câu phù chú.
Đối với Hoàng Trúc Ly, ngôn ngữ hãy còn mới tinh, mỗi chữ
đều mang một linh hồn, mỗi chữ là một sinh mệnh. Tôi gọi
Hoàng Trúc Ly là thi sĩ lớn, là nhà thơ bậc thầy của thi ca hiện
đại.


Nguồn:
HUỲNH ÁI TÔNG
VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975


CẢM ĐỀ THƠ HOÀNG TRÚC LY


- Tam Ích -


 


Mỗi một cuộc chiến tranh đều gây nhiều đổ vỡ lớn và nhỏ. Đồng thời nó kết thúc một số vấn đề và đưa lên thảm xanh một số vấn đề… Nó làm một việc khác nữa: vạch ra một biên giới – biên giới vừa làm tiêu chuẩn để mọi người tính sổ thời đại, vừa làm vị trí cho mọi người từ đó nhìn trước và nhìn sau. Nhìn sau coi những gì đã xong đi những quá trình… nhìn trước coi những gì sắp ra đời, sắp có mặt
Trạng thái ấy có thể nói về văn nghệ nữa – về thơ chẳng hạn…

Thơ có khi như gấm vóc: gấm vóc Á đông với tất cả những màu sắc cổ truyền thấp thoáng những màu sắc mới – mơ hồ, kín đáo, thoả mãn thị giác của những người đương hoài niệm và cũng đương hướng thượng… Đó là chuyện đã qua…
Thơ có khi là những thử thách nhiều hứa hẹn mà tương lai chờ đợi: một chân trời mới, một chân trời lạ. Muốn cho người đương thời và người đời sau khỏi lẫn sau trước trong thời gian, và bộc lộ tính chất đối kháng của cá tánh con người thời đại muốn li khai với quá khứ, thi nhân hiện đại gọi thơ họ là thơ tự do… Đây là chuyện bây giờ…

Vì vậy, bên này và bên kia biên giới có những người nhìn một số người – đồng thời đương định vị trí cho người và cho mình trong thi giới. Cũng có khi họ quên ý thức về vị trí của mình, của người, vì chiến tranh thường kết thúc mà cũng thường xoá thứ tự…
Có lẽ mọi thứ tự, mọi sự còn mất, mọi sự nên chăng trong văn nghệ sẽ ngã ngũ trong những giáo đường văn học. Nhưng đôi khi những giáo đường văn học trong lịch sử lại dựng lên ngoài tầm cân nhắc và tính toán của thông minh… hoặc sớm quá mà bỏ sót, hoặc trễ quá nên dư…

Nhưng – cũng lạ! – lại có người: một người thôi… một vài người thôi… làm thơ hay mà không kể đến sự có mặt của biên giới thời gian: biên giới không vạch được đường chân trời mà cũng mất tính chất một tiêu chuẩn. Nói một cách khác: thơ họ hay trong thời gian, thơ họ từ chối sự nghiệt ngã của sổ kế toán lịch sử, từ chối thế lực… xuyên tạc của danh từ…
Một trong vài người đó là Hoàng Trúc Ly.
Đọc thơ Ly, người ta không hiểu Ly có vị trí bên Hàn Mặc Tử với nhiều mẫu tượng trưng của Xuân Diệu, Huy Cận cũ – hay Ly có vị trí đặc biệt bên một vài nhà thơ tự do nổi tiếng nhất hiện thời.
Và thơ lục bát của Ly sẽ làm Nguyễn Bính chẳng hạn ngạc nhiên lắm: một bút pháp mới, một nhạc tính mới, kể cả một dân tộc tính mới – một thứ gấm vóc từ những chân trời xa lạ Á đông rất mới đượm một hương vị trừu tượng táo bạo của nhạc tính Âu tây đầy màu một nghìn lẻ… một hương vị siêu thực… xưa và bây giờ.

Nhà thơ ấy – xin nhắc lại – tên là Hoàng Trúc Ly. Nhà thơ ấy đã có mặt, đương có mặt, sẽ có mặt… Người thanh niên trí thức ấy một sớm từ chối vài cơ hội tiến thân thông thường… để say mê làm thơ và “giang hồ mê chơi quên quê hương”.
Thiên hạ sao, Ly vậy: khóc cho thân phận, khóc cho con người của riêng mình, của chung mình, khóc suốt đêm dài, đằng đẵng, không khô ráo…
Và một thiên tài trưởng thành đương đòi vị trí xứng đáng của mình trong thi giới hiện đại.

Hoàng Trúc Ly chưa làm khác, cũng chưa làm khác, vẫn chưa làm khác… Và kiên tâm.
Tôi thường nói về Ly rằng Ly còn trong tâm hồn một-cái-gì-đương… chưa vỡ: portent en lui un “abcès” qui devrait crever! Ngày nào có sự đổ vỡ trong tâm hồn con người ấy, chúng ta sẽ thấy một người đi một giai đoạn dài nữa trong văn thi giới. Ngày đó, nước mắt sẽ khô ráo: Ly sẽ chịu đựng thân phận mình, thân phận người. Rất can đảm. Ô Sisyphe!
Tôi tin thơ Ly lại sẽ có một nhạc tính mới nữa, và sẽ làm mọi người ngạc nhiên.

Hình như Baudelaire nói rằng đối tượng của văn nghệ là làm cho mọi người… nhạc nhiên. Le but essential de l’oeuvre-d’art est d’étonner… Ý của Baudelaire là như vậy.
Hoàng Trúc Ly đã và đang làm mọi người ngạc nhiên. Họ Hoàng sẽ còn làm mọi người ngạc nhiên – ít nhất là một lần nữa – về thiên tài của mình.
Tôi dùng danh từ “thiên tài” không dè dặt chút nào. Ly vốn khiêm tốn; nhưng cách đây gần mười năm, một trong những người bạn đường văn nghệ đầu tiên của Ly – là tôi – là người có quyền hãnh diện với chính mình, và hãnh diện cho cả văn và thơ hiện đại.

     (Đọc tại Đài Phát thanh Sài Gòn, tháng 12 năm 1962)

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

50 năm thơ tình Hoàng Trúc Ly

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20131222/50-nam-tho-tinh-hoang-truc-ly.aspx

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Đọc Đinh Cường



Sông Hương - đoạn chảy qua cồn Hến, thôn Vỹ Dạ (Nguồn: Internet)



Vẫn bậc thềm lan can mốc cũ ấy
vẫn căn nhà vườn, giữa để thờ ông bà
bao nhiêu là tranh Đạt Ma thiền sư
Nguyễn Đính vẽ không chán
vẽ càng lúc càng thấm như tự vẽ mình

chàng cột cái búi tóc nhỏ
mặc chiếc áo laine đỏ thật tươi
chàng nói cười vui cùng mấy ly bia
với mấy người bạn thân hay về
như Viêm Tịnh như Lê Huỳnh Lâm
trong những nhà thơ ở Huế tôi gặp

Trần Vàng Sao là nhà thơ tôi thích
là nhà thơ khi nhắc đến Vỹ Dạ là nhớ
như nhớ Bửu Chỉ, xa xưa nhớ Võ Ngọc Trác
nhớ Ưng Bình Thúc Giạ Thị…

và Nguyễn Xuân Thiệp ơi trưa nay tôi về
qua Vương Phủ của bạn, qua nhà Định Giang

ôi Vỹ Dạ ôi Vỹ Dạ ( Nguyễn Đính nói tôi
viết đúng chinh tả chữ Vỹ Dạ ) khi ghi
dưới mấy nét phác hoạ khuôn mặt chàng
mấy sợi râu lưa thưa dưới chiếc cằm hóm hỉnh

chàng chép tặng mấy câu thơ nghe chua chát
( tự nhiên đọc Nguyệt Mai ảnh hưởng chữ chàng
bỏ qua nghe Nguyễn Xuân Hoàng, đừng cười…
tôi nhớ bạn ghét chữ chàng và nàng trong truyện )

trưa về thăm Nguyễn Đính – Trần Vàng Sao [1]
uống tách trà vui đơn sơ thấm đẫm tình bè bạn
nhớ vô cùng Thái Ngọc San đã mất
thương vô cùng Hoàng Đăng Nhuận nay ngồi một chỗ

cám ơn Nguyễn Đình Thuần đã chụp cho mấy tấm hình
về Cali. nhờ Vương Trùng Dương gởi qua computer
nhận được hình tôi ngồi gõ một mạch mấy giòng này
rừng cây sau nhà đọng tuyết trắng xóa chìm vào đêm…

Virginia, Dec. 11, 2013
Đinh Cường

[1] Trần Vàng Sao tên thật Nguyễn Đính, sinh năm 1941 tại Vỹ Dạ
Tác phẩm đã xuất bản :
- Bài thơ của một người yêu nước mình ( thơ, Tân Thư – Hoa Kỳ xuất bản 1993 )
- Gọi tìm xác đồng đội ( thơ, nhà xuất bản Hội Nhà Văn 2012 )
- Tôi bị bắt ( Hồi ký phổ biến trên trang web Talawas 1995 )




Đạt Ma Thiền Sư
Tranh Nguyễn Đính



 
Thủ bút Nguyễn Đính


 
Trần Vàng Sao, DC ghi vội


Đinh Cường – Trần Vàng Sao
Vỹ Dạ, 11- 2013