Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

Đường sách: nơi sống của văn hóa đọc

 Giáp Tết Bính Thân, tình cờ được làm “tua-gai” cho các bác văn nhân Lại Nguyên Ân, Thanh Thảo từ xa về Sài Gòn. 
Đường sách: nơi sống của văn hóa đọc
Bạn trẻ say sưa đọc tại Đường sách Nguyễn Văn Bình chiều 26-1. Ảnh: Quang Định.
Ngỏ ý mời các bác đi Đường sách Nguyễn Văn Bình, may thay tất cả đều vui vẻ hưởng ứng vì ai cũng có nghe tiếng nhưng chưa có dịp đáo qua.
Bắt đầu từ cửa phía đường Hai Bà Trưng, khách văn thả bộ, lượn qua gần đủ 19 gian hàng sách rồi sà khá lâu vào các quầy sách cũ dựng tạm ở giữa lòng đường rộng 8m.
Quan sát tạm đủ cho một cái nhìn đầu tiên về đường sách, cả nhóm kéo nhau ghé Cà phê Phương Nam - một trong hai quán cà phê sách trong không gian văn hóa đọc này.
Ngồi với nhau để ngắm hai hàng cây tán xanh giao nhau che mát con đường nhỏ có độ dài chỉ 144m; để vui khi bắt gặp từng nhóm bạn trẻ tay cầm sách đi dung dăng dung dẻ giữa đường; để bày tỏ sự thú vị về cách tạo dựng không gian triển lãm và cà phê sách thoáng đãng, về cách thiết kế 19 gian hàng sách (4,5m x 4,5m/gian) vừa đẹp mắt và vừa đủ cho bày biện, xem, mua. Không hề có cảm giác lùi xùi, tạm bợ khi soi mắt vào bên trong và bên ngoài mỗi gian hàng.
Ngồi với nhau để chia sẻ hài lòng vì đường sách này đã thỏa mãn cùng lúc cả nhu cầu sách mới và sách cũ của khách hàng và khách tham quan; để khoan khoái kết luận khi so sánh với các đường sách, chốn sách ở các xứ giàu có mà thành viên trong nhóm từng ghé qua: Paris, Frankfurt, San Francisco, Sydney...: chẳng thua kém gì!
Một con đường dành riêng cho sách - mơ ước ấy trong lòng bao người Sài Gòn quan tâm đến văn hóa đọc phải đi qua hàng chục năm mới thành hiện thực.
Lâu, nhưng cũng không còn là mơ nữa. Lại có người xuýt xoa: giá mà đường sách lớn hơn thay vì nhỏ như thế này (dài 144m, lòng đường 8m và lề đường 6m). Ừ thì nhỏ, nhưng không quá nhỏ, lại nằm ở giữa “trung tâm của trung tâm” Sài Gòn xưa và nay.
Vị trí Đường sách Nguyễn Văn Bình hôm nay nằm lọt hẳn vào trung tâm địa phận Sài Gòn được ấn định từ 155 năm, trước khi xây nhà thờ Đức Bà (1877) và Bưu điện trung tâm Sài Gòn (1886-1891).
Dành một vị trí bên cạnh các di sản vật thể và di sản cảnh quan quý giá như vậy, nơi thu hút đông nhất du khách bốn phương, cũng là đắc địa, là xứng đáng với một địa chỉ văn hóa như đường sách.
Ngồi với nhau ở đường sách, những người yêu sách và mong mỏi sự sống dài lâu của sách không quan tâm đến không gian vật thể lớn hay nhỏ của địa điểm văn hóa đáng quý này nữa.
Bởi ai cũng hiểu, được giao cho một không gian rất lớn mà cái tâm không sáng, cái tầm không cao thì rồi tài sản của cộng đồng lại bị hoang phí bởi kiểu vẽ vời những sản phẩm thiếu cả hiệu quả kinh tế lẫn văn hóa.
Vấn đề cần quan tâm nhất bây giờ đối với đường sách đầu tiên của Sài Gòn là làm sao tiếp tục chăm chút giá trị văn hóa cho nó từ nội dung, chủng loại sách đến cách bán và cách mua sản phẩm đặc biệt này; là làm sao để những người biết hao tốn tâm trí và tài lực cho sách có thể sống được (chứ chưa mong sống thảnh thơi) từ sách ở chính con đường đắc địa cả về văn hóa và kinh tế này, thay vì phải trông chờ vào sự bao cấp.
NGUYỄN THẾ THANH
TTO 

Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

THƯƠNG TIẾC ĐIÊU KHẮC GIA TRƯƠNG ĐÌNH QUẾ

Điêu khắc gia-họa sĩ 
TRƯƠNG ĐÌNH QUẾ 

sinh ngày 21-12-1939 tại Quảng Nam

 vừa qua đời lúc 5g sáng ngày 21-01-2016 tại Thủ Đức, Sài Gòn.

HƯỞNG THỌ 78 TUỔI

Tốt nghiệp trường Mỹ thuật Gia định năm 1963, ĐKG Trương Đình Quế là một trong những điêu khắc gia hàng đầu ở miền Nam trước 1975. Gần đây ông lưu lại trong lòng người yêu mỹ thuật nhiều tượng chân dung văn nghệ sĩ Miền Nam, như Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn, Hoàng Ngọc Tuấn… tác phẩm sau cùng trước khi ông bệnh nặng (2014) là chân dung Nguyễn Đức Sơn tại Phương Bối, bảo Lộc.

Linh cửu Điêu khắc gia Trương Đình Quế được quàng tại nhà tang lễ Phúc An Viên, đường Nguyễn Xiển Quận 9, lễ hỏa táng vào ngày 25-01-2016 (nhằm ngày 16 tháng Chạp năm Ất Mùi)

Xin chia buồn đến chị Trương Đình Quế và tang quyến

Cầu nguyện anh rong chơi cõi khác

nguyễn văn trai - viêm tịnh - nguyễn miên thảo - từ hoài tấn - phan binh- trần hoài - dương đình hùng - võ chân cửu - phù hư - hoàng lộc - đức phổ - hạ đình thao - đặng mậu tựu - thiều anh - hồ thị kim quỳ - hồ đăng thanh ngọc - lê vĩnh thái - nguyên quân - cao hữu điền - trần vĩnh tựu - trần lượng - hồ trọng thuyên - nguyễn đình thuần - trần phá nhạc - lương túy vân và bằng hữu

Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016

Trần Kiêm Đoàn HOÀI NIỆM ĐINH CƯỜNG



Lần đầu nói chuyện trực tiếp với họa sĩ Đinh Cường tại xe cà phê Tôn trước nhà thờ Tôn Nhân Phủ ở Thành Nội, tôi: “Thưa thầy!” Anh khoát tay: “Úi dà, bày đặt. Chỗ bạn bè anh em với nhau cả, thầy bà chi nghe đỗ mệt!”
Thật ra, thành phố Huế nhỏ đến nỗi “trong nhà chưa rõ ngoài ngõ đã hay”, nên Huế có bao nhiêu nghệ sĩ về văn thơ, âm nhạc, hội họa, điêu khắc… thì giới sinh viên học sinh rắn mắt như chúng tôi thời đó đều biết rõ. Tôi đã gặp họa sĩ Đinh Cường trong mấy nhóm văn nghệ với những khuôn mặt văn nghệ quá quen thuộc như Trịnh Công Sơn, Lê Khắc Cầm, Bửu Ý, Bửu Chỉ, Tôn Thất Văn, Vĩnh Phối… loanh quanh những quán cà phê hay đôi khi nơi quán nhậu lai rai ở Huế khá thường xuyên. Vì đi chơi theo nhóm nên chỉ biết mặt nhau mà chưa có dịp hỏi chuyện vì “ai có chuyện nấy” cũng quá đủ rồi.
    Lần đó, ở thế chẳng đặng đừng, tôi phải phá lệ thường đến nói chuyện với họa sĩ Đinh Cường vì phải làm vui lòng “cô em Đông Ba yêu dấu” và môn phái Con Yêu Bánh Nậm ở trường Đồng Khánh đang “tức lên thấu cổ” vì bất mãn với giáo sư hội họa Đinh Cường. Em Đông Ba nhờ tôi tìm gặp thầy Đinh Cường để hỏi cho ra lẽ. Tôi bèn ngoan ngoãn… y dặn phụng hành cho trọn nghĩa, vẹn tình.
    Thái độ cởi mở của thầy Đinh Cường giúp tôi thêm phấn chấn mà thưa thỉnh đúng theo nguyện vọng của học trò rằng:
    - Một số học trò của anh thắc mắc là tại sao anh chỉ cho vài ba điểm những bài tập hội họa “rất đẹp” có đủ hình ảnh, nhiều màu sắc vẽ vời rất công phu; trong lúc anh cho điểm tối đa những bức vẽ nguệch ngoạc, người thì xấu lêu khêu như ma, cảnh vật thì méo xèo lung tung xuôi ngược…
    Đinh Cường trả lời không do dự:
    - Mình dạy hội họa chứ không phải dạy vẽ!
    Tôi cũng hơi đớ ra và hỏi lại:
    - Thì vẽ và hội họa cũng như nhau mà.
    Đinh Cường giải thích:
    - Vẽ và hội họa giống nhau bởi cà hai đều dùng màu sắc, đường nét để ghi lại. Nhưng khác nhau ở chỗ vẽ là ghi lại bằng hình thức mô phỏng, bắt chước, những gì đã có sẵn theo các hình thức đã thành khuôn sáo như kiểu: Mai, lan, cúc, trúc; ngư, tiều, canh mục; long, ly, quy, phụng… Còn hội họa là dùng phương tiện màu sắc để ghi lại những bóng dáng, hình ảnh, thể cách hoàn toàn mới mẻ theo dòng cảm xúc, suy tư và sáng tạo của mình.
    Tôi đã đem trường hợp người em Đông Ba và tụi bạn Con Yêu Bánh Nậm của nàng ra trần tình với thầy Đinh Cường. Nhưng anh chẳng nói gì thêm. Nhìn bâng quơ một lát, anh lượm một ngọn lá khô nằm dưới đất, đưa ra trước mắt tôi, nói:
    - Ông thử vẽ ngọn lá nầy đi…
    Tôi trơ mắt ra hỏi. Đinh Cường hiểu ý, dẫn đường:
    - Lấy ngón tay chấm cà phê vẽ lên mặt bàn.
    Cái bàn gỗ tạp đủ màu thời gian in nét vẽ thô kệch hình một ngọn lá chẳng ra hình ngọn lá. Tôi ngờ nghệch hỏi:
    - Hình xấu kiểu ni thầy cho mấy điểm?
    Thầy hội họa trả lời:
    - Chín điểm trên mười.  
    Tôi la hoảng:
    - Giỡn hoài, thầy?!
    Tôi đợi một phản ứng thay đổi, nhưng chỉ nghe giọng anh nửa đùa nửa thật:
    - Thật! Đó mới là hội họa. Dẫu sao, nó cũng đạt ít nhiều tiêu chuẩn căn bản của ngôn ngữ hội họa: Sáng tạo, tự nhiên và độc đáo.
Nhóm chữ “ngôn ngữ hội họa” đi theo tôi cho đến bây giờ. Được đi và sống ở nhiều nơi tôi càng hiểu thêm về khái niệm ngôn ngữ của nghệ thuật. Đó là một loại ngôn ngữ tuy cũng để ghi dấu, diễn đạt và truyền thông nhưng nó không giống với ngôn ngữ đời thường vì nó không có biên giới quốc gia, giới hạn lãnh thổ. Như thích nhạc cổ điển đồng quê của thế giới (classical country music) thì thích nhạc tiền chiến Việt Nam vì có đồng “ngôn ngữ” về ca từ và giai điệu. Ngôn ngữ hội họa cũng theo thời gian và không gian mà biến đổi. Phải biết tiếng nói mới hiểu được con người. Phải hiểu ngôn ngữ của nghệ thuật mới thưởng thức được tác phẩm nghệ thuật.
Đó là những ngày mùa Thu năm 1966 với bước chân ngập ngừng vào học trường Đại Học Huế mà không bước nổi vào Nam mặc dầu tôi đã gian khổ học gạo học mè mới thi đậu vào đại học chuyên nghiệp Sài Gòn. Và, cũng như vô số thằng bạn của tôi trở nên dại dột “yêu em anh bỗng từ bi bất ngờ” mà ở lại Huế vì bị cột chân bởi những sợi tóc thề của một Con Yêu Bánh Nậm Huế nào đó. Ôi! Hảo hớn cỡ như Trịnh Công Sơn – dám vác đôi vầng nhật nguyệt trên vai – mà cũng có ngày bị “con tinh yêu thương vô tình chợt gọi” kinh hồn bạt vía như thường. Huế nhiều yêu tinh lắm. Những sĩ tử, nghệ sĩ, học trò trong Quảng ra thi như Phan Bội Châu, Hàn Mặc Tử, Bùi Giáng, Nguyễn Mộng Giác, Đinh Cường chớ coi thường mà phải một đời… lận đận gian nan với Huế!
Năm 1995, tôi gặp lại Đinh Cường trong buổi họp mặt thân hữu với nhóm Văn Nghệ Truyền Thông Phật Giáo Hải Ngoại tại Washington DC và mở lời nhờ anh phác họa cho mẫu hình bìa tập sách tôi viết về Huế. Anh vui vẻ nhận lời.

       

Lần xin mẫu hình bìa cho tập truyện ký Chuyện Khảo Về Huế, in ấn trên đất Mỹ, tôi nghĩ đến hai họa sĩ có họa phẩm làm tranh bìa mà tôi thích nhất là Đinh Cường và Hiếu Đệ. Thầy Hiếu Đệ là giáo sư hội họa của tôi ở trường trung học Hàm Nghi, Huế. Nhưng nói về chất Huế trong tác phẩm, nhất là về vẻ đẹp trầm tư và sương pha của Huế qua chân dung người phụ nữ, có lẽ Đinh Cường là người nghệ sĩ có chất liệu đậm đà rõ nét nhất bởi ngoài cái hiểu về thực tế kiểu cách đời sống Huế, anh có nguồn cảm xúc “vô ngôn tự tại” về Huế thể hiện qua những dáng gầy và “gam” màu hư hư, thật thật rất tài hoa. Lần gặp anh tại DC, tôi nói đùa rằng phải có người yêu là cô gái Huế Con Yêu Bánh Nậm thứ thiệt mới thành nghệ sĩ Huế như Đinh Cường được. Tôi thích nét vẽ trang đài, nội dung lãng mạn mà quý phái, ngôn ngữ rất thầm lặng mà dậy sóng, màu sắc dẫu là xanh, đỏ, vàng, đen cũng phất phơ màu xanh trời tím Huế của anh. Đinh Cường chỉ cười và chia sẻ rằng, anh vẽ tranh tự do và chẳng hề bận tâm về một điều gì thuộc về danh hay tướng: Không trường phái, không khuynh hướng, không tự cột trói mình vào một danh xưng hay giới hạn nào của đối tượng sáng tạo cả.
Cho đến khi cuốn sách Tu Bụi tôi viết, xuất bản ở Việt Nam lần đầu – sau hai lần xuất bản, tái bản và phát hành tại Mỹ – với hình bìa của Đinh Cường là một sự ngạc nhiên đầy thú vị. Cảm nghĩ nầy tôi đã ghi trong một bài viết đăng trên tạp chí Văn Hóa Phật Giáo: “…Mình chọn tên cho cuốn sách 500 trang viết về Phật giáo đã ‘bụi’ rồi mà tranh bìa của họa sĩ Đinh Cường còn ‘bụi’ hơn nữa…” Cứ nhìn thử bức tranh ấy thì sẽ thấy rõ ràng họa sĩ Đinh Cường thuộc về “siêu trường phái” vì trường phái nào cũng có thể đem tranh anh ra mà phân tích được.
Tôi rất có dị ứng với kiểu “võ Tàu” trong nghệ thuật. Hễ nói tới văn chương là cứ bê ra từ Victor Hugo tới Jean Paul Sartre; âm nhạc thì bái tượng Mozart, Beethoven…, hội họa thì cứ tung hê Van Gogh, Cezanne, Monet, Picasso… nghe hoài mòn nhẵn trở nên bùa chú phiền não.
Trong nghệ thuật muốn khỏi lụi tàn thì phải nói như mấy ông tổ Thiền tông: “Phùng Phật sát Phật, phùng Tăng sát Tăng…” Ta là ta cô đơn và độc đáo, gặp những ám ảnh vĩ đại thì phải quét cho sạch những lối mòn đầy bụi gọi là “ấn tượng”, “hoành tráng” đầy chữ nghĩa màu mè mà nhạt phèo tính nghệ thuật. Và, không ai nói đến tính nghệ thuật cao hơn là đức Cồ Đàm: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi!”
Trong thế hệ Chiến Tranh Việt Nam, Huế là đất “trung dung” cho những tâm hồn văn nghệ dậy sóng. Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật và Quốc Gia Âm Nhạc Huế là đất dụng võ cho những “tâm hồn dậy sóng” đó. Nhắc đến nỗi ám ảnh võ Tàu trong nghệ thuật, và con đường độc sáng của nẻo thiền, tôi đang nghĩ đến Đinh Cường và đường bay hội họa, văn thơ của anh. Đó là con đường sáng tạo cô đơn và độc đáo của nghệ thuật trong ngần.
Đồng thời với thế hệ Đinh Cường, Huế có nhiều họa sĩ tài hoa không những thành danh trong nước mà khi mang tác phẩm ra nước ngoài cũng được cộng đồng hội họa quốc tế hâm mộ và đánh giá cao như: Đinh Cường, Trịnh Cung, Thanh Trí, Nguyên Khai, Tôn Thất Văn, Vĩnh Phối, Bửu Chỉ, Đỗ Kỳ Hoàng, Hồ Hoàng Đài… Những người muôn năm cũ, một số đã ra đi và hôm nay đến lượt Đinh Cường.
Bây giờ đêm Bắc Cali trời lạnh lắm. Tôi nghĩ đến Đinh Cường và xứ Virginia nơi anh ở, ngay bây giờ là -3 độ C, nếu muốn thì rủ nhau ra vườn sau uống bia không cần nước đá. Còn hai ngày nữa mới di quan. Nghĩa là giờ này nhà họa sĩ tài hoa của chúng ta vẫn còn với anh chị em giữa trần gian bụi bặm nầy nhưng đang nằm cô đơn trong phòng đông lạnh. Nhưng tôi tin rằng, trên mỗi bức tranh của anh đã tung ra khắp mọi miền đất nước quê hương và trên thế giới, tất cả đều đang ấm lên một linh hồn: Hoài niệm Đinh Cường.

                        Sacramento đêm 11-1-2016
                            Trần Kiêm Đoàn
                        Bài do tác giả gởi


      

Thứ Hai, 11 tháng 1, 2016

TRẦN BẢO ĐỊNH cà khịa chuyện đời cuối năm

NGƯỜI ĐỘI TRƯỞNG
ĐỘI XE BA GÁC ĐẠP Ở HẬU NGHĨA
gửi nhà thơ Từ Hoài Tấn.
1.
Hiền đậu ghe ngoài vàm chờ con nước. Trăng đầu hôm, đầu tháng còn rất non, không đủ sáng soi mặt sông. Nằm hút thuốc ở mui ghe, anh nhớ lại quãng đời mình về tá túc quê vợ ngót nghét cũng gần năm năm. Cái xứ Bình Thành sống từ nguồn nước sông Vàm Cỏ Đông đã, cho anh ăn nhờ ở đậu để nuôi vợ nuôi con. 
Bằng đôi cánh tay, anh đã nổ lực hết sức mình, kiếm miếng cơm manh áo từ đôi cánh tay gân guốc:Chèo ghe!Một cái nghề-chưa biết phải là cái nghiệp hay không-đời anh, chưa bao giờ nghĩ tới. Rừng tràm bạt ngàn xuyên qua những cánh đồng năng, sậy, lát...mênh mông. Mùa nước nổi như biển, mùa khô phèn dậy tróc da. Đêm uống rượu một mình trên ghe, nghe tiếng chim từ quy lẻ bạn gọi vọng về, anh nhớ làng quê khôn xiết:Cái làng Chuồn, tên chữ An Truyền yêu dấu, nhớ phá Tam Giang, nhớ ngày lễ hội Thu Tế, nhớ giọng hát Thài, nhớ hương men rượu làng Chuồn, nhớ những khoanh bánh tét mùi nếp thơm lừng vùng đất sáu tháng khô, sáu tháng ngập...Nhiều lúc, anh bật khóc giữa khuya xứ vợ, khi nhớ hình ảnh mạ mặc áo tơi, triêng giống oằn vai gánh cá chạy chợ lúp xúp dưới trời sương, trên con đường đá xanh mà mỗi lần, chưn dẫm phải viên đá cuội đau thốn óc.
Chàng thanh niên họ Hồ làng Chuồn lên kinh thành Huế học chữ, làm thơ... Vì là, Hồ Văn nên không đường khoa bảng như họ Hồ Đắc. Người đời thường bảo:Mộng là thực!Với anh, mộng không là thực. Bởi, anh mộng một đường mà thực đi một nẻo. Anh xa Huế vô Nam giữa năm thàng cuộc chiến bước vào giai đoạn tàn khốc nhất. Và, anh gặp những người đồng hương trên đất Sài Gòn nửa hòa bình nửa chiến tranh nhưng, khó có thể gặp những người khói!Khác chi, người nòi tình không thể tìm ra người đồng điệu.
Rồi, sau ngày dứt can qua, anh không quay về nơi chôn nhau cắt rún. Đời anh, đã là chim liền cánh cây liền cành với nàng thôn nữ đất Bình Thành thuộc khu chiến Đông Thành do tướng Nguyễn Bình xây dựng. Vì, vùng sông nước cuối dải miền đất miền Đông Nam Bộ, cuộc sống ở đây là cuộc sống thương hồ. Không biết bơi, biết chèo...sao biết chống?Bên vợ, tập anh bơi, tập anh chèo...tập anh chống. Nghĩa là, từ rày đôi cánh tay anh trở nên đôi cánh chủ lực gia đình!
Năm năm luồn lạch sông hồ, nước ngược nước xuôi, thuận buồm nghịch gió...anh chơi ráo. Tiếng Huế trộn lẫn giọng Nam...bà con quê vợ nghe thương đáo để. Hết mùa chở bàng, tới mùa chở củi, chữ nghĩa trôi theo từng giọt mồ hôi, thơ văn chín mũn theo từng cơn sôi nước mắt. Làng Chuồn thiếu ăn trong ngày giáp hat của những năm bao cấp, anh bàn với vợ rước ba và 2 em gái sống cùng. Vợ anh vui ra mặt, vì được sum hợp với nhà chồng.
*
Đêm hôm, anh chèo ghe một mình trên sông nước mờ sương khói. Những tiếng hò ai đó văng vẳng vang xa, khiến lòng anh buồn rười rượi. Ngày mai, anh rùng mình không biết vì trời khuya lạnh hay vì, nghĩ đến ngày mai!?Gặp lúc, gió ngược, nước ngược...mọi thứ đều ngược;anh cột bánh lái ghe, chuyển tay chèo ra phía mũi...kiểu dắt ghe dập dềnh nhảy sóng nước! Thương con cảnh ngộ sơn trường, ba anh đòi theo ghe. Anh bấm bụng, chìu ba. Người thợ máy sửa ô tô ngày xưa, giờ cùng tắc biến lão đi ghe trên vùng sông rạch Đức Huệ. Ba ngồi mũi ghe rọi đèn, đôi khi ngủ gục xém rớt sông. Những dòng nước mắt của anh lặng lẽ chảy trong đêm tối!
Vợ chồng anh đưa ba và hai đứa em gái ra chợ Bàu Trai, Thị Trấn Hậu Nghĩa ở đậu nhà người bà con tốt bụng bên nhà vợ. Ba chuyển nghề sửa ô tô qua sửa xe đạp, xe gắn máy nuôi hai đứa em ăn học. Nằm đêm trên cái ghe cần câu cơm, anh nghĩ:Trời vẫn còn thương anh và gia đình.
Thời gian sau nầy, việc sống bằng nghề ghe không còn thuận lợi như trước. Vợ kêu anh bán ghe, nhảy lên bờ, mua xe ba gác đạp, chuyển nghề. Bỏ đôi mái chèo ở lại bến sông!
2.
Mùa khô năm 1984, ngày tháng cụ thể không nhớ rõ, tôi cùng đi với Thiếu Tướng Huỳnh Công Thân kiểm tra quân số Trung Đoàn 4 của Thượng Tá Ba Đông, Trung Đoàn 2 của Thượng Tá Tám Giáp thuộc Ban Chỉ Đạo Đồng Tháp Mười, đang làm nhiệm vụ ở Đức Hòa-Hậu Nghĩa. Tính tôi thích cà khịa chuyện đời mà, cà khịa chuyện đời chỉ có nơi người''cần lao đói khổ''và giới ''nghèo mạt hạng'' trong xã hội. Vì vậy, thường khi hết giờ mần việc, tôi hay lân la uống rượu với những người anh em bất kể nguồn gốc, xuất xứ. Thiệt tình, tôi thích nghe chửi hơn nghe khen. Khoái bị chỉ trích hơn lời khen có cánh. Bởi, mỗi lời chửi, lời chỉ trích dù ác độc cũng chở theo mầm mống đáng trân trọng của nó, giúp người nghe sửa mình. Còn chửi, còn chỉ trích là, còn tin và hy vọng!Trong lời khen dù lời khen có cánh cũng có mầm độc hại hư người, bất luận đó là lời khen chân thật nhất. Má tôi, hồi còn sống trong bom đạn đã dạy tôi như vậy. Phải yêu thương và gìn giữ sự sống của con người dù, kẻ đó có thể giết chết con. Xin bạn đọc đừng bịt tai, hãy cho phép tôi nổ về cái thằng tôi một chút xíu cho rõ sự đời gặp thoáng qua anh Hồ Văn Hiền, Đội trưởng Đội xe ba gác đạp Thị Trấn Hậu Nghĩa. 
Tôi biết anh Hai Chung, cựu Trung úy sĩ quan chế độ Sài Gòn, thông qua các anh Sáu X. và anh Út T...Những người thời bấy giờ lãnh đạo huyện Đức Hòa-Hậu Nghĩa. Được biết, anh Hai Chung là bạn học thời trung học của các anh. Một khi tôi ''đã chịu đèn''-xin lỗi, không phải ''khớp đèn''-với ai, tôi liệng áo mũ vào ngăn tủ cơ quan khóa lại, để tôi chơi d9ich21 thực cái thằng tôi ruột ở ngoài da. Dân quê tôi gọi là, hết mình!
Tôi gặp anh Hiền, cũng là một cựu sĩ quan chế độ Sài Gòn từ anh Chung. Khi anh Chung nghỉ đạp xe và sang xe ba gác thì, anh Hiền nhận nhiệm vụ Đội Trưởng. Thiệt ra mà nói, tôi chẳng để ý gì về anh, bởi anh ít lời và ít bộc lộ tình cảm, giữ mình theo tâm tính Huế. Tôi không biết anh từng làm thơ, in thơ...và thi sĩ!
Anh lọt sổ trong tàng thư lưu trữ bộ nhớ của tôi. Tôi quên anh!
*
Anh bỏ nghề sống bằng đôi tay, chuyển sang sống bằng nghề đôi chưn:Đạp!
Những con đường quê trải nhựa hay đất đỏ đến Hốc Môn hoặc tới Trảng Bàng, đôi chưn anh đạp tới đạp lui mòn sênh mòn xích. Đạp đến đổi muốn rụng đầu gối, run cặp giò...Đêm nằm nhớ câu ''An cư tư nguy'' Thủ Đức, lật đật ôm mùng, mền, chiếu, gối... ra sân ngủ cùng xe ba gác. Vợ cự nự, hỏi:
- Có nhà sao không ngủ. Ngủ ngoài sân?
Anh đành cắn răng, nói ẩu:
- Ngủ giữ xe!
Vợ nghe chí phải, mất xe là mất cần câu cơm. Chớ thiệt lòng, anh sợ lúc nửa đêm về sáng vợ dựng dậy bắt trả bài thì, ''rục tùng''. Bài rớt từng trang dọc đường gió bụi áo cơm, còn sức thuộc bài đâu mà trả!?
Nhiều hôm đuối, thân kiệt nước, mình mẩy không lấm tấm mồ hôi...đôi mắt mờ vì mệt và đói. Tưởng chừng anh quỵ xuống nhưng, hình như có luồng sinh khí mới vực anh đứng dậy. Theo anh, đó là luồng sinh khí của hồn thơ từ cái thuở ''Cuồng Biển'' chốn quê nhà.
Khoảng giữa năm 2015, tôi đến 27.Nguyễn Thị Diệu uống cà phê cùng anh Lê Đình Trung và Bùi Việt Dân. Tại đây, anh Bùi Việt Dân giới thiệu anh với tôi, rằng:
- Đây là, nhà thơ Từ Hoài Tấn!
Tôi ngờ ngợ quen quen, có cảm giác đã gặp anh đâu đó. Một hôm, chắc là ngẫu hứng, anh tặng tôi cùng lúc ba tập thơ:Hành trình phiêu lạc(2003), Đi, Đứng và Chạy với thời gian(2012), Phục Hưng tôi và em(2013). Tôi hỏi thăm gia cảnh anh...Thì ra, anh chính là người Đội trưởng Đội xe ba gác đạp Hồ Văn Hiền ở Thị Trấn Hậu Nghĩa mấy mươi năm về trước.
*
Sau nầy, có anh bạn nhà thơ nói với tôi:
- Nhà thơ Từ Hoài Tấn thuộc lớp người sinh bất phùng thời!
Tôi cười, nói vui cùng anh bạn.
- Chính lớp người như Từ Hoài Tấn, như tôi...sinh ra rất phùng thời chớ không phải bất. Cái thời chúng tôi đã sống, đang sống có muôn vàn điều th trăn trở, thổn thức để mà viết. Mai kia, yên bình kiếm đâu ra? Chỉ sợ mình chưa đủ cái tâm, cái tầm...cái bản lĩnh người cầm bút, chưa viết tròn câu thì, đã sợ vãi ra rồi!
Tôi chợt nhớ lời Nguyễn Bá Học:''Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi, chỉ khó vì lòng người ngại núi e sông!''. Câu văn nghị luận từ thời học trung học đệ nhất cấp!
trần bảo định
2016.
*Ảnh Từ Hoài Tấn và tác giả.

Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2016

TƯỞNG NIỆM HỌA SĨ ĐINH CƯỜNG

Văn Bảy

Họa sĩ Đinh Cường qua đời: Một tâm tình trừu tượng giờ mới tỏ lộ

Chủ Nhật, 10/01/2016 08:18
(Thethaovanhoa.vn) - Đinh Cường là một trong số ít họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam tại hải ngoại, ông vừa qua đời lúc 9h40 ngày 8/1/2016 (tương đương 21h40 ngày 7/1, giờ Virginia, Hoa Kỳ), sau một thời gian dài lâm bệnh.  
Đinh Cường sinh năm 1939 tại Thủ Dầu Một - Bình Dương, đương thời ông đã thực hiện hơn 30 triển lãm cá nhân tại Việt Nam và quốc tế. Từ trước 1975, ông đã có tranh tham dự các sự kiện nghệ thuật lớn như The Sao Paulo Biennal (năm 1967, 1969), The Tokyo Biennal (1966), The Tunis Biennal (1964), The Paris Biennal (1963)…
Nguyên là giáo sư hội họa trường nữ trung hoc Đồng Khánh, nữ trung học Thành Nội (Huế, 1963 - 1967), là giảng viên Cao đẳng Mỹ thuật Huế (1967 -1978).

Họa sĩ Đinh Cường. Ảnh: Văn Bảy
Những năm cuối đời, Đinh Cường trở về thực hiện nhiều triển lãm chung và riêng tại Việt Nam. Theo kế hoạch thì tháng 2/2016 sẽ là một triển lãm cá nhân và ra mắt sách tại TP.HCM, nhưng bệnh tật đã ngăn trở ông thực hiện.
Trong những họa sĩ Việt Nam sinh từ cuối thập niên 1930 trở về sau này, Đinh Cường thuộc số ít có cốt cách của một danh họa. Đầu tiên, ông làm việc chuyên tâm và chuyên nghiệp, sáng tác nhiều phong cách, có hệ thống lý luận tương đối rõ ràng. Bên cạnh thể loại biểu hình, ông vẽ rất mượt mà, lãng mạn, có cái gì đó hoài nhớ xa xăm, thì thể loại trừu tượng cũng được ông theo đuổi từ nửa thế kỷ nay.
Tiếp đến, tác phẩm của ông được thị trường chào đón, nên gần như triển lãm nào ông cũng bán được nhiều tác phẩm.
Thậm chí có ý kiến nói vui, nếu một gia đình người Việt nào đó ở hải ngoại có ý tưởng mua tranh Việt về treo, thì y như rằng trong số ấy có tranh Đinh Cường.

Họa sĩ Đinh Cường, ký họa của Trần Trung Lĩnh, vẽ ngày 9/1/2016. Sinh thời Đinh Cường có rất nhiều ký họa từ bạn bè, nhưng ông rất yêu thích cách vẽ của Trần Trung Lĩnh
"... Xin ghi nhớ một góc hành lang, nơi tôi đã đặt giá vẽ, đêm nào mưa bão thổi qua hay cơn nóng của một mùa hạ sắp tàn. Nơi đó tôi đã mài nhẵn ý thức, ném từng vô vọng, đổ từng hơi thở xuống những khung vải vốn hiền từ. Mỗi bức tranh là một hơi thở. Và nó thành hình tức là tôi đã chết. Tôi trở lại cùng người làm kẻ thưởng ngoạn. Nhìn sự mới lạ như lần đầu tiên mới đến. Xin hãy cảm, nhớ đừng bao giờ tìm hiểu", Đinh Cường quan niệm.

Dưới đây, báo Thể thao & Văn hóa xin giới thiệu vài tâm sự riêng của Đinh Cường về tranh trừu tượng, một thể loại mà ông dành nhiều ưu ái, với rất nhiều tác phẩm thành công.
Đọc những suy tư mà ông gởi từ ngày 6/4/2010, giờ mới tỏ lộ, chúng ta có thể hiểu thêm một phần thế giới hội họa phong phú của con người tài hoa này.
Đinh Cường viết:
1. Tôi đến với kỹ thuật vẽ trừu tượng từ năm 1960, có thể duyên cớ là từ tờ báo Paris Match mua ở nhà sách Albert Portail (nay là nhà sách Xuân Thu, TP.HCM), nhằm số đặc biệt về đám tang của họa sĩ trừu tượng Jean Atlan. Số báo có nhiều khuôn mặt họa sĩ trừu tượng đến dự lễ tang mà tôi yêu thích như: Soulages, Hartung, Manessier, Mathieu, Vierra Da Silva, rồi cả Tàpies và Zao Wou-Ki…
Hai năm sau đó, tôi có tranh tham dự Đệ nhất triển lãm mỹ thuật quốc tế tại vườn Tao Đàn, Sài Gòn (ngày 16/10 đến 15/11/1962), bị lôi cuốn bởi tác phẩm gốc của Soulages và vài họa sĩ trừu tượng của  Mỹ, Đức, Hà Lan, Á Căn Đình… nên muốn vẽ trừu tượng.

Tác phẩm Vàng chanh, sơn dầu trên bố, 61 x 61 cm, tháng 7/2015
Triển lãm đầu tiên tôi có tranh trừu tượng là Triển lãm hội họa mùa Xuân 1963, bức Miền lệ xanh (âm hưởng thơ Thanh tâm Tuyền: “… em biết không, lệ là những viên đá xanh, tim rũ rượi..."). Nó cũng được chọn tham dự Triển lãm quốc tế lưỡng niên tại Paris từ ngày 28/9 đến 3/11/1963. Năm này tôi cũng nhận được huy chương bạc với bức trừu tượng Chứng tích.
Năm 1965, triển lãm cá nhân đầu tiên tại Huế với nhiều bức trừu tượng ưng ý, đã được Dr. Erich Wulff, giáo sư người Đức dạy Đại học Y khoa Huế sưu tập (vẫn còn lưu giữ tại Đức cho đến nay, ông vừa mất tại Paris ngày 31/1/2010).
2. Theo tôi, nên hiểu hội họa trừu tượng Việt Nam trong bối cảnh của một đất nước còn chậm tiến, nghệ thuật mới còn non trẻ. Trong khi các nước Tây phương đã có những quan niệm mới có thể kể dấu mốc từ Phần tinh thần trong nghệ thuật (Du Spirituel dans l’Art) xuất bản năm 1912 của Kandinsky, cho tới sau đại chiến thế giới thứ hai 1945 với nhiều nhóm trừu tượng khác. Họ muốn hoàn toàn tự do, không mô phỏng tạo vật, chỉ căn cứ vào bản ngã, vào cá tính để sáng tác.

Tác phẩm Đi đâu về đâu, sơn dầu trên bố, 140 x 140 cm, 2005
Kể cả nhóm Tachisme ở Mỹ lúc ấy mà Pollock (1912-1956) nổi tiếng với việc vẽ bằng những lon sơn đục lỗ vung chảy đầy trên tấm toan lớn để nằm trên sàn nhà, theo cao hứng của nội tâm và nhịp tay, action painting cũng có từ đó.
Paul Klee trong Journal 1915 đã viết: “… thế giới này càng đáng ghê sợ, thì nghệ thuật càng lánh sâu vào trừu tượng”. Nửa thế kỷ sau, năm 1965, Đỗ Long Vân viết: “... Song, trừu tượng ngày nay là gì, nếu chẳng phải là sự vắng bóng một cõi đời đổ nát trong lòng mình, và để khỏi rơi vào mê sảng, mỗi cá nhân phải dụng tâm chế biến sự vắng bóng kia bằng quyền lực cuả nó”. (theo catalogue Triển lãm Đinh Cường, Alliance Francaise de Dalat, 1965).

Tác phẩm Paris xám 1, sơn dầu trên bố, 61 x 76 cm, 2006
Cái quyền lực trừu tượng ấy của các họa sĩ Việt Nam thường bị chi phối bởi quá nhiều nguyên do: đời sống gia đình, đời sống văn hóa và xã hội, giáo dục mỹ thuật còn ở mức thấp nhất, người xem tranh chưa quen và tìm hiểu nhiều về thẩm mỹ mới trong nghệ thuât trừu tượng.
Các viện bảo tàng mỹ thuật hình như cũng chưa có những khu vưc dành riêng cho những tác phẩm trừu tượng, dù là trừu tượng của các họa sĩ bậc thầy như Nguyễn Gia Trí, Bùi xuân Phái…

Tác phẩm Rừng câm, sơn dầu trên bố, 102 x 102 cm, 2003

Tại sao đa số các họa sĩ Việt Nam không đi hết con đường trừu tượng mà thường vẽ song song? Có thể mượn lời phát biểu này của Nguyễn Trung không: “Đối với người Việt dù là ở trong nước hay hải ngoại, những người từng yêu tranh figurative (tranh tượng hình) của tôi đều vẫn còn giữ tình cảm với loại tranh này. Chính vì cái ơn tri ngộ này mà tôi chưa thể dứt khoát với figurative…” (California, 2006).
3. Nếu có về bày tranh ở quê nhà trong thời gian sắp tới, thì tôi cũng chỉ dám bày tranh nào mà bản thân cảm thấy ưng ý, dù trừu tượng hay có hình cũng đem về thôi.
Chỉ sợ vẽ chưa tới, hay nói như Répine: “Ý tưởng đẹp mà vẽ không tới chỉ để người ta ghê sợ và coi rẻ ý tưởng mà thôi”.
Virginia, 6 April, 2010
Đinh Cường

Vĩnh biệt họa sĩ Đinh Cường: Một tấm lòng vô hạn (*)

10/01/2016 09:42 GMT+7
TT - Trong thư phòng của ông, họa sĩ Đinh Cường viết một câu của Samuel Beckett “Nghệ thuật là phản đề của nỗi cô đơn”.
Họa sĩ Đinh Cường (ảnh chụp năm 2008). - Ảnh: Nguyệt Cầm
Họa sĩ Đinh Cường (ảnh chụp năm 2008). - Ảnh: Nguyệt Cầm
 Trong nỗi cô đơn, trong niềm hoài nhớ cùng những kỷ niệm về quê nhà và bè bạn ông đã vẽ được thật nhiều. 
Tranh ông bày khắp studio và thư phòng của ông trong ngôi nhà ở quận Burke (bang Virginia, Hoa Kỳ) mà vào mùa thu cảnh sắc thiên nhiên thật tuyệt mỹ.
Họa sĩ Đinh Cường đã trút hơi thở cuối cùng tại một bệnh viện ở bang Virginia, Hoa Kỳ vào 21g40 ngày 7-1 giờ Virginia, Hoa Kỳ (tức 9g40 ngày 8-1 giờ VN).
Mới đây thôi, trong bữa ăn chia tay với chủ nhân gallery Tự Do, tôi vẫn còn tự tin nói về triển lãm tranh của họa sĩ Đinh Cường mà một nhóm thân hữu chúng tôi dự tính tổ chức khoảng cuối tháng 2 tới đây, có thể khai mạc vào đúng kỷ niệm sinh nhật (28-2) của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người bạn thân thiết của đời ông. 
Mọi việc đã được sắp xếp, lo liệu: đã liên hệ để có một không gian trưng bày vào cỡ đẹp nhất Sài Gòn hôm nay, các khoản chi phí để lo vé máy bay, chỗ ở cho tác giả những ngày triển lãm cũng đã được tính toán khá chu đáo, một vựng tập triển lãm sẽ in thật đẹp...
Chúng tôi hiểu đây sẽ là triển lãm cuối đời của Đinh Cường, bởi sức khỏe của ông như ngọn đèn dầu đang cạn dần.
Giữa tháng 10-2015, khi mọi việc đã ổn, tôi mới báo tin cho Đinh Cường về triển lãm ấy và nhận được email trả lời của ông: “Cuối tháng 2-2016 có thể được... Tôi vui và nghe rộn ràng trong người, biết đâu sẽ khỏe...”. 
Nhưng đến trung tuần tháng 12-2015, khi gửi email lần nữa để trao đổi cụ thể về triển lãm và cả dự định in lại tập sách Đi vào cõi tạo hình của ông trong nước, tôi không nhận được hồi âm, điều chưa từng thấy nơi một người hết sức cẩn trọng và chu đáo với bằng hữu, anh em. 
Cầm xanh - tranh sơn dầu
Cầm xanh - tranh sơn dầu
Rồi Đinh Trường Chinh, con trai ông, cho biết ông rất khó khăn để có thể ngồi vào máy tính đọc thư và lo ngại ông sẽ khó lòng về nước làm triển lãm. Chúng tôi vẫn chưa hết hi vọng “biết đâu sẽ khỏe” như lời ông.
Vậy mà cuộc triển lãm ấy đã không thành sự thật nữa rồi. Tin Đinh Cường qua đời đêm thứ năm 7-1-2016 được loan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội và được chia sẻ rộng rãi với bao nỗi tiếc thương một nghệ sĩ tài hoa, một nhân cách đáng ngưỡng mộ.
Họa sĩ Đỗ Quang Em không giấu được xúc động khi được báo tin dữ: “Theo tôi, trong giới mỹ thuật anh Đinh Cường là người được thương mến nhiều nhất”.
Năm 2007, khi triển lãm chung với họa sĩ Nguyễn Đình Thuần tại California, Đinh Cường có trả lời phỏng vấn một tờ báo người Việt tại Mỹ, qua đó ông cho biết thời trai trẻ mình đã “phải lòng” với hội họa như thế nào:
“Thời trung học, trong khi bạn mình đọc những Camus, những Sartre, tôi lại đi tìm những Bernard Buffet, những Modigliani. Đi ra những nhà sách Nhựt Bằng, nhà sách Albert Porte, nhìn những bức tranh mà mê. Mê những cô gái cổ dài của Modigliani, những tranh thơ mộng của Chagall, của Klee”.
Và ông đã tìm thấy “chân lý hội họa” sau nhiều thập niên gắn bó với sắc màu, đó là “sự kết hợp giữa kỹ thuật phương Tây với triết lý và tâm hồn sâu ẩn của Á Đông. Hai cái đó kết hợp lại để tạo ra một không khí hội họa phù hợp với mình. Và đi theo khuynh hướng hiện đại hóa”.
Nhận định về người bạn thân của mình, nhà giáo - nhà phê bình Đặng Tiến (Paris) tổng kết: “Đinh Cường sống trọn đời, tận tụy cho nghiệp hội họa, không nhất thiết là sống nhờ vào nghề hội họa. Anh triển lãm nhiều, không nhất thiết để bán tranh mà để gặp gỡ, làm quen.
Vẽ tranh là tìm đến với cuộc đời và bày tranh là đi trọn dặm trường hạnh ngộ. Nói khác đi, làm khác đi, là chưa hết lòng với chính mình và chưa tận tình với nghệ thuật” (*).
Không chỉ vẽ và vẽ suốt đời, Đinh Cường còn làm thơ và viết báo, viết sách về hội họa. Bài viết của ông về các họa sĩ nhiều thế hệ được đăng trên nhiều báo, tạp chí trong và ngoài nước. Ông ra đi khi đang bắt tay thực hiện tập 2 của Đi vào cõi tạo hình.
Tập 1 được xuất bản tại Mỹ tháng 5-2015, với những bài viết về các bậc thầy xuất thân từ Trường Mỹ thuật Đông Dương như Lê Phổ, Lê Văn Đệ, Mai Trung Thứ, Nguyễn Gia Trí, Tôn Thất Đào, Nguyễn Đỗ Cung... và những tên tuổi của mỹ thuật Việt Nam hiện đại như Bùi Xuân Phái, Điềm Phùng Thị, Thái Tuấn, Văn Đen, Tạ Tỵ... với cách viết không nặng hàn lâm mà như kể chuyện thủ thỉ, thân tình, gần gũi về những người ông hằng yêu mến. Ở Đinh Cường, cả hội họa lẫn văn chương chính là người vậy.
__________
(*) Mượn tựa bài viết của Đặng Tiến giới thiệu triển lãm tranh Đinh Cường tại Paris tháng 10-2010.
NGUYỆT CẦM
tuoitre.vn