Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

MỨNG ĐÓN NĂM MỚI 2015

 
KÍNH CHÚC QUÝ ĐỘC GIẢ, BẰNG HỮU, NGƯỜI THÂN 
MỘT NĂM MỚI 2015 AN LÀNH, HẠNH PHÚC VÀ THÀNH CÔNG

Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

Sách ơi, nhiều lỗi quá!

 
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
 
          Khoảng năm 1994, nhà văn Võ Hồng được một nhà xuất bản lớn ở Hà Nội in tập sách Truyện ngắn chọn lọc của ông. Ông sung sướng báo tin cho những người quen biết, rồi viết thêm: “Sách dày 300 trang, bìa rất mỹ thuật, nhưng in quá nhiều lỗi. Mắt tôi kém, sức khỏe kém, mấy hôm rồi đọc dò lại một mình, vậy mà đã phát hiện hơn 130 lỗi. Tôi có lập bản đính chính xin NXB in và dán vào sách. Chỉ vì tôi nghe nói sách sẽ phân phối về các thư viện, tôi vui vì bà con Miền Bắc đọc và biết sinh hoạt của bà con Miền Nam. Nay in sai kiểu này thì nội dung trúc trắc khó hiểu, bạn đọc nổi xung bỏ sách xuống chớ đâu còn nhẫn nại đọc tiếp”. Niềm vui của nhà văn chắc đã vơi đi một nửa!
          Hai mươi năm trước nhiều nhà văn chưa dùng máy vi tính, bản thảo đánh máy hay viết tay nên việc in ấn không thuận lợi như bây giờ, khi bản thảo chỉ cần gửi qua email. Vậy mà bây giờ sách in chưa phải đã hết lỗi kỹ thuật, thậm chí còn nhiều hơn thời in typo.
         Mới đây cô giáo Nguyễn Ngọc Hà than phiền: “Văn bản tôi chuẩn bị rất kỹ, sửa đi sửa lại, vậy mà khi sách ra thấy trang nào cũng có lỗi, tôi là tác giả mà còn không dám đọc lại sách của mình”. Cuốn sách này là sản phẩm của một cơ quan làm sách chuyên nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm.
        Một nhà nghiên cứu vốn là người cẩn trọng vừa có cuốn sách mới thuộc loại được “Nhà nước đặt hàng” cho một nhà xuất bản ở trung ương, tuyển chọn những bài tiểu luận văn học đặc sắc nhất được viết trong khoảng 30 năm nay của ông. Cầm cuốn sách bìa thật trang nhã, dở vào bên trong, tác giả bỗng giật mình vì sách không những nhiều lỗi in sai tên người, sai chú thích mà việc dàn trang cũng lộn xộn, tùy tiện.
        Có lần tôi kể với nhà văn Vương Trí Nhàn là nhà chật quá, tôi phải ngồi lựa những bản truyện dịch in giấy đen thời bao cấp để thanh lý bớt, chỉ giữ lại những cuốn sách tái bản gần đây in giấy trắng. Ông Nhàn, vốn là người nghiên cứu văn hóa và làm xuất bản lâu năm, vội can ngay: “Ấy chớ, ông nên biết rằng những bản sách giấy đen in chữ chì hồi đó lại được chăm sóc rất cẩn thận, còn bây giờ nhiều cuốn in đẹp nhưng cẩu thả không chịu nổi”.
        Vậy người đọc biết làm sao! Tình trạng lỗi kỹ thuật tràn lan trên các ấn bản khiến những người giữ mục “Dọn vườn” trên báo bây giờ cũng không hơi sức đâu mà góp ý. “Quán Mắc cỡ” của báo Tuổi trẻ cười mỗi kỳ cũng chỉ chọn được năm ba trường hợp nổi cộm đáng mắc cỡ nhất mà thường là những lỗi “cố ý”, chứ những lỗi sơ ý thì cũng cho qua. Không hiếm trường hợp sách in sai ngay từ trang bìa: sai tên tác giả, sai thể loại… Bên trong thì đầy lỗi chính tả và ngữ pháp, câu sai quy chiếu, viết hoa và phiên âm không nhất quán… Chỉ cần một trong các nguyên nhân sau đây là có thể dẫn đến sự cố nghiêm trọng, chẳng hạn như việc sách in hình cổng trường treo cờ Trung Quốc: thiếu kiến thức, chủ quan, tắc trách vì lười biếng hay vì ham tiền… Trách nhiệm này chia đều cho tác giả/ dịch giả, biên tập viên và người sửa bản in. Của đáng tội, nhiều khi chính tác giả sửa bông 1, bông 2 rất kỹ, nhưng đến bản nhũ không đọc lại thì khi sách in ra vẫn có lỗi như thường.
         Lâu nay người ta hay so sánh những lỗi như vậy như những hạt sạn trong bữa cơm làm ê răng. Đừng nghĩ là ăn vậy hoài riết rồi cũng quen. Người làm ra món ăn tinh thần không nên xem thường: vào quán nào vài lần mà gặp cơm sạn, cơm khê, cơm sống, ắt lần sau người ta sẽ tránh đi chỗ khác chứ!
 
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
 
Tác giả gởi cho viet-studies ngày 27-12-14

Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2014

Hai cuốn sách mới về Huế

Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu quán Huế, Phân viện Văn hóa nghệ thuật VN tại Huế phối hợp với Nhà xuất bản Thuận Hóa vừa giới thiệu cuốn sách Mỹ thuật thời chúa Nguyễn.

 Nhà văn Nguyên Minh, chủ biên của Tập san Quán Văn (phải) tặng sách cho nhà văn, dịch giả Bửu Ý - Ảnh: B.N.L Nhà văn Nguyên Minh, chủ biên của Tập san Quán Văn (phải) tặng sách cho nhà văn,
dịch giả Bửu Ý - Ảnh: B.N.L
Sách do nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông (chủ biên) cùng nhóm tác giả của  Phân viện Văn hóa nghệ thuật VN tại Huế thực hiện.

Trước đó, cũng tại TP.Huế, nhóm chủ biên Quán Văn thuộc Nhà xuất bản Hội Nhà văn cũng đã ra mắt và giới thiệu Tập san Quán Văn số 27 chuyên san Bửu Ý và văn học xứ Huế.
Tập san đã dành phần lớn để đăng tác phẩm và các bài viết về tác giả Bửu Ý, một nhà văn hóa được hầu hết nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu xem như “đặc sản”, “phản ánh trạng thái tinh thần” của Huế từ sáng tác đến cốt cách sống.
Bùi Ngọc Long
TNO 

Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

Cuộc sống ẩn dật của những vĩ nhân trong giới văn chương

Họ là những nhà văn nổi tiếng nhất thế giới, từng giành giải Nobel Văn học, có những tác phẩm văn chương xuất sắc nhất mọi thời đại. Nhưng tại sao họ phải lánh xa truyền thông và người hâm mộ, phải giấu kỹ những tác phẩm mới và chọn lối sống ẩn dật?
Cuộc sống ẩn dật của những vĩ nhân trong giới văn chương
Nhà văn Mỹ JD Salinger (1919 - 2010)

Trong giới văn chương, tác giả của tiểu thuyết “Bắt trẻ đồng xanh” được biết tới là người có lối sống bí ẩn. Ông bắt đầu quay lưng lại với việc giao du, mở rộng quan hệ kể từ năm 1953, thời điểm 2 năm sau khi cuốn tiểu thuyết đầu tay ra mắt, đưa lại cho nhà văn danh tiếng bất ngờ.
Kể từ đó, J.D. Salinger thu mình lại, lựa chọn cách sống ẩn dật, tránh xa giới truyền thông và người hâm mộ, công bố rất ít tác phẩm mới. Trong suốt nửa thế kỷ sống khép kín như vậy, những tin đồn về đời sống riêng tư và sự im lặng khó hiểu của ông liên tục xuất hiện.
J.D. Salinger càng phong tỏa mọi khả năng tiếp cận của giới truyền thông và người hâm mộ, ông càng bị đeo bám. Những tư liệu xác thực mà người ta có được về cuộc đời Salinger rất ít ỏi, cho tới hôm nay, ông vẫn là một nhân vật bí ẩn như chính cậu thiếu niên Holden Caulfield của “Bắt trẻ đồng xanh”.

Ra mắt Tập san Quán Văn số 27 với chủ đề “Bửu Ý và văn học xứ Huế”

Chiều ngày 25/12, đông đảo các văn nghệ sĩ Huế đã đến dự buổi ra mắt giới thiệu Tập san Quán Văn số 27 với chủ đề “Bửu Ý và văn học xứ Huế” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.
Ra mắt Tập san Quán Văn số 27 với chủ đề “Bửu Ý và văn học xứ Huế”
Tập san Quán Văn số 27 với chủ đề “Bửu Ý và văn học xứ Huế”
Trước đây, Quán Văn đã tổ chức các chuyên đề về nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, nhà thơ Nguyễn Đức Sơn, họa sỹ Đinh Cường, bác sỹ Trương Thìn…; và bây giờ, là một chuyên đề khá đa dạng về cuộc đời và sự nghiệp của dịch giả, nhà văn Bửu Ý.
Tập san Quán Văn số 27 dày 300 trang với nhiều bài viết về nhà văn, dịch giả Bửu Ý như: Bửu Ý trong tâm tư thời mới lớn của tôi; Chấm phá vài nét về Bửu Ý và dòng văn học Huế ở miền Nam trước 1975; Bửu Ý, người bạn thiết...bên cạnh đó có những bài viết đậm chất Huế như Ôi chao giọng Huế, Tính cách Huế, Cô gái Huế với tranh thiếu nữ của họa sĩ Đinh Cường...
Nhà văn, nhà giáo, dịch giả Bửu Ý tên đầy đủ là Nguyễn Phước Bửu Ý, sinh năm 1937 tại Huế. Bạn đọc hẳn còn nhớ ở miền Nam những năm trước 1975, Bửu Ý là cây bút có uy tín được bạn đọc hâm mộ với rất nhiều các bài viết trên các Tạp chí Mai, Văn, Diễn đàn, Phố Văn... Bạn đọc miền Nam thời đó đã rung động với nhiều trang chuyển ngữ của dịch giả Bửu Ý, như cuốn “Nhật ký Anne Frane”.  Năm 1974, NXB An Tiêm một trong những nhà xuất bản lớn thời bấy giờ đã ấn hành cuốn “Con Lừa và tôi” của Juan Ramón Jiménez do Bửu Ý chuyển ngữ. Năm 2006, NXB Văn Học đã xuất bản cuốn “Tác giả thế kỷ 20” của nhà nghiên cứu Bửu Ý. Phần lớn những bài viết trong tập sách này đều đã được đăng tải ở các tạp chí Mai, Văn... trong thời gian 1963 - 1967 ở miền Nam và lập tức, thu hút sự chú ý của công chúng rất lớn. Cuối tháng 3.2011, đông đảo anh em văn nghệ sỹ, các nhà nghiên cứu ở Huế đã hết sức bất ngờ và vui mừng khi đến với buổi giới thiệu sách của nhà giáo, nhà văn, dịch giả Bửu Ý do Tạp chí Sông Hương và Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế tổ chức; nhân sự kiện bộ ba tác phẩm đầy sang trọng và đầy trí tuệ về Huế, về nghệ thuật và về nhạc sỹ Trịnh Công Sơn: Ngày tháng thênh thang, Nước chảy qua cầu, Tâm tình với Trịnh Công Sơn trình làng. Năm 2003, nhà văn Bửu Ý đã cho xuất bản cuốn “Trịnh Công Sơn- nhạc sỹ thiên tài”. 10 năm sau ngày mất của bạn (2001-2011), nhà văn Bửu Ý xuất bản cuốn sách mới, Tâm tình với Trịnh Công Sơn, tập hợp những bài viết ngắn về Trịnh Công Sơn.
Với một phong thái hoàng tộc đầy biểu tượng Huế; với những hoạt động cho văn hóa Huế mà thời gian lưu truyền ca Huế là một trong những minh chứng; tất cả những gì Thầy Bửu Ý đã hiện diện, đã đóng góp cho văn hóa Huế là rất đáng trân trọng.
PA
http://tapchisonghuong.com.vn

Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

Thơ NGUYỄN THỊ ÁNH HUỲNH






ĐỪNG MÚC CẠN NỖI BUỒN


Trăng trầm mình
xuống giếng
mà trăng không chết
em gọi nỗi buồn
là giếng nước
múc từng gàu nỗi buồn
em tắm
tìm vui
đôi mắt anh
còn buồn hơn cả giếng
tình yêu
ban đầu vui như gàu
kết thúc buồn như nước
em đi đâu
giếng cũng theo đi
trăng cứ tìm mắt em
đòi tự tử
chúng ta lấy nhau
vì khát
giếng nước yêu
đứt sợi dây gàu
ôi nỗi buồn
trăng múc lên từ giếng
em ngó trời
thấy giếng mọc thành sao
xin anh
đừng múc cạn nỗi buồn
trong đôi mắt em
để em còn là giếng nước.


SƯỚNG MUỐN CHẾT

Anh bảo em :
Má mày lấy tao sướng muốn chết!
Không lấy tao chắc giờ này bán vé số!
Ngày ấy không gặp anh
Em vẫn là con chim manh manh
Lẻ loi đậu tít cành chanh
Lấy chồng như lấy mảnh sành đứt tay…
Lấy chồng sướng muốn chết
Làm mẹ ba đứa nhỏ sướng muốn chết
Thành bà nội được làm ôsin sướng muốn chết
Sướng muốn chết khoảng trời xanh sau bếp
Mưa cho suối chảy trong nhà
Có khi trời xuống la đà nồi niêu
Sướng muốn chết mùi dạ lan hương ngạt thở
Ăn ở với cà với dưa
Đẻ ra mắm muối mà chưa biết tình
Sướng muốn chết đàn ông dạy vợ
Thương lá vàng làm con ở mùa thu
Đám mây muốn chết thành mưa
Tự dưng chim hót tưởng chưa có chồng…


CẦN ĐƯỚC


Má gốc Huế
Ba gốc xa ngoài Bắc
Em
gốc Nam Kỳ
Cần Đước
Đước ơi
đước mang bầu ở chân
chồm chồm
như những chiếc nơm
úp phù sa
lấn biển
những kiếp người phiêu bạt
lặn vô thân phận đước
ăn nằm với bão tố
ngủ nghê cùng sóng khơi
giành giật với biển cả
từng hạt hồng cầu đất
ăn mặn chát
uống mặn chát
nước mắt người
mang linh hồn đước
mặn mòi
đước à
có tiếng cười lạt lẽo
nhưng khóc
không lạt lẽo
khóc mặn
một hôm
những cây đước
bước lên bờ
thành người Cần Đước
em – người đàn bà miền Nam
gốc đước.


VỌNG CỔ

Mê Kông
xòe chín nhánh mùi mẫn
xuồng ba lá
trên dòng cải lương
bác Sáu Lầu
vuốt dây tơ
làm dây câu
vọng cổ
kinh rạch
hết hồn
tiếng đàn kìm
luyến
nước lớn
láy
nước ròng
ai canh tàn đói lòng
ăn gió chướng
ngồi ca
có người đàn bà
mê anh kép Út…
hóa chim bìm bịp
đêm đêm
ứa
một câu Văn Thiên Tường
rồi chết
thằng Sáu
Vàm Láng Le
tương tư đào Nhứt
biến thành người khác
qua Bắc Vàm Cống
gặp má ruột
má con hổng nhận ra nhau
múc nước sông
nhậu trái bình bát
sáu câu
nức nở
điên khùng
nhậu đi
sông ơi
tối nay gánh hát về ấp
cánh cò bay lạc
tiếng thổ
tiếng kim
gió sênh phách
kéo màn
sông Hậu
vút câu thứ năm
đã nghẹn dòng kinh
búng khẽ ghi ta
câu sáu lên
dàn dụa sông Tiền
anh chê em cải lương
gánh hát đi
sáng ra
bờ tre đẫm nước mắt
vọng cổ ơi
mặc kệ chồng
em rất cải lương
khi yêu
ai chẳng xuống xề ?



CON CHIM THỜI GIAN

Không phải chim ảo
con chim thời gian
để lại những dấu chân thật thà
gương mặt đàn bà
nhầu nhĩ

chim thời gian
như đại bàng cắp nàng trái đất
vừa bay vừa dẫm nát mặt người
rạn gương mặt Tây Thi
nứt gưong mặt Dương Quý Phi
con chim
ăn sắc đẹp đàn bà

anh có phải chim thời gian
đi qua đời em
để lại những dấu chân
biết khóc ?

tình yêu
thích lên trán em
dấu ấn chim muông
con cái
chạm trổ lên mặt em
vết hằn hoa móng rồng

em biết chạy về đâu
thời gian tứ phía
chim chim chim chim…
đánh lưới em rồi…

kìa bầu trời hạn hán
có tiếng cười nứt nẻ …
cứu em với
con chim thời gian
bắt em làm tì thiếp
anh ơi !



NỤ HÔN

Nhớ tối nào
anh hôn em
bầm dập cả trăng non

giữa trưa nắng
anh hôn em
trời đất tối mù

trong đêm đen
không có anh
em vẫn được hôn

sáng thức dậy
chẳng có ai hôn ai
ngoài ban mai
đang hôn từng giọt sương
sắp khóc

anh ơi
đôi môi anh giờ cất đâu ?
khi gió cồn cào hôn nước

ước gì trời thật rét
để em được gói đôi môi mình
vào một chiếc khăn len.


SÓNG

Có nước là có sóng
Có gió là có sóng
Có khói là có sóng
Có người là có sóng
Không có nước, không có gió, không có khói, không có người…
Vẫn có sóng

Sóng điện từ, sóng vũ trụ, sóng âm
Sóng lòng, sóng hư vô, sóng thần, sóng sánh
Sóng anh đánh vào em
Như đánh trống
Như đánh đàn
Như đánh đu
Như đánh đáo…

Anh dắt tay em
Sóng vẫn đánh giữa hai ta :
- Sóng đôi !

Thân thể em
Nhấp nhô
Bởi sóng

Sóng ơi
Em đâu phải tình nhân tuyệt vọng
Đâu phải kẻ thù sinh tử của người
Mà người vẫn đeo đuổi em tới huyệt mộ
Mà người vẫn truy nã em cả lúc lên giường …

Mai sau
Em ngủ giấc muôn đời
Chỉ còn sóng
Thuỷ chung
Anh đắp lên mồ em
Từng sóng cỏ …


CẢM ƠN KHÓC
- Mẹ ơi, ông trời bị sấm sét đánh
Đang khóc ròng ròng ngoài sân
- Mẹ ơi, mặt trời ban mai cũng khóc
Ông mặt trời khóc ra sương
- Mẹ ơi, ông trăng cũng khóc
Nước mắt trăng rơi thành đom đóm
- Mẹ ơi, con mèo đi chơi ba ngày không về
Làm chú chó con nhớ phát khóc
- Mẹ ơi, con gì cái gì cũng khóc
Chỉ mẹ cười hoài không biết khóc mà thôi
Mẹ nói thầm, mỉm cười
Con ơi mẹ khóc một đời
Không ai thấy chỉ soong nồi cảm thương
Chỉ cây chổi, miếng giẻ lau an ủi mẹ
Chỉ cái gương lau nước mắt dùm mẹ
Chỉ cái bàn cái ghế đỡ mẹ lên
Chỉ cái chăn cái gối vỗ về mẹ
Chỉ bông hoa ngoài vườn uống dùm nước mắt mẹ mà thơm
Mẹ giấu nước mắt vào thơ
Cám ơn giọt lệ bơ vơ làm người
Cám ơn khóc núp trong cười
Cám ơn nước mắt chết rồi còn tuôn…


KHÔNG AI DÁM LẤY CHỊ
chị xinh nhất làng
có mười người yêu
không ai dám cầu hôn
chị lên huyện
đẹp nhất huyện
có trăm người yêu
chị lên tỉnh
đẹp nhất tỉnh
có nghìn người yêu
chị lên thủ đô
đẹp nhất nước
có triệu đàn ông yêu
nhưng không ai dám cầu hôn
đàn ông nhìn chị hết hồn
họ sợ !
chị bơ vơ
cắt tóc vô chùa
chùa không dám nhận
một hôm buồn
nhảy xuống sông
quyên sinh
nhưng chị vẫn nổi lên
như phao
cái đẹp
không thể chìm
chị phải sống
để cô đơn
vì đẹp .

Nguyễn Thị Ánh Huỳnh.


Nguyễn Hòa vcv:
Thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh là những bài thơ hiếm hoi ở đất Sài Gòn mà tôi vừa thương vừa ghét này. Những bài thơ :sáng thức dậy / chẳng có ai hôn ai / ngoài ban mai / đang hôn từng giọt sương /sắp khóc.. Và da diết như : Bốn mươi năm /con chạy tới chạy lui  giữa hai buổi tối đó / thấy mình cứ đẹt đèo bé nhỏ / những buổi tối bây giờ / nuôi lớn những buổi tối ngày xưa!.Tôi hay tâm tình với bè bạn là mỗi ngày đọc được một bài thơ hay là một ngày nhẹ nhõm. Bạn hãy đọc Ánh Huỳnh và yêu cuộc đời này dù cuộc đời có thừa buồn bã.

TRẦN MẠNH HẢO :
Thơ Ánh Huỳnh rất tự nhiên, thậm chí mộc mạc nhưng cảm động, giàu chất triết lý, với tầm khái quát cao và bao giờ thơ chị cũng có tứ, có tình, có câu chuyện, có sự hóm hỉnh mà đau đời, mà làm ta xúc động suy tư. Ta tìm thấy trong thơ chị số phận buồn thương của người đàn bà Việt Nam, nỗi cô đơn cùng tận kiếp người trong mọi cười khóc nhân sinh, rất cần được chia sẻ và an ủi. T.M.H.

VÕ TẤN CƯỜNG:
Nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh giống như con tằm nhả tơ giăng măc nỗi buồn giữa đôi bờ của thế giới cái đẹp và cuộc đời. Thơ của Nguyễn Thị Ánh Huỳnh giàu chất suy tư, chiêm nghiệm của một người từng trải và lấp lánh, hội tụ cái đẹp của tâm hồn, tính cách của một người phụ nữ làm thơ: đa đoan và phúc hậu, đa mang và đắm đuối với cái đẹp của tình yêu, cuộc sống…
Nỗi buồn trong thơ của Nguyễn Thị Ánh Huỳnh gắn bó máu thịt với cuộc đời nhưng vẫn mang vẻ đẹp ảo hóa, lung linh và biến hóa tùy theo diễn biến tâm trạng của chủ thể trữ tình:
http://www.thotre.com/