Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

Cao Huy Khanh VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 – 2011: NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

Kỳ 86 –26.9.2011 (Trích đăng từ 1.1.2010, xem MỤC LỤC DANH SÁCH ở Kỳ 75)

861 - Huỳnh Văn Nghị

HIẾN NHÀ NƯỚC 3.360 CỔ VẬT

Cán bộ về hưu sinh 1927 tại Sài Gòn. Sống ở TPHCM (2011).

Học Petrus Ký rồi đi Pháp du học năm 1947. Tốt nghiệp cử nhân toán xong về nước làm công chức chế độ Ngô Dình Diệm.

Nhưng được vài năm thì bỏ việc vào chiến khu tham gia chống Mỹ. Tại đây gặp và kết hôn với bác sĩ Dương Quỳnh Hoa một trí thức cũng học Pháp về đi theo cách mạng sau này làm Bộ trưởng Y tế Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam.

Sau ngày thống nhất đất nước cả 2 vợ chồng về lại Sài Gòn, vợ làm Thứ trưởng Y tế Chính phủ VN thống nhất, chồng làm cán bộ.

Nhưng chỉ hai năm sau cả 2 vợ chồng từ chức ra ngoài mở Trung tâm Nghiên cứu Nhi khoa chăm lo săn sóc trẻ suy dinh dưỡng, trẻ nạn nhân CĐDC ở TPHCM và một số tỉnh lân cận. Vợ lo chuyên môn, chồng phụ trách chuyện quản lý và hậu cần.

Việc làm này một phần do 2 vợ chồng chỉ có một người con trai duy nhất lại bị mất sớm nên có lẽ muốn tìm niềm an ủi bằng cách dồn hết tình thương cho trẻ em thiếu may mắn bất hạnh. Phần khác bản thân người vợ cũng chịu hậu quả CĐDC, là một trong những nhà khoa học đầu tiên phát hiện và nghiên cứu căn bệnh này. Sau đó bà là một trong 3 công dân VN đầu tiên công bố hồ sơ bệnh lý ra quốc tế yêu cầu Chính phủ Mỹ chịu trách nhiệm bồi thường.

Năm 2006 bà qua đời (thọ 77 tuổi) để lại người chồng đơn độc trên cuộc đời. Tuổi già sức yếu không cáng đáng nổi công việc nữa nên bàn giao trung tâm lại cho Bệnh viện Nhi đồng 2 rồi rút vào sống đời ẩn dật.

Cũng từ đó đầu năm 2011 mới quyết định hiến tặng cho Nhà nước toàn bộ bộ sưu tập đồ cổ 3.360 món do cha mẹ vợ để lại mà vợ chồng mình đang gìn giữ (sau đó có khiếu kiện từ con cháu bên vợ…).

Bộ sưu tập vô giá kể trên được hình thành trong những năm 1935-1940 từng được biết mang tên Bộ Sưu tập Dương – Hà (ghép họ cha mẹ vợ) gồm vô số cổ vật bằng đủ loại nguyên vật liệu đá, gốm sứ, men, sắt, đồng, thau, ngà… xuất xứ từ VN, Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức có niên đại từ thế kỷ III đến đầu thế kỷ XX.

862 – Lê Thiên Long

CÁN BỘ “MỘT MÌNH CHỐNG LẠI MAFIA”

Công chức sinh 1953 tại Hà Nội. Sống ở Hà Nội (2009).

Năm 1971 đi bộ đội vào Nam chiến đấu.

Năm 1975 sau chiến tranh xuất ngũ về lại Hà Nội học đại học. Năm 1980 ra trường được phân công về Tổng Cty Vật tư nông nghiệp ở Hà Nội.

Năm 2002 lên chức phó phòng kế toán nhưng con đường hoạn lộ đến đây xem như cắt đứt do bản tính thẳng thắn hay góp ý với lãnh đạo về những việc làm, quyết định mờ ám có dấu hiệu tư lợi cá nhân.

Lãnh đạo tìm cách mua chuộc bằng tiền bạc hoặc chức vụ (3 lần đề nghị cho làm giám đốc công ty con) nhưng đều từ khước. Từ đó liên tục bị chèn ép, trù dập cho làm những chỗ kiểu “ngồi chơi xơi nước” dài dài vẫn chấp nhận nhịn nhục.

Đến năm 2006 khi giám đốc lợi dụng việc cổ phần hóa tổng công ty để tham nhũng thì bản thân không thể ngồi yên ngoảnh mặt làm ngơ được nữa. Liền bắt đầu tiến hành việc tập hợp tài liệu, hồ sơ chứng minh lãnh đạo cơ quan tiêu cực gửi khắp các cơ qua từ thành phố đến trung ương tố cáo. Nhờ là chuyên viên tài chính kế toán nên lập “cáo trạng” rất bài bản, khoa học, in và đóng hồ sơ thành từng cuốn phân rõ đề mục dày hàng trăm trang.

Trong hơn một năm trời ròng rã một mình tiêu cực cấp cao cơ quan như vậy, gửi hàng trăm đơn thư và bưu kiện đến các cơ quan quyền lực lẫn các vị lãnh đạo nhà nước, có đợt gửi đến 58 bản hồ sơ đó đến Quốc hội.

Cuộc chiến đấu đơn độc được thực hiện trong tình cảnh bản thân bị “đối phương” tìm mọi cách đối phó từ hăm dọa đến vu khống bôi nhọ đủ thứ cho là “phần tử phá hoại”, gia đình bê bối con cái nghiện xì ke ma túy… Vì thế sáng không dám đi tập thể dục, tối không dám đi ra đường, cắt điện thoại ở nhà, thay xim ĐTDĐ liên tục để tránh bị quấy rối. Trong lúc đó ở nhà vợ đã bị bệnh nằm liệt giường từ mười mấy năm nay, con trai duy nhất cũng mắc bệnh thiếu tiền chữa trị.

Cuối cùng thì nội vụ cũng được phơi bày ra ánh sáng với tổng giám đốc và phó tổng giám đốc bị bắt, một trường hợp chống tiêu cực từ trong nội bộ thành công khá hiếm hoi. Tuy kết cục bản thân – bên ngoài là một người nhỏ bé, hiền lành, khiêm tốn - không hề mong muốn như vậy: “Cái tôi cần là làm rõ được sai phạm của ông ấy để trả tiền cho nhà nước vì đó đều là tiền của dân. Nhưng khi biết rằng công an sẽ vào bắt cả hai ông đi, mình buồn chứ!”

863 – Lê Thọ

MÌNH VỀ GẶP ĐÁM GIỖ… MÌNH!

Thường dân sinh 1959 tại Quảng Nam. Sống ở Đồng Tháp (2010).

Năm 1969 mới 10 tuổi theo gia đình chạy loạn chiến tranh từ huyện này qua huyện khác rồi khi bị rơi vào giữa một trận chiến khốc liệt thì bị lạc mất người thân.

Sau đó cả nhà đổ xô đi tìm đều không kết quả. Đến khi cha mẹ qua đời mấy năm sau, còn lại bà chị và em gái ở quê nhà vẫn cố công hỏi thăm, truy tìm tông tích đứa em bao năm đều vô vọng. Cuối cùng đành lấy ngày giỗ cha làm ngày… giỗ em trai luôn!

Không ngờ trong cảnh bom đạn ngày ấy đứa con trai bé bỏng được lính VNCH cứu thoát rồi đưa về Sài Gòn. Từ đó kinh qua bao chặng đường đời gian nan nhiêu khê, cuối cùng trôi giạt xuống tận Đồng Tháp.

Đứa trẻ ngày nào cứ thế mà sống như cây cỏ hoang vu giữa cuộc đời, may mắn vẫn tồn tại. Rồi được nhận làm con nuôi lấy họ Nguyễn theo họ cha mẹ nuôi. Học nghề ra đời lập nghiệp lấy vợ sinh được 4 con.

Khi con cái lớn lên hỏi về nguồn gốc bên nội bấy giờ mới cố gợi trí nhớ loáng thoáng quê xưa là Quảng Nam. Từ đó tìm gặp những người đồng hương xứ Quảng đang sống hoặc làm ăn ở Đồng Tháp để dò hỏi và nhờ giúp đỡ. Qua nhiều lần như vậy dần dần đã lần ra manh mối quê nhà.

Liền lên đường về quê tìm đến nhà bà chị gặp nhau mừng mừng tủi tủi sau 40 năm thất lạc nhau và như một sự sắp xếp lạ lùng dưới bàn tay của định mệnh hôm đó lại đúng vào ngày… giỗ của mình!

864 - Lê Trường Cuối

MỐI TÌNH MÙ

Bộ đội thương binh sinh tại Hải Phòng. Sống ở Hải Phòng (2005).

Là lính trinh sát chiến đấu ở Tây Ninh thời đánh Mỹ.

Sau 75 xuất ngũ thương binh (bị một mảnh đạn găm vào cột sống và vào đầu) về quê Hải Phòng chạy xe ôm, có vợ 2 con.

Trong một lần chạy xe đã đâm ngã một người đàn bà mù, lấy làm ân hận nên xin chuộc lỗi bằng cách tình nguyện làm “tài xế” chở chị đi làm việc hàng ngày ở Hội Người mù.

Người đàn bàn mù này từng trải qua hoàn cảnh cực kỳ bất hạnh nghiệt ngã, khi nhỏ chưa bị mù nhưng mẹ mất sớm, bố đi lấy vợ khác bỏ 4 chị em bơ vơ khốn khổ nên lớn lên tình nguyện vào bộ đội mong thoát khỏi cảnh sống bế tắt. Rồi giải ngũ chuyển ngành làm công nhân chuẩn bị lấy chồng thì bị trận sốt nặng làm mù cả 2 mắt thế là hôn nhân tan vỡ. Rơi vào tuyệt vọng tận cùng muốn tự trầm nhưng được cứu sống, đành gắng gượng sống qua ngày trong căn lều dột nát cạnh nghĩa trang thê lương, ngày ngày mò mẫm xới đất trồng rau, mò cua bắt ốc. May mà cuối cùng được Hội Ngươì mù cưu mang giúp đỡ kiếm việc cho vào làm…

Người thương binh chạy xe ôm cám cảnh từ đó dần dà nảy sinh tình cảm nên khi người đàn bà mù có nguyện vọng “xin” một đứa con để an ủi nương tựa tuổi già sau này đã chấp nhận “làm liều”. Chấp nhận nếu vợ biết được thì đành “gói ghém đồ đạc ra đi”!

Kết quả một bé trai chào đời với người mẹ phải trả giá đắt: Khi sinh bị rách dạ con buộc bác sĩ phải cắt toàn bộ dạ con mới cứu được 2 mẹ con. Mẹ còn nằm viện, bố đã có vợ không dám nuôi nên phải nhờ Hội Ngươì mù nuôi. Đặt tên phải lấy họ mẹ. Bố sợ vợ lớn không dám ra mặt giúp đỡ, mẹ ra viện một mình mù loà nuôi con, còn bị em trai dọa đuổi nhà để chiếm đất.

Đến đây thì điều kỳ diệu xảy ra là người vợ lớn biết chuyện đã có tấm lòng quá cao thượng hết lòng lo toan đùm bọc cho 2 mẹ con từng “cướp” chồng mình! Đem cả 2 mẹ con về nhà cho nhìn cha, nhìn anh em khác mẹ, đặt tên lại theo họ của bố, sẵn sàng gánh phần chăm sóc con vợ lẻ như con mình…

865 – Lê Văn Ân

CỤT 2 TAY KHAI HOANG ĐỒI NÚI

Nông dân sinh 1966 tại Quảng Bình. Sống ở Quảng Bình (2008).

Năm 1974 nhập ngũ vào miền Nam đánh Mỹ rồi sau đó chuyển qua chiến trường Campuchia.

Năm 1978 đơn vị bị phục kích rơi vào một bãi mình, bản thân trúng mìn nổ làm cụt cả 2 cánh tay lên tới khuỷu, mù một mắt.

Sau 5 năm nằm viện mới được xuất viện về quê thương binh 1/4.

Mang thân phận người tàn tật không biết làm gì chỉ quanh quẩn nằm dài ở nhà hoài sinh chán nghĩ quẫn có lúc định tự tử chết cho xong đời. May mà cuối cùng vượt qua được khủng hoảng, quyết ngồi dậy tính chuyện làm lại cuộc đời từ đầu.

Nhưng làm gì ở vùng quê nghèo mà mình lại không học hành, không nghề nghiệp chuyên môn nào? Nhìn ra trước mắt chỉ có một vùng đồi núi rừng rậm hoang vu trải dài bát ngát từ đó thấy chỉ còn một con đường duy nhất: Phải tìm cách khai hoang nó làm vườn làm rẫy vừa có việc làm qua ngày xua đuổi nhưng tư tưởng bi quan vừa có thể góp phần kiếm sống được.

Thế là xắn tay vào làm bắt đầu từ năm 1995, nói đúng hơn là xắn 2… cùi tay vào làm! Bằng cách xé quần áo cũ ra làm vải buộc cán cuốc, xà beng vào 2 khuỷu tay để cuốc đất, đốn cây khai quang khu đồi hoang trước nhà.

Cứ thế lao động vất vả cật lực cả ngày lẫn đêm tới mức 2 cùi tay sưng tấy vỡ máu rồi… chai lì ra, quần áo cũ không còn để xé cột dụng cụ vào cùi tay, hàng xóm thấy tội nghiệp phải vơ vét trong nhà đem “viện trợ” cho.

Quần quật 3 năm như thế cũng thành sự nghiệp khai quang được 2 hecta trồng cao su. Thừa thắng xông lên, tiếp tục đào ao thả cá, đốn cây làm chuồng nuôi heo, trồng thêm cây ăn trái…

Năm 2005 bắt đầu thu hoạch cao su cộng thêm với nhãn, vải thiều, chăn nuôi gia súc đem lại lợi nhuận khá.

Bản thân còn được đền bù phần thưởng trong đời sống riêng được một thiếu nữ nhỏ hơn 12 tuổi đem lòng thương yêu thật tình từ khi người thuơng binh mới chống gậy trở về kết thành chồng vợ. Bây giờ đã là một ông chủ trang trại “không giống ai” có vợ 3 con đàng hoàng.

866 - Lê Văn Bình

SINH 9 CON VẪN KHÔNG NGƯỜI NỐI DÕI

Lao động nghèo sinh tại Thái Bình. Sống ở Thái Bình (2011).

Cựu chiến binh chiến đấu ở miền Nam.

Hòa bình rồi, ra quân trở về quê hương làm nghề tự do rồi lấy vợ.

Nhưng sinh được 9 con đều dính CĐDC nên 5 cháu đã mất sớm, còn lại 3 gái và một con trai út còn nhỏ. Tất cả đều mắc đủ thứ bệnh mà trí óc lại chậm phát triển, riêng con trai út lại nặng nhất mọi việc ăn uống, vệ sinh đều phải nhờ bố mẹ và các chị lo cho.

Bản thân bố phải đạp xích lô kiếm sống, mẹ làm nghề buôn đồng nát được đồng nào hay đồng nấy.Chỉ mong nuôi được cháu trai làm con nối dõi.

Nhưng chút hy vọng nhỏ nhoi đó rốt cuộc cũng không thành khi năm 2010 cháu cũng trở bệnh nặng vô phương cứu chữa đã ra đi theo chân các anh chị đi trước…

867 – Lê Văn Cam

TÌM 15.000 THÂN NHÂN LIỆT SĨ

Nông dân sinh 1937 tại Thái Bình. Sống ở Thái Bình (2008).

Năm 1959 vào bộ đội làm lính thông tin đóng ở Hải Phòng đến năm 1962 được xuất ngũ lên Lai Châu làm công nhân viên.

Năm 1967 được gọi tái ngũ chuyển qua mặt trận Lào, đến năm 1969 do sức khỏe kém nên lại được cho về quê.

Sau hòa bình, năm 1978 xin đi làm công nhân quốc phòng ở Đắc Lắc. Đến 1981 lại về quê làm ruộng mà không được hưởng lương hưu gì cả do thời gian công tác (kể cả ở bộ đội) qua nhiều đơn vị không đủ thời gian để làm chế độ.

Vì thế ở quê 2 vợ chồng sinh được 4 con làm lụng đầu tắt mặt tối vẫn không đủ ăn. Xã phải đưa vào diện hộ nghèo cần giúp đỡ.

Vậy nhưng lòng vẫn không yên vì còn mắc một mối nợ ân tình với một liệt sĩ đồng đội cũ thời chinh chiến trên đất Lào mà mình từng chôn cất với lời hứa sau này sẽ đi tìm mộ phần lưu lạc nơi đâu để báo cho gia đình biết.

Mãi đến năm 1995 khi con cái đã lớn tự lo được rồi mới quyết tâm lên đường đi tìm mộ bạn ở nghĩa trang thuộc tỉnh Nghệ An nhưng không có. Qua năm 1997 mới tìm được mộ quy tập về nghĩa trang ở Thanh Hóa, từ đó viết thư về báo cho thân nhân liệt sĩ được biết.

Nhưng từ 2 chuyến đi thực địa 2 nghĩa trang trên bản thân mới ghi nhận một sự thật là có rất nhiều mộ liệt sĩ tuy trên bia có ghi rõ địa chỉ, quê quán song hình như gia đình vẫn chưa biết nên mộ thường xuyên rơi vào cảnh cô quạnh không ai thăm viếng hương khói. Từ đó về nhà mới nảy sinh ý nghĩ ghi lại tất cả số địa chỉ trên rồi viết thư thông báo cho cho gia đình liệt sĩ biết mà đi thăm.

Không chỉ số địa chỉ ở 2 nghĩa trang trên mà có tham vọng từ nhiều, càng nhiều càng tốt vô số nghĩa trang liệt sĩ khác trên đất nước từ nam chí bắc. Bởi vậy đã cất công tìm đến các nghĩa trang đó chỉ nhằm mục đích ghi chép địa chỉ mộ liệt sĩ mà gia đình chưa hay biết để làm nhiệm vụ là người đưa tin mà thôi.

Cứ như thế vào nam ra bắc từ nơi xa nhất Phú Quốc đến vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Không chỉ tốn công sức mà nhiều khi còn bị các quản trang nghi ngờ làm chuyện dính líu “bí mật quốc gia” (bởi bản thân không phải thuộc gia đình liệt sĩ) nên đuổi cổ ra khỏi nghĩa trang, còn tịch thu cả giấy tờ ghi chép và dọa kêu công an bắt! Tới mức có lần phải đợi ban đêm lén trèo tường đột nhập nghĩa trang!

Có địa chỉ rồi thì về nhà còn phải tra cứu tài liệu xem địa chỉ đó nay còn không sau thời gian qua nhiều địa phương thay đổi nhập lại hoặc chia ra thành ra khác rồi từ cấp tỉnh đến cấp xã. Kết hợp với đọc báo, nghe đài chắp nối thông tin rồi tổng hợp gần đúng mới gửi đi.

Đã vậy, gia cảnh nghèo phải chắt bóp từng đồng lấy làm lộ phí đi đường, đi xa phải đi xe đò nhưng vác cả xe đạp theo để đến nơi đỡ tốn tiền thuê xe ngoài. Luôn mang theo ba lô như thời bộ đội chứa đủ lương thực thực phẩm lẫn mùng mền để gặp đâu ăn đó ngủ đó chứ tiền đâu mà vào nhà trọ hay khách sạn. Cả tiền mua tem dán thư gửi báo tin khi hết nhẵn đành phải gửi thư không dán bì để bưu điện cho phép gửi giùm miễn phí (nhưng phải chia ra nhiều bưu cục khắp các huyện chứ gửi thư kiểu này tại một bưu cục nhiều quá đâu có được!). Ở nhà không đủ giấy để ghi chép phải lấy tờ lịch hoặc bao thư cũ lật mặt sau mà viết.

Vậy mà trong hơn 13 năm qua đã gửi đến trên 15.000 lá thư báo tin như thế đến địa chỉ thân nhân liệt sĩ, tất cả dựa trên hồ sơ tập hợp danh sách 23.000 liệt sĩ thu thập từ nhiều nghĩa trang được chép trong hơn 100 tập vở. Từ đó đã có hơn 7.000 lá thư hồi âm với lời cảm tạ đẫm nước mắt chân thành từ người thân của liệt sĩ.

Và dần dà cũng có nhiều người thông cảm chia sẻ công việc ít thì mua tem giùm cho, nhiều thì tặng cả máy ảnh, ĐTDĐ, máy vi tính làm phương tiện “hành nghề” cũng đỡ đần được đôi chút.

Bây giờ thì người đã bị gán cho là kẻ tâm thần “vác tù và hàng tổng” có thể tự hào sửa lại là người “vác tù và liệt sĩ”!

868 – Lê Văn Duyên

LƯU LẠC CAMPUCHIA

Thầy thuốc dân tộc sinh 1938 tại Campuchia. Sống ở An Giang (2010).

Cha từng đi theo cách mạng kháng chiến chống Mỹ ở miền tây Nam bộ bị chế độ cũ bố ráp mất liên lạc với cơ sở nên phải đem cả gia đình chạy qua trốn trong vùng rừng núi ở tỉnh Tà keo thuộc Campuchia nằm sát biên giới Thái Lan.

Ơ nơi khỉ ho cò gáy này cả nhà chỉ biết làm nghề đốn củi đem ra chợ bán kiếm sống qua ngày trong thời buổi chiến tranh loạn lạc.

Nhưng cũng không yên lại gặp họa Pôn Pốt lần thứ nhất (trước 1975, lúc này bọn chúng còn là lực lượng “cách mạng” nổi dậy chống chính quyền Lon Nol theo Mỹ) “cáp duồng” tìm dân Việt tàn sát nên bản thân mình phải xuống tóc vào chùa Campuchia giả dạng sư sãi Campuchia tu hành để trốn tránh chúng.

Khi hết nạn “cáp duồng” mới hoàn tục trở về đời sống thường tìm nghề sinh sống thì tình cờ gặp được một người dân tộc truyền cho nghề “thầy rắn” chuyên chữa bệnh rắn cắn kể cả rắn cực độc. Từ đó trở thành thầy lang trị bệnh cho cả người Việt lẫn Camuchia.

Tưởng đã ổn định cuộc sống rồi thì sau 1975 lại xảy ra nạn Pôn Pốt lần thứ hai (bây giờ đã nắm quyền cai trị Campuchia) một đêm nọ bắt cả nhà mình giết hết chỉ sót lại mình may mà chạy thoát. Sau đó được quân đội VN tiến qua Campuchia đánh tan bọn Pôn Pốt giải thoát đưa về cố hương định cư tại An Giang sống cùng trong phum sóc với người Khmer.

Từ đó tiếp tục nghề thầy lang trị rắn cắn tình nguyện một đời làm việc thiện giúp người như để trả ơn đời đã mấy lần cứu sống mình, nổi danh là thầy Tư Tà Ngáo lấy theo tên sóc Tà Ngáo nơi đây.

869 - Lê Văn Hảo

“CHỦ TỊCH MẬU THÂN” Ở HUẾ

Nhà dân tộc học sinh 1936 tại Thừa Thiên – Huế. Sống ở Pháp (2011).

Tín đồ Thiên Chúa giáo nên theo học trường dòng ở Huế rồi được đi du học Pháp ngành dân tộc học. Tốt nghiệp trở về Huế dạy đại học (và ĐH Đà Lạt, Sài Gòn).

Anh hưởng xu hướng thiên tả từ Pháp rồi về ĐH Huế thời này có nhiều trí thức thân Cộng (nhóm Tôn Thất Dương Tiềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường…) nên từ đó được vận động lôi kéo thành ra có cảm tình với cộng sản thông qua lực lượng Mặt trận giải phóng miền Nam.

Vì thế khi xảy ra cuộc chiến Mậu Thân 1968 tại Huế đã được đưa lên làm Chủ tịch Lực lượng Liên minh Dân chủ Hòa bình Huế, tổ chức nhân danh trí thức và quần chúng Huế “nổi dậy” chống Mỹ – Ngụy nhưng thực chất do cộng sản dựng nên làm bình phong.

Sau đó khi quân đội VNCH chiếm lại Huế, bản thân được đưa ra Hà Nội đóng vai trò nhân sĩ trí thức miền Nam theo cách mạng. Được cho học tập, đào tạo về lý thuyết cộng sản nhưng bấy giờ đã sớm nhận ra sự thật chủ nghĩa cộng sản không như mình tưởng – không phải là kiểu chủ nghĩa xã hội cánh tả ở Pháp dành cho giới trí thức ảo tưởng – song đã lỡ “chung xuồng” rồi nên đành ngậm bồ hòn làm ngọt!

Sau khi cộng sản toàn thắng 1975, trở về Huế được phong chức “bù nhìn” Phó Chủ tịch UB Mặt Trận Tổ quốc tỉnh Bình Trị Thiên và trở về dạy đại học chấp nhận “ẩn thân” qua ngày.

Mãi đến năm 1989 mới nhờ bạn bè ở Pháp vận động xin cho qua dạy đại học Pháp để đem vợ và 2 con qua theo rồi… ở lại luôn! Xem như từ giã cộng sản không kèn không trống!

Tại Pháp một thời gian sau được nhận vào làm một chân nhân viên ở Bảo tàng Louvre tại Thủ đô Paris.

Sau khi về hưu, thỉnh thoảng có xuất hiện tham gia một số hoạt động đấu tranh đòi tự do dân chủ cho VN. Năm 2000 gia nhập nhóm Tập hợp Dân chủ Đa nguyên của Nguyễn Gia Kiểng ở Pháp (còn gọi nhóm “Thông luận” tên tạp chí trên mạng), tổ chức chính trị có quan điểm chống Cộng ôn hòa hướng tới hoà giải dân tộc dân chủ.

870 - Lê Văn Hữu

HCV SEA GAMES CHO CỰU TRƯỞNG CÔNG AN

Công an về hưu sinh 1936 tại Kiên Giang. Sống ở Kiên Giang (2007).

Là công an chiến đấu thời đánh Mỹ nên sau 1975 làm trưởng công an huyện Gò Quao ở quê nhà Kiên Giang.

Làm việc nghiêm túc, gần gũi quần chúng, tích cực tham gia các hoạt động xã hội nhất là hoạt động thể thao do tánh “ham vui, chịu chơi” nên được bà con quý mến quen gọi là chú “Sáu Hữu”.

Năm 1989 về hưu sớm do là thương binh 3/4 nên bị phát tác bệnh tật thời chiến tranh

Con cái đã trưởng thành hết (có đến… 10 con) nên lo không việc làm dễ sinh bệnh thêm, vì vậy nhắm tìm vui qua hoạt động thể thao tiếp tục. Thời tại chức thường tham gia môn đua ghe ngo truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ xứ này vốn nhiều kênh rạch. Từ đó mới nảy ra ý bây giờ có thời gian rảnh cần tiếp tục tìm cách phát triển môn này vừa giúp mình giữ gìn sức khỏe vừa tạo không khí vui chơi lành mạnh trong thôn xóm.

Thế là bỏ công sức toàn tâm toàn ý nâng cấp môn đua ghe ngo trong xã bằng cách tự tìm sạch vở, tài liệu tự học về chuyên môn huấn luyện đua thuyền như thế nào để bắt chước áp dụng vào đua ghe ngo. Nhờ đó đưa đội đua ghe ngo nữ của xã tiến tới giành chức vô địch toàn tỉnh rồi vô địch cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tức thì bản thân được mọi người nhất trí tự phong cho là “huấn luyện viên” chưa bao giờ qua trường lớp nào!

Đến SEA Games 22 năm 2003 tổ chức tại VN, lần đầu tiên VN dự môn đua ghe truyền thống. Thế là đua ghe ngo được ghép vào dự (đại thể nội dung 2 môn giống nhau thôi) với đại diện là đội ghe nữ của Kiên Giang đương kim vô địch quốc gia dưới quyền dẫn dắt của HLV “tự phát” Sáu Hữu kiêm thông dịch viên tiếng Khmer (23/24 thành viên là Khmer). Cũng là HLV lớn tuổi nhất 72 tuổi trong Đoàn VN dự đại hội.

Kết quả đoạt ngay HCV đầu tiên cho VN môn này, sau đó tiếp tục dẫn đội qua Thái Lan dự SEA Games 24 giành HCB.

(Còn tiếp)

http://sites.google.com/site/vanvietloc4/home/ho-so-hau-chien

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

Thơ Đức Phổ


ĐÊM QUA

ANH MƠ THY BIN

Đêm qua anh thấy biển
Sóng êm đềm liếm gót chân em
Gió lao xao rụng nhành dương liễu
Em nhặt vội vàng xõa mớ tóc xanh
Giá như mặt trời đứng yên trên biển
Chắc kịp buổi anh về.

Đêm qua anh thấy biển
điều thật khi nói với em
Giữa lắm chuyện đời dối trá.

(Những chiếc mặt nạ quen nhìn
Vẫn tưởng như mặt người lương thiện
anh mánh lới không từng!)

Đêm qua anh thấy biển
Giọng thùy dương em hát lời buồn
Ngọt thời mía mọc tóc non
Bên triền sóng nói thì thầm
Cho anh ân sủng mang theo
Suốt những chặng đường vắng bóng em.

Đêm qua anh thấy biển
Chiều về tình nhảy tung tăng
Niềm riêng giấu trong vạt nắng
Thương ơi bờ ngực hạnh đào
Xanh xưa nỗi chờ mọc cánh
Hứa với nhau như dặn chính mình.

Đêm qua anh thấy biển
Một mình em trước cõi mông mênh
Nhỏ nhoi trái tim ngục lạnh
Giam miết mối tình chung thân
Mốt mai anh về qua biển
Liễu còn xõa tóc chấm vai không(?)!...


GIA RNG


Sống giữa rừng nên thương tiếng chim

hót trong veo, vút chẳng chạm đời.

Đâu giống tháng ngày chen đô hội

đêm nằm thốn nhớ những thiên kim!

Sống với rừng ắt thương tiếng chim

người nguôi xa nhẹ hẩng tấm lòng.

Vướng chút bụi hồng còn tâm vọng

huống hồ đắm lụy danh.

Người rừng cho hiu quạnh

một mình sống khổ thấy vui vui.

Mấy đứa mồm thơm lời phủ dụ

điêu ngoa chơi trội bãi đua tranh.

đây tờ lịch chẳng thèm rơi

ngày rất dài đêm chơi vơi.

Thời gian đứng sững cờ không gió

bốn bề giãn giãn một thiên .

Đôi khi ngất ngất hương bạn

ngồi câu thơ nhịp nhịp bời.

Bất cũng buồn khi thất thổ

mắt nhòa men tịnh thấy thương đời.

Sống giữa rừng vui với tiếng chim

rất đỡ thèm giọng ngọt môi êm.

Mai kia thân mục còn chi phận

mấy nhánh tình xin một nhánh em

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG : Tường Linh - thơ một đời…


Tuyển tập thơ Tường Linh (*) ấn hành khi nhà thơ vừa qua tuổi 80. Ông sinh đầu năm 1931, âm lịch là Canh Ngọ, làm con ngựa thồ văn chương, thồ nhân nghĩa và ân tình xứ Quảng.

Hơn sáu thập niên làm thơ, vắt dòng qua hai thế kỷ, giờ chọn lại 396 bài, Tường Linh vẫn là một nhà thơ thuộc thế hệ trước, một nhà- thơ-mới- cổ-điển. Ông là nhà thơ dụng công về kỹ thuật, chú trọng niêm luật và vần điệu của từng thể loại mà không gây cho người đọc cảm giác gượng ép, có lẽ một phần là vì thuở thiếu thời, ông đã được rèn luyện nhuần nhuyễn khi làm các thể thơ cổ. Sở trường của ông là thơ bảy chữ, tám chữ và lục bát. Có đôi lần ông làm thơ cách tân - thơ tự do hay thơ văn xuôi - nhưng cảm hứng và tình điệu vẫn không rời mạch thơ truyền thống của dân tộc. Thơ ông được nuôi trong nguồn mạch đó và hoà vào tiếng nói trữ tình của người Việt một cách tự nhiên như hơi thở, như không khí.

Từ tám tập thơ in riêng (tập đầu tay nhan đề Thơ tập làm thuở nhỏ, in thạch bản ở Tam Kỳ năm 1950), ba tập thơ in chung, Tường Linh cấu trúc cuốn sách này theo ba phần: Nhánh hồn sông Thu, Chim bay biển Bắc Thao thức phương Nam. Thơ ở cả ba phần đều thấm đẫm một “dòng nhớ thương chảy mãi qua hồn” và nồng nàn tình người, tình nhà, tình quê, tình nước. Không bao giờ thơ Tường Linh thôi âm vọng những tiếng gọi Trung Phước, Đại Bình, Cà Tang, Hòn Kẽm Đá Dừng... , lúc xôn xao trên sóng nước Thu Bồn, lúc hun hút trong mưa ngàn gió núi.

Ở Sài Gòn, thơ ông luôn hướng vọng về “ngoài ấy”, “phương xưa”, phương của mẹ, phương của quê nhà: Ngoài ấy giờ đây mùa gió mùa/ Xiêu xiêu quán nhỏ mé đường trưa/ Vườn cau của mẹ hoa cau rụng/ Giọt sáng rơi dường giọt nước mưa. Khi thơ ông cất lên “Thu ơi từ đó…”, thì hình ảnh sông Thu, mùa thu quyện chặt hình ảnh người thương mến: Anh mất mùa thu, mất cả em/ Lạc nhau từ thuở mới vừa quen/ Trùng trùng dâu bể đau hồn bút/ Đêm mịt mù sương lụn ánh đèn. Hình tượng thơ Tường Linh gắn liền hình ảnh đất và người xứ Quảng, với tần số xuất hiện cao, vậy mà không thấy trùng lặp, mỗi lần đọc lại gợi lên những rung động mới. Những bài thơ như Tháng bảy, Tin bão miền Trung... được tác giả viết gần nửa thế kỷ trước mà tưởng như là chuyện vừa mới hôm qua.

Phong vị cổ điển trong thơ Tường Linh còn thể hiện ở chỗ dường như nhà thơ làm nhoà đi hình ảnh chính mình mặc dù những điều ông nói đều bắt nguồn từ gan ruột. Phải chăng ông nghĩ rằng những “gió dập sóng nhồi” của cuộc đời ông có thấm gì so với những chìm nổi của đất nước quê hương. Nhưng dù ông đứng lùi về phía sau thì tấm lòng ông, cái tình trong thơ ông vẫn hiện lên dạt dào ở phía trước. Dễ nhận ra chất nhạc trong thơ Tường Linh là yếu tố gây men cho những ca khúc phổ từ thơ ông của Anh Việt Thu, Trầm Tử Thiêng, Minh Kỳ, Bắc Sơn… Khi viết những bài thơ thế sự về những thảm nạn do thiên tai hay chiến tranh, về những ngang trái đắng cay của cuộc đời, Tường Linh vẫn giữ vẹn nguyên chất giọng nhỏ nhẹ, kín đáo mà làm chứng cho những bể dâu và “cuộc tỉnh say” của kiếp người.

Hồi 50 tuổi, Tường Linh viết về mình: Ta năm mươi tuổi rồi sao?/ Đời như một thoáng chiêm bao chưa tàn/ Nửa phần thế kỷ thời gian/ Trăng tàn sau núi, mây tan cuối trời/ Quê xưa: bóng nhớ xa vời/ Thề xưa câm nín như lời cỏ cây. Cái tôi của nhà thơ như tan loãng vào thiên nhiên, vào giấc mơ, vào cả niềm im lặng. Đến khi viết lời từ biệt chuẩn bị cho ngày về, ông vẫn muốn gửi lại mọi người giọng thơ chân thành, lão thực ấy: Bởi ta về phía mặt trời sẽ lặn/ Không gặp ai, cả chiếc bóng của mình/ Đi tay trắng thì trở về tay trắng/ Thơ một đời gửi lại phía bình minh.

Đọc một tập thơ, hiểu một tâm hồn, luận đề quen thuộc ấy càng đúng với thơ Tường Linh. Đó là một tâm hồn hết mực khiêm cung mà chất chứa bao nỗi niềm tâm sự để viết ra những vần thơ, như “tiếng trúc trầm luân”, thấm sâu vào những tấm lòng Việt Nam bình dị.

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

(*) NXB Văn học, 2011.

(Bản do tác giả gửi)

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

MỪNG THÔI NÔI CHÁU NGOẠI



Hôm nay ngày 25/9/2011 mừng cháu ngoại Giang Hữu Sang (Bo) tròn 12 tháng tuổi
(Ảnh chụp với ông bà ngoại lúc 5 tháng - Tết Tân Mão 2011)

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

Lê Ngộ Châu, 160 Phan đình Phùng - Đặng Tiến


Nhà báo Lê Ngộ Châu, điều hành tạp chí Bách Khoa tại Sài Gòn trước 1975, qua đời tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 9 -2006, thọ 83 tuổi.

Ít người biết đến tên Lê Ngộ Châu vì ông không viết sách, viết báo, chỉ âm thần phụ trách tòa soạn tạp chí Bách Khoa trong non hai mươi năm. Nhưng đa số những người làm văn học tại Miền Nam trước đây đều biết và quý mến, thậm chí chịu ơn ông dẫn dắt. Muốn hiểu tình cảm sâu đậm đó, phải biết Bách Khoa không những là tạp chí có đời sống lâu dài nhất (1957-1975), mà còn có những đóng góp lớn lao cho đời sống văn hóa Miền Nam thời đó.

Nhà văn Võ Phiến là người hợp tác chặt chẽ với Bách Khoa suốt thời gian này, đã nhận định chính xác:

Bảo tờ Bách Khoa thành công là không phải chỉ nghĩ đến cái tuổi thọ của nó mà thôi. Tuổi thọ dắt theo một số ưu điểm khác. Người ta nhận thầy Bách Khoa qui tụ được đông đảo cây bút thuộc nhiều thế hệ kế tiếp nhau ; nó phản ảnh các chuyển biến của văn học qua nhiều giai đoạn; nó lưu lại một khối lượng bài vở lớn lao và giá trị, một kho tài liệu cho việc tìm hiểu cuộc sống của Miền Nam trên nhiều phương diện : kinh tế, văn hóa, chính trị v.v… Trên Bách Khoa không phải chỉ có thơ văn, mà có cả những khảo luận về văn học, sử học, ngữ học, triết học, tôn giáo, hội họa, âm nhạc… ; như thế không những trên Bách Khoa có những tìm tòi về nguồn gốc dân tộc, về các vấn đề của văn học cổ điển nước nhà chẳng hạn, mà còn liên tiếp có những giới thiệu các trào lưu tư tưởng Âu Tây mới nhất lúc bấy giờ: tiểu-thuyết-mới, hiện tượng học, cơ cấu luận v.v…

Cũng như tờ Văn, Bách Khoa là một tạp chí dung hòa rộng rãi mọi khuynh hướng.

Không có chủ trương « văn nghệ cách mạng » cũng không chủ trương « vượt thời gian », nó đăng bài của các lão thi sĩ tiền bối Đông Hồ, Quách Tấn, Vũ Hoàng Chương lẫn truyện của Thanh Tâm Tuyền, Trùng Dương… Về mặt chính trị, sức dung hòa của nó khiến có lần Nguyên Sa nói đùa: Bách Khoa là một vùng xôi đậu. Nó đón nhận cả Nguyễn văn Trung, Nguyễn Ngọc Lan, Vũ Hạnh, lẫn Võ Phiến, Vũ Bảo… (Văn học Miền Nam, Tổng Quan, 2000, tr. 239).

Nguyên Sa dùng chữ « xôi đậu » không nhất thiết là nói đùa. Ở một nơi khác, ông có viết « Bách Khoa với đời sống lâu dài không bị xếp vào hàng ngũ báo nhà nước » (Bách Khoa, số kỷ niệm 14 năm, 15-1-1971). Lời này bổ sung cho lời kia, và nói lên một sự thật kỳ lạ: Bách Khoa, nguyên ủy là của hội Văn Hóa Bình Dân, một hội đoàn trực thuộc văn phòng chính trị của Ngô Đình Nhu, do Huỳnh văn Lang chủ trì; hội này cai quản những trường Bách Khoa Bình Dân, do đó có tên báo Bách Khoa, còn gọi là Bách Khoa Bình Dân.

Huỳnh văn Lang giám đốc Viện Hối Đoái, người bỏ tiền ra báo, là bí thư Liên Kỳ Nam Bắc Việt Nam của đảng Cần Lao mà Ngô Đình Nhu làm tổng bí thư. Năm đầu, 1957, ông Lang điều khiển tờ báo, viết bài về kinh tế khi Phạm ngọc Thảo viết về quân sự, chính trị ; 1958 ông Lang đi tu nghiệp ở Mỹ, giao Bách Khoa cho Lê Ngộ Châu điều hành; năm 1963 ông Lang bị bắt vì tội kinh tài cho chế độ Diệm, thì Lê Ngộ Châu tiếp tục nhiệm vụ, anh em thường gọi là Lê Châu. Nhưng báo vẫn đứng tên Huỳnh văn Lang cho đến tháng 2-1965, báo phải đổi tư cách pháp nhân, lấy tên Bách Khoa Thời Đại, do Lê Ngộ Châu đứng tên chủ nhiệm, và đến tháng 1-1970, lấy lại tên Bách Khoa.

Với gốc gác như vậy mà Bách Khoa được xem như là báo « xôi đậu », không bị xếp vào hàng ngũ « báo nhà nước » như Nguyên Sa ghi lại, và đóng góp lớn lao với đời sống văn hóa như Võ Phiến nhận định, là nhờ công lèo lái của Lê Châu.

Nguyên Sa trong bài báo đã dẫn, đã mô tả một buổi họp tòa soạn, tại Ngân Hàng Quốc Gia, khoảng 1957: « bàn cãi về tờ Bách Khoa đã diễn ra sôi nổi. Lê Châu mặt trắng ngồi lặng lẽ, ít nói, hiền hòa. Thỉnh thoảng anh cất lời, toàn những lời nhẹ nhàng, vừa phải, nghiêm túc, không gây sóng gió nào ». Đúng là hình ảnh Lê Châu. Về mặt ứng xử hằng ngày, thì Vũ Hạnh có lần tập Kiều: «ở ăn thì nết cũng hay, ra điều ràng buộc thì tay cũng già ». Đúng là Lê Châu.

Nhờ đức tính kín đáo, hòa nhã, Lê Châu đã tập hợp không những trên mặt báo nhiều khuôn mặt khác biệt, thậm chí trái ngược về hoàn cảnh, tính tình lẫn chính kiến, mà còn quy nạp được nhiều bè bạn đến từ những chân trời khác nhau, trong đời sống cụ thể hằng ngày. Chưa kể những tác giả sinh sống ở ngoài nước thường xuyên gửi bài về cộng tác.

Lê Châu kiến thức rộng, thường xuyên giao tiếp với quan chức hay các nhà văn hóa danh vọng, nhưng luôn luôn từ tốn, trong cách ứng xử hàng ngày, với những người viết trẻ tuổi. Ông đặc biệt lưu tâm đến những người viết mới, viết từ các tỉnh nhỏ, đặc biệt là từ Miền Trung.

Bách Khoa là một tờ báo phổ thông, chủ tâm vào những đề tài chính trị, quốc tế, kinh tế, khoa học, chỉ dành một phần cho văn học nghệ thuật, nhưng về lâu về dài đã có những đóng góp lớn lao cho bộ môn văn nghệ. Về sau, phần văn nghệ này lại là khối tài liệu quý giá.

Lê Châu còn là gương sáng về đức khiêm tốn trí thức. Hai chữ Bách Khoa bình thường được dịch ra tiếng Pháp là Encyclopédie theo nghĩa từ điển bách khoa, hoặc tư trào Bách Khoa trong văn học Pháp thế kỷ XVIII ; nhưng Lê Châu không nhận từ này, cho rằng quá to tát so với tờ báo. Ông dịch Bách Khoa là Variétés, sát nghĩa là « tạp chí ». Ông sành nhưng không sính tiếng Pháp.

Lê Châu là kẻ sĩ theo truyền thống, luôn luôn mực thước, trong nếp trung dung của cửa Khổng sân Trình và theo nếp mực thước, juste mesure của bực trí thức tân học. Trong đời sống, ông là người bảo thủ; trên cương vị chủ báo, ngược lại, ông khuyến khích văn chương trẻ và tư tưởng mới, nhưng chừng mực thôi.

Bách Khoa mỗi số cố công đưa xã hội Việt Nam đi kịp thời đại Âu Mỹ, nhưng Lê Châu không ưa thời thượng, dị ứng với lời văn hay thái độ kệch cỡm. Ông không ưa lối sống nhệ sĩ huênh hoang. Bách Khoa là báo trường vốn, có quảng cáo đều, có độc giả ổn định, nên không cần theo thời trang, câu độc giả. Khi đăng từng kỳ truyện « Vòng tay học trò », của Nguyễn thị Hoàng, sau này sẽ gây nhiều dư luận phản đối về mặt đạo lý (cô giáo yêu học trò) là Lê Châu có cân nhắc, và chứng tỏ tư tưởng phóng khoáng.

Có lẽ Bách Khoa là tạp chí giới thiệu nhiều nhất các phong trào tư tưởng mới, từ văn học đến triết học, ví dụ tư trào hiện sinh, mà lúc ấy không phải ai ai cũng hưởng ứng.

Khi được tin Lê Châu mất, tôi có điện thư cho nhà văn Trần Hoài Thư, anh trả lời là đã được Lữ Quỳnh điện thoại thông báo: cả hai cùng lò Bách Khoa. Anh kể: mình là quân nhân, từ Cao Nguyên về Sài Gòn, hẹn với người yêu – vốn là độc giả hâm mộ, từ Lục Tỉnh lên – tại tòa soạn Bách Khoa, 160 Phan đình Phùng. Sau đó hai người thành vợ thành chồng.

Tôi còn giữ trong tay số Bách Khoa Thời Đại đầu năm 1968, có đăng truyện « Trên Đồi nhìn xuống » ký tên Trần Quý Sách, bên cạnh truyện Võ Phiến, Võ Hồng, Linh Bảo; và bài thơ « Một vì sao lạ » ký Trần Hoài Thư bên cạnh thơ Đoàn Thêm, Bùi Khánh Đản và thơ Đông Hồ tặng Vũ Hoàng Chương.

Trụ sở Bách Khoa là nơi hẹn và là hộp thư. Chuyện tình Trần Hoài Thư, lúc ấy còn ký Trần Quý Sách, là chính đáng, còn những quan hệ linh tinh, bay bướm của các nhà văn, nam và nữ, thì hằng hà sa số. Nhưng Lê Châu không bao giờ kể.

Bây giờ thì anh vĩnh viễn im lặng.

Với nhiều bạn bè, dù là thân thuộc, Lê Châu vẫn là niềm bí ẩn lớn lao giữa cơn gió bụi của thời đại.

Khi kết hợp những người chính kiến khác nhau, trong suốt thời gian ấy, không biết Lê Ngộ Châu, trong ý thức hay tiềm thức, có nuôi ước mơ hòa giải và hòa hợp dân tộc hay không.

Tôi ngờ ngợ.

Đặng Tiến

Viết ngày 27/9/2006

Viết lại nhân ngày giỗ mãn tang Lê Ngộ Châu 24/9/2009

Nguồn : www.luanhoan.net - www.vanchuongviet.org

Bùi Giáng & di cảo để lại Lê gia trang


Đinh Cường : Để nhớ Bùi Giáng - sơn dầu trên giấy 18 x 24 in

Những ngày yên nghỉ thênh thênh

Lê gia trang ấy nghĩa tình xiết bao

Cỏ cây hồ cá thì thào

Mai sau tâm sự chốn nào nơi đây

Xa trời gần đất tuổi này

Tao phùng đầm ấm những ngày tương giao...

Hẳn nhiều người nhận ra giọng Bùi Giáng trong bài thơ này. Bài thơ được viết năm 1991, tên của nó là “Những ngày yên nghỉ Lê gia trang”, bên cạnh bài thơ tác giả chua thêm dòng chữ: “Tôi về chỗ tôi đã ra đi. Ở đó có một bầu trời xanh”. Câu viết gợi nhớ đến Hoàng tử bé – cuốn sách mà Bùi Giáng dịch xuất thần từ Saint Exupery. Vậy Lê gia trang là đâu mà Hoàng tử bé ấy đã có lúc chọn làm nơi trú chân trong đoạn cuối cuộc hành trình trở về với tinh cầu của mình? Mười bảy cuốn vở chứa đầy di cảo thơ Bùi Giáng được cất giữ suốt 15 năm qua trong một ngôi nhà ở Xóm Gà, Bình Thạnh đã hé lộ thêm đôi điều về một tài thơ trác tuyệt dù luôn miệng “vui thôi mà” nhưng để lại nhân gian những tâm sự buồn quá đỗi...

Gương mặt đời: “Điên phi thường”

Có thể nói người Sài Gòn nào tuổi trung niên trở lên và thường di chuyển trên đường hẳn cũng có lúc vô tình bắt gặp thi sĩ Bùi Giáng trong hình dáng một người điên lang thang khắp chốn từ Ngã Bảy, Gò Vấp đến Chợ Lớn, An Lạc. Lần đầu tôi nhìn thấy Bùi Giáng là khi ông đang làm cảnh sát công lộ, một chiếc xe hơi chạy qua vội dừng lại, người trên xe bước xuống cung kính “Thưa thầy” rồi mời vị “cảnh sát” lên xe. Về nhà hỏi ba tôi, ông bảo chắc đó là người dịch “Hoàng tử bé”. Tôi nghĩ ba tôi lầm, vì thật khó tin cái người điên lôi thôi lếch thếch ấy lại dịch được những dòng trong trẻo dường kia từ Saint Exupery. Nhưng hình ảnh những người sang trọng ngồi xe hơi gọi một người điên bằng “thầy” khai mở cho trí óc non trẻ của tôi hiểu được rằng phẩm chất thực sự của một con người được ẩn giấu trong bất kỳ một nhân dạng hình hài nào. Lần thứ hai là khi thi sĩ chọn Ngã Bảy để điều khiển giao thông, nghe tiếng huyên náo ngoài đường ba tôi ra xem, lát sau ông dẫn về một người điên với chiếc dép lủng lẳng trên cổ, mời vào nhà uống nước. Áo hai ba lớp, tóc tai rũ rượi vẫn không che được đôi mắt sáng đến kỳ lạ. Người điên im lặng ngồi một lúc rồi đi, vẫn chiếc dép toòng teng như Đạt ma tái thế, tỉnh táo như chẳng phải vừa cách đó ít phút ông làm náo động cả sáu ngả đường. Lần nay thì tôi tin mình vừa diện kiến tác giả “Martin Heidegger và tư tưởng hiện đại”- cuốn sách tôi từng đánh vật cả tuần lễ mà chỉ hiểu được có vài trang. Lần cuối cùng là khi tôi vừa bước chân vào nghề báo, bắt gặp ông đang ngồi một mình một bàn trong quán cà phê của nhà thơ Huy Tưởng khu Đa Kao, và sửng sốt nghe tác giả “Mưa nguồn” buột miệng ứng họa tức thì một bài thơ lãnh tụ đang được bình từ radio. Đó là Tết năm 1989, hai năm trước khi ông về ngụ tại nơi được thi sĩ gọi là Lê gia trang.

Lê gia trang- nghĩa là nhà vườn của một người họ Lê. Văn phong đặc trưng của Bùi Giáng là sự pha trộn tài tình ngôn ngữ bác học với khẩu ngữ dân gian, từ Hán Việt với tiếng lóng, với thuật ngữ triết học và kinh Phật, với cả những từ...không được thanh tao mấy. Nhiều người cứ ngỡ ông đùa hay điên khi chuồn chuồn châu chấu trong cảm thức ngôn ngữ của ông cũng quan trọng ngang với mọi dạng thức sinh tồn khác của vũ trụ. Nhưng nhớ chăng, “Hoàng tử bé, con cừu ăn đóa hoa, đó không phải là chuyện hệ trọng hay sao! Con cừu, có hay không có ăn mất đóa hoa?”. Cũng nghiêm trọng như thế, khi ông gọi ngôi nhà tôn ở Xóm Gà của nhà quay phim-biên kịch Lê Trác là Lê gia trang.

Hôm đó, tôi đang đạp xe từ Hãng phim Giải Phóng về ngang ngã tư Xóm Gà thì gặp Bùi Giáng bị xua ra khỏi quán rượu Thọ Nguyên vì không trả tiền rượu chịu, thế là tôi trả hộ rồi rủ Bùi Giáng về nhà uống tiếp. Ông ta nhảy lên yên sau, nhưng ngồi đâu lưng với tôi, và không ngừng múa may quay cuồng”- Ông Trác kể. Cuộc rượu tại nhà ông Trác kéo dài đến...sáu tháng, và thử hình dung một gia đình gồm hai vợ chồng với bốn con nhỏ trong một mái nhà không tươm tất mấy nay lại chứa thêm một người điên đúng nghĩa. “Tôi không quan tâm đến việc ông ta là một nhà thơ nổi tiếng, một giáo sư đại học trước 1975, tôi chỉ thấy đó là một người đáng thương, đôn hậu và tử tế”- lý do ấy đủ để gia đình này chịu đựng một người khách luôn có những hành vi kỳ dị, la hét bất thường, chỉ ăn được thức ăn mềm, tắm suốt ngày, thích ra đi ngay giữa đêm khuya và có thể làm thơ bất cứ lúc nào, bất kể ở đâu...Cuộc gặp tại quán rượu ấy tất nhiên cũng được Bùi Giáng viết thành thơ:

Rượu Thọ Nguyên- nhậu lu bù

Cho đời tàn xế tuyệt mù cuối năm

Rượu vào vắng bặt bóng tăm

Của chim cá với choằm hoằm tử sinh

Đôi phen sực tỉnh thình lình

Hỏi cây cỏ với thể hình người ta

- Ta là quỉ, hay là ma

Hay thần tiên dịch chuyển ra vô cùng

Chuyển vào thực thể mê cung

Dịch vào thể lệ song trùng tồn sinh...

(rượu thọ nguyên)

Trong thời gian lưu lại nhà ông Trác, nhà thơ kiêm dịch giả kiêm biên khảo kiêm phê bình văn chương kiêm cảnh sát công lộ tự xưng là Bàng Giúi không ngừng làm thơ, nhiều đến mức lắm khi gia chủ phải khiến ông tiu nghỉu khi kịp giành lại những bức ảnh kỷ niệm của gia đình mà Bùi thi sĩ định lật mặt trái để...đề thơ. Cô bé 9 tuổi nhỏ nhất nhà là người tìm ra giải pháp: cô tặng Bùi Giáng những cuốn tập 100 trang cho ông thỏa thích phóng bút. Khi mười bảy cuốn vở đã đầy thì ông bỏ đi...

Không ai biết mặt TTKH và nhà thơ này chỉ để lại một dấu hỏi, còn Bùi Giáng dù lang thang khắp chốn trước mắt bao người nhưng gieo rắc hàng loạt câu hỏi đến nay vẫn chưa có lời đáp: Ông điên thật hay giả vờ? Tự học khi nào để có thể dịch được bốn thứ tiếng Anh-Đức-Pháp-Hán? Sáng tác ra sao mà trở thành một trong những tác gia nhiều đầu sách nhất của miền Nam trước 1975: hơn 50 cuốn? Qua lời thuật lại của ông Lê Trác về những gì thi sĩ Bùi Giáng tiết lộ trong sáu tháng ngụ tại nhà ông, có thể chắp nhặt đôi điều giúp được cho giới nghiên cứu văn học sử (xin không nhắc lại những điều đã nhiều người biết): Tên ông lý ra là Bùi Dán, nhưng khi đi làm khai sinh thì nhân viên hộ tịch viết sai thành Giáng. Năm ông lên hai, trong một lần cãi nhau người cha đã giành Bùi Giáng từ tay vợ ném ra cửa, trúng nhằm một cây đinh cắm sâu vào trán, vết thương rất nặng khiến ông chết đi sống lại, nhờ người vú nuôi tận tình chăm sóc mà đến lúc ông lên chín mới lành hẳn. Chi tiết này trùng khớp với “tiểu sử tự ghi” mà Bùi Giáng để lại ở chùa Pháp Vân - Gia Định hai năm sau đó - tháng 8 năm 1993, và phù hợp với vết sẹo trên trán thi sĩ. Như vậy tổn thương ở vùng đầu này có thể là căn nguyên cho chứng điên phát tác về sau. Nghĩ cũng lạ: xưa nay nhiều người tỉnh bị ngờ là điên, nhưng mấy ai điên lại bị người đời nghi là tỉnh như Bùi Giáng. Cũng theo ông Trác thì sau người vợ Phạm Thị Ninh mà nhiều tư liệu đã nhắc đến, Bùi Giáng còn một người vợ hiện vẫn sống ở Hội An, và hai người có với nhau một con gái (?).

Nhiều người thường thắc mắc mỗi khi bắt gặp Bùi Giáng múa may ngoài đường là cái thân hình gầy nhom khô đét ấy lấy đâu ra năng lượng để quay vù vù như một cái chong chóng đủ màu suốt từ sáng đến tối, bất kể nắng hay mưa, thì nay thắc mắc ấy phần nào được giải đáp: Bùi Giáng thường xuyên tập yoga trong thời gian ngụ tại nhà ông Trác, nên có lẽ nhờ đó mà dù ăn rất ít vì răng cỏ không còn bao lăm nhưng thi sĩ chẳng mấy khi bệnh tật và đủ sức uống rượu tì tì. Và cũng đừng tưởng nhà thơ điên này là bẩn nhé: Ông tắm rất nhiều lần trong ngày.

Tuy nhiên, câu hỏi mà tôi không thể không hỏi thì cũng chỉ nhận được câu trả lời không mới: “Quả tình tôi không biết Bùi Giáng điên hay tỉnh, vì khi điên thì ông điên dễ sợ, còn khi tỉnh thì thông minh tuyệt đỉnh, trí nhớ phi phàm!”- ông Trác thú thật.

Chân dung thơ: Nhiều sầu muộn

Khó có thể bảo một người là điên khi người ấy biết dùng lời lẽ hồn nhiên đối đáp với trẻ nhỏ. Rất nhiều khi, đóa Tường Vy nhỏ là cô con gái út của ông Trác và nhà thơ cuồng đã có những đoạn đối thoại thường xuất hiện trong các tập di cảo như những ốc đảo xanh giữa sa mạc chữ:

Tường Vy bất chợt bần thần

Hỏi ông Bàng Giúi: “Ông gần hay xa?

Ông về trong cõi người ta

Ông là kẻ lạ hay là người quen?”

(Tường Vy chất vấn)

Đáp rằng: có lẽ ông quên

Hoặc là có nhớ rồi quên mất rồi

(Đáp lời Tường Vy)

Khó có thể bảo một người là điên khi người ấy biết hì hục khiêng từng hòn đá nặng về xếp thành giả sơn tặng gia chủ, để cảm tạ cái ơn đã dám “rước về riêng một thằng điên” như trong bài thơ mà Bùi Giáng đặt tựa là “Thần tiên Trác Cẩm gia đình”:

Gia đình rất mực thần tiên

Rước về riêng một thằng điên phi thường

Từ trên tới dưới tượng mường

Tượng mơ như mán như mường tường minh

Đầu tiên rất mực gập ghềnh

Tương cầu cảm ứng ưu phiền cảm ưu

Y ư nghệ- du ư ngưu

Tần thân sư tử dê cừu liếm la

Mím môi miệng mỉm răng nhe

Rằng tần thân ấy nghìn nghe ra ngoài

Bao dong tiếp cận gà choai

Láng giềng vịt bé tình hoài Tường Vy

Trong bài này, câu thơ cuối ban đầu là “Láng giềng vịt bé tình hoài Cẩm Vân” đã được tác giả gạch bỏ chữ “Cẩm Vân” (tên vợ ông Trác), để thay bằng “Tường Vy”: Có bao nhiêu người tỉnh biết giữ lễ để không bước qua cái ranh giới mong manh giữa cợt đùa và sỗ sàng như Bùi Giáng?

Trong mười bảy cuốn thơ Bùi Giáng viết trong thời gian lưu lại nhà ông Trác, vẫn là những câu thơ mang tính nhị nguyên: đầu tiên - cuối cùng, hỏi - đáp, một - muôn ngàn, sát na - thiên thu, đi - về...Vẫn là những cái tên kỳ nữ Kim Cương, Bạch Tuyết. Vẫn là Nguyễn Du, Huy Cận, Xuân Diệu và những những câu thơ tâm đắc nhất của chính mình từ các tập Mưa nguồn, Lá Hoa cồn, Màu hoa trên ngàn...Nhưng rải rác đó đây giữa những lời bỡn cợt quàng xiên lại chen những tâm sự buồn quá thể, của một người thường giữa khuya thức giấc nhớ chuyện xưa: “Nhớ thương từng phút từng giây. Những mùi hương cũ tàn phai bao giờ” (Giữa đêm), “Buồn vui như thể thân mình. Ai chia nửa máu ai giành nửa xương...” (Buồn vui như thể), “Xưa kia một tỉnh mười say. Bây giờ mười tỉnh một say một mình...” (Ăn năn)... Bài thơ dài nhất tìm thấy trong số di cảo này (cũng là bài thơ dài nhất của Bùi Giáng - được tác giả ghi chú đến hai lần, đầu và cuối bài là “Bài thơ dài nhất (122 câu)” cũng thật buồn với cái tựa “Quá khứ của anh”, mở đầu bằng: “Anh đau đớn nhưng không bao giờ khóc. Nuốt lệ vào cho vĩnh viễn thương yêu...”.

Hàng trăm bài thơ để lại trong những cuốn vở học trò như một thứ nhật ký tiết lộ nhiều điều về một nhà thơ vốn lắm giai thoại nhưng ít ai tường tận thân thế. Nó cho biết Bùi Giáng trong quá khứ có lúc ở tù:

Nằm đây nhớ phố bên ngoài

Nhớ chân trời mộng tình hoài lang thang

Nhớ trăm vạn, nhớ muôn vàn

Từ thân yêu tới điêu tàn nhớ nhung

Đường qua ngôn ngữ cuối cùng

Đường thân thiết gọi điệp trùng trùng điên

(Niềm đau ở tù)

từng đi Đà Lạt đóng phim:

Nó sắm cho ta nhiều áo quần

Đóng phim rất mực cuộc thênh thang

Cuộc chơi kỳ vĩ thông Đà Lạt

Trăng núi muôn vàn dội dư vang

Giao hưởng thần tiên nhớ mãi ngày

Tuyệt trù thy vận nở đầu tay

Trần gian như thể thiên đường vậy

Vĩnh biệt muôn vàn nhớ mảy may

(Nhớ mãi một lần)

rồi từng bị gãy tay, từng bị công an làm khó dễ, từng có những mối quan hệ bí hiểm từ thuyền quyên kỳ nữ đến giới đầu đường xó chợ...Để cuối cùng, hình ảnh hiện lên khi đọc xong tất cả những di cảo này là một chân dung sầu thảm chẳng có chút liên hệ gì với một người điên thường quay cuồng la hét giữa đường phố trong một cơn phấn khích bất tuyệt. Rất nhiều những giai thoại vẽ nên một Bùi Giáng thi sĩ tự do tuyệt đối, không thê triền tử phược, không hệ lụy áo cơm. Nhưng những gì ông để lại trong ngôi nhà nằm sâu trong con hẻm 482 Lê Quang Định này là chân dung hai mặt của một kẻ hò hét nhảy nhót ban ngày để lặng lẽ thức giấc trong đêm nhìn trăng ngậm ngùi hoài nhớ về một thời xa xưa tươi đẹp và mơ về một mùa Lễ hội sau cùng. Trong những di cảo này hay lập đi lập lại những từ “một cõi đi về” và “Lễ hội”. Cõi người ta thì đã rõ, còn Lễ hội nào vậy? Có phải miền đất mà các tôn giáo đều nói đến, nhiều triết gia từng tưởng tượng ra, được thi nhân Đông-Tây truyền tụng như lời sấm truyền về nơi con người tìm thấy lại địa đàng đã mất?

Đọc xong tất cả những di cảo ấy, có cảm giác như vừa xem lại một cuốn phim của Charles Chaplin: bật cười rồi chợt thấy mắt cay...Nếu không tin, bạn hãy thử đọc cùng tôi lời của một người từng gặp nhiều khổ đau mất mát (vợ mất, nhà cháy, mắc bệnh nan y...) nhưng chưa có lúc nào ngừng yêu thương cuộc đời:

Hỏi: Bình sinh mi yêu thương ai nhất?

Đáp: Tao yêu thương nhất là những cô gái giang hồ.

Hỏi: Vì sao như vậy?

Đáp: Hà tất phải hỏi vì sao.

Hỏi: Vì sao không phải hỏi?

Đáp: Vì bởi từ lâu những đứa như Nguyễn Du, Đỗ Mục, Gerard de Nerval...đã đưa ra lời giải đáp quá sức thỏa đáng rồi.

Hỏi: Đồng ý. Thế thì bây giờ tao xin hỏi tiếp: Mày yêu nhất là gái giang hồ, còn yêu thứ nhì- đệ nhị yêu đương- thì mày yêu ai?

Đáp: Đệ nhị yêu đương tao yêu vu vơ những đàn bà tình cờ gặp gỡ ngoài đường- thường là những phụ nữ da dẻ đen thui, ngồi im lìm bên vệ đường bán mua cái gì chẳng rõ.

Hỏi: Vì sao mi yêu chúng nó?

Đáp: Vì tao biết tâm hồn họ mênh mông.

Hỏi: Mênh mông như thế nào nói nghe chút ít thử.

Đáp: Đại khái như thế này: Khi thấy tao đi ngang qua họ hỏi tao: “Ông già đi đâu đó? Ông có đói không?”. Tao hỏi lại: “Cô hỏi như thế làm gì?”. Cô ta đáp: “Nếu ông đói thì con cho ông ăn chút ít. Con bán xôi, bán cơm tấm- bán bún riêu- bán bánh bèo- bán xoài chuối- ông thích ăn thứ gì?”...

(Đệ tứ đối thoại)

*

Chủ nhân của ngôi nhà đang lưu giữ 17 tập di cảo này là một nhà quay phim-biên kịch-đạo diễn kỳ cựu. Ông sinh năm 1930 tại Hải Dương, năm 1956 học lớp biên kịch khóa 1 trường Điện ảnh Sài Gòn, từ 1960 sang Nhật tu nghiệp nghề đạo diễn trong hãng phim Dei Ei của Kurosawa, sau đó về nước làm một số phim ngắn chủ yếu là phim thời sự, làm diễn viên đóng vai Hamlet trong kịch W. Shakespeare, đóng Thành Cát Tư Hãn trong kịch Vi Huyền Đắc, là người có công phát hiện các kịch sĩ Trần Quang, Tâm Phan...Năm 1973, ông có chân trong đoàn quay phim của chính quyền Sài Gòn ghi hình hội nghị Paris. Năm 1975, khi vợ chồng ông từ Pháp về, căn nhà họ ngụ tại Xóm Gà này còn trơ trọi giữa bãi tha ma, nhưng họ vẫn trụ lại nơi đây với niềm tin vào cuộc sống mới...Sau đó ông công tác tại Hãng phim Giải phóng cho đến lúc nghỉ già, từng cộng tác làm nhiều phim được trao giải Bông sen bạc, từng dự liên hoan phim quốc tế tại CHDC Đức, Hà Lan.... Tài năng nhưng bất đắc chí, cũng bởi hai chữ mà nhà biên kịch Nguyễn Hồ dùng để gói gọn tính cách ông Trác trước khi đưa tôi đến giới thiệu với ông: “tiết tháo”. Nay cuối đời, sổ hưu không có, bảo hiểm các thứ càng không, nhưng tính khí xưa của những ngày ông cám cảnh mà dắt về một người điên làm khổ vợ con thì vẫn nguyên vẹn.

Ông Trác rất miễn cưỡng khi trao cho chúng tôi 17 cuốn thơ Bùi Giáng, dẫu biết nó là tài sản chung của công chúng yêu thơ, như món quà muộn mà bảy năm sau khi thi hào rời cõi người ta mới phát lộ. Bởi ông không muốn bất kỳ ai hiểu lầm chữ “duyên” mà ông tìm thấy cùng Bùi Giáng trong quán rượu Thọ Nguyên năm ấy. Ông cũng từ chối mọi cơ hội được đền bù cho công lao gìn giữ những tập di cảo quí giá kia trong hơn mười lăm năm.

Nhiều đêm, tôi lắng nghe tiếng gõ rao mì nay đã hỗn loạn vì cuộc mưu sinh thúc bách chứ không còn khoan thai đều đặn như nhịp phách ngày xưa trong tay những người đồng hương Quảng Nam của Bùi Giáng, rồi băn khoăn có phải thời đại của những con người không sống theo nhịp mưu sinh như thế đã vĩnh viễn qua đi?

Hữu Bảo

http://www.viet-studies.info./BuiGiang_DiCaoLeGiaTrang.htm