Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Bên phên liếp nhà

TỪ HOÀI TẤN

Tặng bạn cũ

Bên phên liếp nhà
Ảnh: internet

mười lăm năm - thời gian
tuổi trẻ tôi lầm lỡ
đã qua một chặng đường
vợ, con, cơm, áo, nắng, mưa
tình chung cùng gió bụi

những đêm ngồi một mình
neo xuồng giữa dòng sông
muốn gieo mình tự trầm
câu kinh tụng thời đi học:
“Đại viết thệ, thệ viết viễn, viễn viết phản”
còn ta nay về đâu
xa rồi trăm dặm quê hương
mây mù núi che khuất
rừng tràm bưng bàng cỏ đưng phơ phất
đã lấp dấu chân ai vạch một lối mòn

mười lăm năm - thời gian
sự tồn tại gầy còm
người đi dưới sông giữa khuya trời vắng lặng
hát bài ca chia ly
tưởng lòng tôi chung khúc nhạc
sách vở bút nghiên trong xó mốc lóc lăn
qua mấy thời lang bạt
trở về mái hiên xưa
cười vui chiều xẩm tối
nơi đây
thời gian như đứng lại từ bao giờ

nhà có một gian, giường kê một chiếc
bàn gỗ liêu xiêu vài ba chiếc ghế
mâm cơm chiều nay có cá kho khô
gạo mới còn thơm mồ hôi giọt
mười lăm năm, lạ nỗi gì
khóc cười sớm tối
ngày tháng là cơn gió mát đi qua
thổi hắt hiu buồn lòng ta quá đỗi

có những tuần trăng hoang dã bình nguyên
ta thức cùng mây trắng
mộng chờ những ngàn năm
không phai lòng kẻ sĩ

mười lăm năm - có nghĩa gì
mưa dậy thời chiến tranh
ảo ảnh sa mạc
có dăm ba mối tình khẳng khiu như những ngày trong ngõ hẹp
con nước đã trôi xuôi bận lòng chi
những đêm trăng vỡ vụn giữa lòng sông

đã sống như thể đời chưa qua
đã yêu như một mối chưa tròn
lòng cứ mãi quanh co
những con đường cụt
mười mấy năm - dầu chẳng có nghĩa gì
nhưng không phải là chiêm bao
không thể tưởng mình đã mất
chiều nay
bên phên liếp nhà lổ loang sắc nắng
ta vẫn thấy trời xanh trong
như được sống thêm mỗi ngày cùng gió bụi
mới thấy đời tươi thắm nỗi vui chung


(Tưởng nhớ Hậu Nghĩa 08/4/1990)

(SH277/3-12)
http://tapchisonghuong.com.vn

Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

Cao Huy Khanh : VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 – 2012: NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

Kỳ 107 – 28..3.2012

1071 - Bùi Đình Thi

“TÙ GIAN”

Công nhân Việt kiều Mỹ sinh 1943 tại VN – Mất 2011 ở đảo Marshall (69 tuổi).

Nguyên đại úy VNCH theo đạo Công giáo.

Sau 1975 đi cải tạo ở miền Bắc. Đến 1982 được trả tự do.

Năm 1994 cùng vợ và 5 con qua Mỹ theo diện H.O, để lại 2 con gái có chồng sinh sống tại Biên Hòa (Đồng Nai). Làm công nhân sống qua ngày, đã 2 lần trở về VN thăm con năm 1998, 2002.

Bất ngờ năm 1997 có mục linh mục Công giáo cùng ở chung trại cải tạo Thanh Cẩm trên miền Bắc với đương sự in sách tố cáo nhân vật này trong thời gian ở tù trên đã ngầm làm “nội gián” cho trại giam (trong trại thường gọi là “ăng ten”) báo cáo về sinh hoạt, hoạt động của tù nhân với cán bộ quản giáo trong khoảng thời gian 1978-1981. Thậm chí năm 1979 còn tham gia tra tấn, giết chết bạn tù cải tạo!

Từ đó nổi lên làn sóng dân Việt tị nạn Mỹ đòi xử tội đương sự bị gọi là “tù gian” tức đội lốt tù cải tạo để phản bội đồng đội. Kết quả Mỹ phải đưa đương sự ra tòa năm 2004.

Kết quả trong phiên tòa kéo dài 9 tiếng đồng hồ, tòa ra phán quyết bị cáo vi phạm Luật Di trú Mỹ vì không khai báo thành thật toàn bộ lý lịch quá khứ của mình khi làm đơn xin định cư Mỹ. Do đó ra lệnh trục xuất về lại VN.

Nhưng phía VN… không tiếp nhận đơn giản vì thời đó 2 nước chưa ký kết hiệp định về trường hợp “di lý hải ngoại” như vậy nên cuối cùng chính quyền Mỹ đành chọn biện pháp… trục xuất tạm bị cáo ra khỏi lãnh thổ Mỹ đến đảo Marshall một quần đảo nằm phía Tây Thái Bình Dương nhưng thuộc quyền bảo hộ của Mỹ!

Tuy đương sự không được đem theo vợ con ra đảo song trên đảo không bị giam giữ mà vẫn được cho đi làm việc và thỉnh thoảng được về Mỹ thăm gia đình.

Đến năm 2011 thì qua đời trong lặng lẽ.

1072 - Lê Xuân Khoa

VIẾT LỊCH SỬ VN HIỆN ĐẠI

Giáo sư đại học Việt kiều Mỹ sinh tại Hà Nội. Sống ở Mỹ (2012).

Di cư vào Nam đi học Pháp tốt nghiệp tiến sĩ rồi qua học tiếp An Độ. Về miền Nam dạy đại học về triết học An Độ, làm Phó Viện trưởng Viện ĐH Sài Gòn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Giáo dục.

Sau 1975 qua Mỹ làm Giám đốc Trung tâm Cứu trợ người vượt biên Đông Nam Á, làm công tác hỗ trợ giúp người tỵ nạn Đông Dương định cư ở Mỹ trong 17 năm.

Năm 1997 về hưu được mời giảng dạy ĐH John Hopkins danh tiếng. Cùng thời gian này tham gia vào việc hình thành chương trình H.O của Mỹ tiếp nhận quan chức và sĩ quan VNCH đi cải tạo về qua Mỹ đồng thời giúp họ hòa nhập với cuộc sống mới ở Mỹ.

Ngoài ra còn bỏ công biên soạn công trình lịch sử VN hiện đại từ 1945-1995 đề cập đến những bài học lịch sử, những vấn đề thời sự gần đây như 4 cuộc chiến tranh đã qua trong 50 năm kể cả cuộc chiến tranh chống Mỹ, phong trào tị nạn chính trị đưa đến thành lập cộng đồng VN hải ngoại rộng lớn… Tập 1 ra mắt năm 2004.

Tuy vậy vẫn bị giới Việt kiều cực đoan bài bác do có quan điểm cổ vũ hòa giải dân tộc cũng như nhiều lần về VN làm việc…

1073 - Nguyễn Văn Trấn

ĐỔI MỚI CUỐI ĐỜI

Cán bộ về hưu sinh 1914 tại Long An –Mất 1998 ở TPHCM (85 tuổi).

Là cán bộ Tiền - Khởi nghĩa (bí danh Bảy Trấn) từ thời chống Pháp ở quê nhà Chợ Đệm. Được xem là người khai sinh ra đơn vị An ninh T4 tức tiền thân của Công an Nam bộ sau này.

Năm 1954 tập kết ra Bắc viết báo, dạy Trường Đảng Nguyễn Ai Quốc rồi làm Phó ban Tuyên huấn T.Ư, đại biểu Quốc hội 1964.

Sau 1975 về hưu vào ở TPHCM, bắt đầu viết sách nghiên cứu về Trương Vĩnh Ký, về sự nghiệp làm báo… Đồng thời viết báo, khai sinh ra bút danh Hai Cù Nèo trên báo Tuổi Trẻ Cười chuyên viết chuyện biếm đả kích thói hư tật xấu người đời (sau khi mất, bút danh vẫn được duy trì trở thành như một bút danh chung cho một số cấy bút châm biếm trên báo này).

Đến thời bắt đầu manh nha Đổi mới cuối thập niên 1980, đã có bước ngoặt chuyển biến tư tưởng đấu tranh đổi mới quyết liệt khi tham gia CLB Những người kháng chiến cũ ở TPHCM cổ vũ quan điểm đòi quyền dân chủ, tự do ngôn luận, tự do bầu cử thoát ly chủ trương của Đảng CSVN.

Sau khi CLB trên bị chính quyền giải tán, năm 1995 tự in và phát hành cuốn “Viết cho Mẹ và Quốc hội” nêu rõ những đòi hỏi đó. Lập tức bị chính quyền thu hồi cấm lưu hành!

Năm 1997 một năm trước khi mất cuốn này được in lại ở Mỹ. Từ đó được tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế tặng giải Hallman/Hammett dành cho các chiến sĩ đấu tranh cho nhân quyền.

1074 - Phạm Quốc Trai

“TRAI GÀN”

Nông dân sinh 1955 tại Thừa Thiên – Huế. Sống ở Thừa Thiên – Huế (2008).

Tham gia hoạt động chống Mỹ nên sau 1975 được đề bạt làm Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện.

Năm 1986 bỗng nhiên xin nghỉ việc đem vợ con ra ngoài một đảo hoang khai khẩn lập nghiệp! Vì thế mới có biệt danh là “Trai gàn”.

Đó là bán đảo Mũi Né nằm giữa đầm Cầu Hai trong vùng phá Tam Giang, vùng đất chịu nhiều đạn bom trong chiến tranh lẫn chất độc khai quang nên đất đai nơi đây khô cằn toàn sỏi đá. Thế nên 2 vợ chồng bắt đầu cuộc chiến chống sỏi đá kéo dài cả 10 năm, dọn sạch sỏi đá lấy đất trồng trọt canh tác được 7 hécta đất rừng thành đất màu mỡ.

Ban đầu trồng khoa sắn bán lấy tiền nuôi sống cả nhà, từ đó bỏ thêm 10 năm nữa để làm đất, bón phân xây dựng cơ đồ làm kinh tế bằng cách trồng hơn 10.000 cây dó trầm từ đầu năm 2000.

Lợi nhuận thu được đổ vào công trình xây dựng một vườn cây cảnh rộng hơn 2 hécta, có lẽ là vườn cây cảnh tư nhân lớn nhất tỉnh mới lập sau chiến tranh. Với toàn cây cảnh quý chịu khó đi sưu tầm khắp các tỉnh thành từ Bắc vào Nam từ cây lộc vừng, mai, sung, trúc đến các loài hoa và lan rừng muôn hồng nghìn tía

Có người trả giá vườn cây cảnh 5 tỉ đồng không bán vì có tham vọng biến nó trở thành một khu “vườn cây cảnh 3 miền” kèm theo một “vườn cổ tích” dành cho thiếu nhi, tất cả nằm trong khu du lịch sinh thái tương lai.

1075 - Phạm Sự Thật

NGƯỜI CANH GÁC TAI NẠN GIAO THÔNG

Bộ đội về hưu sinh 1950 tại Hải Phòng. Sống ở Đà Nẵng (2007).

Năm 1968 đi bộ đội vào chiến trường Đà Nẵng, Quảng Nam. Có mặt trong chiến dịch giải phóng miền Nam, tham gia trận đánh khốc liệt cuối cùng của cuộc chiến ở Xuân Lộc. Năm 1980 tiếp tục hành quân lên Tây Nguyên truy kích tàn quân Fulro.

Năm 1981 gặp một cô gái Thanh Hóa lên làm việc ở Buôn Ma Thuột lấy làm vợ.

Sau đó ra quân đưa vợ về Đà Nẵng chiến trường xưa nhận làm quê hương thứ hai, chọn mảnh đất nhỏ dưới chân đèo Hải Vân làm nơi sinh sống.

Do sống ngay dưới chân đèo trên Quốc lộ 1A nên hàng ngày thường xuyên nhìn thấy nhiều tai nạn thương tâm xảy ra. Nhiệt huyết người lính ngày xưa nổi dậy khiến phải suy nghĩ tìm phương cách nào giúp hạn chế tai nạn giao thông cứu sống bao sinh mạng.

Thế là từ năm 1998 vận động đồng đội cựu chiến binh lập Tổ Giám sát an toàn giao thông khu vực này thay phiên nhau ra đứng đường cầm gậy tham gia cảnh báo tai nạn cho xe khách qua đường. Khi xảy ra tai nạn thì tham gia cứu giúp người bị nạn, thậm chí có khi còn tự tay tẩm liệm nạn nhân: “Tôi không muốn thấy lập lại cảnh làm mình đau buồn nhất trong chiến tranh là chứng kiến cảnh đồng đội ngã xuống…”

1076 - Phạm Thị Dùi

MỘ CHỒNG NƠI ĐÂU XIN NHẬN NƠI ĐÓ LÀM QUÊ HƯƠNG THỨ HAI

Nông dân sinh tại Hưng Yên. Sống ở TPHCM (2008).

Lấy chồng sinh 3 con thì chồng đi bộ đội vào chiến trường miền Nam rồi bặt tin luôn.

Năm 1975 kết thúc chiến tranh mới nhận được tin chồng đã hy sinh từ năm 1968 nhưng không biết mộ phần, hài cốt nơi đâu. Vì thế lòng vẫn không tin là sự thật mới một mình ôm 3 con vào miền Nam quyết tâm đi tìm chồng phải “sống thấy người, chết thấy mộ” mới được.

Nhưng bơ vơ nơi vùng đất xa lạ làm sao tìm được song vẫn không về mà tìm việc làm bươn chải sống qua ngày để tiếp tục tìm kiếm, dò la tin tức mà phải lo nuôi con nữa với lời thề nếu quả thật chồng đã nằm xuống trên mảnh đất này thì mình tự nguyện ở lại để được gần chồng.

Mãi đến năm 2008 nhờ một đồng đội cũn giúp đỡ mới tìm được mộ chồng được cải táng về nghĩa trang An Nhơn Tây thuộc quận Gò Vấp – TPHCM. Từ đó xin nhận nơi đây đúng là quê hương thứ hai của mình.

1077 - Phạm Thị Hai

TÌM LẠI MẸ SAU 34 NĂM

Thường dân tên thật Võ Thị Gái sinh 1968 tại miền Trung. Sống ở Phú Yên (2009).

Mới lên 7 tuổi đã thất lạc cha mẹ trong cuộc chạy loạn “di tản chiến thuật” của chế độ cũ tháng 3.75 ở Quảng Nam trên tỉnh lộ 7 nối Phú Bổn – Tuy Hòa.

Rồi được một gia đình nhận làm con nuôi đổi tên họ sinh sống ở Phú Yên.

Mãi đến 34 năm sau, năm 2009 khi đã quá tứ tuần mới đoàn tụ với gia đình nhờ chương trình tìm người thân thất lạc của Đài VTV3. Bà mẹ già gặp lại con vừa khóc vừa mừng: “Tôi chỉ chờ được một lần gặp lại con thì chết mới yên lòng”.

1078 - Phạm Thi Lạc

NGƯỜI PHỤ NỮ “TIÊN PHONG”

Lao động nghèo sinh 1945 tại Thái Bình. Sống ở Thái Bình (2007).

Năm 1968 lấy chồng được 3 ngày thì chồng người cùng quê là bộ đội pháo cao xạ từ giã lên đường vào chiến trường miền Nam, từ đó bặt tin.

Chỉ thời gian ngắn sau ngày giải phóng miền Nam 1975 đang làm nhân viên Ty Nông nghiệp Thái Bình mới nhận được tin… báo tử chồng đã hy sinh.

Năm 1977 nhân cùng cơ quan đi thăm trại thương binh tỉnh mới gặp một thương binh nặng mù cả 2 mắt và cụt một chân. Có lẽ do ấn tượng liên hệ cảm thông người thương binh cùng quê cùng hoàn cảnh với chồng quá cố nên sinh lòng yêu thương.

Cuộc tình không đơn giản vì thành kiến cổ hủ thời này với những lời ra tiếng vào gièm pha nào là bà góa lớn tuổi (mình lớn hơn 6 tuổi) lại lấy thương binh nặng rước khổ vào thân v.v… Nhưng đôi lứa vẫn giữ vững lòng tin vào nhau để đám cưới được tổ chức đàng hoàng, cảm động.

Từ đó noi theo gương chị, trong trại thương binh mới có thêm nhiều mối tình thương binh tương tư nẩy nở, xóa tan bao mặc cảm từ cả 2 phía để đi đến hôn nhân trọn vẹn.

Về phần gia đình người phụ nữ đi bước đầu này dù rất vất vả gánh vác phần lớn trách nhiệm trong gia đình, phải xin nghỉ làm công chức để đi bán xôi song vẫn xây dựng được hạnh phúc đầm ấm. Sinh cho chồng 4 con “nếp tẻ đủ cả” và còn kiếm việc cho chồng tránh để ngồi không nghĩ quẫn bằng cách mở điểm rửa xe cho chồng trông coi.

Đây là dịch vụ lâu nay chưa ai làm nên nhanh chóng thu hút khách hàng . Từ đó cùng chồng mở rộng cơ sở tạo thêm công ăn việc làm cho đồng đội thương binh, bộ đội phục viên cùng quê.

1079 - Phạm Thị Lan

LẤY CHỒNG “TRỜI ĐÀY”

Lao động nghèo sinh 1957 tại Quảng Nam. Sống ở Quảng Nam (2012).

Hòa bình trở lại, ngồi bán hàng nươc trước cổng doanh trại một đơn vị pháo binh mới gặp một thương binh ở đây mắc bệnh tâm thần di chứng chiến tranh để lại. Vậy mà không hiểu sao lại đem lòng yêu thương anh lính pháo binh “Hải khùng” này!

Yêu và quyết định lấy làm chồng bất chấp gia đình, người thân can ngăn. Tới mức khoảng năm 1982 trốn cha mẹ tự mình dẫn người thương binh về quê anh ở Hà Nam. Xin được cưới anh, làm lễ cưới đàng hoàng với chỉ có nhà trai vì nhà gái bị mình giấu biệt tin tức không cho biết gì hết sợ sẽ tìm cách ngăn cản!

Cả 2 sống một thời gian khá yên ổn với người chồng thương binh tâm thần chỉ nghe lời vợ bớt phá phách la hét. Có lúc bệnh thuyên giảm có thể cùng vợ đi làm ruộng với mọi người.

Sinh được 2 con nhưng đến đứa thứ ba thì gặp một sự cố gì đó bỗng nhiên chồng tái phát bệnh điên cũ với mức độ nặng hơn trước nữa. Có lần nổi khùng đánh vợ đến gãy chân. Năm 1989 còn ra tay… đốt cháy cả căn nhà ọp ẹp mà gia đình nheo nhóc nương náu!

Năm 1989 mẹ ruột bấy giờ liên lạc được mới ra tận Hà Nam xin đưa 2 vợ chồng và 3 cháu vào quê Quảng Nam để tiện việc giúp đỡ đồng thời hy vọng trong Nam thời tiết ấm áp hơn cho con rể đỡ bệnh.

Tuy nhiên bệnh của chồng vẫn không thuyên giảm được bao nhiêu, mấy lần phải nhờ người trói lại để đưa vào bệnh viện Đà Nẵng chữa trị.

Vậy nhưng vẫn sinh thêm 2 con nữa, con út còn nhỏ phải cõng trên lưng theo mẹ đi hái chè đem bán kiếm miếng cơm cho cả nhà. Có khi kiệt sức xỉu giữa đường, con khóc ré lên mới làm mình tỉnh dậy tự dặn mình “vì năm con và một chồng, không được phép gục ngã”!

1080 - Phạm Thị Lời

MUÔN DẶM TÌM EM

Công nhân sinh 1967 tại Long An. Sống ở Đắc Nông (2008).

Cha đi kháng chiến chống Mỹ, mẹ ở nhà nuôi mình và em gái.

Hòa bình lập lại cha trở về nhưng lại đem theo… 3 người con riêng nữa (có thêm trong chiến khu) khiến mẹ ghen tương sinh chuyện nhà lục đục cơm không lành canh không ngọt. Đỉnh điểm xung đột vào năm 1978 mẹ tức giận dắt 2 con gái ruột bỏ nhà lên Tây Ninh sống cùng bà con.

Đến cuối năm do sinh bệnh nên mẹ mới dẫn 2 con định trở về quê, không ngờ trên đường đi bệnh (lao) phát nặng phải vào Bệnh viện Thủ Đức (TPHCM) cứu chữa. Nhưng không qua khỏi, qua đời vào ngày Tết năm 1979 để lại 2 con nhỏ dại khờ khạo ngơ ngác trên đường đời.

Hai chị em còn quá nhỏ không nhớ được quê nhà, cha mình ở đâu nên người ta phải đưa cả 2 vào Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi ở Thủ Đức. Tại đây 2 chị em bị cách ly ít có dịp gặp nhau, từ đó mới đưa đến sự cố năm 1981 em gái mình được đem cho một bà mẹ người dân tộc K’ Ho đưa lên Bảo Lộc (Lâm Đồng) nuôi mà mình không hay biết!

Thế là từ đó đau đáu trong lòng nỗi thương nhớ em khôn nguôi, bất cứ lúc nào bất cứ ở đâu cũng tìm cách dò hỏi, truy tìm tông tích em nhưng đều vô vọng.

Năm 1984 rời khỏi trung tâm tình nguyện đi thanh niên xung phong lên Đắc Nông khai hoang làm kinh tế. Rồi ở lại đây lập nghiệp.

Mãi đến năm 2006 qua chương trình tìm người thân của Đài Truyền hình VTV may mắn được em gái mình (đã đổi tên thành người dân tộc, lấy chồng người dân tộc làm nông) xem mới nhận ra chị em.

Cũng nhờ chương trình này mới tìm được địa chỉ nhà cũ, quê cũ Long An để tìm về thăm cha. Nhưng muộn rồi, ông đã mất hơn một năm cũng trong nỗi đau lạc mất 2 đứa con thân yêu!

(Còn tiếp)

http://sites.google.com/site/vanvietloc4/home/ho-so-hau-chien/hosohauchienky107

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Cao Huy Khanh : VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 – 2012: NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

Ảnh : Cao Huy Khanh

Kỳ 106 – 19.3.2012

1061 - Chị Nga

GIA ĐÌNH “XƯƠNG THỦY TINH”

Lao động nghèo người khuyết tật sinh khoảng 1963 tại miền Nam. Sống ở TPHCM (2012).

Bản thân và anh trai cùng em gái song sinh từ khi sinh ra đã mắc chứng bệnh “xương thủy tinh” tức xương dễ gãy, vỡ không thể đứng thẳng người mà phải lết đi, thường xuyên phải nẹp những chỗ xương gãy. Nhưng gia đình nghèo không có phương tiện chạy chữa thuốc men cho đỡ hơn.

Đã vậy, gặp lúc chiến tranh khốc liệt cả 3 được cha mẹ bỏ vào quang thúng gánh mang chạy tránh bom đạn rồi thất lạc. Cuối cùng cả 3 được lính VNCH tìm thấy trong rừng cao su mới đem vào cho trại mồ côi Công giáo ở Thủ Đức (ngoại vi TPHCM bây giờ) nuôi.

Sống ở trại mồ côi đến năm 1988 em gái song sinh cũng do bị “xương thủy tinh” gãy làm trượt té chấn thương sọ não qua đời. Còn lại một mình đi học văn hóa (tốt nghiệp lớp 12) đồng thời lo chăm sóc cho anh trai vừa bị “xương thủy tinh” vừa thiểu trí năng không tự lo được cho bản thân.

Đầu những năm 1980 hai anh em được chuyển đến trại mồ côi Thị Nghè vẫn ở TPHCM. Tại đây gặp được người yêu cũng là trẻ mồ côi có cha mẹ bị trúng đạn chết trong một trận càn, riêng mình thì bị thương vào chân thành tật đi khập khiễng.

Từ đó cả hai cùng đưa ông anh thiểu trí năng rời khỏi trại mồ côi ra ngoài sống riêng rồi làm lễ cưới năm 1999. Sau đó gia đình nhỏ 3 người bắt đầu lao vào cuộc kiếm sống ngoài đời vất vả.

Ban đầu vợ làm nghề thêu may học được từ trại mồ côi, chồng đi bỏ hàng và phụ việc nhà cho vợ. Sau một thời gian mối hàng may ít, vợ phải ngồi xe lăn đi bán vé số (chồng phải bế lên xe lăn) ban ngày, tối về mới may vá hàng gia công.

Thế rồi có thai con đầu lòng định bỏ đi vì sợ lại mắc bệnh “xương thủy tinh” di truyền thành què quặt tội nghiệp nhưng may siêu âm thấy vẫn bình thường nên bác sĩ khuyên giữ lại. Quả thật vậy, đứa con trai lớn lên lành mạnh khỏe khoắn.

Đến cháu trai thứ hai cũng tưởng vậy ai ngờ cháu lên một tuổi mới phát hiện dính bệnh như mẹ và cậu phải đi bệnh viện nẹp tay hoặc nẹp chân thường xuyên mỗi khi xương bị vỡ, thời gian nằm bệnh viện còn nhiều hơn ở nhà! Tuy nhiên rồi thì cả 2 vợ chồng đều hầu như không còn ngạc nhiên gì mấy trước số phận đã quá quen rồi: “Trời cho thế nào mình phải nhận vậy thôi.”

Có khi cả 2 mẹ con cùng đi viện bó xương, còn ở nhà mỗi khi cần di chuyển thì con lết phía trước và mẹ lết phía sau để còn chăm con khỏi bị té ngã nữa!

1062 - Dương Kiền

MỘT THỜI “VĂN HỌC”

Nhà thơ, nhà viết kịch, luật sư Việt kiều Na Uy sinh 1939 tại Huế. Sống ở Na Uy (2012).

Năm 1962 còn là sinh viên Luật ở Sài Gòn tham gia trong phong trào sinh viên trí thức đấu tranh chống chế độ Ngô Đình Diệm đã cùng một số bạn bè cùng trang lứa sáng lập tạp chí Văn Học lo phụ trách phần nội dung (cùng Phan Kim Thịnh làm chủ nhiệm chịu trách nhiệm quản lý chung, sau chuyển dần thành bán nghiệp san).

Với tinh thần và lý tưởng tiến bộ của lực lượng sinh viên trí thức “dấn thân” thời này, đã xây dựng nội dung báo vừa có tính thời sự thiết thân đề cập đến các vấn đề chính trị – xã hội – văn hóa thực tế nóng bỏng vừa nâng cao trình độ kiến thức cả người viết lẫn người đọc. Tất cả đều nằm trong chủ trương xây dựng một xã hội miền Nam không Cộng sản mà vẫn hòa bình thịnh vượng, tự do dân chủ nhưng với Cộng sản chỉ đấu tranh ôn hòa thay vì bạo lực trong tinh thần “anh em một nhà”.

Điều này phản ánh qua một số đề tài thể hiện trên mặt báo như giới thiệu các tác giả bị miền Bắc bạc đãi như Hoàng Cầm, Hoàng Công Khanh, Vũ Anh Khanh, Quang Dũng, Hà Minh Tuynh, Nhất Linh; giới thiệu tác phẩm “Bác sĩ Jivago” của B. Pasternak đoạt giải Nobel nhưng bị chính quyền Liên Xô thời đó phủ nhận giá trị… Đồng thời vẫn kêu gọi, cổ vũ cho ngưng chiến hòa đàm…

Được sự hỗ trợ tích cực của lứa sinh viên cùng chí hướng cũng là những cây bút trẻ có tiềm lực và nhiệt huyết gồm Thế Uyên, Nguyễn Hữu Dung, Bùi Ngọc Dung, Trần Triệu Luật, Trần Quang Long, Nguyễn Trọng Văn, Luân Hoán… Dần dần cả những tác giả tiến bộ khác ngoài giới sinh viên cũng gia nhập đội ngũ như Hoàng Ngọc Biên, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Xuân Hoàng nên báo đạt chất lượng nâng tầm đáng kể - sâu sắc và tiến bộ - nhất thời này.

Bản thân nguyên là nhà thơ và viết kịch (có vở “Mắc lưới” được tặng giải thưởng quốc gia chế độ cũ năm 1966) cũng góp bài viết về các đề tài thời cuộc.

Tuy nhiên qua giai đoạn sinh viên lên ngôi trên chính trường miền Nam đến thời các “tướng trẻ” Thiệu – Kỳ nắm quyền và Mỹ can thiệp sâu thì tình hình miền Nam nhanh chóng đổi khác với chiều hướng chiến tranh dữ dội hơn. Từ đó quan điểm “đối thoại” hòa bình với miền Bắc phá sản nên nhóm Dương Kiền bắt buộc phải rút khỏi báo để tránh cho báo khỏi bị đóng cửa! (Để tồn tại, sau đó báo biến thể thành một loại tạp chí khảo cứu văn học tạp lục trình độ giáo khoa vô thưởng vô phạt do chủ nhiệm Phan Kim Thịnh từ nay quán xuyến hết mọi mặt).

Còn bản thân cũng hầu như rút lui khỏi các hoạt động VHNT, ra làm luật sư… Bạn bè cùng chí hướng một thời nay cũng phân tán mỗi người một ngã đường đời có khi còn theo hướng đối nghịch nhau như đi lính VNCH (Thế Uyên, Luân Hoán…) hoặc vào chiến khu theo Cộng sản luôn (Trần Quang Long, Trần Triệu Luật…)!

Sau 1954 qua định cư Na Uy. Cuối đời làm thơ Thiền như một cách đã “đạt đạo” như bài sau viết năm 2006 nhân chuyến quay về cố hương tìm thăm lại cảnh cũ người xưa:

VÒNG QUAY

Có một vòng quay cho đời ta,

Tinh mơ lấp lánh hạt sương sa,

Giữa trưa nắng đổ hai vai nặng,

Chiều vẳng chuông chùa mở lối ra.

Thế đấy, niềm vui chan nước mắt,

Ừ em, nỗi khổ cũng đơm hoa,

Em nhé cầm tay ta tĩnh lặng,

Yêu nhau Nam Mô A Di Đà.

(SaiGon, 19.02.2006)

1063 - Lê Nguyên Vỹ

SINH BẮC TỬ NAM HÀI CỐT QUY CỐ HƯƠNG

Chuẩn tướng VNCH sinh 1933 tại Sơn Tây – Mất 1975 ở Bình Dương (43 tuổi).

Năm 1954 cùng các em gái di cư vào Nam, mẹ còn ở lại miền Bắc.

Gia nhập quân lực VNCH. Nổi lên trong hàng ngũ tướng trẻ tài năng từ năm 1972 làm tư lệnh phó Sư đoàn 5 tử thủ An Lộc (thuộc Bình Phước hiện nay).

Cuối năm 1973 giữ chức tư lệnh cuối cùng sư đoàn này trong lúc người em gái đã đi theo Cộng sản! Được tiếng tướng trong sạch chống tham nhũng.

Đến trưa ngày 30.4.75 sau khi nhận lệnh Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng Việt Cộng đã ra lệnh giải tán sư đoàn, sau đó riêng mình đến đứng dưới cột cờ bộ tư lệnh (đặt tại Lai Khê, Bình Dương) rút súng ngắn tự sát tại chỗ: “Vì tôi là một tướng chỉ huy mặt trận, tôi không thể thi hành lệnh này được (đầu hàng). Tôi nghĩ thân làm tướng là phần nào đã hưởng vinh dự và ơn huệ của quốc gia hơn các anh em nên tôi phải chọn lấy con đường đi riêng cho tôi.”

Là một trong 5 vị tướng VNCH tự sát sau khi thi hành lệnh đầu hàng (còn Phạm Văn Phú, Nguyễn Khoa Nam, Trần Văn Hai, Lê Văn Hưng – có điều trùng hợp Lê Văn Hưng là tư lệnh Sư đoàn 5 khi mình là tư lệnh phó).

Vợ (gốc Hải Phòng di cư) ở nhà sau đó mới biết tin đành gạt lệ ôm 4 con nhỏ (từ 6-10 tuổi) vượt biên qua Mỹ làm thợ cắt tóc nuôi con. Nhưng vẫn giữ liên lạc với mẹ chồng ngoài Bắc, gửi tiền giúp đỡ bà.

Năm 1987 bà mẹ ngoài Bắc vào TPHCM gặp các con gái tìm mộ con trai chôn ở Gò Vấp đưa đi hỏa thiêu rồi đem về quê Sơn Tây thờ trong đình làng.

“Sinh Bắc tử Nam” là khẩu hiệu của cán binh, bộ đội sinh miền Bắc vào miền Nam chiến đấu, một số hy sinh sau 1975 được thân nhân vào đưa hài cốt về quê nhà miền Bắc. Trên đây là trường hợp quy cố huơng tương tự hiếm có thuộc về phía bên kia chiến tuyến cuối cùng cũng quay đầu về lại nơi chôn nhau cắt rốn mà trước kia mình từng dứt áo ra đi.

1064 - Nguyễn Đình Đầu

ĐIỂN HÌNH NGƯỜI TRÍ THỨC CÔNG GIÁO YÊU NƯỚC

Nhà nghiên cứu sử địa sinh 1920 tại Hà Nội. Sống ở TPHCM (2012).

Thời Pháp tốt nghiệp trường Bách nghệ Hà Nội, tham gia hoạt động trong những phong trào thanh niên tiến bộ thời đó như Hội Truyền bá Quốc ngữ, Hướng đạo và do mình có đạo nên cả tổ chức Thanh Lao Công (thanh niên lao động Công giáo) do giới Công giáo thành lập tạo điều kiện cho giới trẻ có đạo hoạt động xã hội. Ngay từ thời này đã bộc lộ năng khiếu và ý thích vẽ bản đồ đất nước.

Khi Cách mạng Tháng 8 thành công, được một huynh trưởng hướng đạo dẫn dắt đi theo con đường cách mạng, đưa vào chính phủ lâm thời làm phụ tá bộ trưởng bộ kinh tế quốc dân được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ đi mua gạo bị quân Lư Hán bắt suýt giết chết. Sau đó tiếp tục làm phụ tá ngoại giao trong cuộc đàm phán với Pháp, có mặt trong phái đoàn VN qua Pháp dự hội nghị Fontainebleau thất bại.

Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, không theo vào chiến khu (có lẽ do nghi ngại Cộng sản đã có dấu hiệu phân biệt đối xử với Công giáo) mà vẫn ở lại Hà Nội. Rồi được giúp đỡ qua Pháp theo học ĐH Công giáo ở Paris, tốt nghiệp cử nhân ngành khoa học xã hội năm 1953. Trong thời gian này vẫn tham gia các hoạt động Việt kiều ở Pháp ủng hộ kháng chiến chống Pháp.

Năm 1955 trở về Sài Gòn đi dạy học chuyên môn sử địa, soạn sách giáo khoa môn này. Nhân đó tìm lại thú vui vẽ bản đồ và say mê sưu tầm bản đồ cổ VN lên tới hơn 3.000 bản đồ. Song song đó góp phần khôi phục, chấn hưng phong trào Thanh Lao Công tuy thuộc Công giáo song lại có xu hướng tiến bộ ủng hộ Mặt trận Giải phóng miền Nam chống Mỹ.

Từ đó sau Hiệp định Paris ký kết 1972 đã ra mặt tham gia “Lực lượng thứ ba”, lực lượng chính trị tự cho “đứng giữa” không theo VNCH thân Mỹ cũng không theo Cộng sản với chủ trương đấu tranh tái lập hòa bình cho đất nước. Vì thế đã được Tổng thống Dương Văn Minh lên nắm quyền vài ngày trước 30.4.75 cử vào đoàn đại diện đến gặp phái đoàn Cộng sản (miền Nam) ở Trại Davis để thương thảo ngưng bắn không thành.

Sau ngày Giải phóng, “Lực lượng thứ ba” xem như dẹp tiệm nhường chỗ cho Cộng sản – chỉ có chỉ còn duy nhất một lực lượng là Cộng sản! – nên đành lui về làm thường dân.

May nhờ hai nhà khoa học cộng sản uy tín Trần Văn Giàu và Trần Bạch Đằng biết được sở học và quá trình hoạt động yêu nước của một người trí thức Công giáo tiến bộ tiêu biểu nên giúp đỡ đưa trở lại con đường chuyên môn nghiên cứu sử địa, đặc biệt nghiêng về khảo cứu địa dư, địa bạ, bản đồ VN từ xưa đến nay. Từ đó liên tiếp có nhiều công trình, tác phẩm nghiên cứu khoa học đóng góp trong lĩnh vực này.

Năm 2005 được tặng Giải thưởng Trần Văn Giàu, năm 2008 là Giải thưởng Phan Châu Trinh cho toàn bộ sự nghiệp học giả đến khá muộn màng vào cuối đời.

1065 - Phạm Hồng Thắm

LỜI HỨA CỦA NGƯỜI LÍNH

Y sĩ sinh 1958 tại Hải Dương. Sống ở Gia Lai (2011).

Vào bộ đội quân y năm 1973 chiến đấu ở miền Nam.

Năm 1986 ra quân chuyển qua làm nhân viên nhà nghỉ ở Thái Nguyên.

Sau khi lấy vợ sinh con (4 con) thấy khó sống nổi với đồng lương công nhân nên năm 1993 quyết định đem vợ con lên vùng cao Chư Pah Trai ở Gia Lai từng là chiến trường xưa trồng cà phê và nuôi bò mong thoát cảnh nghèo.

Trên quê hương mới nhờ có tay nghề y sĩ cũ nên còn giúp đỡ săn sóc, chữa trị cho trẻ em người dân tộc (đa số dân tộc J’rai) bị khuyết tật hoặc mắc di chứng CĐDC. Không chỉ thế, còn tìm mọi cách cứu sống trẻ sơ sinh người dân tộc vì hủ tục suýt bị buôn làng chôn sống mang về nuôi dưỡng. Từ đó trở thành một người cha nuôi của cả trăm trẻ khuyết tật, mồ côi, nạn nhân CĐDC.

Khi Trung tâm Phục hồi chức năng Chư Pah được thành lập giao cho làm giám đốc, đã đưa số em khuyết tật vào đây tập vật lý trị liệu, ứng dụng thuật điện châm cho các em xem như tất cả đều là con nuôi, lớn lên các em được cho đi học nghề…

Tất cả vì một lời hứa với đồng đội trước đây nếu còn sống sẽ “nuôi hộ những đứa con của người lính”. Hoàn cảnh đưa đẩy bây giờ làm việc này hy vọng “Biết đâu nới chín suối bạn bè cũng sẽ mỉm cười vui vẻ với mình. Biết bao đứa con của người lính có thể cũng đang trong cảnh này, mình giúp trẻ con ở đây thì sẽ có nhiều người giúp chúng…”

1066 - Phạm Khôi

VỀ VỚI BIỂN QUÊ MÌNH

Kỹ sư địa chất Việt kiều Canada sinh 1972 tại Sài Gòn. Sống ở Vũng Tàu (2012).

Mới 3 tuổi đã cùng gia đình di tản qua Canada tháng 4.1975.

Lớn lên theo nghiệp cha vốn là một thuyền trưởng ở miền Nam, học và tốt nghiệp kỹ sư địa chất từ năm 1997 chuyên đi tàu khảo sát địa chấn biển ở Canada lên tới tận Bắc cực lẫn Nam cực.

Khi mình đã đạt trình độ và kinh nghiệm cao tay nghề, chính người cha đã khuyên nên về giúp VN làm công tác khảo sát địa chấn biển phục vụ tìm kiếm và khai thác dầu mỏ, một lĩnh vực ở VN còn hiếm chuyên gia trong nước.

Vì thế năm 2009 chấp nhận lời mời trở về làm đội trưởng đội khảo sát địa chấn trên tàu thăm dò dầu khí của VN dù lương thấp hơn làm với nước ngoài mà lại ở xa cha mẹ: “Chuyên môn khảo sát địa chất biển ở VN không cao, chính vì thế lại càng thôi thúc mình về. Mình tin rằng sẽ làm được gì đó dù rất nhỏ bé cho quê hương đã sinh ra mình.”

Đây chính là người đội trưởng có mặt trên tàu Bình Minh 02 đương đầu với tàu hải giám Trung Quốc gây hấn năm 2011, bảo vệ vùng biển quê hương, bảo vệ tàu và đồng đội an toàn.

1067 - Phạm Mạnh Cương

CẠN NGUỒN CẢM HỨNG

Nhạc sĩ Việt kiều Canada sinh 1933 tại Huế. Sống ở Canada (2012).

Trước 75 vừa mở trường tư ở Sài Gòn vừa viết nhạc tình ca lãng mạn nhẹ nhàng nổi tiếng với những bài “Mắt lệ cho người tình”, “Thương hoài ngàn năm”, “Thu ca”… Làm các chương trình ca nhạc truyền hình, thu băng đĩa thành công.

Cùng vợ làm MC cho các chương trình đó hợp thành một đôi uyên ương văn nghệ tài sắc vẹn toàn.

Sau 30.4.75 còn ở lại. Nhưng đến năm 1980 thấy khó lòng hòa nhập được với xã hội mới nên cùng 2 con vượt biên từ Cà Mau qua Thái Lan rồi được nhập cư Canada. Lập ban nhạc chơi cho các vũ trường ở Montreal.

Năm 1983 bảo lãnh vợ và 2 con gái qua theo. Tuy nhiên vài năm sau thì hai người… chia tay!

Năm 1998 in tuyển tập nhạc “Huế còn chút gì để nhớ” xem như món quà âm nhạc cuối cùng gửi quê nhà.

Bởi từ khi bôn ba lưu lạc xứ người chỉ sáng tác được 5 bài hát vì cuộc sống, con người nay đã đổi khác, tình cảm từ đó cũng khác rồi không còn đem lại cảm hứng dạt dào tươi mới như xưa nữa: “Người nghệ sĩ muốn sáng tác với sự rung động thật sự phải có nguồn cảm hứng thật. Mà muốn có nguồn cảm hứng thật thì tâm hồn phải thảnh thơi vượt qua cuộc sống hàng ngày…”


1068 - Phạm Mạnh Đạt

MỘT ĐỜI HẠ UY CẦM

Nhạc sĩ Việt kiều Mỹ sinh 1934 tại Hải Dương. Sống ở Mỹ (2012).

Là một trong những nhạc sĩ đầu tiên chơi đàn hạ uy cầm (đàn hawai) từ thời mới du nhập vào Hà Nội những năm 1940 cùng các đồng nghiệp Nguyễn Thiện Tơ, Tạ Tấn, Đoàn Chuẩn…

Năm 1954 cùng vợ di cư vào Nam. Bị động viên đi lính trường sĩ quan Thủ Đức nhưng sau bị thương nên cho giải ngũ sớm. Từ đó tiếp tục gắn bó với sự nghiệp đàn hạ uy cầm tuy ngày càng bị các loại nhạc cụ phổ biến hơn (guitar, piano…) lấn lướt. Bắt đầu viết ca khúc năm 1957.

Đến 30.4.75 cùng vợ và 5 con lên tàu di tản qua Mỹ.

Trên xứ người tạm gác đàn lại lo đi làm lao động nhà hàng (cả dọn dẹp vệ sinh) nuôi thân rồi quay qua mở cửa hàng tạp hóa.

Đầu nhưng năm 1990 khi cuộc sống đã ổn định, gia đình sung túc mới tìm lại niềm đam mê hawai thủa nào. Mở trung tâm dạy nhạc đồng thời bắt đầu thu đĩa nhiều ca khúc do mình tự đánh đàn hawai độc tấu hoặc có phụ họa gây được tiếng vang đáng kể.

Đã ra mắt 10 đĩa nhạc hawai như vậy, trở thành hầu như là nhạc sĩ VN đàn hawai nhà nghề duy nhất ở hải ngoại và có thể cả ở trong nước nữa.

Ngoài ra còn là người đầu tiên mở chương trình Radio tiếng Việt ở TP San Jose, California. Tuy nhiên không tiếp tục công việc kinh doanh đài nữa vì muốn để dành thời gian gắn bó với tiếng đàn hawai.

Năm 2002 lần đầu tiên quay về nước, về tận làng quê nơi sinh nhau cắt rốn ở Hải Dương tặng tiền xây 2 trường mầm non, vào TPHCM ủng hộ quỹ phát triển âm nhạc cho Nhạc viện TP.

1069 - Phạm Minh Thư

MỘT MÌNH THÁO GỠ 18.000 BOM MÌN

Thượng tá bộ đội sinh 1956 tại Quảng Ninh. Sống ở Hà Nội (2012).

Đi bộ đội năm 1974.

Sau chiến tranh, năm 1979 về tiểu đoàn bảo dưỡng kỹ thuật bay đóng tại sân bay Pleiku, dần dần lên chức tiểu đoàn trưởng hàm trung tá.

Do hoạt động trong sân bay nên tận mắt chứng kiến vô số tai nạn bom mình còn nằm sâu dưới lòng đất trên một diện tích rộng bao la bát ngát phát nổ làm nhiều người cả thường dân lẫn bộ đội chết và bị thương thảm khốc mà lúc đó bộ đội công binh chưa có điều kiện và phương tiện để rà soát thu gom. Bản thân thấy vậy không khỏi đau lòng mới suy nghĩ tìm cách làm sao xóa bỏ tai họa này.

Được một đồng đội bên công binh hướng dẫn về cách tháo gỡ bom mìn, thế là từ năm 1992 tự mình lặng lẽ bắt tay vào công việc nguy hiểm chết người này (sau đó có được một đồng đội phụ giúp một thời gian rồi thôi). Do không phải là nhiệm vụ được giao phó nên phải làm toàn ngoài giờ hành chính, vào rạng sáng hoặc chiều về hoặc ngày nghỉ ngày lễ.

Cứ thế đơn thương độc mã một mình cầm dụng cụ đi “chọc” lỗ tìm dấu hiệu bom mìn lấp dưới đất, dưới cỏ, trong bụi rậm… Tìm được dấu vết bom mìn rồi mới tiến hành thao tác tháo gỡ chúng, vô hiệu hóa đem giao cho bộ phận công binh xử lý.

Làm âm thầm lặng lẽ, thậm chí còn giữ “bí mật” với gia đình nữa sợ bị can ngăn! Năm 2003 vợ mới biết khóc lóc van xin đừng làm nữa song không chịu: “Làm người ai cũng muốn có một cuộc sống bình yên nhưng không lẽ mình cứ ngồi yên để nhìn người khác chết chóc bi thương sao. Anh sẽ làm cho bằng hết…”

Bản thân cũng chấp nhận cái giá có thể hy sinh bất cứ lúc nào nên trước mỗi lần đi ra bãi bom mìn đều gấp sổ sách giấy tờ trên bàn làm việc rất cẩn thận, thu dọn phòng làm việc ngăn nắp gọn gàng, viết các nội dung kế hoạch làm việc để lại trên bàn để nếu không may mà không trở về được thì mọi người còn biết công việc mà làm!

Dầm mưa dãi nắng chiến đấu với mối đe dọa tử thần từ năm này qua năm khác khiến cân nặng từ 70kg sụt xuống còn 50kg, người khô đét đen đúa đúng là giống dân buôn phế liệu! May mà sao nhờ trời phù hộ không phụ lòng người có tâm lớn nên đã không ít lần thoát chết trong đường tơ kẽ tóc.

Kết quả sau 13 năm (đến 2005) tính đủ đã tháo gỡ được khoảng gần 18.000 quả bom mìn giết người. Từ vùng đất hoang hóa đã được làm sạch đó mới vận động đồng đội trồng hơn 100 hecta bạch đàn trước khi được điều qua làm Phó giám đốc Bảo tàng Quân chủng Phòng không – Không quân.

1070 - Phạm Ngọc Sang

“CÓ TỘI VỚI ĐỒNG BÀO”

Chuẩn tướng không quân VNCH sinh 1931 tại Gia Định – Mất 2002 ở Mỹ (72 tuổi).

Trong trận quân VNCH lập chiến tuyến tử thủ Phan Rang tháng 4.1975, là tư lệnh không quân vùng Tây Nguyên có quyền chỉ huy trên máy bay (khi cần dễ bay trốn thoát) nhưng vẫn tình nguyện xuống căn cứ dưới mặt đất để chỉ huy không quân hợp đồng tác chiến với bộ binh. Vì vậy cuối cùng bị bắt làm tù binh.

Đi cải tạo 17 năm ngoài miền Bắc, đến 1992 do bị bệnh nặng mới được cho về. Một năm sau cùng vợ con đi Mỹ nhờ con trai vượt biên trước đó bảo lãnh.

Nhưng không sống được lâu do di chứng bệnh tật thời đi cải tạo kéo dài.

Trước khi mất còn kịp viết hồi ký về trận Phan Rang với tâm sự u uẩn: “ Tôi cảm nhận rất có tội với đồng bào vì làm tướng mà không giữ được thành.”

Và trăng trối hai điều: Tất cả tiền phúng điếu gửi về giúp thương phế binh VNCH còn ở lại VN, với những đồng đội lưu vong thì nhắn nhủ “Mọi người hãy thương yêu nhau”.

(Còn tiếp)

http://sites.google.com/site/vanvietloc4/home/ho-so-hau-chien/hosohauchienky106

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Võ Chân Cửu : Chắp tay dòng đời

Đường Vân Gỗ

Con người có th làm ra được nhiu th, k c chuyn “vt đt ra nước, thay tri làm mưa” như khu hiu hành xác. Nhưng chuyn to nên đường vân g, thì nhng ha sĩ tài ba nht, cũng đu phi thua sc các dòng thc vt…

“Cần có thời gian để cho dó hóa trầm, để cho cây hóa gỗ”…Văn học và thơ ca cũng vậy, dòng chảy đến hồi cực thịnh, nó phải tự chuyển mình. “Thơ mới” bạo phát từ 1932, đến khoảng 1939 thì có những tìm tòi mới trong kết cấu vần điệu, câu từ…Năm 1942, nhóm Xuân Thu Nhã Tập với những cây bút nồng cốt là Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Xuân Sanh, Phạm Văn Hạnh ra Tuyên ngôn nghệ thuật với mục đích “mở cánh cửa vào thẩm mỹ hiện đại”. Ngôn ngữ thơ muốn kết hợp thanh điệu của trời tây với âm hưởng của Á Đông trầm lắng. Mặc dù ngay lúc này, nhiều người cho đó là lối thơ “tắc tị”, sự tồn tại của trường thơ này khá ngắn ngủi (đến 1945, do biến cố lịch sử) nhưng hiệu ứng mà nó mang lại là không nhỏ. Xuân Thu Nhã Tập theo điển tích ngôn ngữ ca ngợi quy luật vận hành một năm cây cỏ hai mùa ra hoa kết trái; thơ ca như bước chân hòa điệu cho cõi “đạo” và đời biểu hiện trong sự mầu nhiệm của thanh âm, ngôn ngữ.

Đi tìm

Văn học Miền Nam sau 1954 sau bùng phát của trường thơ “tự do”, lớp cầm bút trẻ như lung túng giữa các kiểu “tượng trưng” và “siêu thực”. Chiến tranh ngày càng gây nên bao cảnh điêu tàn nên họ “tuyên ngôn” chối từ các tiện nghi văn minh, tìm đến thiên nhiên đích thực. Những câu thơ “Từ núi rừng Lục Tuyết” của Nguyễn Miên Thảo (NMT) xuất hiện trên Tuần báo Khởi Hành 1969 chính là một trong những đỉnh cao trong các sáng tác của anh và bạn hữu lúc này:

… Đây căn nhà gỗ quý

Lá mây che mưa nguồn

Một đời ta khốn khó

Về đây làm trích tiên

Đời một vạn gian nan

Biết làm gì thêm mệt

Ta trốn vào rừng thẳm

Dạy các em làm người

Một điều ta nhắc nhở

Đừng tin gì hôm nay…

Và anh hùng hồn tuyên bố:

…Ở đây rất bình yên

Bom đạn không thể tới

Ta ăn toàn thú rừng

Gạo đổi từ miệt dưới

Có rất nhiều mật ong

Thứ mật ong nguyên chất

Ta có cái ống điếu

Đẹp hơn đồ văn minh…

NMT thuộc nhóm các cây bút mới xuất hiện ở Huế, gồm “San, Tụng, Thuyên, Quảng, Ngữ” (Tụng là tên thật của NMT) * . Nhưng sau lời dặn dò “Đừng tin gì hôm nay”, dòng đời đã cuốn số phận mỗi người mỗi khác…San và Tụng ngấm ngầm “thiên tả”, và kết cục dòng đời cũng khác nhau…

Căn gác nhỏ dưới tàn cây vú sữa” của chúng tôi (có NMT ở nhờ) khoảng năm 1972-1973 liên thông những đường hẻm ngoằn ngèo của vùng giáp ranh giữa Quận 3 và xã Phú Nhuận. Khu xóm nhỏ này vô tình tụ hội nhiều thế hệ làm văn nghệ. Bên trái là gia đình bên vợ họa sĩ Ngọc Dũng; gác trước có Phạm Chu Sa mới bước chân vào tòa soạn Tuổi Ngọc; phòng có tôi thường xuyên có mặt bạn văn đủ mọi khuynh hướng. Nhà Joseph Huỳnh Văn phía sau lưng không xa. Dưới đường hẻm, đêm đêm một nhóm bạn 2-3 người này vẫn rầm rì chuyện văn chương, tạp chí khi tản bộ qua. Joseph Huỳnh Văn là “linh hồn” của tờ Tập san Văn Chương muốn đem tới một thẩm mỹ khác lạ giữa thời buổi bế tắc. Từ căn gác của chúng tôi, có Nguyễn Lương Vỵ sau đó rất gắn kết, in thơ trên tạp chí này.

Từ chối

…”Trong một vài giòng mở đầu gửi người đọc, chúng tôi chọn lực nói sự thực đó để nói rằng viết nghĩa là tin tưởng vào những chữ, rằng chúng tôi còn viết bởi vì chúng tôi còn tin tưởng, một cách nào đó, vào những chữ.

Chúng tôi từ chối một tuyên ngôn về văn chương, vì bất cứ một người nào cầm bút để làm văn chương đều phải biết tự xét, một cách thẳng thắn, để nhận ra rằng hắn không iết gì nhiều về những chữ hắn sẽ viết ra…

Chúng tôi từ chối một tuyên ngôn còn vì chúng tôi nghĩ rằng, một cách triệt để, thì không một chữ nào được phép nói thay thế cho một chữ nào khách. Để nói đầy đủ, trung thực và triệt để cho những chữ nào(chẳng hạn những chữ của một “trường phái”, những chữ làm nên một “trường phái” văn chương nào) không có gì đầy đủ, trung thực và triệt để cho bằng chính những chữ đó. Những chữ không thể nói về những chữ. Mỗi tác của mỗi người viết là một tuyên ngôn xứng hợp với chính nó hơn bất cứ những chữ nào khác, những lời lẽ nào khác.Chính những chữ sẽ được viết ra (của một người nào) sẽ trả lời (một cách riêng tư)cùng một lúc tất cả những câu hỏi này : Tại sao anh viết, anh viết cái gì, như thế nào, anh viết để làm gì, điều anh viết đáng giá bao nhiêu…đồng thời trả lời câu hỏi: văn chương, với anh, là gì, anh làm một thứ văn chương như thế nào, một thứ văn chương nào vậy ?

Nghĩa là, cùng một lúc, nói tất cả những điều người ta chờ đợi ở một bản “tuyên ngôn”.

Theo chú thích của NXB Giấy Vụn (trong phần phụ lục tập Thơ Joseph Huỳnh Văn xuất bản 3-2011) thì đây là bài viết của những người chủ trương Tập san Văn Chương tại bản in số thượng tuần tháng 5-1973, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của Joseph Huỳnh Văn. “Không phải là Tuyên ngôn”, nhưng những dòng trên đã chính là một tuyên ngôn nghệ thuật. Có lẽ không cần giải thích gì thêm vì những vấn đề được nêu ra đã được đặt ra từ ngàn đời nay, có trả lời them cũng chỉ rơi vào vòng xà quầng. Điều có thể nhận ra là nhóm này này đề cao vai trò của “chữ”, nói dễ hiểu hơn là xu hướng “nghệ thuật vị nghệ thuật” đã có từ ngàn đời nay. Nhưng nhữ “chữ” và “âm” của nó đã diễn tả được những điều cần diễn tả: cái đẹp. Điều này rất rõ trong bài thơ Mùa Cầm Xanh của Joseph Huỳnh Văn.

Hồng tuôn, em trắng nuốt dương tay

Thôi đã nghìn xưa hương khói bay

Đàn im, tôi biết làm sao thấy

Reo rắt, em tinh khiết buông tay

Réo rắt, em trong suốt như mây

Ôi khúc cầm dương sầu quý phái

Đàn ai ngăn ngắt trời tây phương

Xanh đóa hồn tôi xanh lá lê

Trong vườn tôi xanh đẫm tinh sương

Ôi khúc cầm xanh

sầu quý phái

Mưa trầm xanh cầm mộ ngát xanh

Tập thơ do Giấy Vụn xuất bản lấy bản do chính tác giả sửa chữa , vài câu không như bản được trích dẫn trên đây trong Tập san Văn Chương ngày xưa, nhưng tinh thần nghệ thuật không có gì khác với “tuyên ngôn” đã nêu. Hướng duy mỹ này, cách nay 70 năm (1942), Nguyễn Xuân Sanh đã từng thể hiện trong bài Buồn Xưa:

…Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi

Hồn xanh ngát chở dấu xiêm y

Rượu hắt bầu vàng cung vấn vương

Ngón hương say tóc nhạc trầm mi

Lẵng xuân

Bờ giữ trái xuân sa

Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà

Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm

Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa…

Nghệ thuật là một đường vòng quanh co. Những gì anh cho là mới mẻ thì trăm năm xưa, ngàn năm xưa có thể đã có người khai phá ? Nhưng Tập san Văn Chương đến nay vẫn để lại dấu ấn khá đẹp trong lòng những người làm văn nghệ trước 1975. Điều này, trước tiên có lẽ nhờ ở…tư cách của người sáng tạo. Joseph Huỳnh Văn sinh năm 1942 trên vùng đất Quảng Đà. Ông nguyên được đào tạo trong một trường dòng, lớn lên lại ra đời nhập thế, đi dạy học. Người làm thơ muốn tìm cái đẹp trong từng chữ này có những câu thơ có thể gây thắc mắc:

Em đẹp như cách mạng

Vành khăn tang thấm đỏ giữa chiều vàng

Em đẹp như nát tan

Thuở bình minh

rạng rỡ xa nhau

Ôi vừng dương

vừng sầu

Em đẹp như hoàng hôn đổ máu

thầm giấu tên chúng ta

….

Ôi ! những người kiêu hãnh chẳng ngày mai

đẹp tàn phai

….

vì lòng hoài cách mạng

(MĨ TỪ điệu)

Những năm tháng này, hai chữ “cách mạng” như một biểu tượng trong 2 thế lực xung đột. Người nghệ sĩ, có thể biện hộ đây là “cách mạng” trong vẻ đẹp ngôn ngữ. Người khảo luận lại thích nhìn vào nhân than và những nguồn gốc sâu xa tạo nên cảm xúc.

Thi sĩ Joseph Huỳnh Văn tên thật là Huỳnh Văn Hiến. Ông có người anh ruột tên Huỳnh Văn Trọng, một trong những nhà tình báo của phe “cách mạng”, từng leo lên tới chức cố vấn đặc biệt (cùng với tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ) của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Năm 1969, vụ án gián điệp đổ bể, Huỳnh Văn Trọng bị bắt, đến 1973 được trao trả về phe “Chính phủ Cách Mạng lâm thời Miền Nam VN” tại Lộc Ninh. Nhà văn Cao Huy Khanh trong tập Chân dung “Những số phận đặc biệt” đang biên soạn truyền mạng, phần viết về Joseph Huỳnh Văn cũng xác nhận rõ mối quan hệ đặc biệt này.

Nhưng cần nói rõ, Joseph Huỳnh Văn là một nghệ sĩ thứ thiệt ! “Cách mạng” của đời thực và trong thơ ca có thể là biểu tượng của cái đẹp. Không như Nguyễn Miên Thảo sau 30-4 từ rừng về, xuất hiện tại nhà tôi trong bộ bà ba đen, lập tức bị Nguyễn Đức Sơn tới mò quanh bụng xem thử có dắt cây súng lục không ! Ngay sau 30-4, Joseph Huỳnh Văn đi làm thợ mộc. Nhưng trong nghề mộc, anh lại chỉ chọn chuyên phần đánh vẹt-ni trên gỗ. Những đường vân từ cây có khi lại đẹp hơn chữ nghĩa, mỗi loại gỗ phải đánh theo một cách để vân lộ ra hơn hay ẩn giấu. Anh mất tháng 2-1995. Khi đó chiếc đi-văng có hộc làm chỗ đựng đồ mà năm 1981 anh chở tới tận nhà cho tôi khi tôi tay trắng về lại Sài Gòn kiếm sống vẫn chưa phai lớp vẹc-ni ban đầu.

(còn tiếp)

Võ Chân Cu

http://www.gio-o.com/VoChanCuu.html

* VIẾT THÊM CHO RÕ:

Bạn Võ Chân Cửu thiếu tên của tôi rồi. Chính ra là " San, Tụng, Hiền, Thuyên, Quảng, Ngữ" sau này có thêm Hầu là 7 người. Đây là nhóm văn nghệ lấy tên là " NỘI DUNG" vào khoảng những năm 60 ở Huế. Đã từng xuât bản tập thơ đầu tay của Nguyễn Miên Thảo : Hãy thức dậy cùng ta thầm lặng đêm nay. Đã từng đọc thơ ở Trường Đại học Sư Phạm Huế vào khoảng mùa đông 1967 trước Tết Mậu Thân. Và đã từng dự định ra 1 tập san văn học, có quảng cáo trên báo Bán nguyệt san VĂN hồi ấy. Bút danh của 7 người nói trên là: Thái Ngọc San (đã mất năm 2005), Nguyễn Miên Thảo, Từ Hoài Tấn, Hồ Trọng Thuyên (anh này là họa sĩ không trường lớp, có làm mấy bản nhạc, chơi đàn ghi-ta và hát rất hay, hiện định cư ở, Mỹ), Mường Mán, Ngụy Ngữ, Phạm Tấn Hầu. Sau này dĩ nhiên mỗi người có một cuộc sống và một con đường khác, không cần phải bàn luận thêm.