Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2018

‘99% nhà văn Pháp không sống bằng nghề viết văn’





Tác giả best-seller tại Pháp David Foenkinos cho biết không quá 30 nhà văn nước này sống chỉ bằng nghề viết.
David Foenkinos là một trong những nhà văn đương đại nổi tiếng nhất ở Pháp hiện nay. Ngoài ra ông còn là đạo diễn của một số phim chuyển thể. Tại Việt Nam, có ba tác phẩm của ông đã phát hành, gồm: Mối tình Paris, Chỉ tại vợ tôi gợi tình, Những lần ta chia tay, và sắp tới là Charlotte.
Trong khuôn khổ Tuần Văn học Pháp tổ chức lần đầu tại Việt Nam với chủ đề “Từ trang sách đến màn ảnh”, David Foenkinos cùng đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp có buổi giao lưu với độc giả Hà Nội về tiểu thuyết và những bộ phim ông chuyển thể vào tối 15/11. Zing.vn ghi lại cuộc trò chuyện.

Tôi có tình yêu lớn với văn chương

- Bạn đọc Việt đã biết tới ba cuốn tiểu thuyết của ông nhưng chưa biết nhiều về tác giả viết ra chúng. Ông có thể giới thiệu một chút về mình?
- Tôi là nhà văn Pháp, sinh tại Paris, tôi 44 tuổi, dù các bạn thấy tôi trẻ hơn tuổi rất nhiều phải không? (cười). Tôi viết chủ yếu là tiểu thuyết. Nhờ tiểu thuyết tôi được đi nhiều nơi, lắng nghe, chia sẻ các câu chuyện của mình với các bạn. Đó cũng chính là nguồn cảm hứng vô tận cho tôi sáng tạo.
Ngoài viết tôi còn làm những công việc khác. Là nhà văn, biên kịch, đạo diễn… ở khía cạnh nào tôi cũng thấy mình may mắn.
‘99% nha van Phap khong song bang nghe viet van’ hinh anh 1
Nhà văn David Foenkinos trong một thư viện tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hồng
Tôi có tình yêu lớn với văn học. 16 tuổi, tôi bị bệnh tim, cận kề cái chết. Ở giữa ranh giới sống chết, tôi tìm thấy niềm ham sống. Tôi thích nhạc jazz và tự tìm hiểu, tôi lang thang tại các bảo tàng, tôi yêu cái đẹp. Tôi viết văn từ đó.
Ban đầu, các tiểu thuyết cho thanh thiếu niên không thành công lắm, nhưng tôi không nản. Tôi thấy mình sinh ra để viết, ngày nào tôi cũng viết. Tôi gửi bản thảo qua bưu điện tới các nhà xuất bản. Không ngờ, một ngày đẹp trời sách tôi được in, được bạn đọc yêu thích.
Khi viết Mối tình Paris tôi 36 tuổi. Tác phẩm thay đổi cuộc sống của tôi, nó thành công ở Pháp và nhiều nước trên thế giới. Mọi người khuyên tôi chuyển thể tiểu thuyết thành phim. Bộ phim cũng được yêu thích.
- Là tác giả tiểu thuyết giúp gì cho ông trong vai trò của một đạo diễn khi ông chuyển thể chính tác phẩm văn chương của mình sang điện ảnh?
- Vì tôi viết câu chuyện này, nên khi làm phim tôi viết kịch bản luôn. Điều đó giúp tôi có thể giải thích rõ cho diễn viên những diễn biến nội tâm, điều cần biểu đạt.
Câu chuyện diễn ra trong bảy năm, nhưng khi quay phim lại không ghi hình theo trình tự thời gian. Tôi nắm rõ cốt truyện, nội dung, nhân vật nên có thể giải thích để diễn viên nắm bắt chính xác tâm lý nhân vật cần thể hiện.
- Có nhiều độc giả đọc, cảm nhận tiểu thuyết của ông theo cách riêng của họ, liệu họ có thất vọng nếu bộ phim dựng lên không giống họ tưởng tượng khi đọc truyện?
- Có rất nhiều phản ứng khác nhau của người đọc sách rồi xem phim. Bởi tác phẩm văn học khiến họ xây dựng một thế giới tưởng tượng riêng của họ. Khi bạn đọc tiểu thuyết trước khi xem phim chuyển thể, bạn đã ngấm câu chuyện rồi.
Bạn đã tưởng tượng ra câu chuyện theo cách của bạn, bạn không thể chấp nhận được câu chuyện trên điện ảnh (câu chuyện của đạo diễn, diễn viên và ê-kíp làm phim). Mỗi người có một tưởng tượng riêng, rất ít khi hình ảnh phim đáp ứng đúng tưởng tượng của bạn.
Có một kỷ niệm vui là có người hỏi tôi rằng nhân vật nữ chính trong truyện ông viết cô ấy tóc vàng, tại sao khi lên phim tóc của cô ấy lại màu khác. Sự thật, trong truyện tôi có bao giờ đề cập đến màu tóc của cô ấy đâu. Mỗi người có một cách nhìn riêng, xây dựng hình ảnh riêng cho mình.
Nên việc chuyển thể rất khó khăn, đặc biệt là những tác phẩm văn học đã nổi tiếng, bởi nhiều khi người xem không nhận, không nhìn thấy mình trong đấy, hoặc những đánh giá, hình dung của họ không hiển thị trên phim.
Phim là một cách, truyện là một cách hiển thị khác nhau. Chúng ta không nên so sánh.
‘99% nha van Phap khong song bang nghe viet van’ hinh anh 2
Mối tình Paris - tiểu thuyết được chính David Foenkinos chuyển thể thành phim.
- Khi chuyển thể tiểu thuyết thành phim, ông có làm thay đổi tác phẩm? 
- Ngoài chuyển thể truyện của mình, tôi từng vài lần chuyển thể truyện của nhà văn khác lên phim. Sau khi chuyển thể, đúng là quan hệ giữa tôi với nhà văn không còn được tốt đẹp. Nhưng cũng có hai lần phim chuyển thể của tôi rất thành công, được công chúng Pháp yêu thích.
- Trong phim “Mối tình Paris” chẳng hạn, có chi tiết nào mà tiểu thuyết không thể hiện tốt, nhưng phim lại biểu đạt sâu hơn không?
- Tôi nghĩ cả hai môn nghệ thuật đều có giá trị bổ sung cho nhau. Có những điều sách có được thì phim lại không làm được, có những điều phim thể hiện tốt nhưng truyện lại khó mà diễn đạt hay. Cả hai đều có thể bổ khuyết cho nhau.
Từ thực tế sáng tác, tôi thấy ở những chi tiết hài hước, phim ảnh dễ diễn đạt hơn tiểu thuyết.

Tôi may mắn sống được bằng nhuận bút

- Phần nhiều nhà văn Việt phàn nàn không sống được bằng nghề viết. Là nhà văn triệu bản sách ở Pháp có giúp ông có cuộc sống dễ thở?
- Có lẽ không cứ nhà văn Pháp hay nhà văn Việt chật vật với nghề viết đâu. Bởi ở Pháp, 99% người viết văn không sống bằng nghề của mình được.
Điều may mắn của tôi là sống được bằng tiền nhuận bút, và tôi sống đàng hoàng. Vì tôi may mắn bán được nhiều sách, sách được dịch ra 40 thứ tiếng, tôi có các tác phẩm chuyển thể phim nữa.
Xuất thân của tôi từ gia đình không dư dả. Nhưng khi gặp duyên viết sách, may mắn sách bán được. Ở Pháp có lẽ không quá 30 người viết văn chỉ sống bằng nghề viết.
‘99% nha van Phap khong song bang nghe viet van’ hinh anh 3
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp và nhà văn David Foenkinos trong buổi giao lưu với công chúng Hà Nội tối 15/11. Ảnh: Nguyễn Hồng
- Bên cạnh viết văn, ông còn là biên kịch, đạo diễn, và cũng yêu thích sân khấu. Vậy ông thích công việc nào nhất?
- Nếu phải lựa chọn chỉ làm một việc gì thì đó là điều quá khó, bởi tôi thích hết, tôi muốn làm hết những công việc ấy.
- Trong số những tiểu thuyết đã viết, vậy tác phẩm nào khiến ông hài lòng hơn cả?
- Charlotte. Đó là nhân vật tôi rất ngưỡng mộ. Charlotte sống ở Đức và Pháp những năm 1930-1940. Cách đây 10 năm thôi, tình cờ tôi có cơ hội biết về họa sĩ thiên tài này. Tôi đã viết lại cuộc đời của bà.
Tôi rất vui khi cuốn sách được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Các bạn sẽ khám phá trong sách này không chỉ một họa sĩ thiên tài mà còn là đời thực của bà, một người rất dũng cảm, một cuộc đời gay cấn.
Khi viết cuốn sách này, nhân vật đã bị lãng quên, không còn nhiều tư liệu về bà. Tôi đã đi tìm các nhân chứng, tìm tài liệu, mất rất nhiều thời gian. Điều tôi muốn giới thiệu ở đây không chỉ tiểu sử của bà, mà còn có phần khác, liên quan đến văn học rất nhiều.
Đây là tiểu sử về Charlotte, nhưng cũng có những chi tiết nói lên việc vì sao cuộc đời bà có những yếu tố phi thường. Tôi hài lòng vì sau cuốn sách của mình, Charlotte được biết tới nhiều hơn ở Pháp.
David Foenkinos là một trong những nhà văn đương đại nổi tiếng nhất ở Pháp hiện nay. Tiểu thuyết đầu tay Sự đảo ngược của chứng ngu của ông xuất bản năm 2002, được giới phê bình chào đón và chú ý. Năm 2004, Chỉ tại vợ tôi gợi tình mang lại cho ông giải Roger-Nimier, tạo đà cho sự nghiệp văn chương.
Năm 2009, Mối tình Paris chính thức nâng David lên hàng các tác giả nổi tiếng. Tác phẩm tinh tế, nhạy cảm, đề cập một cách vị tha đến chủ đề cái chết và câu hỏi hiện sinh muôn thuở: “Liệu chúng ta còn có thể mở lòng mình sau khi đã mất tình yêu lớn trong đời?”.
Mối tình Paris đã được chính David Foenkinos tham gia chuyển thể thành phim, cùng lúc được đề cử hai giải César dành cho phim đầu tay và kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất.
Năm 2014, ông cho ra mắt Charlotte, cùng lúc giành hai giải thưởng văn học danh giá là Renaudot và Goncourt des lycéens. Đây là hiện tượng thực sự của văn học Pháp với gần 1 triệu bản in được tiêu thụ.
Tần Tần (ghi)
https://news.zing.vn/99-nha-van-phap-khong-song-bang-nghe-viet-van-post892838.htm

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2018

Người tình cuối trong cuộc đời Hồ Xuân Hương là ai?



Mối tình cuối cùng của Hồ Xuân Hương là với Tham hiệp trấn Yên Quảng Trần Phúc Hiển vào khoảng năm 1814 -1818, đây có lẽ là thời gian hạnh phúc nhất của bà.
Nữ sĩ họ Hồ là một tài thơ hiếm thấy và có mối kết giao rộng rãi với các bậc văn nhân tài tử đương thời. Xuân Hương từng kết bạn với Nguyễn Du, Tốn Phong Thị, Chiêu Hổ, Tham hiệp trấn Sơn Nam Hạ Trần Quang Tỉnh.... và đã làm lẽ vài lần.
Những mối tình của bà luôn gắn với những giai thoại lưu truyền trong dân gian và trong thơ ca. Mối tình cuối cùng của Hồ Xuân Hương là với Tham hiệp trấn Yên Quảng Trần Phúc Hiển. Hồ Xuân Hương làm vợ lẽ Trần Phúc Hiển vào khoảng năm 1814 đến 1818, và đây có lẽ là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của bà.
Nguoi tinh cuoi trong cuoc doi Ho Xuan Huong la ai? hinh anh 1
Tranh minh họa thơ Hồ Xuân Hương của Bùi Xuân Phái. 
Trần Phúc Hiển là người đàng trong. Ông vốn con nhà thi thư, năm Gia Long thứ 2 (1803), được bổ chức Hàn lâm viện thi thư, sau đó làm Tri phủ Tam Đái thuộc trấn Sơn Tây. Đến năm Gia Long thứ 12 (1813), Trần Phúc Hiển được thăng chức Tham hiệp trấn Yên Quảng, trấn lị Yên Quảng bấy giờ đóng tại Quảng Yên, nay là thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh. Trần Phúc Hiển khi đó đã có vợ ở quê nhưng người vợ không theo chồng ra Bắc nên đã lấy lẽ Hồ Xuân Hương và đến sống ở Quảng Yên.
Trong thời gian yêu và lấy Trần Phúc Hiển, Xuân Hương đã vài lần phải tạm xa chồng, bằng chứng là có hai bài thơ Nôm trong tập Lưu Hương ký ghi lại việc này. Bài thơ vừa đề tặng và cũng để nhắc nhở đấng phu quân chớ quên tình nghĩa vợ chồng.
Bạch Đằng giang tặng biệt (Tặng bạn khi chia tay ở sông Bạch Đằng)
Khấp khểnh đường mây bước lại dừng,
Là duyên là nợ phải hay chăng.
Vín hoa khéo kẻo lay cành gấm,
Vục nước xem mà động bóng giăng.
Lòng nọ chớ rằng mây nhạt nhạt,
Lời kia này đã núi giăng giăng.
Với nhau tình nghĩa sao là trọn,
Chớ thói lưng vơi cỡ nước Đằng.
Khi chồng giữ chức Tham hiệp trấn Yên Quảng, Xuân Hương đã được chồng nhờ giúp các công việc hành chính ở công đường và nổi tiếng là một tài nữ.
Trong thời gian sống cùng chồng ở Yên Quảng, Xuân Hương đã đi thăm nhiều nơi. Trấn Yên Quảng khi đó có phủ Hải Đông gồm 3 huyện (Yên Hưng, Hải Đông, Hoành Bồ) và 3 châu (Tiên Yên, Vạn Ninh, Vân Đồn) với 16 tổng, 123 phường, phố, vạn, xóm.
Nguoi tinh cuoi trong cuoc doi Ho Xuan Huong la ai? hinh anh 2
Tranh Thi sĩ Hồ Xuân Hương của họa sĩ Phùng Dzi Thuần.
Vịnh Hạ Long - vũng Hoa Phong đã gây cho bà những ấn tượng đặc biệt, chùm thơ chữ Hán của Xuân Hương viết về vịnh Hạ Long là cảm nhận riêng về cảnh vật, con người và những hoạt động trên vùng quê sông nước.
Năm bài thơ chữ Hán đó là Độ Hoa Phong (Qua vũng Hoa Phong), Trạo ca thanh (Trỗi tiếng ca chèo), Nhãn phóng thanh (Mắt tỏa màu xanh), Thủy vân hương (Về chốn nước mây) và Hải ốc trù (Nghóng đỉnh Toan Ngoan). Cả năm bài thơ về Vịnh Hạ Long đều ghi lại những cảnh đẹp khác nhau của vùng biển và con người nơi đây. Dưới đây là bài Độ Hoa Phong (Qua vũng Hoa Phong):
Lá buồm thủng thỉnh vượt Hoa Phong,
Đá dựng bờ son mọc giữa dòng.
Dáng nước lần theo chân núi chuyển,
Mình lên nghiêng lối để duềnh thông.
Cá rồng lẩn nấp hơi thu nhạt,
Âu lộ cùng bay bóng xế hồng.
Băm sáu phòng mây cùng động ngọc,
Đâu nào là cái Thủy tinh cung?
(Hoàng Xuân Hãn dịch)
Nhưng ngày vui chẳng được bao lâu, năm Gia Long thứ 17 (1818), Trần Phúc Hiển bị người châu Vạn Ninh (Móng Cái) tố cáo nhận hối lộ, Phúc Hiển bị bắt giam và bị xử tử vào năm sau (1819).
Sau năm 1819, câu hỏi về cuộc đời Xuân Hương vẫn còn bỏ ngỏ. Có ý kiến cho rằng sau đó Xuân Hương đã lên núi Yên Tử viết đơn, mong giải cứu cho chồng...

Uông Triều
https://news.zing.vn/nguoi-tinh-cuoi-trong-cuoc-doi-ho-xuan-huong-la-ai-post892608.html

Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2018

Dấu ấn vàng son của cải lương chặng đường 100 năm

Dòng chảy cổ nhạc từng đạt dấu mốc huy hoàng với hàng trăm đoàn hát và nhiều tượng đài nghệ sĩ vào thập niên 1950-1960.

Năm 2017 - 2018 đánh dấu chặng đường một thế kỷ phát triển của cải lương - bộ môn nghệ thuật "đặc sản" của Việt Nam, nhất là với người dân Nam bộ. Trong khoảng 100 năm phát triển, cải lương trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Cải lương hình thành giữa phong trào canh tân đầu thế kỷ trước, phát triển hưng thịnh vào thập niên 1950 - 1960, rồi dần tụt dốc vào đầu những năm 1990.
Cải lương ra đời khi nào?
Độ chính xác về năm ra đời bộ môn nghệ truyền thống Nam bộ còn là điều gây tranh luận. Năm 1966, giới văn học Sài Gòn tổ chức chương trình Kỷ niệm 50 năm cải lương tại trường Quốc gia Âm nhạc (Nhạc viện TP HCM ngày nay), hội tụ đông đảo trí thức Sài Gòn đương thời. Điều này đồng nghĩa nhiều văn nghệ sĩ lúc đó mặc định sân khấu cải lương ra đời vào năm 1916. Tuy nhiên, theo cuốn Nghệ thuật sân khấu Việt Nam của tác giả Trần Văn Khải - xuất bản cuối năm 1970, cải lương ra đời vào năm 1917. Cố Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê nêu cải lương chào đời năm 1918 trong luận án tiến sĩ của ông tại Văn khoa (môn Nhạc học) của Đại học Sorbonne, Pháp. Còn trong cuốn hồi ký 50 năm mê hát của học giả Vương Hồng Sển bày tỏ sự bối rối về gốc tích và thời gian khai sinh cải lương. Theo học giả, mốc thời gian này có thể dao động trong khoảng 1918 - 1919 đến năm 1922. "Cải lương là đứa con không cha nên mạnh ai muốn khai tên cha mẹ và khai năm sanh tháng đẻ làm sao cũng được", Vương Hồng Sển từng ví von. 
Thầy Năm Tú - người lập ra một trong những gánh cải lương đầu tiên ở miền Nam vào đầu thập niên 1920 và phổ biến cải lương nhờ phát hành đĩa hát. Ảnh tư liệu.
Thầy Năm Tú - người lập ra một trong những gánh cải lương đầu tiên ở miền Nam vào đầu thập niên 1920 và phổ biến cải lương nhờ phát hành đĩa hát. Ảnh tư liệu.
Cải lương là loại hình phát triển, cách tân từ bộ môn đàn ca tài tử và hát bội. Trong quyển Bước đường của cải lương (NXB Tổng hợp TP HCM, 2018), tác giả Nguyễn Tuấn Khanh cho biết, sau bảy năm tìm hiểu và đúc kết nhiều nguồn tư liệu, ông nhận thấy cải lương hình thành từ ca ra bộ (ca thay phiên) - biến thể của đờn ca tài tử. Công đầu đưa cải lương bước ra sân khấu thuộc về các văn sĩ Hồ Biểu Chánh, Đặng Thúc Liêng, theo học giả Vương Hồng Sển. Hồ Biểu Chánh khi ấy đã cùng nhiều bạn bè là các đốc phủ lập ra gánh hát dạo, lưu diễn từ Sài Gòn đến lục tỉnh miền Tây. Đặc trưng các tuồng thời kỳ này là hát nửa bội, nửa kịch, mặc xiêm y áo giáp thời xưa nhưng hát, nói suông, diễn tả một cách tân thời cho dễ nhớ, dễ nghe.
Theo sách Nghệ thuật sân khấu Nam bộ (NXB Tổng hợp TP HCM) của tác giả Thiện Mộc Lan, từ "cải lương" mang ý nghĩa là sự kết hợp của hai thể loại ca và kịch. Phần ca xuất phát từ giai đoạn cổ nhạc phát triển cao trào từ năm 1909 đến năm 1914. Phần kịch ra đời dựa trên khởi xướng của nhiều giáo sư người Pháp - nhằm đưa môn kịch nghệ sang Việt Nam phục vụ cho quân đội. Soạn giả cải lương đầu tiên - ông Trương Duy Toản, với các vở như Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều, Lưu Bình Dương Lễ... - cũng là dân Tây học. Vở tuồng Kim Vân Kiều của Trương Duy Toản biểu diễn tại rạp thầy Năm Tú đã được xem là một trong những vở khai sinh nghệ thuật cải lương.
Phát triển rực rỡ
Hàng loạt gánh hát ra đời chuẩn bị nền tảng cho bộ môn nghệ thuật thuở sơ khai như: gánh Thầy Thận Sa Đéc, Thầy Năm Tú, gánh hát kim thời "Đồng bào Nam" Mỹ Tho... Tiếp đó, những gánh đầu tiên của thập niên 1920 - 1930 được ra mắt như Nam Đồng bang, Phước Cương, Huỳnh Kỳ, Hồng Nhựt, Nghĩa Hiệp bang... Trong đó, hai bang Phước Cương và Trần Đắc nổi lên với các tuồng đa thể loại, từ tuồng tích của Trung Quốc, loại xã hội đến các tuồng phóng tác như Tơ vương đến thác, Giá trị và danh dự... Sang thập niên 1930 - 1940, nhiều gánh mới tiếp tục được thành lập, tạo nên bức tranh sống động, đa diện của cải lương đương thời, với các gánh hát Phi Phụng, Phụng Hảo, Thái Bình... Loạt gương mặt nghệ sĩ xuất sắc thời kỳ này như Năm Châu, Phùng Há, Năm Phỉ, Bảy Nam, Bảy Nhiêu, Ba Vân, Út Trà Ôn... đánh dấu mốc son rực rỡ mới của cải lương.
Vở Xử án Bàng Quý Phi do các nghệ sĩ Năm Phỉ, Bảy Nhiêu... biểu diễn tại Paris năm 1931 (Ảnh: bộ sưu tập của Clemens Radauer)
Vở "Xử án Bàng Quý Phi" do các nghệ sĩ Năm Phỉ, Bảy Nhiêu... biểu diễn tại Paris năm 1931. Ảnh trong bộ sưu tập của Clemens Radauer - một nhà sưu tập người Áo.
Trải qua vài năm chững lại vì khủng hoảng kinh tế, sau năm 1945, cải lương tiếp tục đi lên với hàng loạt gánh hát như Con Tằm, Hậu Tấn Năm Nghĩa, Hậu Tấn Bảy Cao, Minh Tơ... cùng các bang được tái lập như Phụng Hảo, Sao Mai... Hai gánh hát Thanh Minh, Hoa Sen ra đời, thay thế cho hai đoàn Năm Nghĩa và Bảy Cao và đều trở thành những đoàn cải lương đại bang sau này.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Thiện Mộc Lan, từ năm 1955 đến đầu thập niên 1960, cải lương đạt mốc phát triển thịnh vượng nhất ở miền Nam. Nhiều đoàn hát trỗi dậy và tạo được tên tuổi như Kim Thanh, Kim Chung, Thanh Minh (sau đổi thành Thanh Minh - Thanh Nga), Kim Chưởng, Song Kiều, Út Bạch Lan - Thành Được, Dạ Lý Hương, Hương Mùa Thu... Mỗi gánh hát lớn lại mạnh về một thể loại riêng. Chẳng hạn, đoàn Dạ Lý Hương của ông bầu Xuân thiên về tuồng đời sống hiện đại, với cảnh vũ trường, quán bia ôm... trên sân khấu; đoàn Kim Chung của ông bầu Long chuyên về tuồng kiếm hiệp, diễm tình, đoàn Thanh Minh của bà bầu Thơ khai thác mảng tâm lý xã hội, đoàn Minh Tơ, Huỳnh Long chuộng cải lương hồ quảng...
Mỗi đoàn một vẻ, tựu trung lại thành một giai đoạn đầy màu sắc của sân khấu cải lương thời hoàng kim. Thời điểm này, cải lương có khoảng 100 đoàn hoạt động từ vĩ tuyến 17 đến Cà Mau, được miêu tả là giai đoạn "trăm hoa đua nở". Riêng Sài Gòn có khoảng 40 đoàn cải lương với 20 "lò" luyện cổ nhạc...
NSND Phùng Há - một trong những tên tuổi đại diện cho thời vàng son của cải lương. Ảnh tư liệu.
NSND Phùng Há - một trong những tên tuổi đại diện cho thời vàng son của cải lương. Ảnh tư liệu.
Nhiều nghệ sĩ trở thành thần tượng của giới mộ điệu, đánh dấu "thời kỳ vàng" như Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường, Tấn Tài, Dũng Thanh Lâm, Minh Cảnh, Minh Phụng, Thanh Nga, Ngọc Giàu, Minh Vương, Lệ Thủy, Út Bạch Lan, Thanh Sang... Các suất hát cải lương ở Sài Gòn đều đông kín khán giả đến xem. Cuộc sống các nghệ sĩ - soạn giả ngày một sung túc. Cùng đó, một giải thưởng cho lĩnh vực cổ nhạc là Thanh Tâm - lấy tên của một ký giả nổi tiếng đương thời, được tổ chức từ năm 1958 đến 1967. Người nhận giải đầu tiên là cố NSƯT Thanh Nga - cũng là nghệ sĩ được mệnh danh "nữ hoàng sân khấu" sau này. Sự phát triển của cải lương còn lấn át cả tân nhạc, khiến nhiều nghệ sĩ - tiêu biểu là Hùng Cường - chuyển lĩnh vực và đạt được nhiều thành công.
Trong một bài phỏng vấn với VnExpress, NSND Lệ Thủy miêu tả vào thời vàng son của cải lương, mỗi đêm diễn, người xem phải sắp hàng mua vé chợ đen. "Hồi xưa đi hát, khoảng 200 vé là diễn viên chê. Phải cả nghìn vé trở lên thì đêm hát mới diễn ra. Từ sáng sớm, các xe đi phát tờ bướm đông vui, rôm rả. Còn nhiều vùng quê chưa có đèn điện, phải chạy điện bình. Mỗi lần ghe hát về đến ngã tư sông, người ta kéo đến đông như ngày hội", Lệ Thủy hồi tưởng.

 Lúc này, sân khấu đón nhận hàng loạt gương mặt soạn giả được yêu thích như Điêu Huyền, Viễn Châu, Hà Triều - Hoa Phượng, kết hợp với lớp soạn giả đàn anh như Năm Châu, Trần Hữu Trang, Lê Hoài Nở... tạo nên một hệ thống kịch mục đồ sộ cho cải lương Nam bộ. Dấu ấn trong thời kỳ này là việc ra đời thể loại tân cổ giao duyên, đưa cải lương, vọng cổ lên một nấc thang mới. Người đi đầu trong những tác phẩm thể loại này là "vua vọng cổ" - NSND Viễn Châu. Nhiều bản tân cổ của ông chiếm lĩnh sân khấu, tiêu biểu là Câu chuyện đầu năm (Minh Vương - Thanh Kim Huệ), Thương về miền Trung (Thanh Tuấn), Nỗi buồn hoa phượng (Minh Phụng - Hương Lan), Trương Chi - Mỵ Nương (Mỹ Châu - Thanh Tuấn)...
Cuối thập niên 1960, sự xâm lấn của phim ảnh Mỹ, Hong Kong, Ấn Độ... khiến công chúng không còn đoái hoài nhiều đến cải lương. Tại Sài Gòn, nhiều gánh gượng gạo hoạt động để cầm hơi. Cuối năm 1972, đại bang Bạch Tuyết - Hùng Cường ra đời, hoạt động chưa đầy một năm thì giải tán. Tuy nhiên, giai đoạn này, cải lương được miêu tả chỉ "chết lâm sàng".
Bước sang thập niên 1980, với sự góp mặt của loạt tên tuổi mới, cải lương trỗi dậy. Lúc này, đoàn cải lương Nam Bộ - tiền thân của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang hiện tại - từ Bắc trở về Nam, thổi luồng gió mới vào sân khấu đương đại với lối dàn dựng, diễn xuất sáng tạo, mới mẻ từ phương Bắc. Cải lương sống dậy với nhiều nghệ sĩ được hâm mộ qua tài ca hay, diễn giỏi, tiêu biểu như Thanh Thanh Tâm, Vũ Linh, Tài Linh, Phương Hồng Thủy, Ngọc Huyền, Linh Tâm, Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Tô Châu...
Ngọc Huyền, Kim Tử Long trong "Xử án Phi Giao" năm 2000
 
 
Ngọc Huyền, Kim Tử Long trong "Xử án Phi Giao" - tuồng ăn khách đầu thập niên 1990 (bản dựng năm 2000).
Các tác phẩm như Đời cô Lựu, Tấm lòng của biển... được phục dựng và chỉnh sửa, đi kèm với những kịch mục mới, phản ánh sát sao đời sống lúc bấy giờ như Tìm lại cuộc đời, Ánh lửa giữa rừng khuya, Cây sầu riêng trổ bông... Chặng đường huy hoàng của cải lương kết thúc vào cuối thập niên 1980, đánh dấu khoảng 30 năm đỉnh cao của cổ nhạc, trước khi dần bị xâm chiếm bởi nhiều loại hình giải trí khác vào đầu thập niên 1990.
Kỳ sau: Sân khấu cải lương dần xuống dốc ba thập kỷ qua
Mai Nhật
https://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/san-khau-my-thuat/dau-an-vang-son-cua-cai-luong-chang-duong-100-nam-3815310.html