Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Cao Huy Khanh VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 – 2012: NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

Kỳ 104 – 27.2.2012

1041 - Nguyễn Văn Xuân

NHÀ QUẢNG NAM HỌC MUỘN MÀNG

Nhà văn sinh 1912 tại Quảng Nam – Mất 2007 ở Đà Nẵng (86 tuổi).

Bắt đầu viết truyện ngắn từ năm 17 tuổi. Tham gia kháng chiến chống Pháp tại quê nhà, từng làm tỉnh ủy viên phụ trách kịch nghệ.

Nhưng 1954 ở lại miền Nam nên năm 1955 bị chính quyền Ngô Đình Diệm nghi là phần tử thân Cộng bắt giam một thời gian ở nhà lao Thừa Phủ tại Huế.

Tuy nhiên điều tra kỹ thấy không phải “Việt Cộng nằm vùng” nên một thời gian sau thả ra. Dù vậy, sau khi được tự do vẫn còn nuôi ý hướng “chiến đấu” trên mặt trận văn hóa dân tộc “không Cộng sản” nên về Huế (từng học trung học ở đây) ra tạp chí “Văn Nghệ Mới” được 2 số thì bị đóng cửa ngay! Vì văn nghệ miền Nam thời này không chỉ “không Cộng sản” mà phải là văn nghệ Cần lao – Nhân vị (chủ thuyết của nhà Ngô) chống Cộng.

Thôi đành rút về quê Đà Nẵng an phận đi dạy học làm kế sinh nhai. Nhưng song song đó vẫn giữ chí hướng tích cực tham gia các hoạt động văn hóa dân tộc và giáo dục ở miền Nam, từng nhận chức hội trưởng Hội Khuyến học được chính quyền Sài Gòn chấp nhận.

Bên cạnh đó đều đặn viết truyện ngắn, bài khảo cứu đăng báo phần lớn cho bán nguyệt san Bách Khoa. Từ đó hình thành 2 tác phẩm lớn của mình chủ yếu về khảo cứu gồm “”Khi những lưu dân trở lại” in 1967, “Phong trào Duy tân” 1969 (ngoài mảng sáng tác gồm tiểu thuyết “Bão rừng” 1957 và 2 tập truyện ngắn “Dịch cát” 1966, “Hương máu” 1969).

Hoàn toàn sống tự lực cánh sinh bằng lương dạy học trường tư và nhuận bút báo trong khi bản thân phải gồng gánh nuôi vợ và 2 con đều mắc bệnh trầm kha. Cho nên cảnh sống rất nghèo túng, nhà cửa xập xệ trong ngỏ hẻm tít mù.

Sau 1975 tuy từng có quá trình tham gia cách mạng từ rất sớm thời đánh Pháp song lại có vẻ không mấy tha thiết với cộng sản mà ở lại miền Nam ít nhiều chấp nhận chế độ Sài Gòn nên không được chế độ mới ưu ái. Cũng do thành kiến đó mà đã bị rớt tên khỏi bộ “Từ điển Văn học” 2 tập khá đồ sộ do Nhà nước chỉ đạo soạn thảo xuất bản năm 1984.

Không được cho đi dạy tiếp mà cũng không được viết báo (nào có mấy báo để viết) khiến gia cảnh đã nghèo sẵn còn nghèo hơn, nhất là khi bệnh của vợ và 2 con chuyển qua dạng tâm thần phân liệt!

Nhưng bạn bè ở nước ngoài đề nghị gửi tiền giúp đỡ thì từ chối với cái khí khái của nhà nho “an bần lạc đạo”, ngoài mặt vẫn thích hài hước cười mình giễu đời như một cách vượt lên thế sự tầm thường, vượt lên nỗi đau đời riêng.

Đến thời Đổi mới cởi mở hơn sau 1986 mới có điều kiện viết báo trở lại kiếm sống đỡ đần gia đình được đôi chút. Phần lớn viết khảo cứu chú trọng phát triển mảng đề tài xứ Quảng quê ta mà mình rất rành (chủ đề đã khai thác trong 2 tập sách biên khảo cũng như trong 2 tập truyện ngắn trước 1975) vừa phù hợp với yêu cầu chính trị của địa phương khỏi bị “săm soi”!

Năm 2001 Đà Nẵng cho in “Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân” hơn 1.000 trang biếu cho 20 cuốn đề nghị tự đem… đi bán bù tiền nhuận bút!

Năm 2003 cho ra mắt tiểu thuyết lịch sử “”Kỳ nữ họ Tống” mà mình tâm đắc ấp ủ bấy lâu, truyện kể về một nữ nhân vật lịch sử vào hàng “đàn bà dễ có mấy tay” một thời khuynh loát các Chúa Nguyễn. Tác phẩm sau đó được tặng giải thưởng của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật VN.

Đó là tác phẩm in đầu tiên của ông dưới chế độ mới cũng là tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp mình. Vì sau đó bắt đầu lâm bệnh, bệnh già lại thêm gánh nặng cơm áo đối với một người “80 tuổi mà vẫn là lao động chính trong gia đình”. Cả nhà từ đó càng lâm vào cảnh túng thiếu cơ hàn chỉ trông cậy vào học trò cũ giúp đỡ được chút nào hay chút đó.

Đã vậy, tai ương không chừa khiến còn bị tai nạn cuối đời phải ngồi xe lăn.

Đến khi mất lúc đó mới được tung hô là “nhà Quảng Nam học” Số1!

1042 & 1043 - Nhã Ca – Trần Dạ Từ

“NHỮNG TÊN BIỆT KÍCH CẦM BÚT”

Vợ nhà thơ, nhà văn Việt kiều Mỹ tên thật Trần Thị Thu Vân sinh 1939 tại Huế, sống ở Mỹ (2012) – Chồng nhà thơ tên thật Lê Hạ Vĩnh sinh 1940 tại Hải Dương, sống ở Mỹ (2012).

Vợ học sinh Đồng Khánh từ Huế vào Sài Gòn theo đuổi nghiệp văn, ban đầu làm thơ sau chuyển qua làm báo và viết tiểu thuyết tình yêu thời chiến tranh điển hình “Đêm nghe tiếng đại bác”. Nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết “Giải khăn sô cho Huế” tố cáo cộng sản giết thường dân trong biến cố Mậu Thân 1968 ở Huế mà mình là chứng nhân sống sót.

Sau ngày giải phóng, đầu năm 1976 cùng chồng bị bắt vì có dính líu đến âm mưu đặt chất nổ chống chính quyền cộng sản trong “Vụ án hồ con rùa”. Là nhà văn nữ duy nhất nằm trong danh sách đen 10 “tên biệt kích cầm bút” chống chế độ mới (gồm chồng Trần Dạ Từ, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Mạnh Côn, Võ Phiến, Doãn Quốc Sỹ, Hoàng Hải Thủy, Duyên Anh, Dương Nghiễm Mậu, Phan Nhật Nam).

Tuy nhiên bản thân chỉ ở tù một năm rồi cho về nuôi con vì chồng phải lãnh án đến 12 năm tù.

Năm 1989 một năm sau khi chồng mãn hạn tù được đích thân Thủ tướng Thụy Điển và Hội Văn bút Quốc tế vận động can thiệp chính quyền cộng sản cho 2 vợ chồng qua Thụy Điển rồi chuyển qua Mỹ định cư năm 1992.

Trên đất Mỹ, trở lại hoạt động báo chí, 2 vợ chồng lập hệ thống Việt báo ở California. Viết “Hồi ký một người mất ngày tháng” và bộ truyện “Đường tự do” 4 tập dày 640 trang in 2006 kể lại 14 năm sống với cộng sản. Sinh 5 con toàn gái “ngũ long công chúa”.

Còn chồng chỉ làm thơ tình đượm chất triết lý, trước 1975 đã in “Tặng vật tỏ tình”, “Tỏ tình trong đêm”. Sau khi ra tù qua Mỹ làm trường ca” Hòn đá làm ra lửa” dài 4.000 câu ghi dấu ấn ở tù cộng sản được dịch ra tiếng Anh.

1044 - Nick Ut

PHÓNG VIÊN ẢNH QUỐC TẾ NỔI TIẾNG NHẤT

Phóng viên ảnh Việt kiều Mỹ tên thật Huỳnh Công Ut sinh 1948 tại Long An. Sống ở Mỹ (2012).

Trước 1975 mới 17 tuổi đã làm phóng viên ảnh cho Hãng Thông tấn Mỹ AP ở Sài Gòn chuyên chụp ảnh thời sự chiến tranh VN, bị 3 vết thương trúng đạn.

Nhưng cũng nhờ đó sớm nổi tiếng với bức ảnh “Em bé napalm” chụp năm 1972 tại Tây Ninh và đoạt giải báo chí quốc tế Pulitzer năm 1973.

Đến 30.4 di tản qua Mỹ tiếp tục làm cho AP nhưng bây giờ được phân công qua chụp ảnh đề tài thời thượng ăn khách là các ngôi sao điện ảnh Hollywood hoặc các sự kiện nổi cộm trong dư luận như các phiên tòa vụ án scandal, cháy rừng, các trận đấu thể thao…

Đã nhiều lần quay về VN tham gia các khóa giảng dạy, tập huấn chụp ảnh cho thế hệ tay máy trẻ.

Dự định sau khi về hưu mới soạn lại đầy đủ kho tư liệu rất nhiều ảnh chiến tranh VN mình đã chụp mà chưa có thì giờ kiểm kê hết. Và được tự do đi săn ảnh: “Tôi muốn giành một giải Pulitzer nữa từ nay đến cuối đời”.

1045 - Ông Lâm

SÁM HỐI TRONG TRUNG TÂM XÃ HỘI

Cán bộ về hưu không rõ họ sinh 1932 tại Huế. Sống ở TPHCM (2006).

Vào Sài Gòn tham gia kháng chiến chống Pháp rồi đi tập kết ra Bắc 1954. Lấy vợ Bắc sinh được 6 con.

Sau khi Sài Gòn giải phóng, là bộ đội được cử vào làm cán bộ cao cấp phụ trách tiếp quản. Sau đó chuyển về làm trong ban lãnh đạo một công ty hưởng lương cao, được phân phối nhà mặt tiền. Con cái lớn lên đều thành đạt làm cán bộ, sĩ quan, giảng viên đại học.

Con đường hoạn lộ thành đạt thăng tiến đó đồng thời cũng bày ra cạm bẫy chôn vùi cuộc đời mình khi bắt đầu suy thoái đạo đức lao vào thú vui dễ dãi rượu chè và gái đẹp. Hậu quả đưa tới nghiện rượu, ly dị vợ, bị con cái xa lánh từ bỏ. Cuối cùng túng quẫn tới mức phải bán căn nhà mặt tiền đi mua căn hộ chung cư sống đỡ, lấy tiền trả nợ.

Đó cũng là lúc về hưu, không tiền bạc gia sản lâm vào cảnh túng thiếu khiến năm 1996 lại phải bán nốt căn hộ chung cư chấp nhận con cái đưa mình vào ở trong một trung tâm xã hội tại TPHCM (con cái giận cha đã bỏ mẹ mình chết trong cô đơn, bệnh tật nên không chịu cho ở chung!). Lâu lâu con cái mới đi thăm chiếu lệ.

Bấy giờ mới thấy hối lỗi, ăn năn thì đã muộn. Đành chấp nhận cuối đời sống trong buồn tủi cô độc, không dám đòi hỏi gì, cả Tết đến cũng không dám về nhà ăn tết với con cái: “Để tụi nó lo làm ăn nuôi con, còn mình thì chết cũng ổn rồi”.

1046 - Paul Diệp

“ĐẠI SỨ” GỐM SỨ

Doanh nhân Việt kiều Mỹ sinh 1956 tại Đà Nẵng. Sống ở Mỹ (2005).

Vượt biên qua Mỹ bắt đầu kiếm sống bằng những nghề thấp kém nhất như chùi nhà cầu, lau sàn nhà để tiết kiệm từng đồng phấn đấu học xong trung học rồi lên đại học. Tốt nghiệp ra mở cửa hàng bán cây cảnh trang trí ở Seattle.

Năm 1994 về thăm quê hương mới phát hiện ra mặt hàng gốm sứ cũng có thể dùng làm trang trí nhà cửa, từ đó nảy sinh một niềm đam mê gốm sứ VN và muốn làm một cái gì đó để bảo tốn nó như một di sản văn hóa VN.

Bằng cách mở đường phát triển giao lưu gốm sứ vuợt biên giới Mỹ – VN qua việc vừa mua hàng đem qua Mỹ kinh doanh vừa giúp nhiều nghệ nhân VN qua Mỹ học hỏi thêm kỹ thuật trang trí, nghệ thuật tiếp thị rồi về nước cải tiến sản phẩm đẹp và phù hợp thị trường hơn.

Còn tham gia làm từ thiện, dự định mở trường học ở quê nhà Đà Nẵng…

1047 - Phạm Bá Diện

BIẾN KỶ VẬT CHIẾN TRANH THÀNH NHẠC CỤ DÂN TỘC

Bộ đội về hưu sinh 1920 tại Thừa Thiên – Huế. Sống ở Huế (2009).

Bộ đội tập kết ra Bắc 1954, trong chiến tranh chống Mỹ tham gia chiến đấu trên mặt trận Quảng Bình.

Năm 1979 về hưu hàm thiếu tá bộ đội, trở lại sinh sống ở nơi chôn nhau cắt rốn, làng Phò Trạch thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Vốn sinh trưởng trong gia đình có học, có nghề cổ nhạc lại biết chữ Hán nên bây giờ rảnh rỗi mới quay về với niềm đam mê âm nhạc dân tộc từ thời thơ ấu. Thế là bắt đầu đi sưu tầm những làn điệu dân ca cổ – và cả nghệ thuật biểu diễn kèm theo - sắp thất truyền, ghi chép lại, chuyển dịch từ chữ Hán qua chữ quốc ngữ.

Sau đó vận động lập đội văn nghệ không chuyên, hướng dẫn tập luyện bài bản, phục dựng những bài ca điệu múa của tiền nhân để lại trên xứ thần kinh trung tâm văn hóa triều Nguyễn.

Đặc biệt thiếu các nhạc cụ cần thiết thì tận dụng một số kỷ vật chiến tranh mình còn lưu giữ – đa số là chiến lợi phẩm giành được từ các máy bay Mỹ bị bắn rơi – để chế biến thành các loại đàn, kèn trống. Như một chiếc trống được chế tác từ xác máy bay và áo giáp của phi công Mỹ.

Từ đó đưa đội văn nghệ tự biên tự diễn của mình đi trình diễn ca nhạc truyền thống qua các làng bạn. Được mọi người hết sức hoan nghênh, cổ vũ mời đi dự các liên hoan hoặc lễ hội trong tỉnh và trong khu vực, cả Festival Huế nữa.

Đến gần 90 tuổi vẫn còn hăng say theo đuổi nghiệp ca cổ gìn giữ vốn quý của dân tộc: “Để thất truyền uổng lắm. Cha mẹ cho tôi ăn học là để sử dụng kiến thức của mình một cách hữu ích. Phục vụ quê hương đất nước là làm việc này đây.”

1048 - Phạm Đức Giầu

BÁC SĨ CHẾT OAN

Bác sĩ sinh 1951 tại Thái Bình – Mất 2011 ở Thái Bình (60 tuổi).

Từng là bộ đội chiến đấu ở miền Nam.

Sau 1975 xuất ngũ, ở lại miền Nam thi đỗ vào học ĐH Y Dược TPHCM khoa răng hàm mặt.

Tốt nghiệp trở về quê nhà làm bác sĩ ở Bệnh viện Đa Khoa huyện Vũ Thư. Lấy vợ sinh được 2 con gái và còn nuôi mẹ già 80 tuổi.

Tuy chuyên ngành răng hàm mặt song do bệnh viện còn thiếu nhân sự nên bản thân kiêm đủ các khoa, thậm chí còn làm luôn cả công việc của điều dưỡng, hộ lý. Tính tiền hiền lành chân chất, sẵn sàng khám riêng cho bà con hoặc không lấy tiền hoặc… cho nợ (đợi khi nông dân thu hoạch vụ mùa mới có tiền trả). Chẳng những thế, sau giờ làm về nhà còn xắn tay xắn quần lội xuống ruộng cũng làm đất, nhổ cỏ, gieo mạ, cấy lúa như là nông dân chính gốc! Nên được phong là “bác sĩ của nông dân”.

Tháng 8. 2011 chỉ còn vài tháng về hưu thì trong một buổi tối trực bệnh viện giùm cho đồng nghiệp, sau khi không cứu sống nổi một bệnh nhân nam 20 tuổi bị sốc nặng đã bất thần bị em trai bệnh nhân nổi cuồng xông vào cầm dao đâm một nhát chí mạng khiến gần như chết bất đắc kỳ tử một giờ sau!

Di ảnh đặt trên đầu quan tài vẫn là ảnh một bộ đội gầy gò mang bộ quân phục sờn rách cũ kỹ!

1049 - Phạm Chí Thiện

BẢO TÀNG KỶ VẬT CHIẾN TRANH TƯ NHÂN

Nông dân sinh tại Hải Dương. Sống ở Hải Dương (2007).

Cựu chiến binh trở về quê nhà sau chiến tranh làm lụng kiếm sống như bao nhiêu đồng đội khác.

Nhưng ký ức về những năm tháng chiến tranh vẫn không phai nhòa nên lập tâm đi tìm kiếm, sưu tầm các vật lưu niệm thời chiến tranh đem về nhà lập nên một kiểu bảo tàng nho nhỏ cho riêng mình.

Một mình cặm cụi làm chuyện đó suốt hơn 30 năm, đi khắp các tỉnh từ Bắc vào miền Trung, miền Nam tìm kiếm, thu thập kể cả xin lại người khác vô số kỷ vật chiến tranh đó khiến có người lầm tưởng mình làm nghề buôn… đồng nát!

Từ đó có cả một gia tài lưu dấu chiến tranh một thời với đủ loại kỷ vật từ chiếc thắt lưng quân phục lính Mỹ, viên đạn, vỏ đạn, hộp đạn, máy phát điện nhỏ, hộp đồ nghề sửa súng pháo, áo trấn thủ, đài Trung Quốc, vải dù, mền dù, bi đông nước, chiếc lượt chải tóc ủa nữ bộ đội làm bằng mảnh bom Mỹ đến chiếc la bàn của anh hùng Nguyễn Viết Xuân, chiếc bút máy Pilot của tướng tình báo quá cố Vũ Ngọc Nhạ…

Mỗi vật như vậy đều được lập “tiểu sử” ghi kèm chi tiết của ai, sử dụng lúc nào, trên chiến trường nào. Đến nay đã được hơn 800 món qua đó vẽ lên một phần chân dung một cuộc chiến không nên nhớ đến nữa song cũng không được phép lãng quên!

1050 - Phạm Đức Tuyên

TỰ VIẾT ĐIẾU VĂN CHO MÌNH

Cựu chiến binh về hưu sinh tại Nghệ An. Sống ở Nghệ An (2008).

Từng trải qua cả 2 cuộc chiến chống Pháp chống Mỹ, về hưu hàm thiếu tá sống ở TP Vinh quê nhà vẫn chưa chịu an phận nghỉ ngơi mà lại lao vào trận chiến chống cán bộ tiêu cực ở địa phương.

Với sự hỗ trợ của một đồng đội cũng về hưu, bắt đầu thu thập hồ sư, tài liệu tố cáo một số quan chức chiếm đất công trái phép – gần 20.000m2 - từ năm 1995 – 2001. Nhưng vụ án bị “ém” suốt 5 năm không giải quyết nên quay qua nhờ báo chí tiếp tay, từ đó năm 2001 vụ việc mới bị thanh tra xử án.

Tiếp đến là một vụ “ăn đất” khác của cán bộ có chức có quyền hơn 12.000m2 sau nhiều năm gian nan đấu tranh đến năm 2008 mới được tỉnh xử lý đưa các kẻ sâu dân mọt nước ra tòa.

Trong hành trình chống tham nhũng đó, không ít lần bị theo dõi gây sự khiến phải cất giấu tài liệu (hơn 10kg giấy tờ) trong tủ bí mật đi đâu cũng mang theo chìa khóa tủ cứ như thời hoạt động chống Pháp! Còn bị cả đồng chí mình trù giập suýt bị khai trừ Đảng.

Thậm chí bị đe dọa tính mạng khiến có lần nửa đêm thức dậy nổi máu “ông đồ Nghệ” tự chấp bút viết điếu văn cho mình chấp nhận hy sinh không hối tiếc!

(Còn tiếp)

http://sites.google.com/site/vanvietloc4/home/ho-so-hau-chien/hosohauchienky104

HÀN MẶC TỬ NHÀ THƠ SIÊU THOÁT / THẾ PHONG


M ộ t s ố b à i t h ơ c h ọ n l ọ c
H À N M Ặ C T Ử


Tên khai sinh : Nguyễn Trọng Trí .
1928 : Học ở Pellerin, Huế .
1934 : Đăng thơ trên báo ' Thực nghiệp dân báo ' - và được lưu ý ngay,
bới có bài họa Phan Sào Nam đi kèm : Chùa hoang , Gái ở chùa , Thức khuya - ký Phong Trần .
1932 : Làm công chức tại Sở Đạc Điền , quen với Quách Tấn .
1936 : in tập thơ đầu tay : Gái Quê - Phạm văn Ký viết Tựa .
1937 : mắc bệnh nan y .
cuối 1937 : Mai Đình xin gặp, Tử không tiếp - nhưng ký tặng ' Gái Quê', và cảm động
làm bài thơ Lưu luyến tặng Mai Đình .
1940 : vào bệnh viện Quy Nhơn .
19 / 9 / 1940 : gia đình Tử trao hết bản thảo Hàn Mặc Tử cho Quách Tấn ,
theo lời tác giả dặn dò .
11. 11. 1940 : qua đời .
1941 : Trần Thanh Mại viết và cho xuất bản ' Hàn Mặc Tử : Thân thế & Thơ văn '.
1942 : Trần Thanh Mại bị Quách Tấn kiện , đưa đơn kiện tại Tòa án ở Huế .
Toà án phán " ' miễn xử '
1944 : Thơ Hàn Mặc Tử do Nxb Đông Phương ấn hành ra mắt .


1. B Ẽ N L Ẽ N

Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp chị Hằng ơi ...

Trong khóm vi lau rào rạt mãi
Tiếng lòng ai nói ? Sai im đi ?
Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe.

Vô tinh để gió hôn trên má
Bẽn lẽn làm sao lúc nửa đêm
Em sợ lang quân em biết được ?
Nghi ngờ tới cái tiết tinh em ...
[]
2. H U Y Ề N Ả O

Mới lớn lên trắng đã thẹn thò
Thơm như tình ái của ni cô
Gió say lướt mướt trong màu nắng
Hoa với tôi đều cảm động sơ

Đang khi mầu nhiệm phủ ban đâm
Có thứ gì rơi giữa khoảng im
Rơi từ thượng tầng không khí xuống
Tiếng vang nhè nhẹ dội vào tim .

Tôi với hồn hoa vẫn nín thinh
Ngấm ngầm trao đổi những ân tình
Để thêm ấm áo nguồn tư tưởng
Để bóng trời khuya bớt giật mình .

Từ đầu canh một đến canh tư
Tôi thấy trăng mơ biến hóa như
Hương khói ở đâu ngoài xứ mộng
Cứ là mỗi phút mỗi nên thơ .

Ánh trăng mỏng quá không che nổi
Những vẻ xanh xao của mặt hồ
Những nét buồn buồn tơ liễu rủ
Những lời năn nỉ của hư vô .

Không gian dầy đặc toàn trăng cả
Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng
Mỗi ảnh mỗi hình thêm phiếu diễu
Nàng xa tôi quá nói nghe chăng
[]
3.- M U À X U Â N C H Í N

Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý - Bỗng xuân sang ...

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi .

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi
Hổn hển như lời của nước mây
Thầm thì với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây !

Khách lạ gặp lúc mùa xuân chín
Lòng Trí * bâng khưâng sực nhớ làng
Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang ...
[]
-----
* theo đúng nguyên bản - Trí ( tên thật tác giả ) in chữ nghiêng.



4. Đ Â Y T H Ô N V Ỹ D Ạ

Sao anh không về thăm thôn Vỹ ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền .

Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn - thiu hoa bắp lay...
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó ?
Có chở trăng về kịp tối nay ?

Mơ khách đường xa , khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà
[]

5. G H E N

Ta ném mình ta theo gió trăng ?
Lòng ta tan khắp bốn phương trời
Cửu trùng là chốn xa xôi lạ
Chim én làm sao bay đến nơi ?

Chiếc tàu chở cả một đêm trăng
Muôn ánh sao ngời chói thẳng băng
Muôn sợi hương trầm say bối rối
Muôn vàn thần thánh sống cao sang .

Giây phút , ôi chao , ! Nguồn cực lạc
Tình tôi ghen hết thú vô biên
Ai cho châu báu cho thinh sắc
Miễng lưỡi khô khan hết cả thèm .
[]

6. M Ơ H O A

Khói trầm lan nhẹ ngấm không gian ,
Giây phút buồn lây đến mộng vàng
Xiêm áo hôm nay tề chỉnh quá
Muốn ôm hồn Cúc * ở trong sương .

Hãy tưới lên hoa giọt lệ hồng ,
Đếm từng cánh một mấy lần thương
Hãy chôn những mảnh xuân tàn tạ
Và hãy chôn sâu tận đáy lòng .

Bóng người thục nữ ấn trong mơ ,
Trong lá trong hoa , khói bụi mờ
Xin chớ làm thinh mà biểu lộ ,
Những tình ý lạ , những lời thơ .

Hãy quỳ nán lại , tiếng sao rơi ,
Khua ánh trăng xanh động khí trời
Gió thổi hay là hoa thở nhỉ ?
Ôi hay người ngọc biến ra hơi .
[]
---
* in theo nguyên bản : Cúc in chữ nghiêng .

7. N G Ủ V Ớ I T R Ă N G

Ta không nhắp rượu
Mà lòng ta say
Vì tao nao nức myuo61n
Ghì lấy đám mây bay ...
Té ra ta vốn là thi sĩ
Khát khao trăng gió mà không hay !
Ta đi bắt nắng ngừng , nắng reo , nắng cháy
Trên sóng cành - Sống áo cô gì má đỏ hây hây ...
Ta rình nghe niềm ý bâng khuâng trong gió láng
Với là hơi thở nồng nàn của tuổi thơ ngây
Gió nâng khúc hát lên cao vút
Vần thơ uốn éo lách rừng mây
Ta hiểu ta rồi trong một phút
Lời tình chới với giữa sương bay .

Tiếng vàng rơi xuống giếng
Trăng vàng ôm bờ ao ...
Gió vàng đang xao xuyến
Áo vàng , hỡi chị chưa chồng đã mặc đi đêm
Theo tôi đến suối xa miền
Cỗi thơ cỗi mộng cỗi niềm yêu thương ...

Mây trôi lơ lửng trên dòng nước
Đôi tay vốc uống quên lạnh lùng
Ngả nghiêng đồi cao trăng ngủ
Đầy mình lốm đốm những hào quang !
[]

8. M Ộ T M I Ệ N G T R ĂN G

Mai sáng mai trời cao rộng qúa !
Gió căng hơi và nhạc lên mâ
Đôi lòng cũng ấm như xuân ấm
Chỉ có áo xuân trắng trẻo thay !

Mai này thiên địa mới tinh khôi
Gió căng hơi và nhạc lên trời
Chim khuyên hót tiếng đầu tiên hót
Hoa lá hồ nghi sự lạ đời .

Trái cây bằng ngọc vỏ bằng gấm
Còn mặt trời kia tựa khối vàng ...
Có người trái mới im như nguyệt
Gió căng hơi và nhạc lên ngàn .

Thuở ấy càn khôn mới dựng nên
Mùa thơ chưa gặt tốt tươi lên
Người thơ phong vận như thơ ấy

Nào đã ra đời ngọc biết tên .

Xuân gấm đầu tiên giữa cõi đời
Mùa thơm ngây dại so1`ngcon người
Hãy hoan hô lời cao như sấm :
Vạn tuế, bay ơi ! nắng rợp trời !
[]

1 0. Đ I Ề M L Ạ

Đức Tin thơm như ngọc
Thơ bay rồi thơ bay
Mau gò giai âm lại
Sớt bớt nghĩa đương say

Có tin thôn xa đến
Có điềm lạ đêm nay ...
Đóng cửa mươi phương lại
Dồn ánh sáng vào đây

Người không gian rất mát
Chim thanh tước ra đời ...
Nêu cao hơn tiếng nhạc
Mùa hát sẽ xanh tươi ...

Năm nay tôi thương tuổi
Sai hẹn với người ta

Năm nay xuân nhắc mãi
Nước mắt liền ứa ra ...
[]
11 . CÔ GÁI ĐỒNG TRINH

Chao ôi ghê quá ! ôi ghê quá !
Cảm thấy hồn tôi ớn lạnh rồi .

Đêm qua trăng vương đọng cành trúc ,
Cô láng giềng bên chết thiệt rồi !...
Trinh tiết vẫn còn nguyên vẹn mới ,
Chưa hề âu yếm ở trên môi .

Xác cô thơm quá , thơm hơn ngọc
Cả một mùa xuân đã hiện hình
Thinh sắc cơ hờ lưu luyến mãi
Chết rồi xiêm áo trắng như tinh .

Có tôi đây, hồn phách tôi đây
Tôi nhập vào trong xác thịt này ,
Cốt để dò xem tình ý lạ
Trong lòng bí mật ả thơ ngây ...

Biết rồi ! biết rồi ! thôi biết cả
Té ra nàng sắp sửa yêu ta .
Bao nhiêu mơ ước trong tim ấy ,
Như chực xuân về thổ lộ ra .
[]

12 . LỜI CÔ GÁI GIANG HỒ *

Rửa sạch phấn son tinh chửa sạxch
Nhọc nhằn thân xác đã bao lâu .
Hôm nay mưa gió người em mệt ,
Nhớ lại ngày qua cảm mối sầu .

Anh ơi ! em vốn khách đa cảm
Đã trót thương yêu hết mọi người .
Ân ái đêm qua lưu lại vết
Tơi bời ! xiêm áo ngấn pha phôi .

Buồng em vắng vẻ một mình em ,
Gió lạnh, người quen biếng lại tìm .
Cô độc đời em cô độc mãi ,
Đố hề em thốt tiếng gì thêm .

Nhưng em vui lắm vui nức nở
Đôi khóe mắt tình - lệ sướng rơi
Vì có biết bao chàng trẻ tuổi ,
Mê em , chìm lụy đến đâu thôi !

Anh nhỉ cho em được tự hào ,
Sắc em lộng lẫy được thanh cao .
Mình em uyển chuyển như thơ mộng
Trễ nải làm anh đã ước ao .

Nay mùa đông tới người em mệt ,
Đã nổi cơn ho tự sáng ngày
Em hỏi lương y người chẳng đáp ,
Bệnh em chỉ có mình em hay .

Anh nhỉ xin đừng nói xấu em ,
Cực lòng em lắm buổi sương đêm ,
Lắng nghe hoa lá bay tàn tạ ,
Chạm ánh trăng suông ngã trước thềm .

Những bài thơ đẹp của anh đâu ?
Anh rãi tung ra trước mái lầu .
Để gió để mây lần lượt cuốn ,
Ném vào cửa sổ lúc canh thâu .

Em đang than khóc người trong mộng ,
Một trận mưa hoa trút cạn lờ .
Em kéo chăn ra ngồi lại nhặt ,
Phút giây hoa biến lộ bài thơ .

Khêu cao ngọn nến rồi em cố
Thu hết sức tàn chuốc giọng ngâm
Đáp lại lòng ai thương hại khách
Giang hồ điêu đứng trong bao năm .
[]
---
* Còn một tựa đề khác :" EM ĐAU " ! .

13 . T H A O T H Ứ C

Lạnh quá ánh trăng không sáng mấy ,
Cho nên muôn dặm ở ngoài kia
" Em đang mong mỏi em đang nhớ
Bứt rứt lòng - em muốn trở về ".

Em mới vùng vằng , em thở dốc ,
Tình thương trong dạ , cứ xôn xao .

Thôi em chán quá ! Em buồn quá !
Anh của em giờ cươi với ai ?
Nói những gì đâu tức tối lạ ,
Em hồ nghi mãi , giận không thôi !

Lạnh quá ánh trăng không sáng mấy ,
Cho nên chăn chiếu vẫn so le .
Nếu hay thương nhớ là thương nhớ ,
" Em dại gì đâu , ngủ thiếp đi ! ".
[]

HÀN MẶC TỬ .

( trích HÀN MẶC TỬ NHÀ THƠ SIÊU THOÁT / THẾ PHONG-
Nxb ĐỒNG NAI tái bản lần 3- năm -2004 - - tr. 92- 100 ).

http://thang-phai.blogspot.com/2012/02/han-mac-tu-nha-tho-sieu-thoat-phong.html

Ōe Kenzaburo đến Việt Nam

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

So với các nhà văn Nhật Bản khác như Kawabata Yasunari, Mishima Yukio, thì Ōe Kenzaburo, Giải thưởng Nobel văn học năm 1994, được giới thiệu và dịch thuật ở Việt Nam không nhiều lắm. Theo ghi nhận của chúng tôi, tác phẩm của ông được dịch sang tiếng Việt gồm có truyện vừa Nuôi thù (Diễm Châu dịch), tiểu thuyết Một nỗi đau riêng (Lê Ký Thương dịch) và mấy truyện ngắn: Cây mưa thông minh (Dương Tường dịch), Quái vật trên không (Phan Thu Hiền dịch), Những con cừu người Người câm bất ngờ (Lê Ngọc Thảo dịch)… Ngoài ra, còn có một số bài bình luận về tác phẩm Ōe Kenzaburo của Nguyễn Nguyên, Ôn Thị Mỹ Linh, Đào Thị Thu Hằng, Nguyễn Tuấn Khanh… Ghi nhận này có lẽ chưa đầy đủ, nhưng dù sao so với sự nghiệp lớn lao của Ōe Kenzaburo, việc giới thiệu này vẫn còn ít ỏi.

Tuy vậy, Ōe Kenzaburo được biết đến ở Việt Nam khá sớm, gần một phần tư thế kỷ trước khi ông nhận Giải thưởng Nobel. Điều thú vị là cả hai tác phẩm Nuôi thù Một nỗi đau riêng được dịch bởi hai nhà thơ có cùng xu hướng nghệ thuật khuynh tả và cùng được ấn hành ở thành phố phương Nam. Đặc biệt, cả hai bản dịch tuy ra đời trong hai hoàn cảnh xã hội khác nhau, đều cùng bị biên tập bỏ những chỗ “nhạy cảm” về tính dục.

1.

Năm 1970, tác phẩm Shiiku, Giải thưởng văn học mang tên Akutagawa lần thứ 39 (1958), được nhà thơ Diễm Châu dịch và NXB Trình bầy ấn hành ở Sài Gòn với nhan đề Nuôi thù. Trong “Ghi chú về tác giả và tác phẩm” in ở cuối sách, dịch giả cho biết bản dịch này căn cứ trên bản Anh văn The Catch của John Bester, công bố trên hai tạp chí ở Nhật Bản và Hoa Kỳ. Diễm Châu cũng giải thích rõ là trong tiếng Nhật Shiiku có nghĩa là nuôi (thú vật), dịch giả chọn nhan đề Nuôi thù chỉ vì lý do âm điệu.

Tuy nhiên, việc chọn nhan đề này không phải không có yếu tố hợp lý về mặt ý nghĩa: tác phẩm đã khắc họa hình tượng kẻ thù qua số phận một viên phi công Mỹ bị bắn rơi máy bay trên đất Nhật trong chiến tranh thế giới lần thứ hai. Đó là câu chuyện về một ngôi làng Nhật Bản hẻo lánh trên sườn đồi, nơi người ta phải nuôi giữ viên phi công da đen ấy và đám trẻ con trong làng đã bày những trò chơi với tên tù binh cho đến ngày hắn trở nên hung hãn vì chống lại quyết định giải đi chỗ khác. Một đứa bé trong đám thiếu nhi đã có lòng thương xót, giúp đỡ tên tù binh lại bị chính hắn bắt làm con tin và người cha đứa bé buộc phải ra tay giết chết kẻ địch để cứu con mình. Nhìn cái chết của tên giặc lái và ông Ký già tàn tật trong khi chính mình cũng bị thương tích, đứa bé - nhân vật chính và cũng là người kể chuyện - bỗng có ý nghĩ rằng từ nay nó đã đánh mất tuổi thơ.

Dịch giả đã Việt hoá các tên riêng để gây cảm giác gần gũi với bạn đọc Việt Nam: thắng Nhái, Sứt Môi, ông Ký… Nhưng điều chính yếu khiến tác phẩm cộng hưởng với bạn đọc nước ta là không khí của truyện hô ứng với hoàn cảnh chiến tranh lúc đó: những chuyến bay thả bom dữ dội, những người lính Mỹ đen, Mỹ trắng dẫm gót giày trên các làng quê và nhất là những đứa bé bơ vơ trong chiến tranh:

“Em tôi với tôi cũng như những hạt giống nhỏ bao chặt trong lớp vỏ cứng và khoảng nhân dày, những hạt xanh bọc trong lớp màng quá mềm mại và tươi non khiến chỉ phơi ra ánh sáng bên ngoài thôi cũng đủ làm cho nó rung chuyển và tróc đi mất… Bên ngoài cái vỏ cứng, kế mặt biển vươn dài như một sợi băng lấp lánh, nhỏ hẹp xa xa, chiến tranh đương nôn mửa lớp khí tanh tưởi xuống thành phố. Cuộc chiến tranh tiếp diễn quá lâu ấy ngày càng thêm rộng lớn và nặng nề như chuyện hoang đường. Thế nhưng đối với chúng tôi, chiến tranh chỉ có nghĩa là thiếu bóng những thanh niên trai tráng trong làng và thỉnh thoảng lại một vài bức điện báo tin tử trận mà người đưa thư phân phát” (1).

Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của viên phi công da đen không chỉ đánh thức cơn ngái ngủ của làng quê bị bỏ mặc trong lãng quên mà còn đánh thức điều mà nhà văn Nguyễn Nguyên, với tư cách người đọc Nuôi thù, nhìn thấy nơi một đứa bé con: phẩm cách Nhật Bản. Giới thiệu tác phẩm này trên tạp chí Trình bầy, ông lưu ý đến Nhái - nhân vật xưng tôi:

“Nhái đi lang thang, đánh bạn với Sứt Môi nhưng không bao giờ đồng loã trong những trò chơi, những nghịch ngợm của Sứt Môi. Nhái thản nhiên nhìn ngắm những cái táo bạo, những cử chỉ sống sượng nhưng Nhái lại thường e thẹn khi phản tỉnh, khi soi gương để tự thấy chân dung của mình. Vậy nên có thể nói Nhái chính là sự thể hiện cái phẩm cách Nhật Bản, cái phẩm cách tiềm tàng, ẩn chứa bộc lộ ngay ở một đứa trẻ, cái phẩm cách không phải chỉ có ở những anh hùng, những vĩ nhân” (2).

Hình tượng kẻ thù được Ōe Kenzaburo thể hiện dưới góc độ nhân bản dễ tìm được sự đồng cảm nơi bạn đọc trí thức Việt Nam. Sứt Môi và Nhái nhìn thấy bên trong viên tù binh da đen không chỉ là một tên địch mà còn là một con người. Nguyễn Nguyên phân tích:

“Người da đen đối với da vàng không phải là kẻ địch mà chỉ là một người như người ta, hoàn toàn một người ta. Nhưng nó hết còn được làm “người ta” khi nó bị đẩy vào đứng trên vị trí một kẻ địch. Hết còn được làm người ta, nó không đóng vai một kẻ địch mơ hồ trừu tượng, mà nó trở nên hoàn toàn một con thú. Nhưng không phải chỉ có tên tù binh da đen trong thế tự vệ mới biến thành một con thú, mà cha của Nhái, một người đàn ông giàu tình thương, một người có độ lượng, trong cơn say máu cũng điên cuồng không khác gì một con thú. Một con người không được làm người, một con người biến thành một con thú, những đứa trẻ bị mất đi cái trong sáng hồn nhiên của tuổi thơ, hết thẩy chỉ vì chiến tranh” (3).

Thật là dễ hiểu cái cảm giác bàng hoàng và tuyệt vọng của Nhái lúc hay tin dân làng phải giao nộp tên tù binh cho nhà chức trách, khi mà sau nhiều lần phản ứng thăm dò và những cuộc dạo chơi, nó và đám trẻ con trong làng đã cảm nhận được sự ràng buộc chặt chẽ với viên phi công bằng một “thứ liên kết thật sâu xa, thật mạnh mẽ gần như của “con người” với nhau” (4), đến mức nó nghĩ rằng nếu viên phi công bị giao nộp, thì trong làng chẳng còn lại gì hết “ngoài cái vẻ trống không của một mùa hè” (5). Chẳng bao lâu cái cảm giác bàng hoàng và trống vắng đó bị thay thế bằng sự giận dữ đầy thù nghịch cùng nỗi tủi nhục khi “con người” được cảm thông bằng tình người đó trở thành kẻ phản bội. Ōe Kenzaburo viết thay lời của Nhái:

“Chiến tranh, cũng như những trận lụt cuốn đi những đàn cừu và những bãi cỏ non xén thấp ở những miền đất xa xăm, đáng lẽ chẳng bao giờ được kéo tới làng chúng tôi mới phải. Thế mà nó đã tới, làm nát bấy những ngón tay và bàn tay tôi, khiến cho cha tôi phải khoa cái rìu lên, say trong máu của chiến tranh, và ở giữa tất cả những xô đẩy, ào ạt đó tôi không làm sao thở được” (6).

Nuôi thù được NXB Trình bầy ấn hành với giấy phép của Sở Phối hợp nghệ thuật thuộc Bộ Thông tin Chính phủ Việt Nam Cộng hoà (Sài Gòn). Trước đó, một kiệt tác của văn học Nhật Bản là Sembazuru được nhà văn Trùng Dương dịch từ bản Anh văn Thousand Cranes của Seidensticker với nhan đề Ngàn cánh hạc cũng do nhà xuất bản này ấn hành năm 1969. Chính việc xuất bản Ngàn cánh hạc đã cho nhóm chủ trương NXB Trình bầy một kinh nghiệm cay đắng: trong khi hàng loạt tác phẩm viết và bàn về tính dục được cho phép xuất bản công khai ở Sài Gòn, thì bản thảo Ngàn cánh hạc lại bị cấm đoán một thời gian vì lý do “vi phạm thuần phong mỹ tục”.

Kinh nghiệm đó khiến dịch giả Diễm Châu và nhà xuất bản lần này thận trọng “tự ý cắt bỏ” một vài chữ, thậm chí cả một câu, để làm vui lòng Sở Phối hợp nghệ thuật, khiến họ không có lý do gì ngăn cản sự xuất hiện của tác phẩm. Cụ thể, trong đoạn miêu tả Sứt Môi đùa nghịch với mấy đứa con gái khi chúng tắm ngoài suối, những chữ “nhạy cảm” bị thay bằng dấu ngoặc đơn và ba chấm: (…). Cách tự ý biên tập này còn diễn ra sau đó, trong đoạn tác giả tả viên phi công, lúc này đã trở nên thân thiện, được lũ trẻ kéo ra tắm sông và diễn những trò chơi thô tục.

Nhưng những chi tiết bị lược bỏ đó thật ra không làm ảnh hưởng đến chủ đề và thông điệp nghệ thuật của tác phẩm. Trong những ngày tháng ngộp thở nhất của chiến tranh, bản dịch Nuôi thù của Diễm Châu đã góp phần đưa một tiếng nói nghệ thuật từ Nhật Bản về số phận và thái độ của con người trong chiến tranh đến với bạn đọc Việt Nam. Kết cục của cuộc chiến tranh giữa nước ta với quân Mỹ và cuộc chiến tranh trên quê hương của Nhái trái ngược nhau: một nước chiến thắng sau bao hy sinh mất mát; một nước thất bại và đầu hàng. Nhưng có một điều gì tương ứng trong thái độ của bạn bè Nhái và những em bé Việt Nam: trong khắc nghiệt của cuộc chiến tranh mà chúng không có quyền chọn lựa, chúng là hiện thân của phẩm cách dân tộc và phẩm cách nhân loại ngay khi đối mặt với kẻ thù.

2.

Ra mắt năm 1964 và được Giải thưởng văn học Shinchosa, 32 năm sau, tiểu thuyết Kojinteki na taiken được nhà thơ Lê Ký Thương dịch qua bản Anh văn A Personal Matter của John Nathan và được xuất bản với nhan đề Một nỗi đau riêng (NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 1997). Cũng như Diễm Châu, Lê Ký Thương là một nhà thơ khuynh tả đã có tác phẩm công bố trước 1975.

Dựa trên một trải nghiệm trong chính cuộc đời Ōe Kenzaburo, Một nỗi đau riêng là câu chuyện về một người cha chứng kiến sự ra đời của đứa con đầu lòng bị dị dạng vì bệnh thoát vị não. Anh ta tìm cách trốn chạy trách nhiệm với sinh linh bé nhỏ đó và có ý định bỏ mặc đứa bé cho Thần chết, miễn là không để tay mình vướng vào tội ác, hầu thực hiện giấc mộng lãng du sang châu Phi mà anh ôm ấp bấy lâu nay. Người bạn tình Himiko đã tiếp tay cho anh thực hiện âm mưu tội ác đó. Toàn bộ cuốn tiểu thuyết là một cuộc đấu tranh nội tâm đầy giằng xé giữa lương tâm, trách nhiệm của một người cha với sự dửng dưng của một trái tim vô cảm.

So với Nuôi thù thì việc miêu tả yếu tố tính dục trong Một nỗi đau riêng “nghiêm trọng” hơn nhiều. Nhưng việc miêu tả này chỉ tập trung từ đoạn cuối chương 6 đến hết chương 7. Khi Điểu (Bâdo/ Bird), nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết, bước ra khỏi bệnh viện, trong thời gian chờ đợi ở trạm xe buýt giữa cái nắng thiêu đốt của mùa hè, bị dằn vặt bởi ý nghĩ phải lấy khoản tiền dành dụm bấy lâu nay cho chuyến đi du lịch châu Phi để trả chi phí điều trị cho con, anh ta đã thấy cái “mầm khát khao tính dục” nhú lên như một cách phản ứng lại nỗi sợ hãi đang xâm chiếm lấy anh. Đó là “khúc dạo đầu” chuẩn bị cho chương 7, chương “cao trào”, khi Điểu trở lại căn nhà của cô bạn tình Himiko, và hai người đã quyến rũ nhau trong trò cút bắt tính dục để làm sống lại cơn khát khao chưa được thoả mãn từ thời sinh viên. Ōe Kenzaburo miêu tả thật dữ dội cuộc quần thảo giữa hai người bạn cũ, mang dấu ấn xen kẽ vừa khổ dâm, lại vừa bạo dâm:

“Điểu nhận ra anh đang nhìn Himiko như một chiến binh già đã được tôi luyện trong những trận mạc của cuộc sống hàng ngày, nhiều kinh nghiệm hơn chính bản thân anh. Nàng không chỉ là một chuyên gia tính dục mà năng lực của nàng còn quá sức dồi dào ở nhiều khía cạnh khác của cuộc sống trong thế giới thực tại này. Điểu nhận ra chính mình chịu ảnh hưởng của Himiko: nhờ nàng mà anh đã vượt qua một trong những nỗi sợ hãi của mình” (7).

Bản dịch Một nỗi đau riêng lần đầu được gửi đến một nhà xuất bản và bị từ chối. Nơi thứ hai mà dịch giả gõ cửa là NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh đã đồng ý cấp giấy phép với điều kiện phải cắt bỏ đoạn cuối chương 6 và toàn bộ chương 7 nói trên vì nội dung tính dục. Do chương 7 không xuất hiện trong văn bản tiếng Việt Một nỗi đau riêng, chương 8 trong nguyên bản được đánh dấu bằng chương 7 và cuốn sách kết thúc ở chương 12 thay vì 13. Như vậy là khác với trường hợp Nuôi thù phải cắt bỏ những câu ngắn rải rác trong bản dịch, Một nỗi đau riêng cắt gọn và tập trung khoảng 15 trang trong bản dịch tiếng Anh.

Quả thật, nếu tách riêng chương 7 của Một nỗi đau riêng ra khỏi cấu trúc tác phẩm, mặc dù dịch giả đã cố gắng “lựa lời mà dịch” những chỗ nhạy cảm, người đọc Việt Nam vẫn có thể bị sốc với cách miêu tả bạo liệt và trần trụi của tác giả. Nhưng nếu đọc nó trong toàn bộ mạch văn của cuốn tiểu thuyết, có thể thấy rằng Ōe Kenzaburo không miêu tả tính dục thuần tuý vì tính dục.

Tác giả đã miêu tả cơn khát tính dục của Điểu như đỉnh cao của cám dỗ con người trốn chạy và phủi tay trước trách nhiệm, như một cách “phơi bày hết ra ánh sáng nỗi sợ hãi đang chui vào người anh”. Ngay trong và sau cơn mây mưa, Điểu vẫn không thôi bị ám ảnh và dằn vặt bởi cảm giác tội lỗi:

“Giấc ngủ đối với Điểu là một ống khói tàu mà anh chui vào qua một lối đi rộng và dễ dàng, nhưng phải thoát ra bằng ngõ hẹp. Trương phồng như một khinh khí cầu, cơ thể anh chầm chậm trôi qua vùng không gian lờ mờ vô tận. Anh bị trát đòi hầu tòa ở bên kia vùng bóng tối, và anh đang suy nghĩ cách qua mặt quan tòa về trách nhiệm của anh đối với cái chết của con trai mình (HNP nhấn mạnh). Cuối cùng, anh biết mình không thể lừa bịp các quan tòa, nhưng cùng lúc anh cảm thấy mình muốn chống án – những kẻ trong bệnh viện đã làm như vậy! Không lẽ tôi không có cách nào thoát khỏi sự trừng phạt? Nhưng sự đau khổ của anh lại càng ô nhục thêm khi anh tiếp tục trôi nổi trong chiếc khinh khí cầu nhỏ bé của mình” (8).

Một nỗi đau riêng của Ōe Kenzaburo gợi nhớ đến Kẻ xa lạ của Albert Camus ở phương diện tương giao con người. Meursault của Kẻ xa lạ vô cảm và dửng dưng trước cái chết của mẹ, rồi giết người với cảm giác không gớm tay. Meursault đã không cưỡng được áp lực tâm lý dưới cái nóng hừng hực, rát bỏng của mùa hè thiêu đốt từ đất đá bốc lên, từ trời cao ập xuống. Ngay sau đám tang của mẹ, anh hưởng lạc thú với người tình là Marie và mặc dù A. Camus hầu như chỉ kể mà không tả những lần quan hệ ấy, không thể nói là nhân vật - người kể chuyện muốn mình “đạo đức” hơn dưới mắt kẻ khác. Khi nổ súng giết người, anh hiểu mình “đã huỷ diệt sự bình yên của ngày, bầu không khí yên lặng phi thường của một bãi biển, nơi mà tôi cảm thấy hạnh phúc” (9). Và anh buông xuôi trước cái guồng máy pháp luật vô cảm với những chánh án, biện lý, luật sư… đã vây kín không cho anh một lối thoát, khiến anh tự đóng dấu mình là một “kẻ xa lạ” trong tương giao nhân loại.

Trái với Meursault, Điểu của Một nỗi đau riêng là một lương tâm tự vấn thường trực, luôn ở ranh giới giữa thiện và ác, và trong giờ phút quyết định nhất của hiện sinh, đã kịp rút chân ra khỏi vũng lầy cám dỗ của tội lỗi. Nếu anh tiếp tục thông đồng với cái hệ thống y tế vô cảm, có thể anh không bị buộc phải đối mặt với một toà án cụ thể nào như Meursault. Nhưng may mắn là phiên toà bên trong anh đã mở ra cùng lúc với quá trình đi đến tội ác, qua những lời độc thoại nội tâm. Điểu đã từng tự kết án mình, rồi cũng từng tự biện hộ để cuối cùng có một phán quyết nhân bản nhất. Tưởng như anh đã cứu đứa bé, nhưng chính là đứa bé đã cứu vớt anh khỏi thảm kịch hủy diệt khuôn mặt người. Từ khuôn mặt với “những giọt mồ hôi nhờn lấp lánh từ trán xuống mũi, đôi môi thì mấp máy theo hơi thở bồn chồn, đôi mắt vẩn đục thì thất thần: đúng là khuôn mặt của một kẻ đồi trụy” hiện lên trong chiếc gương soi hình bầu dục khiến Điểu choáng váng, anh đã có thể tìm lại khuôn mặt mới của mình qua đôi mắt của đứa con: “Cái gương trong đôi mắt của thằng bé là tấm gương soi màu xám trong veo và sâu thẳm, phản chiếu một hình ảnh, nhưng là một hình ảnh quá đẹp đến nổi Điểu không thể tin chắc được đó lại là gương mặt mới của mình” (10). Con người ta đâu thể nào chà đạp lên tất cả, dù chỉ là một con chim sẻ dưới mưa. Bằng việc đánh thức cảm quan trách nhiệm nơi Điểu, Một nỗi đau riêng đã thể hiện phương diện tích cực trong nhân sinh quan của chủ nghĩa hiện sinh, đặc biệt là triết học hiện sinh của J.-P. Sartre mà Ōe Kenzaburo tiếp nhận từ thời trẻ.

Có thể nói, cũng như Nuôi thù, tiểu thuyết Một nỗi đau riêng thấm đẫm tinh thần nhân bản. Cuốn trước là thái độ nhân bản trong cuộc tranh đấu với kẻ thù trong một hoàn cảnh cực đoan và khốc liệt của chiến tranh; còn cuốn sau là tinh thần nhân bản trong đấu tranh với cái ác của chính bản thân mình trong đời sống thường nhật. Hai tác phẩm đã chọn hai “điểm rơi” vào hai hoàn cảnh đặc thù ở Việt Nam trong chiến tranh và sau khi hoà bình. Hai tác phẩm cùng thể hiện sứ mệnh của một nhà tiểu thuyết là “phải chịu đựng tất thảy những lầm lạc của Con Người”, như một câu thơ của Wystan Hugh Auden mà Ōe Kenzaburo yêu thích.

3.

Trước Một nỗi đau riêng, việc xuất bản dịch phẩm văn học ở Việt Nam đã có một vài sự kiện: Năm 1989, Tạp chí Sông Hương thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Bình Trị Thiên, phối hợp với Báo Vũng Tàu - Côn Đảo ấn hành 10.000 bản tiểu thuyết Tình yêu thời thổ tả (bản dịch của Nguyễn Trung Đức) của G. G. Marquez, Giải thưởng Nobel văn học 1982. Cuốn sách đã bị cấm phát hành, sau đó bị nghiền thành bột giấy, với lý do “có những đoạn có nội dung kích dục không thích hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam”. Mặc dù tác giả là một người bạn lớn từng đến thăm Việt Nam và đã có nhiều tác phẩm được xuất bản bằng tiếng Việt, nhưng đến lượt tác phẩm này thì lại bị một bộ phận công chúng từ chối không tiếp đón. Phải đợi đến năm 1995 Tình yêu thời thổ tả mới được in lại nguyên vẹn. Cũng năm 1989, tiểu thuyết Chiếc chìa khoá của Tanizaki Junichiro (bản dịch của Phạm Thị Hoài) do NXB Phụ nữ ấn hành cũng gây ra những dư luận trái chiều về nội dung tính dục của nó.

Tình hình xuất bản một số tác phẩm của các nhà văn Nhật Bản như Tanizaki Junichiro, Kawabata Yasunari, Ōe Kenzaburo… ở Việt Nam gợi lên những suy nghĩ về sự tương đồng và dị biệt trong thị hiếu và cảm thụ của độc giả Việt Nam và Nhật Bản, cũng như sự chuyển biến của nó trong bối cảnh xã hội Đông Á hiện nay. Cùng chịu ảnh hưởng của khu vực văn hoá chữ Hán, nhưng Việt Nam và Nhật Bản đã đi vào thế giới hiện đại bằng những con đường khác nhau. Nhật Bản bảo tồn truyền thống văn hoá của mình thật cẩn trọng, đồng thời với sự cởi mở và phá chấp trong tiếp thu văn minh và nhân sinh quan phương Tây. Điều đó tạo điều kiện cho sự tiếp nhận những tác phẩm hội hoạ, văn học, điện ảnh… miêu tả sinh hoạt tính dục và nhục cảm như một phương diện của đời sống thường nhật không có gì mâu thuẫn gì với phẩm cách cao thượng của con người.

Trái lại, ở Việt Nam, một đất nước mà ảnh hưởng sâu đậm của Nho giáo vẫn còn tranh chấp với quan niệm và lối sống hiện đại thì tình hình lại khác. Một mặt, Việt Nam vẫn mang gánh nặng của văn hoá cổ truyền và sức ép của những tabou văn hoá vẫn tạo nên một hàng rào cấm kỵ trong văn chương. Sự thật là lịch sử và đạo đức biện hộ cho những cấm kỵ đó, khi mà một bộ phận công chúng trẻ đã tỏ ra không đủ bản lĩnh để miễn nhiễm trước cám dỗ của sự tha hoá. Mặt khác, những định kiến về “chủ nghĩa tự nhiên” như một “tà phái” từng áp đặt lên việc đánh giá ngay những nhà văn hiện thực như Trọng Lang, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài… vẫn tiếp tục phát huy tác dụng và cộng hưởng với quan niệm đồng nhất đối tượng miêu tả với thái độ miêu tả, dẫn đến sự cảnh giác với những đề tài thường bị xem là “lai căng”, có tính chất học đòi. Sự cảnh giác này không phải chỉ có ở những độc giả có chức phận “coi sóc” nền văn học mà ngay cả ở những nhà phê bình, những nhà giáo dục, những bậc phụ huynh luôn nghi ngờ khả năng điều chỉnh của những thước đo về phẩm hạnh trong lòng độc giả trẻ tuổi.

Việc chính quyền thực dân, dưới áp lực của dư luận, tịch thu và tiêu huỷ Truyện nàng Hà Hương (Hà Hương phong nguyệt) của Lê Hoằng Mưu vào những năm 20 thế kỷ trước, việc gây khó khăn khi xuất bản Ngàn cánh hạc của Kawabata Yasunari vào những năm 60, việc tiêu huỷ Tình yêu thời thổ tả của G. Marquez vào những năm 80, việc biên tập cắt bỏ nội dung Một nỗi đau riêng của Oe Kenzaburo vào những năm 90 là những sự kiện được xâu chuỗi trong non một thế kỷ. Những sự kiện đó diễn ra trong những bối cảnh xã hội rất khác nhau, mà sự giải thích có lẽ phải căn cứ trên lý do văn hoá hơn là lý do chính trị. Thậm chí, nếu có, lý do chính trị cũng phải ẩn giấu sau lý do văn hoá, bởi đây là lý do dễ được đồng tình của dư luận hơn cả. Nó có thể tìm sự biện minh trong sự va chạm và bất hoà có thật giữa phong tục vốn quy định cách ứng xử của con người với những sản phẩm tinh thần sản sinh trong một môi trường văn hoá khác lạ.

Hơn 80 năm trước, để đáp lại lời kết án tiểu thuyết Hà Hương phong nguyệt “làm cho bại hoại phong tục, suy đồi luân lý”, Lê Hoằng Mưu đã viết: “Tôi thầm nghĩ nếu phong hoá vì tiểu thuyết tình tự lả lơi mà ra thì phong hoá các nước suy đồi biết mấy” (11). Không biết khi nói “các nước” ở đây, nhà văn này đã nghĩ đến nước Nhật Bản “đồng văn” với Việt Nam hay chưa.

Thật là cảm kích khi đọc những nhận xét mang tính tự phê phán dân tộc của Ōe Kenzaburo trong Diễn từ nhận Giải thưởng Nobel:

“Quá trình hiện đại hoá của Nhật Bản đã được xác định theo chiều hướng học tập và bắt chước phương Tây. Tuy vậy, Nhật Bản nằm trong châu Á và vẫn bền bỉ duy trì những truyền thống văn hoá của mình. Định hướng nhập nhằng đó của Nhật Bản đưa đất nước này vào vị thế một kẻ đi xâm lấn ở châu Á. Một đằng, nền văn hoá của Nhật Bản hiện đại hoàn toàn mở ra phương Tây, một đằng thì ít nhất cũng ngăn không cho người phương Tây hiểu nó. Và hơn nữa, Nhật Bản bị đẩy vào thế cô lập với các quốc gia châu Á khác không chỉ về chính trị mà còn cả về xã hội và văn hoá” (12).

Ngày hôm nay, gần hai thập niên sau khi Ōe Kenzaburo nhận Giải thưởng Nobel, thiết nghĩ, từ “cô lập” đã không còn thích hợp. Nhưng “khoảng cách” thì chắc chắn vẫn còn. Về mặt văn hoá, khoảng cách đó không chỉ là do cách ứng xử và thích nghi với văn minh phương Tây mà ngày nay không một nước châu Á nào không đối mặt, mà còn do chính sức mạnh, quán tính và áp lực của nền văn hoá bản địa và bản thân những mâu thuẫn bên trong từng nền văn hoá.

Sự va chạm và bất hoà tiềm tàng từ trong quan hệ giữa văn học dân gian với văn học quan phương, được gia tăng bởi những nhân tố nước ngoài trong quá trình giao lưu và tiếp biến văn hoá, chắc chắn sẽ còn kéo dài. Một hệ quả của tiến trình hiện đại hoá văn học là tình trạng biến đổi của cấu trúc độc giả, bị chi phối bởi hệ quy chiếu gồm những chuẩn mực được hình thành từ kinh nghiệm thưởng thức văn học đã tích lũy. Khoảng cách và sự đứt quãng giữa chuẩn mực có sẵn với những hiện tượng văn học “không được chờ đợi” có thể dẫn đến sự phản ứng quyết liệt do những khác biệt, thậm chí xung đột không thể nào hoá giải được. Vì vậy, không thể nhìn nhận và đánh giá một chiều đối với tác động của hiện đại hoá và phương Tây hoá. Đã có những trả giá về tinh thần, những tổn thương và cả những bi kịch phải tìm cách cứu chữa để có sự nhượng bộ, chấp nhận và dung hoà với cái khác và cái mới. Những hố sâu ngăn cách giữa các thế hệ và các nền văn hoá phải mất nhiều thời gian mới được hàn gắn.

Nếu biết tác phẩm của mình bị biên tập, cắt bỏ khi xuất bản ở Việt Nam, trong hai hoàn cảnh xã hội và hai chế độ khác nhau, có lẽ Ōe Kenzaburo không khỏi ngạc nhiên và phiền lòng. Nhưng nếu ông biết rằng những chuẩn mực văn hoá cứng rắn vẫn còn chi phối chân trời tiếp nhận văn học của công chúng Việt Nam, đã từng gây phiền phức cho tác phẩm của những người cùng thời như Kawabata Yasunari, G. Marquez… , hẳn ông sẽ thông cảm. Chắc còn lâu lắm bản dịch Nuôi thù của Diễm Châu và bản dịch Một nỗi đau riêng của Lê Ký Thương mới được tái bản với văn bản trọn vẹn như nguyên tác.

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

(1) Ōe Kenzaburo: Nuôi thù (Bản dịch của Diễm Châu), NXB Trình bầy, Sài Gòn, 1970, tr. 13.

(2), (3) Nguyễn Nguyên: Nuôi thù, Tạp chí Trình bầy, số 6, ngày 15-10-1970, tr. 73.

(4), (5), (6) Ōe Kenzaburo: Nuôi thù, Sđd, tr. 64, 80, 100.

(7), (8) Bản dịch của Lê Ký Thương.

(9) Albert Camus: Kẻ xa lạ (Bản dịch của Lê Thanh Hoàng Dân), NXB Hội nhà văn, Hà Nội, 2001, tr. 79.

(10) Ōe Kenzaburo: Một nỗi đau riêng (Bản dịch của Lê Ký Thương), NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 1997, tr. 266.

(11) Xem Võ Văn Nhơn: Văn học quốc ngữ trước 1945 ở TP Hồ Chí Minh, NXB Tổng hợp TP HCM – NXB Văn hoá Sài Gòn, 2007, tr. 278, 279.

(12) Ōe Kenzaburo: Nhật Bản, sự nhập nhằng và bản thân tôi (Bản dịch của Phùng Thanh Phương). Trong: Đoàn Tử Huyến (chủ biên): Các nhà văn Giải Nobel, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2006, tr. 938.


http://www.viet-studies.info./HuynhNhuPhuong_Kenzaburo.htm

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Vẻ Đẹp Áo Dài - Mai Phương Thúy


Bùi Giáng trong cõi người ta

(Đất Việt) Đây là chủ đề của tuần trưng bày sách sẽ diễn ra từ 29/2 - 11/3, tại thư viện cafe Đông Tây, Cầu Giấy, Hà Nội. Bùi Giáng là một thi sỹ kỳ dị trong nền văn học Việt Nam.

Ông kỳ dị trong lối sống, trong các tác phẩm, trải rộng từ tiểu luận, khảo cứu triết học, văn học, đến dịch tiểu thuyết, kịch và một cõi mênh mang có tên “thơ Bùi Giáng”. Một trong những bí ẩn lớn nhất trong cuộc đời cũng như văn nghiệp của Bùi Giáng đó là việc người ta không thể hiểu, vì sao một con người rong chơi suốt tháng ngày lại có thể để lại một gia tài chữ nghĩa đồ sộ đến vậy? Chỉ biết rằng trong suốt 73 năm sống trên “cõi tạm”, ông đã để lại hàng ngàn trang viết, với vô số tác phẩm. Thậm chí, người ta còn cho rằng có hẳn một nhà xuất bản (An Tiêm) được thành lập chủ yếu để ưu tiên xuất bản các tác phẩm của Bùi Giáng trước các tác giả khác!

Nhà thơ Bùi Giáng

Bộ sưu tập các tác phẩm của Bùi Giáng được trưng bày lần này, là một cố gắng nhằm tập hợp các tác phẩm của Bùi Giáng, được xuất bản cả trước và sau năm 1975, cho thấy một diện mạo của thi sỹ kì dị qua các tác phẩm của ông. Ở đây, có những tác phẩm đánh dấu các cột mốc quan trọng trong cuộc đời Bùi Giáng, như các bản in lần đầu tiên của thi phẩm Mưa nguồn, hay bản dịch tiểu thuyết Hoàng tử bé… Cũng có những tác phẩm cực hiếm chỉ in với số lượng rất ít (200 bản), như tuyển tập thơ Chân trời văn nghệ, hoặc bản dịch một cuốn truyện… chưởng của tác giả Ngọa Long Sinh, mà Bùi Giáng mới chỉ dịch tập 1, là Kim kiếm điêu linh! Với trên 110 cuốn sách (có tác phẩm gồm nhiều bản với nhiều lần xuất bản khác nhau) được trưng bày trong dịp này, có thể nói, đây là bộ sưu tập lớn nhất các tác phẩm của Bùi Giáng được công bố chính thức cho đến nay. Cuộc trưng bày được thực hiện dựa trên bộ sưu tập của nhà báo Yên Ba và một sỗ thành viên khác của Diễn đàn sachxua.net.

Mạnh Trung

theo http://baodatviet.vn/Home/vanhoa

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

Võ Chân Cửu : Chắp tay dòng đời

tản mạn văn học nhiều kỳ

kỳ 5

Răng Vàng Bạc Vụn

Những câu thơ, bài thơ hay như mảnh bạc vụn. Có thể nó bị vùi lấp trong đá thô, đất bùn; hoặc bị ố màu do dòng lịch sử. Những cặp mắt, tay nghề tinh đời có thể nhận ra, lấy lại giá trị đã có.

Câu nói mang tính lý thuyết và…”an ủi” cho các nhà thơ ấy ai ngờ có ngày lại hiện hình rất thực theo…nghĩa đen cho rất nhiều người làm văn nghệ còn ở Sài Gòn sau 1975, không phân biệt thuộc trường phái viễn mơ hay dấn thân (đa phần là quy kết của giới chính trị cũ cũng như mới).

Hai ba năm đầu của những năm ’80, tôi cứ vài tuần ở Quy Nhơn rồi lại vào Sài Gòn. Cả nước ăn bo bo. Gặp bạn dù hào hoa cũng phải dè xẻn. Nhiều buổi phải “ngồi đồng” tách cà phê kho.

Cùng tắc biến

“Răng vàng bạc vụn-RVBV” là cụm từ diễn tả một nghề mới phát sinh giữa thời khốn khó ở Sài Gòn. Không phải tìm phế liệu chiến tranh hay liều mình đi tìm, cưa “bom bi” như những trai tráng nông thôn. Đa phần người đi mua RVBV lại xuất than từ những người có chút ít học hành, nhiều nhất lại là giới sáng tác. Chiến tranh Tây Nam rồi biên giới phía Bắc đã xảy ra, gây nên sự cố “nạn kiều”. Người Sài Gòn mua bãi, sắm tàu rủ nhau vượt biên đông đảo. Họ bán tháo hoặc bỏ lại nhiều đồ dùng xưa kia phổ thông nhưng nay trở thàng hàng hiếm. Các gọng kiếng “Pilot”, nắp và ngòi viết Parker có mạ vàng, có cái là vàng 10, 14 ròng. Những chiếc muổng “Navy” dát dày bạc. Có những món đồ xưa như cối xay trầu, khay và chung rượu xưa đúc từ bạc, quăng lăn lóc nhiều năm bị xẫm màu, chủ nhân tưởng đó chỉ là món hàng thau, thiếc. Một lạng bạc giá bằng 1/10 vàng ròng, nếu mua được với giá ve chai, đời cũng đỡ khổ.

Nhà thơ Phù Hư và cây bút Nguyễn Ước là những văn nghệ sĩ khám phá, gia nhập nghề này trước tiên. Nguyễn Ước từng mở rộng địa bàn thu mua ra tận các thị thành xa, từng ghé ngủ nhờ nhà tôi tại Quy Nhơn để sáng sáng đi hành nghề. Gặp lại nhau tại khu vực cà phê hè Trương Minh Ký, anh cho tôi một cục nhỏ đá đen cứng và chai acid. Muốn định tuổi vàng nào, cứ cà mấy đường lên mặt đá rồi nhỏ acid lên. Không bay màu là có dát vàng. Xem độ lắc-kê (lackquer) dày mỏng để có thể tính ra phân, ly mạ vàng mà giao bán không bị hớ. Cả hai đã lên hàng “đại ca” trong nghề nên chỉ mớm dạy tôi chừng đó, rồi đi thẩm định, mua hàng. Còn lại phải tự mình khám phá khi hành nghề. Giữa lúng túng đó bỗng nhà thơ Trần Dzạ Lữ xuất hiện, giọng Huế than tình : Mai mi đi với tau ! Chắc anh nhớ những kỷ niệm hồi đi phép về Sài Gòn hết tiền. Tôi và Vũ Hữu Định dẫn ra Chợ Trương Minh Giảng. “Cơm với cá như mạ với con”, lần nào, Lữ cũng nói như vậy.

Tôi ăn nói khá dở nên được phân công xách xâu hàng mẫu gồm những gọng kiếng, muổng bạc, vỏ đồng hồ…dắt xe vừa đi vừa lắc kêu leng keng. Lữ cũng một xâu hàng trước trước tay nắm. Anh cất tiếng rao: “hột đá, hột bẹc, hột vương miện…đồng hồ cũ, gọng kính hư…bán…không…” Ở các vùng nội thành, lớp “đàn anh” như Nguyễn Ước, Phù Hư đã đi nát các hẻm. Nên chúng tôi mở trận tuyến mới, theo ngõ An Nhơn, Gò Vấp lên thắng Lái Thiêu, xuống tận trường Trịnh Hoài Đức (Bình Dương)… “Trường này, ngày xưa có các nhà văn nhà thơ…ở dạy học”. Khi nghỉ mệt, chúng tôi lại điểm những kỷ niệm, nhắc nhớ về những người còn ở lại, đã ra đi. Trần Dzạ Lữ mới gia nhập nghề RVBV, cò con, ít vốn nên cả ngày chúng tôi chỉ mua được vài món nho nhỏ, đủ bù công đi xa. Món nào tự định giá được thì về nộp cho các “đại ca” đi trước. Nếu đắt giá thì nhờ cácđàn anh thẩm định rồi đem đến cho một nhạc sĩ nội tiếng đang làm chủ vựa thu hàng.

“Vào nghề” trễ, hàng đa phần đã cạn nên chỉ sau vài chuyến, tôi tìm cách giải nghệ. Nghe đâu Lữ sau đó cũng chuyển nghề, kiếm chân làm việc có lương ở quận 4. Nghề RVBV xem ra bạo phát rồi bạo tàn. Trong giới sáng tác, có người lao vào cũng trúng vài quả đậm (tất nhiên là đều giữ kín) nhưng họ chỉ mua đi bán lại, khyông lao vào phân kim. Về sau, giới phân kim ai nấy đều đổ bệnh hiểm nghèo do không biết tự phòng ngừa khi hít quá nhiều hơi acid.

Theo chân dòng đời: Trường Đại học đóng cửa, lần đổi tiền đầu tiên (22-9-1975) trong nhà chỉ còn 5000 đồng đổi ra 10 đồng tiền mới (chứng từ nay vẫn còn giữ), chỉ đủ sống 2 ngày. Đem sách cũ ra hè phố bán, cứ vài ngày bị đuổi chạy một lần nên tôi nghĩ ra kế đi tìm vùng kinh tế mới. Nhưng mới đi tới Định Quán thì xe khách bị du kích đeo băng đỏ thổi “quét quét” kiểm tra. Chiếc xe đạp, tài sản quý nhất của gia đình tôi bị tịch thu vì không có “giấy chứng nhận”( như kiểu quản lý của Miền Bắc). Tôi phải quay về cắt hộ khẩu để đi theo diện hồi hương cho dễ kiếm việc làm. Kiếm ra việc nhưng tại quê nhà, lại bị một nhà thơ tranh đấu làm đơn “tố” vì là tác giả một tập thơ trong diện cấm lưu hành. Quay về Sài Gòn đi mua RVBV thì nghề vặt này đã sắp tàn…

…Người nói đông nam kẻ nói tây

Thánh nhân ra đời vẫn chưa thấy

Đêm đêm trông sao trên bầu trời

Hiền nhân đời nay còn được mấy

Tà thuyết được thời rao nơi nơi

Ta muốn làm ma bay rong chơi

Làm ma còn có cháo lá đa

Làm người đói xin không ai cho…

Buồn buồn, tôi ngồi nhớ lại mấy đoạn trong bài thơ “Tiễn năm đi” của mình mà nhật báo Sóng Thần trịnh trọng đăng ngay đầu trang nhất số Tết 1974. Những câu thơ ấy như lời tiên tri cho 2 năm sau ! Tôi không làm chính trị và không có ai thân với ở nhật báo này, chỉ tự động gửi bài đến. Nhưng có lẽ là tác giả đã có tên tuổi nên khoản nhuận bút tờ báo trả cho bài thơ này theo thời giá tính ra mua được nửa cây vàng. Ký nhận xong, chị nhà văn đứng tên chủ nhiệm còn ra bắt tay tôi và cảm ơn ! Trên đời, có lẽ có nhiều người biết nhận ra vàng ròng. Như vậy, trong một xã hội xem báo chí là quyền lực thứ 4, nếu có cơ hội và biết làm một tạp chí văn chương đích thực, thì người cầm bút vẫn có thể sống được !

Nhưng bây giờ, tất cả đều đã thay đổi. Văn thơ chỉ còn là một “công cụ”.

Lời nhắc nhở

Có người thấy cảnh “anh chống mái che cho con khỏi ướt-Nơi em thèm viên gạch đứng rửa chân (VCHC-Bài ca túp lều)” đã đến khuyên tôi nên làm những bài thơ ngợi ca để có tiền nhuận bút cho gia đình. Tôi không trả lời nhưng cứ nằm suy nghĩ mông lung.

Sáng ra một bài thơ hiện hình :

Bóng hình

Lẩn tránh chốn ồn ào

Tôi tìm em yêu dấu

Em lắc đầu xua đuổi

Tôi một mình thui thủi

Ra ngồi bên bờ song

Sông lạnh lung cau mặt

Trở về qua phố đông

Tìm mua bài thơ mới

Hết giờ hiệu sách nghỉ

Đêm vỗ về giấc ngủ

Tôi mơ tìm thấy tôi

Gặp em trong giấc mộng

-Anh thành người khác rồi !

Sớm mai ngày mở cửa

Tôi rửa mặt soi gương

Cắp cặp đi ra phố

Một ngày mới bình thường

(1981)

Phải khá lâu tôi mới làm thơ lại được. Với bài thơ 5 chữ này, có người xem, nói tôi bắt đầu có khuynh hướng chuyển sang làm thơ “hiện thực”, bắt đầu gần với “đời thường”. Tôi không quan tâm đến cách phân loại của các cây bút thích làm phê bình gia . Chỉ thích thú với sự sự cảnh báo trong giấc mộng :- “Anh thành người khác rồi !”

Lời nhắc yêu thương đầy tha thiết ấy giúp tôi hiểu là dù có nghèo khó đến mấy đi nữa, cũng đừng bao giờ biến thành kẻ hai mặt trong dòng đời.

(còn tiếp)

Võ Chân Cửu

http://www.gio-o.com/VoChanCuu.html