Bìa tuần báo Nghệ Thuật
Bìa tuần báo Nghệ Thuật

Tiểu thuyết đăng nhật báo, hay còn gọi tiểu thuyết feuilleton được xem là 'đặc sản' của báo chí Sài Gòn trước 1975.
Những cây bút tạo nên “đặc sản” này có thể kể đến Lê Xuyên, Bà Lan Phương, Nghiêm Lệ Quân, Thanh Lan Phương Tử, Nguyễn Đình Thiều, An Khê, Kim Sơn, Trương Đạm Thủy, Hoàng Ly, Hải Âu Tử... Mỗi tờ báo đều có những cây bút chủ lực nên nhìn chung rất hùng hậu.
'Đặc sản' của báo chí Sài Gòn xưa - ảnh 1
Feuilleton trên báo Đuốc ViệtẢNH: L.M.Q
Nguồn gốc tiểu thuyết feuilleton
“Nơi trang trong của hơn 30 tờ báo hằng ngày bày bán đặc dày trên những sạp báo, đã từ nhiều năm nay trở thành vùng đất họp mặt đông đảo của một số người viết tiểu thuyết. Đó là một hiện tượng đặc biệt, phát sinh trước hết bởi sự đồng tình trong thái độ và phong cách sáng tác của người viết văn khi viết cho nhật báo”. Đây là lời nói đầu của tuần báo Nghệ Thuật (số 22 ra ngày 12.3.1966) khi nhóm chủ biên gồm Mai Thảo, Viên Linh và Thanh Nam thực hiện chuyên đề “Nói chuyện giữa những người viết tiểu thuyết nhật báo”.
Loại “tiểu thuyết đăng nơi trang trong các nhật báo”, có lẽ, nhà văn Hoàng Hải Thủy là người trước nhất nghĩ ra cụm từ “feuilleton”. Sở dĩ nhắc lại chi tiết này vì bấy giờ nó chưa có tên gọi chính thức. Nhà văn Lê Xuyên cho biết: “Tập san Văn gọi là tiểu thuyết tân văn”. Thật ra, nếu ngược về khởi thủy của nền báo chí nước nhà, tại Hội thảo khoa học 150 năm thành lập Gia Định Báo và sự phát triển của báo chí VN tổ chức ngày 29.5.2015, theo thạc sĩ Nguyễn Văn Hà: “Từ năm 1885 trên Gia Định Báo còn xuất hiện thể loại feuilleton (truyện trang giữa - serial story) với các truyện dịch hoặc phóng tác từ văn học Pháp, đăng nhiều kỳ”. Nói cách khác, thể loại feuilleton đã xuất hiện từ thuở bình minh của nền báo chí nước nhà.
Là “người trong cuộc”, nhà văn Hoàng Hải Thủy đánh giá: “Đa số các feuilleton đều kém giá trị nghệ thuật là vì cách làm việc máy móc của các nhật báo: đúng giờ đã định thì phải có bài, hay hoặc dở, hứng thú hoặc chán nản, mạnh khỏe hay đang đau yếu, người viết phải viết cho đủ bài. Đa số người viết lại là những văn nghệ sĩ làm việc tùy hứng, lười viết, chờ đến giây phút đòi hỏi cuối cùng mới ngồi vào bàn viết, tất nhiên không thể nào hay được”. Nhiều nhà văn đồng tình với ý kiến này. Nhà văn Sĩ Trung bổ sung: “Các ông chủ báo mời tôi cộng tác chỉ căn dặn một câu: đưa bài cho đúng giờ, đừng để anh em xếp chữ typo phải chờ đợi; đừng để độc giả phải đọc câu cáo lỗi: Vì tác giả thọ bịnh thình lình nên truyện dài… phải gác lại một kỳ”.
'Đặc sản' của báo chí Sài Gòn xưa - ảnh 2
Feuilleton trên báo Trắng Đen
Chất lượng của truyện feuilleton
Nhà văn Ngọc Linh cho biết: “Thú thật trong vòng 10 năm viết tiểu thuyết, tôi không thể nhớ đã viết bao nhiêu truyện. Có lẽ khoảng 30 đến 40 quyển và tôi chưa hoàn toàn vừa ý một tác phẩm nào”. Nhà văn Duyên Anh bật mí, ông bắt đầu viết feuilleton vào năm 1964, lúc làm ở nhật báo Xây Dựng. Truyện trước nhất là Ảo vọng tuổi trẻ, rồi tiếp theo Điệu ru nước mắt, Nước mắt lưng tròng. Nhà văn Lê Xuyên đã in cả 8 quyển trên nhật báo như Chú Tư Cầu, Rặng trâm bầu, Kinh Cầu Muống…
Do viết mỗi ngày, nhà văn không thể có thời gian trau chuốt văn phong, chữ nghĩa, cốt truyện; thậm chí lối hành văn của họ có một điều dễ dàng nhận ra là nhân vật đối thoại khá nhiều. Đây là một cách xuống dòng nhanh, mau chiếm hết cột báo mỗi kỳ. Còn nhớ thuở nhỏ, dì út tôi hay đọc truyện feuilleton của Lê Xuyên. Tôi nhớ từ ngày này qua tháng nọ nhân vật nam nữ vẫn cứ mải miết đối thoại tràng giang đại hải. Đó là chưa kể một nhà văn còn nhận viết cùng lúc cho dăm bảy nhật báo, cùng một trang báo nhưng in 2 feuilleton: Mảnh tình xẻ nửa, Ray rứt của Bà Lan Phương…
Rồi với quy định nghiêm ngặt phải đúng giờ, nên họ buộc viết nhanh, viết nhiều, vì thế không hiếm trường hợp oái oăm xảy ra. Có nhà văn kể, ban đầu ông cho nhân vật dẫn “mèo” (bồ nhí - NV) vào nhà hàng bằng xe hơi nhưng sau đó họ lại về bằng taxi, chẳng hạn. Tức “chuyện nọ xọ chuyện kia”, vì cùng lúc phải viết cho nhiều nhật báo nên nhầm lẫn.
Vậy nên, khi trả lời phỏng vấn tạp chí Văn, nhà văn Sơn Nam thẳng thắn: “Vài nhà văn đem tiểu thuyết đăng báo in thành sách, trình bày đứng đắn, không bán đại hạ giá, nhưng sách đó khó gọi là văn chương”. Có lần, tôi hỏi ông đã viết feuilleton nhiều không, nhà văn Sơn Nam gật đầu nhưng thú thật không nhớ đến dù là tựa. Đến lúc tôi đưa ra tờ nhật báo Đuốc Việt số ra ngày 9.2.1964, có in “tiểu thuyết tình cảm” Hai người tranh sống, ông giật mình, đọc ngấu nghiến rồi… cười khà khà! Do hiểu quan niệm viết của ông nên khi biên soạn tập sách Sơn Nam - Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê (NXB Kim Đồng - 2011), tôi không đưa “tác phẩm” này vào thư mục Sơn Nam.
Trả lời câu hỏi: tại sao các nhà văn vẫn viết feuilleton, nhà văn Lê Xuyên cay đắng: “Chỉ vì sinh kế. Đó cũng là một nghề kiếm cơm. Một nghề vất vả, chẳng hiếm hoi buồn phiền và nhất định là bạc bẽo rồi. Tuy nhiên, nhờ đó, người viết cũng có được số tiền kha khá”. Nói đi cũng phải nói lại, không phải truyện feuilleton nào cũng đều liệt vào hàng cẩu thả, viết ẩu. Và cũng theo nhận xét của Lê Xuyên, ta biết thời đó còn có những cây bút nghiêm túc, có trách nhiệm cùng bạn đọc, chẳng hạn tiểu thuyết của Bà Tùng Long luôn khít khao với mẫu mực luân lý nên vẫn được độc giả theo dõi.
Về chuyện này, trong hồi ký Viết là niềm vui muôn thuở của tôi (NXB Trẻ - 2003), Bà Tùng Long cho biết kinh nghiệm: “Tôi luôn lập dàn bài, tóm lược cốt truyện, phân chương và ghi chi tiết từng chương, định hình nhân vật cho mỗi truyện. Trước khi viết tiếp cho báo này, tôi luôn xem lại dàn bài, nhờ vậy không bao giờ lẫn lộn cốt truyện hoặc nhân vật truyện này qua truyện nọ”.
Hiện nay, thể loại feuilleton theo đúng nghĩa của nó đã không còn xuất hiện trên mặt báo. Và trước đó nó có thời gian “sống khỏe” là vì lẽ gì? Tôi xin không bàn luận, chỉ dám nói rằng, có một thời nhiều nhà văn miền Nam đã “lấy ngắn nuôi dài” là nhờ “truyện dài in từng kỳ ở trang trong nhật báo”. Nếu thể loại feuilleton hiện nay được “sống lại” trên mặt báo, theo tôi đây chính là sự “cải thiện” đáng kể cho thu nhập của nhà văn, bởi ngoài nhuận bút mỗi kỳ in họ còn có thêm khoản tiền khi in thành sách. Và điều quan trọng hơn, với “kỷ luật” phải viết mỗi ngày, qua đó, chính họ cũng ý thức thường xuyên hơn về nghề cầm bút.
Sau năm 1975, trên báo chí, thể loại “tiểu thuyết nhật báo” hay còn gọi “tiểu thuyết tân văn” hoặc feuilleton hoàn toàn biến mất. Có lẽ vì thế, Từ điển văn học (bộ mới) đồ sộ, quy củ, đầy đủ nhất cho đến thời điểm này vẫn không ghi nhận thể loại này. Trong phần “Tra cứu thuật ngữ văn học” chỉ có nhắc đến: “Tiểu thuyết, Tiểu thuyết anh hùng ca, Tiểu thuyết chí quái, Tiểu thuyết chương hồi và Tiểu thuyết truyền kỳ” (NXB Thế Giới - 2003, tr.2180).
Lê Minh Quốc