Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

Cao Huy Khanh - VIỆT NAM - HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975-2011 : NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

Kỳ 65 – 28.3. 2011 (Trích đăng từ 1.1.2010)

Kỷ niệm 10 năm ngày mất


651 - Trịnh Công Sơn

NGHI ÁN VƯỢT BIÊN… TRONG NƯỚC

Nhạc sĩ sinh 1939 tại Buôn Ma Thuột – Mất 1.4.2001 ở TPHCM (63 tuổi).


Ngày 30.4.75 đang ở Sài Gòn nhưng ngay sau đó đã hăng hái tình nguyện lên đường quay về Huế quê nhà tuổi thơ và tuổi trẻ để góp sức xây dựng lại quê hương điêu tàn sau chiến tranh như trong một ca khúc của mình. Thật oái oăm mà khắc nghiệt là nếu cứ ở lại Sài Gòn thì đã không phải trải qua một đoạn đời cay đắng khổ sở sau này ngay trên quê Huế thân thương (sinh Đắc Lắc song từ nhỏ đã theo cha mẹ gốc Huế quay về sống ở Huế). Bởi đâu ngờ cách mạng chiến thắng Huế lúc ấy mang nặng ảnh hưởng Mao-ít đã đưa một số văn nghệ sĩ có hoạt động xem như “cộng tác” với chế độ cũ, chỉ có lập trường kêu gọi hòa bình chung chung chứ không chịu móc nối hoạt động nội thành hoặc thoát ly vào mật khu – như mình và Đinh Cường, Ngụy Ngữ - ra kiểm điểm công khai! Rồi đưa đi thâm nhập lao động thực tế với yêu cầu sáng tác phục vụ chế độ mới… Trước bao nhiêu o ép đó, cuối cùng phải chọn biện pháp ra đi rời khỏi quê hương mà mình từng ấp ủ nguyện vọng trở về đóng góp. Đây là một nghi vấn lịch sử chưa có lời giải chính thức công khai. Nó nằm trong bối cảnh sau ngày 30.4.1975 từ Sài Gòn họ Trịnh tình nguyện trở về Huế “góp phần xây dựng lại quê hương” như phong trào thời đó kêu gọi. Nhưng giấc mơ đó đã sớm tan vỡ trước một thực tế nghiệt ngã của buổi sơ khai thời Hậu chiến có hòa bình rồi nhưng chưa có hòa hợp với biết bao hận thù, thành kiến nghi kỵ còn đó. Nhất là đối với những nhân thân “chưa xác minh”, những nhân vật có quan điểm lập trường “mơ hồ” như Trịnh qua những thông điệp Ca khúc da vàng “nội chiến từng ngày”, “Hát cho người nằm xuống”… bị lên án mà mãi đến nay vẫn chưa được giải tỏa. Ngay cả các lực lượng cách mạng cũng có sự phân biệt quyền lực với nhau theo chủ trương quản lý thời này “Nhất trụ, nhì khu, tam tù, tứ kết” tức là ưu tiên lãnh đạo cho thành phần cán bộ địa phương bám trụ chiến đấu, sau đó mới đến ở mật khu về, ở tù về rồi mới đến dân tập kết vào. Huống gì là dân văn nghệ nửa nạc nửa mỡ không chống mà cũng không theo Cộng như Trịnh! Mặt khác cần chú ý tình hình chính trị Huế thời đó nằm trong “liên bang” Bình Trị Thiên có vị trí chiến lược khép cửa miền Bắc dưới chân đèo Hải Vân tách biệt miền nam từ Đà Nẵng trở vào với đôi bên hai chính sách quản lý khác nhau: Áp dụng chế độ nội bất xuất ngoại bất nhập ngặt nghèo đi đâu cũng phải được cấp phép; vẫn còn dùng 2 loại tiền nên về đây phải đổi tiền Bắc mới xài được…. Từ đó Huế vốn là kinh đô phong kiến kẻ thù cộng sản dưới quyền Bí thư Bùi San và Giám đốc sở Trần Hoàn phụ trách văn hóa thông tin trở thành gần như một “đặc khu” độc lập khép kín thí điểm công xã, thành trì Mao-ít cực tả, cộng sản hơn cả miền Bắc! Từ đó mới có câu ca dao truyền miệng để đời “Bùi San cùng với Trần Hoàn, Cả hai xúm lại phá đàn Nam Giao”! Tội nghiệp họ Trịnh người trói gà không chặt, hiền lành “mô Phật”, hoàn toàn ngây thơ chính trị bị rơi vào cảnh “botay.com” như thế. Quá bế tắc, năm 1979 nhân một chuyến công tác vặt vào TPHCM – nơi đã có sẵn nhà từ trước - mới quyết định bỏ Huế “trốn” vào ở luôn tại TPHCM tìm sự che chở của những người thông cảm mình (giới văn nghệ sĩ chế độ mới như Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Duy cùng bí thư lúc đó là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) nơi một thành phố có tư tưởng cởi mở thoáng hơn. Thế là từ đó hẳn đã bị cấp lãnh đạo Huế xem như một kẻ “phản bội”, đào ngũ, chạy trốn, thậm chí có thể là… phạm pháp nữa kia! Nên nhớ lúc đó như thế là đã bỏ… hộ khẩu mà đi không xin phép tất không được chuyển hộ khẩu phải tạm trú bất hợp pháp ở nơi khác. Có lẽ đấy là nguyên nhân sâu xa đưa đến thái độ lạnh lùng, “dị ứng” của Huế đối với Trịnh – và nhạc Trịnh - kéo dài cho đến hàng chục năm sau. Huế chưa bao giờ tổ chức một lễ tưởng niệm đàng hoàng xứng đáng cho Trịnh, chưa hề có một Nhà Lưu niệm dành cho anh, đi khắp nơi cũng chẳng tìm thấy đâu một dấu vết nào của anh được trân trọng hay gìn giữ nghiêm túc. Trong lúc đó dù sinh thời Trịnh có nói ca khúc của mình không hề đưa vào một từ “Huế” nào hết nhưng ai từng ở Huế biết Huế đều thấy toàn bộ không khí, âm hưởng, khung cảnh, con người trong đó đều rặt chất Huế. Từ mưa, cây cối, hoa lá, vườn hoa, dòng sông Hương, thiếu nữ “dời gót hài”, tóc bay vờn trong gió công viên, “chiều một mình qua phố” trên vỉa hè Trần Hưng Đạo, “nhìn những mùa thu đi” dưới vòm cây trường Đồng Khánh, “chiều đi lên đồi cao hát trên những xác người” ở Bãi Dâu… Có thể dùng nhạc Trịnh để qua đó vẽ nên một toàn cảnh Huế thời đó, qua đó lần mò đi truy tìm những dấu tích Huế xưa biến nó thành một cuốn “Tổng phổ Dư địa chí Huế”. Chẳng những thế, người con này còn vang danh bốn biển, đã làm rạng danh xứ Huế khắp nước, là một tâm điểm để khách du lịch tìm đến. Thế mà Huế đã từ bỏ một di sản đẹp như vậy cho một nơi xa lạ như Bình Quới (TPHCM) làm hết (mà lại làm quá tốt!) dù Festival Huế 2006 lại dùng khúc nhạc dạo đầu buổi khai mạc là bài… “Diễm xưa”! Nhưng Festival Huế lần đầu tiên trước khi mất, chẳng ai thèm gửi một tấm thiệp mời đến. Đến lúc qua đời mộ phần mình (và mẹ) cũng không được gửi về quê nhà như cố nhạc sĩ Châu Kỳ sau này được thỏa tâm nguyện từ TPHCM đưa về yên nghỉ trên đồi thông Nam Giao. Khác hẳn vài nghệ sĩ Việt kiều sau này làm sao gắn bó với Huế bằng được, không để lại dấu ấn đậm đà về Huế lại được ưu ái quá mức (cấp cho cả biệt thự, cho cả người không phải dân Huế gốc)! Tuy nhiên sự đố kỵ, ghét bỏ, ruồng rẩy nếu có thì chỉ là của một số quan chức “chính trị” nào đó nặng quan điểm bảo thủ giáo điều ấu trỉ (trong đó không thể không nhắc đến vai trò của Giám đốc Sở VHTT lúc ấy cũng là một nhạc sĩ Huế đàn anh nổi tiếng – cố nhạc sĩ Trần Hoàn) chứ đâu phải toàn dân Huế? Cần nhắc đến giai thoại sau khi Trần Hoàn ra Bắc, năm 1986 Trịnh mới “dám” quay về lại, được mời lên sân khấu trình diễn thì lại chỉ xin hát độc một bài duy nhất “Em là hoa hồng nhỏ” gọi là “phi chính trị” rồi thôi làm mọi người ngỡ ngàng. Rõ ràng “sợ” Huế – Huế của cách mạng - quá rồi! Xét cho cùng việc bỏ Huế ra đi – sau khi đã trở về với đầy thiện chí - là nhằm đi tìm con đường “tự cứu” hợp lý thôi, “vượt biên” vào TPHCM chứ có phải… qua Mỹ đâu (sau này có dịp đi Mỹ thăm Khánh Ly rồi cũng về đấy thôi)? “Đất lành chim đậu” – ngay trong lãnh thổ một quốc gia tự hào là đã thống nhất kia mà - là quy luật thế thôi. Mặt khác, nên nhớ nhờ được “giải phóng” một lần nữa ở TPHCM mới nở rộ thêm giai đọan sáng tác thứ ba Ca khúc Hòa bình - sau giai đoạn thứ nhất Tình khúc Tuổi trẻ và giai đoạn thứ hai Ca khúc Phản chiến. Lẽ ra Huế thời đó và cả bây giờ phải tự vấn rằng mình đã làm gì để bị chảy máu chất xám tới mức đó mới đúng. Thật buồn cười nếu ngày đó không vì tình yêu Huế mà Trịnh hăm hở vội vã quay về mong làm việc “dựng lại người, dựng lại nhà” để vẫn “cố thủ” ở Sài Gòn thì hẳn sự tình đã khác (trường hợp tình nguyện trở về “dại dột” như vậy cũng đã xảy ra cho nhiều đứa con quê hương khác nữa). Biết đâu lại được Huế tôn vinh lâu rồi! Tại sao Huế cứ để kéo dài tình trạng cố tình bỏ quên mà không chịu tiếp nhận đứa con lưu lạc trở về để cùng làm giàu thêm gia tài của mẹ, gia sản của quê hương? Không phải chỉ kêu gọi hãy “ôâm Huế vào lòng” mà chính Huế cần mở rộng vòng tay ôm con cái vào lòng, bây giờ cả những đứa con bỏ nước ra đi cũng được chào đón gọi về kia mà. Điều này mãi đến năm 2011 Huế mới chịu làm, bước đi bước đầu tiên đặt tên Trịnh cho một con đường nhỏ, cụt (600m) mới mở từ cầu Gia Hội men theo một nhánh sông Hương đâm xuống bến đò Cồn (nhìn qua sau lưng cồn Hến) mà lúc chưa đặt tên đã được mệnh danh là “con đường bia bọt” Huế! Dù sao thì cũng có còn hơn không nhưng chưa đủ.


652 - Jimmy Phạm

NGƯỜI ANH CỦA TRẺ EM ĐƯỜNG PHỐ

Nhà hoạt động xã hội Việt kiều Uc sinh 1970 tại Sài Gòn. Sống ở TPHCM (2011).


Năm 1978 lúc mới 8 tuổi theo gia đình vượt biên qua Uc. Lớn lên vào nghề du lịch nên năm 1996 được một công ty Uc cử về lại VN làm đại diện điều hành du lịch. Trong thời gian làm việc tại TPHCM mới gặp gỡ rồi dần dà quan tâm đến số phận của trẻ em đường phố lang thang cơ nhỡ rất dễ rơi vào cạm bẫy tệ nạn, từ đó quyết tâm làm một cái gì đó để giúp đỡ các em. Thế là nghỉ việc, bỏ nghề du lịch rồi vay gia đình một món tiền lớn để mở một cửa hàng làm bánh, bán bánh tại TPHCM qua đó thu nhận các em lang thang bụi đời vào nuôi dưỡng, dạy nghề. Ban đầu tập trung vào nghề làm bánh, sau đó từ từ mở rộng ra nghề phục vụ nhà hàng, khách sạn. Từ một cửa hàng phát triển thành một trung tâm dạy nghề mang tên KOTO (“Know one, Teach one” nghĩa là một người học nghề dạy lại cho một người khác) mở nhiều khóa học miễn phí – cả dạy nghề lẫn dạy văn hóa và tiếng Anh - cho các em từ TPHCM ra đến Hà Nội. Đến nay bằng cách đó đã đào tạo cho hơn 300 em có nghề làm dịch vụ khách sạn (có em được tín nhiệm đưa qua làm khách sạn cả ở Macau, Dubai) tự nuôi sống bản thân trở thành người lương thiện trong xã hội. Xem như đó là phần thưởng lớn cho mình: “Các em được đào tạo quay lại trả ơn tôi bằng cách làm việc tốt hơn, làm gương cho những đứa trẻ khác mới vào nghề.” Đầu năm 2011 đã được tổ chức Diễn đàn Kinh tế thế giới trao tặng giải thưởng Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu: “Tôi từng được tặng nhiều giải thưởng nhưng với tư cách người Uc, lần này với tư cách người VN tôi thấy vinh dự hơn gấp bội.”


653 - Nguyễn Hữu Đính

BỐN LẦN THOÁT CHẾT

Việt kiều Canada sinh 1937 tại Nam Định. Sống ở Canada (2005).


Năm 1954 theo gia đình di cư vào Nam. Lớn lên học ĐH Luật ra trường về làm tòa án ở Bến Tre. Rồi bị gọi nhập ngũ vào trường bộ binh Thủ Đức, tốt nghiệp chuyển về làm hành chánh ở Trung tâm Huấn luyện cán bộ Vũng Tàu. Gặp và lấy vợ tại đây năm 1972, vợ lai Pháp cũng quê Nam Định làm giáo viên. Trước biến cố 30.4.75 đã chuẩn bị vé máy bay cho cả gia đình (đã có một con và vợ đang mang thai con thứ hai) đi Pháp nhưng giờ chót vợï bị kẹt ở Vũng Tàu không về kịp, không nỡ bỏ đi một mình nên đành bỏ vé không đi. Nhưng chấp nhận ở lại trong tình hình tinh thần cực kỳ khủng hoảng lo sợ bị cộng sản “xử”, vì thế có ý định tự tử bằng cách xin bạn bè thuốc ngủ thủ sẵn. Viết sẵn một lá thư trăng trối để lại cho vợ con trước khi định tự tử nhưng cuối cùng kịp nghĩ lại không muốn làm vợ con đau khổ lại phải một mình gánh vác trách nhiệm gia đình nên thôi. Sau đó đi cải tạo qua 4 nơi TPHCM, Đồng Nai, Bình Thuận và cả Phú Quốc. Trong thời gian nằm tù Phú Quốc lại sinh chán đời tuyệt vọng muốn tự tử lần thứ hai. Chuẩn bị sẵn một sợi dây dù chờ nửa đêm lén đi ra ngoài định treo cổ thì gặp cán bộ đi tuần nên đành tháo lui rồi bỏ luôn ý định chết chóc thấy cũng vô ích thôi. Đi cải tạo chỉ 3 năm thì được cho về do bản thân chỉ là sĩ quan hành chánh cấp thấp. Về còn kịp nhìn mặt bố qua đời, còn một người anh thì mất trong trại cải tạo. Bắt đầu tính chuyện vượt biên song 5 lần đi đều không thành, mất cả khối tiền và vàng dành dụm từ trước. Trong số này có 2 lần thoát chết thật ly kỳ mà may mắn. Lần đầu đi từ Vũng Tàu trong lúc ngồi trốn chờ tàu thì 2 đứa con còn nhỏ không biết gì cứ khóc rồi cười ré lên khiến chủ tàu sợ bị công an phát hiện mới đuổi cả nhà về không cho đi theo nữa (nhưng không trả lại vàng đã nộp trước). Ai ngờ sau đó tàu ra khơi chở quá tải (khoảng 70 người) gặp sóng lớn lật úp làm chết gần hết trong đó có cả em trai vợ. Lần thứ hai đi theo chuyến do bạn của bà chị họ tổ chức, tuy nhiên trước khi lên tàu chủ tàu còn đòi nộp thêm vàng mà mình không còn gì cả nên bực mình cự lại rồi bỏ về. Tàu vẫn lên đường và… mất tích luôn, 20 năm qua không thấy có ai báo về gì hết. Bà chị họ có chồng đi chuyến đó buồn khổ tới phát điên luôn! Vượt biên bất thành khiến gia sản, tiền bạc tiêu tan hết nên đầu năm 1980 phải đi đạp xích lô kiếm sống vất vả qua ngày. May sao vợ vốn con lai Pháp nên nộp đơn xin đi định cư Pháp được chấp thuận để năm 1983 cả nhà được phép lên đường. Đến Pháp làm công ty hóa chất. Qua năm 1993 xin di dân qua Canada đời sống dễ thở hơn. Từ khi ra đi đã 3 lần quay về quê hương thăm mẹ già (mất năm 2000).


654 - Trần Nghi Hoàng

“CHIẾN ĐẤU GIA” TRÊN MẠNG

Nhà thơ, nhà nghiên cứu Việt kiều Mỹ sinh 1949 tại Bến Tre. Sống ở Hội An (2011).


Vượt biên đến Mỹ sau 75. Trở thành một cây bút trên mạng theo khuynh hướng tự do tư tưởng, phản đối cộng sản nhưng với một quan điểm “độc lập” riêng nhiều khi tỏ vẻ khác người, táo bạo, “chơi trội”. Rất đa năng viết đủ các thể loại thơ, văn, phê bình, chính luận, tiểu luận, nghiên cứu lịch sử, văn học sử, tạp bút, dịch thuật, kịch bản phim, tạp bút…. Lập website, lập tuần báo, lập nhà xuất bản hoạt động rùm beng, sẵn sàng tranh luận, bút chiến ồn ào. Tham gia viết nhiều báo, in nhiều tác phẩm hải ngoại. Thình lình khoảng năm 2007 sau hơn 30 năm lăn lóc trên đất Mỹ đã bất ngờ không kèn không trống rút về “ở ẩn” tại… Hội An tiếp tục “chiến đấu” trên mạng!


655 - Trần Thị Hường

MẠNH HƠN BOM ĐẠN hay LIỆT SĨ SỐNG LẠI 29

Cán bộ về hưu sinh 1942 tại Bình Dương. Sống ở Bình Dương (2004).


Tham gia đánh Mỹ từ những năm 1960, đã có lời thề nguyền với người yêu bộ đội cũng là bạn hàng xóm. Năm 1968 được tin người yêu tử trận mất xác trong một trận đánh ở Lái Thiêu, từ đó càng nung nấu chí căm hờn đánh Mỹ trả thù. Chiến đấu nổi tiếng “cô Hai Hường” phụ nữ mà làm đến chức trưởng công an huyện. Trong cuộc đời riêng vẫn sống độc thân thờ người yêu, có ai muốn hỏi cưới thì trả lời chờ người yêu “về báo mộng chấp nhận”! Sau khi hòa bình lập lại, năm 1976 bất ngờ người yêu Phạm Văn Liên tưởng đã chết ấy trở về từ miền Bắc nhưng trong một thân xác bệnh hoạn tàn tạ bị liệt nửa người do vết thương chiến tranh ở cột sống. Thì ra trong trận đánh kể trên anh bị một mảnh đạn pháo găm vào cột sống nhưng không chết mà được đồng đội cứu sống rồi đưa về miền Bắc chữa trị. Được chẩn đoán thương binh 1/4 mất sức 91%. Nhưng không dám liên lạc về báo cho người yêu biết vì thấy mình đã thành người tàn phế rồi, đến khi dứt chiến tranh được cho ra viện nên đành phải quay lại quê hương định tìm nơi nương náu với cha mẹ già. Tuy nhiên người yêu nữ công an thì vẫn một lòng một dạ thủy chung với mối tình đầu trăm năm khắc cốt ghi tâm nên mặc sự can gián của ngườøi khác vẫn tự nguyện đứng ra xin được “cưới chồng” kể cả biết rằng chồng bệnh như vậy rất khó có con. Người thương binh mặc cảm không dám nhận mối ân tình nên định nhờ người em đang đêm “trốn” người yêu ra bến xe về lại miền Bắc nhưng cuối cùng cũng đành chịu thua trướùc tấm lòng son sắt giữ anh lại “người ơi người ở đừng về”. Đám cưới được cử hành cảm động bắt đầu một quảng đời người vợ một mình lo hết mọi chuyện vừa tiếp tục làm nhiệm vụ công an vừa tranh thủ thì giờ rảnh nuôi heo, trồng cao su trồng điều tăng thu nhập nuôi chồng bệnh dai dẳng kéo dài. Dù bản thân mình cũng mắc bệnh tim cộng thêm chứng khó ngủ. May sao trời ngó lại, vậy mà cũng sinh được 2 con một trai một gái có nếp có tẻ như ai đem lại nụ cười hạnh phúc dẫu có hơi muộn màng cho hai phận người mới thoát khỏi khói lửa chiến tranh: “Bom đạn có thể giết chóc, đất có thể cằn cỗi nhưng niềm tin và tình yêu con người mạnh mẽ hơn tất cả. Nhờ nó mà chúng tôi mới có được ngày hôm nay.”


656 - Triều Uyên Phượng

NHÀ THƠ BÁN VÉ SỐ

Nhà thơ sinh khoảng 1944 tại Cần Thơ. Sống ở Bình Phước (2011).


Trước 75 làm sở Mỹ ở Cần Thơ đồng thời chuyên làm thơ tình lãng mạn bay bướm cho lứa tuổi học trò đúng như bút danh rất đẹp của mình dù thực tế ngoại hình trái ngược hẳn lại cận thị đến 16 độ. Sau 75 thất nghiệp tan vỡ tất cả mọi ảo tưởng phải lên TPHCM ngồi bán vé số lề đường. Đã vậy còn sống chung với một phụ nữ thuộc loại “mẹ mìn” ma chê quỷ hờn dữ dằn bậc nhất, làm được bao nhiêu tiền – hoặc bạn bè thương cảm giúp đỡ - đều bị “bóc lột” hết trần thân! Tuy nhiên nhà thơ “trên mây” buôn bán kiểu đó làm sao sống nổi nên cuối cùng cả hai dắt díu nhau về vùng xa vùng sâu ở tận Bình Phước tìm vào tá túc trong một nữ tu viện có người thân ở đó. Sống không ra sống, bản thân mắc bệnh già, vợ thì gần như mù luôn rồi. Chỉ còn cách lâu lâu về TPHCM nhờ anh em bạn bè cũ giúp đỡ tiền bạc được chút nào hay chút đó. Bất ngờ năm 2007 thấùy xuất hiện trở lại ở TPHCM chạy vạy xin làm thủ tục đi Mỹ theo diện bổ sung mới nhất (nhờ trước kia có làm sở Mỹ) song cái phao cuối cùng này cũng tuột khỏi tầm tay bởi nay gần như đã quên hết… tiếng Anh rồi!


657 - Trịnh Công Thu

CỔ ĐỘNG VIÊN BÓNG ĐÁ SỐ 1 ĐÀ NẴNG

Thương binh sinh1944 tại Quảng Nam. Sống ở Đà Nẵng (2009).


Từ năm 16 tuổi đã vào bộ đội làm lính đặc công. Đến Chiến dịch Hồ Chí Minh là đại úy đặc công tham gia đánh sân bay Biên Hòa thì bị bắn trúng cột sống phải trải qua 5 năm nằm viện từ TPHCM ra tới Hà Nội. Di chứng làm liệt hẳn chân trái, co rút 2 tay, người khòm xuống. Không chỉ thế, gia đình lại lâm vào cảnh bi thương khi con trai thứ hai do hậu quả CĐDC từ khi sinh ra đã mắc bệnh câm điếc, sau đó may mắn lấy được vợ thì sinh cháu gái đầu lòng được một tuần cũng qua đời do chứng không có cột sống. May mà mình còn có niềm an ủi nhỏ với đời: Niềm vui bóng đá do từ hồi còn là bộ đội đã rất mê đá banh từng là một chân sút cừ khôi. Nhưng nay liệt chân phải chống nạn lấy gì đá đây? May sao khi được đưa về chữa bệnh tại quân y viện ở Đà Nẵng vốn nằm gần sân Chi Lăng nên có cơ hội nhắc nhở tìm lại niềm vui xưa. Bèn tập tễnh chống nạng mỗi ngày ra trước cửa sân Chi Lăng nổi tiếng là “diễn đàn thường trựïc” về đội Đà Nẵng (xưa là đội Quảng Nam – Đà Nẵng) hóng chuyện bóng đá với mọi người. Từ đó dần dà trở thành là thành viên “không thể thiếu” của CLB Cổ động viên Đà Nẵng, là fan nhiệt tình quen thuộc của đội này lẫn người hâm mộ. Suốt 17 năm qua đã kiên trì chống nạng lên tàu lửa, xe đò đi theo ủng hộ đội trên từng cây số qua nhiều tỉnh thành dù có khi “lâm trận” đang xem nửa chừng đột ngột lên cơn đau thần kinh tọa khiến muốn gục xuống ngất luôn tại chỗ! Là một trong số ít người có vinh dự được “chạm” vào Cúp VĐQG hai lần Đà Nẵng đăng quang năm 1989 và 2009. Nay đã lớn tuổi yếu sức phải ngồi xe lăn nhưng là một chiếc xe lăn đặc biệt duy nhất cả nước toàn xe sơn màu da cam là màu áo đội Đà Nẵng với trước xe tấm bảng đề “Lê Huỳnh Đức Vô địch” (HLV đội Đà Nẵng) và sau xe một tấm bảng khác “Đà Nẵng Vô địch”. Với lời thề son sắt đúng tác phong một người lính năm nào: “Ngày nào tôi còn khoẻ là còn đi cổ động đội bóng, đến khi nào kiệt sức thì thôi.”


658 - Trịnh Hữu Phước

CHUYÊN GIA NASA SUÝT BỎ VƯỢT BIÊN

Nhà khoa học Việt kiều Mỹ sinh 1962 tại Bạc Liêu. Sống ở Mỹ (2011).


Năm 1979 lúc 16 tuổi học lớp 11 theo gia đình lên tàu vượt biên từ Cà Mau (lúc đó cùng Bạc Liêu đều thuộc tỉnh Minh Hải). Nhưng phút chót chỉ mình lên được tàu còn cả gia đình đều rớt lại, lo quá nên đang khi tàu đã rời bến mới có ý định nhảy xuống biển bơi lại vào bờ tìm về với cha mẹ anh em. Chủ tàu thấy vậy sợ nội vụ vỡ lở sẽ bị công an bắt cả tàu nên vội can ngăn hứa khi qua đến nước ngoài sẽ giúp bảo bọc cho. Tuy nhiên trên đường đi tàu bị hải tặc cướp sạch, chủ tàu trắng tay theo nên khi cập bến trại tị nạn trên đảo Galang của Indonesia thì mạnh ai nấy tìm cách kiếm sống mà tồn tại. Thế là phải vào rừng chặt cây mang về trại bán cho dân vượt biên làm củi làm giườøng, kiếm mối đi bán bánh mì trong trại qua ngày… May sao trong thời gian này gặp được một cô gái bạn học cũ cùng quê vượt biên trước qua đây hứa đến Mỹ có người thân sẽ giúp đỡ. Vì thế khi cô qua Mỹ trước đã nhờ một giáo sư Mỹ nhận anh bạn học làm con nuôi bảo lãnh qua theo. Từ đó lao vào học đêm học ngày, “học gấp 10 lần dân Mỹ” chuyên ngành công nghệ vũ trụ. Năm 1985 lấy bằng kỹ sư, năm 1987 bằng cao học và được NASA cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ tuyển dụng vào làm chuyêngia. Tiếp tục học lên lấy bằng tiến sĩ năm 2004. Năm 2010 trở thành chuyên gia cao cấp NASA làm trưởng nhóm nghiên cứu và chế tạo động cơ tên lửa đẩy thế hệ mới chuẩn bị đưa vào sử dụng trong dự án thám hiểm mặt trăng sắp tới. Là một trong số khoảng 7 nhà khoa học gốc Việt trong tổng số 7.500 người làm việc tại Trung tâm Alabama của NASA. Lấy vợ chính là cô bạn học ân nhân cũ sinh được 3 con gái (vợ cũng làm trung tâm NASA kể trên).


659 - Trịnh Kế Cổn

TRUY TÌM LÝ LỊCH HÀI CỐT LIỆT SĨ VÔ DANH

Công chức về hưu còn có tên Hoàng Mạnh Tùng sinh 1929 tại Hưng Yên. Sống ở TPHCM (2009).


Nguyên là bộ đội thời kháng Pháp sau chuyển qua làm việc ở Vụ Bảo tồn – Bảo tàng thuộc Bộ Văn hóa (cũ). Sau khi về hưu năm 1993 ở TPHCM, với kinh nghiệm chuyên ngành này đã lao vào cuộc đối chiếu hồ sơ, điều tra, nghiên cứu về lý lịch các bộ hài cốt liệt sĩ hy sinh tại nhà tù Phú Quốc, nơi từng giam giữ hơn 50.000 cán bộ cách mạng trong đó trên 4.000 người đã bỏ mình. Để tìm thêm thông tin truy cứu còn tìm về tận quê hương lịệt sĩ từ Nam ra Bắc để xác minh tư liệu. Từ đó đã giúp tỉnh Kiên Giang xác định được thông tin khá chi tiết (tên tuổi, quê quán, nơi bị bắt, ngày bị bắt, ngày hy sinh…) cho 113 bộ hài cốt liệt sĩ nhà tù Phú Quốc). Chẳng những thế còn về tận quê liệt sĩ đưa tin hoặc thông tin qua báo đài cho gia đình liệt sĩ biết để đi thăm. Nếu vì hoàn cảnh khó khăn họ không đi được thì chụp ảnh mộ gửi về. Đã 80 tuổi vẫn chưa ngưng cuộc chiến mới này đối với người cựu binh lão thành vì “Tôi biết khả năng của mình có hạn không thể tìm ra thật nhiều danh tính cho những ngôi mộ liệt sĩ nhưng tôi nguyện làm hết trách nhiệm từ trái tim mình… Ở đâu đó vẫn còn hàng ngàn liệt sĩmà thân thể bị vùi lấp dưới lòng đất và những người thân của họ cứ mòn mỏi đợi chờ trong nước mắt, vô vọng suốt mấy chục năm qua. Cứ nghĩ đến điều đó, tôi không thể cầm lòng được…”


660 - Trung Dung

NGƯỜI GIÀU NHẤT

Doanh nhân Việt kiều Mỹ sinh 1967 tại VN. Sống ở Mỹ (2011).


Sau 75 đã 2 lần vượt biên thất bại, lần thứ ba đến được trại tỵ nạn ở một năm rồi qua qua Mỹ năm 1984. Lúc đó trong tay chỉ vỏn vẹn có… 2 USD nhưng 15 năm sau đã nắm trong tay gia tài khoảng hơn 1,8 tỉ USD! Nhờ tập trung học ngành toán và tin học đưa vào ứng dụng thực tế làm phần mềm, trở thành tên tuổi lớn ở Thung lũng Silicon trung tâm ngành điện toán tiên tiến của nước Mỹ. Sau đó còn mua đi bán lại các công ty… Với bí quyết: “Phải ý thức thật rõ là không có gì chắc ăn được. Nhưng phải chấp nhận thách thức cho mình và không nên sợ hãi. Phải hiểu rằng không mấy người có được cơ hội như mình và đây là điều không nên bỏ qua.”


Đã về nước tìm cơ hội hợp tác phát triển làm ăn.


(Còn tiếp)

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

Tưởng niệm Trịnh Công Sơn - Huỳnh Như Phương

Ngày Trịnh Công Sơn ra đi, khi chiếc xe tang rời con hẻm 47 Phạm Ngọc Thạch, nhiều người đưa tiễn còn nấn ná ở lại nhặt những bông hoa trên những vòng hoa còn để bên đường. Cùng với độ lùi của thời gian, người ta càng nhận ra cái di sản mà người nhạc sĩ để lại lớn hơn rất nhiều so với những gì đã hình dung cũng như càng cảm thấy sự hiện diện tròn đầy của ông trong đời sống này. Gần tám năm, hơn mười cuốn sách dày dặn về ông đã xuất hiện, từ tập hợp những bài viết thiên về cảm nhận đến những chuyên khảo đầu tư hết sức công phu. Những tiếc nuối về việc Trịnh Công Sơn không quan tâm viết hồi ký hay không có một người chuyên viết tiểu sử ông lúc sinh thời dường như đang dần được đền bù. Âm nhạc của ông không chỉ ngày càng lan rộng trên đường đi của trái tim người Việt mà còn truyền cảm hứng cho những ai muốn tìm hiểu một trường hợp trí thức tiêu biểu như tấm gương phản chiếu những giờ phút tuyệt vọng và những niềm hy vọng trong một thời buổi đau thương của đất nước. Nhiều câu hỏi về cuộc đời và sự nghiệp Trịnh Công Sơn đã được giải đáp. Nhưng nhiều câu hỏi khác vẫn còn lơ lửng: thực sự con số ca khúc ông đã sáng tác là bao nhiêu? Ảnh hưởng nhạc blues đối với ông ở mức nào? Phải chăng “gần như quán xuyến tất cả, âm nhạc của Trịnh Công Sơn diễn ra trong cung la thứ…” như có người phát hiện? Và cái nhận xét mà nhiều người mặc nhiên thừa nhận, rằng ông là một ca nhân – người hát thơ về tình yêu hay người hát triết học về thân phận con người – có cần phải khảo chứng kỹ lưỡng hơn không, khi mà ông chinh phục công chúng không chỉ bằng ca từ mà bằng chính âm nhạc, như ta thấy sức hút của nhạc hòa tấu Trịnh Công Sơn? Hình như có một chi phối nào đó từ một định nghĩa của Tô Thùy Yên về người du ca như “một nghệ sĩ đặc biệt đứng giữa âm nhạc và thi ca, đúng hơn, người du ca là một thi sĩ nhiều hơn là một nhạc sĩ”, dẫn đến một nhận xét chưa hẳn là công bằng của một nhạc sĩ đàn anh khi so sánh Trịnh Công Sơn với Ngô Thụy Miên: “Người thi nhân có nhiều hơn trong người thứ nhất, nhưng người nhạc sĩ nổi bật hơn trong người thứ hai”. Không cần căn cứ Đóa hoa vô thường hay Dã tràng ca, người ta vẫn có thể nghi ngờ lời khẳng định Trịnh Công Sơn chỉ như một ca nhân, vì khẳng định đó cũng chỉ đúng ở một phương diện. Vì vậy, bên cạnh những nghiên cứu đặc sắc về ca từ của người nhạc sĩ, có lẽ cần có những khảo sát chuyên môn về nhạc lý của ông. Nhưng người ta cũng có lý khi tập trung nghiên cứu phần lời ở ca khúc Trịnh Công Sơn. Ở người sáng tác ca khúc, qua sự tiếp nhận của công chúng trong những hoàn cảnh từng gây ngộ nhận, phần ca từ rõ ràng ảnh hưởng đến số phận của tác phẩm khi nó chi phối cách đánh giá không chỉ nội dung biểu cảm mà cả đối tượng quy chiếu của bài hát. Lịch sử ca khúc Việt hơn nửa thế kỷ cho thấy Trịnh Công Sơn không phải ngoại lệ. Ở trong nước, nhiều ca khúc của ông sáng tác trước năm 1975 cho đến nay vẫn chưa được phép chính thức phổ biến, đôi khi chỉ vì một vài từ ngữ của nó. Còn ở hải ngoại, một số người vẫn tỏ thái độ nghi kỵ những bài hát ông viết với rất nhiều thành tâm sau ngày hòa bình như Huyền thoại mẹ, Đời gọi em biết bao lần, Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui… Sự nghi kỵ càng dễ tăng lên khi có ý kiến công khai nói rằng ông đã sáng tác bài này bài nọ theo gợi ý hay đơn đặt hàng của ai đó (?). Thật ra, ở Trịnh Công Sơn, dù có thể dẫn đến những tác động khác nhau, khó nói rằng bài hát nào ông đã viết ra mà không xuất phát từ gan ruột của người nghệ sĩ, không phải là một ám ảnh dài lâu, hay ít nhất, một thôi thúc tự nhiên của tình cảm. Dù đánh giá về nghệ thuật của người đời không bao giờ là thống nhất, có lẽ ông là người có thể hát lại bất cứ ca khúc nào mà không phải cảm thấy ngượng ngùng với lương tri nghệ sĩ của mình. Cả về tư cách công dân lẫn tư cách nghệ sĩ, Trịnh Công Sơn không phải là người “tùy thời”, càng không phải là người “xu thời”. Trong một lần hàn huyên, Trịnh Công Sơn cười buồn mà nói rằng ông chỉ hy vọng những tình khúc của mình sẽ có một đời sống dài lâu, những bài ngợi ca hòa bình và quê hương đã làm xong sứ mệnh của nó rồi, sẽ khó có một cuộc tái sinh nào nữa. Có lẽ cho đến lúc vĩnh biệt cuộc đời này, ông vẫn không nghĩ rằng đời sống sẽ còn cần nghe lại những bài kinh cầu quê hương của ông. Trong những không gian riêng tư, thính giả Việt vẫn rung động với giọng hát của ông diễn cảm những ca khúc về tình yêu quê hương trong chiến tranh và khát vọng hòa bình. Không phải ngẫu nhiên mà có ý kiến cho rằng “không ai hát Trịnh Công Sơn bằng Trịnh Công Sơn, kể cả Khánh Ly”. Thật ra, điều này có lẽ đúng với những bài hát về chiến tranh và quê hương hơn là những tình khúc. Khi diễn đạt những cung bậc của tình yêu nhuốm một chút mùi vị nhục cảm, giọng ca Trịnh Công Sơn không thể nào “liêu trai” được như Khánh Ly. Mặc dù trong ông tình yêu và hạnh phúc vẫn là một dưỡng chất trần gian đầy cám dỗ, tình khúc của ông vẫn khiến ta nhớ đến thơ tình của Petrarca vốn mang vẻ thanh khiết kiểu Platon kết hợp với truyền thống troubadour thời sơ kỳ Phục hưng. Nhưng hát về quê hương thì quả là chỉ giọng hát Trịnh Công Sơn mới nói hết nỗi lòng của tác giả, cùng nỗi lòng và niềm hoang mang của một lớp người. So với các tình khúc, những bài hát đó ông viết cho một công chúng đông đảo và đa dạng hơn, những đám đông bầm dập trong cơn lốc của chiến tranh. Ở đó, ta không còn thấy những tượng trưng và ẩn dụ, càng không thấy hơi hướng siêu thực trong những khúc ca triết lý. Ở đó là lời tâm sự, lời tự sự hay một lời kêu gọi: Hỡi những con chim đêm sao chưa vỗ cánh. Hỡi những anh nông dân sao chưa về làng. Hỡi những người mẹ già hằng đêm sao khóc? (Đừng mong ai đừng nghi ngại). Ai trách Trịnh Công Sơn cầu kỳ hay bí hiểm trong ca từ, sẽ thấy lúc này ông giản dị hẳn đi: Một sớm lên đường mẹ ra sau vườn hỏi thăm trái bí trên giàn còn xanh… (Người mẹ Ô Lý). Vì ông biết lúc này âm nhạc của ông đang hướng về ai, với ai. Những người già co ro, những em bé loã lồ, những bà mẹ lom khom tìm mộ con trên bãi vắng, những người chị ru con, ru cha bỏ mình, ru đời chỉ còn me với con…, chính họ chứ không phải ai khác là những người “thu phục” Trịnh Công Sơn, một sự thu phục vô điều kiện. Với Ca khúc da vàng, Kinh Việt Nam, Ta phải thấy mặt trời, Phụ khúc da vàng…, Trịnh Công Sơn là nghệ sĩ của nhân dân – một nhân dân đau khổ luôn khát vọng hòa bình - và nghệ sĩ của dân tộc – một dân tộc bị cắt chia luôn ước mơ hòa hợp và đoàn tụ. Dù hôm nay tôi chưa về Hà Nội. Dù hôm nay em chưa đến Sài Gòn. Nhưng trong lòng nhau thấp thoáng bóng cờ chung (Chưa mất niềm tin). Trong một hoàn cảnh nghiệt ngã của sự phân ly, người nghệ sĩ còn có thể nói gì khác hơn nữa, rõ ràng hơn nữa! Ca khúc Trịnh Công Sơn là tiếng nói của khát vọng hoà hợp, vượt lên những chia rẽ và hoài nghi, là chất keo gia cố hàn gắn cho một thế giới đầy những chia xa có nguy cơ tan vỡ. Từng nói lên niềm ngưỡng mộ giao hưởng khúc số 9 của Beethoven, Trịnh Công Sơn cũng không nguôi bày tỏ “nỗi khát khao vô hạn ở nghệ sĩ chân chính được mở lại những con đường thênh thang dẫn đến hoan lạc cho bước chân và tiếng cười nói của con người trở về”. Cá nhân, dân tộc và nhân loại hòa quyện trong thế giới âm nhạc Trịnh Công Sơn. Ngay trong một ca khúc, đó đồng thời là con đường tình nhân (Đường đến tôi chờ em đã quá lâu năm), con đường của một cộng đồng số phận (Đường máu xương chờ lau hết dấu vinh quang) và con đường mênh mông của kiếp người (Cho tôi đi giữa nhân loại đớn đau). Trên tất cả những con đường đó, rồi mọi người sẽ cùng trở về, vì yếu tính của con đường là kết nối. Nếu Nguyễn Ngọc Lan từng băn khoăn từ 40 năm trước, “thân phận những lời ca, những âm điệu ấy là thân phận Do thái lang thang. Kiếp tha hương ngay giữa quê hương mình” (Chứng từ năm năm), thì bây giờ đây, khi những con đường đang mở ra cho sự đoàn tụ, những ca khúc Trịnh Công Sơn hát về những cánh đồng hòa bình, những giọt máu trổ bông, những đêm vui cờ bay ngập tràn phố xá… phải được trở về với đời sống. Một đời sống cần tụ hội những sinh lực như mùa xuân tụ hội nhựa sống lên cây. Xuân 2009, HUỲNH NHƯ PHƯƠNG http://www.viet-studies.info

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

Thơ Nguyễn Lương Vỵ


Tuyệt mù địa tận

Tặng các em tôi
Và một trời thiếu niên lãng đãng…

I.
Đêm ngồi trông tuyệt mù địa tận
Ngơ ngác một mình lạnh thấu xương
Thở ra câu thơ mờ trong sương
Hít vào vũ trụ lung linh hát

Ba ngàn bông tái sinh kiếp khác
Ba ngàn đời lông bay quá xanh
Ba ngàn nguyệt rụng máu quá tanh
Ba ngàn âm chìm hương cố thổ

Đêm ngồi im không quên không nhớ
Núm hồng em nở đóa mộng đầu
Giọng hài nhi ré trong mưa sâu
Chim hót đầy trong chiều nắng cạn

Một chấm đỏ đỉnh ngày vô hạn
Một hạt huyền đáy khuya vô
Một tiếng gầm tịch mịch vừa rung
Một tiếng than ai vừa chạm khẽ…

II.
Đêm ngồi im gặp mình lặng lẽ
Âm vút lên xé cụm mây vàng
Mây như lụa hư không lang thang
Rồi tan biến giữa hàng mộ gió

Ta gọi mình trúc tre đầu ngõ
Lóng xương mây xanh quá ngất ngây
Trời niên thiếu quá nhiều chim bay
Âm xanh mượt rụng đầy mái tóc

Đêm ngồi im đất trồi lên khóc
Âm xanh câm bén gót đại ngàn
Trời niên thiếu hiểu rồi tan hoang
Chiếc bình vôi trở mình trong miểu

Mình gọi ta rừng lau chết yểu
Tội cho viên sỏi nhỏ mồ côi
Tội cho con suối khô nhớ đồi
Tội cho mình với ta đối bóng…

III.
Đêm ngồi im nghe ma đưa võng
Hồn rêu khua theo nắng mênh mông
Bụi ớt đau theo mưa tàn đông
Tiếng chó sủa mọc đầy trong ngực

Ta gọi mình âm xanh nở rực
Rất thẳm rất sâu và rất tinh
Trời niên thiếu hú ngút điêu linh
Rừng lạc giọng đáp lời nắng cũ

Đêm ngồi im sầu ngây gót ngựa
Đá vang theo viễn xứ quay về
Hồn bạch lạp thắp lên cuồng mê
Chảy thấm xuống luống cày đỏ máu

Mình gọi ta tiếng chim bờ dậu
Hót xanh sương lá nở trầm đàn
Lá chớp mắt ôi đẹp nát tan
Biết tìm đâu trong hơi thở cuối…

IV.
Đêm ngồi im đếm trời không tuổi
Đất không tên đắm đuối ly kỳ
Ly bôi uống cháy hết biệt ly
Ly hận nhai kiếp người khốc liệt

Ta gọi người xưa sau chẳng biết
Tuyết băng reo đáy huyệt xanh ngời
Huyệt xanh nữa cho xanh hết lời
Cơn cháy khát bừng sôi giọng nói

Đêm ngồi im đếm sao không hỏi
Không đáp lời dẫu biết tri âm
Vũ trụ câm như hạt cát câm
Câm nín hết tuyệt mù địa tận

Người gọi ta ngọt bùi cay đắng
Đời trầm luân huyết ngấm mấy phen
Cỏ khóc ngất đưa ma thổi kèn
Cây khóc điên nhớ trời thu cũ…

V.
Đêm ngồi im ngó đời khô máu
Máu bi ai trên những chuyến tàu
Tàu không bánh nghiến răng vút mau
Chẳng biết về đâu âm chớp tắt

Ta gọi người lạnh như dấu sắc
Dấu huyền bay theo dấu tháng năm
Dấu hỏi ngã dấu nặng mất tăm
Trơ ngọn bấc bầm đen thế kỷ

Đêm ngồi im ngó đời khô tủy
Lóng xương mây ngựa hí trên đồi
Nhà quê đó quê nhà chết trôi
Hồn ta đó chẳng cần nhớ nữa

Người gọi ta nghẹn ngào búp lửa
Dấu sơ xưa tro ủ ngún hoài
Mặt trời lịm chết trên vồng khoai
Cánh bướm nhỏ chập chờn nhớ bạn…

VI.
Đêm ngồi trông tuyệt mù địa tận
Ngấn nước xanh hay ngấn lệ xanh
Hay đỉnh sọ ướt đàn vô thanh
Mưa vô sắc thâm tình vuốt mặt

Ai vừa hát rất trầm trong đất
Ai vừa ca rất bổng trên mây
Ai vừa chết rất tím bên nầy
Ai vừa sanh rất hồng bên nọ

Đêm ngồi im thấy trời đứng ngọ
Thấy đất nghiêng núi lở biển trào
Chim không hót nữa trên cành cao
Đời không ồn nữa dưới nắng quái

Gió vang bóng sắc màu xa ngái
Gió rung chuông đầu bãi cuối bờ
Gió lang thang lượm vài câu thơ
Gió chết lặng bên rìa vũ trụ…

VII.
Đêm ngồi im ú ớ chiêm bao
Giật mình nghe gà gáy bên rào
Phủi mộng đứng lên vào thăm mẹ
Đang chìm trong cơn hôn mê sâu

Mẹ ơi con đã về bên mẹ
Tóc trắng thương tâm tóc bạc màu
Mẹ ráng hít sâu thêm chút nữa
Để con nhìn mẹ thưa đôi câu

Để con ôm mẹ chia hơi ấm
Sớt chút lầm than của kiếp người
Đời vốn lao lung vì quá chật
Thời mạt thế tàn cũng vậy thôi

Nắng rưng rưng trên những nấm mồ
Hồn ta đùn những nấm hư vô
Chiêm bao đâu hẳn là không thật
Chép lại đôi câu bỗng sững sờ…

Quán Rường, 06.2010
(Những ngày chăm sóc Mẹ ở quê)

Thứ Tư, 23 tháng 3, 2011

Cao Huy Khanh - VIỆT NAM - HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975-2011 : NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

Kỳ 64 – 21.3. 2011 (Trích đăng từ 1.1.2010)

641 - Trần Văn Dược
“VUA RẮN” CỨU NGƯỜI
Quân y sĩ bộ đội sinh 1929 tại Long An – Mất 1988 ở Long An (60 tuổi).
Vốn có nghề gia truyền chữa trị người bị rắn cắn bằng cây thuốc Nam ở vùng Đồng Tháp Mười nên những năm tháng đánh Mỹ càng giúp ông làm giàu thêm kinh nghiệm tay không bắt rắn, tay không lấy nọc rắn để chế tác thuốc chữa bệnh rắn cắn cứu người.
Vì vậy sau 75 đứng ra nhận cải tạo trại lính chế độ cũ thành Trại rắn Đồng Tâm ở Long An nổi tiếng về quy mô nuôi rắn lấy nọc chữa bệnh rắn cắn cho hàng chục ngàn bệnh nhân tứ xứ được tặng cho biệt danh “Thầy Tư Dược”.
Nổi tiếng tới mức có nhiều huyền thoại thêu dệt quanh cuộc đời ông như đúng trưa ngày 30.4.75 cha ông còn gắng gượng chờ gặp ông sau 21 năm xa cách rồi mới nhắm mắt qua đời. Và đến khi ông mất do bệnh nhồi máu cơ tim lại đúng vào năm tuổi Kỷ Tỵ trùng chẵn 60 năm sinh cũng Kỷ Tỵ đều cầm tinh… con rắn, từ đó dân gian đã đồn đại truyền miệng rằng ông sinh nghề tử nghiệp… bị rắn chúa cắn chết!

642 - Trần Văn Hương
VỊ TỔNG THỐNG “Ở LẠI”
Nguyên tổng thống chế độ cũ sinh 1902 tại Vĩnh Long – Mất 1982 ở TPHCM (81 tuổi).
Nguyên là Phó Tổng thống kế nhiệm Nguyễn Văn Thiệu từ chức trong thời gian một tuần lễ trước khi chuyển quyền lại cho Dương Văn Minh ngày 28.4.1975 để vị tổng thống cuối cùng này của chế độ Sài Gòn sau đó quyết định ra lệnh cho quân đội Sài Gòn “hạ vũ khí” đầu hàng cộng sản ngày 30.4.
Khác với ông NV Thiệu lặng lẽ bỏ trốn qua Đài Loan (rồi đến Anh, sau cùng cuối đời ở Mỹ) dù trước đó khi tuyên bố từ chức đã thề rằng sẽ tiếp tục ở lại “chiến đấu phục vụ đất nước” (còn hàm trung tướng bộ binh) hoặc ông DV Minh phải ở lại để làm công việc “bàn giao” với lực lượng cộng sản, ông Trần Văn Hương lúc đó đã 71 tuổi không còn nhiệm vụ gì có thể dễ dàng theo chân người tiền nhiệm để nhanh chân lánh ra nước ngoài. Cả Đại sứ Mỹ lẫn Đại sứ Pháp ở Sài Gòn lúc đó vào ngày 29.4 đều đã đích thân đến gặp ông để mời lên máy bay qua nước nào tùy thích nhưng ông đều cám ơn và… từ chối. Lý do là tuy “biết tình trạng rất nguy hiểm” nhưng ông “đã suy nghĩ và quyết định ở lại với nước tôi… Tôi tình nguyện ở lại để chia sẻ với dân chúng miền Nam…” Quyết định đó hẳn đã làm Đại sứ Mỹ Martin ngạc nhiên tới mức khi từ giã đã quên cả… bắt tay ông cựu tổng thống!
Cả đến sáng 30.4 Đại sứ Martin một lần nữa còn điện thoại đến báo đã dành riêng cho ông TV Hương một máy bay trực thăng sẵn sàng di tản song ông vẫn một mực lắc đầu. Khoảng vài năm sau khi người con trai út vượt biên ra nước ngoài nhắn về đã tổ chức chuẩn bị cho ông vượt biên, ông đã đem chuyện cũ Đại sứ Martin ra kể thay cho câu trả lời với con.
Giữ đúng lời hứa, ông đã ở lại với quê hương một cách nghiêm túc, chấp nhận mỗi ngày đạp xe đạp từ nhà riêng ở trong hẻm đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ) đến dinh Thống Nhất tham gia lớp “học tập cấp cao”, sau đó được về nhà tiếp tục cuộc sống bình thường (được cấp phiếu E mua hàng mậu dịch).
Đến năm 1977 được trao trả quyền công dân và nhân dịp này ông đã viết một lá thư đề đạt nguyện vọng lên cấp lãnh đạo chính quyền mới đề nghị cứu xét cho những người đi học tập cải tạo được sớm trở về vì “họ chỉ thừa hành lệnh cấp trên, họ không có tội gì cả”, mong họ được tha về “để sum họp với vợ con, còn lo làm ăn xây dựng đất nước.”
Vốn xuất thân là nhà giáo thấm nhuần lễ nghĩa đạo Nho cổ điển, ông TV Hương từng từ quê Vĩnh Long ra Hà Nội học trường Cao đẳng Sư phạm thời Pháp thuộc, có quen biết một số bạn học sau này là những nhân sĩ, nhà văn hóa văn nghệ nổi tiếng đi theo cộng sản như Nguyễn Khánh Toàn, Hoàng Minh Giám, Phạm Huy Thông. Từ đó qua 2 lần làm thủ tuớng, ông được dân miền Nam biết tiếng qua một số giai thoại kiểu “trà dư tửu hậu” thể hiện đạo đức khí tiết nhà giáo mẫu mực.
Như ông thường thích làm thơ Đường trong đó có một câu được nhiều người tâm đắc do ông sáng tác trong thời gian bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam 3 tháng vì tội chống đối chính quyền ủng hộ nhóm đảo chính Nguyễn Chánh Thi, đó là câu “Ngồi buồn gãi háng, giái lăn tăn…” (được in đàng hoàng trong tập thơ “Lao trung lãnh vận” nghĩa là “Những vần thơ lạnh lẽo trong nhà tù”). Đến thời làm thủ tướng cho NV Thiệu (trước khi làm Phó Tổng thống), ông chủ trương chống tham nhũng ban đầu tuyên bố quyết liệt “Đánh rắn phải đập đầu rắn” nhưng càng về sau càng… đuối đành chịu bất lực với thêm một câu tuyên bố để đời nữa là “Diệt hết tham nhũng thì lấy ai… làm việc”!
Trong những ngày cuối đời, ông còn không ngờ có được một niềm hạnh phúc an ủi không ai tin nổi là gặp lại người con trai đầu vốn là một… cựu đại úy bộ đội công binh chiến trường Điện Biên Phủ và nay là kỹ sư đảng viên trở về từ Hà Nội!
Người con tên thật là Trần Văn Dõi vào bộ đội đánh Pháp từ năm 1945 tại Tây Ninh chính là nơi thời đó ông TV Hương đang giữ chức đốc học tỉnh rồi được đưa lên làm Chủ tịch UB Hành chính kháng chiến Tây Ninh khi bắt đầu nổ ra cuộc kháng chiến chống Pháp (nhưng sau đó từ nhiệm bỏ về quê do thấy tình hình lộn xộn quá không quản nổi). Sau đó được đưa ra Bắc cho đi học sĩ quan, vào Đảng rồi tham gia trận Điện Biên Phủ, khi hòa bình lập lại xuất ngũ đi học Đại học Bách khoa tốt nghiệp ra làm ở ngành công nghiệp. Nhưng ít ai biết anh chính là con đầu lòng của ông TV Hương do đã đổi tên lấy họ mẹ là Lưu Vĩnh Châu. Riêng ông TV Hương ở miền Nam thì cứ đinh ninh anh đã chết rồi.
Đến năm 1978 hai cha con mới chính thức gặp mặt và anh con trai đầu này đã đưa vợ con về ở chung nhà để phụng dưỡng cha già lâu nay sống trong cảnh đơn côi (bà vợ đã mất năm 1974).
Ở lại với quê hương, ngoài niềm vui tuổi già sum họp với con cháu đã xa cách 30 năm trời tưởng không còn nữa, ông TV Hương còn niềm an ủi là lúc qua đời vào đúng dịp Tết Nhâm Tuất 1982 thọ 81 tuổi được hỏa táng theo nguyện vọng. Còn được nhiều bà con học trò bạn bè thân hữu cố cựu từ cả hai phía Nam – Bắc đưa tiễn mà người chủ lễ chính là bạn cũ cố GS Nguyễn Văn Chì lúc đó là Chủ tịch UB Mặt trận Tổ quốc TPHCM.

643 - Trần Văn Quy
“NGƯỜI CHA ANH HÙNG”
Thường dân sinh 1892 tại Bến Tre. Sống ở Bến Tre (2001)
Người con duy nhất là du kích đã hy sinh, vợ được phong Bà mẹ VN Anh hùng sau khi qua đời nên chính mình phải đứng ra nhận bằng truy tặng.
Chỉ còn lại một mình vẫn sống mạnh mẽ, 80 tuổi còn đi gánh đất đắp cả nền nhà, hơn 90 tuổi có thể đi bộ 10 – 20km không cần chống gậy, hơn 100 tuổi còn ngồi đan lá dừa nước lợp nhà...
Cuối đời vào sống trong khu nuôi dưỡng người già neo đơn của tỉnh được mọi người tự phong cho là “Người cha Anh hùng”. Tính đến năm 2001 đã 109 tuổi.

644 - Trần Văn Sửu
NHÀ HÀNG NAM BỘ 5 SAO Ở LONDON
Doanh nhân sinh tại Nam bộ. Sống ở Anh (2011).
Cùng vợ vượt biên đến Anh năm 1980.
Hai vợ chồng trải qua nghề làm bếp – từ rửa chén lên phụ bếp đến đầu bếp - 28 năm ở nhiều nhà hàng Châu Á – Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản… - tại thủ đô London.
Năm 2008 hai vợ chồng dành dụm được vốn liếng quyết tâm ra lập nhà hàng riêng chỉ chuyên bán món ăn Nam bộ đặt tên là nhà hàng Miền Tây. Nơi đây có thực đơn 185 món ăn Nam bộ đặc sắc như cá kho tộ, vịt nấu chao, rau muống xào tỏi, canh chua cá lóc, bánh xèo, bún cá…. Cả nước giải khác cũng kiểu Nam rặt như nước rau má, nước mía, trà đá… Là nhà hàng hải ngoại có nhiều món ăn đặc sản Nam bộ nhất. Nguyên liệu chế biến thức ăn đều đặt hàng chỉ 2 ngày sau từ VN máy bay chở qua. Tất cả đều giữ nguyên hương vị, màu sắc Nam bộ 100% chứ không “lai” món ăn Tàu hay Thái như một số nhà hàng Việt hải ngoại khác. Nhân viên phục vụ cũng như làm bếp đều người Việt nhập cư.
Kết quả thành công trên cả mong đợi với 95% khách đều nước ngoài, được báo chí Anh cho điểm đạt mức nhà hàng 5 sao.
Từ đó đã khuếch trương thêm một nhà hàng Miền Tây 2. Và dự định giữa năm 2011 thêm một Miền Tây 3 – đều ở London – mà lợi nhuận nơi đây sẽ được dùng vào công tác từ thiện giúp đỡ người nghèo, tất nhiên ưu tiên cho đồng bào mình ở quê nhà.

645 - Trần Văn Tảo
NGƯỜI QUẢN TRANG NGHĨA TRANG QUÂN ĐỘI CHẾ ĐỘ CŨ
Thường dân – Mất 2006 ở TPHCM.
Chỉ là một hạ sĩ quan chế độ cũ nhưng đầu những năm 80 đã tình nguyện tự đứng ra tổ chức một nhóm bạn bè lo cáng đáng công việc chăm lo tảo mộ ở Nghĩa trang Quân đội chế độ cũ ở Biên Hòa suốt một thời gian dài. Dù nghĩa trang này được đặt dưới sự quản lý nghiêm ngặt của đơn vị bộ đội trực thuộc Bộ Quốc phòng chế độ mới.
Còn chụp hình, quay video hình ảnh mộ qua Mỹ cho gia đình thân nhân tử sĩ. Và còn gửi cả tấm bia lớn Chiến sĩ vô danh qua Mỹ (theo đường bộ) lưu giữ.
Tình nguyện làm việc không công như một hội trưởng Hội Thương phế binh VNCH đầu tiên ở trong nước sau 75. Làm vì tâm nguyện “Bây giờ các tướng lãnh, sĩ quan, H.O, học tập cải tạo, con lai, làm sở Mỹ, O.D.P, thuyền nhân ai cũng đi Mỹ hết, chỉ còn lại là các cô nhi quả phụ, các thương phế binh và tử sĩ ở lại có ai lo…”
Đến năm 2009 nghĩa trang trên mới được lệnh bàn giao từ quân đội qua cho tỉnh Bình Dương quản lý, trở thành một nghĩa trang dân sự bình thường cho tất cả mọi người được tự do vào thăm viếng, chăm sóc, tu bổ không phân biệt gì nữa.

646 - Trần Văn Ty
NỐI NHỊP CẦU VIỆT - HÀN
Doanh nhân sinh 1972 tại Khánh Hòa. Sống ở TPHCM (2011).
Năm 1967 mẹ sống chung với một hạ sĩ quan Hàn Quốc trong sư đoàn Bạch Mã đóng quân ở Khánh Hòa, lần lượt sinh được 3 con gồm 2 gái
và một trai đặt tên Trần Văn Tiến lấy theo họ mẹ.
Năm 1973 Hàn Quốc rút quân, người chồng Hàn Quốc cũng về nước để lại một mình mẹ nuôi 3 con.
Sau 75 người mẹ sợ bị liên lụy lấy chồng “Hàn Quốc xâm lược” nên đốt hết giấy tờ liên quan đến người chồng (thay vào đó khai là chồng
chết), đổi tên con Trần Văn Tiến thành Trần Văn Ty rồi đưa các con ra Phú Yên sinh sống để tránh bị nhòm ngó dị nghị.
Lớn lên nuôi hy vọng đi tìm cha theo diện con lai Hàn Quốc nhưng năm 1991 không qua được thủ tục phỏng vấn do không còn hồ sơ giấy tờ
nào để chứng minh cha Hàn Quốc.
Vẫn không mất hy vọng nên vào Sài Gòn đạp xích lô sống qua ngày rồi chuyển qua làm nghề phụ hồ, lượm ve chai. Song song đó tìm cách
liên hệ với các tổ chức từ thiện Hàn Quốc để nhờ trợ giúp học tiếng Hàn, học vi tính, ngoại ngữ. Nhờ đó làm quen được với giới người Hàn Quốc đến
làm ăn ở VN để hỏi thăm, truy tìm tông tích người cha song đều không kết quả mà sau này mới biết lý do là vì cả mẹ cũng nhớ… nhầm tên cha viết
không đúng!
Đến năm 1993ù được một doanh nhân Hàn Quốc nhận làm con nuôi chu cấp cho đi học đại học. Năm 1997 tốt nghiệp ĐH Khoa học xã
hội & Nhân văn TPHCM được ông chủ này nhận vào làm công ty.
Năm 2000 khi đã “đủ lông đủ cánh” mới quyết định xin nghỉ việc để một mình bay qua Seoul kiếm việc làm vừa để thuận tiện tiếp tục hành
trình tìm cha. Và may mắn đến năm 2001 thì tìm được cha, một cổ đông trong công ty mình đang làm việc.
Nhưng cuộc gặp gỡ diễn ra trong bao nỗi oái oăm đoạn trường bởi người cha nay đã có vợ con Hàn Quốc khác rồi, lại bệnh tật già yếu do bị
nhiễm CĐDC thời chiến tranh VN nên không thể bảo bọc, hứa hẹn gì với vợ con VN, chỉ biết cúi đầu chảy nước mắt ngậm ngùi nhận lỗi với con trai.
Người con trai cũng không biết làm gì hơn đành quay về quê hương hai bàn tay trắng với niềm an ủi dù sao bây giờ cũng đã một lần được biết mặt
cha.
Nhưng từ đó trong thâm tâm nảy ra một ước vọng là làm sao giúp những người đồng cảnh ngộ như mình tìm được thân nhân Hàn Quốc. Cho
nên về lại VN liền lập một công ty du lịch ở TPHCM chú trọng tập trung vào đối tượng giới du khách Hàn Quốc để bắt liên lạc, đặt mối liên hệ trao
đổi thông tin, giúp đỡ…
Qua đó đã lập được danh sách khoảng 500 trường hợp gia đình Việt – Hàn thất tán, mất liên lạc sau chiến tranh trong đó đã giúp được hơn
40 trường hợp gặp lại nhau. Ngoài ra còn vận động các mạnh thường quân Hàn Quốc cấp học bổng cho con cháu thế hệ con lai Hàn Quốc.
Không chỉ thế, còn viết tập truyện ngắn “Những mảnh đời luân lạc” và tập thơ “Những đứa con lạc loài” (có thể làm thơ bằng cả tiếng Hàn,
bút danh Trần Đại Nhật) giãi bày tâm sự muốn nói lên tiếng nói bảo vệ cho một thế hệ con lai Hàn Quốc “Chúng tôi là con người chứ không phải là
phế liệu chi?n tranh mà người ta dùng xong thì vứt bỏ đi”.

647 - Trần Vũ Mai
CUỘC TÌNH GIỮA HAI CHẾ ĐỘ
Nhà thơ tên thật Vũ Xuân Mai sinh khoảng 1945 tại Thanh Hóa – Mất 1991 ở Hà Nội (47 tuổi).
Tốt nghiệp đại học làm nhà xuất bản ở Hà Nội, năm 1971 tình nguyện đi bộ đội vào Nam chiến đấu ở vùng Khánh Hòa – Phú Yên.
Sau 75 ở lại làm việc tại Hội Văn nghệ Phú Khánh cũ. Là một trong những người mở đầu phong trào làm thơ trường ca thời này.
Trong một chuyến vào TPHCM tình cờ gặp trên xe bus và yêu một cô gái Sài Gòn nhưng không được gia đình cô (gốc Bắc di cư 54) chấp nhận. Vậy nhưng cô vẫn từ bỏ tất cả ra đi theo người tình về Nha Trang rồi chuyển ra Hà Nội.
Tuy nhiên sau đó hạnh phúc đôi lứa không được suông sẻ có lẽ do thời này còn quá nhiều định kiến phân biệt giữa hai hai chế độ đã có quá nhiều món nợ ân oán trong quá khứ. Có lẽ vì thế người chồng rơi vào mặc cảm chán đời xa lánh bạn bè chỉ suốt ngày uống rượu. Trở thành người nát rượu khi mới hơn 40 tuổi tuy vốn không phải là dân nghiện rượu, chỉ mới vài chén đã say:
“ Biết chạm cốc cùng ai trong ý nghĩ
Hỡi anh chàng ra vẻ phớt buồn đau
Biết tìm giữa mắt ai màu tri kỷ
Ta lại buồn như thể sắp vào say…”
Tất cả đưa đến một cái chết bi thương: Trên đường về nhà say rượu thấy đầm sen tưởng là đất bằng cứ thản nhiên bước xuống, chết chìm hai ngày sau người dân chung quanh mới phát hiện. Đám tang còn thê thảm hơn do một em bé kéo xe tang và khách đưa phụ đẩy qua những bờ ruộng.
Chỉ còn niềm an ủi trong quan tài khi chôn xuống “thi thể đầu đặt hướng về phương Nam” – nơi để lại nhiều tác phẩm gắn bó với vùng đất Khu 5, Nha Trang, Cam Ranh - như để kỷ niệm một cuộc tình hiếm có trong buổi giao thời nhiều xung đột phức tạp những năm sau Giải phóng. Một cuộc tình độc đáo nhưng lại không gìn giữ được tới cùng bởi bao mối mâu thuẫn nội tại – và nội tâm - trước thực tế đối kháng đôi miền vẫn còn rất nghiệt ngã.

648 - Trần Xuân Giảng
CỰU BỘ ĐỘI CHỐNG AIDS
Thợ mỏ sinh tại Quảng Ninh. Sống ở Quảng Ninh (2005).
Bộ đội sau 75 xuất ngũ về quê làm thợ mỏ.
Đời sống tạm ổn định lấy vợ sinh con. Nhưng đến khi con khôn lớn thì gặp đại họa 2 con trai và 1 con rể nghiện ma túy dính bệnh AIDS thay nhau chết trong vòng 2 năm.
Khi phát hiện thảm họa đã cố ngăn cản con nhưng không chận đứng nổi. Đến khi con phát bệnh, với nghị lực và bản lĩnh người lính năm xưa đã kiên trì tự tìm tài liệu học về căn bệnh thế kỷ này để tự tay chăm sóc con không ngại lây nhiễm, theo đúng phương pháp tiến bộ qua sự hiểu biết thông cảm, an ủi động viên tránh để con mặc cảm.
Lo cho con yên nghỉ xong xuôi lại quay về tất bật lo nuôi nấng 3 cháu mồ côi…

649 - Trần Xuân Lộc
TÊN TRƯỜNG SƠN, TÊN CHẤT ĐỘC DA CAM
Thường dân sinh 1945 tại Hà Nội. Sống ở Hà Nội (2004).
Bộ đội vào Nam chiến đấu ở Quảng Trị năm 1966. Sau khi xuất ngũ năm 1974 lớn tuổi không học nghề được nên đành phải làm nghề bốc vác.
Lấy vợ muộn năm 1986 nên sinh con muộn đặt tên con trai duy nhất là Trường Sơn để kỷ niệm thời chiến tranh gian khổ. Ai ngờ cái tên đó gắn liền với căn bệnh CĐDC từ mình truyền qua con nay biến thành bệnh động kinh đã hơn 20 tuổi mà đêm nào cũng thức giấc mê muội co giật cứng người nếu không biết cách cứu chữa kịp thời sẽ biến chứng nguy hiểm tính mạng.
Vì thế dù đã gần 60 tuổi suốt đêm phải nằm bên cạnh canh chừng để thức dậy theo mà lo cho con.

650 - Trí Hải
CHẾT TRÊN ĐƯỜNG ĐI LÀM TỪ THIỆN
Nữ tu Phật giáo pháp danh Thích nữ Trí Hải tên thật Công tằng Tôn nữ Phùng Khánh sinh 1938 ở Huế - Mất 2003 tại TPHCM (65 tuổi).
Một con người thông tuệ, tài hoa dòng dõi hoàng tộc nhà Nguyễn từng tham gia phong trào sinh viên Phật tử đấu tranh chống chế độ Diệm những năm 60.
Sau đó du học Pháp trở về quy y đạo Phật làm quản thủ thư viện ĐH Vạn Hạnh – chính là thần tượng “mẫu thân Phùng Khánh” của cố đại thi sĩ Bùi Giáng. Dịch giả 2 cuốn truyện nổi tiếng “Câu chuyện của dòng sông” (tác giả H. Hesse, Đức) và “Bắt trẻ đồng xanh” (J.D.Salinger, Mỹ), đã xuất bản gần 30 tác phẩm viết và dịch đều về chủ đề đạo Phật.
Năm 1984 bị bắt vì liên quan đến hoạt động của một nhóm trí thức Phật giáo chống đối chính quyền mới, ra tòa 1988 bị kết án tù 4 năm rưỡi (nặng nhất là Thích Tuệ Sỹ và Thích Trí Siêu tức Lê Mạnh Thát tử hình sau do quốc tế vận động được giảm xuống còn 20 năm tù).
Sau khi ra tù chuyển hẳn qua hoạt động từ thiện và nghiên cứu, dịch thuật Phật học. Tựa như đã tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm cứu rỗi với lý tưởng sống hy sinh bản thân an hòa với chúng sinh: “Đau răng mới biết ý nghĩa của vô ngã… Khi răng không đau thì mình không để ý tới hắn, coi như không có. Khi hắn lên tiếng là có chuyện. Cũng thế, nếu mình vô ngã thì môi trường chung quanh mình sẽ rất dễ chịu. Còn mình lên tiếng “Có tôi đây” thì có chuyện ngay. Bởi vậy muốn lành mạnh thì vô ngã, vô ngã là lành mạnh.”
Thế mà đau thương thay, chính trên con đường từ thiện đó (đi cứu trợ nạn nhân bão lụt Miền Trung từ Bình Thuận trở về TPHCM) đã gặp tai nạn giao thông ở Đồng Nai tử nạn bi thương. Trước đó vài tháng cũng đi cứu trợ bị té ngã chấn thương cột sống, vậy mà mới đỡ được một chút đã vội vã bôn ba lên đường đi cứu nạn cứu người.
Hết lòng đi làm từ thiện mà cũng chết thảm như thế thì ai còn dám làm nữa? Phật ở đâu, Trời ở đâu? Câu trả lời hẳn là – với nụ cười mỉm độ lượng thanh thoát - đã là cái “nghiệp” của mình thì vẫn làm và làm được, hãy cứ làm đi bất chấp tất cả.
(Còn tiếp)
http://sites.google.com/site/vanvietloc4

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Ba bài thơ

Mưa sớm

Chiều nay mây gọi
Gió về chặng đường dài
Mặc áo khoác bước ra đường
Chờ
Một người nào bên kia đường chum tay đốt thuốc
Dòng người đi
Dòng đời đi
Đợi
Một người nào bên kia đường kéo vạt áo che mặt cười
Quán chìm vào ánh nắng khuất
Quán trơ trọi bàn ghế cô đơn

Giọt nước đầu tiên nuốt ngọt
Mưa sớm


CUỘC HẸN

Trong một cố gắng không dừng lại
Tôi hẹn hò em
Ám hiệu ngắn
9 giờ sáng – góc ngã tư – bờ tường tím – đội nón xanh
Tin đi
Người đi
Cuộc hẹn đi
Thời gian đi

Và như thế
Trong một cố gắng không dừng lại
Tin mất
Người mất
Cuộc hẹn mất
Thời gian mất

Chỉ còn lại
Tôi


TRỜI THÁNG BA

Tháng ba phơi lộ ngón chân xanh
Thiếu nữ bên thềm hong tóc biếc
Màu mây xanh
Tín hiệu từ mặt đất xao động
Tiếng gọi từ hoang tàn vỡ vụn
Bên kia bờ đại dương
Những cuộc giải cứu của tội ác
Đằng sau những mưu toan
Lục địa buồn
Rướm lệ xanh

Từ Hoài Tấn

Thứ Hai, 21 tháng 3, 2011

Thơ Trần Hữu Dũng

1.
Rượu sẵn sàng

Ngày ngày tôi uống thứ rượu độc
Chưng cất từ nỗi buồn dân tộc
Thứ rượu man rợ
Từ một phiên bản lập trình sẵn.

2.
Lys trắng

Nắng tháng Ba, ngập vườn hoa lys trắng
Chim họa mi hót trên mái nhà thờ
Còn tôi với tình yêu tắt lịm
Giữa đêm trăng mộng mị
Sung sướng tự hủy mình
Như con thiêu thân.

3.
Chịu đựng

Chịu đựng lúc nhỏ
Chịu đựng lúc mới lớn
Chịu đựng lúc về già
Thời này qua thời khác
Chuyện nầy qua chuyện khác
Mặc kệ tình yêu, khao khát, thú vui cuộc sống
Cái lỗ đen vũ trụ hút tôi vào
Và tôi tan biến vĩnh viễn.

TRẦN HỮU DŨNG
vanchuongviet.org

Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2011

Ngày 20-3-1966

Ngày 20 tháng 3 năm 1966 ở làng quê - An Truyền, tập thơ mỏng viết tay : Cơn mê 66 ra đời với bút hiệu mới : Từ Hoài Tấn. Chỉ là ngẫu nhiên thôi nhưng đã đeo đẳng qua mấy mươi năm rồi - 45 năm.
Và ngày 20-3 hàng năm là ngày Từ Hoài Tấn.

Ghi nhớ lại chút kỷ niệm.
20-3-2011

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011

Thơ TRẦN VÀNG SAO


Nhà thơ Trần Vàng Sao (phải) - Ảnh: Hoàng Nam (tuanvietnam.net)

Những ngày tôi còn nhỏ ở Vỹ Dạ

(Trích)Thêm Ảnh


1. Cổ tay chị Miên rất đen
chị đeo chuỗi cườm tấm không đủ hột
ba chết đi để hai đứa mồ côi
chị ở Đông Xuyên em ở Vỹ Dạ
ngày kỵ cha thấy mặt nhau chị em mỗi đứa đứng mỗi góc
chị dựa cột nhà hai con mắt đỏ hoe
em mặc áo đen dài như người lớn
muốn chặt đầu tây một thằng

2. Tháng mười tháng mười một sông không có nước lên
chưa hết mùa mưa to nước đục mắt cá
những bọt nước đen mắc đầu ngọn cỏ
khúc củi rều trôi ngang
tôi ngồi bên này
nắng nửa dòng sông bên kia
thả ngọn lá tre trôi ra biển cho nổi trên nước mặn
trời xa không biết mấy
trời gần ở dưới đọt cây
không nghe ai hát một câu cho buồn

3. Tuổi thơ đến với đời giữa đồng bắt gió nhốt trong áo
tôi không biết ở sau lưng có con mắt đang nhìn soi gương thấy tôi nhăn mặt làm quỷ dọa tôi nuốt hột thầu đâu vô bụng
sợ mọc cây chết dại
cá không ăn muối cá ươn

4. Ngày nắng ngày mưa không nhớ được
cơn dông buổi chiều mưa tới buổi tối
đưa tay vuốt nước trên mặt không kịp
con mắt đỏ cay
ngó không thấy rõ mặt người
cứ thẳng đầu vuốt mặt mà đi
ngược gió nên mát trong tóc
con chim trên cây kêu tiếng rảnh rang
lượm hòn đá ném xuống vũng nước bên đường
không có điều chi buồn

5. Nhà tôi ở Vỹ Dạ
hàng xóm bà con thấy mặt nhau hàng ngày đứng bên này hàng hóp ngã nón
sang bên kia hàng hóp mượn gạo
(loong tộn loong bằng)
tôi có biết buồn chi không
đầu hôm súng nổ ở cầu Ông Thượng
chúng tôi cứ chia phe đánh giặc
xóm trên xóm dưới
không có đứa nào chết như ba tôi bị tây bắn ở An Hòa
về nhà tôi giấu súng bắn hột bì lời dưới chiếu
ngủ không rửa chân
không có đứa nào thiệt thù để giết

6. Nửa đêm thức dậy thắp đèn đi quanh vườn
không biết ban ngày có để quên chi
hộp diêm không và con rạm gãy càng đã chết
sợi chỉ buộc ngang…

10. Ngồi lâu một mình không có chi chơi
tôi bỏ hết những cục đá vào bọc
đi ra đồng vác mặt lên trời
giữa trưa thằng con ai thiệt dại đi dang nắng
tôi nghe nói to ở sau lưng
mai đau mạ nấu cháo hành
tôi ném mấy cục đá vào bụi câycon chi đập cánh bay ra…

13. Chó sủa đầu hôm xóm trên
sáng mai có người nằm chết giữa
lính đồn cầu Ông Thượng không đi tuần sớm nữa
đợi đến trưa vác gậy đâm bụi tre
ngó chi mấy việc của người lớn
tôi cười ngó gãy cả mụt măng…

17. Tôi ngó hết chung quanh mình
qua con đường dốc xuống một cái cầu
đám rước đi qua Phu Văn Lâu không thổi kèn đánh trống
áo xanh áo đỏ
áo thụng áo to
mặt người mặt giả mặt thật mặt nạ đất mặt nạ giấy
đi như tù đi trên đất đi như tù không nói không khóc
đi như tù hai tay không xích
tôi buồn vì con bửa củi không chịu ăn gỗ mục
đã chết trong hộp diêm
sáng mai đưa đi chôn ngoài cây khế
một cái đầu con gái ngó qua hàng rào
phì nước miếng làm ông kẹ nơi miệng
(ai cũng chết như hôm qua có người chết
không ai chôn ở ngoài đồng -
lính trong lô cốt trên đình bắn ra)
cái đầu con gái mất sau cửa sổ còn lại một cái cổ trắng đeo chuỗi cườm
tôi chạy vào nhà thả con chim có hột cườm nơi cổbay đi

18. Tôi không nhớ hết những ngày đã qua mưa tháng năm tháng bảy ngoài sân
bong bóng nổi bong bóng chìm
mẹ tôi không đi lấy chồng
cơm cục chấm cơm rỡi
ngọn lá tre xanh trôi ngược dòng nước
giọt mưa không chìm
.…

Trần Vàng Sao

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

Cao Huy Khanh - VIỆT NAM: HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 – 2011: NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ


Kỳ 63 – 14.3. 2011

Phạm Công Thiện

PHIÊU LƯU CUỘC ĐỜI, PHIÊU LƯU TƯ TƯỞNG
Nhà văn, nhà nghiên cứu tư tưởng sinh 1941 tại Mỹ Tho – Mất tháng 3.2011 tại Mỹ (71 tuổi).

Có năng khiếu ngoại ngữ từ nhỏ, nhờ đó tiếp thu các dòng tư tưởng, triết học thế giới – cả phương Tây lẫn phương Đông thời cổ điển lẫn hiện đại - từ rất sớm. Từø đó bắt đầu bước vào con đường sáng tạo viết nhiều chuyên luận văn chương triết lý, cả làm thơ viết văn, in một số tác phẩm văn thơ, triết học gây tiếng vang trong thập niên 60. Nhanh chóng nổi tiếng, được xem đã đem lại một luồng sinh khí mới trong nền văn hóa miền Nam.
Tuy gia đình theo đạo Thiên Chúa nhưng lại có cảm tình nghiêng về đạo Phật nên nghiên cứu nhiều về Phật học. Năm 1964 gặp khủng hoảng tinh thần nên bỏ ra Nha Trang tu đạo Phật mang pháp danh Thích Nguyên Tánh.
Được một thời gian thì bỏ về Sài Gòn đi dạy học rồi được sự bảo trợ của Hòa thượng Thích Minh Châu gia nhập ĐH Vạn Hạnh (của Giáo hội PGVN Thống nhất) mà hòa thượng là hiệu trưởng làm giảng sư triết, trưởng khoa của trường, tham gia phụ trách tạp chí “Tư tưởng” của giáo hội.
Bỗng nhiên đến năm 1970 nhân một chuyến tháp tùng hòa thượng đi dự hội nghị Phật giáo quốc tế ở Pháp đã lặng lẽ… rút khỏi đoàn “trốn” ở lại Paris luôn!
Từ đó sống một cuộc đời nghệ sĩ lang thang khắp nơi qua nhiều nước từ Israel đến Đức. Sau đó ở lại Pháp thời gian lâu nhất, cởi bỏ áo tu lấy vợ (người Huế) tại đây, dạy triết học ĐH Toulouse. Năm 1983 chuyển qua Mỹ, ban đầu cư trú Los Angeles dạy Viện PG, qua 2005 chuyển về Texas đến khi mất.
Trong suốt quảng thời gian lang bạt kỳ hồ khắp nơi trên đất khách quê người đã mở rộng giao du với nhiều giới trí thức nghệ sĩ quốc tế, “thể nghiệm” nhiều cách sống khác nhau. Như thể qua đó muốn thực hiện một cuộc trường chinh độc hành đi tìm chân lý tư tưởng của một công dân thế giới chưa biết đâu là chỗ dừng chân, đâu là đích đến như tên một tập sách “Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất” 1988.
Một trường hợp điển hình đi tìm lối thoát cá nhân trước thực tại bế tắc trên quê hương chiến tranh máu lửa luôn, một mối ám ảnh nhức nhối trong tâm can, trong sáng tác:
“Tay còn ôm giữ tình yêu
Tôi về phố động những chiều hư vô.
Đời đi trên những nấm mồ
Đau tim em hát cơ hồ khăn tang.
Phố chiều tôi bước lang thang
Nuôi con sông nhỏ mơ màng biển xanh…”
Về nghiên cứu, học thuật thì đó là nỗ lực khai phá, truy tìm một dòng tư tưởng VN có thể giúp con người VN vượt thoát khỏi bóng ma chiến tranh thảm khốc điêu linh từng giờ từng ngày không ngưng tàn phá quê hương. Từ đó mở ra con đường cứu rỗi của đạo Phật.
Công trình tìm kiếm chân lý cuộc sống này được thực hiện bằng con đường phiêu lưu bản thân – cả cuộc đời lẫn tư tưởng – từ nổi loạn đếùn tu học, đến tự giải thoát trở lại với thân phận con người bình thường tiếp tục hướng đếùn mục tiêu nhắm đạt được tự do tuyệt đối cho bản ngã.
Từ đó ít ra cũng đã có những kinh nghiệm, thu hoạch để viết tiếp và in hơn 10 tác phẩm ở hải ngoại: “Sự chuyển động toàn diện của tâm thức trong tư tưởng Phật giáo” 1994, “Triết lý Việt Nam về sự vượt biên” 1995, “Làm thế nào để trở thành bậc Bồ tát?”, “Tinh túy trong sáng của đạo lý PG” 1998…
Song song đó vẫn bàng bạc niềm thương nhớ quê hương xa vời:
“Mười năm qua gió thổi đồi tây
Tôi long đong theo bóng chim gầy
Một sớm em về ru giấc ngủ
Bông trời bay trắng cả rừng cây…”
Kết quả hành trình giong ruỗi tìm kiếm chân lý suy tư của một nhà tư tưởng VN chạy trốn ám ảnh thảm họa chiến tranh cuối cùng đạt được là sự trở về lại với đạo Phật – Thiền miên viễn thâm sâu thể hiện qua thái độ chấp nhận ngày chia tay cõi trần không bao giờ hết bi thương hòa trộn hạnh phúc nhân gian, chấp nhận “nhập định rồi ra đi nhẹ nhàng”. Ra đi bây giờ cũng là chuyến ra đi sau cùng cũng là cuộc phiêu lưu tối hậu bất tận.
Như tuyên ngôn làm tựa đề tập thơ cuối cùng “Trên tất cả đỉnh cao là im lặng”, như những chứng thực tư tưởng từ máu xương, hơi thở cuộc sống đời mình hòa quyện trong đó:
“Đã đi rồi đã đi chưa
Thượng phương lụa trắng đong đưa giữa trời
Đã đi mất hẳn đi rồi
Hạ phương tịch mịch trùng khơi phong kiều
Chuyển hình trên đỉnh cô liêu
Lửa bay thành ngọn hồng điều mật ngôn….”
(bài “Đi”)

631 - Ngô Hữu Đước
TỈ PHÚ CỤT TAY
Nông dân sinh khoảng 1967 tại Bình Định. Sống ở Đồng Nai (2011).

Cuối năm 1979 mới học lớp 6 trường làng ngày nghỉ ra đồng phụ việc cha mẹ thì bị trúng nổ một trái đạn B40 vùi lấp dưới mô đất sau chiến tranh làm cụt mất cánh tay phải.
Dù vậy vẫn cố gắng tập viết bằng tay trai để theo học tốt nghiệp cấp THPT. Nhưng ở quê, nhà nghèo lại thân thể không lành lặn nên không kiếm được việc làm, vì thế quyết tâm “Nam tiến” chọn Đồng Nai làm nơi trú thân kiếm việc làm từ năm 1988.
Bắt đầu vào làm công nhân nông trường cao su rồi dần dà dành dụm tiền bạc mua đất – hoặc mua thiếu trả góp - tách ra làm riêng. Từ 9 sào đất hoang từ từ mở rộng ra gần 4 hécta chuyên trồng cà phê, cây thuốc lá, bắp, tiêu kết hợp chăn nuôi và cả trồng lan, cây kiểng bán sỉ nữa. Cả năm thu về hàng tỉ đồng.
Đã lấy vợ có 3 con với ước vọng bây giờ luôn nhắc nhở các con cố gắng học hành thật tốt hơn cha đã lỡ một đời thiếu học, từ đó mới mong đưa khoa học kỹ thuật tân tiến vào nghề nông kếù tiếp sự nghiệp cha từng đi lên không phải từ 2 mà chỉ bằng một bàn tay trắng.

632 - Trần Mạnh Tuấn
“THƯƠNG BINH VÀNG”
Thương binh sinh 1953 tại Hà Nội. Sống ở Hà Nội (2007).

Năm 1971 tình nguyện vào bộ đội đi miền Nam chiến đấu.
Năm 1973 trên chiến trường Quảng Trị bị thương nặng gãy 2 cột sống và lún sọ nên được chuyển ra miền Bắc chữa trị. Suốt 4 năm trời đi qua nhiều bệnh viện được chẩn đoán chấn thương sọ não liệt nửa người chưa kể đã cắt 1,5m ruột. Giải ngũ thương binh thương tật 81%.
May mắn trong thời gian nằm viện gặp được một cô giáo quê Hải Phòng thương cảm tình nguyện kết hôn. Để lo cho gia đình (sinh được 2 gái), vợ phải nghỉ dạy đi bán buôn đủ kiểu đủ loại hàng mới lo đủ nuôi chồng nuôi con.
Bản thân mình cũng cố phấn đấu vượt qua mặc cảm bệnh tật bằng cách tham gia tập luyện thể thao người khuyết tật. Từ đó trở thành vận động viên “Thương binh vàng” vì từ năm 1997 đã liên tiếp giành nhiều huy chương vàng thi đấùu thể thao người khuyết tật trong nước và quốc tế, cả môn bơi lội lẫn bắn súng, đua xe lăn.
Bất ngờ năm 2006 tai ương lại giáng xuống người vợ mắc phải bệnh ung thư vú. Người chồng chỉ còn biết khóc thầm dằn vặt tại sao một người chỉ còn 19% cơ thể lành lặn lại như mình không được “đổi sự sống cho cô ấy?”
Dù sao cũng còn bám víu vào hy vọng người vợ qua phẫu thuật 2 lần xa trị mới tương đối hồi phục “sống được với gia đình ngày nào tốt ngày đó”.

633 - Trần Ngọc Duy
CON NUÔI CỦA ANH HÙNG
Bộ đội hải quân sinh 1966 tại Quảng Trị. Sống ở Đà Nẵng (2008).
Tháng 3.1975 trong cuộc biến động giải phóng miền Trung, cha mẹ đưa 6 anh chị em chạy lánh
nạn vào Đà Nẵng chờ đi tàu biển vào miền Nam. Nhưng tại cảng Đà Nẵng trong cảnh hỗn loạn, mình và đứa em gái đã bị lạc mất cha mẹ.
Sau đó 2 ngày em gái cũng xuống được tàu vào Cam Ranh gặp lại cha mẹ, riêng mình vẫn còn bị rớt lại ở Đà Nẵng. Phải hơn một tuần sau mới theo tàu đến được Cam Ranh thì bấy giờ cha mẹ và anh em đã lại lên tàu ra Phú Quốc. Một thân một mình đành đi ăn xin sống qua ngày, không biết tìm cha mẹ nơi mô.
Một thời gian được một đơn vị bộ đội thương tình đùm bọc nuôi ăn rồi khi đơn vị chuyển đi thì bàn giao lại cho hội phụ nữ địa phương. Từ đó làm con nuôi vài ba nhà sống lây lất qua ngày. Đến năm 1978 được giới thiệu với một sĩ quan chính ủy hải quân nhận làm con nuôi đưa về Đà Nẵng.
Vị cha nuôi sĩ quan này là Anh hùng Lực lượng vũ trang nên bắt đầu từ đó mới được chăm sóc đầy đủ, đổi tên theo họ cha nuôi là Trần Ngọc Duy (tên cũ Lê Văn Duy). Năm 1986 tiếp bước cha nuôi vào hải quân thể theo nguyện vọng của ông trước khi qua đời. Năm 1994 lấy vợ, thăng quân hàm đại úy.
Cuộc sống ổn định rồi, sự nghiệp thăng tiến nhưng trong lòng vẫn không nguôi nỗi nhớ gia đình cũ nên năm 2000 từng về Huế tìm tin tức cha mẹ anh em cũ song không kết quả vì thực tế họ đã ở luôn TPHCM từ lúc lạc mất nhau.
Mãi đến năm 2008 qua chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” của VTV mới gửi kỷ vật duy nhất còn giữ là một bức ảnh cũ thời nhỏ nhờ đài truy tìm giùm. Không ngờ cùng lúc cha mẹ cũng nhờ đài như vậy nên việc “kết nối” thành công sau 33 năm đôi bên mất tích nhau.

634 - Trần Thị Tiếp
MỘT NẮM ĐẤT TRÊN BÀN THỜ
Nông dân sinh khoảng 1948 tại Thanh Hóa. Sống ở Thanh Hóa (2007).

Năm 1968 vừa lấy chồng thì chồng lên đường vào Nam chiến đấu. Mang thai được nửa năm thì sẩy thai, tiếp liền theo đó là tin chồng đã hy sinh trên chiến trường Quảng Trị năm 1969. Vẫn ở vậy chờ ngày nhận di cốt chồng để thờ cho trọn nghĩa phu thê.
Nhưng mãi đến năm 2005 mới có vài thông tin về chồng từ đồng đội cũ của chồng và từ ngườøi dân địa phương. Mới cùng các đồng đội ôm tấm di ảnh chồng lồng kính lên đường vào Quảng Trị tìm hài cốt chồng. Nhưng dù mất bao công sức truy tìm – kể cả nhờ thầy cúng làm lễ “gọi hồn” – vẫn không tìm thấy di hài liệt sĩ chồng mình trong các nghĩa trang nơi đây.
Cuối cùng đành lấy một nắm đất trên chiến trường xưa nơi chồng đã hy sinh mất xác đem về để lên bàn thờ mà cúng vọng hàng năm.
Câu chuyện đã được một đạo diễn Pháp đưa vào bộ phim tài liệu “Những linh hồn phiêu bạt” hay “Tìm hồn” thực hiện tại VN năm 2005.

635 - Trần Thị Tuyết Nga
“MỘT THOÁNG VIỆT NAM”
Doanh nhân sinh 1944 tại miền Nam. Sống ở TPHCM (2011).

Thuộc gia đình cách mạng tầm cỡ, trước 75 từng hai lần sống và chiến đấu ở vùng đất thép Củ Chi, sau đó được đưa đi du học Đông Aâu.
Sau 75 trở về TPHCM ấp ủ mộng kinh doanh, nhờ mối quan hệ hồi đi học nước ngoài nên là một trong những người đầu tiên mở đường hợp tác làm ăn với đối tác nước ngoài. Nhưng gặp thời thế chưa thuận lợi khi chủ trương đổi mới kinh tế vẫn còn gặp nhiều trở lực bảo thủ ách tắc nên liên tiếp thất bại, thậm chí có khi còn suýt bị lâm vào vòng lao lý!
Đến năm 1991 từ một chuyến về thăm lại chiến trường xưa Củ Chi mới chuyển hướùng kinh doanh, nảy ra sáng kiến xây dựng vùng đất khô cằn mang nhiều dấu tích chiến tranh này thành một khu du lịch – văn hóa lớn kết hợp giới thiệu cảnh quan, sản vật của 64 tỉnh thành cả nước với các làng nghề truyền thống. Dự án mang tên “Một thoáng Việt Nam”.
Suốt 18 năm trời ròng rã đã âm thầm vận động, tổ chức thực hiện công trình quy mô này bằng cách mua lại vùng đất hoang của dân, đổ gần nửa triệu mét khối đất để san bằng 22 hecta đầøm lầy, hố bom tràn ngập nơi đây. Lấy đó làm cơ sở khu du lịch, lần lượt thiết kế, xây dựng mô hình các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, làng nghề khắp nước tại đây giống như một đất nước “VN mini”. Du khách đến đây tham quan qua đó có thể đi thăm thú khắp nước chỉ trong vài tiếng đồng hồ.
Trải qua nhiều gian lao trắc trở – có lúc “khốn đốn, nhục nhã” - do lao theo một công trình quy mô lớn mang tính phục vụ cao mà lại không có đủ tiềm lực tài chính, không bảo trợ “ô dù” trong thời buổi ai cũng chạy theo lợi nhuận, thương mại hóa. Vì vậy mãi đến năm 2009 công trình mới hoàn thành phần chính bắt đầu mở cửa đón khách.
Tuy nhiên tính về lâu dài, công trình vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn do tham vọng quá lớn, ý hướng phát triển văn hóa (dân tộc) quá cao tới mức có thể phi thực tế trong khi thực lực tiền bạc thiếu thốn (vốn liếng đổ vào đến nay chưa tới 100 tỉ đồng) do hiệu quả lợi nhuận mang lại hạn chế không kêu gọi được nhà đầu tư. Bởûi vậy phát sinh nợ nần phải kêu cứu TPHCM hỗ trợ song chưa biết giúp được tới đâu.
Dù vậy, đã bỏ ra hầu như cả nửa đời người (không lập gia đình) để làm việc có ích như công trình này nên vẫn luôn giữ vững ý hướng cao đẹp, tôn trọng nguyên tắc sống của một gia đình truyền thống yêu nước mẫu mực: “Khó quá không làm nổi thì nghỉ chứ không được hư, không được làm bậy.”

636 - Trần Thị Viết
NGƯỜI KHÓC “NƯỚC MẮT SỐNG” hay NGƯỜI SỐNG THỌ THỨ NHÌ CẢ NƯỚC
Nông dân sinh 1892 tại Long An. Sống ở Long An (2011).

Là Bà mẹ VN Anh hùng sinh được 8 trai 2 gái thì đã có đến 7 con trai (và 1 cháu nội) đều là liệt sĩ chống Pháp và chống Mỹ, có lần năm 1973 cả hai con trai đều tử trận trong cùng một ngày. Chồng từng là nghĩa quân phong trào Cần vương chống Pháp thất bại, mất năm 1961. Con gái út còn sống cũng đã gần 80 tuổi.
“Gia đình kháng chiến” nặng ký nên trước 75 từng bị chế độ cũ bắt giam và cũng từng quy y vào chùa một thời gian để nguyện cầu cho các con được sống còn. Mỗi người con hy sinh để lại vợ và các cháu đều đượïc mình đem về nuôi nấng nên người.
Sau 1975 khi đất nước hòa bình dù đã hơn 80 tuổi vẫn khăn gói đi khắp nơi để tìm mộ con, kết quả cũng tìm được mộ ba con đem về quy tập ở nghĩa trang liệt sĩ huyện song vẫn còn 2 người con mất tích chưa tìm được hài cốt. Đến khi ngoài trăm tuổi hàng tuần vẫn chống gậy đến nghĩa trang chăm sóc mộ con.
Những khi nhớ chồng con, một mình nằm võng khóc lặng lẽ không nên tiếng mà nước mắt cứ chảy thành dòng -- dân gian gọi đó là “nước mắt sống”.
Đến năm 2011 đã 121 tuổi ta trở thành người VN lớn tuổi thứ nhì còn sống sau cụ bà Trần Thị Nguyệt 122 tuổi ở Thừa Thiên – Huế. Còn tương đốùi minh mẫn, trí nhớ còn khá tốt, tai nghe được, có thể vịn mà đi được, mỗi bữa ăn được lưng chén cơm (lúc 115 tuổi mới lần đầu… đi bệnh viện khám bệnh!). Có đến hơn 40 cháu nội ngoại và khoảng 450 chắt chít đến thế hệ thứ sáu.
Thỉnh thoảng Mẹ – người sống qua 3 thế kỷ - vẫn còn nhớ thều thào những lời hát ru con Nam bộ cách đây cả thế kỷ:
“… Thương anh quyết chí em thương hoài
Bảng treo mặc bảng thơ bài mặc thơ…
Anh đi em mới trồng hoa
Anh về hoa nở được ba trăm nhành.
Một nhành lá chín bông xanh
Bán ba đồng một để dành có nơi.
Bây giờ anh mới thảnh thơi
Em cậy anh tính thử vốn lời bao nhiêu…”

637 - Trần Thiện Thanh

XIN GỬI TRO CỐT VỀ MẸ
Nhạc sĩ sinh 1944 tại Phan Thiết – Mất 2005 ở Mỹ (62 tuổi).

Một văn nghệ sĩ tài hoa trướùc 75 ở miền Nam vừa viết nhạc vừa tự trình diễn ca khúc của mình rất ăn khách, giọng ca (Nhật Trườøng) từng được liệt vào “Tứ trụ nhạc sến” cùng Hùng Cường, Duy Khánh, Chế Linh.
Nhưng không chỉ sáng tác nhạc “sến” – nhạc vàng nổi tiếng mà bên cạnh đó vẫn có những ca khúc tình cảm nghiêm túc, nghệ thuật tuy cả 2 loại nhạc này dù chênh nhau về chất lượng song vẫn xoay quanh 2 đề tài tình yêu đôi lứa và nhạc lính ca ngợi quân đội VNCH.
Về nhạc “sến” là những “Chuyện hẹn hò”, “Hàn Mặc Tử”,” “Hoa trinh nữ”, “Lâu đài tình ái”, “Tình thư của lính”, “Tình có như không”… ø Nhạc “không sến”, tình cảm nhẹ nhàng vừa phải gồm “Bảy ngày đợi mong”, “Không bao giờ ngăn cách”, “Khi người yêu tôi khóc”, “Mùa đông của anh”, “Biển mặn”, “Trên đỉnh mùa đông”…
Đặc biệt nổi bật một số ca khúc giá trị viết về một “anh hùng” quân đội VNCH hay một trận đánh của VNCH như “Anh không chết đâu em”, “Người ở lại Charlie”, “Rừng lá thấp”, “Chiều trên phá Tam Giang”… Bởi ngoài đời là hạ sĩ quan ngành tâm lý chiến làm Đài Phát thanh quân đội VNCH.
Vì thế sau 75 không bị đi cải tạo dài hạn song bị cấm tiếp tục hoạt động âm nhạc. Đến 1984 lệnh cấm trên được giải tỏa nhưng từ chối “tái xuất giang hồ”, tỏ rõ quan điểm không muốn dính líu gi đến chế độ mới.
Đến 1993 đi Mỹ theo diện bảo lãnh ODP. Tại đây lấy vợ là một nữ ca sĩ, sinh được một con trai.
Tuy nhiên trên xứ sở mới lại tự nguyện rút lui vào im lặng, ít tham gia biểu diễn mà cũng không còn sáng tác nhiều có giá trị xúc cảm như xưa nữa. Rồi năm 2004 đã tổ chức một buổi trình diễn “từ biệt khán giả sau 40 năm ca hát” mà nhiều người cho là “quá sớm”. Bản thân thì tâm sự “không muốn hát nữa”, còn bạn bè có người giải thích có thể do ông “không còn gì để cống hiến” nữa.
Một năm sau thì qua đời vì ung thư phổi. Với di nguyện để lại là gửi tro cốt của mình về cho bà mẹ già 82 tuổi vẫn còn sống ở Bảo Lộc. Và một số tác phẩm sau 75 viết ở hải ngoại mang nặng nỗi buồn thế sự thua cuộc chưa công bố rộng rãi như “Người bên lề cõi sống”, “Đôi tiếng tự do”, “Từ nửa vòng trái đất”, “Ở giữa muộn phiền”…

638 - Trần Tiến Vững
NGƯỜI ĐI KHÔNG VỮNG MÀ CỨ ĐI
Thường dân sinh 1947 tại Hà Nội. Sống ở Hà Nội (2006).

Đi Thanh niên xung phong trên chiến trường Quảng Bình từ năm 1965. Đến 1968 về Hà Nội lấy vợ sinh được 6 con.
Làm công nhân nhưng sức khoẻ ngày càng suy sụp khiến phải nghỉ việc.
Từ đó sinh ra bệnh tâm thần phân liệt - suốt ngày bỏ đi lang thang tận đâu đâu, miệng cứ lẩm bẩm điều gì không ai biết. Nhưng đi không vững vàng gì, đi dáng dấp xiêu vẹo chỉ chực té vì còn mắc thêm bao thứ bệnh khác trong người cả bệnh gan lẫn bệnh phổi. Và thường xuyên té ngã thật, có khi ngã cầu thang gãy xương sườn, có khi ngã cả vào nồi canh bị bỏng nửa người!
Bệnh như thế nhưng không có tiền chạy chữa thuốc men nên bệnh ngày càng lậm vì cả nhà 6 miệng ăn gồm thêm 2 con nhỏ, còn 4 con lớn đã lập gia đình ở riêng đều nghèo khó chẳng giúp đỡ gì được. Tất cả chỉ biết trông cậy vào người vợ bán bún ốc mỗi ngày kiếm được 15.000 đồng, còn bản thân đã mất hết giấy tờ không làm được chế độ nên chỉ được phường hỗ trợ 100.000 đồng/tháng.

639 - Trần Vàng Sao
CẦU CỨU BỒ ĐỀ ĐẠT MA

Nhà thơ tên thật Nguyễn Đính sinh 1941 tại Huế. Sống ở Huế (2011).
Với bút danh mang ý nghĩa màu cờ nước rõ ràng đứng về phía cách mạng (gia đình nông dân, cha là liệt sĩ chống Pháp), thời đi học từng tham gia hoạt động nội thành ở Huế sau bị lộ phải rút lên núi. Lúc đó được biết đến qua bài trường ca “Bài thơ của một người yêu nước mình” (1967).
Vào chiến khu tiếp tục chiến đấu rồi bị thương được đưa ra Hà Nội điều trị năm 1970. Và đây là bước ngoặt bi đát của đời mình vì đến khi đối diện trực tiếp với chế độ cộng sản ở ngay ở thủ đô thì… thất vọng! Bởi chủ nghĩa trên lý thuyết và thực tế khác hẳn nhau tới mức cảm thấy cách xa nhau gần như một trời một vực.
Từ đó sinh ra bất mãn lại thêm cái tật “vạ miệng” nên bị nghi kỵ rước lấy sự bạc đãi, thậm chí còn bị theo dõi truy bức, tịch thu bản thảo, bắt giam truy xét. Vì thế khi miền Nam giải phóng xin được về lại quê nhà Huế góp phần xây dựng lại quê hương đổ nát sau chiến tranh thì bị tổ chức.. khước từ!
Bất cần, một mình tìm đường “tự về” Huế. Nhưng tại đây lại gặp phải sự đón tiếp lạnh nhạt (cảnh giác?) không cho phép làm gì, cùng lắm cũng chỉ làm một chân chạy vặt ở đài phát thanh rồi chuyển về làm “lon ton” cấp xã! Rồi bị cho về hưu non.
Thế thời phải thế, đành chấp nhận sống ở ẩn an phận với tâm lý “kinh cung chi điểu” sợ bị “nhòm ngó”. Được mô tả là “người biết sợ chứ không phải người sợ” nên “suốt ngày chỉ ru rú ở nhà, đơm tôm bắt cá sống qua ngày, thủ phận một ông nông dân chính hãng. Ai đến chơi thì đến chứ chẳng dám đến nhà ai.”
Nhờ có năng khiếu vẽ có lúc vẽ minh họa cho tạp chí Cửa Việt của bạn bè đồng điệu ở Quảng Trị kiếm nhuận bút nuôi con qua ngày đoạn tháng nhưng sau đó tờ này cũng bị dẹp luôn nên… đói là cái chắc!
Trong cảnh cùng quẫn như vậy sinh “đại” bất đắc chí nên năm 1984 mới bộc phát làm một bài trường ca khác “Người đàn ông 43 tuổi nói về mình” rồi nhân thời Đổi mới năm 1988 được báo Sông Hương in trong đó có những đoạn bi ai phẫn nộ cùng cực như:
“Tôi tuổi Tỵ
năm bốn mươi ba tuổi
thường không có một đồng trong túi
buổi sáng buổi chiều
thứ hai thứ ba thứ bảy chủ nhật
trong nhà ngoài sân nuôi với hai đứa con
cây cà cây ớt
con chó con mèo
………
mã cha cuộc đời quá vô hậu
cơm không có mà ăn
ngó lui ngó tới không biết thù ai
………………..
nói thật lúc này tôi muốn được say rượu
hoạ may thấy một đồng thành hai ba bốn đồng…”
Nhưng thời Đổi mới chưa kịp đến Huế thế là lại bị báo đài địa phương “đánh” cho một trận tơi tả nữa! Từ đó “sợ” không dám đưa thơ đăng ở đâu nữa. Tuy nhiên từ đó trở thành nổi tiếng như một văn nghệ sĩ “bất đồng chính kiến”, được bằng hữu văn nghệ cả nước lẫn thế giới tìm cách giúp đỡ gia cảnh đỡ lâm vào cảnh tàn mạt. Sau này thậm chí còn được mời vào Hội Nhà văn VN song không chịu… viết đơn (trong nước chưa hề in tác phẩm nào, chỉ ở Mỹ năm 1984 có in riêng một tập, đến năm 2009 được thân hữu ở TPHCM in một tập thơ vi tính chuyền tay)
Nhờ đó phần nào, càng về sau cuộc sống dễ thở hơn đôi chút.
Trong thời gian lui về làm ông cụ non này, căn nhà của mình (nhờ đất của cha mẹ để lại tại Vỹ Dạ) biến thành một “câu lạc bộ tạp pí lù” với đủ loại bạn bè tứ xứ giang hồ trong nước ngoài nước lui tới ngồi uống rượu nói chuyện tầm phào trên trời dưới đất “vô hại” đỡ buồn. Trong số này có bạn thật mà cũng có bạn “giả”, có người tò mò mà cũng có kẻ muốn ăn theo tiếng tăm “ngoại đạo” của nhà thơ không kể các điệp viên ngầm Nhà nước!
Nhưng nhờ vô công rỗi nghề tự nhiên bỗng nổi hứng quay qua vẽ tranh truyền thần… Bồ Đề Đạt Ma – chỉ duy nhất loại tranh này - hẳn xem như đó là một liều thuốc an thần giúp mình theo chân Bồ tát tìm quên thế sự. Dù không học vẽ trường lớp ngày nào song lại vẽ “Sư” rất đẹp, rất sắc sảo có thần khiến tiếng một đồn mười ai cũng đến xin tranh và mình sẵn sàng tặng không đúng phong thái Bồ tát!
Có người xin tranh vì xem đây là một cái “mốt” của giới trí thức nghệ sĩ bấy giờ phải được nhà thơ nổi tiếng “đối lập” này tặng mới đúng mác, có kẻ xin về treo trong phòng như kiệt tác nghệ thuật song cũng có người treo để… ếm bùa (ông Phật này mặt mày dữ thần lắm)!
Có lẽ ấy cũng là một ý nghĩa thâm thúy mà nhà thơ họa sĩ tự phát muốn gửi đến thiên thu: Nhờ ngài Bồ Đề Đạt Ma đuổi bớt tà ma ngạ quỷ chớ bén gót tới cửa nhà mình nữa!

640 - Trần Văn Bản
TAY TRẦN BỐC HÀI CỐT ĐỒNG ĐỘI hay LIỆT SĨ SỐNG LẠI 28
Bác sĩ sinh 1945 tại Hải Phòng. Sống ở TPHCM (2011).

Nguyên bộ đội thương binh hạng 3/4 trên chiến trường miền Nam, 2 lần bị thương và là người duy nhất còn sống sót sau chiến tranh trong 29 người cùng nhập ngũ một đợt ở Hải Phòng. Vì thế năm 1968 từng bị giấy báo tử… lầm về quê khiến gia đình đã lập bàn thờ!
Sau chiến tranh chuyển ngành học ra bác sĩ vẫn đau đáu ước nguyện đi tìm hài cốt đồng đội đã hy sinh để đem về lại cho gia đình trên mảnh đấùt quê hương họ. Đến năm 1989 về làm Hội Chữ thập đỏ ở quận Tân Bình – TPHCM mới thực hiện được mong muốn đó: “Chiến tranh qua đi, được sống đã là hạnh phúc. Còn sức tôi còn đi tìm đồng đội. Người đã chết cho người được sống. Mình phải có trách nhiệm đi tìm đồng đội.”
Ban đầu phải dựa vào sự vận động giới thanh niên địa phương, một việc không đơn giản vì công tác đi tìm dấu tích tử sĩ rất gian nan, chưa kể những thành kiến, mê tín. Khi tiến hành công việc cũng đầy khó khăn: Phải chở nhau đi trên xe Honda, phương tiện giao thông thuậân tiện nhất thời đó, mỗi chuyến đi được mình chuẩn bị với kinh nghiệm của môt cựu chiến binh như trước mỗi trận đánh với hành trang mùng mền, thuốc chống muỗi, bản đồ, lương thực…
Từ năm 1983 công việc tiến hành bài bản hơn nhờ sự tiếp tay của một số đồøng đội cũ tổ chức nhiều chuyến đi tìm hài cốt liệt sĩ và trải qua 30 năm “cơm nhà áo vợ” đã tìm được hơn 2.000 bộ hài cốt liệt sĩ. Tự tay quy tập trên 600 đồng đội về nghĩa trang, nhiều khi phải ngược xuôi Bắc Nam tìm đến nhà liệt sĩ báo tin đã tìm được hài cốt. Mỗi hài cốt tìm thấy phải làm thủ tục xin mang đi, được lập một hồ sơ tư liệu đầy đủ để “bàn giao” cho thân nhân sau này. Sau đó gửi thư liên lạc với thân nhân liệt sĩ rồi đích thân đem “trả” hài cốt tận quê, thậm chí có khi còn phải mở thêm một cuộc truy tìm khác đối với thân nhân nay cũng bỏ quê đi nơi khác rồi.
Đặc biệt tự mình bốc mộ bằng tay trần “mới cảm nhận được đâu là hài cốt đâu là rể cây”. Và vì “Lúc này tôi là một người lính đi tìm bạn nên dù bạn giờ chỉ còn là một nắm đất vẫn muốn tay bắt mặt mừng với bạn”.
Ngoài ra còn vận động, tổ chức nhiều hoạt động từ thiện xã hội khác như tặng vốn cho thương binh nghèo, xây Nhà Tình nghĩa, tặng ghế đá cho bệnh viện… Nhưng vẫn chưa thỏa lòng: “Số liệt sĩ tìm thấy vẫn quá ít ỏi so với số bà mẹ và ông bố đang ngày đêm mong mỏi tìm được con…”
(Còn tiếp)

Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2011

Tưởng Niệm Phạm Công Thiện



Đoạn ghi từ biệt GaGa (1) thắp cây hương cho Phạm công Thiện
Tác giả : ĐINH CƯỜNG

En ce monde bouleversé je ne vis plus que dans le souvenir
(Paul Klee)

Khi Nguyễn xuân Hoàng từ San José
điện thoại báo tin Phạm công Thiện đã chết
tôi đang ăn múi cam mà nghẹn
buổi chiều mưa mù trởi, lại tiếng còi tàu ứa nước mắt
loanh quanh tìm lại kỷ niệm
những năm xưa mịt mùng xa tắp
Thiện đi xe hơi con nhà giàu ở Mỹ Tho
(sau này phá sản lên xây nhà ở Finom bên đường đi Đà Lạt)
lên Sài Gòn thường ghé thăm tôi ở Tân Định
đêm tối xuống ra nhà may Can của Ninh Chữ (2)
đường Tự Do, có căn gác nhỏ lên đó ngồi chơi
rồi qua phòng trà Tự Do cách một ngã tư
có cả Tuấn Huy mà Thiện đã viết
lá thư mở đầu Ý thức mới trong văn nghệ và triết học (3)

Huy, suốt đời tôi chắc chắn không bao giờ tôi quên được
đôi mắt ướt lệ của một nàng ca sĩ mà chúng mình
đã nhìn thấy vào một đêm mưa tầm tã trong một
phòng trà mờ tối ở Saigon …
Những giọt nước mắt của Thanh Thuý giọng hát mù sương (4)
Huy nhớ không, Tuấn Huy tác giả Ngày vui qua mau
bây giờ đang ở Costa Mesa, California
người bạn luôn thủ những viên thuốc ngủ và thích ngồi nhìn lung
xuống dòng sông Thiện nhắc trong lá thư
như nhắc đến Trịnh khắc Hồng, người bạn luật sư trẻ tuổi
đã mất năm nào, lá thư ghi NhaTrang, tháng 6 năm 1963
và tôi đã vẽ bìa cho nhà xuất bản An Tiêm của Thanh Tuệ
một con ngựa xám đang tung vó giữa trời
khi bị con rắn năm sinh của Phạm công Thiện cắn, Thiện khoái chí


Cuốn sách tôi mua lại được nơi hàng sách cũ
trước nhà thương Từ Dủ
trong phần cuối, thư gửi cho Nietzsche
Sau khi đã phá hoại đến cùng cực… Đi vào im lặng
Chào Dionynos Philosophos

Trên tất cả đỉnh cao là lặng im (5)
Thư quán Hương Tích in ở Sài Gòn
Thầy Tuệ Sỹ nhờ tôi đem về mấy quyển
giao cho Thiện, chỉ có một người liên lạc được
với Thiện ở Houston …còn thì lặng im

Bây giờ thì
Đã đi rồi đã đi chưa
Thượng phương lụa trắng đong đưa giữa trời
Đã đi mất hẳn đi rồi
Hạ phương tịch mịch trùng khơi phong kiều (6)

Ngọn lửa tịch mịch đã tắt
nhớ xưa trên căn gác nhà Thanh tuệ ở Lý thái Tổ
Bùi Giáng gặp Nguyễn đức Sơn và Phạm công Thiện
cả ba mặt trời như muốn nổ tung
làm Bửu Ý phải can, tôi thì nhìn xuống con hẽm
chờ kêu mua mấy chén chè xôi nước
các ngài ăn cho ngọt giọng rồi cười

Ôi làm sao nhớ hết thời xa xưa ấy
thời Thiện ở dưới căn phòng nhỏ tầng hầm
đường Yagut, mê mãi viết Saroyan
Đà Lạt nay tên đường vẫn vậy tôi ghé qua
muốn chụp tấm ảnh đưa về Thiện xem mà không kịp nữa
Ơi Hoài Khanh đang còn ở Biên Hoà tóc bạc phơ
nhớ đêm giáng sinh nào lên Đà Lạt thăm Thiện
Ơi Hoàng trúc Ly khuất mặt những câu thơ Thiện ngợi ca
bởi Thiện là thi sĩ là hoạ sĩ lạ lùng kia đã đi qua rồi
đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất (7)

Thiện đã về Thiện đã tới.

Virginia, March 10.2011
Đinh Cường

1-“ông tự đặt tên là GaGa
gọi cô gái nhỏ là BinBin
chiều ba mươi Tết làm thơ lạ
gà tre nhỏ cùng bông mồng gà“
(4 câu trong bài thơ Thư Cho Cô Nhỏ Mùng Một Tết, Việt Báo Xuân – California 2011)
2- Nhà thơ Ninh Chữ tên thật Tạ văn Ân, sinh năm 1938 taị Hà Nội, mất sau 1975 taị Sài Gòn. 4 tập thơ đã xuất bản: Tuổi đời 1962, Miền lưu đày 1963, Tầm gửi 1964, Ngôn ngữ 1968.
3- An Tiêm xuất bản Sài Gòn 1965.
4- …Xin chiều mưa biên giới hỡi Thanh Thuý xin chiều mưa biên giới
Phù hộ tôi đêm nay. Xin chiều mưa biên giới… ( Phạm công Thiện –
Bay đi những cơn mưa phùn, Phạm Hoàng Xuất bản, Sài Gòn1970, trang195)
5- Nhà xuất bản Văn Hoá Sài Gòn, Thư quán Hương Tích, 2009
6- Trên tất cả đỉnh cao là lặng im( bài Đi đọan 2 trang22)
7- Trần Thi xuất bản California 1988

Nguồn: hopluu.net