Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016

Phỏng vấn họa sĩ Nguyễn Đình Thuần - Du Tử Lê

Phỏng vấn họa sĩ Nguyễn Đình Thuần, về “Ảnh hưởng của trường Cao đẳng Mỹ thuật trong 20 năm nghệ thuật miền Nam.”

 

blank
    Họa sĩ  Nguyễn Đình Thuần

LNĐ: Nói tới sinh hoạt của 20 năm văn học, nghệ thuật miền Nam, từ 1955 tới 1975, chúng tôi nghĩ, ta không thể không nói tới vai trò hay, ảnh hưởng của các trường Cao đẳng Mỹ thuật ở thời điểm đó. Vì thế, chúng tôi đã có cuộc nói chuyện với họa sĩ Nguyễn Đình Thuần, tốt nghiệp khóa 14 (1974) trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Ông hiện đang cự ngụ tại miền nam tiểu bang California, Hoa Kỳ.
Trân trọng kính mời quý bạn đọc, theo dõi cuộc nói chuyện của chúng tôi.
Du Tử Lê (DTL): Thưa anh Nguyễn Đình Thuần, nếu không kể trường Mỹ Thuật Đông Dương thành lập tại Hà Nội năm 1925 bởi một họa sĩ người Pháp, tên Victor Tardieu thì, sự thành hình của những trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, ở miền Nam ra đời trong những hoàn cảnh và thời điểm nào? Học trình bao nhiêu năm?
Nguyễn Đình Thuần (NĐT): Thưa anh, như tôi biết, sau khi đất nước bị chia đôi bởi Hiệp định Genève năm 1954 thì Trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật (QG / CĐMT) được thành lập tại tỉnh Gia Định, thuộc miền Nam tự do. Vài năm sau, trường QG / CĐMT Huế cũng được thành lập. Đó là năm 1957. Trường này được đặt trực thuộc Viện Đại học Huế. Về sau, trườngCĐMT Huế lại tách rời Viện Đại học Huế để trực thuộc Nha Mỹ thuật – Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa. Đây là 2 trường Cao đẳng Mỹ thuật của miền Nam VN thời trước tháng 4-1975; với học trình kéo dài 4 năm.
DTL: Để được theo học một trong 2 trường QG / CĐMT như anh mới cho biết, sinh viên có phải trải qua một kỳ thi văn hóa nào không? Nếu có thì điều kiện văn hóa đòi hỏi trước khi được nhận cho thi tuyển là gì?
NĐT: Theo cuốn Kỷ Yếu của trường CĐMT Huế thì chúng ta có thể tóm tắt một số điều lệ liên quan tới điều kiện thi tuyển như sau:
a- Giai đoạn từ 1957 tới 1970:
Muốn được nhận đơn thi tuyển vào trường CĐMT, thí sinh phải có bằng Trung học Đệ nhất cấp, hoặc chứng chỉ tương đương. (Chứng chỉ đã học hết lớp Đệ Tứ.)
b- Giai đoạn từ 1970 đến 1975:
Căn cứ theo Nghị định số 273 / QVK/ VH / NĐ đề ngày 3 tháng 8 năm 1971 về việc tổ chức các trường cao đẳng Mỹ thuật thì: Để được thi nhập học năm thứ nhất, thí sinh phải có văn bằng Tú tài một, hoặc chứng chỉ tương đương, kèm theo Học Bạ lớp 11 hay lớp 12.
Về tuổi tác, Nam thí sinh phải hạn tuổi từ 18 tuổi (tính đến ngày 31 tháng 12 của năm nhập học,) trở xuống.
DTL: Xin anh cho một ví dụ?
NĐT: Tôi thí dụ Niên khóa 1974-1975, trường chỉ thu nhận đơn của những thí sinh nào có năm sinh từ 1956 trở xuống. Hạn tuổi này do Bộ Quốc Phòng ấn định. Ngoài ra, nam thí sinh còn phải có:
- Giấy chứng chỉ hợp lệ tình trạng quân dịch.
- Giấy thỏa thuận cho phép của phụ huynh, nếu thí sinh dưới 21 tuổi.
Vẫn theo nghị định tôi vừa kể trên thì các trường CĐMT Huế và Saigon còn được mở thêm CĐMT Cấp 2. Học trình kéo dài 3 năm. Tổng cộng học trình là 7 năm cho cả hai cấp. Chương trình CĐMT cấp 2 bắt đầu có từ niên khóa 1970 -1971.
Đồng thời, trường CĐMT cũng mở thêm ngành Sư phạm Mỹ Thuật Trung cấp và Cao cấp nữa.
DTL: Mục đích của ngành sư phạm mỹ thuật là gì? Ai được phép ghi tên học?
NĐT: Thưa anh, mục đích cung cấp giáo sư Hội Họa cho các trường trung học. Để có thể tham dự những khóa Sư phạm Hội Họa này, học viên phải là các Họa sĩ tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật.
DTL: Với những điều kiện thi tuyển như anh kể, mỗi khóa của các trường CĐMT có nhiều sinh viên không anh?
NĐT: Theo lời kể của họa sĩ Nguyễn Thị Thịnh, người tốt nghiệp thủ khoa khóa 1 CĐMT Gia Định thì, trung bình trường CĐMT Gia Định tuyển khoảng từ 20 tới 30 sinh viên. Riêng trường CĐMT Huế là trường mà tôi theo học khóa 14, ra trường năm 1974 thì, tương đối ít hơn. Do đó, căn cứ vào cuốn Kỷ Yếu của trường, tôi thấy số sinh viên ra trường không nhiều!
Tôi xin đưa một ví dụ như khóa 1 của trường CĐMT Huế, chỉ có 9 người. Khóa 2, có được 13 người, v.v… Ở đây, tôi cũng xin mở một dấu ngoặc rằng khóa 2 CĐMT Huế, chỉ có 1 sinh viên theo học ban Điêu khắc, đó là cố điêu khắc gia Mai Chửng.
DTL: Trải qua 20 năm, thời gian học của các trường CĐMT của chúng ta có thay đổi gì không anh?
NĐT: Thưa anh không. Căn bản vẫn là 4 năm như tôi đã nói. Nhưng tôi nghĩ, có lẽ cũng nên thêm rằng, riêng giai đoạn từ 1957 tới 1970, sinh viên phải học qua lớp Dự Bị trước khi thi tuyển chính thức vào năm thứ nhất. Tuy nhiên, những sinh viên theo học lớp dự bị không chính thức (chỉ dự thính) cũng được phép thi vào năm thứ nhất. Tất nhiên, những sinh viên này ít có hy vọng thi đậu vì không nắm vững căn bản kỹ thuật!
Ví dụ trong các bài thi vào năm thứ nhất, có bài thi vẽ Khỏa Thân. Bài thi này có hệ số 10. Bỏi thế, nếu không biết cách đo đạc tỷ lệ về Anatomie thì rất khó được điểm cao. Tóm lại thưa anh, chương trình học chính thức khi ấy, chỉ còn có 3 năm mà thôi. Nhưng sau năm 1970 thì chương trình học không còn lớp dự bị nữa mà, vào năm thứ nhất ngay.
DTL: Với bốn năm học chính thức, chương trình được chia ra làm sao, thưa anh?
NĐT: Thưa anh, chúng tôi phải học khá nhiều môn khác nhau. Kể ra và nếu đi vào chi tiết thì rất dài dòng. Tôi chỉ xin tóm lược học trình đó như sau:
A - Về phương diện chuyên môn:
- Năm Thứ I và năm thứ II: Học Hội họa, Điêu khắc (vẽ khỏa thân là chính), Khảo cổ họa, Tốc họa, Thủy mặc, Cơ thể học, Phối cảnh học, Trang trí Tổng quát, Trang trí Nội ốc.
- Từ năm thứ II đến năm thứ IV có thêm môn Kiến trúc.
B- Về phương diện văn hóa:
Về phương diện văn hóa, ngay từ đầu khóa học, sinh viên phải chọn lấy cho mình một trong hai sinh ngữ chính là Anh văn hoặc Pháp văn. Kế tiếp chương trình học văn hóa của từng năm, được phân chia như sau:
- Năm thứ I: Gồm những môn như Triết học đại cương, Sử Việt Nam và thế giới, Đại cương văn minh Việt Nam. Riêng môn Lịch sử Mỹ thuật thì năm nào cũng có trong chương trình học của chúng tôi. Nói cách khác là kéo dài từ năm thứ I tới năm thứ IV.
- Năm thứ II: Sinh viên bắt đầu được học môn Thẩm mỹ học. Môn học này cũng kéo dài tới hết năm thứ IV. Đồng thời, chúng tôi cũng bắt đầu được học môn Văn học Nghệ thuật VN và, môn này cũng được dạy cho tới hết năm thứ IV.
- Qua năm thứ III: Sinh viên được chọn ban (chuyên môn.) Trường CĐMT có tất cả 4 ban là: Điêu khắc, Sơn dầu, Sơn mài, và Lụa.
DTL: Ban nào ít sinh viên theo học nhất thưa anh?
NĐT: Đó là ban Điêu khắc.
DTL: Còn ban được sinh viên chọn nhiều nhất?
NĐT: Là ban Sơn dầu.
DTL: Như vậy, phải chăng ở hai năm chót, sinh viên chỉ tập chú vào về ngành hay ban mà mình đã chọn?
NĐT: Vâng. Đúng vậy. Ở hai năm cuối, chúng tôi thực tập sáng tác theo thể loại mà mình đã chọn. Thí dụ, tôi chọn học ban Sơn dầu thì tôi chỉ học chuyên về tranh sơn dầu mà thôi
DTL: Có sinh viên nào bị loại khi đang học nửa chừng?
NĐT: Như tôi biết thì không thưa anh. Tuy nhiên, đôi khi cũng có một hai sinh viên xin nghỉ học vì lý do đau ốm, hoặc tới hạn tuổi phải thi hành quân dịch…
DTL: Còn lúc thi ra trường thì sao? Tôi muốn hỏi có ai bị đánh rớt?
NĐT: Cũng có chứ anh. Có người rớt vì lý do hạnh kiểm. Có người rớt vì học lực kém. Nghĩa là số anh em đó không có đủ điểm trong các học kỳ.
DTL: Họ có thể xin học lại?
NĐT: Thưa có. Nếu sinh viên ấy vẫn còn trong tình trạng hợp lệ quân dịch.
DTL: Thưa anh Nguyễn Đình Thuần, khi chúng ta gọi trường Cao Đẳng Mỹ Thuật thì, tôi có thể hiểu là chúng ta cũng có trường … Trung đẳng hay Trung cấp Mỹ thuật?
NĐT: Đúng vậy thưa anh. Miền Nam của chúng ta cũng có trường Trung Cấp Mỹ Thuật. Tôi thí dụ như Trường Trung Cấp Mỹ Thuật Gia Định. Theo tác phẩm “Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại” của tác giả Huỳnh Hữu Ủy thì trường Trung Cấp Mỹ Thuật Gia Định được thành lập từ năm 1913. Trường này cũng còn được gọi là trường Mỹ Thuật Trang Trí Gia Định. (1)
Vẫn theo tác giả Huỳnh Hữu Ủy trong tác phẩm vừa kể thì, thoạt tiên, trường đó có tên là Trường Nghệ Thuật Bản Xứ Gia Định (École d’Art Indigènes de Gia Định). Cứ sau mỗi lần cải tổ, tên trường lại thay đổi. Trường lần lượt có những tên khác như trường Hình Họa Chạm Khắc và Đồ Họa (École de Dessins et de Gravures.) Rồi trường Nghệ Thuật Thực Hành (École d’ Arts Appliqués). Và sau cùng thì trường mang tên là trường Nghệ Thuật Trang Trí và Đồ Họa Gia Định (École d’Arts Decoratif et de Gravures de Gia Định).
DTL: Nhân tiện, nếu được, xin anh cho biết số năm học và chương trình học, tất nhiên, tổng quát thôi, của trường Trung cấp Mỹ Thuật Gia Định?
NĐT: Vâng thưa anh. Học trình của Trường Mỹ Thuật Trang Trí Gia Định kéo dài 4 năm. Sau khi tốt nghiệp trung cấp, nếu muốn tiếp tục, họ sẽ phải thi để lên Cao Đẳng Mỹ Thuật. Điển hình cho trường hợp này là Điêu khắc gia Dương Văn Hùng. Ông hiện cư ngụ tại quận hạt Orange County.
Điêu khắc gia Dương Văn Hùng kể rằng, riêng ông, ông chỉ học có 3 năm trung cấp và đã thi đậu vào trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định.
DTL: Ngoài ra, tôi cũng được biết, dường như chúng ta còn có một trường gọi là trường Mỹ nghệ Thực Hành ở Bình Dương, phải không anh?
NĐT: Vâng. Chúng ta có đến hai trường Mỹ Nghệ đầu tiên được thành lập tại miền Nam Việt Nam. Đó là trường Mỹ Nghệ Thủ Dầu Một, và trường Mỹ Nghệ Biên Hòa.
Theo cuốn “Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại” của Huỳnh Hữu Ủy, cũng như căn cứ theo lời kể của điêu khắc gia Dương Văn Hùng thì năm 1901, trường Mỹ Nghệ ở Thủ Dầu Một được thành lập. Trường chuyên tâm vào việc tạo dựng những đồ trang trí bằng gỗ, như giường, tủ, bàn, ghế…
Ngay khi trường mới mở đã có 40 học viên ghi tên học và làm viêc. Một số ít đã có tay nghề trước đấy. Chương trình học gồm các môn như Gỗ (Ébénisterie), Điêu khắc (Sculture), Khảm xà cừ (Incrustation,) Đúc đồng (Fonderie de Bronze).
Còn trường Mỹ Nghệ Biên Hòa thì ra đời năm 1907. Khởi đầu có khoảng từ 40 đến 50 học viên. Trường đào tạo những nghệ nhân chuyên làm gốm, sứ, theo kỹ thuật và phương pháp giảng dạy cũ của lò Cảnh Đức Trấn ở Giang Tây, Trung Hoa.
DTL: Nếu tính đến tháng 4-1975, anh có biết hai trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Saigon và Huế, mỗi nơi có được bao nhiêu khóa?
NĐT: Như tôi biết thì Gia Định có 17 khóa. (Riêng khóa 18 thuộc niên khóa 1974-1975, thì chỉ mới bắt đầu.) Huế có 14 khóa (và khóa 15 dang dở…)
DTL: Một cách chủ quan, xin anh cho biết tại sao số sinh viên tốt nghiệp CĐMT thì nhiều mà trở thành họa sĩ thì lại rất ít?
NĐT: Theo tôi thì trường CĐMT là nơi trang bị cho các họa sĩ những kiến thức căn bản về kỹ thuật và lý thuyết, để từ đó họ đi vào sáng tác. Nhưng khi tốt nghiệp rồi, một số không theo đuổi nghề nghiệp, hay phải bỏ cuộc vì nhiều lý do lắm!
Chẳng hạn như không còn đủ điều kiện miễn dịch. Họ phải gia nhập quân đội vì đất nước chiến tranh. Có người gặp hoàn cảnh gia đình không thuận lợi. Có người không còn hay giảm thiểu đam mê hội họa… Riêng phái nữ thì phải lo gia đình, con cái…
Nói chung, những người đó không có đủ thời giờ để ôn tập, chắt lọc, suy nghiệm về ngành nghệ thuật mà họ đã theo đuổi, nên đành buông xuôi.
DTL: Anh có thể cho biết một số tên tuổi họa sĩ tốt nghiệp ở cả hai trường CĐMT Saigon và Huế?
NĐT: Tôi xin kể một số tên tuổi mà tôi nhớ ra được ngay lúc này. Như họa sĩ Trương Thị Thịnh (tốt nghiệp thủ khoa khóa 1, Saigon 1954-1958). Họa sĩ Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Lâm, Đỗ Quang Em. Họa sĩ Nguyên Khai, học khóa 3, CĐMT Huế, nhưng tốt nghiệp CĐMT Gia Định. Điêu khắc gia Trương Đình Quế cũng vậy. Ông học khóa 1 ở Huế rồi chuyển vào Saigon và tốt nghiệp trường CĐMT Gia Định. Họa sĩ Hồ Hoàng Đài tốt nghiệp khóa 1 Gia Định, sau trở thành giáo sư CĐMT Huế. Các họa sĩ Tôn nữ Liên Tâm, Hồ thị Kim Quỳ đều tốt nghiệp trường CĐMT Gia Định. Tôi cũng chợt nhớ tới cố họa sĩ Hiếu Đệ (Nguyễn Tánh Đệ) tốt nghiệp khóa 1, CĐMT Gia Định…
Về những họa sĩ nổi tiếng, từng tốt nghiệp trường CĐMT Huế thì tôi xin tạm kể có các họa sĩ như họa sĩ Tôn Thất Văn, thủ khoa khóa 1 (1957-1961), họa sĩ Nguyễn Thanh Trí, tốt nghiệp ưu hạng, cũng khóa 1. Họa sĩ Trịnh Cung (Nguyễn văn Liễu) tốt nghiệp khóa 2, cố điêu khắc gia Mai Chửng tốt nghiệp khóa 2 (1961-1962). Họa sĩ Đinh Cường, tốt nghiệp khóa 3 (1962-1963). Họa sĩ Rừng (Nguyễn Tuấn Khanh) tốt nghiệp khóa 4 (1963-1964)….
DTL: Thưa anh, tôi muốn được biết anh nghĩ gì về một vài sinh viên bỏ ngang chương trình học, nhưng họ lại rất nổi tiếng sau này. Thí dụ, họa sĩ Nguyễn Trung. Có người còn cho rằng, có thể chúng ta đã có một Nguyễn Trung khác, nếu ông theo học một cách nghiêm chỉnh, cho tới khi tốt nghiệp!
NĐT: Theo tôi, cũng có vài trường hợp sinh viên đã không thể tiếp tục theo đuổi việc học, vì hoàn cảnh này hay hoàn cảnh khác. Nhưng nếu họ nắm vững được phần nào căn bản về kỹ thuật, cộng thêm khả năng thiên phú và, vẫn theo đuổi việc sáng tác rồi gây được tiếng vang hay nổi tiếng, thì cũng hiếm lắm anh ạ.
Trường hợp họa sĩ Nguyễn Trung, theo tôi là do tài năng hiếm có. Thêm nữa, anh ấy đã đoạt giải thưởng hội họa Quốc Gia trong lúc vẫn còn theo học tại trường CĐMT Gia Định.
Tôi nghĩ có lẽ tôi cũng nên nói thêm rằng, có một điều không thành luật lệ rõ ràng ở trường CĐMT là: Sinh viên đang theo học ở trường không được gửi họa phẩm của mình tham dự trong bất kỳ một cuộc triển lãm nào ngoài công chúng!
Có thể họa sĩ Nguyễn Trung bực bội về điều này, nên sau khi được trao giải thưởng, anh đã bỏ ngang, không tiếp tục việc học nữa?
DTL: Nhân nói về những họa sĩ bỏ ngang việc học ở các trường CĐMT, tôi muốn hỏi ý kiến của anh về những họa sĩ nổi tiếng, nhưng họ không theo học, không tốt nghiệp một trường CĐMT nào? Tôi thí dụ trường hợp của Cao Bá Minh.
NĐT: Thưa anh theo tôi, đó là những họa sĩ tự học bằng cách tìm hiểu hội họa qua sách vở, qua bạn bè. Họ tự tìm tòi bằng vào niềm đam mê hội họa của họ. Họ nghiên cứu kỹ thuật kèm theo năng khiếu thiên bẩm. Nhưng những người này có thể phải trải nghiệm một thời gian dài hơn, vì kiến thức, chuyên môn không được hệ thống hóa, thiếu phương pháp từ trường ốc. Bù lại, vẫn theo tôi, họ được tự do, không bị ràng buộc bởi những ước lệ của trường ốc trong sáng tác.
Khi nói điều này, cũng là lúc tôi nghĩ tới một số họa sĩ được huấn luyện chính quy ở các trường ốc. Nhưng sáng tác của họ cho thấy, họ chỉ lập lại những gì đã học được. Với những người không may rơi vào trường hợp đó, thì có phải rõ ràng rằng, sự học lại là một rào cản khiến cho họ không thoát ra được?
Trở lại với những họa sĩ nổi tiếng dù không theo học một trường lớp nào, ngoài Cao Bá Minh, hiện cư ngụ tại Orange County, tôi còn biết một số họa sĩ nổi tiếng khác như cố họa sĩ Bửu Chỉ, Trịnh Công Sơn. Như các họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận, hiện ở Huế. Như họa sĩ Lê Thánh Thư, hiện ở Saigon v.v…
DTL: Một cách thẳng thắn và công bình, theo anh thì đâu là những điểm được của các trường CĐMT?
NĐT: Thưa anh, câu hỏi của anh khiến tôi chợt nhớ tới câu châm ngôn: “Không thầy đố mày làm nên.” Ai cũng phải học cả. Theo tôi, như đã nói lúc nãy, trường là nơi nhằm đào tạo, trang bị cho ta kiến thức. Tôi nghĩ, chúng tôi may mắn có trường để học, tích lũy kiến thức, biết được căn bản để phát triển mọi mặt. Thử nhìn xem thưa anh, nếu không có trường Mỹ Thuật thì nền hội họa Việt Nam đến hôm nay sẽ như thế nào? Những thế hệ đi sau sẽ được đào tạo theo phương pháp nào?
Những họa sĩ tự học, họ chỉ lo vấn đề sáng tác của họ một “cách khác.” Nhưng muốn họ truyền đạt, hướng dẫn cho lớp đi sau thì bằng phương pháp nào? Có được hệ thống hóa không? Và như vậy, chúng ta đã thấy được trường ốc quan trọng như thế nào rồi!
DTL: Hội họa Việt Nam hiện đại là một bộ môn nghệ thuật tương đối trẻ so với một số bộ môn nghệ thuật khác. Nó được hình thành theo cung cách huấn luyện kỹ thuật Tây phương. Do đó, cho ta có thói quen chia trường phái. Tôi thí dụ như trường phái ấn tượng, trừu tượng, siêu thực, lập thể v.v… Câu hỏi của tôi là, anh có thấy sự phân chia đó là hợp lý? Chính xác? Thích ứng với hoàn cảnh thực tế của hội họa Việt Nam?
Không biết câu hỏi của tôi có rõ ràng không, anh Nguyễn Đình Thuần?
NĐT: Câu hỏi của anh rõ lắm. Tôi xin trả lời tóm tắt thế này:
Dựa theo quan điểm học thuật về kỹ thuật của Tây phương, tôi nghĩ có lẽ chúng ta khó tách rời sự phân loại các khuynh hướng hội họa của chúng ta khỏi những trường phái hội họa vốn đã thành hình lâu đời ở phương Tây. Như anh nói, nền hội họa đương đại của chúng ta sinh sau, đẻ muộn nên rất khó phủ nhận rằng chúng ta không bị ảnh hưởng. Vì vậy, sáng tác nào cũng mang hơi hướm của các trường phái ở Tây phương.
Tuy nhiên, họa sĩ Việt Nam thường biểu đạt tâm cảm, rung động của nội tâm Đông phương bằng kỹ thuật của Tây phương. Tôi muốn nói, dù bằng hay, dưới hình thức nào, thì các họa sĩ Việt Nam vẫn diễn đạt tình cảm, sự vật, con người qua tranh của họ một cách trung thực tính chất Việt Nam thưa anh.
DTL: Câu hỏi chót, thưa anh, theo tôi, vì các họa sĩ Việt Nam tự căn bản đã được trang bị kỹ thuật cũng như lý thuyết về hội họa của Tây phương, cho nên, có người cho rằng, các họa sĩ Việt Nam, ít hay nhiều đều bị ảnh hưởng bởi một hay nhiều họa sĩ Tây phương, trải qua từng thời kỳ hay từng giai đoạn sáng tác của mỗi họa sĩ. Cái nhìn riêng của anh về nhận xét này, như thế nào?
NĐT: Thưa anh, như tôi đã trả lời ở câu hỏi trên, tôi vẫn nghĩ không một họa sĩ nào của chúng ta mà không bị ảnh hưởng bởi những họa sĩ, họa phái của Tây phương một cách tự nhiên, dọc theo từng thời kỳ sáng tác của họ. Tuy nhiên, sau những giai đoạn này, nếu người họa sĩ có tài năng thực sự, thì họ sẽ tách rời được, khỏi cái cũ để tự tìm cho mình một đường hướng mới mẻ hơn.
DTL: Trong tình thần của câu trả lời vừa xong của anh, tôi xin cầu chúc anh, cũng như các họa sĩ Việt Nam ngoài hay trong nước, tiếp tục tìm được cho mình những đường hướng sáng tác mới mẻ hơn, cho nền hội họa của chúng ta thêm phần rạng rỡ...
NĐT: Cám ơn anh về lời chúc đẹp đẽ ấy.


(California, tháng 2-2011.)
Du Tử Lê ghi, thuật
(từ: hocxa)
Chú thích:
(1) Tác phẩm này do Hội Vaala, California, xuất bản, năm 2008.

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

VÕ CHÂN CỬU “TIẾU NGẠO" CÙNG "BẢY CHỮ NGÀN CÂU"

Image result for tiếu ngạo giang hồ của nguyễn lương vỵ


            TẬP THƠ THỨ 11 CỦA NGUYỄN LƯƠNG VỴ

Thời mới lớn, hạnh phước lớn của chúng tôi là mỗi chiều tối được cùng mấy người bạn văn nghệ kéo nhau ra bãi biển nằm nói chuyện trên trời dưới đất. Có khi cùng những ngọn gió nam non ngủ thiếp luôn dưới trăng sao.

Đó cũng là cách chúng tôi khoản đãi những anh em sáng tác ở xa về (đa phần thuộc diện trốn quân dịch hoặc đào ngũ). Ở bờ biển không phải sợ bị xét giấy, và chúng tôi đều chưa có ai làm ra tiền để có thể vào quán xá!

Thời điểm này, cả tôi cũng như Lê Phiên Vươn (Lê Xuân Tiến) và Hồ Ngạc Ngữ, khi gửi bài đăng báo đã không còn ghi sau bút danh dòng ngoặc đơn “Thi văn đoàn Hồn Quê - Quy Nhơn” như trước nữa. Các tạp chí mới ra đời lúc này đều dành nhiều “đất” cho văn nghệ. Người sáng tác tìm cách thể hiện theo nhiều khuynh hướng. Và lứa chúng tôi đã bắt đầu làm thơ tình, có nhiều cảm xúc xã hội, hoặc nhiều chất suy tư. Lên trung học đệ nhị cấp, những bạn nhiều tuổi, nếu muốn, đã có thể ứng tuyển vào các khóa đào tạo cấp tốc để ra làm giáo viên tiểu học tại các trường mới mở dành cho người “tản cư” về ven đô thị. Chiến tranh ác liệt ngày một lan rộng, nên cách làm này giúp cho người có sức học yếu sớm có được tiền lương, lại khỏi lo mai kia: “rớt tú tài anh đi trung sĩ!”.

Người bạn mới

Một buổi sập tối mùa thu năm 1966, Hồ Ngạc Ngữ ra bãi biển một bạn mới là Nguyễn Lương Vỵ. Anh này nhỏ con, mới từ Đà Nẵng vào nhập học cùng lớp với Ngữ tại trường Trung học Kỹ thuật. Ở hệ trường này, học sinh ngoài ưu tiên học bổng, còn được tăng tuổi năm học. Nếu lỡ không được lên lớp, thì được “học đúp” lại chứ không phải đi quân dịch ngay như các trường phổ thông. Do vậy nên dù là trường kỹ thuật, vẫn có nhiều học trò mê sáng tác văn chương!

Nguyễn Lương Vỵ cùng năm sinh với tôi và Tiến, nên không thuộc dạng bị sức ép về tuổi tác. Nhưng anh vào Quy Nhơn một mình, việc ăn ở phải nương nhờ một gia đình bà con. Ai nhìn kỹ, có thể nhận ra nét mặt anh như đang giấu niềm u uẩn. Trong đời riêng, chàng trai này chắc có nỗi niềm chi đó. Nhưng chúng tôi không quan tâm lắm đến đời tư, bởi Hồ Ngạc Ngữ khi giới thiệu đã nói: "Tay này làm thơ dữ (nhiều) lắm; dù không hay đăng báo nhiều như tụi mình, nhưng thơ khá vững, lại sành sỏi về niêm luật!"

Những năm tháng này, nhiều thanh niên chịu ảnh hưởng của trào lưu “hiện sinh”. Một số người do chưa hiểu sâu ý nghĩa mấy chữ “duy ngã độc tôn” của nhà Phật, nên dù mới làm được dăm ba bài thơ, đã tự vỗ ngực xưng là “thiên tài”. Họ phát ngôn khinh bỉ mọi giá trị tinh thần trên thế gian. Là những ngòi bút từng được “mài giũa” qua các “bút đoàn” tự lập (riêng tôi, Tiến và Ngữ từ năm 1965 đã có bài được tuyển chọn vào sách tuyển tập sáng tác tuổi học đường in ở Sài Gòn), thì được thêm một người bạn thơ mới như Vỵ, là đáng mừng xiết bao.

Chúng tôi thường trao đổi văn thơ qua lại trong nhiều đêm ở bờ biển. Nhưng suốt hai năm trời, Nguyễn Lương Vỵ vẫn không gửi bài vào Sài Gòn để được đăng ồ ạt như chúng tôi. Mãi đến năm 1969, khi sắp lấy bằng tú tài, anh ta mới “xuất chiêu”. Và ngay lần gửi đầu tiên, bài thơ tứ tuyệt “Nửa Đêm Thức Dậy Nhìn Mây Trắng” của Vỵ đã được Bán nguyệt san Văn đăng rất trang trọng. Lớp cầm bút ở Quy Nhơn đều khá trầm trồ. Chơi thân cùng chúng tôi, nên Vỵ cũng không ưa các màn thời thượng, như tham dự các màn trình diễn để tự “lăng-xê” mình qua các buổi đọc thơ ở quảng trường, quán xá… Khi vào Sài Gòn học đại học, tôi với Lê Xuân Tiến và Nguyễn Lương Vỵ cùng thuê chung một gác trọ. Thân nhau cật ruột đến vậy, nhưng riêng về đường sáng tác, thì mỗi người lại tự đi theo hướng mình chọn. Không ai thèm chen vào để tâng bốc hay dè bỉu bản thảo của bạn mình, trước khi nó được đưa ra công chúng (đăng báo)!

Như  khoảng trời riêng

Thoắt đó mà đã hơn 50 năm kể từ đêm chúng tôi quen và kết bạn với nhau. Đầu tháng 12.2016, nhận được tập thơ thứ 11 của Nguyễn Lương Vỵ mang tựa đề T(i)ếu Ngạo Giang Hồ. Sách mới vừa in xong bên Mỹ, được người quen cầm về. Tôi vui lắm, dù trước đó đã được đọc bản thảo qua đường truyền để viết đôi lời cảm nhận in trên sách. Vui, vì dù biết sách xuất bản ngày nay tại hải ngoại chỉ in ra với số lượng qua đặt hàng với nhà phát hành toàn cầu (như với Công ty bán hàng trực tuyến Amazon), nhưng giấy mực vẫn có mùi hương quyến rủ riêng, nhất là khi biết nó mang những bài thơ hay. Những gì tinh túy nhất tôi đã viết trong lời cảm nhận rất cô đọng in trong sách (cùng một số bằng hữu quý thơ Vỵ). Có phải do vậy mà ở bài đọc sách này, tôi lại cố tình nói lan man?

Xin thưa, không hẳn vậy đâu! Là người hoàn toàn không theo lập luận “một với một là hai” -nhưng dù chỉ nói trời trăng mây nước đi nữa, thì trong thơ ca vẫn thấp thoáng bối cảnh hiện tiền mà người viết đã và đang sống, phải gánh chịu hoặc được thụ hưởng. Về năm tháng, chúng tôi đều đang ở ngay khúc giữa của điểm nhấn “60 năm cuộc đời” và cột mốc tuổi “xưa nay hiếm”! Ngay ở bài Lời Thưa mở đầu tập, tác giả cũng đã nói như vậy:

quá sáu mươi lăm gần bảy chục
cổ lai hy lục đục xếp hàng
kẻ trước người sau lau nếp gấp
thời gian chớp tắt đủ dư vang

Những người có tin ở vòng xoay tương tác “Thiên-Địa-Nhân” cũng cho rằng khi đã vào tuổi 60, thì số mệnh ít còn ảnh hưởng tới nhân thân nữa. Nhà thơ cũng không nằm ngoài sự chi phối đó. Tôi nghĩ rằng đó là một nhận định xác đáng. Vị thầy được nhiều người phương đông tôn là “Vạn thế sư biểu” cũng đã khuyên rằng: “Lục thập nhi nhĩ thuận” - Tuổi 60 thì nên nghe những lời đáng lọt vào tai!

“Nghe” thì như vậy, nhưng còn lời mà ta nói (hoặc viết) phải làm sao cho người khác lọt vào tai?

Các tiến bộ khoa học kỹ thuật, loại thịnh hành và đang phổ biến nhất thời đại là công nghệ thông tin, đã làm thay đổi nhiều mặt sinh hoạt và có khi làm biến đổi cả trí tuệ của con người. Cái thế giới ảo có khi lại là sự đánh lừa. Nhưng hiểm họa nhất lại là sự lẫn lộn giữa cái thực và cái ảo. Sự “lẫn lộn” ấy ngày xưa có khi tạo nên bản sắc mỗi người làm thơ, nhưng hiện tại có khi nó được sử dụng cho cái ác, như nhằm vinh danh cho cõi “đại đồng”! Tuồng ảo hóa đã bày ra đấy! Từ Facebook, nhiều người có thể mỗi ngày công bố ra khoảng 4-5 bài thơ. Thơ đã thành một dạng thông tin. Người Việt lại đang có xu hướng đối đáp hay vịnh sự vật bằng những câu vần vè và cho đó là thơ. Người ta bình nhiên lấy ca dao tục ngữ và những câu thơ nổi tiếng đưa vào phát ngôn hoặc sáng tác của mình. Nên thơ chẳng còn là cái đáng trân trọng. Thế giới “đại đồng” mà, không cần phân biệt ai là “tác giả”, là nhà sáng tạo nghệ thuật gì nữa hết?!

Khi đã vào tuổi 60, đáng mừng là Nguyễn Lương Vỵ đã chọn được cách thể hiện để người đọc thấy thơ mình “nhĩ thuận”. Tuổi sắp vào đời, đêm ở bãi biển Quy Nhơn anh “nhớ trăng khô hết máu”. Màu ánh trăng dâng lên thành “Huyết Âm”(tên một tập thơ Vỵ in cách nay khoảng 15 năm khi mới qua Mỹ sống) ám ảnh anh suốt từ thời ấy. Trải qua nhiều khổ lụy và cô đơn (nhà thơ nào chẳng cô đơn!), hình như từ mốc 60 tuổi trở đi, anh đã tìm ra và hạnh phúc lớn, với “Khoảng Trời Riêng” của mình: lâu lâu hội ngộ với 2 cô con gái đã lớn của mình. Anh đã nói với con về thơ trong 2 khổ 7 và 8 của bài thơ mang tựa đề trên:

7.

con hỏi cha làm thơ nhiều không?
thiệt tình hồn vía mãi ruỗi rong
thơ bám trong xương trong máu gọi
khỏe thì ngồi gõ phím thong dong

8.

con hỏi cha nhưng cha chẳng hiểu
thơ ghiền cha hay cha ghiền thơ
hiểu chết liền niêm hoa vi tiếu
cha lắc đầu rồi cười vu vơ

Cái bàn phím mà anh “gõ thong dong”, trong thực tế là những “phím đen”, lắm khi nó được tác giả gõ khá âm thầm, để biến cái ảo thành cái thật!

Từ cái mốc 60 tuổi, khi ở nước ngoài cũng như trong nước, nhiều người làm thơ Việt vẫn chao đảo đi tìm “cái mới” cho thơ. Bằng cách lẫn lộn âm điệu, chữ nghĩa; hoặc phỉ báng thế giới cảm xúc, cho rằng thơ phải đưa lên sự kiện tựa những bản tin. Thì Nguyễn Lương Vỵ lại trở mình chuyên tâm vào tìm lại nét đẹp của ngôn ngữ Việt. Anh có sự gần gũi với cái đẹp của thơ thời thơ Chữ Nôm sơ khai, với Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm…Cổ điển và hiện đại hòa tan nhau trong một âm điệu rất…tan. Như trong khúc thứ 3 của bài thơ “Tan Sương Đầu Ngõ”:

Tan tan tan là tan tan tan
Còn chút hơi vẫn réo hồn đàn
Ấm lạnh đời hư thương cốt nhục
Độc cô đất khách lụy trần gian
Thế thái hãi hùng khôn xiết kể
Nhân tình kinh khiếp chẳng nên bàn
Thèm mộng về thăm năm tháng cũ
Tan tan tan là tan tan tan...

Gọi là khúc, đoạn hay tách ra thành một bài riêng cũng được. Có thể nói đây là một tuyệt tác trong dòng thơ hôm nay.

Vài ghi nhận

Như tựa đề phụ của thi tập (Bảy Chữ Ngàn Câu), Ở tập thơ thứ 11 này, Nguyễn Lương Vỵ dùng thể thơ cổ điển cách tân. Nhiều bài riêng lẻ theo bố cục nghiêm chỉnh của thể thơ 7 chữ 8 câu như thơ Đường. Các cặp “thực” và “luận” có câu chữ đối nhau nghiêm chỉnh. Ở chương “Cổ Điển Và Hiện Đại”, tác giả lại dùng thể thất ngôn cổ phong, có lúc giống như những lời tự vịnh, có khi lại là một bài hành. Các nhà thơ  trong giai đoạn 1965-1975 ở Miền Nam trước đây vẫn thường dùng cách thể hiện đó.

Phần cuối tập là chương “Niệm Khúc Nắng Không Màu”, gồm những bài liên khúc sáu-tám, cứ một bài 8 câu, hoặc có khi chỉ 6 câu. Thơ lục bát của Nguyễn Lương Vỵ trong tập như một biến thể của thơ bảy chữ. Bài “Cuối Tuyết” mở bài bằng câu “dẫn”, được ghi chú của Bùi Giáng, như nguồn cảm hứng: “Ngờ đâu cuối tuyết còn xa vô cùng”.  Ba khổ trong bài thơ có hai câu đầu là điệp khúc: Tuyết còn xa tuyết còn xa… Bài thơ cho thấy Nguyễn Lương Vỵ đã cố tránh, và tránh được, kiểu lục bát “tự nhiên nhi nhiên” của Bùi Giáng. Bài thơ “Cuối Tuyết” khá hay, lại dễ nhớ. Nhưng một số bài lục bát khác được cố tình lẫn vào lối “hành” của thơ bảy chữ, nên tác giả chưa tạo được dấu ấn lục bát riêng, như đã làm được với thể 7 chữ trong tập này.

Nhắc đến Bùi Trung niên Thi sĩ, nhân tiện, tôi muốn đưa ra nhận xét riêng của mình về cái “rốt ráo” của nhà thi sĩ này: Bùi Giáng đã xem cuộc đời, và cả việc làm thơ, như là một sự “giỡn chơi”. Vì mọi thứ trên đời dưới mắt nhà thi sĩ, phải chăng đều phù phiếm và hư ảo. Nhưng ở đó, cái đẹp vẫn là ước mơ rốt ráo đến cuối đời, như nghiệp chướng số mệnh của người thi sĩ! Qua Bảy Chữ Ngàn Câu, Nguyễn Lương Vỵ cũng đang có những hạnh phúc viên mãn với cuộc chơi - T(i)ếu Ngạo Giang Hồ. Chữ T(i)ếu ở đây có dấu ngoặc đơn ( ) hai bên chữ i, hay không có cũng được, bỡi cái lẽ vô thường của cuộc đời.

Như thế, thì những người yêu thơ như chúng ta, hôm nay đọc được tập thơ “Bảy Chữ Ngàn Câu” này, thấy thật vui sao.

Sài Gòn, 08.12.2016

Võ Chân Cửu
                                                                                  





Thứ Năm, 15 tháng 12, 2016

Trang thơ Bob Dylan

Kết quả hình ảnh

LTS: Ca khúc “Thời gian đang chuyển mình” được phát hành trong album cùng tên vào năm 1964. Dylan viết ca khúc này nhằm phản ánh những sự biến đổi của thời cuộc.
Trang thơ Bob Dylan
Minh họa: Nhím
Kể từ khi ca khúc được trình diễn, nó đã tác động lớn đến cách nhìn nhận của con người về xã hội; các nhà phê bình xem ca từ của ca khúc này như một sự đóng góp cho thông điệp về sự thay đổi đang không ngừng diễn ra trong đời sống hàng ngày. Ca khúc này đã xếp thứ 59/500 ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại được tạp chí Rolling Stone bình chọn vào năm 2004. Còn với “Mọi chuyện đã đổi thay” xuất hiện trong bộ phim Wonder Boys được Dylan phát hành vào năm 2000, ngay lập tức đã chiến thắng giải Quả cầu vàng cho ca khúc độc đáo nhất. Có thể nói rằng ca từ của Dylan hội tụ đầy đủ những chiều kích chính trị, xã hội, triết học lẫn văn chương; và qua sự “biến ảo” của Dylan, lời ca khúc dưới đây nghiễm nhiên là những bài thơ được thuyên chuyển trên một dải tần âm thanh độc đáo, đượm màu minh triết.


BOB DYLAN

Thời gian đang chuyển mình

Lẫn vào đám đông
Khi rong ruổi
Và đến lúc nhận ra rằng
Dòng nước quanh mình không ngừng chảy
Nhìn ra điều ấy sớm
Bạn sẽ thấy lạnh thấu xương
Nếu cuộc đời của bạn đáng giá
Tốt hơn
Bạn nên bắt đầu bơi
Hoặc sẽ chìm nghỉm như hòn đá
Bởi thời gian đang chuyển mình

Này nhà văn và nhà phê bình
Các anh hãy tiên tri bằng ngòi bút
Giữ đôi mắt rộng mở
Bởi trò may rủi sẽ chẳng có lần hai
Và đừng bảo sao nó chóng vánh
Vì vòng xe cứ mãi giữ nhịp khoan thai
Rồi chẳng ai
Được xướng tên cả
Nay thất bại
Mai chiến thắng
Bởi thời gian đang chuyển mình

Này thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ
Hãy để ý lời kêu gọi
Đừng đứng nơi ô cửa
Đừng che chắn văn phòng
Chính vì khi thấy đau
Là tất cả đã úa màu
Cuộc chiến ác liệt ở ngoài kia
Sẽ nhanh chóng làm lung lay khung cửa sổ
Nổ bên tường nhà bạn
Bởi thời gian đang chuyển mình


Này những ông bố và bà mẹ
Khắp nơi đây
Đừng trách cứ
Những gì mà bạn không hiểu
Khi những đứa con bạn
Không còn nghe lời
Lối xưa nhanh chóng già đi
Thì hãy lìa xa thứ gì đó mới mẻ
Nếu bạn không thể với tới
Bởi thời gian đang chuyển mình


Phòng tuyến được thành hình
Thì chính là khi mà sự nguyền rủa vương vãi
Nay chậm
Mai nhanh
Như hiện tại
Sẽ thành quá khứ
Và ranh giới
Sẽ nhanh chóng phai màu
Nay dẫn đầu
Mai về sau
Bởi thời gian đang chuyển mình



Mọi chuyện đã đổi thay


Gã đàn ông bần thần mang tâm trạng phiền muộn
Trước và sau tôi chẳng có ai cả
Trong lòng tôi có một người con gái và nàng đang uống rượu sâm
banh
Với làn da trắng cùng cặp mắt sắc lịm
Tôi ngước nhìn lên bầu trời đượm màu xa-phia
Tôi ăn mặc chỉn chu, ngồi đợi chuyến tàu cuối


Đứng trên giá treo cổ với vòng dây thòng qua đầu
Ngay đây thôi tôi mong chờ địa ngục hơn lúc nào hết


Người ta điên và thời gian thì lạ hoắc
Tôi nhốt kín mình để rồi dạt ra một khoảng rộng
Tôi từng bận tâm nhưng mọi chuyện đã đổi thay


Nơi chốn này với tôi là hụt hẫng
Tôi đang đứng ở nơi đô thành tồi tệ
Đáng ra tôi nên ở Hollywood
Chỉ vài giây thôi và tôi nghĩ tôi đã thấy điều gì đó xa rời
Những tiết mục nhảy sẽ khiến cho kẻ bị kích thích la ó
Chả cần đường tắt và ta sẽ ăn diện ở trên xe
Ở đây, chỉ kẻ ngốc mới nghĩ hắn có bất kỳ điều gì đó để minh thị


Dòng nước dưới cầu cứ leo lét chảy
Đừng đánh thức gã, tôi chỉ đang cố vượt qua


Người ta điên và thời gian thì lạ hoắc
Tôi nhốt kín mình để rồi dạt ra một khoảng rộng
Tôi từng bận tâm nhưng mọi chuyện đã đổi thay


Tôi tản bộ dọc con đường sầu muộn
Nếu Kinh thánh đúng, thế giới này sẽ nổ tung
Tôi cố vượt bỏ chính mình như tôi có thể
Một vài thứ gì đó rất nóng chạm đến
Tâm trí con người chỉ có thể đứng khững lại
Bạn không thể thắng nó bằng một cánh tay hoang hoải


Thấy thích cảm giác yêu người con gái lúc đầu mà tôi gặp
Đặt nàng lên chiếc xe rồi mình cùng đi dạo phố


Người ta điên và thời gian thì lạ hoắc
Tôi nhốt kín mình để rồi dạt ra một khoảng rộng
Tôi từng bận tâm nhưng mọi chuyện đã đổi thay


Tôi nhạy cảm, và tôi chỉ không muốn phô nó ra
Bạn có thể làm tổn thương ai đó ngay cả khi không biết điều ấy
Sáu mươi giây tiếp theo có thể giống như thứ gì đó miên viễn
Sẽ chìm xuống chậm hơn, sẽ bay lên cao hơn
Tất cả chân lý trên thế giới này thêm vào đó một sự dối trá đủ lớn
Bởi khi yêu chắc gì đã được yêu


Ông Jinx và bà Lucy, nhảy nơi bờ hồ
Tôi không quá hăm hở để làm điều gì đó nên tội


Người ta điên và thời gian thì lạ hoắc
Tôi nhốt kín mình để rồi dạt ra một khoảng rộng
Tôi từng bận tâm nhưng mọi chuyện đã đổi thay


Tuệ Đan dịch
Nguồn: http://bobdylan.com
(TCSH333/11-2016)
tapchisonghuong.com.vn