Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2020

Thơ của những tháng năm....

 TIN THƠ

*

Trân trọng giới thiệu:

BẢN TÌNH CA CỦA GIÓ BỤI

tập thơ, 2018

của nhà thơ Từ Hoài Tấn.

*


BÊN PHÊN LIẾP NHÀ

tặng bạn cũ


mười lăm năm – thời gian

tuổi trẻ tôi lầm lỡ

đã qua một chặng đường

vợ, con, cơm, áo, nắng, mưa

tình chung cùng gió bụi


những đêm ngồi một mình

neo xuồng giữa dòng sông

muốn gieo mình tự trầm

câu kinh tụng thời đi học:

“Đại viết thệ, thệ viết viễn, viễn viết phản”

còn ta nay về đâu

xa rồi trăm dặm quê hương

mây mù núi che khuất

rừng tràm bưng bàng cỏ đưng phơ phất

đã lấp dấu chân ai vạch một lối mòn


mười lăm năm – thời gian

sự tồn tại gầy còm

người đi dưới sông giữa khuya trời vắng lặng

hát bài ca chia ly

tưởng lòng tôi chung khúc nhạc

sách vở bút nghiên trong xó mốc lóc lăn

qua mấy thời lãng bạt

trở về mái hiên xưa

cười vui chiều xẩm tối

nơi đây

thời gian như đứng lại từ bao giờ


nhà có một gian, giường kê một chiếc

bàn gỗ liêu xiêu vài ba chiếc ghế

mâm cơm chiều nay có cá kho khô

gạo mới còn thơm mồ hôi giọt

mười lăm năm, lạ nỗi gì

khóc cười sớm tối

ngày tháng là cơn gió mát đi qua

thổi hắt hiu buồn lòng ta quá đỗi


có những tuần trăng hoang dã bình nguyên

ta thức cùng mây trắng

mộng chờ những ngàn năm

không nhạt phai lòng kẻ sĩ


mười lăm năm – có nghĩa gì

mưa dậy thời chiến tranh

ảo ảnh sa mạc

có dăm ba mối tình khẳng khiu như những ngày trong ngõ hẹp

con nước đã trôi xuôi bận lòng chi

những đêm trăng vỡ vụn giữa lòng sông


đã sống như thể đời chưa qua

đã yêu như một mối chưa tròn

lòng cứ mãi quanh co

những con đường cụt

mười mấy năm – dầu chẳng có nghĩa gì

nhưng không phải là chiêm bao

không thể tưởng mình đã mất

chiều nay

bên phên liếp nhà lổ loang sắc nắng

ta vẫn thấy trời xanh trong

như được sống thêm mỗi ngày cùng gió bụi

mới thấy đời tươi thắm nỗi vui chung


Hậu Nghĩa 8/4/1990


KHÚC HÁT CHIỀU


mấy năm vui làm kẻ chợ

chiều ngồi hun khói thành mây

chắc lòng như cơn gió thổi

qua đời rung nhẹ hàng cây


thôi em, tình yêu bóng nhỏ

cuối đời hút mắt tà bay

thôi nhé tình ta thành cổ

tượng buồn ngơ ngác bàn tay


chiều hồng chiều tím chiều xanh

hết đông hoa lại tươi cành

đường lạnh gót chân phiêu bạt

rét cô đơn rét ngọn ngành


có ai hát chiều nay nhỉ

có lời lệ của em xưa

có ấm hơi tình cũ kỹ

có buồn thổi mộng thành thơ


NƠI THA PHƯƠNG


Chiều đỏ in hàng tre

Xe qua bến chợ vãn

Rứơc cô vơ đi về

Hai vai trần gánh nặng


Đám con trẻ lao xao

Bên nồi cơm mới xới

Trăng khẽ bứơc qua rào

Dự phần bữa cơm tối


Mười mấy năm, mau quá

Không kịp ngoảnh lại nhìn

Cố hương ta buổi ấy

Đầu bạc kẻ thư sinh


Ở quê lâu, ra phố

Quanh quẩn với nương vườn

Chiều hôm, không bạn cũ

Nhấm chút rượu tà dương


Mười mấy năm, cũng chậm

Một bước đường tang thương

Biển chờ sông bịu bận

Trăm khúc quành lươn ươn


Chiều quê Xuân tha thẩn

Màu mây trắng vô ngần

Thương đìu hiu chiếc lá

Rơi giữa trời bâng khuâng


MỘT HÔM LÃNG TỬ HỒI ĐẦU


Hôm về đứng ngoài cổng

Hiên xưa trăng quên treo

Hoa bông còn mấy nụ

Cười nỗi lòng trong veo


Tóc người pha sắc gió

Phiêu du và bềnh bồng

Tấm tình ai để ngỏ

Ai bước về hư không


Người em không hò hẹn

Mây dừng bước ngang trời

Mùa không về trên bến

Mong lòng ai xa khơi


Em xa như năm tháng

Mỗi lúc mỗi khuất dần

Ta không về thầm lặng

Mối tình như triều dâng


Cầm tay rồi xa ngái

Mơ rồi bên viễn xưa

Em xa vời như thể

Mênh mông thời gian đưa


Thơ thẩn chiều hôm ấy

Lãng tử đã vu hồi

Dặm ngàn xuân đong đẩy

Trắng trong lòng tinh khôi


Hôm về ngần ngại nói

Người năm xưa có quên

Trải tình ta trên lối

Bước chân người có êm


Ngày mai khi mây trắng

Cũng là tinh nguyên sơ

Về gặp người một bận

Lòng ta cứ thẩn thờ


TỪ HOÀI TẤN

(Trích từ BẢN TÌNH CA CỦA GIÓ BỤI)


Nhà văn Trần Bảo Định giới thiệu 

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2020

Thơ Nguyễn Thanh Văn

 

THƠ NGUYỄN THANH VĂN

NHƯỜNG NHÀ

 

Chân tôi là chân đi

Không chịu làm nạn nhân trong căn mồ tù túng

Anh cứ tự nhiên chuyển sang làm chủ mộ thay tôi

Tôi sẽ làm chi, về đâu chưa biết trước

Trừ chuyện co ro ở xó xỉnh này, nghe lũ dế than van

 TRỐNG RỖNG

 

Buồn trông thiên cổ lòng đau

Hỏi thăm Thượng Đế độ rày còn không?

Hay lim dim mắt tu Không

Hát lời Bát Nhã mà không làm gì!

 

 LƯU BÚT NGÀY XANH

 

Anh đè Em giữa trăng sao

Nát vùng bông dại, bông nào cũng thơm

Thơ ngây chừ dính rạ rơm

Nghe trong da thịt rướm hồn cỏ lau

Vườn hoang đồng nội dãi dầu

Dẫu hạnh phúc đã pha màu thương đau

 

Lại đè nhau, mặc trăng sao

Đè luôn một chú cào cào gãy chân

Gây chi duyên nghiệp phong trần

Nạn nhân vô tội giữa vùng tử sinh

Người thổn thức, người mần thinh

Kẻ gãy chân đứng bần thần, buồn hiu 

Cả ba sứt mẻ xuân thì

Thua con kiến đỏ, đang quỳ ngậm sương

 

CÀ SA 1

 

Có một vườn thiền hiện ra trong tâm thức

Có một mái chùa nơi cô ẩn tu

Đường qua đồi đầy miểng đá

Dịu hiền bóng nhỏ cà sa

 

Cô bỏ tình đi như tháo đôi hài cỏ

Ngọn đồi từ lâu được đặt tên cô

Tán thán người can đảm dứt tình

Tôi cũng xây riêng tịnh thất

Lặng lẽ tâm

Dù chẳng áo cà sa

 

CÀ SA 2

 

Áo vàng ngược dốc, ni lần bước

Lum khum đi, né bớt gió đang chiều

Sương lạnh muốn đùa tâm tịch mịch

Ai kịp về tịnh thất: gió ham vui hay áo cà sa!

 

VỀ CÁI CHẾT

 

Khi cái chết đến không việc chi bận tâm

Cảm ơn trước và xin an ủi trước nếu còn sót một tiếng khóc từ người đưa tiễn

Tôi đã dũng cảm chịu đựng và vượt qua điều khó khăn và phức tạp nhất là đã sống

Những thứ còn lại chỉ là chuyện linh tinh, chi tiết

Kể cả thứ trò chơi chưa quen chơi có cái tên “Cái Chết”! 

 

GỬI ĐÁM CON CHÁU CỦA DÒNG HỌ SÂU ĐO

 

Anh cứ việc làm con sâu đo nếu thấy thích

Đo một góc sân, một khoảng trời như anh tưởng tượng

Chỉ xin đừng đưa vòng đo của mình lên ti vi, network, báo đài

Đừng dựng những chỉ số quanh bờ ao, giữa hai bờ rào làm tiêu chuẩn đo hành tinh và 

vũ trụ

Lấy cái tầm ngu si làm tiêu chí Đất Trời!

 

 NHÂN CÓ NGƯỜI HỎI THĂM ANH CHỊ EM “PHONG TRÀO ĐÔ THỊ Ở MIỀN NAM” TRƯỚC 75

 

Trong số họ không thiếu chi những người dũng cảm

Đại đa số là những người (hoặc từng là người) trung thực

Vấn đề khá phiền phức 

Họ là dạng người chỉ đủ bản lĩnh dũng cảm và trung thực 

Đúng một lần!

                                   

VÔ ĐỀ

 

Có bàn tay mở

Không ai nắm

Có chiều buồn tênh 

Không một lời

Có kỷ niệm u mê 

Riêng mình giữ

Quá nhiều người quanh đây, sao vắng ngắt

Đang ở đây, sao ngỡ đã qua rồi!

 

GỬI CÁC NHÀ KHÍ TƯỢNG HỌC XÃ HỘI

 

Nghe có người nói Mùa Xuân đây là Mùa Xuân vĩnh viễn

Những Mùa Thu cổ điển chết mất rồi

Lại có tin rằng Mùa Xuân đã chết

Vũ trụ nay còn lại tiết Đông thôi

May mà Đất Trời không sính trò uyên bác 

Vẫn còn đủ bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông

Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2020

Nguyễn Đức Sơn, nhà thơ ngông đồi Phương Bối

Trịnh Thanh Thủy
(Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn vừa vĩnh viễn ra đi. Chúng tôi dự định tổ chức một buổi RMS cho tập thơ mới của ông nhưng vì đại dịch đã phải hoãn lại. Nay ông đã ra đi tôi xin chia sẻ cùng các bạn bài viết khi ấy về tập thơ như một nén hương lòng gởi đến nhà thơ tài hoa của đồi Phương Bối. TTT)
Tôi được quen biết nhà thơ Nguyễn Đức Sơn tức Sơn Núi hay Sao Trên Rừng qua bạn tôi, họa sĩ Đào Nguyên Dạ Thảo. Tuy nhiên tôi chưa từng gặp ông dù có thư từ qua lại, dù rất mến thơ của ông vì mỗi người một phương. Mới đây Dạ Thảo cho tôi biết hiện bệnh của ông đang trở nặng, tôi cảm thấy lo lắng nhiều đến sức khoẻ của ông. Tôi chỉ sợ không may thì…
Nếu đồi Phương Bối vắng bước chân ông, trăng Phương Bối tìm đâu ra cái bóng đồng hành để cùng say khướt đổ nghiêng bên những gốc tùng xanh ngắt. Cây ổi đồi cao tìm đâu ra tên đạo chích ăn trộm nửa quả ổi rụng đã bị dòi ăn nửa kia?
Trưa đứng một mình đợi ai lên
Đất trời đâu có dưới và trên
Đồi cao ổi sót rụng một trái
Dòi ăn một bên ta một bên.
(Rụng một trái)
Rừng Phương Bối cũng không thể thiếu đi một ánh Sao, một gã Du Tử có hỗn danh là Sơn Núi, lúc cô đơn thì đi luồn vô núi, khi mệt nhoài, chân rục rã, thì đi luồn ra núi. Thế gian còn ai ngông nghênh hơn một người thơ, khuya nằm nghe đá hát, sáng dậy ngắm hoa nở để,
Đụ mẹ
Cây bông
Hắn không
Lao động
Ai trồng
Chật chỗ
Mày nhổ
Xem sao
Máu trào
Thiên cổ
Ngôn ngữ ấy, phong thái ấy của Nguyễn Đức Sơn đã gây tác động mạnh cho người đọc, cho riêng tôi vào những năm 2000. Nhận thấy thơ ca Việt Nam ngày đó có nhiều thay đổi và gây sốc mạnh, năm 2003 tôi đã viết một bài tiểu luận nói về thơ Việt Nam và các “Chấn động văn hoá trong thi ca đương đại”. Trong đó thơ Nguyễn Đức Sơn là một điển hình. Ông đã viết rất táo bạo và sử dụng những từ như “đái”, “đụ” một cách dữ dội để bày tỏ sự phẫn nộ, hay một giải toả tâm lý trước những bất công xã hội.
Mắc đái là mắc đái
Làm thơ cũng cùng hình thái
Không còn chi để phải nói lại
Trừ cái sự vụ hai trứng dái
Săn cón lên báo giờ quan ngại
Trong khi thơ rụng như cây chín trái
Khôn ngoan ta đưa tay hái
(Làm thơ – Hợp Lưu số 37,47)
Là một người viết nữ, tôi đặc biệt chú trọng rất kỹ cái cách mà ông dùng từ ngữ trong thơ ca để miêu tả người nữ của ông.
Nửa đêm soi bóng trăng tròn
Thấy đau trời đất rõ còn trong thai
Các em đều chẻ làm hai
Từ đâu một chỗ rách dài thiên thu
Hồn tôi, con thú cần cù
Nằm chơi trong cát bụi mù vuốt ve
Hỏi thăm, nước chảy xè xè
Chỉ nghe tịch mịch phủ đè rêu xanh
Ngôn ngữ thân xác và hành động dục tính được ông tận dụng vì nó có khả năng mở được cánh cửa nội tâm con người, nó bày được những trạng thái tâm và sinh lý. Ông ngầm ca tụng cái đẹp của dục tính, cái mỹ của thân thể người phụ nữ, cái thuật của tình dục.
Em là chiếc bánh nếp
Với cái nhân quá to
Anh vừa lết vừa bò
Liếm một đời không hết
Mắc võng…
Trên đồi cao
Anh xôn xao
Như gió
Anh lấp ló
Như trăng
Anh lằng nhằng
Như dái
hoặc
Anh sẽ đến bất ngờ ai biết trước
Miệng khô rồi nẻo cực lạc xa xôi
Ôi một đêm bụi cỏ dáng thu người
Em chưa đái mà hồn anh đã ướt
……………………………………………..
Hai đứa nhìn nhau bảo phải êm ru
Em sắp đái và hồn anh chết cứng
(Hợp Lưu số 47)
Ngôn ngữ thân xác còn có khả năng gây sốc. Nó gây sốc vì nó bị cấm kỵ. Càng bị cấm kỵ càng gợi tính tò mò của người đọc. Khả năng gây sốc chính là đề tài những cuộc tranh luận về những từ ngữ được gọi là “tục tằn” được gã làm thơ ngông liên tiếp tuôn ra làm người đọc khó chịu. Ngôn ngữ ông dùng vừa tân, vừa cổ, vừa lãng mạn, vừa dung tục. Khi trắng, khi đen, phơi bày lồ lộ, lúc mờ, lúc nhạt, thơ thẩn, lượn lờ, kỳ ảo. Có thể nói, có hai cực trong con người ông, khi chánh, khi tà, khi thô ráp, lúc dịu dàng, âu yếm. Trong hình ảnh một con thú cần cù ẩn mình trong những đêm cát bụi, con thú đực nằm chơi bên bờ cỏ đêm để thấy hồn mình ướt và xôn xao như trăng, như gió.
Có lần tôi viết thơ cho ông, nói về những cảm nhận của mình về lối ông làm thơ cho người nữ. Tôi nhận xét rằng ông phải yêu người nữ ấy lắm mới làm nên được những vần thơ như vậy. Ông xác nhận điều này và hay gọi tụi con gái chúng tôi và Dạ Thảo là gà, vịt, giun, dế, tôi thấy vui vui một cách thú vị trong cách gọi ấy. Ông cũng gọi con ông, vợ ông là con gái, gái con, con nhóc, con cóc, con nhái. Có lẽ ông cũng hiểu hơn ai hết cái tính ngang bướng, ngông nghênh, hành động theo ý riêng của mình không kể hậu quả, thiệt hơn, nên ông lấy bút hiệu là ngôi sao cô đơn mắc đoạ trên rừng. Bửu Ý đã gọi Nguyễn Đức Sơn là hình ảnh của một con tê giác, đơn độc, quắt queo, từ cách ăn nói cho đến dáng đi, húc đầu về phía trước.
Gái con
Con gái
Con Cóc
Con nhái
Con cái
Con nhóc
Chưa bóc
Em ra
Hồn ta
Gần khóc
Hay
Gái con
Con gái
Giấu mãi
Trong hang
Cái màng
Thiên địa
Run lịa
Hồn anh
Mong manh
Ngàn kiếp
Người con gái đương xuân như đóa lan rừng thơm ngát vừa hé nở đêm trăng mười sáu. Gã thi nhân ngủ quên trên bờ cỏ ướt, nằm mơ thấy mình là chú bướm đêm vơ vẩn bay đi tìm mật. Gã chợt thấy mảnh hồn mong manh của mình run bắn, đôi cánh bướm bỗng chập chờn hư ảo như ngã vào mông lung khi đối diện cái màng thiên địa tinh tuyền của nhụy hoa. Ôi đẹp làm sao ngôn ngữ xác thân mà Nguyễn Đức Sơn đã dùng để tả người con gái băng trinh còn dấu cái màng thiên địa trong hang!!!
Gái con
Con gái
Cái gái
Con con
Trắng nõn
Trắng nà
Ngọc ngà
Trời đất
Bất nhất
Vạn niên
Gậy thiền
Chưa thọc
Thuật dụng ngữ trong thơ ca càng giản đơn, càng cô đọng, chữ dùng càng phải chắt lọc. Trong bài thơ 12 câu ở trên, hai câu cuối thật sự gây sốc cho tôi khi đọc câu “Gậy thiền, chưa thọc”. Tôi nghe người ta nói “cái gậy của thằng ăn mày”, hay chọc lung tung, nhưng cái câu “Gậy thiền, chưa thọc” được dùng trong ý nghĩa nội dung bài này, quả làm tôi sửng sốt. Ý nghĩa “Cây gậy thiền” được giảng nghĩa trong nhà Phật là cây gậy của trí tuệ, của chánh niệm. Cây gậy của chặt đứt lục căn, lục trần, lục thức. Cây gậy đánh tan vọng tưởng, giúp tâm ta sáng suốt, và biết dùng trí tuệ để khắc phục vô minh để đem lại sự thanh tịnh, tinh khiết trong tâm của chúng ta. “Gậy thiền” được dùng như cái chân thứ ba của con người hay cái gậy của thằng ăn mày của Nguyễn Đức Sơn trong bài thơ ở đây ắt hẳn không có cái nghĩa của thiền tông mà chỉ có thể được xem là ngôn từ “phạm thánh”. Nhưng với ông phạm thánh là chuyện thường ngày và không biết trong lòng ông có vị nào là thánh không nữa.
Bên bờ suối
Anh tặng em
Hai củ khoai lang
Một trái chuối
Ăn rồi
Còn thấy tử sinh
Đắm đuối
(Trưa)
Giấc mơ và đời sống là hai thực thể khác biệt. Bên những vì sao sáng vẫn có những làn sương che mờ ánh sao. Tuy nhiên em ơi dù sống khó, con chim trong thơ ca gã du sỹ vẫn hát véo von buổi trưa nào bên bờ suối trao em món quà đơn sơ một trái chuối và hai củ khoai lang mà vẫn thấy hạnh phúc của tử sinh sao mà ngọt.
Sao lạnh quá
Không thấy bóng Hạnh
Đi qua
Đứng từ xa
Tôi đã thấy
Núi khóc
(Chiều ơi)
Cũng có lúc núi cũng phải lạnh, phải khóc hu hu khi không thấy bóng người. Gió đã quên lời hẹn hò, cây đã ngưng tiếng rì rào, trái tim và đôi mắt cùng nhau buông thả…
Cùng với thơ
Chẳng lẽ
Chỉ còn có
Một cách
Là đứng một chân
Trên núi
(Sống)
Ôi sống với thơ là một khốn khó vô biên. Làm thơ và để sống còn cùng thơ mà không chết vì đói có lẽ là một nan giải đời người. Nhà thơ yêu núi, yêu đá Nguyễn Đức Sơn đã tự hỏi bao nhiêu lần trong tuyệt vọng, làm sao có thể sống với thơ và làm thơ mà không phải ăn, phải uống, phải lăn lộn mưu sinh cho vợ con và gia đình. Và ông đã tìm ra giải pháp “Đứng một chân trên núi!!!”.
Pic 1 Tap tho nds
Tập thơ "Thơ và Đá" của Nguyễn Đức Sơn
Pic 2
Hồ Hữu Thủ, Dạ Thảo, Nguyễn Đức Sơn
Pic 3 thủ bút NĐS
Thủ bút Nguyễn Đức Sơn
Pic 4
Đinh Cường, chị Nguyễn Thị Phượng (vợ Nguyễn Đức Sơn), Bửu Ý
Pic 5
Tiểu Khê và Phương Bối(con gái Nguyễn Đức Sơn)
Nguồn :vanviet.info