Thứ Năm, 25 tháng 9, 2008

Khi yêu

Mùa mưa anh không thoát khỏi chiếc bóng em

Sự suy tư mòn gặm

Lượm chiếc lá rơi trên lối về

Ngày hôm qua hình như cũng thế


Buổi sáng theo cơn mưa đầu ngày

Một chút nhớ làn khói bay

Hình ảnh nàng dưới đáy ly cà phê

Nụ cười mĩm không che hết hàm răng bóng


Em thiên nhiên đóa hoa mùa hạ

Những giọt mưa đầu mùa sóng sánh chiếc ly không

Tình yêu trong sáng như tuổi mười sáu

Nỗi ngất ngây vô cùng


Mùa mưa làm sao ra khỏi hình bóng em

Quán ngồi đợi người qua khẽ lay nhẹ hàng hoa kiểng

Ai đi ngang che giấu mặt nõn nường

Mưa vang âm dòng suối


Ở thành phố này đôi khi có nhiều người ngồi chờ

Mùa mưa qua tầm nhìn

Tháng năm vừa mới bắt đầu

Tình yêu anh không thoát khỏi em

Từ Hoài Tấn
(báo Văn Nghệ TPHCM số 36 ngày 25/9/2008)

thơ Nguyễn Miên Thảo


DỊ BẢN

ta nhuận sắc tình em thành dị bản
ngày tàn đông gió thổi rụng trăng rằm
em điên đảo một thời con gái
cuộc tình nào hái mộng đến trăm năm

ta điên loạn đắm chìm trong mộng ảo
níu một phận đời không có thật đi chơi
hẹn em một ngày bên thành quách cũ
ta dìu nhau đi cuối đất cùng trời

rồi có ngày em lại ra đi
ta vẫn yêu em như ngày đầu gặp gỡ
trời sinh ta ra kẻ si tình mê muội
một nụ cười, tay nắm - đã nghìn sau

ta lặng lẽ đi lần về huyệt mộ
tiếng em cười kiêu bạc mấy nghìn đau
tiếng hát em hóa thành sương khói
trong tim ta em hóa nhiệm mầu

Thứ Tư, 24 tháng 9, 2008

thơ Viêm Tịnh



TÂY THI

Em cười lụa xé tơ tằm

Cho ai đứng lại nghe thăm thẵm buồn.

Đưa nhau vào chốn mê tuông.

Nụ mãn khai cũng như tuồng chèo thôi.


U.U.

Trăm năm hẹn cuộc vuông tròn

Xa đi có mấy lối mòn mộng du

chờ nhau trong nẽo sương mù

rời thôi thấy được u u một màu


VỌNG

Uống nước sông Hương

Chôn chân núi ngự

Nghe chuông Thiên Mụ

Vọng tình Trà Am


NHƯ RI

Ta thấy mặt đất phẳng như lỳ

Té ra lủng củng tựa như ri

Sông dài mấy chập bờ như bến

Ai đứng ở mô cũng gập gềnh.


LI BÌ

Gửi Văn Viết Lộc

Có người đi du lịch

Để lại ta một mình

Ngu chi ta không uống

Rượu mô cũng li bì.


TÀ LƯNG

Anh còn nữa thời gian yêu em

Nguyệt tà lung say niềm cỗ độ

Gió mây se sua hương sông Bé

Ngự Bình ơi ta đứng chỗ mô?


SƯƠNG KHÔ

Ngủ một giờ rượu thoáng bay

Tỉnh rượu Nam Kha nằm say tại chỗ

Ai ngờ ri, ai ở mô

Sao ta lãng đãng sương khô giọt buồn.


NGUYỆT MỜ

Ơi em, tình vẫn dấu yêu

Phương Nam mà ngỡ buổi chiều Huế xưa

Tà lung là chuyện sông mưa

Yêu là chết một điểm mùa tình nhau.


NẮNG VÀ MƯA

Sài Gòn có chút nắng mưa

Sài Gòn có giấc ngũ trưa Sài Gòn

Em thì xanh biếc đọt non

Còn anh hái mộng vàng son xế chiều.


BỌT TĂM

Em đang gối mộng bên trời

Nơi đây xa quá lời mời trăm năm

Giữa tàn cuộc rượu bọt tăm

Còn ai ngồi lại ăn năn phận người.


SỞ TỪ

Rượu uống từng ngụm có say

Rượu uống một chặp đắng cay phận người

Thôi em cuộc hẹn một lời

Vỗ tay nghe khúc nhạc đời tuyết phai.


KỆ RƯỢU

Thứ hai đến thứ sáu

Ngày nào cũng phải yêu

Còn hai ngày thì nghỉ

May ra, mới sống nhiều.


YÊU HÈ

Em ta đến thế là cùng

Yêu như điên dại sánh thùng rượu vang

Ngập trong ngụa đục lang thang

Thấy mô cũng chỉ mình nàng với ta.


LƠ MƠ

Say phương Nam mơ về phương Giữa

Nghe em thủ thỉ giọt mưa buồn

Té ra xứ Huế sầu như rứa

Dòng chảy sông Hương mãi lững lờ.


NHỊP SỐNG

Nghĩa địa có chi vui

Sao ta lại tìm tới

Tình theo ngàn nhịp tim

Một nhịp để đi tìm.


HẸN VỀ

Sông ơi sao cuồn cuộn

Xua đời ta đi đâu

một ngọn lá đêm thâu

Cũng tỉnh muôn ngàn kiếp.


XUÂN TƯ

Em là sông hay là biển

Sao đồng vọng nhịp hiển hiện từng ngày

Xanh như nụ lộc chốn này

Có không một cuộc biển đầy sông xuân.


PHƯƠNG MÊ

Loan ơi, hề cuộc thuỷ trầm

Cánh chim bõ chốn phong thần rong chơi

Em vui nhập thế một thời

rời ta để lại như người phù sinh.


DUYÊN

Mai ta lá ngút ngàn rơi

Thì em vẫn cứ một đời tìm nhau

Dấu yêu ơi, chút duyên sầu

Là trăm năm đó bể dâu đâu mà.


HẢI

Bên đời có Sông là tri kỷ

Há chi một cuộc bể dâu

Sông dịu thơm làn môi thiếu nữ

Ru ta một khúc dạ cung thâu


LỤC

Bất ngờ thấy cuộc can qua

Làm như thế ấy mặn mà với nhau

Nhiều chung thì cũng vàng thau

Xin em thoang thoáng nỗi đau bên trời.


GHEN

Nơi đây lạ thấy đất ngời

Xôn xao ngọn lửa rối bời, em yêu

Ngày mai, ngày mốt tiêu điều

Vẫn còn một lá xanh rêu với tình.


LỤC ĐỤC

Ta về thấy cuộc rượu xưa

Thấy em xanh tóc giọt mưa đầu mùa

Thôi rồi, còn được cuộc thua

Nên khôn thì dại ai mua được tình.


SAY NỮA

Ta đi mới tỉnh cuộc say

Ta về chốn ấy em đày ta đi

Bởi em vẫn cuộc xuân thì

Cho nên em đã nhu mì riêng em.


Viêm Tịnh

Tháng 05 Sàigòn mưa.

Thứ Hai, 22 tháng 9, 2008

Những bài sáu tám (6)


MỘT THUỞ QUÊ NHÀ

Ngày qua như gió như giông
Phên thưa mưa tạt trời không ngó người
Nhà tôi cạnh nẻo đường xuôi
Ưu tư bề bộn như đời lớp lang
Mùa thu chốn cũ nắng tàn
Lòng người lữ thứ mây ngàn bay ngang
Về đây phiêu bạt mười năm
Dòng sông kín những mù tăm dấu người
Trầm hương bay tưởng một thời
Xuân mùa đẹp những môi cười trinh nguyên


SÁNG NAY

Sáng nay em gái ngoài đường
Trời đưa gió nhẹ tình vương anh rồi
Sáng nay như thấy mọi người
Tấm lòng khe khẽ mấy lời thơ ngây


MƯA DẦM, TRONG NHÀ TRỌ

Đưa tình qua một khúc sông
Tay chèo lỗi nhịp lời buông giữa dòng
Tội tình bèo nước long đong
Người yêu ơi mắt dõi mong hẹn về
Mưa dài dặc mấy sơn khê
Tình em năm ấy não nề lòng anh
Đêm nằm nghe kiếp vây quanh
Một phương ảnh chớp rất nhanh qua trời
Mưa dầm mưa mãi đời tôi
Cho dòng ai sẽ trôi lời tình xưa
Bồi hồi, mai chuyến xe trưa ...


29 TẾT Ở 89 NGHĨA THỤC

Bồi hồi một cõi xa xăm
Lời ai như nhắc những năm thiếu thời
Buồn ai như một tiếng cười
Đêm tàn chưa bước xuống đời lại đi
Chân trời nào có đôi khi
Nhớ nhung ngày ấy còn mê giang hồ


ĐÃ TỚI LONG AN

Chào ta đã tới Long An
Tràm xanh cùng với rừng bàng mênh mông
Mùa vàng chín lúa biền sông
Một trời thương ở bên Đông Cỏ Vàm


THƯ KHÔNG GỞI

Trùng dương em mới gọi mùa
Trăng ngàn khơi dội sóng lùa kẽ tay
Tờ thư để trống bao ngày
Hiên sân quạnh một mình xoay xở buồn


Tặng một người bạn vừa ghé nhà

Khi nghe con chợt kêu la
Ừ ra ta đã có gia đình rồi
Năm dài tháng rộng cứ trôi
Lòng ta cứ ngỡ đương thời thanh niên


THẮM THOẮT

Cuộc đời tôi ở nơi đâu
Mà nghe như có kinh cầu quanh đây
Cuộc đời tôi có trên mây
Mà nghe ngọn cỏ lắt lay cũng buồn


CA NGỢI VỢ

Tình em một gánh bún riêu
Dại thương nắng sớm mưa chiều mần chi
Nuôi ta một kẻ vô nghì
Sách đèn thẹn với cuồng si mộng đầu
Chút lòng anh thuở giá rau
Gừng cay muối mặn có nhau những ngày


NHỚ NHÀ

Bỗng dưng lại nhớ quê nhà
Vợ con một thuở vào ra ân cần
Xa thì luống những băn hăn
Gần nhau chẳng khác mặt trăng mặt trời


ƠN ĐỜI

Xin chịu ơn của cuộc đời
Trăm ngàn năm vẫn mây trời trắng bay
Xin hôn yêu vạn ngày ngày
Xóa lòng muôn vết đắng cay dương trần



QUA KHÚC QUANH

Có ai tìm những dòng sông
Tìm thơ ngây với tim hồng thiếu niên
Có ai tìm những tên điên
Mời ly rượu ấm những đêm khuya trời

Đã đem thân đậu với người
Tiếc chi chiếc lá vừa rời mùa thu
Yêu em lòng dạ đui mù

Chim lồng bỗng hát lời ru mây ngàn


NGỒI QUÁN

Tiếng xe chạy ở ngoài đường
Nói cười con gái mưa luồn rẻo cao
Mây đưa đong những lối vào
Lời ai chưa ngỏ lệ trào bờ mi
Về đây tình có đôi khi
Nhớ về phường ấy đường đi đã mờ



TÀN CUỘC

Lệ người cười khóc khi khô
Hơi mòn năm tháng nằm co tình buồn
Dưới đường nước chảy mưa tuôn
Thân bèo bọt nhớ hà phương cuộc đời


Từ Hoài Tấn
HN 1990



THƠ BỐN CÂU

Từ Hoài Tấn

GIỮA CHỢ

Giữa chợ hát cuồng ca
Ấm vui lòng kẻ sĩ
Trần gian triệu đóa hoa
Nở từ lòng mộ chí



SÁNG SỚM Ở NHÀ QUÊ

Bò xe, ngựa kéo, người đi bộ
Nắng vàng, hè cháy, bụi đường bay
Buổi sáng bên lề ngồi thở khói
Bạn bè xưa rồi như bóng mây



ĐỌC PHÁP HOA KINH

Lội ngược dòng sinh tử
Hoá thân mỗi sát na
Ngày thường vẫn nở hoa
Ý lời không đâu trú



THÁNH ĐỊA

Bờ bến trăng soi
Mây tràn qua lối
Tĩnh lặng một lời
Sáng loè đêm tối



DI CẢO

Ngọn lửa trong lò cháy lời vô tận
Tôi luyện đơn buồn cõi tử sinh
Một mai tro lạnh nơi hoang vắng
Đạo sĩ còn để lại mấy que than



MỚI THẤY MÙA THU BÊN SÔNG

Sáng rất sớm mây nằm ngang mái
Ngựa xe đường gió chạy trên không
Lòng heo may tình em xa ngái
Ruỗi dong mòn thuyền đậu bến sông



UỐNG RƯỢU CHIỀU THU

Mỗi chiều về lại mỗi chiều về
Ta ngồi trong xó xỉnh buồn ghê
Nghe tiếng thời gian đùa ngạch cửa
Dòng sầu trăm mối rỉ qua khe



Kính Gởi Ngài Lão Tử

Thâm nhập cõi huyền cung
Lòng hữu vô một đóa
Tôi có một dòng sông
Không trôi về đâu cả


(Hậu Nghĩa 1990 )

Thứ Tư, 17 tháng 9, 2008

thơ năm cũ

Người yêu thời chia cách


bên nhà ai tiếng nhạc reo
lời vang động trưa Gia định
ngày mai
xin anh thắp lên một ngọn đèn
soi giùm tôi trên đường
về cõi đồng phục xanh
xin em hát nốt một khúc trầm
tiếng thoảng đời sương khói

ngày mai kia mộng quá khứ nàng
Ph.
những đêm cười trên con kinh đen
những sớm mai chờ thu về dưới hiên căn nhà ván ẩm

còn gì thân mến nhau
lời sương đục cổ thành
mùa xuân đi qua rất cô đơn
hồn muối mặn

chiều ven dòng sông
nghe ai hát bên kia kỳ đài
cờ rung trên đầu gió
ngậm ngùi ra đi
ngậm ngùi trở lại

thương ai ngủ sầu như vết dao khô
trong buổi chiều sương mưa lạc
thương ai ngồi trên băng đá xuân
chân rời xa nơi khốn khó
tay với níu dương trần
ôm bài ca lận đận

tôi đợi người chiều nay
đò ngang xuôi nước xanh
qua cầu lệ khóc
trân gian ơi có hay mùa xuân đang
tình không
dấu chạm buồn giữa vầng trán
sâu nát mặt mày
người yêu ơi có hay mưa chiều nay đang
ngâm hồ trường trên bến cũ
kẻ nào say hết nửa trăng ngày
đêm vô biên mù loang mực xạ
tôi đợi người kín ngõ mưa xan
hồn chưa đậu ngọn

trong cõi xưa chiều mặc áo nhung đen
tình cũ kỹ một mùa đông vướng
mãi thiên thu
thắp ngọn đèn thứ hai mươi mốt
nhìn suốt con đường
âm thầm như mối hận

người yêu ơi năm tôi trở về
bên kia bờ sông đôi hàng cây khô vẫy chào
nói lời từ biệt
lệ sao đang
rửa mặt nghìn trùng
người yêu ơi xin rũ áo sương chiều
theo mây về ủ đời cô quạnh
thương nhớ một mai sau

(1971)


Một sớm quê nhà

Rưng rưng nhớ lạc chân về
Một loài mây nuối thương thề không tan
Trăm con gió dậy phương ngàn
Cây tương tư cũng đôi hàng lệ khô
Sớm đông chớm mộng ngựa thồ
Rong cương tưởng mất mấy đời thanh niên
Chim xa nhớ ngọn cây hiền
Thong reo cũ giấc ngủ miền trái cây
Buồn buồn lá muộn bay bay
Hay hoang vu tới nơi này ru mê
Rưng rưng nhớ lạc tay về
Cầm thanh xuân tưởng bốn bề khói hương



Mùa thu xa xứ

Chiều nay tóc rụng quê người
Ván thiên thu gõ mấy lời tịch lieu
Bên đêm non mới yêu kiều
Lòng như đã mở trăm chiều nhớ mong

Chiều nay thân ngã vườn không
Dư âm nào thỏang trong đồng hoang xưa
Say mê hương nhỏ bốn mùa
Ngậm làn cỏ mịn nhạc thưa âm thầm

Chiều nay nhìn mặt lỗi lầm
Tình con bấc lụn dưới trần than tro
Quay lưng tưởng đã lên đò
Rời xa bến muộn một lời kêu thương

Chiều nay thân thế vô thường
Trăm năm chưa hết mà thương nhớ dài
Nhớ vườn ai ngủ tương lai
Đêm qua chưa lớn về ngày chưa khôn

Chiều nay mưa tạt xa cồn
Bờ cô đơn đứng tay còn vẫy theo
Mưa ơi có giạt qua đèo
Vọng lời thương nhớ qua đèo từ khi …

(Tuần báo Khởi Hành số 34 ngày 18-12-1969 - Nguyễn Miên Thảo chép lại)

Từ Hoài Tấn






Thứ Hai, 15 tháng 9, 2008

Những bài sáu tám (5)

MỪNG VỀ NHÀ MỚI Ở TÂN BÌNH

Nhà ta chỉ có một gian
Rộng vừa thước bảy bề ngang lọt lòng
Cũng tường vôi vữa cửa song
Mái tôn hâm hấp vợ chồng cái con
Ở ăn một cuộc vuông tròn
Có nhau như thuở vẫn còn chân quê
Cả trời cao gió bốn bề
Những đêm trăng lạc lối về ghé thăm
Ơn đời một kiếp trăm năm
Năm dài tháng rộng chỗ nằm một khuôn
Buồn chi giấc mộng ao vườn
Nhà vui ấm mấy thước vuông cũng tình

Saigon 1995


CHIA PHẦN

Chia em chút nắng cuối ngày
Thương thì để bụng đừng bày biện ra
Có khi đất lở trời xa
Tay không níu được bay là tà rơi
Đừng rơi về chỗ bụi đời
Thân em mai mảnh ai mờ mâng niu
Chia em chút nhớ nhung chiều
Đêm sâu vời vợi anh nhiều đa đoan
Mai rồi em nhớ ta chăng ?

TIỄN ĐƯA CHU THỊ GA SÀI GÒN CHIỀU 27 TẾT

Em về bên ấy nửa quê hương
Theo con trăng cuối năm buồn
Cô đơn
Lên tàu còi rúc
Tay buông
Mắt em chớm lệ
Đoạn trường chia xa
Ta còn đứng lặng sân ga
Em đi rồi
Giữa phù hoa mịt mùng


TẶNG NGUYỄN THỊ

Ta chia em cả cuộc đời
Buồn vui mấy cuộc khóc cười ấy thôi
Ta chia em cả con người
Chiếu chăn rơm rạ cũng rồi mười năm
Ta chia em trọn một lần
Để mai em bước nhẹ nhàng sang sông


TẶNG THU HỒNG THỊ

Chiêm bao mị mộng một ngày
Em như giữa cõi mờ say dương trần
Có cô hàng xóm thật gần
Khi ta uống chút tần ngần không vui
Không vui sao cứ mĩm cười
Hay là còn bận dáng ngồi làm duyên
Chiêm bao lã lướt
Nàng tiên
Nghê thường vũ khúc
Đảo điên mấy tầng
Đó đây nọ ấy xa gần
Chao nghiêng đuôi mắt là nàng
Vậy chăng ?


BÊN CỬA SỔ

qua song cửa ngó cuộc đời
là em thuở trước miệng cười nên thơ
là anh năm ấy nằm co
những ngày đi học phất phơ ai người
qua song cửa ngó cuộc đời
mới nghe thoắt đã một lời trống không


CHIỀU MƯA

quán nằm bên lộ người không
một cơn mưa xuống giữa lòng thôn quê
chiều trôi ly rượu dầm dề
nhâm nhi dòng lệ bốn bề tịch liêu


CHIỀU MƯA KHÁC

Cơn mưa vừa xuống giữa chiều
Đàn ai hàng xóm dáng kiều diễm xưa
Để ngồi lệ giọt lưa thưa
Cho xong một trận cơn mưa đầu mùa


HỎI NGƯỜI

Khi cười một chút rêu xanh
Dấu in trên những ngọn ngành cuộc vui
Khi buồn một chút than ôi
Sấu chia hai lối núi đồi ngổn ngang
Có ai trên đó bàng hoàng
Đi hay ở lại trần gian với người


TRONG ĐỒNG

Vàng ngày con mắt che ngang
Một mình ta
Với lời vang trên đồng
Ai chờ nơi ấy
Ai trông nơi này
Nhớ thương chuyện cũ bèo mây
Lòng man mác
Những hàng cây ngậm ngùi


HAI LẦN QUA BẮC CẦN THƠ
Gởi tặng Tôn Nữ T.P.

Ngày 3 tháng 1 năm 1992

Đưa em về tới Cần Thơ
Rượu bầu lưng nửa nghẹn lời từ ly
Mối tình có cũng đôi khi
Như chim xa núi đường đi dặm dài
Thôi em lần nữa chia tay
Sầu ta ở lại chiều nay trên phà

Ngày 8 tháng 8 năm 1992

Chiều xanh như nước Cửu Long
Ai về bên ấy để lòng bên nay
Sầu mong nữa có chia hai
Tình vui thoáng chốc liêu trai dại người
Em đi biển đã xa bờ
Ta đành ở lại Cần Thơ ngậm ngùi

Từ Hoài Tấn

Công bố hai tác phẩm chưa in của Bùi Giáng




Kỷ niệm 10 năm ngày thi sĩ Bùi Giáng đi vào cõi "ngàn thu rớt hột" (17.8 Mậu Dần - 17.8 Mậu Tý), gia đình thi sĩ đã cho xuất bản tập di cảo thứ 6 của ông. Đó là tập thơ Rớt hột phiêu bồng được in lần đầu bởi NXB Văn Nghệ, phát hành chính thức vào hôm nay (thứ sáu 12.9).
Tập thơ gồm 100 bài Bùi Giáng viết vào những năm cuối đời, báo trước ngày đi khỏi "mộng trường" dằng dặc, đúng kiểu của ông: "Anh sẽ chết như chưa bao giờ chết/Anh sẽ về thăm viếng các em ôi/Em khốn khổ như ngàn thu mỏi mệt/Anh chào em, anh chết suốt thiên thâu/Là chết giỡn cho vui chơi tuế nguyệt...". Quả thật, thi sĩ coi chuyện chết là "chết giỡn" chứ không phải "chết thật". Nên trong các bài thơ cuối cùng, viết về tuổi đời chồng chất như "non cao" và suối vàng thì đang trút nước, ông vẫn thản nhiên "mừng rỡ với lá cây" mà bước tới bên rừng. Rồi ông lại ngó qua phần số của người khác, lại thấy những người "em gái nhỏ" mai kia cũng sẽ phai tàn như hoa, nên ông viết bài Các em ôi, nói rằng các em "sẽ chết như anh" nhưng đừng lo, khi chết các em nằm cũng đẹp: "Một mai em sẽ lìa đời... Em đi em đứng em nằm/Toàn nhiên em đẹp nguyệt rằm thiên thu...".
Đọc mấy bài trong di cảo Rớt hột phiêu bồng, có thể thấy Bùi Giáng đã "chết giỡn", rất hợp với tinh thần "thị chư pháp không tướng, bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm" của Bát Nhã Ba-la-mật-đa tâm kinh.
Theo tinh thần đó, các chư pháp ở quanh ta như gió thổi, mây bay, núi cao, sông rộng đều là "không tướng" và con người thật ra cũng "không sanh không chết" như Bùi Giáng viết về sinh mệnh, về phong thái lộng lẫy của một "giọt sương đời": "Ông chúc phúc ngàn thu con rất đẹp/Rất vui buồn với tình mộng chia xa .../Con sẽ đứng sẽ đi sẽ vùng vẫy/Sẽ huy hoàng như một giọt sương sa...".
Một giọt sương cũng huy hoàng nếu hiểu lẽ vô sanh. Nhưng một bầu trời xuân cũng sẽ âm u nếu con người cứ "trụ" vào cái ngã của mình mà đòi bất tử! Theo Bùi Giáng, con người như vậy thật đáng tiếc: "Anh tiếc lắm, tiếc cho em, em hỡi/Tiếc tận cùng từ sa mạc thiên thu/Anh gục đầu nhắm mắt khóc hu hu/Rồi can lệ ngẩng đầu mắt ráo hoảnh...".
Vì sao vừa khóc "hu hu" xong, Bùi Giáng lại ngẩng lên "mắt ráo hoảnh"? Có lẽ với ông, khóc là khóc theo phàm tình, thương cảm, còn "ráo hoảnh" vì thấy sanh tử, mất còn, được thua, vinh nhục... chẳng có gì đáng cười đáng khóc. Phải chăng vì thế, Bùi Giáng đã im lặng, một mình sống trong đất địa của chơn tâm vào một ngày xuân của tỉnh giác: "Mùa xuân tao ngộ bất ngờ/Ngồi im lặng viết bài thơ một mình". Cái tứ "vô sanh" ấy bàng bạc suốt trong Rớt hột phiêu bồng.
Cũng trong dịp này, lần đầu tiên tác phẩm nổi tiếng L'école des femmes của André Gide do Bùi Giáng dịch dưới nhan đề Trường học đờn bà sẽ ra mắt độc giả cả nước. Dịch phẩm gần 350 trang này nằm trong di cảo Bùi Giáng, do NXB Văn hóa Sài Gòn ấn hành lần thứ nhất, với phong cách dịch "ngẫu nhĩ trùng lai" tuyệt chiêu của Bùi Giáng.

Bùi Giáng có điên thật không?


< -- Chân dung Bùi Giáng - Ảnh Đào Trung Phụng

Nguyễn Thanh Hoài và cuốn Trường học đờn bà do Bùi Giáng dịch mới in lần đầu - Ảnh : Giao Hưởng ---->

Câu hỏi trên một lần nữa xin phép được nêu lên với anh Nguyễn Thanh Hoài - người cháu từng sống gần gũi nhất với thi sĩ Bùi Giáng trong những năm tháng cuối đời ông tại căn nhà nằm trong một đường hẻm thuộc Q.Bình Thạnh, TP.HCM.

* Là người sống cạnh thi sĩ Bùi Giáng suốt 18 năm cho đến khi thi sĩ qua đời, hẳn anh biết rõ và nhớ rõ sinh hoạt thường ngày của tác giả Mưa nguồn?
- Vâng, tôi nhớ rất rõ về sinh hoạt thường ngày mà người trong nhà xem là có phần "bất thường" của ông cụ. Cứ mỗi sáng ông thức dậy rất sớm, khoảng 3 - 4 giờ, yên lặng ngồi thiền khoảng một tiếng đồng hồ. Sau đó ông bắt đầu lên tiếng, khi thì kể chuyện xưa, chuyện nay một mình, khi thì đọc dăm bài thơ với giọng sang sảng. Đôi lúc ông lại mắng này mắng nọ, to tiếng như để đánh thức cả nhà dậy cùng. Sau này có lần ông nói với tôi rằng ông không muốn mọi người "ngủ nướng", vì ông cho rằng bầu thanh khí dồn tụ ngẫu nhiên, đậm đặc vào buổi sáng sớm, không dậy mà hưởng thì rất uổng. Ông la hét một thôi một hồi rồi leo rào để đi ra đường. Thường thường nơi đặt chân đầu tiên trong ngày của ông là một quán cà phê "cóc" nào đó. Ông gọi cà phê đen để uống và để nhìn thiên hạ qua lại lúc đèn đường còn sáng cho tới khi mặt trời lên. Đó là thú vui không thay đổi của ông suốt mấy chục năm cuối đời.
Những sáng sớm ấy, ông thường rủ rê con cháu đi theo, nhưng giờ đó còn quá sớm không ai đi được. Vì thế ông đơn độc ra đường, hễ uống xong ly cà phê là ông chuyển qua uống rượu và rong chơi khắp Sài Gòn bất kể mưa nắng. Ông đi bộ là chính, nhiều khi đi suốt ngày - nếu có về nhà cũng chỉ nghỉ chân một lát, sau đó lại tiếp tục ra khỏi nhà, là đà lãng đãng trên đường trong cơn nửa say nửa tỉnh. Khi nào về nhà, ông thường mang quà phân phát cho mấy cháu nhỏ trong nhà, cất những bài thơ đã làm, ăn qua loa vài miếng cơm, rồi... đi nữa! Nếp sinh hoạt đó cứ đều đặn lặp đi lặp lại cho đến khuya ông mới chịu dừng bước. Thông thường trước khi đi nghỉ, dầu nhâm nhi rượu trắng suốt ngày ông vẫn ngồi thiền khoảng một tiếng mới ngả lưng xuống giường. Còn như những lúc quá say thì "bạ đâu ông nằm đó", những lúc ấy gia đình phải ẵm ông vào phòng mới được.

* Trong thời biểu rong chơi đó, có khi nào thi sĩ Bùi Giáng phá lệ để ở nhà khóa cửa phòng văn không?
- Dĩ nhiên, những ngày đau ốm ông không đi đâu được nên phải ở nhà. Song ông không ở "phòng văn" mà treo võng giữa hai gốc cây ngoài sân để đu đưa "thưởng thức cơn sốt mùa hè" đang nhập vào cơ thể. Một điều khá đặc biệt nữa là sinh hoạt rong chơi của ông như được diễn ra theo một chu kỳ riêng. Nếu đi rong chơi 2 tháng, 2 tháng tiếp theo ông chỉ ở nhà, không bước chân ra đường và không nói một lời nào với bất kỳ ai, dù là người trong nhà. Ông chỉ gật đầu khi đồng ý và lắc đầu khi từ chối điều gì. Ông im lặng, lủi thủi chăm sóc cây cối trong vườn. Một bữa, ông lấy đá khoanh một khoảng đất nhỏ để trồng rau muống, rau lang. Trong vườn có nhiều cây ăn trái như mít, xoài, mãng cầu, vú sữa, đều được ông nâng niu, chăm sóc kỹ lưỡng. Những giờ "rảnh rỗi" ở nhà, không phiêu bồng phố thị, ông lại lục lọi quần áo rách ra để khâu vá, hoặc giặt giũ áo quần, sắp xếp lại căn phòng bừa bộn.
Ông rất thương những người bán ve chai, nên đi tới nơi nào ông cũng ngó quanh ngó quất xem có món nào người ta vứt đi để góp nhặt. Những thứ nào còn xài được, bán được, từ chai xì dầu đến miếng nhựa bên đường, ông đều lượm bỏ vào bao mang về nhà chất đó, đợi đến khi mấy cô mua ve chai đi qua nhà, ông gọi vào trân trọng đem ra tặng mấy cô ấy. Ông nói mấy cô ấy tuy số phận và công việc có cực nhọc, nhưng so với các nữ hoàng, các nàng công chúa, các tài tử xinê nổi tiếng như Marilyn Monroe, hoặc Brigitte Bardot, thì thân xác dung nhan có khác gì nhau?
Cái tâm bình đẳng nơi ông không chỉ đối với tài tử giai nhân và những người đẹp ve chai trẻ già bé lớn, mà dường như hết thảy ai ai ông cũng xem như nhau, không phân biệt thành phần, tuổi tác. Đối với ai, ông cũng xem là "ngẫu nhĩ tồn sinh" nhất là khi uống rượu như ông từng hét trước sân nhà: Rồi đây tôi sẽ nhớ nhung. Cái ly rượu đế vô cùng trần gian. Có người vô tình hỏi ông uống suốt ngày làm chi vậy, ông khoa tay đọc mấy câu: Bấy nay gặp gỡ cười chào. Con đâu có biết cái đầu tiên ông. Nghĩa là ông rất phiêu bồng. Đầu tiên rất mực cuối cùng ông điên...

* Như thế thì thi sĩ của chúng ta "điên rất là sáng suốt" chứ anh?
- Theo tôi, ông chỉ "điên" có lúc, có ngày... Mà thật ra, tôi nghĩ, trong thẳm sâu của đời sống thi ca và thực tế sinh hoạt thiền mỗi sáng mỗi tối của ông thì không thể nói là ông "điên" được. Là người sống gần gũi với ông từ năm 1985 cho đến khi ông qua đời, nên tôi biết nhiều chuyện riêng mà ông kể vào những lúc ngồi bên nhau và tôi rất quý trọng, rất thương ông.
Có một lần tôi hỏi ông: "Cháu thấy bác còn tỉnh táo và khôn hơn người ta cả trăm lần nhưng ai cũng nghĩ bác "điên", cháu thấy bác "giả bộ" hay thật"! Nghe vậy ông đáp: "Tao là con trai cả ở trong nhà, nhưng vì mẹ tao làm vợ thứ, nên tao trở thành con thứ sáu, gọi là Sáu Giáng. Tuy thế, vì tao là anh cả nên trong nhà từ chuyện nhỏ cho đến chuyện lớn, tụi nó đều bắt tao phải đứng ra giải quyết, nên chi thôi tao điên cho nhẹ người. Vì vô lẽ ăn rồi cứ đứng ra giải quyết ba chuyện trời ơi, đã điên thì làm sao mà đứng ra giải hòa cho được".
Nói thì nói thế, chứ ông "điên" vì mọi người chung quanh và vì thế giới này còn có hằng hà sa số người "quá tỉnh" trong giấc mộng kim tiền, danh vọng. Tôi đã nghiệm ra điều đó sau khi đọc trong những bài thơ để lại chưa in của ông có bài nhan đề là Tôi. Bài này ông nói về cái điên của mình: Tôi nay bảy mấy tuổi trời. Mà điên chín chục tuổi đời tôi điên. Lúc đầu dạo dưới mái hiên. Lúc nằm ngửa lúc nằm nghiêng ngủ vùi.
Cứ như bài ấy, ông bước ra đường phố, hoặc khi về nhà, ngâm nga ra vẻ điên, cười khóc ra vẻ mất hồn, nhưng có một con người mang "tâm thể" khác, một con người "không làm bạn với muôn pháp", vẫn từng phút từng giây ở trong ông và quan sát ông, nên ông đã tự viết về cái điên của mình như sau: Ngồi nhổm dậy, khóc sụt sùi. Trẻ con càng rũ rượi cười càng tăng. Rằng ông giả bộ đáng khen. Thật là giỏi lắm phải chăng già khùng? Qua những gì ông đã sống và tôi chứng kiến hằng ngày, cũng như qua những gì ông viết chưa in, còn để lại trong một valy đầy bản thảo, tôi có thể khẳng định rằng Bùi Giáng không quá điên như người đời vẫn nghĩ.

* Trong valy bản thảo chưa in đó, gia đình định tiếp tục giới thiệu xuất bản ra sao trong thời gian tới?
- Thời gian đến, nếu điều kiện cho phép, chúng tôi sẽ giới thiệu những di cảo còn lại, bao gồm nhiều thể loại, trong đó có thơ với các tập do ông đặt sẵn nhan đề, như: Xin quên quá khứ; Trúc Mai; Thơ điên Bùi Giáng; Uống rượu gió mây; Tâm sự tuổi già; Thơ minh họa, Thơ Bùi Giáng. Số thơ chưa đặt tựa của ông để lại còn rất nhiều... Mong rằng sau những tác phẩm mới được công bố, bạn đọc sẽ hiểu sâu thêm về ông - một thi sĩ tự nhận mình vĩnh viễn trung niên và rong chơi mãi mãi...

* Rất cám ơn anh.

Giao Hưởng

Tưởng niệm Bùi Giáng
Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của thi sĩ Bùi Giáng (1998-2008), một triển lãm mang tên Mùa xuân đang đợi bước ai đi vào khai mạc lúc 9 giờ ngày 14.9 tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao Q.Tân Bình (448 Hoàng Văn Thụ, TP.HCM). Triển lãm gồm 30 tác phẩm gồm tranh, tượng chân dung Bùi Giáng của họa sĩ Mai Tuấn, thư pháp trích thơ Bùi Giáng (Bùi Hiến viết), ảnh tư liệu về Bùi Giáng (của Đào Trung Phụng và Ngọc Duy). Cùng ngày, cùng giờ lễ tưởng niệm thi sĩ Bùi Giáng cũng diễn ra ở hai nơi: Nhà thờ tộc Bùi (ấp I, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) dành cho gia quyến và ở nghĩa trang Gò Dưa dành cho các văn nghệ sĩ.
H.Đ.N

http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200837/20080913212518.aspx

Thơ 1971

NGẤT NGƯỞNG BÊN TRỜI

Hồn ta đã mấy lần mây trắng
Phảng phất đời em trăm bến xưa
Hồn ta có một thời phiêu lãng
Trú thân buồn vương ngọn lưa thưa

Đến bên em ta già thêm chút
Cho đủ ngày vô vọng yêu ai
Đến bên em ta sầu thêm chút
Sầu hắt hiu xô mấy đời cây

Hỡi em sao mà ly rượu mặn
Uống chưa tàn ta muốn bay
Hỡi em sao mà ly rượu ấy
Hết một đời rồi thêm một đời say

Bên trời xuân bước ta chờ khách
Lạc mấy nghìn năm nhớ tới đây
Bên trời ta ngủ em đừng thức
Dễ một ngày vui tận ngất ngây



HỠI BÉ THƠ XUÂN

Chiều đã xuân như vết rượu hồng
Trên bàn tay ai đưa qua sông
Chim chết một ngày ngoài nội cỏ
Sớm mai thức dậy hót vang lừng
Tôi mơ là cánh chim cô độc
Trong vườn hoa ngủ rất thong dong
Tôi theo ai tới ngày vô tận
Thả một đời sau bên kia sông

Giấu trong môi hạt lệ đầu mùa
Ôi Phương của những ngày ly biệt
Cầm tay người nói mấy ngày xưa
Dưới nhà cũ một đêm tha thiết
Tôi mơ là lá của cây thu
Rơi một giờ không ai hay biết
Tâm hồn chờ giây phút hoang vu
Rừng mở cửa thơm giờ sinh tái

Em thân yêu ơi bước lại bên này
Nhìn mặt tôi dưới dòng nước biếc
Xuân của đòi như khói mây
Chiều nay bay qua trời rượu mật

TỪ HOÀI TẤN
(Ý Thức, Xuân Ất Hợi 1971)

Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2008

Những bài sáu tám (4)

MỘT CHIỀU THU

Chiều thu ôi với chiều thu
Có em đi giữa sương mù cố hương
Sầu lòng vạn cổ tơ vương
Tình anh năm trước náu nương ngậm ngùi
Một chiều thu lỡ chiều thu
Mắt em có dõi chờ mưa thiên đường



KHI NGHE

Khi nghe rớt giọt mưa đầu
Mùa xưa đã tới tinh cầu cô đơn
Ngàn thu còn chút vấn vương
Hoa lừng khe suối lưng nương đồi chiều
Khi nghe trong gió tình yêu
Thì thầm nhẹ những ngày xiêu lạc lòng
Một mai ta buớc ngang đồng
Một mai ta ngủ giữa hồn cỏ cây
Khi nghe trong buổi cuối ngày
Mưa êm ái giọt đã đầy mương sâu



MƯA – KHI TRỞ VỀ

Tiếng mưa trên mái tôn – về
Đây là những tiếng u mê của đời
Tiếng mưa như có một lời
Yêu thương cũ đã xa rồi cỏ cây


Ta về còn chút thơ bay

Nghe hiu quạnh những ngày say lật hồn


QUÁN VẮNG

Trưa ngồi – nắng gió mông lung
Đời thưa phên liếp những trông cùng chờ
Tưởng ta vừa tới bến bờ
Nào hay chân vẫn dật dờ hư không
Đôi mắt em cửa vô cùng
Bàng hoàng là của một lần khép đi
Trưa ngồi – uống rượu sầu bi
Cầu xin cụ Nguyễn Du “chi” mấy dòng



THĂM MỘ THÂN PHỤ CHIỀU 25 TẾT

Quê người nấm đất che thân
Trăm năm ngọn cỏ khô vàng lắt lay
Tiền vàng bạc giấy lầu đài
Nén hương thắp tưởng những ngày còn không

(Nghĩa trang Tân Phú, Hậu Nghĩa)



GIÂY PHÚT BÊN NGƯỜI

Nắng xô qua ngọn ngách dừa
Chiều vàng ai bỏ quên bờ cỏ xanh
Tình về nẻo phố loanh quanh
Tóc ai vương xõa dưới ghềnh đá xa
Yêu người mấy độ ra hoa
Bạc tuần trăng khuyết luống tà mộng xưa
Nắng xô qua ngọn ngách dừa
Tình ru niềm nỗi đã vừa lòng ai ?



GỞI MỘT PHƯƠNG

Nhớ em như những ngày này
Mưa đầu trên phố sầu dày trên tay
Gởi vàng cho lá lìa cây
Gởi tình cho kẻ sắp bày chia xa
Mai kia mốt nọ cũng là
Nhớ ai ai nhớ chờ ai ai chờ



Dạ khúc tặng P. khi còn ở Blao

Đêm nằm nhớ mộng ngàn năm
Nẻo phường phố ấy mưa lầm lạc rơi
Đời vui chừng đó nụ cười
Cát vàng sa mạc nhớ vời biển xưa
Từng ngày thơm phấn hương đưa
Một mùa rơi rụng gió đùa lách lau

Thứ Hai, 8 tháng 9, 2008

Những bài sáu tám (3)

KHI Ở NÚI VỀ ĐỒNG BẰNG

Về đây cõi quạnh hồn không
Que hương thắp với nỗi lòng tiếc thương
Trên vai dính bụi sa trường
Ngậm ngùi trông những phấn hương cuộc đời
Về đây câm bặt tiếng cười
Những con sóng biếc đã rời tuổi xuân
Ôi đường niên thiếu lầm than
So vai lệch với ngày mênh mang sầu
Về đây còn nỗi lo âu
Mai ta lại chiến trường sầu rã chân
Mai ta lại nhớ tình nhân
Những đêm núi trắng lệ dầm với sương
Mai ta …,thôi nghĩ thêm buồn


GIAO THỜI

Mái hiên động bóng trăng tà
Thư sinh ôm mớ sách và nghiên khô
Bút lông tuơ ngọn căm thù
Nương khuya nằm dáng nghìn thu cúi đầu
Mai chờ nhuộm lại tóc râu
Xuống đời chân thấp bạc mầu phù vân


HÃY CHO TÔI, RẤT NHIỀU LẦN

Hãy cho tôi tiếng âm thầm
Của nghìn năm nữa cung đàn hư không
Hãy cho tôi điệu muôn trùng
Của chìm khuất cõi mênh mông hận thù
Hãy cho tôi tới thiên thu
Của nhân gian đã mịt mù bể dâu
Hãy cho tôi khẽ nghiêng đầu
Chào thân thế mới thay mầu tử sinh


CHIỀU DỊU DÀNG

Chiều trên dốc núi người ngồi
Biển xưa vỗ dưới chân trời đá xanh
Trong môi êm giọt tan tành
Những ngày thu với muôn vàn lẻ loi

Chiều trong quán vắng người ngồi
Gió thiên sơ thổi xuống đời lạnh căm
Bỗng lòng heo hút trăm năm
Mưa chiêm bao dạt dào dâng nước về

Chiều hôn môi kẻ điên mê
Chiều bay lượn giữa người về hân hoan
Thôi em đừng nhớ trăng tàn
Yêu chiều, hãy hát lời vàng nhạc ru


MƯA THÁNG SÁU

Buồn tôi bước nhỏ qua đời
Cỏ lau xưa, hát xuống đồi lầm than
Chào em phơ phất bên ngàn
Mai chờ trăm nước dâng ngang rừng già
Bao giờ sương của bao la
Nở hoa dưới bóng trăng tà phù vân
Mưa qua, lòng mộng đêm gần
Có em một cõi, một lần hư không


TÌNH THÁNG BẨY

Anh chờ giữa nắng xuân xanh
Vai nghiêng áo lệch bên cành nhân sinh
Anh chờ giữa gió mông mênh
Tà xưa bóng ngã cuối ghềnh sương hôm
Mai, đem hồn mộng qua sông
Cười môi khẽ mở một dòng thơ bay


Từ Hoài Tấn

Những bài sáu tám (2)

GỞI MỘNG THƯỜNG

Hãy buồn em nhé, đôi tay
Mây không kín lấp đường bay đêm dài
Hãy rung em nhé, đôi vai
Tinh cầu đã lạnh sương phai nhạt rồi
Hãy tình em nhé, đôi môi
Để anh ngỏ vội một lời kẻo tan
Hãy cùng anh nhé, đôi chân
Hai ta đi suốt trần gian mịt mù


TẶNG HOÀNG ANH THỊ

Trái đất thôi hãy ngừng quay
Cho sông thôi chảy cho ngày thôi đêm
Cho em thôi hết u phiền
Cho ta tạ cả nỗi niềm trước sau


TẶNG TÔN NỮ

Gởi tình trong quán chiều nay
Khói sương một thuở mù mây trời gần
Xin em đôi chút ân cần
Nữa mai xa tới trăm ngàn dặm trông


THƠ DẠI

Chào em buổi sáng rất vui
Có con chim nhỏ bên đời hát ca
Chào em tình cả bao la
Trần gian rộng chỉ có ta với nàng


XUÂN THU

Hôm nay ngày của tháng năm
Mây gần lủng thấp cỏ nằm non cao
Lời vàng đã cháy trăng sao
Ngàn khơi còn vọng tiếng gào xuân thu

THƯ KHÔNG GỞI

Trùng dương em mới gọi mùa
Trăng ngàn khơi dội sóng lùa kẽ tay
Tờ thư để trống bao ngày
Hiên sân quạnh một mình xoay xở buồn


MỘT THUỞ NỌ

Khi sao ngủ ở trên rừng
Thì cây về dưới cánh đồng tìm chim
Khi giông che mặt bình minh
Thì mây cam chịu lênh đênh về trời


VỀ, CÓ HAY

Khi về mây ngủ trên tay
Gió ru dưới lủng sương bay ngang đầu
Khi về em mở đôi câu
Hoa môi hoen thắm giọt sầu nặng mi
Khi về tôi lỡ ai bi
Xin em hãy cứ quay đi mĩm cười


CHỜ

Chờ em mai sớm mùa thu
Ai đi năm ngoái để ngu ngơ lòng
Chờ em trăm lối nghìn đường
Thu đông qua mấy nẻo phường phố xưa
Chờ em những sáng cùng trưa
Rượu men nồng nhắp chưa vừa sầu anh


ƯỚC VỌNG

Đi cho kịp với thời gian
Vượt qua mặt hẵn tới ngàn triệu năm
Sắp bên trái đất hai hàng
Triệu nàng thơ đứng cười vang cuộc đời
Đi cho kịp với niềm vui
Tình nghe lẫm lạ hôn mù mịt cơn


TỪ HOÀI TẤN

Những bài sáu tám (1)

BÀI MƯA 1

Mưa mùa xin trút giùm tôi
Những đau khổ ải những lời đắng cay
Mưa mùa xin đẫm lời cây
Lá non sẽ nẩy mầm thay cuộc đời



BÀI MƯA 2

Gởi tình trong quán chiều nay
Khói sương một thuở mù mây trời gần
Xin em đôi chút ân cần
Nữa mai xa tới trăm ngàn dặm trông



CHÀO EM


Chào em thôi nhé cuộc tình
Đêm nằm nghe mộng lênh đênh bên trời
Chào em thôi nhé nụ cười
Trăm năm vui chỉ một lời hư không
Chào em thôi nhé chờ mong
Mòn con mắt với nỗi lòng chiều hôm
Cuối cùng em nỗi cô đơn
Cùng ta bầu bạn nguồn cơn tháng ngày



TỪ BIỆT


Hôm nay em đã lên đường
Với đôi vai nhỏ dăm trường biển xanh
Hôm nay còn lại mình anh
Với cơn ảo mộng cũng đành hư hao


Từ Hoài Tấn

Thứ Tư, 3 tháng 9, 2008

Hai bài thơ

TÌNH YÊU MỚI

Buổi sáng hót tiếng chim
Đôi mắt mặt trăng
Tên thi sỹ dở hơi
Ở ngoài cõi hư không chấn động

Người đàn bà không biết tuổi thanh xuân
Ẩn mình sau cuộc sinh tử
Nàng có đôi mắt của sự chân thật
Đôi môi của hòa dịu
Và tiếng nói của cái đẹp
Nàng có cả tấm lòng lớn như thiên nhiên
Trái tim không ngăn nổi dòng máu hồng tuôn trào mặt đất

Tình yêu ta
Thừa thải
Như những câu thơ của tên thi sỹ dở hơi


KHÚC TỪ BIỆT

Em sẽ đi sẽ đi sẽ đi
Sẽ đi
Câu hát ngậm trong miệng
Trái tim hòn bi lăn
Kẻ dối trá quay ngoắc người lại
Toác miệng nhe răng
Loài quỉ dữ

Em sẽ đi sẽ đi sẽ đi
Sẽ đi
Tiếng chuông đổ rục xuống thềm
Gã tu sỹ cởi áo bỏ lại
Câu kinh buồn như dòng cổ tự trên bia đá
Một loài hoa không sắc

Em sẽ đi sẽ đi sẽ đi
Sẽ đi
Ngừơi đàn ông của em có hàm râu quai nón
Phủ phàng và nồng nàn sự thật
Một đóa hồng đâm vào môi
Con dao cắm lên ngực

Em sẽ đi sẽ đi sẽ đi
Sẽ đi
Đi



Từ Hoài Tấn

thơ một thời nhiễu nhương

Mỗi ngày, lúc vợ tôi gánh đôi gióng lên vai ra chợ
Cười bảo tôi
Này ông làm thơ ơi
Thơ có đem cơm áo gạo tiền
Nuôi nổi ba đứa con
Thơ có tạo được cuộc sống như mọi người chung quanh
Nhà xây, xe cúp, tivi, cát xét
Hút thuốc ba số
Cơm nhà hàng, giải trí vũ trường
Mỗi tuần lại đi Cấp
Ối ông làm thơ ơi
Thơ không kiếm được một tô bún riêu
Làm no bụng
Thơ không đẻ ra mấy lon gạo chiều nay
Ngon lành một nồi cơm nóng
Danh vọng và tài năng
Có bằng một dĩa rau muống luộc

Tôi sẽ trả lời cho em như thế nào
Trong thời đại nhiễu nhương
Mọi giá trị nổ bùng như trái phá
Con tim rao bán dọc đường tàu
Những tên mặt thú hình người
Diễn trò trên sân khấu
Cuốc sống bày biện những con rối
Ca múa trên sân băng
Tôi có thể làm được gì
Chữ nghĩa tuồng khánh kiệt
Lỡ làng dăm câu thơ
Thằng bạn thương tình đăng báo
Gởi cho mấy chục ngàn
Mua được vài thùng gạo

Thơ có thể làm được gì
Giữa những ngày “móc bọc”
Vợ nặng hai vai chùng sức nặng tháng năm
Đàn con đói no học hành chưa tới chốn

Ôi ông làm thơ ơi
Những lằn roi tai ác cuộc đời
Phủ mặt những chiều hôm
Những mê u què quặt
Cỏ khô trên lối mòn
Mưa chết thời mong đợi
Trăng tàn ở bến sông trong
Cất ly rượu buổi hoàng hôn
Dọn mình cho đêm tuẫn tiết

Tất cả những dòng sông
Đều xanh
Màu nước biếc
Tất cả những người yêu nhau
Vẫn vô vàn nhớ tiếc
Những gốc cây
Những hè đợi
Bến bãi mong chờ
Loài hoa đã nở ra lời ái ân độc dược
Những đêm khuya trở về
Khúc sonate ngoài hiên
Người thiếu nữ nghiêng
Lặng lẽ một vì sao rơi
“ Em hỡi em
tự hỏi lòng đã thấy vui chưa
khi nói lời phụ bạc”

Mỗi ngày, lúc cuộc sống dàn hàng ngang
Vợ con, mưa nắng, buồn vui
Tỉnh rồi say, say rồi tỉnh
Đường về trăm lối ngu ngơ
Những đồi mây khuya trên bầu trời đêm giá lạnh
Tiếng hát ai, nhịp mòn
Đổ xuống lòng tôi một triều đại

Mỗi ngày, lúc cuộc sống vừa mở mắt
Nắng hay mưa
Chiều hay tối
Tôi dọn mình chờ
Một cuộc chia tay

HN tháng 6/1990

Từ Hoài Tấn

Thứ Hai, 1 tháng 9, 2008

NHỮNG NGÀY MƯA BỤI THÁNG MƯỜI HAI


Gởi tặng một mối tình




Em đã về đó phải không
Giữa những ngày mưa xóa trắng kinh thành
Anh ngàn năm cô đơn
Đợi em suốt mùa thu cố xứ


Em về
Giữa một cơn mưa
Hay giữa hai cơn mưa đời anh liên hồi rào rạc đổ
Ta vẫn có nhau
Những chiều đông xám
Bên kia đường
Bên kia những dấu vết quê nhà
Anh đã sống
Và ấu thời em đã sống


Anh chờ mong
Những canh thâu
Hát thầm trong bóng tối
Những khuya mắt xa vời
Tiếng đàn ngoài hiên
Giọng hát cao
Đã đưa anh qua mấy bờ hoạn nạn
Cho anh quên
Những cay đắng
Những buồn đau
Một thời thanh niên hiu hắt
Em hát
Cho đời anh vui
Trong đêm xa mộng về rộn rã
Trăng mơ hồ sáng lại tự nghìn xưa
Soi mặt nước hồ tỉnh tâm
Những rêu phong đền đài lăng miếu
Trăng huyền bí
Nhưng vĩnh viễn trăng
Làm sao nói được với em
Bên kia những núi
Những sông


Qua biết mấy đời chia cách
Rằng anh vẫn đời đời
Yêu em yêu em
Trong muôn ngày giá rét của mùa đông
Những mưa bay
Tìm quán nhỏ
Uống chút nhớ nhung
Trong đôi mắt bức tranh người thiếu nữ


Chiều nay dưới đường mưa bụi
em về
ngồi ấm lưng anh
quanh thành phố cũ
mùa đông ơi
nghe thấy gì không
tiếng hát trong lòng tôi vụt bổng
hay lời ca xang
mùa hội năm xưa
đưa em đi
giữa ngày mưa cố quận
ta đã nói gì với nhau trên
đường vào thành nội
em đã nói gì trong
mắt nhìn yêu dấu
những tháng năm xa đẩy lùi trí nhớ
một ngày gần bâng khuâng
ôi mưa mùa đông
trái tim anh bùi ngùi muốn rụng


em đã về, phãi không
em trăm năm, người bạn tình yêu dấu
giữa đường mưa mịt mùng
thôi hết cô đơn
thôi chờ thôi đợi
em đã vế
theo bóng chim trong hồn anh
những đêm thâu cánh đập rộn rã
trên đường bay mộng tưởng
em đã về
theo cơn gió lang thang
những năm dài không ngừng xô anh bước tới


biết rồi, chiều nay
mưa làm sao dứt
em thở bên vai anh
em nhìn trong mắt anh
biết rồi, những ngày yêu nhau
làm sao nói được
hỡi môi
hỡi mắt
hỡi tay
thiên thu sẽ bước về không kịp
biết rồi, mưa
mưa hãy mưa
đừng bao giờ dứt
đường hãy dài
đừng bao giờ hết
tình sẽ xa xôi
bởi tình gần trong giây phút
biết rồi, em
hãy im lặng
ngàn đời im lặng
như cỏ cây
như bức tường thành trường nữ trung học
mầu vôi tím ngát tháng năm
em đã về, phải không
hay mưa
mưa không ngừng bay trên khuôn mặt anh
nhạt nhòa triều nước lớn
em về
bên anh
ấm trời tương tư giá rét
em về
giữa cơn mơ
dưới đáy ly cà phê chiều quán lạnh


làm sao nói được, chiều nay
tay em
mắt em
môi em
ôi mắt ôi tay ôi môi
hỡi mưa
hỡi mùa đông
hãy nói giùm ta
bằng những hạt mưa
hãy nói giùm ta
bằng cơn gió buốt
hãy nói hãy nói hãy nói


hãy nói lại với nàng
những đêm ta chập chờn hình bóng
nàng trở về
trên một đóa bông ngâu
nở rộ trời tháng bảy
một mùa thu ai bước đi
bước chân trần giá lạnh
bên lề tháng năm
trôi mãi lời ru phiền muộn
của người góa phụ già nua
mà hồn ai mới ngất say
hồn chuông rung thánh nhạc
thu ca đời cô độc
ơi thu
những đêm trăng khuyết bên sông
ngồi đốt thuốc
nhớ ai bàn tay gõ đều trên phiến đá
bài hát ngân vang
trong mờ sương kinh đô
bóng thiên thu tạc ngời ngày tháng
hãy nói lại với nàng
ngày chia cách bến xe khuya
mùa hè năm xưa
tiễn nàng về bên kia núi non
heo hút một trời thương nhớ
mắt vời vơị trông về
những núi ngàn
những thông rừng vi vu trong gió lộng
chờ hết mùa thu
hết mùa thu ai sẽ quay về
với đôi mắt sầu chia hai nẽo
mà hồn trên tấm băng đời
vỡ tan một ngày hy vọng
ai sẽ bỏ xuôi con sông này
chiếc lá trăm năm tương tư
(đuổi theo con nước bạc
ngóng chờ ai nước lớn từng chiều)

hãy nói lại với nàng
những ngày mưa bão mịt mùng
sớm mai qua cầu gió xé
chiếc áo lạnh người
đốt điếu thuốc
nhớ ai hoài bật que diêm không cháy
mà mưa bay tạt xoáy lòng ta
một đời chim chờ cánh lớn
bao nhiêu năm qua
đã qua hết một thời thanh niên vô vàn mơ ước
ta vẫn đi
dưới trời tang thương
bật que diêm hoài không cháy

hãy nói lại với nàng
đêm đớn đau nguyệt tận
trên đường nội thành ai hát vang vang
nhịp mưa hối tiếc
vàng son xưa còn đây
người nơi đâu
lớp rêu xanh
phủ dầy trên bức tường đổ nát
mà lòng ta rung hết mấy mùa
trong gió lộng

em đã về em sẽ về hay em sẽ
không bao giờ nữa
hồn anh đốt nến đêm khuya
dấu lệ tàn mòn mỏi
em sẽ về hay em sẽ
không bao giờ nữa
chim chim ơi
mưa mưa ơi
chim hãy bay đi mãi bay đi mãi
bên trời xa khuất
mưa hãy mưa thêm
mưa hãy nói mưa sẽ nói
đồng vọng thinh không
qua những bến bờ
mưa hãy nói giùm ta
mưa ơi
những tháng ngày ta thiết tha
là những tháng ngày mưa xóa trắng kinh thành


(Huế, tháng 12 -1971)
Từ Hoài Tấn


LÀM VÁN ÉP - truyện

Xưởng của Phúc nằm cuối đường, lọt thỏm giữa khuôn đất trống sau khu cơ quan của Ngô, bạn Phúc, là Phó Giám đốc Xí nghiệp. Hai bên ký hợp đồng ăn chia theo phần trăm 40/60. Bên có mặt bằng, bên có vốn, tay nghề, nhân công sản xuất ván ép Phúc lo. Xí nghiệp bao tiêu một nửa sản phẩm. Thế là xưởng sản xuất ván ép ra đời, gần được một năm nay. Đó là khoảng đầu năm một chín chín mươi.
Ngô và Phúc học chung trường Canh nông ra trường trước năm 75, mỗi đứa một đường. Ngô theo ngành, leo lên tới quan chức Nhà nước; Phúc lận đận nhiều nghề ở tận miền Trung, đến đầu năm nay mới trở lại Thành phố sau nhiều thất bại. Còn ít vốn liếng, số máy móc vừa mua vừa tự chế, bên vợ hỗ trợ thêm, mở xưởng sản xuất ván ép. Lúc này thành phố cơ chế mở, khuyến khích sản xuất nên việc xin giấy phép không mấy khó khăn, lại liên doanh với đơn vị Nhà nước, có nhiều mặt tương đối thuận lợi.
Nhà xưởng thuộc dạng tiền chế, lợp tôn, khá nóng mặc dầu giữa bãi đất trống. Dây chuyền sản xuất thủ công, có máy lạn ván, máy cưa bàn, hai máy ép công suất khoảng 145 tấn. Sản phẩm có hai loại thông dụng: 1 mét, 2 mét, ván ép ba lớp năm lớp. Bạn hàng đa phần của Xí nghiếp Ngô đưa về, một số đại lý bán lẻ trong nội thành. Nhân công mười lăm người, toàn bà con, đảm nhận đủ các khâu: ra ván, phơi phóng, bôi keo, ép, cưa tề đầu, bốc vác, sắp xếp. Cả đám làm quần quật có khi tới đêm hoặc qua đêm để có hàng giao. Phúc là Trưởng xưởng kiêm kế toán cung tiêu, thủ quỹ, đốc công … cái gì cũng làm.
Văn quay về, sau mười hai năm phiêu dạt ở vùng biên giới các tỉnh miền Đông Nam bộ và Campuchia, với những rẫy mỳ khoai, bắp đậu với đám người dân tộc làm thuê cho những chủ thầu mua đất khẩn hoang, xây dựng các khu kinh tế nông trại cho Thành phố. Ngô là bạn cũ hồi trung học với Văn. Văn tìm Ngô ở cơ quan nói: tao đang vả, thất nghiệp, cần kiếm hai bữa cơm. Ngô dẫn gặp Phúc. Phúc bảo bạn bè thôi, không chủ cả gì, làm cùng nhau, sướng khổ cùng chia.
Phúc giao cho Văn làm Tổ trưởng cưa cắt. Tổ có 4 người, em cháu Phúc cả, còn nhỏ chưa tới hai mươi.
“Ông có thể ăn ngủ ở đây, tôi bảo tụi nó đem cái giường tre bỏ bên văn phòng cho ông, kiêm luôn bảo vệ cũng được, tụi nhỏ đi chơi dữ lắm, không quản nổi.” Phúc nói.
Thế là xong. Văn phòng: là cái lều mấy mét vuông vừa đủ để cái giường đơn, cái bàn tre nhỏ, vách ván ép che sơ sịa mấy miếng hai bên hông, gió lộng nhiều hướng.
Một ngày lương bốn ngàn, cơm, thuốc lá, cà phê, dư vài trăm bạc mua báo. Đám công nhân nhỏ mười lăm mười sáu, mỗi mình Văn là bố già trong bọn.
Văn để râu trên, nắng của miền Đông còn sạm da mặt, bộ đồ Ngô đưa hơi rộng, trông vừa ngố vừa buồn cười và hơi lạc lỏng. Bữa đầu xuống xưởng, tụi nhỏ có vẻ e dè, lần hồi cũng có đứa lân la hỏi chuyện.
“ Chú làm đây hả ?”
“Ừ, như tụi mày thôi”
“Chú bạn ông Phúc?”
“Ừ, gần như thế”
“Sao chú lại làm đây?”
“Chứ mày nghĩ tao làm gì ?”
“Chú phải làm việc gì khác sướng hơn tụi con. Cực lắm chú “
“Thì phải chịu thôi “
“Lương ở đây làm sao chú nuôi vợ con nổi?”
“Nuôi được cái thân mình là tốt rồi”
“Tụi con sống một mình thiếu hụt lắm, nợ đìa”
“Tao chỉ cần ăn cơm tàu hủ chiên, hút thuốc đen, chiều chiều đâu có lai rai như tụi bây. Gói gọn thôi”
“Chú không nhậu ?”
“Chút đỉnh”
“Rẻ lắm cũng năm ngàn một chầu”
“Mình hợp tác “Cam pu chia sâm bành ki”, khi nào đi rủ tao với”
Khiêng ván, sắp vào mâm cưa, đo, ngắm, bật cầu dao. Được một đợt ván cao nghệu, tiếp tục câu chuyện.
“Chú mấy con rồi”
“Ba”
“Chà, hơi nhiều!”
“Nhiều hơn hai, bà xã mắn con. Kiêng rồi”
“Vợ chú ở dưới quê ?”
“Ừ”
“Lên về tốn kém dữ. Sao chú không tìm cách đưa lên?
“Lên ở đâu ? Làm gi? Một thân tao còn chưa xong”
“Nhà cháu cũng kinh tế mới về, ơ’ nhà thuê, ba chạy xích lô, mẹ bán rau muống, sống cũng được!”
“Từ từ mày ơi. Cái nhà tao dưới quê bị dột tùm lum, bán chưa ai mua, có mua cũng chẳng là bao. Thuê nhà chịu gì xiết. Mấy nhỏ còn vướng học hành, di chuyển khó. Tạm vậy đã. Mạnh ai nấy làm, no bụng ưu tiên, cạy cục cho bọn nó học may ra đỡ tấm thân, không lý như tụi mày suốt đời đi làm lao công sao “
Một lát. Một đống ván lại được chất lên. Sắp giờ trưa.
“Chú chắc lớn tuổi rồi nhỉ ?”
“Bốn mốt”
“Thua ba cháu 5 tuổi”
“Ba mày đạp khá không?”
“Lớn tuổi, chở mối không à, ngày kiếm được năm mười ngàn”
“Vậy là nhất rồi”
“Chia với chủ xe hết phần ba, mình còn hai phần”
“Thế cũng được. À trước ba mày làm gì?”
“Công chức”
“Không đi học à?”
“Công chức quèn, học chính sách tại địa phương mấy ngày thôi, xong đi kinh tế mới. Đi gần mười năm, mới về mấy năm nay”
Lứa tuổi những tên bốn mươi như bọn Văn bây giờ lỡ thầy lỡ thợ. Những tên già không có tuổi trẻ, và nếu có thì đó là cuộc chiến tranh vừa qua. Những thằng như Văn hiện nay đa số đều đổi vai cho bà vợ.
“Hồi trước chú làm gì?”
“Làm quan”
“Vậy là chú phải đi học tập”
“Phải vậy chứ. Nhưng ngắn thôi vì có thân nhân cách mạng bảo lãnh. Học ở trại không chừng lại sướng, mập và khoẻ như trâu vì ngày ngày đi rừng, đốn cây, cắt tranh, làm nhà, trổng tỉa rẫy nương, tối về ngủ khò, chả lo nghĩ gì cả. Nếu cách mạng cho đi học nữa chắc chú tình nguyện”
“Chú nói cho vui, ai đi cũng mong ngóng về”
“Ừ dĩ nhiên là tự do vẫn quý”
“Nhưng sao giờ chú ốm o vậy?”
“Về, thất nghiệp, làm đủ nghề, kể cả làm ruộng dù từ nhỏ lớn chẳng biết lúa mạ là gì. Buồn cười thật!”
“Sao chú không ở quê làm ruộng ? Cháu thấy mấy ông nhà quê lên sắm đồ khối tiền”
“Tùy thôi. Chú làm ba mùa sạch vốn, ruộng bưng mới khai phá làm không có ăn thua trắng. Đi đốn củi, thiếu ăn, bò ra chợ, không có việc lại mò trở về đây.”
“Ở đây mà không có tiền không sống nổi. Cái gì cũng tính bằng tiền”
“Đúng rồi. Nhưng có chút ít tiền khác với sự không có tiền. Cháo rau còn hơn là không có gì vô bụng”
“Chú có vẻ chán chường nhỉ?”
“Chán cóc khô gì? Vui không hết. Từ từ sẽ khá lên con ạ. Hết cơn bỉ cực ắt tới hồi thới lai!”
“Biết chừng nào?”
“Giàu nghèo cũng tợ áng mây thôi con”
“Chú nói như người cõi trên. Cháu chả thấy mây đâu cả chiều nào về cũng thấy ba má lằng nhằng có khi cự cãi nhau”
“Đời mà, nữa cháu ra sống giữa đời cũng vậy thôi, có vui buồn có cười khóc mới là đời”

Buổi sáng qua đi một nửa. Hơi nóng ngoài sân trống hắt vào, mùi hóa chất bên khâu ép đưa sang, cay xè con mắt.
Thằng nhỏ làm chung sắp xếp lại chồng ván ngay ngắn rồi rút điếu thuốc lẻ trong túi mời Văn.
“Nghỉ giải lao chú ạ?”
”Đồng ý”
Xưởng im lắng. Mùa hè. Hàng dừa trồng dọc theo hành lang tường rào xí nghiệp trông thật tội vì phải chịu trận trên vùng đất gò trái khoáy mùa nắng cháy khô. Không biết vị nào trong Ban lãnh đạo của Ngô nghĩ ra cái kế hoạch cây xanh một cách tréo cẳng ngỗng này. Những quài bông dừa trổ héo, rụng đầy dưới gốc. Không hề nghe ong bướm qua về, lui tới, gieo mầm nẩy hạt cho cây.


Phúc đi đâu về, ghé vào, mồ hôi nhễ nhại.
“Công việc thế nào?”
“Cũng được. Ông sao vậy?
“Chạy loanh quanh. Cả buổi sáng không kết quả gì, phải giải quyết ba cái tồn kho, kẹt vốn. Xí nghiệp không ứng trước nữa. Hết nguyên liệu rồi. Tôi đi đây”
Phúc vừa nói vừa đi về phía văn phòng Xí nghiệp, hình như thoáng thấy một bạn hàng đang đứng ở đó.
Thằng nhỏ nãy giờ lặng thinh, cái mặt choắt còm, ngó lên:
“Mười giờ rồi chú, làm chút nữa đi!”
"Ừ, làm thôi”
Lại khiêng, vác, chỉnh lưỡi cưa, bật cầu dao, đường cưa cháy xé khoảng không im ắng. Dù sao đó là công việc, hàng tuần có phát tiền vào chiều thứ bảy. Thứ bảy bao giờ cũng xinh đẹp. Và có 52 cái thứ bảy như thế mỗi năm. Làm một chầu cuối tuần, dãn cái lưng ra. Rủng rỉnh vài chục ngàn lưng túi, ra khỏi xưởng, về quê.


Buổi trưa đi ăn cơm căn tin, gặp Ngô.
“Ông cũng ăn cơm “nhà bàn” ? Phó Giám đốc gì xệ vậy”
“Bảy trăm đồng ngày, ra ngoài ăn gì được !”
Mỗi người lấy một suất, bưng ra bàn ăn.
“Làm được không?”
“Tốt. Qua ngày cái đã”
“ Để tôi nói Phúc cho ông chạy cung tiêu đi. Hợp với ông”
“Sao cũng được. Làm chung với tụi nhỏ cũng vui”
“Xưởng sản xuất yếu quá, không ra hàng được. Có lẽ Phúc phải chạy thêm một máy ép xịn nữa mới có khách”
“Đúng rồi. Chất lượng ép thua người ta xa, khó chạy hàng”

Bữa ăn lặng lẽ, chùng xuống. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Hình như họ không phài đang nuốt cơm và thức ăn vào bụng.
Ngô, Văn và đám bạn cùng thời – năm 1968 – những ngày đêm trên lầu 3 của Trường Kiểu Mẫu ở Huế - những ước vọng của thời tuổi trẻ – quê hương hòa bình độc lập – Những người bạn đã bỏ đi về phía núi xanh cho lý tưởng cuộc đời mình. Cái hộ khẩu bảy người đăng ký ở trại tạm cư ngày ấy. Nhiều năm đã đi qua.
“Bà xã ông giờ sao:” Ngô bỗng hỏi
“Nhập nhằng mấy cái hụi hè. Bể hụi. Bị giựt dọc. Giờ cày trả nợ”
“Mấy đứa nhỏ ?”
“Cũng phải ráng cho tụi nó học”
“Găng nhỉ?”
“Ừ, duới đó cũng bí, tôi phải dọt lên đây, chờ kiếm một công việc nào khả dĩ ...”
”Lúc này khó, đâu cũng thải người ra. Ông còn giữ lại bằng cấp cũ không ?”
“Đốt hết rồi. Hồi đó bà dì trong nhà sợ quá đem đốt hết”
“Để mình hỏi xem có xin sao y lại được không, hồ sơ lưu sợ không còn”
“Cũng tìm cách, tạm thời với Phúc đã. Một thời gian xem sao, không chừng lại trở về quê”
“Ông bất ổn quá”
“Nó vậy mà, hinh như luôn luôn”
“Phải tổ chức lại cuộc sống”
“Ông thì dễ rồi. Thằng Vượng nói đúng ông là đứa ổn định nhất trong đám. Ra trường, lấy vợ, làm công tác khoa học, đâu cũng dùng được”
“Có lẽ vì thế mà mình luôn luôn bứt rứt thế nào. Mình sắp đi Ấn Độ, nửa năm. Mình sẽ thu xếp cho ông một công việc trước khi đi. Có đủ tiền để toan tính việc riêng”
“Cảm ơn ông, nhưng tôi sẽ liệu được. Mười lăm năm qua vẫn tồn tại đấy thôi”
“Thôi mình về đi!”

Buổi trưa nắng dội lửa. Khuôn viên vắng lặng. Mấy ngài tài xế xe tải nằm phê dưới gầm xe ngon lành. Văn nghĩ mình cũng muốn được như thế. Tại sao lại không được nhỉ?
Xưởng có lẽ không qua khỏi mùa mưa này, tôn ván lổ chổ hầu như mục nát. Phúc nói sẽ bàn với Ngô để di dời vào Kho lớn của Xí nghiệp mới cất, nhưng phải thương thảo lại với Ban quản trị Xí nghiệp. Phải qua năm tới. Như vậy thì đống hàng tồn có nguy cơ hư hỏng nếu không giải phóng sớm trứoc mùa mưa này.
Về tới mâm cưa Văn thấy thằng nhỏ đứng xớ rớ như có ý chờ. Nó rủ Văn đi uống cà phê trưa cho tỉnh.
Quán ngoài đường, kế cạnh xưởng. Cô chủ quán nhỏ xinh, quen thuộc với đám nhân công xưởng ván ép, đon đả chào hỏi.
“Bà con hả?”
“Ông chú ở quê lên, người mới đấy”
“Sao râu ria nhiều thế ?”
“Thì già rồi. Này, nhưng cạo gọt rồi coi cũng bảnh lắm đó. Không chừng em dòm cũng xiêu xiêu ấy”
“Cái anh này, nói điêu!”
Ly cà phê đặc quánh, lớp bơ màng nổi lên trên trông cũng khá hấp dẩn.
Buổi trưa nhưng xe cộ vẫn chạy qua lại ì ào. Coi vẻ mặt ai nấy cũng nghiêm trọng, âu lo, vội vã. Không hiểu họ đang nghĩ gì. Còn Văn ?


Buổi chiều làm qua đi, chừng ấy việc, với thằng nhỏ lắm chuyện nhiều điều han hỏi lan man trên trời dưới đất. Và mãi miết. Một đống ván cao ngất chất ngoài sân. Thằng nhỏ nói “tụi cháu chưa bao giờ làm nhiều như thế, làm chung với chú vui thật”
Bốn giờ, Phúc đi đâu về ghé báo tin:
“Ông Văn này, mẹ Ngô mất rồi”
Văn dừng tay:
“Hồi nào ?”
“Mới khi trưa, chở từ bệnh viện, mất tại nhà. Bà đau đã lâu và một cơn mệt cấp kỳ”
“Vậy cũng an phần, tội nghiệp Ngô chưa báo hiếu được bao lâu, hai mẹ con nơi tha hương. Chừng nào ông đi xuống nhà Ngô cho tôi đi cùng”
“Chiều tối ông cứ chờ tôi ở đây”

Bảy giờ tối Ngô mới xuất hiện, tay xách đùm đề hoa, trái cây, nhang đèn, nói Văn đừng mua gì hết, đã có đầy đủ đây rồi.
Nhà Ngô đặc người. Văn gặp lại đám bạn xưa cũ hồi sinh viên lao xao trong nhà ngoài cổng. Ốm gầy, mập phì, bụng bự, đen và trắng, mỗi đứa thay đổi một hình dáng. Nhưng thật thân thiết và cuộc tái ngộ thật cảm động. Nhiều nghề trước đây cả bọn không thể nghĩ ra, để kể nhau nghe, vừa vui vừa tức cười. Dĩ nhiên là không đàn đúm với nhau trong đám tang được.
Vượng có ở đó, tóc bạc hết cả đầu, râu ria xồm xoàm, nhưng thật trang trọng trong bộ đồ vía nghiêm chỉnh. Chắc chắn là nhiều năm rồi hắn không ăn mặc như vậy nên trông lạ mắt (hơi có vẻ khôi hài nếu đã từng biết nhau). Vượng hỏi thăm công việc Văn, rủ Văn ra đầu xóm uống rượu.
Không biết hai đứa uống bao nhiêu, khi bà chủ ra kêu tính tiền đóng cửa thì cả hai đã ngất ngư. Văn hơi tỉnh một chút (chắc uống ít hơn), gọi anh xe ôm tống ba về xưởng ván của Phúc. Vượng dọc đường ngâm nga lè nhè bài tứ tuyệt tặng Văn. Hắn chê Văn suốt đời chả yêu ai ra hồn ra tật cả. Bài thơ ngắn, dễ nhớ:
“ Sợ nhất là trật đường rầy
Khi con tàu phóng như bay qua đèo
Sợ nhất là gặp người yêu
Nói – im – cười – khóc cũng đều dở dang “

Hình như tấm chiếu cói cũng đã được trải ra dưới mâm cưa rộng hai thước trong xưởng ván ép của Phúc. Và hai đứa ngã vật xuống. Trong cơn thảng thốt, Văn nghe sức nặng của cái máy ép 145 tấn đè trên người.


TỪ HOÀI TẤN
(Tháng 9/1990)

lục bát


Gió nước mặn

Lửng lơ, chiếc nón qua sông
Một mùa gió nổi chiều hôm tan nhòa
Lửng lơ, mặt đất ngời xa
Ngày dài trên sóng mình ta chờ người
Lửng lơ, cơn gió về trời
Biển bờ năm ấy vọng lời ru xưa

Từ Hoài Tấn
(Báo Thanh Niên Chủ nhật 31/8/2008 )
http://www6.thanhnien.com.vn/Vanhoa/Vanhoc/2008/8/31/259308.tno