Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2023

THƠ KHÔNG THƠ (từ bài 41 đến 45)

Bài 41

KẺ LẠ


Kẻ lạ là người không quen 

Nhưng không chắc là người không quen của kiếp trước, nếu có 

Lạ và quen chỉ là khái niệm của sự hiện  hữu 

Không phải không có sự đổi thay 

Không phải là bất biến 

Bởi vì loài người, cho đến nay, vẫn còn là dấu hỏi về sự khai sinh của một giống loài thông minh nhất trên trái đất, để thống trị 


Như vậy kẻ lạ là ai 

Có lẽ chỉ là sản phẩm của sự tưởng tượng?

Kẻ lạ có phải là kẻ khác 

Hay

Kẻ lạ chính là mình 



Mỗi người đôi khi là kẻ lạ của chính mình 

Bởi kẻ lạ là minh chứng cho sự tồn tại và hiện hữu của chúng ta 


“tha nhân nắm giữ bí mật về hữu thể tôi, họ biết tôi là ai. Như thế, ý nghĩa sâu thẳm của hiện hữu tôi thì nằm ngoài tôi. Tha nhân có lợi thế trên tôi.”(Jean-Paul Sartre, Being and Nothingness, tr. 473)



Bài 42


NHỮNG CHIẾC GHẾ BỎ TRỐNG 


Những chiếc ghế bỏ trống 

Không phải là không có người ngồi 

Vì không ai thích ngồi ở đó 

Hoặc ai cũng sợ chỗ ngồi đó 

Cho nên bị bỏ trống 

Nhưng rồi cũng sẽ có người ngồi 

Vì không thể để trống

Phải có người ngồi 

Để duy trì sự tồn tại của chiếc ghế 

Nếu không đem vào lò đốt rác 


Những chiếc ghế không thể bỏ trống 

Hoặc không có 





Bài 43

CHỖ NGỒI 


Có những chỗ ngồi tiếc nuối khi nhìn lại 

Là chỗ ngồi trong lớp học của tuổi thơ 

Khi cuộc đời chưa mang đến một ý nghĩa nào cả 

Là chỗ ngồi trong khu vườn tuổi trẻ mộng mơ nhiều ước vọng 

Là chỗ ngồi bên người yêu buổi hẹn hò đầu tiên của anh thanh niên mới lớn 

Là chỗ ngồi trong một quán cà phê ngày tháng thất nghiệp 

Là chỗ ngồi trên sân ga hay phòng đợi nào đó chờ một cuộc lên đường 

Là chỗ ngồi trong khu bảo sanh chờ một sinh linh sẽ ra đời 


Mỗi người ai cũng có một chỗ ngồi đáng nhớ trong suốt cuộc đời 

Trừ khi bạn không có chỗ ngồi nào cả 

Bạn sẽ lơ lửng giữa thinh không 

Bạn đã vượt ra ngoài vòng sinh tử 

Bạn chỉ là mây bay 

Hoặc bạn là một sự vật nào đó không có thật 





Bài 44

VIẾT TIẾP GIẤC MƠ 


Tôi thường muốn nhớ lại những giấc mơ 

Nhưng không bao giờ nhớ được 

Vì vậy tôi phải viết tiếp 

Những giấc mơ 

Khi không còn mơ được 

Như vậy đó không còn là giấc mơ 

Chỉ là hiện thực của đời sống 

Đôi khi tôi có ý tưởng rằng giấc mơ là một đời sống khác của ước vọng 

Và tôi cần viết tiếp 

Vì khi những gì không đạt được trong cuộc sống hiện hữu 

Người ta sẽ có trong những giấc mơ 

Thường là vậy 

Có ai ngủ không mơ đâu nhỉ 





Bài 45

THÁNG MƯỜI Ở SÀI GÒN 


Tháng mười ở Sài Gòn hay của Miền Nam, thường là lúc giao mùa giữa mùa mưa và mùa nắng 

Nước nổi ở đồng bằng đã rút hết 

Người ta chuẩn bị một mùa lúa mới, trên lớp phù sa vừa được bồi đắp 

Đó là mấy chục năm trước, khi tôi còn lang thang kiếm sống ở Miền Tây 

Khi đó, “Miền Tây không hề yên tĩnh”

Những đoàn người, là chúng tôi, được phân loại là tầng lớp ngoài lề xã hội, gọi là ngoài luồng, đổ về những khu hoang hóa, để lập những làng mạc, để bắt đầu cho một cuộc sống 

Đó không phải là quần đảo Goulag của ông Solzhenitsyn 

Vì tất cả đã được tự do 

Hít thở không khí tự nhiên giữa trời cao rộng lớn 

Theo một ý nghĩa nào đó thì được tự do sống không có những hàng rào vây quanh và không có “người bảo vệ”


Nhưng chúng tôi không được “tự do” lâu như thế vì chiến sự   đã nổ ra ở biên giới phía Tây Nam, chỉ cách chỗ chúng tôi chưa đầy cây số 

Đoàn người phải rút trở lại thành phố và giải tán ai ở đâu về đó 

Bấy giờ là mùa khô 

Tháng mười năm ấy tôi lại lang thang khắp ngõ hẻm Sài Gòn trên chiếc xe đạp bà chị họ cho, bỏ báo, lấy báo cho Dì  tôi, để kiếm cơm và chỗ ở  

Tôi không còn sự chọn lựa 


Nhưng dì tôi sẽ đi định cư nước ngoài trong thời gian tới 

Tôi phải chuẩn bị rời khỏi nơi đây 

Tôi không có con đường nào để đi 

Bây giờ là tháng mười 

Nghe phía nơi chốn cũ, biên giới phía Tây Nam chiến sự tạm lắng xuống 

Tôi quen một gia đình khi còn ở đó và họ muốn tôi về đó lập nghiệp 

Tôi phải quyết định 

Tôi phải thay đổi 

Tháng mười ở Sài Gòn 

Từ biệt một chặng đường đời 


Và tôi đã về nơi ấy 

“Quần đảo Goulag” của đời tôi 

Hình như vật vờ hơn mười lăm năm !















Thứ Bảy, 14 tháng 10, 2023

Trần Bảo Định : MẤY KHÚC ĐOẠN GIANG HỒ - NGẪM SUY VÀ THƯỞNG NGOẠN THƠ TỪ HOÀI TẤN


 

Cơ hội gặp gỡ, trao gửi đôi lời, âu cũng là hữu duyên. Vì duyên ấy, lòng những mong thủ thỉ đôi dòng sẻ chia. Hẳn bạn thơ cũng không phiền lòng, nghĩ thương mà cho kẻ đồng cảnh ngộ. Nhờ “Mấy khúc đoạn giang hồ” đưa chân làm cuộc tiếu ngạo trong cõi giang hồ chữ nghĩa. Dẫu biết xưa nay, bút trận như chiến trận: “gió tanh mưa máu”; cũng mạo muội liều mình luống mong tao ngộ!

“Đường đi không tới không lui

Cây to bóng phủ xuống nơi mái nhà

Khóc đời từ độ oa oa

Tình dương thế nổi chìm sa hề gì

Đường quan không có người đi

Tới lui tự thuở phân ly đêm ngày

Đất trời cùng với cỏ cây

Nước mây sông núi đó đây một màu” (tr.66)

Từ bao quan lộ cuộc đời, người với người đã gặp nhau!

1. Quê hương giang hồ

Quê hương lênh đênh theo phận nước. Người từ đất quê sinh ra, lớn lên rồi lưu lạc, thành ra cũng mang mệnh số giang hồ như quê hương. Vận mệnh quê hương in hằn lên cuộc đời thi nhân. Cảm thức giang hồ phải chăng biểu hiện qua sự trôi dạt, đánh mất, rời bỏ, mù tăm. Hồn thơ giang hồ cũng chính là lòng dạ kẻ tha phương.

“Ngày qua như gió như giông

Phên thưa mựa tạt trời không ngó người

Nhà tôi cạnh nẻo đường xuôi

Ưu tư bề bộn như đời lớp lang

Mùa thu chốn cũ nắng tàn

Lòng người lữ thứ mây ngàn bay ngang

Về đây phiêu bạt mười năm

Dòng sông kín những mù tăm dấu người

Trầm hương bay tưởng một thời

Xuân mùa đẹp những môi cười trinh nguyên” (tr.4)

Mù tăm dấu người của dòng sông quê hay kẻ xa quê mù tăm thiên lý mà lòng còn chất nặng quê nhà trong tâm khảm. E rằng, chính lòng người còn luyến lưu nên tăm hơi quê nhà còn hằn lại trên con chữ, dầu rằng chính quê nhà không chịu nổi sức bào mòn của thời thế. Cho nên, quê nhà bấy giờ chỉ còn tồn tại trong tâm tưởng kẻ lưu lạc. Phải chăng!...

“Quê miền gió rộng đường bay

Thở hơi hào sảng một tay giang hồ

Mặn mà tình gái ngây thơ

Cười cong đuôi mắt ơ thờ lãng du

Có em mộng đã như mù

Tàn phai mấy thuở mùa thu tình gần

*

Êm đềm ngày mới đi ngang

Trong ta nghe những đời khang khác là” (tr.68)

Hào sảng giang hồ” từ đâu mà có? “Từ Hoài Tấn xa gia đình từ nhỏ, gia đình ông cũng rời quê hương từ sớm, lúc đi tản cư, lúc tìm đường lập nghiệp. Thời chiến, ông đã đặt chân đến Nam Bộ nhưng âm sắc miền này chưa đậm trong thơ ông”[1]. Cũng bởi thế và thời, người lưu lạc giang hồ, lạc bước quê người. Cho đến khi thân phụ gửi thân xa xứ, nằm lại bên đường trên mảnh đất kẻ lạ người xa, Từ Hoài Tấn càng nhận diện sâu sắc phận lạc loài/kiếp “cô hồn” (như năm cũ Cậu Chiêu Bảy than khóc chiêu hồn chúng sinh[2]). Từ kiếp giang hồ đến phận cô hồn vất vưởng, thiết nghĩ, chỉ là một mà thôi! Phận cô hồn gửi thân xứ người luống trông “những ngày” chính là phiêu dạt giang hồ đến khi chết đi vẫn không thôi giang hồ phiêu dạt.

“Quê người nấm đất che thân

Trăm năm ngọn cỏ khô vàng lắt lay

Tiền vàng bạc giấy lầu đài

Nén hương thắp tưởng những ngày còn không” (tr.10)

Thấy người như thấy mình! Nấm mồ thân phụ nằm lại quê người. Bạn đọc hẳn nhận ra vẻ thinh lặng của thi nhân khi đước trước mồ cỏ thân phụ chiều 25 Tết. Chạnh nhớ người xưa mà có lẽ ngậm ngùi cho thân phận mình hiện tại. Mai đây liệu có lạc loài xa xứ nằm lại quê người. Năm xưa Minh Đức Hoài Trinh thay lời thiếu nữ vọng từ bên kia thế giới[3]; còn Từ Hoài Tấn thấy phận mình trong cái nhìn “nấm đất che thân”. Nhưng có khác, nếu như người thiếu nữ của Minh Đức Hoài Trinh ớn lạnh cô độc van lơn rủ rỉ dưới lòng đất sâu (“Đừng bỏ em một mình/ Cho côn trùng rúc rỉa/ Cỏ dại phủ mộ trinh/ Cho bão tố bấp bênh”); thì hồn thơ Từ Hoài Tấn cảm nghiệm hư không cuộc đời. Tạm nghĩ như Phật lý: sắc tức thị không!

Từ Hoài Tấn là kẻ tha hương! Có lẽ đúng! Nhưng nói đúng hơn, Từ Hoài Tấn dẫu làm kiếp giang hồ lưu lạc mà chưa một ngày xa quê. Bởi nhà thơ mang theo quê hương trên mỗi chặng đường “lỡ bước sang ngang”. Dầu ở chặng đường nào, bến bờ nào, Từ Hoài Tấn vẫn giữ kỹ quê hương trong lòng mình. Đó là bóng hình thân phụ, là ngày giỗ mạ - nhà thơ quay về phút giây ban đầu làm người. Lời ru của mạ là chìa khóa mở ra ký ức quê hương – hành trang chất nặng trên lưng thi nhân trên mỗi chặng đường đời.

“Con quì cúi lạy mẫu thân

Là đêm thức trắng năm canh chờ ngày

Con quì hôn cả cỏ cây

Lệ mừng ướt đẫm phút giây làm người

Mai kia mốt nọ vào đời

Là con vẫn thuở mạ ngồi ru xưa” (tr.45)

Bụi đường lấm lem bao nỗi, ấy vậy, nhà thơ vẫn lấy bóng hình mẫu thân, lời ru của mạ cất giữ như kỷ vật đời người. Đó là nguồn nước mát tẩy rửa thân thể-hình hài-hồn phách lấm lem gió bụi mưa dầm. Để, con mãi là đứa con nguyên vẹn như thuở lọt lòng mạ. Dầu cho lưu lạc cơ hàn trầy trụa, kẻ giang hồ vẫn là đứa hài nhi ấu thời!

Để một ngày trở về quê cũ, hóa ra, đứa hài nhi với mệnh số lưu vong sẽ mãi mãi lưu vong trên cõi thế. Ngửa mặt nhìn trời, cúi mặt nhìn đất, nhà thơ không thể lý giải được mệnh số lưu vong trong một kiếp người. Chỉ có thể, người thơ và đời thơ phải sống với thân phận lưu vong suốt kiếp. Có chăng, sau khi đã đi hết trọn kiếp lưu vong mới ngẫm ra ít nhiều nghĩa lý của sự lưu vong.

“Vàng phai chiều nắng thôn quê

Một xe trong cõi đường về cố hương

Bụi đường đỏ nhuốm tà dương

Cây đời chẻ nhánh lưu vong một thời” (tr.76)

Cây đời chung gốc mà phận người mỗi nhánh, đâu ai giống ai. Thử hỏi, ai người sớt chia giúp cho thân phận lưu vong (chí ít hiểu thấu phận lưu vong thay mình), không thể! Làm người, làm thơ: tức là mãi mãi lưu vong! Chẳng biết hồn thơ Từ Hoài Tấn, đến nay, có còn chấp chới trong bay trong đời gió bụi chở trên lưng bản án lưu vong hay không?

 

2. Bằng hữu giang hồ

Bạn lòng “tam bách dư niên hậu” - thiên hạ có Từ Hoài Tấn khấn cầu Tố Như. Bởi vì sao người thơ làng Chuồn khấn cụ Nguyễn. Đó là vì “đôi mắt em cửa vô cùng”! Lối so sánh của nhà thơ thật độc đáo. Phải chẳng đôi mắt em là vực thẳm, là cổng dẫn về lối thiên thu vô cùng tận, hễ thi nhân lạc bước sa chân, liền không thể quay đầu. Đọc mấy dòng, bạn thơ có thể liên tưởng về mối giao tình của Từ Hoài Tấn với “người nữ phiếm định” trong bài thơ, chẳng khác gì mối giao tình giữa Tố Như và Tiểu Thanh năm nào[4].

“Trưa ngồi – nắng gió mông lung

Đời thưa phên liếp những trông cùng chờ

Tưởng ta vừa tới bến bờ

Nào hay chân vẫn dật dờ hư không

Đôi mắt em cửa vô cùng

Bàng hoàng là của một lần khép đi

Trưa ngồi – uống rượu sầu bi

Cầu xin cụ Nguyễn Du “chi” mấy dòng” (tr.8).

Vì mối giao tình ấy, Từ Hoài Tấn chợt thấy mình ở trong tâm thế Tố Như. Bấy giờ, bạn Hiền đã trở thành bạn hữu với Hồng Sơn Liệp Hộ. Bằng hữu hiền hòa trong thơ ca đã gặp nhau trong những nỗi đau đời như thế! “Đồng Lung giang thuỷ khứ du du,/ Kim cổ nhàn sầu bất trú lưu”. Khứ du du của cụ Nguyễn với đời trôi dạt của Từ Hoài Tấn, há có khác gì nhau!

Nói vậy không có nghĩa người thơ đèo bồng bắt quàng danh gia vọng tộc. Ngược lại, lối tiếu ngạo của nhà thơ Từ Hoài Tấn vừa có nét dung dị, bình dân lẫn cả nỗi u mặc Đông phuong[5] pha chút trào phúng. Đọc chậm, ngẫm kỹ, có lẽ bạn đọc mới nhận ra những sắc thái tế vi ấy trong thơ của ông.

“Chúa trên cao ý ngôi lời

Chúng con thần hạ sáng ngời rượu bia

Tôi ngồi đội mão mang hia

Bầy chim bỗng xuống tung hệ hai hàng” (tr.9)

“Giấc mộng con” và “hội phù hoa” chỉ một đàn chim sà xuống lập tức tan biến. Hỏi rằng cuộc mộng nào! Nhà thơ không nói nhưng người đọc hẳn biết. Bởi tâm sự thi nhân “cùng một lứa bên trời lận đận”. Do đó, những tâm hồn lưu lạc thời thế chung góp lại làm trận“sáng ngời rượu bia”. Niềm tin về những gì tuyệt đích và “cao ý”, e rằng chỉ là “bánh vẽ” dưới gầm trời vốn dĩ khốc liệt tàn nhẫn. Tín niệm tuyệt đích không thể khắc chế tàn nhẫn khốc liệt của đời, có chăng chỉ một phút bia rượu sáng ngời có thể khỏa lấp đời khóc liệt tàn nhẫn. Đảo qua tráo lại, mão hia tan tành. Nhà thơ trở về chân thân “nhân tính” trên cõi người và cõi thơ.

Có người nói:

“Đôi lúc nghĩ trời sinh mỗi mình ta là đủ

Vì đám đông quậy bẩn nước hồ đời

Nhưng lại nghĩ trời sinh thêm bè bạn

Để choàng vai ấm áp cuộc rong chơi”[6]

Nhưng không có bằng hữu e rằng cuộc giang hồ không thể tới nơi. Từ Hoài Tấn càng là người trọng bằng hữu. Cho nên không lạ gì, nằm bệnh như nằm bến, đôi chân đôi mắt lại nhớ bạn hiền. Bệnh tật chẳng có ngục thất mà có thể khóa bước chân người du tử. Những khi bệnh, bằng hữu không xa mà tình bạn tự dưng cách trở. Người nghĩ xem vì sao? Nhưng dầu gì, dầu cho bằng hữu sống với Hiền như thế nào thì bạn Hiền đã hết mình với bạn. Nhà thơ ghi và nhớ những niềm vui trong cuộc giang hồ bằng hữu.

“Có con đường ở ngoài kia

Bụi mờ che mặt bên lề nhìn mông

Một tuần lại tới nhớ trông

Những mùa vui ấy còn không hở người

Nằm đây thương cả cuộc đời

Ốm đau là chuyện qua rồi, buồn chi” (tr.34)

Dường như mẫu số chung giữa những cánh chim giang hồ phiêu bạt: tình có thể thiếu nhưng bằng hữu thì không. Bằng hữu khác gì ô cửa mát gió thổi vào tâm hồn, là những cánh chim đồng cảnh ngộ cùng chặng đường bay, có thể sẻ chia nỗi niềm tâm cảm. Chặng đường ấy đến đâu, được bao lâu còn tùy từng cánh chim, ít nhất đã có thể chung cánh dăm ngày bảy bữa. Lấy đó làm an ủi, chim lạc đàn lại tiếp tục cuộc bay!

Hơn nửa thế kỷ gắn bó với thơ, gia tài chữ nghĩa Từ Hoài Tấn tất nhiên rất phong phú về hình ảnh và chất liệu thi ca. Nhưng, hình ảnh lặp lại nhiều lần trong thơ Từ Hoài Tấn: “cỏ cây”. Tần suất sử dụng hình ảnh này khá dày đặc (nhất là trong tập Mấy khúc đoạn giang hồ). Việc này có thể được lý giải như thế nào? Nhà thơ có khuynh hướng trở về với thế giới tự nhiên hay có thể xem như nỗi lòng nhà thơ gửi về phía sinh thái! Không chắc! Nhưng có chắc một điều: nhà thơ lấy cỏ cây làm bè bạn. Bởi người hay thủ thỉ thì thầm bày tỏ nỗi niềm cùng cây cỏ.

“Một mai ta bước ngang đồng

Một mai ta ngủ giữa hồn cỏ cây” (tr.5)

“Tiếng mưa như có một lời

Yêu thương cũ đã xa rồi cỏ cây” (tr.7)

“Con quì hôn cả cỏ cây

Lệ mừng ướt đẫm phút giây làm người” (tr.45)

“ta quì hôn ngọn cỏ cây

trong hiu hắt ấy đã đầy niềm vui” (tr.50)

“Đất trời cùng với cỏ cây

Nước mây sông núi đó đây một màu” (tr.66)”

“Nằm phi một giấc tới trưa

Cỏ cây lạ cũng vui đùa cùng ta” (tr.73)

Phải chăng người thơ cảm thấy đã không thể sẻ chia nỗi lòng với “đồng loại”. Người thơ chỉ còn có thể ký thác lòng thơ cho trời đất vô cùng, cho cây cỏ vô tri và con chữ hàm hồ. Nói vô tri nhưng chí ít, cỏ cây còn biết thầm thì. Và, mưa còn biết rả rít. Tiếng gió lao xao lùa qua cây cỏ hay tiếng mưa tí tách, thể như cuộc đối thoại giữa người thơ và hồn thơ. Mưa cũng là “bằng hữu” thường thấy trong chuyến lưu lạc giang hồ của Từ Hoài Tấn. Nhà thơ hay nhắc tới mưa. Lấy mưa làm đối tượng để tâm tình, ông kể lể với mưa những ưu phiền trên bước đường trôi dạt. Tần suất sử dụng hình ảnh mưa trong thơ Từ Hoài Tấn do đó cũng rất cao. Từ mưa đêm, mưa ngày, mưa khuya; cho tới mưa bay lất phất, mưa dầm dề:

“Mưa mùa xin trút giùm tôi

Những đau khổ ải những lời đắng cay

Mưa mùa xin đẫm lời cây

Lá non sẽ nẩy mầm thay cuộc đời” (tr.74)

Hay:

“Gởi tình trong quán chiều nay

Khói sương một thuở mù mây trời gần

Xin em đôi chút ân cần

Nữa mai xa tới trăm ngàn dặm trông’ (tr.75)

Tới đây, bạn đọc hẳn tự hỏi: cớ sao lòng người và hồn thơ ngày càng mất kết nối với “đồng loại”? Sao những bạn bè/chiến hữu/chí cốt bao năm dần trôi dạt mờ phai trong cõi thơ Từ Hoài Tấn. Mãi rồi những cánh chim lưu lạc tản hàng bay biến, chỉ còn lại nhà thơ làng Chuồn trơ trọi. Phải chăng càng lưu lạc chìm nổi mới nhận ra bạn xưa bấy giờ có lẽ chỉ là “bè” chứ không phải bạn; hay bởi vì cảnh ngộ đồng thời giữa người với người không còn, nên mối giao tình đến hồi lợt lạt lãng quên. Không chắc vì lý do gì, nhưng bạn đọc chỉ có thể chắc rằng: bằng hữu giang hồ trong cõi thơ Từ Hoài Tấn cho đến cuối cùng, chỉ còn lại cây cỏ, gió mưa và niềm thinh lặng!

 

3. Lục tỉnh giang hồ

Rong chơi Lục tỉnh nhưng Từ Hoài Tấn không phiêu dật kiểu Trang Chu. Nhà thơ đến chơi rồi sống thật ở miền Lục tỉnh. “Mong đợi một ngày trở về, giã từ những chuyến phiêu linh không định hướng, nhưng thời cuộc lại bắt buộc nhà thơ giang hồ một lần nữa với con đò và mái chèo lang thang một vùng sông rạch miền Nam”[7]. Lưu đày vốn là bản án cuộc đời Từ Hoài Tấn. Lưu đày cuộc đời và lưu đày vào thơ ca, đồng thời với nhau. Năm tháng lang thang sông rạch miền Nam mang lại cho thơ Từ Hoài Tấn sinh khí mới, luồng gió mới, thi liệu và cảm hứng mới.

“Chào ta đã tới Long An

Tràm xanh cùng với rừng bàng mênh mông

Mùa vàng chín lúa biền sông

Một trời thương ở bên Đông Cỏ Vàm” (tr.22)

Cuộc đời xô đây, nhà thơ làng Chuồn trôi dạt đến vùng đất bưng biền ven sông Vàm Cỏ. Như Phan Ngọc Hoan từng nói: “Khi ta ở, chi là nơi đất ở / Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!”. Nhưng Từ Hoài Tấn không thể rời xa mảnh đất phương Nam bao dung bước chân giang hồ phiêu bạt. Người và đất gắn bó tâm hồn không thể tách rời. Nhà thơ nảy sinh lòng yêu thương với mảnh đất kẻ lạ người xa. Rồi xa cũng gần, rồi lạ thành quen, lục tỉnh trở thành một phần máu thịt của nhà thơ và đời thơ. Dấu ấn sâu đậm nhất chính là vùng đất Long An, Sài Gòn; sau nữa có Tây Ninh, Cần Thơ, ... “Phải đến ngày hòa bình, số phận đun đẩy ông tìm kế sinh nhai suốt 15 năm ở miền Tây. Trong “Khúc dạo đầu” tập thơ Bản tình ca của gió bụi (2018), Từ Hoài Tấn bộc bạch: “Đầu tiên tập thơ này được đặt tên Nhật ký của bể dâu, ghi dấu những năm giang hồ vùng bưng biền sông nước của tỉnh Long An. Từ những đồng bưng mênh mông Đồng Tháp Mười vùng Đức Huệ - Mộc Hóa đến sông nước hai con sông Vàm Cỏ Đông - Vàm Cỏ Tây với những cánh đồng trồng thơm và tràm bông vàng bên những con kinh xáng múc ở các khu kinh tế mới Củ Chi, tôi đã phiêu dạt nhiều năm với chiếc ghe bầu hai tấn rưỡi”[8]. Cứ phiêu bạt, cứ giang hồ, cứ đi mải miết, cho nên thi nhân ví von đời mình như con đường và nhịp cầu. Người đi trên đời hay đời trải lên người!

“Đời tôi là một con đường

Nên thương hay giận cũng thường như nhau

Đời tôi là một cây cầu

Đi qua đôi bận để sầu mấy khi” (tr.48)

Thị phi không thể tránh né! Cuộc giang hồ lục tỉnh, người thơ dừng lại Hậu Nghĩa một thời. Sống với đất Hậu Nghĩa cảm khái, nhà thơ gửi tặng mười bài liên hoàn, gọi là cảm nghĩa xứ sở quê người. Cuộc giang hồ Hậu Nghĩa cũng lắm tang điền. Không chỉ Hậu Nghĩa tang điền, lòng người vốn đã sẵn tang điền đó thôi! Mang theo tang điền hẳn sẽ gặp tang điền, dầu cho lưu lạc đến bến bờ nào đi nữa. Như vậy trách ai: trách xứ sở tang điền hay trách lòng người cứ tang điền! Liệu đến giờ, Từ Hoài Tấn đã trả lời được câu hỏi này chưa? Chẳng biết, chỉ thấy nhà thơ ôm tang điền vào lòng “quì hôn”, nhờ có tang điền đời mới bể dâu, chính vì khổ ải mới nảy nở niềm vui. Nói vậy, người thơ nên lạy tạ khổ ải nữa mới phải!

“nhớ thương là cuộc tang điền

ghét yêu cũng chỉ cơn điên tháng ngày

ta quì hôn ngọn cỏ cây

trong hiu hắt ấy đã đầy niềm vui” (tr.50)

Vậy là đủ, niềm vui còn lại sau khi người lên cơn sốt điên loạn ngày tháng. Lăn trở trong tháng ngày đầy biến cố, nói sao lòng người không đảo điên. Trời đất còn điên đảo nữa là! Sau ba đào tang điền điên đảo, lòng người lắng đọng. Rốt cuộc chỉ còn lại niềm vui có nghĩa lý. Mà, niềm vui trầm lắng từ hiu hắt quạnh quẽ, không phải ai cũng cảm nghiệm được niềm vui trong tình cảnh như Từ Hoài Tấn.

Vì sao đất Hậu Nghĩa khiến Từ Hoài Tấn có nhiều tâm tư đến thế? Người thơ và mảnh đất này bị mối duyên nào ràng buộc? Nỗi niềm thầm kín riêng tây, hẳn chỉ có thi nhân thấu suốt. Bạn đọc chỉ nắm níu chút chữ nghĩa lần dò vào tâm cảm người thơ. Để thấy, cái se sắt lạnh gió Xuân trên mảnh đất Hậu Nghĩa xuôi khiến lòng người bỗng chạnh buồn.

“ngọn gió Xuân buổi sáng

chạnh lòng buồn

vì đâu đời đáng sống

dòng lệ tuôn” (tr.50)

Liệu bạn đọc có nhận ra phong cách/thi pháp/khuynh hướng Haiku trong đôi vần thơ trên[9]. Mỹ cảm thoáng qua u buồn nhưng sâu sắc. Câu hỏi tu từ “vì đâu…” tích tắc trong tâm tưởng như khơi dòng cho hàng lệ tuôn tràn. Lối phác họa đơn sơ, giản dị mà vi tế, chỉ chấm phá mà khiến cho con chữ có thần phách. Trong vài âm tiết, lời thơ đầy đủ cả đơn sơ (wabi), mềm mại (Shiori), tịch lặng (sabi), u huyền (yugen), khinh thanh (karumi), bi cảm (aware), … : “dòng lệ tuôn”.

Dòng lệ tuôn ấy, dòng đời lưu lạc, chứ còn gì nữa! Đường lục tỉnh giang hồ, đúng hơn, con đường truy vấn tìm nghĩa lý cuộc đời. Con đường giang hồ lục tỉnh đưa tới nhận thức về diện mạo đời sống. Nhà thơ ngó thẳng vào mặt đời và nói những lời chua xót. Chuyện được mất chẳng qua chỉ là hư không. Có đó rồi mất đó, cũng chỉ là tình thế cho con người nhận thấy sự có mặt của mình trên cõi đời. Đường dài lục tỉnh là quá trình giúp nhà thơ nhận diện “sắc tức thị không”.

“Mất còn một phút như không

Đắng cay là thuở ân cần vào ra

Nguyện lòng như một đóa hoa

Ngày ngày vẫn nở đường qua cuộc đời

Khi đi muôn dặm núi đồi

Còn nghe lạ những con người dã nhân

Ở, về, đây, đó bâng khuâng

Nẻo, đường, lối, ngõ, cũng ngần ấy thôi” (tr.62)

Quanh đi quẩn lại trên cuộc thế rốt cuộc cũng đâm đầu vào hư vô. Nẻo nào, đường nào, lối nào, ngõ nào cũng chỉ vậy thôi. Bởi tất cả nẻo/đường/ngõ/lối đều dẫn con người về hồ không vô nghĩa. Rốt cuộc chỉ còn lại cuộc giang hồ là có nghĩa lý.

Và cuộc giang hồ có nghĩa lý, bởi trên đường lục tỉnh thiên lý có những mối giao tình luyến lưu. Nghĩ cũng lạ, người ra đi coi như khép tình vào ly biệt. Ấy vậy mà, chính vì tình ly biệt mà cuộc lưu đày giang hồ mới thành ra đẹp đẽ, thú vị và có nghĩa lý. Thử hỏi: vậy có phải “thể tính” thơ Từ Hoài Tấn nằm ở căn cơ “phôi pha”. Cái tình ly biệt cũng là đời chôn lấp. Thơ Từ Hoài Tấn chẳng bao nhiêu sum hiệp, ngược lại, bạn đọc nhìn đâu cũng thấy chia cách, từ giã. Lòng người dường như vốn đã mang ý hướng từ giã ngay buổi lọt lòng.

“Đưa em về tới Cần Thơ

Rượu bầu lưng nửa nghẹn lời từ ly

Mối tình có cũng đôi khi

Như chim xa núi đường đi dặm dài

Thôi em lần nũa chia tay

Sầu ta ở lại chiều nay trên phà” (tr.82)

Và:

“Chiều xanh như nước Cửu Long

Ai về bên ấy để lòng bên nay

Sầu mong nữa có chia hai

Tình vui thoáng chốc liêu trai dấu(!) người

Em đi biển đã xa bờ

Ta đành ở lại Cần Thơ ngậm ngùi” (tr.82)

Rong ruổi khắp miền lục tỉnh, gieo chân khắp chốn để rồi chôn tình khắp nơi! Dù bôn ba đến đâu chăng nữa, giao tình cũng chỉ để từ biệt mà thôi!

 

4. Tình ái giang hồ

Tình vạn cổ thiên thu, hỏi nguồn cơn bắt từ đâu? Thi nhân không thể trả lời được. Cũng như bao nhiêu hồn thơ xưa nay không thể trả lời được. Có lẽ chỉ là ám tượng siêu hình đeo đẳng bất cứ kẻ nào lỡ sa vào lưới tình với thơ ca. Từ Hoài Tấn đã sa lầy trong tình vạn cổ. Hỏi: người thơ làng Chuồn cũng như người thơ xưa nay làm sao giãy thoát? “Một chiều thu” mà cũng là “vạn cổ thu”: bóng hình giai nhân phiếm định. Đúng hơn, giai nhân huyễn tưởng khởi sinh từ mùa thu thi ca.

“Chiều thu ôi với chiều thu

Có em đi giữa sương mù cố hương

Sầu lòng vạn cổ tơ vương

Tình anh năm trước náu nương ngậm ngùi

Một chiều thu lỡ chiều thu

Mắt em có dõi chờ mưa thiên đường” (tr.6).

Bạn đọc gặp thu và giai nhân mùa thu trong thơ đã nhiều: xa có Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Di, … gần có Tản Đà, Lưu Trọng Lư, Đinh Hùng, Bùi Giáng, … Và giai nhân mùa thu của Từ Hoài Tấn có lẽ cũng thuộc về phương trời mang mang thiên cổ sầu của người thơ năm ấy. Từ Hoài Tấn đã gặp gỡ bạn thơ bốn phương Đông Tây kim cổ trong mối tình thiên thu này.

Thơ-say-em-Xuân: bốn chất điểm thơ ca trong cuộc lãng du giang hồ tình ái của Từ Hoài Tấn. Từ đây, bạn đọc có lẽ hiểu ra vì sao người xưa nghĩ “rượu” như “xuân”. Thơ thì say, say thơ; em thì xuân; say em. Bởi vì say nên đắm đuối, mời gọi xuân cũng là rủ rê em. Lời tỏ tình thắm thiết của mùa xuân thi ca!

“Em ơi ở lại mùa Xuân

Như mây cùng gió còn vương vấn người

Em ơi ở lại với đời

Sớm trà trưa rượu ly mời ngã nghiêng

Em ơi ở lại bên miền

Bên ngàn năm nhẹ lời thiêng tỏ tình” (tr.11)

Thắm thiết vì lời tỏ tình bằng thi ca với Từ Hoài Tấn là những lời thiêng liêng níu kéo vì một nỗi yêu mến mùa xuân quá mức. Nhận ra lòng yêu mến mùa xuân, người đọc cũng hiểu rằng đông giá đêm trường bao bủa phận người. Nhưng càng đêm trường đông giá thì mùa xuân càng quý giá, đáng trân trọng. Hỏi sao, nhà thơ làng Chuồn không yêu mến xuân. Cũng như bao người yêu mến xuân, nhà thơ Từ Hoài Tấn đã yêu và mến nên mạnh dạn tỏ tình! Tỏ bày chân tình bằng thi ca, càng khẳng định thiên tư tao nhã hơn người!

Nhưng đơn phương rồi chia cách, tình thoáng qua cũng như tình vạn cổ: mệnh số tình ái phải chia xa. Tình không thành cũng là tình đẹp nhất, chẳng phải thiên hạ vẫn nghĩ vậy đó sao. Phải chăng vậy, Từ Hoài Tấn sa lầy trong những cuộc mộng không thành. Cơ bản, quan niệm tình ái của thi nhân, rốt cuộc thế nào cũng tan vỡ chia cách. Nhưng tan vỡ không có nghĩa cạn yêu, mà đúng ra, vì muốn yêu trở nên trọn vẹn mỹ mãn. Còn yêu trọn vẹn mà lòng buộc cách xa nên đành gửi thương nhớ về một phương trời! Bấy giờ mới có cơ hội “thôn đoài ngồi nhớ thôn đông” chứ! Dù Nguyễn Bính, dù Từ Hoài Tấn, bệnh tương tư đâu có chừa ai!

“Nhớ em như những ngày này

Mưa đầu trên phố sầu dày trên tay

Gởi vàng cho lá lìa cây

Gởi tình cho kẻ sắp bày chia xa

Mai kia mốt nọ cũng là

Nhớ ai ai nhớ chờ ai ai chờ” (tr.14)

Tình ái giang hồ có hợp thì có tan. Lẽ thường tình! Có chăng, sau khi tan đàn vẫn còn luyến lưu làm thành luyến nhớ, lấy nhớ gửi thương đến phương trời cách biệt. Để “mai kia mốt nọ” còn có bóng hình cũ để gửi gắm chút tình gọi là. Âu cũng là cách thế xưa nay của những ai chung kiếp lưu đày thơ ca, chung cảnh lưu vong si tình.

Nhưng tại vì sao cứ si tình, cứ chia cách, cứ vỡ tan? Người trôi dạt giang hồ bờ này bãi nọ, nói sao tình ái không bãi nọ bờ này. Nhưng dù cho bến bờ chìm nổi, người thơ vẫn giữ tấm tình chung. Nhớ thương làm chứng, sầu thương làm bằng, đêm nằm nghe mưa rơi rắc cho tình em thêm não nề hồn anh. Nhà thơ làng Chuồn có lẽ mang phong khí xứ Huế: sầu nặng ân tình. Do đó, khối tình chung đeo đẳng trên từng bước giang hồ bèo bọt.

“Đưa tình qua một khúc sông

Tay chèo lỗi nhịp lời buông giữa dòng

Tội tình bèo nước long đong

Người yêu ơi mắt dõi mong hẹn về

Mưa dài dặc mấy sơn khê

Tình em năm ấy não nề lòng anh

Đêm nằm nghe kiếp vây quanh

Một phương ảnh chớp rất nhanh qua trời

Mưa dầm mưa mãi đời tôi

Cho dòng ai sẽ trôi lời tình xưa

Bồi hồi, mai chuyến xe trưa …” (tr.17)

Mưa đời dứt tạnh, chớp giật rồi ngưng; mà cơn mưa tình năm cũ còn mãi không thôi. “Ngay với những trang thơ không có một chữ “mưa” nào của Từ Hoài Tấn, nhưng ngữ-cảnh toàn bài, cũng cho tôi cảm được đâu đó, hơi hướm những cơn mưa chờ đợi. Tôi nghĩ, có dễ “mưa,” chiếc bóng thứ hai, đeo đẳng hành trình và, cũng là định mệnh thi ca của tác giả này?”[10]. Mới thấy, tình lê thê rơi rắc trong tâm hồn mới dai dẳng sầu rũ khôn lường. Từng cuốc xe có đón rồi đỗ, có bến bãi điểm dừng, mà cuộc tình không có dừng đỗ. Người thơ mang khối tình u uất trong lòng rong ruổi làm hành trang giang hồ bụi bặm.

Ăn nhờ ở đậu, trọ tạm ven đường, “mưa dầm, trong nhà trọ” chỉ những ai từng lạc loài chìm nổi mai chỗ này mốt chỗ nọ mới cảm thấu hết. Những nỗi niềm biết tỏ cùng ai, đành gửi lời nghẹn ngào với mưa, gộp chung khối tình năm cũ. Chất chồng càng thêm chồng chất, những câu thơ Từ Hoài Tấn vì thế nặng nỗi niềm!

Trỏ lại với câu hỏi, vì sao thi nhân hay đau đáu trước thời gian? Và vì sao văn sĩ xưa nay vẫn hay lấy tình ái để làm vĩnh cửu, chống chọi với hao mòn thời gian; hoặc ngược lại, lấy biến đổi quay lưng làm biểu hiện cho thấy thời gian luôn luôn biến hoạt? Phải chăng quen thói “nỗi niềm” nên trong giờ tao ngộ đã nhen mầm ly biệt? Liệu có giống như “hoàng tử thi ca” năm nào, Từ Hoài Tấn cũng bị ám ảnh ly tan trong mỗi lần gặp gỡ. Mới đối diện nhau đây đã nghĩ đến chia xa. Nhưng khoan vội lý giải vì sao người thơ lại có xu hướng chia ly tạm biệt, trước hết, bạn đọc thấy nhà thơ vì cảm nghiệm trước ly biệt, nên trong khoảnh khắc hiện tại đã sống hết mình, trân quý người ngọc. Lấy đó làm trọn vẹn tương phùng!

“Gởi tình trong quán chiều nay

Khói sương một thuở mù mây trời gần

Xin em đôi chút ân cần

Nữa mai xa tới trăm ngàn dặm trông” (tr.35)

Từ câu chinh phụ “tương cố bất tương kiến” đến lời giục giã “mau với chứ vội vàng lên với chứ/ Em, em ơi! Tình non sắp già rồi”, Từ Hoài Tấn đã góp thêm vào nỗi ám ảnh thời gian chia cách trong thơ ca Việt Nam một ý thơ ân cần, một điệu thơ mượt mà âu yếm.

Từ Hoài Tấn ấp iu người giai nhân siêu hình. Không chắc mà có lẽ chính nhà thơ cũng không chắc bóng hình giai nhân ấy là ai. Họa chăng, đó là hình tượng tổng hòa của những bóng hồng từng có duyên tương ngộ. Đinh Hùng từng viết: “Khi anh chết, các em về đây nhé/ Vị chút hương tình lưu luyến với nhau xưa/ Anh muốn thấy các em cùng nhỏ lệ/ Tay cầm hoa, xoã tóc đứng bên mồ”[11]. Còn Từ Hoài Tấn thì, “Triệu nàng thơ đứng cười vang cuộc đời”. Và, chính khối tình si dành giai nhân bóng hồng làm thành biểu hiện cho kẻ lãng tử giang hồ rày đây mai đó. Giang hồ lãng tử: kẻ đa tình!

“Chờ em nửa phố trăng soi

Hoài con mắt đỏ một lời cầu kinh

Tâm hồn cùng với mông mênh

Thắp cây nến suốt tình lên đêm dài” (tr.36)

Đem so với thi nhân xưa nay thì khối si tình trong thơ Từ Hoài Tấn không kém chút nào. Tự hỏi: liệu giai nhân và cuộc lãng du giang hồ, cái nào níu bước người thơ? Có lẽ, giai nhân chỉ làm thành chia ly mà giang hồ lãng tử mới là mệnh số phải thực hành không thể từ bỏ. Từ nỗi ám ảnh thời gian tới cuộc lưu đày giang hồ lãng tử, quả thực thống nhất biện chứng với nhau. Bóng hồng chỉ là ốc đảo ven đường mà lưu đày mới làm thành mệnh số thân phận.

“Đi cho kịp với thời gian

Vượt qua mặt hẵn tới ngàn triệu năm

Sắp bên trái đất hai hàng

Triệu nàng thơ đứng cười vang cuộc đời

Đi cho kịp với niềm vui

Tình nghe lẫm lạ hôn mù mịt cơn” (tr.37)

Lưu đày trên lưng, niềm vui phía trước, nhà thơ đành gác lại tình ái giang hồ. Đi đi và đi mãi, trời đày ra số làm thơ. Tình trong mộng tỉnh nằm trơ bên đường. Chẳng hiểu vì sao, dẫu nặng về tình ái, yêu thương, luyến nhớ khôn nguôi bóng hình năm cũ nào đó, vậy mà nhà thơ từ Hoài Tấn vẫn mãi sống trong cô độc mộng tưởng. Nhiều bài thơ nói đến cảnh ngộ trớ trêu cô độc sau khi tỉnh giấc trong nhà trọ. Oái ăm hơn, thời khắc tỉnh mộng nằm trơ, lại là những ngày cận tết. Lúc mọi người lo toan sum họp thì nhà thơ vẫn còn mải miết lao mình vào nơi gió bụi mịt mù. Chuyến hành trình phiêu bạt dường như bất tận.

“bồi hồi một cõi xa xăm

lời ai như nhắc những năm thiếu thời

buồn ai thoảng một tiếng cười

đêm tàn chưa hết xuống đời lại đi

chân trời nào có đôi khi

nhớ thương ngày ấy cơn si giang hồ” (tr.39)

Mà giang hồ quen thói, sao có thể thiếu hơi men! Cơn say biểu hiện khí chất tài tử. Giai nhân tài tử hẳn phải đắm đuối cùng cơn say vậy! Cho nên, thơ của Từ Hoài Tấn trong tập Mấy khúc đoạn giang hồ, làm sao thiếu vắng những cơn say. Tài tử say giai nhân, say men tình, khiến cho trời đất vạn cổ cũng say sưa theo. Đó là nòi tình của khách đa tình giang hồ phiêu bạt. Giang hồ vẫy vùng khiến cho nòi tình càng thêm lai láng.

“Chào em như đã quen rồi

Quen từ năm ngoái khi ngồi bên nhau

Hồng xuân một nụ hoa đào

Cạn cùng thiên cổ một bầu rượu say

*

Hai tay ta níu bờ mây

Hia chân muôn lối đó đây lòng thòng

Vẫn còn em tựa ngang hông

Vẫn còn em có như không cho về

Vẫn còn vai tựa má kề

Vẫn còn em mới đê mê lời thề

Vẫn còn ta cứ lê thê

Yêu em thiếu phụ nhà quê lình xình

Đất trời sao quá rộng thênh

Ôm chưa hết một vòng tình láng lai” (tr.44)

Cái hay ở bài thơ chính là người thơ đã cạn chén cùng thiển cổ một bầu rượu. Uống tình hay uống rượu, si tình hay si rượu, có lẽ say đời. Người thơ mượn chén rượu vai kề má hồng để làm khuây cho khỏa nỗi mơ màng lê thê đời sống. Tình ái giang hồ có lẽ, những phút giây gạt bỏ sang một bên mũ hia lòng thòng. Nhưng! Bao nhiêu “vẫn” rốt cuộc, bạn thơ nhận ra nhà thơ vẫn hoài trơ trọi. Nhà thơ có thể trả lời câu này chăng? Vì sao trong cơn say túy lúy, vì sao trong lúc giai nhân còn hiện diện, trong lúc vai tựa má kề, mà lòng thơ của người thơ vẫn bơ vơ? Sao chỉ thấy thi nhân “vui là vui gượng kẻo là”!

Nhìn chung, trong tập Mấy khúc đoạn giang hồ, số lượng bài thơ hướng đến “tha thể” trữ tình “em” chiếm số lượng lớn. Vậy ta có thể đồng nhất thơ Từ Hoài Tấn là thơ tình chăng? Chưa hẳn! Bởi tình ái giang hồ của kiếp phiêu bạt trong tập thơ này, dẫu lấy bóng hình giai nhân làm đề, dù cho thủ thỉ lời thương nhớ luyến lưu nhưng kỳ thực lại là khuynh hướng “thuật hoài” - bày tỏ nỗi lòng. Cho nên, nếu nói thơ Từ Hoài Tấn là thơ tình thì đúng hơn, phải nói: TÌNH CÔ ĐỘC.

Thơ tình viết cho cô đơn, thơ tình viết cho chính mình!

 

5. Cô độc giang hồ

Tình cô đơn những khi thi nhân chạnh nhớ. Nhớ ai, thi nhân nhớ chính mình? Nhớ và nghe, nghe rồi nghĩ, thi nhân suy tưởng bằng âm thanh. Tiếng mưa cô đơn rớt tí tách vào tâm khảm, vang động lời cô độc giữa tinh cầu lẻ loi. Cuối cùng, nỗi cô đơn êm xuôi, lắng xuống để ngưng đọng trầm tích thành nỗi niềm êm ái. Có lẽ, cô đơn cũng là một cách thế giải thoát. Giải thoát tâm tưởng khỏi bao nhiêu câu nhốt thân tâm. Cho đến cuối cùng, cô đơn cũng là một cách thế an nhiên. Kỳ lạ thay, đó là cách cảm nhận rất riêng của Từ Hoài Tấn.

“Khi nghe rớt giọt mưa đầu

Mùa xưa đã tới tinh cầu cô đơn

Ngàn thu còn chút vấn vương

Hoa lừng khe suối lưng nương đồi chiều

Khi nghe trong gió tình yêu

Thì thầm nhẹ những ngày xiêu lạc lòng

Một mai ta bước ngang đồng

Một mai ta ngủ giữa hồn cỏ cây

Khi nghe trong buổi cuối ngày

Mưa êm ái giọt đã đầy mương sâu”. (tr.5)

Chẳng biết vì cớ gì, người thơ hay chia sẻ với mưa nỗi cô đơn. Ngẫm lại, quả thực cõi thơ xưa nay ướt sũng nước. Kể cả nước mưa, nước mắt và máu nữa! Mưa trong thơ Từ Hoài Tấn cũng vậy. Tiếng mưa như tiếng thở dài nhân thế, tiếng u mê của đời. Nghe mưa, nhà thơ hòa nhập vào hồn mưa. Tiếu ngạo đến cực hạn, có lẽ, chỉ còn lại nỗi hiu quạnh lặng ngắt và thi nhân mê mải say sưa với nỗi cô độc. Tiếu ngạo với cô độc: có phải là tận cùng cô độc.

“Tiếng mưa trên mái tôn-về

Đây là những tiếng u mê của đời

Tiếng mưa như có một lời

Yêu thương cũ đã xa rồi cỏ cây

*

Ta về còn chút thơ bay

Nghe hiu quạnh những ngày say lật hồn” (tr.7)

Nói tới say sưa trong thơ ca thì quả thực, thiên hạ đa dạng kiểu cách say sưa. Đặc biệt thi nhân Đông phương! Đến với thơ, người thơ say đắm! Cho nên, căn bản của “sự thơ” chính là “sự say”. Nói khác, làm thơ là “say chữ”. Từ Hoài Tấn say chữ đến lật hồn. Lật qua trở lại, người thơ rơi vào hiu quanh tận thế. Rốt cuộc, say chữ đến mức thiên thu cạn lời, ấy là đi đến chỗ tận tuyệt của thơ. Những bài thơ trong tập Mấy khúc đoạn giang hồ ấn hành năm 2016 nhưng tập hợp nhiều bài thơ từ những năm 1980. Đây cũng là giai đoạn thời cuộc và biến cố xã hội dồn dập đời người. Xô đẩy con chữ, cơn say chữ nghĩa của người thơ hẳn cũng “ba đào” theo thế sự. Càng ba đào thế sự, người thơ càng thu mình vào chữ nghĩa. Thành ra, lời thơ Từ Hoài Tấn ở những bài thơ (giai đoạn này) càng thấm nhuần cô đơn, hiu quạnh. Có lẽ, …!

Nói cho cùng, làm thơ viết văn xưa nay, ai chẳng rơi vào cô độc. Maurice Blanchot chẳng nói: nỗi cô đơn bản chất[12]. Cuộc chữ và cơn say chữ ru người thơ vào hố thẳm cô đơn. Ngẫm lại, nỗi cô đơn ấy là dung môi cho chữ nghĩa tinh luyện thành ra nghệ thuật.

Hết giang hồ lưu lạc lục tỉnh, rồi giang hồ tình ái bốn phương, nhà thơ lạc loài lãng du vào chính tâm tưởng mình. Bấy giờ cuộc giang hồ mới thực sự cô độc. Bởi lưu lạc trong tâm tưởng cũng là du hành thời gian. Trở về quá vãng, vén màng sương mù, nhà thơ lấy mộng mở lối vào thời gian. Nói trắng ra, mộng chỉ là cớ để người thơ thổ lộ, dựng nên tháp ngà trên tinh cầu lẻ loi.

“Mộng thường ngủ dưới sân trăng

Bước khuya chờ đợi một vầng mây xa

Bao năm tuổi đã xế già

Đã phai màu những lời ngà ngọc xưa

Mộng thường đi giữa con mưa

Một thời mai một mấy tờ tình thư

Sẽ như em nỗi oán thù

Đời sau còn lạ những mù sương anh

Mộng thường ngơ ngẩn nhìn quanh

Ngựa xe đâu đã năm canh ngậm ngùi” (tr.24)

Càng về sau, thơ Từ Hoài Tấn càng nặng nề hoài niệm. Phải chăng tuổi tác chất chồng hay kỷ niệm chồng chất. Dù sống bằng kỷ niệm năm tháng, nhưng có vẻ, kỷ niệm chỉ khiến cho nhà thơ thêm cô độc. Lời thơ càng về sau càng có vẻ độc thoại nội tâm. Chất “ký” trong việc miêu tả/thuật sự ở những bài thơ tâm tình về những nơi từng đến, những chốn từng qua nhường chỗ cho chất suy tưởng trong lời độc thoại. Nhà thơ độc thoại, tự nói với mình. Điều này càng minh chứng cho nỗi cô độc trong đời người lẫn đời thơ. Phải chăng cả đời thơ hơn nửa thế kỷ, nhà thơ vẫn chưa bao giờ tìm được tri âm tri kỷ. Hoặc giả, thi nhân ngộ ra: những tưởng gặp được tri kỷ tri âm nhưng hóa ra chỉ là lầm tưởng? Chắc chỉ có Từ Hoài Tấn trả lời được câu hỏi này! Bạn đọc chỉ nhìn thấy duy nhất bóng hình thi nhân trong đêm, trong mù sương, trong phòng vắng, lặng ngắt nhìn trần gian lạnh lẽo.

“Tôi nằm giữa lạnh trần gian

Hai tay chạm với hỗn mang đất trời

Xin em một nụ cười thôi

Là tôi sẽ ngủ muôn đời tịch liêu” (tr.41)

Trên bước đường lưu lạc, bạn đọc liệu có nhận ra: càng về sau nhà thơ càng ru mình vào cõi hư vô siêu hình. Hồn thơ vận động về phía vô cùng tận. Hỏi phía ấy là phía nào? Có lẽ thi nhân chính thi nhân cũng không thể trả lời được. Phải chăng đó là hình tượng “cái tôi vũ trụ”, khi lòng thơ và hồn thơ chan hòa/ biến hoạt/ trang trải vào khắp cõi hiện hữu. Đến nỗi, thi nhân lặng ngắt tự hỏi “hà phương cuộc đời”.

“Lệ người cười khóc khi khô

Hơi mòn năm tháng nằm co tình buồn

Dưới đường nước chảy mưa tuôn

Thân bèo bọt nhớ hà phương cuộc đời” (tr.56)

Mấy câu tự vấn của thi nhân khiến bạn đọc chạnh nhớ Bá Ngọc: “niệm thiên địa chi du du/độc sảng nhiên nhi thế hạ”. Từ đó, bạn đọc sẽ nhìn thấy đôi dòng lệ của kẻ giang hồ lưu lạc giữa bốn phương thế giới vô cùng. Tương quan người với thế giới càng khiến bóng người thêm nhỏ bé, càng khiến cho vũ trụ thêm mênh mông rộng lớn. Đứng trước thời gian dằng dặc bất tận, người vốn đã bọt bèo lại càng thêm hiu hắt quạnh quẽ. Hồ như, ấy là bản diện của thi nhân: vẻ mặt một người luôn nặng trĩu u sầu, đôi mắt nhìn xa xăm đến vô hồn.

Ôi thôi! Càng truy quyết càng nhức nhói hồn phách. Để tránh né, người thơ tìm đến cơn say, múa bài túy quyền. Trời đất đảo điên thì, lòng người cứ mặc sức điên đảo. Thi nhân đắm đuối quay tới quay lui bài túy quyền giữa trời đất mang mang. Mặc tình lui cui, thi nhân cứ một mình làm thành hư không.

“Kệ kinh hôm sớm ngày ngày

Trong yêu còn giận trong thầy còn say

Cầm bằng ta uống ta quay

Ta quay giữa cõi mây bay chập chùng

Rượu tàn uống cả dòng sông

Nữa say ta với hư không một mình” (tr.65)

Nỗi cô độc thảm thương mà, lại rất trác tuyệt! Từ biệt đời, từ biệt người, từ biệt tình, từ biệt hết cả những đau thương, khổ hận, đắng cay. Từ biệt!

Cuộc giang hồ của Từ Hoài Tấn trong thơ ca cho đến cuối cùng chỉ còn cô độc, trơ trọi, hư vô.

“Chào em thôi nhé cuộc tình

Đêm nằm nghe mộng lênh đênh bên trời

Chào em thôi nhé nụ cười

Trăm năm vui chỉ một lời hư không

Chào em thôi nhé chờ mong

Mòn con mắt với nỗi lòng chiều hôm

Cuối cùng em nỗi cô đơn

Cùng ta bầu bạn nguồn cơn tháng ngày” (tr.83)

Giữa dòng nước đời sống, dưới sức xô đẩy của thời gian, loay hoay lưu lạc cho lắm thì cuối cùng cũng chẳng còn điều gì đọng lại, sẽ chẳng có gì thực sự nghĩa lý cho đời sống và cuộc hiện hữu để nắm níu. Bạn đọc có nhận thấy nhân sinh quan bi thảm tuyệt vọng trong hồn thơ Từ Hoài Tấn.

Mãi mãi từ biệt, mãi mãi cô độc! Quả thực, con người sinh ra lẻ loi, chết đi cô độc. Trong quãng thời gian giữa sinh và diệt, con người cứ vùng vẫy vượt thoát cô độc. Nhưng bất khả!

“Hôm nay em đã lên đường

Với đôi vai nhỏ dặm trường biển xanh

Hôm nay còn lại mình anh

Với cơn ảo mộng cũng đành hư hao” (tr.84)

Ảo mộng, phù danh, lợi lạc, bằng hữu, tình ái, … thảy đều tan biến.

Nhưng dầu gì đi chăng nữa, cho đến cuối cùng, thi nhân vẫn một lòng mang ơn cuộc đời. Cô độc, lạc loài, lưu lạc, … người vẫn mang ơn đời vì những vết thương cay đăng nếm trải.

“Xin chịu ơn của cuộc đời

Trăm ngàn năm vẫn mây trời trắng bay

Xin hôn yêu vạn ngày ngày

Xóa lòng muôn vết đắng cay dương trần” (tr.55)

 

Tạm kết

Khoảng lệch pha lòng người khiến cho cuộc tương phùng chữ nghĩa, hẳn nhiên, không thể biểu thị trọn vẹn bản diện chủ thể sáng tạo. Cho nên, những lời này về nhà thơ Từ Hoài Tấn cũng là vạn bất đắc dĩ vì lòng yêu mến những vần thơ đong đầy tâm sự của lớp người trải qua ba đào thế sự. Vì lòng mến thương, khả dĩ thổ lộ đôi lời, e rằng cũng chỉ là cảm nhận cá nhân về nhà thơ làng Chuồn.

“Bồi hồi một cõi xa xăm

Lời ai như nhắc những năm thiếu thời

Buồn ai như một tiếng cười

Đêm tàn chưa bước xuống đời lại đi

Chân trời nào có đôi khi

Nhớ nhung ngày ấy còn mê giang hồ” (tr.19)

Sống: suy cho cùng, chẳng phải là một cuộc giang hồ tiểu tử đó sao! Chẳng phải vô cớ mà nhà thơ Từ Hoài Tấn cứ nhắc đi nhắc lại: phiêu linh, thất lạc, giang hồ, … trong gia tài chữ nghĩa. Đó là biểu hiện cho ý hướng xê dịch và nhân sinh quan tuyệt vọng bi thảm trong thơ Từ Hoài Tấn. Đời người là những hồi biệt ly, chia cách vĩnh cửu. Tâm thế của thi nhân là tâm thế của kẻ ra đi, mãi mãi ra đi!

 

Trần Bảo Định

 

 

[1] Huỳnh Như Phương (03/07/2020). Từ Hoài Tấn: Thơ buổi giao mùa. Tạp chí Sông Hương 375 T5-20 (http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c431/n29127/Tu-Hoai-Tan-Tho-buoi-giao-mua.html).

[2] Nguyễn Du (1965). Chiêu hồn thập loại chúng sinh (Đàm Quang Thiện hiệu chú, T.T. Thích Tâm Châu đề tựa). Saigon: Nam Chi tùng thư xuất bản.

[3] Đừng Bỏ Em Một Mình, thơ Minh Đức Hoài Trinh (Nguồn: https://www.dutule.com/a7362/minh-duc-hoai-trinh-dung-bo-em-mot-minh)

[4] Độc Tiểu Thanh ký. Trong Nguyễn Du (1978). Thơ chữ Hán Nguyễn Du. Hà Nội: Văn học.

[5] Xem sự giải thích của Lâm Ngữ Đường trong Thu Giang Nguyễn Duy Cần (2017). Cái cười của thánh nhân. TPHCM: Nxb. Trẻ.

[6] Mai sau dù có bao giờ (Nguồn: Nguyễn Bắc Sơn (1972). Chiến tranh Việt Nam và tôi. Saigon: Đồng Dao)

[7] Huỳnh Như Phương (03/07/2020). Từ Hoài Tấn: Thơ buổi giao mùa. Tạp chí Sông Hương 375 T5-20 (http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c431/n29127/Tu-Hoai-Tan-Tho-buoi-giao-mua.html).

[8] Huỳnh Như Phương (03/07/2020). Từ Hoài Tấn: Thơ buổi giao mùa. Tạp chí Sông Hương 375 T5-20 (http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c431/n29127/Tu-Hoai-Tan-Tho-buoi-giao-mua.html).

[9] Nguyễn Thị Mai Liên (2010). Đặc điểm thơ Haiku Nhật Bản. Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á số 2 (108) (2/2010), tr.69-78.

[10] Du Tử Lê (27/02/2017). Hành trình thơ Từ Hoài Tấn  trong hơn nửa thế kỷ. (http://tuhoaitan.blogspot.com/2021/01/bai-viet-du-tu-le-gioi-thieu-tho-tu.html)

[11] Đinh Hùng (1961). Đường vào tình sử. Saigon: Nam Chi xuất bản.

[12] Maurice Blanchot (1989). The Space of Literature (translated with an introduction by Ann Smock). Lincoln, London: The University of Nebraska Press.

 

Tài liệu tham khảo

· Maurice Blanchot (1989). The Space of Literature (translated with an introduction by Ann Smock). Lincoln, London: The University of Nebraska Press.

·  Thu Giang Nguyễn Duy Cần (2017). Cái cười của thánh nhân. TPHCM: Nxb. Trẻ.

·  Nguyễn Du (1965). Chiêu hồn thập loại chúng sinh (Đàm Quang Thiện hiệu chú, T.T. Thích Tâm Châu đề tựa). Saigon: Nam Chi tùng thư xuất bản.

·   Nguyễn Du (1978). Thơ chữ Hán Nguyễn Du. Hà Nội: Văn học.

·   Đinh Hùng (1961). Đường vào tình sử. Saigon: Nam Chi xuất bản.

· Nguyễn Thị Mai Liên (2010). Đặc điểm thơ Haiku Nhật Bản. Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á số 2 (108) (2/2010), tr.69-78.

·   Nguyễn Bắc Sơn (1972). Chiến tranh Việt Nam và tôi. Saigon: Đồng Dao xuất bản.

·  Từ Hoài Tấn (2016). Mấy khúc đoạn giang hồ (thơ lục bát). Cuồng Biển xuất bản.

Website

·   Du Tử Lê (27/02/2017). Hành trình thơ Từ Hoài Tấn  trong hơn nửa thế kỷ.

Trích xuất từ: http://tuhoaitan.blogspot.com/2021/01/bai-viet-du-tu-le-gioi-thieu-tho-tu.html

·   Huỳnh Như Phương (03/07/2020). Từ Hoài Tấn: Thơ buổi giao mùaTạp chí Sông Hương 375 T5-20.

Trích xuất từ: http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c431/n29127/Tu-Hoai-Tan-Tho-buoi-giao-mua.html