Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

Nhà thơ Kiên Giang từ trần

(TNO) Trái tim của nhà thơ - soạn giả - ký giả kịch trường Kiên Giang (Hà Huy Hà) đã ngừng đập lúc 6 giờ 30 ngày 31.10 tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (quận 5, TP.HCM), thọ 86 tuổi.



Như Thanh Niên Online đã đưa tin về tình trạng nguy kịch củanhà thơ Kiên Giang, tác giả bài thơ nổi tiếng Hoa trắng thôi cài trên áo tím, sau hơn 2 ngày hôn mê sâu (từ trưa ngày 28.10), nhà thơ Kiên Giang đã qua đời.
Được biết, sau khi tẩm liệm, linh cữu nhà thơ Kiên Giang sẽ được quàn tại Nhà Tang lễ TP.HCM (số 25 Lê Quý Đôn, quận 3). Lễ viếng bắt đầu từ 8 giờ ngày 1.11. Lễ truy điệu tiến hành lúc 7 giờ ngày 3.11, sau đó đoàn xe tang sẽ di chuyển và tạm dừng ở trụ sở Ban Ái hữu Nghệ sĩ TP.HCM (133 Cô Bắc, quận 1), nơi ông có nhiều năm gắn bó.
Nhà thơ Kiên Giang sẽ an nghỉ tại Nghĩa trang Hoa viên Chánh Phú Hòa (huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương), nơi người bạn chí cốt của ông, nhà văn Sơn Nam, cũng đã an nghỉ hơn 5 năm về trước.
 

Nhà thơ Kiên Giang - Ảnh: Đào Trung Phụng
Chị Ngọc Thùy, con gái lớn của nhà thơ, cho biết do đọc được trên báo có tin một bé sơ sinh bị bỏ rơi ngoài đường, nhà thơ đã gom chút tiền hưu, đón xe từ TP.Long Xuyên (nơi ông an dưỡng cuối đời) lên TP.HCM để giúp đỡ cho trường hợp này. Tuy nhiên, vừa tới  TP.HCM, chưa kịp thực hiện ý định thì ông bị đột quỵ vào xế trưa 28.10. Người nhà của cố nhà báo Phong Vân đã đưa ông vào cấp cứu tại Bệnh viện Quận 8, sau đó chuyển ông qua Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (Q.5), và từ đó đến nay ông chưa tỉnh lại.
Nhà thơ Kiên Giang tên thật là Trương Khương Trinh, sinh ngày 17.2.1929 tại làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá. Năm 17 tuổi (1946), đang là học sinh, Trương Khương Trinh đã có dịp tiếp xúc và gần gũi với nhà thơ Nguyễn Bính tại Rạch Giá và tôn Nguyễn Bính là thầy dạy làm thơ của mình (bài thơ Tiền và lá của ông chịu ảnh hưởng rõ nét của Nguyễn Bính). Sau này, ông làm thơ lấy bút danh là Kiên Giang (bài thơ nổi tiếng của Kiên Giang là Hoa trắng thôi cài lên áo tím được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ nhạc).
Ông còn là một soạn giả cải lương nổi tiếng với bút danh Hà Huy Hà, cùng thời với Năm Châu, Viễn Châu và được coi là thầy của cặp soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng. Những vở cải lương mang dấu ấn Hà Huy Hà là Áo cưới trước cổng chùa, Người vợ không bao giờ cưới (vở này đã đưa cô đào Thanh Nga đoạt giải Thanh Tâm năm 1958). Ngoài làm thơ, soạn kịch bản cải lương, Kiên Giang còn là ký giả kịch trường của nhiều tờ báo lớn ở Sài Gòn trước 1975 như: Tiếng chuông, Tiếng dội, Lập trường, Điện tín…Ông từng bị tù vì là một trong những người tổ chức Ngày ký giả ăn mày, phản  đối Luật báo chí sửa đổi của chính quyền Sài Gòn năm 1974.
Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Lâu quá không về thăm xóm đạo
Từ ngày binh lửa cháy quê hương
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che khuất người thương nóc giáo đường
Mười năm trước em còn đi học
Áo tím điểm tô đời nữ sinh
Hoa trắng cài duyên trên áo tím 
Em là cô gái tuổi băng trinh
Quen biết nhau qua tình lối xóm
Cổng trường đối diện ngó lầu chuông 
Mỗi lần chúa nhật em xem lễ
Anh học bài ôn trước cổng trường
Thuở ấy anh hiền và nhát quá
Nép mình bên gác thánh lầu chuông 
Để nghe khe khẽ lời em nguyện
Thơ thẩn chờ em trước thánh đường
Mỗi lần tan lễ, chuông ngừng đổ
Hai bóng cùng đi một lối về
E lệ em cầu kinh nho nhỏ
Thẹn thùng, anh đứng lại không đi
Sau mười năm lẻ anh thôi học
Nức nở chuông trường buổi biệt ly
Rộn rã từng hồi, chuông xóm đạo
Tiễn nàng áo tím bước vu quy
Anh nhìn áo cưới mà anh ngỡ 
Chiếc áo tang liệm khối tuyệt tình!
Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Vẫn còn ấp ủ mộng băng trinh
Em lên xe cưới về quê chồng 
Dù cách đò ngang cách mấy sông
Vẫn nhớ bóng vang thời áo tím 
Nên tình thơ ủ kín trong lòng
Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo
Anh làm chiến sĩ giữ quê hương
Giữ tà áo tím, màu hoa trắng
Giữ cả trường xưa, nóc giáo đường
Giặc chiếm lầu chuông xây gác súng
Súng gầm rung đổ gạch nhà thờ
Anh gom gạch đổ, xây tường lủng
Chiếm lại lầu chuông, giết kẻ thù
Nhưng rồi người bạn trang lứa ấy
Đã chết hiên ngang dưới bóng cờ
Chuông đổ ngân vang lời tiễn biệt
Tiễn anh ra khỏi cổng nhà thờ
Hoa trắng thôi cài trên áo tím 
Mà cài trên nắp áo quan tài
Điểm tô công trận bằng hoa trắng
Hoa tuổi học trò, mờ thắm tươi
Xe tang đã khuất nẻo đời
Chuông nhà thờ khóc đưa người ngàn thu
Từ đây tóc rũ khăn sô
Em cài hoa trắng lên mồ người xưa.
Tiền và lá
Ngày xưa, hớt tóc "miểng rùa”
Ngây thơ, mẹ bắt đeo "bùa cầu ông".
Đôi ta cùng học vỡ lòng,
Dắt tay qua những cánh đồng lúa xanh.
Đôi nhà cũng một sắc tranh,
Chia nhau từ một trái chanh, trái đào .
Đêm vàng soi bóng trăng cao,
Ngồi bên bờ giếng đếm sao trên trời .
Anh moi đất nắn "tượng người",
Em thơ thẩn nhặt lá rơi làm tiền.
Mỗi ngày chợ họp mười phiên,
Anh đem "người đất" đổi tiền "lá rơi".
Nào ngờ mai mỉa cho tôi,
Lớn lên em đã bị người ta mua.
Kiếp tôi là kiếp làm thơ,
Vốn riêng chỉ có muôn mùa lá rơi.
Tiền không là lá em ơi!
Tiền là giấy bạc của đời in ra.
Người ta giấy bạc đầy nhà,
Cho nên mới được gọi là chồng em.
Bây giờ những buổi chiều êm,
Anh gom lá đốt, khói lên tận trời
Người mua đã bị mua rồi,
Chợ đời họp một mình tôi vui gì!
Kiên Giang
Hà Đình Nguyên
Nguồn : http://www.thanhnien.com.vn/

XIN THÀNH THẬT CHIA BUỒN CÙNG GIA ĐÌNH NHÀ THƠ VÀ CẦU CHÚC LINH HỒN NHÀ THƠ THONG DONG NƠI CÕI KHÁC
Nguyễn văn Trai - Viêm Tịnh - Nguyên Minh - Nguyễn Sông Ba - Nguyễn Miên Thảo - Văn Viết Lộc - Cao Huy Khanh - Từ Hoài Tấn - Nguyễn văn Hiền - Phạm Tấn Hầu - Lê Ngọc Thuận - Nguyên Quân  - Hồ Đăng Thanh Ngọc và một số anh em văn nghệ sỹ

Nhà văn nổi loạn hay thần tượng văn nghệ: trường hợp Phạm Công Thiện

NGUYỄN MẠNH TIẾN
I. Thần tượng văn nghệ, một lối nhìn
Phạm Công Thiện / Thích Nguyên Tánh là nhân cách sáng tạo đặc biệt của nền văn nghệ miền Nam 1954 - 1975, và rộng ra, là của toàn nền văn nghệ Việt Nam thế kỷ XX.
Nhà văn nổi loạn hay thần tượng văn nghệ: trường hợp Phạm Công Thiện
Giáo sư Phạm Công Thiện

Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

Một con đường của quan niệm sáng tạo (nhìn từ trường hợp Thanh Tâm Tuyền)


ĐOÀN ÁNH DƯƠNG

Mỗi thời đại thông qua các nhà văn tài năng thuộc về thời ấy luôn đi tìm lấy nghệ thuật cho mình. Phản biện quá khứ, tìm cách đốt phá, chôn vùi quá khứ là để hướng tới việc đản sinh con phượng hoàng mới từ đống tro tàn, con đường này là phổ biến cho mỗi sinh thành nghệ thuật.

Một con đường của quan niệm sáng tạo (nhìn từ trường hợp Thanh Tâm Tuyền)
Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền - Ảnh: internet

“Đốt”, “chôn”, cái động từ mạnh ấy, vì thế thực ra chỉ là một lối tu từ học thậm xưng cho khát vọng, cách tân, đổi mới. Nhưng mong muốn là một chuyện, thực thi được mong muốn ấy lại là một chuyện khác, và sẽ là càng khác nữa nếu tính đếm đến thành tựu thu về. Sáng tạo là khác lạ, nếu hình thành được quan niệm khác lạ về sáng tạo ấy nữa, thì sự kết hợp hai trong một ấy, sẽ đơm hoa kết trái ở một mùa màng nghệ thuật mới. Thanh Tâm Tuyền đã thể hiện được một cách sáng rỡ sự kết hợp này. Tài năng xuất chúng của Thanh Tâm Tuyền ở thơ, ở văn xuôi đã được biết đến, được khảo cổ, và vẫy gọi tiếp những tái khám phá. Tiểu luận này lần tìm quan niệm nghệ thuật của Thanh Tâm Tuyền thời tạp chí Sáng tạo, khởi từ tiểu luận Nỗi buồn trong thơ hôm nay (Sáng tạo, số 31, tháng 9/1959), qua các cuộc thảo luận văn học chuyên đề trên Sáng tạo tục bản (các số 1 đến 4, tháng 7 đến 10/1960), đến tiểu luận quan trọng tuyên ngôn quan niệm nghệ thuật của Thanh Tâm Tuyền: Nghệ thuật đen (Sáng tạo (bộ mới), số 3, tháng 9/1960).

Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Giới thiệu tập thơ "Ký ức hoa cẩm chướng đỏ" của Phan Lệ Dung tại Sài Gòn

9 giờ sàng ngày 28/10/2014, bằng hữu  đã tổ chức buổi họp mặt giới thiệu tập thơ của Phan Lệ Dung (phu nhân của cố nhà thơ Thái Ngọc San) tại quán cafe Cối Xay Gió của nhà thơ Trần Từ Duy. Đến tham dự là các nhà thơ nhà văn đang sinh sống tai Sài Gòn (hơn 50 người) trong đó ngoài phần đông là đồng hương xứ Huế còn có một số anh chị em văn nghệ trẻ đương đại tại thành phố.
Buổi họp mặt khá thành công với các phần diễn ngâm và đọc thơ tác giả của Nguyễn Miên Thảo,Trần Thạnh, Nguyễn Hải, nhà thơ Võ Quê,.. đặc biệt các tiếng hát của Thiên Thanh, Nguyễn Hải, Lynh Bacardi, Thái Ngọc Tây Nguyên (con nhà thơ), nhạc sỹ Miên Đức Thắng ...
Một vài hình ảnh ghi lại:













Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

Vòm trần Thương xá Tax: Chuyện ngàn lẻ một đêm Sài Gòn

Trần Thị Vĩnh-Tường/California, 10/12/20

(PLO)- Ngày 26/11/1924, khánh thành thương xá Tax ở Saigon, tờ Écho Annamite  của Pháp số ra ngày 27/22/1924 đã viết “Một trong những mảnh đất trong mơ của Ngàn Lẻ Một Đêm...”
Hoàng Hậu Scheherazade mỗi đêm kể cho vua Ba Tư nghe một chuyện phiêu lưu, nhờ vậy thế giới Ả Rập càng thêm giàu có với bộ chuyện thần thoại Ngàn Lẻ Một Đêm thời hoàng kim. Xin ghi lại vài kỳ tích Ngàn Lẻ Một Đêm Saigon trước khi bị lãng quên.
Kiến trúc sư Vũ Quang Duy viết “...Khách hàng đặt chân vào bên trong trung tâm mua sắm này sẽ có cảm giác mình là thánh vì được bước lên những bậc thang grand stairs, trên đầu là không gian trống xuyên suốt 3 tầng lầu, tạo nên một atrium cao gấp 4 lần bình thường”.  Quả thật, Cầu Thang Lớn ở Tax mở ra một thế giới khác, rộng tới nỗi bé con leo vội leo vàng như muốn bay bổng lên cao xem có gì trên đó
Tại sao Tax có Vòm Trần Cao?
Câu trả lời đến từ nơi rất xa, xứ Ngàn Lẻ Một Đêm. Văn minh vùng Cận Đông biết dùng hương liệu từ nhiều ngàn năm trước. Năm 3000BC người Ai Cập ướp xác bằng hương liệu. Người Ba Tư tô vẽ “Trầm Hương đợi người nơi cửa thiên đàng, môi xinh ăn muỗng vàng, chải tóc bằng lược bạc, mồ hôi thơm ngát mùi xạ hương”.  Họ không ngờ trầm hương đến từ “Giỏ Hoa Nhiệt Đới” Đông Nam Á. Nhu cầu đi tìm những hương liệu quí ấy khiến thương nhân khối Cận Đông đổ xô ra biển nên mới có  thủy thủ Sinh Bá trong chuyện Ngàn Lẻ Một Đêm.
Mãi thế kỷ 15 Âu Châu vẫn không biết những hương liệu thần thánh ấy đến từ đâu. Họ đoán những vật quí báu ấy từ châu Phi theo chân thương nhân Ả Rập đến thị trường Địa Trung Hải. Tìm kiếm và cung cấp sản phẩm này là động lực của khám phá viễn chinh mang cả lợi ích lẫn chiến tranh.  Nước Pháp vì vậy khi chiếm được vùng Saigon năm 1859, rồi chiếm được ba xứ Bắc Phi (Algérie-Maroc-Tunisie) năm 1912, đặt tên cho Saïdia (bãi biển biên giới Algérie-Maroc) là Hạt Trai Xanh/ Perle Bleue và Saigon là Hạt Trai Viễn Đông/La perle de l'extrême-orient.  Pháp mang kiến trúc Islam và kiến trúc Tây phương tới những thuộc điạ của mình, trong đó có vòm trần.

Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

Thơ Hoàng Lộc - Phạm Đạt Nhân








Hoàng Lộc: Dân Quảng Nam.
Từ năm 1960 đến nay, có thơ trên các báo Sài Gòn và hải ngoại.
Trung Tâm Văn Bút Việt Nam trao tặng giải thi ca năm 1970.
* Thơ đã in:
- Thơ Học Trò (1965)
- Trái Tim Còn Lại (1971)
- Qua Mấy Trời Sương Mưa (1999)
- Cho Dẫu Phù Vân (2012)
* Sắp in: Ngăn ngắn tình si


v kiếp khác






anh đi tới nhà thờ
Chúa dang tay chắn lối
anh đi qua cửa chùa
Phật mỉm cười, không hỏi

biết mình chẳng đủ phước
vào được Cõi Êm Đềm
biết mình loài háo sắc

chỉ có thể tìm em

em thì ngồi trong bếp
mải mê việc nhà ai
(mối tình kia chết tiệt
mà làm phiền nhau hoài)

anh cứ thằng ngỗ ngược
Chúa  Phật đều không dung
mai mốt về kiếp khác
biết làm người nữa không!
(và có được em không?)

(9-2014)


Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

Món Huế nặng tình

Mè xửng là một trong những đặc sản đã trở thành biểu tượng văn hóa của Huế, giống như cơm hến, tôm chua hay chùa Thiên Mụ, sông Hương, núi Ngự vậy!
Thấy trong hành lý của ai có mè xửng tức là người đó vửa ở Huế. Người Huế đi vô Sài Gòn, ra Hà Nội, hay ra nước ngoài ai cũng mang theo mấy chục gói mè xửng làm quà...

Mè xửng. (Ảnh: DNSG)
Huế không chỉ nức tiếng bởi những món ăn ngon khiến người xứ khác cũng phải xiêu lòng, Huế còn nức danh như một "xứ sở của quà vặt". Đến Huế rồi thì ít ai lúc rời xa lại không mang theo một vài thức quà xứ Huế. Quà Huế nhẹ gánh nhưng nặng tình, không chỉ là sự tinh xảo, tài tình của người làm ra nó mà chứa trong đó còn là sự hiếu khách và đầy chiều sâu văn hóa của vùng đất này.

Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014

Năm chuyện 'kỳ cục' của Mạc Can

(TNO) Gần 70 tuổi, Mạc Can vẫn thui thủi một mình. Không nhà cửa cũng chả có tài sản gì nhiều, ngay cả người phụ nữ sinh cho ông cô con gái cũng không chịu gọi ông là chồng. Vậy mà lúc nào ông cũng cười khà khà: 'Quen rồi. Đời tôi kỳ cục vậy đó'.



Nghệ sĩ kiêm “nhà văn trẻ” Mạc Can
Nghệ sĩ kiêm “nhà văn trẻ” Mạc Can - Ảnh: Độc Lập 

Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

Tuổi già là thời sung sướng nhất

Bieu Nguyen*Paul Van

Khi đã lớn tuổi, thì con người được nhiều tự do hơn, được thong thả hơn để sống.  Không còn phải như em bé bị cha mẹ ép buộc, bây giờ thì muốn làm chi thì làm, muốn thức khuya dậy sớm gì, cũng chẳng còn ai la mắng dọa nạt, rầy la.  Nếu vợ vì thương, sợ mất sức khỏe, thì cũng cằn nhằn chút chút thôi, mình không nghe thì cũng chẳng bị roi đòn gì. 
Không còn phải khổ công học tập, lo lắng cho tương lai mai sau, chẳng phải học thêm chi cho mệt trí, biết quá nhiều, biết quá đủ rồi.  Nếu đã nghỉ hưu, thì học thêm làm chi.  Nếu còn đi làm, thì cũng đã rành nghề, quen tay quen việc, làm việc dễ dàng. 
Khi già tình yêu cũng không còn là mối bận tâm, không quan trọng quá, chưa nghe báo đăng các cụ già trên dưới sáu mươi tự vẫn chết vì thất tình.  Tội chi mà chết vì tình trong tuổi già, vì cũng sắp thấy Diêm Vương rồi, việc chi mà đi sớm hơn.  Khôn quá rồi, chết vì tình yêu là nông nỗi. 
Đời sống tình cảm của tuổi già êm đềm hơn, ít đau đớn ít sôi động, và bình lặng.  Tuổi già rồi, các ông không còn tính chuyện mèo mỡ lăng nhăng, khỏi phải lo lắng sợ vợ khám phá ra chuyện giấu giếm mà nhà tan cửa nát.  Đỡ tốn tiền quà cáp, đỡ tốn thì giờ lui tới các nơi bí mật.  Hồi hộp, đau tim.  Các bà khỏi phải lo chuyện đi đánh ghen, không còn cần phải chăm chút nhan sắc làm chi nữa, vì như chiếc xe cũ rệu, có sơn phết lại cũng xộc xệch, cũng méo mó.  An tâm và chấp nhận, thì khỏi băn khoăn mà vui.  

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

Câu trả lời của Kafka

ROLAND BARTHES
Trong cuộc chiến giữa bạn với thế giới, hãy đặt thế giới ở hàng thứ cấp (Franz Kafka)

Câu trả lời của Kafka

Chúng ta đã trải qua một thời khắc, thời khắc của văn học dấn thân [la littérature engagée]. Sự kết thúc của tiểu thuyết phong cách Sartre, sự đơn điệu không thể thay đổi của thể loại tiểu thuyết xã hội, những khiếm khuyết của sân khấu chính trị, giống như một cơn sóng xa dần, để lại sự khám phá về một đối tượng duy nhất với sự kháng cự kỳ lạ: văn học. Vả lại, có một làn sóng ngược chiều bao trùm lấy nó, làn sóng của sự phân chia rõ rệt: sự trở lại với những câu chuyện tình, sự thù địch với những “tư tưởng”, sự sùng bái với li viết có tính thm m [bien écrire], sự khước từ những bận tâm về ý nghĩa của thế giới, tất cả những quan niệm đạo đức mới của nghệ thuật được đề xuất, làm nên một sự chuyển biến linh hoạt giữa trào lưu lãng mạn và tính chất phóng túng, giữa (một chút) mạo hiểm của chất thơ và sự phòng vệ (hiệu quả) của lý trí.

Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

TƯỞNG NHƯ LÀ MÙA THU




Không có mùa thu trên những con đường này
Chỉ hai mùa mưa nắng
Làm gì có mùa thu để đi trên những xác lá vàng trong công viên
Chỉ là những ngọn gió chướng của ngày hè và mùa nước nổi vào tháng chin
Cuộc sống vẫn đầy đặn như bồ thóc ngày mùa
Nuôi nấng cả nhiều đời khai hoang trên đồng lúa phù sa màu mỡ

Đã có một thời kỳ nắng nhạt – tưởng như mùa thu kia
Êm ru những mộng ảo
Mê đắm một cuộc tình vờ
Như bơi trong ao hồ xanh – tưởng rằng bể lớn
Mà người đã đánh mất lương tri – chỉ còn lòng quỷ quyệt
Huyễn vọng về một tấm vé tàu
Đi tới một tương lai nào đó mơ hồ
Không có thật

Không có mùa thu ở phương nam
Trời vẫn đẹp
Mây chiều vẫn dịu dàng
Vẫn có những người yêu nhau như thuở xưa
Thật nhẹ nhàng trinh trắng
Và cho dù không có mùa thu tôi vẫn đưa em đi
Trên những con đường phương nam nhiều nắng
Em hãy cho tôi tình yêu sơ nguyên kia
Đừng làm cho lòng đắng

Không có mùa thu ở phương nam này
Đừng mơ hồ như thế 

TỪ HOÀI TẤN