Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

Nhà nguyện tình yêu

Đã nhiều khi, nữ sinh Huế xưa đã đến Gác Trịnh và hát nhạc Trịnh ngay trong căn nhà này, hát những bài hát về tình ca và thân phận. Và vì thế, đây cũng đang là "nhà nguyện tình yêu"


Buổi sáng, tôi đến sớm, bật những ngọn đèn vàng trong căn nhà Gác Trịnh, thắp trước khung ảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang ôm đàn guitar trên nền dòng kẻ bản nhạc mơ hồ Đêm thấy ta là thác đổ một cây nến, bật đĩa nhạc nghe giọng hát Khánh Ly rồi ra ban công ngồi nhìn sang vòm long não đang xanh biếc ngoài kia. Chỉ một chốc nữa thôi, Gác Trịnh sẽ đầy ắp tiếng người. Những con người đến đây, từ muôn phương, chỉ đơn giản vì họ nhận ra đây cũng là chốn về của trái tim yêu thương dành cho nhạc Trịnh vẫn âm ỉ trong mỗi người.

Học giả Bửu Ý thắp nến hồi sinh căn nhà Gác Trịnh. Ảnh: H.Đ.T.N
Học giả Bửu Ý thắp nến hồi sinh căn nhà Gác Trịnh. Ảnh: H.Đ.T.N
Học giả Bửu Ý, người bạn thân thiết của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, kể lại trong một lần đến đây: Những năm cuối thế kỷ XX, trở về Huế, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có lần mở lòng mình về một ngôi nhà lưu niệm và gọi đó là “nhà nguyện tình yêu”. Đó không là nhà của riêng ai, của Trịnh Công Sơn cũng không nốt, đó là nhà của mọi người, của tuổi trẻ, của tình yêu. Vị nhân sĩ đáng kính này cũng đã mơ ước: “Ngôi nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn sẽ là nơi lui tới thường xuyên, hằng ngày, suốt năm, không riêng của thanh niên, bởi không chỉ thanh niên mới yêu thích nhạc Trịnh, mà là mọi người, từ già xuống trẻ, từ trong đến ngoài nước, không những đến nơi này chỉ vì nhạc, còn vì những tư liệu khác, để đọc, để ngắm, để nhớ và nhất là để nuôi dưỡng tâm hồn…”.
Việc sửa sang và bày biện Gác Trịnh trong căn nhà số 203/19 (trước đây là 11/3)  đường Nguyễn Trường Tộ ở TP Huế, căn nhà mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng đi về những năm 1960 cho đến 1978, không phải là chuyện tình cờ. Một nhóm anh em văn nghệ sĩ Huế đã tự xoay xở, bài trí lại với hy vọng căn nhà xưa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở Huế sẽ là nơi lưu dấu để cho những ai yêu mến Trịnh có thể đến thăm. Mà cũng không chỉ riêng mình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ai đọc bút ký Căn nhà của những gã lang thang của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sẽ nhận ra đây còn là nơi lưu dấu của những người bạn tài hoa qua tháng năm đã làm nên một vóc dáng văn học nghệ thuật của xứ sở: Ngô Kha, Bửu Ý, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Đinh Cường, Bửu Chỉ… Kỷ vật ban đầu nhóm thu thập được là chiếc ghế gỗ rất nặng, nơi ngày xưa Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Bửu Chỉ từng vẽ những bức chân dung của bạn bè. Qua giới thiệu của họa sĩ Đinh Cường, TS Phạm Văn Đỉnh, CLB Trịnh Công Sơn ở Paris, đã gửi về một số hình ảnh quý, được nhóm lồng khung treo khắp căn nhà.
Gác Trịnh được khai trương vào đúng kỷ niệm 12 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1-4-2013). Danh cầm guitar Trần Văn Phú xúc động đàn lại nhiều ca khúc của Trịnh, đệm cho giọng hát Camille Huyền. Nhiều người đã chứng kiến một cánh bướm bay về rất vui trong ngày đó và thốt lên: “Anh Sơn về! Anh Sơn về!”. Một trong những người xúc động nhất hôm đó là Bửu Ý, ông đã tâm nguyện bao nhiêu năm về không gian lưu niệm Trịnh Công Sơn tại Huế và chính ông là người được mời thắp lại ngọn nến hồi sinh cho căn nhà. Ông viết trong sổ lưu niệm: “Đến Gác Trịnh, đối với tôi, như trở về nhà. Tôi nhận ra tất cả các góc, nhận ra luôn cả cầu thang tầng trệt lên đến đây, rồi bước qua cửa, nhận ra phòng khách, phòng ngủ, phòng bếp, các bức tường, các cánh cửa… Dù có dăm đổi thay, thêm thắt, căn nhà 11/3 Nguyễn Trường Tộ vẫn như xưa”.
Hàng ngàn người đã lần lượt đến đây nhưng có một điều rất đặc biệt, vị khách đầu tiên đến thăm Gác Trịnh, là hai bông hồng vàng ai đó đã dấu yêu gắn lên cánh cửa ngay tinh mơ sáng hôm sau. Điều đó khiến tôi nhớ lại ngày xưa, Bích Diễm đã từng gắn cành dạ lan hương bên ngoài cánh cửa này cho Trịnh Công Sơn. Thì ra huyền thoại vẫn còn đó và đang tiếp diễn trong mênh mông cuộc đời này.
Chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua nét vẽ của họa sĩ Đinh Cường, trưng bày tại Gác Trịnh
Chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua nét vẽ của họa sĩ Đinh Cường, trưng bày tại Gác Trịnh
Những ngày sau đó, nhiều người đã đưa kỷ vật của mình liên quan đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về cho Gác Trịnh. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân gửi đến nhiều kỷ vật và hình ảnh, trong đó có bức tranh sơn dầu Đinh Cường vẽ Trịnh Công Sơn. Anh Nguyễn Đình Vụ, sui gia của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, đã đưa đến chiếc bàn thấp mà ngày xưa Trịnh Công Sơn đã từng viết ở đó các ca khúc Diễm xưa, Hạ trắng…
Tiết trọng đông tháng 11 vừa qua, một bóng dáng cũ của ngôi nhà, một người bạn của Trịnh Công Sơn, một tên tuổi lớn của hội họa Việt Nam - họa sĩ Đinh Cường - từ Mỹ đã cùng họa sĩ Phan Ngọc Minh về bày tranh nơi Gác Trịnh. Khi nghe tin anh em Huế mở cửa lại căn nhà xưa, người họa sĩ của màu rêu xám quý phái đã xúc động làm bài thơ Thầm mơ Gác Trịnh có kể lại kỷ niệm về chiếc ghế: “Bửu Chỉ vẽ xong rồi tôi vẽ/ và Sơn dành vẽ đẹp vô cùng…”. Ông cũng đã vẽ bức tranh“Chiếc ghế và ba bông hồng vàng” đem về bày trong triển lãm. Ông cũng kể về những ngày xưa cùng ngổn ngang chai lọ bên bức tường cũ phía trong, những tư tưởng nghệ thuật đã thoát thai từ những nghệ sĩ đích thực. Một số bức tranh của ông chỉ bày không bán, có chân dung từ ký ức năm 1964 của Trịnh Công Sơn, Bửu Ý, Bửu Chỉ, Bùi Giáng và Dao Ánh. Người đẹp mà Trịnh Công Sơn ngày xưa đã vọng tưởng để sau đó viết cho Dao Ánh: “Anh nhớ lắm hàng cây long não mùa này ướt sũng và đêm gió lao xao trên đó. Hàng cây đã chứng kiến những mùa thu, hạ, xuân, đông (Ánh đã) đi qua…”. Những lá thư huyền thoại mà Dao Ánh cất giữ đã nửa thế kỷ, khi thì Trịnh Công Sơn viết từ Blao gửi về căn nhà 11/3 Nguyễn Trường Tộ này, sau đó các em gái nhạc sĩ mới chuyển sang cho Dao Ánh. Và khi Dao Ánh đi khỏi Huế, những lá thư gửi cho Dao Ánh, có nhiều lá thư được viết từ trong căn nhà này, với bao nỗi hoài mong. Chính vì vậy, chuyến trở về mái nhà xưa lần này của Đinh Cường, Dao Ánh đã nhờ họa sĩ mang về cho Gác Trịnh lá thư của Trịnh Công Sơn gửi cho mình từ Blao, ngày 23-9-1965. Trong thư có câu: “Bây giờ anh không còn làm người gác hải đăng, Ánh cũng thôi làm người mang lửa. Chúng mình làm sao níu cho được tay nhau trong suốt mùa Đông này”? Cái tình của Dao Ánh khi tin yêu gửi kỷ vật của mình về đã thắp lại ngọn lửa trong Gác Trịnh. Dao Ánh viết khi nhờ Đinh Cường mang lá thư về Gác Trịnh: “Anh Cường thân mến, như đã hứa với anh, xin gửi anh đem về chút quà nhỏ, đóng góp của Ánh cho căn nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn ở Huế. Những dấu tích anh Sơn còn để lại đó cùng khắp, trong căn nhà đó, bên dòng sông đó, và trên con đường có lá lao xao suốt mùa thuở đó. Căn nhà này đúng là nơi đáng được gìn giữ dài lâu là căn nhà xưa của Trịnh Công Sơn” .
Một kỷ vật khác nữa. Mười lăm năm trước, trong một lần về Huế uống rượu tại nhà Bửu Ý, thấy nhà thơ Đinh Thu ngồi co ro vì lạnh, Trịnh Công Sơn đã cởi chiếc áo khoác đưa cho Đinh Thu và nói: “Em mặc đi!”. Đinh Thu đã giữ mười lăm năm và nay trao lại cho Gác Trịnh…
Và bên trong căn nhà này, từng ngày vang lên giọng hát Khánh Ly, thì cũng hiện diện tấm ảnh chụp Trịnh Công Sơn - Khánh Ly có lời ký tặng Gác Trịnh của chính ca sĩ. Không chỉ riêng Khánh Ly cảm nhận, những ca khúc Trịnh Công Sơn cứ đi thẳng vào tim rồi ở lại đó. Và cũng không riêng ca sĩ Khánh Ly cảm nhận, Trịnh Công Sơn đã để lại cho người đời bài học yêu thương, gần lại với nhau để học lại từ đầu bài học yêu thương.
Đến Gác Trịnh cũng là cách để học lại bài học đó. Đã nhiều khi, nữ sinh Huế xưa đã đến và hát nhạc Trịnh ngay trong căn nhà này, những bài hát về tình ca và thân phận. Và vì thế, đây cũng đang là “nhà nguyện tình yêu”…
HỒ ĐĂNG THANH NGỌC
 
http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/nha-nguyen-tinh-yeu-20140124161146778.htm

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

cafe Sống Chậm một ngày giáp Tết với Lynh Bacardi



BACARDI 

em ngậm anh
ngậm một lưng cá
buổi chiều đỏ     màu cặn rượu
rời rã    bóng           ướt sương
anh bơi trong em
đêm nuốt chậm chiều
 
lúc lũ mèo tranh nhau xương vụn
tràng tiền đổi màu từng chặp
trắng    xanh       vàng       tím
em trong suốt      đổi màu       trong anh
 
bụm em trong lòng bàn tay sớm mai
em ướt mềm
căn phòng lầu 6 còn ngái ngủ
gọi tên cõi người bằng một loại rượu mạnh
bacardi   bacardi...
 
thực tại là cơn dâm mộng đầm đìa thành phố
em mướt mềm
thành phố chưa thức giấc
lăng tẩm đền đài chìm xuống
sông sương         mưa thuyền đò chìm        trôi
thực tại đầm đìa dâm mộng
chìm mất       trong em


LYNH BACARDI

Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

Từ Hoài Tấn : TẾT



mỗi năm ta được có mấy ngày quên đi mặt trời  mọc lên vào sáng sớm
khi không nhìn lên chiếc đồng hồ xem đến giờ ra xe đi làm
không ăn vội miếng xôi của bà cụ ở đầu xóm
uống cốc cà phê chỉ nghe mùi đắng chát trôi tuột nhanh xuống cổ họng
con đường, người và ngợm, xe và xế, khói và bụi

mỗi năm ta thường mơ tới ngày này
không suy nghĩ về với thời gian
ta nằm yên nghe thân thể trôi đi
ở bên ngoài cuộc sống

mỗi năm ta thường mong tới ngày này
xa lìa cõi thị dân
không bề bộn với suy tính và những âm mưu lừa lọc kẻ khác
quên thế giới quên loài người
quên thiên đường quên địa ngục
ta có quyền toàn tâm ý với tình yêu em
có quyền tưởng tượng đến ngày hạnh phúc
và khi đó ta hoàn toàn tự do
không cần đánh đổi bằng một cái gì khác

Tết
mỗi năm chỉ có mấy ngày
ta lại chính là ta

TỪ HOÀI TẤN

Thứ Hai, 27 tháng 1, 2014

Người Việt tìm Phật trên đất Mỹ

(Thethaovanhoa.vn) - Ở Mỹ, việc đi lễ chùa trở thành một sinh hoạt cộng đồng không thể thiếu để gắn kết các thành viên, đồng thời cũng là mối dây gắn bó vô hình nhưng bền vững, từ tín ngưỡng cho tới những giá trị sống, giá trị triết lý của người Việt.
Hạt Lancaster tiểu bang Pennsylvania bao gồm nhiều thị trấn nhỏ ra đời từ những năm 1726 - 1730, nằm rải rác quanh bờ Đông dòng chảy con sông Susquehanna và từ đó tới nay luôn được mở rộng. Vùng đồi thấp giá lạnh và bình yên nằm ở vùng Đông Bắc nước Mỹ này có duyên trở thành nơi cư trú của hơn 2.178 đồng bào Việt Nam, và là một trong những trung tâm hành thừa Phật pháp được biết đến nhiều nhất trong cộng đồng người Việt cũng như toàn nước Mỹ.
Vào chùa thắp một tuần hương…
Khi rừng cây bao trùm thành phố trút hết lớp áo thu rực rỡ, chỉ còn những cành khô ngút ngàn một màu xám mờ trong hơi sương giá lạnh, băng đóng một lớp mỏng trong các vòi phun nước ngoài trời, thành phố với những ngôi nhà cổ kính đẹp như tranh rộn ràng chuẩn bị cho lễ Giáng sinh, thì cổng những ngôi chùa ở Lancaster vẫn luôn mở rộng đón các gia đình người Việt và cả người Mỹ… mỗi sáng Chủ nhật.
Dự lễ hội lạc thành chùa Xá Lợi
Không giống như ở quê nhà, đi lễ chùa thường phổ biến vào các ngày Rằm, mùng 1 và những dịp lễ lớn như Nguyên Tiêu, Phật Đản, Vu Lan… cũng như chỉ chủ yếu dành cho các mẹ, các chị từ tuổi trung niên trở lên, lên chùa ở Lancaster nói riêng và ở nước Mỹ nói chung, giống như dịp lễ lạc hằng tuần của các gia đình phật tử, không phân biệt tuổi tác, giới tính. Ở đây, người nóng lòng thi lễ thì nguyên comple, cà vạt chỉnh tề, bỏ giày ngoài thềm, rập đầu sụp lạy trước tượng Đức Thích Ca Mâu Ni…
Đi lễ chùa trở thành một sinh hoạt cộng đồng không thể thiếu để gắn kết các thành viên, trong điều kiện làm việc căng thẳng, nghiêm túc, ít có cơ hội để quan tâm thăm hỏi, đồng thời cũng là mối dây gắn bó vô hình nhưng bền vững, từ tín ngưỡng cho tới những giá trị sống, giá trị triết lý của người Việt. Những dịp khánh lễ quan trọng của nhà chùa trở thành ngày hội chung.
Tôi có dịp tham dự lễ hội lạc thành chùa Xá Lợi tại tiểu bang Maryland hồi tháng 9/2013. Lễ hội kéo dài hai ngày một đêm với hàng ngàn lượt người, hàng chục ngàn Phật tử lần lượt tụ về tham dự từ khắp các vùng lân cận như thủ đô Washington D.C, các tiểu bang Virginia, Pennsylvania, New Jersey… và đại diện của các vùng xa xôi, có khi tận đầu kia nước Mỹ như California, Texas… Các ca sĩ nổi tiếng của cộng đồng người Việt như Lệ Thu, Mai Thúy Vân, Diễm Liên, Nguyên Khang… thay nhau làm nóng sân khấu lễ hội suốt hai ngày một đêm với các ca khúc trữ tình cho tới những bài ca yêu quê hương, đất nước, mà hoàn toàn không đòi hỏi bất cứ một khoản cát-sê, dù tượng trưng nào. Thật hiếm khi có một lễ hội cộng đồng nào thu hút được sự tham gia đông đảo cũng như khơi lên được ngọn lửa nhiệt tình cống hiến của thành viên đến thế.
Cũng hiếm có ngôi chùa Việt Nam nào trên đất Mỹ giữ nguyên lối kiến trúc truyền thống của chùa cổ Việt Nam, với Tam quan, Gác chuông mái đao cong vút, Giếng ngọc, Tả vu Hữu vu, Thiêu hương, Thượng điện, nhà Tổ, nhà Tăng… Chùa có khi là một giáo đường cổ kính được bà con phật tử phát tâm mua lại và tu bổ, trang trí như chùa Pháp Hoa ở số 202 đường Cherry St. Columbia, ngôi chùa lớn của Lancaster. Cũng như nhiều ngôi chùa Việt khác trên đất Mỹ, do không gian hạn hẹp, kiến trúc và trang trí bên trong chùa phải tùy thuộc kiến trúc sẵn có, chùa Pháp Hoa cũng chỉ sắp đặt được những nhóm tượng chính của tín ngưỡng như tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, nhóm tượng Quán Thế Âm Bồ Tát và tượng Hộ Pháp. Cũng tùy theo pháp môn của vị sư trụ trì, mà chùa Việt có khi được xây dựng theo lối kiến trúc của chùa Kh’me, như chùa Xá Lợi ở Maryland.
Cộng đồng người Việt được xem là đông đảo nhất trong số các sắc dân Đông Nam Á sinh sống tại Mỹ, chính vì thế chùa Việt Nam cũng trở thành nơi lui tới của một số phật tử từ các quốc gia như Myanmar, Campuchia… Đây cũng là điểm độc đáo khiến cho các chùa Việt ngày càng mang thêm sắc màu đa văn hoá cũng như có quan niệm càng thêm rộng mở về hành thiện, tu tập.

Thỉnh dựng tượng Quán Thế Âm tại chùa Pháp Hoa (tháng 9/ 2013)
Gặp Phật trong nhà mình
Người Việt ở Lancaster, Pensynnvania không mấy ai không truyền miệng câu chuyện có thực mà như truyền thuyết, về gia đình ông Nhâm Ngọc Hựu.
Ông vốn là người gốc Bắc, vợ ông cũng xuất thân từ một làng quê miền Bắc có nghề làm giò lụa nức tiếng. Bà còn giữ hàm răng đen nhưng nhức hạt na, tần tảo nuôi đàn con 7 người, ai cũng được ăn học tới nơi tới chốn trên đất Mỹ. Ông Hựu cao trên 1,8 mét, đi giữa đám đông còn thấy ông vượt lên gần một cái đầu và ông có biệt tài chụp cá từ dưới suối bằng tay không. Những ngày đầu mới đặt chân lên đất Mỹ, còn khó khăn trăm bề, ông vẫn gác việc nhà mình sang một bên để tìm đến xốc vác, giúp đỡ những gia đình neo người, nghèo túng, khó khăn hơn. Ông là người Việt đầu tiên ở Lancaster đứng ra thành lập Hội Phật tử, quyên tiền xây ngôi chùa Việt đầu tiên, đi mời bằng được nhà sư về trụ trì để bà con có nơi tụ họp về tinh thần. Ông còn mở lớp, mời thầy dạy tiếng Việt và quốc văn cho trẻ nhỏ. Những năm 1990, ông thọ giới tại Pháp, trở về Lancaster, ăn chay trường, sống cuộc đời tu hành. Khi ông qua đời, bà con phật tử tận mắt thấy ngọc xá lợi còn lại trong tro cốt ông, truyền tai nhau về những ân đức mà một vị hành giả có thể làm khi còn đang trong đời thường.
Chuyện tu hành của anh Nhâm Ngọc Quang, con trai trưởng của ông còn có phần ly kỳ hơn. Là một kỹ sư, anh làm việc và sinh sống như mọi người bình thường, lập gia đình và có hai con. Chưa bao giờ anh nghĩ sẽ đi tu giống như cha mình. Anh Quang cũng chưa bao giờ chia sẻ về cái duyên nào đưa anh đến với việc tu hành từ cách đây khoảng 10 năm, nhưng anh cảm nhận được cuộc đời thực sự của mình chỉ có thể là cuộc đời một người thừa hành Phật pháp. Anh ngăn đôi căn nhà của hai vợ chồng, lập một am nhỏ để hành thiền tĩnh tại. Người vợ tôn trọng sở quyết của chồng, cảm nhận được “căn tính” của bản thân, chị cũng tự nguyện bước vào con đường tu tập. Căn nhà nhỏ số 2578 đường Litizt Pike, L. PA vốn là tổ ấm của hai người, được bà con truyền tai nhau, đã trở thành “chùa gia đình”, như cách gọi thân mật. Anh Quang dành dụm mua thêm mảnh đất sau nhà xây cất thêm vườn tượng, làm phòng hành thiền cho bạn hữu, đồng bào.
Cộng đồng phật tử ở đây tìm đến và theo đuổi tín ngưỡng như một nhu cầu hướng thiện và hành thiện tự nhiên. Phật pháp vì vậy cũng trở nên gắn bó hơn với những thực hành như hành thiền, ăn chay, làm thiện nguyện. Cũng vì những thực hành mang lại chất lượng mới cho đời sống tinh thần con người, mà không phải sự mê tín, sùng bái, đạo Phật đã thu hút thêm nhiều công dân Việt thế hệ thứ hai, thứ ba ở Mỹ, cũng như nhiều người Mỹ, Tây phương, không phải “dâu, rể” Việt tìm theo.
Người Việt đầu tiên mang Phật pháp vào đất Mỹ là hoà thượng Thích Thiện Ân (1924- 1980). Ông cũng được bà con người Việt tri ân là người xây dựng ngôi chùa Việt đầu tiên của toàn nước Mỹ tại Los Angeles, thành phố của những “thiên thần sa đoạ”. Là tiến sĩ thần học tu học từ Nhật Bản, có duyên với nhiều học giả, nhà nghiên cứu, phật tử từ nhiều quốc gia khác nhau, ông từng mở Thiền viện Quốc tế (The International Buddhist Meditation center) tại 928 S. New hampshire, Los Angeles từ năm 1970 đến nay còn tồn tại. Theo David Allen, Columbia News, toàn nước Mỹ có khoảng 150 tới 165 ngôi chùa Việt, hầu hết theo giáo lý và thực hành Tịnh Độ tông kết hợp với Thiền tông.
Ghi chép của Khánh Phương

Thể thao & Văn hóa

HÒA THƯỢNG THÍCH THIÊN ÂN 
(1925 – 1980)
Hòa thượng Thích Thiên Ân, thế danh Đoàn Văn An, sinh ngày 22 tháng 9 năm Ất Sửu 1925, tại làng An Truyền, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Thân phụ của Ngài là Đoàn Mễ, sau xuất gia là Thượng tọa Thích Tiêu Diêu một bậc tử đạo Vị pháp thiêu thân, thân mẫu là một tín nữ chuyên lo công quả ở chùa Báo Quốc và tu viện Quảng Hương Già Lam, Ngài là con trai thứ trong một gia đình có 4 anh em.
Ngài xuất thân trong một gia đình thế gia vọng tộc, có truyền thống kính tin Phật pháp lâu đời. Nhờ duyên gần gũi Tam bảo từ thuở nhỏ, Ngài đã sớm mến cảnh thiền môn với tiếng kệ câu kinh, nên năm lên 10 tuổi (1935), Ngài theo bước phụ thân xin xuất gia đầu Phật tại chùa Báo Quốc, làm đệ tử của Hòa thượng Phước Hậu, được Bổn sư ban pháp danh là Thiên Ân, Ngài tinh tấn chấp tác, học tập thiền môn qui tắc, hầu cận sư trưởng.
Năm Tân Tỵ 1941, khi được 16 tuổi, Ngài được Bổn sư cho thọ giới Sa di tại giới đàn chùa Quốc Ân – Huế, do Hòa thượng Đắc Quang làm Đường đầu truyền giới.
Năm Mậu Tý 1948, Ngài thọ Cụ túc giới tại giới đàn Hộ Quốc Đàn, tổ chức tại Tổ đình Báo Quốc, do Hòa thượng Tịnh Khiết làm Đường đầu truyền giới. Đồng khóa với Ngài, còn có các vị Minh Châu; Đức Tâm; Minh Tánh...
Năm Giáp Ngọ 1954, với khả năng Phật học và thế học xuất chúng, Ngài được chư tôn đức cho xuất dương du học tại Nhật Bản. Đến nước Nhật, Ngài vào học ở Đại học đường Waseda, là một trường đại học nổi tiếng. Trải qua 6 năm miệt mài đèn sách, Ngài đậu Tiến sĩ Văn Chương vào năm 1960, sau đó Ngài về nước, trong khi chờ Giáo hội bố trí công tác, Ngài nhận lời thỉnh giảng ở các trường đại học.
Năm Tân Sửu 1961, với mơ ước thành lập một viện đại học riêng của Phật giáo. Ngài được lời khuyên của các vị tôn túc lãnh đạo Giáo hội, cần phải trau giồi thêm kinh nghiệm, phương pháp quản lý một đại học Phật giáo có tầm cỡ quốc tế. Vì thế Ngài lại xuất dương để tu nghiệp. Đến Nhật Bản lần này, Ngài đã tìm học pháp môn Thiền Rinzai (Lâm Tế) chính thống của các thiền sư Nhật Bản và thành tựu được sở nguyện này.
Năm Quý Mão 1963, thời cuộc chính trị trong nước đã không thuận lợi như ý định, do sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, dẫn đến cuộc đấu tranh của Phật giáo đồ trên toàn miền Nam Việt Nam. Nặng lòng vì đạo pháp, Ngài bèn trở về nước cùng chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội và Tăng Ni Phật tử tham gia công cuộc đấu tranh. Ngài bị chính quyền Diệm bắt giam chung với chư tôn đức lãnh đạo trong cuộc tổng tấn công các chùa vào ngày 20 tháng 8 năm 1963, đòn cuối cùng báo hiệu trước sự sụp đổ của một chính quyền bạo tàn.
Năm Giáp Thìn 1964, sau pháp nạn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập. Ngài được cử làm Ủy viên Phật học vụ thuộc Tổng vụ Tăng sự. Ngày 13 tháng 3 cùng năm, Viện Cao đẳng Phật học được thành lập do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Viện trưởng, Hòa thượng Thích Minh Châu làm Phó Viện trưởng, Ngài làm Giáo Thọ trưởng. Thời gian đầu tiên, Viện Cao đẳng Phật học đặt tại chùa Pháp Hội ở đường Phan Thanh Giản, Sài Gòn, có hai lớp học giảng dạy tại chùa Xá Lợi, quận Ba – Sài Gòn.
Năm Bính Ngọ 1966, Ngài được Cơ quan Văn hóa Á Châu của Liên hiệp quốc mời hợp tác giảng dạy trong chương trình trao đổi giáo sư. Mùa hè năm ấy, Ngài lên đường sang Mỹ quốc, giảng dạy tại Đại học đường Nam California ở thành phố Los Angeles, với tư cách là Giáo sư thỉnh giảng về ngôn ngữ và triết học. Tại đây, Ngài được sinh viên yêu cầu dạy phương pháp thực hành thiền định và sau đó lập nên nhóm nghiên cứu Phật học đầu tiên.
Năm Đinh Mùi 1967, sau khi kết thúc chương trình giảng dạy Đại học đường, Ngài dự định sẽ về Việt Nam, nhưng thiền sinh, sinh viên Mỹ thỉnh cầu Ngài ở lại để hướng dẫn tu học. Ngài được xem là vị Tăng sĩ Việt Nam đầu tiên hoằng pháp tại nước Mỹ. Khởi đầu, Ngài thuê một căn hộ ở phía nam đại lộ Vermont – Los Angeles để hướng dẫn sinh viên Mỹ học thiền theo truyền thống Nhật Bản. Do ngày càng đông giới thanh niên Mỹ theo học, Ngài thành lập Trung tâm Thiền học Quốc tế (International Buddhist Meditation Center) tọa lạc tại South New Hampshire – Los Angeles. Ngay từ những ngày đầu thành lập, đã có nhiều sinh viên Mỹ xin xuất gia tu học; nổi bật trong số đó có Sư cô Karuna Dharma, là một Tiến sĩ Phật học, người kế tiếp sự nghiệp của Ngài sau này.
Kế tiếp ba năm sau đó, Ngài xây dựng một ngôi chùa lấy tên là chùa Phật Giáo Việt Nam, ngôi chùa Việt đầu tiên trên đất Mỹ cho cộng đồng người Việt ở California có nơi quy tụ chiêm bái và tu học.
Tháng 10 năm 1973, Ngài kết hợp với các nhà giáo dục Mỹ, Nhật, Triều Tiên, Tây Tạng, Tích Lan để sáng lập trường Đại học Đông Phương (University of Oriental Studies), một nơi thu hút đông đảo sinh viên Mỹ ghi danh học Phật học, ngôn ngữ và triết học phương Đông.
Năm Giáp Dần 1974, Ngài tổ chức Đại giới đàn để truyền giới Tỳ kheo, Tỳ kheo ni và Pháp sư (Nhà truyền giáo cư sĩ 25 giới) cho người Mỹ đến tu học với Ngài. Trong quá trình hoằng pháp ở Mỹ, Ngài quan tâm đến việc đào tạo thêm nhiều Pháp sư cư sĩ, người có thể đi vào mọi tầng lớp xã hội phương Tây để truyền dạy chân lý nhà Phật.
Đầu tháng 9 năm 1980, Ngài cảm thấy pháp thể khiếm an, bác sĩ cho biết Ngài mắc phải bệnh nan y do u não và ung thư gan, nhưng Ngài vẫn tiếp tục miệt mài với công tác hoằng pháp. Trong những tháng cuối cùng của cuộc đời, người ta thường nhìn thấy Ngài ngồi một cách thanh thản trên các bậc thang của tháp chuông, họ cảm phục năng lực tinh thần của Ngài kiên định vượt qua sự cam chịu của tật bệnh.
Ngày 23 tháng 11 năm Canh Thân 1980, Ngài đã viên tịch ở tuổi 75, với 52 Hạ lạp. Ngài ra đi trong sự tiếc thương đưa tiễn của hàng trăm ngàn người Việt tại Mỹ và hàng ngàn thiền sinh người Mỹ học trò của Ngài. Một Thiền sinh người Mỹ nói : “Ngài là sức mạnh, là chỗ dựa trong đời sống tu tập của chúng tôi. Ngài đã dạy chúng tôi biết thế nào là sự vô thường, biến loạn của vạn vật, nhưng chúng tôi không nghĩ là mất Ngài sớm như vậy”.
Trong cuộc đời hoằng pháp lợi sanh, Ngài đã để lại dấu ấn cho đời qua các tác phẩm :
- Phật Pháp (viết chung với 3 tác giả) 
- Trao đổi văn hóa Việt – Nhật 
- Buddhism and Zen in Vietnam.
Sự nghiệp hoằng pháp của Hòa thượng Thích Thiên Ân được các đệ tử của Ngài kế thừa và phát triển mạnh mẽ trên đất Mỹ. Ngài xứng đáng là một Tăng sĩ Việt Nam tiêu biểu trong số các nhà Sư châu Á đầu tiên hoằng pháp trên đất Mỹ. 
 

http://www.tuvienquangduc.com.au/Danhnhanvn/htthichthienan.html

Ghi Chú của Blog:
Tưởng Niệm Cậu tôi : Đoàn Văn An - Hòa Thượng Thích Thiên Ân

Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Ngày Tết - Nói về hai mươi bốn loài hoa mai.



Trên đất nước Việt Nam, người ta thường biết đến hoa mai qua loại hoa mai vàng năm cánh đặc trưng xưa nay mà người ta còn gọi là mai rừng, mai tự nhiên hay mai thiên nhiên chỉ có năm cánh, hoa nhỏ và thân cao to có khi đạt đến chiều cao hơn chục mét, hương thơm thoang thoảng, lây lất mùi gỗ rất dễ chịu và mát, không nồng và đậm như một số loài hoa khác. Nhưng thật ra trên thế giới có tất cả hai mươi bốn loài mai thuộc họ mai, tức là chi họ Ochna (Ochnaceae) khác với loài mai mơ gần giống như hoa đào của Trung quốc có màu trắng hoặc trắng hồng, cánh nhỏ, nhụy rậm và dày thường mọc thành chùm và hoa rậm, thân giống cây hoa đào, đoạn xù xì, đoạn trơn láng, màu xanh, da bóng và mọc cao to như cổ thụ.


Hoa mai tại Việt Nam mọc phổ biến ở miền Trung và miền Nam, đa phần là mai rừng tự nhiên. Sau này người ta sử dụng một số loại mai ghép lại với nhau và cho ra đời một loại mai nhân tạo đó chính là mai giảo nhiều cánh, số lượng cánh có thể lên đến hàng chục cho đến hàng trăm cánh xếp chồng lên nhau thành một đóa hoa dày và lớn. Nhưng thật ra hoa mai vàng trong tự nhiên cũng có loài đạt đến số lượng cánh rất cao (từ 12 cho đến 18 cánh). Mai tự nhiên có mùi hương tự nhiên rất thơm và thường nực nồng vào buổi sáng và dần dần mất mùi vào những khoảng thời gian còn lại trong ngày. Có lẽ vì buổi sáng sớm, nhiệt độ còn thấp, sương chưa tan nên hương thơm còn giữ lại trong không khí, đến khi mặt trời lên, nhiệt độ tăng dần, sương tan hết cũng là lúc hương hoa cũng tản ra trong không khí nên chúng ta nghĩ là hoa mất mùi sau khi mặt trời lên cao.



Hoa mai tại Việt Nam có mười tám loại như sau:

1 – Mai năm cánh: Loại mai vàng mọc phổ biến tại miền Trung (Từ Đà Nẵng, Quảng Nam cho đến Khánh Hòa) và trên dãy trường Sơn, trong những khu rừng già. Đây là loại mai năm cánh tự nhiên, hoa nhỏ, thân vừa và nở hoa không nhiều và rậm như một số loài mai khác mà nở thưa thớt. Nhưng nếu lạc vào rừng mai này vào mùa xuân thì chúng ta sẽ thấy sắc hoa vàng rực rỡ cả một khu rừng, cả một triền núi và xác hoa rơi có khi vàng cả một dòng suối. Hương thơm ngập tràn và lan tỏa cả một vùng rộng lớn. Ở một số ngọn núi thuộc đồng bằng sông Cửu Long như tại vùng Thất sơn (bảy núi) cũng có loại mai này nhưng ít hơn và rải rác không tập trung.

Mai 5 cánh


2 – Mai núi: Cũng là một loại mai rừng nhưng có số lượng cánh nhiều hơn từ 12 cho đến 18 cánh, có khi còn hơn thế nữa. Mai này mọc trên những núi đá khô khốc và sống chủ yếu bằng hơi sương, nước mưa và nước ngầm trong lòng đất cộng với khí hậu ẩm thấp của miền núi. Loài mai này thường xuất hiện nhiều tại các vùng núi thuộc Tây Nguyên và nước bạn Campuchia.


3 – Mai chủy: Cũng là một loại mai rừng nhưng thân cây rất to, hoa nhiều, lá rộng, xanh bóng và có hình răng cưa. Loại mai này có hoa mọc thành chùm rất đẹp nên gọi là mai chủy (chủy có nghĩa là chùm, quần thể, quây quần lại, đặc nghẹt).


4 – Mai động, mai sẻ: Là một loại mai chuyên mọc ở những vùng cát trắng gần biển. Loại mai này có thân suôn thẳng và tròn và trổ bông thưa thớt. Nếu chúng trổ năm cánh thì gọi là mai sẻ, còn nếu có hơn năm cánh thì đúng là loa mai động. Mai động và mai sẻ mọc rải rác từ các tỉnh từ Quảng Bình, Quàng Trị vào tận các vùng duyên hải thuộc miền trung và có khi thấy chúng ở các vùng đồi cát trắng thuộc miền nam như Tây Ninh, Đồng Nai, Biên Hòa v..v..
Mai sẻ
5 – Mai chùm gửi, mai Tỳ bà, mai vương: Là một loại mai sống nhờ trên thân cây khác, nhất là các loại cây cổ thụ to lớn, chúng sống bám vào thân cây, một phần hút chất dinh dưỡng từ đất, một phần hút chất dinh dưỡng từ cây mà chúng bám vào. Không giống các loại chùm gửi khác chỉ bám trên thân cây khác, mai chùm gửi sống phân nửa dựa vào bộ rễ bám vào lòng đất của nó. Mai chùm gửi có thân ghồ ghề, cứng và xù xì cùng với những khối u kì dị. Chồi và tược cũng như hoa đâm ra từ những khối u đó. Hoa trổ khá dày và khít thành từng chùm đặc nghẹt. Có nơi còn gọi nó là mai tỳ bà hay mai vương.
6 – Mai hương, mai thơm hay mai ngự: Là một loại mai vàng có mùi hương rất thơm, thơm hơn tất cả các loài mai khác. Mùi hương của nó rất đặc biệt và có lẽ là nồng nàn hơn tất cả các loài mai nên nó được gọi là mai hương cho đúng với tính chất đặc biệt của loài mai vàng năm cánh này. Ở Bến Tre cũng có rất nhiều loại mai này mà người dân ở đây gọi nó bằng một cái tên rất miệt vườn là “Mai thơm” vì nó rất thơm, thơm hơn những loại mai thông thường mà người dân Nam bộ thường gặp. Ở Huế, loại mai này còn được gọi là “Mai ngự” vì nó được trồng trong cung và rất được Hoàng tộc mến chuộng dùng làm quà biếu cao cấp nên nó gọi là “Mai ngự”.
mai ngự
7 – Mai châu (Mai trâu): Là một loại mai trổ hoa rất lớn, hoa của loài mai này lớn một cách lạ thường, cánh to và rộng, màu vàng rực. Mỗi đóa hoa có đường kính hơn 5cm nên người ta gọi nó là mai trâu mà người Nam bộ thường đọc trại ra thành “mai châu”.
8 – Mai liễu: Là một loại mai có cành rất mềm và rũ xuống như cây liễu, hoa trổ rất ít. Lá mai nhọn và nhỏ, thon dài như lá liểu nên được gọi là mai liễu.
9 – Mai nhọn: Là một loại mai có lá dài và nhọn, nụ hoa và cánh hoa cũng có hình dạng tương tự.
10 – Mai Cà Ná: Là loại mai đặc trưng mọc tại vùng biển Cà Ná thuộc tỉnh Ninh Thuận. Loài mai này có thân nhỏ, èo uột, cành rất giòn, dễ gẫy, lá hình bầu dục, trơn láng và có răng cưa quang rìa lá. Người dân ở đây gọi nó là mai rừng Cà Ná.
11 – Mai Vĩnh Hảo: Vào địa phận của tỉnh Bình Thuận, thuộc huyện Tuy Phong, xã Vĩnh Hảo, nơi có nguồn nước khoáng thiên nhiên nổi tiếng nhất Việt Nam là “Nước khoáng Vĩnh Hảo” thì có một loại mai vàng nữa cũng là loài đặc trưng của vùng này, không khác gì mấy so với mai Cà Ná nhưng nó lại được người dân ở đây đặt cho cái tên theo địa danh nơi nó đang sống là “Mai Vĩnh Hảo”. Mai Vĩnh Hảo có thân cứng, lá nhỏ, hoa to và phẳng, đặc biệt rất lâu tàn.
12 – Mai tứ quý: Loài mai đặc trưng của vùng Nam bộ. Mai này cũng trổ hoa vàng nhưng sau khi cánh hoa rụng đi thì đài hoa còn lại năm cánh màu đỏ với nhụy hoa và ba hạt màu đen như hạt đậu. Năm cánh hoa màu đỏ cũng tròn trịa và giống hình một đóa hoa mai. Do tính chất nở hai lần trên cùng một đóa nên người ta còn gọi mai tứ quý là nhị độ mai. Mai này trổ bông lác đác quanh năm nên mới gọi là mai tứ quý (xuân, hạ, thu, đông đều trổ hoa). Mai tứ quý thân sần sùi và đen. Có cây phát triển rất to và cao nhưng đa số là những cây lâu năm. Càng lâu năm nhìn nó càng cổ kính và chắc chắn.
Mai tứ quý:
13 – Mai giảo: Là loại mai có rất nhiều cánh được ghép lại từ nhiều loại mai khác nhau trên cùng một cây mai. Mai giảo lấy gốc mai vàng làm chủ đạo sau đó ghép nhánh của các loại mai khác vào để cho ra đời một loại mai có rất nhiều cánh, rất nhiều màu sắc trên cùng một cây mai. Loại này là loại mai nhân tạo mà chúng ta thấy rất nhiều hiện nay trên thị trường mai Tết.
Sáu loại mai trên thế giới:
1 – Mai vàng Campuchia (Mai Cao Miên): Tên khoa học là Ochna integerrima. Hoa mai có từ 5 đến 9 cánh, khi nở ra thì úp ngược về phía cuống hoa chứ không xòe rộng như các loại mai Việt Nam, hoa có màu vàng tái (sậm gần như cam đậm). Loại mai này cũng có thấy ở Việt Nam, phần nhiều mọc trong những khu rừng thuộc miền Nam và miền Trung. Chúng là loài cây hoang dã cũng có phân bố ở một số nơi có cồn cát nóng và ven những bờ sông râm mát. Mai vàng Campuchia thuộc dạng thân gỗ, nhánh gầy, mảnh và dài. Lá đơn màu xanh nhạt và bóng mọc thưa trên cành, mép lá có răng cưa nhỏ. Hoa mọc ra từ nách lá thành chùm, cuống hoa ngắn, đài hoa xanh bóng và không che kín nụ. Ở Việt nam người ta thường dùng loại mai này để ghép thành mai giảo vì nó có khả năng tăng số lượng cánh lên rất cao. Không những thế mà hiện nay nó còn có ba màu do lai ghép là đỏ, vàng và trắng.
Ochna integerrima Ochna integerrima Ochna integerrima
2 – Mai vàng Nam Phi: Có khoảng 12 loài mai thuộc chi họ mai Ochna bao gồm dạng cây lẽ và cây mọc thành bụi. trong đó có hai loài phổ biến là Ochna pretoriensis và Ochna pulchra. Hai loài này xuất hiện rất nhiều tại vùng Koppie. Loài Ochna pulchra cao khoảng 3 7m, vỏ cây thường có hiện tượng tróc ra, lá dễ rụng. Chúng mọc hoang dã ở rừng, vỏ cây màu xám, xù xì ở gốc, nhánh thân cây bị tróc vỏ màu kem nhạt. Mai Châu Phi có hai màu vàng và hồng. Ngoài ra ở Nam Phi còn có các loại mai rất giống với mai tứ quý tại Việt Nam.
Ochna pretoriensis
Ochna pulchra
3 – Mai vàng Myanmar (Miến Điện): Ở đất nước Phật giáo này có một loài mai mang tên khoa học là Ochna serrulata gần giống với loại mai Nam Phi. Tuy nhiên hình thức của hoa mai có khác đôi chút ở chổ cánh hoa bẹt hoặc có bầu noãn đỏ như mai tứ quý, tồn tại rất lâu trước khi rụng hoàn toàn.
4 – Mai vàng Indonesia: Có tên khoa học là Ochna kirkii Oliv, Ochna serrulata. Tất cả đều có nguồn gốc từ Châu Phi, tuy nhiên do địa chất khác nhau nên chúng có ngoại hình lớn hơn mai Châu Phi. Có loài nở hoa vào mùa xuân, mùa hè hoặc nở cả bốn mùa như mai tứ quý.
5 – Mai vàng Madagascar: Là loại mai có tên khoa học là Ochna greveanum với năm cánh tròn trịa, dúm bèo theo rìa cánh giống như mai cánh dúm ở Việt Nam, lá mai dài và rũ xuống từng chùm.
6 – Mai vàng Châu Phi: Khác với mai vàng Nam Phi vì nó giống mai vàng năm cánh của Việt Nam nhưng có tên khoa học khác là Ochna thomasiana thuộc dạng cây bụi, lá hình oval, đầu lá nhọn và bén dài khoảng 10cm. Hoa rộ trên cành vào mùa xuân, nhưng đôi khi lại bất chợt nở hoa vào mùa hè nhưng số lượng ít hơn. Cánh hoa thon dài khoảng 2cm, đài hoa bung ra rộng và trở thành màu đỏ tía, bên trong có trái non màu xanh giống như mai tứ quý của Việt Nam.
Mai vàng châu Phi
Đó là 19 loại mai của Việt Nam và thế giới, trong đó có loài thứ 4, thứ 6 và thứ 7 đã mang bảy cái tên khác nhau theo cách gọi của dân gian Việt Nam. Nếu tính tổng cộng là có 24 loài mai trên khắp thế giới hoặc có thể còn nhiều hơn nữa. Đúng là hoa mai rất đa dạng và phong phú chủng loại. Ở Trung Quốc họ vẫn gọi cây đào là cây mai vì có nhiều loại rất giống hoa mai nhất là hồng đào và bạch đào mà họ hay gọi là hồng mai và bạch mai, nhưng cánh mai tròn và nhỏ như cánh đào, nhụy hoa rậm và dày, thân cây giống hệt như cây đào nên thường gọi là đào chứ không gọi là mai.
Ngày Tết nói chuyện về sự phong phú của cây mai để chúng ta cùng nhau tìm hiểu về loại hoa đặc trưng của mùa xuân này. Hoa mai là biểu tượng của sự may mắn, tốt đẹp, một sự khởi đầu hoàn hảo và thịnh vượng cho một năm mới. Hoa mai còn có ý nghĩa xua đuổi những điều xấu xa, không tốt đẹp cho một năm luôn được bình an, hanh thông và phát đạt.