Thứ Ba, 26 tháng 3, 2019

VỀ ĐOẠN “THÁNH THI” CỦA GIÁO CHỦ THƠ “VỤT HIỆN” CHỈ DỤ CHO NỀN THƠ VIẾT RA KHÔNG CẦN HIỂU CỦA CÁC GIẢI THƯỞNG THƠ “ VĂN ĐOÀN ĐỘC LẬP”


Trần Mạnh Hảo

Trong bài trước có tựa đề : “VỀ LOÀI THƠ “DUY CẢM” KHÔNG CẦN HIỂU CỦA GIẢI THƯỞNG THƠ “ VĂN ĐOÀN ĐỘC LẬP” : “CẢM’ và “NHẬN” ( “NHẬN THỨC” - HIỂU) LÀ MỘT QUÁ TRÌNH ĐỒNG THỜI” của mình, chúng tôi đã trình bày về mặt lý thuyết CẢM & NHẬN là một quá trình đồng thời, không thể tách CẢM ra khỏi NHẬN được để hô hoán lên như ông giáo chủ nền thơ “VỤT HIỆN” Hoàng Hưng đang dẫn dắt nền thơ mất trí của “Văn đoàn độc lập” rằng thơ chúng tôi làm ra chỉ cốt CẢM, không cần HIỂU ( hiểu = nhận = nhận thức = tư duy)…
Một con người không có sự hiểu biết đi kèm, không còn khả năng nhận thức dù trong thơ, con người đó có còn là người không ? Còn, nhưng là người mất trí, người điên.
Vị giáo chủ thơ “Vụt hiện” đang dẫn đường cho nền thơ viết ra để không ai hiểu vừa được giải thưởng “Văn đoàn độc lập” kia chỉ điên trong thơ, điên có định hướng, điên một cách triết học, điên một cách bác học, điên một cách khá khôn lỏi…
Trong bài viết “Thơ : cảm và hiểu” của ông Hoàng Hưng vừa in trên website “Văn đoàn độc lập” có tính lý thuyết mở đường, như tuyên ngôn loài thơ của giáo phái “THƠ KHÔNG CẦN HIỂU” mang tên là “Vụt hiện”; vị giáo chủ đầy ma lực này đã chỉ lấy ra một đoạn thơ của mình làm dẫn chứng, làm điển hình, coi như thánh kinh của dòng thơ “phản nhận thức” như sau :
"Bão loạn. Lốc dù. Xanh mí. Cốc ré. Váy hè. Tiện nghi lạc-xon. Chất chồng trô trố. Môi ngang. Vô hồn. Khoảnh khắc. Mi-ni mông lông. Cởi quần, chửi thề. Con gà quay con gà quay".
( hết trích)
Rồi Hoàng Hưng hô lên tôi làm thơ trong vô thức, nghĩa là khi ông viết ra những “thánh kinh” kiểu thầy cúng úm ba la trên, ông loại bỏ ngay ý thức, loại bỏ sự hiểu ra khỏi thi ca.
Tôi đồ rằng những huyênh hoang trên chỉ là lời bịp bợm, dối trá.
Bước thứ nhất khi ông viết ra những lời vô nghĩa của thầy mo trên mà ông gọi là thơ, ông đã phải dùng ý thức để nhận biết cây bút là chính cây bút, không phải con thạch sùng và trang giấy chính là trang giấy chứ không phải da của bờ mông vũ nữ.
Bước thứ hai, ông lại theo sự chỉ bảo của nhận thức để viết nên các chữ dù giả ngô giả ngọng, ghép các mẫu tự La Tinh thành ngôn từ, ví như khi ông viết : “ Bão loạn. Lốc xù. Cốc ré. Váy hè…” là ông đã viết đúng luật viết chữ của người Việt vậy !
Ông Hoàng Hưng vẫn dùng ý thức, dùng nhận thức mà lại giả bộ ta đang vô thức, ta đang điên trong thơ đây, thì thật là trò lừa đảo, giống hệt hành vi của ông sư chùa Ba Vàng và bà Yến gì đó đang bày trò “Vong” đòi tiền ra để lừa hàng vạn tín đồ hòng cướp tiền một cách ma giáo !
Nhưng ông Hoàng Hưng lương thiện hơn sư …tử kia vì ông không lừa tiền, chỉ lừa thị hiếu thơ lớp trẻ, khiến bao kẻ bất tài dùng phương pháp luận “phi nhận thức” của ông để làm ra các lời vô nghĩa của thầy mo, thấy cúng rồi thi nhau khen là thi hào thi bá, than ôi !
Trong thánh dụ thơ “vụt hiện” kia bất cứ câu chữ nào của Hoàng Hưng cũng có thể biến thành tên gọi của một loài thơ cực mới, loài thơ mà hiểu được chết liền :
“Cốc ré” đã thành chỉ dụ của một loài thơ !
“Váy hè” đã thành chỉ dụ cho một loài thơ !
Tóm lại mỗi dấu chấm dưới đây đều có thể là một loài thơ của “Văn đoàn độc lập” :
“ Chất chồng trô trố. Môi ngang. Vô hồn. Khoảnh khắc. Mi-ni mông lông. Cởi quần, chửi thề. Con gà quay con gà quay".
Ta thử mở ít đoạn cái gọi là thơ được giải của “Văn Đoàn độc lập” xem thơ của các tín đồ dòng “Vụt hiện” kia là loài thơ nào nha.Thí dụ như món thơ đang được tôn là thi bá của nền thơ thầy cúng của ‘Văn đoàn độc lập” của Vũ Thành Sơn :
Thơ Vũ Thành Sơn
một
sau cuộc chiến nàng là hiện thân của trầm cảm
thở bằng mang
và yêu bằng vây
mỗi ngày nàng thả vào trong chiếc hộp giấy
một cuộc hành trình màu
nuôi cho chúng lớn lên
nhưng trí tưởng tượng luôn là một trò chơi nhiều rủi ro,
không có kết thúc
và bạn cũng không thể tìm thấy cảm hứng
từ một xác chết
đôi khi nàng sục sôi nổi loạn
như một ngọn gió bị nhốt
và thức dậy như một chiếc đồng hồ hết pin
bỏ quên trong tủ áo
tôi tin nếu gọi tên mình một cách chậm rãi,
đủ lâu
một kẻ khác bên trong chúng ta
sẽ lên tiếng
(hết trích “thơ” Vũ Thành Sơn )
Thơ này hiểu chết liền. Theo tôi nó thuộc dòng thơ : “ Cốc ré”
Trần Mạnh Hảo “điên tiết” thử nhái giọng thơ “Cốc ré” của Vũ Thành Sơn tí chơi cho vui nhộn nha :
“Thiên sứ ruồi co giật vô thức
Trầm cảm mồm tò he
Yêu bằng đít của loài tư tưởng cóc
Cần phải chơi trò không chơi gì hết
Các lỗ thủng thiên sứ
Lõa thể mảnh sành
Không ăn gì à sỏi
Anh vừa ăn ba vạc số không
Đi đâu thì đi
Hỏi loài sóc đĩa”
( hết nhái thơ Vũ Thành Sơn)
Xin đọc thơ được giải của Phapxa Chan, và xin đọc bài nhái cho thêm tí vui nhộn :
Thơ Phapxa Chan theo tôi nên xếp vào dòng thơ mà thầy Hoàng Hưng đã đặt là dòng : “Mi-ni mông lông” :
Thơ Phapxa Chan
( Chùm thơ đăng trên văn việt năm 2017 )
Cậu Biết
Làm Gì Đây?
Tớ sẽ giết
một bài thơ rồi chôn nó trong thảm lá vàng.
Cậu nghĩ bài
thơ sẽ để cậu làm vậy ư?
Cậu nghĩ
bài thơ ra đời để làm gì nếu không để được chết trong một thảm lá vàng?
Mùa thu
chôn cất những bài thơ vào trong lá và mai táng những tờ lá vào trong thơ.
Nếu ta
không giết được một bài thơ thì mùa thu sẽ giết ta mất thôi.
Nói về mùa
thu của cậu đi
Nó đã làm
gì?
Nó sinh ra
tớ.
Từ xác mục
một bài thơ trong thảm lá vàng?
Ai mà biết
được
Cách chúng
ta ra đời mãi mãi là một truyền thuyết.
Vậy hãy
hỏi mùa thu!
Để nghe
một lời nói dối?
Để nghe
một bài thơ!
Bồ Câu
buổi
sáng và những
vết
thương
bồ
câu
( hết trích “thơ” Phangxa Chan)
Trần Mạnh Hảo ngứa mắt bèn nhái thơ “Mi-ni mông long” của Phangxa Chan tí cho thay đổi không khí :
Nàng thơ hú lên
Tớ bóp cổ nàng
Chôn xuống hoa rụng
Chết dưới hoa âm vực
Nàng rất bướm
Chôn nàng vào thơ ta
Ta
Sinh
Ra
Các
Thứ

Sinh
Xử tử muỗi các thánh thần
Treo cổ hư vô lên vi khuẩn
Cây
Mắc
Cỡ
Đái
Mưa
Thu
Giật
Giật

Vàng

Thức
Tớ sinh ra tớ
Nó sinh ra nó
Thơ tơ lơ mơ
Khói
Chạy
Đi
Tro
Đuổi
( hết nhái thơ Phangxa Chan)
Viết đến đây dài quá, hẹn kỳ sau nhái các thi hào thi bá “Văn đoàn độc lập” được giải khác.
Thưa rằng các tín hữu dòng thơ “Vụt hiện” dù múa bút như mưa gió, như bão tố cũng thua xa sư phụ Hoàng Hưng khi ông biến loài thơ “Cởi quần chửi thề” thành ma quái đến các thầy mo Mường và thầy cúng Mán phải gọi bằng cụ, như sau, trích trong trang 17 tập thơ của Hoàng Hưng có tên “Người đi tìm mặt” đã xuất bản ngót hai mươi năm trước :
“Cõi ám toán vài ba vân mộng áp sát chiều về, vô cương tỏa. Dong dỏng thoát y mắt bụi nứng nẩy nồng nây chạng rạng ra ràng còn tấy còn nướu tanh bành bò quanh thít chặt. Ôi ong đầu óc cục cựa cùng mình choang choang ngực. Tan thân”
( hết trích Hoàng Hưng)
Thách quý vị hiểu được chết liền !
Nhái được chết liền.,.

Sài Gòn ngày 26-3-2019
T.M.H.





Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2019

THƠ GIỮA CHIẾN TRANH VÀ TÙ ĐẦY (Trích phỏng vấn Thanh Tâm Tuyền của Lê Hữu Khóa) Ngô Thế Vinh






 (Thanh Tâm Tuyền một tên tuổi lớn trong văn học Việt Nam hiện đại, với hai đóng góp đặc sắc trong đời sống văn học kể từ sau 1945. Về thơ, Thanh Tâm Tuyền đã dứt bỏ với thể thơ truyền thống có vần điệu, và ông là đại diện cho phong trào thơ tự do. Hai tập thơ đầu tiên Tôi Không Còn Cô Độc và Liên, Đêm và Mặt Trời Tìm Thấy đã khai sinh ra một thế hệ “làm thơ/ fait de la poésie” và “không còn làm những câu thơ theo vần/ ne fait plus de vers”.
Về văn xuôi, tác phẩm đầu tiên cuốn Bếp Lửa đã đánh dấu một đoạn tuyệt/ point de non-retour so với kỹ thuật kể chuyện cổ điển. Ở Thanh Tâm Tuyền, sự cô đọng của ngôn từ góp phần vào sự tăng tốc nhịp điệu / accélération des rythmes và chủ động trong xúc cảm thẩm mỹ/ maitrise du sens esthétique.
Là tác giả được biết tới nhưng lại ít được giới phê bình nghiên cứu một cách sâu rộng trong khoảng thời gian chiến tranh 1954-1975, và ngay cho tới bây giờ Thanh Tâm Tuyền là tác giả đáng ngại nhất / le plus redoutable cho giới phê bình văn học Việt Nam, do phong cách sáng tạo phức tạp/ démarche créative complexe và cả lý thuyết văn học tổng hợp/ théorie littéraire synthétique của ông. Tất cả trên một cái nền sáng tạo mới của nhạc tính thi ca/ musicalité poétique.
Thanh Tâm Tuyền trong số các nhà văn hiểu rõ sự tàn phá đất nước Việt Nam do chiến tranh, ông cũng đã sống nhiều năm trong tù đầy, ở tù 7 năm ra tù 1982.)
***
KINH NGHIỆM VĂN CHƯƠNG TRONG CHIẾN TRANH 54-75
Ngoại trừ thơ, tôi [Thanh Tâm Tuyền], đã có hai thời kỳ ghi dấu bởi hai tác phẩm văn xuôi. Cuốn thứ nhất là Bếp Lửa (1954) mô tả khung cảnh Hà Nội trước 1954, với những người ra đi cũng như những người ở lại, cả hai đều bị giằng co bởi những chọn lựa miễn cưỡng, sự chia ly hay cái chết. Tức thời đã gây phản ứng chỉ trích của mấy nhà văn cách mạng. Trong bài nhận định của tạp chí Văn Nghệ (Hà Nội), một cây bút phê bình đã chất vấn tôi: “Trong lúc nhân dân miền Bắc đang tung toàn lực để xây dựng chủ nghĩa xã hội, thì nhân vật trong Bếp Lửa đang ở đâu ? ” Tôi đã trả lời: “Hắn đi về hướng huỷ hoại của lịch sử”, mỗi nhà văn là một kẻ sống sót.
Cuốn sách thứ hai, Ung Thư (1970) có thể coi như một tiếp nối của Bếp Lửa. Ung Thư là một hiện hữu mà chúng ta chấp nhận giữa định mệnh phù du và sự lạnh lùng của cái chết. Cuốn sách ấy chưa hề được xuất bản. [tiểu thuyết Ung Thư đăng từng kỳ trên báo Văn từ 1964, là một tác phẩm quan trọng thứ hai của TTT sau Bếp Lửa, ghi chú của người viết]
...
***
KINH NGHIỆM VĂN CHƯƠNG TRONG TÙ CẢI TẠO 75-82
Đối mặt với cảnh rối loạn và tình trạng hỗn mang khoảng thời gian sau 1975, tôi nghĩ rằng tôi đã sống hết cuộc đời mình, thời gian còn lại là phần thặng dư, tôi không còn bận tâm nghĩ tới nữa. Mất ảo tưởng toàn diện/ désillusion totale. Năm 1975, chế độ mới bắt tôi vào trại tù cải tạo cùng các bạn "đồng hội đồng thuyền”, chúng tôi rời đồng bằng đi về các miền núi với bình tĩnh và vô cảm, không tuyệt vọng và cũng không hy vọng.
Tôi đã nghĩ tới “biến mất/ disparaitre” không hy vọng trở về, như thứ cặn bã bị cuốn đi bởi cơn lụt của lịch sử/ l’inondation de l’histoire. Nhưng tôi đã lầm. Họ đưa chúng tôi ra Bắc, tới những cánh rừng già cô lập với thế giới bên ngoài, bỏ mặc tôi với thiên nhiên, tự do với “mục tiêu đi đốn gỗ mỗi ngày”, tôi đã tập leo và trượt núi chờ cơ hội đào thoát. Nhưng rồi mỗi ngày tôi chỉ tìm thấy con đường trở về trại.
Tại sao tôi gọi đó là trở về ? Có phải “chẳng còn hy vọng”, hay là sự vỡ mộng của con người bị ruồng bỏ, của con người tuyệt vọng? Vào lúc này, tôi thực sự sống trong hy vọng không hiện hữu/ l’inexistence, trong một vùng bất khả xâm nhập, một tình trạng không còn liên hệ/ non-relation. Điều ấy không rõ ràng với tôi. Rồi tôi được thuyết phục rằng tôi đã được hồi sinh/ ressuscité, có nghĩa là thi ca đã trở lại, tôi hạnh phúc sung sướng. Tôi cũng đã bẽn lẽn như hồi còn trẻ, với những bài thơ đầu tiên, tôi dấu các bạn trong trại, tôi không dám đưa ra.
Khi anh sống vô cảm ngày qua ngày, không nghĩ gì tới tương lai, không hoài niệm quá khứ, không ưu tư với hiện tại, anh còn lại gì ? Vẫn còn cái gì đã hiện hữu trong anh, và điều ấy vẫn hiện hữu cho dù anh muốn hay không.
Để qua đi những ngày ảm đạm, với mưa, với hè nóng cháy, với sương giá, với bão tố, với những mùa thay đổi, tôi tìm niềm vui trong những thứ ấy, trong tôi, thứ duy nhất mà tôi mang theo, luôn luôn ở trong tôi.
Trong tôi còn lại gì ? Gia đình, bạn hữu. Những bài thơ, đã đọc và nhập tâm/ intériorisés, dĩ nhiên. Một khoảnh khắc tới, ký ức chuyển vận mau chóng, đọc những bài thơ cho riêng tôi. Nơi ấy anh có thể gặp những ánh sáng kỳ lạ. Thời gian của những tàn lụi/ le temps des ruines tăng sức cho thi ca.
Đằm mình trong thời gian “phi lịch sử/ sans histoire” hay đúng hơn không lịch sử từ bên ngoài/ sans l’ histoire de l’extérieur, người ta khám phá ra rằng những ngày, những tháng trong cuộc sống không định hướng, không mục đích, trần trụi. Tuyệt đối trần trụi. Không hiện hữu của đời sống/ inexistence de la vie đem tới sự thanh thản nội tâm/ paix intérieure. Trạng thái thơ thanh bình này/ état poétique paisible ngự trị trên một vũ trụ tĩnh lặng.
Từ đó mỗi bài thơ là một thời gian đóng kín/ temps clos, tách rời khỏi vận động của cuộc sống. Thời gian của lo âu bỗng trở thành thời gian cô đọng/ temps condensé, không có sự khác biệt nào giữa [thời gian] ngưng đọng và trôi qua.
Làm thơ trong trại tù cải tạo, cũng là trở về với thi ca truyền thống dân gian/ la poésie de tradition populaire. Chế độ làm việc trong trại là một ngày căng thẳng tám tiếng, không có cuối tuần; mỗi tù nhân có một vũ trụ riêng: một manh chiếu, năm sáu chục tù nhân trên dưới hai tầng giường, khoảng hơn trăm người trong một lán dưới một mái che. Viết là một xa xỉ: một chỗ ngồi, thời gian viết. Với nhịp độ áp đặt trên đám tù nhân trong rét lạnh, đói... ai còn dám nghĩ tới sáng tạo? Ngay cả một thiên tài, một năng lực siêu nhiên cũng không thể vượt qua được những “ức chế” như vậy.
Tuy nhiên, trong tiếng Việt, người ta nói “làm thơ” chứ không ai nói “viết thơ”. Như vậy, người ta có thể làm thơ khắp nơi, trong bất cứ vị trí nào: khi đang đi, đứng, nằm, ngồi, khi tỉnh thức... Thi ca tới với bạn không hẹn trước, không định ngày, định giờ. Người ta không thể tìm vì không biết nó ở đâu. Chỉ còn là một công việc đơn giản: đón nhận và trao đổi với nó. Thơ đòi hỏi ở bạn một điều duy nhất: giữ cho được tiếng nói thuần khiết/ parole pure và sau đó tiếng nói ấy sẽ quyết định đời sống của chính nó.
Thơ thường kín đáo, đôi khi nó đi vào bằng cửa chính, đôi khi bằng con đường nhỏ, bạn lắng nghe và chú ý. Thơ chuộng sự ẩn mặt/ se masquer, che dấu/ se voiler, do đó nếu trí nhớ bạn không tỉnh thức, bạn sẽ không thể nhận diện nó.
Trong lúc bạn “lao động vì mục tiêu cách mạng”, thơ tới với bạn. Bất ngờ, giữa cánh đồng, giữa rừng rậm... Thơ tới, thơ bắt bạn dừng lại. Bạn bắt đầu thấy bầu trời và rồi quên đi những cử động máy móc. Thơ sớm đưa bạn tới một trạng thái nội tâm thanh tịnh. Sự tự-hiện-sinh/ autoexistence ấy đem tới niềm vui. Bởi vì khi thi ca buông anh ra, anh trở lại cuộc sống mà anh đã dám chối bỏ. Anh thấy cuộc sống này tự chuyển đổi thành tiết điệu của các câu thơ. Chỉ làm việc với đôi cánh tay, trong khi đôi tai đuổi theo những tiết điệu, nhạc tính của bài thơ. Sự hoà điệu này đem lại cân bằng cần thiết giữa giới hạn lao động trong những động tác và ký ức đang tích luỹ/ stocke.
Nhưng thực tế làm thơ trong trại cải tạo, sự khó khăn vẫn có đó. Vì không thể nào viết sửa/ rédiger những bài thơ, như trạng thái hạn chế cuối cùng của sáng tạo: niềm vui cao giọng đọc thơ và chia xẻ với bằng hữu xung quanh. Thơ phải được đọc và nghe/ la poésie doit être lue et écoutée, đó là số phần cuối cùng của thơ. Số phận của tiếng nói nhưng cũng là số phận ký ức của nhiều người.
Sau khi được trả tự do, trên đường trở về, việc đầu tiên mà tôi đã làm là tự thu mình và viết xuống những bài thơ trong trí nhớ của suốt thời gian bị giam cầm. Tôi là người sống sót, nhưng tôi không còn muốn là một nhà văn, như tôi đã từng luôn luôn ao ước bấy lâu; Tôi đã ghi trong ký ức tù cải tạo: “Tới lúc tôi phải viết như không có gì đã xảy ra/ comme si rien s’était passé, như không có gì biến đổi/ comme si rien n’était modifié.”
Và bây giờ tôi tự nhủ: “Đến lúc nào tôi sẽ có thể có được điều như vậy?” Để có thể viết trở lại/ pour re-écrire.
(Thanh Tâm Tuyền, La poésie entre la guerre et le camp
Propos receuillis et traduit par Lê Hữu Khóa)
-----------------------------------------------------------------------------------
Kính mời đọc thêm:
http://www.phamcaohoang.com/…/816-ang-tien-thanh-tam-tuyen.…

Thứ Ba, 5 tháng 3, 2019

Gặp lại những nhà văn Tuổi ngọc

 0 THANH NIÊN
Trước 1975, song song với việc ra báo dành cho tuổi mới lớn thì nhiều nơi còn chủ trương thực hiện các tủ sách viết về học trò, trong số ấy, đình đám nhất vẫn là Tuổi ngọc.
6 tác phẩm mới xuất bản của các cây bút Tuổi ngọc  /// Ảnh: Quỳnh Trân
6 tác phẩm mới xuất bản của các cây bút Tuổi ngọc
ẢNH: QUỲNH TRÂN
Việc NXB Văn hóa Văn nghệ (TP.HCM) quyết định làm “bà đỡ” cho một số tác giả của “thiên đường không tuổi” này trở lại đã mang đến bất ngờ thú vị cho độc giả.
Các nhà văn Tuổi ngọc có sách xuất bản vừa ra mắt là Đinh Tiến Luyện với Anh Chi yêu dấu, Từ Kế Tường ngọt ngào Tình yêu có màu gì, Mường Mán say sưa Cạn chén tình, Hoàng Ngọc Tuấn tít tận Ở một nơi ai cũng quen nhau, Nguyễn Thị Minh Ngọc hoài niệm Tuổi ngọc ngày chưa xưa cùng Đoàn Thạch Biền hồn nhiên với Đâu phải cái gì cũng mong manh. Đây là những cây bút góp mặt thường xuyên trên tuần báo Tuổi ngọc mà những trang viết của họ từng tạo thành hiện tượng của dòng văn học “tươi xanh”, hay còn gọi bằng một cái tên quen thuộc “Tuổi của những tháng năm đẹp nhất đời người”.

Tuần báo của yêu thương



“Theo tôi dòng sách văn học viết về tuổi mới lớn vẫn là dòng sách hấp dẫn, bởi tuổi ngọc là những tháng năm đẹp nhất của đời người.  Ai cũng có giai đoạn này, sống, trải qua với tâm trạng của mình và luôn được hồi tưởng trong suốt các giai đoạn tiếp theo của cuộc đời. Nhưng hiện nay rất ít nhà văn viết chuyên về lĩnh vực này một cách bền bỉ và tâm huyết. Việc chủ trương ra lại tủ sách là việc làm thích hợp và mang nhiều ý nghĩa tích cực, khơi dậy một dòng văn học có thời đã bị lãng quên”.
Nhà thơ Từ Kế Tường

Suốt cả cuộc đời miệt mài sáng tác, nhà thơ Từ Kế Tường vẫn không bao giờ quên giai đoạn này, ông kể: “Thời đó, sách báo dành cho lứa tuổi học trò chỉ đếm trên đầu ngón tay. Về báo có: Thiếu nhi, Ngàn thông, Tuổi ngọc. Nhu cầu của thị trường không chỉ đòi hỏi về báo, nên song song với việc ra báo, những người thực hiện tờ Ngàn thông đã chủ trương mở thêm tủ sách Tuổi hoa gồm ba loại: Hoa xanh, Hoa tím và Hoa đỏ. Còn NXB Đời Mới có tủ sách Trăm hoa dành cho lứa tuổi mới lớn và tủ sách Tay ngà dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Vì vậy những người làm tờ báo Tuổi ngọc mới có chủ trương ra tủ sách Tuổi ngọc để làm đa dạng thị trường”.
Tờ báo Tuổi ngọc do chủ nhiệm, chủ bút là nhà văn, nhà thơ Duyên Anh - Vũ Mộng Long điều hành, thư ký: Từ Kế Tường - Anh Chi (Đinh Tiến Luyện) cùng đặc phái viên Phạm Chu Sa và quản lý Đặng Xuân Côn, đặt trụ sở tại địa chỉ 38 Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn. Tuổi ngọc xuất bản thứ năm hằng tuần với slogan: “Tuần báo của yêu thương”. Ngoài văn, thơ, nhạc, mục thường xuyên… phần còn lại dành nhiều đất để đăng truyện dài. Thời đó, có rất nhiều cây bút trẻ được phát hiện và thành danh sau này từ Tuổi ngọc như: Từ Kế Tường, Từ Hoài Tấn, Phương Tấn, Đoàn Thạch Biền (Nguyễn Thanh Trịnh), Mường Mán, Hạc Thành Hoa, Hoàng Đình Huy Quan, Huỳnh Hữu Võ, Mang Viên Long, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Nguyễn Nhật Ánh, Tôn Nữ Thu Dung, Nguyễn Nguy Anh, Trần Anh, Khuê Việt Trường, Nguyễn Man Nhiên, Phạm Sỹ Sáu, Nguyễn Hải Thảo, Nguyễn Vân Thiên, Nguyễn Ngọc Nghĩa, Nguyễn Tấn Sĩ, Tạ Văn Sỹ, Nguyễn Thái Dương (Nguyễn Mặt Trời), Trần Viết Dũng, Lê Minh Quốc (Thiên Bất Hủ), Tôn Nữ Thu Nga, Văn Công Mỹ, Hồ Việt Khuê, Mai Việt, Nguyễn Như Mây, Phạm Khánh Vũ, Hoàng Trần, Đỗ Thị Hồng Liên, Bùi Hữu Miên (Nguyễn Liên Châu), Nguyễn Tấn Cứ, Chu Ngạn Thư, Phạm Thanh Chương…

Một thời đã sống trọn vẹn

Khi có thông tin tên mình nằm ở một trong 6 cuốn sách của những tác giả Tuổi ngọc được xuất bản, nhà văn Đinh Tiến Luyện nhận được nhiều lời chúc yêu thương của độc giả dành cho. Mọi người như sống lại cả thời hoa niên ngày xưa. Nhà văn Đinh Tiến Luyện viết trên trang cá nhân: “Chẳng tiếc gì khi một thời mình đã sống trọn. Tuổi ngọc một thời là góc kỷ niệm của chung chúng ta. Lật lại những trang báo cũ đã quên thật trong tôi tự lâu, tất cả mọi số báo, từng góc trang một, tôi vẫn chẳng quên được, vì nó đều qua tay tôi sắp xếp... Như người đầu bếp, thế thôi. Giờ thì bàn tiệc tuổi mộng mơ đã tàn tự lâu lắm rồi, chỉ còn thoáng hương vị quyện trong khói tàn lại làm tôi nhớ khi khéo léo trộn lại hình ảnh những ấn phẩm mới và cũ để nhận ra Tuổi ngọc”.
Bà Đinh Thị Phương Thảo, Tổng biên tập - Giám đốc NXB Văn hóa Văn nghệ, cho biết: “Nhu cầu tìm đọc những tác giả Tuổi ngọc ngày xưa là rất lớn, vì vậy chúng tôi quyết định tuyển chọn làm tủ sách Thiên đường không tuổi. Hạnh phúc là nhận được rất nhiều sự ủng hộ của bạn đọc. Các thầy cô giáo ở các trường học từng một thời say mê với Tuổi ngọc thì nay cũng tình nguyện làm những sứ giả văn hóa, mọi người cùng vận động mua sách để tặng lại học sinh, giúp các em tiếp cận được với dòng văn học về tình bạn, tình yêu hết sức trong sáng một thời. Hy vọng nhiều tác giả Tuổi ngọc sắp tới được tiếp tục giới thiệu trong tủ sách này sẽ lan tỏa những yêu thương đến với cuộc đời”.
Nhà văn Từ Kế Tường bộc bạch: “Đây là đề tài muôn thuở, tác giả nào viết hay, được giới trẻ chấp nhận sẽ tạo được tên tuổi và có dấu ấn. Tôi hy vọng tủ sách này sẽ lớn mạnh, phát triển, không chỉ quy tụ, tập hợp được những tác giả tên tuổi như 6 tác giả và các tác phẩm vừa rồi mà sẽ là sự nối tiếp bởi những tác giả trẻ”.
https://thanhnien.vn/van-hoa/que-huong-qua-ong-kinh-nhiep-anh-nu-tphcm-1056118.html