Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

Thơ Từ Hoài Tấn

Ghi chú tháng tám


Người ngụ cư mỗi ngày vào thành phố với chiếc xe đạp sườn ngang

Nghiêng nón vành chào khách lạ

Đọc tin vào sáng sớm bão bên kia đại dương

Và cơn áp thấp ở biển gần

Lễ rửa tội vào ngày thứ Sáu

Tình yêu mới đầu tuần

Diễu hành vào ngày Chủ nhật


Người đàn ông vào thành phố mỗi ngày không biết để làm gì

Mỗi ngày không hề biết có sự hiện hữu

Của kẻ ngụ cư trên đất nước mình



Ngày chủ nhật


Sáng nay trong niềm phấn khích bất chợt

Tôi đăng ký làm người tình của em một ngày

Tham gia vào cuộc sống em

Vui buồn và bất trắc

Như buổi sáng hôm nay cùng em diễu hành trên đại lộ

Rồi vào một quán vỉa hè

Vui đùa với những nhà thơ hiện đại (không phải những nhà thơ bàn tròn)

Những nhà thơ với trái tim đích thực của mình cùng nhịp đập của thời đại

Niềm tin vào sự vĩ đại của sự thật không hề bị suy giảm


Những ngày chủ nhật tôi sẽ là người tình của em

Sẽ là như thế


THT

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

Cao Huy Khanh VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 – 2011: NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ


Kỳ 82 –29.8.2011 (Trích đăng từ 1.1.2010, xem MỤC LỤC DANH SÁCH ở Kỳ 75)

821 - Chung Thị Do

20 NĂM MẸ CÕNG CON ĐI HỌC

Nông dân sinh tại Tiền Giang. Sống ở TPHCM (2011).

Lấy chồng là bộ đội thương binh 51% nên sinh con trai đầu lòng năm 1987 bị nhiễm CĐDC từ cha bắt đầu từ 14 tháng tuổi đã xuất hiện triệu chứng bệnh lý 2 chân rất yếu đi đứng vô cùng khó khăn.

Năm con lên lớp 5 bệnh chuyển nặng làm 2 chân liệt luôn, tay cử động yếu ớt. Nhưng con vẫn ham học nên mẹ phải chiều con hàng ngày cõng con đi bộ 4km đến trường. Cứ thế đều đặn cõng con đi học THCS rồi THPT tốt nghiệp.

Năm 2009 con thi đại học đậu vào ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM. Thế là bây giờ mẹ lại tiếp tục cuộc trường chinh cõng con đến trường trên hành trình dài hơn hẳn là phải đưa con lên trọ học ở TPHCM trong hoàn cảnh nhà nghèo, chồng tái phát bệnh thời chiến tranh và một con trai thứ hai cũng mắc bệnh gần giống anh mình.

Thầy dạy con cấp trung học cũ cảm thương đứng ra vận động thầy cô giúp đỡ tiền bạc cho 2 mẹ con lên thành phố. Nhưng đường đến trường nay diệu vợi hơn hẳn nơi đô thị đông đúc làm sao cõng nổi con đi học?

May mà được một mạnh thường quân cho một chiếc xe máy cũ để ngày ngày chở con đến trường rồi từ cổng trường mới cõng con lên phòng học trên lầu. Có khi tới lầu 2-3 cả 2 mẹ con té lăn gần xỉu luôn!

Trong khi con học thì mình tìm chỗ khuất ngồi làm gia công dán hộp quà tặng mỗi ngày được 30.000 đồng để phụ thêm cho con ăn học. Và cầu mong còn chồng con ở quê ráng chống chỏi chờ ngày con trai đầu học hành thành đạt quay về chứ “không tính gì được hết”.

822 - Đàng Thị Trang

NỮ FULRO 1

Dân thường sinh khoảng 1957 tại Ninh Thuận. Sống ở Ninh Thuận (1982).

Người dân tộc Chăm trước 1975 tham gia sinh hoạt tại Trung tâm Văn hóa Chàm ở Phan Rang, một trung tâm do Pháp thành lập và điều hành dưới danh nghĩa viện trợ cho chính quyền VNCH.

Gia đình có truyền thống theo cộng sản, mẹ hoạt động nằm vùng làm cán bộ phụ nữ xã, hai anh trai là liệt sĩ. Nhưng sau 1975 lại đi theo người tình là một lãnh thụ Chăm ly khai theo FULRO vào rừng lập chiến khu chống cộng sản. Tại đây sinh được 2 con.

Nhưng một thời gian sau phần vì con nhỏ không chịu nổi cảnh sống kham khổ trốn tránh trong vùng rừng thiêng nước độc, phần khác do chồng phụ bạc theo “nữ Fulro” khác nên tìm cách ôm con bỏ trốn. Bị chồng cũ biết được sai lính đuổi theo bắn bị thương may mà thoát chết chạy về nhà cha mẹ ở Phan Rang.

Ơ nhà mẹ tưởng chết rồi nên đã lập bàn thờ không ngờ nay vẫn còn con thêm cả cháu nữa. Liền đưa con ra khai báo trình diện chính quyền, được nhắc nhở rồi cho về.

Từ đó cố gắêng làm lại cuộc đời lấy chồng mới bạn học cũ sau khi chồng cũ đã bị bắt ở tù.

823 - Hồ Thị Điu

CHẠY TRÊN CÁT 80KM/NGÀY

Nông dân sinh 1950 tại Quảng Trị. Sống ở Quảng Trị (2007).

Thương binh hạng 3 từng bị địch bắt giam tra tấn tàn nhẫn vẫn sống sót đến ngày hòa bình.

Trở về quê xã nghèo vùng cát trắng xã Triệu Lăng sát biển. Lấy chồng sinh được 5 con thì năm 1985 chồng đi biển gặp bão bỏ mạng trước sóng dữ.

Còn lại một mình phải nuôi 5 con và một mẹ già mắc bệnh thần kinh cũng do bị địch bắt tra tấn chấn thương đầu.

Quê nhà là vùng quê nghèo tơi tả vì chiến tranh tranh khốc liệt (550 hộ chiếm hơn 50% dân số thuộc diệïn gia đình chính sách, hơn 350 liệt sĩ, 250 thương bệnh binh…) chỉ còn biết theo nghề buôn cá để sống còn.

Thế là đều đặn hàng ngày từ 3 giờ sáng ra bờ biển chờ thuyền đánh cá về mua cá mực bỏ vào quang gánh rồi gánh… chạy tất ta tất tưởi lên chợ huyện cách đó 20km bán. Bán xong lại mua từ chợ một số hàng tạp hóa lẻ đến khoảng 7 giờ sáng thì gánh tất cả… chạy 20km nữa về làng bán lẻ. Nghỉ ngơi chút đỉnh đến 4 giờ chiều lại ra bờ biển ngóng tàu đánh cá về buổi chiều mua thêm đợt cá mực nữa để… tiếp tục chạy lên chợ huyện bán. Xong lại… chạy về chờ đến 3 giờ sáng hôm sau “bổn cũ soạn lại” hành trình gánh cá mực chạy như thế. Nên nhớ khi đem hàng lên chợ bán phải chạy nhanh hết sức – đuối sức té ngã cũng ráng gượng dậy… chạy tiếp - để cá tôm không bị ươn. Chuyên bán “hải sản” vậy mà bữa ăn cho mình chỉ toàn… rau! Để dành món ăn ngon bán lấy tiền lo con ăn học.

Tính ra cả ngày đã chạy khoảng 80km chia làm 4 đợt trên vùng đất toàn cát trắng cây cối đã chết rụi do bom đạn đổ xuống hàng hà sa số thời trước, lại thêm luồng gió Lào khô khốc nổi tiếng thổi qua từng đợt rát mặt biến nơi đây không khác gì sa mạc Châu Phi.

Dù vậy vẫn không quên ngày 2 lần – lần đầu và lần cuối ngày – trên đường đi đều ghé ngang thắp mộ chồng (ở đây mộ chôn trong cát chứ chôn đâu khác?) – cầu xin chồng phù hộ cho mình mãi mãi chân cứng đá mềm để nuôi con.

Hơn 20 năm thực hiện lộ trình chạy “việt dã cát” đều đặn như thế đã nuôi con ăn học thành tài. Bốn đứa đầu đều vào đại học, một đã tốt nghiệp ra đi làm.

824 - Hồ Thị Ngọc Hải

NGƯỜI KHÔNG CÓ 2 HÀM RĂNG

Sinh viên sinh tại Hà Tĩnh. Sống ở Hà Tĩnh (2011).

Mẹ từng làm giao liên cho cộng sản những năm 1972-74 tại Quảng Trị, sau 1975 lấy chồng là bộ đội phục viên về sống ở quê chồng Hà Tĩnh. Sinh 3 đứa con đầu đều bị nhiễm CĐDC dị dạng, dị tật chết ngay sau khi sinh.

May sao bản thân mình (và người anh kế) sinh sau vẫn sống được nhưng cứ bệnh tật liên miên, suốt một năm đầu sau khi sinh hầu như nằm viện suốt. Bao chứng bệnh quái ác ở đường khí quản bào mòn thân thể khiến cả 2 hàm răng đều hư hết (xương hàm quá yếu), mắt lồi lên!

Dù vậy ý chí ham học đã vực dậy nạn nhân bé nhỏ ốm yếu này, trở thành học sinh giỏi cấp THPT.

Năm 2007 tốt nghiệp phổ thông trung học chuẩn bị thi vào đại học ngành sư phạm với ước mơ làm cô giáo. Nhưng cô giáo mà không có… hàm răng thì dạy học trò sao đượïc thế nên cha mẹ cố gắng đưa con ra Hà Nội khám răng hy vọng được Nhà nước giúp đỡ. Bệnh viện sẵn sàng khám chữa miễn phí song làm 2 hàm răng giả hàng chục triệu đồng thì phải nhờ bảo hiểm y tế thôi. Kết quả bảo hiểm y tế trả lời… không chi!

May sao báo Tuổi Trẻ biết được viết bài kêu gọi nên được một nữ bác sĩ làm tư ở TPHCM giúp làm cho 2 hàm răng – trị giá trên 30 triệu đồng - không lấy tiền. Thế là “cô gái da cam” này có được 2 hàm răng trắng nuốt như ai!

Bây giờ đàng hoàng thi đậu vào ĐH Hà Tĩnh hệ cao đẳng sư phạm năm 2008 (năm trước chỉ dám thi vào ngành kế toán tài chính). Sau 3 năm theo học đầy cam go do cứ bệnh nghỉ học hoài những khi trái gió trở trời, giữa năm 2011 đã tốt nghiệp hy vọng sớm thành cô giáo dạy tiếng Anh.

825 – Hồ Thị Thanh Hòa

HAI VỢ CHỒNG CHẤN THƯƠNG SỌ NÃO

Công nhân về hưu sinh 1955 tại Thừa Thiên – Huế. Sống ở TPHCM (2007).

Năm 15 tuổi trốn nhà theo cộng sản đánh Mỹ, được đưa vào bộ đội làm nhiệm vụ mở đường trên chiến trường Trị – Thiên.

Năm 1971 bị B52 Mỹ thả bom đánh sập hầm chôn vùi 7 chị em trong tiểu đội, chỉ mình và một đồng đội sống sót. Nhưng bản thân bị chấn thương sọ não phải nằm viện nhiều tháng trời.

Ra viện được cho đi học một lớp văn nghệ xung kích rồi theo đội văn nghệ đi phục vụ tuyến đường Trường Sơn. Được 3 năm thì bệnh não tái phát nên được chuyển qua học làm y tá đưa về làm ở viện quân y để có điều kiện thuận tiện tiếp tục chữa trị bệnh đau đầu thường xuyên.

Kết thúc chiến tranh 1975 ra quân thương binh nặng hạng 1/4 được nhận vào làm xí nghiệp ở Bình Trị Thiên song thời này các cơ quan sản xuất không ổn định nên cứù phải thay đổi chỗ làm hoài.

Lấy chồng là bộ đội phục viên dân Quảng Bình sinh 3 con một gái 2 trai. Nhưng chồng bị nhiễm CĐDC và trùng hợp ngẫu nhiên là cũng từng bị chấn thương sọ não nên trong cuộc sống chung hai bên khi “lên cơn” thường xuyên va chạm, gây gổ vô cớ! Mâu thuẫn gia đình lên đỉnh điểm tới mức năm 1984 chồng bỏ về quê Quảng Bình để lại cả 4 mẹ con bơ vơ.

Thế là một mình nuôi 3 con trong tình cảnh bệnh sọ não không hết nên bị xí nghiệp cho nghỉ việc năm 1987. Đành phải làm công nhân quét dọn vệ sinh cho khách sạn, nhặt lon bia hộp giấy phế thải và cả cắt lá chuối đem đi bán lấy tiền lo con ăn học.

Vậy mà nuôi 3 con trưởng thành đàng hoàng, có con theo nghiệp cũ của mình làm nghề biên đạo múa. Phần mình nay đã thảnh thơi đôi chút trở lại tham gia các hoạt động văn nghệ quần chúng – cả sáng tác lẫn trình diễn hát, ngâm thơ, độc tấu -- hoài niệm một thời xuân sắc ca hát trên đường Trường Sơn.

826 - Hồ Văn Với

ÔNG CHỦ CHO MƯỢN… DÊ, BÒ

Nông dân sinh 1938 tại Quảng Trị. Sống ở Quảng Trị (2008).

Bộ đội thương binh phục viên người dân tộc Pa Cô sau chiến tranh trở về quê ở vùng rừng núi A Lưới giáp giới Thừa Thiên – Huế.

Nhờ kiến thức học hỏi thời đi bộ đội nên biết cách xoay xở làm kinh tế mua vải đem qua Lào bán, đào mương dẫn nước về trồng lúa và cà phê, đào ao nuôi cá, nuôi bò nuôi dê… làm ăn khá giả nhất buôn làng.

Bản thân sống thoải mái rồi thì không nỡ nhìn cảnh bà con trong buôn làng cứ mãi nghèo khổ nên từ năm 1990 nảy sinh ra ý cho bà con “mượn” bò hay dê lấy vốn làm ăn, cho mượn “chay” tức không tính tiền lãi gì hết chỉ với điều kiện “nuôi nó làm sao sinh ra cả đàn dê thì trả lại để còn cho ngườøi khác mượn”!

Không chỉ giúp xóm giềng làm ăn mà còn giúp các đôi lứa thương nhau song nghèo quá không lấy nhau được do không kiếm được… đồ sinh lễ theo phong tục người Pa Cô nơi đây, thế là “xuất” ngay một con bò hay heo cho chú rể làm lễ với bên nhà gái.

Gặp những trường hợp người mượn quá khó khăn ngặt nghèo thì… tặng luôn! Với lý do đơn giản thôi: “Thấy dân mình nghèo khó thì ai chẳng buồn. Bà con đồng bào cả mà… Rồi có khi mình hay mấy đứa con trong nhà lâm cảnh hoạn nạn, đồng bào giúp lại mình thôi.”

827 - Huyền Linh

VỤ ÁN FATIMA BÌNH TRIỆU

Linh mục nhạc sĩ tên thật Nguyễn Huyền Linh sinh 1926 tại Nam Định – Mất 2003 ở Bình Phước (78 tuổi).

Di cư vào Nam 1954, tác giả một số bài thánh ca được nhiều tín đồ hâm mộ như “Ave Maria con chào Mẹ”, “Lời Mẹ nhắn nhủ”, “Ôi Giê su!”…

Năm 1977 liên quan đến vụ án Công giáo chống chế độ ở nhà thờ Fatima Bình Triệu – TPHCM nên bị đưa ra tòa xét xử lãnh án chung thân.

Năm 2001 bệnh nặng được đưa về TPHCM chữa trị, sau đó chuyển về giam ở Bình Phước rồi mất tại đây 2 năm sau.

Trong cảnh tù đày bệnh tật vẫn tiếc nuối không được tiếp tục con đường đem âm nhạc đến với niềm tin cho tín đồ:

“ Vét trong óc nhớ đôi bài nhạc

Từ thủa bình minh lắm gió mây.

Trên chín tầng cao xanh lả lướt

Như nghe nhồi máu tim say…”

828 - - Huỳnh Năm

KHÔNG BIẾT MẤT MỘT… QUẢ THẬN!

Thương binh sinh tại Quảng Nam. Sống ở Đà Lạt (2007).

Trong kháng chiến chống Mỹ là công an chiến đấu trên mặt trận Quảng – Đà.

Năm 1973 bị thương nặng được đưa về bệnh xá giải phẫu cứu chữa nằm viện 9 tháng, sau đó chuyển ra Bắc an dưỡng.

Năm 1977 xuất ngũ vào Lâm Đồng sinh sống. Khi làm chế độ thương binh 3/4 được giám định mức thương tật 31%. Nhưng thời gian qua thỉnh thoảng vẫn thấy vết thương cũ đau nhức nên năm 1991 đi giám định lại được nâng mức thương tật lên 56%.

Dù vậy cơ thể vẫn tiếp tục có dấu hiệu bất an, cuối cùng năm 2005 vào TPHCM khám kỹ hơn lúc đó mới té ngửa ra rằng từ hơn 30 năm nay mình chỉ còn… một quả thận, còn quả thận kia hẳn đã bị cắt đi khi được mổ cấp cứu trên chiến trường! Có lẽ do hoàn cảnh chiến đấu khắc nghiệt, gấp gáp nên y bác sĩ… quên báo cho mình biết.

Bây giờ biết rồi muốn sửa lại y bạ để nâng mức thương tật lên bổ sung quyền lợi thương binh thì thủ tục hành chính thật không đơn giản chút nào!

829 -- Huỳnh Thị Ba

“TỈ PHÚ BA GÀ”

Doanh nhân sinh 1961 tại Đà Nẵng. Sống ở Đà Nẵng (2009).

Mồ côi cha – liệt sĩ chống Mỹ - từ nhỏ. Nhờ lý lịch nên sau 75 được vào làm kế toán cho một công ty ở Đà Nẵng.

Năm 1988 lấy chồng sinh ba con. Phải lo toan gánh nặng gia đình gặp thời bao cấp khó khăn kinh tế nên túng làm liều chiếm dụng tiền cơ quan hùn vốn đi buôn hàng cấm. Không may thất bại vỡ nợ bị bắt lãnh án 20 năm tù.

Trong thời gian ở tù chồng bỏ đi lấy vợ khác, con cái phải chạy về tá túc bên ngoại.

May mắn nhờ nhân thân liên hệ Cách mạng nên chỉ ở tù 5 năm thì được đặc xá năm 1997.

Trở về với 2 bàn tay trắng một mình nuôi 3 con và một mẹ già bằng nghề nuôi heo, có lúc không chỗ ở gần như phải sống chung với… heo (ở luôn trong kho đựng thức ăn cho heo)! Nhờ trời nuôi heo khá mát tay, lúc đầu nuôi 10 con sau phát triển lên 150 con rồi 500 con.

Sau đó còn chuyển qua nuôi gà cũng rất thành công kể cả trong cơn đại dịch cúm gà cuối năm 2004. Tên tuổi “Tỉ phú Ba gà” thành danh từ đó.

830 – Huỳnh Văn Hùng

ÁN OAN “NỘI GIÁN” 30 NĂM

Nông dân sinh 1941 tại Bến Tre. Sống ở Bến Tre (2009).

Thuộc gia dình cộng sản “nòi”, ông nội, cha và em trai là liệt sĩ thời chống Mỹ nên mới 10 tuổi đã đi làm liên lạc viên rồi thoát ly theo kháng chiến luôn. Làm trưởng công an xã rồi cán bộ an ninh huyện, bí thư xã Quới Sơn ở quê nhà BếnTre.

Thình lình tháng 2.1974 bị công an huyện bắt cùng với hai đồng đội đảng ủy viên với tội danh làm… nội gián cho địch!

Cả 3 bị đưa đi giam ở trại cải tạo tỉnh. Đến tháng 2.1977 – sau 3 năm 2 ngày ở tù - mới được thả ra không kèm theo bất cứ lý do, chỉ giải thích qua loa với cấp trên – qua văn bản – rằng các đương sự “chưa chịu nhận tội nhưng (công an) không có điều kiện xác minh”!

Ba người làm đơn đi kêu oan khắp nơi từ tỉnh ủy đến cả BanTổ chức Trung ương đều không kết quả. Hai đồng chí cùng chịu hàm oan đành bỏ cuộc về quê làm ruộng rồi chết sớm trong cảnh nghèo khổ, gia đình tan tác lại mang tiếng xấu “phản bội” khó lòng gột rửa.

Bản thân gia đình mình cũng rơi vào cảnh mâu thuẫn tận cùng tới chỗ cả vợ con cũng bức xúc vì dư luận dị nghị nên có lúc đã trách cứ mình là kẻ “phản cách mạng”, làm gián điệp bán đứng tổ tông (nên nhớ con cái 3 nhà này khi đi học hay đi làm đều bị địa phương chứng vào lý lịch “có cha là nội gián”)! Không thể chịu nổi cuối cùng đành ly dị vợ.

Bị đẩy đến bước đường cùng thê thảm như thế càng sôi sục ý chí tìm cách minh oan, phục hồi danh dự không chỉ cho mình mà còn cho cha ông dòng họ nữa: “Tôi từng mấy lần tính tự tử trong trại giam nhưng nghĩ lại nếu mình chết thì ai giải quyết cho mình? Chết tức là để tiếng xấu đến cả dòng họ, gia đình… Tôi phải sống để có ngày ngẩng mặt với đời…”

May sao năm 1966 gặp lại nữ đồng chí cũ là du kích cùng chi bộ hồi đó lúc này là cán bộ công an luôn tin tưởng thủ trưởng cũ của mình vô tội nên bà đã tìm cách nhờ công an Bến Tre và Mỹ Tho lật lại hồ sơ vụ án xem lại sự thật thế nào.

Cuối cùng phải lên tận TPHCM truy tìm tài liệu mật của tình báo chính quyền VNCH còn giữ lại trong kho hồ sơ của Bộ Công an mới dần tìm ra đường dây mối nhợ vụ án này. Đó là do mật vụ chế độ cũ dàn dựng để gây chia rẽ nội bộ cộng sản Bến Tre và công an Bến Tre thời đó nghiệp vụ còn sơ khai lại mắc bệnh cảnh giác quá độ “giết lầm còn hơn bỏ sót” nên đã bị sập bẫy!

Từ đó năm 2003 tỉnh ủy Bến Tre ký quyết định giải oan cho 3 “đồng chí mình” sau 30 năm mang án oan trong đó 2 người đã phải ngậm cười nơi chín suối lâu rồi.

Về cựu bí thư xã còn sống cũng có được một đoạn kết hạnh phúc thanh thản chắp nối cuộc đời với người nữ đồng đội trung thành năm xưa. Một kết cục “ân đền oán không trả” trùng hợp kỳ lạ bởi người vợ cuối đời an ủi tuổi già này có chồng trước (đã mất) chính là anh phó công an huyện đã ký lệnh… bắt người chồng bây giờ cách nay 30 năm!

(Còn tiếp)

http://sites.google.com/site/vanvietloc4/home/ho-so-hau-chien/hshc-ki-82

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2011

Thơ : Hoàng Lộc - Đặng Tấn Tới

HOÀNG LỘC

trăng đất khách

alt

ta mấy ngàn đêm xa cố quán
từng đêm ta cũng đã mơ về
thấy em đứng với dòng sông trắng
cùng bóng sầu trên áo rất mây

thương khổ đời em không thể khác
mùa trăng con gái biệt tăm rồi
mối tình cứ phải ông trời buộc
mà giữ gìn nhau cũng hết hơi

ta đã nhiều năm trăng đất khách
vẫn ngang trời có bữa mây che
chỉ có lòng ta ôi chẳng khác
bởi tình em ngàn dặm theo soi...

8-2011

ĐẶNG TẤN TỚI

TÌNH CÁT BỤI

http://files.myopera.com/hoadongphuong/blog/1-Dangtantoi49.jpg

Một ít tơ xanh rụng tóc hồ
Nơi đâu là nghĩa trắng hư vô
Bao nhiêu gương thắm đằm gương nước
Soi đến không cùng đất bạc thô

Mỗi ngày tôi vẫn đến bên chân
Thả chẳng xa và nắm chẳng gần
Đôi mảnh thơ hồng hương đắm đuối
Ơi tình cát bụi mãi còn ngân


MẦU XỨ SỞ

Tôi còn lại bên bờ non biển thẳm
Đợi bao lần xa mất giữa trăm năm
Sầu hoang loạn xứ sở nào bước gặp
Mạch thơ mầu cổ lục mắt đăm đăm

Người từ buổi lên đường mang lửa đốt
Gió sương mùa thao thức mầu long lanh
Sông reo sóng trường sa hồn phiêu hốt
Dội diêu tàn biền biệt xuống xuân xanh

Tôi nay đứng trên đường thương thế kỷ
Ngả mười lăm mười bảy đã qua nhanh
Lời mời gọi vô cùng cơn lâm lụy
Ánh hoa đời ngời rạng suối tình anh


Nguồn : http://hoangloc.vnweblogs.com/

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

Võ Công Liêm : MỘT NGÀY TRONG ĐỜI … ALEKSANDR I. SOLZHENITSYN

Mỗi khi nói đến “Một Ngày trong Đời của Ivan Denisovich” (One Day in the Life of Ivan Denisovich) người ta liên tưởng đến Một Ngày trong Đời của Aleksandr Solzhenitsyn. Đúng vậy! Solzhenitsyn gởi gắm toàn bộ thể xác và linh hồn mình qua nhân vật Ivan Denisovich Shukhov, một cuộc đời đày ải và lầm than; đó là điều khó khăn mà hầu như không thể vượt qua được giữa thời buổi lúc ấy.

Đời của Ivan Denisovich là một cuộc đời hết sức vất vả, vật lộn với mọi tình huống trong đời sống dân thường cũng như trong ngục thất, Ivan nhận lãnh tất cả những oan khiên không lường được, nhận lãnh những đảo điên để rồi qui hàng với định mệnh, cho dù giấc mơ tầm thường nhất cũng không đến, hình như Ivan Denisovich sinh ra để nhận những thử thách đó như sứ mạng được giao. Và không có nhân vật nào trong truyện mà lâm vào một hoàn cảnh bi đát như thế; tất cả trạng huống đó đã được Solzhenitsyn mô tả một cách cực kỳ trắng trợn và sống động của những kẻ giam giữ và những kẻ bị giam giữ dưới gông cùm sắt máu của chế độ độc tài đảng trị Stalin…

Shukhov bị đẩy vào con đường lao lý một cách cắc cớ, không minh oan, không giải bày, tống lên xe đi về miền băng giá cực bắc Liên Sô, nơi sẽ chôn vùi anh từng ngày, từng giờ với bóng tối mịt mùng và đầy biến động trong những ngày tháng lao động khổ sai ở Tây-Bá-Lợi-Á (Seberia). Một trại cải tạo khổng lồ chạy suốt từ Tashkam (Tây Nam Liên Bang Nga) xuyên thẳng qua bờ Hắc Hải (Black Sea) cho tới biên cương Phần Lan/Liên Sô trong lãnh điạ Leningrad. Ngần ấy đủ để cho ta thấy được cái điạ ngục trần gian mà nhà nước Liên sô dựng lên để lưu đày những người tù vô tội, những công dân Liên Sô bị nghi hoặc dưới một chính quyền chuyên chính tàn bạo, làm ung nhọt bao thế hệ đã qua cũng vì những tham vọng cố hữu mà chà đạp lên nhân phẩm làm người; cho nên cái hoài bão của Ivan Denisovich là mơ về mái ấm gia đình của một dân quê; đó chính là giấc mơ của Solzhenitsyn được làm công dân trong một đất nước an bình thịnh trị cho tới cuối đời.

That’s your freedom! Just live in that village until your death!...Look at the sun every morning and harken to the rooster…Are you willing? Oh! not only willing; but, good Lord, please send me a life like that!...

Đó là lý do chính đáng để Aleksandr Solzhenitsyn chọn nhân vật Shukhov thay mình mà diễn tuồng đời, thay mình để phản kháng, tuy tiềm ẩn nhưng hiệu năng nhờ những giòng văn chương đối kháng để chống lại sự áp đặt as the line of greatest resistance của những kẻ cầm quyền.

Ivan Denisovich được xem là một nhân vật biện-chứng-tín-phục, một đại diện đích

thực của Solzhenitsyn. Hư thực được hiện thân qua hai vai trò Evan và Aleksandr họ cùng chia xẻ như nhau có khác gì đâu, tất cả đều xẩy ra cùng một tâm sinh lý, cùng một quan điểm, thì điều ấy không còn xa lạ với chúng ta. Tuy nhiên Solzhenitsyn vẫn để lại cho người hùng Ivan một tia hy vọng được sống tự do cho một ngày…

the author also promised to give his hero, Shukhov a tiny hope of living in freedom one day…

“Một Ngày trong Đời của Ivan Denisovich” không phải là tập truyện ghi lại những cảm xúc bình thường hay ghi lại những ký ức mà ở đây tác giả diễn tả sự kiện một cách đơn thuần, ghi lại những kinh nghiệm sống cũng như những hồi tưởng của tác giả, dù chỉ là kinh nghiệm cá nhân. Tập truyện viết ra như một tiểu thuyết cở vừa nhưng đã chứa đựng một chất lượng đầy xác thực cho một hoàn cảnh đất nước thời đó. Nói lên cái đối xử giữa người với người ”trời nắng chang chang người trói người” (Cao Chu Thần) nói lên sự khốn cùng, đày ải một cách thất nhân tâm của một chính quyền sợ mất quyền lợi, sợ mất cái độc tài chuyên chính, nhờ vào cái sợ đó mà nhà văn lột trần được mặt trái xã hội, một hồi chuông cảnh tỉnh lòng nhân đạo. Cho nên chi giữa nhân vật và người đời cảm nhận được những sự cố xẩy ra không còn ngẫu nhiên mà sống thực. Tác phẩm “Một Ngày trong Đời của Ivan Denisovich” đi vào lòng người kể từ đó cho đến nay và đó cũng là Một Ngày trong Đời của Aleksandr Solzhenitsyn, một tác phẩm trọn vẹn nói lên được tính nhân bản để trở thành một tác phẩm nghệ thuật It is a work of art, một giá trị thực chứng đồng thời để lại một chứng tích lịch sử cho nhân loại có hiệu năng mà ngày nay những con người văn minh tiến bộ cũng như những đất nước chậm tiến có một chính thể như thế, thấy được rằng lao tù không phải là nơi làm cho ta khiếp sợ mà dừng bước, nó trở nên lạc hậu dù cho xây dựng trên một nền tản kiên cố nào đi nữa ”concrete material” đều trở nên thoái trào.

Hầu hết những tác phẩm của Solzhenitsyn đều nói lên cái bi thương cùng cực của những người tù, mà họ phải trùm lên đầu chiếc khăn sắt đầy bóng tối. Cái đau đớn đó đi sâu vào tiềm thức của tác giả, bởi thân phận đó chính là thân phận mình, khi mà Solzhenitsyn nhận thức được sự biến trình của lịch sử, bởi Aleksandr quá lý tưởng hóa lý thuyết, nhưng lý thuyết đã đi xa với cuộc đời. Ngày bước chân vào quân đội Hồng Quân với quân hàm đại úy, chính là lúc Solzhenitsyn thấy mình, thấy mình rơi vào tuyệt vọng, khi khám phá ra sự tuyệt vọng đó là lúc Solzhenitsyn nhận bản án lưu đày. Năm 1937 là năm khó cho cả nước Liên Sô, khúc quanh lịch sử chuyễn biến, Aleksandr Solzhenitsyn nằm trong thời điểm đó, cho nên không giải quyết gì được cả mà ngoan ngoãn thi hành theo mệnh lệnh đảng và nhà nước.

Tựa đề ”Một Ngày/One Day”. Tại sao Solzhenitsyn dùng một ngày mà không dùng những ngày để thấy mức độ của tiến trình? -Không! bởi một ngày trong tù là thiên thu tại ngoại, một ngày của cực hình, đày đọa, một tước đoạt và quản chế tất cả quyền làm người; vậy mong chi những ngày đó, họ chỉ xin một ngày, một ngày thôi cũng đủ cho họ hạnh phúc ngàn ngày, đó là giới hạn cố hữu inevitably limited mà hằng ngày những kẻ lưu đày phải gánh chịu, mà sự cách ly đó chính là ánh sáng và bóng tối -Một ngày của Shukhov là một ngày của Solzhenitsyn- phải ngậm đắng (em-bittered) của một người tù khổ sai, đó là lằn biên cách biệt giữa hai thế giới bên trong và bên ngoài; tất cả là đọa đày là hãi hùng mà những “anh hùng vô danh” phải nhận lãnh. Cho nên Solzhenitsyn làm sống lại một Denisovich như một biểu tượng của một hành động siêu lý đầy sinh động với tấm lòng trung thực về cái quyền làm người như cái quyền “bão vệ súc vật” vậy. Tha thiết vô cùng!

Đó là những gì tác giả để lại trong tác phẩm của mình như một xác thực tuyệt đối, những nhân vật trong truyện được làm sống lại cả một thiên anh hùng, đấu tranh gian khổ từ thời chiến cũng như thời kỳ tái thiết hậu chiến là cả một yêu cầu đòi hỏi cấp bách của nhân dân Liên Sô thời bấy giờ.

Những nạn nhân của cuộc chiến cũng như những kẻ bị cầm tù trái phép đều chung một cảnh ngộ mà họ đã thay mặt cho chúng ta nói lên những điều đau đớn và bất công đổ lên đầu họ. Đây không phải là một lý giải có tính sinh lý mà là vấn đề luân lý đạo đức. Solzhenitsyn đã viết lên những khắc khoải đó, viết lên những nhu cầu tối thiểu, đặc biệt là nhu cầu làm người, mà chính quyền chuyên chính đã áp đảo, khống chế không riêng những người tù mà kể cả những người bất hạnh; từ đó dấy lên những phong trào yêu nước cao độ mà hậu quả sẽ đưa đến nguy cơ cho một cơ chế độc tài đảng trị. Solzhenitsyn thắp lên ngọn đuốt từ đó, có khác gì tiếng trống thúc quân – báo động cho thế giới thấy được sự trầm thống của người tù phải sống trong kiếp đọa đày với bản án không bao giờ được xét xử. Cho nên một ngày như mọi ngày, biến những người tù thành người máy không có não và cảm thấy như một ngày bình thường ordinary day, có nghĩa là họ kiên trì chịu đựng với thời gian, dù tiếng than vô vọng…nhưng chắc chắn điều đó đã đánh động lương tâm độc giả khắp toàn cầu. Truyện “Một Ngày trong Đời của Ivan Denisovich” đã đưa người đọc đi từ trang đầu đến trang cuối với một hình ảnh khổ hạnh, một trạng thái đau đớn, một thân phận làm người giữa cuộc đời này. Ivan và Aleksandr mất niềm tin, không có một chọn lựa nào hơn, bởi trong và ngoài nhà tù chẳng còn chọn lựa nào hơn cả, họ âm thầm ngậm đắng để cho đời hành xác. Đọc hết tập truyện ta mới thấy đau đớn mùi đời mà tác giả đã thể hiện một cách cụ thể và chính xác; đó là thành quả lớn lao nhất của Solzhenitsyn. Tuy nhiên; nỗi đau đó không mang lại cho chúng ta sự tuyệt vọng mà đây là một cố gắng hết mình của tác giả để làm sáng tỏ một sự thật đau lòng mà ông phải gánh chịu trong suốt gần mười năm lưu

đày qua các trại tập trung. Ông viết như trút niềm đau, không tha oán, không van xin mà là bằng chứng. Nhưng ông phải nói. Như minh định lòng quả cảm và sự hy sinh cao cả của những anh hùng vô danh.

Solzhenitsyn viết tập truyện nầy như nghĩa cử của một người yêu nước, giữa một thời đại hỗn mang, băng hoại, dâng hiến tấm lòng mình cho đất nước và cho nhân dân Sô Viết. Solzhenitsyn chẳng mong đợi một khía cạnh nào khác hơn giữa đời này. Vấn đề còn lại là dành cho những người có khả năng viết về nó. Đó là bài học giản đơn rút tiả từ ngôn ngữ văn chương của Aleksandr Solzhenitsyn mà ra.

Nếu những luận đề trong tác phẩm của ông có một giá trị tuyệt đối, thì đó là lòng tin mà nhân loại đón nhận và dành lại một ý niệm sâu xa cho dù vấn đề đau đớn đó không tìm được giải pháp nào hơn để chúng ta cảm thông hoàn cảnh thời buổi ấy một cách trung thực và chính đáng, thích nghi, hợp lý những gì đã diễn tả trong truyện. ”Một Ngày trong Đời của Ivan Denisovich” là một cuốn tiểu thuyết đầy đủ và trọn vẹn dưới vai trò của Shukhov một phản ảnh cụ thể mà Solzhenitsyn đã mô tả một cách trung thực và sự thật của những người lao tù trong đời này; điều đó sẽ làm vơi đi nỗi lo sợ mà lâu nay đã khắc ghi vào tâm khảm của chúng ta phần nào. Giờ đây niềm đau đó được gióng lên như cảnh tỉnh. Âu đó cũng là phương cách thẳng thắn và lòng danh dự mà chúng ta đã thực hiện được.

“The effect of this novel,which is so unsual for its honestry and harrowing truth,is to unburden our mind of things thus far unspoken,but which had to be said.It thereby strengthens and ennoble us”(Alexander Tvardovsky )

Do đó ”Một Ngày/One Day” được tác giả cho là một ngày hoàn hảo nhất, trọn vẹn nhất, bao hàm cả một sự bày tỏ sinh động và hào hứng, thể hiện được đức tính khiêm ái trước bạo lực và không tự nó mà trở nên ý thức unself-concious đó là giải pháp chính đáng. Chỉ cần một thứ ngôn ngữ đó mới diễn tả hết ngọn nguồn của sự thật; chỉ còn lại một Ivan Denisovich và một Aleksandr Solzhenitsyn mà thôi! Cho dù có phạm thượng chăng nữa thì vẫn xem như một thử thách lớn lao. Vì vậy ”One Day” là một hành động làm nên sự nghiệp cho tác giả, một tấm lòng tri ân của Solzhenitsyn đến với người đọc và hài lòng đối với bản thân mình.

Qua một phần tư thế kỷ, những gì mà Solzhenitsyn viết ra trong tác phẩm của mình là cả một bằng chứng hùng hồn, nói thẳng những gì mà ông đã sống, đã thấy và đã nghe, tất cả được lột trần một tệ đoan xã hội ngày đó cho thế giới bên ngoài nhận biết hệ thống lao tù như một tường thành chống ngoại xâm, những trại tập trung khổng lồ đều nằm trong qui hoạch của nhà nước Stalin; dù là trực tiếp hay gián tiếp hành động ngu xuẩn ấy chỉ tác hại đến nhân dân Sô Viết; nhưng có ai hay!

Có rất nhiều gia đình rơi vào cảnh phân ly, mẹ xa con, chồng xa vợ và những người anh em khác đều chung số phận tù đày với biết bao khổ ải; liệu những kẻ

đứng ngoài có nhận ra điều đó không? Solzhenitsyn nhận được điều ấy và khó làm cho người ta tin tưởng. Cuộc đời bi thảm xẩy ra như thế cũng do chính bàn tay con người dựng nên, biến thiên đường thành điạ ngục mà chưa một ai vạch ra cho nhân dân Sô Viết biết đến

But what life was actually like in this man-made hell has never before been revealed in print to Soviet readers.

Những nhà văn Sô Viết sớm muộn gì cũng làm sáng tỏ tấm lòng nhân ái và tiết lộ toàn diện một nền văn hoá có tầm nhìn rộng lớn đối với thế giới.Trong nguy cơ của một nền văn hoá sụp đổ, A. Solzhenitsyn phải phục hồi lại nền văn hoá cũng như giá trị nhân bản đã một thời tha hoá. Aleksandr dùng đủ mọi cách để xoa dịu cái ý thức đau khổ mà phần lớn người dân Nga phải gánh chịu với một thời gian khá lâu dài mà họ phải âm thầm chịu đựng một cách xấu hổ. Chính nhờ những tác phẩm đó mà hoá giải được nỗi thống khổ một cách trung thực đến với mọi người. Bởi Solzhenitsyn biết được sự đau khổ đối với những người dân bất hạnh, không một riêng ai, dần dà sẽ tương quan và trôi xuôi vào quên lãng đó là điều mong muốn của tác giả.

Je sais seulement que la souffrance existe, qu’il n’y a pas de coupables, que tout s’enchaine, que tout passé et s’équilibre.

Do đó những lý lẽ hay biện minh của Solzhenitsyn: đau khổ là có thật! cho nên ở thời buổi ấy nhất là cái thời của Stalin họ cho rằng: ”hiện tượng này hẳn nhiên thích hợp cho cá tính văn hoá mà thôi” Certain phenomena associated with the personality cult. Đó là thứ văn chương mà Solzhenitsyn đã thực hiện và đánh ngã mọi qui ước cố cựu. Giờ đây chúng ta thấy được hai bề mặt sự thật và giả dối, vật chất với tinh thần, nó đã chứa đựng một cái gì dơ dáy (tinh thần) một sự tham nhũng tệ hại (vật chất) làm mất đi nhân tính làm người, hành hạ lẫn nhau để chiếm quyền; đó là căn bệnh thời đại, tệ đoan xã hội.

Xây dựng một “người hùng” đúng mẫu mực của câu chuyện, Solzhanitsyn quyết tâm vượt qua mọi qui ước, nghi hoặc để hình thành một công nhân lao động bình thường, một bình thường của bề ngoài nhưng bên trong là bộc phát, không nhất thiết một công nhân lao động có đầy đủ tiêu chuẩn để sống với vai trò của mình, không cần phải một công nhân gương mẫu cất cao ngọn cờ xã-hội-chủ-nghĩa và những bước nhảy vọt đầy tự tin vào một tương lai tươi sáng của đảng Cọng Sản. Solzhenitsyn chọn Ivan Denisovich là một công nhân thủ thường, bình dị, một phong cách vô tích sự, đó là bề mặt của cuộc đời, nhưng bề dày ở trong của Shukhov luôn luôn nuôi dưởng giấc mơ được có một cuộc đời bình thường, không hơn không kém mà hắn có thể làm gì tốt hơn cho đời hắn. Ivan Denisovich đấu tranh cho chính mình bằng tình người, giữ vững lập trường để bão trì lòng chân

thật, tự trọng và tự hào một trận chiến mong manh với một lực lượng trong trí tưởng như cho hắn thấy được sự xác quyết của một cuộc đấu tranh trong âm thầm. Đây là lý do hội đủ một ý thức đấu tranh, để dành lại giá trị nhân phẩm, dành lại cái quyền yêu nước, yêu người và cướp công lao động mà vẫn không có phúc lợi. Ngược lại nhồi vào óc những lời rao giảng, tán tụng, đối xử công bằng hợp lý, khoan hồng, vị tha và được xem như tôn trọng quyền cá nhân…Nhưng thực tế có phải vậy không ?

Giờ đây; chúng ta hãy lắng nghe, học tập những gì Solzhenitsyn nói đến cái triết lý làm người mà những nạn nhân vô danh phải hy sinh để trả giá cho tự do, một sự hy sinh lớn lao suốt cả đời người hay qua bao thế hệ mà họ đã nằm xuống để biến thành những viên gạch đỏ, xây dựng một xã hội chủ nghĩa “construction of socialism” cho ngày nay.

Solzhenitsyn phá vỡ tất cả những mạng lưới dối trá đầy rẫy trong các trại tập trung, những dữ kiện đó xẩy ra hơn ba thập kỷ qua. Không cần phải quan tâm đến những lời tuyên truyền đầy lòng kiêu hảnh tự tin,tất cả những chứng cớ đó đối kháng với những lời tự xưng mà họ thường rêu rao ”Hởi những người bạn của đất nước Liên Sô” Friends of the Soviet Union. Vậy ai là người đứng ra vạch mặt chỉ tên những kẻ phản bội đất nước và nhân dân Nga ? Ý thức đó thuộc về người cầm quyền!

Trong bài diễn từ gởi đến Quốc hội khóa IV và Hiệp hội Nhà văn Sô Viết vào tháng 5 năm 1967. Solzhenitsyn viết: ” Điều hẳn nhiên mà tôi tin tưởng rằng tôi luôn luôn chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, vai trò của một nhà văn dù dưới mọi hoàn cảnh nghiêm trọng nào đi nữa, ngay cả những thành quả đem lại và không tỏ ra thách thức, kiêu hảnh thêm hơn trong cuộc đời tôi. Không một ai chận đứng con đường dẫn đến sự thật và đứng trước sự cố đó tôi chọn cái chết. Nhưng ; có lẽ những bài học đó đã để lại cho chúng tôi nhận biết cái quyền cầm bút của những nhà văn là điều không thể ngăn chận suốt đời họ. Không có lúc nào hơn lúc nầy có được một lịch sử vinh quang như thê!”

I am, of course, confident that I will fulfill my duty as a writer under all circumstance from the grave even more successfully and more unchallenged than in my lifetime. No one can bar the road to the truth, and to advance its cause I am prepared to accept even death. But, may be, many lessons will finally teach us not to stop the writer’s pen during his lifetime. At no time has this ennobled our history…

(A.I.Solzhenitsyn)

Có thể những lời phê phán hoặc nhận định đường lối đấu tranh của Aleksandr Solzhenitsyn có tính chủ quan chăng ? Thời điểm đó người ta cho rằng quan điểm nầy thuộc những thành phần quá khích, muốn dựng lên một hiện tượng vào thời

kỳ mà đất nước đang gặp khó khăn, thời đó có ai chiụ đứng lại để nghe lời tha oán. Người ta nhìn lý lẽ của Solzhenitsyn với đôi mắt lạc quan mà họ không nhận ra được đâu là chính, đâu là tà; tất cả trong chúng ta là nạn nhân của chế độ độc tài đảng trị thời đó, rất ít người cảm thông nỗi niềm ấy nhưng không phải vì thế mà làm cho Solzhenitsyn nản lòng, ông tin và sự thật, lòng ngay thẳng sẽ biện minh và làm sáng tỏ những gì mà ông đã nêu. Thực như niềm tin; ngày nay đất nước Nga và thế giới nhận ra được sự bừng sáng đó và đem lòng mến mộ, khâm phục sự hy sinh cao cả của những người chịu sống và chịu chết trong âm thầm để xây dựng một thế giới đại đồng, không riêng nước Nga mà cả nhân loại toàn cầu có được một nền công lý và hoà bình vĩnh cữu giữa người với người. Sự kiện đó nẩy sinh từ những tác phẩm của Aleksandr Solzhenitsyn, nó không còn mang tính chất phản kháng mà mang tính chất văn học nghệ thuật. Trong sự trình diễn của tác phẩm người ta tìm thấy cái đặc biệt của thời gian và nơi chốn, nơi đã xẩy ra những hình ảnh tồi bại và dơ nhớp.

Solzhenitsyn gặt hái một thành công vĩ đại không phải ở chỗ trình bày mà thành công ở tấm lòng thủy chung với đất nước dù kinh qua cả một đời người lưu đày, lòng ngay thẳng, trung thực với niềm tin tất thắng và khai phóng được giá trị nhân bản qua tay những tên đao-phủ-thủ. Những cuốn sách để lại hay những cuốn tiểu thuyết của Solzhenitsyn là những bài học luân lý đạo đức, đặc biệt trong vai trò của người thợ mộc thiệt thà, chất phát Ivan Denisovich Shukhov đại diện cho chúng ta giải phóng những cố hữu độc quyền và làm nên một cuộc cách mạng nhân bản cho con người hôm nay và mai sau .

Đó là một trong những nguyên cớ đưa lại sự sụp đổ đảng Cộng Sản Liên sô và các nước anh em Xã-Hội-Chủ-Nghĩa Đông Âu một cách thê thảm và hóa thể transubstantiation toàn diện một hệ thống mới cho một đất nước toàn thịnh và lâu dài.

*

Đây là một tiểu thuyết cở trung viết về ngục tù Sô Viết. Solzhenitsyn viết theo thể truyện kể về người tù mang tên Ivan Denisovich Shukhov. Kết tội 10 năm; tội phản động, với 6 năm lưu đày qua các trại tập trung lao động cải tạo. Truyện viết rất đơn giản và bình thường nhưng chứa đựng một sự phản kháng ngấm ngầm bên trong. Aleksandr viết nhiều thể loại, nói về sự cầm tù của người Cọng Sản nhưng đáng kể nhất cuốn “Một Ngày trong Đời của Ivan Denisovich” đã đem lại cho ông một tên tuổi lừng danh trên trường văn học quốc tế.

Sơ lược truyện:

Một Ngày Trong Đời của Ivan Denisovich

Tiếng kẻng báo thức một ngày bắt đầu ở trại lao động cải tạo vùng băng giá Siberia; trời mờ sáng, tù Ivan muốn kéo thêm giấc ngủ muộn để có lý do khai bệnh. Nhưng tên quản giáo không đón nhận lời báo cáo của tù nhân hay thương hại cho người bị ốm, ngược lại đẩy anh đi lao động và sau đó mới được khám. Viên y sĩ của bệnh xá phê nhận là anh không có bệnh mà đưa anh đi lao động xa hơn mọi khi. Biết thế Ivan làm lấy lệ và sau đó đi nhận phần ăn sáng. Ivan đã lanh tay giấu mẫu bánh mì dưới gầm giường để có miếng ăn vụng trộm về đêm, Ivan vội vã bước theo chân với đám tù nhân đến nơi lao động. Nơi đây là công trường nhà máy điện với hàng kẻm gai giăng đầy. Ivan rùng mình trước cảnh tượng và nghĩ mình như con thú dữ bị nhốt, trời vào đông đưa tới nhũng cơn lạnh buốt xương, chiếc áo bông nhàu nát không đủ ấm với đôi tay run và yếu ớt,họ tìm nơi trốn lạnh.Thế nhưng việc làm ở công trường khẩn trương họ thi đua làm tốt để có khẩu phần khá hơn chiều hôm nay. Nói thế nhưng những bửa ăn chẳng có thay đổi bao nhiêu. Ivan nhanh tay “chớp” một lúc hai chén cháo đặc, Ivan ăn một chén còn chén kia dành để mua chuộc tên trưởng toán, nhờ vậy Ivan đổi được thuốc hút và những thứ vặt vãnh khác. Đối với Ivan như thế là ân huệ và có được một ngày hạnh phúc!

Ivan cùng toán tù lao động về lán muộn chiều nay, cho nên buổi khám xét ở cổng vào có phần gắt gao, Ivan thu giấu thanh sắt lượm được ở căn-tin, nhưng may cho anh lọt qua mắt viên quản giáo. Ivan cùng bạn tù điểm danh đi ngủ. Trước khi ngủ Ivan thường cầu nguyện với Thượng đế để mong được về quê sớm hơn. Cầu nguyện xong Ivan cảm thấy yên tâm, thỏa mái. Ivan phải sống như thế, sống với một tâm hồn bần cùng vì sự cơ cực của anh cũng như những bạn tù khác.

Ivan chịu đựng sự hà khắc dần dần trở nên quen; tất cả đối với anh là quan trọng cho dù những cái nhỏ nhặt nhưng rất cần thiết cho người tù khổ sai như anh ./.

VÕ CÔNG LIÊM (mùatrăng thángchín 2010)

(*) Aleksandr Solzhenitsyn

- Sinh ngày 11 tháng 12 năm 1918 ở Kislovodsk.Nga

- Chết vì bịnh tim, ngày 3 tháng 8 năm 2008 ở ngoại thành Moskva.Nga

- Nhận giải văn chương Nobel 1970

- Xuất thân đại học Rostow khoa toán và vật lý 1941

- Hàm thụ triết học đại học Moskva 1939-1941

- Nhập ngủ với quân hàm đại úy 1941

- Kết án tù 1945

- 3 lần lập gia đình và có 3 con.

Ông để lại nhiều tác phẩm có giá trị.Trong đó có 2 tác phẩm chính:Một Ngày trong Đời của Ivan Denisovich và Quần đảo Gulag.

Sách của A.Solzhenitsyn được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.

SÁCH THAM KHẢO :

- Solzhenitsyn in Exile.Stanford 1985.USA

- Alexander Solzhenitsyn (A Century in His Life) by D.M.Thomas.New York 1998.USA

- One Day in the Life of Ivan Denisovich.Gillon Aitken.London 1970.