Thứ Tư, 28 tháng 7, 2010

LỮ KIỀU CHÀNG NHO SINH - Bài của Nguyễn Lệ Uyên


Viết về Lữ Kiều. Khó quá. Khó không phải trong tay tôi hiện giờ chỉ có hai tập sách anh đề tặng, mà bởi văn xuôi của anh như thơ, truyện của anh không là truyện. Những dòng chữ đẩy đưa như câu hò mái nhì, mái đẩy trôi trên sông Hương, như một họa khúc nhỏ nối tiếp những gam màu bất tận. Lữ Kiều có cái cốt cách bay bổng, lãng mạn bởi anh vừa là nhà thơ, nhà văn, lại vừa viết kịch, vẽ tranh. Và ở lãnh vực nào anh cũng đem đến cho người đọc chút ngạc nhiên từ sự khám phá của anh về sự vật, hình thể và ngay cả tâm trạng nữa!
Văn của Lữ Kiều là loại văn chương quí phái của các công tằng tôn nữ trong cung đình hoàng triều, của những tà áo dài màu tím bay bay trên vai cầu Tràng Tiền, như dòng nước biếc xanh, lặng lờ trên dòng sông ngan ngát mùi hương trong tâm thức mọi người. Lại nữa, có khi đọc hết một đoạn văn, tôi lại có cảm tưởng như đang lắng nghe từng giọt nước rơi từ mái tranh, như đang nhìn ngắm những giọt sương đọng trên lá lấp lánh trong ánh nắng sớm.
Vâng. Khó. Thật khó. Tôi loay hoay đọc đi đọc lại hai tập Trên đồi là lô cốtChàng nho sinh dưới gốc tùng nhiều lần, nhưng không sao đặt bút viết cho xuôi từ hai tác phẩm trên, với lối hành văn tự sự nhuốm chút lãng mạn riêng tư của tùy bút.
Anh sinh trưởng ở Huế rồi xa Huế. Xa chốn thân yêu để luôn nhớ về. Đó là những kỷ niệm đầu đời của chàng trai trẻ. Những kỷ niệm ấy là những dấu ấn không dễ gì phai mờ trong tâm trí của họ, những người gốc Huế “lang thang”.
Đó là một thành phố đẹp, êm đềm; là nơi còn giữ được cốt cách quí phái, khác với sự xô bồ của Đà Nẵng, khô khốc của Quảng Trị. Và có phải chính miền đất đẹp đã tạo ra những con người đẹp đến thế không?
Dưới mắt Lữ Kiều, đến những cái nhỏ nhất, ít được nhiều người chú ý nhất lại là nơi đẹp nhất đối với riêng anh. Chỉ một ngọn đồi nhỏ, không cao; chỉ có vài viên đá lởm chởm, nhưng từ đó nhìn xuôi, anh như ôm cả thành phố thơ mộng vào lòng: “Góc phố đó, cửa hàng đó, vẻ bày biện đó và những khuôn mặt đó. Huế có một bề ngoài nhàn nhã” (Trên đồi là lô cốt, trg 10). Cái lô cốt nhỏ kia có gì để đáng lưu tâm, nếu Tôi không gặp O trong một khoảnh khắc tình cờ, nếu Tôi và O không sóng đôi lên ngọn đồi “không cao lắm” kia, nếu Tôi và O không dừng trên vai cầu Bạch Hổ để Tôi đón nhận câu nói cuối cùng của O trước khi Tôi xa Huế: “Cầu bấy giờ vắng. Tự nhiên O quay sang nhìn tôi và khẽ nói với tôi rằng tôi đi, O sẽ buồn và nhớ. Nói xong O cười e thẹn và giục tôi đạp xe về” (SĐD, trg 14).
Trên đời, sống là biết nhận và biết cho. Lữ Kiều đã đón nhận những khói sương một thuở nhưng chưa kịp trao lại, thì “Một khoảng trống trước mặt. Và thành phố cũng bắt đầu tuột khỏi vòng tay. Lần đầu , tôi mang cảm tưởng hai dãy phố đứng dậy đuổi tôi ra khỏi ngõ” (SĐD, trg 16). Cái khoảng trống ấy được anh giải thích, không đến nỗi quá bất ngờ: “Phải, đáng lẽ tôi phải kể cho O nghe, chuyện về cái lô cốt trên ngọn đồi phía tây thành phố. Cũng như đáng lẽ tôi phải hiểu là tôi yêu O, yêu O từ lâu rồi” (SĐD, trg 18). Những mối tình khói sương thuở đầu đời, chừng như chàng trai nào cũng có chút lãng đãng, vu vơ nhưng hiếm khi bày tỏ, dười hình thức này hay hình thức khác. Còn Lữ Kiều cứ thoải mái trải lòng, nâng những cảm xúc bay thật xa thật cao như tiếng sáo vi vu trên những cánh diều buổi chiều hôm nắng quái. Một tôi bâng khuâng với bản Berceuse “thật là buồn. Âm thanh rời rạc, nhẹn ngào, se sắt. Bàn tay thím chầm chậm trên phím đàn. Những ngón tay thon dài...” (trg 24) . Và một tôi khác thì có những hờn giận về người chị bắt đầu thay đổi tâm tính từ ngày bước về nhà chồng, đến làm Tôi ngạc nhiên!
Những truyện như thế anh viết lúc còn là cậu học sinh trung học, hay khi xa nhà, bước chân vào đại học. Nghĩa là những truyện ngắn của những quả mận xanh, trái cam còn lẫn với màu lá.
Sau này, trong những va đập của cuộc sống, như bao chàng “văn sĩ thư sinh” khác, Lữ Kiều đã “lớn” hẳn lên. Sự lớn của một thanh niên bắt đầu đặt những dấu hỏi về thân phận con người trước hoàn cảnh xã hội.Một buổi mai thức dậy, chàng tuổi trẻ đã nhìn thấy “...ngọn lửa đã ngút lên, bùng cháy sáng trong lòng một buổi sáng thức dậy. Có phải đó là phút sự thật của ý thức, là lúc nghiệm ra mình vô thủy vô chung, dềnh dàng bập bềnh như những bè lục bình trôi trôi lờ đờ trên dòng sông mù mờ khói sóng” (SĐD, trg 94).
Số phận của mỗi người không ai giống ai, nhưng vào thời điểm đó, lúc mà chiến tranh cuốn hút tất cả vào cơn lốc, những chàng trai gặp nhau trên căn gác nhỏ với những tâm trạng nặng nề cùng sự nhập cuộc, lên đường bắt buộc. Họ không suy nghĩ viễn vông, họ chỉ đặt câu hỏi về thân phận làm người và rồi tất cả xoay qua hồi tưởng về một người thầy khả kính, đại diện cho một thế hệ gánh vác trách nhiệm trước lịch sử, dân tộc không chu toàn. Trước mắt họ, đó là một sự thất bại nhục nhã, đó là những đau đớn ê chề dẫn đến những hệ lụy cho các thế hệ sau. Họ kính trọng thầy, nhưng đồng thời cũng “tức tưởi” bởi những thất bại không đáng có của cha ông do những sai lầm trong cách hành xử, chụp bắt lịch sử trong tư thế hụt hẫng: “Nửa đời lận đận với lòng ái quốc, ông ta nhìn chúng tôi như những kẻ nối tiếp. Sự thành tâm của ông làm tôi cảm động. Và chúng tôi không nỡ dồn ông vào chân tường... Ông nói giọng chắc nịch: Nếu thêm một lần tuyệt vọng, tôi sẽ đâm chết vợ con tôi rồi tôi treo cổ tự tử” (SĐD trg 99).
Nguyên nhân dẫn đến những thất bại ê chề trong sự tập họp của số đông tự nhận trách nhiệm trước lịch sử để hành động là: “Ông đã không lớn theo dòng lịch sử. Ông là tên trẻ con bên cạnh gã đàn ông là những biến động lịch sử” (SĐD, trg 108).
Hẳn nhiên là không hề có chuyện bàn giao việc gánh vác trách nhiệm lịch sử từ một thế hệ này cho một thế hệ khác. Lịch sử là sự chọn lựa của mỗi thế hệ. Và những người trẻ tuổi ấy lại gặp nhau, họ tâm sự, chia sẻ qua men rượu mượn từ cõi tạm nhiễu nhương. Họ say khước. Họ khóc. Họ cười. Và, họ cảm thấy cô đơn, bơ vơ trước cuộc chiến tranh bắt đầu leo thang đến hồi khốc liệt nhất. Thế hệ trẻ ấy vừa xấu hổ bởi cuộc chiến tương tàn, phi nghĩa, vừa tuyệt vọng trước những đớn đau khổ lụy cả dân tộc phải hứng chịu. Họ không có lối thoát và tự chọn cái chết một cách “hèn nhát” như chính đất nước họ bị bội phản một cách “đớn hèn” từ phía những tên cầm đầu: “Gã rút trong túi ra một khẩu súng thật đẹp, khẩu súng lục đen làng...Gã hững hờ mở khóa an toàn... Mắt bình thản nhìn đứa trẻ la hét, gã đàn ông đưa súng kề màng tang. Bóp cò” (SĐD, trg 131).
Rồi như một chiếc lá trên dòng nước cuốn xiết, những người trẻ tuổi một lần nữa lại lên đường sau chiến tranh. Lên đường không có sự chọn lựa của riêng mình. Họ không còn có quyền chọn lựa. Trong trại cải tạo chỉ có lao động và “...ông đã té từ trên ngọn cao xuống. Anh em phải khiêng ông về. Quần áo tả tơi, da thịt rách nát, khi tỉnh dậy ông không nói một lời nào” (SĐD, trg 165) cùng những buổi tối phải thốt lên hai tiếng “có mặt” trong những lần điểm danh đột xuất. Họ đúng là những con chim bị nhốt trong lồng của người Thượng ốm o đang bẫy chim. Đấy là phần số của cuộc đời họ: “Văn hóa là con người. Sự cám dỗ là của quỉ... Thật ra tôi không lưu tâm đến số phận con chim hay cái lồng lừa đảo. Với tôi, đôi phổi rách nát của người Thượng già là bi kịch của chúng ta. Sự bi thảm cùng cực/ Anh muốn nói đến sự phi lý của kiếp người? Của muôn loài? Của trần gian?” (SĐD, trg 171) .
Câu hỏi đã được đặt ra. Nhiều câu hỏi đã đặt ra, nhưng đó chỉ là những tra vấn cô đơn, là hành trình tìm kiếm sự toàn bích không bao giờ nhìn thấy ánh sáng bởi lịch sử luôn im lặng, không trả lời tại sao. Bi kịch và phi lý chính ở chỗ đó!
Nhưng đến tác phẩm Chàng nho sinh dưới gốc tùng thì lại khác xa. Đó là những trang viết ngắn về bạn bè, những cảm xúc bất chợt hiện đến, hay một tâm sự cần được sẻ chia... của một Lữ Kiều đã qua tuổi 60. Và tác phẩm này anh gọi là thử bút & xuôi dòng. Đó chỉ là cách gọi của anh. Chẳng có thử bút mà là ngọn bút thật, thật đến rỡ ràng như cơn gió mát mùa hè, như cái lạnh se sắt mùa đông cùng những cơn mưa dầm dề.Viết về tác phẩm này, thì Đỗ Hồng Ngọc trong bài tựa đầu sách đã nói đủ cả, nói hết trơn, không còn gì để xoáy vào ngõ ngách tâm hồn Lữ Kiều trên từng trang viết nữa: “Chàng nắn nót, nâng niu, đưa ngọn bút lông lên ngang tầm mắt, ngắm nghía từng sợi nhỏ, xoay tới xoay lui đôi ba bận một cách thuần thục mà còn ngập ngừng, rồi thè lưỡi liếm nhanh mấy cái như vót cho các sợi lông bút quấn quít vào nhau, cho nhọn hoắc lại như gom nội lực vào nhất điểm:rồi thận trọng, nhẹ nhàng chàng nhấn bút sâu vào nghiêng mực đã mài sẵn, ngập đến tận cán rút nhanh ra rồi chắt vào vào thành nghiêng, ấn ấn xoay xoay lúc nặng lúc nhẹ cho mực túa ra nức nở, ào ạt rồi thưa dần, đến lúc sắc nhọn vừa ý, chàng phết nhẹ một nét lên tờ giấy đợi chờ, như để đo độ đậm nhạt, hít một luồng chân khí, định thần, lim dim rồi phóng bút...” (Đỗ Hồng Ngọc, Bài tựa đầu sách).
Vâng, Lữ Kiều đã trải lòng ra cho từng nét chữ trên đầu ngọn bút lông, để vẽ chân dung chính mình, để tìm đến cái đẹp trong đời sống, người tình và bằng hữu. Cây cọ dưới bàn tay tài hoa của chàng nho sinh chỉ cần cái phết nhẹ của những gam màu mông lung, mờ ảo: “Sáng nay, tôi chợt thấy một chiếc lá điệp màu vàng thật kỳ lạ. Cái màu vàng não nùng buồn bã, khiến không thể tìm trong đó chút ánh sáng nào... chiếc lá độc nhất, giữa vùng nắng rực rỡ dọi vào” (SĐD, trg 14).
Trên đời này, ngoài thực tế, chưa có một họa sĩ nào vẽ được âm thanh cao thấp, đục trong... réo rắt như sáo diều trên không, ì ồ như tiếng suối đổ xuống lòng vực. Vậy mà chàng nho sinh của chúng ta chỉ cần vung ngọn bút, phẩy nhẹ một nét sổ, nét ngang là đã tạo được bức tranh tuyệt mỹ: “Em đã ở đó, đã quì gối bên cạnh tôi, khuôn mặt thánh thiện. Nhưng làm sao em hiểu lòng tôi lênh đênh, cũng như làm sao chúng ta hiểu được bao nhiêu điều mơ hồ không thật vây quanh và áp bức đời mình…” (trg 35), và: “Như con bướm đã chết. Chiếc cầu đã gãy. Có gì đâu – kể cả giọt nước mắt một lần nào khóc cho mình, cho người – cũng đã khô. Biết đâu chẳng biến thành mây” (trg 37).
Những trang viết như vậy cứ trôi dần về cuối như một thiên khúc, như một áng mây trôi bềnh bồng trên bầu trời thăm thẳm xanh
“Tình yêu như cái chết, chỉ một lần, không thể lặp lại… quả thật tình yêu là điều huyền nhiệm không thể lặp lại, nhưng tình yêu là sự chết được phục sinh” (trg 53).
Và rồi Lữ Kiều đâu chỉ có những bài thơ ngọt ngào, phóng bút, thử bút, xuôi dòng…, đâu chỉ cầm cọ trước khung vải để nhìn thấu suốt cuộc đời anh trải qua. Anh còn là một nhà viết kịch hiếm hoi của thế hệ chúng tôi, sau những Vi Huyền Đắc, Vũ Khắc Khoan, Dương Kiền… Tôi không rõ những vở kịch anh viết trước đây đã đưa lên sân khấu kịch nghệ Sài Gòn chưa? Nhưng với Kẻ phá cầu, chỉ còn đọng lại trong tôi vở kịch: Con sâu trong mắt.
Bối cảnh là trại tù Phú Quốc với 500 tù binh đang tuyệt thực làm reo đòi trao trả xác của đồng đội, nhưng thực chất là để che giấu âm mưu đào thoát. Nhân vật chính là Quyết, kỹ sư, người đã vẽ bàn đồ tuyệt mật và tuyệt hảo cách đào một đường hầm từ sân trại tù binh ra ngoài vòng rào, và là người sẽ chịu trách nhiệm trước anh em về những hành vi “phản bội” của mình. Đường hầm đã đào xong. Những tù binh lần lượt chui ra khỏi “địa ngục trần gian”. Nhưng khốn thay, ba khẩu đại liên trên chòi canh đã quét sạch 99 con người luôn có niềm tin chiến thắng. Máu đã đổ. Tấm thảm kịch không phải là biển máu, mà là những người còn sống sót phải tìm cho ra kẻ phản bội. Tòa án được thiết lập. Lần lượt từng con người chung số phận với họ bị mang ra xét xử. Quyết ngồi vào phiên tòa đó hằng đêm và bi kịch đã xảy ra ngay tại thời điểm này:
“MỘT GIỌNG KHÁC
Anh em bắt gặp quả tang chú đứng nói chuyện riêng với tên giám thị trong lần đi tạp dịch tuần rồi.
NẠN NHÂN (khóc)
Trời ơi. Xin các anh xét lại cho em nhờ. Quả em có nhận điếu thuốc của tên lính canh,bị em thèm quá...(khóc) mà hắn mời: Em không nhớ mình có làm rơi khăn tay hay không. Nhưng thật sự em không phản bội anh em, oan em lắm...
MỘT GIỌNG NÓI (lạnh lùng)
Chú nói xong rồi?
NẠN NHÂN (hấp tấp)
Dạ con điều này nữa. Hôm rằm, chính em ngồi gần anh Năm. Anh Năm biểu anh Quyết trốn đi. Vậy mà anh Quyết không chịu đi, nói rằng anh Năm phải trốn với anh em. (khích động) Sao anh Quyết không đi ? Nếu anh Năm ở lại anh đâu có chết. Vậy sao không ai nghi ngờ anh Quyết. Còn em có làm gì đâu mà các anh nỡ nghi ngờ (khóc).
Vòng tròn im lặng. Những con mắt nhìn nhau. Một lát. Không khí nặng nề.
MỘT GIỌNG NÓI
Biểu quyết.
Có bốn bàn tay giơ lên. Rồi một bàn tay hạ xuống. Chỉ còn ba bàn tay giơ lên, nhưng không được vững vàng như trước”. Vậy là cuộc săn lùng kẻ phản bội diễn ra gay gắt. Kẻ phản bội ấy là ai? Hãynghe Lữ Kiều dựng lên:
“NGƯỜI ĐÀN ÔNG (khích động, cầu khẩn):
Này các đồng chí, các đồng chí nghi ngờ tôi sao? Tôi:kẻ chuyên môn đào hầm. Những đường hầm đã giải thoát bao nhiêu anh em khỏi địa ngục trần gian này ? Tôi: kẻ ở lại, ở lại để tiếp tục đào hầm, để cùng chịu chung số phận của anh em. Các đồng chí nghi ngờ tôi thật tình sao? (hét lớn) Hãy nhìn tôi! Hãy nhìn thẳng tôi. Tôi có thể là kẻ phản bội không? Sao mọi người im lặng. Các đồng chí chết cả rồi sao?”.
Bi kịch không phải ở chỗ người trẻ tuổi ấn con dao vào ngực Quyết, mà chính ở chỗ sự bỉ ổi và hèn nhát từ một niềm tin mù quáng: Phải tìm cho ra kẻ thù, phải nhấn chết kẻ thù nhân dân. Bởi bất kỳ nơi đâu, chỗ nào cũng có kẻ thù của nhân dân. Viết đến đây làm tôi nhớ lại trên Giai phẩm Nhân Văn số ra ngày 11.11.1956 có một bức tranh biếm họa vẽ một ông cán bộ mặc áo đại cán, đội mũ Mao đứng trước gương soi, đập tay vào kính kêu lên: Địch! Địch đây rồi!.
“Vậy là xong. Kỹ sư Trần Văn Quyết đã chết. (một lát).Tôi biết anh vô tội, nhưng tôi phải giết anh. Người ta cần kẻ phản bội, và họ chọn anh. Lỗi tại anh đó, lỗi tại trái tim anh. Anh Năm và anh đều cá mè một lứa. Trái tim. Trái tim. Trái tim là cái thứ gì? Đúng là giọng lưỡi của bọn lãng mạn”.
Một trái tim gần với cửa Phật còn nhuốm bụi trần là chú tiểu. Một trái tim khác đúng nghĩa trái tim, là người đàn ông, là Quyết, mang gửi cửa Phật với cả lòng thành, trái tim còn lại cũng đến cửa Phật, nhưng hành xử theo trái tim sói, là người trẻ tuổi. Đó là bi kịch trong cuộc sống và là thảm cảnh của sự cuồng tín và là sự hèn mạt của những mưu đồ!
Khép lại vở kịch, giá như Lữ Kiều cho nhân vật trẻ tuổi tự dằn vặt mình bằng chút lương tri man trá hơn là nói ra sự thật với nhân vật chú tiểu, có lẽ kịch sẽ hoàn hảo hơn nhiều, sẽ khiến người xem, người đọc luôn băn khoăn tự tra vấn, tìm kiếm kẻ phản bội như cảnh anh dựng ở tòa án nhân dân trong trại giam.
Những tác phẩm của Lữ Kiều từ văn xuôi, thơ đến kịch, hội họa không nhiều, nhưng ở mỗi miền đều có nét riêng, là những vòng xoáy cuộn tròn trong dòng nước lũ, là những vực thẳm, là chiếc lá chao nghiêng lặng lẽ rơi xuống, im lìm, bất động. Những gam màu và những dòng chữ của Lữ Kiều luôn là những tra vấn, tra vấn để đầy con người tới cái đẹp. Tiếc thay, điều mà chàng nho sinh mong mỏi, và cả chúng ta nữa, những mong mỏi vẫn là những điều không đến, chúng ta và cả nhân gian này chưa bao giời với tới. Chàng nho sinh ơi, anh có buồn chăng khi mộng ước không thành? Và vì vậy anh đã lôi tôi cùng bạn bè anh, người đọc anh về với hình ảnh một Chàng Kinh Kha buồn: Vẫn bước đi, cuộc hành trình cô độc. Đêm như mê ngủ mà ráo hoảnh ý thức, bất động mà vẫn bùng bùng xao xuyến. Viết như một ăn năn. (SĐD, trag 65).
Vâng, viết như một ăn năn để trả nợ đời, bởi chúng ta đã vay ở cõi tạm này quá nhiều, trước khi tiếng om khải thị, phải không?

(Tháng 6/2010)
NGUYỄN LỆ UYÊN

Thơ Nguyễn Phú Yên


HÁT RONG


Hôm nay hạnh phúc nào đã sống
Mà đời căng những vó câu chùng.

Tôi giậm chân đổ từng xúc động
Đứng bên ngoài cỏ ướt vườn hoang
Ôm mình như đá tảng
Giật ngược lời tự nhủ tồn căn.

Đúng đời ta không bao giờ quy định.

Làm sao tôi ngã lòng
Giữa khí trời hắc ám
Gió thổi tung những áo xiêm vàng
Có kẻ lạ mến yêu không căn cứ.

Một đêm nào ai chẳng hề ngó tới
Lúc bấy giờ sa ngã tận vô luân.

oOo

Phải có kẻ tu thân
Mới biết mình dục vọng
Có thấy chăng trời đang thét lớn
Ôi làm sao tôi nín lặng trong tâm.

Hãy đổ hết chú tâm xuống lòng huyệt lạnh
Sống điềm nhiên ngoài giới hạn sinh thời.

Ngửa mặt hát rong
Nghe đời mình hồi phục
Giữa muôn người ghi tạc lấy ai đây.

Ôi sự sống trăm đường giác ngộ
Nhắc cho tôi một lối biết ơn người.

oOo

Gõ cửa nhà ai
Chợt thấy mình thói xấu
Đã bao đêm, đêm vô cùng khổ nhục
Muốn giết người xem cõi chết bao xa.

Tôi đứng lặng thề nguyền lời vị kỷ
Neo chặt vòng u ám bản thân
Thôi đã mất vinh hoa nào bôi mặt
Thật không ngờ ai điểm một vết thâm.

Tôi đừng nên nghe kỹ
Người nào chẳng mưu toan
Chính tôi kẻ giam mình trong nước đục.

Hãy giựt phăng bao điều rêu mốc
Thả xuống vùng nước đọng xanh xao
Nơi chán chường vàng
Thản nhiên lòng thanh bạch.

Hồn ai vui vừa hát trong ta
Gieo lệ ngọc mừng tươi in sẵn.

Chân tay mở một vòng trói buộc
Tự dưng đời sâu kín miên man.

Ngó thấu luận suy
Mọi hình dung tan rã
Hãy kết nghĩa từ đây sinh sống
Hắc ám nào đổ xuống đáy mồ cao.

oOo

Có kẻ theo ta đuổi bóng
Vu điều giáng họa vô lương
Nhưng thật bao lời hiểu được
Tôi nên giữ lấy kề bên.

Rung khẽ một đôi lần tự tín
Mà trong ta thoáng đã hài âm.

Dẫu sự đời buông giây trói chặt
Tự dung thân khảo xét quanh mình
Như kẻ sống vô tâm
Tôi đứng ngoài lay động.

oOo

Muốn đổ cạn xem chừng vụ lợi
Trong lòng ta đính một con tin
Hẳn từ đây vồ thêm đã muộn
Lăn hồ đồ trí não không quen.

Tựa bóng phàm nhân
Phai tàn tinh lực.

Sắp có kẻ tìm soi sinh lộ mới
Dẫu gù người còn nom thấy áo quan.

Thật người sống không hề rõ mặt
Có khai tên biết chẳng từ nan.

Quả vậy tôi bám dần theo lòi dự đoán.

oOo

Sự thật cạn mù mờ
Đã vô cùng trắng xóa
Hãy đứng trong đời ta biến động
Biết rắp tâm dò đỉnh nhân sinh.

Tự tương lai
Rũ lòng khát vọng
Đến hiện thời
E sắp vong ân.

Đột nhiên lòng không ngừng lột tả.

Như một chiêm bao
Dật dờ cơn biển lặng
Mãi rong mình ngoài xúc động tử sinh.

Ôi được sống như một cô hồn
Tự dưng và vô hình toàn vẹn.

oOo

Vạch sẵn mối lao tâm
Gieo mình trong cuộc thế.

Hãy bình yên dọc theo điểm tựa
Cơn hồi tâm thu phục bao giờ
Ngó tới non cao
Dẫu thấy mình kề bên vực tối.

Mối hân hoan từ đâu ghì chặt
Rũ liệt người quanh gốc tham lam
Thấu tận vô tâm
Dẫu chu toàn đời bao phận số.

Có ai chăng
Người tôi hằng muốn gặp
Thật không sai
Tôi bước vội từ lâu.

oOo

Giữa muôn phần tử khí
Ngửa mặt hát rong
Hỡi bao lời tung hô quy tụ
Sáng danh người đổ máu tự sinh.

Một nơi nào khi tôi đính hẹn
Đeo trong lòng một tiếng chuông rung
Quay ngược lại bao lời khảo tội
Bỗng đâm mình giữa cõi viển vông.

Sự sống quá manh tâm
Kẻ nào không đầu thú.

Đúng từ đây
Không hề la lối
Gõ nhịp mình
Lăn bước tự dưng.

Chính tôi kẻ thu mình muôn tiết điệu.

NGUYỄN PHÚ YÊN

Thứ Ba, 27 tháng 7, 2010

Trần Hoài Thư - Đọc một bài thơ "lục bát mới" trước 1975 của Thành Tôn

Nói với cô bé ngồi quán
Tặng các bạn hội quán: Đán, Lâm, Danh


Vào đây, ghế quạnh, khuya người

Quán như địa phủ, nhạc đời nhân gian

Quầy trơ, mắt bé ngỡ ngàng

Thuyền ai đổ bến, lòng nàng bâng khuâng


Hồn ta trải gió đầy sân

Tình ta, mây cũng mấy lần thu nao

Vào đây bàn nhẵn, câu chào

Quen như thân thể, lạ nào chén ly


Đời nhau, khói thuốc quên đi

Bên tai cổ nhạc lầm lỳ canh tân

Trên kia dáng bé tần ngần

Lời yêu chậm nói, tình gần tay trao


Vào đây đèn đủ hanh hao

Bóng ai theo đến kẻ nào quay lui

Cúi đời trên chén ly, khuya

Mắt nhau một hướng, tình chia mấy trùng


Ngồi thầm, góc quán mông lung

Xa nghe lời kẻ, gần chùng dáng ai

Vào đây nhạc đĩa đầy vai

Vòng quay nhịp lặp, kim mài giọng quen


Mòn hao sợi tóc trăm năm

Khuya, mưng máu chậm. Tình, bầm tim mau

Ngậm lòng, quán vắng, ơn nhau

Ly trơ ghế nóng, bé chau mắt nhìn


Vào đây như một đức tin

Khói tan đốm thuốc, đời vin tay nào

Miệng cười kín nụ lao đao

Tình chia nghĩa sớt, câu chào riêng ai


Trách gì ý lỡ, lời sai

Cho nhau góc quán đêm dài dung thân

Thôi em trả đó tình gần

Ta xin bóng chiếc, đời cần nhau, đâu ?


Vào đây, ghế quạnh, khuya nhàu

Tình như cổ tích đời sau kể thầm.


Bài thơ là một chứng minh về sự không ngừng tìm tòi, sáng tạo của người thơ, đặc biệt nhà thơ trẻ, trong việc canh tân giòng thơ lục bát, không phải hôm nay, mà hôm qua, không phải bây giờ, mà cách đây gần 50 năm.
Sự canh tân cho thơ là một việc làm chung. Không phải cái ngôi vị được dành riêng cho một cá nhân nào.
Đây là một tác giả điển hình. Ngoài tác giả này, còn có biết bao tác giả khác. Âm thầm. Bỏ cuộc. Tử trận, Tội tù. Và quên lãng. Việc sưu tập vì vậy rất khó khăn.
Riêng cá nhân chúng tôi, qua những tháng miệt mài sưu tập, với cả ngàn bài lục bát, với hơn 600 trang đánh máy để cân nhắc từng giòng, từng chữ, và với những niềm vui vô tận trên những trang thơ ngỡ chừng đã mất, có nhận định rằng, bài thơ trên là một trong số bài lục bát mới diệu kỳ nhất, lạ nhất của một thời, và chưa chắc, mọi thời.

Thứ nhất là loại thơ tân hình thức.

Nó là một bài thơ có nhiều dấu chấm, phết, ngắt câu nhiều nhất.
Trước năm 1975, một số tác giả đã cố mang hình thức mới cho khổ thơ 6-8 bằng những dấu ngắt một cách chủ ý.
Những dấu ngắt đoạn này có tác dụng khiến người đọc thơ ngừng, hay tiếp tục đọc. Trên hành trình thưởng ngọan, người đọc như chiếc xe. Một ụ mô: Xe dừng lại. Đường thẳng băng, xe cũng nổ máy reo vui. Không cần biết nơi nào bắt đầu, hay nơi nào là điểm cuối. Tác giả đã sắp sẵn trên lộ trình rồi.
Ví dụ:
Tháng dư. Buốt nẻ đôi đằng

Nửa chì mưa đục, nửa băng đá cồn
(Ngoại ô, Cung Trầm Tưởng)

Một dấu chấm làm ngăn nhịp 2 và nhịp 4 của câu đầu. Và sau chữ đằng không có dấu chấm.
Tại sao.
Tôi nghĩ là tác giả có chủ ý. Có thể ông không cần dùng dấu chấm (.). Nhưng mà, khi đọc lên, ý thơ sẽ hoàn toàn đổi khác:
Hay qua hai câu sau của Du Tử Lê, với (….) và dấu hỏi ?

(người từ thế giới bên kia)

thấy tôi không ? đã hồn khuya tượng què
(Du Tử Lê- bài lục bát sau tám năm cho người về)

Hay dấu chấm trong một đọan thơ của Đoàn văn Khánh:
Hai tấm ngắn. Bốn tấm dài

Lầm lì tôi đóng quan tài cho tôi
(Đoàn văn Khánh – Hóa Kiếp tôi)

Tuy nhiên, trong 227 nhà thơ được tôi tìm tòi sưu tập ấy, chỉ có vài tác giả có thơ với dấu chấm phết hiện diện, như một chủ ý, qua một vài ba câu thưa thớt chứ không hầu như toàn bộ như bài thơ của Thành Tôn mà chúng tôi vừa giới thiệu.
Với toàn bài 34 câu, có đến 27 câu có dấu chấm hoặc phết, ngắt câu. Kỹ thuật này dĩ nhiên đòi hỏi nhà thơ có một nội lực thâm hậu.

Thứ hai: Mang kỹ thuật Đường Thi vào áp dụng trong lục bát:

Mang câu 8 chẻ làm đôi, và tạo nên con đường rầy song song, chữ đối chữ… đó là một nét đặc trưng của thơ lục bát Cung Trầm Tưởng. Một số nhà phê bình đã ca ngợi ông như là nhà thơ có công trong việc canh tân thơ lục bát. Ví dụ:
Ngày lăn bóng quá lưng đèo

cây hoen lá thắm, xóm nghèo quán không

cồn trơ biếc núi ngồi trông

sương giăng xóm ngủ, mù buông lũng chiều

thuyền nằm, bến cũng xiêu xiêu

con sông tới giấc mắc triều lên nhanh

hồn tôi cái đĩa thâu thanh

tròn nguyên nét nhạc, trung thành ý ca


đồ rê mi pha xon la…
(Chiều – Cung Trầm Tưởng)

Trong bài thơ của Thành Tôn, chúng ta thấy tác giả đã xữ dụng rất nhiều về kỹ thuật đối chữ này.
Ví dụ:
Quán như địa phủ, nhạc đời nhân gian ….
Quen như thân thể, lạ nào chén ly ….
Mắt nhau một hướng, tình chia mấy trùng ….
Xa nghe lời kẻ, gần chùng dáng ai …
Vòng quay nhịp lặp, kim mài giọng quen ….
Khuya, mưng máu chậm. Tình, bầm tim mau
…..

Đặc biệt câu cuối, chúng ta thấy, ngoài việc đối chữ, tác giả còn đối cả dấu chấm, phết.
Không còn chia câu 8 thành hai, mà thành bốn !
Chúng tôi cố gắng tìm kỹ thuật này trong suốt 227 nhà thơ miền Nam mà chúng tôi sưu tập, nhưng không thấy.

Thư ba: Dùng chữ nghĩa rất ấn tượng
Chúng ta đã từng biết nhà thơ Viên Linh được nổi tiếng nhờ những vần lục bát rất ấn tượng của ông.
mối sầu mai phục thân tôi

đi chưa nửa cuộc bỗng rời tứ chi

nghe trong máu chảy rầm rì

xương vi vu rỗng lọt thì truy hoan
(Viên Linh: Về thăm nhà ở Chí Hòa)

Thì với thơ Thành Tôn, ngay hai câu đầu đã gây nên một ấn tượng rất đậm:
Vào đây, ghế quạnh, khuya người

Quán như địa phủ, nhạc đời nhân gian ….

Vào đây nhạc đĩa đầy vai
Dùng chữ vai để tả về một bộ phận trong máy hát thời xưa chuyên vận hành những dĩa hát , thì quả không còn sự ví von, so sánh nào bằng !
Hay dùng chữ sân để ví với lòng mình:
Hồn ta trải gió đầy sân

Tình ta, mây cũng mấy lần thu nao

Thứ tư: Biến những chữ vô sinh thành ra những từ rất sinh động.
Ví dụ hai chữ "thu nao" nếu không có Tình ta, mây cũng mấy lần thu nao, thì chắc không có một ý nghĩa gì hết. Hay nếu dùng thì có vẻ cải lương.
Trái lại “thu nao” trong câu thơ là một lối sử dụng chữ rất tài hoa. Đọc lên, êm tai. Đọc lại, đọc lại, đọc lại thấy càng thấm. Và lòng chùng xuống, mùa thu… mây.. mây mùa thu thì bàng bạc, lòng ta cũng bàng bạc vậy thôi….
Ngay cả hai chữ "Thắp Tình", nhan đề tập thơ mà ông đã bỏ công sức, cố học nghề thợ sắp chữ – để tự tay hoàn thành tác phẩm của mình vào năm 1969 thì cũng đã "lạ lùng" rồi.
Rõ ràng, thơ Thành Tôn đã vượt thời gian và không gian, đi rất xa thời của ông, và là một kiện tướng trong việc canh tân thơ lục bát.
Chúng ta xúyt xoa ngưỡng mộ nhà thơ Tô Thùy Yên vì ông dùng hai chữ rất lạ: "Thắp Tạ" cho tựa đề tập thơ mới nhất của ông ở hải ngoại. Tại sao chúng ta lại không để tấm lòng đến một người lính trẻ ở vùng hai khắc nghiệt, đêm ngày đối diện với chập chùng tai ách, đã nghĩ đến hai tiếng cũng rất lạ không kém: "Thắp Tình" cách đây hơn 40 năm?

Mồng 4 Tết, 2010

TRẦN HOÀI THƯ

trích từ Thơ Đến Từ Cõi Nhiễu Nhương, tập phê bình nhận định thi ca Miền Nam, qua những bài viết trên tạp chí Thư Quán Bản Thảo (Hoa Kỳ): Đặng Tiến, Nguyễn Lệ Uyên, Khuất Đẩu, Trần văn Nam, Lê văn Trung, Luân Hoán, Nguyễn Liệu, Phong Nhã (Trần Phong Giao), Nguyễn Vy Khanh, Trần Doản Nho, Đỗ Hồng Ngọc, Phạm văn Nhàn, Nguyễn Khôi, Trần Hoài Thư

Thứ Hai, 26 tháng 7, 2010

Tưởng niệm THÁI NGỌC SAN (1947-2005)







Nhân ngày mất Thái Ngọc San - 25/7/2005 - đọc lại

Thái Ngọc San và cuộc chuyển hóa sự sống vào tâm hồn người sống

Vào lúc 0h45 ngày 25/7/2005 (20/6 Ất Dậu), tại phòng Hồi sức - Bệnh viện Trung ương Huế - trái tim nhà thơ, nhà báo Thái Ngọc San (các bút danh: Thái Ba Đào, Ngọc Thảo Nguyên) đã ngừng đập giữa vòng tay của gia đình và của bạn bè thân hữu tại Huế, cũng như một số bạn bè thân hữu từ các tỉnh xa xôi đã trở về thăm anh trong những ngày trọng bệnh.
Thái Ngọc San sinh năm 1947, quê quán tại xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình và lớn lên tại Huế. Từ những năm 60 của thế kỷ XX, anh hoạt động trong phong trào học sinh - sinh viên Huế trên mặt trận Thanh Trí Vận. Năm 1970, anh được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản VN). Năm 1972, anh lên chiến khu tiếp tục góp sức chiến đấu giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, hướng tới một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Trái tim nồng nàn yêu nước và yêu con người của Thái Ngọc San là nguồn gốc của những bài thơ và những bài báo mà anh đã sáng tác, đăng tải. Trước năm 1975, hai tập thơ Nguồn mạch mới và Ngày quật khởi của anh và một vài bạn bè đã được bí mật in ấn, phát hành. Năm 1985, tập thơ riêng Khát vọng của Thái Ngọc San đã được xuất bản, trong đó bài Về những con đường khô cây (viết năm 1968) đã được in lại trong tuyển tập Thơ miền Trung thế kỷ XX, tuyển tập Thơ Bình Định thế kỷ XX. Mặc dù được viết năm 1968, nhưng về Những con đường khô cây đã thấp thoáng bóng dáng của quê hương, trong những ngày sau này:
Tôi trở lại thành phố này / Tôi đã trở lại thành phố này / Khóc âm thầm trong chiều vắng / Đợi tiếng loa vang khắp mọi đường / Một ngày tốt trời hy vọng...
Phải, ngay trong thời điểm mà cuộc sống đang mang trên những vòng thép gai của quân xâm lược, ngay trong tâm hồn Thái Ngọc San "Tình yêu buồn như viên gạch cũ - ở phía con đường kia", ngay lúc ấy Thái Ngọc San vẫn vượt lên nỗi niềm riêng để hướng về niềm hy vọng chung. Niềm hy vọng chung của quê hương, trong đó cả Huế - nơi tất cả những con đường đều in dấu chân Thái Ngọc San, đã được anh góp phần thể hiện trong các truyện ngắn, các bài báo sau năm 1975, nhất là thời kỳ anh làm thường trú Báo Thanh Niên tại Huế.
Về làm Báo Thanh Niên khi mái tóc đã ngả màu, lúc đó ở Thừa Thiên - Huế chưa có văn phòng liên lạc, phải phụ trách luôn địa bàn ba tỉnh Bình Trị Thiên, một mình trên chiếc xe máy Algul "người tình trăm năm", anh đến tận các bản làng xa xôi của núi rừng A Lưới, các huyện miền Tây Quảng Trị, Quảng Bình... lúc thì để viết bài, lúc thì đến để trao quà của bạn đọc Thanh Niên cho những trường hợp thương tâm cần giúp đỡ. Không nề hà, câu nệ, đến đâu anh cũng được các bạn trẻ làm công tác Đoàn, Hội quý mến bởi sự chân thành. Các bạn trẻ quý trọng gọi anh bằng đại từ nhân xưng "bác San". Anh em ở Tỉnh đoàn và Hội LHTN tỉnh Quảng Bình nhiều lần nói với tôi rằng, họ quý mến Báo Thanh Niên trước hết bắt đầu từ một con người cụ thể, đó là "bác San". Câu nói đó đã ám ảnh tôi rất lâu, kể từ ngày về cùng anh làm Báo Thanh Niên, và cũng là điều bây giờ anh em chúng tôi đang phấn đấu.
Trung thực, thẳng thắn nhưng chân thành, vì thế rất nhiều bài viết phê phán những hiện tượng tiêu cực qua một vụ việc cụ thể nào đó, người ta vẫn nhận ra trong sự quyết liệt của anh một tấm lòng. "Một tấm lòng" - có lẽ đó cũng là điều mà anh tâm niệm, bởi vậy đôi khi trong vô thức, anh luôn hát như đọc một câu của Trịnh Công Sơn: "Sống trong đời sống chỉ cần một tấm lòng...".
Nhiều năm sống cùng anh ở Huế, rồi đi xa, rồi gặp lại anh ở Huế, tấm lòng của anh vẫn thế. Có thể nói không ngoa rằng, anh là chỗ dựa tinh thần của bạn bè ở Huế và bạn bè ở xa khi đến Huế. Bạn bè, đồng nghiệp tin anh, quý anh vì trước hết anh sống vì bạn bè. Cuộc đời của anh có thể không có nhiều thứ, nhất là tiền bạc, nhưng có một thứ ít người có được, nhiều người muốn cũng chưa chắc có được, đó là bạn bè.
Anh là người đầu tiên báo cho tôi tin nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, sau đó là hoạ sĩ Bửu Chỉ - những người bạn anh - ra đi. Bây giờ thì tôi lại là người báo cho bạn bè hung tin về anh, mặc dù trong thâm tâm, tôi chưa một lần dám nghĩ đến, chưa thể tin được là anh đã ra đi...
Anh vừa báo cho Văn phòng đại diện tại miền Trung kế hoạch về chuyến đi Quảng Bình, một số bạn đọc Thanh Niên ở Pháp, thông qua Báo Thanh Niên giúp xây dựng nhà tình nghĩa cho cựu TNXP nhiều năm nay, bây giờ tiếp tục xây nhà và triển khai cho cựu TNXP vay tín dụng. Chỉ vài ngày nữa thôi, anh sẽ ra Quảng Bình, thế mà bây giờ...
0h45 ngày 25/7/2005 (20/6 - Ất Dậu) thời điểm trái tim Thái Ngọc San ngừng đập, nhưng tất cả những người thương yêu anh ở khắp nơi trên quê hương đều thấy chữ "chết" không phù hợp đối với một con người như thế. Đối với nhà thơ, nhà báo Thái Ngọc San, những người thân yêu anh đều nghĩ rằng, với anh sự chết chỉ là cuộc chuyển hóa sự sống vào tâm hồn người sống.
Huế 25/7/2005
Lê Văn Ngăn - Nguyễn Thế Thịnh





Trần Kiêm Đoàn
Nhớ về Thái Ngọc San - Đường đã rõ chân trần ta đi tới


Học trò Huế vào những năm 1960 có 3 nhóm: Nhóm "con nhà" gồm những cậu ấm "con trai của mạ" như Thái Kim Lan ở Đức nhắc trong một bài viết. Đó là những cậu bé và cô bé thuộc những gia đình công chức, thương gia có một đời sống vật chất tương đối thoải mái. Nhóm "đỡ khổ" gồm những cô cậu thuộc dòng dõi dân Huế cột cờ, có cha mẹ làm lao động hay buôn thúng bán bưng, cuộc sống tuy có phần vất vả nhưng đi học cơm đủ no áo đủ ấm. Và, cái nhóm "phiêu bồng" nhất là nhóm học trò từ nhà quê lên thành phố học. Phiêu bồng - vì tuy đưọc lên "dinh" học nhưng chỉ cần một trận thiên tai bão lụt, một vụ mất mùa lúa dưới làng là phải từ giã sách đèn về quê làm ruộng, giữ trâu. Tôi là một học trò từ làng lên Huế học. Tuy cũng thuộc nhóm "phiêu bồng" nhưng vẫn còn hiên ngang có được một chiếc xe đạp "đầm" được người đời đương thời đánh giá là xe "bò ệt" có lẽ vì tuổi đời của nó đã vào đông. Thế mà khi gặp Thái Ngọc San tôi mới nhận ra niềm hạnh phúc "tư bản làng" của mình mà từ lâu tôi chưa rõ mặt. Thái Ngọc San không có xe đạp, phải đi bộ quanh năm.Tôi không còn nhớ ngày đầu gặp gỡ Thái Ngọc San như thế nào, nhưng không quên được nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt ốm o và khắc khổ của San trong đám học trò nhà quê của chúng tôi như: Đoàn Tuyền Châu, Trần Kiên Nhẫn, Đoàn Phạm Túy Linh, Trần Văn Hoà, Hà Thúc Quyết... Tôi quen Thái Ngọc San vào những năm đầu 1960. Chiến tranh chưa lan vào thành phố Huế, nhưng bóng đen của chiến tranh đã bắt đầu lung lay những lũy tre làng quanh Huế. Không biết xuất phát từ nỗi lo, nỗi buồn, nỗi sợ chiến tranh đang vây bủa; vì muốn "làm le" với cô em hàng xóm hay thật sự có hồn thơ dấy lên từ đồng chua nước mặn mà lũ học trò làng của chúng tôi thuở đó đứa nào cũng bày đặt làm thơ. Làm thơ để khỏi làm thinh chứ không phải để thành thi sĩ. Bút nhóm đầu tiên Thái Ngọc San và tôi cùng tham gia là bút nhóm Mây Ngàn do Nguyễn Văn Châu ở Bãi Dâu làm khổ chủ. Khổ chủ vì Châu làm báo quên cả làm bài tập học trò, nên tuy xuất thân là một học trò ưu tú mà suýt chút nữa thi hỏng "đít lôm". Tập san viết tay ra nhanh hay chậm tùy tình hình. Nhưng vùng đất đó là sân chơi đầu tiên của tuổi học trò dễ thương và mơ mộng. "Thằng thi hào" đầu tiên trong đám học trò làng chúng tôi bỗng thành danh, thành thi sĩ - vì có một bài thơ của nó đăng ở báo Văn Học xuất bản tại Sài Gòn - là Thái Ngọc San. Không biết về sau nầy, Thái Ngọc San có được giây phút nào hưng phấn và cảm thấy huy hoàng hơn là ngày anh được đứng vào hàng ngũ những đứa có thơ in trên sách báo văn học nghệ thuật chính quy như thời đó hay không. Bài thơ đó mang hơi hướng nồng nàn của tuổi trẻ. Hơn 40 năm qua rồi, tôi chỉ còn nhớ được một câu: "Đường đã rõ chân trần ta bước tới". Tôi đã nghịch ngợm sửa thành: "Đường chưa chộ co giò ta bỏ chạy" để chọc tân thi sĩ nên mới nhớ hoài. Thái Ngọc San tuổi Đinh Hợi (1947), thua tôi một tuổi, nên thường bị đùa là "Tuổi Hợi nằm đợi mà ăn". Có lẽ vì cái số nó "ứng" như thế nên tuy San rất nghèo, nhưng luôn luôn được bạn bè chìa tay rất rộng để đón. Người ta đón San vì thơ đã đành, nhưng trong vòng bè bạn thân tình mọi người dón San, thương quý San vì nhân cách. Từ thuở học trò, Thái Ngọc San đã sống một cách chân tình và thẳng thắn như cây sậy cô liêu. San nghệ sĩ nhưng không buông thả, nhạy cảm nhưng không thuần cảm tính, hừng hực lửa đấu tranh nhưng cũng đầy ắp yêu thương. Sự đam mê mang đậm tính nghệ sĩ của Thái Ngọc San là dám bất chấp quên mình vì nghĩa lớn. San sống cho niềm tin trong sáng của mình. Và tôi tin trong vòng bè bạn - những cô cậu học trò e ấp ngày xưa bây giờ là những ông cụ, bà cụ lục tuần - nhớ đến Thái Ngọc San như một người bạn chí tình: Chí tình với quê hương yêu dấu, chí tình với Huế, chí tình với bằng hữu và chí tình với niềm tin son sắt của chính mình. Sự chí tình đó một thời là chất keo buộc chặt tâm hồn chúng tôi với nhau trong những phong trào học sinh, sinh viên tranh đấu. Cái hào khí tuổi trẻ lan tỏa trên quê hương chẳng đội một chiếc nón nào vừa vặn. Năm 1997, sau 15 năm xa quê dài bằng đời luân lạc của Kiều, tôi về lại Huế ngồi nhậu lai rai với Thái Ngọc San, Đoàn Phạm Túy Linh ở một quán cóc sau lưng trường bán công cũ, San cho biết là đang làm đại diện cho báo Thanh Niên. Vẫn với nụ cười ấm tình mà kiêu bạc, San nói bâng quơ: "Viết cho ra hồn mới nên viết!" Tôi chợt hiểu: Cái hồn thiên cổ của những người cầm bút. Mai kia ngày đó, nhưng hôm nay bây giờ, San đi rồi nhưng cái hồn trong những câu thơ, những dòng chữ của anh vẫn còn ở lại. Thái Ngọc San viết tương đối ít so với nguồn cảm xúc thường hiện rõ một cách đầy nhiệt thành trong lời nói và nơi dáng vẻ đầy xác tín của anh. Thơ Thái Ngọc San đượm chất lửa của tính chiến đấu, nhưng cũng óng ả nét dịu mềm đầy tình tự. Cũng có khi:
Đốt ngọn đèn lịch sử Nổi trống dậy khắp Hoàng thành... (“Lòng ngưỡng mộ”)
Nhưng cũng có lúc:
Có gì tan tác tựa phù vân
Một đời phù vân hay những ý nghĩ phù vân. Một buổi tối, i-meo của Đặng Thanh Nhã từ Huế cho biết: "Anh Thái Ngọc San bị tai nạn xe đang nằm hôn mê ở bệnh viện cấp cứu, không biết có qua khỏi được không!" Và Nguyễn Văn Dũng báo tin cuối cùng: "Báo tin buồn: Thái Ngọc San mới chết lúc 1 giờ sáng. Bây giờ là 7 giờ ngày 25-7-2005." Từ thành phố Sacramento, bang California trên đất Mỹ tôi hướng về quê hương để hình dung nỗi xót xa của gia đình, thân nhân và bè bạn quanh Thái Ngọc San trong lúc nầy. Nhớ Thái Ngọc San, chỉ còn biết đem thơ bạn ra đọc. Trong hai cõi riêng tư, vẫn còn chung tiếng hát một thời. Thời tuổi trẻ lên đường hát tràn đất nước và thời tuổi già nằm giữa quê hương hát tràn lên cây cỏ:
Tôi muốn hát cho cây cỏ nghe Lời giun dế khóc trong đêm lửa cháy Anh đi ngược chiều tôi không ngước mắt lên Nhìn nắng đỏ phai hy vọng Sao trời không mưa cho những cây khô Rửa mặt mày lem luốc. (“Về những con đường khô cây”)
San ơi! Bạn ra đi... trời Huế mình đang mưa rồi đó. Về thôi! Có những hạt ngọc long lanh đâu đó trong đám bụi vĩnh hằng.




Sacramento, tháng 7-2005


Trần Kiêm Đoàn
© 2005 talawas


Vĩnh biệt Thái Ngọc San


Hôm nay chúng ta đi trên những con đường
Không phải “những con đường khô cây” *
Không còn “ in hằn dấu đạn” *
Và “ không có sự thù hằn nào giết được kỷ niệm” *
Không còn là những kẻ tìm kiếm quê hương trên đất nước mình đang sống


Chúng ta vẫn còn lại và gặp nhau
Sau nhiều năm như đứng ở hai bờ Hương giang
Ngậm ngùi cười
Ngậm ngùi khóc
Không phải là tiếng khóc và tiếng cười của những năm sáu mươi của thế kỷ trước
Khi chúng ta tạm cư trên lầu 2 Trường Kiểu Mẫu
Năm Mậu Thân ở Huế
Và chúng ta đã lập nên một sổ gia đình
với Ngữ, Quảng, Tụng, Hầu, Thuyên
để lãnh gạo


San ơi
dẫu biết rằng mỗi người chỉ sống một cuộc đời
dài hay ngắn
nhưng hôm nay
sao lạ lùng
chúng ta nói lời vĩnh biệt
Ôi vĩnh biệt bạn
Thái Ngọc San
Những con đường của bạn vừa trở lại
đầy hoa không sắc
nhưng ngát mãi hương thơm vĩnh cửu
nỗi niềm tình bằng hữu
của một kiếp người


Từ Hoài Tấn
25/7/2005


* : “ Về những con đường khô cây” - Thơ Thái Ngọc San ( sáng tác năm 1968)

Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2010

Thơ Nguyễn Lương Vỵ


MƯỜI HAI GIỜ TRƯA Ở QUÁN 81

Á à a ố ồ ô ứ ừ ư
Tiếng ồn hoà theo cơn mưa đầu mùa
Những thiên tài mạt lộ
Những anh hùng khùng điên
Cung Tích Biền hãi quá
Biến
Nguyễn Tôn Nhan bịnh quá
Chuồn
Mịch La Phong đã quá
Nhe răng
Ta thèm ăn thèm nuốt thèm nốc cạn tiếng ồn
Tiếng ồn ngựa đực ngựa cái hí rân
Tiếng ồn trong ta tím tái
Đi đái một cái xả thiền
Chửi thề một tiếng xả thân
Tang thương ngẫu lục xà bần
Đù má thương quá phố cụt đầu phường cụt chân...

Á à a ố ồ ô ứ ừ ư
Tiếng ồn luồn vô luồn ra trên đỉnh sọ
Gió ở đâu về lạnh nghít tim
Lạnh nghít cánh ruồi trên chiếc đũa
Trưa chìm xuống cơn mưa ta chìm xuống đáy ly
Hát thầm nhớ em trong vô vọng
Tuyết Mi trắng tiếng cười nụ hôn trắng tiếng nói
Thời khắc thuỷ tinh vỡ
Gió tràn qua gió tràn qua lạnh nghít xanh nghít
Thằng bạn nối khố thất chí ngồi rùn vai
Ta thất kinh cái Có ló cái Không đứng rụt cổ
Cái Lời cuối cùng chỉ là cái Lỗ
Ót!
Ót!!
Ót!!!
Nói chung
Chỉ là cái Lỗ...

7.2010


Bốn giờ sáng ở bờ kè kênh Nhiêu Lộc

Cơn say khướt đầm đìa mộng mị
Bàn tay bay đi níu sao
Bàn chân bay đi níu trời
Óc bay đi níu em
Lời bay đi níu lại câu thơ của người bạn vong niên:
“... Khuya nức nở một cõi lòng không ngủ
Đợi vì sao dậy sớm tiễn người đi...”
Có hề chi mô Joseph Huỳnh Văn ơi!!!

Câu thơ rền rĩ nắng khuya
Chờ chết chờ nhau thời gian ghìm trong búng huyết
Em hiện hình trong chiếc lá khô
Tiếng la thất thanh đời tôi cô đơn của một ả giang hồ
Ực một ly bia nhạt rít một hơi thuốc tàn
Ực hết ngày tháng cũ rít hết một hơi oan khiên
Những vì sao đã chết từ lâu
Nhịp nhàng boléro nhịp nhàng thây ma trôi

Nhịp nhàng hư ảo nhịp nhàng gồ ghề
Một bài hành trong viên sỏi
Nhặt lên soi bóng lạ quen
Nhặt lên soi thành phố thức
Ực hết những tiếng rao buồn rít hết những bóng mồ hoang
Ực hết những hồn rêu nhớm rễ rít hết những tiếng đàn bụi đời
Đứng bật lên đi miết
Không cùng...

7.2010
NGUYỄN LƯƠNG VỴ

Thứ Bảy, 17 tháng 7, 2010

Thơ Lê Văn Ngăn

Một ngày cuối tuần lại đến. Thời gian này chưa viết gì được. Trong gần một tháng qua.
Hôm nay, đọc lại mấy bài thơ của bạn Ngăn vậy:

MÁI NHÀ - thơ LÊ VĂN NGĂN

Thuở ấy, anh em chúng ta còn mẹ còn cha
còn quây quần bên mâm cơm dưới căn nhà cũ
Giờ đây, cha mẹ đã qua đời
anh em chúng ta mỗi người mỗi ngã .

Thế là máu thịt rời xa máu thịt
dù trong tâm hồn , ký ức vẫn còn nguyên vẹn
Những đêm mưa nào, dường như thời ấu thơ vẫn còn cất tiếng gọi đò bên sông
muốn về thăm hiện tại .

Không hy vọng gì nữa đâu , vì không một ai
có hai thời ấu thơ để sống
Chỉ mong trên đường đời, chúng ta biết mọi người đều có cha mẹ anh em
biết mọi người đều trải qua một thuở sum vầy những ngày ly tán


Ở HUẾ

Những ngày tôi còn ở Huế
lưu vực sông Hương thường vọng về tiếng nước gọi tôi thức dậy sớm
Dưới nền trời chưa tắt những vì sao
các con đường nằm lặng im đợi bước chân người.

Và người hiện ra từ những ánh đèn quá khứ
Người đi về phía ngày mai
Người qua đời đã lâu nhưng còn sống giữa lòng người.

Bên người và những câu chuyện
tôi biết quê hương tôi có tiếng nói riêng
tiếng nói của một xứ sở lớn lên từ nhũng vết thương và niềm vinh dự.
Dường như trong đôi mắt em dịu dàng
còn thấp thoáng bóng hình những vết thương và niềm vinh dự.

Bên người và những câu chuyện
tôi biết quê hương tôi còn mở những ngã đường hướng ra thế giới
hướng vào mỗi tâm hồn người
Từ đó,
tôi nhận ra sự giàu có không chỉ vì đồng tiền.

Rồi sẽ đến ngày tôi không còn ở Huế
Rồi sông Hương sẽ vắng một người lắng nghe tiếng nước gọi mình .

LÊ VĂN NGĂN

Thứ Bảy, 10 tháng 7, 2010

Sinh nhật theo chứng thư khai sinh


Hôm nay ngày 10 tháng 7, trong chứng thư thế vì khai sinh của mình ghi là ngày sinh. 60 năm đã qua. Bây giờ ông bà thân sinh đã qua đời nên không biết hỏi ở đâu để biết chính xác. Chỉ biết là mình đã sinh ra trong thời chiến tranh 1950 tại làng Hà Trữ, sau đó mới theo bên ngoại dời về làng Chuồn. Sau đó Ông bà già mới đi làm giấy khai sinh ở Tòa sơ thẩm Huế và được cấp " Chứng thư thế vì khai sinh". Vì vậy cho đến bây giờ ngày sinh đích thực của mình là một dấu hỏi ! Tuy vậy cũng là một ngày sinh ra trên cõi đời này theo ý của cha mẹ.
Nhân ngày này, viết một đôi dòng gọi là ghi nhớ công ơn sinh thành của song thân, kỷ niệm ngày ra đời.
Chúc sinh nhật vui vẻ khỏe mạnh và yêu đời !

Từ Hoài Tấn

Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2010

Mang Viên Long - Bông & Giấy, Tuyển Tập Thơ của 30 Tác giả


Vào giữa quý 2, năm 2010 - nhà xuất bản Lao Động đã cho ấn hành Tuyển Tập Thơ của 30 Tác giả đang ngày đêm lao động sáng tạo cho sự đổi mới của dòng thơ ca hiện đại hôm nay; có tựa là “Bông & Giấy”.

Tập thơ dày 315 trang, gồm hơn 150 bài thơ của các tác giả: Tiểu Anh, Bỉm, Nguyễn Khương Bình, Đoàn Minh Châu, Trần Hữu Dũng, Nguyễn Đạt, Phùng Tấn Đông, Khương Hà, Nguyễn Thị Hậu, Nguyễn Thì Ánh Huỳnh, Inrasara, Huỳnh Thúy Kiều, Lưu Mêlan, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Văn Ngăn,Chiêu Anh Nguyễn, Nguyệt Phạm,Mai Văn Phấn, Vũ Trọng Quang,Lê Vĩnh Tài, Từ Hoài Tấn, Huỳnh Lê Nhật Tấn, Liêu Thái, Phan Trung Thành, Nguyễn Quang Thiều, Đinh Thị Như Thúy, Phan Huyền Thư, Trần Tuấn, Đồng Chuông Tử, Trúc Ty.

Hơn bốn thập niên cuối của thế kỷ 20, một dòng thơ mới - hiện đại, đã được hình thành trong dòng chảy thi ca Việt Nam mà những tác giả trong nhóm Sáng Tạo, cùng nhiều nhà thơ thời ấy, đã thể hiện một cách thuyết phục sự đổi mới cần thiết cho một dòng thi ca của thời kỳ tiền và hậu chiến (1930 - 1960)đã làm xong sứ mệnh của nó. Những tác phẩm thể hiện sự tân kỳ từ nội dung đến hình thức ấy đã xuất hiện trên vài tạp chí văn nghệ Saigon của các nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn, Viên Linh, Du Tử Lê, Trần Dạ Từ, Phạm Thiên Thư, Đặng Tấn Tới, Nguyễn Tôn Nhan, Trần thị NgH, Lê Văn Ngăn, Nguyên Đạt (…) đã chúng minh sự trổi dậy vững chãi p đầy tính sáng tạo phong phú của dòng thơ này – và họ đang tiếp bước cùng những nhà thơ hôm nay của thế kỷ 21 để hình thành một dòng thi ca tươi trẻ luôn miệt mài trôi chảy trong nền văn hóa dân tộc… Sự xuất hiện của “Bông & Giấy” vào thời điểm hôm nay, tuy có hơi muộn - nhưng thật cần thiết, để tiếp tục khẳng định một điều quan yếu trong sáng tạo: “Nghệ thuật không bao giờ đứng yên một chỗ”!

Trong phạm vi một bài viết ngắn - có tính cách giới thiệu / chúng tôi xin được ghi nhận đôi điều về “Bông & Giấy” với một số tác giả tiêu biểu như:

Nhà thơ Nguyễn Khương Bình trong bài “Chẳng Để Làm Gì” (trang 32)/ với điệp ngữ “tạm gác” (3 lần)/ sau đó là “gác”/ đã cho thấy rất rõ dòng tư tưởng/ xúc cảm của Nhà thơ - khi đang dọn lòng để trở về với cõi yên vắng như nhiên của tâm hồn với Tình yêu/đời sống thật - dù “chẳng để làm gì cả!”. Chẳng để làm gì/ mà là cái cần làm - cần thiết nhất cho đời sống mà không phải ai cũng cảm nhận được/nhìn thấy được? Phải chăng chúng ta đang làm những cái “chẳng để làm gì“ đó sao?
“Tạm gác những cánh mùa đang dịch chuyển
(…)Tạm gác những đau buồn, nỗi nhớ
(…)Tạm gác những muộn phiền
(…)Gác những thăng trầm lênh đênh
Đã chọn dúng thái độ “gác” rồi/ nhưng “gác” để làm gì - Nhà thơ cho biết:
“Lắng nghe điều gì
Sau tiếng thở dài của cô gái tuổi ngoài ba mươi
Mơ hồ
Nỗi cô đơn trong thẳm sâu hồn ai

Chẳng để làm gì cả
Thêm chút xíu bận tâm
Thêm chút xíu con người
Thế thôi!“

Những cái mà nhà thơ “thêm chút xíu”/ (bận tâm/con người) là những cái thật to lớn/ thật vô cùng cần thiết cho mỗi con người chúng ta hôm nay!

Trong bài thơ “Đêm nguyên tiêu và Hàn Mặc Tử” (trang 51/ chỉ dài 26 câu - có câu 1 chữ)/ Nhà thơ Trần Hữu Dũng đã nói rất đủ/ rất sâu về nhà thơ Hàn Mặc Tử mà trước đây chưa nói hết. Với ngôn ngữ sắc/mạnh - Trần Hữu Dũng đã phóng tầm nhìn lướt qua từng mảnh đời lẫm liệt bi tráng của HMT/ để khắc chạm một hình tượng HMT rất mới:

“Đêm nguyên tiêu - Hàn Mặc Tử thấy trăng
phát sáng giấc mơ diễm ảo
trên rừng thông, đồi,núi Đà Lạt và nỗi cô đơn buốt tim
Chôn vùi những hạnh phúc, ẩn ức muôn đời tân đáy lòng
(…) Hàn Mặc Tử tái sinh trong mầu trăng xanh đêm rằm
tái sinh hơi thở thơ rạt rào tràn bờ
tôi thấy người bước đi chậm rãi dọc bờ biển đất nước
Việt Nam, hướng tới mặt trời siêu hình rực rõ
phương Đông“.

Viết về một Tình–Yêu - rất - người/ Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh bằng ngôn từ tượng trưng phong phú sâu kín/ bằng nhiều hình tượng mới lạ nhưng rất thật/ bằng xúc cảm mãnh liệt của tuổi trẻ trước tình yêu, bằng nỗi khắc khoải ngàn đời về sự hiện diện của con người - đã viết nên “Con Ngựa Trời Của Anh” (trang 142)/ tạo được cảm giác mới mẻ, lôi cuốn người đọc:

“Em, con ngựa trời của anh
Cặp càn vâm sắc nhọn
Vẫn thường cắt cổ anh trong giấc ngủ
Tỉnh dậy quanh ta toàn mùi máu
(…)Tiếng hí những ngày tháng dã chiến
Trên những khối u mọc loài hoa dại
Khi cặp càng vung lên chặt đứt nỗi cô đơn
dể làm lộ nỗi cô đơn lớn hơn
Khi đôi mắt trâng trâng ngó sững vào bi kịch
bỗng phát hiện bi kịch lớn hơn
Như khi cặp đùi em quặp chặt anh
hoài thai loài buồn sang kiếp khác
(…).

Theo dõi dòng thơ Lê Văn Ngăn từ những sáng tác đầu tiên trong những thập niên cuối thế kỷ trước/ tôi nhận thấy - đó là một dòng thơ xuyên suốt/ tiếp tục - thể hiện một phong cách thơ rất riêng - trong con đường sáng tạo thơ ngày càng vững vàng, điêu luyện. Đề cập đến sự chuyển hóa / vô thường của vạn hữu/ sự “trần trụi” vô nghĩa của kiếp nhân sinh - nhà thơ đã lấy ngay trong cuộc đời mình/ cuộc tình mình làm ví dụ/ rất chân xác - gần gũi - tạo nên cảm xúc khá mạnh cho người đọc: “Ví dụ, một vẻ tàn phai” (trang 150). Đây là một “chủ đề” rất lớn mà Đạo Phật đã luôn đề cập/nhưng qua thơ - Lê Văn Ngăn đã rất tỉnh táo/ trầm tĩnh / diễn đạt điều “khó hiểu” ấy bằng ngôn từ riêng:

“Năm tôi hai mươi tuổi
một điếu thuốc cháy tàn trong góc quán
những sợi mưa thầm trên mặt sông
bóng đêm trên cây vông tầng lá tối
vông sẽ nở
trời sẽ hết bóng đêm
và tôi sẽ không còn ngồi trong góc quán nay
(…) Năm tôi ba mươi tuổi
…chẳng có gì khác ở cuối con đương tím ngắt
chẳng có gì khác ngoài hồn tôi mờ mịt

Những hạt thanh xuân tôi tặng em
tặng những tàn phai không mỉm cười không nức nở
những rộn rã của một đời người
không bằng âm vang tiếng guốc (…)”

Nguyệt Phạm viết về “Mùi Của Mẹ” (trang 170) bắt đầu từ cái khơi dậy rất mới của xúc cảm “Trùm chăn ôm người lạ” trong nỗi hạnh phúc tình cờ nào đó của đời sống - hấp dẫn người đọc đi dần vào một đề tài không mới:

“Trùm chăn ôm người lạ
Ấm tràn khoảng không gian bé nhỏ
Như thuở xưa gối đầu lên tay mẹ
Từng ngón tay từng chân tóc thân quen
Mùi mẹ
ấm nồng
đặc trưng
(…) Mùi của mẹ theo con đến tận cùng miền đất xa xôi.“


Với nỗi đam mê suốt bao năm tháng với thơ - dòng thơ hiện đại/ Nhà thơ Vũ Trọng Quang đã nổ lực hình thành “Bông & Giấy”/ để cống hiến cho người đọc có một cái nhìn rộng hơn/ sâu hơn/ về những “Tác gỉả thơ hôm nay”. Đây là một việc làm rất cần thiết/ để thơ đi vào cuộc sống - đi vào sự “thử lửa” của tháng năm. Trong bài “Bông & Giấy” (trang 186) nhà thơ đã tâm sự:

“Bông tạo ra cái đẹp
Giấy tạo ra cái chữ
chắc gì Bông tạo ra cái đẹp
chắc gì Giấy tạo ra cái chữ
đều cần thiết

Bông đang úa
Giấy đang rác
đều cần thiết

Tập thơ Bông Giấy
Trà đá Bông Giấy
điều cần thiết!”

“Chắc gì/ chắc gì - đều cần thiết/ đều cần thiết”/ là bức thông điệp (hay là tuyên ngôn) của nhà thơ gởi cho” Bông & Giấy”. Nhà thơ kết thúc thông điệp một cách nhẹ nhàng/ khiêm tốn (không đao to/ búa lớn): “Tập thơ Bông Giấy/Trà đá Bông Giấy/ điều cần thiết”. Vâng/ đó là những “điều cần thiết” cho đời sống của con Người/ của Thi ca!

“Gọi Hồn Khi Sống” (trang 104) của nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh là một bài thơ tình bi tráng/ của Tình Yêu và thân phận của nó - đã được thể hiện với những cảm nhận mới/ rất đời thường - nhỏ nhặt - nhưng đó là nỗi bi thảm xa xót của đời người đứng trước vấn nạn Tình Yêu:

“hồi nhỏ em tin
mình có linh hồn

rằng mình nhớ cài gì
linh hồn mình ở đó(…)

lớn lên gặp và iu anh
nhớ anh
linh hồn em ở trong anh
(…)nay ngó vô anh
thấy linh hồn em mất tiêu

bớ linh hồn đâu
về với thân sống không hồn nay
hồn về được ăn phở. “

Bày tỏ về một tình yêu khát khao/ một dĩ vãng êm đềm đã mất/ một nỗi cô đơn cùng cực của kiếp người bé nhỏ trước cõi vô hạn mờ mịt khổ đau - Nhà thơ Chiêu Anh Nguyễn đã rất thành công với bài thơ “Những Ngày Không Trở Lại” (trang 165):

“và bầy chim
không quay về nữa
mùa trú đông tàn tự thuở khai sinh
lớp áo mỏng em che không trọn
thịt da buồn ngầy ngật điêu linh
căn nhà nhỏ
nằm im ỉm đóng
bậc thềm rêu
lún phún trổ hoa
gió thọc mạch nhột bề nhột nhạt
đường mênh mông
hoa trải trắng hiên nhà (…) “

Nhà thơ Từ Hoài Tấn với những tình khúc ngọt ngào của những thập niên cuối thế kỷ 20 đã./ đang chuyển bước vào một dòng xúc cảm mạnh mẽ hơn/ khốc liệt hơn - nhưng cũng đằm thắm, thẳm sâu hơn. Đó là sự trưởng thành của tháng năm kinh qua cuộc truân chuyên/ thực chứng cùng đời sống - bài thơ “Sống Trong Đời Như Gió Lộng” (trang 211) đã chứng tỏ rõ ràng điều đổi thay ấy :

“Trong chiều dần hết những cánh mùa thu chao vòng
lần cuối
Tội lỗi em đâu hãy phơi bày
Một ngọn lá sẽ tàn, dù biết vậy
Hay xanh hơn thưở mới ra đời
Và cũng như cánh chim cuối trời dông tố kia
Hãy vỗ tiếng chào lực lưỡng trên gió lộng

Tôi làm thơ một đời không ý nghĩa
Lời ngợi ca cỏ cây
Có khi vơi đi nỗi buồn cơm áo (…)

(…) Môi của em đâu hãy mở
Mắt của em đâu hãy xinh đẹp
Tiếng dịu dàng đâu em hãy thốt
Và nụ cười đâu em hãy nở
Trong trái tim ta có một dòng huyết lưu
Nồng nàn và ngọt ngào như rượu lễ
Trên hai tay chúa dang ra

(…) Một ngọn lá sẽ tàn, dù biết vậy
Hãy xanh hơn thuở mới ra đời (..) “

Với tập thơ đầu tiên “Thèm Ăn” (2008) - Đòng Chuông Tử đã khẳng định được mình trong “trò chơi chữ nghĩa” này. Từng bước đi từ tốn/ cẩn trọng - Nhà thơ Đồng Chuông Tử đã thể hiện mọi dáng vẻ của dời sống/ từ đơn sơ - đến sâu khuất/ tất cả đều ánh rõ trong từng xúc cảm/ ghi nhận - dễ đem lại sự đồng cảm cao độ với người đọc. Bài thơ “Mùi Thơm Của Im Lặng” (trang 295) là một ví dụ: Điều thật giản dị được nhắc lại/ vì đời kia đã quên đi - và cái ồn ào huyên náo đau buồn có cơ hội làm tàn lụi tình thương yêu đang rất cần cho một cuộc sống hạnh phúc đích thực. Đây có thể là một tiếng kêu/ một khát vọng/ một tâm tình của nhà thơ muốn gởi gắm cho tất cả:

“vì một sự nhịn là chín sự lành
nên im lặng có mùi thơm
im lặng có thể là tiếng nói rất đầy tràn
có thể không gì cả, im lặng là vàng
im lặng sẽ không chia li
im lặng sẽ không xung đột
im lặng sẽ không xảy ra chiến tranh
im lặng là không ai đi kiếm chuyện với
mỗi người là một miếng ngói
lợp nên mái nhà
ai đi ngược im lặng
mùi thơm biến mất “

Lướt qua một số bài thơ tiêu biểu hôm nay trong “Bông & Giấy”/ chúng ta nhận thấy dược sự nổ lực sáng tạo/ cách tân - của mỗi tác giả - đây là một điểu rất đáng trân trọng ghi nhận . Sự phơi bày chủ thể một cách trần trụi, với cái nhìn phân tích / chia cắt tỉ mỉ - đôi lúc rất táo bạo của “thơ hôm nay” là một “thực nghiêm” cần có trong đời sống vốn dĩ ngày càng khô cằn và phức tạp. Bên cạnh đó/ sự hồn nhiên đến như lộ liễu đối với mọi cảnh ngộ, mọi gặp gỡ/ hạnh phúc hay khổ đau - trầm luân hay hoan lạc - được thể hiện trong dòng thác cảm xúc không che dấu ở một số bài thơ - cũng là “một thể nghiệm” cần có - cần thử thách / trong giai đoạn hình thành lâu dài.

Có một điều/ thiết nghĩ cũng nên “nói thêm” ở đây - là cách ghi nhận chữ Việt của một vài nhà thơ là không thể chấp nhận được:Tiếng Việt vốn trong sáng/ thì thơ - cần làm cho nó thêm phong phú bằng ngôn từ mới phù hợp với sự tiến hóa của thời đại - chứ không thể làm cho nó trở nên đen tối/ u ám - như phải viết chữ “nghe/ thành “nge” hay chữ “yêu thành/ “iu” v v v) - là “đổi mới “? (!).. Nếu cảm thấy cần có “cuộc cách tân” trong chữ viết/ đề nghị nên có một công trình nghiên cứu bài bản/ nghiêm túc/ để được các nhà ngôn ngữ học/ thức giả bàn thảo thấu đáo –trước khi công bố để sử dụng. Việc tùy tiện sử dụng (dù cho riêng mình) cũng là một điều cần dược thận trọng. Sự đổi mới của Thi Ca/ là ở hố thẳm tư tưởng - ở mênh mông xúc cảm/ trong những ghi nhận giải bày - chứ không phải nằm ở chỗ có hình thức “lạ mắt/ lập dị”(!).

Điều sau cùng: xin được chia sẻ trong bài “ghi nhận” này là “Sự đổi mới cần có thiên chức đem Người gần với Người - trong tình thương yêu như nhiên vốn dĩ đã có sẵn trong Tâm mỗi con người khi vừa mới chào đời - khi ấy/ sự đổi mới mới hoàn thành được hoài bão của mình/ thật sự đi vào đời sống chung của nhân loại”!
“Tập thơ Bông Giấy
Trà đá Bông Giấy
Điều cần thiết”./.
(VTQ)

Quê Nhà,Tháng cuối tháng 6/2010.

MANG VIÊN LONG

vanchuongviet.org