Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

Tiếu ngạo giang hồ

Những năm 90, xóm tôi chỉ có duy nhất một nhà có đầu video, nơi lũ trẻ con hay trốn ba mẹ ngồi xem những Anh hùng xạ điêu hay Hiệp khách hành. Những hàng rào bằng nứa ở xóm cũng phải thay liên tục, bởi lũ trẻ con nghịch dại thường ăn trộm để luyện Độc cô cửu kiếm và Tịch tà kiếm phổ.
Có lẽ ít ai thuộc thế hệ tôi mà không dính vài trận giao đấu sứt sẹo tay chân bởi muốn biến thành “võ lâm minh chủ” như trong phim chưởng. Bây giờ nhớ lại những năm tháng đó, trong đầu tôi vẫn hiện lên những mảng màu sắc sặc sỡ, nhòe nhoẹt vì chất lượng thấp, những đoạn băng nhiễu sóng, và giọng lồng tiếng miền Nam nhả từng chữ rành rọt.
Tôi chỉ biết đó là những câu chuyện nguyên tác từ Kim Dung khi lớn hơn một chút, biết dành mấy trăm đồng ăn sáng để thuê truyện kiếm hiệp. Thế giới mơ mộng của những giang hồ nghĩa hiệp, lãng tử không biết hồi đầu, những giai nhân tuyệt sắc, bang hội đầy mưu mô, với biết bao câu chuyện kì bí dễ dàng hấp dẫn những đứa trẻ mới lớn mơ mộng giải cứu thế giới. Với người lớn, trong một thực tại đầy khó nhọc và vất vả mưu sinh, thế giới của Kim Dung gần như đưa ra một sự giải thoát. 
Nhưng “sự giải thoát” đó không đồng nghĩa với phi thực tế. Không phải ngẫu nhiên mà những Tiếu ngạo giang hồ hay Thiên Long bát bộ thu hút được đông đảo thế hệ độc giả đến từ mọi độ tuổi. Có thể chính độc giả không nhận thấy: ẩn chứa trong những tác phẩm của ông không chỉ là các màn luyện chưởng võ biền, mà là thông điệp về cuộc sống, xã hội, nhân sinh. Bằng những hình ảnh các vị anh hùng, độc giả “cảm” được những ý niệm xã hội của Kim Dung, trước khi biết gọi tên chúng.
Thập kỷ 70, giữa giai đoạn Trung Quốc đang trải qua Cách mạng văn hóa, Kim Dung đứng ra và nói thẳng rằng các tác phẩm của ông tấn công chủ nghĩa sùng bái cá nhân. Thật vậy, những nhân vật nào được tôn lên mây xanh làm “võ lâm minh chủ” như Đông Phương Bất bại hay Nhạc Bất Quần rốt cuộc là những kẻ “lòng lang dạ sói”, đầy mưu mô hiểm độc. Đi cùng với đó tất yếu là sự phê phán quyền lực tuyệt đối, không từ thủ đoạn để thành công: cả Đông Phương Bất bại và Nhạc Bất Quần đều “tự cung” để luyện Quỳ hoa bảo điển và Tịch tà kiếm phổ, lên đến đỉnh cao của thiên hạ, rồi cùng có kết cục bi thảm.
Trong bài phỏng vấn, có lẽ là cuối cùng, của ông với New Yorker vào tháng 4 vừa rồi, Kim Dung còn khẳng định Hồng giáo chủ và Thần Long giáo - một giáo phái cuồng tín trong Lộc Đỉnh ký - là phép hoán dụ của ông với các phái chính trị trong giai đoạn đó.
Tác giả của những câu chuyện kiếm hiệp, nơi mà trong mắt nhiều độc giả khó tính, chỉ biết uống rượu, lang bạt, múa kiếm và tung chưởng, năm 1967 từng phải trốn sang Singapore khi bị liệt vào danh sách ám sát của một nhóm cực tả tại Hong Kong.
Những câu chuyện của ông còn là sự lựa chọn khó khăn giữa chính và tà, giữa lòng yêu nước và lợi ích của bản thân, giữa thuận theo cường quyền hay đi theo tiếng gọi của lương tri: Quách Tĩnh - một nhân vật người Hán sinh ra ở Mông Cổ - phải lựa chọn đi theo sức mạnh không thể cưỡng nổi của Thành Cát Tư Hãn hoặc đứng về phía dân tộc mình, hay Kiều Phong - một người Khiết Đan nhưng trưởng thành ở Trung Nguyên - nghe theo lệnh nhà vua hay đứng về phía anh em thân hữu của mình.
Những hình tượng đó là to tát, nhưng nếu quán chiếu lại, nó có thể đúng cho không chỉ là nhà nước, mà còn là với những cộng đồng nhỏ hơn ở các mức độ khác nhau. Những lựa chọn chính nghĩa, như trong truyện Kim Dung, nhiều khả năng mang lại thiệt thòi. Kiều Phong tự sát ở Nhạn Môn Quan, Quách Tĩnh - thay vì trở thành một ông vua dưới trướng Đại Hãn - phải chống lại kẻ chinh phục vĩ đại nhất. Với chủ nghĩa lãng mạn của mình, Kim Dung không cho phép các nhân vật chính, những người vô cùng lương thiện và có tâm hồn trong sáng, chịu đựng suốt đời.
Lớn lên, nhìn ra xã hội, soi chiếu tinh thần ấy vào những cuộc đấu tranh trong xã hội, tôi kịp nhận ra rằng duy trì tinh thần của Kim Dung khó khăn vô cùng; những anh hùng bảo vệ thành Tương Dương hiếm hoi ra sao; những Nhạc Bất Quần và Đông Phương Bất Bại dễ xuất hiện đến thế nào. Và chính lúc đó, tôi hiểu rằng việc nuôi dưỡng niềm tin trong sáng vào chính nghĩa, qua những tác phẩm chân phương in trong giấy màu nâu đã mủn năm xưa, quan trọng với đời người.
Trong “giang hồ” của Kim Dung, hay là trong xã hội thực của những mưu cầu chính trị và lợi ích, tác giả ấy đã tìm được cách truyền tải rất bình dị đến cho nhiều tầng lớp, về niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi sau cùng của chính nghĩa và lương tri.
Những đứa trẻ chúng tôi, đã rút trộm hàng rào để đuổi theo những ý niệm ấy, từ trước khi biết chúng thực sự là gì. Kim Dung nuôi dưỡng các thế hệ người đọc bằng việc thắp sáng hy vọng, rằng cứ sống tử tế, không vụ lợi, thì cuối cùng bạn sẽ được đền đáp. Mọi xã hội đều cần có niềm tin và hy vọng vào điều thiện, và có lẽ vì thế di sản của Kim Dung sẽ còn rất lớn dù ông đã đi về thế giới của riêng mình.
Nguyễn Khắc Giang
https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/tieu-ngao-giang-ho

Nhà văn Kim Dung qua đời ở tuổi 94

Ngày 30 tháng 10 năm 2018, nhà văn Kim Dung qua đời ở tuổi 94 tại Bệnh viện Hong Kong sau một thời gian dài chiến đấu với bệnh tật.

Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung (phồn thể: 查良鏞, giản thể: 查良镛, bính âm: Cha Leung Yung), sinh vào ngày 6 tháng 2 năm 1924 tại trấn Viên Hoa, huyện Hải Ninh, địa cấp thị Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, trong một gia tộc khoa bảng danh giá. . Ông nội là Tra Văn Thanh làm tri huyện Đan Dương ở tỉnh Giang Tô. Tra Văn Thanh về sau từ chức, đến đời con là Tra Xu Khanh bắt đầu sa sút; Tra Xu Khanh theo nghề buôn, sau sinh 9 đứa con, Kim Dung là con thứ hai.


KimDung
nhà văn Kim Dung (Hình: Ngôi Sao)


Thuở nhỏ Kim Dung thông minh, lanh lợi, nghịch nhưng không đến nỗi quậy phá. Ông yêu thiên nhiên, thích nghe kể chuyện thần thoại, truyền thuyết, nhất là về những ngọn triều trên sông Tiền Đường. Đặc biệt ông rất mê đọc sách. Dòng họ Kim Dung có một nhà để sách gọi là "Tra thị tàng thư" nổi tiếng khắp vùng Chiết Tây, chứa rất nhiều sách cổ, những cuốn sách này làm bạn với ông từ rất bé.

Sáu tuổi, ông vào học tiểu học ở quê Hải Ninh. Ông rất chăm học, lại thêm mê đọc sách nên trở thành một học sinh giỏi của lớp. Thầy dạy văn cho ông lúc bé tên Trần Vị Đông, là người rất thương yêu và tin tưởng Kim Dung, đă cùng ông biên tập tờ báo lớp. Một số bài làm văn của Kim Dung, nhờ sự giới thiệu của thầy Đông đă được đăng lên Đông Nam nhật báo, tờ báo nổi tiếng nhất Trung Quốc bấy giờ.

Năm lên tám tuổi, ông lần đầu đọc tiểu thuyết võ hiệp, khi đọc đến bộ truyện Hoàng Giang nữ hiệp của Cố Minh Đạo, cảm thấy rất say mê, từ đó thường sưu tầm tiểu thuyết thể loại này.

Năm 13 tuổi, xảy ra sự biến Lư Câu Kiều, Kim Dung được gửi đến học trường trung học Gia Hưng ở phía Đông tỉnh Chiết Giang. Tuy xa nhà nhưng cuộc sống của ông cũng không khác mấy, ngoài đi học vẫn chúi đầu đọc sách, và vẫn đứng đầu lớp. Một hôm nhân dịp về thăm nhà, ông khoe gia đình cuốn sách Dành cho người thi vào sơ trung, một cuốn cẩm nang luyện thi, có thể coi là cuốn sách đầu tiên của ông, viết năm 15 tuổi và được nhà sách chính quy xuất bản. Đến khi lên bậc Cao trung, Kim Dung lại soạn Hướng dẫn thi vào cao trung. Hai cuốn sách in ra bán rất chạy, đem lại cho ông khoảng nhuận bút hậu hĩnh.

Năm 16 tuổi, ông viết truyện trào phúng Cuộc du hành của Alice có ý châm biếm ngài chủ nhiệm ban huấn đạo, người này tức giận, liền ép hiệu trưởng phải đuổi học ông. Cuộc du hành của Alice tuy đem lại tai hại, nhưng đã cho thấy tài tưởng tượng, cũng như tinh thần phản kháng của Kim Dung, mà sau này thể hiện rất rõ trên các tác phẩm. Ông lại chuyển đến học trường Cù Châu. Tại trường này có những quy định rất bất công với học trò, học sinh không được quyền phê bình thầy giáo, nhưng thầy giáo có quyền lăng nhục học sinh. Năm thứ hai tại trường, ông viết bài Một sự ngông cuồng trẻ con đăng lên Đông Nam nhật báo. Bài báo làm chấn động dư luận trong trường, được giới học sinh tranh nhau đọc. Ban giám hiệu trường Cù Châu đành phải bãi bỏ những quy định nọ. Không những vậy, một ký giả của Đông Nam nhật báo là Trần Hướng Bình do hâm mộ tác giả bài báo, đã lặn lội tìm đến trường học để thỉnh giáo, mà không biết tác giả chỉ là một học sinh.

Năm 1941, chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, trường Cù Châu phải di dời, ban giám hiệu quyết định cho học sinh lớp cuối tốt nghiệp sớm để bớt đi gánh nặng. Kim Dung cũng nằm trong số đó. Sau ông thi vào học Luật quốc tế tại học viện chính trị Trung ương ở Trùng Khánh. Thi đậu, nhưng để đến được trường phải trải qua nhiều ngày đi bộ.

Tại học viện chính trị Trung ương, Kim Dung vẫn học rất giỏi, cuối năm nhất ông được tặng phần thưởng cho sinh viên xuất sắc nhất. Thời kỳ này, ông ngoài tham gia viết bình luận chính trị trên các báo, còn bắt tay vào làm cuốn Anh - Hán tự điển và dịch một phần Kinh Thi sang tiếng Anh, hai công trình này về sau dở dang. Ông học lên năm thứ ba thì tại trường bắt đầu nổi lên các cuộc bạo loạn chính trị. Có lần viết thư tố cáo một vụ bê bối trong trường, Kim Dung lần thứ hai trong đời bị đuổi học, năm 19 tuổi.

Sau ông xin làm việc tại Thư viện trung ương. Ở chung với sách, tri thức nâng cao lên rất nhiều. Ngoài đọc sách sử học, khoa học và những tiểu thuyết võ hiệp đương thời, ông còn đọc những cuốn như Ivanhoe của Walter Scott, Ba người lính ngự lâm, Bá tước Monte-Cristo của Alexandre Dumas (cha), những truyện này đã ảnh hưởng đến văn phong của ông. Tại đây ông bắt đầu nảy sinh ý định sáng tác truyện võ hiệp. Ông cũng sáng lập ra một tờ báo lấy tên Thái Bình dương tạp chí, nhưng chỉ ra được một số đầu, số thứ 2 nhà xuất bản không chịu in, tờ báo đầu tiên của ông xem như thất bại.

Năm 1944, ông đến làm việc cho một nông trường ở Tương Tây. Nơi này rất tịch mịch hẻo lánh, đến năm 1946, không chịu nổi ông xin thôi việc, người chủ nông trường không cản được, tiễn ông bằng một bữa thịnh soạn. Mùa hạ năm đó, ông về lại quê cũ ở Hải Ninh, cha mẹ nghe tin ông bị đuổi học, rất buồn. Điều ấy khiến ông quyết tâm ra đi lập nghiệp.

Năm 1946 từ biệt gia đình, ông về Hàng Châu làm phóng viên cho tờ Đông Nam nhật báo theo lời giới thiệu của Trần Hướng Bình, người ngày xưa đã tìm đến trường ông. Ông làm việc rất tốt, tỏ ra có tài thiên phú về viết báo. Năm sau, theo lời mời của tạp chí Thời dữ triều, ông thôi việc ở Đông Nam nhật báo, sang Thượng Hải tiếp tục nghề viết hay dịch thuật từ máy Radio. Chẳng bao lâu ông lại rời toà soạn Thời dữ triều, xin vào làm phiên dịch của tờ Đại công báo. Lúc này anh trai của Kim Dung là Tra Lương Giám đang làm giáo sư ở học viện Pháp lý thuộc đại học Đông Ngô gần đó, ông liền xin vào học tiếp về luật quốc tế.

Năm 1948, tờ Đại công báo ra phụ bản tại Hồng Kông, ông được cử sang làm việc ở đó, dịch tin quốc tế. Trước khi ra đi vài ngày, ông chạy đến nhà họ Đỗ để ngỏ lời cầu hôn cô con gái 18 tuổi, được chấp nhận. Hôn lễ tổ chức trang trọng tại Thượng Hải, người vợ đầu tiên Đỗ Trị Phân của ông rất xinh đẹp.

Năm 1950, trong cuộc Cải cách ruộng đất ở Trung Quốc, gia đình ông bị quy thành phần địa chủ, cha ông bị đấu tố, từ đó ông mất liên lạc với gia đình. Trong lúc này, vợ ông không chịu nổi cuộc sống ở Hồng Kông, trở về gia đình bên mẹ, không chịu về nhà chồng nữa. Năm 1951 họ quyết định ly hôn.

Năm 1952, ông sang làm việc cho tờ Tân văn báo, phụ trách mục Chuyện trà buổi chiều, chuyên mục này giúp ông phát huy khả năng viết văn của mình hơn, ông rất thích, một phần vì khán giả cũng rất thích. Ông còn viết phê bình điện ảnh. Từ đó dần đi sâu vào lĩnh vực này. Từ 1953, rời Tân Văn báo, bắt tay vào viết một số kịch bản phim như Lan hoa hoa, Tuyệt đại giai nhân, Tam luyến… dưới bút danh Lâm Hoan. Những kịch bản này dựng lên được các diễn viên nổi tiếng thời bấy giờ như Hạ Mộng, Thạch Tuệ, Trần Tứ Tứ… diễn xuất. Được nhiều thành công đáng kể.

Từ khi mới vào làm cho Tân Văn Báo, ông quen thân với La Phù và Lương Vũ Sinh. Đến năm 1955, được hai người ủng hộ và giúp đỡ, ông viết truyện võ hiệp đầu tay là Thư kiếm ân cừu lục, đăng hàng ngày trên Hương Cảng tân báo, bút danh Kim Dung cũng xuất hiện từ đây. Hai chữ "Kim Dung" 金庸 là chiết tự từ chữ "Dung" 鏞, tên thật của ông, nghĩa là "cái chuông lớn". Thư kiếm ân cừu lục ra đời, tên Kim Dung được chú ý đến, dần dần, ông cùng Lương Vũ Sinh được xem như hai người khai tông ra Tân phái của tiểu thuyết võ hiệp. Ông viết tiếp bộ Bích huyết kiếm được hoan nghênh nhiệt liệt, từ đó chuyên tâm vào viết tiểu thuyết võ hiệp và làm báo, không hoạt động điện ảnh nữa.

Năm 1959, cùng với bạn học phổ thông Trầm Bảo Tân, ông lập ra Minh Báo. Ông vừa viết tiểu thuyết, vừa viết các bài xă luận. Qua những bài xă luận của ông, Minh Báo càng ngày được biết đến và là một trong những tờ báo được đánh giá cao nhất. Không như một số tờ báo do ông sáng lập khác, Minh Báo theo ông đến khi kết thúc sự nghiệp.

Năm 1972 sau khi viết cuốn tiểu thuyết cuối cùng, ông đă chính thức nghỉ hưu và dành những năm sau đó biên tập, chỉnh sửa các tác phẩm văn học của mình. Lần hoàn chỉnh đầu tiên là vào năm 1979. Lúc đó, các tiểu thuyết võ hiệp của ông đă được nhiều độc giả biết điến. Các tác phẩm đã được chuyển thể thành phim truyền hình. Năm sau, ông tham gia giới chính trị Hồng Kông. Ông là thành viên của ủy ban phác thảo Đạo luật cơ bản Hồng Kông. Ông cũng là thành viên của Ủy ban chuẩn bị giám sát sự chuyển giao của Hồng Kông về chính phủ Trung Quốc.

Vào tháng 10 năm 1976, sau cái chết đột ngột của con trai trưởng của mình, Kim Dung đã quyết định tìm hiểu nhiều vào các triết lý của tôn giáo. Kết quả là ông tự mình quy y Phật giáo hai năm sau đó.

Năm 1993, ông thôi làm chức chủ bút, bán tất cả các cổ phần trong Minh Báo.

Năm 2006, ông xuất bản cuốn tản văn đầu tiê

Thứ Ba, 9 tháng 10, 2018

THƠ SƯU TẬP THANH TÂM TUYỀN




THƠ SƯU TẬP
THANH TÂM TUYỀN
(1936-2006)


TTT 9


TẠI SAO ANH LÀM THƠ
Bài Tựa Tập Thơ Vào Đời của nhà thơ Trần Thanh Hiệp
Sáng Tạo xuất bản,1966.

Tại sao làm thơ?  Tại sao làm thơ lúc này? Tại sao anh làm thơ không làm gì khác?... Phải không anh những tự vấn, tự khảo miên man úp chụp xuống đầu không gỡ thoát, mỗi khi thấp thoáng tiếng đập cánh cửa của một loài chim muốn bay lên?   Loài chim nào đó?  Của hoàng hôn hay của đêm khuya?  Đã lâu rồi chúng ta chẳng còn tin thơ là nhịp động phiêu mù của con tim, con tim rãy rụa vì ghi nhận cảm xúc của chấn động ngoại giới lan truyền.  Con tim đã ốm yếu chỉ biết lắng nghe rồi than thở con tim rách rưới nghèo nàn vì lãng mạn bán rao những tuyệt vọng chán chường.  Đã lâu rồi phải không anh?  Thơ là mở cho nhìn thấy, nói như một nhà thơ hiện đại.  Trong đời người rối mù hỗn độn, tan nát và điên khùng che khuất mọi viễn tượng, trong lịch sử khắc nghiệt, tàn nhẫn quay cuồng như cửa ngỏ hư vô, mở cho nhìn thấy những thực tại còn lánh mặt, bi chôn vùi, những điều khả hữu của đời người của lịch sử.  Mở và nhìn thấy là tác động của trí tuệ – một trí tuệ tiến về mọi chiều đến tận cùng các giới hạn, một trí tuệ tự tạo tự do và muốn thực tại cũng tự do.

 Thơ chính là trí tuệ thiên nhiên lang thang kiếm tìm sự thật và hủy diệt sự thật – trí tuệ nảy sinh từ thực tại chia lìa, muốn đi thoát ôm theo thực tại vào vùng trời nào, nhưng chúng ta, chúng ta nhìn thấy được gì phải nhìn thấy được gì không?  Hay bị dìm ngập trong hồi tưởng sót xa trong huyễn ảnh thảng thốt?  Trí tuệ chúng ta có đủ sức thành hình hay bị trói liệt trong cảnh ngộ?  sa đọa vào vũng lầy ngôn từ – ôi những ý niệm giáo điều, hệ thống mòn mỏi, những bộ mặt lem luốc của thực tại – trong giả trá kỹ thuật – như tên hề đùa rỡn bằng cung cách buồn bã – quỵ lụy hèn mọn, phô bầy như một sản phẩm dư thừa?  Phải chăng trí tuệ của chúng ta đã chỉ còn là trí nhớ ray rứt về cuộc hành trình không thực hiện nổi – trí nhớ bi thảm đui mù - ? Và, thơ của chúng ta như con chim cất cánh bay cao trong đêm giá cô đơn tìm về mặt trời hay chỉ là con chim đã sập bẫy kêu những tiếng mê sảng?

Tại sao anh làm thơ không làm gì khác?  Tại sao anh làm thơ lúc này?  Tại sao làm thơ?
(10-1966)