Thứ Tư, 29 tháng 4, 2009

Ngô Chi Lan - Khúc hát hái sen

gathering lotus painting

I.

Kìa kìa cô ả tóc xanh

Trong khi nhàn rỗi ra ghềnh hái sen

Dịu dàng kín đáo thuyền quyên

Miệng hoa chúm chím ngồi thuyền tập bơi.

II.

Xa gần thoang thoảng mùi sen

Hái hoa nhan nhản cô em quê mùa

Tóc mây đừng để gió đưa

Nước da băng tuyết vẫn thừa hương bay.

(thế kỷ 15)

PEACEFUL LOTUS SONG

(translated by Đinh Từ Bích Thúy và Martha Collins)

I.

See that girl with black hair

In the lotus stream, at leisure

A young girl without words

Smiling blossom learns water

II.

Lotus scent spreads near and far

Peasant girl among flower faces

Whether the wind blows her hair

Pure white flesh is still fragrant

(15th century)

LOTUS-GATHERING SONG

(translated by Lady Borton)

I.

Yonder, a girl with black hair

Creates tiny whirlpools as she leisurely gathers lotus,

A young girl, sweet and reserved

Paddling her dinghy among blossoms starting to bloom.

II.

Lotus perfume wafts near and far,

How bucolic the girl among the abundant flowers,

Her hair beautiful in the breeze,

Her pure skin emitting its own alluring fragrance.

(15th century)


theo damau.org

Ỷ Lan - Sắc Không

kanjuro-shibata-xx-enso Sắc là không, không tức sắc,
Không là sắc, sắc tức không.
Sắc không đều chẳng quản,
Mới khế hợp chân tông.

“Sắc không” - Kanjuro Shibata

FORM NOTHING

Form is nothing, nothing form
Nothing is form, form nothing
Not to think form nothing:
Harmony then with truth.

(tr. by Đinh Từ Bích Thúy và Martha Collins)

BEING NON BEING
Being is non being, non being being.
Non being is being, being non being.
Pay no mind to being and non-being.
Only then is there unity of the whole.
(tr. by Xuân Oánh)

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2009

THƠ BỐN CÂU

THƯ KHÔNG GỞI


Trùng dương em mới gọi mùa
Trăng ngàn khơi dội sóng lùa kẽ tay
Tờ thư để trống bao ngày
Hiên sân quạnh một mình xoay xở buồn


KHÔNG

Thâm nhập cõi huyền cung
Lòng hữu vô một đóa
Tôi có một dòng sông
Không trôi về đâu cả


MỪNG XUÂN

Gởi chào cô vài câu thơ nhẹ
Gió mùa xuân sẽ ấm những ngày
Dặm ngàn như có bàn chân khẽ
Bước qua đây nâng chén rượu đầy


TỰ NHIÊN

Ôm bóng chờ trăng
Mai chiều ươm nụ
Sầu khuyết lại đầy
Tròn vòng sinh tử


THÁNH ĐỊA

Bờ bến trăng soi
Mây tràn qua lối
Tĩnh lặng một lời
Sáng loè đêm tối


LUÂN LƯU

Đời tôi là một con đường
Nên thương hay giận cũng thường như nhau
Đời tôi là một cây cầu
Đi qua đôi bận để sầu mấy khi


TRỐNG

trang giấy nằm nghe ý nghĩ
lời câm
không biết ngoài trời kia
mây trắng


NGUỒN

Cỏ cây sinh tự bao giờ
Vẫn miên man mọc bên bờ tịch nhiên
Có khi trái đất ngủ quên
Đại dương trở lại đất liền tìm sông


ĐỌC PHÁP BẢO ĐÀN KINH

Chúc hương bay tới Tào Khê
Lá rụng về cội cây thì về non
Ý lời trăm vạn ngã sông
Đất Trời chẳng có vô cùng có chi


GIỮA CHỢ

Giữa chợ hát cuồng ca
Ấm vui lòng kẻ sĩ
Trần gian triệu đóa hoa
Nở từ lòng mộ chí


Từ Hoài Tấn

Trò chuyện về lý luận phê bình văn học ở vùng đô thị miền nam giai đoạn 1954-1975

ĐỐI THOẠI VĂN CHƯƠNG

Nguyễn Thị Phương Thảo

Trong quá trình triển khai chuyên mục “Truyện ngắn miền Nam trước 1975” báo Văn nghệ nhận được nhiều thông tin phục vụ cho chuyên mục cùng lúc với khá nhiều câu hỏi đặt ra từ phía các đồng nghiệp cũng như bạn đọc về một mảng hết sức quan trọng luôn song hành với những sáng tạo văn chương, ấy là lý luận phê bình (LLPB): LLPB văn học ở vùng đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975 thực chất đã diễn ra như thế nào? Các giá trị đương thời và còn lại của nó?… Để giải đáp phần nào các câu hỏi này Văn nghệ đã có một cuộc trao đổi với các nhà lý luận phê bình, cũng như một nhà văn - đối tượng trực tiếp của LLPB văn học giai đoạn này. Thiển nghĩ, đều là những người làm nghề nghiêm tuc,s ý kiến của các anh chị cho dù khác nhau đều xuất phát từ đòi hỏi sâu sắc khắt khe của một nghề “không dễ gì” mà họ đang theo đuổi. Vả lại, khác chính là đời thường, là khoa học, là dân chủ.

-Thưa anh Lại Nguyên Ân. Là người làm nghề LLPB trên đất Bắc, mối quan tâm của anh đến công việc của các đồng nghiệp ở vùng đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975 như thế nào? Anh đã đọc những gì của họ, họ có tham dự được vào công việc của anh không?

Lại Nguyên Ân: Đối với văn chương, báo chí ở miền Nam 1954-1975 lần tiếp xúc mang tính trực tiếp đầu tiên của tôi là năm 1978 trong chừng 3 tháng, là biên tập viên Nxb Tác phẩm mới tôi được cử vào sửa mo-rát các cuốn sách Nxb đưa in tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài giờ làm việc, tôi thường đi tới các phố sách cũ, vào các kho sách cũ, tìm mua sách mang về cho thư viện Hội Nhà văn, cũng tìm mua cho tủ sách riêng. Lần tiếp xúc đầu tiên, ngập đầy cảm giác mới mẻ lạ lẫm. Nỗi tiếc rẻ thường trực sau mỗi lần từ chợ sách trở về chỉ là mình quá ít tiền để có thể mua tất cả những gì mình cần và thích!

Đối với vốn liếng sách cũ nói trên, tôi cũng như các cây bút cùng lứa tuổi, thường tự đọc và lặng lẽ lĩnh hội theo cách riêng, đôi khi có trao đổi nhận định riêng với nhau chứ tuyệt nhiên không thể hiện ra thành những phát ngôn công khai. Dù vậy, theo tôi nhận xét, qua nguồn sách báo cũ ấy, các giới sáng tác và phê bình nghiên cứu (và cả giới nghiên cứu xã hội nhân văn nữa) của miền Bắc dần dà cũng “ngấm” những trải nghiệm và quan niệm từ cái nguồn văn chương học thuật chỉ còn nằm trong sách báo cũ.

Sau những năm cao trào đổi mới, từ 1990, trong nghề làm sách có một vài chuyển biến, và thế là tôi có cơ hội sử dụng công khai các kết quả nghiên cứu phê bình của các đồng nghiệp miền Nam thời trước 1975. Chẳng hạn, khi mấy biên tập viên ở nhà xuất bản Hội Nhà văn chúng tôi (thường bao gồm tôi, ý Nhi, Vương Trí Nhàn) biên soạn loại sách về từng tác giả văn học, như Quang Dũng, Nguyễn Bính, Lê Văn Trương, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Thâm Tâm và T.T.Kh., Hàn Mặc Tử, Bích Khê v.v… lấy tên chung “Tủ sách thế giới văn học” đặt cho các cuốn loại này, chúng tôi phải đi tìm các bài vở ở cả hai miền Nam Bắc từ trước đến sau viết về mỗi tác gia ấy, bước đầu tìm hiểu việc xuất bản tác phẩm của các tác gia ấy ở trong và ngoài nước.

Tôi thấy nền văn học miền Nam trước 1975 đã bảo vệ thậm chí phát hiện với một tình yêu nồng nhiệt đến vô tư những giá trị văn học của người Việt từng nảy sinh trước đó, dù ở thời nào, thuộc khu vực địa – chính trị nào. Quang Dũng trước 1975 chưa hề bước chân đến miền Nam, vậy mà không ở đâu nhắc tên ông, nói đến thơ ông nhiều như ở sách báo miền Nam trước 1975. Với Nguyễn Bính và nhiều tác giả khác cũng vậy. Có thể nói, chính với sử dụngư gìn giữ và trân trọng của phương Nam, chỉ mấy tháng đầu năm 1986, bắt đầu bằng sự kiện ra mắt một tuyển thơ mỏng nhẹ, Nguyễn Bính đã từ cõi im lặng trở về, từ một cái bóng khuất dạng trở lại lớn dần trong sự hình dung của các giới văn học như một trong những gương mặt lớn của thơ tiếng Việt thế kỷ XX.

Từ đầu những năm 2000, khi tôi tự đặt cho mình công việc tìm lại di sản ngòi bút của tác gia Phan Khôi (1887-1959), thì những công trình văn học sử khái quát như “Bảng lược đồ văn học Việt Nam” (1967), “Phê bình văn học thế hệ 1932” (1972) của học giả Thanh Lãng, “Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (1965) của học giả Phạm Thế Ngũ, v.v cũng đóng vai trò chỉ dẫn đáng kể đối với tôi. Trong gần 10 năm trở lại đây, tôi đã tìm lại được dăm bảy ngàn trang tác phẩm của Phan Khôi từng đăng trên báo chí ba miền trước 1945 mà các nhà nghiên cứu tiền bối hầu như chưa thấy; song, sự tìm kiếm của tôi sẽ gặp khó khăn lúng túng nhiều hơn nếu không có những chỉ dẫn từ trong công trình của hai học giả kể trên.

-Thưa phó giáo sư, tiến sĩ Trịnh Bá Đĩnh. Anh có thể chia sẻ với độc giả của VN đôi điều trong những suy nghĩ của mình về văn học nói chung và LLPB văn học nói riêng ở đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975?

Trịnh Bá Đĩnh: Một phần ba thế kỷ đã trôi qua kể từ khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với môi trường tư tưởng hiện nay, đã đến lúc (dù đã rất muộn) chúng ta phải có cái nhìn khách quan về bộ phận văn học này (trong đó có LLPB). Phải thấy được đâu là những đóng góp của nó cho truyền thống văn hóa dân tộc, những yếu tố nào còn có tác động đến tiến trình văn học về sau. Chẳng hạn, rõ ràng là văn học của người Việt hải ngoại hiện nay, một bộ phận của văn học dân tộc là sự tiếp nối của văn học thành thị miền Nam trước giải phóng. Hơn nữa, sự kế tục cũng không chỉ có ở văn học hải ngoại mà không ít công trình nghiên cứu và phê bình văn học ở trong nước cho đến nay cũng đã kế thừa (nhiều khi "lặng lẽ" một cách cố ý) một số kết quả khoa học và cả lối viết của bộ phận phê bình này. Các công trình trước đây viết về LLPB văn học đô thị miền Nam dù đậm nhạt khác nhau nhưng đều mang màu sắc ý thức hệ chính trị, nghiêng về sự phê phán, các yếu tố tích cực hoặc là không được nhận ra, hoặc là được khen ngợi một cách có phần chiếu cố. Phần nữa do tài liệu không đầy đủ, nên bức tranh LLPB văn học của bộ phận văn học này thiếu điều kiện để được mô tả kỹ lưỡng. Mấy năm gần đây tình trạng này đã dần được khắc phục, chẳng hạn những công trình LLPB văn học của Nguyễn Văn Trung, Thanh Lãng.. và một số tác giả khác nữa đã được đánh giá đúng mức. Những khác biệt, mạnh và yếu của nền học thuật hai miền khi đó cũng đã được chỉ ra. Bây giờ, theo tôi là phải nhận ra sự thống nhất giữa chúng, cần thấy chúng là hai biến thể khác nhau của cùng một lối nghĩ, lối làm nghệ thuật của người Việt.

-Thưa tiến sĩ Nguyễn Đức Mậu. Với những người làm nghề nghiên cứu văn học các anh hiện nay, LLPB văn học ở đô thị miền Nam giai đoạn 1954- 1975, nó như thế nào nhỉ?

Nguyễn Đức Mậu: Rất tiếc là, lý luận văn học ở đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975 vẫn còn là một khoảng trống trong nhận thức của không ít người trong giới nghiên cứu văn học. Đó là tình trạng không mấy vui, khi mà đất nước đã thực sự thống nhất được mấy chục năm. Nguyên nhân có trực tiếp, gián tiếp và nằm trong sâu xa của đặc điểm tư duy người Việt cái gì cũng thế. Tôi nghĩ, cần phải nghiên cứu người Việt trong thái độ của anh ta đối với các thành tựu của người Việt đã từng ở phía đối lập. Một khi chúng ta đã tiếp nhận cởi mở đối với các trường phái bên ngoài đất nước vốn là những trường phái chúng ta từng chống đối thì há cớ gì lại dè dặt với những gì thuộc về nửa đất nước mình trong một giai đoạn?

Để nói về LLPB giai đoạn này, cả quy mô, đặc điểm, ưu khuyết của nó đòi hỏi nhiều lời hơn nhưng cần lưu ý rằng đó là con đường chính thường của phê bình văn học.

- Thưa anh Phạm Xuân Nguyên. Khi vào nghề phê bình anh biết gì về LLPB văn học của nền văn học ở nửa bên kia của đất nước? Giá trị của nó đối với cá nhân anh?

Phạm Xuân Nguyên:Sau 1975, tôi biết đến mảng LLPB văn học của Sài Gòn giai đoạn 1954 -1975 khá sớm. Đó là vào những năm 1979 1982 khi tôi đang là lính đóng quân tại Sài Gòn. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi được xả trại, tôi hay lân la các hàng sách cũ, và loại sách được tôi quan tâm trước nhất lại không phải là sách sáng tác, mà là sách LLPB và biên khảo, dịch thuật. Khi ấy và mãi đến sau này, ở đó tôi đã được gặp các tác giả như Thanh Lãng (Bảng lược đồ văn học Việt Nam), Nguyễn Văn Trung (Nhận định, Lược khảo văn học, Ca tụng thân xác, Ngôn ngữ và thân xác, Chủ đích Nam Phong, Trường hợp Phạm Quỳnh), Bùi Giáng (Mùa thu thi ca, Luận đề về Tản Đ à), Võ Phiến (Chúng ta qua cách viết), Nguyên Sa (Quan điểm văn học và triết học, Một bông hồng cho văn nghệ), Tạ Tỵ (Mười khuôn mặt văn nghệ), Phạm Công Thiện (ý thức mới trong văn nghệ và triết học, Im lặng hố thẳm, Hố thẳm của tư tưởng), Nguyễn Hữu Hiệu (Con đường sáng tạo), Đặng Tiến (Vũ trụ thơ), nhóm Sáng Tạo (Thảo luận)...

Tôi đọc họ và cảm giác ban đầu phải nói là khá bị sốc. Vì cái cách nghiên cứu phê bình của họ rất khác với những cái tôi đọc trên ghế nhà trường, từ phổ thông đến đại học. Dữ liệu, thông tin của họ phong phú hơn, nhiều chiều hơn. Phương pháp tiếp cận đa dạng hơn. Lối viết tự do hơn. Tôi khi đó đang chân ướt chân ráo từ đại học văn khoa bước chân vào lính nên vừa đọc họ vừa so sánh, đối chiếu với những cái mình đã đọc được, học được từ trước, thấy vỡ ra nhiều cái. Cái rõ nhất là sự cập nhật nhanh thông tin và sự tìm cách ứng dụng chúng vào lĩnh vực văn chương, văn học. Điều này có thể thấy đậm nhất và kết quả nhất ở Nguyễn Văn Trung chẳng hạn. (Sau này trong một bài nghiên cứu về sự đánh giá Phạm Quỳnh trên dòng lịch sử, tôi đã có những điểm tranh biện lại ông Trung quanh nhân vật này). Cho đến khi về làm việc tại Viện Văn học, vào Ban Văn học Việt Nam hiện đại, tôi có điều kiện đọc tập trung và sâu hơn toàn bộ khu vực văn học này, trong đó có mảng lý luận phê bình. Từ đó, khi tham gia vào một chương trình nghiên cứu cấp nhà nước về văn học Việt Nam thế kỷ XX do giáo sư Phong Lê chủ trì, tôi đã đề xuất một đề tài nghiên cứu văn học của Sài Gòn giai đoạn1954 1975 như một bộ phận của văn học Việt Nam thế kỷ XX. Ý hướng này đã gặp nhiều trở ngại. Nhưng dưới cái nhìn lịch sử và khoa học, đây là một đối tượng nghiên cứu không thể bỏ qua.

- Ngày hôm nay nhìn lại, anh có thể nói gì về nó?

Đến nay, đất nước đã thống nhất gần ba lăm năm. Nhưng nền văn học Sài Gòn giai đoạn 1954 - 1975 vẫn chưa được mô tả, khảo sát, nghiên cứu như một thực thể có quá trình phát sinh, phát triển, chấm dứt, với nhiều dòng phái, nhiều xu hướng, với đội ngũ tác giả và số lượng tác phẩm đông đảo, phức tạp. (ở ngoài nước?, có một nhà văn trong nhiều năm đã biên soạn cả một bộ sách như bộ sử văn học nửa phía Nam thời kỳ này, đi từ tổng quan đến các bộ môn). Trong cái tổng thể chung đó, phần LLPB do đặc thù của nó, đòi hỏi phải được khảo sát kỹ hơn. Từ hôm nay nhìn lại, đặt trong diễn trình của ngành lý luận phê bình văn học VN thế kỷ XX, tôi thấy trong LLPB của Sài Gòn giai đoạn này có một số cuốn sách vẫn có giá trị và chúng vẫn còn có tác động và ảnh hưởng đến hoạt động nghề nghiệp này. Một ít những sách đó gần đây đã được in lại, như của Bùi Giáng, Nguyễn Văn Trung, Trần Thái Đỉnh, Vũ Đ ình Lưu, Đặng Tiến... Đọc chúng, người làm nghề nói riêng, người đọc nói chung, vẫn còn có thể thu nhận được những thông tin mới mẻ về cách tiếp cận vấn đề, cách lý giải hiện tượng, cả những sai sót, ngộ nhận cũng là kinh nghiệm có ích. Cố nhiên về thời gian tính thì có những điều đã bị vượt qua, đã được bổ sung, điều chỉnh, nhưng thế không có nghĩa là những luận điểm, những phát kiến được các nhà LLPB Sài Gòn trước đây chứng minh có luận cứ khoa học bị mất đi ý nghĩa. Lấy một thí dụ rất nhỏ về từ ngữ. Ngay một cái từ như thức nhận (pris de conscience) thì trước Phan Ngọc khá lâu, Nguyễn Văn Trung đã từng dùng. Theo tôi, bây giờ đã đến lúc phải tiến hành nghiên cứu nghiêm túc tổng thể văn học Sài Gòn 1954-1975 như một thực thể có số phận riêng và như một bộ phận có tính lịch sử của văn học Việt Nam hiện đại, từ đó đưa ra những đánh giá khách quan, khoa học để những gì thực sự có giá trị chung của cộng đồng dân tộc trong đó sẽ được tiếp thu và sử dụng. Giá trị ở đâu cũng là giá trị. Với lý luận phê bình của bộ phận văn học này cũng vậy.

-Thưa nhà văn Nguyễn Thị Hoàng. Là một nhà văn rất chuyên nghiệp, bà có thể chia sẻ với các đồng nghiệp viết văn và độc giả báo Văn nghệ những suy nghĩ về nền lý luận -phê bình văn học ở đô thị miền Nam giai đoạn 1954- 1975?

Nguyễn Thị Hoàng: Do cuộc sống của mình nó rất riêng, đứng ngoài các khuynh hướng, trường phái, tôi thực sự không có cơ hội tiếp xúc với những ý kiến về các tác phẩm của mình, vào một lúc nào đó nếu ngẫu nhiên nhặt được ở đâu đó vài ba ý kiến này khác thì chúng hoàn toàn không có ảnh hưởng gì. Nguồn sáng tạo của tôi nó là tâm và cảnh, ai có thể nhìn xuyên thấu được chúng mà ý kiến? Tôi thản nhiên trước tất cả.

-Vậy là với bà, ở thời của mình không tồn tại cái gọi là phê bình văn học?

Nguyễn Thị Hoàng: Những người được gọi là nhà phê bình văn học liệu có đúng là một nhà phê bình văn học hay không? Không là như thế mà cứ trùm phủ cứ phang thì thật chán.

-Thế còn lý luận? Một nhà văn viết sắc sảo và dồi dào lại đã từng theo học cả đại học Văn khoa lẫn đại học Luật như bà trong suốt quá trình sáng tạo có lúc nào quan tâm đến lý luận văn học?

Nguyễn Thị Hoàng: Tôi nghĩ lý luận nó cần cho những tác phẩm lớn chủ đề lớn. Sau nữa, thú thật tôi không có thời gian cho chúng, từ trước tới giờ tôi luôn tất bật để nối sống. Cuộc sống bên ngoài có trôi chảy thì cuộc sống bên trong mới phát triển, có thế tôi mới viết được.


Nguồn: Văn nghệ

Phongdiep.net

HUẾ THA HƯƠNG


HUẾ THA HƯƠNG

Đặng Tiến

Nhân Festival Huế năm 2000, một đài phát thanh ngoài nước muốn ghi âm giọng Huế nguyên chất. Có người khuyên nên phỏng vấn những người Huế định cư ở Hoa Kỳ, nơi còn nhiều người giữ truyền thống. Lời khuyên nghiêm trang có vẻ như đùa.

Từ ngoài nước nói về văn chương Huế mà không nhắc đến những tấm lòng hải ngoại còn hướng về cố đô, là vô tình và bạc bẽo. Ở hải ngoại có nhiều hội thân hữu, ái hữu, đồng hương Huế, nhiều hoạt động văn hóa tích cực, như ban tổ chức Ngày Nhớ Huế vào hôm 28-8-1994 tại Westminster, quận Cam, California.

HUẾ, MÙA BIỂN ĐỘNG

Trong văn học ngoài nước, người viết nhiều nhất - và có lẽ hay nhất về Huế - là Nguyễn Mộng Giác, người Bình Định, đã dạy học và làm rể Huế. Trong bộ tiểu thuyết trường thiên Mùa Biển Động, năm tập, ông đã dành 2 tập đầu mô tả hoàn cảnh và tâm lý Huế những ngày biến động 1964-1967, khi quần chúng Huế, kéo theo một số tỉnh miền Trung, nổi dậy chống chính quyền Trung Ương: “Huế là ngọn cờ đầu cho một cuộc vận động dân chủ hóa chế độ, tự do hóa chính trị, dân tộc hóa quân sự...”(?) (tr. 291).

Hai tập Những Đợt Sóng Ngầm (1984) và Bão Nổi (1985) ghi lại những ngày hào hứng, sôi nổi của đường phố Huế “tưng bừng biểu tình như đi trẩy hội...” (tập II, tr. 245) hồi quang một số sự kiện lịch sử có thực với những địa danh, tên người cụ thể. Mùa Biển Động III kể lại mấy ngày Tết Mậu Thân 1968 với những trận đánh, những xử lý tàn bạo mà chúng ta đều biết. Suốt 800 trang, Nguyễn Mộng Giác làm sống lại một giai đoạn sôi động tại Huế, bằng kỷ niệm và rung cảm tha thiết, từ những điều nghe thấy, suy nghĩ, và tra cứu. Nhưng vẫn có một số người không vừa ý, cả bên này lẫn bên kia.

Riêng về thành phố Huế, Nguyễn Mộng Giác đã nhiều lời ưu ái: “Khắp miền Nam Việt Nam, Huế là nơi còn giữ được nhiều truyền thống lễ nghi dân tộc nhất (...) đã giữ được một nét biệt lập. Một thứ mơ mộng cổ điển pha lẫn nét kiêu hãnh cô đơn (...). Cách ăn mặc hay cách cúng kính tổ tiên trong đêm giao thừa có cái gì... có cái gì lỗi thời một cách đáng cảm động (...). Dường như thời gian ở đây đã dừng lại từ lâu...” (tr. 511).

HUẾ, NIÊU CÁ BỐNG KHO KHÔ

Nhà văn, họa sĩ Võ Đình, gốc Huế, dời quê từ mười bảy tuổi (1950), hai mươi bốn năm sau trở về mái nhà xưa, một đêm cúng giao thừa, đã đứng giữa sân “òa ra khóc”; “Khóc um lên! Nước mắt tôi cứ tuôn ra như suối! Tôi khóc đến nỗi ngã khuỵu xuống chiếu thờ...” (Chiếc Vòng, 1978, trong Xứ Sấm Sét, tr. 63).

“Thật lạ, tôi xa Huế ngót một phần tư thế kỷ, mà khi trở lại Huế, tôi tưởng như đã không bao giờ bước chân ra đi (...). Thế mà xa ngôi nhà ở Mỹ chưa đầy ba tháng, khi về tôi lại tưởng như đã chết đi, đầu thai lại bao nhiêu lần, và nay ở kiếp này đang đưa chân vào một thế giới lạ lùng, cách biệt (...). Tôi đánh mất thời gian giữa ngày rời Huế lần thứ nhất cho đến ngày rời Huế lần thứ hai (...). Dòng nhận thức trong tôi hiện vẫn còn xuôi đúng mức như ngày tôi rời Huế lần thứ hai. Như thể ngày tôi về Huế, một thứ nhiên liệu nào đó đã bốc cháy, thắp sáng trong tôi, và đến nay vẫn còn hừng hực...” (Xứ Sấm Sét, tr. 74).

Thành phố, và con người, trong tư cách Huế, như cắm sào ngoài thời gian. Có những con người, không cứ gì là Huế, dù đi bất cứ xứ nào, sau bao năm tháng, vẫn giữ đậm đà màu sắc của tuổi thơ và quê cũ, như lời thơ Bùi Giáng:

Hỏi rằng người ở quê đâu

Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà

Võ Đình lưu lạc giang hồ gần trọn đời, khắp bốn bể năm châu. Nhưng trọn đời vẫn là một tảng đá dưới gốc cây, bên một dòng sông nhỏ. Lá rụng nước trôi, đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, ăn thì vẫn “niêu cá bống thệ, trách muối sả, đọi nước tôm kho đánh” (Sao Có Tiếng Sóng, tr. 228). Nới rộng tâm hồn cho lắm cũng chỉ bao la đến “miếng cà bát hấp dằm nước mắm tỏi...” (tr. 233). Mặc dù mảnh áo nhà quê kiểu “nhật bình do mẹ may tay...” (tr. 245), “lỡ ra tôi có chết ở xứ người thì hãy lấy bộ nhật bình mặc cho tôi trước khi đem di hài tôi đi hỏa táng...” (tr. 246). Về xứ Huế ngàn năm văn vật, đẹp và thơ, Võ Đình chỉ nhớ một “vũng bùn dưới chân thành cửa Thượng Tứ...” (tr. 79), thậm chí, nhớ một bãi phân trâu ở An Hòa, quê nội! (Sao Có Tiếng Sóng, tr. 235).

Nói về Huế, phải nghĩ trước tiên đến những tấm lòng. Sẽ là “bất nhơn vô hậu” nếu không nhớ đến Võ Đình. Nhà văn Túy Hồng có lần “cam đoan không ai yêu Huế bằng tôi”. Tôi ngờ là có Võ Đình.

Có thể thêm một người nữa là Trúc Chi với tập tùy bút Đó Đây mới xuất bản (1999). Trúc Chi là người Huế, đồng lứa với Võ Đình, nhưng có vẻ tiếp thu cuộc đời uyển chuyển hơn. Nhắc tới Huế, Trúc Chi thường buồn đau vì những mất mát “hình như Huế là nguồn buồn của tôi” (tr. 38). Buồn vui thường kiểu cách trưởng giả, dù khi ông nhắc lại, rất hay, những cảm nhận tầm thường. Ông dành một chương dài cho lối pha nước chấm của người Huế “Tao ớt với mỡ heo mà làm nước ruốc. thơm nhờ chút mỡ heo xưa nay của mình đó (...). Trong một miếng thịt, vị ở trong nạc, mà hương phải tìm trong mỡ. Không phải nói phách tấu, chớ thiệt ra ôn mệ mình cũng đã rành lắm rồi” (tr. 204).

“Vị trong nạc và hương trong mỡ” là kiểu nhấm nháp khề khà rất Huế và rất Mệ. những trang văn xuôi hay về đất Thần Kinh, ít khi tả cảnh lăng tẩm đền đài, mà chỉ dừng lại ở cảm giác riêng tư.

HUẾ, DÒNG SÔNG TÍM

Nhà thơ Trần Hồng Châu, học ở Huế gần với thời Huy Cận, cũng bắt đầu làm thơ ở Huế như Huy Cận. Ông đã ghi lại ở Thành Phố Trong Hồi Tưởng: “Tôi nhớ sông Hương. Nhớ đến đau nhói, dòng nước như ngưng đọng trong thời gian ngưng đọng của một đô thành cổ kính, dường như cũng đứng bên ngoài cái trôi chảy không ngừng của lịch sử? Hương cỏ bồ và hồ huệ trắng... Hồi đó, những vần thơ đầu tiên chợt đến, hồn nhiên dung dị... Đó là dòng sông của những tà áo vân vê, hay bước đi ngập ngừng, đánh dấu mối tình đầu của tuổi hai mươi” (tr. 19-20).

Trần Hồng Châu, bút danh giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, người Hải Dương, đã đi nhiều nước, dừng lại nhiều dòng sông lớn lứng danh, nhưng ở đâu cũng giao cảm với hồi quang “màu thời gian tím ngát” từ dòng sông tuổi hai mươi. “Sông vẫn lững lờ trôi. Nước xanh nhạt ngả sang tím hoa cà. Một con chim lạc đàn bay lượn (...). Nước sông từ màu hoa cà ngả sang đen nhạt. Xa xa một làn sương” (tr, 22-24).

Dòng sông tâm linh. Ánh sáng mong manh của Màu Thời Gian.

Nhà văn Mai Kim Ngọc học mấy năm trung học tại Huế, đã ghi lại nhiều cảnh sắc êm đềm thắm thiết trong truyện dài Muôn Kiếp Cô Liêu. Nguyễn Xuân Hoàng, bà nội người Huế, đã sống nhiều mảnh đời bên bờ sông Hương còn giữ những kỷ niệm thiết tha:

“Huế, thành phố của tuổi mười sáu gắn chặt ta vào với Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử. Ôi thỏi nam châm tình ái của con đường đi qua Đập Đá và ánh nắng mới lên trên những hàng cau hiu quạnh...

... Ôi Huế rêu phong buồn bã, thành quách cuồng tín, mưa dầm nắng cháy!

... Huế bạo động và trầm lặng như đêm,

... Huế cổ tích và hiện đại,

Xin chào thành phố buồn thiu, con sông lặng lẽ.

Xin nghiêng mình trước một xứ Huế của những con người chịu đựng bền bỉ dẻo dai mãnh liệt hơn bất cứ một người dân nào trên thế giơi<151>.

... Huế, xin hãy chờ ta...

Hãy làm bộ vĩnh biệt Huế, nghe!”

(Huế, mà ta sẽ trở lại, Căn Nhà Ngói Đỏ, 1989, tr. 160-170)

HUẾ, BUỒN CHI

Trong lớp các tác giả hải ngoại trẻ tuổi hơn, Nguyễn Bá Trạc đã có nhiều bài thơ hay về Huế, quê ngoại, tài hoa, tươi thắm:

Chao ơi cơn gió mùa đông cũ

Còn thổi mưa lên mấy cửa thành

Vườn nhà ông ngoại thơm hoa bưởi

Khi tóc em vừa mới chớm xanh

Năm mười tám tuổi pha ngây ngất

Yêu một dòng sông những chuyến đò

Trưa trên Văn Thánh thơm mùi gỗ

Anh chẳng cho lòng chút đắn đo

Anh nhớ Thanh Long cầu nước chảy

Bao nhiêu nước chảy những cơn mê

Anh vô quê mẹ năm mười một

Huế hay Hà Nội cũng là quê

(Quê Me, báo Văn Học, số 20, 1987)

Hình ảnh cụ thể, nhạc điệu u hoài đan quyện vào nhau thắm thiết. Tâm cảnh và phong cảnh giao thoa, một bài thơ tình hay và Huế đẹp.

Thơ cũ có câu “yêu nàng bao nhiêu người làm thơ”. Yêu Huế, số người làm thơ còn nhiều hơn nữa. Hoàng Xuân Sơn ở Canada, nhà thơ Huế 100% đã dành nguyên một tập thơ cho cố quận. Huế Buồn Chi, nói chuyện Huế, tả cảnh tả tình Huế, bằng từ vựng Huế:

Huế buồn chi, Huế không vui

Huế o ở lại, Huế tui đoạn đành

O đau sương khói một mình

Tui đi ray rứt nội thành tái tê

Huế buồn chi, tội rức thê!

Tình xưa nghĩa cũ ngó về tựa nương

Huế ơi mộng tới đường trường

Kim Luông Vỹ Dạ dòng Hương có còn

Dòng sông, Đông Ba, Gia Hội nhất định sẽ còn trên cố quận. Chỉ e nó mất đi trong lòng chư vị cố nhân. “Cái mất mát đó làm cho tôi buồn. Tôi không lo Huế không nhận ra tôi, tôi chỉ lo mình nhận không ra Huế”, Trúc Chi đã nói lên lời minh mẫn (Sđd, tr. 41). Cảnh xưa vẫn vậy, chỉ ngại lòng xưa. Cứ nhìn con sông Hương lừng danh thiên hạ, chỉ một vũng nước mưa cũng chung thủy với Võ Đình những mấy mươi năm: “Ở chân thành cửa Thượng Tứ vũng nước thủy chung không biến dạng, đã chờ đợi tôi suốt một phần tư thế kỷ, để hôm ấy, rất tình cờ ngước lên chờ đón một kẻ quy cố hương. Trời!” (Xứ Sấm Sét, tr. 79). Võ Đình kêu Trời là phải. Kêu Người, sẽ không ai hiểu ông nói điều gì. Làm thơ kiểu Hoàng Xuân Sơn, dễ “tiếp thu” hơn. Và ông Hoàng-Thơ-Huế đã có những câu thơ hay:

Nước xiết chân rồi, đò không lại

Thương thương này gửi gió qua bờ

Gửi màu mây xám giăng ô cửa

Cho nhớ nhung mềm những sợi thơ

Nguyễn Mộng Giác, sau khi ca ngợi, đã giải thích những sợi mưa thưa làm mềm lòng người. Cũng là cách... “tiếp thu”.

HUẾ, NHÃN VÀ SEN

Thơ Huế hay, có rung cảm, lắng đọng và chắt lọc phải trích dẫn Nguyễn Xuân Thiệp, dù hình ảnh quê hương chỉ thoáng qua, len lỏi vào những đề tài khác, rộng hơn:

Mai mốt chị qua vùng thảo nguyên

Ngày reo vui. Vườn chim bay chim

Lòng reo vui. Reo tà áo lụa

Chị gội đầu bằng nước hoa chanh

Hương tóc bay sang. Chiều vời vợi

Chị ơi. Mai qua vùng thảo nguyên

Mang cho em một chùm nhãn chín

Ôi. Tình xưa như nhãn và sen

Dẫu tình phai khi chưa kịp hẹn

(Thảo Nguyên, trong Tôi Cùng Gió Mưa, tr. 89)

Bài thơ làm năm 1980, trong trại học tập cải tạo, mà “thảo nguyên” là một ẩn dụ. Trong trại giam, nhà thơ đã sống lại màu sắc, hương vị của những tình xưa. Nhãn và sen, và người chị xứ Huế ấu thơ, là những kỷ niệm có thật. Nguyễn Xuân Thiệp - nhà thơ Huế Châu Liêm ngày xưa - còn nhiều bài khác rất hay về sông Hương núi Ngự trong tập Tôi Cùng Gió Mùa, (1998).

HUẾ, TỪ VĂN HỌC ĐẾN TÌNH NGƯỜI

Không ai yêu Huế bằng người Huế, đã đành. Tuy nhiên, viết về Huế, hay nhất, chưa chắc đã là người Huế, và đó chính là niềm kiêu hãnh của một địa phương. Người Huế hay hát, nhưng bài hát về Huế được phổ biến nhất là Tiếng Sông Hương của Phạm Đình Chương, không phải là người Huế và không mấy hiểu biết về cố đô. Tiêu biểu cho Huế, theo hướng vừa phản ánh, vừa dự báo, có lẽ là bài Về Miền Trung của Phạm Duy, làm tại Đại Lược năm 1948.

Người Huế, khi viết hay về quê hương, là nhờ ở tình người chứ không phải màu sắc địa phương: Trường hợp Võ Đình. Nếu ông ấy sinh trưởng ở Lai Châu hay Rạch Giá thì văn chương vẫn hay, và hay theo phong cách ấy, kiểu ông ấy.

Chưa kể người Huế, khi ca ngợi quê hương, một đôi lúc lấy cớ để ca ngợi bản thân hay dòng họ. Dù không lá ngọc cành vàng thì cũng mũ cao áo rộng. Nhớ Huế, với là nhớ những vàng phai son nhạt, có khi đi ngược chiều ánh sáng thời đại.

Nhắc lại văn chương Huế, đã đành là phải đi tìm những hương nhạt màu phai trong thời gian đã mất. Nhưng chủ tâm là ghi lại tình người. Tình người với một mảnh đất. Tình người với người.

Tấm lòng người ăn ở với nhau vững bền hơn vàng son cung điện, cao quý hơn chữ nghĩa văn chương. Huế hay không Huế cũng vậy thôi.


http://art2all.net/tho/dangtien/trang_dangtien.html

Bùi Giáng, nguồn Xuân

Đặng Tiến

BÙI GIÁNG, NGUỒN XUÂN


Hôm mùng ba mùng bốn theo nhau đẩy lùi mồng một mồng hai của hôm nay Nguyên Đán (Mưa Nguồn, tr.164)

Câu thơ văn xuôi này của Bùi Giáng mang hai đặc tính: một là ý nghĩa nói về ngày Tết và mùa Xuân, hai là chữ nghĩa đi ngược chiều thời gian.

Dĩ nhiên là mồng ba đẩy lùi mồng hai; mồng hai đẩy lùi mồng một. Như vậy hôm nay Nguyên Đán nằm ở vị trí nào trên chuỗi tháng ngày? Nói khác đi, Bùi Giáng đứng tại thời điểm nào ở đầu tháng giêng để phát ngôn?

Lời thơ theo trật tự số mục, và lối đếm thông thường: mùng một, mùng hai… mùng ba, mùng bốn… Nhưng theo ý nghĩa câu thơ thì phải nói ngược lại: mùng bốn mùng ba (sẽ) theo nhau đẩy lùi mồng hai mồng một. Như vậy, nhà thơ phát ngôn từ ngày hôm nay Nguyên Đán, như Nguyễn Bính năm 1940:

Năm mới tháng giêng mồng một Tết
Còn nguyên vẹn cả một trời Xuân


Nhưng nếu hiểu (đã) theo nhau, thì tác giả lên tiếng vào ngày mồng năm. Và trong cả hai giả thuyết, trật tự chữ nghĩa trong câu thơ Bùi Giáng vẫn không thuận chiều.

Rối rắm như vậy để nói lên một điều cơ bản: thơ Bùi Giáng là một “dòng nước ngược” một tâm thức đi ngược chiều thời gian, trong một Sử Lịch, ngược dòng Lịch Sử.

Trong hàng vạn trang sách để lại, Bùi Giáng thường dùng từ Sử Lịch. Chỉ một lần dùng chữ Lịch Sử để chối bỏ:

Sử Lịch phai trang
Chạy quàng
Là Lịch Sử
(Lá Hoa Cồn, tr.55)


Xuân trong thơ Bùi Giáng là xuân không mùa, xuân duy nhất và tuyệt đối, mà ông gọi là Nguyên Xuân (Lá Hoa Cồn, tr.26), là khởi thủy của nguồn sống, nguồn thơ, quê của Em Mọi, của Đười Ươi, đồng thời là đối tượng, là cứu cánh của sáng tạo, của Lời Cố Quận, Tiếng Gọi Về:

Thưa rằng ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân
(Mưa Nguồn, tr.25)


Tác phẩm, và cuộc đời Bùi Giáng là niềm thủy chung trước sau như một với một Màu Hoa Trên Ngàn: ông khởi đi từ đây và trở về lại đấy.

Xuân là nguồn mạch thơ tuôn tuôn từ miền xa biệt:

Lỡ từ lạc bước chân ra
Chết từ sơ ngộ màu hoa trên ngàn


oOo



Mùa xuân xuất hiện thường xuyên trong tập Mưa Nguồn, và tái hiện trong Lá Hoa Cồn, về sau chỉ thấp thoáng mỗi ngày một ít, ở những thi phẩm cuối đời.

Mưa Nguồn - thi phẩm đầu tay và đều tay nhất của Bùi Giáng được in năm 1962, gồm có nhiều bài làm từ 1948. Lời thơ trong sáng, tươi thắm và tha thiết, vào tập bằng hai câu mào đầu:

Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau


Là câu thơ nổi tiếng sớm nhất của Bùi Giáng, vì nó có thể được sử dụng ở nhiều tần số khác nhau: buồn hay vui, u hoài hay đùa cợt, ví dụ khi bè bạn gặp nhau ngoài phố, lặp lại câu thơ: xin chào nhau giữa con đường, dù không hiểu miên trường là gì.

Và ý tác giả có thể ngược lại: mùa xuân phía sau, miên trường phía trước. Cũng cần nói thêm, thời đó, 1962, thơ Bùi Giáng chỉ được truyền tụng trong một giới độc giả và bằng hữu, đồng hương, chứ không phải là một “hiện tượng văn học” như gần đây.

Có thể là thơ của tuổi xanh, nên tập Mưa Nguồn đã khởi đi từ nhiều hình ảnh thắm tươi, điệu thơ ánh ỏi:

Những nhành mai sớm sương bên lá
Những nhành liễu chiều gió bên cây
Cũng lay lất bởi đời xuân em ạ
Thế nên chi anh cũng viết dòng này


(Những Nhành Mai, Mưa Nguồn, tr.10)

Lời thơ tham dự với đất trời vào niềm hoan lạc của mùa xuân. Thể thơ cổ điển, nhưng tác giả đã trộn lẫn thơ bảy và tám chữ, với âm điệu lạ ở câu hai. Nhưng đặc sắc trong thơ Bùi Giáng thời ấy là những hình ảnh tân kỳ trong thể thơ truyền thống:

Tay lẩy bẩy níu gì xuân bay biến
Ô thiều quang ! Làn nước cũ trôi mau
Em đi lên vói bắt mấy hương màu
Miền đất Thượng có mấy bờ hoa mọc
Xa biệt lắm Mưa Nguồn trên mái tóc
Đã mấy lần thổi lạc lệ lưa thưa


(Giã từ Đà Lạt, 1958, Mưa Nguồn, tr.94)

Lời thơ diễn tả niềm hoang mang trước thời gian, ý tưởng không mới, nhưng lối kết hợp ẩn dụ thì mới, so với lối thơ tám chữ trước đó.

Ở Xuân Diệu, Huy Cận niềm ám ảnh của phôi pha không gây bất ngờ như với Ôi thiều quang ! làn nước cũ trôi mau…

Trần gian phôi pha, thời gian hủy diệt, nhưng nhà thơ chấp nhận quy luật, nên đã ghì siết hai tay, Nàng Thơ đẹp của trần gian ứa lệ:

Tôi đã nguyện yêu trần gian nguyên vẹn
Hết tâm hồn và hết cả da xương


(…)

Còn ở lại một ngày còn yêu mãi
Còn một đêm còn thở dưới trăng sao
Thì cành mộng còn tung lên không ngại
Níu trời xanh tay vói kiểng chân cao
Nhưng em hỡi trần gian ôi ta biết
Sẽ rồi ra vĩnh biệt với ngươi thôi
Ta chết lặng bó tay đầu lắc
Đài xiêu ôi xuân sắp rụng mất rồi


(Phụng Hiến, Mưa Nguồn, tr.30)

Những bài thơ tin yêu cuộc sống, tươi sáng và thắm thiết như vậy ít khi thấy ở những tập thơ sau, mà cũng ít người nhắc đến. Âu cũng là một thiệt thòi cho ông. Chúng tôi trích dẫn một bài thơ xuân thắm tươi, có lẽ làm vào mùa xuân 1973, toàn văn:

Nắng Nguyên Đán

Chạy đi em, nắng gió bốn chân trời
Về chân đất dưới chân em mọc cỏ
Nắng Nguyên Đán lục lam hay hồng đỏ
Tía vi vu hồng lục cũng bao hàm
Chạy đi em ! sương gió nắng thênh thang
Trời đất đẹp từ bình minh vũ trụ
Nắng Nguyên Đán của nguyên xuân đầy đủ
Cỏ hoa hương chồi nhú lộc miên man
Và riêng mở duy Một Hàng Ẩn Mật
Nắng phơ phất vì sắc hương phơ phất
Dưới khung trời mặt đất mở thênh thang
Chạy đi em, gót ngọc bỏ hai hàng.


(Bài Ca Quần Đảo, tr.54)

Phong cách nhắc lại một bài thơ trước:

Chạy đi em, qua vườn thắm theo ngày
Cùng với phút giây này phơi mở lá
Em ngó nhé cành xanh cây giục giã
Hoa nghiêng đầu ríu rít cạnh chim kêu…


(Mưa Nguồn, tr.96)

Nhưng nhịp thơ nhanh, âm điệu khỏe, hình ảnh rộn ràng hơn, một điệu thơ hiếm có ở Bùi Giáng, nhưng vẫn lấy lại chủ đề nguyên xuân, và giọng lẳng lơ cố hữu, cỏ mọc hai hàng, đi đến ngôn ngữ Ẩn Mật về sau. Tóm lại, một bài thơ không Bùi Giáng mà vẫn Bùi Giáng.

Đặng Tiến

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2009

Khắc họa Huế

Như Huế đứng im thành tượng đá
Nghìn năm qua soi đáy nỗi buồn
Dòng Hương lơ lửng chiều đôi ngã
Từ ấy đi xa những dặm đường

Tháng trắng năm dài xuôi theo mộng
Dư hương ngày cũ thoảng tăm hơi
Người hút dài trông theo con bóng
Nguôi ngoai lòng hát khúc à ơi

Tình em nhiều năm qua vẫn thế
Là tóc dài là mắt âm u
Những con đường nội thành nghịêng xế
Giọt lệ ngừng trên má mùa thu

Ta theo những ngọn gió phương Nam
Đã trót vô tình thêm phụ bạc
Từ biệt em Huế của nghìn năm
Khắc mối tình xưa vào đá tạc

Từ Hoài Tấn
(Nhớ Huế tập 41: Nhớ Sông Hương - tháng 4/2009)