Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

Cao Huy Khanh : VIỆT NAM - HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 – 2011 - NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ:

Kỳ 72 – 30.5. 2011 (Trích đăng từ 1.1.2010)

721 - Võ Thị Phận
CHUYỆN TÌNH CÓ THẬT “MẪN VÀ TÔI”
Cán bộ về hưu sinh 1938 tại Quảng Nam. Sống ở Quảng Nam (2009).
Chính là hình tượng thật được nhà văn Phan Tứ hư cấu thành nhân vật Mẫn trong cuốn tiểu thuyết “Mẫn và tôi”, cuốn tiểu thuyết kể lại một mối tình lãng mạn tuyệt đẹp trong thời chống Mỹ trên chiến trường miền Trung. Aáy là mối tình có thật giữa mình và nhà văn mà trong tiểu thuyết biến thành cô Mẫn và anh Thiêm.
Năm 1960 khi mình mới 20 tuổi làm giao liên cho quân du kích thì gặp gỡ nhà văn (sinh 1930 gốc Bình Định, cháu ngoại chí sĩ Phan Châu Trinh) lúc ấy được miền Bắc chi viện vào, được tổ chức gửi ở nhà cha mẹ mình mấy năm trời. Qua đó được phân công hướng dẫn giúp đỡ nhà văn trong mọi việc từ sinh hoạt đến đi thực tế, tham gia chiến đấu. Từ đó nảy sinh tình yêu, kết quả năm 1963 có được một mụn con trai.
Đến năm 1965 nhà văn được lệnh về Bắc chữa bệnh (sau phát hiện dính CĐDC) nên phải chia tay, để lại một chiếc nhẫn vàng cho người yêu nuôi con. Người yêu ở lại một tay nuôi con một tay tiếp tục chiến đấu, làm công tác binh vận. Con được đặt tên là Uẩn ý nói về một mối tình nhiều “uẩn khúc”.
Năm 1972 từ Hà Nội tác phẩm “Mẫn và tôi” ra đời, một tác phẩm kể chuyện tình yêu lồng trong chủ đề chiến tranh cách mạng miền Nam rất thành công hiếm có.
Sau ngày thống nhất đất nước, nhà văn trở lại Đà Nẵng làm chủ tịch Hội VHNT Quảng Nam – Đà Nẵng nhưng lại chưa bao giờ tìm về quê gặp lại cố nhân, nghe nói có lần năm 1977 đã về tới gần nhà cũ rồi không hiểu sao lại quay đầu bỏ đi. Có lẽ vì năm 1966 trở về Hà Nội ông đã… lấy vợ vốn là một cô sinh viên Nghệ An làm quen từ năm 1958 và đôi bên từng thề non hẹn biển trước khi ông vào Nam!
Còn cô Uùt Phận - Mẫn trong truyện vẫn ở vậy một mình một bóng ở quê nghèo lủi thủi nuôi con khôn lớn mà cũng chẳng lần nào đặt vấn đề ra Đà Nẵng – có xa xôi gì đâu – tìm gặp người xưa lấy một lần.
Năm 1995 nhà văn qua đời tại Đà Nẵng, “cô Mẫn” đã cho con trai ra dự đám tang xin phép gia đình “bên đó” được chít khăn tang cho người cha “không bao giờ cưới”. Nhưng ảnh người cha đó vẫn được thờ trên bàn thờ ở nhà mà người mẹ “hễ ngày nào giỗ ông thì đêm đó thế nào cũng chiêm bao thấy ông về.”

722 - Võ Thị Phục
LIỆT SĨ SỐNG LẠI 31
Nông dân sinh 1951 tại Kiên Giang. Sống ở Trà Vinh (2010).
Mồ côi mẹ, cha lấy vợ khác nên từ 14 tuổi đã theo chị em đi thanh niên xung phong làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực vũ khí cho cách mạng trên chiến trường miền tây Nam bộ. Lớn lên lấy chồng cùng là đồng đội TNXP gốc Khmer.
Năm 1972 tổ chức định đưa vào hoạt động trinh sát nội tuyến trong lòng địch ở Đồng Tháp nên làm giấy tờ đổi tên là Phạm Thị Thắm. Nhưng rồi trong một trận càn bị thương nặng vào đầu khiến mất trí nhớ quên hết tất cả mọi chuyện đời mình, cả tên cũ lẫn quê hương bà con thân thuộc.
Sau 1975 mang tên mới theo chồng về quê chồng ở Trà Vinh làm ruộng sống rất nghèo khổ do bản thân bệnh hoạn mà lại sinh đến 8 con phải gồng gánh cưu mang. Hoàn toàn không nhớ gì về quê cũ nên không hề tìm về lần nào.
Vì thế ở quê nhà Kiên Giang xem như mình đã hy sinh hoặc mất tích nên đương nhiên trở thành liệt sĩ, mẹ kế thờ và lãnh tiền hỗ trợ hàng tháng.
Mãi đến năm 2008 các đồng đội cũ tổ chức đi thăm viếng, truy tìm tông tích bạn chiến đấu cũ – còn sống hoặc đã mất – mới phát hiện ra “liệt sĩ” Võ Thị Phục vẫn còn sống nhưng dưới tên khác Phạm Thị Thắm.
Từ đó đồng đội tìm cách giúp đỡ dần dà khôi phục trí nhớ, xây cho nhà tình nghĩa, xin thêm đất cho gia đình canh tác, tổ chức đưa về quê cũ thăm viếng bà con họ hàng làng mạc…

723 - Võ Thị Sẫm
MỘT LẦN THẮP 2.500 CÂY NHANG

Nông dân sinh 1940 tại Đồng Tháp. Sống ở Đồng Tháp (2010).
Có chồng bộ đội hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ nhưng mãi một thời gian sau 1975 mới được đồng đội cho biết hài cốt đã được đưa về Nghĩa trang liệt sĩ TPHCM. Tuy nhiên nằm trong hố chôn tập thể không xác minh được nhân thân nên nay được ghép vào khu mộ vô danh.
Từ đó hàng năm đúng ngày thương binh liệt sĩ 27.7 một mình lụm cụm mang cơm đùm cơm nắm lên thành phố thăm mộ chồng.
Đến khu mộ vô danh gồm 2.500 nấm mồ (trong tổng cộng 14.000 ngôi mộ cả nghĩa trang) lần nào cũng thế luôn đốt đủ 2.500 cây nhang khấn vái rồi cắm vào đủ 2.500 bát nhang trước 2.500 mộ với niềm tin sẽ có một cây nhang tìm đường đến được với chồng mình.

724 - Võ Văn Bảy

HUYỀN THOẠI QUẦN VỢT CHỌN CHẾT TRÊN QUÊ NHÀ
Đấu thủ quần vợt sinh 1931 tại Vĩnh Long – Mất 2002 ở TPHCM (72 tuổi).
Một tượng đài quần vợt VN cho đến nay vẫn chưa ai theo được bén gót chứ đừng nói vượt qua!
Trước và sau 1975 đã 23 lần đọat chức Vô địch miền Nam lẫn toàn quốc trong đó có nhiều lần liên tiếp (1953-75, 81-83) và cũng xấp xỉ 20 lần VĐ đôi nam (cùng Võ Văn Thành) ở miền Nam. Trong 22 năm thi đấu giải miền Nam chỉ chịu nhường chức VĐ cho người khác có 2 lần.
Từ đó một loạt kỷ lục khác được lập chung quanh “siêu” vận động viên quần vợt này: Cây vợt lớn tuổi nhất - 58 tuổi - vẫn còn ra sân dự giải TPHCM 1989 sau 33 năm thi đấu không gián đoạn kể từ năm 21 tuổi; Cây vợt được thăng hạng nhanh nhất khi mới bắt đầu vào nghề trong 3 năm đã lần lượt được thăng lên 3 hạng cao nhất rồi đoạt luôn chức VĐ; Cây vợt dự nhiều giải quốc tế nhất hơn 20 lần tham gia thi đấu các giải quốc tế lớn như SEA Games, Asiad, và cả Cúp Davis (vòng loại) trong đó từng nhiều lầøn đọat huy chương vàng đơn và đôi nam SEA Games…
Do không dính líu gì chế độ cũ làm công chức hay cảnh sát, quân đội như một số nhà thể thao cùng thời (lại có gốc gác xuất thân bần hàn ban đầu làm trẻ nhặt bóng bên rìa sân) nên sau 1975 vẫn được tiếp tục thi đấu và nhanh chóng trở thành cây vợt chủ lực của làng quần vợt nước nhà thống nhất. Nhất là trong tình hình miền Bắc rất yếu môn này, môn thể thao từng một thời bị liệt vào hàng “quý tộc” của “giai cấp bóc lột”!
Tiếp tục thống trị vị trí hàng đầu làng banh nỉ cả nước. Năm 1984 lúc đã 53 tuổi còn giành chức VĐQG – thêm kỷ lục nhà Vô địch già nhất – và còn đánh bại cả các đối thủ đến từ Tiệp Khắc (cũ) vốn thuộc đẳng cấp cao thế giới. Đến năm 1989 đã 58 tuổi vẫn còn ra sân dự giải TPHCM sau 33 năm cầm vợt không gián đoạn kể từ năm 21 tuổi.
Sau khi giải nghệ năm 1990 đã qua Mỹ định cư theo diện đoàn tụ gia đình. Nhiều năm sau bị phát hiện mắc bệnh ung thư thực quản bác sĩ xem như bó tay.
Thế là năm 2001 quyết định quay về nước trở về sống lại trong căn nhà nhỏ trong một hẻm nhỏ ở TPHCM, lặng lẽ tìm niềm vui lãng khuây kỷ niệm một thời tung hoành sân Cercle (nay là sân Cung Văn hóa Lao động TPHCM). Rồi thanh thản qua đời vài tháng sau.
Đáng tiếc cả 7 người con đều bị ông cấm tiệt không cho theo nghề cha vì buồn nghiệp thể thao vinh quang là thế mà cũng quá bạc bẽo, ít ra là ở VN chế độ nào cũng vậy!

725 - Võ Văn Nghi
ROBINSON VÙNG ĐẤT MŨI
Nông dân sinh tại Bến Tre. Sống ở Bến Tre (2010).
Trong chiến tranh chống Mỹ là du kích ở huyện đội làm nhiệm vụ bảo vệ những “chuyến tàu không số” bí mật vận chuyển vũ khí vào chiến trường Nam bộ. Bị thương nặng ở đầu khiến trí nhớ giảm sút.
Sau chiến tranh xuất ngũ thương binh hạng I mất sức 70%. Lấy vợ, làm ruộng nuôi cá để nuôi con.
Khi tỉnh có chính sách khai hoang vùng đất mới lấn biển đã để vợ con ở lại đất liền tình nguyện đi làm người canh giữ vùng đất mới lấn biển còn hoang vu. Cất chòi sát bìa rừng làm nhiệm vụ giữ rừng giữ đất bồi phù sa mới tấp lên đồng thời tranh thủ nuôi tôm cua, sò huyết.
Một mình sống cô độc không khác gì “người rừng”, cách xa đất liền và cuộc sống văn minh 10 cây số đến được phải đi bằng xe máy lẫn xuồng máy. Không điện, không nước ngọt, không báo đài tin tức gì hết. Thỉnh thoảng vợ con mới chèo xuồng chở vào tiếp tế lương thực thực phẩm và đồ dùng cần thiết.
Vẫn bình thản sống đời du dân vùng “đất mũi”, nói sống cảnh này quen rồi từ hồi còn chiến tranh và nay nhờ vậy mà nuôi con tốt nghiệp đại học.

726 - Võ Văn Phước
CON NUÔI CỦA “KẺ THÙ”
Lao động sinh khoảng 1968 tại miền Trung. Sống ở Bình Dương (2010).
Tháng 3.1975 trong trận chiến giải phóng hoàn toàn miền Nam lan đến Phú Yên, cha là sĩ quan VNCH trúng đạn pháo tử trận, còn mẹ cũng bị xe cán chết trong lúc chạy loạn.
Còn lại một mình mới 8 tuổi đầu bơ vơ được một đại tá chính ủy cộng sản quê miền Bắc thương cảm nhận làm con nuôi đem theo trên đường chiến dịch tiến công Sài Gòn. Chính vì việc làm này mà đại tá đã bị cấp trên kiểm điểm là “nuôi con kẻ thù”!
Sau khi hòa bình lập lại, đến năm 1976 vị đại tá lại nhận lệnh đi truy kích tàn quân Fulro ở Tây nguyên rồi chuyển sang chiến trường biên giới Tây Nam đánh Khmer Đỏ nên phải gửi đứa con nuôi cho huyện đội Củ Chi chăm lo giùm. Trước khi chia tay hứa với con nuôi khi nào xong nhiệm vụ trở về sẽ nhận con lại đưa về Bắc nuôi như con ruột trong gia đình.
Nhưng người cha nuôi bộ đội sau đó cứ đi biền biệt từ chiến dịch này qua chiến dịch khác, có lần ghé ngang Củ Chi tìm con thì nghe nói đã theo một bà mẹ nuôi về quê rồi không biết ở đâu. Cuối cùng người cha được phân công về Bắc học chính trị rồi về hưu không còn có dịp vào Nam tìm con, có đăng báo tìm tin tức song không có kết quả.
Khó có kết quả cũng phải bởi người con nuôi lưu lạc qua nhiều gia đình nhận nuôi nơi này nơi khác mà lại đổi tên mới là Long, không được học hành đàng hoàng, lớn lên làm thợ đi làm thuê các tỉnh. Năm 1992 lấy vợ gái quê ở Bình Dương.
Cả cha nuôi lẫn con nuôi đều không nguôi nỗi nhớ nhau song không biết cách nào tìm được nhau mà cũng không biết có còn sống không.
Mãi đến năm 2008 qua chương trình tìm người thân của VTV1 mà cả hai mới được ôm chầm lấy nhau ràn rụa nước mắt trước sự chứng kiến của khán giả cả nước. Cả người cha nuôi cũng khóc ròng, người lính già kinh qua bao trận mạc cứ tưởng là chiến tranh đã làm khô cạn hết cả biển nước mắt nhân gian rồi!

727 - Võ Văn Thể
NGƯỜI NẤU VÀ BÁN CHÈ NGON NHẤT
Lao động sinh 1955 tại Sài Gòn. Sống ở TPHCM (2009).
Ngày 28.4.1975 đúng 3 ngày trước khi kết thúc chiến tranh, bị trúng phải một mảnh đạn pháo bay lạc làm cụt mất cánh tay phải sát vai.
Trở thành nạn nhân chiến tranh tàn tật vào giờ thứ 25 của cuộc chiến vẫn kiên trì tìm cách vươn lên để sống, nhất là để lo cho mẹ già bởi mình lại là con trai duy nhất. Bằng cách chọn nghề nấu và bán chè theo nghề mẹ để làm kế sinh nhai.
Phải mất rất nhiều thời gian và công sức để tập nghề này – tập “tay nghề” một tay - từ việc nhào bột, vắt nước cốt dừa, bưng bê cả nồi chè nặng lên bếp nấu, rửa chén bát đến đẩy xe ra đường bán rồi đẩy xe lên dốc quay về với chỉ một cánh tay trái lành lặn trên cơ thể ốm o cân nặng chỉ 38kg.
Đều đặn hàng ngày thức dậy 3 giờ sáng bắt đầu nấu đến 6 nồi chè thập cẩm, bán từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều là hết. Ai cũng khen ngon, ít ra cũng ngon nhất khu vực Tân Định – Quận 1 TPHCM nên được thương mến tặng cho biệt danh “độc thủ chè”
Hơn 30 năm lầm lũi bán chè như thế nuôi một mẹ già 85 tuổi và một bà chị góa chồng 63 tuổi. Một tay – đúng là “một tay” làm hết tất cả - làm bằng 3-4 người đủ 2 tay khi không còn con đường nào khác: “Không có con đường nào là con đường cùng. Tôi là dân lao động gốc, không rèn tay mà làm nghề thì lấy gì ăn…”

728 - Vô Thường
LÃNG TỬ GUITAR
Nghệ sĩ Việt kiều Mỹ độc tấu guitar tên thật Võ Văn Thường sinh 1940 tại Phan Rang – Mất 2003 ở Mỹ (64 tuổi).
Mê nhạc từ nhỏ song không có điều kiện học nhạc bài bản nên đành mày mò tự học đàn mandoline sau đó chuyển qua guitar. Lớn lên bị gọi đi lính trường sĩ quan Thủ Đức, ra trường về làm ngành tâm lý chiến ở bộ phận bình định nông thôn tại quê nhà Phan Rang.
Bắt đầu biểu diễn đánh guitar (thùng) nghiệp dự tại các CLB lính Mỹ ở Phan Rang. Từng đoạt giải cuộc thi đánh guitar Quân khu 2 (vùng Tây nguyên). Lấy vợ có 2 con gái.
Trong biến cố 30.4.75 tháo chạy qua Mỹ không kịp mang theo vợ con.
Trên xứ người làm nghề mở cửa hàng bán đồ trang tri nội thất tủ giường, bàn ghế. Kinh doanh thành công mở đến 5 cửa hàng như vậy. Có lúc còn nhảy ra mở vũ trường nữa, là người mở vũ trường hải ngoại đầu tiên – vũ trường Ritz – năm 1985.
Đột ngột năm 1986 từ bỏ tất cả, bán hết cơ sở làm ăn để quay về tìm lại niềm vui nghệ thuật ngày xưa là đam mê guitar, đặc biệt chuyên đánh bằng tay trái rất hiếm hoi.
Năm 1987 cho ra 2 đĩa CD độc tấu guitar thùng đầu tiên được hoan nghênh, từ đó ra hàng loạt đĩa tương tự rất ăn khách. Ngoài ra còn sáng tác một số ca khúc đưa vào đĩa kèm tự hát giọng trầm khản.
Được dư luận lẫn giới chuyên môn đánh giá nghệ thuật guitar tuy mang tính nghiệp dư không đúng trường lớp song chơi đàn rất “có hồn” đậm chất tài tử phá cách phóng khoáng đầy truyền cảm chứ không bài bản khô cứng kiểu cổ điển.
Sự truyền cảm có lẽ đến từ tâm sự một đời người phiêu bạt cô đơn: Vợ và 2 con gái bị kẹt lại nơi quê nhà, vợ sau đó đi theo người khác nên bên này mình đành chấp nhận lấy vợ mới (cũng biết sáng tác nhạc, đã ra 2 đĩa CD) tìm niềm an ủi song đến năm 1999 đôi bên cũng lại chia tay! Cũng từ đó còn thường xuyên đóng góp quỹ từ thiện giúp trẻ mồ côi VN sống ở các trại tị nạn Đông Nam Á.
Năm 2000 hai con gái được qua đoàn tụ gia đình, giúp con lập gia đình. Năm 2002 có về quê hương làm một đĩa “Tình ca Vô Thường/Giọt nước mắt Vô Thường” ngay tại VN như muốn góp phần nào xoa dịu nỗi buồn lưu vong bấy lâu:
“Đêm thức giấc quanh đây trời đất lạ
Ta một mình biết nói với ai đây.
Bao ưu phiền ray rứt bấy lâu nay
Thân lạc loài viễn xứ mấy ai hay.
Dòng nước mắt no đầy kiếp lưu đày
Ly rượu này chưa uống sao ta say?”
(Giọt nước mắt lưu đày, 1987)

“Một quê hương trước khi nhắm mắt không hiểu có thấy lại hay không? Một cuộc đời toàn những hạnh phúc phù du, người đây mà vợ con một ngả, 12 năm…”
Trở lại Mỹ không bao lâu thì ra đi vì bệnh ung thư phổi.để lại gia tài đồ sộ quý giá gần 180 đĩa độc diễn guitar – một kỷ lục VN - trong 16 năm tìm thấy hạnh phúc âm nhạc cuối đời.

729 - Vũ Anh
CHIẾN SĨ ĐIỆP BÁO KIÊM KỶ LỤC GIA CẮT BÓNG

Nghệ nhân tên thật Nguyễn Quốc Tài sinh 1929 tại Lai Châu. Sống ở TPHCM (2009).
Quê quán gốc Sa Đéc nhưng cha lưu lạc giang hồ ra tới tận miền Bắc sinh ra mình.
Từ nhỏ đã mê nghệ thuật “cắt bóng” (dùng kéo cắt hình chân dung nhìn nghiêng người khác trên giấy bóng láng màu đen loại học sinh thường dùng làm môn thủ công). Đến năm 1944 được đưa về Hà Nội học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương càng có điều kiện phát triển nghề này.
Năm 1948 quay về quê hương miền Nam vào bưng biền Đồng Tháp Mười tham gia cách mạng chống Pháp. Tại đây có dịp trổ tài cắt bóng cho các nhân vật cộng sản nổi tiếng trong đó có cả ông Lê Duẩn sau này là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản VN.
Sau 1954 được phân công ở lại miền Nam hoạt động. Về Sài Gòn bấy giờ mới tận dụng hành nghề cắt bóng để hoạt động ngầm. Năm 1957 với nghề tay trái mưu sinh này đã lập kỷ lục cắt bóng nhanh nhất trong 38 giây xong một hình chân dung dù mình chỉ là nghệ sĩ cắt bóng thứ tư xuất hiện trong lịch sử môn nghệ thuật đường phố này.
Trong những năm 60 là đồng đội hỗ trợ nhà tình báo đại tá Phạm Ngọc Thảo hoạt động trong lòng địch cho đến khi ông này bị mật vụ chế độ cũ thủ tiêu năm 1965 (là nguyên mẫu nhân vật chính của bộ tiểu thuyết trường thiên sau được quay thành phim “Ván bài lật ngửa” của tác giả Nguyễn Trương Thiên Lý tức Trần Bạch Đằng).
Sau 75 về hưu tiếp tục hành nghề cắt bóng tại các hội chợ, triển lãm cả nước dù đã gần 80 tuổi. Trong hơn 50 năm làm nghề hiếm quý này tự hào đã cắt hình chân dung cho khoảng 1,5 triệu lượt nguời. Ngoài ra từ đó còn góp công xây dựng thêm nghệ thuật tranh cắt giấy VN xem như một hình thái phát triển rộng và tổng hợp nghệ thuật cắt bóng.
Năm 2006 tự phá kỷ lục cắt bóng nhanh nhất nước với chỉ còn 23 giây một hình chân dung. Chỉ lo sau mình e rằng môn nghệ thuật này sẽ thất truyền thôi!.

730 - Vũ Bằng

ĐIỆP VIÊN BỊ TỪ CHỐI
Nhà văn tên thật Vũ Đăng Bằng sinh 1913 tại Hà Nội – Mất 1984 ở TPHCM (72 tuổi).
Từng tham gia kháng chiến chống Pháp, gia đình là cơ sở điệp báo ở nội thành Hà Nội. Riêng mình đã có quá trình tham gia viết báo, viết cả phóng sự lẫn tiểu thuyết, truyện ngắn, biên khảo văn hóa, dịch thuật nên được xem là một cây bút đa năng.
1954 theo làn sóng di cư vào Nam, bỏ lại người vợ và con trai đầu lòng. Sau này người ta mới biết lúc đó ông được quân đội cộng sản giao nhiệm vụ hoạt động tình báo bí mật nằm vùng tại Sài Gòn.
Vì thế ở Sài Gòn bên ngoài hành nghề viết báo làm vỏ bọc, viết đủ thể loại trên báo hàng ngày trong đó đôi khi phải viết một số bài theo hướng chính quyền Sài Gòn nhằm che mắt địch. Đặc biệt có mặt mạnh nữa về mặt quản lý quán xuyến cả tờ báo, làm tòa soạn lo cả mặt nội dung lẫn hình thức, có khi “ôm”cả 3 tờ báo ngày cùng lúc.
Lấy vợ mới sinh được 6 con.
Năm 1967 được tin vợ cả ở Bắc qua đời trong cảnh chờ chồng vô vọng, mà chồng lại phụ bạc lấy người khác. Từ nỗi đau một mình tự biết đó đã làm nên thiên tuyệt bút “Thương nhớ mười hai” bút ký hoài niệm bóng dáng Hà Nội và người thương một thời in năm 1971 (ngoài ra sự nghiệp đỉnh cao còn tác phẩm “Món lạ miền Nam”, “Bốn mươi năm nói láo”…).
Sau 30.4.1975 rơi vào cảnh ngộ oái oăm là không kịp thời xác minh được đầy đủ nhân thân và quá trình hoạt động tình báo ngầm cho cộng sản miền Bắc (hoạt động bí mật nên rất khó truy nguyên sớm được, cần có thời gian) nên không được hưởng chế độ gì. Thậm chí còn bị nghi “đầu hàng địch” do từng có một số bài viết báo…chống Cộng!
Năm 1978 có được cán bộ làm giấy chứng nhận mình là điệp viên tại chỗ song vẫn không được chấp nhận là điệp báo viên cách mạng do chưa đủ cơ sở chứng minh.
Từ đó thành ra mang mặc cảm bị bạn bè người thân ngày xưa ngoài Bắc xem như kẻ “phản bội”, gia đình cũ phê phán “phụ tình”, bạn bè miền Bắc vào cũng e ngại không dám đến thăm sự mang tiếng quan hệ với kẻ theo địch. Còn mình cũng không dám về thăm quê để thắp nén hương cho người vợ cũ vì “biết nói thế nào với anh em ngoài đó?”
Mặt khác, bị cấm hành nghề làm báo phải bươn chải kiếm sống rất vất vả: “Sau 30.4 mọi người thấy rõ đấy, tôi làm tình báo nhưng đâu có báo công, đâu có nhận lãnh huân chương huy chương gì mà sống bằng nghề nuôi heo ở chân cầu Tân Thuận.” Lại bị vợ sau trách móc làm việc không công cho cách mạng làm gì tới mức nay không nuôi nổi vợ con.
Rốt cuộc chết trong cảnh nghèo túng, uất hận mang tiếng nhơ oan ức. Thậm chí khi gia đình đăng cáo phó còn bị chính quyền không cho phép ghi là “nhà văn” mà bắt phải thay bằng từ “ông” bình thường!
Mãi đến năm 2000 – 16 năm sau – Bộ Quốc phòng mới chính thức có văn bản qua xác minh công nhận nhà văn là chiến sĩ quân báo “có công cách mạng” – là “cơ sở khai thác tin tình báo địch” -- trong cả một thời kỳ dài từ 1952-75.
Tiếp theo năm 2007 được truy tặng huân chương, Giải thưởng Nhà nước, sách giáo khoa mới đưa tên vào văn học sử!
(Còn tiếp)
http://sites.google.com/site/vanvietloc4/home/ho-so-hau-chien/hshc-ki-72

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011

VUI BUỒN VỚI NHỮNG NGƯỜI VIẾT VĂN TRẺ

Bùi Công Thuấn

Hội nghị những người viết văn trẻ Tp HCM lần III tổ chức tại TpHCM ngày 27,28,29.05. 2011 có 72 đại biểu nhà văn trẻ và khách mời. Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nhận xét :” Về lịch trình hoạt động của hội nghị lần 3 này, tôi thấy còn dàn trải và thiếu khoa học. Có lẽ là do tài chính hạn hẹp, cái khó bó cái khôn…”. Nhà văn Hải Miên đã chuẩn bị gì cho hội nghị ? Chị nói đùa thế này :” tôi cũng chuẩn bị vài câu chuyện cười địa phương để kể cho các bạn văn nghệ phòng khi cần phải giao lưu. Tôi thấy lịch trình hoạt động của hội nghị vui vui, kiểu như: "dung dăng, dung dẻ, dắt trẻ đi chơi". Nhiều nhà văn trẻ dự hội nghị bày tỏ cảm tưởng hội nghị là dịp gặp nhau, gặp được nhiều bạn văn là vui rồi. Là người “ngoại đạo” dõi theo hội nghị, tôi ghi nhận được đôi điều.

1.TP HCM có một đội ngũ đông đảo nhà văn trẻ. Trong đó nhiều người từ các tỉnh khác đến, tạo nên một diện mạo đa màu sắc (Đồng Chuông Tử, Nguyễn Ngọc Tư, Thu Trân…). Đội ngũ này hứa hẹn những tài năng và những thành tựu. Nhiều người trong số họ đã khẳng định được tài năng văn chương của mình như Nguyễn Danh Lam, Dương Thụy, Vũ Đình Giang, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyệt Phạm, Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Ngọc Thuần, Trần Nhã Thụy…[1]

2. Những tham luận ở hội nghị chưa nói được gì nhiều về văn chương trẻ TP HCM.
Bài viết “tản mạn” của TS Trần Hoài Anh mới dừng lại ở điểm tên tác giả tác phẩm, các giải thưởng văn chương, chưa chỉ ra được những giá trị của văn chương trẻ và những đóng góp cụ thể của nhà văn trẻ Tp HCM vào văn học chung của cả nước. Trần Hoài Anh có nói đến” những nhà văn trẻ Thành phố Hồ Chí Minh góp phần làm thay đổi diện mạo văn học đương đại của dân tộc.”Nhưng những đường nét diện mạo cụ thể là gì thì chưa được phân tích đánh giá. Xin đọc một nhận định của Trần Hoài Anh,:” Văn xuôi của những người viết trẻ Thành phố trong những năm qua cũng góp phần rất lớn trong đời sống văn học Thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Nhiều cây bút trẻ trước đây đã từng có những tác phẩm để lại dấu ấn sâu sắc trong sự tiếp nhận của bạn đọc cả nước như: Lại Văn Long, Phan Triều Hải, Phan Hoàng, Phan Thị Vàng Anh, Khánh Chi, Trầm Hương …tiềm năng và triển vọng của lực lượng viết văn trẻ thành phố là một chân trời đầy ánh sáng.” Tôi nghĩ, có lẽ nhà phê bình chỉ muốn đem đến niềm vui cho hội nghị, mà không có ý định công bố những nghiên cứu có giá trị học thuật gì về văn chương trẻ TpHCM trong giai đọan từ hội nghị lần II đến nay.

Nhà văn Huỳnh Mẫn Chi bộc lộ một quan điểm về văn chương đã quá cũ kỹ. Chị viết:” Sự thay đổi về đời sống sẽ làm chuyển đổi nền văn học TP.HCM. Thế nhưng trên đà chuyển đổi của cuộc sống, văn học phát triển còn quá chậm so với hiện thực. ..văn học thành phố ta phát triển còn thiếu nhịp đập của một thành phố đang phát triển mạnh nhất của cả nước”. Tôi không rõ nhà văn định nói gì khi viết :” văn học phát triển còn quá chậm so với hiện thực”. Phải chăng nhà văn muốn nói thành phố phát triển vượt bực về mọi mặt còn văn chương thì chưa ? Hay văn chương chưa phản ánh được sự phát triển của hiện thực đời sống thành phố? Phải chăng cứ đời sống vật chất khấm khá hơn thì văn chương cũng phải có những thành tựu tương xứng? Nhưng thế nào là thành tựu văn chương tương xứng? Được các giải thưởng quốc tế chăng? Tôi đoán rằng nhà văn cũng không hiểu điều mình nói. Sáng tác văn chương là sự nghiền ngẫm hiện thực, khám phá hiện thực, và là ánh sáng lương tri đi trước hiện thực. Văn chương theo đuôi hiện thực thì sẽ không còn là văn chương, nó sẽ biến thành báo chí hay sử học. Nhà văn còn quan niệm văn chương theo đuôi hiện thực như thế thì bao giờ văn chương mới cất cánh ?
Đồng Chuông Tử cố “lên gân” cho văn chương dân tộc Chăm :” Dân tộc Chăm là dân tộc yêu văn chương. Tâm hồn Chăm là tâm hồn đầy trần nghệ sĩ tính”. Các nhà thơ nhà văn Chăm “ tạo ra một diện mạo thơ, một dòng chảy lạ đậm đà bản sắc”. “Đồng thời hãnh tiến đóng góp vào nền văn chương Việt Nam, những câu thơ, những bài thơ, những tác phẩm thơ không trộn lẫn với ai”. Xin đọc một bài thơ của Đồng Chuông Tử:

ngọng ngịu ngày dài
thế đấy, cuối cùng ngươi cũng đã bay đi
quắp hết ta theo nốt
trú xứ này và cả nỗi vui con người trong ta
xác xơ và hoang vu trở lại
như vụ nổ hạt nhân được thả xuống từ trên cao
ngọn lửa xanh thơ mộng mang hình hài hủy diệt
vỡ tan ta rồi
không ai đủ quyền năng để xóa sạch buổi chiều ngoài tầm thông hiểu của trí tuệ
sau một loạt hành vi và chi tiết vừa khít cho mảnh sắp đặt lạ
lưu giữ chỉ làm đùn lên điếng đắng mùa màng
những giọt suối sông long lanh lảnh lót này sẽ rút vào thế giới vừa truất phế ta:
"kẻ chiến thắng cô đơn chiến lợi phẩm cô quạnh"
ngầu sóng ưu phiền
thế đấy, cuối cùng nàng cũng quắp con bay đi
cạn khô tinh thể ở lại
Thượng đế, cha thích nhìn sự héo hon rậm rạp lòng con sao?

Đọc bài thơ này, tôi không hề thấy đâu là chất “Chăm” của thơ Đồng Chuông Tử. Bài thơ không hề có chất liệu Chăm, không hề nói bằng kiểu ngôn ngữ Chăm, và không hề được viết bằng kiểu tư duy nghệ thuật Chăm. Trái lại tôi thấy trong bài thơ ấy bóng dáng rất nhiều nhà thơ dân tộc kinh, từ Chế Lan Viên đến Lê Vĩnh Tài, Phan Huyền Thư… Đồng Chuông Tử chưa vượt qua những nhà thơ cùng thời mình, nói gì bản sắc văn hóa Chăm.

Hải Miên bộc lộ một cái nhìn cự kỳ bi quan khi cô viết những ám ảnh của mình trước cái chết của nhà văn Trần Hoài Dương :” :” Người ấy chết như thế giữa một căn phòng tràn ngập sách, trong đó có những cuốn sách của mình. Đấng vô hình nào muốn gửi cho chúng ta thông điệp gì bằng cái chết đột ngột và cô độc ấy của một nhà văn, trong căn phòng đầy sách không một bóng người, không một hơi ấm sự sống nào ngoài chính sự sống vừa rời bỏ mình đi?Phải chăng nỗ lực của một nhà văn, hay nỗ lực của mọi nhà văn, bằng toàn bộ hành trình sáng tác của mình, như một bàn tay vẫy tha thiết và tuyệt vọng về phía con người, về phía sự sống, thì sự đáp trả cuối cùng là như vậy?”Tôi ngỡ rằng Hải Miên sẽ đi tiếp hành trình suy tư về nhà năn, nhưng không, cô nói thẳng ra cái tham vọng của mình :” nỗi khát thèm bất tử chính mình như một căn bệnh của bản thân tôi và giới sáng tác đã tỏ ra quá lộ liễu, vậy nên tôi xin được dừng lời”. Hóa ra nhà văn viết văn chẳng vì ai cả, ngòai nỗi khát thèm bất tử? Vậy thì sẽ còn ai đọc những trang văn ấy ! Người xưa từng nói “lập thân tối hạ thị văn chương” chẳng lẽ Hải Miên không biết điều ấy ?

Tham luận của Ngô Thị Hạnh có đem đến một chút ánh sáng cho hội nghị. Cô có những số liệu và những nhận định có sức thuyết phục. Cô cho biết : ”từ hội nghị nhà văn trẻ lần 2 đến nay, có hơn 40 tác phẩm được xuất bản và có bán trên thị trường sách Việt Nam (tư liệu đính kèm theo tham luận) với 20 nhà văn trẻ…Đặc biệt, nhà văn Phan Hồn Nhiên và nhà văn Dương Thụy, trong vòng 4 năm đã xuất bản 7 tác phẩm…Chất lượng thì khó bàn hơn, liệu một tác phẩm có số lượng phát hành cao nhất có phải là tác phẩm hay nhất? Câu trả lời là khá khó cho các người làm phê bình văn học và những độc giả đọc chỉ để thưởng thức…Yếu tố shock và sex liệu có nên bàn ở đây? Khi mà thị trường sách luôn rộng mở và dung nạp hai điều kiện này, vấn đề dễ dàng để cuốn hút sự tò mò của số đông. Thị trường sách hay cụ thể hơn là dư luận nóng lên với “Sợi xích” của Lê Kiều Như, nhưng bất kì ai, khi đã có dịp đọc tác phẩm này đều kết luận đây không phải là tác phẩm văn học. Và tác phẩm đó đương nhiên tự do nằm ngoài các tác phẩm được thống kê của những cây bút trẻ. Những tác phẩm của Keng, viết về giá trị “cô đơn” của người trẻ với nhiều mối quan hệ chằng chịt và phương tiện thể hiện ngôn từ… theo đánh giá chủ quan của tôi, có thể xem là tác phẩm ở giữa văn chương và ghi chép cảm xúc đơn thuần. Những tác phẩm như vậy cũng có số lượng người đọc nhất định và bản thân nó là một sự giải tỏa cần thiết cho một cá nhân. Người viết chưa ý thức về giá trị thẩm mỹ và nhân sinh mà một tác phẩm văn học cần mang lại.” Một hội nghị, rất cần những tham luận có giá trị thiết thực như vậy cả về thực tiễn sáng tác và những quan điểm đánh giá có tính tiên tiến. Cũng cần có những đánh giá thẳng thắn như : “Người viết chưa ý thức về giá trị thẩm mỹ và nhân sinh mà một tác phẩm văn học cần mang lại “ thay vì những lời lẽ có cánh như :” tiềm năng và triển vọng của lực lượng viết văn trẻ thành phố là một chân trời đầy ánh sáng.”

Trần Minh Hợp nói thẳng ra quan điểm làm văn chương của người trẻ, chẳng có lý tưởng gì to tát cả, ngoài mục tiêu thị trường và “giải phóng” cá nhân :” Cuộc sống hiện đại, đa chiều, đa phương đã đặt giới trẻ trước những cơ hội nhưng cũng lắm nguy cơ lớn nên người trẻ luôn tìm cách “giải phóng” mình, tìm những niềm vui trong cuộc sống và khẳng định giá trị bản thân… Chính vì thế, họ tìm đến với văn chương như một cách…

Những cây viết 7X, 8X nắm bắt nhanh nhạy những xu hướng văn chương và đặc biệt là nhu cầu đang cần của thị trường văn chương. Trần Minh Hợp cũng thú nhận mặt yếu kém của mình :” bản thân tôi, không được đào tạo văn chương thuần túy, những kiến thức về nghề viết còn mơ hồ và nếu không có sự chỉ dẫn của những người viết đi trước thì tôi khó lòng mà viết được một truyện ngắn hay thậm chí là một tản văn trọn vẹn.”Nếu nhà văn trẻ thực chất là như thế (từ ý thức sáng tạo đến trình độ) thì còn mong gì có được một nền văn chương ra hồn! làm gì có “một chân trời đầy ánh sáng “?

Tham luận của Phương Trinh dường như muốn “dạy đời” nhà văn trẻ thì phải. Cô viết :” Bạn có từng quan sát nửa ly nước không? Nửa ly nước chỉ có một. Nhưng có người bảo ly nước đầy phân nửa. Có người bảo ly nước vơi phân nửa. Sự khác nhau nằm ở cái nhìn của từng người.” Phương Trinh lấy lại ý bài thơ Cốc Nước Triết Học[2] của Matthew J.T.Stepanek ( không ghi nguồn.Có thể cô không biết Matie là ai!).Từ tiền đề ấy Phương Trinh “phê” văn của đồng nghiệp chỉ biết viết về nỗi cô đơn trong cuộc sống bươn chải ở thành thị. Sau Đó mượn lời của Andrew Matthews, rằng: “Nếu cuộc sống cho bạn một trái chanh, hãy pha nó thành một ly nước chanh”, Phương Trinh kêu gọi nhà văn trẻ :

” Bạn hãy hình dung trong màn đêm lạnh lẽo, u tối, một ánh lửa yếu ớt được nhen lên. Rồi ánh lửa ấy được truyền đi, truyền đi,… Có thể những ánh lửa đầu tiên sẽ tắt đi. Nhưng rồi ngọn lửa sẽ rực rỡ nếu được tiếp thêm ánh sáng. Cứ thế, những ngọn lửa được thắp và thắp lại, cho đến khi ánh sáng lan tràn… Để mỗi người chúng ta không cảm thấy mình phải sống mà là được sống. Sống đầy ắp. Sống tràn trề.Nhà văn trẻ, bạn có muốn làm những ngọn lửa luôn sáng?”. Thưa nhà văn Phương Trinh, trong sáng tạo nghệ thuật, chăng ai là thầy ai. Mỗi người tự tìm lấy lối đi ngay dưới chân mình. Mọi lời cao đạo giáo huấn đều lố bịch, bởi nhà văn nào dám nhận mình là người nắm được bí mật của sự sáng tạo, để sản xuất ra đều đều tác phẩm hay, tác phẩm tuyệt vời? Những người viết văn có kinh nghiệm biết rõ điều này, tài năng sáng tạo là của trời cho. Trời cho ai bao nhiêu thì được bấy nhiêu! Không biết đến bao giờ VN mới có nhà văn đạt giải Nobel? (Tôi không có ý nói nhà văn không đạt giải Nobel là không tài năng)

Trương Anh Quốc đọc Sự trở lại của vết xước, Giữa dòng chảy lạc, Oxford yêu thương, Bờ xám, Song Song…thì bày tỏ suy nghĩ của mình thế này :“Bây giờ giữa cuộc sống bao lo toan vất vả, việc kiếm sống đã tốn khá nhiều thời gian thì việc cho ra đời một cuốn sách cũng không phải là dễ dàng. Văn chương như là món giải trí cao cấp của những người biết chữ nghĩa. Biết thế nên tôi đọc sách mà không đòi hỏi tác giả phải thế nọ thế kia. Có khi mua nhằm cuốn sách không hay về vứt đó cũng cười mỉm rồi tự nhủ rằng khi nào không còn gì để đọc nữa thì sẽ đến lượt nó. Chín người mười ý, khen chê dở hay đâu lấy gì làm tiêu chuẩn. Văn chương là nghệ thuật. Hay dở do cách cảm từng người.”

Tôi nghĩ, dù là văn chương chỉ là món hàng như mọi hàng hóa khác trên thị trường thì người đọc (người tiêu dùng) có quyền đòi hỏi món hàng ấy phải có chất lượng đạt chuẩn và không có độc tố. Nhà văn không thể tung ra thị trượng “món hàng” kém chất lượng để đầu độc người đọc. Mọi thứ hàng hóa trong cõi đời này, đều có chuẩn đánh giá, hàng hóa văn chương cũng vậy. Không thể nói “Chín người mười ý, khen chê dở hay đâu lấy gì làm tiêu chuẩn”

3. Đọc những tham luận trên, tôi lấy làm tiếc rằng Hội nghị đã không giúp ích gì cho con đường sáng tạo của nhà văn, nhất là khi nhà văn trẻ còn bộc lộ quá nhiều điểm yếu trong nhận thức về văn chương, về mối quan hệ của văn chương với xã hội và với đời sống tinh thần của dân tộc. Ấy là chưa nói đến trải nghiệm những kiếp đời, chưa nói đến học tập những thế hệ đi trước. Thế kỷ 15, Nguyễn Trãi để lại Bình Ngô Đại Cáo như một diện mạo tinh thần của dân tộc, lừng lẫy với lịch sử và thời đại, Nguyễn Trãi được Unesco tôn vinh là danh nhân văn hóa thế giới. Thế kỷ 21 này, nhà văn trẻ nào sẽ khắc tạc được một chân dung dân tộc như thế cho ngàn sau ? Nhà văn trẻ nào đã có tầm nhìn như thế về thời đại và dân tộc mình, trước sự lấn át tứ bề của hội nhập toàn cầu hóa?


_____________________________________

[1] BCT đã có bài viết về các tác giả này trên phongdiep.net
[2]Cốc nước triết học- Matthew J.T.Stepanek
Nhìn mực nước ở lưng chừng cốc

Có người nói: “À, phải,cốc nước này đầy một nửa rồi!”
Nhưng một số khác khi nhìn cái cốc
Lại cho rằng: “Ồ, không,cốc nước một nửa vơi!”
Tôi hi vọng mình thuộc số những người
khi nhìn vào cốc nước của tôi
bao giờ cũng thấy chí ít đầy một nửa.
Trong cuộc sống điều này quan trọng vô cùng
bởi nếu bạn chỉ thấycốc nước của mình vơi đi một nửa
thì cũng có thể nó sẽ cạn tới đáy.


Phongdiep.net

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2011

Truyện ngắn: CÀ PHÊ SỮA VÀ CÀ PHÊ ĐEN

Vào quán uống nước, em luôn gọi café đen. Anh luôn gọi café sữa.
Người ta mang nước ra, luôn luôn nhầm lẫn. Anh café đen. Em café sữa.
Em nhanh tay đổi 2 món. Người bồi bàn đứng ngẩn ra, mặt đầy vẻ thắc mắc. Anh cười trừ. Đợi người ta đi, anh trách: “Sao không để người ta đi rồi em hãy đổi? Làm mất mặt anh quá!!!” Em cười phá lên: “Đằng nào cũng vậy. Đâu có gì mắc cỡ!”.
Em con gái mà lại thích café đen.
Anh con trai nhưng rất thích café sữa.
Em bảo café đen nguyên chất, tuy đắng nhưng uống rồi sẽ mang lại dư vị, mà nếu pha thêm sữa thì sẽ chẳng còn cảm giác café nữa.
Anh bảo café cho thêm tí sữa sẽ đậm mùi café hơn, lại còn cảm giác ngọt ngào của sữa…Anh và em luôn thế. Khác nhau hoàn toàn.
Anh và em không yêu nhau. Đơn giản chỉ là bạn bè. Mà không, trên bạn bè 1 chút. Gần giống như tình anh em.
Nhưng em không chịu làm em gái anh. Em bảo, em gái có vẻ phụ thuộc vào anh trai, có vẻ yếu đuối, có vẻ… hàng trăm cái “có vẻ” và em không đồng tình.
Anh cũng không muốn anh là anh trai của em. Anh trai suốt ngày phải lo cho em gái, bị nhõng nhẽo, vòi vĩnh đủ thứ. Anh không thể kiên nhẫn.
Lâu lâu em hẹn anh ra ngoài đi uống café. Em café đen, anh café sữa.
Thỉnh thoảng buồn buồn anh lôi em đi vòng vòng, rốt cuộc cũng đến quán nước. Anh café sữa. Em café đen.
Anh có bạn gái. Bạn gái anh xinh xắn, rất dịu dàng, nữ tính. Đi với anh giống như 1 con thỏ non yếu ớt. Anh tự hào bảo, cô ấy không “ba gai”, bướng bỉnh như em.
Em có bạn trai. Bạn trai em đẹp trai, galant, luôn chiều chuộng em. Đi với em, anh ấy không bao giờ khiến em tức chết. Em kiêu hãnh khoe, anh ấy thực sự là chỗ dựa vững chắc.
Hai cặp thỉnh thoảng gặp nhau. Em vẫn café đen. Anh luôn café sữa.
Bạn trai em nói, anh đổi ly cho em. Em không chịu, café đen là sở thích của em.
Bạn gái anh thắc mắc, anh không uống café đen như những người con trai khác. Anh nhún vai, café sữa hợp khẩu vị với anh.
Trong lúc nói chuyện, thường thường anh và em vẫn cãi nhau. Bạn trai em luôn là người hòa giải. Bạn gái anh dịu dàng nói anh phải biết nhường nhịn con gái.
Cuối cùng anh là anh. Em vẫn là em.
Anh chia tay bạn gái. Cũng có thời gian chông chênh. Nhưng anh không hối tiếc. Anh và cô căn bản không hợp nhau. Dù cô ra sức chiều chuộng anh, nhưng anh vẫn thấy thiếu thiếu cá tính gì đó. Mà cá tính thiếu ấy mới thật sự hấp dẫn anh.
Em chia tay bạn trai. Có một lúc cảm thấy trống vắng. Nhưng em không hối hận. Em và bạn trai không tìm được tiếng nói chung. Dù anh ấy không khiến em bực mình, ít khi gây sự với em. Nhưng em vẫn thấy thiếu thiếu. Mà “thiếu thiếu” ấy làm em chán nản.
Anh và em không hẹn mà gặp nhau ở quán café cũ.
Em gọi café đen.Anh gọi café sữa.
Người bồi đã quen với 2 người. Anh ta không để nhầm chỗ nữa.
Anh yên lặng. Em cũng không nói. Đợi người bồi đi, anh kéo ly café đen về phía mình, đẩy ly café sữa về phía em.
Hôm đó 2 người uống thử “khẩu vị” của người kia.
Đêm ấy, anh nhắn tin cho em “Café đen hay thật! Anh bắt đầu thấy thích nó!”
Em nhắn tin lại cho anh “Café thêm sữa cũng rất tuyệt vời. Em sẽ uống café sữa…”
Sau đó em và anh luôn đi cùng nhau, bất luận ở đâu, em cũng luôn gọi café sữa cho em và không quên gọi café đen cho anh…
Café đen hay café sữa đều là café, phải không?
Tình yêu đắng hay tình yêu ngọt đều là tình yêu… chẳng phải sao???

Mai Quyên

http://haukhaoco2010.blogspot.com

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

Nhớ Đỗ Toàn Xưa...

Trần Trung Sáng


Là một họa sĩ kiêm nhà điêu khắc thuộc thế hệ đầu tiên của ngành mỹ thuật đất Quảng, không ít những tác phẩm của Đỗ Toàn để lại đã gắn liền với cảnh và người nhiều thập niên qua. Thế nhưng, mấy ai nhớ được: vào ngày đầu tháng 5 hơn mười năm trước , ông đã lặng lẽ ra đi. Vào ngày ấy, chỉ duy nhất một chiếc xe khách ọp ẹp đưa ông cùng người thân về miền quê cũ bên kia phía chân đèo....Suốt thời gian dài, đây là bài báo đầu tiên viết về ông.

Họa sĩ Đỗ Toàn tên thật là Đoàn văn Toàn. Ông sinh năm 1940 tại Thừa Thiên Huế. Tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Huế, Sư phạm mỹ thuật Gia Định. Từ trước 1975, ông là giáo viên hội họa của trường trung học Phan Châu Trinh (Đà Nẵng). Có lẽ chính vì vậy, khi nhắc đến ông, người ta thường gọi là họa sĩ, mặc dù, sự nghiệp của ông để lại phần lớn là các tác phẩm điêu khắc như các tượng chân dung: Phan Châu Trinh, Nguyễn Duy Hiệu, Hoàng Diệu...và nhiều tượng đài trong khu vực Miền Trung – Tây Nguyên.

Nhà điêu khắc Phạm văn Hạng – người bạn thân thiết của Đỗ Toàn đã nhắc về ông: “Là nhà điêu khắc không mấy may mắn với số phận Canh Thìn nhưng Đỗ Toàn vẫn kịp gửi lại hình tượng mẹ Tổ quốc trẻ đẹp, nhân hậu trước Đài kỷ niệm bên sông Hàn Đà Nẵng, tượng đồng Phan Châu trinh giữa sân trường nơi anh từng lên bục giảng cầm viên phấn trắng mà bụi trắng rồi sẽ vương mãi mái tóc anh bềnh bồng. Sắc màu Đỗ Toàn mang vào tác phẩm hội họa còn đó tím Huế, xanh biển và chút xám đơn lẻ trong tâm tưởng loài cây trút lá....”

Cũng như phần lớn thế hệ học trò xuất thân từ trường trung học Phan Châu Trinh trước 1975, dù trực tiếp học ông hay không, chúng tôi cũng đều hết mực ngưỡng mộ phong cách điềm đạm mà lại rất nghệ sĩ của ông. Từ giọng nói đầm ấm đến cách cầm viên phấn trên tay, họa sĩ Đỗ Toàn luôn tạo sức thu hút hấp dẫn, vừa chuẩn mực lại vừa như vượt khỏi khuôn khổ mô phạm, giáo điều. Hình ảnh của ông thời dạy học từng khắc họa trong ký ức của một đồng nghiệp:” Người hoạ sĩ tóc bềnh bồng như tuyết/ Dáng phong sương vẫn vẻ Đỗ Toàn xưa...”(Trần hoan Trinh).

Vào những ngày đầu thành phố Đà Nẵng vừa giải phóng, để đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin tuyên truyền, cùng với nhiều họa sĩ chuyên nghiệp và kể cả nghiệp dư, Đỗ Toàn có mặt ở Khu triển lãm văn hóa Quảng Nam Đà Nẵng (sau là Trung tâm Văn hóa triển lãm Đà Nẵng). Ông đã tham gia đóng góp phần lớn trong quá trình thể hiện thi công tượng Bác Hồ và cụm tượng Quảng Nam trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ tại đây.
Từ năm 1985 trở về sau, Đỗ Toàn thường về các vùng nông thôn đất Quảng để sáng tác và thi công các tượng đài. Cũng chính vào giai đoạn này, do đời sống tình cảm trải qua những biến động lớn, đầy trắc trở, nên ông làm rất nhiều thơ. Trong đó, Trường ca Rosa của ông có nhiều đoạn được thân hữu yêu chuộng và thường ngâm nga:
”hãy bước vào vườn Tagore đi em
vì trên đời không gì bằng tình yêu và sự chết
tình yêu
tôi dâng cho em tràn đầy
sự chết em hoàn toàn miên viễn trong tôi
Có thể nói
em thiên thể rớt xuống đời tôi
tốc độ siêu nhiên chẳng cần điều chỉnh
lồng ngưc vỡ toang
máu hồng tuôn chảy
Có thể nói
hoa hướng dương bắt đầu nở
em, mặt trời sao cứ ở sau lưng
em, mặt trời động vọng suốt đời tôi
...”Sau những tháng năm phong trần, lận đận, rồi những ngày tháng bình yên cũng đến với Đỗ Toàn. Ấy là vào thời điểm giữa năm 1999, ông trúng được vài công trình lớn, giải quyết được nhiều khúc mắc khó khăn của gia đình, hầu như buổi sáng nào ông cũng thường đến ngồi tán gẩu với chúng tôi ở một quán cà phê bình dân trên ngã tư cạnh trường Phan Châu Trinh. Bất chợt, một lần thấy vắng ông, mới hay tin vào đêm trước đó, ông đã đột quỵ và liệt bán thân.

Thời gian Đỗ Toàn nằm bệnh, tôi và nhà văn Nguyễn Văn Xuân (bấy giờ vẫn còn rất mạnh khỏe) thường đến thăm ông. Mỗi lần nghe thầy Xuân nói đùa: “ Cha ni cái chi cũng chết hết rồi, chỉ còn một cái... vẫn sống”, dù không còn nói thành lời, nhưng ông vẫn gắng gượng rướn phần còn lại của cơ thể bày tỏ sự vui vẻ hưởng ứng.

Trước lúc Đỗ Toàn vĩnh viễn ra đi, một lần nhóm anh em thân hữu đã thuê một chuyến taxi chạy vòng quanh Đà Nẵng để ông ngắm nhìn những đổi thay của thành phố và kể cả những cảnh quan đầy kỷ niệm có phần đóng góp bàn tay tài hoa của ông như Đài tưởng niệm 2-9, trường trung học Phan Châu Trinh... Và đó là lần cuối cùng người ta thoáng bắt gặp trên môi ông nụ cười mãn nguyện...

http://www.vanchuongviet.org/

Trích lại bài viết này để nhớ về Cậu Toàn (?) là anh của dì Lạc, dì Nguyện ở Làng Chuồn. Không biết mình có nhầm lẫn không ? - THT

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

VÕ QUÊ - TỨ TUYỆT VIẾT Ở PHÚ QUỐC

BÁNH CANH QUÁN PHỤNG



Bánh canh quán Phụng thành thương hiệu

Món ngon Phú Quốc ngọt môi người

Mỗi sáng mời nhau hồn biển dã

Bột trắng, chả thơm vị cá tươi




BỤI ĐẢO


Dừng bước bên cầu cười một nụ

Xóm chài An Thới nắng thơm trưa

Bụi đảo lưu tình vương gót lữ

Dặm dài khinh khoái gió và thơ...




CẢNG SẦU



Tàu cao tốc cập Bãi Vòng

Người thương vắng bóng mênh mông cảng sầu

Tình sâu con sóng bạc đầu

Biển sâu tóc trắng một màu hợp tan




NHỊP TÌNH



Rừng nguyên sinh tím hoa mua

Giọng chim hót đẹp, tôi ngơ ngẩn tìm

Cây già, mát lạnh, bóng im

Ung dung sâu lắng nghe tim nhịp tình...




Phú Quốc 4.2011

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

Cao Huy Khanh: VIỆT NAM - HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 – 2011: NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ:

Kỳ 71 – 23.5. 2011 (Trích đăng từ 1.1.2010)

711 - Ung Thanh Hải
NOI GƯƠNG THẦY
Nhà giáo sinh tại Phan Thiết. Sống ở TPHCM (2011).
Trước 75 tốt nghiệp đại học ngành hóa học ra đi dạy học một thời gian thì bị kêu đí lính VNCH.
Sau 75 được đi dạy lại ở TPHCM.
Sau đó gia đình bên vợ bảo lãnh cả nhà đi Pháp, đã làm xong thủ tục nhưng cuối cùng quyết định cho vợ và 3 con đi còn mình ở lại sau khi chứng kiến một trường hợp vừa xảy ra làm lay động con tim: Thầy dạy đại học là GS Lê Văn Thới nổi tiếng qua đời mà đây là một ông thầy mình rất kính yêu, người từng học nước ngoài về nước dạy học, sau biến cố 30.4 vẫn tiếp tục ở lại phục vụ học trò.
Từ đó có suy nghĩ “Tôi là đệ tử ruột của thầy nên bị ảnh hưởng về quan niệm sống của thầy khá nhiều. Nên có ý nghĩ mình là người VN thì phải dạy học ở VN, cống hiến cho VN.”
Chấp nhận ở lại thui thủi một mình cặm cụi rèn luyện tay nghề dạy học ngày càng giỏi, được xem là một trong “tứ trụ” dạy hóa cấp phổ thông xuất sắc nhất thành phố. Học sinh tôn xưng là thầy “Hải Ung” trứ danh với nhiêu tuyệt chiêu dạy học trò đậu tốt nghiệp, đậu đại học đạt tỷ lệ cao. Ngoài ra còn hết lòng giúp đỡ học sinh nghèo, còn bỏ tiền túi ra đóng học phí cho các em.
Trời đâu phụ lòng người, năm năm sau khi con cái ở Pháp đã ổn định đời sống, vợ đã quay về sum họp sống đời hạnh phúc vợ chồng già bên các học trò yêu dẫu ra đời rồi vẫn luôn nhớ ơn thầy.

712 - Văn Đắc
HỌA SĨ TRANH… BẸ CHUỐI
Họa sĩ sinh tại Quảng Bình. Sống ở Đồng Hới (2011)).
Là bộ đội Trường Sơn thời chống Mỹ. Và chính từ trên chiến trường rừng núi mới tình cờ tìm thấy một loại nguyên liệu làm tranh độc đáo đầy tính dân tộc là… bẹ chuối chết khô từ vô vàn thân cây chuối bị bom Mỹ đốn ngã rạp tơi tả khắp nơi.
Từ đó trong những quảng nghỉ giữa chiến trận đã tranh thủ dùng bẹ chuối khô ghép lại thành tranh treo trong lán trại đồng đội.
Sau chiến tranh trở về đời thường tiếp tục phát triển thể loại tranh mang dấu ấn riêng này một cách bài bản, khoa học hơn. Trước hết phải lựa chọn số bẹ chuối lớn nhỏ dày mỏng thích hợp đem phơi khô từ đó sợi bẹ chuối “lên nước” thành những sắc màu tinh tế, sau đó cắt xén chúng để ghép lại tạo nên những hình tượng theo ý tác giả. Tất cả được dán lên tấm gỗ ép làm nền đạt độ bền lưu giữ rất cao hơn 30 năm không phai màu.
Nhiều lần đưa ra triển lãm được tặng giải thưởng. Tranh bẹ chuối nay là một sáng tạo “đặc sản” của đất Quảng Bình
Phát hiện sáng tạo từ chiến tranh, có điều lạ là tranh bẹ chuối đặc biệt rất phù hợp với nội dung đó – chiến tranh – khi thể hiện rất sống động những cảnh khói lửa chiến trường dữ dội khốc liệt nhờ tính khô khốc, thô mộc, sần sùi của chất liệu sợi bẹ chuối.

713 - Võ Khắc Lương
LIỆT SĨ SỐNG LẠI 30
Thương binh sinh tại Nghệ An. Sống ở Nghệ An (2007).
Tham gia chiến đấu ở miền Nam, sau 75 còn tiếp tục hành quân trên đất Campuchia rồi bị mất tích.
Ở quê nhà có người yêu – một cựu thanh niên xung phong – vẫn mỏi mòn chờ trông không chịu lấy chồng, nguyện chờ sao cho đủ 3 năm xem như mãn tang mới chịu lấy chồng. Trước ngày đoạn tang đã vào tận đơn vị người yêu ở Cà Mau mong tìm được đôi chút dấu tích, kỷ niệm người yêu.
Bất ngờ sau đó lại nhận được thư… người yêu kể lại sự tình: Trong trận đánh trên đất Campuchia, anh bị mù cả 2 mắt nên đi lạc đơn vị may sao được một gia đình bản xứ cứu giúp cưu mang, một thời gian dài mất trí đi lang thang, cuối cùng tình cờ được một ông thầy lang chữa khỏi khôi phục trí nhớ mới tìm cách liên lạc lại với đơn vị. Nhưng trong thư anh khuyên chị hãy đi lấy chồng vì mình giờ đã tàn phế như người bỏ đi rồi.
Lập tức chị ngược đường về Nam một lần nữa đưa anh về quê sum họp gia đình và… làm lễ cưới. Từ đó một mình người vợ đảm làm vườn đào ao nuôi cá nuôi chồng con cùng 8 người em.
Cuộc sống đang bắt đầu ổn định thì anh bị… tai nạn giao thông nằm viện mấy tháng trời, ra viện sức khoẻ người thương binh mù ngày càng suy giảm…

714 - Võ Ngọc Lan

HẠNH PHÚC THƠ NHẠC HUẾ CUỐI ĐỜI
Nghệ sĩ sinh 1938 tại Huế. Sống ở TPHCM (2011).
Là con gái làng Kim Long, quê hương sản sinh người đẹp nổi tiếng đất thần kinh qua câu thơ của vua triều Nguyễn “Kim Long có gái mỹ miều/ Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi”. Cộng với nhan sắc còn thêm khiếu làm thơ, ca hát từng biểu diễn trên đài phát thanh Huế.
Nhưng kiếp hồng nhan đa truân khi vào Sài Gòn lấy chồng phải gồng gánh nhiệm vụ làm vợ nặng nhọc nuôi 7 con mà chồng lại đèo bòng vợ bé nên không còn thời gian đâu cho thú vui văn nghệ thủa thanh xuân.
Sau 30.4.75 gánh nặng gia đình càng nặng thêm do chồng đi cải tạo, một mình lo hết chuyện nhà nuôi con cái, mẹ ruột, mẹ chồng và cả… vợ bé của chồng! Vẫn cam chịu làm đủ mọi việc thượng vàng hạ cám từ làm đồ mỹ nghệ mây tre lá đến khai hoang khu du lịch và kể cả có khi… đi rừng tìm trầm!
Chồng đi cải tạo về cùng các con lần lượt qua Mỹ. Dùng dằng muốn ở lại không được, cuối cùng cũng phải qua theo năm 1991.
Nhưng trên quê người phút chốc trở thành người… vô dụng do không hòa nhập được với cuộc sống mới, xã hội mới (không lái xe được), đành ở nhà làm một bà nội trợ lủi thủi khác hẳn hồi ở trong nước là một nội tướng một tay vun vén gia đình xây dựng cơ đồ. Có nguy cơ rơi vào trầm cảm.
May mắn sau cùng được cô con gái út hiểu được tâm sự đã dắt mẹ trở về quê hương 2 mẹ con sống với nhau, con gái làm kinh doanh ngành quảng cáo.
Từ đó như cá gặp nước, như hồi sinh hẳn bắt đầu lao vào hoạt động văn nghệ làm thơ (in 2 tập), viết văn (in 1 tập tùy bút), viết nhạc, biểu diễn ca Huế, ra đĩa CD thơ nhạc…
Tất cả đều xoay quay chủ đề quê Huế mến thương – “Mùa trăng Huế” tên tập thơ, “Niệm khúc cho mưa Huế” tên tập văn - : “Tôi đã ngẩng cao đầu đi giữa Huế với cái tâm trong sáng, với lòng yêu thương tha thiết… Mặc dù dòng chảy cuộc đời đưa đẩy nhưng nhờ trời có dịp đi đi về về tôi vẫn luôn gần gũi Huế để yên lòng nghĩ rằng dẫu Huế trải qua lắm phong ba bão táp nhưng tất cả rồi cũng qua đi… Còn đó Huế vẫn mãi nghìn năm…”

715 - Võ Tấn Thường
KIỂU NÀO CŨNG TỒN TẠI ĐƯỢC

Doanh nhân sinh khoảng 1940 tại Thừa Thiên – Huế. Sống ở Mỹ (2011).
Đầu những năm 1960 vào Sài Gòn học đại học.
Năm 1966 theo phong trào Phật giá Ấn Quang (do thượng tọa Thích Trí Quang lãnh đạo) chống chế độ Thiệu - Kỳ. Từng biểu tình ngồi tuyệt thực trước chùa.
Sau đó bị gọi đi lính sĩ quan Thủ Đức, ra trường đưa về giữ đồn ở Quang Nam. Trong thời gian này không ham đánh đấm cũng không muốn ủng hộ chế độ Thiệu Kỳ – không theo phe nào! -- nên bí mật tìm cách liên lạc với phía quân du kích Việt cộng trong vùng thương lượng đôi bên cùng thỏa thuận tránh đối đầu chạm trán nhau sao cho cả 2 cùng có lợi!
Nhờ vậy sau 1975 được “đối tác” Việt cộng cũ xem là thành phần “tiến bộ”, “yêu hòa bình” nên bảo lãnh cho khỏi đi cải tạo.
Lập tức chạy về quê vợ Bến Tre “núp” nhờ ô dù thân nhân nhà vợ toàn dân cộng sản giúp mình an thân trong thời buổi quá rối ren này.
Được một thời gian yên ổn rồi liền dẫn vợ… vượt biên qua Mỹ!
Bắt đầu hành nghề cắt cỏ trên đất Mỹ rồi dần dần nhờ tài khôn ngoan xoay xở nhanh mồm nhanh miệng nhạy bén thị trường dần phất lên thành doanh nhân khá thành đạt.
Về hưu khi con cái đã thành đạt (có con về VN làm ăn) mới quay về VN thường xuyên, chủ yếu là quê hương Huế làm “đại gia” kinh doanh là phụ mà vui chơi em út là chính. Đặc biệt Tết năm nào cũng về làng bên kia phá Tam Giang đón giao thừa…

716 - Võ Thành Sơn
TÌNH CẦU THỦ
Cựu cầu thủ Việt kiều Mỹ sinh tại 1948 Sài Gòn. Sống ở Mỹ (2011).
Thuộc thế hệ cầu thủ bóng đá Miền Nam đang lên vào thời điểm trước Giải phóng 30.4.75, lúc đó là cầu thủ “lính kiểng” của các đội quân đội Tổng Tham mưu, Quân cụ. Cùng Đội tuyển VNCH dựï SEA Games đoạt HCĐ 1971 và HCB 1973. Nổi tiếng là tiền đạo có thể lực sung mãn và sức càn lướt mạnh mẽ với cú tuyệt chiêu “ngã bàn đèn” (tung người lên cao móc bóng qua đầu) dứt điểm cận thành ghi bàn.
Sau 75 tiếp tục thi đấu cho các đội bóng của chế độ mới ở TPHCM gồm đội Quận 5, Công ty Vật tư, Xi măng Hà Tiên, Sở Công nghiệp TPHCM (đội trưởng). Năm 1981 giành ngôi Vua Phá lưới với 15 bàn giải vô địch quốc gia qua mặt cả Cao Cường (đội CLB Quân đội tức Thể Công cũ) cầu thủ miền Bắc số 1 thời đó. Năm sau giải nghệ để năm sau nữa đi Mỹ đoàn tụ gia đình.
Tại Mỹ làm công ty điện tử nhưng vẫn không quên nghiệp bóng đá nên tham gia huấn luyện bóng đá cho thiếu nhi Việt kiều, tổ chức các giải bóng đá nghiệp dư dành cho Việt kiều.
Từ 2003 trở về thăm quê hương, đồng nghiệp cũ, từ đó qua Mỹ vận động quyên góp gửi về giúp đỡ các đồng đội cũ nay về hưu về già gặp khó khăn trong đời sống. Thường xuyên về nước hàng năm tổ chức đóng góp từ thiện cho các cựu cầu thủ miền Nam đồng thời tổ chức các giải bóng đá lão tướng…
Trên sân cỏ một thời nổi tiếng là cầu thủ “dữ dằn”, đá cứng, nóng tính thậm chí có lúc còn bị tai tiếng “bán độ” nhưng bây giờ lại trở thành một hình ảnh con người tình nghĩa nhân ái khác hẳn trong làng bóng đá nước nhà.

717 - Võ Thị Hợi
MỘT ĐỜI THUYỀN CON TỪ CHỐI LÊN BỜ

Ngư dân sinh 1929 tại Quảng Nam. Sống ở Quảng Nam (2008).
Cùng chồng sống bằng nghề thuyền nhỏ đánh cá trên thượng nguồn sông Thu Bồn dưới chân Hòn Kẽm.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đều tham gia ban đêm bí mật vận chuyển gạo muối cho cách mạng vào vùng chiến khu. Từng bị địch bắt tra tấn dã man nhưng kiên quyết không khai, chấp nhận “chịu đau thì mau về”! Trong 2 cuộc chiến đó chồng và 6 con đều lần lượt bỏ mình ra đi mãi mãi.
Sau 75 còn lại một mình với chiếc thuyền nan rách nát nghèo nàn mái tre nứa cặm cụi chở khách qua sông, kiếm cá vớt củi sống qua ngày. Không hề được hưởng chế độ gì vì mình đơn thân quê mùa thất học mà thủ tục nhiêu khê trước kia chỉ hoạt động ngầm theo kiểu giao kết “miệng” nên hầu như không có giấy tờ gì để làm hồ sơ, nếu có thì cũng theo chồng con mất hết rồi.
Sống cô đơn quạnh quẽ với nỗi niềm tủi phận như vậy nên bao nhiêu năm qua không hề rời đò bước chân lên bờ làm chi, cần mua gì thì nhờ mấy đứa học trò đi học qua đò mua giùm. Hơn nữa cũng không nỡ xa rời dù chỉ giây lát bàn thờ chồng con đặt trên thuyền, “gia tài” quý giá duy nhất của một đời đò con hẩm hiu lận đận.

718 - Võ Thị Kiển
BÀ GIÀ CHỊU CHƠI
Cán bộ về hưu sinh 1934 tại Bến Tre. Sống ở Bến Tre (2011).
Nguyên là chiến sĩ trong đội quân tóc dài nổi tiếng ở Bến Tre thời chống Mỹ.
Thời đó, từ năm 1954 vừa chiến đấu vừa tham gia đội múa lân nữ xã Lương Hòa huyện Giồng Trôm – đội “lân tóc dài” – chuyên biểu diễn góp vui trong các dịp lễ lạc, mừng công.
Sau 75 đội lân này được khôi phục hoạt động từ năm 1981, là đội lân nữ duy nhất cả nước – trang phục quân giải phóng miền Nam mặc bà ba đen quấn khăn rằn đội mũ tai bèo - đến nay vẫn tiếp tục tụ tập trình diễn khi có yêu cầu lễ hội trong hoặc ngoài tỉnh.
Nay đã 78 tuổi – được gọi là “Má Năm Kiển” - vẫn giữ chức đội trưởng đội lân 16 người toàn nữ (trẻ nhất cũng đã… 50!) gánh vác nhiệm vụ nặng nhọc nhất diễn viên chính là đội đầu lân hơn 6kg múa quay cuồng cả tiếng đồng hồ!

719 - Võ Thị Kim Lũy
GIA ĐÌNH MẤT TÍCH TỪ CAMPUCHIA

Thường dân sinh 1960 tại Campuchia. Sống ở TPHCM (2009).
Lớn lên ở Campucia nhưng từ nhỏ gia đình đã phân tán do bố mẹ chia tay, cùng năm anh chị em bị phân tán mỗi người một ngả sống nhờ vào bà con họ hàng.
Năm 1970 nhiều biến cố lịch sử xảy ra ở miền Nam VN liên quan đến tình hình chính trị Campuchia đưa đến lệnh Campuchia trục xuất Việt kiều về nước khiến mình phải theo gia đình chú thím lên tàu về Vũng Tàu. Cuộc sống ngày càng khó khăn buộc có khi phải đi ở đợ cho nhà người khác, từ đó cũng mất liên lạc luôn với gia đình chú thím.
Giải phóng 30.4 mở ra một con đường mới gia nhập thanh niên xung phong từ TPHCM, tại đây gặp người chồng hiện nay.
Khi cuộc sống dần tương đối ổn định, bắt đầu đi truy tìm tông tích gia đình mình, từ TPHCM ngược lên tận biên giới Campuchia vẫn không tin tức. Năm 1982 mới tìm được gia đình chú thím.
Và mãi đến năm 2009 nhờ chương trình tìm người mất tích “Như chưa hề có cuộc chia ly” của VTV mới tìm lại được anh chị em mình sống ở An Giang sau 39 năm lưu lạc tha phương.

720 - Võ Thị Mỹ Phương
NI CÔ LƯU LẠC
Thường dân buôn bán nhỏ sinh 1968 tại Gia Lai. Sống ở TPHCM (2011).
Sinh ra trong chiến khu với bố mẹ hoạt động cách mạng.
Mới được 3 tuổi thì trong một trận càn bị quân đội chế độ Sài Gòn bắt đi (bố mẹ lúc đó đi công tác vắng mặt) đem về Pleiku chụp ảnh in truyền đơn rải xuống vùng mật khu để kêu gọi bố mẹ ra đầu hàng. Nhưng bố mẹ cắn răng chịu đựng mấùt con chứ kiên quyết không ra đầu hàng nên cuối cùng được một người lính chế độ cũ thương tình đem gửi cho một tịnh xá Phật giáo (dành cho giới nữ tu sĩ) ở Pleiku nuôi dưỡng.
Sau đó lại được chuyển về ở một tịnh xá khác ở Sài Gòn, được cạo đầu cho… đi tu luôn với tên mới là Ngọc Duệ. Nhưng vẫn được cho đi học tốt nghiệp phổ thông rồi đến năm 1997 cho ra ngoài làm con nuôi cho một gia đình làm nghề buôn bán ở TPHCM.
Trong lúc đó sau 75 bố mẹ chạy đôn chạy đáo đi tìm tung tích con khắp nơi không thấy, cứ ngỡ là bị đưa vào các cô nhi viện đâu ngờ đến… cửa chùa!
May sao qua chương trình tìm người thân thất lạc “Như chưa hề có cuộc chia ly” trên VTV3, đã nhận ra mẹ mình qua dấu hiệu “vết sẹo trên đùi phải” do chích thuốc nhiễm trùng hồi nhỏ được thông báo trên đài.
Lời kết của bà mẹ sau 27 năm tìm con: “Tôi tìm được con rồi dù có chết cũng toại nguyện.”
(Còn tiếp)
http://sites.google.com/site/vanvietloc4/home/ho-so-hau-chien/hshc-ki-71

Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU

ĐƯỢC TIN

THÂN MẪU NHÀ THƠ THÁI NGỌC SAN

ĐÃ QUA ĐỜI TẠI TRẢNG BOM - ĐỒNG NAI


XIN THÀNH KÍNH PHÂN ƯU CÙNG TANG QUYẾN
CẦU NGUYỆN HƯƠNG HỒN MẸ SỚM VỀ NƯỚC CHÚA



cao huy khanh - viêm tịnh - nguyễn miên thảo - phạm tấn hầu - thái nguyên hạnh - lê ngọc thuận - từ hoài tấn - văn viết lộc - nguyễn văn trai - bùi ngọc long - lê công doanh - trần vĩnh tựu - nguyễn thị đấu - đông nhật - lưu hồng cúc - - hoàng dũng - nguyễn thanh văn - lê khắc cầm - nguyễn quốc thái - trần hồng tâm - đoàn hồng nhật và thân hữu

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

ĐỘT NHIÊN MÙA HÈ TRỞ LẠI

Truyện VÕ CÔNG LIÊM

Bên trời em có biết
Ta ứa lệ chiều nay.
(thơ: Nguyễn văn Ngọc)

I.
Chỉ trong vòng một tuần là chúng tôi chia xa trường lớp, bạn bè để nghỉ hè. Nhưng tôi đã nghỉ trước thời điểm đó. Buổi học cuối của tôi chắc buồn lắm, buồn phải xa cô giáo thân thương, xa kỷ niệm với đám học cũ; để cùng gia đình xuôi nam lập nghiệp.Tôi khóc khi nghe tin nầy; mẹ tôi âu yếm vỗ về. – Con ngại quá mẹ ơi. – Không đâu; bình thường thôi.Tiếng mẹ tôi như trấn an tôi, nhưng tôi vẫn sợ, sợ vào một nơi xa lạ, không bè bạn; liệu cảnh vật có gần gũi như mình đang sống ở đây không, tôi sợ mỗi khi nghĩ đến, nhất là cảnh biệt ly, tôi sợ mất luôn tiếng gà gáy ban trưa dưới bụi tre già, sợ mất thấy những nô đùa tuổi trẻ dưới mái trường xiêu vẹo, lợp nửa ngói nửa tôn, thỉnh thoảng ngọn gió chướng từ đâu quay về vén lớp ngói mốc nâu, quẳng xuống nền đất để xem trời có chịu ban thêm những ngọn nắng hanh nồng, rát bỏng dội lên đầu chúng tôi vào buổi học xế trưa hay những trận mưa triền miên để có cơ hội ở nhà được mấy ngày ăn cháo gạo ruộng với cá cấn, cá mại kho khô. Người bạn học gái cùng lớp tôi thường hay kể tương tợ điều đó cho tôi nghe mỗi khi qua cơn hoạn nạn…
Hôm nay đôi mắt tôi gầy, đứng giữa sân chơi nhìn trường, nhìn lớp mà lòng như rưng rưng điều gì. Có lẽ; - mình phải nói đôi lời trước khi đi, nhưng tôi không che nỗi sự bồi hồi.Tôi ngồi gục đầu xuống bàn, đoạn đứng dậy cầm trong tay bó hoa sen trắng, gói lá sen tươi bọc kín, tiến lên bục giảng, ấp úng:
- Thưa cô mẹ con gởi tặng cô bó hoa nầy. Tôi nói.
- Sao thế? Bửa nay có việc gì mà mẹ trò tặng hoa cho cô.Cô giáo nói.
Cả lớp nháo lên; họ chưa hiểu việc làm của tôi sáng nay, ngay cả cô giáo, tôi tần ngần như người mất hồn, vẫn im lặng không nói. Người ta đang đợi tôi phát biểu để hiểu lý do. Mặt trời bên ngoài tuôn vào cửa, xán vào mặt tôi, làm cho thần sắc tôi tái nhợt khi tôi ném cái nhìn xuống dưới, bọn chúng há hốc mồm nhìn tôi, hình như tôi khóc ? Tôi cúi đầu chờ câu nói của cô giáo, cô cầm bó hoa gậm vào chiếc bình bằng chai màu xanh lục, tôi thấy cô tôi đẹp khi đứng bên cạnh với nụ cười hiền hậu, cô trẻ đẹp nhưng chưa có chồng. Tại sao tôi có ý nghĩ nầy. Tôi cảm thấy dị; 10 tuổi học lớp nhất mà biết rung động là sớm chăng? Tôi tự hỏi tôi. Rùng mình! Tôi nhìn cô, cô cười nhìn tôi, cả lũ bạn học nhìn tôi. Tôi nghe bọn chúng văng tục, quay đầu về phiá cô giáo.
- Thưa cô; con xin nghỉ học hôm nay. Ba mẹ con gởi lời cám ơn cô đã dạy con học cả năm vừa qua. Tôi nói.
- Ờ! Cô biết điều đó rồi. Về thưa với ba mẹ trò là cô cám ơn. Cô giáo nói.
- Dạ thưa cô con xin nghỉ học luôn, gia đình con dọn vô nam làm ăn. Tôi nói.
Lớp học hôm đó tẻ nhạt, cô giáo buồn, cả lớp đều buồn.Buồn xúc động; riêng tôi cúi gầm người như chờ đón điều gì may ra xoa dịu được phần nào. Tôi thấy họ nhìn tôi với đôi mắt khác hơn bình thường, tôi đoán không nhầm là rồi đây họ không còn gặp lại tôi cũng như tôi sẽ không còn gặp lại họ.
Buổi học cuối; chia tay thầy cô, chia tay bạn học cũ, lòng tôi không khỏi bùi ngùi, chỉ thiếu đường khóc thành tiếng; cuối lớp tôi nhận ra người bạn học gái thường hay kể chuyện cho tôi nghe, ngồi rũ tóc nhìn xuống đất không buồn cười nói.Tôi không quan tâm về điều đó và lặng lẽ bước về nhà giữa hai hàng tre rì rào uốn mình theo gió.Tôi ngoảnh nhìn lui để tìm cái gì còn sót lại. Chỉ thấy bóng đứa con gái cùng lớp đi chậm ở cuối con đường đầy bụi mờ .

II.
Chuyến tàu điện về đêm ít khách; trong toa đâu chừng mười mấy người, ngồi rải rác trên ghế, qua mỗi trạm thì toa tàu trở nên trống vắng, buồn thiu. Hàng ghế trước; người đàn bà ngồi khoanh tay kê đầu vào cửa kính, dáng mệt mỏi , tóc phủ kín mặt, khó nhận ra già hay trẻ, hàng ghế giữa một ông già tóc trắng, da ngăm đen, ngậm vố đưa mắt nhìn ra ngoài, miệng lõm bõm nhả khói, cuối toa một người đàn ông tuổi chưa ngoài 40, trang phục cẩu thả, hướng mắt về phiá trước. Trong chốc lát tàu đến trạm, con tàu thở phào nhẹ nhõm sau một ngày nghiến bánh mệt nhọc, đây là trạm cuối bến của tuyến đường phi cảng, cửa tàu mở rộng nhưng chẳng thấy bao nhiêu khách rời bến đổ.
Đêm đen ngập cả không gian, lạnh ngắt của gió từ phương bắc thổi về, gió vuốt vào mặt khách đi đường, gây cảm giác ớn lạnh giữa đêm hè, những ngọn đèn màu sáng bạc rung rinh theo gió làm cho cảnh trí của phi trường trở nên “đèo heo hút gió”. Người đàn bà ôm gió đi vội, sau lưng khoảng cách không xa, người đàn ông đứng tuổi âm thầm đếm bước, theo chân nàng, tiếng giày gõ lên nền xi-măng nghe rõ. Cả hai đã vào phòng khách phi cảng. Họ tìm chỗ ngồi. Giờ đây mới nhận ra người đàn bà đó không phải già, khoảng chừng 30 ngoài, ăn vận thời trang cho nên trông trẻ hơn ra, nàng vuốt lại tóc, đặc xách tay lên đùi, trầm ngâm nhìn thẳng phiá trước, vài phút sau khách tứ phương kéo đến mỗi lúc mỗi đông và huyên náo hơn lúc nàng ở đây. Một người đàn ông lớn tuổi, đeo kính trắng, tóc cắt ngắn, kê đít ngồi cạnh nàng, cả hai điềm nhiên chả phải chào hỏi hay ngúc đầu thân thiện, mỗi người có một tâm tư khác nhau giữa lúc nầy.Nàng có linh cảm như ai đang nhìn mình? Người đàn ông đếm bước theo nàng trước đó, ngồi rút mình trong góc cuối, dán mắt đến người phụ nữ cùng đi trong chuyến tàu điện hôm nay. Nàng nhìn hắn và nhận ra tay nầy đứng đợi tàu ở thềm ga chính thành phố trên lộ trình ra phi cảng chiều nay.
- Chắc hắn là khách của chuyến bay nửa đêm? Ý nghĩ vụt qua rồi biến đi. Nàng trở lại trạng thái cũ, nhưng không; hắn không rời đôi mắt cú vọ rình mồi. Người thiếu nữ cảm thấy khó chịu như mình phạm tội, có kẻ theo dõi.Giờ đã điểm; hành khách lần lược trình vé ra sân bay. Phòng khách phi cảng trở lại cô độc và quạnh hiu. Chỉ còn lại một vài người vệ sinh đi nhặc rát và chùi, rửa những quầy hàng. - Ủa; sao người khách kia vẫn ngồi lại đó trong dáng bất động của khách đón đường bay. Phi cảng giờ chỉ có hai khách đợi, không biết họ đợi chuyến bay nào. Phụ nữ làm vệ sinh người Ấn độ, luồn chổi quét dưới chân nàng với cử chỉ bình thường lặng câm. Nàng đứng dậy, thẳng đến toi-lét, phút sau nàng mạnh dạn tiến đến người đàn ông theo đuổi nàng. Nhìn vào mắt người lạ.
- Xin lỗi ông là ai? Mà theo dõi tôi từ cả buổi hôm nay? Người phụ nữ nói.
Người đàn ông ngồi im không nói, mỉm cười, với đôi mắt thân quen làm cho nàng thêm ngạc nhiên. Đang rối trí; tưởng đến đây cảnh vắng người thưa thì may ra khuây khoả được phần nào, ngờ đâu lại gặp phải cảnh nầy, quả là xuất hành gặp giờ “tứ ly” tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Nàng hạ giọng nghiêm khắc.
- Xin ông vui lòng đừng nhìn tôi với đôi mắt như thế. Tôi không quen ông và ông là ai? Hình như ông muốn tang chứng điều gì? Xin ông! Người phụ nữ nói.
Hắn ngồi im không nói chỉ mỉm cười. Lần nầy hắn cười thỏa mãn như chụp được ý nghĩ của kẻ đối thoại, hắn tự tin. Đứng dậy, vuốt lại tóc và nhìn đăm chiêu vào người phụ nữ, lại mỉm cười không nói cái sự chần chừ của hắn càng làm cho người đối diện thêm nghi ngờ. Người phụ nữ quay gót bỏ đi như giận lẫy phải cất lời với loại người lãnh đạm, thờ ơ vô cớ như thế. Nhìn vào sắc diện của hắn, nàng không sợ. Dù ở đây không có một ai đứng ra can thiệp cho nàng.
- Nậm phải không? Người đàn ông nói.
- Xin lỗi ông; hình như ông gọi nhầm tên ai? Thiếu nữ nói.
- Quên rồi sao? Người đàn ông nói
Nàng chới với; bởi không thể có điều đó xẩy ra đột ngột như thế, Nậm tưởng cái tên ấy đã chôn vùi theo tháng năm, nàng có cảm giác như ai quật mồ.Tính thanh minh cái danh xưng để xoá đi cái ý tưởng của người lạ mặt nhưng lại thôi. Nậm hay Lynda cũng chẳng thay đổi được gì; chi bằng cứ đối diện với sự thật và biết đâu trong sự tình cờ nầy là một hoá giải cho nàng. Lynda hồi hộp đợi chờ.
- Không; tôi không nhầm. Người đàn ông nói.
Cái xác quyết của gã làm cho nàng sợ về hành tung của mình trước đây và những gì sắp xẩy ra trong đời nàng; Lynda rơi vào thế chẳng đặng đừng, không thể dối lòng, không thể chạy trốn dù quá khứ hay hiện tại, tất cả dưới ánh mặt trời, trong phút chốc trực diện với người lạ mặt, qua cử chỉ, lời nói làm nàng trở về với ký ức. – Hình như mình đã gặp đâu đây. Có phải thế không nhỉ? Lynda hồi cố nhưng vẫn không rõ hành trạng của người nầy. Rút cuộc Lynda thở dài với cuộc đời đã đi qua trong đời nàng. Tự nhiên Lynda cảm thấy gần gũi với người lạ mặt và can đảm hơn. Nàng đổi giọng và dịu dàng đặc câu hỏi.
- Anh có thể sơ lược vài điều về anh ? Và do đâu anh biết tục danh của tôi. Lynda nói.
Người đàn ông vui lên trong lòng và cảm thấy như ai mở khoá cho mình,cúi đầu đứng lặng như phút tưởng niệm chiến sĩ trận vong, Lynda thì nôn nao, bồn chồn như muốn biết ngay, biết rõ sự thể nó đi về đâu. Hắn ngước nhìn Lynda như hối tiếc, như bị đánh mất vật qúi; mà thực ra chưa một lần ghi dấu, nhưng không; kỷ niệm tuổi nhỏ vô tư nên khắc ghi dễ dàng, làm sao quên được.
- Tiến đây! học trò cô Hạnh, lớp 10 trường Phổ Thông cấp I, Huyện Lưỡi Cày. Nậm còn nhớ không? Buổi học cuối mùa hè năm ấy Nậm khóc khi chia tay tôi. Đó là kỷ niệm khó quên trong đời tôi. Người đàn ông nói.
Ngọn gió ở ngoài chạy ùa vào phòng đợi phi trường làm tóc Lynda bay ngang qua mặt, rối bời, đôi chân nàng đánh khớp trong ống quần, gây cho nàng cảm giác lạ lùng, Lynda bàng hoàng khi nghe về miền quá khứ xa xuôi đó. Không tưởng tượng nổi, cái xa xưa, mất hút thế mà còn đọng lại trong trí nhớ của Tiến và tại sao lại gặp gở ở chốn nầy một cách kỳ ngộ đến thế ? Lynda đứng, ngồi trong thế trầm tư, đôi mắt mơ hồ nhìn về cõi xa xăm kia …
Chuyến tàu điện đưa họ về thành phố qua tới nửa đêm. Sanh hoạt về đêm đã loang dần, nhường chỗ cho ngày mai sắp tới.
Sáng hôm sau; mặt trời vượt qua mấy cao ốc, rót xuống một thứ ánh sáng lóng lánh dội vào cửa kính. Tiến còn nằm trên giường với ý tưởng đêm hôm qua gặp Nậm ở Phi trường. Bỗng điện thoại reo.
- Alô! Tiến đây. Được rồi; đến ngay .
Lynda ngồi đợi Tiến. Tâm hồn nàng cảm thấy hứng khởi hơn lúc nào. Sau hơn 20 năm định cư ở đây, sống bên mẹ và người cha kế, sau khi Lynda ly dị chồng người bản xứ. Cảnh tình đó không làm cho nàng hạnh phúc mà ngược lại gây thêm đau khổ. Lynda muốn thoát ly.Thân; người cha ân nhân của mẹ con Lynda không còn là ân nhân mà trở nên ân oán.Thân có đôi mắt “dzê” với Lynda từ lâu nay. Đó là nỗi buồn ở phi cảng Thiên Lý đêm hôm qua. Không ngờ gặp Tiến giữa lúc nầy như phép lạ. Xoa dịu những uẩn khúc trong người nàng.
- Ăn sáng chưa? Lynda nói.
- Cho tách cà phê đen. Tiến nói với người hầu bàn.
Cả hai đem tâm tình viết lịch sử, không thiếu một chi tiết nào.Kể hết như trút niềm đau. Tiến còn độc thân, chàng luôn luôn cảm thấy đời mình như lạc bước giang hồ, tứ cố vô thân, tất cả chìm dưới lòng biển cách đây cũng gần 25 năm. Còn lại mình Tiến giữa chốn phong ba. Đôi mắt Lynda ướt đẫm. Họ nhớ về một mùa hè đã qua, chắc khó tìm lại được ở một nơi không bao giờ có mùa hạ ấm.
Ngoài trời ngọn nắng tháng năm không nồng lắm, da trời xanh lơ lơ nhưng không phải màu xanh của ngày nào. Họ mơ về lại chốn xưa …

III.
Từ ngày vợ chết, ông Hai trở nên tuyệt vọng, chả thiết gì về đời sống, sống lủi thủi một mình, bửa ăn, bửa nhịn, cứ nhớ về tình xưa với vợ hiền. Nhiều lúc ông đi lang thang ở ngoài phố chợ như chó ốm kiếm thức ăn thừa. Ông đi thơ thẩn, nghĩ suy và đâm ra thương nhớ vợ. Ông rươm rướm nước mắt. Ông nghỉ hưu được hai năm sau cái chết của vợ. Khi hai vợ chồng bên nhau là đã sắp xếp kế hoạch về già của hai người. Ông Hai hơn vợ đâu chừng hai tuổi thì khoảng cách để hợp nhau ăn hưu cũng không xa. Hai đứa con; Thuận trai đầu và Châu gái út, cả hai đã lập gia đình. Hai ông bà cảm thấy tự do cho tuổi xế chiều và mong sao thụ hưởng trọn vẹn trước khi về với ông bà. Hai vợ chồng ông Hai tính như thế cũng hợp lý, “cày sâu, cuốc bẫm” ở xứ người lao lực lắm, không nhẽ tới tuổi, bó tay không thụ hưởng để đền bù cái giá ra đi ngày nào. Do đó hai ông bà mong được hồi hương sống và chết cho gần mồ mả cha ông. Nhưng mộng chưa thành thì bà bỏ ông ra đi một mình. Ông Hai ngồi nhìn trời mông lung như chó tháng rưỡi, ngơ ngáo! Giờ ngồi ăn cục thịt cũng không vui. Ông thường tâm tình với bà điều đó, nhưng giờ đây tâm tình với ai. Rõ khốn! Cái xứ nầy ngó thế mà bạc, cảnh đời đổi ngược; cha mẹ ở một nơi, con ở một nẻo, may mà bọn chúng thỉnh thoảng ghé thăm cái thân già, nếu mà chúng quên thì cũng đành chịu, kêu ai bây giờ. Ông Hai nhìn sự thế mà buồn cho phận mình.
Ông Hai quyết định đi thôi. Ông đi để thoả mãn hai điều ước, điều thứ nhất là thực hiện giấc mơ cho vợ. Điều thứ hai, ông đi như chạy trốn khỏi bốn bức tường, trốn khỏi cái đám con tây hoá của ông. Cho nên ông gói ghém cái tài sản còn lại về thôn Trầu, huyện Lưỡi Cày làm cái chòi để dung dưỡng cái thân già với bà con nội ngoại. Nhớ lại; Tư Thông đâu có hướng ra đi để thoát thân như mình, cái thời đó giả không có một đồng dính túi, giờ đây có mấy sào đất, cửa nhà vẻ vang, thịt da đỏ rực, phè phởn so ra mình đâu có đáng gì. Thôi kệ; đã ước thì phải làm thôi. Ông Hai tự ái lắm. Cuối cùng ông mon men về định cư gần biển; cái đó vợ ông cũng thích lắm. Mỗi lần nghỉ phép là đòi đi tới vùng biển để phơi nắng, hứng gió. Biển quê thì giá nào cũng rẻ, tha hồ ăn tôm tươi, cá sống. Chơi kiểu Nhật Bổn sống thọ và nhàn hơn ăn thịt nặng tiền. Ông Hai ngúc ngắc cái đầu đắc ý. Cái chuyện nghỉ dưỡng già ở thôn Trầu coi như bỏ, ông tập trung về bãi Ruốt có người bà con bên vợ ngụ ở đó, có bề gì cũng dễ dàng cho ông.
Mụ Chót; chân đi khập khiễng ra đón ông Hai ở ngõ tre, miệng mụ móm,tay chân run rẩy trông yếu tệ, đôi tay gầy guộc nắm tay ông Hai hoan hỉ và nở nụ cười chân tình, con chó vàng ốm dơ xương đứng cạnh bên mụ Chót ve vẩy cái đuôi, trong gian bếp có một phụ nữ đi qua đi lại, phóng mắt nhìn ra ông Hai và mụ Chót như thử lắng nghe điều gì. Hai người chậm rãi bước vào căn nhà lá, ngọn nắng trưa xuyên thủng mái lá, tạo thành tia nắng thẳng nghiêng như đèn chiếu trên sân khấu . Thôi; cháu mụ Chót thả cái ấm chè nhôm với hai cái chén ăn cơm lên chiếc ghế gỗ, đoạn ngoảy lưng đi ra ngoài sân nhà. Đứng trước tình cảnh nầy ông Hai đượm nét suy tư lên đôi mắt, ông đưa mắt nhìn quanh,ngồi lặng yên không nói, mụ Chót rót nước mời ông Hai. Nhưng ông không khát.

Ở lại thăm quê nhà đâu được ba tuần, ông đáp chuyến bay khứ hồi về lại quê hương thứ hai, nơi mà vợ chồng ông Hai sanh ra hai người con và nay ông đầy đủ bộ sậu, con cháu đề huề.
Ông quay về để tiếp tục hành trình của kẻ tha phương, thường đi lang thang để tưởng nhớ người vợ bất ngờ gặp lại trên đất người vào một buổi chiều ở phi trường Thiên Lý ngày nào. Nhớ một mùa hè đã qua …

VÕ CÔNG LIÊM (ca.ab. mùa sen 5/2011)

Thứ Năm, 19 tháng 5, 2011

Thơ Từ Hoài Tấn

HỒI ĐẦU


Hôm về đứng ngoài cổng
Hiên xưa trăng quên treo
Hoa bông còn mấy nụ
Cười nỗi lòng trong veo

Tóc người pha sắc gió
Phiêu du và bềnh bồng
Tấm tình ai để ngỏ
Ai bước về hư không

Người em không hò hẹn
Mây dừng bước ngang trời
Mùa không về trên bến
Mong lòng ai xa khơi

Em xa như năm tháng
Mỗi lúc mỗi khuất dần
Ta không về thầm lặng
Mối tình như triều dâng

Cầm tay rồi xa ngái
Mơ rồi bên viễn xưa
Em xa vời như thể
Mênh mông thời gian đưa

Thơ thẩn chiều hôm ấy
Lãng tử đã vu hồi
Dặm ngàn xuân đong đẩy
Trắng trong lòng tinh khôi

Hôm về ngần ngại nói
Người năm xưa có quên
Trải tình ta trên lối
Bước chân người có êm

Ngày mai khi mây trắng
Cũng là tinh nguyên sơ
Về gặp người một bận
Lòng ta cứ thẩn thờ

TỪ HOÀI TẤN

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2011

Thơ Hoàng Lộc

khi rất nhớ Sài Gòn

nơi tôi ở bắt đầu mưa tháng hạ
mưa rơi tôi bỗng nhớ quíu Sài Gòn
tóc em vàng tóc em nâu cũng vậy
cầu chứ Y rồi nước có đầy sông ?

tôi với phố - ôi phố người vắng gió
ướt vai tôi, mưa ướt cả vai chiều
tôi vẫn bước những bước đời mỏi rã
và nghe tình cũng quá đỗi mòn hao

em nơi ấy mưa có về tháng hạ
lòng rối bời toan tính bán và buôn ?
tôi mơ đón chờ em qua góc chợ
dẫu trễ tràng bữa ghé lại Chánh Hưng

tôi đang đứng giữa phố người - ướt áo
vì thương em tôi rất ở Sài Gòn.

17-5-2011

Thứ Ba, 17 tháng 5, 2011

Nơi cư trú của nhà thơ



KHỔNG ĐỨC dịch






Trong Eupalinos, Paul Valery thay lời Socrate nói rằng: con người sống đời đều có một cái nhà và một tổ ong. Hình ảnh ấy thoạt nhìn rất đơn giản. Cuộc sống con người được thiết lập bằng những động tác và yên tĩnh., định vị và lưu thông. Chúng ta đi và đến, giữa cái bên trong và bên ngoài. Dục vọng xua chúng ta ra ánh sáng như bầy ong trong đồng cỏ xanh để thu thập đủ thứ; tư tưởng lại đòi hỏi chúng ta hãy bám trụ vững chắc. Chúng ta ở trong một cơ chế, một thời kỳ có lịch sử, chúng ta tích lũy những kỷ niệm, bảo tồn những kiến thức, chúng ta tạo một hình ảnh, một tiểu sử, một thân phận,; nhưng rồi thời gian mang chúng ta đi và thường là xóa nhòa chúng ta. Trên thực tế, mối liên hệ giữa con ong và cái nhà rất phức tạp. Nó không phải chỉ là hai khía cạnh, hai định đề đối nghịch như bên trong với bên ngoài, hay phút chốc thoáng qua và sự bền bĩ kéo dài.
Nếu còn khát khao nơi cư trú, sự xây dựng và thiết lập, chính là vì nó có ý thức sự tạm nợ.Và nó không yên tâm ở trong một căn phòng, đó là vì cơn sốt của di động, nó là sự phản ứng và phản bác lại mối lo âu chết chóc. Hãy cho rằng hai khía cạnh chỉ là một, và ở yên là điều kiện của chết chóc, với chúng ta cũng giống như đi và ở. Mỗi người tự mang trong người ngôi nhà tự động, nó là giấc mơ hay là tư tưởng. Mỗi người luôn luôn quanh theo hướng từ ngoài vào trong, hay phóng chiếu về hướng nội tại của bản chất thế giới. Trên mặt đất con người không được chấp nhận như cây cỏ, cũng không được bay lượn như côn trùng hay chim chóc. Nó không phải là con vật cũng không phải là Thương Đế, nó chiếm tất cả sự vật trong môi trường. Nó cư trú trong thế giới với sự diễn xuất và biến đổi, và nó muốn để lại dấu hiệu vết tích của nó trước khi tan biến, chính vì vậy mà nó có ý định cư trú ở đó.

Cuối cùng thì thi nhân cũng chỉ là một con người như những kẻ khác, có thể sành sõi lão luyện. Có thể nói là sành sõi lão luyện trong bước đi khập khễnh giữa bên ngoài và bên trong, sử dụng ngôn ngữ như cái nhà tự động, ở đó vừa di chuyển vừa cư trú. Tả tác là giải pháp đặc biệt để gia nhập thật chắc chắn vào hoàn cảnh chia xẻ của chúng ta. Tả tác là cử động cũng như tự cố định. Ngôn ngữ nhặt lượm những dấu vết, những kiến thức trầm tích, duy trì những cảm giác thoáng qua. Nó mở những căn phòng ký ức, thậm chí cho tiếp cận với những bảo tàng, những thư viện, nó là những tác phẩm khác xuyên qua đó mỗi người tự xem lại cuộc đời của chính mình. Vậy ngôn ngữ là nơi cư trú của số phận chúng ta. Nhưng cũng trở thành sự lưu thông, sự náo động ở trong thơ, những phù hiệu ấn ký thành nhịp điệu và để lại những hoạt động của tất cả sự hiểu biết và thời gian đặt để trong chúng ta.
Platon từng định nghĩa “nhà thơ giống như sự vật nhẹ nhàng, có cánh, có tài, cảm hứng có khả năng nói được đủ thứ. Có thể nói như một con ong, bằng mọi thứ tạo ra mật. Giống như con ong cũng di động chăm chỉ, nhà thơ ra ngoài ánh sáng. Lui tới trên những đối tượng trong những sinh vật, rồi lại quay về trong cái tổ tối tăm là phòng văn của nó, ở đó nó cặm cụi với bình mực, với sự tối tăm, biến những phấn hoa tình cảm thành một thứ mật người đời gọi là Thơ.
Mallarme đã viết trong bài Divagations ( lời vớ vẩn) những câu:
Bình mực thủy tinh như một ý thức
Tùng giọt , trong câu ca, chỗ tối tăm tương đối
Có cái gì như là: múc ra, nó tránh ánh đèn
Những câu thơ tạo ra là những ngôn từ mỏng manh, với những bức tường mái nhà, những cửa sổ mở toạc ra cho chúng ta ở xa. Nó cũng là những mái nhà, những con ong. Nó có phận sự tạo ra những khu vực, những bộ phận thành hình cho chúng ta.

Thi nhân thường thay đổi tư thế. Trước tiên là người đi bộ, như Orphee chạy nhảy ở đồng quê, như những người hát rong, hay những nhà thơ phương Bắc đi khắp các nẻo đường, như J. J. Rousseau từng xuyên qua núi Alpes, hay lê lết như Rimbaud đau thương với đôi giày mòn vẹt trên đường…Tiếp theo là con người giam mình trong phòng căm cúi như Mallarme truớc trang giấy trắng trong , hay tự giam mình như Baudelaire, một giờ vào buổi sáng để viết đôi vần đầy cảm xúc hầu chuộc lại một ngày qua đi.
Xuyên qua hai hình ảnh, con người đi bộ và con người trong phòng , đó là hai quan điểm thơ đối nghịch nhau, một bên ưu đải và cảm hứng từ thiên nhiên; một bên ưa chượng sự kham khổ từ công việc và ngôn ngữ. một bên khoáng đảng tưởng tượng, một bên ẩn náu trong thâm cung định mệnh.
Nhưng sự tương phản như thế rất là đơn giản. Nó không hiểu rằng tất cả thực tại nằm trong sự cà thọt chân thiết giữa bên trong và bên ngoài, giữa sự gần gũi và xa xôi, đó là chữ viết (văn tự). Trước khi chạy khắp đồng quê khóc lóc, Orphee đến với người chết, trong những nơi nghĩa địa tối tăm. Vể những kẻ hát rong thời trung cổ, họ sáng tạo những bản trử tình tao nhã, chính là gắn liền với sự phục vụ triều đình. Cuối cùng Rimbaud, một chân chống đở với con tim, ghi khắc bên lề đường là nơi cư trú, hay thiết lập những trà đình xanh để viết những vần thơ dài dòng. Tất cả thơ có thể nói là một cuộc hành trình hay chốn dừng chân, một mảnh ngôn ngữ xao động nhịp điệu nhưng cố định trong một hình thức, một mẫu người lay động , một mẫu người căm cúi.
Khí nào có thơ và thơ ở đâu? Nơi cư trú được thiết lập như thế nào, ở đó có sự quân bình cuối cùng là gần và xa.
Nhìn kỷ hơn thì không có gì là khác giữa cách thế cư trú quen thân giữa nhà văn với hình thức những bản văn của ông ta. Những thơ của Mallarme giống như phòng khách của ông (salon) ở đường Rome, cũng với những bức rèm, những tấm gương, những chén bát, những giá đèn, trò biểu diễn của những tấm kiến với vô số những phản ánh, những đỉa tàn thuốc của mỗi thứ ba… Đó là môt vũ trụ kín đáo và đồng phản xạ.. Thơ của Verlaine thì lẩn trốn bệnh viện bằng các quán cafe hạ cấp, từ đó nó không ngừng hé mở ra một khu vườn nhỏ. Tự giao phó số mệnh trong dòng không khí luân lưu, nó đi đây đi đó giống như chiếc lá nổi trôi, không cố định nơi nào.
Trong hình ảnh mà chúng ta tìm thấy trong các bài thơ, chúng ta có thể đồng hóa chúng với những ưa thích đặc biệt như phòng đọc nhỏ của Du Bellay, cảnh vuờn của Ronsard, Charmettes của Rousseau, hồ của Lamartine, cầu Mirabeau của Apollinaire, v..v…Mỗi nơi trong những địa điểm kết tinh thành một tư thế tình cảm hay tinh thần, thiết lập điểm xuất phát hay nơi dẫn đến một ngọn suối, một tài nguyên, nơi tập tành thể dục, một ngả tư, nơi bìa rừng, chốn ngưỡng cửa… Bởi vì bài thơ luôn luôn hỏi han và tái tạo hình dáng, ý nghĩa của số phần, nó không thể đi qua những nơi chốn ở đó định mệnh hoàn thành. Như địa chấn ký, nó ghi chú những rung động trong đầu hay trong tim, nó lay chuyển nơi cư trú mà chúng ta cố gắng lâp lại để chúng ta vạch giới hạn. Nhà thơ là người đương đầu trực tiếp trong ngôn ngữ với ẩn ngữ của thân phận chúng ta. Con người thường bao quanh những sách vở thành một phòng văn hay phòng nghề nghiệp, gần nhất là cái giường để ngủ, cái bàn để ăn uống. với toilette để rửa tay rửa mặt…Phòng văn cũng là nơi của tình yêu và ngủ nghê; ở đó sự ham muốn làm trong bóng tối, và ở đó sự cảnh giác chăm chú theo dỏi nhường chỗ cho vị trí tưởng tượng. Chính ở đó tất cả sự thân mật đổ vào, bên trong cái cơ thể ấy là sự bùng nổ ra ngôn từ, có khi nó lia bình mực ra xa, có khi lại kéo về với nó.
Trong cơ thể ấy là ngôi nhà, nó có quả tim là phòng, và trong phòng ốc có một cơ thể nữa là thi nhân, nó cũng có tâm tạo nên tư tưởng, tình cảm, và mộng mị...Văn tự là sự hàn gắn tâm hồn với cơ thể, sự hiện hữu nhiều con cái. Ở đó cái bên trong và bên ngoài tự khắn khít với nhau. Ở đó cái ngã và cái khác gặp nhau, trên một nấc thềm, và ở đó sự thân thiết dấu kín trong sự bao la, trong gần gũi nhất mà cũng xa xôi nhất.
Bài thơ đến lượt nó phác họa những vẻ mặt và những cơ thể trong cái cơ ngơi của ngôn ngữ. Nó phóng chiếu và vẽ trên bề mặt của trang giấy trắng công trình kiến trúc phức tạp ấy. Cư trú nó là sự đo lường căn cứ theo ký ức. Với nó cái gì thoáng qua trong đời là thiết lập ngay mà không cố định. Những xúc động, những tri thức, những cảm giác đều tìm thấy được khép vào trong một khuôn khổ để chuyển đi, càng hay, nó tạo nên nhịp điệu, hình thành ngay âm thanh và ý nghũa đưa vào tác phẩm, làm dội lại những cảm xúc, nó đã gợi ra. Đó là một thứ ký ức nhưng như một sự kích động cố định.và tái sinh, ký ức của thứ vũ khí làm gạch nối với tâm hồn ban cho vẻ đẹp thoáng qua. Và bài thơ là sự đo lưởng. vì ở đó cảm xúc và trừu tượng tỉ lệ với nhau, như phần của ý niệm và chất liệu. Tất cả đối tượng thực tại dính liền với phi thực. Điểm quân bình tình cờ giữa cái khả năng và không khả năng. Tất cả hình ảnh trong thơ là trạng huống treo lơ lửng giữa ảo tưởng và thực tại. Như thế cái tôi có được phép cư trú trong cái tự ngã mà nó không duy trì được không.Từ cái mê cung ấy mà chế tạo ra đồ bản. Điều chính kích thước của ngôn ngữ nó lãng quên chủ đề, và đối với những hiện tượng mà nó phải xây dựng lại liên tục, nó cố gắng điều chỉnh trạng huống hiện hữu..

Nếu bài thơ là nơi cư trú, thì cũng chính là nơi nó đóng góp thêm vào ngôn ngữ với cách thức như ngôi nhà thêm vào trong phong cảnh. Nó là sự kiện ngôn từ hiện hữu ở ngoài nó, nhưng lại bố trí theo cách khác.. Vật liệu ấy là những từ ngữ, nó kết nối chúng lại tùy theo sự tưởng tượng và nhịp điệu của nó. Một cách ẩn dụ, nó đập vào cửa, vẽ những hành lang, đào những giếng và hầm, mở những cửa sổ, thêm diềm màn, và đồ đạt bàn ghế. Ở đây còn có lắm đề tài, có thể nêu ra tính cách quan trọng, không chỉ có liên hệ đến thi ca, đến vị trí cư trú mà con người tra hỏi, đo đạt xác định, mà là những công trình cấu tạo thực tại hay thuộc tinh thần, nới đó con người hiện hữu đang cư trú. Ở đây còn có đôi người trong số những nhà thơ hiện đại như : Edmond Jabes với đề tài “ tôi dựng nơi cư trú của tôi”; Yves Bonnefoy với bài “ Leurre du seuil ( dẫn dụ của ngưỡng cửa); và Jacques Dupin với bài “ Une apparence de soupirail” ( một cửa nhỏ thông gió)…
Và nếu bài thơ là nơi cư trú cho ý nghĩa, nó cũng là chỗ ở của ngôn ngữ. Một hồi ký và một kinh nghiệm của con người chống lại sự lãng quên. Một ngôn ngữ phải tồn tại mải và mới mẻ, phải đặt vào trò chơi của công việc hình ảnh những kết hợp mới…Chính trong kiến trúc mà Paul Valery mới phúng dụ cho thi nhân trong Eupalinos. Không có tính chất nào mà ông ca tụng về người xây dựng là sai lầm đối với nhà thơ lý tưởng như ông quan niệm : ý nghĩa chính xác về chất liệu. đặc biệt lưu tâm đến những điểm nhạy cảm của xây dựng, biết thấu đáo những bản chất, những tảng khối, có khả năng phác họa phong phú hóa từ viên đá thô thiển của các chất liệu khác nhau. Nhưng hơn cả những chi tiết kỹ thuật – nó hiểu được cả những khái niệm tân cổ điển theo Valery chủ trương- chính là thi pháp hiệu lực của sản phẩm, thừa hưởng của Poe và Mallarme mà Valery áp dụng kiến trúc vào thi ca. Nó thực hiện sự chế biến từ việc này đến việc khác, những xúc động và rung cảm tâm hồn của những người thưởng ngoạn tương lai những tác phẩm của ông. Làm một bài thơ cũng như làm một tòa nhà, phải biết cách phối hợp một cách bác học, và khéo léo theo qui luật và phi qui luật, hầu đặt khán giả, độc giả và người quan sát một sự xúc đông không kiềm chế được.
Nó bày ra trong ánh sáng môt công cụ không thể nào so sánh được, nó dàn trải ra, những hình thể tràn đầy tình cảm, trí tuệ và đầy âm điệu, trong một không gian ở đó tử thần tự di chuyển (trich trong Eupalinos).
Như là nơi cư trú cố định trong thỏi đá hình học, cái đối tượng ngôn ngữ hiện ra như bất động, đó là bài thơ., trồng vững chải trong hình thức mỹ miều có khả năng làm xúc động:
Phải nói như con người của Megare, rằng đền đài của tôi lay động những con người, như lay động những đối tượng yêu thương.
Người ta nhận thấy rằng nhà thơ là khách cư trú luôn luôn biến đổi. Khi nó không còn sức định cư, thì nó đi đến chỗ ở khác, như nó không thừa nhận chỗ ở thực tại, thì tạo một nơi ở ngoài và luôn luôn tìm kiếm một chỗ ở tốt hơn.. Theo Mallarme, bài thơ là nơi cư trú, ở đó có thể tìm thấy vị thế chung là bên ngoài và bên trong, từ xa xôi cũng như gần gũi.. Vì vậy mà Rilke mới viết: với nhà thơ không có nơi nào là chỗ cư trú, nếu không phải chính là ngôn ngữ. Tất cả những chỗ ở khác chì là thuận tiện. Vì ngôn ngữ là khoảng giữa của âm thanh, nó có thể đi qua lại lui tới. Nó tạo những ngôi nhà trong ngôn ngữ, mà không đến được trong thế giới. Nó không như họa sĩ hay kiến trúc gia trực tiếp gắn liền với công việc trong xưởng Vì thế mà Rilke ham muốn sự vững chắc và tập trung của Rodin, nhà điêu khắc:
Nó có cả có ngơi của bóng tối, chỗ ẩn núp yên tĩnh của căn nhà, nó có cả bầu trời ở trên, xung quanh là khu rừng khoảng khoát trước mặt nhà là con sông.
Rilke không có nhà, hành trình đơn giản là luôn luôn gặp gỡ nội tại. Ông mơ màng đến lượt ông trở thành con người của nghề nghiệp. Ông tìm kiếm một trung tâm, một công việc. Ông muốn tự tập hợp lại nơi tự ngã để khám phá cái điều gì là chính xác và phải hoàn thành. Tuy nhiên, Baudelaire lại khẳng định: sự phân tán cũng như sự tập hợp, sự bốc hơi và hội tụ của tự ngã, tất cả là ở đó. Không có cái gì vọt ra ngoài mà không gây tai họa cho nhịp điệu, sự thay đổi, nhịp đập giống hệt như hoạt động của quả tim con người.
Và rồi Rilke cũng viết trong Elegie: “Ở đâu, nhưng vậy vị trí nó là ở đâu- tôi mang nó trong tim tôi”. Nơi cư trú chính của thi nhân là sự cô đơn. Ở đó đặt để những phấn hoa của mỗi ấn tượng, mỗi mầm mống của tình cảm” ở đó cái hiển linh chuyển hóa thành vô hình. Nhà thơ là con ong chính, vì vậy nó tự phóng ra ánh sáng cho đến khi biến thành lý tưởng, lấp lành ánh vàng thiên nhiên, điếu mà Rimnaud hằng mơ tưởng ,muôn dùng hết năng lực của mình áp đảo tất cả ở bên ngoài vào trung tâm tích lũy rồi phân tán. Thậm chí đưa từng găm bản chất từ bên ngoài vào trong guồng máy phức tạp của ngôn ngữ hầu phát ra ánh sáng. Cái điều chính yếu là thi nhân khám phà, nâng cao lên, nó đạt đến rồi lại lánh xa. Cái qủi đạo nghịch lý ấy cuối cùng là đưa ra kế hoạch và được phép dựng lên những búc tường thành nơi cư trú đầy cung kính, mở rộng dành cho tất cả, gọi là THƠ.

Trích từ Thơ và Nhà thơ của J.M. Maulpoix
Khổng Đức dịch (5-2011)

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

Cao Huy Khanh : VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 – 2011:NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

Kỳ 70 – 9.5. 2011 (Trích đăng từ: 1.1.2010

701 - Trần Văn Tuyên
“TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM” ĐẦU TIÊN
Luật sư sinh 1913 tại Tuyên Quang – Mất 1976 ở Hà Tây (64 tuổi).
Nhà trí thức và hoạt động chính trị kỳ cựu và là huynh trưởng hướng đạo chống Pháp nhưng theo Quốc dân đảng. Từng là bạn của Võ Nguyên Giáp, Tạ Quang Bửu, có tham dự Hội nghị Geneve 1954 chia đôi đất nước.
Sau đó di cư vào Nam vừa làm luật sư vừa tiếp tục hoạt động chính trị với chủ trương trung lập hóa miền Nam chống Mỹ đưa quân vào. Có thời gian được mời làm phó thủ tướng, làm trưởng khối dân biểu Hạ viện đối lập với chính quyền Thiệu – Kỳ, làm thủ lĩnh luật sư đoàn Gòn, Chủ tịch Hội Bảo vệ nhân quyền… Bên cạnh đó còn đi dạy, tham gia viết báo, nghiên cứu ngành luật…
Trong biến cố 30.4.1975 từ chối đề nghị của Mỹ đưa đi di tản: “Tôi không phải người đi làm bồi cho Mỹ. Sinh ở đây thì chết cũng ở đây…. Thà chết trong tay của kẻ thù còn hơn sống yên thân trong sự khinh thường của đồng bào, bạn bè….” Tuy nhiên với các con thì cho tự do chọn lựa đi hay ở.
Kết quả bị bắt đi cải tạo ra Bắc. Trong tù vẫn giữ vững khí tiết kẻ sĩ, chỉ chấp nhận viết tự kiểm ngắn gọn: “Tôi không có tội gì với Tổ quốc và đồng bào của tôi cả. Nếu có tội thì đó là tội chống cộng sản, chống thực dân, chống độc tài và bất công.”
Bệnh già trong cảnh tù tội thiếu thốn khiến chỉ một năm sau thì qua đời song cái chết bị chính quyền giấu nhẹm vì biết ông có uy tín quốc tế nên nếu nước ngoài biết sẽ phê phán.
Năm 1977 được tổ chức Ân xá Quốc tế vinh danh là “Tù nhân lương tâm” – người bị tù tội vì đấu tranh cho quyền con người, tự do dân chủ -- đầu tiên của VN
Đến năm 1978 chính quyền mới chính thức công bố với nước ngoài việc ông mất trong trại giam do bị xuất huyết não.
Cả 7 người con đều đã ra nước ngoài tiếp tục con đường đấu tranh cho lý tưởng tự do dân chủ của cha mình.

702 - Trương Như Tảng

CỰU BỘ TRƯỞNG VƯỢT BIÊN
Luật sư sinh 1923 tại Sài Gòn. Sống ở Pháp (2011).
Trí thức hành nghề luật sư ở Sài Gòn theo khuynh hướng cấp tiến chống Mỹ nên năm 1967 bỏ vào bưng theo Mặt trận Giải phóng miền Nam. Nhậm chức Bộ trưởng Tư pháp trong Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam VN.
Sau 1975 về lại Sài Gòn – nay là TPHCM – trong cảnh gia đình ly tán, 2 em trai bị đưa đi cải tạo. Từ đó nhanh chóng nhận ra thực tế không như ý muốn là miền Bắc nắm hết quyền hành thống nhất 2 miền, giải thể Chính phủ CMLTMN. Thất vọng lý tưởng tan vỡ nên đành tìm con đường sớm ly khai.
Năm 1978 theo người anh vợ tổ chức vượt biên đi từ Long Xuyên. Trên đường đi gặp hải tặc Thái Lan, may mà chỉ bị chúng cướp bóc rồi thả cho đi tiếp gặp tàu Liên Hợp Quốc vớt đưa qua trại tỵ nạn Indonesia. Cuối cùng được Pháp cho nhập cư.
Trên đất khách rút vào đời sống ẩn dật ít dính líu gì chuyện chính trị nữa. Chỉ năm 1985 có in cuốn “Hồi ký một Việt cộng” tại Pháp.

703 - Trương Quang Thứ
“NHÀ THƠ ĐỨNG”
Nông dân sinh 1951 tại Nghệ An. Sống ở Nghệ An (2011).
Năm 19 tuổi bị một mảnh bom Mỹ ghim vào chân. Vết thương không trầm trọng song do nhà nghèo không tiền chữa trị đúng mức nên bị nhiễm trùng sinh ra nhiều biến chứng nặng dẫn đến liệt cột sống, lưng không thể cúi xuống, chân yếu bước tập tễnh, đôi khi nằm liệt giường cả tuần.
Để sống còn, rèn luyện ý chí bằng cách tìm đến niềm vui sáng tác văn chương nhờ sẵn có năng khiếu từ thời học phổ thông. Gửi báo các bài viết, thơ văn một số được đăng tải giúp thêm nghị lực phấn đấu vươn lên. May mắn trong một lần nằm viện gặp một cô gái Bắc Ninh sinh lòng cảm mến chấp nhận lấy làm chồng dù gia đình cô phản đối.
Từ đó vợ đi làm hợp tác xã nông nghiệp cả ngày vắng nhà. Chồng ở nhà tự chế ra những đồ dùng, phương tiện phù hợp cho người tàn tật như mình để cố gắng lo việc nội trợ và chăm sóc vườn tược, đến tối rảnh rang mới tiếp tục viết văn làm thơ. Do bị liệt cột sống không thể ngồi được nên khi viết bài phải trong tư thế… nằm hoặc đứng, vì vậy được tặng cho biệt danh “Nhà thơ đứng”!
Đến nay đã in 3 tập thơ riêng, 3 tập in chung không kể nhiều bài đăng báo, được kết nạp vào Hội Văn học nghệ thuật Nghệ An từ năm 1992. Ngoài ra còn thêm 3 “tác phẩm” bằng xương bằng thịt đều là con trai học hành tử tế. Tất cả đều là nhờ niềm đam mê văn chương: “Nếu không có văn chương, người tật nguyền như tôi chết lâu rồi. Văn chương đã cứu rỗi đời tôi.”ø

704 - Trương Thanh Thủy
SỐNG “NGHỊCH CHIỀU”

Doanh nhân sinh 1985 tại Đồng Nai. Sống ở TPHCM (2011).
Học trung học ở TPHCM. Năm 17 tuổi theo gia đình qua định cư ở Mỹ. Tại đây học lên đại học ngành vi tính.
Đang học hành bình thường thì xảy ra một “sự cố” trong gia đình khiến 2 mẹ con bị đẩy ra… lề đường với 2 bàn tay trắng, không nhà cửa, tài sản trong tay chỉ vỏn vẹn 100 USD! Cả 2 mẹ con phải bươn chải kiếm sống trong cảnh tứ cố vô thân ngặt nghèo.
Bản thân phải làm đủ thứ nghề lặt vặt, lao động chân tay ngoài giờ học như làm lao công, phục vụ quán ăn, phụ việc trong chợ… Vừa làm vừa học có lúc đuối sức muốn bỏ học luôn.
May thay sau cùng được nhận vào làm nhân viên bán hàng bán thời gian cho Ngân hàng Mỹ một ngân hàng lớn chuyên lo mời chào khách hàng mở tài khoản. Nhờ cần cù chịu khó, thông minh tháo vác dần dần sau 2 năm làm việc trở thành nhân viên bán hàng xuất sắc của toàn hệ thống ngân hàng này. Từ đó được một hãng bảo hiểm mời cộng tác lương cao hơn.
Song song đó vẫn kiên trì theo đuổi việc học, tất cả cần một nghị lực và sức chịu đựng đáng kể là phi thường “chưa ngày nào ngủ hơn 6 tiếng đồng hồ”. Kết cuộc không phụ lòng người, tốt nghiệp đại học năm 2009 ngành kỹ thuật điện toán.
Đến đó thay vì tiếp tục làm nghề tài chính bây giờ đã có bằng đại học càng dễ thăng tiến hơn thì lại quyết định… trở về VN sống luôn!
Sống ở TPHCM đi đi về về Biên Hòa quê nhà tuổi thơ, nơi mình bắt đầu sự nghiệp kinh doanh mở cửa hàng sản xuất và bán… món yaourt đông lạnh, một loại nước uống làm từ sữa, là “yaourt kiểu Mỹ” gần giống như yaourt đặc quen thuộc với người VN.
Kết quả bước đầu thành công, từ đó mở thêm 2 cửa hàng nữa tại TPHCM. Vừa làm bà chủ vừa tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện như thời còn là nữ sinh trường Bùi Thị Xuân ở TPHCM.
Hoàn toàn bằng lòng với cuộc sống mới phát triển từ cuộc đời một con người đã có một quyết định sống khác người, ngược đời: Ra đi chưa bao lâu – 8 năm - đã vội quay về trong khi có biết bao người ao ước được đi để… đi luôn!
Tự giải thích: “Nước Mỹ cho tôi rất nhiều thứ: Học bổng, cơ hội và kinh nghiệm làm việc, biết cách đối phó với áp lực cuộc sống. Nhưng nước Mỹ cũng lấy đi của tôi nhiều thứ thuộc về tinh thần… Chỉ có ở VN tôi mới có được những thứ thuộc về văn hóa, con người và suy nghĩ của mình cho dù với kinh nghiệm làm việc và bằng cấp tôi dư sức có cuộc sống tốt ở Mỹ… Những hoạt động xã hội, từ thiện tôi có thể tham gia ở bất cứ nơi đâu nhưng làm được điều đó ở VN tôi mới có cảm giác hạnh phúc, thấy được mình thật sự là mình… Tôi sẽ ở đây không đi đâu hết. Ở VN tôi có cơ hội cho riêng mình.”

705 - Trúc Phương

TÀN MẠT VÌ VƯỢT BIÊN
Nhạc sĩ tên thật Nguyễn Thiện Lộc sinh 1933 tại Trà Vinh – Mất 1995 (63 tuổi).
Trước 75 ở miền Nam là một trong những tác giả “Vua nhạc sến” chuyên trị giai điệu bolero ngọt ngào thê thiết tận cùng như “Nửa đêm ngoài phố”, “Tàu đêm năm cũ”, “Ai cho tôi tình yêu”, “Con đường mang tên em”, “Chuyện chúng mình”… Ngoài ra còn mảng nhạc lính cộng hòa vẫn theo phong cách “nhạc vàng”. Đa số đều rất “ăn”với “giọng ca liêu trai” Thanh Thúy.
Sau 1975 quyết chí vượt biên đến cùng nhưng đi nhiều lần đều bị bắt vào tù ra khám liên miên. Khi được trả về thì nhà cửa đã bị tịch thu, gia đình ly tán. Từ đó sống cuộc đời cù bơ cù bất đầu đường xó chợ giống hệt dân bụi đời, ngày lang thang ngơ ngẩn đêm thuê chiếu nằm ngủ bến xe.
Rốt cuộc chết trong tình cảnh thương tâm như vậy.

706 - Trường Sa
NGƯỜI MANG TÊN QUẦN ĐẢO TRANH CHẤP
Nhạc sĩ tên thật Nguyễn Thìn sinh 1940 tại Ninh Bình. Sống ở Mỹ (2011).
Di cư vào Nam 1954 gia nhập hải quân VNCH mang lon thiếu tá từng làm hạm phó tàu tuần duyên mang tên Trường Sa – quần đảo đang trong vòng tranh chấp giữa VN và Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Indonesia - nên lấy luôn tên đó làm nghệ danh viết nhạc “làm chơi”.
Tuy vậy nhiều ca khúc trữ tình mượt mà phóng khoáng ngọt ngào – tất cả ít nhiều đều mang hơi hướng, âm hưởng chung quanh đề tài biển cả và đời lính hải quân – rất thành công để lại ấn tượng sâu lắng gắn liền với giọng ca Lê Thu như “Rồi mai tôi đưa em”, “Một mai em đi”, “Xin còn gọi tên nhau”…
Đến biến cố 30.4.1975 đã theo tàu hải quân VNCH qua đến đảo Guam thuộc Mỹ nhưng chờ mãi không thấy tin tức vợ con qua theo nên trực tiếp xin đại diện Liên Hợp Quốc cho mình theo tàu Việt Nam Thương Tín quay về nước (chiếc tàu này cũng đã chạy qua tận Mỹ nhưng nhiều thành viên trên tàu cho là mình bị “cưỡng bách” đi nên làm reo đòi phía Mỹ cho tàu quay đầu về lại VN, ai muốn về thì về còn ai muốn ở lại cứ ở).
Nhưng về nước chưa kịp gặp vợ con thì bị… bắt đi cải tạo! Qua nhiều nơi ở miền Trung từ Nha Trang đến Nghệ Tĩnh rồi quay lại miền Nam. Đến 1984 mới được trả tự do.
Về nhà mới quyết định đi không trở lại nữa – vượt biên năm 1984. Nhưng oái oăm thay lần này đi không lọt mà bị bắt ở Mỹ Tho lãnh thêm án tù 2 năm nữa.
Ra tù đến 1989 tiếp tục vượt biên một mình lần nữa bấy giờ mới thoát được, qua Canada. Vợ và 3 con đến năm 1992 mới qua đoàn tụ.
Trên xứ người đi làm công nhân công ty ô tô và bắt đầu sáng tạc nhạc trở lại sau 15 năm gác bút. Vẫn phong vị nhạc tình cảm cũ cộng thêm nỗi buồn xa xứ, hoài niệm một đời người như trong “Sài Gòn ơi tôi vẫn còn em đó”, “Những mùa thu trên cuộc tình tôi”, “Giấc mơ nghìn trùng”…
Năm 1996 vợ về thăm quê hương không may bị tai nạn qua đời. Chỉ còn biết ngậm ngùi sáng tác bài “Đường chiều một bóng” tưởng niệm người đã thăm nuôi chờ đợi mình 2 lần tù tội.
Nay đã có niềm an ủi tuổi già với người vợ khác cũng đồng cảnh ngộ vượt biên. Năm 2007 ra tuyển tập nhạc 26 bài khoảng một nửa sự nghiệp âm nhạc “tay trái” của mình.

707 – Tuấn Vũ

“VUA NHẠC SẾN” HẢI NGOẠI
Ca sĩ tên thật Nguyễn Văn Tài sinh 1959 tại Phan Thiết. Sống ở Mỹ (2011).
Năm 1979 một mình vượt biên qua Mỹ.
Trên đất Mỹ ban đầu theo nghề đánh cá, sau chuyển qua làm thợ hàn kiếm sống khá vất vả.
Có sẵn năng khiếu ca hát nên tự tập hát, sau may mắn gặp được Nhật Trường cùng đồng hương Phan Thiết (và Giao Linh) giúp đỡ dìu dắt để bắt đầu bước vào con đường ca hát từ năm 1981. Nghệ danh Tuấn Vũ ghép tên 2 người cháu.
Nhanh chóng vươn lên thành ngôi sao chuyên “trị” loại nhạc sến, nhạc vàng trước 75 (đặc biệt ca khúc của Trúc Phương, Châu Kỳ), được tôn là “Phuợng hoàng nhạc sến” ở nước ngoài. Lên đỉnh cao 1985-1990 thu đĩa một bài lãnh 1.000 USD.
Sự nghiệp thành công vang dội nhưng cuộc đời riêng lại gặp thất bại cay đắng. Lấy vợ gốc Hoa được 8 năm có một con trai 4 tuổi thì bị bên vợ gây sức ép đòi bỏ hát để chuyên lo việc kinh doanh cho gia đình vợ, không chấp nhận nên đôi bên chia tay. Mất mát lớn nhất là mất quyền nuôi con, đứa con duy nhất.
Đã vậy còn bị bạn thân lừa tiền bạc thậm chí lấy cả nhà cửa, rồi hãng thu âm cũng quỵt nợ luôn khiến rơi vào cảnh khủng hoảng trầm trọng phải tìm quên trong men rượu, có khi “chơi” cả ma túy tới mức năm 2006 bị bắt gây scandal lớn. Từ đó phải nghỉ hát mấy năm.
Đến năm 2000 được bạn bè, đàn anh an ủi động viên vươn lên trở lại nghề hát vẫn được ủng hộ tuy không còn bằng thời trẻ trung vàng son. Đã tranh đấu đòi được quyền nuôi con nên đời sống tình cảm không còn hụt hẫng, có ý thức trách nhiệm với con và với cả chính bản thân mình.
Năm 2010 mới quay về quê hương thăm mẹ già còn lại đã 90 tuổi. Nhân đó xuất hiện trên sân khấu TPHCM rất được hoan nghênh. Năm sau lại về tiếp tái ngộ khán giả quê nhà.

708 – Vi Huyền Đắc
THÂN TÀN QUY CỐ HƯƠNG
Nhà viết kịch sinh 1894 tại Hải Phòng – Mất 1976 ở Hà Nội (78 tuổi).
Nhà viết kịch tiên phong của làng kịch nước nhà với những tác phẩm thời tiền chiến đã đi vào lịch sử như “Kim tiền”, “Ông Ký Cóp”…
Di cư vào Nam 1954 chỉ viết thêm vở “Thành Cát Tư Hãn” rồi thôi nhưng có tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật chế độ Sài Gòn (làm phó chủ tịch Hội Văn bút VN, nhận giải thưởng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu…).
Sau 30.4.75 do đã lớn tuổi nên không bị đi học tập hay cải tạo. Thêm vào đó được sự bảo lãnh của người con trai thứ bác sĩ quân y (học trò bác sĩ Tôn Thất Tùng) từng phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ, lúc đó đang dạy Đại học Y Hà Nội.
Năm 1976 thấy bố sống một mình neo đơn (vợ đã mất, con trai đầu thì bỏ ra nước ngoài rồi) nên mới đưa bố ra Hà Nội.
Nhưng không may trước khi đi ông bị té ngã gãy xương đùi nên ra đến Hà Nội chỉ sống chung với con được một đêm rồi phải vào nằm viện được một tháng thì qua đời.

709 - Võ Đại Tôn
TỪ “CHIẾN SĨ PHỤC QUỐC” ĐẾN… NHÀ THƠ

Thường dân sinh 1936 tại Quảng Nam. Sống ở Uùc (2011).
Trước 1975 là đại tá Lực lượng đặc biệt VNCH từng nhảy toán xâm nhập xuống miền Bắc làm công tác tình báo. Năm 1974 chuyển về Sài Gòn làm Bộ Thông tin đồng thời tham gia hoạch địch chiến lược quân sự trong bộ phận thuộc phủ tổng thống.
Sau 75 đương nhiên đi cải tạo. Nhưng chỉ vài năm sau đã tìm cách trốn thoát rồi bí mật đưa cả gia đình vượt biên đến Malaysia, sau đó được Uc nhận vào định cư.
Không chấp nhận sống đời yên ổn, năm 1981 lập lực lượng “phục quốc” quay về nước theo đường bộ âm mưu định chống phá chế độ cộng sản nhưng đã sớm bị bắt ngay biên giới Việt – Lào. Ra tòa lãnh án nặng.
Năm 1991 ở tù được 10 năm 1 tháng 17 ngày (đa số biệt giam) thì được Uc bảo lãnh cho “ân xá” trục xuất về lại Úc.
Từ đó từ bỏ đấu tranh bạo lực, chỉ tập trung đấu tranh chống Cộng bằng các hoạt động đi diễn thuyết, viết sách báo (xuất bản hồi ký 2010). Và đặc biệt in… thơ – bút danh Hoàng Phong Linh - với nhiều tác phẩm như “Hồn ca”, Hành Trình 30 năm”, “Đoản khúc người ra đi” (7 tập)… Chính trong thời gian hơn 10 năm tù, thơ đã góp phần giúp bản thân vượt qua khổ nạn.

710 - Võ Hồng
NHÀ VĂN THEO “PHE” NÀO?
Nhà văn sinh 1921 tại Phú Yên. Sống ở Nha Trang (2011).
Từng tham gia cách mạng thời chống Pháp làm trong ngành giáo dục vùng giải phóng theo cộng sản.
Nhưng sau 1954 ở lại Nha Trang dạy học và viết văn được đánh giá cao mà không bị soi mói gì về hoạt động thời kháng Pháp. Giữ một thái độ chính trị đúng mực không theo phe nào quốc gia hay cộng sản, chỉ viết văn – đa số truyện ngắn – chuyên về tình cảm tâm lý gia đình, xã hội mà tránh đề cập dính dáng đến thời cuộc dù cuộc đời mình từng trải biết bao giai đoạn lịch sử thăng trầm cả dân tộc.
Đến sau 1975, vẫn tiếp tục làm trong ngành giáo dục song việc sáng tác thì hầu như không thấy xuất hiện. Được chế độ mới trân trọng không hiểu có phải vì quá trình tham gia kháng chiến chống Pháp, đã có thái độ “trung lập” dưới chế độ Mỹ - Ngụy hay có giữ mối liên hệ nào đó với cộng sản?
Là nhà văn hiếm hoi ”giữa hai làn nước” mà lại ít bị thời thế chính trị “đụng” tới – dù thời thế đó đầy nghịch lý nghiệt ngã - bởi cách sống và ứng xử khôn khéo trong đời sống riêng. Lẫn qua tác phẩm: Sống trong một chế độ không ưng ý vẫn viết và in tác phẩm, ngược lại sống với chế độ hợp với lý tưởng ngày xưa thì lại giữ thái độ “câm lặng văn chương”! Cũng như ngoài đời là một con người tinh tế nhưng kín đáo đôi khi “khó hiểu”.
Một cách chọn lựa sống và viết khác người, độc đáo giúp mình có thể tồn tại – giống như thu mình lại thầm lặng, khiêm tốn - giữa lòng một thời đại bão tố nhiều xáo động, đổi thay khắc nghiệt tới mức cực đoan quá khích từ những cực đối nghịch khốc liệt.
Cả cuộc đời riêng cũng thế, mất vợ từ khi mới 36 tuổi – kết quả là tác phẩm để đời “Hoài cố nhân” - mà vẫn ở vậy nuôi 2 con thành tài và cho đến nay vẫn chung thủy với nếp nhà cũ hàng chục năm qua từ thời “gà trống nuôi con”.
Năm 2006 từng bị một cơn đột quỵ nhưng may mắn qua khỏi. Để vẫn tiếp tục viết nhờ thư ký riêng chép lại nhưng lại không thấy công bố tác phẩm mới nào!
( Còn tiếp)
http://sites.google.com/site/vanvietloc4/home/ho-so-hau-chien/hshc-70