Thứ Ba, 31 tháng 8, 2010

Rất Huế - Thơ Huỳnh Văn Dung


Giữ chút gì rất Huế đi em

Nét duyên là trời đất giao hòa

Dẫu xa, một mai anh gặp lại

Vẫn được nhìn em say lá hoa


Giữ chút gì rất Huế hiền ngoan

Xin em chớ cắt mái tóc thề

Để cho gió thổi bay suối tóc

Và mùa đông ấm đôi vai gầy


Giữ chút gì rất Huế trang đài

Nón nghiêng, bóng nắng dáng thơ ngây

Gặp anh nón hỡi đừng nghiêng xuống

Cho anh trông mắt ngọc mày ngài


Giữ chút gì rất Huế mặn mà

Dạ thưa, ngọt lịm ai mê say

Em đi gót nhẹ xanh hồn cỏ

Và hơi thở mềm sương khói bay


Giữ chút gì rất Huế đi em

Cánh thơ, áo trắng chấp hai tà

Để vạt lụa bay trên đường chiều

Ngỡ mình lạc chân trong cõi mơ


Dẫu em rất Huế tự bao giờ

Đừng để lòng em như cung điện

Đừng cho anh suốt đời đứng đợi

Trước cấm thành, gọi mãi chẳng ai thưa


HUỲNH VĂN DUNG

Thứ Tư, 25 tháng 8, 2010

Đọc thơ Bùi Giáng



Chào nguyên xuân


Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng

Xin chào nhau giữa lúc này
Có ngàn năm đứng ngó cây cối và
Có trời mây xuống lân la
Bên bờ nước có bóng ta bên người

Xin chào nhau giữa bàn tay
Có năm ngón nhỏ phơi bày ngón con
Thưa rằng những ngón thon thon
Chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau

Xin chào nhau giữa làn môi
Có hồng tàn lệ không đời chưa cam
Thưa rằng bạc mệnh xin kham
Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây

Xin chào nhau giữa bụi đầy
Nhìn xa có bóng áng mây nghiêng đầu

Hỏi rằng: người ở quê đâu
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà
Hỏi rằng: từ bước chân ra
Vì sao thấy gió đàng xa dặm dài
Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa xuân đang đợi bước ai đi vào
Hỏi rằng: đất trích chiêm bao
Sá gì ngầu nhĩ mà chào đón nhau
Thưa rằng: ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân

BÙI GIÁNG
1926 - 1998

Thứ Hai, 23 tháng 8, 2010

Thanh Tâm Tuyền, người đi tìm tiếng nói


Đỗ Lai Thuý

Tôi đi tìm tiếng nói
Cho cổ họng của tôi
Thanh Tâm Tuyền


Thơ, sau 20 năm Đổi mới và Mở cửa, không chỉ có sự đổi mới của chính bản thân thơ, mà còn có cả sự đổi mới của cái nhìn về thơ, tức lý luận phê bình thơ. Trong đó, đáng kể là sự nhìn nhận lại một số hiện tượng cách tân thơ trong quá khứ không xa, mà Thanh Tâm Tuyền là một trường hợp khá tiêu biểu. Từ đỉnh cao Đổi mới, đọc lại Thanh Tâm Tuyền, đặt thơ ông vào nguồn mạch đổi mới thi ca dân tộc, có thể rút ra những kinh nghiệm không chỉ là lịch sử, mà đôi khi rất thời sự, có ích cho việc đánh giá “thơ 20 năm đổi mới” hôm nay.
*
* *
Sinh năm 1936, Thanh Tâm Tuyền thuộc một thế hệ nhà thơ khác với các nhà Thơ Mới về tuổi đời. Và, do đó, quan trọng hơn, khác về học vấn và trải nghiệm. Nếu các nhà Thơ Mới tiếp xúc với văn học châu Âu chủ yếu qua “bộ lọc” nhà trường Pháp thuộc và dừng lại ở cuối thế kỷ XIX, còn ai đó có trèo sang thế kỷ XX thì cũng đã hụt hơi, đọc mà không hiểu, hiểu mà không thấm, thì Thanh Tâm Tuyền tiếp nhận nghệ thuật phương Tây một cách trực tiếp và đồng thời, nên, nhờ thế, tự do và sáng tạo (ý của Đặng Tiến). Nếu các nhà Thơ Mới trải nghiệm cuộc sống một cách thơ ca trên bình yên các trang sách, thì Thanh Tâm Tuyền sống một cuộc sống văn xuôi của cuộc chiến tranh, của chia cắt đất nước, của tranh giành quyền lực. Giữa họ, quả thực, là một đứt đoạn lớn. Trước, ở nhận thức thực tại. Sau, ở nghệ thuật.
Năm 1956, ở tuổi hai mươi, Thanh Tâm Tuyền in tác phẩm thơ đầu tiên của mình có nhan đề như một tuyên ngôn: Tôi không còn cô độc. Có lẽ, cô độc là một đặc sản của cái tôi nguyên tử luận của Thơ Mới. Một cái tôi luôn đối diện, đúng hơn đối đầu, với thực tại. Cái tôi Thơ Mới này, sau khi đã lên tới thiên đỉnh, Ta là Một, là Riêng, là Thứ nhất, với Xuân Diệu, đã không chịu đựng nổi cô độc, nên đã tìm về với cái bọc trăm trứng cộng đồng, hoặc một thời tiền sử hòa đồng nguyên thủy, hoặc những thiên đường nhân tạo liên/ xuyên – cá – nhân, để đến 1945 thì hòa mình vào cái ta xã hội, cái ta dân tộc. Nhưng tôi lại là sự chống lại chủ nghĩa tập thể núp danh cộng đồng, dân tộc, xã hội, đề cao cái cá nhân đích thực. Thanh Tâm Tuyền của Tôi không còn cô độc không còn là sự đối lập giữa tôi và thực tại, tôi đối diện với thế giới, mà lơ lửng giữa tôi và thực tại, tôi hiện diện trong thực tại, tôi là thực tại.
Xóa bỏ khoảng cách giữa tôi và thực tại, cái hố thẳm tư tưởng ấy, là nâng cái nhìn thực tại lên một bình diện mới, một chiều kích mới. Điều này tạo ra một ý thức mới trong văn nghệ. Bởi thế, việc làm đầu tiên là thanh toán ý thức văn nghệ cũ một cách công khai, quyết liệt. Bốn cuộc trao đổi giữa Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Trần Thanh Hiệp, Thái Tuấn… trên tạp chí Sáng tạo hoàn toàn phủ nhận văn nghệ tiến chiến, từ Thơ Mới, tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, tiểu thuyết tả chân Tân dân, kịch nói, đến hội họa ấn tượng và tả thực. Dĩ nhiên, nhát dao chặt đứt tính liên tục lịch sử để tạo ra sự đứt đoạn, ở bình diện cụ thể, bao giờ cũng có những cực đoan, những bất công của nó, nhưng trên bình diện nguyên lý là hợp lẽ. Bởi, đây là sự phủ nhận một quan niệm thực tại như một cái gì đó tự thân, đặc cứng và nhất phiến, nên đứng trước nó văn nghệ hình như chỉ còn mỗi việc mô phỏng, phản ánh, ảnh xạ. Chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa lãng mạn, thậm chí cả chủ nghĩa tượng trưng nữa, ít nhiều đều là con đẻ của cái nhìn thế giới này.
Sự phát triển của khoa học (vật lý thiên văn và vật lý hạ nguyên tử) và triết học đầu thế kỷ XX đã làm thay đổi quan niệm về thực tại. Không còn nữa một quan niệm về thế giới khách quan, tự thân, độc lập với ý thức của con người, mà chỉ có một thế giới do con người (sinh ra) và vì con người (phục vụ) theo nguyên lý vị nhân. Sự khủng hoảng thực tại này khiến người ta phải đi tìm những phương thức biểu đạt thực tại mới, trước hết trong lĩnh vực hội họa. Các trường phái lập thể, biểu hiện, trừu tượng, siêu thực… thi nhau ra đời để đáp ứng nhu cầu này. Văn chương cũng lao vào một kiếm tìm tương tự. Nhà thơ và họa sĩ giờ đây không phải chỉ chơi thân với nhau như những láng giềng tốt, mà vì họ cùng chung một cái nhìn thực tại, cùng chung việc tìm kiếm ngôn ngữ mới để biểu đạt thực tại mới. Tình thơ – họa của nhóm Sáng Tạo, do vậy, khác về chất với tình của các nhà thơ, học sĩ của Tự lực văn đoàn thời tiền chiến.
Cái mới ở thơ Thanh Tâm Tuyền, trước hết, là sự chủ thể hóa thực tại. Bởi thế, thơ ông trình hiện một cái tôi đa ngã. Không phải cái tôi nhất nguyên rã ra thành những bộ phận độc lập. Hay một kiểu sinh sản bằng cách tự sao lại bản mình. Càng không phải sự phân thân. Đa ngã là do đa thể. Bởi, con người vốn đa nguyên. Không chỉ ngoài con người có con người, mà, quan trọng hơn, trong con người có con người. Tôi là người là một người khác (Đừng bắt tôi từ biệt). Cái người khác ấy nhiều khi xa lạ với chính tôi, với chính sự hiểu biết của tôi. Nó đến từ những cơ tầng khác.
Hồn là khởi nguyên tinh thần, xác là khởi nguyên sinh học. Hồn, xác hòa hợp thì con người trùng khít với bản thân, có sự khỏe mạnh của cái cây, tảng đá. Ở Thanh Tâm Tuyền thường thì hồn và xác lìa nhau, tạo ra những cái tôi khác nhau. Tôi luôn nhìn, và nhìn thấy, thể xác tôi bị đau đớn, chảy máu, bị đâm chém với một thái độ dửng dưng.
Vứt mẩu thuốc cuối cùng xuống dòng sông
Mà lòng mình phơi trên kè đá
(Bao giờ)
Nhưng, có lẽ, đặc sắc hơn cả, ở Thanh Tâm Tuyền, là tên và tôi. Cái tên và cái tôi, tự nguồn, vốn là một. Tư duy nguyên thủy cho rằng cái tôi nào thì phải mang cái tên ấy. Tên và tôi, do vậy, vận vào nhau. Nhưng dần dần, với sự phát triển của xã hội, cái tên tách biệt khỏi cái tôi, trở thành một thực thể tự thân, độc lập. Cái tên tôi giữa phố, phố vắng và cái/ tên âm lên sự thù hằn (Đêm). Tên trở thành một ký hiệu, một căn cước rỗng, chỉ thuận tiện cho việc giao thông xã hội. Ở Thanh Tâm Tuyền, cái tên, thậm chí, chỉ còn là cái xã hội bám đầy rong rêu của các quy tắc, định chế, luôn tra xét, đe dọa cái tôi bản năng, tự do, sáng tạo:
Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
Thanh Tâm Tuyền
Buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường
Tôi xin một chỗ quỳ thầm kín
Cho đứa nhỏ linh hồn
Sợ chó dữ
Con chó đói không màu
(…)
Tôi gào tên tôi cho nguôi giận
Thanh Tâm Tuyền
Đêm ngã xuống khoảng thì thầm tội lỗi
Cô bé quàng khăn đỏ ơi
Này một con chó sói
Thứ chó sói lang thang
(…)
Tôi gào tên tôi thảm thiết
Thanh Tâm Tuyền
Bóp cổ tôi chết gục
Để tôi được phục sinh
(Phục sinh)
Như vậy, những cái tôi thơ Thanh Tâm Tuyền, với một vài đơn cử trên, là những thực thể tồn tại tự thân, luôn tranh đấu, giằng xé, thậm chí chém giết nhau trong cuộc đối thoại/ đối đầu miên tục. Con người hiện đại, vì thế, luôn tự mâu thuẫn. Và, cũng vì thế, mà luôn tự thay đổi cái tôi với tư cách là một nhân tố kiến tạo thế giới.
Nếu ở bình diện nhận thức, thơ Thanh Tâm Tuyền là sự chủ thể hóa thực tại, thì ở bình diện diễn ra, thơ ông lại kéo ngôn ngữ về với sự vật. Tức thay đổi quan niệm về ngôn ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ nghệ thuật. Với Ferdinand de Sanssure, ngôn ngữ như một công cụ có khả năng phản ánh trung thành sự vật đã trở thành huyền thoại. Nhưng cũng từ đây, ngôn ngữ, với bản chất tự trị của nó, ngày càng xa rời sự vật, thậm chí quy định lối nhìn sự vật. Bởi thế, từ và vật ngày càng đối lập với nhau. Thanh Tâm Tuyền đã kéo ngôn ngữ về với sự vật, nhưng không phải để phản ánh sự vật, mà để đồng nhất với sự vật: ngôn ngữ là thực tại.
Ngôn ngữ thơ Thanh Tâm Tuyền, bởi thế, đầy những vật liệu của công nghiệp và thành phố. Thơ Mới, mặc dù là con đẻ của văn hóa đô thị, nhưng chưa thực sự sống thành phố bởi còn bị ám ảnh những hoài niệm thôn quê. Thanh Tâm Tuyền đã bắt được nhịp sống đô thị, cũng là nhịp sống của hôm nay, đương đại. Thành phố trong thơ ông như một công trường xây dựng. Đầy những vật liệu nhân tạo. Tất cả đều dang dở, ngổn ngang, thậm chí hỗn độn. Cái nhìn này về thực tại ảnh xạ vào thơ Thanh Tâm Tuyền. Ngôn từ thơ bị lột vỏ quy ước trần trụi trở về với sự vật thô nhám. Các từ đứng cạnh nhau một cách tình cờ, ngẫu nhiên, làm trật nghĩa nhau. Câu thơ thì bị cắt dòng đột ngột, đôi khi mang tính bạo hành. Bài thơ mang tính thể nghiệm, tồn tại như những khả năng, khả thể. Tập thơ như một hợp tuyển tình cờ, các bài thơ như ngẫu nhiên được đưa vào, ngẫu nhiên đứng cạnh nhau và, vì thế, phát ra những diễn ngôn riêng biệt, như chẳng ăn nhập gì với nhau. Bởi thế, đọc thơ Thanh Tâm Tuyền người ta cảm thấy khó chịu, bứt rứt, bất an, thậm chí phẫn nộ, bởi vì nó không cho ta ngủ yên trên những thói quen sống và thói quen thẩm mỹ, nó bắt ta phải chấp nhận những trạng huống nhân sinh mới mà ta không muốn chấp nhận, để, cuối cùng, giúp ta vượt qua cái thực tại giả tạm, bề ngoài, tìm đến cái thực tại đích thực ở bề sau, bề sâu, bề xa, cái tổng thể mới có khả năng hợp nhất lại cái bề ngoài vỡ vụn.
Con người là một động vật khát thèm cái toàn vẹn, cái đồng nhất. Cho rằng vỡ nát, hỗn độn chỉ là của cái thực tại bên ngoài, người ta đi tìm sự thống nhất ở bên trong, ở chiều sâu: vô thức của phân tâm học, của chủ nghĩa siêu thực, cấu trúc của ngữ học và dân tộc học, siêu tuyệt hay cao cả trong mỹ học… Thanh Tâm Tuyền đi tìm một nghệ thuật khác chứa đựng tất cả những điều trên: đó là nghệ thuật Dionysos hay nghệ thuật đen. “Chúng tôi trả lại nàng thơ, trả lại nghệ thuật cho các người, cho những thi sĩ thuộc dòng đầu bù tóc rối có nghệ thuật rạng ngời vững vàng như thần Apollon. Chúng tôi theo cơn cuồng nộ bi thảm của Dionysos, của cuộc đời hôm nay. Chúng tôi cho các người vĩnh viễn, của cuộc đời hôm nay. Chúng tôi cho các người vĩnh viễn, hãy nhường lại cho chúng tôi hiện tại” (Nỗi buồn trong thơ hôm nay, 1955). Cuồng nộ bi thảm là tính chất của Dionysos, là sự khẳng định cuộc đời hôm nay. Bởi, “sự khai sinh ra bi kịch là một cuộc hoán đảo mọi giá trị” (Nietzsche, Buổi hoàng hôn của những thần tượng).
Sự thống nhất của thơ Thanh Tâm Tuyền còn ở mỗi tập thơ của ông, tôi không còn cô độc và Liên – Đêm – Mặt Trời tìm thấy, cũng như toàn bộ sáng tác thơ của thi nhân trước 1975, có cấu trúc. Khác với phần đông nhà thơ, thi phẩm của họ thường chỉ có bố cục mà không có cấu trúc, thi phẩm Thanh Tâm Tuyền ngược lại, không có bố cục nào cả nhưng lại có cấu trúc. Chính cấu trúc đã tạo ra một lực hướng tâm thu hút, sắp xếp những yếu tố tản mạn, đối nghịch nhau thành một chỉnh thể. Nhưng cấu trúc thơ Thanh Tâm Tuyền là một cấu trúc mở (Prigozhin), hay cấu trúc động. Nghĩa là, nó còn có một lực ly tâm, cũng mạnh mẽ không kém gì lực hướng tâm, khiến nhiều khi cấu trúc trở nên xộc xệch, để cho các từ vượt thoát khỏi hấp lực của trường ngữ nghĩa nguyên thủy đi lang thang ra ngoài tìm những trò chơi mới. Thơ Thanh Tâm Tuyền, vì thế, đi ra ngoài ngữ học cấu trúc của Saussure để đến với ngữ dụng học của Wittgenstein. Tính chất hậu hiện đại, theo kiểu Lyotar, thấp thoáng trong thơ ông là vậy.
Những cách tân theo hướng hiện đại bắt đầu với thơ của Nguyễn Xuân Sanh trong Xuân Thu Nhã Tập (1942). Thơ ông, mặc dù đã phát động một tư duy đứt đoạn, nhưng ngôn ngữ vẫn còn xưa cũ, sách vở, đặc biệt câu thơ vẫn bảy chữ chằn chặn xếp thành từng khổ bốn câu. Rồi thơ tự do không vần của Nguyễn Đình Thi (1946 – 1949) với ngôn ngữ súc tích, giàu hình ảnh tươi nguyên từ thực tế đời thường. So với hai đàn anh trên, thơ Thanh Tâm Tuyền đi xa và sâu sắc hơn. Nhưng cách tân thơ của ông cũng chỉ kéo dài được trên dưới 5 năm, người khác không theo đã đành, mà chính thi nhân cũng không tiếp tục. Sau đó là thơ Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng thời hậu – Nhân văn, một số nhà thơ chống Mỹ và thơ “trẻ” ngày nay. Tuy là những đứt đoạn, nhưng đổi mới thơ vẫn thành một chuỗi liên tục, tạo ra kinh nghiệm lịch sử quý giá cho sự đổi mới thơ hôm nay đang được sự đồng thuận của cả Nhà nước và Xã hội.
Tháng 5 năm 2010
Đỗ Lai Thúy

Thứ Bảy, 21 tháng 8, 2010

Trần Đình Sơn - Người nối quá khứ với hiện tại


Trần Đình Sơn là một nhà cổ học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là các triều hậu Lê, Trịnh- Nguyễn, ông còn là nhà nghiên cứu Phật học và là một cư sĩ đạo tâm.

Tình bạn vong niên và niềm đam mê chung với cổ vật

Trần Đình Sơn từ tuổi niên thiếu ông say mê cổ vật, và khi trưởng thành, niềm say mê ấy đã đưa ông đến với thế giới của "người xưa" như một tri âm, tri kỷ.
Năm 1968, khi vào Sài Gòn học lúc 18 tuổi, Trần Đình Sơn gặp và mau chóng được lòng cụ Vương Hồng Sển, trở thành người bạn vong niên "ruột" của cụ. Tình bạn thâm giao này được xem là hy hữu này trong giới cổ ngoạn Sài Gòn thuở ấy.
Lúc mới chuyển từ Huế vào Sài Gòn, theo học Đại Học Luật, lần đầu tiên Trần Đình Sơn tìm đến Vân Đường Phủ , mang theo hai cổ vật gia bảo để ra mắt cụ Vương Hồng Sển. Ông kể lúc đầu mới gặp, cụ tưởng ông mang đồ cổ đến gạ bán nên chỉ hỏi giá cả để mua chứ không trao đổi giải thích nhiều. Thất vọng và cảm thấy bị xem thường, trước khi từ giã, ông thưa với cụ: "Cháu nghĩ cụ có đôi mắt ngọc để phân biệt đồ xưa vật quý nhưng rất tiếc cụ không xem được người". Tưởng nói cho đã rồi một đi không quay lại, ai ngờ chính câu nói của đứa học trò xứ Huế lúc đó đã làm cho vị học giả cao niên ngạc nhiên rồi thay đổi thái độ và giữ ông lại để tâm tình.
Từ đó về sau, ông thường lui tới thăm viếng để cụ hướng dẫn cho kinh nghiệm thực tế về đồ cổ, bổ sung kiến thức về phong tục tập quán của người dân miền Nam... Ngược lại, Trần Đình Sơn thỉnh thoảng giải thích cho cụ phong tục tập quán ở Huế, lễ nghi triều đình, nếp sống của những gia đình quyền quý xưa hoặc đọc giúp một vài niên hiệu, câu thơ trên đồ sứ cổ.
Giao tình một trẻ một già cách nhau gần 40 năm, nay ông nghiệm lại thấy nhân duyên ấy lâu dài cũng nhờ cụ Vương có mắt nhìn người, có tấm lòng muốn truyền trao cho lớp hậu sinh những điều tâm đắc về cổ ngoạn, đặc biệt là đồ sứ thời Lê Nguyễn.
Cổ vật thuộc về thế giới của "người xưa", ẩn chứa nhiều thông điệp vượt thời gian, không phải ai cũng có thể cảm nhận và hiểu, nhưng ở Trần Đình Sơn dường như có mối giao cảm đặc biệt. Dưới lớp men sứ hay hình vẽ trên cổ vật, ông "đọc" hay giải mã được nhiều điều kỳ thú.
Cổ vật nói chung bao gồm nhiều thể loại, thời đại, xuất xứ... khác nhau, ông phân tích. Rất khó có người am hiểu sâu sắc được nhiều lãnh vực. Ông tự nhận mình chỉ có duyên với loại đồ sứ ký kiểu thời Lê Nguyễn, đơn giản vì được sinh trưởng tại cố đô Huế, được nuôi dưỡng trong môi trường đậm đặc chất liệu cổ điển, tuổi thiếu niên thường rong chơi trong cố cung, lăng tẩm, chùa chiền... Thời đó triều Nguyễn mới cáo chung nên trong các di tích, vẫn còn rất nhiều cổ vật trang trí.
Nếp sống của người Huế còn giữ gìn kiểu cách xưa của ông bà. Chính những con người "tiền triều" đó đã chỉ dạy giải thích cho Trần Đình Sơn nhiều điều về Huế thưở vàng son. Nay nghiệm lại ông thấy chính những bài học truyền khẩu đã giúp cho mình giao cảm được với người muôn năm cũ, nhập tâm để có thể giải mã được những điều kỳ thú ẩn chứa trong cổ vật.

Đi tìm những nét đẹp trong phong tục của người xưa

Chọn "Những nét đan thanh" làm đề tài cho cuốn sách đầu tay về cổ vật, cũng như một triển lãm chuyên về đồ uống trà của người Việt nhiều thế kỷ trước, ông muốn giới thiệu đến những người ham thích cổ ngoạn những điển tích, thơ văn thường gặp trên các loại hình đồ cổ. Điều đó giúp cho họ có căn bản, hứng thú để tiến xa hơn.
Bản thân ông bước đầu sưu tầm đồ cổ cũng được cụ Vương Hồng Sển hướng dẫn và khích lệ nhiều về thú chơi chén dĩa trà ký kiểu. Ông góp nhặt thành một bộ sưu tập tương đối phong phú, mang một không khí "trà đạo" Việt thanh thoát, tinh tế thấm đẫm chất thiền của những nho sĩ, ẩn sĩ đạt tới cảnh giới của sự thanh bình.
Tự nhận "biết mình không có tài hoa để sáng tác thơ văn", nhưng tập tản mạn "Cao Sơn lưu thủy ngộ tri âm" của ông lại nặng lòng cố sự, có nhiều cảm xúc trước cảnh "vật đổi sao dời", phác họa những thú vui tao nhã, những nét văn hóa phong tục xưa... với chất "văn" rất đẹp trong câu chữ. Ngoài những tác phẩm chuyên đề về cổ ngoạn, ông cũng cộng tác với một số tạp chí để công bố những bài nghiên cứu về lịch sử, mỹ thuật, tín ngưỡng hay những tạp văn ngẫu hứng. Cứ một, hai năm gom lại in thành một tuyển tập.
Năm 2009, Trần Đình Sơn lại cho ra mắt cuốn sách gây chú ý và ấn tượng trong giới nghiên cứu cổ vật văn hóa nghệ thuật VN - "Thưởng ngoạn đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn 1802-1945". Cả một triều đại thịnh - suy, văn hóa ẩm thực cung đình, phong cách trang trí nội thất, thư phòng trong cung vua, phủ chúa và cả giới bình dân qua hình ảnh những đồ sứ cổ được ông giải mã.
Điều ông tâm đắc nhất là công bố việc phát hiện những bài thơ Nôm độc đáo của vua Gia Long. Những món đồ sứ sản xuất tại Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Đức thông qua con đường truyền giáo và thương mại đã đi vào cung đình Huế. Điều đó giúp cho chúng ta hiểu thêm về tâm tình của vị vua khai sáng triều Nguyễn, chứng minh sự giao lưu văn hóa mỹ thuật của nước ta với các nước phương Tây. Triều đình không chỉ gửi kiểu đặt làm đồ sứ bên Trung Quốc mà còn đặt làm đồ sứ ở các nước châu Âu.


Nặng lòng với Thăng Long

Là Phó Ban Văn hóa Trung ương giáo hội Phật giáo VN, đặc trách nghiên cứu về văn hóa - lịch sử, kiến trúc Phật giáo, trong buổi nói chuyện tại Viện Goethe ở Paris tháng 4/2004 do Hội thân hữu Pháp - Việt mời, ông đã nêu lên những "nghi vấn" về cổ vật phát lộ trong khu di tích Hòang thành Thăng Long liên quan tới "cổ tự" - chùa trong hoàng cung. Ông cho biết Lý Công Uẩn được nhà chùa nuôi dưỡng từ thưở thơ ấu, khôn lớn lại may mắn được các bậc cao tăng đương thời rèn luyện, dạy dỗ, đặc biệt là thiền sư Vạn Hạnh. Do đó khi khai sáng triều Lý, ông xác lập một triều đại quân chủ Phật giáo để định hướng xây dựng, phát triển đất nước theo tư tưởng Phật giáo.
Đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa xã hội, nhà vua cho xây dựng nhiều chùa tháp to lớn tại kinh đô Thăng Long và khắp các địa phương. Nhờ đó dần dần hình thành nếp sống, tình cảm tốt đẹp trong quần chúng mang đậm sắc thái văn hóa Việt khác với văn hóa Trung Quốc bị chi phối nặng nề bởi tư tưởng Tống Nho. Rất tiếc việc làm theo lý tưởng vì hạnh phúc của số đông, lấy nguyện vọng của quần chúng làm nguyện vọng của mình của vị quân vương về sau bị các Nho sỹ đứng trên lập trường Nho giáo thiển cận phê phán.
Sử quan Lê Văn Hưu viết trong "Đại Việt sử ký toàn thư" rằng: "Ngay sau khi lên ngôi, và dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long vua Lý Thái Tổ đã hạ chiếu xây dựng tám cảnh chùa ở phủ Thiên Đức. Trong Hoàng Thành lập chùa Hưng Thiên, ngoài thành lập chùa Thắng Nghiêm". Như vậy kinh đô Thăng Long từ thời đầu đã có nhiều chùa chiền to lớn". Nếu đối chiều các cổ vật bằng đá, đất nung... được khai quật, phát hiện trước đây tại các di tích Phật giáo thời Lý Trần với các hiện vật được khai quật khảo cổ trong phạm vi hoàng thành Thăng Long năm 2002-2003 thì thấy chúng rất giống nhau về chất liệu, biểu tượng, hoa văn trang trí chứng tỏ thời Lý Trần cung điện và chùa chiền được triều đình chủ trương xây dựng quy mô lớn như nhau.
Điều này khiến cho sứ thần Lê Văn Hưu từng nhận xét: "Lý Thái Tổ lên ngôi mới được hai năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà trước đã dựng tám ngôi chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ và độ cho làm tăng sỹ hơn một ngàn người ở Kinh Đô... Thái Tổ làm gương như thế chả trách đời sau xây tháp cao ngất trời, dựng cột chùa bằng đá, điện thờ Phật lộng lẫy hơn cung vua".
Nhờ cuộc khai quật khảo cổ học năm 2002-2003, chúng ta may mắn tiếp cận được nhiều loại hình cổ vật qua các triều đại. Nhìn ngắm di sản của tiền nhân truyền lại, ông không khỏi trăn trở:
* Làm sao khôi phục được An Nam tứ đại khí, từng là niềm hãnh diện của dân tộc, biểu tượng của văn hóa mỹ thuật Đại Việt đã bị giặc phương Bắc, phương Tây xâm lăng phá hoại: tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, tượng Quỳnh Lâm, vạc Phổ Minh.
* Làm sao giải mã được ý nghĩa chính xác các biểu tượng, hoa văn, văn tự... trên các loại hình cổ vật đã được khai quật để chúng ta hiểu được định hướng của tổ tiên trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt .
* Tại sao những thành tựu về kiến trúc, mỹ thuật trang trí trải qua các triều đại độc lập tự chủ Lý, Trần, Lê càng ngày càng bị mai một. Hoặc nếu gần đây được trùng tu tôn tạo cũng dần dần lai tạp trở thành "nửa ta nửa Tàu" hoặc "nửa Tây nửa ta", nếu không kịp thời chấn chỉnh, có thể đất nước chúng ta đang bị xâm lăng văn hóa mặc dù nhiều người vẫn hô hào trở về với truyền thống dân tộc!

Vật sẽ tìm đến với người ưa thích

Trần Đình Sơn sinh ra trong một gia đình "danh gia vọng tộc" ở Huế, ông cố là Trần Đình Bá, Phó Bảng, Tổng đốc Nghệ An, Thượng thư Bộ Hình triều Nguyễn, rất ham mê sách nên đã để lại gia tài cho người cháu nội đời thứ 3 là tủ sách Phước Trang nổi tiếng thời bấy giờ. Kho sách tại gia nổi tiếng ở TP.HCM hiện thời với những cuốn sách Hán Nôm và sách quốc ngữ, ngọai ngữ .
"Kho sách" tại gia của ông với hơn 7000 cuốn toàn sách quý hiếm rất nổi tiếng ở TP. HCM, song ông cho rằng ở thành phố này còn nhiều tủ sách gia đình quý hiếm, phong phú hơn nữa, nhưng có thể vì nhiều lý do mà chủ nhân chưa chịu trình làng khiến ít người biết. Riêng tủ sách của gia đình ông có nhiều tài liệu lịch sử, văn học, tôn giáo bằng chữ Hán Nôm của tiền nhân để lại. Cụ Vương Hồng Sển cũng tặng ông thêm một số sách quý hiếm thời Đông Dương.
Trần Đình Sơn không được đào tạo chuyên ngành Hán Nôm, mà chỉ theo truyền thống gia đình học hỏi và ham mê từ thưở nhỏ. Sau này ông học thêm qua thơ văn trên đồ sứ cổ hoặc một các bản kinh sách Phật giáo. Ngày nay ngôn ngữ đó cũng là một thứ "cổ vật" - phi vật thể, rất ít người còn ham mê theo đuổi, do đó ông ước mong di sản Hán Nôm của tiền nhân để lại được phiên dịch càng nhiều càng tốt, giúp cho các thế hệ trẻ tìm hiểu lịch sử, văn hóa truyền thống đầy đủ, chính xác hơn.
Là người có tín ngưỡng Phật giáo, ông tin tưởng điều gì đủ nhân, duyên thì sẽ được thành tựu. Ông thường nói với các bạn trẻ rằng: người xưa có dạy "vật thường tìm đến với người ưa thích nó", thế nên ai chú ý sưu tầm các loại cổ vật Việt Nam, tìm hiểu đến nơi đến chốn sẽ phát hiện được những thông điệp của người xưa gửi gắm qua thơ văn, điển tích thể hiện trên các vật dụng sinh hoạt, bổ sung cho việc tìm hiểu lịch sử, văn hóa nước nhà.

HÀ HƯƠNG
http://www.tuanvietnam.net/

Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2010

Chúc mừng sinh nhật Nguyễn Miên Thảo - 19-8-2010


LỜI ĐỂ LẠI CHO CON NHÂN SINH NHẬT 65 TUỔI


Các con sinh ra giữa thời khốn khó
những bữa cơm không có tiếng cười
những bữa cơm độn hoài khoai sắn
tuổi-thơ-trốn-tìm không có món đồ chơi

Cái nghèo khó dạy các con làm được con người
cái nghèo khó dạy các con những điều nhân nghĩa
ba suốt một đời đi tìm lẽ phải
trả giá cuộc đời bằng những đòn roi

Ba vẫn tin đời tươi đẹp vô ngần
ba vẫn tin ngày mai có những điều đổi khác
giữa trăm nghìn lối đi biết giữ mình trong sạch
hãy yêu người người sẽ yêu ta

Rồi có một ngày ba sẽ đi xa
lẽ sinh diệt thường tình ai biết được
các con rất buồn nhưng đừng bật khóc
nỗi đau nào rồi cũng sẽ phôi pha

Ngày ba đi mẹ con như chim lẻ bạn
sẽ buồn thương nhung nhớ đến vô vàn
thôi hãy nén nỗi đau ngày ly biệt
biết đâu chừng gặp lại giữa trần gian

Lời cuối cùng ba để lại các con
hãy biết sống cuộc đời thanh bạch
tiền tài lợi danh đều không có thực
sống thật thà đời sẽ vui hơn

Mẹ các con từng xẻ thịt banh da
dòng sữa ngọt nuôi các con khôn lớn
hãy nhớ ngôi nhà các con đã ở
hãy thuận hòa từ ruột mẹ sinh ra

Cuộc sống các con từ nguồn cội ông cha
hãy khắc cốt ghi tâm lời ba dặn
dù cơm áo dù biển dâu dời đổi
trong tim các con không mất bóng quê nhà

Dù đường đời có trăm phương nghìn ngã
nơi ra đi chính là chốn quay về
cuộc sống này có trăm nghìn dấu hỏi
các con tự trả lời bằng chính các con thôi

Những lời ba để lại các con vô cùng giản dị
như bông hoa mỗi sáng nở trong vườn
hãy chăm bón cho cuộc đời tươi tốt
gỗ mục nào không có dấu trầm hương


NGUYỄN MIÊN THẢO

Thơ Phạm Tấn Hầu


Xứ sở dịu dàng


Mẹ thầm lặng của con ơi!

dòng sông thân yêu vượt bao gành thác

thiết tha giữ lấy lời ru

đưa con tới bờ tới bến


Mẹ ơi con chỉ biết

đằng sau lớp áo vải thô bạc màu thuở ấy là xứ sở dịu dàng

che dấu được người con qua cơn đớn đau thô lỗ

dịu dàng hơn cả sông Hương

dịu dàng cho con vóc dáng

của một người sống để yêu thương

dịu dàng làm chiến thắng của con

trở thành bao dung, giản dị


Và mẹ của con sau nhiều dâu bể vẫn chỉ biết một nụ cười khiêm tốn trên môi

mẹ mỉm cười vì thấy mình còn chỗ đứng

làm bóng râm nho nhỏ cho con

vì cuộc đời mình, mẹ nghĩ

dẫu như chiếc bánh ít oi

vẫn còn đem chia xẻ được

vì giữa đứa con hư và đứa con ngoan

vẫn có chung món quà của mẹ

và mẹ mỉm cười vì còn thấy được trong mắt con có bóng dáng niềm vui


Như mặt trời của những ngày mưa

mẹ sống với việc làm thầm lặng

luồn những đường kim của mình

vào trong tấm áo…

Cho đến lúc sợi chỉ ngắn dần

và nguyệt thực sầm sì choán hết

mẹ lặng lẽ ra đi

để lại trong đêm nhiều nước mắt.


PHẠM TẤN HẦU

Thứ Năm, 19 tháng 8, 2010

HOÀI NIỆM MẪU THÂN

Nhớ Người một dáng năm xưa
Đôi triên gióng gánh chưa vừa trần gian
Ra đi vào giữa mùa Xuân
Hận buồn cách biệt nghìn trùng núi non
Không gặp Người buổi lâm chung
Thương và nhớ cả mịt mùng ngàn năm
Qua đời chưa tới bốn lăm
Mẹ không già để ân cần sớm hôm
Nắng mưa chuyện cũng bình thường
Tháng ngày qua với đau thương mất Người
Bao giờ còn dáng Mẹ tôi
Ngoài sân thấp thoáng bóng Người phù du

Nhớ Người hình tạc thiên thu
Trong bi ai vọng tiếng ru ngàn đời

TỪ HOÀI TẤN

Thứ Tư, 18 tháng 8, 2010

Ý Nghĩa Mùa Vu Lan




LÊ ANH MINH

Khoảng rằm tháng 7, một mùa lễ Phật giáo được tổ chức khắp Đông Nam Á. Ở Nhật gọi là lễ Obon お盆. Chữ Bon này là tức là Urabon, do Nhật phiên âm từ tiếng Phạn Ullambana; Trung Quốc phiên âm từ Phạn ra Hán là Vu Lan Bồn 盂蘭盆 hoặc Ô Lam Bà Na 烏藍婆拏; Việt Nam gọi tắt là Vu Lan 盂蘭.
Nhiều người hiểu chữ Bồn theo âm Hán Việt, nghĩa là cái bồn, cái chậu, mà không ngờ đây chỉ là mượn âm Hán để phiên âm tiếng Phạn (Sanskrit) chứ nó không liên quan gì đến ý nghĩa nói trên. Sự ngộ nhận của nhiều người là vì mùa lễ này tín đồ cúng dường Tam Bảo để cầu nguyện vong linh thân nhân được siêu thoát. Cái bồn là vật đựng thức ăn cúng dường. Nếu hiểu trại như vậy (Vu: cái bát; Bồn: cái chậu) thì không ai giải thích được chữ Lan nghĩa là gì trong ngữ cảnh này (mặc dù nghĩa thông thường là hoa lan). Do đó, để hiểu đúng thuật ngữ này ta phải quay về gốc tiếng Phạn của nó. Ullambana có nghĩa là treo ngược, ngụ ý sự thống khổ của các vong linh đói khát bị đọa đầy (bị treo ngược) nơi địa ngục.
Sự cúng dường Tam Bảo đây cũng là nhân dịp kết thúc mùa An cư 安居 (Vārşika), tức là ba tháng mùa mưa từ rằm tháng 4 đến rằm tháng 7 để tăng ni tu học, niệm kinh và tham thiền liên tục trong tự viện, không bước ra ngoài. Tại Việt nam, Phật giáo Bắc Tông tổ chức mùa An cư từ rằm tháng 4 đến rằm tháng 7 (giống như ở Nhật và Trung Quốc) và Phật giáo Nam Tông tổ chức từ rằm tháng 6 đến rằm tháng 9. Mùa này cũng gọi là Kiết hạ, Trung Quốc gọi là Tọa hạ 坐夏, Nhật cũng gọi là An cư 安居 (Ango), Tọa hạ 坐夏 (Zage).
Như vậy cuối mùa An cư kiết hạ là lễ Vu Lan. Chính thức là rằm tháng 7, nhưng đa số các chùa Bắc Tông đã tổ chức từ mồng một lễ tụng Kinh Vu Lan và từ rằm đến cuối tháng thì lễ tụng kinh Địa Tạng. Bên chùa Nam Tông thì khác, chủ yếu là tổ chức giảng giáo lý lấy ra từ Tạng Kinh, chứ không tổ chức lễ Vu Lan, không sử dụng Kinh Vu Lan, Kinh Địa Tạng, v.v. như Bắc Tông.
Kinh Vu Lan (tức Vu Lan Bồn kinh 盂蘭盆經: Ullambana-sūtra) thường bị ngộ nhận là do Phật Thích Ca (Sākyamuni) viết. Kinh này đầu tiên được Trúc Pháp Lan 竺法蘭 (Dharmarakşa, 266-317) dịch từ Phạn văn sang Hán văn. Các lễ tụng kinh này mãi đến thời Lương Vũ Đế 梁武帝 (tại vị 502-549) mới phổ biến. Có thuyết khác cho rằng Kinh này được biên soạn tại Trung Quốc.
Tập quán cúng dường Tam Bảo để độ rỗi vong linh đói khát nơi địa ngục không rõ bắt nguồn tự bao giờ, nhưng người ta hay liên hệ đến câu chuyện Mục Kiền Liên 目犍連 (Maudgalyāyana), một đệ tử của Phật Thích Ca, hỏi Ngài cách cứu độ mẹ ông hiện là quỷ đói (preta) nơi địa ngục. Phật bảo muốn thế thì phải cầu sự hộ trì của thập phương chúng hội 十方眾會 (tức là tăng lữ). Đó là nguyên do của Vu Lan Bồn kinh.
Như vậy Phật giáo Ấn Độ truyền vào Trung Quốc đã pha trộn với tín ngưỡng gia tiên (ancestor worship) bản địa mà hình thành phong tục cúng dường để độ rỗi vong linh gia tiên bảy đời đang đói khát, đồng thời người ta cũng cúng tế thực phẩm và đốt y phục giấy cho vong linh của thân nhân. Lễ Vu Lan rất phổ biến tại Trung Quốc, Nhật Bản, và Việt Nam. Tại Nhật, cuối mùa Vu Lan, trên các ngọn núi người ta đốt các ngọn lửa xếp thành chữ Hán như chữ đại 大, diệu 妙, pháp 法, v.v. xem như là những ngọn lửa dẫn đường các vong linh trở về cõi âm.
Việc cúng dường cầu xin cho cha mẹ và tổ tiên đã khuất được siêu thoát đã toát ra nét đẹp rất văn hóa và nhân bản của Vu Lan, bởi vì mùa Vu Lan cũng được xem là mùa báo hiếu. Trong nền đạo đức Đông phương, hiếu là đức hạnh đứng đầu trăm hạnh khác (Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên 人生百行孝為先). Chữ hiếu 孝 đã xuất hiện tại Trung Quốc từ thời xa xưa. Những mảnh xương và mai rùa (giáp cốt 甲骨) thời Ân-Thương 殷商 ghi chép lời bói (bốc từ 卜辭) đã có ghi khắc chữ hiếu (theo dạng giáp cốt văn). Hứa Thận 許慎 thời Đông Hán giải thích chữ hiếu 孝 trong Thuyết Văn Giải Tự 說文解字 là: Khéo phụng sự cha mẹ, chữ hiếu 孝 gồm chữ lão 老 (người già; bị lược nét 匕) và chữ tử 子 (con). Ý nói con cái vâng lời cha mẹ già (Thiện sự phụ mẫu giả. Tòng lão tỉnh, tòng tử. Tử thừa lão dã 善事父母者, 从老省, 从子.子承老也).
Như vậy hiếu là nét văn hóa có sẵn tại Trung Quốc lâu đời, trước khi Trung Quốc tiếp thu Phật giáo Ấn Độ. Cách nói thông thường của người Trung Quốc «Dưỡng nhi phòng lão» 養兒防老 (nuôi con để trông cậy lúc tuổi già) đã thể hiện khát vọng chung của các bậc cha mẹ trên thế gian. Đó cũng là mục tiêu cơ bản của giáo dục tại Trung Quốc ngày xưa. Chữ giáo 教 (từ tố giáo trong giáo dục 教育 và tôn giáo 宗教) nghĩa là dạy bảo. Thuyết Văn Giải Tự giảng: Người trên thi hành cho kẻ dưới bắt chước (Thượng sở thi hạ sở hiệu dã 上所施下所效也). Phân tích chữ giáo 教, ta thấy chữ này gồm chữ hiếu 孝 ghép với bộ phộc 攴 (đánh khẽ), ý nói dạy bảo cho người ta đạo hiếu (nếu cần, cũng nên có roi vọt: phộc). Do đó mục tiêu của giáo dục không chỉ là truyền thụ kiến thức (trí dục) mà còn phải dạy cho người ta đạo đức (đức dục), mà trong đức dục thì điều quan trọng nhất là dạy cho con người biết kính yêu phụng dưỡng cha mẹ và tri ân tổ tiên nguồn cội. Một tôn giáo hay một hệ giáo dục nếu bỏ qua yếu tố này sẽ là một thực thể phi nhân bản.
Tam giáo Đông phương đều coi trọng đạo hiếu. Trường A Hàm Kinh 長阿含經 (quyển 11), các chiếu thư khắc trên đá (số 2 và số 4) của A Dục Vương 阿育王 (Aśoka, tại vị khoảng 274-237 tcn), v.v. đều nhấn mạnh sự hành thiện mà quan trọng nhất là kính yêu, vâng lời, và phụng dưỡng cha mẹ.
Nho giáo càng đề cao đạo hiếu qua các kinh điển như: Hiếu Kinh 孝經, Thượng Thư 尚書, Tả Truyện 左傳, Lễ Ký 禮記, Thi Kinh 詩經, Tứ Thư 四書, v.v. Giáo dục con trẻ (tức là khải mông 啟蒙) phải lấy đạo hiếu làm nền và điều này thấy rõ trong các tác phẩm dạy trẻ như: Tam Tự Kinh 三字經, Ấu Học Quỳnh Lâm 幼學瓊林, Tiểu Học 小學, Đệ Tử Quy 弟子規, Tiểu Nhi Ngữ 小兒語, v.v.
Đạo giáo tuy tôn chỉ là tu luyện thành tiên (gọi là tiên đạo 仙道) nhưng không coi thường nhân đạo 人道 bởi lẽ đơn giản: làm người còn chưa xong lẽ nào thành tiên cho được? Trong nhân đạo thì trung và hiếu là trên hết, và đó cũng là gốc rễ của Đạo giáo như đạo gia Lý Thúc Hoàn 李叔還 nói: «Đạo giáo lấy trung hiếu làm gốc, lấy kính trọng Trời-noi theo pháp tắc tổ tiên- gây lợi cho vật-cứu giúp người mà làm nhiệm vụ.» (Đạo giáo thị dĩ trung hiếu vi bản, dĩ kính thiên pháp tổ lợi vật tế nhân vi vụ 道教是以忠孝為本以敬天法祖利物濟人為務). Vì thế có giáo phái của Đạo giáo là Tịnh Minh Đạo 淨明道 lấy Trung Hiếu làm tôn chỉ nên còn gọi là Tịnh Minh Trung Hiếu Đạo 淨明忠孝道 (hưng khởi ở Nam Xương 南昌 Tây Sơn 西山, vào giữa đời Tống và đời Nguyên, thờ Hứa Tốn 許遜 [239-?] làm tổ sư). Các kinh điển Đạo giáo từ Thái Bình Kinh 太平經 đời Hán cho đến Bão Phác Tử Nội Thiên 抱朴子內篇 đời Tấn và cả những sách khuyến thiện (gọi là thiện thư 善書) của Đạo giáo như Cảm Ứng Thiên 感應篇, Âm Chất Văn 陰騭文, Công Quá Cách 功過格, v.v. đều giảng dạy về đạo hiếu.
Xem thế, truyền thống đạo đức Đông phương (gồm những quy luật đạo đức phổ quát dân gian dung hợp với quy luật đạo đức tam giáo Nho, Thích, Đạo) đều coi trọng đạo hiếu. Cho nên mùa Vu Lan không chỉ dành riêng tăng ni và Phật tử tại gia mà còn dành cho tất cả mọi người có dịp nhìn lại bản thân: Cảm nhận thâm ân dưỡng dục của cha mẹ và ân đức khải đạo của tổ tiên; xót thương vong linh thân nhân đang đói lạnh; hành thiện để hồi hướng cho cửu huyền thất tổ được siêu thoát; và nhất là tận tâm phụng dưỡng cha mẹ chu đáo khi cha mẹ còn tại thế.
Nhân mùa Vu Lan, nêu lại vấn đề đạo hiếu là một điều thiết thực, và đạo hiếu được thể hiện không chỉ trong một mùa, mà phải thể hiện suốt cả đời. Một gia đình đề cao đạo hiếu tức là gia đình đó trở thành tế bào lành mạnh của xã hội, là một thành trì ngăn cản mọi tệ nạn của xã hội. Như Hiếu Kinh đã nói, để thể hiện đạo hiếu người ta phải lập thân (nếu không thể tự nuôi thân, lấy gì nuôi cha mẹ?), làm những việc tốt đẹp cho đời để rạng rỡ mẹ cha và gia tiên. Xã hội hiện nay bước dần theo xu hướng đa văn hóa và toàn cầu hoá. Để khỏi lạc nẻo, những người con phải ý thức mình đang đứng ở đâu và làm gì. Những gì đã và đang làm có tác hại gì đến danh dự cha mẹ, tổ tiên, có tác hại xã hội hay không? Sự tự vấn để răn mình này tăng cường ý thức công dân, giúp xã hội thêm lành mạnh.

LÊ ANH MINH
http://www.thienlybuutoa.org/LAM/vulan.htm

Thứ Hai, 9 tháng 8, 2010

Khổng Ðức : Đọc Bông & Giấy (Phần 1: Những Cây Bút Nữ)


Người đọc thơ là người hành hương xuất phát lên đường giải bày
( The reader of poetry is a kind of pilgrim setting out,setting forth)
Wallace Stevens

Tôi vốn là kẻ la cà, sao mà cũng lọt vào nhóm café Bông giấy vỉa hè, bông giấy trồng theo bờ rào, tàn cây de ra đường thành bóng mát, rất thuận tiện việc bán cà phê cho thứ lữ khách nghệ sĩ cà tàng vớ vẩn - nói ngay cho bà con tọ mọ muốn biết - nó nằm ngay trên đường Trấn Quốc Thảo, quận 3, thành phố HCM. Cũng từ quán cà phê này mà có tuyển tập thơ Bông & Giấy do NXB Lao Động xuất bản, mà chủ xị vẫn là những khách cà tàng uống cà phê hay trà đá ở đây. Tuyển tập gồm có 30 tác giả hôm nay - từ Việt răc rối – hôm nay cũng có nghĩa là hiện nay.

Tôi chẳng dính gì với 30 tác giả, nếu có chăng chỉ là hơi hướm cà phê, thuốc lá, trà đá, với đôi tà áo các bà thơ thẩn…, và được tặng sách, nên phải bành mắt ra mà đọc thơ …Thế là tôi phải lên đường làm kẻ hành hương, bởi tôi quan niệm đọc thơ không phải như đọc báo hằng ngày hay tiểu thuyết ba xu (nay là ba đồng, ba ngàn đấy).

Ba chục tác giả trong tuyển tập thơ này là bao gồm đủ già trẻ - từ thế hệ 4x đến 8x, trong đó có 11 nhà thơ nữ, cần khoanh vùng thì đủ cả Nam Bắc Đông Tây ( Bắc 3, Cà Mau 1, Tây nguyên 2, còn lại là Trung và Saigon). Về hình thức thì tuyển tập cũng bộc lộ tính đơn sơ như cơ sở sản sinh ra nó,

Trần trụi không tựa, không bạt, chẳng có phụ bản phụ biết, hình ảnh, tiều sử tác giả cũng không, nói là NXB xuất bản, thực ra ai cũng biết chỉ là cơ quan cấp giấy phép. Chính những tác giả có máu mặt móc hồ bao lo in ấn.

Họ đến họp mặt trong tuyển tập là tự nguyện với nghĩa bạn bè, chứ không phải là cùng xu hướng hay trường phái gì cả, đặc biệt của nhóm Bông Giấy là mỗi người đều có quan niệm và lập trường riêng, chẳng ai giống ai. Họ đến với nhau chỉ vì thích tự do, có chỗ để tán bậy nói bừa, tiêu ma hết ngày tháng. Nhưng chớ thấy hình thức đơn sơ đó mà coi thường, nhất là vội vàng đánh giá, mà phải chịu khó lên đường đi sâu vào nội dung tuyển tập, dù chỉ có 30 tác giả vẫn tỏa lên cái không khí hùng vĩ, cao sâu, thể hiện được tính chất thi ca hiện đại, Họ có thể là đại diện cho cả bộ mặt của Văn học Việt Nam, nó rách nát nó nghèo nàn vắn vỏi, nhưng vượt bỏ những tuyển tập to lớn đồ sộ của Hà Nội, hay cả đám thi nhân dưới cờ của hội này hè kia. Họ cùng thống nhất với quan điểm chung là không quay về với dĩ vãng chiến chinh xa xưa, mà là hướng về tương lai, thể nghiệm và khám phá một chân trời mới. Chân trời đó là cuộc sống tâm linh, không thần thánh, không phúc âm, không tôn giáo, rút lại trong trạng thái bồn chồn lo âu…, dấn thân vào thi ca hiện đại, biết rõ những dụ dỗ và không bị rơi vào những ảo tưởng, họ không còn tin vào đâu kể cả Thượng Đế. Bằng hình ảnh và tình cảm thi ca cáo tố sự dối trá, bài bác hình thánh, chống lại mọi sự sùng bái những hình ảnh…

Họ giống như Claude Vigée tự hỏi và tự trả lời: “ Thơ là gì? Phải chăng là một cuộc lửa trại của một đêm hè đã bỏ đi, vẫn còn âm ỉ bốc khói trên ngọn núi hoang vu.” Bởi vì nó là đối tượng của ngôn ngữ không cam phần thất bại mà tái tạo những mạng lưới ý nghĩa đặc biệt. Thi ca khẳng định dục vọng và lý trí của chúng ta. Nó liên kết, nó phân chia, nó căn dặn. Nó tìm ra đường thẳng của khoảng trống để tiếp tục lia vào đó sự đối kháng về cuộc đời không hoàn hảo. (trích dịch trong Poésie comme l’amour cúa J.M Maulpoix). Nhưng không hề mang tính chất tranh đấu mà chỉ là sự trở về với hoạt động thuần túy của thơ. Nội dung của nó dù không phân chia mà chỉ sắp theo thứ tự mẫu tự A,B,C… vẫn gồm có hai phần: thơ nữ và thơ nam. Nữ chỉ có một phần ba, mỗi người một vẻ, nhưng vẫn mang ý hướng chung là thiên về tình cảm, đi sâu vào cuộc sống nội tâm. Trong khi thơ của nam giới đông đảo hơn, đa phần lại hơi thiên về lý, tuy cũng hướng về nội tâm. Nhưng thi nhân hiện đại không bao giờ rời khỏi thế giới cảm giác, họ muốn kết nối với thế giới ấy bằng một thỏa ước mới, giống như nhà thơ hiện đại của Pháp là Yves Bonnefoy (1923) tự thú nhận rằng cá tính của ông là ở giữa một thứ vật chất bẩm sinh và một thứ ưu tư siêu việt cũng bẩm sinh. Thứ siêu việt ấy nếu muốn tóm bắt lấy nó chỉ có thề là quay về với thực tại. Cái thực tại lại chỉ có trong ẩn ngữ mang tính mờ nhạt và đơn giản, nó giống như cửa ngỏ hé mở của một thửa vườn ở ngoại ô, hay là trong một cơn mưa nhỏ, có một tia nắng cuối cùng sót lại trong lùm cây như bị ngủ quên. (vẫn trích từ Poesie comme l’amour).

Nói cho dữ là để tạo uy phong chứ thơ nữ vẫn có những ưu thế hơn thơ nam, dù họ thuộc thế hệ trẻ 8x, mà tôi cũng có ý là liệt tất cả 30 tác giả vào thế hệ 80, bởi thơ trong toàn tập Bông - Giấy đều làm sau 1980, dù có những bậc thuộc thế hệ 4x. Riêng tôi, người viết bài này lại không nằm trong thế hệ của các nhà thơ, mà là thuộc lớp tiền tiền bối, nói như thế không phải là tự đề cao mình, mà chỉ để nhấn mạnh là tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về những lời nhận xét của mình, bởi tôi tin đó là chân lý. Giờ thì xin trở lại vấn đề, tôi chỉ là người thưởng ngoạn đọc thơ chứ không phải là nhà phê bình. Bởi sự phê bình không đến với thơ, ngay nhà thơ cũng không đến được với tinh chất của thi ca (l’essence de la poésie), cũng như họ chỉ tiến về một địa hạt, ở đó tính chất chính không kết hợp với sự phổ quát mà chính là với nội tâm.

Mỗi nhà thơ đúng nghĩa là đạt đến và khám phá cái vương quốc của mình, không phải bằng những đại lộ gắn đầy những mũi tên chỉ dẫn, nào ranh giới, quán xá, trường học, nhà thương, v..v… mà là những nẻo đường nhỏ đầy gai góc chỉ mở riêng ra cho nhà thơ thôi, trong một thế giới đồng trinh thuần khiết. Nêu ra như vậy là để minh xác một lần nữa vị thế của mỗi nhà thơ, vì đến đây là lúc tôi đọc kĩ một số những nhà thơ tôi quen biết trong tổng số 30, trước tiên hãy nói về phái nữ. Để chúng minh cho lời nhận xét của tôi ở trên là thơ nữ có nhiều ưu thế hơn thơ nam, vậy xin đề cập ngay đến vợ chồng Nguyệt Phạm – Nguyễn Hữu Hồng Minh. Thơ ông có vẻ mênh mông, đi nhiều thấy rộng, ít nhiều mang tính chất triết khinh bạc:
Đại lộ bát ngát, Thơ rác vỉa hè

Do đó tôi không dám đả động đến nhiều mà chỉ nói đến hai bài thơ tình : Con ngựa trời của anh và bài Ẩn từ của bà đủ thấy sự chênh lệch, nội dung của Ẩn từ với những hình ảnh nhẹ nhàng hàm súc kín đáo đầy ma lực hấp dẫn như: Nhân loại như ngoài em ra chỉ còn một người
…..Mình ngã cạnh nhau, những hơi thở vội/ Mùi hương rất lạ
Cuốn tung trái chiều.
……Phòng đói nhau / Nuốt từng thớ da căng….
Trong khi đó ở Con ngựa trời…( Nguyệt Phạm vốn là một trong 5 ngựa trời)
đầy những hình ảnh thô bạo : Đầu bọ thân ngựa
Nhịp vó rướn trên trên đồi hoang nhiệt đới
….Như khi cặp đùi em quặp chặt anh
hoài thai loài buồn sang kiếp khác

Nữ sống nội tâm và chỉ nói về tình thì cũng hợp lý thôi. Vì tình yêu tham gia vào thi ca của cuộc đời, thi ca tham gia vào tình yêu của cuộc đời. Tình yêu và thi ca tự sinh sản lẫn nhau và có thể đồng nhất với nhau… Trong cuộc sống chúng ta luôn luôn đi tìm ý nghĩa; nhưng ý nghĩa không phải bẩm sinh, nó không ở bên ngoài con người của chúng ta, nó xuất hiện ở sự chia xẻ, sự thân thiện, ở tình yêu. Ý nghỉa của tình yêu và ý nghĩa của thi ca là ý nghĩa có phẩm tính cao cả trong cuộc đời. (trích trong Amour,poésie, sagesse của E. Morin).
Ngẫu nhiên sắp tên tác giả theo mẫu tự, Tiểu Anh hóa ra người đứng đầu sổ, mà cũng xứng đáng để đưa lên đầu, vì thuộc thế hệ trẻ 8x, hơn nữa thơ lại thuộc bậc siêu đẳng, bậc thầy cho nhiều người. Chắc là vô tình thôi bài “Câu hỏi thảng 3” cũng được đưa lên hàng đầu. Thật không sao ngờ được một cô gái mới ngoài 20 tuổi đã viết những câu :
Phải chăng chúng mình chẳng bao giờ có thể lớn lên vì oằn trên lưng cõng dăm thằng không lồ và hàng vạn nỗi đau
Anh ra đi tháng ba ……em về soi bóng mình dưới dòng sông một con hủi đầy đủ 10 ngón tay dài thon, nhọn nhưng không thể cầm nắm bất cứ thứ gì.

Nhà thơ vẫn sử dụng ngôn từ để nói, nhưng không phải chỉ với ý nghĩa của nó, mà có thể vượt ra ngoài ý nghĩa đó, nó có tính cách như một thần chú của thế giới. Trong tay thi nhân, sự nắm bắt ngôn từ là một pháp thuật, chứ không phải là logic. Từ đó gây ra cho thơ cái trạng thái gò bó nước đôi, nó không thể thoát ra mà không tự tiêu hủy mình. Thế nhưng cũng có những nhà thơ không cần phải vận dụng pháp thuật gì cả, mà chỉ tận dụng hình ảnh để mô tả cuộc sống tâm linh cũng tuyệt vời; đó là trường hợp của Nguyễn Thị Ánh Huỳnh. Có lẽ chị thuộc thế hệ 5x, làm thơ với chị là tự đối diện và tự nhận chìm mình; chị dã ra mắt bạn đọc nhiều tập tho. từng nhận được các giải thưởng văn học. Đây tôi chỉ trích dẫn một số câu trong đôi bài của Bông - Giấy như Gọi hồn khi sống, Miệt vườn, Mùa hè khóc … lớn lên gặp và iu anh / nhớ anh / linh hồn em ở trong anh….nay ngó vô anh / thấy linh hồn em mất tiêu /.em mần thơ / là để gọi hồn về …em ước hồn thanh rắn…biến thành người đàn bà này…đan bà khác… /hớp hết hồn thiên hạ mà thương ….em là miệt vườn / anh bỏ quên / ngoài cửa sổ ?
….mồ hôi em / là nước mắt mùa hè / mùa hè bật khóc.

Tất cả những câu cuối trong thơ Ánh Huỳnh như có một dư âm, nó bao hàm cái lực lượng thống nhiếp liên hệ đến tất cả. Đó là lực lượng thể hiện sự sinh tồn, là lực “tính linh” tối cao của con người, là sức tưởng tượng nghệ thuật, là “thần tứ”. chính nó tạo ra sự tồn tại của tác phẩm, hay là tính thần bí của nghệ thuật, cũng là nơi phát sinh ra chân lý nguyên thủy: là thi ca.

Trong số các nhà thơ nữ của Bông – Giấy, tôi nể nhất hai người, dù chưa bao giờ gặp mặt và cũng rất ít biết về thân thế họ, đó là Huỳnh Thúy Kiều và Đinh Thị Như Thúy, người ở tận Đất Mũi, người sinh sống ở Daklak Tây Nguyên, Tôi đã viết một bài nhận xét về thơ HTK, bây giờ mới viết cho ĐTNT ít dòng đây. Do đâu mà họ viết được những câu thơ tuyệt vời, như :
Lơ đãng chạm vòm sao vừa chớm
Ngân không dứt nhạc xưa

…. Ào ạt đường về có cơn mưa/ ….hào phóng phục sinh màu lá
Ào ạt cá mòi phập phồng mang thả/ những bọt khí tròn trong suốt
Mơ đại dương xa xa xa ….ngày mai lại quăng mình vào hộp
Cưỡng bức mình một vị trí buổi chiều

Từ đâu mà Như Thúy tạo ra được những từ “ mưa,, buổi chiều, vào hộp, cá mòi (từ cá mòi chỉ dân ở Bình Thuận mới biết), đã hay là những từ thông dụng, nhưng khi đi vào thơ thì mang một áo khoác mới “mưa chảy trôi mà không thanh lọc…dâng lên từ da diết khát nhớ, lớp khói xanh cuộn lí lẽ khóc cười, vừa kín đáo vừa ẩn ức, có lẽ phải làm dân Darlak thời KM mới thấm thía - cá mòi là thứ cá xưa ướp làm mắm xếp lớp chồng chất, ở đây cá như được giải phóng thở ra những bọt khí tròn trong…Cũng như buổi chiều là buổi chiều của vi trí gấn hoàng hôn, chắc chắn là vô cùng ảm đạm, quăng vào hộp là đi vào khuôn khổ, như bị cưỡng bức…Nên thơ ở đây như câu kinh, nhịp cầu, một Phúc âm buồn /cho bình yên người thiếu phụ mắt buồn/…đã đi qua tuổi bốn mươi. Nhưng thơ ĐTNT đâu phải chỉ có thế, còn bao nhiêu tình cảm rạt rào : Thôi anh đùng phủ dụ em….

Giá như em làm vỡ được/ Nỗi đau thập ác trong ngực mình/ Để có thể bắt đầu cuộc đời/ Bằng một màu mắt khác…Nhưng liệu có còn thời gian để bắt đầu/…Có còn thời gian để va đập/ Hởi quả chuông pha lê mỏng mảnh/ Trong lồng ngực buốt đau . Lời thơ biểu hiện sự chân thiết, nó như gởi vào khoảng trống không - cho một người là bản thân tác giả, cũng là độc giả, một khuôn mặt đáng yêu hay bạn bè không quen biết. Tiếc rằng giấy bút không cho phép để viết về ĐTNT nhiếu hơn. Vả lại dưới mắt tôi còn bao nhân tài: Đoàn Minh Châu, Lưu Mêlan, Khương Hà, Chiêu Anh , Nguyễn Thị Hậu…., và các đấng nam nhi.

Bây giờ hãy nói về người đẹp trẻ Hội An Đoàn Minh Châu - người đã tự mình xuất bản tập thơ đầu tay M – N & Z từ năm 2008, đã gây được nhiều tiếng vang. Trong Bông – Giấy in 5 bài thi 3 bài là Lấp lánh lạnh, Một ví dụ cho anh, Mưa tháng chạp đã có trong tập M-N ( em và anh), chỉ có hai bài : Thành phố mùa đông và Mưa lõa thể là mới; cũng là tình yêu, nhưng là tình yêu trinh trắng trong địa hạt tinh thần cũng đáng để ca tụng. Nôi dung vẫn có những câu đẹp :

Những vì sao thay mắt em trìu mến
Và tiếng gió reo mang những nguyện cầu
Trong Một ví dụ cho anh cũng có những câu hay :
Lãng đãng theo các vì sao xa/ giọt nước tan đi trên vành tai
Không khô được nỗi buồn lênh loang đêm…

Cái đẹp của tình yêu ở đây - nói như E. Morin – chính là biểu hiện cái chân lý tự ngã qua kẻ khác hay ngược lại, chính là xuyên qua tha nhân tự tìm thấy cái chân lý của nó. (La beauté de l’amour c’est l’interprétation de la vérité de l’autre en soi, de celle de soi en l’autre, c’est de trouver sa vérité à travers l’altérite).

Nếu ở Đoàn Minh Châu là mùa đông cô đơn đầy mưa gió ướt nhẹp thì đến Lưu Mêlan là một mùa xuân của miền Nam ấm áp cứng rắn nặng về lý hơn tình. Con người ở đây vốn có bộ mặt sáng sủa, đó là sự tự do, tính tự chủ, có trách nhiệm. Nhưng rồi… ( do thời đại, hoàn cảnh, xã hội), nó phải mang một bộ mặt tối tăm, bóng tối đó tự tăng trưởng nơi chúng ta, đó là sự hủy diệt, sự cô đơn, lo âu…kết hợp lại, chúng ta khám phá những liên hệ giữa linh hồn, tinh thần và thể xác chúng ta bị nhiễu loạn, do đó phải cầu đến đức Phật, đến Jésus, Thượng Đế, nhưng tất cả đều bị chối từ…..

Tiếng vọng kinh cầu đêm phụt rỗng / Thượng Đế chối từ ….
Chỉ còn thân xác rã rời mi/ quần la trong đêm tối
Mảnh hồn mi nhòa khan cát bụi….
Mi sinh ra/ Thời thế khác,/Dòng họ khác/ con sông khác
Mùa lũ, mùa khô, thời gian đã
Khác Bụm xương rồng ngạo ngang thời khác
Bãi đất hoang nứt đỡ thân người Sụp Tàn…..

Một cô gái sinh ở Ninh Thuận, tuổi mới ngoài 20, là sinh viên , năm nay mới ra trường, mà đã sáng tác những câu thơ như một người già nua từng trải qua bao gian nan đau khổ : Mi đúng đi ? Cách đồi bí lối

Luồng gió lay úp ngạt núi đồi
Những vần thơ của tôi / Đã chết trên một gác xép nào đó
Những vần thơ của tôi / Đã đón những điều tôi không với tới
Hàng đêm/ góc tối? Ngó qua lỗ thủng những vì sao và cơn mưa nhỏ xuống
Xóa nhòa

Không cần phải trích dẫn nhiều cũng đủ thấy thơ của Lưu Mêlan thuộc loại thơ điên, hay nói như Castoriodis : Người là con thú điên nhưng cái điên đã sáng tạo ra lý tính ( L’homme est cet animal fou dont la folie a inventé la raison). Hoặc cũng có thể nói qua thi ca – thật ra tôi cũng chẳng biết gì về Lưu Mêlan – tâm trạng của LMl là tâm trạng phản ứng với môi trường hiện đại mà thi ca tạo tác sáng lập trong ngôn ngữ một lực lượng khá lạ lùng , sự tả tác bắt đầu và tự hoàn thành trong sự bất an. Đây là sự hòa lẫn minh trí, điên khùng với thi ca, tất nhiên phải có tình yêu chen vào làm chất xúc tác hòa giải, nếu không có tình yêu thì cũng ngại lắm thành điên thật, và dẫu sao cũng phải chấp nhận đây là một thiên tài. Thơ điên chừng đó đủ rồi.

Chúng ta hãy trở lại với thơ tình của Khương Hà - cũng là một trong 5 ngựa trời đây. Nhưng đã được thuần hóa chứ không phải như của Hồng Minh có “cặp vàm sắc nhọn vẫn thường cắt cổ anh trong giấc ngủ”. Khương Hà dịu dàng: ….Tỉnh táo và nghĩ về anh
Về những gì đã một lần hạnh ngộ và mãi mãi trượt
Em trở về quán cũ thân quen/ Tìm đến chỗ ngồi kỷ niệm…
Nắng buổi chiều hờn dỗi trốn đi đâu/ Giấu biệt hơi ấm một ihời từng cảm nhận…Có gì mà trách hận? Nắng làm sao giữ nổi bóng người

Tình yêu bắt rể trong thể xác hiện hữu của chúng ta, nó có vai trò hội ngộ với thiêng liêng và phàm tục, với huyền thoại và tính dục. Nó cũng có thể xuất thần, có sự thể huyền bí, thể nghiệm lễ bái kì diệu. Tình yêu là sự tái sinh thường trực của tình yêu bẩm sinh.Tất cả những gì thiết lập trong xã hội, tất cả những gì an bài trong cuộc đời đều phải bắt đầu chịu một thế lực làm tan rả hay lạnh nhạt. Vấn đề luyến ái trong tình yêu thường bi thảm, vì sự quyến luyến lâu dài thường dẫn đến sự tổn hại khoái lạc. Do đó phải tạo cho tình yêu có quyền lực, có tiềm năng, phải biết canh tân, thực hiện đối thoại và tận dụng thi ca ( tức tình cảm) để đem lại tinh lực cho cuộc sống hằng ngày ( trích từ Amour, Poésie Sagesse của E. Morin- có thể coi như bí quyết của tình yêu gởi đên cho Khương Hà và cả Ng. T. Ánh Huỳnh, nói chung giới nữ lưu đã có chồng con mà lại đeo đuổi nghiệp văn thơ.)

Giờ còn lại hai tác giả là Chiêu Anh Nguyễn và Nguyễn Thị Hậu, vốn là hai nhân vật tôi hằng gặp gỡ, nhưng biết về họ cũng rất ít. Riêng Chiêu Anh Nguyễn, nghe đâu có đến hàng trăm bài thơ, nhưng với 7 bài trong Bông – Giấy cũng đủ tiêu biểu. Nhìn bên ngoài tưởng đó là con người đơn giản , thật ra là con người sống bằng nội tâm không đơn giản chút nào, khôn ngoan đáo để – một nhà thơ nữ sống độc lập, làm thơ mà sở trường kinh doanh là một hiện tượng hiếm hoi, do đó không lạ: chỉ một thoáng đam mê đủ gợi ra bao hình ảnh. Cùng bao nhiêu người tụ hội ở Bông Giấy, có mấy ai đã viết thành thơ :

…đẩy chiếc ghế xanh nham nhở mà có nhận xét ngay thời gian liếm quanh chỗ chúng ta ngồi/ Cả vết nâu trầm loan trên mặt bàn…Hạ một từ liếm là đáng giá hàng trăm tách café, và viết tiếp :…Công cuộc giải phóng cho những câu chuyện dài bất tận…Chúng ta / đến và đi….Em đọc đâu đó những ý tưởng tuyệt vời (có chút đỉên rồ)/ Cuộc sống kéo dài bất tận với tường rào và giấc mơ đa nghĩa/ Những con thú mang linh hồn chúng ta nuôi dưỡng qua hết mùa đông. Chiêu Anh ở Bông Giấy đã thành tranh cho bao người chiêm ngưỡng nên mới có những câu như vừa nêu, nhưng không lẽ tất cả đều là những con thú hết sao thì hơi oan…Đọc thêm một số câu trong bài Tự họa mới thấy một sức sống rạt rào: Em gục trên khung toan/ ý tưởng chảy dọc từ mu bàn tay run rẩy nhỏ giọt/ sõng soài trên nền đá lạnh/ những găm màu phản bội nhau / một cuộc đảo chánh nho nhỏ diễn ra…
…em để khuôn mặt mình đóng băng/ trên nền trời hực lên phía tây đỏ quạch/ như người đàn ông trút kiệt cùng sinh lực vào vực thẳm..

Nhà thơ với sự sáng tạo là đối kháng là khiêu khích liên tục, trong luật truyền thông của con người, nó liên tục hảm hiếp ngôn từ đặt ra những vị trí đặc biệt để cưu mang cái phần không sao nói được mà nó phải vượt qua bằng cách tạo ra một hình thức thực tại (…le poète dont la création est un défi continuel aux lois de la communication humaine, puisqu’il viole sans cesse le langage, lui imposant par des dispositions particulières de porter en lui cette part ineffable du monde qui précisément le dépasse, ne crée en réalité qu’une forme. (Introduction à la poésie…). Thật ra đây là những ẩn ngữ không dễ gì giải mã nếu không đến với thơ như kẻ hành hương; nó là thứ vú nuôi, là đầy tớ của thi ca, nó làm công việc của nghệ thuật, bằng cách đặt ra những hình ảnh những từ thích ứng để nói cái điều muôn thuở không sao nói được; hay nói như J.M.Maulpoix : Tả tác là phân phối lại cái vô cùng , nó thuần hóa sự sáng tạo đến cứu cánh, cùng lúc nó thay thế cho sự khát khao vô giới hạn.

Ở Bông Giấy, Chiêu Anh và Nguyễn Thị Hậu rất khắn khít nhau như chị em , nên tôi dành cho hai người vị thế cuối cùng, hơn nữa tôi cũng là người mê tín chúa, vì chữ Hậu là sau, cũng là sâu , là dày, nặng…như hồn hậu , đôn hâu … v..v… Chị cũng vùa mới cho ra đời hai tác phẩm tản văn là Ngắn & rất Ngắn, Quay qua Quay lại. Những bản văn đưa vào Bông Giấy cũng là tản văn, nhưng nó vẫn mang đầy tính chất nghệ thuật thơ. Tản văn thường là tự sự, mà tự sự nói chung là phương thức cơ bản biểu hiện nghệ thuật và bảo tồn tình cảm. Sự biểu hiện nghệ thuật đối với tình cảm, không phải đơn thuần là bộc lộ tình cảm, mà cần phải đặt vào những hình tượng (images) mang tính cảm xúc mới có thể biểu hiện và bảo tồn một cách chính xác. Như trong bài “Gặp lại dã quỳ” : …dã quỳ mới càng non xanh, thật lạ thật khác những bụi dã quỳ phơi mình trong nắng và phủ đầy bụi đỏ trên con đường cũ trước đây.

Một ngày nào đó có người rất yêu dã quỳ bụi bặm
Một ngày nào đó có người đã từ bỏ dã quỳ ngơ ngác

Dã quỳ cũng được gọi là hoa hướng dương, vì hoa thường hướng về phía có ánh mặt trời, nó là hình ảnh của nữ tính, câu văn mà ở đây đã thành thơ, đã nói lên thân phận của tác giả, lận đận trong bề gia thất, dù có chức vụ có học vị cao vẫn cô đơn.. Chúng ta hãy đọc thêm :

Có khoảng cách thời gian, như trước sau về tuổi tác….
Có khoảng cách mơ hồ mà cụ thể, như khoảng cách về trình độ nhận thức…
Có một không gian nào đo chiều dài nỗi nhớ / Có khoảng mênh mông nào sâu thẳm hơn tình yêu?
<…Khoảng cách >

Khoảng cách mới đọc qua như thiên về lý luận, thật tế đi sâu vẫn là tình cảm, nếu đỉnh cao của nghệ thuật là tìm kiếm và phát hiện thì NTHậu là người thường đi vào ngóc ngách tâm lý sâu kín của cuộc đời. Chị cũng đã viết “ Góc khuất”: …Đừng để mình tư chán mình, chỉ thấy mình là cái góc khuất tối tăm….Nhiệm vụ của nghệ thuật gia là khai thác làm mới kinh nghiệm, đó cũng là cung cách vĩ đại của nó, nghệ thuật gia không khai thác thì con người không có kinh nghiệm. Cũng từ ý nghĩa ấy mà chúng ta có thể lý giải nghệ thuật là một thứ sáng tạo; do sự khai thác tân kinh nghiệm mà trình bày được bộ mặt và tình chất của đồ vật. Nên nói như Dewey rất đúng “ mỗi một nghệ thuật gia phải là một nhà thí nghiệm.’, như thế làm nghệ thuật cũng là một cách tự hành mình để quên đi mọi nỗi cô đơn.

Viết đến đây tôi cứ tưởng là mình đã xong nhiệm vụ đối với phái nữ trong Bông & Giấy, xem lại là đã quên một nhân vật quan trọng là Phan Huyền Thư – một nhà thơ vĩ đại của Hà Nội hay Hà Nội vĩ đại đều đúng cả, bởi sự đời là ngược ngạo , Phan Huyền Thư cũng nghĩ như vậy mà.
Trước tiên là xin lỗi chị Hậu, vì phần cuối nầy không phải Hậu mà là Thư thì cũng tốt thôi, bởi nghĩa của Thư là sách, là viết. Trong Bông & Giấy tôi đã gặp một Tiểu Anh ngang tàng, một Lưu Mêlan điên điên, đến cuối sách mới đụng phải Phan Huyền Thư, một nhà thơ nữ mà lại mang tính triết cũng hơi lạ, Phải chăng đây cũng chỉ là phản ứng của con người gần bên sức nóng gay gắt của mặt trời. ….Loài chim mơ mộng. Biết quyên sinh.

Sau những quyến rũ áo quần. em mặc. Sự ngượng ngùng/ Xin lỗi. Vì đã nhầm …<Ảo vọng>
Tôi đã từng có đề tài “Mặc áo bính”là thứ áo mượn mặc không vừa, loai hoai mãi mà có viết được đâu, nay đọc được mấy câu của PHT đầy đủ quá khỏi viết. Cũng trong Ảo vọng có những câu tuyệt :

…Thôi thì quảng đại/ sẽ đuợc / từ /bi
Vụng dại. Nghĩa / ở lại. Tình / đi.

Đúng là dân Hà Nội, Huyền Thư bị ảnh hưởng thứ thơ vắt dòng vắt giò lên cổ của nhóm Tân Hình Thức, mà tôi chê thậm tệ vì đó là thứ thơ ẹ của Mỹ đã bị bỏ sọt rác lâu rồi, nhưng khi mang về VN thì vẫn là của quý, nên ở PHT cũng khá thành công . Một dân tộc…/…tranh nhau hót. / Không thể / bay lên /…những lặng im

…Một ngày chúng ta hẹn ước dưới mưa Ngâu? Buộc chặt nhau bằng sợi tóc / quy hoạch lại nhịp cầu Ô Thước. Một ngày/ chúng ta thủ tiêu khoảng cách/ lập lại quy ước gối chăn/ lau sạch những dị nghị nước bọt..Waltz gửi… Bình thường chúng ta đều cho rằng, con người suy tư phát hiện được chân lý là do lý tính; thế nhưng chính Marx lại bảo với chúng ta rằng nguồn gốc của chân lý là ở trong cuộc sống, tức là trong sinh hoạt cảm tính,tự nhiên trong đó có bao hàm nghệ thuật. Heidegger cũng nói: ’ Khoa học quyết không phải là nguồn gốc phát sinh chân lý, khoa học chỉ là lãnh vực chân lý mở rộng; trước sau nghệ thuật là một trong những phương thức cơ bản được mở rộng”. Vì thế thi ca thường dính liền với triết lý cũng phải thôi.

Viết xong phần nữ thì không thể không viết phần nam, số lượng họ gần gấp đôi, cũng hùng mạnh lắm, nhưng đến đây tôi như cây khô cùng kiệt, nên phải ngừng nghỉ. Phần Nam giới sẽ viết sau – cũng có người đề nghị tôi thôi bỏ phần nam đi – nhưng nghe theo lời khuyên này thì tự mình cắt đứt với Bông Giấy đâu dám ló mặt ra đó nữa. Thật ra đối với Nam giới tôi đắn đo hơn, bởi với nữ có nói bậy bạ, nhiều lắm cũng bị chưởi bới là hết, chứ nam giới mà lơ mơ không khéo là phải đòn, tôi lại là kẻ nhát đòn, nên xin hứa sẽ viết tiếp trong những ngày gần đây./.

Thứ Sáu, 6 tháng 8, 2010

Nguyễn Miên Thảo : Thôi Đành Xa Huế

Nấn ná chi cũng đành phải xa thôi
Hẹn ngày sau có buổi quay về
Chiều thu vàng ta nhìn nhau xa vắng
Mai anh đi rồi em có buồn không
0
Ngồi bên em - cầm lòng không đậu
Mà giả đò thánh thiện đến ngu ngơ
Trong tim anh- em mãi là trinh nữ
Vẫn hoang mang chờ một phút dại khờ
0
Huế vẫn thế anh nghìn năm chờ đợi
Chỉ sợ một ngày thành quách tan hoang
Anh đi tìm em giữa kinh thành đổ nát
Trái tim em xin hãy hóa trăng vàng

NGUYỄN MIÊN THẢO

Lữ Kiều : Chàng thi sĩ viết văn

Sàigòn, 8.1.2007
Trần Hoài Thư thân mến,

Cuối năm, tôi quyết định viết thư cho bạn. Một tình bạn gần nửa thế kỷ gói ghém lại trong vài dòng chữ. Tự hẹn lâu rồi, và cũng nhiều lần rồi, nhưng chẳng bao giờ đủ bình tâm viết. Không phải vì xa cách, mà vì viết cho nhau là một dạng thức nhìn lại mình. Nhìn lại mình, tự vấn, cũng khó khăn lắm. Bởi vì trong ta có bạn, và trong bạn có ta. Cùng một lứa bên trời lận đận! (Tỳ bà hạnh)

Đầu tiên, xin gửi lời thăm bà Trần Hoài Thư. Vợ của Thư, cũng như vợ của những nghệ sĩ thời chúng ta, đều mang chung một số phận, mà trong đó, nước mắt nhiều hơn nụ cười. Chị Yến có còn nhớ một buổi trưa tháng 7 năm 1970, có chàng trung úy Thân Trọng Minh ghé lại thư viện của viện đại học Cần Thơ, coi mắt chị, người phụ nữ nào đủ dũng cảm để yêu và cọng nghiệp với bạn mình là anh chàng lang bạt kỳ hồ Trần Quý Sách. Hình như lúc đó hai người chưa cưới nhau. Tôi đóng ở Phú Quốc, bay về phi trường Bình Thủy, ăn thịt chuột ở Cái Răng (Trung tâm 4 nhập ngũ) và thăm người vợ chưa cưới của bạn – Ôi, một thời hào sảng, một thời lãng mạn, của những tình văn quá đổi nồng nàn, khốc liệt và tinh khiết. Bây giờ, hơn 46 năm sau, không thể nhớ ngày ấy chị Yến như thế nào, tôi như thế nào.

Bấy giờ, cháu Trần Quý Thoại chưa có mặt trên đời. Nhưng nửa thế kỷ sau, đã có một bác sĩ Thoại tài hoa, làm thơ và có nét vẽ rất gần với phong cách hội họa của Lữ Kiều (những phác thảo mực tàu).

Viết lan man theo dòng hồi tưởng, bây giờ tôi muốn viết cho bạn những điều tôi nghĩ về nhà văn Trần Hoài Thư. Thật ra, tôi định viết về Bạn như một bài nhận định về văn chương Trần Hoài Thư, nhưng viết như vậy có nghĩa là một bài viết chính thức cho nhiều người đọc. Quá khó. Hoặc quá mệt mỏi. Bạn biết rằng, giờ đây, tôi chỉ còn thấy được bằng một con mắt , tôi đã hư một con mắt từ 15 năm nay, và tôi nhớ cái kính cận thị dày cộm của Thư. Bạn là người hiểu hơn ai cả nỗi khổ tâm của cái nhìn bị giới hạn. Tất cả bài văn viết về chiến tranh, về người lính thám kích là Bạn đều có nhắc đến cái kính nặng độ ấy, nó làm cho Bạn nhìn thấy bom đạn qua một làn kính khác người! Cùng với những thảm kịch, cũng qua làn kính, nhưng là một làn kính khác, Bạn nhìn thấy vô hình hơn, nhưng cũng vô minh hơn. Đó, tôi đang bắt đầu nói về Bạn đó, Thư ạ. Tức là tâm tình với người bạn nửa đời người, một người bạn mà tôi đã yêu mến nhiều hơn bạn tưởng, bởi vì chúng ta quả thật rất ít gặp nhau ngoài đời, nhưng đã gặp nhau thân thiết lâu dài trên những dòng chữ.

Còn nhớ không Trần Hoài Thư, một đêm ở Đà Lạt năm 1973, Bạn cùng tôi đốt những điếu thuốc Bastos xanh nói chuyện văn chương, thời hiệp định Paris về ngưng bắn. Chúng ta tạo những đốm lửa trong đêm lạnh tại căn nhà có tên gọi là Rectorat thuở ấy, đâu có ngờ những đốm lửa thuốc lá trong ngày cũ còn cháy mãi trong tim tôi, trong tim Bạn cho đến bây giờ.

Tôi đã đọc Trần Hoài Thư từ những thập niên 60. Đọc thơ. Đọc văn. Đọc truyện, đọc Rong bút. Và lạ thay, mạch văn ấy liên tục một dòng chảy: Trần Hoài Thư thuở ấy và bây giờ có khác gì đâu. Hay là tôi thuở ấy và tôi bây giờ không thay đổi. Ít ra, trong văn chương.

Văn của Trần Hoài Thư là lời tự sự viết bằng tất cả cảm tính nhạy bén của chàng thi sĩ. Những mảng đề tài của Thư rất thật: tuổi thơ, tình yêu và sự nhập thế với vai trò người lính trong cuộc chiến mình không có quyền chọn nhưng có quyền tồn tại. Thời ấy, Thư viết về tuổi thơ buồn bã của mình rất cảm động, tôi không còn nhớ hết những gì Thư đã viết về những tai ương bất hạnh đầu đời, nhưng tôi nhớ rất rõ những trang văn viết về người mẹ tội nghiệp, về một cô gái tên Quỳnh cùng tình yêu tuyệt vọng của Thư. Thư viết về những miền đất mình đã trôi nỗi đi qua: một thành phố Huế cổ kính, những đồi cà phê ở Ban Mê Thuột, Pleiku. Những trang viết tự tình ấy đã làm se sắt trái tim chàng trai tuổi 20 là tôi thuở ấy.

Thư viết bằng tâm cảnh của một người chia xẻ nổi niềm với tri âm – dù là tri âm ấy dấu mặt trong đám đông người đọc thuở ấy – cho nên giọng văn ấy là giọng văn tâm sự, và giữa hai dòng chữ, hình như còn đọng lại nổi đau đớn sắt se của Thư trong từng hồi tưởng: hình như còn tồn tại hơi thở, mồ hôi, nước mắt và cả máu nữa, của một thời khốc liệt.

Một buổi sáng tôi gọi điện cho Nguyên Minh, chia xẻ những cảm xúc khi đọc lại văn Trần Hoài Thư. Tôi nói với Nguyên Minh rằng, Thư viết như thể không thể làm khác được. Với con tim nồng nàn của mình. Thư không kềm chế được cảm xúc vì hình như tất cả những điều Thư viết đều mang hình bóng của tác giả, cho nên đọc Thư là đọc lời tự sự, chia với tác giả những vui buồn, tủi hận và nhẫn nhục, cay đắng và bao dung của một chàng trai bất hạnh giữa một lịch sử bất hạnh không kém. Tôi nói rằng tôi gần như thuộc lòng văn phong của Thư, vì có một số con chữ của Thư lặp đi lặp lại trên những trang viết – những con chữ ấy phải nằm trong mạch văn của Thư mới gây xúc cảm, tách ra một câu riêng rẻ, tác động văn học của nó giảm đi. Có lẽ, trong các tác giả của thời chúng ta, câu “văn là người” áp dụng vào trường hợp Trần Hoài Thư chính xác nhất.

Tôi cũng nói với Nguyên Minh rằng tôi tìm ra một chi tiết này trong văn của Trần Hoài Thư. Đó là cái kính cận 8 độ của chàng lính trinh sát đã làm vướng bận chàng không ít, và sau làn kính ấy, có đôi mắt rất dễ dàng rơi lệ, vì mình, vì người, vì vui cũng như buồn, vì cái ác cũng như cái thiện. Ôi, quả tim của Trần Hoài Thư, quả tim của chàng thi sĩ bẩm sinh, một quả tim nhạy cảm trước một tiếng chim bình minh nhưng cũng biết chai lì trước cái chết cận kề, quả tim ấy vẫn theo chàng dù trong hoàn cảnh nào, trước 1975 hoặc sau đó.

Gần đây, tôi tìm lại được một Trần Hoài Thư nguyên vẹn của hơn 30 năm về trước, khi tôi đọc những bài văn mới nhất của Thư. Tôi nhớ đến truyện “Cơn mơ” của bạn, hình như đã viết vài năm trước. Bây giờ tôi không có trước mặt để đọc lại, nhưng tôi không thể quên câu chuyện vừa lãng mạn vừa cay đắng bạn kể về một chàng sinh viên già đi học chung với một cô gái Việt xinh đẹp trong một lớp học về điện toán ở New York. Cô gái ấy làm rung động chàng Trần Hoài Thư đang sống xa quê nhà, không phải chỉ là một rung động của quả tim muộn màng, mà trong đó chứa cả một bầu trời ký ức đau đớn của hiện tại quê người mà Thư không thỏa hiệp được. Tôi nhớ hơi văn dồn dập, nồng nàn mà bi thiết khi Thư viết về đêm chờ năm mới tại quảng trường “thời gian”. Và cô gái kia không thể không làm tôi nhớ tới cô bé Quỳnh của ngày xưa tội nghiệp.
Bạn thấy không “ta cùng giống nòi tình thương người đồng điệu” (1), nói cho cùng, chúng ta là thế đó.

Tôi cũng muốn chia xẻ với Bạn cảm xúc của tôi khi đọc “ Hành trình của một cổ trắng”. Đó là tự truyện của Bạn, phải thế không? Từ chuyện vượt biển, đến quê người, khu phố da màu, nhà thờ, những người hàng xóm, người vợ chịu đựng. Rồi công việc. Thành công. Thất bại. Và nhất là tình người. Và Bạn là một trong những nhà văn đầu tiên đề cập đến nỗi ê chề trong công việc bạc bẻo ở Mỹ: đó là qui luật đào thải trong một xã hội cạnh tranh. Bạn viết rất hay, nhưng tôi có cảm tưởng bạn viết bằng tình. Tình nhiều hơn Lý. Sự sa thải nhân viên trong sở làm của bạn đâu phải vì những chuyên viên Ấn Độ, mà đó là qui luật của cạnh tranh tư bản, tại sao bạn trút trách móc lên họ, họ có khác chi bạn ngày bạn mới vào làm.

Thế nhưng rốt cuộc thì cái tình bao giờ cũng thắng, và sự bao dung của Bạn ở đoạn cuối làm tôi mừng vui vì biết rằng Bạn vẫn mang quả tim Việt Nam thời trai trẻ để vượt qua tất cả khổ nạn. Có phải bi kịch của lịch sử đã cho chúng ta một cách hành xử rất gần với chữ xả – buông xả – nó giúp cho hành trang văn học của chúng ta thêm phần phong phú, nghĩa là có tình hơn!
.
Tôi cũng nhắc ở đây tập thơ “Ô cửa” của Trần Hoài Thư, một tập thơ dễ đọc cho nên tôi đã đọc một mạch tập thơ dày cộm ấy, nó là biên niên sử cho những rung động của bạn, và đó là những phút sự thật, như là những ô cửa mở vào cuộc đời bạn. Cuộc đời đa tài và đa đoan của bạn. Bạn có thể cười tôi thiếu khiêm tốn, nhưng quả thật sau khi đọc xong, tôi cười một mình và tự nhủ : Bạn làm thơ giống thơ của tôi quá. Ôi, phải chi có Thư ở cạnh, tôi sẽ mừng Thư một ly rượu nồng, để có thể hào sảng cùng nhau đọc lên vài câu thơ kia, vài câu thôi, ở bất cứ bài thơ nào của bạn, cũng đủ làm chất nhắm cho dậy men ly rượu kia. Nhưng bạn cũng hiểu rằng, đôi khi ta phải rót rượu để uống một mình, vì bạn thì vắng mặt hoặc không còn nữa. Ly rượu thì vẫn phải rót ra, dù không thể uống chén đắng ấy, nhưng bọt rượu vẫn sủi tăm.

Thư ơi, để tạ từ tất cả những bài thơ tuổi dại của bạn đã cho tôi sống lại tuổi dại của tôi, tôi dành tặng cho bạn một bức sơn dầu tôi vừa vẽ xong, nhan đề: “Uống rượu một mình”.

Hình như thư viết cho bạn đã dài, nói chuyện văn chương thì không bao giờ dứt được. Nhưng tôi đã mỏi mắt lắm rồi. Đành ngừng đây./.

TB. Tôi gửi lời thăm chị Yến. Bây giờ chị ra sao, có khỏe không? Tôi cám ơn chị đã cho chúng tôi cháu Trần Quý Thoại, người đã tiếp nối nghề và nghiệp của chúng tôi. Chúng tôi đây là những người bạn thiết của Trần Hoài Thư vừa mang nghiệp văn chương vừa nghề y khoa, đó là Trương Thìn, Đỗ Hồng Ngọc, Ngô Thế Vinh, Nguyễn Mậu Hưng và tôi. (Và còn ai nữa, bạn của Trần Hoài Thư mà tôi không biết). Nghề Y và nghệ thuật thật ra là một. Nói cho cùng, là một cách sống với mình, với người.


LỮ KIỀU