Thứ Năm, 14 tháng 6, 2018

HIỂU VỀ MẠNG XÃ HỘI TỪ GÓC NHÌN NGHIÊN CỨU VĂN HÓA DÂN GIAN


   Lê Thị Thanh Vy
 
Theo quan điểm của các nhà folklore học Hoa Kỳ thế kỷ XX, chủ thể của văn hóa dân gian không còn được hiểu theo nghĩa chung chung hoặc những nông dân không biết chữ nữa, mà là các “nhóm dân gian” (folk group) gồm từ hai người trở lên và chia sẻ với nhau một “văn hóa phi chính thống” (folk culture) nào đó. Một trong những “folk group” sôi nổi nhất của xã hội đương đại là các “folk group” trên mạng Internet/ “folk group” trong môi trường kỹ thuật số (Internet/ Digital folk group). Bài viết này khảo sát một bộ phận của “Internet folk group” đó tại Việt Nam là “folk group” trên mạng xã hội. Dựa vào các cách hiểu đương đại của Folklore học Hoa Kỳ về “văn hóa dân gian” (folklore), “truyền thống” (tradition), “nhóm dân gian” (folk group), chúng tôi vạch ra những “luật chơi” của môi trường dân gian trên mạng xã hội, từ đó lý giải cho sự say mê (và kèm theo cả sự e dè) đối với mạng xã hội tại Việt Nam.
 
“Truyền thống” bao hàm cả cái đang diễn ra, và “dân gian” có thể là tất cả mọi người, mọi thành phần xã hội
Folklore học (tạm dịch là ngành nghiên cứu văn hóa dân gian) là một ngành học phát triển mạnh ở Hoa Kỳ ngày nay. Lynne S. McNeill trong một giáo trình ngành Folklore học đã định nghĩa folklore như sau: “Folklore là văn hóa truyền thống và phi chính thống. Đó là tất cả những gì thuộc về văn hóa - như phong tục, truyện kể, trò đùa, nghệ thuật - mà chúng ta học lẫn nhau; bằng đường truyền miệng hay bằng cách quan sát, hơn là từ những tổ chức chính thống như trường học hay phương tiện truyền thông” (1).
Tại Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều ngộ nhận về văn hóa dân gian. Văn hóa dân gian thường được gắn với những gì xưa cũ, thuộc thế hệ ông bà cha mẹ của chúng ta, hay gắn với tầng lớp nông dân ít học. Tuy nhiên, ngành nghiên cứu văn hóa dân gian trên thế giới thế kỷ XX đã chỉ ra rằng: đặc tính của văn hóa dân gian là truyền thống chứ không phải cổ truyền, và dân gian cũng không đồng nghĩa với bình dân (2).
Khái niệm “truyền thống” tại Việt Nam thường được hiểu theo chiều kích lịch đại và theo thời gian; nhưng thật ra truyền thống còn có cả chiều kích đồng đại và trong không gian nữa. Từ năm 1893, nhà folklore học người Anh là Joseph Jacobs trong công trình The Folk (Dân gian) đã chỉ ra rằng [1] folklore liên tục được cập nhật (update) và sáng tạo ra (invent), và vì vậy mà folklore bao hàm sự đổi mới (innovation), và hệ quả là nó bao hàm cả sự chủ động và mang tính cá nhân; [2] “folk” không phải là một cấp bậc (level) của xã hội, mà là một nhóm người chia sẻ với nhau một truyền thống, và họ có thể thuộc về bất kỳ tầng lớp nào; và [3] truyền thống không phải là tri thức thuộc về những người không biết chữ/ thất học (illiterate), mà là một quá trình mà các thành viên trong đó hiểu các quy tắc ứng xử bằng cách làm theo những khuôn mẫu có tính không gian và tâm lý (3).
Như vậy, truyền thống là cái chúng ta đang tạo ra mỗi ngày, đang thích nghi những di sản của cha ông vào trong những điều kiện hiện đại và đương đại của chính chúng ta. Truyền thống không phải là cái cố định, tĩnh tại, đã qua; mà là cái đang vận động, đang biến đổi. Đồng thời, những biến đổi đó không phải ngẫu nghiên, rời rạc, cá thể mà là sự biến đổi được dân gian (folk) đồng thuận ở cấp độ xã hội. 
“Dân gian” ngày nay không chỉ có nghĩa là những nông dân không biết chữ, ít học; dân gian (folk) ngày nay được hiểu là tất cả mọi người, họ tạo thành các folk group (nhóm dân gian) theo nhiều cấp độ rộng hẹp khác nhau (folk group nghề nghiệp, folk group tôn giáo, folk group công sở, folk group trường đại học, folk group trẻ em, folk group kỹ thuật số - các “cư dân mạng” theo cách gọi hiện nay). Các thành viên trong folk group này chia sẻ với nhau một folk culture bên cạnh một văn hóa chính thống (institutional culture). Và bất cứ khi nào có con người, có sự giao tiếp thì có folklore hay văn hóa dân gian! (4) 
 
“Cư dân mạng” là một nhóm dân gian và chia sẻ với nhau một văn hóa dân gian
Như đã trình bày ở trên, văn hóa xã hội bao hàm văn hóa chính thống và văn hóa phi chính thống (tức văn hóa dân gian). Chúng ta không thể hiểu thời đại của mình nếu bỏ qua phần văn hóa dân gian đó. Và mạng xã hội cũng là một môi trường dân gian như thế. Ở đó, chúng ta có một “cộng đồng” đang giao tiếp và tương tác mạnh mẽ với nhau mỗi ngày, đang sản sinh ra những “luật chơi” (rules) riêng cho họ, sản sinh ra một nền văn hóa phi chính thống, tươi trẻ và đầy tính phản biện.
Ở phương diện nội dung và hình thức biểu đạt của nền văn hóa dân gian đó, chúng ta thấy một bức tranh phong phú bề bộn: các câu chuyện cười chính trị-xã hội-văn hóa, truyền thuyết đô thị, chuyện kể kinh nghiệm cá nhân, truyện ma…; các thông tin và kiến thức được chia sẻ hàng loạt: kĩ năng sống, nuôi dạy con, làm đẹp, sơ cấp cứu…. Cộng đồng mạng sử dụng những cách diễn đạt rất “dân gian”: vừa rập khuôn theo công thức (hay còn gọi là mô-típ), vừa sáng tạo trong việc tạo ra các dị bản đa dạng (“Chỉ có đàn ông mới mang lại hạnh phúc cho nhau”, “Chỉ có phụ nữ mới mang lại hạnh phúc cho nhau”; “Người yêu không có nhưng chó phải có một con”, “Người yêu không có nhưng bạn thân phải có một đứa”…); và một “kho” những biểu tượng cảm xúc (emoticons), những hình động, những từ viết tắt (lol, kaka, hehe, ahihi, ahuhu) để tăng tính biểu cảm chính xác hơn khi không thể giao tiếp mặt đối mặt. Văn hóa mạng xã hội có sự kết hợp của ngôn ngữ, hình ảnh và âm thanh. Rất phổ biến trên mạng xã hội là các Internet meme (thường gọi là “ảnh dìm”, “hình troll”) - một hiện tượng sống động của văn hóa dân gian thời đại kỹ thuật số. Các meme này sử dụng những hình ảnh có tính phổ biến (các nhân vật quen thuộc như Doraemon, Bạch Tuyết, Tổng thống Trump, Obama, “Cô giáo bọ cạp…”) và lắp ghép vào đó các câu châm ngôn hài hước theo một công thức nào nó được biến tấu lại (5).
“Cộng đồng mạng” chính là nhóm dân gian (folk group) và đây là môi trường dân gian đúng nghĩa. Không có một văn bản chính quy nào dạy chúng ta phải ứng xử ra sao trên facebook, chúng ta chỉ việc quan sát người ta làm và làm theo thôi. Quan sát và làm theo là một đặc thù của văn hóa dân gian. Trong đời sống dân gian, nếu chúng ta ngoáy mũi khi đứng trước mặt sếp, hay chạy đến ôm hôn thắm thiết cha mẹ của bạn mình, hay vào tiệm thức ăn nhanh và ngồi lên bàn, đưa tay vẫy người phục vụ đến ghi món… thì chẳng ai phạt tiền hay tống giam chúng ta cả, nhưng chúng ta sẽ bị nhìn như người ngoài hành tinh. Các khu vực dân gian đều có những quy định bất thành văn của nó. Trong nghệ thuật dân gian thì quy định này còn rõ ràng và chặt chẽ hơn. Chẳng hạn như, ca hát Quan họ - đỉnh cao của nghệ thuật ca hát dân gian - có những quy định rất nghiêm túc và đôi khi ngặt nghèo. Việc các liền anh, liền chị chỉ có thể giãi bày tình yêu dành cho nhau trong nghệ thuật nhưng trong cuộc đời thực thì không được tiến đến hôn nhân là một quy định rất “trái ngang” như thế, nhưng những người tham dự đều tự nguyện chấp nhận và làm theo. Tuy có những luật lệ nghiêm khắc và chặt chẽ nhưng ca hát quan họ vẫn không trở thành biến thành văn hóa chính thống mà vẫn trong địa hạt văn hóa dân gian; vì những quy định đó được xây dựng trên hạt nhân cốt lõi là sự tự nguyện của mỗi cá nhân khi muốn gia nhập vào cộng đồng đó (khác với thể chế chính thức - không có vấn đề tự nguyện hay ý muốn cá nhân).
Tuy nhiên, do thiết chế mạng xã hội quá mới mẻ (so với các thiết chế cổ truyền) nên những “rules” này cũng gây tranh luận gay gắt ngay trong chính những thành viên của mạng xã hội: người thì bảo chỉ nên chia sẻ những nội dung vui vẻ tích cực, người thì bảo facebook là trang cá nhân nên tôi toàn quyền sử dụng; người thì bảo đừng tranh luận trên facebook vì vô bổ, đầy rẫy ngụy biện, tốn thời gian, người lại bảo không góp tiếng nói gì hết thì sử dụng facebook làm gì, v.v..
 
Những “luật chơi” của mạng xã hội
Là một cộng đồng, không gian văn hóa đặc thù, mạng xã hội cũng có những “rules” (luật chơi) của riêng nó. Để hiểu về mạng xã hội không thể không vạch ra được các “rules” này; đồng thời để đánh giá khách quan về nó, không thể lấy “luật chơi” của những khu vực văn hóa khác để áp đặt và phê bình nó.
“Luật chơi” đó phải được thiết lập dựa trên những đặc thù của môi trường mạng xã hội và phải do các thành viên đồng thuận (một cách phi chính thức) chứ không thể do một cá nhân riêng lẻ nào thiết lập. Chẳng hạn như, nếu một người nào đó tham gia mạng xã hội rồi hùng hồn đưa ra quan điểm từ nay sẽ không tranh luận trên mạng xã hội vì cho rằng nó vô bổ, đầy rẫy ngụy biện và tốn thời gian. Lúc đầu, có thể anh/chị ấy sẽ được mọi người khen ngợi, đồng tình (vì mạng xã hội rất thích các tiếng nói trái chiều). Nhưng nếu về lâu dài, anh/chị ấy cứ tiếp tục “không bình luận” trên mạng xã hội thì các quan hệ mạng xã hội của anh/chị ấy sẽ dần dần biến mất; và tự bản thân anh/chị ấy cũng sẽ chán nản và cảm thấy bị đẩy ra rìa của mạng xã hội. Đặc trưng này là điều làm nên tính dân chủ và tươi trẻ của mạng xã hội.
Dù chưa định hình một cách cụ thể như đã nói ở trên, nhưng bước đầu chúng ta có thể nêu ra một số “rules” phi chính thức trên mạng xã hội, nhưng hầu hết mọi người sử dụng mạng xã hội đều ít nhiều thừa nhận, như sau:
Tính chất chính của mạng xã hội là giải trí, và nhiều ứng xử trên mạng sẽ tuân thủ nguyên tắc này. “Vui là chính” nên nhiều người sẽ không ngại ngần đăng rất nhiều ảnh (có thể đăng liên tục, ảnh tự chụp hoặc người khác chụp, “nghệ thuật” hoặc “báo chí” hoặc “bình dân/ đời thường”). Giải trí là quan trọng nên một bài viết cũng không quá dài (nhiều khi vài dòng là đã có một trạng thái), ngắn gọn, rõ ràng, kèm theo ảnh minh họa. Đó là nguyên tắc dựa trên tính chất của mạng xã hội, nên hoặc là bạn chấp nhận (có thể lặng lẽ bỏ theo dõi tin về người đó như một giải pháp không còn thấy về người đó trên “tường” của mình), còn nếu bạn phê bình trực tiếp thì bạn sẽ trở nên lạc lõng hoặc mất lòng bạn bè.
Tính chất quan trọng thứ hai của mạng xã hội là tương tác. Tương tác gồm nhiều hình thức: bày tỏ sự yêu thích, tiếc nuối, phẫn nỗ; hoặc bình luận đơn giản xã giao, hoặc bình luận thân mật…; và khi người khác bình luận về bạn thì bạn không thể không trả lời. Bởi vì là tương tác nên nó cũng tuân thủ những nguyên tắc về lịch sự giao tiếp thông thường: hô - ứng và hồi đáp, hài hước đúng chỗ, tùy vào quan hệ thân sơ mà có thái độ phù hợp,v.v..
Một đặc tính quan trọng nữa làm nên sức thu hút của mạng xã hội là tính chất dấn thân và ý muốn cải tạo xã hội. Đây chính là khía cạnh thực tế, cụ thể nhưng được xây đắp trên nền móng đượm màu sắc bay bổng, lãng mạn không thể thiếu của bất kỳ một nền văn hóa dân gian nào. Mạng xã hội là nơi tập hợp những con người có một lý tưởng hành động trên rất nhiều lĩnh vực đa dạng, tụ hội họ vào những nhóm lớn nhỏ khác nhau chia sẻ cùng một vấn đề nào đó: chính trị, làm đẹp, sức khỏe, nuôi dạy con cái, du lịch, tiêu dùng thông minh, bảo vệ môi trường… Đặc tính này được thể hiện qua hai hình thức: cá nhân (facebook cá nhân) và tập thể (fanpage). Đây là một môi trường mà sức cạnh tranh của facebook cá nhân nhiều khi còn mạnh mẽ hơn fanpage của một tổ chức. Các cá nhân có thế mạnh về một số lĩnh vực nào đó (lịch sử, nuôi dạy con, làm đẹp…) tập hợp xung quanh họ một lượng tương tác rất đáng kể. Do bị chi phối bởi đặc tính tương tác nói trên nên mọi người nhiều khi thích tương tác với một nhân vật mạng xã hội cụ thể, sống động hơn là một tổ chức chung, phi cá nhân nào đó được quản lý bởi một hoặc một đội admin (người quản lý) giấu tên.
Theo chúng tôi, ba thuộc tính nổi trội trên hình thành các “luật chơi ngầm” trên mạng xã hội mà các thành viên trong cộng đồng muốn tham dự phải tuân thủ nếu muốn có một đời sống trên mạng xã hội lành mạnh, tích cực: tôn trọng sở thích, khuynh hướng, lý tưởng của các thành viên khác của cộng đồng mạng; không thể từ chối tranh luận và khi giao tiếp phải tuân thủ những nguyên tắc về lịch sự giao tiếp như một giao tiếp ngoài đời thực,v.v..
Dù ngày nay đã có sự tham dự mạnh mẽ của tổ chức, tập đoàn, thậm chí phòng ban, chính phủ; nhưng chúng tôi nghĩ đặc điểm căn cốt, làm nên bản sắc và sự sống còn của mạng xã hội vẫn là tính cá nhân, trong đó tính giao tiếp, sự tương tác cá nhân trực tiếp là tối quan trọng để duy trì sự tồn tại của môi trường này (Đó là lý do chính mà chúng tôi tự tin gọi mạng xã hội là một hình thức của môi trường văn hóa dân gian đương đại). Các tổ chức văn hóa xã hội, các hình thức kinh doanh online, các fanpage chính phủ, fanpage các thương hiệu hàng hóa… nếu muốn gia nhập môi trường này thì họ phải tuân theo những “luận chơi” đó: phải giao tiếp và tương tác, phải có tính giải trí, phải quan tâm đến các vấn đề xã hội. 
 
Niềm yêu thích mạng xã hội tại Việt Nam và những “lấn cấn” của người Việt về ích lợi và tác hại của mạng xã hội
Tại sao mạng xã hội phát triển mạnh ở Việt Nam? Theo thống kê của Hootsute và We Are Social vào tháng 4/2018, mạng xã hội có đông người dùng nhất là Facebook với 2,23 tỉ người dùng; trong đó Việt Nam là nước có số lượng người dùng Facebook lớn thứ 7 thế giới với 58 triệu tài khoản (6). Dĩ nhiên có nhiều lý do để lý giải cho hiện tượng này. Trong bài viết này, chúng tôi thử lý giải dựa trên văn hóa và nếp sống “cổ truyền” của người Việt đã ảnh hưởng đến cách ứng xử và các hành vi, quan hệ văn hóa ngày nay.
 
Người Việt Nam là dân tộc yêu thích đời sống làng xã, những quan hệ thân tình. Vì thế mà phải chăng khi xã hội đô thị hóa và không gian sống bị thu vào những căn hộ chung cư, những ngôi nhà phố, cảm thức tiếc nuối về không gian “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”, hay gần đây hơn là những khu “ngõ nhỏ, phố nhỏ/ nhà tôi ở đó” - những tổ dân phố - đã phần nào dần dần chuyển dịch lên mạng xã hội. Nơi đó có một đời sống sôi nổi những mối quan hệ từ họ hàng đến thân thiết, hơi thân thiết, và thậm chí không quen biết ngoài đời nhưng ít nhiều cảm mến nhau qua mạng.
Tại sao mạng xã hội bị phê phán tại Việt Nam (song song với sự say mê mạng xã hội tại Việt Nam)? Theo chúng tôi, đó là khi người sử dụng chưa ý thức được sự rạch ròi giữa các môi trường tương tác, dẫn đến sự chồng lấn giữa các môi trường. Có nhiều loại biểu hiện của sự chồng lấn này, xin đơn cử hai trường hợp: 
1) Chồng lấn giữa không gian của quan hệ cá nhân và không gian của quan hệ mạng xã hội. Có những hình ảnh mà ta có thể bắt gặp ở bất cứ đâu: gia đình đi ăn tối, bạn bè đi chơi, tình nhân hẹn hò nhưng mỗi thành viên trong nhóm đó lại mỗi người sử dụng một chiếc điện thoại thông minh để lên mạng xã hội;
2) Chồng lấn giữa không gian công việc và không gian mạng xã hội. Chúng ta có thể bắt gặp cảnh vào những giờ làm việc ở văn phòng, khu dịch vụ… nhưng máy tính của nhân viên luôn mở Facebook hoặc đang trò chuyện trên Messenger. Đó là sự lấn sân của không gian mạng xã hội sang không gian làm việc. Ở một hướng ngược lại là sự lấn sân của không gian làm việc sang không gian mạng xã hội: Với một chiếc điện thoại bật 3G 24/24, nhân viên có thể nhận chỉ đạo của sếp 24/24, học trò có thể hỏi han thầy cô 24/24, và một số thầy cô nhiều khi cũng chọn hình thức mạng xã hội để làm mới các hoạt động giảng dạy của mình.
Những sự lấn sân này hình thành một sự ác cảm về mạng xã hội (song song với sự tôn vinh mạng xã hội): mạng xã hội là nơi làm đứt gãy các quan hệ gia đình, cá nhân; mạng xã hội khiến chúng ta mệt mỏi vì đến thời điểm nghỉ ngơi vẫn phải trả lời các tin nhắn về công việc, khi việc học hành và làm việc lấn sang cả những giây phút thư giãn, giải trí. Tuy nhiên, cũng phải nhận thức rằng: những phân tích trên cho thấy tự thân mạng xã hội không tiêu cực. Nếu chúng ta biết cách khu biệt các không gian này và tránh sự chồng lấn kể trên thì mạng xã hội nhiều khi lại là phương tiện làm đầy thêm và sâu sắc hơn các quan hệ xã hội và cá nhân của chúng ta, trong điều kiện không gian sinh sống và tương tác thực tế đang thu hẹp như hiện nay. 
 
Lời kết
Một trong những vấn đề của nghiên cứu văn hóa là ranh giới giữa văn hóa trung tâm và văn hóa ngoại vi, hay sự chuyển dịch từ văn hóa từ trung tâm sang ngoại vi. Hiện tại, mạng xã hội là khu vực văn hóa ngoại vi, nhưng dần dần, nó đang chuyển vào trung tâm: ngày nay, nhiều người không đọc báo giấy mà đọc báo mạng (vì có nhiều comment tương tác thú vị hơn dưới các bài báo mạng), thậm chí không vào website của báo để đọc mà chỉ xem cư dân mạng chia sẻ những vấn đề thời sự gì vì thường cư dân mạng rất nhanh chóng và rất “thực” (theo quan điểm của người đọc những thông tin loại này); ngày nay, nhiều người không xem ti vi nữa vì mạng đã trở thành một kênh giải trí chính; mạng xã hội là công cụ giám sát của người dân, và nhiều quyết định của chính quyền hay tổ chức ngày nay đang bắt đầu dựa trên những phản hồi và những tiếng nói rất mạnh mẽ từ cư dân mạng.
Sâu xa hơn nữa, với điều kiện làm việc, học tập, ăn ở và giao thông đi lại ngày nay, tương tác mạng đang tăng dần lên; các mối quan hệ trên mạng đang dần trở thành một phần trong các quan hệ của con người: mạng không còn “ảo” nữa, mạng có những quan hệ bạn bè đích thực giúp đỡ nhau khi hoạn nạn ốm đau, chia sẻ với nhau những thời điểm đặc biệt (và cả không đặc biệt) của mỗi thành viên, trên mạng có những cuộc tranh luận học thuật nghiêm túc (lẫn thiếu nghiêm túc) mà những người tham gia không có quan hệ ngoài đời thực. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta phải nghiên cứu một cách nghiêm túc về môi trường “dân gian” này.
 
Lê Thị Thanh Vy, ThS.
 
Chú thích
(1) Lynne S. McNeill (2013), Folklore Rules, Utah State University Press, tr.16.
(2) Xem thêm:
- Mamie Harmon (1949), “Folklore”, Funk and Wagnalls Standard Dictionary of Folklore, Mythology, and Legend, 2 vols., ed. Maria Leach, New York: Funk & Wagnalls, tr.399-400.
- Alan Dundes (1980), “Who are the Folk?”, Interpreting Folklore, Indiana University Press, tr.1-19. 
(3) Joseph Jacobs (1893), “The Folk”, Folk-Lore 4, tr. 233-238, dẫn theo Simon J. Bronner, Folklore the Basics, Routledge - Taylor & Francis Group, tr.18.
(4) Xem thêm Alan Dundes (1980), “Who are the Folk?”, Interpreting Folklore, Indiana University Press, tr.1-19 và Lynne S. McNeill (2013), “Types of Folk Groups”, Folklore Rules, Utah State University Press, tr.65-88.
(5) Có thể tra cứu trên Google với các từ khóa như “Internet meme”, “Viet Nam” để tìm hiểu thêm.
 
Tài liệu tham khảo
1. Bronner, Simon J. (2017), Folklore the Basics, Routledge - Taylor & Francis Group.
2. McNeill, Lynne S. (2013), Folklore Rules, Utah State University Press.
3. Viện Nghiên cứu văn hóa (2005), Folklore thế giới - Một số công trình nghiên cứu cơ bản, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
4. Viện Nghiên cứu văn hóa (2005), Folklore thế giới - Một số thuật ngữ đương đại, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
 
Nguồn : http://www.viet-studies.net/LeThiThanhVy_HieuMangXaHoi.html
 

Thứ Hai, 11 tháng 6, 2018

Vùng thổ ngơi phong nhiêu


Huy Tuong 3bìa trước, những âm màu xô giạt
…Văn chương rốt cùng là nghệ thuật về ngôn ngữ, con đường tới với văn chương như một nghệ thuật đòi hỏi một khổ công, một kiên trì, một sống cùng. Thơ, trước hết, tuân thủ các phép tắc về nghệ thuật ngôn từ. Sự tự do của thơ gắn bó cùng những kỷ luật. Sự làm mới được các nhà thơ hiện đại nêu lên như chủ xướng không tách rời khỏi những ý thức sâu xa về truyền thống nghệ thuật bao gồm cả hình tượng, chữ, nghĩa, lời nói. Hồi đầu Thế kỷ Hai mươi, riêng ở Anh Mỹ, Ezra Pound, T.S. Eliot và W.H. Auden, ba người được xem là cách tân nhất thì cũng là những người thực hành thành công nhất sự giới thiệu, hướng dẫn, và áp dụng những thi pháp lâu đời của thế giới vào vùng trời riêng của chính mình.
Cũng trong tinh thần ấy, khi đọc thơ Huy Tưởng, tập thơ này, hai câu nói, một của Eliot, và một của Joseph Brodsky có lẽ phải được nhắc lại. Câu của Brodsky: “Kẻ làm thơ làm không phải để thỏa mãn người đồng thời, hắn làm để thỏa mãn các nhà thơ đi trước, đời trước.” Câu của Eliot: “Sonnet không chỉ thuần túy là một thể thơ, tôi đề xướng: thực ra nó là toàn bộ, là ôm trọn, cách nghĩ suy, cách cảm, cách làm của kẻ viết lên những bài sonnet.”
Tháng Tám năm 1975, trong một căn phòng khách, một căn hộ thuê trên đường Punt Road, South Yarra, chủ nhân là một nhà khoa học xa xứ, tôi đã được đọc, trong số sách báo, một tờ báo văn chương mới từ Gennevilliers gởi tới nơi, tập báo mỏng, đẹp, những bài thơ Quách Tấn, Vũ Hoàng Chương, của Vĩnh Ấn, Huy Tưởng. Kinh nghiệm ấy thật khó quên. “Trước Tết mai là hoa / Sau Tết mai là củi” (QT) – “Trước mặt trăng treo vừa đúng tầm” (VHCh) – “Mỗi sáng/ con tàu và tôi lướt băng trên mái ngói trên đọt cây/ Mỗi chiều cùng cùng về trong nội rễ bên thành quách” (VA) – “Bỏ thêm cọng cỏ khô này/ Hơ cho đỡ lạnh bàn tay sương mờ/ Ngồi bên ngọn lửa hoang sơ/ Hốt nhiên tôi sợ hư vô cháy bùng” (HT).

blank
                                                                                                                             huy tưởng

Thơ của họ, buổi sáng ấy, đánh thức trong tôi như một nguồn sáng lạ, ấm áp, nó lập tức trấn tĩnh rằng trong cùng tận những năm tháng tan hoang của một giai đoạn lịch sử tranh tối tranh sáng, đang có một nguồn ân cứu chuộc. Hơn bốn mươi năm đã trôi qua từ một buổi sáng. Nhìn lại: bốn nhà thơ trên một tờ văn chương rực sáng ngày nào thì Quách Tấn, Vũ Hoàng Chương, Vĩnh Ấn nay đều đã không còn nữa, thơ họ đã trở thành di sản, thành một thời. Duy, may thay (cho cái đọc của tôi), một Huy Tưởng vẫn còn, nghĩa là mực vẫn chảy, chữ lời vẫn ở thì hiện tại, và sự tình vẫn còn sôi nổi trong đứng đi, trong thảo luận, bàn bạc, chia sẻ. Tập bản thảo những màu âm xô giạt… của anh chứa nhiều hơn thơ, chúng là lịch sử đời một con người, người đứng nhìn hết bao biến thiên của thời cuộc, thế sự, tình đời, lẽ trời, sự vần xoay, sự biến hóa. Nhưng mà – và điều này là quan trọng – anh không muốn nó nhiều hơn thơ đâu. Nó là thơ thôi. Nghĩa là, nó là toàn bộ cách cảm, cách nghĩ, cách hòa điệu âm tiết, âm vận, nhịp điệu, âm nhạc, gam màu, hình tượng và bóng đổ của thế giới ấy. Nó là thơ thôi, nghĩa là hướng về những nhà thơ đã tới, đã ra đi, đã đâu kia viền hải tần nhìn lại cười một ẩn nhẫn.

Huy Tuong 4

bìa sau, những âm màu xô giạt

Những gì Eliot và Brodsky đề xướng trên kia anh vốn đã đồng ý, không chỉ trong đồng ý trên lý thuyết mà cả trong thực hành, một và những cách, nghiêm túc và tự nhiên, kiên trì, bình tâm, sẵn sàng; sẵn sàng cả trong một ít những thương lượng phải có, với những nghịch cảnh bên lề, với sự thế thăng trầm lên xuống, với sức khỏe, với tâm và tình cưu mang trong dung lượng hữu hạn của thần xác mà chính anh cũng ngạc nhiên tự hỏi, từ thời nào?
Trôi dạt mãi.đợi hết ngày cạn gió
Chúng tôi về.chiều đã lấm đầy tay
Tôi sung sướng đọc tập những màu âm xô giạt … của anh, nghe thơ, hình tượng thơ, men lối ra những vùng khí hậu thơ, tìm thấy trong khí hậu thơ đó những hồi âm và những hồi quang mà tôi tin không phải chỉ của riêng mình tôi, như một bạn đọc. Tôi thấy khí hậu đó còn là gói ôm một vùng thổ ngơi, một quần đảo ngôn từ, phong nhiêu, tích lũy, nhiều bờ bến. Khí hậu đó vừa đáp vọng nhịp đi của thời gian, vừa nhãn-để những mời gọi, trêu vọng của ngoài-thời-gian. Nó là chuyến đi, mà lực lên đường là chính nhịp điệu của Lời. Những hải lưu trôi dạt, xô giạt, mà ôm chứa bao soi bóng.



9, 2017
 Nguyễn Tiên Hoàng
(từ: damau.org)


Vài bài thơ trong Những màu âm xô giạt của Huy Tưởng

ĐÊM MƯA Ở MEDI HOTEL ĐỌC LẠI JOSEPH BRODSKY,


gió bầm tiếng
giọng thủy tinh riết róng
vách tường trơ.ngửa mặt hứng lời báng bổ
những dòng mưa đắng chát.những nhánh sông thất lạc.không về
há hốc cơn thắt tim.ngã quỵ
mãi tìm nhau.hối hả biệt ly
vòm trời uốn cong.nỗi chiều ưu uất
con đường.thôi.đã biệt dạng chờ mong!
và hàng cây theo mưa.khóc rợp bóng
lọn khói bấp búng cơn đột quỵ
gầm thét nào trút hơi loáng ngực người thi sỹ
những câu thơ bùng vỡ lửa thiêu
thắp đuốc thiêng.đài tưởng niệm cô liêu
thắp đuốc thiêng.cháy ngún đời lưu xứ!
người thi sỹ ấy
về đâu
phóng nhanh qua đoạn đường đêm
chàng hóa thân bóng ngựa đen phi nước đại
(đen đến nỗi xua tan tầng tầng bóng tối)
đen như hạt giống thu mình kín sâu lòng đất
những bài thơ cựa nứt mầm sống.trào lên
hừng hực.hoát nhiên.và tiếp ngộ:
ngựa đen trong ta hóa thân kỵ sĩ.hãy phóng nhanh.xé toang đêm
mù tối!
phép ẩn dụ của im lặng.vỡ lòng
trên hàng ghế khách mời.bọn ký tự cúi đầu phủ phục
nhịp ba
người thi sỹ ấy.vung tay.khởi xướng…
đêm.đã gói tròn trái đất
rắn đen cuộn mình nơi hang tối
hơi thở sắc nhọn
cơn tầm tã trút về vô tận
em chém sả một nhát dao giữa tim chàng.hung bạo!
(cái chết không còn nữa.cái chết đã phục sẵn trong trái tim
đau bệnh.từ ngày…)
và người thi sỹ ấy ngoi ngóp quá.lời ca
và bọn chữ rì rào từ khúc
những câu thơ điềm nhiên như nấm mọc
chúng bay lên như sơn ca đón nắng
người thi sỹ ấy mãi còn trú ngụ dưới giấc khuya biền biệt…
đêm.đã thực sự cuộn tròn
đã thực sự thuộc về những rắn đen những ngựa tía không ngừng
huýt sáo và hát những tán ca của tự do & ánh sáng…
chúng ta thầm nghĩ
đã chắc gì ai kẻ đã nghe được niềm câm lặng ngút trời mãi dâng cao
nơi người thi sỹ mang nặng niềm-đau-lẫm-liệt-joseph-brodsky.
*Melbourne Medi Hotel.một đêm mưa cuối mùa hạ mù tối 2016.



TRƯỚC KHI VỀ LÓT Ổ,

 
* Để tặng chính tôi, tặng những Bạn tôi: Nguyễn Đạt, Nguyễn Tôn Nhan,
Khế Iêm, J. Huỳnh Văn, và các Bạn tôi, khác – những người đã bị hút mất
trong cơn cám dỗ miên man mà cuồng bạo của hư vô…


khi những câu thơ tự cân mình trên đọt nắng
chợt thấy có sức nặng trước thời gian
khi những câu thơ trườn lướt qua ngọn sóng
lại thấy mình lồng lộng hơn biển khơi…
và khi…
đêm xuống.trĩu lòng lắng lặng
đã bàng hoàng niềm trống hẫng đến bơ vơ
đã hốt hoảng nỗi trầm luân.tro bụi quá
rỗng không & tối ám!
về chen chúc cùng bọn chữ lơ láo sắc màu
mất trí.náo động vì hoang tưởng
lạc lõng.và không sao tìm thấy lại căn nhà nơi quê xứ
chúng nhấp nhô hàng nghìn câu thơ sôi sục lên cơn
khi dồn dập khi tắt thở.không hay (!)
những đôi mắt chong chong niềm bi phẫn
những tiếng gầm lọt thỏm giữa bao la
những tù chữ vừa bốc hơi vừa tìm đường đào thoát
những dòng thơ tự trầm.hóa kiếp!…
khi những câu thơ tự cân mình trên đọt nắng
khởi đầu rộn rã
những giọt linh hồn túa thắm trang trang
đẹp ngu ngơ.đẹp thanh khiết.hàng hàng
bọn chữ hoan ca như hạt mầm hớp nắng
bọn chữ sớm già nua theo cỏ dại tháng năm…
tôi nằm nghe xao động niềm riêng
các nguyên âm no đầy dưỡng khí
các phụ âm quấn quít chong hương…
khi những câu thơ tự cân mình trên đọt nắng
xao xao hồi vọng
mê mê biến hình
bao trầm tư nghi ngút đóa chiều phủ phục
rừng rực cháy.ngày đêm…
tôi vẫn nằm nghe lượng máu thay màu chảy ngược về tim
nghe trang giấy rỡ ràng xanh trắc bá
nghe biển chồm.hạt muối mặn mà.reo
nghe khuya khoắt gõ mòn từng giấc ngọ
nghe thánh thần rần rộ cõi tăm tăm…
khi những câu thơ tự cân mình trên đọt nắng
thì chiều cũng tấp toan về lấp lá
thì đêm cũng nhấp nhánh cuốn ngày đi
thì gió cũng râm ran kết tủa tầng khí lạ
và.mây nữa
cũng ngất trắng câu biền biệt đoạn trường…
tôi thầm kín.và tôi cúi xuống
cúi xuống.đắm vàng theo liếp chữ
cúi xuống.soi tìm cơn hoát ngộ bừng hoa
cúi xuống.tôi gom hết tiếng miệt mài trùng dương đăm đuối.tiếng
rừng thiêng hú gọi u nùng.tiếng giun dế lưu đày cam khó.tiếng
muôn loài cầm thú khát tình ngời ngời đốm lửa.tiếng thống thiết
xé lòng của con người của đồng bào đồng loại.tiếng gió mục đời
đời bơ vơ trên khắp núi đồi sông hồ không tìm ra chỗ trú.tiếng
thâm u bí nhiệm đất trời…
cúi xuống. xin gom hết muôn trùng khổ lụy
xin dồn vào tinh lực suốt âm dương
tôi sẽ chép bài thơ kỳ vĩ ấy
trước khi về lót ổ dưới nhà không!..
* Bundoora, 15/04/16, một hôm trong cõi xương rồng nhuốm bệnh



TÔI NẰM NGHE MÒN MỎI VẠN ĐỜI SAU,

 
* Thân mến tặng vợ chồng bạn quý Trương Vũ, cùng Mai Sơn & P.V.Phương
 
chiều.bấp búng hồi chuông nâu
viền trăng đăm đắm.nhụy
những đọt chồi những cánh rừng những giấc mơ.trầm thiết gọi
những con đường hoang hoải.tàn phai…
bấp bênh nâu.chuông hoài
còn đợi chờ gì một ngày mai vắng liễu
một bình minh tắt nụ.lênh đênh
một hoàng hôn chênh vênh quê nhà lệ đắng
những bóng hình rờn rợn thấm thầm.loang…
chiều đã treo nghiêng hồi chuông
chúng ta đứt ruột vết thương đêm khản giọng
những sinh phần những kiếp nạn những dòng thơ chuông nguyện
chúng ta đi.những nấm mồ thốc gió
chúng ta về.tắt úa mộ ngàn đêm!…
tôi viết bài thơ chiêm tinh cuồng bức
tôi viết bài thơ tủi cực lầm than
tôi viết bài thơ bất lực nước non
những đọt chồi những cánh rừng những biển ngàn giấc mơ núi
non kỳ vĩ
chiều cứ nâu.chiều quá nâu.quá nâu
khắp bờ bãi khắp sông hồ nghìn nghìn cờ bông lau phơ phất gọi
tôi nằm nghe chói lọi thắt lòng đau
tôi nằm nghe mòn mỏi vạn đời sau!…
chiều cứ trôi.trôi mau
bấp búng hồi chuông nâu.chìm xuống…

* Bundoora, những đêm úng thủy tháng Bảy, 2016



SONNET 08,


chiều vớt từng rẻo nắng.sót
rong tảo dập dềnh
những chiếc gai đêm phủ phục
tôi kiềm hãm tôi.đục ngầu dục vọng
tôi kiềm hãm tôi.thăm thẳm hắt hiu
tôi kiềm hãm tôi.cuồng nư cơn trầm uất…
uôm uôm lời câm
uôm uôm
chiều
  huyên náo
   hương.lá mục
bùng xám điệu thức
tôi rống khản.vùng vẫy dã thú lên nghẹn máu
những câu thơ đầm đầm áo nghĩa
rưng rức
  đẹp riêng tây!…
chiều.ngậm lam.chập chùng vượt thoát bầy ngựa chữ
tại sao tôi.và tôi
tại sao những câu thơ giá lạnh ấy.và tôi
tại sao treo vắt vẻo hai bờ hư thực
… và tôi.và chiều.đã đắp sâu bát mộ
đã nghe đêm hung hãn ghì siết dịu dàng.đã ôm lòng gai nhọn
uôm uôm vách dựng
thầm thĩ
   men lá mục!

Huy Tưởng

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2018

Sống trong thời viễn tưởng? - Yêu thương là tự do - Khúc thụy du

07/06/2018 19:57 GMT+7

TTO - Sống trong thời viễn tưởng? - Yêu thương là tự do - Khúc thụy du là 3 đầu sách của một thương hiệu sách mới, như một sự kiện “chào làng” với những ai quan tâm đến sách.

    Sống trong thời viễn tưởng? - Yêu thương là tự do - Khúc thụy du - Ảnh 1.
    Trong đó, một cuốn sách được viết với "ý hướng xuyên suốt là giải - toàn - cầu - hóa, thấu đáo chỉ ra những bất ổn, phi lý, có phần hoang dã trong xã hội sùng bái, lệ thuộc công nghệ máy móc và thông tin"; một cuốn sách lại như những lối nhỏ về bình an được dẫn dắt bởi "sự an lành và tươi sáng bên trong", "chu đáo trong thông điệp sống rộng mở với tha nhân", đúng như lời giới thiệu của Phanbook.
    Sống trong thời viễn tưởng?
    Cùng ra mắt dịp này còn có tập thơKhúc thụy du của Du Tử Lê - nhà thơ nổi tiếng ở miền Nam từ hơn nửa thế kỷ trước. Khúc thụy du lần này là tập thơ do chính tác giả tuyển từ những bài ông yêu thích. Phanbook ấn hành như một cách gợi lại không gian thơ xưa của một tác giả tài hoa. Quyển này được xếp trong tủ sách mang tên “Tinh hoa Sài Gòn”.
    Sống trong thời viễn tưởng? - Chuyện người và máy là tập sách gồm các bài bình luận của nhà báo Nguyễn Vạn Phú.
    Tập sách là cái nhìn đầy trách nhiệm của một người trí thức về đời sống trong xã hội đương đại lấy sự phát triển và ảnh hưởng của công nghệ làm trục xoay trung tâm.
    Đề tài hay và cần thiết nhưng không dễ chuyển tải cho đại chúng, thật may, Nguyễn Vạn Phú đã dùng ngòi bút để thể hiện thành các bài bình luận có thể hợp khẩu vị với nhiều người.
    Cứ đọc nhẩn nha, cùng tác giả nhấm nháp từng đề mục kiểu như từ chuyện "đá bóng không có bóng" đến những suy tư về giáo dục; "Facebook và chính trị" với câu chuyện về người khổng lồ Facebook đang mắc kẹt giữa việc hướng đến phục vụ ai, khách hàng quảng cáo hay người dùng đang làm nên giá trị của mạng xã hội này; hoặc một câu chuyện nóng hơn, gần hơn với cánh nhà báo, là "sẽ không còn tờ báo, chỉ còn bài báo" với những lưu ý thật đáng kể: "sự chuyên nghiệp của từng tờ báo không còn quan trọng bằng tính chuyên nghiệp của từng người viết.
    Sự dễ dàng đăng lên, rút xuống của báo mạng đang phá vỡ tính chuyên nghiệp đó... Câu chữ thì sửa được, nhưng uy tín thì không sửa dễ dàng thế đâu".
    Yêu thương là tự do
    Tập sách của Trần Lê Sơn Ý tuyển lựa các tản văn tác giả viết trong thời gian làm báo. Cuốn sách dàn trải qua rất nhiều cảnh huống, nhưng đích đến đều là sự tìm kiếm bình yên cho người đọc. Những bài viết có khi rất ngắn, chỉ 200 chữ, như những lối nhỏ, nhiều hoa, dễ đi, về phía sự tử tế, về phía con người.
    Các bài viết ngắn, như những dòng trạng thái trên mạng xã hội, người đọc có thể lần giở bất cứ trang nào đều có một nụ hoa, có thể rạng rỡ tràn nắng, có thể cần chút công phu để thưởng thức mùi hương, những nụ hoa của một phụ nữ tinh tế và tử tế.
    Tác giả tự nhận "vốn là một kẻ hay buồn - người dường như luôn mang trong mình những nặng nề, tiếc nhớ". Có lẽ vì thế, nỗ lực để tìm đến bình yên qua những đoản văn trong sách càng quyết liệt, rạch ròi hơn.
    Nỗi buồn ập đến từ mọi điều lớn nhỏ: lời tâm sự của cô bán hàng rong trên phố, từ móng chân tả tơi của cô bán cá vẫn gắng mà rực đỏ, từ giấc mơ gia đình hạnh phúc của người bạn rã tan trong nỗi vô nghì đàn ông...
    Nỗi buồn, nếu cứ liếm láp chúng như con sói liếm vệt máu thợ săn bôi trên lưỡi dao, người ta làm sao biết ngoài kia còn cả một thế giới. Để vạch những lối êm đi về bình yên, người viết đã "giữa điều đúng và điều tử tế, hãy chọn điều tử tế" trong nỗi băn khoăn có nên "nói dối" con mình về ông già Noel.
    Tử tế tận hưởng nơi mình đến, dù đó là một ngày mưa bão, những ngọn gió cuồng nộ cũng có vẻ đẹp riêng. Biết bỏ xác trà đi để lưu vĩnh viễn hương trà và nước xanh như chiếc bình nhỏ hình giọt lệ của ngoại.
    Sách thủ thỉ cùng người đọc sự tha thứ bỏ qua, sách thầm thì về việc đập bỏ các vách ngăn để bình yên hiển lộ trong từng hành động sống. "Đừng nhốt tim mình trong một cái chai!", trang sách nói, vì "yêu thương là tự do". Khi lòng yêu thương được tự do, lòng yêu thương sẽ tìm được cách thể hiện mình, bình yên sẽ đến cho cả người cho và người nhận.
    LAM ĐIỀN - NAM THỤ
    https://tuoitre.vn/song-trong-thoi-vien-tuong-yeu-thuong-la-tu-do-khuc-thuy-du-20180607101318615.htm