Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Thơ Từ Hoài Tấn : ÁNH SÁNG



chiều nghi ngút
hồi âm rời rụng
kẻ lạ ngoài cửa thổi sáo gọi loài chim di trở về vào một ngày lập đông
em không còn gì nữa ngoài điệu hát nhàm chán vào mỗi chiều trông đợi
em có nghĩ rằng người ở xa quá không làm sao nghe nỗi lòng em
chiều ngậm tăm trong cõi lặng

người có ánh sáng không phải chỉ để soi rọi vào bóng tối
không chỉ để thấy niềm mong ước thắp lên
người phải thức dậy và khươi một que lửa
để còn hy vọng ngày mai
ánh sáng không chỉ để phân biệt với bóng tối
là nguồn lực động luôn phải tiến về phía trước
là ngày mai của những người cùng khổ
là ngọn lửa cuối đường đêm đen của người mù
ánh sáng của sự bất diệt

tôi ca ngợi em
không phải vì tình yêu
mà vì sự đẹp đẽ của cuộc sống
ví như ánh sáng soi rọi cuộc đời

tôi ca ngợi ánh sáng
để làm đẹp cho bóng tối
và chỉ có trong bóng tối
đôi khi con người mới nhận ra nhau
bằng ánh sáng
của tình yêu

 

 

 

 

 

 

bên quán cà phê bờ kè của C.A.N

tặng  NT

gặp em
để nhớ nhung một chút xa cách
những ngày hoang đàng cùng đồng cỏ
ngang tàng với ánh trăng khuya
cuộc ruổi dong của định mệnh
nghĩ rằng em
với đôi mắt ươn ướt màu nho
vẫn thường để tóc tự do leo luống bờ vai
hay có thể tưởng tượng thêm
đôi bàn tay không bao giờ ngửa mặt lên
úp vào thân thể ngọt
nghĩ rằng em
dẫu không anh
vẫn còn anh
trên những dấu tích cũ ấy

***
gặp em
dòng kênh đã đổi màu
đã rất nhiều ngày
hay mười mấy năm rồi nhỉ
không biết chúng ta đã vượt qua nhau chưa ?

 

SG XI.2013


Từ Hoài Tấn

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Thơ có ích gì?

Meena Alexander

Meena Alexander
Trong bài nói chuyện tại Yale Political Union1 ngày 23/4 năm nay, Meena Alexander bắt đầu với một trích dẫn từ bài luận năm 1821 của Shelley, “Sự biện hộ của thơ ca”. Kết luận – “Thi nhân là những nhà lập pháp không được thừa nhận của thế giới” – dẫn đến cuộc tranh luận sôi nổi. Sau đây là phiên bản đã sửa chữa đôi chỗ của bài nói chuyện mà Meena đã trình bày.
1

Cách đây không lâu, tôi có buổi đọc thơ ở Colorado, trong một hội trường có những cửa sổ rất lớn nhìn ra dãy Rockies. Tôi bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp thô ráp, góc cạnh của dãy núi mà chỉ cần quay đầu lại một chút, tôi cũng có thể nhìn thấy nó. Như thường lệ, sau phần đọc thơ lại có những ý kiến phát biểu từ phía dưới hội trường. Một phụ nữ với chiếc áo thun dài tay màu đỏ đứng dậy. Bà ta ở gần cuối hội trường chật ních người, và tôi phải căng mắt ra để trông thấy bà – nhưng giọng bà thì to, rõ và rành mạch.

Câu hỏi ấy dội vào những những bức tường: “Thơ có ích gì?”. Tôi nín thở. Bà ấy có thể là con gái của Plato đang chất vấn tôi. Tôi nhớ rằng khi ấy hội trường im phăng phắc. Tôi nghĩ: chẳng có gì, tôi chẳng thể nói gì. Tôi thốt ra mấy lời, những từ ngữ mà, tận một năm sau, tôi biến chúng thành tâm trạng chưa từng thú nhận trong một bài thơ. Bài thơ có tựa đề khá giản dị – “Question time” (Hỏi thời gian) – và nó sẽ được in trong cuốn sách của tôi, Birthplace with Buried Stones (Nơi sinh với những Hòn đá chôn giấu), sắp được xuất bản vào tháng 10/2013:

Hỏi thời gian

Tôi nhớ cạnh sắc hằn sẹo
Của dãy núi mà trăng trôi ngang qua

người đàn bà với chiếc áo thun màu đỏ, 
Như tia lửa phát quang nơi gốc cây đã mục, như những bụi cây rực lên vì phồng giộp

Giơ tay đặt câu hỏi giữa căn phòng chật kín –
Thơ có ích gì? 

Trên kia, những ngọn đèn nhấp nháy
Đường điện hẳn có vấn đề 

Tôi quay lại và thấy trăng xoáy trong nước,
Dãy Rockies như rùng mình bởi một thứ ánh sáng màu hoa cà

Những sinh vật biển cắt thành tán lá trên trời
Trong bóng cây tôi và anh đã từng 

Môi chạm môi, đùi lướt đùi,
Mơ về một quá khứ giải thoát cho những kẻ bị cầm tù trong đó.

Đứng từ xa tôi nhìn người đàn bà ấy và nói – 
Chúng ta có thơ

Nên chúng ta không chết vì lịch sử.
Tôi cũng chẳng biết mình phải nói gì.

2

Có thể chúng ta nghĩ về lịch sử như là những gì thuộc quá khứ được giao nộp cho ký ức, được ghi lại bởi những người ở vị trí được làm việc này, quyền lực của họ là quyền lực của kẻ thao túng những hình thức ghi chép công khai. Nhưng có một dòng ngầm quan trọng của lịch sử mà tôi đã nhận ra: những bức thư, nhật kí, bản thảo, kí tự bí mật trên những mảnh giấy được lén lút chuyển ra từ chốn ngục tù. Với tôi, thơ, trong chủ ý của nó, vốn dĩ gần hơn với dòng chảy bị chôn giấu này; lãnh địa của thơ là những gì được cảm nhận từ trong sâu thẳm, từ “trong huyết quản và trái tim”, như Wordsworth từng viết trong những dòng thơ thâu tóm tư tưởng cốt lõi của ông khi suy ngẫm về quá khứ và bản chất bất khả của nó – tức là sự bất khả của ý thức khi muốn tìm cách quay về quá khứ.

3

Lãnh địa của thơ ca là những gì được cảm nhận từ sâu thẳm và về bản chất, không thể nói lên được; đó chính là thứ nghịch lý mà tất yếu thơ ràng buộc vào. Nhà thơ sử dụng ngôn ngữ giống như họa sĩ dùng sắc màu, chất liệu quan trọng nhất để hình thành tác phẩm nghệ thuật. Nhưng thứ ngôn ngữ được sử dụng hằng ngày quanh ta – trong những âm thanh, quảng cáo, hùng biện chính trị, báo chí – cần phải được thanh lọc để có thể được sử dụng như là chất liệu nghệ thuật. 

Bài thơ, trong hành động tạo nghĩa của nó, quay lưng lại với vùng nghĩa đen của ngôn từ; tính chân thực của nó gắn liền với cái có thể được nó khơi gợi. Và hình ảnh được gợi ra này vụt lóe lên được là nhờ ký ức. 

[…] 

4

Trong khi thơ ca gắn bó với cơ cấu cảm giác ở con người, với sức mạnh cảm tính của sự hiện sinh của thân thể, với những kí ức lấy sức mạnh từ những cảm xúc được các giác quan đẩy lên cao độ, thì đồng thời nó cũng gắn với nơi chốn. Chính tại nơi chốn mà chúng ta định vị bản thân, đánh dấu chính mình trong quan hệ với những kẻ khác; chính tại nơi chốn, ta tồn tại. Nhưng điều gì sẽ xảy ra đối với quá khứ nếu nơi chốn ấy không còn, khi cảm giác bị gạt bỏ phũ phàng, khi chính sự lưu đày hay xê dịch mới đánh dấu những giới hạn của hiện sinh?

5

Tại sao ta lại cần thơ ca trong thời điểm thế này? Với tôi câu hỏi ấy nằm trong một câu hỏi khác: Việc chúng ta thuộc về một thế giới bạo lực thì có ý nghĩa gì?

Tôi nghĩ đến kho dữ liệu vô hình mà một chúng ta mang trong mình, đến sự tích lũy mang tính cá nhân sâu sắc các hình ảnh, âm thanh, mùi vị và những mảnh nhỏ của những thứ vật chất đôi khi bị phá hủy mà ký ức nhận về – và có lẽ đây là một cách khác để nghĩ về dòng sáng lấp lánh của đời sống bên trong vốn cấp ý nghĩa cho sự tồn tại của con người, tất cả những thứ đó sẽ kết tinh lại khi ta can đảm nói chữ “Tôi”. Chắc chắn đó là địa hạt của thơ ca.

6

Được nhấn mạnh ở phần trung tâm bài luận “Sự biện hộ của thơ ca” (1821) của Percy Shelley là những dòng mà trong đó, ông nhắc đến sức mạnh tự thân của bài thơ: “Nó tạo ra cho chúng ta một sự sống khác trong sự sống của chính mình. Nó biến ta trở thành cư dân của một thế giới mà so với nó, cái thế giới quen thuộc ta vẫn sống chỉ là sự hỗn loạn. Nó tái tạo cái vũ trụ thường ngày mà chúng ta là một phần trong đó và là kẻ tri giác nó, và nó thanh tẩy từ cái nhìn bên trong ta lớp phủ của sự quen thuộc, thứ đã che khuất nỗi ngạc nhiên của chúng ta về chính sự sống của mình.”

Cái thế giới đối nghịch ấy, cái sự sống khác trong sự sống của mình ấy, cái vùng khát vọng mà thơ ca khơi gợi nên ấy là gì? Chắc chắn có một sự thật lớn lao bị vùi chôn ở đây, một thứ gì đó liên quan đến trạng thái ngất ngây của ta, sự xuyên thấu của cảm giác mà lí tính thuần túy không thể tạo ra, một kiểu tạo nghĩa, mà thiếu nó, tất cả chúng ta đều có thể trở thành kẻ bị cầm tù bởi chính xác thịt của mình.

7 

Đã có những thời kì trong lịch sử chung của nhân loại, ở một số nơi trên thế giới, có những nhà thơ và ca sĩ bị cấm đoán. Nhưng tại sao? Thơ có gì mà khiến người ta phải sợ hãi? Chính xác là vì sức mạnh của bản ngã sống động, thường biến mà thơ ca giải phóng - thứ khát vọng không bao giờ có thể bị ràng buộc bởi luật lệ hay pháp chế. Đó là sức mạnh của con người, là cấp độ tinh thần trong đời sống con người.

8

Bài thơ là một phát minh tồn tại bất chấp lịch sử. Hầu hết các sức mạnh trong đời sống thường nhật mà ta đang sống giờ đang hiệp lực để cản ngăn việc sáng tác một bài thơ. Có thể vẫn còn có không gian nào đó cho thơ được xuất bản, nhưng lại không có không gian cho sự sáng tạo: không có không gian đặc biệt nào nơi người ta được phép ngồi suy ngẫm, dẫu rằng trường đại học có thể vẫn còn một khoảnh rất nhỏ cho điều này.

Trong một thời đại bạo lực, nhiệm vụ của thơ theo cách nào đó là hòa giải chúng ta với thế giới và trao cho chúng ta một chút dịu dàng và thanh cao để ta có thể tồn tại trong thế giới này. Tôi tin sâu sắc vào điều đó, và tôi xem đó như một nỗ lực để dấn thân vào những sự phức tạp của thời đại này, thậm chí ngay cả khi chúng tàn bạo; nhưng thông qua đó, trong chừng mực nhất định, sứ mệnh của thơ là hòa giải chúng ta với thế giới – đó không phải là việc chấp nhận giá trị bề mặt hoặc đồng tình với những điều sai trái, mà là một sự hòa giải hiểu theo nghĩa rộng hơn, để chúng ta trở lại với tình yêu, với địa phận của trí tưởng tượng, về với không gian của cuộc sống trần thế hữu hạn.

9

Thơ là một thứ nghệ thuật bị bỏ rơi, nhưng không phải đối với những người sáng tác, mà đối với nhiều người khác . Tuy nhiên, có một đặc ân mà thơ ca đem lại, một điều, thật nghịch lý, lại khó nắm bắt bằng ngôn từ, một hối thúc mãnh liệt mà Shelley cố gắng khơi gợi trong luận văn “Sự biện hộ của thơ ca” – đó là nhiệm vụ cao cả và bất khả của thi sĩ trong lịch sử mà chúng ta có thể rút ra từ đó giải pháp cho ngày hôm nay 

Mở đầu bài luận của mình, Shelley nói về vẻ đẹp và cách thức mà nhờ đó trực giác về cái mà ông gọi là “cái trật tự không thể phá hủy” được trao cho nghệ sĩ. Từ trực giác ấy mà dẫn đến sự xuất thần của đức tin. Ông cho rằng nghệ sĩ là “những người hình thành nên luật pháp, và những người lập nên xã hội dân sự”, tóm lại là, các nhà lập pháp: danh xưng dành cho họ trước đây.

Với tôi bây giờ, điều này dường như là một sự xuất thần nhưng không cứu được cho một cơ thể đang rơi tự do, tìm cách hạ xuống một không gian khả dĩ nào đó để có thể sống sót. Chắc chắn chúng ta hãy đừng đeo ý tưởng về sự lĩnh hội sâu sắc cái đẹp và “thế giới vô hình này” lên các nhà lập pháp thông thường bây giờ, đừng gắn nó với các quốc hội và nghị viện, các quy trình pháp lý và đại diện toàn quyền.

10

Tôi nghe những cái móc nhảy nhót.
Vạt áo cởi nút.
Một trái tim đang đập, đang thở

Nhưng chúng ta nên chăng? Chắc chắn một đời sống biết xúc động, rung cảm - và, tôi muốn nói thêm, thơ, theo nghĩa rộng nhất mà Shelley nói tới - rất quan trọng ngay cả với những nhà lập pháp và những quyết định được đưa ra. Bản chất của luật sử dụng súng và các vấn đề về nhập cư chỉ là hai ví dụ ta có thể nghĩ đến, rút ra từ các cuộc tranh luận gần đây của chúng ta.

Nhưng có lẽ đối với Shelley, cái bóng của lời tiên tri là những gì cho phép các nhà thơ có tư cách như những nhà lập pháp - theo đó, nhà thơ như “người giải thích sự huyền bí của một nguồn cảm hứng chưa được thấu tỏ; là tấm gương của cái bóng khổng lồ mà tương lai soi lên hiện tại”

Tôi nhớ đến bài thơ đáp lại Shelley của George Oppen. Trong một bài thơ có tên “Thảm họa”, Oppen viết:

những cuộc chiến phương tây
gió và bão
về chính trị tôi đã chán ngấy sự phù phiếm
của nhà thơ những nhà lập pháp

của cái thế giới
vô thừa nhận

Cái thế giới vô thừa nhận này là gì? Như thường thấy, đó là một thế giới nằm rất sâu để người ta có thể rơi nước mắt vì nó.

11

Tôi đã ở New York vào ngày 11/9. Thơ là một phương thức để người ta sống sót. Tôi đã viết trên những mẩu giấy nhỏ mình mang theo. Mọi người đọc to những bài thơ cho nhau, trên đài phát thanh, ở quảng trường Liên Hiệp Quốc và những nơi công cộng khác. Có điều gì đó ở bài thơ cho phép người ta biểu hiện được trạng thái mãnh liệt của cảm xúc vốn rất cần thiết trong thời gian khủng hoảng. […]

Tôi đã viết một chùm thơ được đặt tên “Sau đó có một hòn đảo”. Khi viết chùm thơ này, tôi đã liên tục tới khu Ground Zero [khu vực Trung tâm Thương mại Thế giới đã bị phá hủy trong vụ tấn công 11/9 – ND], cố gắng đến gần hiện trường nhất, quay trở lại nơi đây nhiều lần, như một cuộc hành hương. Địa điểm này nay đã như một nghĩa trang của hàng ngàn con người với mùi hôi thối của xác thịt và dây điện cháy. Một lần, khi đi qua phố Liberty, tôi bị ấn tượng mạnh bởi một cậu lính bảo vệ vòng ngoài hiện trường còn rất trẻ. Đó một cậu thanh niên đầy tàn nhang, nét mặt tươi tắn. Phía sau cậu là tường của tòa tháp phía Nam, một ông lão đã rất già dựa vào đó tạo dáng chụp ảnh, lũ trẻ nhỏ la hét đàn chim bồ câu trong niềm phấn khích, một nhân viên cứu hộ, đặt tay ôm cổ họng, khuôn mặt mệt mỏi tột độ, mặt nạ chống khí độc lủng lẳng bên hông anh ta.

12

Vào tháng sau đó, có một cuộc gặp gỡ tại một Viện nghiên cứu châu Á/người Mỹ gốc Á mới được thành lập. Tôi được đề nghị tham gia ban chủ tọa; cuộc gặp gỡ được tổ chức tại Trung tâm Cao học nơi tôi dạy. Đó đại loại là một dịp mà đúng ra tôi sẽ mặc một chiếc sari mà không cần đắn đo - nhưng giờ đây có điều gì đó làm tôi lấn cấn.

Hai trong số các sinh viên Nam Á của tôi trước đó từng gặp phải rắc rối khi mặc y phục phi Tây phương: người ta đã la hét, có kẻ ném cả chiếc túi giấy vào cô bé. Một người bạn kể với tôi qua điện thoại về lần ra ngoài một buổi tối ở Boston bị một người đàn ông la hét và nhổ nước bọt vào cô như thế nào.

Một sự ngờ vực đã lan rộng ra cộng đồng người châu Á, Nam Á, người da nâu – những người trông có vẻ như là người Ả Rập. Tôi muốn lựa chọn cuộc chiến của tôi. Tôi muốn có sự kiểm soát đối với những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống. Nếu việc tỏ ra khác biệt có thể trở thành điều nguy hiểm, thì sẽ thật vô nghĩa nếu ta chủ ý chấp nhận chịu đựng Tôi cần phải giữ năng lượng để viết, và tôi đang viết rất nhiều thơ.

Tôi cuộn chiếc sari của tôi lại thật khéo léo để không làm nhăn nó, đặt nó một cách cẩn thận trong một chiếc túi nilon mà tôi cắt từ phần giữa túi đựng sách của tôi. Trong toilet nữ tầng 4, tôi trút bỏ bộ quần áo và mặc chiếc sari lên mình. Tôi ngắm nhìn lụa lướt trên sàn lát gạch và không chớp mắt nhìn vào khuôn mặt mình trong gương.

Trông da mình thật tối, chất Ấn Độ không thể lẫn đi đâu được. Tôi cần suy nghĩ vượt qua nỗi e sợ. Sau này khi làm thơ, tôi nghe tiếng Kabir, thi thánh thời trung đại, hát cho tôi, cho tôi can đảm để sống cuộc đời của riêng mình. Đây là bài thơ tôi đã làm.

Kabir Hát trong Thành phố Những Tòa tháp Cháy
Thật đáng xấu hổ
họ làm mi sợ 
nên mi lột bỏ chiếc sari của mình,
vò nát chúng thành một cuộn tròn
và rồi trải nó ra
trên sàn toilet.
Đốm lửa từ những tòa tháp
lẩn trốn qua nếp lụa.

Với mái tóc đen của mi
và làn da cháy nắng
mi chỉ là một đứa con của trái đất.
Kabir -người thợ dệt hát:
Hỡi loài người và loài chó
trong thời khắc buồn đau
quả đất đang quay của chúng ta
nhỏ lại.


13

Nghệ thuật trong thời đại chấn thương là một động thái dịch rất cần thiết. “Những mảnh vỡ của một chiếc bình,” Walter Benjamin viết, “được dính keo lại với nhau.”

Nhưng sẽ ra sao nếu như chất keo dính này lộ ra, các vết nối, vết nứt gãy?

Trong thời đại bạo lực, các tác phẩm nghệ thuật phải sử dụng khung của cái thực, nó làm công việc dịch một bản thảo dường như không đọc được, một thứ mã của sự phục hồi chấn thương.

Có vẻ như với tôi, trong nhịp điệu của mình, bài thơ, tác phẩm nghệ thuật, có thể kết hợp với nhịp điệu, âm hưởng của cái thực tại, của những bước ngập ngừng, những im lặng đột nhiên, những bùng nổ tàn bạo thành một chỉnh thể chặt chẽ. Để rồi, những gì được ráp lại với nhau không chỉ là một tác phẩm tồn tại như một vật thể trong thế giới, mà, trong sự hài hòa mà vẫn chực bất an của nó, trong cái bóng trải ra lấp lánh của nó, cho phép thế giới bước vào bài thơ.

Tôi nghĩ về nó như một sự tái tạo trả lại cho ta cuộc sống của ta, mong manh, bấp bênh.

14

Đôi lời để kết luận.

Tôi nghĩ về nhà thơ trong thế kỷ XXI như một người phụ nữ đứng sau cửa tối.
Chị ta là một người nội trợ, nhưng là một người nội trợ kì quặc.

Chị phân vân trong lối cửa tối. Chị cần phải ở đó bên ngưỡng cửa để tìm một sự cân bằng, để duy trì một mái nhà bên rìa của thế giới.

Chị đưa cả hai tay mình ra. Chúng sẽ giúp chị vững vàng, giúp chị tìm lối đi riêng.

Chị ta phải phát minh ra một thứ ngôn ngữ có thể biểu thị bởi nhiều thứ tiếng.

Về những gì mà chị viết, chúng trói buộc chị với cái hữu hình, đối diện với không gian công cộng, chúng đánh dấu sự nguy hiểm, đánh dấu niềm ham muốn.

Phía sau chị, trong bóng tối của ngôi nhà mình thông qua chị, chảy tràn ra những thứ ngôn ngữ mà không ai trong số những người chị biết sẽ có thể đọc hay viết được những ngôn ngữ ấy.

Những ngôn ngữ ấy tạo hình một thân thể bị mất2 bằng phương pháp khắc axit. Một thân thể tinh tế, sống động, không thể chiếm đoạt.

Nguồn gốc của mọi sự dịch. 
Về tác giả bài viết: Meena Alexdander (1951) là nhà thơ, học giả có uy tín quốc tế. Sinh tại Allahabad, Ấn Độ, lớn lên ở Ấn Độ và Sudan, hiện bà sống và làm việc tại TP New York, nơi bà được bầu chức danh Giáo sư danh dự khoa Văn học và Ngôn ngữ tại ĐH Hunter.

Nguyễn Đức Tâm An dịch
Nguồn: Meena Alexander, “What Use Is Poetry?”, worldliteraturetoday.org
----
1 Câu lạc bộ tranh luận về các chủ đề chính trị xã hội tại Đaị học Yale, Hoa Kỳ.

2 Lấy từ chữ của Aimé Césaire trong tập thơ Corps perdu (NXB Fragrance, 1950). với tranh vẽ khắc axit minh họa củaPablo Picasso.

Nguồn: Tia Sáng

Trích lại từ phongdiep.net

Mùa Đông, ngắm Đà Lạt trong nỗi nhớ

(Thethaovanhoa.vn) - 40 tác phẩm sơn dầu và acrylic mang tên Đà Lạt nỗi nhớ được trưng bày tại Gallery Đào Nguyên, Đà Lạt của 3 Họa sĩ Đinh Cường (sống tại Mỹ), họa sĩ Thân Trọng Minh (Huế) và họa sĩ Phan Ngọc Minh (Quảng Nam). Đây cũng là món quà của những người nghệ sĩ dành tặng cho thành phố Đà Lạt 120 tuổi.
Trong đó, họa sĩ Đinh Cường có 15 bức tranh được vẽ từ nước Mỹ bằng nỗi nhớ Đà Lạt. Đó là những khuôn mặt thân quen, Đà Lạt hoàng hôn, khung cảnh, nhà thờ - nơi mà họa sĩ từng sinh sống được tái hiện lại qua nét tài hoa của họa sĩ. 
Ba họa sĩ chủ nhân triển lãm
Họa sĩ Đinh Cường cho biết, từ những năm 1960 tôi lớn lên trên mảnh đất Đà Lạt, những bức tranh này là tất cả tấm lòng của tôi giành cho Đà Lạt. Họa sĩ Đinh Cường đưa đến cho người xem những chân dung thần thái của những người bạn – Trịnh Công Sơn; thi sĩ Bùi Giáng, họa sĩ Bửu Chỉ... Những đường nét, hình mảng thủ pháp tuy có sự khác biệt, khó trộn lẫn, nhưng người xem vẫn nhận ra sắc màu chung về sắc màu hoài niệm trong không gian trưng bày của 3 họa sĩ.
Theo họa sĩ Đào Nguyên Dạ Thảo – sự góp mặt của 3 họa sĩ- những người con của Đà Lạt đã thể hiện tình yêu với thành phố này, những bức tranh mang sắc màu hoài niệm với bạn bè với chốn cũ, hoài niệm với di sản, tinh thần dân tộc…
Một số tác phẩm trưng bày tại triển lãm:
Đặng Tuấn
http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-toan-canh/mua-dong-ngam-da-lat-trong-noi-nho-n20131128182832270.htm

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Về Huế

TỪ HOÀI TẤN
Về Huế
Về Huế

Xa ròng mười năm
Nay vừa trở lại
Chuyến tàu nửa đêm
Xập xình khó ngủ

Bên ngoài cửa song
Núi rừng đồng ruộng
Chạy qua miền Trung
Nỗi buồn cây lúa

Những sân ga ấy
Ngày xưa ngày xưa
Ai lên phố học
Ai chờ giữa khuya

Mười năm sách đèn
Mười năm xe đạp
Thân thiết đường quê
Mưa dầm tháng lụt

Bỏ Huế mà đi
Bỏ đời thương khó
Bỏ mối tình si
Dưới chân Thành nội

Nhiều năm xa vậy
Thiếu nữ có còn
Người mong phương ấy
Một mùa hư không

Cũng như em đã
Qua hết mùa hồng
Chồng con bận bịu
Khép mình bên song

Bạn cũ chờ ta
Nhiều năm lâu quá
Mê mải miền Nam
Lạc loài bến lạ

Thương Huế mà đi
Xa người để nhớ
Thức giấc xuân thì
Mộng về như ngỡ

Chào Huế ta về
Ngày hương đã dậy
Một mùa xa kia
Như là mơ vậy

Chào Huế ta về
Bạn ơi đừng hỏi
Người ơi đừng hỏi
Mười năm hôn mê

Huế ơi Huế ơi
Đừng hỏi đừng hỏi
Lời nghẹn với lời
Vì sao vì sao

Vì sao ngày ấy
Đã là chiêm bao


(SH297/11-13)

 http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p6/c24/n13392/Ve-Hue.html

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Triển lãm tranh Đinh Cường và Phan Ngọc Minh tại Gác Trịnh.

Chiều ngày 22/11/2013, tại số nhà 203/19 đường Nguyễn Trường Tộ (Tp Huế), Tạp chí Sông Hương và Gác Trịnh đã tổ chức Khai mạc triển lãm tranh của họa sỹ Đinh Cường và họa sỹ Phan Ngọc Minh. Đến dự có đông đảo các họa sỹ, các nhà phê bình mỹ thuật, những người yêu mến nghệ thuật và các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đóng trên địa bàn. 
Triển lãm tranh Đinh Cường và Phan Ngọc Minh tại Gác Trịnh.
Tác phẩm "Trịnh Công Sơn" của Đinh Cường
Triển lãm tranh này nằm trong Chương trình Phát triển không gian văn hóa của Tạp chí Sông Hương.
Về lại Căn nhà của những gã lang thang (cách văn nghệ sỹ thường gọi về Gác Trịnh) cũng là trở về với nơi mà Đinh Cường đã từng sống, từng mơ mộng và tất nhiên, cũng chính là nơi khởi đi cho những đam mê của ông. Và đó cũng là cuộc trở về với nơi mà thơ, nhạc, họa đã hòa quyện vào nhau, sản sinh ra những tên tuổi như Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Bửu Chỉ, Hoàng Phủ Ngọc Tường,…
Tác phẩm "Bên kia sông (III) của Đinh Cường
Có 16 tác phẩm của Đinh Cường và 9 tác phẩm của Phan Ngọc Minh được trưng bày tại cuộc triển lãm lần này. Chủ yếu các tác phẩm được vẽ bằng sơn dầu và Acrylic. Trong 16 tác phẩm của Đinh Cường, có nhiều tác phẩm vẽ chân dung những người bạn đã cùng ông đi qua tháng năm trầm buồn của đời người, của thân phận, của quá trình sinh ra và đi vào hiện hữu cùng thế giới như những kẻ liên can và chủ động nhập cuộc với thế giới đầy đau thương và biến động. Đó là chân dung họa sỹ Trịnh Công Sơn, dịch giả Bửu Ý, thiếu nữ Dao Ánh...
Họa sĩ Đinh Cường (giữa) trao kỷ vật quý về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho Tổng biên tập Tạp Chí sông Hương - Hồ Đăng Thanh Ngọc (trái).
Vẻ sâu hút trong tranh Đinh Cường tại cuộc triển lãm lần này phần nhiều được toát ra từ cái đẹp của người con gái Huế. Họ có thể là những thiếu nữ đã đi vào thơ ca, trở thành những huyền thoại, nhưng cũng có thể là những thiếu nữ vô danh mang nét đẹp của sự tịch lặng, thanh tao, đượm buồn và liêu trai, bình thản, thậm chí có khi lạnh lùng, bất chợt đến rồi bất chợt đi. Thiếu nữ trong tranh đưa ta vào cõi xa xăm huyễn hoặc của sương khói, của khởi thủy hồng hoang rồi biến thành một cái gì đó khó nắm bắt nhưng lại không thể nào biến mất trong trí nhớ.
Tác phẩm "Ký ức xanh" của Phan Ngọc Minh
Trong không gian triển lãm, các tác phẩm của Phan Ngọc Minh cũng hướng đến làm xô lệch các vật thể. Trong tranh của ông, chúng ta thấy họa sĩ đặt các biểu tượng và các họa tiết đôi khi được vẽ dang dở bên cạnh nhau nhằm đưa ra một ý niệm nào đó trong quá trình chúng va đập với nhau; ý niệm đó phụ thuộc vào cách nhìn và cách lý giải của người xem.  Cái đẹp nhất quán trong tranh của Phan Ngọc Minh là qua những hình họa thể hiện các biểu tượng văn hóa, những hình ảnh đại diện cho một thời kỳ văn minh nào đấy người ta thấy ông là người một lòng quay về níu giữ cái đẹp vang bóng một thời, những gam màu của di sản, của sức mạnh văn hóa ẩn tàng trong từng vỉa tầng thời gian.
Tác phẩm "Người ngồi tịch lặng" của Đinh Cường
Phong cách của Đinh Cường tưởng như ít biến động qua thời gian nhưng thực chất trong chúng có mốt sự chuyển động ngầm ẩn, khó nhìn thấy. Cũng có thể là những gam màu xanh lạnh ấy, cũng có thể là màu nâu ấm đó, màu trắng tinh khiết đó nhưng càng về sau tranh càng trở nên tịch lặng hơn, hướng đến cái không của hình thể, cái phi vật thể, cái tâm bình an thanh thoát đích thực.
Triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 24/11. Riêng các kỷ vật sẽ được trưng bày tại Gác Trịnh kể từ ngày hôm nay để những người yêu mến nghệ thuật nói chung và nhạc Trịnh nói riêng được thưởng lãm.
PV
 http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p0/c1/n13385/Trien-lam-tranh-Dinh-Cuong-va-Phan-Ngoc-Minh-tai-Gac-Trinh.html

Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

Giới thiệu Sách Tranh Võ Công Liêm

Một thử nghiệm mới sau Thơ và Tạp Văn Võ Công Liêm

Tập sách trình bày theo dạng Cataloge in khổ 20 x 20,5 toàn bộ in offset bốn màu gồm 4 bài viết hội họa về các họa sĩ nổi tiếng thế giới như Salvador Dali, Picasso, Modigliani và lồng vào 16 bức tranh của tác già Võ Công Liêm - Một nỗ lực của " một người ham đọc, hiếu học, và ưa suy nghĩ ". (Slogan của tập san Văn năm xưa)

Sách gồm 48 trang màu, Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn xuất bản tháng 11-2013 - Không đề giá.
Quý bạn đọc thích tìm hiểu và khám phá có thể liên hệ và nhận sách tặng với nhà thơ Từ Hoài Tấn số điện thoại 0908809405 theo ủy quyền của tác giả.




Xem vài bức tranh có trong tập sách:





Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

Nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc : Thư cho em bé sơ sinh và những bài thơ khác.

Nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc mới gởi tặng tập thơ. 
Cám ơn nhà thơ và mời thân hữu tham dự buổi giao lưu theo thông tin dưới đây.
Từ Hoài Tấn
TT - Nhà thơ, bác sĩ Ðỗ Hồng Ngọc vừa ra mắt hai tập sách và sẽ giao lưu với bạn đọc trong ba cuộc liên tiếp do Công ty sách Phương Nam tổ chức.
Hai tập sách mới của tác giả Đỗ Hồng Ngọc  - Ảnh: P.N.
Hai tác phẩm mới của ông vừa ra mắt công chúng: Thư cho bé sơ sinh và những bài thơ khác (Phương Nam và NXB Hội Nhà Văn), Thiền và sức khỏe (Phương Nam và NXB Thời Ðại) là hai mảng quen thuộc với nhiều người đọc lâu nay: thơ nhẹ nhàng, tình cảm, thấm đẫm ý vị nhân sinh, và các bài viết như kết quả của thực tập thiền và suy nghiệm từ chuyên môn y học.
Về thơ, đã có nhiều người yêu thơ ông, như Ðỗ Trung Quân đã ngắt ngang một đoạn Khi anh cắt rún cho em/Anh đã xin lỗi chân thành rồi đó nhé/Vì từ nay em đã phải cô đơn/Em đã phải xa địa đàng lòng mẹ để nhận định rằng thơ Ðỗ Hồng Ngọc (Ðỗ Nghê) là "Thứ thơ mọc từ cội rễ tâm hồn, tự nhiên và giản dị như lời nói". Còn thiền là phương pháp mà ông đã thực hành từ hơn mười năm trước. Với tập Thiền và sức khỏe lần này, ông cho biết: "Tôi chỉ khu trú vào mối tương quan giữa Thiền và sức khỏe mà tôi đã được trải nghiệm, nhằm góp phần vào việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho mọi người, theo đó sức khỏe được định nghĩa như "một sự hoàn toàn sảng khoái (well-being; bien-être) về thể chất, tâm thần và xã hội chứ không phải chỉ là không có bệnh hay tật" (WHO, 1946)".
Ðỗ Hồng Ngọc sẽ có ba cuộc giao lưu với bạn đọc và sinh viên TP.HCM: vào 10g ngày 23-11 tại nhà sách Phương Nam Vincom (tầng B2, trung tâm thương mại Vincom, 72 Lê Thánh Tôn, Q.1), vào 8g30 ngày 30-11 tại Trường ÐH KHXH&NV 
(10-12 Ðinh Tiên Hoàng, Q.1) và vào 8g30 ngày 7-12 tại ÐH Hoa Sen (8 Nguyễn Văn Tráng, Q.1).
LAM ĐIỀN

Nhà thơ Nguyễn Thái Dương: Thơ như là hạt bụi

Nhà thơ Nguyễn Thái Dương vừa gởi tặng tập thơ.
Xin trích lại bài viết trên báo Thể Thao Văn Hóa như lời cám ơn.
Từ Hoài Tấn

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà thơ Nguyễn Thái Dương vừa ấn hành tập thơ Hạt bụi thơ, bầu trời thơ nhân dịp ông giã từ nghề báo để về hưu. Các nhà thơ thường bay bổng trong khoảng thơ tình tặng các bóng hồng, nhưng với Nguyễn Thái Dương, gần như thơ ông chỉ viết về gia đình mình.
Nói đến Nguyễn Thái Dương, rất nhiều nhà văn trẻ thành danh hiện nay biết ơn ông như là “bà đỡ” cho những sáng tác đầu đời của họ. Vì ông nhà thơ hiền lành có hơn 10 năm làm Thư ký‎ tòa soạn tuần báo Mực tím, Trưởng ban Văn học của nhóm báo Mực tím - Khăn quàng đỏ - Nhi đồng, nơi đăng tải nhiều sáng tác của nguời trẻ.

Nhà thơ Nguyễn Thái Dương
Nhân dịp này, TT&VH có cuộc trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Thái Dương.
* Tập thơ đầu tay của ông là Bầu trời thơ, hạt bụi thơ, sau chừng ấy năm với nhiều tập thơ nữa ra đời, đến tập thơ “về hưu” này sao lại là Hạt bụi thơ, bầu trời thơ?
- 26 năm trước, tôi viết hai câu cuối bài Bầu trời thơ, hạt bụi thơ: Cha là bầu trời thơ, thơ con là hạt bụi/ Con lẫn vào cha từ bé đến muôn đời… Với hai câu ghi vào lòng như vậy, hồi ấy tôi nghĩ mình có thể yên tâm làm thơ tiếp vì cái dáng vẻ “bé đến muôn đời” của hạt bụi đang lẫn giữa mênh mang bầu trời. Nhưng hôm giỗ thứ 10 của cha, trước bàn thờ, tôi nhẩm: Tiếc con hạt bụi từ hồi / Vẫn chưa lẫn được vào trời thơ cha. Khó có thể nói sớm một điều gì với một hạt bụi, dẫu là hạt bụi thơ bé bỏng. Bài thơ Hạt bụi thơ, bầu trời thơ ra đời từ cái ngữ cảnh như vậy và tôi chọn cụm chữ ấy làm nhan đề cho tập thơ.
* Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhận xét: “Đọc thơ Nguyễn Thái Dương, có cảm giác anh như người chép sử của con mình. Thật ra đó là tâm trạng của người cha dành cho con cái, tràn đầy yêu thương…”. Có phải vì xuất thân là nhà giáo nên thơ ông chỉn chu, trách nhiệm với mái ấm của mình?
- Đâu cứ nhà giáo, tôi nghĩ, “nhà” nào mà chẳng chan chứa trong lòng bao tình cảm đối với mái ấm. “Nhà” nào cũng có cách tỏ bày khi lắng chìm, lúc tha thiết: Không một ai trên đời này/ Có thể cất kỹ điều gì, kể cả niềm im lặng/ Tôi làm thơ vì cả một trời riêng tư kia/ Giấu không được trong lòng… Từ Bầu trời thơ, hạt bụi thơ (1987) đến Hạt bụi thơ, bầu trời thơ (2013), những thân thiết quanh tôi đều được thắp lên trong tôi, là vì thế.

* Được biết, ông làm thơ vận dụng cách nói lái của người miền Trung rất tài tình, vậy khi nào thì bạn đọc được cầm tập “thơ lái” của ông?
- Thơ… lái à? Cũng… vui. Theo thời gian “tích lũy” từ ngẫu nhiên, vậy mà thử… nhẩm, có đến cả trăm bài theo kiểu… tức vận, sinh vè ấy. Tôi giữ lại được là nhờ một hai người bạn đã chuyển tiếp lại hoặc ưu ái chép lại trên một cuốn tập từ những tin… nhắn qua nhắn về kia. Nhưng những chữ nghĩa ấy, thật ra, chỉ là cách giải khuây bên bàn rượu, chỉ là kiểu giải lao giữa giờ trên tin nhắn vu vơ cho đời sống bớt nặng nề, của những người muốn xả stress. Tuyệt nhiên tôi không có ý định xuất bản gì hết.
* Cả đời ông dường như gắn với giới trẻ, vì đi dạy học rồi đi làm báo cho tuổi mới lớn, ông có tin số phận mình gắn với người trẻ, vì sao?
- Tôi dạy học từ việc cố ‎tình chọn ngành sư phạm. Rồi tôi chuyển qua làm báo cũng là từ nguyện vọng đổi nghề của cá nhân. Có vẻ như số phận không dính dáng gì đến việc quyết định đời mình ở đây. Nhưng hai cái nghề khác nhau xa ấy lại có cùng một đối tượng (tuổi mới lớn), đôi khi cũng khiến tôi lẩm nhẩm trong thơ mình hai chữ “duyên nợ”: Lớp vẫy tay rồi, giờ quay lại trường xưa/ Mắt học trò long lanh nhìn… nhà báo/ Người thầy cũ đây mà… Giờ ra chơi huyên náo/ Phút giây này bỗng im phắc vì đâu? (1985). Kéo dài từ đó đến nay, duyên nợ ấy không dễ gì tàn phai ngay cả lúc tuổi đã về chiều, phải vậy không?

THANH KIỀU (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

THỂ TÍNH THIỀN



        
Giáo ngoại biệt truyền
Bất lập văn tự
Trực chỉ nhân tâm
Kiến tánh thành Phật.

 Bồ-Đề-Đạt-Ma (…-528)

     Thiền theo ngữ thuật Trung Hoa diễn tả là một cái gì ”tròn và lăn, trơn và trượt” một cái gì không nắm bắt được, không mô tả được, một cái gì bất-khả-tư-nghị; phong cách của thiền là một ngôn ngữ bí truyền, một thái độ kỳ quặc với những phương pháp tu luyện lạ lùng được các vị thiền sư áp dụng trong các giáo lý cũng như cách tu tập. Mục đích và cứu cánh của thiền dù ở dưới bất cứ tông phái nào vẫn duy trì được bản tâm, bản tính của mình qua vô luận cách thức hành trì để xóa bỏ mọi vọng niệm, hiển lộ được lẽ ” đạo” để giải thoát mọi đau khổ cũng như vòng sinh tử. Ngoài việc tu tập, luyện tâm não; thiền dần dần trở thành nghệ thuật tu học, một thứ nghệ thuật độc nhất để truyền chân lý Bát Nhã như tất cả các nghệ thuật vĩ đại khác, từ chối mọi chức năng, từ chối mọi hình thức giáo điều, khuôn mẫu hay hệ thống cố hữu của Phật giáo cũ…thiền ở đây chính là biểu tượng rộng rãi, vi diệu, đại đồng và vô hạn; hàm chứa tất cả và bao trùm tất cả.

Đó là thể tính của thiền. Vậy thiền là gì? Thiền xuất phát từ chỗ phát âm chữ Trung Hoa ”Ch’an” là chữ viết tắt của nguyên chữ ”Cha’na” Nhật ngữ gọi là Zenna hay còn gọi là Thiền-Na rút ra từ Phạn ngữ Sanskrit Dhyana.Thiền là lối phát âm sai của một lối phát âm sai khác! Từ chữ Thiện ra Thiền.
Cốt tủy của thiền là phô diễn cái tột đỉnh tư tưởng Phật giáo, một giáo lý trực chỉ, sâu xa và thực tiển có thể đưa ta đến con đường giác ngộ viên mãn. Cho nên thể tính của thiền là nói lên chữ Tâm mà tâm trọn vẹn chính là tâm Phật vì Phật là Đạo, đạo ấy là  Thiền. ”This nature is the mind and the mind is the Buddha and the Buddha is the Way and the Way is the Zen” (D.T.Suzuki)
Trung Hoa thiền còn được gọi là Tâm Tông tức là Tâm giáo vì những gì thiền rao giảng chính là con đường đưa tới giác ngộ của tâm.
Ngộ chỉ là tên gọi khác của sự khai mở viên mãn của tâm nội tại; ngộ chỉ là bước khởi đầu chứ không phải là kết cuộc để đạt tới thiền. Ngoài cõi sâu thẳm và mênh mông của tâm thì chả có gì để ngộ cả. Bởi ngộ là trái tim của thiền là thực nghiệm để nhìn thấy được sự khai mở hay thực hiện được tâm linh một cách viên mãn tuyệt đối. Sự viên mãn ở đây là một thể tính vi diệu và trống không của ngộ. Tĩnh mà động, siêu việt mà nội tại tất cả ý tưởng trên mang lại cho thiền nhân một tâm tư tự do, thoát tục, đạt tới nhân tâm, bản thể của ngộ là một bản thể trong suốt của tâm ngộ để trở thành đa thù bởi vì đa thù của ngộ là dị biệt một cách thâm hậu sâu sắc để đi tới phát-tĩnh-thực-tại mà trong truyền thống thiền được coi như một kinh nghiệm nội tại của sự phát triển chân lý Bát Nhã, một chân lý đã giác ngộ được nhờ trí tuệ siêu việt cho nên giác ngộ là tối hậu viên mãn của Thiền Phật giáo (Zen Buddhist).
Giáo lý hay học thuyết (tenet) của thiền được chia ra hai nhóm rõ rệt, một gọi là Tông, một gọi là Giáo. Tông và Giáo hợp lại gọi là Thiền giáo. Nhưng tất cả những đẳng cấp, giáo phái đều tập trung trong Tâm (Utta) Ý (Mana) và Thức (Vijnàna). Chính ba dòng tư tưởng  của thiền được xoáy quanh trong một giáo điều gọi là sắc giới hay gọi là ba giới (tam giới) nghĩa là có ba loại chúng sinh trong vũ trụ quan của Phật giáo. Cõi cao đẳng cấp gọi là “vô-sắc-giới”, chúng sinh ở cõi nầy không còn sắc thân mà chỉ còn là hiện hữu thời gian ”being time”. Cõi thứ hai gọi là “sắc-giới” ở cõi nầy chúng sinh có sắc thân và không có sắc dục. Cõi thứ ba gọi là “dục-giới” đây là cõi mà chúng sinh có nhiều loại tham dục và sợ hãi khác nhau , chính cõi nầy được gọi là cõi ta-bà-thế-giới đầy rẫy lòng tham dục. Cho nên tu thiền cốt diệt tham-sân-si-phiền-não để đi tới cõi tịnh và bước vào cõi thường hằng của Niết Bàn; mà muốn đến con đường đó, thiền coi giải thoát là một hệ tính quan trọng, từ bỏ mọi tham dục để đi qua ngưỡng cửa của “tịch” tức tĩnh để diệt được dục không còn dính líu đến phiền não của cuộc đời. Do đó mục đích duy nhất của thiền là khiến ta đủ khả năng để hiểu và thực hiện tâm toàn thiện của mình. Vì tâm là chủ đề then chốt để nghiên cứu và đạt tới đạo thiền.
Thiền định bao trùm một triết lý nhân tâm trong một vũ trụ siêu việt để đạt tới chân như của thiền cho nên trong việc tu tập thiền đạo đòi hỏi cái nhu cầu  cần thiết cho việc thiền-định. Bao gồm: SơThiền là bước đầu nhập thiền, trút bỏ mọi vọng niệm đam mê, tẩy trừ mọi tư tưởng xấu xa, nghi hoặc thế nhưng tâm vẫn còn vướng mắc vào cõi đời vì thế mà chưa dứt với hành động nhập thiền. Nhị Thiền là tâm qui tụ, tập trung nhưng ít nhiều còn hoài vọng. Tam Thiền là giai đoạn mất dần bản thể để đưa đến một tâm thức xuất thần (exatique) cho nên vẫn còn cảm thấy hạnh phúc. Tứ Thiền là giai đọa cuối cùng, tất cả mọi cảm giác biến mất nghĩa là dục-tự-tại không còn nữa mà chỉ còn lại một trạng thái thuần sáng, tịch tịnh (equanimité) để đạt đến chân như của thiền . Đó là con đường giải thoát (enlightenment) để nhập vào hữu thể (etre) để trở thành hiện thể (comme existent) của thời hiện hữu (being time) Sự sinh tồn ấy chính là hiện hữu với thời gian. Beingtime; mean that time is being every existent thing is time. (The Three Pillars Of Zen / Ba Trụ Thiền của Philip Kapleau).
Do đó tâm là chủ đề của người tu thiền và cũng là then chốt cho việc nghiêng cứu thiền. Thiền chính là sự giải phóng toàn diện tâm tư con người thoát ra khỏi mọi ràng buộc, mọi giây trói, mọi sự bất động. Vậy thiền muốn nói gì? - là sống như Như Lai và trầm mình trong dòng nước của Như Lai để thanh tẩy vẩn đục cả xác lẫn hồn . Đó là tấm lòng nhân hậu, vị tha là tâm-đại-bi của Bát-Nhã-Ba-La-Mật, đó là phép nhu hòa của  nhà Phật là  pháp-tính-không ( sùnyatà). Cái  đòi hỏi của  thiền  là tâm phải an tĩnh, phải chính niệm thì tâm thân (body mind) mới có nơi an trú; cho nên tĩnh lặng của thiền không phải là yếu tố làm cho tâm ta bất động mà nó giúp cho ta trầm lắng và hòa hợp  giữa cái hoạt động tích cực ấy. Zen meditation does not aim at making the mind inactive but at quiting and unifying it in the midst of activity. (Thiền sư Yasuyami) Vì thế Ngộ và Hành là một phương pháp huấn luyện tâm thân trở nên độc đáo của lối tu thiền và nhờ đó mới nhận ra được tự tánh. Bởi thiền không ngoài mục đích tham thiền, tọa thiền, chiêm nghiệm thiền để đạt nhân tâm. Thiền yêu cầu hành, hành trong mọi sinh hoạt ngoại giới cũng như nội giới để đưa tới giải thoát và vượt thoát ra khỏi những ràng buộc, bức tức nhờ đó mà đưa tới ngộ. Vì vậy giữa ngộ và hành đều xuất phát tự tâm, thiền tâm là bản thể tuyệt đối và khi nhận ra được bản thể bất biến đó thì người ta gọi là Pháp thân (Dharmakaya).
Cho nên đạt đến chân tâm của thiền cần phải có Định và Niệm. Trong kinh Tứ Thập Nhị Cương có dùng danh từ Thiền Định (Trú đại thiền định,hàng chư ma đạo) Hình thức thiền định nầy còn được gọi là Vô-thường-quán. Còn nói về Niệm; theo Huệ Năng phải đạt tới chỗ Vô-Niệm, vô niệm ở đây không phải là tuyệt các ý niệm mà chỉ giữ một Niệm không phải là niệm riêng mà một thứ niệm không chấp trượt, không vọng tưởng, không chấp ngã, không chấp pháp, không chấp cảnh tức là niệm về tự tánh về chân như. Bởi vì chính niệm là vô niệm. Quán được vô niệm thì mới gọi là tri kiến của Phật.Vì vậy thiền định theo Huệ Năng là tâm chẳng khởi vọng gọi là “ngồi”. Trông thấy tánh mình chẳng động gọi là “thiền”, như vậy ngoài thiền trong định ấy là Thiền Định. Thiền định (Samàdhi) Phạn ngữ cho đó là “suy tư” ”trù liệu” hoặc “suy xét thấu đáo”. Trung Hoa tom góm lại hai chữ “tĩnh lự” có nghĩa là chiêm nghiệm trong tĩnh lặng; cho nên thiền định là trạng thái của một tiến trình trọn vẹn giữa Sinh, Trụ và Diệt để đưa tâm thức vào trạng thái vô niệm để trở thành ý thức nghỉ ngơi.
Samàdhi và Sanskrit là một, là tâm tĩnh lặng, là trạng thái tập trung tinh thần hoàn toàn trong suốt. Đó là trạng thái an lạc, sáng tỏ và vô niệm của Samàdhi; đặc tính khác nữa của tĩnh lặng là vận dụng được nhịp thở, khí, tất cả những tính thể trên được coi là cốt tủy của Samàdhi. Bởi thiền định cần phải giữ vai trò luyện thở là một lối nhập định hay nhất. Do đó giai đoạn tham thiền với ngụ ý tu thiền thì người ta phải cố thâm nhập, lãnh hội vào tận các cõi miên thâm của tâm mình. Thiền nhằm đi thẳng vào lòng người (trực chỉ nhân tâm) chứ không cần phải giải thích vòng vo hay lý giải điều này sự nọ mà chao đảo đến tâm thần .Vì vậy đến với thiền với một tâm hồn không câu nệ, không trói buộc trong lề thói, khuôn phép có sẳn mà đi tới bằng con đường đốn ngộ đó là con đường phá chấp mọi diễn biến và trực nhận; đó là yêu cầu và đòi hỏi của thiền để có một nhãn quang mới mẻ hơn,  ấy là ngộ hay còn gọi là giác ngộ để kiến tánh.  Ngộ là một tri giác (intuition) phóng  thẳng  vào  bản  thể của vạn vật bằng chính sự sống, khác với sự hiểu biết qua sự phân tích lý luận. Cái nhìn mới này; điều cần phải biết về lẽ sống (Sunyata) hoặc vô ngã. Biết được lẽ “Không” này phải nhờ vào trực giác để thấy rằng ”sắc tức thị không” tức là tất cả những gì thuộc về thế giới hình tướng đều rỗng không (hollow empty).
Ở trong thiền chẳng có gì nên mà cũng chẳng có gì không nên. Vì thế; ngủ uẩn đều trống không, còn tứ đại là giả hợp. Mọi sự trên đời đều vô thường. Ngay cả việc đối đáp trong thiền qua những công án; đó là thuật ngữ được dùng từ thời Vãn Đường rút ra từ câu ”công phủ chi án độc” đó là công văn để trên án thư và rồi thâu tóm lại bằng hai chữ công-án (koan), lối đối đáp kỳ quặc, một ngôn ngữ khó hiểu mang nặng tính chất ẩn dụ hoặc giả thiết …đôi khi không dùng văn tự mà xử dụng hành động đánh đá hoặc chưởi mắng, lối tu tập của thiền đi từ đốn ngộ đến ngộ, đó là tư cách hành xử của những người tu thiền.Vậy thế nào là ngộ trong công án? Thiền cho những lúc như thế là kiến tánh, thấy được thực tướng của vũ trụ; nhưng ngộ chỉ là mới bắt đầu, cần phải tu tập cho tới khi toàn giác.
Có một thiền ngữ như sau: ”Lý khả đốn ngộ, sự yên tiệm tu” cho nên ngôn ngữ của thiền rất cô đọng và tiềm ẩn để đạt tới nhân tâm, một tâm bình thường chính là vô tâm, tâm bình thường không liên quan gì đến sinh hoạt ý thức, sự thuần phác đó chính là trọng tâm của thiền.
Thiền định chính là định tâm; đó là tâm bình thường, tiếp thu tinh hoa bất động nằm giữa thế tục. Nói tóm lại trong cõi tịnh ấy đã đưa cái tâm vào cuộc sống, chứa đựng thiền tính của thụ hưởng như ngắm hoa, tiả cành, uống trà, ngâm thơ kể cả bút pháp và họa; đó là tọa định tư duy trong sáng tạo của thiền một cách lạc quan tích cực với sự sống của chính mình. Phương pháp dùng thiền giới để giải thoát sự kinh hoàng, nỗi sợ hãi trong cuộc sống thường ngày. Cái thế giới hiện sinh của thiền bao gồm qúa khứ, hiện tại và vị lai mà thời gian đối với thiền là vô định, để biến cái thời gian đó trở thành một cái tâm không dao động tức con đường đi tới khai ngộ. Sự sinh tồn ấy chính là hiện hữu với thời gian (every existent thing is time).
Nhưng ở thiền ta cần phải đặt trọng tâm vào bản ngã, tức cái ta với hiện hữu. Vậy thì bản ngã là hữu thể và vô ngã là không hữu thể. Thiền Phật giáo qủa quyết rằng: ”Chỉ có khổ hiện hữu nhưng không có người chịu khổ, chỉ có hành vi, nhưng không có tác nhân” Linh mục Trần Thái Đỉnh cho rằng: ”Vạn vật vô ngã có nghĩa là trong vạn vật không có sự vật nào là ngã hết, nhưng có ngã mới đi tìm như vậy. Tìm trong vạn vật không thấy thì ý thức sẽ tìm thấy; trong ý thức tức là nơi chính tự nó”. Chính ý thức là ngã, nhưng ý thức đây không phải là ý thức thực nghiệm (conscience empinique) ý thức là ngã, ý thức tự qui, ý thức siêu nghiệm (conscience trascondentale) (Trong Tc Đại Học #15 1960).
Cái ngã đó tức là cái tôi (self) chỉ là mớ tri giác  khác biệt,  cái  này  theo  cái kia với một tiến trình siêu tốc, bất-khả-tư-nghị đó là điều luôn luôn trôi chảy và chuyển vần. Trong Pháp Cú kinh (Dharma sũtra): ”Tất cả mọi hành đều vô thường, tất cả mọi hành đều là khổ.Vạn pháp vô ngã”. Cho nên cái TA tức là cái NGÃ của con người là nhân duyên phát sinh ra phiền não, nhưng phải nhớ cho rằng phiền não là chông gai.
Để đi tới chân như đó người tu thiền chỉ còn lại một mục đích duy nhất là Giác- Ngộ, Giải-Thoát để đạt đến Tính-Không của thiền nhờ vào việc tu tập, sống, giới hạnh chính trong những hoàn cảnh đó họ tìm thấy được cốt tủy của thiền. Sự thật của thiền là đi từ chỗ bất tịnh để trở thành thanh tịnh, từ khổ đau đến an lạc đó là đạo giải thoát. Điều rất dể hiểu; thiền là một tôn giáo thực tiển với một phương thức độc đáo của thân tâm mà tất cả cứu cánh của thiền là Thức Tĩnh để đi tới sự nhận thức của chính mình. ”Briefly stated; Zen is a religious practice with a unique method of body-mind, training whose aim is awakening; that is, self-realization”(The Three Pillars of Zen. by Philip Kapleau).
Thiền là thực chứng, là phá chấp, là kẻ đứng ngoài mọi giáo điều, mọi hệ thống tín điều; thiền đương đầu với mọi tình huống của nội tại, gạt bỏ toàn diện, giải thoát tâm linh để đi tới ngộ đó là hành động của thức tỉnh là mối tương duyên của thiền giả; ngược lại thiền dấn thân, dấn thân ở đây là sự mở mắt để xua đuổi vọng niệm, để đạt đến như nhiên của thiền. Giờ đây thiền không còn là giáo phái Bắc tông, Nam tông, Đại thừa, Tiểu thừa. ”Zen” Thiền đã đi vào với nhân loại vào với các tôn giáo khác (Zen Christian) tất cả đi vào một niệm là TÂM là Thánh Tâm (Saint Coeur).
Đó là thể tính thiền; thiền là thực chứng là sống động để đạt tới nhân tâm, vượt thoát ra khỏi mọi ràng buộc, giây trói, một cuộc cách mạng giữa Phật giáo mới và Phật giáo cũ. Vì rằng; thiền là mạch lộ chính, là đạo (way) dẫn đường vào cuộc sống, một cuộc sống thanh cao diệu vợi, quên mình để hòa nhập. Thiền chấp nhận mọi tương sinh nhưng từ bỏ mọi tương tranh. Đó là phá chấp, diệt ngã để kiến tánh thành Phật giữa hư hóa và hữu hóa đó là sinh phong của thiền, không tranh chấp mà phá chấp đó là tự-tại-vô-ngại để nâng cuộc sống được viên mãn; cho nên phương tiện thiện xảo của thiền là giải thoát cái u minh nội tại để vào vũ trụ siêu nhiên của tâm như, của niết bàn tại thế. Thể tính thiền là thế đó! Thực chứng của thiền là thuyết bất nhị để tìm đến tuệ giác và đại bi. Vì thế thiền là bản chất không phải là hình thái và chính nơi đây đã cho ta thấy những bờ cõi của thiền, bờ cõi trong sáng, linh động và huyền bí mà vạn vật chúng sinh đã đắm mình trong cái Có và Không, hữu thể và vô thể, hữu hình và vô hình, vô hình mà lại hữu hình, sắc-sắc-không-không.Thiền là tinh thể trung hòa của mọi chuyển hoá.
Trong thiền còn chứa ba điều: Chánh, Niệm và Định.
- Chánh-tinh-tấn (Sammà vâyàma) có  nghĩa   chế ngự  không  cho nội tâm bị vẩn đục bởi những hành động uế tạp hay bởi tư tưởng xấu xa.
- Niệm (Sammà sati) có nghĩa là tu luyện tâm thần (culture mental) bằng những phương pháp tập trung thở và điều hòa khí bằng phương pháp du-già (yoga) nhờ phương pháp đó ta kiểm soát và ý thức mọi hành vi của cơ thể, mọi cảm giác đưa tới dục tính (sexuallity) để tránh đụng chạm tới hành vi của tâm và thân.
- Định (Sammà samâdhi) đây là phép tu luyện có tính cách vật lý trị liệu (psy-therapy) là phép tu được đức Phật và hàng đệ tử áp dụng để đạt tới chánh huệ.
Tất cả mọi thực hành trên đều có mục đích khử trừ, tận diệt mọi dục vọng đam mê để đạt tới trạng thái thuần tịnh, ngoài ra giúp cho các thiền sư có đực một tri thức phi thường. Nhưng chính cái Huệ hay Bát Nhã đạt được nhờ thiền định; bởi vì nó là một nhận thức trực tiếp chân lý không qua một suy luận nào hay nhờ vào một mặc khải hay giáo huấn nào khác mà đó là chân tâm vô lượng, vô ngã, vô thường của vạn vật nghĩa là trực diện với chân không tức tính không của nhà Phật để đi tới bất-bản-thể toàn diện (insubstantialisme total).

Tóm lại; thể tính thiền là nói lên những yếu tính về phép tu tập của thiền, giải thoát mọi tình huống xẩy ra giữa nội tại và ngoại quan với tất cả mọi hành xử trong đời sống để đạt mục đích tối thượng của kiến tánh và giải thoát mọi duyên nghiệp để đi tới một tâm thân toàn mãn. Bởi triết lý của Phật là một triết lý sống động, một chân lý đưa lại sự giải thoát trọn vẹn mà chỉ có ai thực hiện được nó mới đạt được nó và hiểu được nó. Trái lại những lý luận khác hoàn toàn có tính cách tri thức chỉ đưa lại chấp mê mà thôi.
Trưởng thành trong thiền là giải thoát tâm ra khỏi kiến thức, để đạt được kiến tánh, giải thoát và giác ngộ đó là cốt tủy của thiền phái. Tâm đối với thiền là cái bất-khả-tư-nghị luôn luôn coi tâm là ánh sáng. Thiền là thế giới của kiến thức rồi thoát ra khỏi thế giới ấy để vào cái bất-khả-tri. Tu thiền là mục đích giải thoát và tìm đến giác ngộ toàn thiện, toàn mỹ chứ không còn một đòi hỏi nào khác hơn. Chính những lúc như thế là vượt ra khỏi cõi ta-bà-thế-tục. Vì vậy pháp môn tu thiền không còn là giáo phái ngày nay mà nó trở nên một nghệ thuật nhìn vào thể tính hiện sinh để kiến tánh thành Phật trong muôn ngàn vạn kiếp,hằng hà sa số lượng kiếp chúng sinh./.

VÕ CÔNG LIÊM  (rằm thánggiêng. canhdần. 2010)

SÁCH THAM KHẢO:
- The Three Pillars Of Zen.by Roshi Philip Kapleau.Anchor Books USA 1989
- Thiền Đạo Tu Tập. Chung Trùng Cơ. NXB Kinh Thi.Sàigòn 1974
- Zen Buddhism and Psychoanalysis.by: D.T.Suzuki,Erich Fromm,Richard de Martino.
(George Allen&Unwin USA 1970)
- Quan Niệm Giải Thoát Trong Phật Giáo Cũ.Linh Mục Thiện Cẩm.NXB Đại Nam Sàigòn 1970
- Thiền Học Việt Nam.Gs Nguyễn Đăng Thục.NXB Thuận Hóa.Huế 1997.