Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2016

​Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường qua đời

TTO - Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường – tác giả nhiều công trình nghiên cứu lịch sử có giá trị, vừa qua đời tại nhà riêng ở TPHCM lúc 4g sáng 24-3 sau một thời gian dài nằm bệnh.
​Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường qua đời
Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường qua đời. Ảnh: L.Đ
Trước đó, sau khi nhắm không qua khỏi căn bệnh nan y, ông Tạ Chí Đại Trường từ Mỹ về lại Việt Nam vào ngày 4-10-2015 với ý nguyện sẽ “gửi nắm thân tàn” lại nơi quê hương.
Theo người nhà cho biết, trước tết âm lịch Bính Thân 2016, ông vẫn còn tỉnh táo, có thể tiếp chuyện một bạn bè đến thăm. Nhưng từ tết đến nay thì ông yếu hẳn.
Ông Tạ Chí Đại Trường sinh ngày 21-6-1938 tại Nha Trang, nhưng quê gốc ở Bình Định. Ông bắt đầu làm việc với sử liệu và nghiên cứu lịch sử Việt Nam từ trước 1975.
Các công trình của ông được giới sử học trong và ngoài nước đánh giá cao, không chỉ ở mức độ công phu, cẩn thận khi xử lý tư liệu mà quan trọng là cách nhìn của Tạ Chí Đại Trường về lịch sử Việt Nam có tính mới mẻ, nên ông là người đưa ra các kiến giải quan trọng, tạo nên một “phong cách sử học” của riêng ông, khác với sử quan và khác với mọi người.
Trong khi học giới nước ngoài nhanh chóng tiếp cận các công trình nghiên cứu sử học của Tạ Chí Đại Trường ngay khi ông vừa viết xong và công bố, bạn đọc trong nước chỉ tiếp cận một hai đầu sách của ông in vào khoảng thập niên 80-90 thế kỷ trước.
Gần đây, thông qua nỗ lực liên kết xuất bản của Nhã Nam, một loạt sách của ông được xuất bản trong nước như: Những bài dã sử Việt (2009), Người lính thuộc địa Nam Kỳ 1861 - 1945 (2011), Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802 (2012), và Thần người đất Việt (2014).
Ghi nhận những đóng góp về chuyên ngành nghiên cứu lịch sử của nhà sử học Tạ Chí Đại Trường, Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 7 năm 2014 trao tặng ông ở hạng mục Giải Nghiên cứu, với lý do “Vì những đóng góp độc đáo và mới mẻ của Ông trong nghiên cứu sử học”.
Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường mất đi là một mất mát lớn cho giới nghiên cứu sử học trong và ngoài nước. Những ngày cuối đời trên giường bệnh ở Sài Gòn, ông vẫn ưu tư đề cập đến các vấn đề sử học của đất nước, và trăn trở về một số công trình chưa kịp in ở Việt Nam.
​Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường qua đời
Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường gặp gỡ bạn đọc tại Nhã Nam thư quán, năm 2011 - Ảnh: L.Điền
Hiện linh cữu nhà sử học Tạ Chí Đại Trường được quàn tại nhà: 402/27 An Dương Vương, P4, Q5.
Lễ viếng bắt đầu từ 20g ngày 24-3,
Lễ động quan lúc 8g ngày 27-3, sau đó đưa đi hỏa táng tại nghĩa trang Đa Phước.
LAM ĐIỀN

Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

Nhà thơ HOÀI KHANH qua đời



VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC
NHÀ THƠ HOÀI KHANH
Tên thật: Võ Văn Quế
Sinh ngày14. tháng 6. năm 1933 – tại Đức Nghĩa, Tp Phan Thiết
ĐÃ VĨNH VIỄN RA ĐI VÀO LÚC 2 GIÒ SÁNG NGÀY 23.3.2016
(Tức Rắm tháng hai – Bính thân)
Hưởng thọ 83 TUỔI
Tại nhà riêng ở Tp Biên Hòa – Đồng Nai
Lễ di quan sẽ được cử hành vào ngày Chủ nhật 27.3.2016 (19.2 Bính thân)


CHÂN THÀNH CHIA BUỒN CÙNG GIA ĐÌNH CHỊ HOÀI KHANH
NGUYỆN CẦU HƯƠNG LINH ANH SỚM ĐƯỢC AN LẠC NƠI CÕI VĨNH HẰNG…

nguyễn văn trai - viêm tịnh - cao huy khanh - nguyễn miên thảo - từ hoài tấn - trần bảo định - nguyễn quốc thái - nguyễn khắc nhân - nguyễn thanh văn - phạm tấn hầu - đặng văn chơn - huỳnh ái tông - hồ trọng thuyên - huỳnh ngọc thương - ngụy ngữ - phan lệ dung -  nguyễn sông ba - võ chân cửu - phù hư - hoàng lộc - hạ đình thao -  cao thoại châu - mặc tuyền - triệu từ truyền - từ kế tường - vũ trọng quang - nguyễn đình bổn - hồ đăng thanh ngọc - nguyên quân -và thân hữu gần xa

Tiểu sử

Hoài Khanh tên thật Võ Văn Quế. Sinh năm 1934 tại phường Đức Nghĩa, Phan Thiết, Bình Thuận. Hiện trú tại phường Thống Nhất, thành phố Biên Hoà, Đồng Nai. Trước 1975 làm báo, có thời gian phụ trách tòa soạn tạp chí Giữ Thơm Quê Mẹ và trông coi nhà xuất bản Ca Dao tại Sài Gòn.

Sau 1975 lui về cuốc đất trồng khoai ở Biên Hòa cho tới nay.

alt

Tác phẩm

Đã in :

- Dâng Rừng (thơ, 1957) 
- Thân Phận (thơ, 1962)
- Lục Bát (thơ, 1968)
- Gió Bấc, Trẻ Nhỏ Đoá Hồng và Dế (thơ, 1970)
- Trí Nhớ  Hoang Vu và Khói (tập truyện, 1970)
- Hương Sắc Mong Manh (thơ, nxb Thư Ấn Quán, Hoa Kỳ, 2006)
- Buông Xả Thanh Thản, đối Thoại Triết học (dịch Martin Heidegger, nxb Văn hoá, 2007)

Sẽ in :
- Phương Trời Lưu Viễn (thơ)
- Lang Thang Vào Thế Giới Nghệ Thuật (tập 1)
- Lang Thang Vào Thế Giới Âm Nhạc Cổ Điển (tập 1)

NGỒI LẠI BÊN CẦU

Người con gái trở về đây một bận
Con đường câm bỗng sáng ánh diệu kỳ
Tôi lẩn trốn vì thấy mình không thể
Mây của trời rồi gió sẽ mang đi
Em thì vẫn nụ cười xanh mắt biếc
Màu cô đơn trên suối tóc la đà
Còn gì nữa với mây trời đang trắng
Đã vô tình trôi mãi bến sông xa
Thôi nước mắt đã ghi lời trên đá
Và cô đơn đã ghi dấu trên tay
Chân đã bước trên lối về hoang vắng
Còn chăng em nghĩa sống ngực căng đầy
Quá khứ đó dòng sông em sẽ ngủ
Giấc chiêm bao nguyên vẹn có bao giờ
Ta sẽ gặp trong ý tình vũ bão
Con thuyền hồn trở lại bến hoang sơ
Rồi em lại ra đi như đã đến
Dòng sông kia cứ vẫn chảy xa mù
Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu.
Hoài Khanh
 

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2016

Nhà sách tại Sàigòn ngày nay

Trước năm 1975 Sàigòn có những nhà sách danh tiếng như Khai Trí trên đường Lê Lợi, Lê Phan trước ở đường Phạm Ngũ Lão ngang bến xe Bus, sau dời về đường Lê Lợi ngay ngã tư Lê Lợi – Pasteur cạnh Casino Sàigòn nằm trên đường Pasteur, nhà sách Xuân Thu chuyên bán sách ngoại quốc nằm rên đường Tự Do trong khu Eden, nhà sách Tự Lực trên đường Lê Lợi, ngang bệnh viện Sàigòn, gần chợ Bến Thành, nhà sách Toàn Lực nằm trên đường Lê Thánh Tôn, gần chợ Bến Thành, trong số nầy chỉ có nhà sách Khai Trí là có nhiều khách nhất. Ngoài ra có nhà sách Đoàn Văn nằn trên đường Lê Văn Duyệt ngang với Trung học Tư thục Trường Sơn.
Sau năm 1975, các nhà sách ấy dẹp tiệm, nhà sách Khai Trí bị tịch thu, chủ nhân ông Nguyễn Hùng Trương bị đi tù cải tạo vì tồn trữ văn hóa phẩm đồi trụy, phản động. Nghe nói thời đó các nhà sách phải kê khai trong vòng 3 ngày, người cháu của ông Khai Trí nói với tôi, nhà sách Khai Trí có chừng 15 nhà kho sách. Như vậy trong 3 ngày làm sao người nhà ông ta và cả nhân viên có thể kê khai kịp, do đó bị vi phạm lệnh của Ban Quân Quản Tp. HCM. Sau khi học tập cải tạo về, ông sống trong 2 căn phố liền trên đường Điện Biên Phủ, khoảng Công lý và Pasteur rồi được đi định cư ở Mỹ. 

Sau một thời gian ở Mỹ ông Khai Trí trở về Sàigòn, hoạt động trong lãnh vực sáng tác, sưu tầm thơ văn. Ông sanh năm 1926 ở Thủ Đức, học ở Trung học kỹ thuật Cao Thắng, kinh doanh sách báo từ trước, năm 1952 mở Nhà sách Khai Trí tại 62 Lê Lợi, Sàigòn. Ông mất lúc 5:15 ngày 11-3-2015, thọ 79 tuổi.

Từ 1993 đến 2003, ông biên soạn khoảng 15 tác phẩm, trong đó có: Thơ tình Việt Nam và thế giới chọn lọc, Quê Em Mến Yêu, Làm Con Nên Nhớ, Chánh Tả Cho Người Miền Nam, Huế Mến Yêu, Những Bài Thơ Hay Trong Văn Chương Việt Nam ...
Ngày nay tại Tp. HCM có hệ thống nhà sách FAHASA như Fahasa Nguyễn Huệ, Fahasa Sàigòn, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận ….

Trong đó, nhà sách Fahasa Saigòn là nhà sách Khai Trí ngày xưa
Nhà sách Fahasa Nguyễn Huệ có nhiều sách văn chương học thuật, có lầu 1 và 2 bán văn phòng phẩm, vật lưu niệm, đặc biệt nơi đây có bán bút có giá trị như Parker. Fahasa Nguyễn Huệ cũng nhu Sàigòn không có chỗ giữ xe.
Một hệ thống nhà sách Nguyễn Văn Cừ tại tp. HCM có: Nhà sách Nguyễn Văn Cừ tại số 10 đường 3 tháng 2, Phường 12, Quận 10.

Về nhà sách Nguyễn Văn Cừ, trên đường Nguyễn Văn Cừ, được báo chí đăng tin như sau: Sáng 13-8-2015, Doanh nghiệp sách Thành Nghĩa đã khai trương siêu thị sách Nguyễn Văn Cừ tại địa chỉ mới số 104 Nguyễn Văn Cừ, phường Nguyễn Cư Trinh quận 1, TPHCM (thay nhà sách cũ tại số 235C Nguyễn Văn Cừ).
Siêu thị sách được đầu tư quy mô lớn với kinh phí 20 tỷ đồng, có diện tích sử dụng gần 2.000m² gồm 1 trệt 1 lầu, trưng bày khoảng 10.000 đầu sách các loại với gần 1 triệu bản sách cùng hơn 10.000 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như điện máy, thực phẩm khô, thời trang, quà lưu niệm, văn hóa phẩm, thiết bị học đường… Đây là siêu thị sách Nguyễn Văn Cừ đầu tiên của doanh nghiệp ra đời vừa tròn 14 năm và đến nay Thành Nghĩa đã xây dựng được một hệ thống 42 siêu thị sách trên địa bàn cả nước, giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động.
Những nhà sách Nguyễn Văn Cừ đều có chỗ giữ xe miễn phí.
Nhà sách Minh Khai tọa lạc tại 249 đường Nguyễn Thị Minh Khai, Phường Nguyễn Cư Trinh Quận1. Tầng trệt chưng bày sách, tầng lầu bày bán văn phòng phẩm và vật kỷ niệm.

Gần nhà sách Minh Khai có nhà sách Hà Nội, địa chỉ 245 đường Nguyễn Thị Minh Khai Phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1. Nhà sách nầy chỉ có tầng trệt, nơi đây có nhiều sách Phật Giáo mới in, sách được giảm giá 20%. Nơi đây có những sách của Tuệ Sĩ, Bùi Giáng ….

Gần đó có nhà sách Cá Chép, tọa lạc tại 223 đường Nguyễn Thị Minh Khai, Phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1. Có đến 4 tầng lầu, tầng dưới chủ yếu là sách, có nhiều sách mới, chưng bày đẹp mắt.

Tầng lầu 1, 2, 3 bán sách, văn phòng phẩm, vật lưu niệm. Riêng tầng 4 để đọc sách và có quầy nước giải khát. Độc giả trẻ thích nhà sách nầy.
Các nhà sách Minh Khai, Hà Nội, Cá Chép ở gần nhau, đều có giữ xe miễn phí.
Nhà sách Phương Nam, tọa lạc tại 940 đường 3 tháng 2, Phường 15, Quận 10, cũng là công ty phát hành sách, chỉ bán sách và văn phòng phẩm ở tầng trệt, có dành một khu vực nhỏ để khách giải khát.
Nơi đây có chỗ giữ xe, nếu có mua sách, khách không phải trả tiền gửi xe.
Muốn đọc sách nhà Phật, có nhà sách Trí Tuệ, địa chỉ 203 đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3. Nơi đây có nhiều kinh sách của nhiều tác giả, sách Nam Tông, Bắc Tông và Kim Cang thừa.

Có lẽ cần giới thiệu Tủ sách Hương Tích, tọa lạc tại số 308/12 Nguyễn Thượng Hiền Quận Bình Thạnh.

Đây là Tủ sách Hương Tích hay Thư Quán Hương Tích Phật Việt, do Đại Đức Hạnh Viên, thị giả của Thầy Tuệ Sỹ trông nom. Đây là căn phố lầu, bề ngang chừng 3 thước, sâu vào chừng 4 thước, chưng bày mấy kệ sách của Thầy Tuệ Sỹ, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng , sách biên soạn của Thầy Hạnh Viên.

Khác với các nước, Việt Nam vẫn phát triễn những nhà sách, chứng tỏ có nhiều tìm năng độc giả, điều đáng vui mừng là truyền thống đọc sách vẫn còn nhiều người ưa chuộng.
Sàigòn 11-12-2015
huynhaitong.blogspot.com

Thứ Hai, 7 tháng 3, 2016

Từ Biệt Kinh Bắc

Phan Tấn Hải
Để tiễn biệt nhà thơ Kinh Bắc (Lê Đình Viễn – Sáu Du), biên tập viên Tạp Chí Suối Nguồn của Trung Tâm Dịch Thuật Hán Nôm Huệ Quang, đã từ trần ngày 4-3-2016 tại Sài Gòn.
portrait_le_dinh_vien
Co cẳng đạp quan tài
tới giờ để tụng kinh
Không lẽ cứ nằm hoài
nghe đất trời làm thinh

Ráng nghe hết dòng thơ
mai về cõi vô sinh
Thân khắp trời bụi tro
hữu tình hay vô tình
Bốn mươi năm không ngủ
mở mắt nhìn kinh ngạc
Gió lật từng trang sử
lạnh khắp trời Kinh Bắc.
Giả điếc bốn mươi năm
giữa chợ viết Suối Nguồn
Lời hoa nở từng trang
lấp lánh màu vô thường.
Nguyên Giác Phan Tấn Hải trân trọng tiễn biệt bạn học thuở thiếu thời.

Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2016

TIN BUỒN : SÁU DU ĐÃ RA ĐI

 BẠN SÁU DU NGUYỄN ĐỨC THÀNH
TỨC NHÀ VĂN KINH BẮC, NHÀ BÁO KIỀU PHONG
PHỤ TRÁCH TRANG VĂN NGHỆ SUỐI NGUỒN, NGUYÊN PHÓNG VIÊN BÁO CÔNG AN TP HCM  


VỪA QUA ĐỜI VÀO LÚC 23 G 15 NGÀY 4.3.2016 TẠI NHÀ RIÊNG SỐ 271/8C ĐƯỜNG TRỊNH ĐÌNH TRỌNG, P HÒA THẠNH, QUẬN TÂN PHÚ , SÀI GÒN
HƯỞNG THỌ 68 TUỔI

LỄ NHẬP QUAN 14 G NGÀY 5.3.2016
LỄ ĐỘNG QUAN 7 G SÁNG NGÀY 7.3.2016 HỎA THIÊU TẠI BÌNH HƯƠNG HÒA


XIN CHIA BUỒN ĐẾN CHỊ SÁU DU VÀ CÁC CHÁU
CẦU NGUYỆN BẠN THANH THẢN RONG CHƠI CÕI KHÁC

võ chân cửu, nguyễn miên thảo, từ hoài tấn, nguyễn quốc thái, lê thánh thư, phù hư, nguyễn lương vỵ và bằng hữu...