Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Ra mắt tập thơ NGẬM THẺ QUA SÔNG của Phù Hư

Tủ sách Văn Tuyển  & Cafe GUITAR GỖ

Trân trong kính mời
Quý thân hữu, bạn yêu thơ
tham dự chương trình "Tác giả - Tác phẩm" giới thiệu :
Nhà thơ Phù Hư và tác phẩm NGẬM THẺ QUA SÔNG
Thời gian : 20 giờ ngày 28/02/2013
Địa điểm: 3 Thích Quàng Đức Phú Nhuận

Hân hạnh được đón tiếp

PHÙ HƯ : NGẬM THẺ QUA SÔNG




Nhà thơ Phù Hư thành danh gần năm mươi năm, đã cộng tác với các tạp chí văn chương trước năm 1975: Khởi Hành, Văn, Thời Tập, Đứng Dậy...tuy vậy bây giờ ông mới tập họp những bài thơ trước đây và một số sau này vào tuyển tập đầu tay. Ngậm Thẻ Qua Sông (*) là tên chung của tập thơ được lấy từ bài thơ nổi tiếng Ngậm Thẻ Qua Sông đăng trên tạp chí Văn năm 1972; ngoài bài thơ lấy làm tựa còn có những bài khác của thời tham gia chiến trận như Đồn Sơn Yểm, Quân Bộ Khúc..:

Đóng núi đồn xa đoàn pháo yểm
Quanh năm ngủ miết với chân mây
Nhìn sâu xuống vực nham hiểm đá
Thú rừng cành trút lá mặc cây

(Đồn Sơn Yểm)
Quân bộ qua thầm quân bộ qua
Nón ngụy trang thép lạnh màu da
Câm trăm miệng hến trừng gò ụ
Súng dại dột nòng chực đạn ra

(Quân Bộ Khúc)
Mượn thể cổ phong để đưa vào ngôn ngữ hiện đại sáng tạo ra cấu trúc lạ lẫm, có cái gì đó khúc khuỷu lởm chởm khiến người đọc phải đi hết chiều dài bài thơ. Bên cạnh đó có những bài thơ mới làm cũng rất lạ:
Thơ đi tu thành Phật
Phật rong chơi lâu ngày biến thành thơ
nửa thơ, nửa Phật lật đật
thành Phật, thành thơ ngơ ngơ
nam mô tận hư không biến pháp giới
quá hiện vi lai chư Phật, chư thơ

( Nghĩ về thơ )
Hoặc nhắm hướng Bắc phương:
Một đài hoa mãi không nở được
đất nước nín nhịn ngàn năm
trang sử
buổi sáng sương lạnh dăng màn
gió Bắc phương buốt, ngái ngủ mặt hồ
...........

( Chùa Một Cột )
Nhà văn Trần Văn Nam, một người chuyên viết về tác giả tác phẩm đã nhận xét: " Ngậm Thẻ Qua Sông vừa có nghĩa đen "giữ im lặng bí mật khi hành quân" vừa có nghĩa bóng "giữ kín ý nghĩa thầm có thể phạm tới luân thường đạo lý", nhất là khi người chồng của người thiếu phụ cũng là lính bôn ba xuôi ngược như mình, cũng bặt tăm như mình qua bao năm chinh chiến chưa một lần ghé thăm nhà."
Trong phần phụ lục có ba bài thơ được chuyển thành ca khúc của ba nhạc sĩ: Vũ Ngọc Giao, Quốc Bảo, Châu Đăng Khoa.
Đây là tập thơ nằm trong Tủ sách Văn Tuyển, do nhà thơ Nguyễn Liên Châu chủ trương.

Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

THẤT THẬP - SỞ DỤC BẤT DU CỦ

Võ Công Liêm



thôi một đời
tình đong từng dặm bước
theo si mê mường tượng tuổi xuân đầu
thôi một thời
’áo nàng vàng ta về yêu hoa cúc’1
tắm phong sương nhớ lại buổi hôn hoàng
xa phố thị
ngày tuổi nhỏ yêu em mộng mị đắm hương thơm
trong nắng trắng
giờ đây là mộng ảo
bảy mươi rồi chờ đợi những gì đây?
vai có sánh cũng thôi buồn mai tuế nguyệt
xô trí tưởng vào khung trời vắng lặng một mình ta
nhặt sương sa lệ ứa biết khi nào
thất thập
cửu tuyền xem cũng nhỏ
sở dục
lòng si mê đần độn kiếp phù du
tất suất bi thu nghe mà lạnh!
du di du thủ du củ bất-du-di ô hay mình đã nhỡ
dừng lại đây chầm chậm ngỡ xuân nồng
gầy hoa cúc
tưởng niệm linh hồn đắp lên mộ chết chưa chôn
lỡ mai về
lũ ngây thơ không lạ người đâu đến
ấm vai gầy
mai hạc vẫn điềm nhiên
‘rầu rĩ lắm xuân về oanh nhớ’2
xin tạ từ một thuở hồn hoang
ngày trôi nhanh đêm thức nuốt hư hao suốt dặm trường

thôi nhé ! tuổi vào đời chậm trễ một cung thương
tiếc gì đây thất thập cổ lai hy hay lai hy thất thập cổ ?
đuối vọng sầu bi không chi bằng :
‘mạc để kim tôn không đối nguyệt’3
ứ !


VÕ CÔNG LIÊM (ca. ab. rằm thánggiêng âm 2/2013)
1-      Thơ Nguyên Sa.
2-      Thơ Tản Đà
3-      Thơ Lý Bạch (nghĩa : chớ để chén tàn dưới ánh trăng)

Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

Người thương nhớ vỉa hè

SGTT Xuân 2013 - Hồi nhỏ, đã được đọc qua cuốn Những bước lang thang trên hè phố của Gã Bình – Nguyên Lộc (nhà xuất bản Thịnh Ký, 1966), tôi chưa thấy hết giá trị của tấm lòng dành cho Sài Gòn của nhà văn này. Sau 1975, tới lui khu vực Đồng Tiến - Mã Lạng khá nhiều như một sinh viên rồi người đi dạy ở khu vực đó, đột nhiên thường trở về trong trí tôi những dòng ông viết về Sài Gòn, cái thành phố mà nhà văn Bình – Nguyên Lộc đã trưởng thành và sáng tác sung sức nhứt trong suốt 36 năm.
Trong 18 đoản văn của ông, gom từ nhiều bài tạp văn trên báo đài viết, về thần thánh, bia đá, mồ mả, chùa phố đền miếu của Sài Gòn, về Chợ Lớn, về những chim sẻ, xác diều, hàng me, khúc sông mang tên Ông Lãnh, phòng bán đồ lạc son, những căn nhà rách…
Ông bày hết những mặt "chịu không nổi" của thành phố này như tiếng ồn đinh tai nhức óc của muôn ngàn động cơ. Rồi sau đó, ông chỉ ra liền những nét đáng yêu trộn nhoà vào đó để quân bình lại như tiếng kêu cơm, tiếng rao hàng mà ông cho là có những "giọng ngâm hay hơn giọng ngâm của các ngâm sĩ quen biết".
Bài Văn nghệ đứng đường được ông cho đăng trên tạp chí Nhân Loại vào năm 1952 nói về "những ấn phẩm rẻ tiền bày bán ở vùng Ông Lãnh, Xóm Củi, nơi tập trung các ghe thương hồ, và ở những xóm lao động", nơi mà "những truyện cổ tích Việt Nam, những nhơn vật lịch sử của ta đều được viết thành sách in bán với giá thách đố cả mọi cạnh tranh, rẻ như một tờ báo hằng ngày". Đã trên nửa thế kỷ qua, giờ thì đã trở nên hiếm hoi tới độ gần như tuyệt chủng, loại văn sĩ "cống hiến" tài năng và cả tên tuổi mình cho kiểu hiệu quả "ông Trần Bình Trọng đã lấn ông Tiết Nhơn Quý và ông Trương Phi đã nhường chỗ cho ông vua Quang Trung".
Như đã nói, con người lê la đường phố Sài Gòn này không tô vẽ một Sài Gòn hoàn hảo mà còn bày ra hết những điểm yếu, điều tệ của cái thành phố tứ xứ tụ về trong bài viết năm 1962 Vắng bóng bia đá thì hỏi bia miệng.
Gái đàng mới xem tường không mới
Trai Bến Thành xem lại chẳng thành
Ngày ngày qua lại em, anh,
Có xu có lúi mới thành ngỡi nhân.
Thời ấy cũng đã có những phụ nữ vọng ngoại.
Em đà có chốn, gởi mình cho Thanh
Căn duơn đâu mà thấu đến bên Tàu,
Hoạ chăng em thấy chú tửng giàu em ham.
Tính cách Sài Gòn không chỉ tương phản rõ ràng của xấu và tốt mà còn có những tính cách kỳ lạ cổ quái nghiêng về bịnh lý như cơn đam mê của những tay thu tàng. Đoạn kết bài Lan đam mê, ông ghi lại chuyện một đại điền chủ bảy mươi tuổi, giàu có, bị bắt khi đi ăn trộm món đồ đáng giá mấy xu chỉ vì món đồ chơi bằng sứ ấy đã tuyệt bản mà người chủ căn nhà lá ấy cũng là một tay chơi của lạ, khư khư không bán.
Có những lúc đưa những người bạn nước ngoài đứng trên chiếc tháp cao ngất gần cổ tự Trúc Lâm, nhìn xuống bức tranh lổn nhổn những tôn, ngói, thấp cao, nâu trắng, đen hồng, xám tía, trắng lục, đen chàm mà hình dung từ thích hợp nhất có lẽ là "tả pín lù", không khỏi nhớ lời lẽ của ông nhà văn thích đi lang thang này về một trong những đặc điểm của Sài Gòn trong bài: Giải phẩu tâm thần.
"Con phố mới, giống như một anh chàng hình dung chải chuốt áo quần bảnh bao" mà mắc tâm bịnh, nhờ y sĩ chuyên môn giải phẫu tâm thần cho. Bao nhiêu ý nghĩ bỉ ổi bị dồn ép trong tiềm thức của chàng ta, được khai tuốt ra hết trong giấc ngủ thôi miên mà y sĩ gây ra.
Càphê vỉa hè ngày 3.3.1950. Ảnh: Life/TL manhhai
Lắm khi, chính vị y sĩ vốn đã biết rất nhiều về uẩn khúc của lòng người, mà còn phải kinh ngạc tự hỏi sao cái bề ngoài của anh chàng đẹp thế mà lòng anh ta lại u uẩn thế kia. (Buổi Sáng, 1959).
Đặc biệt, chuyện mồ mả ở thành phố này chiếm hết ba bài trong cuốn này: Mả cũ bên đường, Hui nhị tỳ (1) và (2).
Nhờ ông, ta biết được cạnh các nghĩa trang Bắc, Trung, Nam Việt, thành phố này còn nhiều mả vôi rải rác ở thành Ô Ma, ở chợ Cây Điệp, đường Cây Thị, phố Nguyễn Văn Tráng, góc Bùi Chu (nay là Tôn Thất Tùng) – Bùi Thị Xuân... biết "ngã bảy, trường P. Ký, nhà thương Từ Dũ đều cất trên bãi tha ma đông hằng nghìn nấm mộ". Bởi vì:
"Thành Phiên An ngày xưa rất bé nhỏ, nhưng sao mồ mả của dân thành phố ấy lại chiếm hết đất Sài Gòn ngày nay? Đó là vì mả ấy gần sanh phần của trên mười thế hệ người. Người Việt ta đến Sài Gòn đã trên ba trăm năm rồi, bạn nhớ chớ?
Ba trăm năm họ đã cần cù, đau khổ, vui sướng, khóc cười để tạo nên Sài Gòn của bạn ngày nay".
Qua các tựa sách đầu và cuối đời của Bình – Nguyên Lộc, người ta đã nhìn ra những mối bận tâm lớn của ông. Cuốn đầu tay Hương gió Đồng Nai (chưa hoàn tất) cho thấy mối bận tâm của cả một dòng họ có mặt trên 300 năm nơi đây. Tác phẩm thứ hai mang tên Phù Sa (cũng chưa hoàn tất) là mối bận tâm của ông dành cho cả Nam bộ. Những cuốn như Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt và Lột trần Việt Ngữ của ông thì mang mối bận tâm cho cả một dân tộc.
Còn cuốn Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình – Nguyên Lộc này rõ ràng ông viết và in cho mình. Chính vì không bận tâm đến chuyện "hàng hoá" những ghi chép đó mà ông chỉ cho in 658 bản trên giấy đặc biệt chế tạo tại làng Vĩnh Cửu, không bản thường, bìa đen trắng, với lời cam đoan sẽ không bao giờ tái bản.
Thuốc lá vỉa hè 1956. Ảnh: TL manhhai
Trả lời một phỏng vấn, ông cho biết cuốn này cùng với Cuống rún chưa lìa và Tỳ vết tâm linh là ba cuốn mà ông tâm đắc nhứt. Không phải nhà văn kiêm nhà báo nào cũng được kính nể như ông. Để có được sự quý trọng này, nhiều người cho là phần lớn do tấm lòng rộng lớn của ông dành cho, không những riêng với Sài Gòn mà còn là cho cả cõi Nam kỳ xưa cũ.
Có người nhìn ra nét độc đáo trong văn phong ông khi ông khai sanh ra nghệ thuật kết hợp âm thanh trong tiếng nói với sự chuyển động của vật thể, chiếu vào những sự kiện nhỏ nhoi, mà chưa ai thấy trong văn Hồ Biểu Chánh cũng như kiểu viết của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Cách bày ra một hiện thực thô lậu cạnh những nhận xét tế vi của ông đã ít nhiều ảnh hưởng đến những người viết sau như Sơn Nam, Võ Phiến, Nhật Tiến, Thanh Tâm Tuyền, Lê Xuyên, Thuỵ Vũ, Hồ Trường An.
Là một hậu sinh, tôi nghĩ không những mình mà còn nhiều người của mảnh đất phía Nam nước Việt này chịu ơn ông. Bằng cách kể chuyện chậm rãi, đơn giản, ông đã dung hoà vào tác phẩm của mình từ những vấn đề lớn của văn chương như quê hương, đất nước, thiên nhiên, con người, nếu cần, ôm vào cả các phạm trù đối nghịch. Kiểu kể này có thể làm thất vọng một số người cầu kỳ, sính văn nào đó, nhưng những kiếp người sống lặng lẽ phước kém, tài hèn thì chắc chắn là thấm thía. Một nhà phê bình đã cho ông là lương tâm của loại người này. Ông đã giúp họ nói ra được những gì họ cần nói nhưng không thể diễn tả được.
Ngay cả trong cách nói về một thành phố chưa già như Hà Nội, chưa đủ thơ mộng như Huế, mà lúc nào cũng "thổ ngơi thơm phức, hồn ma cũ!" như thành phố này, chúng ta cám ơn ông biết bao khi được nhắc nhở về những người vô lẫn hữu danh lớp lớp đứng quanh hay nằm dưới chân ta. Họ cũng là những người mất khả năng diễn tả. Nhưng có lẽ ông chẳng cần tới những lời cám ơn khách sáo ấy. Hơn ai hết, nhà văn Bình-Nguyên Lộc đã khẳng định từ đầu, đặc biệt với những ghi chép về Sài Gòn này, chỉ nhẹ nhàng thôi, là mình viết cho mình.
Nguyễn Thị Minh Ngọc
sgtt.vn

Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

Khi Sài Gòn là một tính từ

SGTT.VN - Sài Gòn không chỉ là danh từ, mà còn là tính từ. Trước hết, tính từ đó chỉ một trạng thái thay đổi thay liên tục.
Trên thực tế, điều này thể hiện qua hệ thống cửa nhà, đường sá, hạ tầng nói chung không ngừng cung cấp cho người ta những cảm quan mới về sự phát triển.
Những bổ sung, thay đổi trong biểu tượng văn hoá cũng nói lên điều đó. Chợ Bến Thành, bến Nhà Rồng, nhà thờ Đức Bà hay nhà hát Thành phố... những biểu tượng hôm qua đang được "bảo tàng hoá" trước một Bitexco Financial Tower 262m, hình búp sen (nhưng ở một góc độ nào đó, nó lại khiến ta liên tưởng đến ngón tay trỏ chỉ thẳng lên trời). Bitexco lọt vào danh sách 20 cao ốc biểu tượng thế giới, là công trình giúp nhận diện một Sài Gòn hiện đại. Một Bitexco không đơn độc, hướng tầm nhìn ra sông Sài Gòn lộng lẫy, cho thấy sự xoay chiều trong nhãn quan nhưng lại trung thành với một tinh thần "hướng giang" của đô thị này.
Cũng thế, với thân phận những cây cầu trong thành phố. Một thời nào đó, cầu Sài Gòn từng tượng trưng cho giá trị cửa ngõ hiện đại, cầu Bình Lợi, Tân Thuận gợi nên chiều sâu, sự cổ kính thì nay, những hình ảnh đó chỉ còn làm hậu cảnh cho những bức ảnh cưới của các đôi uyên ương tín đồ của thời trang vintage, thay vào, là cây cầu Ánh Sao lãng mạn kiểu phim Hàn ở khu Phú Mỹ Hưng, hay về mặt cường tráng thì phải là cầu dây văng Phú Mỹ ở quận 7. Trong đời sống bộn bề, những cây cầu mới ngoài tiếp tục cung cấp cảm xúc bay bổng thư thái mà sông mang lại cho phố, còn cung cấp những tầm nhìn về phát triển trên nền tảng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về sự lưu thông với bên ngoài.
Cuộc đổ bộ của các công trình hôm qua vào thế giới bảo tàng diễn ra thật nhanh chóng. Những di sản hôm qua từng soi bóng trong lịch sử đô thị đang bị phung phí. Chỉ số ít được con người tìm cách đóng gói bán cho lữ khách nuông chiều hoài niệm. Việc cập nhật những trào lưu kiến trúc mới cần được tư duy một cách logic hơn: chúng không chỉ đem lại diện mạo, hơi thở hiện đại cho hôm nay mà còn góp phần làm giàu cho những... bảo tàng di sản của ngày mai. Tất nhiên, điều còn lại là đừng để di sản ngày mai ăn hiếp, hạ độc những di sản hôm qua.
Sự nhanh chóng phai mờ của những biểu tượng kiến trúc cũ và thay thế bằng những biểu tượng kiến trúc mới cũng ghi nhận đặc điểm tâm tính của một thành phố nhạy cảm với cái mới. Ở đây, Sài Gòn lại có thể xem như một tính từ khác để chỉ trạng thái cởi mở, sẵn sàng chấp nhận cái khác biệt. Điều này không chỉ được nhìn từ hiện tại, mà có thể nói, là một truyền thống, được thiết lập từ ngay trang đầu tiên của lịch sử thành phố. Thuở sơ khai, khi quan đốc chiến triều Nguyễn – Nguyễn Cửu Đàm – vung mác phát đám lau sậy rậm rì để xây Bán Bích cổ luỹ để hình thành một đời sống thương cảng đô thị (1772), ta nhận ra, dưới mỗi nét phác lên mặt đất là một biểu hiện của tinh thần quy hoạch mở cho tương lai Sài Gòn mãi về sau. Sức sống thương cảng hiện hữu từ thuở đó. Sự phóng khoáng của người di dân khẩn hoang lập ấp được thể hiện từ trong ban sơ của cái gọi là đô thị.
Đến năm 1859, người Pháp đến Sài Gòn và thổi vào đó tinh thần duy lý trong quy hoạch xây dựng, đưa ra nhiều quy định, chuẩn mực cho cơ sở hạ tầng. Chỉ năm năm sau, những toà nhà lớn bắt đầu mọc lên ở bến cảng sông Sài Gòn và dọc theo rạch Bến Nghé, đời sống giao thương tấp nập nhộn nhịp, không khí buôn bán trao đổi sản vật, lương thực, hàng hoá với các vùng miền trong nước, các quốc gia diễn ra thật sầm uất(1).
Ngay cả khi có sự can thiệp lý tính trong quy hoạch cao nhất, thì cái "mã gen Sài Gòn" – tinh thần thương cảng, hướng giang – vẫn là thứ được tuân thủ xuyên suốt. Như một sự cân bằng hết sức tuyệt vời: trong cái chi li của tay thước mét mực có cái phóng khoáng của tầm nhìn, trong vô số cái quy phạm nghiêm ngặt chuẩn mực, có sự cởi mở hấp dẫn những giá trị mới, lại luôn sẵn "chế độ chờ" để tiếp nhận sự đổi thay. Nhìn xuyên qua những xáo trộn lịch sử chính trị trước năm 1975, bước qua những thành kiến hậu quả của sự tuyên truyền hồ đồ, có thể thấy rõ nhất diện mạo phong thái của một Sài Gòn văn minh, chững chạc và tinh thần rộng mở, không ngừng tiếp nhận các giá trị khác biệt vào mình. Chính ở đây, tính mở làm nên sự đô hội, sự đô hội làm nên tư duy đa thể, vượt qua mọi thiên kiến, khống chế trở lại những can thiệp thô bạo, duy ý chí.
Sức mạnh của tính cách Sài Gòn xuyên qua bể dâu thời cuộc. Điều này được minh chứng bằng việc lịch sử là những bước chân rộn ràng của cuộc Nam tiến, song nề nếp/tâm tính/tinh thần đô thị hoá thực sự tốt đẹp, văn minh lại là những cuộc Bắc tiến, mà khởi nguồn, là Sài Gòn. Sài Gòn không chỉ Sài Gòn hoá mạnh mẽ nơi chính những thị dân nhập cư của mình, mà còn có sức lan toả những giá trị của mình một cách sâu xa và âm thầm nơi những cư dân đô thị hiện đại khác.
Cần trở lại với một cội nguồn, là đời sống, tinh thần thương cảng của Hòn Ngọc Viễn Đông, một trung tâm mở để thấy việc mở rộng kích thước không ngừng trên bản đồ là một tiến trình hợp lý. Một khi sức lan toả và hấp dẫn của sự phóng khoáng, tự do, văn minh nội tại của nó đã được lan toả, mang đến những thành phố ở những vùng miền văn hoá rất xa trên đất nước.
Thử lấy làm tiêu biểu. Một trong những đơn cử mang tính đặc thù khi bàn về cấu trúc đô thị Sài Gòn thường được nhắc đến đó chính là đời sống hẻm. Hẻm Sài Gòn không chỉ đóng vai trò như một quãng lùi, xương nhánh về mặt lưu thông mà còn mang trong nó câu chuyện của lịch sử quy hoạch và lịch sử cộng đồng. Tiến sĩ Tôn Nữ Quỳnh Trân, thành viên trong ban chủ biên cuốn Văn hoá hẻm phố Sài Gòn – TP.HCM, cho rằng: "Xét trong cái động và tĩnh của một đô thị thì hẻm chính là thành phố tĩnh, đó là nơi con người ẩn mình, sống cho riêng mình và nếu có làm việc, thì chủ yếu cũng dành cho một cộng đồng nhỏ chung quanh. Khi người ta sống trong hẻm, người ta mở cửa nhiều hơn, hẻm càng đẹp, người ta càng mở cửa (ngoại trừ một số hẻm công chức, nhà đối mặt nhà, đóng cửa là chính). Hẻm lớn có cả đường cho xe hơi, có những cửa hiệu, tiệm may, hàng quán xôn xao, còn hẻm nhỏ thì chẻ nhiều nhánh, ngoằn ngoèo, có nơi ẩm thấp chật chội… Và đặc biệt, hẻm là nơi cư trú của phần lớn người nhập cư, vì vậy mà rất nhiều bản sắc văn hoá ở đây được chia sẻ".(2)
Có thể nói gọn nhất: chính đời sống nhập cư làm nên văn hoá hẻm. Chính đời sống hẻm bảo bọc trong nó một thế giới hoà bình, nơi những thị dân luôn thấy rõ tiểu sử của mình trong tiểu sử của kẻ đến sau.
*
Trên cái mã gen của một đô thị thương cảng, trung tâm giao lưu đã được thiết lập từ những ngày đầu và bồi đắp qua tiến trình lịch sử, làm nên tập tính lấy giao lưu làm trọng của một vùng văn hoá hội nhập. Sự rộng lòng với người – khác đã cho phép nó tránh được cơ nguy cục bộ, bảo thủ, nhiệt tình với cái mới, dung dưỡng và quan trọng là luôn sẵn không gian cho cái khác biệt cùng tồn tại sống động, hài hoà.
Điều này thể hiện qua cấu trúc đô thị, từ trong đời sống văn hoá hẻm, và lớn hơn, từ trong sự thay phiên đổi gác của những biểu tượng kiến trúc. Dĩ nhiên, ngược lại, chính những dịch biến thuộc về cấu trúc đô thị quy định trở lại không gian, tập quán, lối sống và tính cách con người.
Đến đây, Sài Gòn còn là một tính từ, chỉ sự rộng lòng với cái mới, cái khác.
Vì là một tính từ xuất phát từ nội tại, văn hoá Sài Gòn luôn đủ chống lại những áp đặt quyền lực mang tính nhất thời.
--------
(1). Đoạn này có tham khảo công trình Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu của Trần Hữu Quang, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2012.
(2). Hồn phố thị trong hẻm nhỏ, trả lời phỏng vấn, Sài Gòn Tiếp Thị, số ra ngày 30.4.2012.


 NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
minh họa Leftstudio


Người Sài Gòn


SGTT.VN - Lần đầu tiên lên Sài Gòn là để đi thi đại học. Tôi và một thằng bạn thi chung trường nên đi chung với nhau. Ở thì không lo vì đã có nhà người quen ở bên kia cầu chữ Y. Chỉ lo cái chuyện ăn uống giữa hai buổi thi.
Ngay sau khi thi xong môn đầu tiên, hai đứa kéo nhau ra quán cạnh trường kêu hai dĩa cơm sườn. Cầm cái muỗng, cái nĩa để ăn cơm dĩa mà cứ lọng cọng. Ăn hết dĩa cơm, uống cạn mấy ly trà đá tự múc ở trong cái xô để ở góc quán mà bụng vẫn trống không. Nhỏ lớn ở quê khi nào đi đâu xa thì cơm đùm cơm bới mang đi theo chứ có khi nào ăn cơm tiệm để mà biết kêu cơm thêm. Kêu thêm dĩa nữa thì không dám vì sợ không đủ tiền ăn cho ngày mai, ngày kia… Ngó quanh ngó quất, thấy bàn nào cũng để một nải chuối, mọi người ăn xong cứ thuận tay bẻ, người một trái, người hai trái. Thế là hai đứa sáng mắt, chuối này chắc người ta cũng cho không như trà đá. Vậy là, chỉ một loáng nguyên cả nải chuối để trên bàn chỉ còn đống vỏ.
Khi tính tiền, thấy phụ quán cứ đếm đi đếm lại mấy cái vỏ chuối để trên bàn rồi nhìn chằm chằm, thi thoảng lại liếc qua bà chủ quán đang đứng gần đó cười mím chi thì đâm lo. Không biết tiền mang theo có đủ để trả không.
Nhìn hai đứa gom từng đồng bạc để bỏ lên bàn, bỗng nhiên chủ quán bước lại. Thôi, tính hai dĩa cơm thôi. Phần chuối chắc là không biết có tính tiền nên lỡ ăn chị không tính. Ngày mai ăn có thiếu thì cứ kêu cơm thêm mà ăn, để bụng đói không làm bài được đâu.
Chỉ có nải chuối, cho thấy tính cách người Sài Gòn.
Cuộc sống không thẳng tắp. Bon chen lên Sài Gòn không phải lúc nào cũng dễ kiếm tiền. Cũng trong những năm thập niên 1980, có lần, tôi thử sức mình với nghề đạp xích lô. Mượn chiếc xe của ông chú vào buổi sáng, lúc ấy chú cho xe ở nhà để ngủ sau một đêm chạy mối chở hàng. Lần đầu tiên chạy xích lô chỉ có chạy xe không từ bên này sang bên kia cầu chữ Y đã muốn hụt hơi. Thế nhưng vẫn ráng vì trong túi không còn tiền. Chạy lòng vòng Sài Gòn cả tiếng đồng hồ,
ngang qua rạp Quốc Thanh (đường Nguyễn Trãi), thấy một đôi nam nữ đi ra, tay ngoắt, miệng kêu: Xích lô!
Luồn tay kéo thắng ngừng xe lại hỏi: Anh chị đi đâu?
– Cho ra bến xe Miền Tây. Nhiêu?
Dân miền Đông mới lên Sài Gòn tập tành chạy xe kiếm sống, biết bến xe Miền Tây đâu mà cho giá. Thôi đành chơi trò may rủi: Dạ, em mới chạy xe chưa rành đường, anh chị chỉ đường em chở. Tới đó cho nhiêu thì cho.
Tưởng không biết đường thì người ta không đi, ai dè cả hai thản nhiên leo lên. Người con trai nói: 15 đồng mọi khi vẫn đi. Cứ chạy đi tui chỉ đường.
Sức trẻ, thế mà vẫn không chịu nổi đường xa, đạp xe chở hai người từ rạp Quốc Thanh đến chân cầu Phú Lâm thì đuối, liệu sức không thể nào qua khỏi dốc cầu đành tính chước bỏ của chạy lấy người. Xuống giọng: Em mới chạy xe,
đi xa không nổi. Anh chị thông cảm đi xe khác giùm.
Ai ngờ người con trai ngoái đầu lại: Tui biết ông đuối từ hồi nãy rồi. Thôi leo lên đằng trước ngồi với bà xã tui. Đưa xe đây tui đạp cho. Tui cũng từng đạp xích lô mà!
Thế là, vừa được khách chở, lại vừa được lấy tiền. Không phải 15 đồng mà tới 20 đồng.
Chắc cũng chỉ có người Sài Gòn mới khoáng đạt như vậy!
Người Sài Gòn tốt bụng, chia sẻ không từ những chuyện cá biệt, người nơi khác vào Sài Gòn hỏi đường thật dễ chịu. Già trẻ lớn bé, gặp ai hỏi người ta cũng chỉ dẫn tận tình. Có nhiều người còn bỏ cả công việc để dẫn kẻ lạc đường đi đến đúng địa chỉ cần tìm. Có những địa chỉ nhiều người hỏi quá, thế là người Sài Gòn nghĩ cách viết hoặc bỏ tiền ra đặt làm một cái bảng đặt bên lề đường, gắn vào gốc cây. Đôi khi, kèm theo một câu đùa, câu trách rất Sài Gòn ở cái bảng này khiến ai đọc cũng phì cười. Như cái bảng viết trên nắp thùng mốp trên đường Sư Vạn Hạnh mới đây: "Bà con nào đi photo thì qua bưu điện bên đường. Hỏi hoài mệt quá!"
Đi xe ôm, taxi, gặp đúng dân Sài Gòn thì mười người hết chín không lo bị chặt chém, vẽ vời. Đôi khi, kêu giá là vậy, nhưng khách không có tiền lẻ hoặc hết tiền người ta còn bớt, thậm chí cho thiếu mà không cần biết khách ở đâu, có trả hay không. Với người Sài Gòn, đó là chuyện nhỏ.
Ở Sài Gòn, cho tới bây giờ vẫn còn nhiều nhà để một bình nước suối trước nhà kèm thêm một cái ly, một cái bảng nước uống miễn phí. Và bình nước này không bao giờ cạn, như lòng tốt của người Sài Gòn.
Có người đã phát hiện, khi bạn chạy xe trên đường phố Sài Gòn, nếu có ai đó chạy theo nhắc bạn gạt cái chân chống hay nhét lại cái ví sâu vào túi quần thì đích thị đó là người Sài Gòn.

Bài: Nhị Nguyên
Ảnh: hà thành

 sgtt.vn

Thứ Ba, 12 tháng 2, 2013

MỘT BÀI VĂN CŨ NĂM 1971

Hôm nay rất là cảm động nhận được một mail của Nguyễn Tiên Yên (con của cố thi sỹ Nguyễn Tôn Nhan) gởi tới một bài văn cũ đăng trên báo Tuổi Ngọc năm 1971.
Ngậm ngùi đọc lại - nhân mấy ngày Xuân - hơn bốn mươi năm ...



một bài văn từ những việc thật và người thật - của bản thân những năm thiếu thời ở làng quê

Còn đó giấc mơ văn học đỉnh cao

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
 
       Khi nhà văn Mạc Ngôn được giải thưởng Nobel văn học năm 2012, một số người Việt Nam cảm thấy giải thưởng danh giá vốn ở quá xa tầm tay với này như có vẻ gần lại. Đó không phải là vì đánh giá thấp nhà văn ấy hay vì quá tự tin rằng văn học Việt Nam cũng sánh ngang với văn học Trung Quốc. Thật ra, chung quy là vì con đường mà Mạc Ngôn đi đến giải Nobel cũng có nhiều điểm tương đồng với con đường mà một số nhà văn Việt Nam đã trải qua, thậm chí còn không khốc liệt bằng. Chất liệu thực tế mà Mạc Ngôn đưa vào tiểu thuyết không thể nói là dữ dội hơn những gì các nhà văn Việt Nam đã trải nghiệm. Khuynh hướng nghệ thuật hiện thực huyền ảo mà Mạc Ngôn chịu ảnh hưởng rõ rệt cũng không thể nói là mới mẻ và được tiếp thu nhuần nhị.  
       Dù sao đó là chuyện của những người làm giải. Điều khiến chúng ta suy nghĩ là con đường mà văn học Việt Nam còn phải đi để vươn tới đỉnh cao. 
       Chúng ta hãy thử tưởng tượng xem, nếu vài ba mươi năm hay nửa thế kỷ sau, một nhà văn Việt Nam đoạt giải thưởng Nobel, người đó sẽ nói gì khi nhận giải? Người đó sẽ nói về vẻ đẹp của tâm hồn dân tộc mình như Y. Kawabata nói về vẻ đẹp của tâm hồn Nhật Bản? Người đó sẽ nói về nỗi cô đơn châu Á như G. G. Marquez nói về nỗi cô đơn châu Mỹ la-tinh? Người đó sẽ nói về nỗi đau khổ của một dân tộc trải qua mấy cuộc chiến tranh, bao nhiêu người đã ngã xuống để có hòa bình mà rồi vẫn không thôi bị kẻ ác rình rập ngoài biên giới và hải đảo? Người đó sẽ nói về những ảo mộng tan vỡ vì lý tưởng bị phản bội? Người đó sẽ nói về những giằng xé của đất nước khi tiếp xúc với một nền văn minh xa lạ và phải chấp nhận những sự trả giá nhiều khi rất đắt trên con đường hiện đại hóa? Hay người đó sẽ nói về tiếng Việt, một ngôn ngữ kỳ diệu, mượn cách ký âm Tây phương mà lưu giữ tinh hoa dân tộc, qua số phận của tiếng Việt mà nhìn thấy số phận đất nước?       
      Có thể không một dự đoán nào đúng cả. Vì 30, 40, 50 năm nữa, người Việt Nam đứng nói ở Hàn Lâm viện Thụy Điển sẽ đi từ một nước Việt Nam khác, mang một tâm tình khác hẳn chúng ta bây giờ. Có thể những điều làm chúng ta băn khoăn, lo âu hiện nay không còn là mối bận tâm của người ấy.     
       Cũng như chúng ta ngày nay, tâm tình, suy nghĩ hẳn nhiên là không giống với những con người ba, bốn thập niên trước. Biết bao nhiêu nước đã chảy qua cầu. Giả sử như cái máy vi tính được phát minh sớm hơn nửa thế kỷ, thì có thể lịch sử đã khác đi một chút. 
       Tuy  nhiên, mỗi người chúng ta, dù là viết văn hay làm thơ, dạy học hay viết báo, cũng chỉ có một thời để sống. Ta không thể sống cái thời đã qua. Ta cũng khó mà đón trước cái thời sẽ đến để nói với bạn đọc ở giữa thế kỷ XXI những điều mà chính họ mong đợi. 
        Trong Thư gửi người thi sĩ trẻ tuổi (Hoàng Thu Uyên – tức Phạm Công Thiện - dịch, NXB An Tiêm, 1969), Rainer Maria Rilke khuyên nhà thơ trẻ Kappus đừng đọc sách phê bình và mỹ học, nhưng mười lá thư của ông thực chất là một loại phê bình và mỹ học đặc sắc. Ông viết: “Nếu thế gian đầy rẫy những sự khủng khiếp thì những sự khủng khiếp ấy chính là của chúng ta; nếu thế gian đầy rẫy những hố thẳm thì những hố thẳm này thuộc về chúng ta; nếu có những mối hiểm họa đang dàn trải trước mắt chúng ta thì chúng ta phải cố gắng yêu những hiểm họa ấy”. 
        Sách Các nhà văn giải Nobel do Đoàn Tử Huyến chủ biên (NXB Giáo dục, 2006) nói về Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao như những dấu chỉ và niềm hy vọng của một nền văn học đỉnh cao. Nhưng tất cả họ đều đã chết. Họ đã làm xong nghĩa vụ của ngòi bút. Chúng ta không còn có thể dựa dẫm vào thế giá của họ. Những nhà văn hôm nay đứng trước những hố thẳm khác, những hiểm họa khác, có thứ là sản phẩm của hoàn cảnh, có thứ là sản phẩm của chính mình. “Yêu” hiểm họa là một cách nói. Chúng ta không thể nhắm mắt trước hiểm họa, mà phải đương đầu với nó hay ít nhất tìm cách hóa giải nó bằng con đường của nghệ thuật. 
         Trong một lần tiếp xúc với bạn đọc TP Hồ Chí Minh, nhà văn Robert Olen Butler, tác giả tập truyện ngắn Hương thơm từ miền núi lạ, có nói: “Nhà văn là người sớm nhạy cảm với những bất trắc của xã hội và tìm một cách diễn đạt khả xúc về nỗi bất an, lo lắng, dằn vặt đó. Trước một thế giới tan vỡ hay có nguy cơ tan vỡ, nhà văn nhặt nhạnh những mảnh vỡ để tái tạo lại chính nó, đồng thời kích hoạt những dây đàn cảm xúc của con người. Vì vậy xã hội càng bất an, càng cần đến văn học”. 
         Thế kỷ XX đã qua đi hơn một thập niên nhưng con đường của văn học Việt Nam vẫn còn dang dở. Những khuynh hướng nghệ thuật, dù trung tâm hay ngoại biên, đều dang dở. Những tài năng cũng dang dở. Nỗi khao khát một nền văn học đỉnh cao vẫn chưa được thỏa nguyện. Nhưng chính vì vậy mà nó còn sức hấp dẫn.  
       Chính vì vậy mà người đọc còn mong chờ nơi văn học.  
       Và ngược lại, văn học cũng còn đặt niềm tin nơi công chúng của mình.
 
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 9-2-13
 http://viet-studies.info

Nghệ nhân Hồ Thị Hoàng Anh

Vị đại sứ của ẩm thực Huế 

(TS Xuân) Sinh trưởng trong một gia đình người Huế điển hình, chị Hồ Thị Hoàng Anh đã được rèn tập trong môi trường giáo dục truyền thống để trở thành một phụ nữ Huế chuẩn mực. Chị am hiểu sâu sắc và tường tận về nghệ thuật ẩm thực Huế, được rèn luyện những kỹ năng tuyệt xảo để trở thành một chuyên gia hàng đầu về ẩm thực Huế.

Với một tinh thần hiếu cổ và sự tri ân đối với tổ tiên và quê hương bản quán, Hồ Thị Hoàng Anh đã dành nhiều tâm huyết để tìm hiểu, thực hành và tái hiện ẩm thực cung đình Huế trong bối cảnh đương đại. Chị đã góp phần bảo tồn di sản văn hóa ẩm thực lừng danh của cố đô xưa, là người tiên phong trong việc làm sống lại nền ẩm thực cung đình thời Nguyễn và là vị sứ giả đích thực của ẩm thực truyền thống Huế.
Vị đại sứ của ẩm thực Huế 2
Hoàng Anh bên bếp Việt - Ảnh: Lê Văn Lợi
Nhân dịp Hồ Thị Hoàng Anh đến Huế để thực hiện chương trình truyền hình quảng bá ẩm thực Việt Nam, TNTS đã có cuộc trò chuyện thú vị với chị.
 Vị đại sứ của ẩm thực Huế 1
Giới thiệu cơm Huế - Ảnh do nhân vật cung cấp
Thưa chị, việc chị trở thành một nghệ nhân ẩm thực hàng đầu Việt Nam có mối liên hệ gì với truyền thống gia đình hay không? Có phải vì kết hôn với một nhà nghiên cứu cổ vật và văn hóa Huế nổi tiếng nên chị bị “nhiễm” văn hóa Huế và quyết định chọn việc nghiên cứu, thực hành và gìn giữ ẩm thực Huế cho “xứng” với phu quân?
Theo truyền thống, người phụ nữ Huế được giáo dục việc “tề gia nội trợ”, cụ thể là việc bếp núc từ rất sớm. Khi còn nhỏ được gia đình chỉ dạy, lớn lên thì được nhà trường giáo dục, xã hội khuyến khích... Tất cả những điều đó chính là tiền đề tạo cho phụ nữ Huế những “thiên bẩm” đặc biệt trong việc nấu nướng.
 Vị đại sứ của ẩm thực Huế 3
Thực hành món bánh bèo tại trường nấu ăn Le Cordon Blue (Mỹ) - Ảnh: Hoàng Anh cung cấp
Như hầu hết nữ sinh ở Huế trước đây, tôi trải qua 7 năm trung học ở Trường Đồng Khánh. Đây là ngôi trường dành riêng cho nữ sinh. Ngoài việc giáo dục về văn hóa, nhà trường còn chú trọng giáo dục nữ công gia chánh cho học sinh. Riêng tôi thì còn được tiếp nhận thêm truyền thống nấu ăn của gia tộc và quê hương. Quê tôi ở làng Phước Yên, từng được chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) chọn làm thủ phủ của xứ Đàng Trong trong suốt 10 năm (1626-1636). Hầu hết trai tráng trong làng tôi đều được sung vào đội Thượng Thiện, chuyên nấu ăn cho hoàng gia triều Nguyễn trải suốt 13 triều vua từ năm 1802 đến 1945. Ông nội của tôi là vị đội trưởng cuối cùng của đội Thượng Thiện, là người lo chuyện “cơm ăn nước uống” cho hai vị vua Khải Định (1916-1925) và Bảo Đại (1925-1945). Mẹ tôi là một người phụ nữ Huế đặc trưng, giỏi vén khéo, rành việc bếp núc, nội trợ.
Khi lập gia đình, ông xã tôi là nhà nghiên cứu văn hóa, đặc biệt yêu thích mỹ thuật Huế. Trong nhà có nhiều sách xưa, tư liệu cổ... nên tôi cũng “nhiễm” dần thói quen đọc sách xưa và khám phá nhiều tư liệu quý về đời sống và văn hóa Huế xưa, trong đó có ẩm thực cung đình. Từ những kỹ năng đã được hấp thụ từ thời thơ ấu, tôi quan tâm nhiều đến việc nấu nướng, rồi chuyển hẳn sang việc lĩnh vực ẩm thực lúc nào không hay. Việc tôi “trở lại” hay “đến với” ẩm thực âu cũng là nhân duyên!
Chị bắt đầu thực hành ẩm thực Huế từ lúc nào? Chị chỉ học theo truyền thống hay có kết hợp giữa truyền thống và sáng tạo thêm các cách thức, kỹ thuật và thực đơn món ăn mới?
Ngoài việc học nấu ăn từ gia đình, tôi còn có dịp học hỏi từ những người rất giỏi việc bếp núc như bà Hoàng Thị Kim Cúc, phu nhân cụ Ưng Bình Thúc Giạ, bà Thanh Quỳnh ở phủ Thoại Thái vương... Tôi đã học từ họ cách thức nấu các món ăn cung đình và cách làm nhiều món mứt bánh đặc sắc của Huế. Tôi cũng có cơ hội đi đây đi đó, tiếp xúc với nhiều nền ẩm thực khác nhau nên càng thêm yêu quý nét đẹp văn hóa của ẩm thực quê hương. Từ đó tôi tìm tòi, nghiên cứu để phục hồi một số món ăn truyền thống của Huế đã thất truyền.
 Vị đại sứ của ẩm thực Huế 4
Giới thiệu vật phẩm văn hóa Huế tại dạ tiệc đón giao thừa ở Nantes (Pháp)
Bên cạnh việc giữ gìn những giá trị nguyên bản và hương vị truyền thống của ẩm thực Huế, tôi cũng cho rằng cần cập nhật những kỹ thuật mới trong việc chế biến, nấu nướng, cần chấp nhận những nguyên liệu mới vì nhiều nguyên liệu như trước đây nay không còn nữa, miễn là làm sao cho món ăn mà mình nấu nướng vẫn mang mùi vị, cốt cách, hương sắc của món ăn xưa.
Chị là chủ nhân của nhà hàng Phú Xuân chuyên kinh doanh món ăn Huế rất thành công ở TP.HCM, xin hỏi, trong việc kinh doanh, chị chủ trương giữ gìn những tính chất đặc trưng của món ăn Huế để thu hút thực khách hay là chiều theo sở thích và khẩu vị của họ để đảm bảo doanh thu?
Vợ chồng tôi mở nhà hàng Phú Xuân từ năm 1996, chuyên bán các món ăn truyền thống Huế với ý tưởng nhằm bảo tồn văn hóa ẩm thực truyền thống của xứ Huế. Tôn chỉ ấy đến nay vẫn được chúng tôi duy trì và món ăn Huế chính tông là những thứ mà chúng tôi giới thiệu và phục vụ thực khách ở đây.
Chị đã giới thiệu món ăn Huế và món ăn Việt ra nước ngoài như thế nào?
Năm 2001, Công ty Craftfooz của Nhật đã xin mở nhà hàng Phú Xuân tại Tokyo theo hình thức nhượng quyền kinh doanh. Thế là nhà hàng Phú Xuân chuyên bán món ăn Huế ra đời tại Tokyo và đã hoạt động hơn 10 năm. Nhà hàng này đã được tạp chí Esquire bình chọn là một trong 76 nhà hàng nước ngoài ở Tokyo có tính cách dân tộc tiêu biểu và được ghi tên vào ấn phẩm Tokyo Hip Restaurant.
Năm 2002, tôi được mời tham gia Tuần lễ văn hóa Việt Nam tại Đức. Tại đây, tôi giới thiệu ẩm thực Huế và tái hiện phiên chợ Gia Lạc của Huế xưa trong khuôn viên của Trường đại học dân lập Munich. Sau đó, tôi được mời tham dự lễ hội Extrème-Orient tại Pháp và giới thiệu ẩm thực cung đình tại lễ hội này. Tôi là người đảm trách buổi dạ tiệc giao thừa tại Le Lieu Unique thuộc Trung tâm nghiên cứu và phát triển văn hóa ở Nantes. 
 Vị đại sứ của ẩm thực Huế 5
Hoàng Anh cùng với các đồng nghiệp trong Hội đầu bếp không biên giới
Năm 2004, tôi tham dự Ngày văn hóa Việt Nam tại Thụy Điển và là người chịu trách nhiệm chính cho dạ tiệc buffet ngoại giao mang tên Hương vị Việt tổ chức tại Stockholm. Năm 2006, tôi tham dự hội thảo ẩm thực quốc tế tại Trường đại học Woosong (Hàn Quốc).
Năm 2010, tham dự gala dinner Hành trình qua bếp ăn châu Á - Khám phá ẩm thực Việt Nam tổ chức tại Trường nấu ăn danh tiếng Le Cordong Blue thuộc Học viện Ẩm thực California (Mỹ).
Năm 2011, tôi tham dự Festival nghề truyền thống Huế và được mời phục dựng yến tiệc cung đình triều Nguyễn tại Duyệt Thị Đường.
Năm 2012, tôi tổ chức phục dựng phiên chợ Tết Gia Lạc tại Presidential Club ở TP.HCM và được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là Người đầu tiên phục dựng chợ Tết Gia Lạc tại nước ngoài và Việt Nam nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Cũng trong năm 2012, tôi đã tham gia chương trình truyền hình Khám phá Việt Nam của Martin Yan với việc phục dựng ẩm thực cung đình triều Nguyễn tại Duyệt Thị Đường trong Đại nội Huế.
 Vị đại sứ của ẩm thực Huế 6
Món chay đậu hũ kho võ quýt do Hoàng Anh thực hiện và giới thiệu trên chuyên san Văn hóa Phật giáo  - Ảnh: Võ Lộc
Thành danh với “nghề nấu ăn”, chị có điều gì nhắn gửi với độc giả về nghề này không?
Mặc dù nấu ăn là một nghề vất vả, nhưng qua nghề này, tôi có nhiều cơ hội giao lưu với thế giới bên ngoài. Thông qua ẩm thực, tôi có cơ hội giới thiệu với bạn bè quốc tế nét đẹp của nghệ thuật ẩm thực Việt Nam, khiến cho họ có một ấn tượng rất sâu sắc về nền ẩm thực và nền văn hóa lâu đời của Việt Nam. Vì thế, tôi cho rằng ẩm thực cũng là một kênh ngoại giao, kết nối Việt Nam với thế giới mà chúng ta ai cũng có cơ hội để thực hiện.
Xin cám ơn chị chia sẻ.
Trần Đức Anh Sơn (thực hiện)

thanhnien.com.vn

Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

Người vợ của Bùi Giáng

(TN Xuân) Đọc thơ Bùi Giáng, người ta nghĩ ông chỉ có những tình yêu viễn mộng. Ít ai biết ông đã có một người vợ đẹp và những bài thơ tình hay nhất của ông là dành cho vợ. Người phụ nữ ấy chỉ sống với ông trên đời có 3 năm.

Đọc thơ Bùi Giáng, người ta nghĩ ông chỉ có những tình yêu viễn mộng. Ít ai biết ông đã có một người vợ đẹp và những bài thơ tình hay nhất của ông là dành cho vợ. Người phụ nữ ấy chỉ sống với ông trên đời có 3 năm.

Tháng 7.2012, tôi trở lại thăm quê nhà ông - làng Thanh Châu (xã Duy Châu, Duy Xuyên, Quảng Nam). Ghé thăm nhà thờ tộc Bùi, được người phụ nữ chăm lo hương khói nơi đây cho xem gia phả của tộc. Qua câu chuyện, tôi khẳng định một điều mới mẻ: Nhà thơ Bùi Giáng đã có vợ. Hình tượng của bà và tình thương yêu, tiếc nuối ông dành cho bà là nội dung chủ đạo trong 4 tập thơ của ông: Mưa nguồn, Lá hoa cồn, Ngàn thu rớt hột và Màu hoa trên ngàn (in tại Sài Gòn từ năm 1962 - 1964).
Người vợ của Bùi Giáng
Ảnh: Tư liệu
Bà nhớ lại Bùi Giáng được cha mẹ cưới vợ cho năm 1945, khi ông vừa 19 tuổi. Hôn nhân ngày trước thường do cha mẹ đôi bên sắp đặt. Có lẽ, cuộc hôn nhân của Bùi Giáng cũng không đi ra ngoài quy ước đó. Người phụ nữ giữ nhà thờ tộc Bùi xác nhận: “Chị Bùi Giáng về làm dâu nhà ông bà bác tôi (cụ Bùi Thuyên và bà Huỳnh Thị Kiền - cha mẹ ông Bùi Giáng) năm 18 tuổi. Chị là người Duy Xuyên, đẹp lắm, tóc dài da trắng cái chi cũng đẹp. Tên thật của chị là Vạn Ninh”. 
Tất cả thành viên trong gia đình đều quý yêu bà chị dâu trẻ. Ông Bùi Luân - em ruột Bùi Giáng - tỏ lòng quý mến của mình với người chị dâu trong tập thơ Chớp biển của Bùi Giáng in tại Canada năm 1996: “Phải nhận là chị xinh đẹp, cởi mở, vui tính, hồn nhiên… Gương mặt chị, hình ảnh chị đã nổi bật, sáng ngời mãi trong ký ức tôi. Duy có điều bất cứ ai, dù không biết gì nhiều về tướng số, gặp chị là cũng nhận ra ngay: Chị không thể ở lâu với chúng ta trên cõi đời này, dù cõi đời vốn đã ngắn ngủi. Lấy chồng được ba năm, chị đã đột ngột lìa đời lúc mới ngoài hai mươi tuổi… Chị trút hơi thở một cách bình thản”.
Vợ chồng Bùi Giáng được cha mẹ cho một khu vườn đẹp ở làng Trung Phước để lập nghiệp. Trung Phước là thung lũng trù phú ven sông Thu, kế cận mỏ than huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam ngày nay. Làng Trung Phước cách Thanh Châu trên dưới ba chục cây số. Có lẽ cuộc hôn nhân của lứa đôi trẻ trung này giữa miền đất Trung Phước không được êm ấm cho lắm. Ông Bùi Luân viết tiếp: “Chỉ một thời gian ngắn sau ngày cưới, người vợ trẻ đã phải lặn lội từ cái thung lũng ngoạn mục nhất đó, xuôi sông Thu Bồn êm đềm với ngàn dâu xanh ngát, về nhà bố mẹ chồng ở Thanh Châu cách hàng mấy chục cây số. Trên chiếc đò bé nhỏ, chàng trai nói với người vợ trẻ:  Nếu em không đổi ý quay về, không bỏ qua chuyện cũ thì tôi sẽ… nhảy ra khỏi đò!
Khách xuôi đò tưởng người con trai đùa dọa người vợ mảnh dẻ. Để nguyên quần áo, ngay lập tức anh mình gieo xuống giữa dòng sông Thu. Và bơi theo đò. Để rồi thả trôi theo dòng nước hết chỗ mấy chục cây số đó, tới tận bến nhà”.
“Bỏ qua chuyện cũ” là chuyện gì? Đó là một chuyện hết sức tức cười và trẻ con. Ông Bùi Luân tiết lộ: “Cô con dâu đứng bên bà mẹ chồng sụt sùi: Anh cho con ăn toàn khoai lang và rau luộc. Anh không cho con mua cá mua thịt…”. Thì ra, Bùi Giáng đã… đi trước thời đại chúng ta về chủ trương… ăn chay. Ông hiểu một cách tuyệt đối thế nào đó về ẩm thực dưỡng sinh, nên chỉ thuận cho cô vợ ăn rau cải, củ quả mà không cho phép bà ăn gà, bò - hai món thịt ngon nhất của vùng Trung Phước.
Người vợ qua đời năm 1948 khi Bùi Giáng vắng nhà. Ông Bùi Luân viết tiếp: “Phút lâm chung, chị không thấy mặt chồng… Tôi chỉ biết là anh có mặt vào phút chót của buổi tiễn đưa chị về nơi an nghỉ cuối cùng - anh đứng bên cạnh chiếc quan tài với vành khăn trắng trên đầu”.
Bùi Giáng yêu vợ nhưng vẫn muốn… bỏ nhà đi chơi. Cũng bình thường như bao nhiêu người đàn ông Quảng Nam lãng mạn khi xa vợ, Bùi Giáng có thể gặp gỡ, giao lưu với những người phụ nữ khác và nhận ra họ vượt trội vợ ông về một vài phương diện nào đó. Thế nhưng, tình yêu và nỗi xót xa dành cho người vợ ở quê nhà thì rất đỗi mặn mà, vô cùng tha thiết: “Mình ơi, tôi gọi bằng nhà/Nhà ơi, tôi gọi mình là nhà tôi”.
Hai năm sau cái chết của người vợ trẻ, ông dẫn một bầy dê lên Nông Sơn chăn thả, ngao du qua những đồi núi, suối khe mơ màng để nhớ thương vợ. Hai năm sau đó nữa, ông gửi bầy dê lại cho… chuồn chuồn và châu chấu, bỏ quê nhà đi chơi tiếp. Ở đâu, ông cũng phục hiện những hình ảnh yêu dấu xưa. Bài thơ nhớ vợ có một không khí rất đỗi bi ai, tràn đầy hoài cảm: “Em chết bên bờ lúa. Để lại trên lối mòn. Một dấu chân bước của. Một bàn chân bé con! Anh qua trời cao nguyên. Nhìn mây buồn bữa nọ. Gió cuồng mưa khóc điên. Trăng cuồng khuya trốn gió. Mười năm sau xuống ruộng. Đếm lại lúa bờ liền. Máu trong mình mòn ruỗng. Xương trong mình rả riêng. Anh đi về đô hội. Ngắm phố thị mơ màng. Anh vùi thân trong tội lỗi. Chợt đêm nào, gió bờ nọ bay sang”.
Bùi Giáng bỏ cố quận ra đi biền biệt. Ra đi nhưng ông vẫn nhớ, đến tha thiết não nùng. Nhớ nhưng ông không dám trở về bởi nơi nào ở cố quận cũng nhắc ông nghĩ đến tình yêu của người vợ khổ.
Ông gọi bà với nhiều tên gọi khác nhau. Đầu tiên, bà được gọi là “gái trần gian”. Ông có thể gặp gỡ, cười đùa, tán tỉnh cả trăm người phụ nữ khác nhưng lòng ông chỉ yêu và chỉ nhớ mỗi mình bà, đặc biệt những khi ông còn lại một mình, đối mặt với chính tâm thức cô đơn của mình: “Đùa với Tuyết, giỡn với Vân. Một mình nhớ mãi gái trần gian xa. Sương buổi sớm, nắng chiều tà. Trăm năm hồng lệ có là bao nhiêu?”.
Thứ hai, ông gọi bà là “con mọi nhỏ”. Người Duy Xuyên có lệ thương yêu ai thì gọi người ấy là “con mọi”, “thằng mọi”. Tôi lấy làm tiếc khi có vài người nghiên cứu văn học hiểu nhầm chữ “mọi” trong thơ Bùi Giáng: “Mọi em là mọi sương xuân. Ban sơ núi đỏ chào mừng non xanh”. Thơ ông viết cho “con mọi nhỏ” của mình tràn đầy nỗi thương xót và tình yêu dấu: “Giờ ly biệt, ta xin em đừng khóc. Nào phải không? Lệ chảy có vui gì? Trang phượng mở giữa nguồn em hãy đọc. Nước xuôi dòng, ngàn thu hận ra đi”.
Ông phong tặng người vợ của mình - con mọi nhỏ, lên thành mẹ của giang san: “Em thành Mẹ của giang san. Em là thần nữ đoạn trường chở che”. Thơ ông viết cho vợ càng lúc càng trang trọng. Tất cả cái mẫu tính dịu dàng, hồn nhiên, tươi đẹp, đôn hậu toát lên từ con người của bà Bùi Giáng khiến ông cảm phục vợ. Từ một con người cụ thể, mảnh mai, bà vụt trở thành hình tượng cao quý nhất trong lòng ông, trong thơ ông: “Em thuyền quyên ban mưa móc xum xuê. Em rắc gieo khắp xứ sở bốn bề. Suốt địa hạt tình quê hương ba ngõ. Anh quỳ xuống gọi em: Em mọi nhỏ”.
Lắm khi ở phương xa, ông nhớ cố quận. Qua mấy mươi năm, hình ảnh người vợ trẻ, hiền ngoan ấy vẫn sống trong lòng ông. Ông uống trà giữa Sài Gòn mà hình ảnh của bà ngày xưa ở Quảng Nam như hiển hiện trước mắt: “Trung niên thi sĩ uống trà. Thưa em mọi nhỏ, em đà uống chưa?”. Một nửa cuộc đời ông, một nửa trái tim ông dành để nhớ bà.
Vũ Đức Sao Biển

http://www.thanhnien.com.vn

Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2013

KHAI BÚT ĐẦU XUÂN



NGỢI CA XUÂN


Mùng một lên chùa

Mai từ đêm trước

Nở vàng mặt trời

Không gian như hội

Chúc mừng xôn xao

Trẻ con mừng tuổi

Người người cười chào

Xuân luôn rất mới

Tuổi đời tinh khôi

Chào em ngọn gió

Tươi thắm đời ta

Chào xuân muôn tuổi

Bất diệt lời ca


Từ Hoài Tấn