Thứ Tư, 31 tháng 3, 2010

Trịnh Công Sơn (1939 - 2001)


Tình yêu đầu tiên / Ca khúc đầu tiên

Sâm Thương

Nhân tưởng nhớ chín năm ngày mất của Trịnh Công Sơn,Nhà văn Sâm Thương ,một người bạn thân của Anh gửi cho VCV hai bài về anh.

Tình yêu đầu tiên

Gọi Tên Bốn Mùa, Nhìn Những Mùa Thu Đi
Từ mối quan hệ với Hà Thanh, một ca sĩ của đài Phát Thanh Huế từ 1957, và là ca sĩ đã hát những bản nhạc đầu tiên của Sơn vào thời kỳ đó. Sơn quen và yêu Ph.Th., em gái của Hà Thanh. Nhà Ph Th ở trên đường Huyền Trân Công Chúa, gần Ga xe lửa Huế, nhìn ra một nhánh nhỏ của sông Hương chảy qua Bến Ngự, Phủ Cam, về An Cựu, bên kia sông là trường Pellerin.
Lúc quen với Sơn, Phương Thảo mới học đệ tam ( lớp 10) trường Đồng Khánh, 16 tuổi và Sơn chỉ mới 18 tuổi chứ không phải tuổi 15 như Sơn viết trong Nhật ký tuổi 30 ( 2)

Em đứng lên mùa thu tàn tạ,
hàng cây khô cành lá bơ vơ,
hàng cây đưa em đi về giọt nắng nhấp nhô.
Em đứng lên mùa xuân vừa mở
Nụ xuân xanh cành thênh thang
Chim về vào ngày tuổi em trên cành bão bùng

Gọi tên bốn mùa (3)

Sau khi đậu tú tài bán phần Phương Thảo chuyển qua học lớp đệ nhất trường Quốc học niên khóa 1961-1962, học chung lớp với nhà thơ Phan Duy Nhân, Trần Vàng Sao, Trần Anh Tuấn và Châu Văn Thuận . Vì trước niên khóa 1963-1964 ở Huế chỉ có trường Quốc Học mới có lớp đệ nhất ( lớp 12 ) nên tất cả các nam nữ học sinh đậu tú tài bán phần ở Huế , bao gồm cả Quảng Trị, Đà Nẳng đều được nhận vào đệ nhất ở Quốc Học. Kể từ niên khóa 1963-1964 không còn có tình trạng nam nữ học chung, trường Đồng Khánh cũng đã bắt đầu có các lớp đệ nhất.

Niên khóa 1960-1961, Ph Th học đệ nhất C2 thì tôi mới học đệ tam B9. Tôi học sau Ph Th. một năm. Nhưng hình ảnh cô với mái tóc thề buông xõa xuống bờ vai, trong chiếc áo dài lụa trắng, với dáng đi tha thướt, quý phái giữa đám đông, mỗi sáng mỗi chiều trước giờ học từ cổng trường ( chỉ dành cho giáo sư và nữ sinh ) đi vào vị trí xếp hàng chào cờ của lớp mình. Bước chân cô đi thật nhẹ, tà áo bay bay đã làm xao động biết bao tâm hồn nhạy cảm của đám bạn bè cùng trang lứa với tôi thuở ấy.

Trong nắng vàng chiều nay
anh nghe buồn mình trên ấy
Chiều cuối trời nhiều mây
Đơn côi bàn tay quên lối
Đưa em về nắng vương nhè nhẹ
Đã mấy lần thu sang
công viên chiều qua rất ngắn
Chuyện chúng mình ngày xưa
Anh ghi bằng nhiều thu vắng
Đến thu này thì mộng nhạt phai(…)

Nhìn những mùa thu đi (4)

Mối tình giữa Sơn và Ph Th thật trong sáng và thật lãng mạn . Đó là mối tình của hai đứa trẻ thời cắp sách đến trường, còn biết bao nhiêu e ấp vụng dại, chưa định hình , cũng như bao mối tình thuở học trò thời đó. Dù lúc đó, tên tuổi Sơn đã được nhiều người biết đến, nhất là với một thành phố nhỏ như Huế, Sơn vẫn như bao chàng trai xứ Huế khác vào tuổi đó , chưa có kinh nghiệm đời, và Sơn cũng chưa bao giờ dùng kinh nghiệm đời của anh trong tình yêu. Anh chỉ biết yêu và hiến dâng, chưa bao giờ toan tính. Để đến khi Ph Th. đi lấy chồng, Sơn mới giật mình, chợt hiểu ra mình đã mất đi tình yêu, nó đã để lại những dư vị đáng cay đối với Sơn.” Thời gian mơ ước được làm người lớn cũng là thời gian của mối tình đầu tiên. Cũng là thời gian được yêu và được nhìn người yêu mình đi lấy chồng. Cuộc tình duyên không cân xứng về tuổi tác nhưng cân xứng về danh vọng và nhan sắc. Điều này đã trở thành cổ điển và không gây thêm được một chút ngạc nhiên nào trong xã hội nho nhỏ của thành phố. Tuy thế, riêng tôi , là một thất vọng không lường được. Sau đó là những mối tình khác nhau nhưng tôi vẫn khó xóa được mặc cảm ( tuy càng ngày càng mỏng dần trong tôi ) đối với thành phố này …” ( 4 )

Ph. Th. hiện sinh sống ở Mỹ, sau khi chồng mất vẫn ở vậy nuôi con ăn học . Năm 2000 Ph Th. có trở về Việt Nam. Cuộc gặp gỡ giữa Ph Th và Sơn lần nầy, chỉ là một cuộc gặp gỡ tình cờ, không hẹn trước sau mấy chục năm, tôi có mặt trong buổi cơm thân mật hôm đó. Nhìn gương mặt Ph Th tôi đã cố nhớ lại dáng vẻ của cô trong tà áo lụa trắng, với chiếc cặp ôm trước ngực trên sân trường Quốc học năm nào. Thời gian có phần nào làm Ph Th. thay đổi, nhưng ở cô vẫn giữ dáng vẻ dịu dàng, đoan hạnh và vẫn chất giọng Huế quen thuộc./.

(1) Trước 1975, cấp hai gồm đệ tam, đệ nhị, đệ nhất , có 4 ban. Ban A là Vạn vật, ban B là Toán, ban C là văn chương, ban D là Hán văn hoặc Latin. Mỗi ban chọn Anh văn hoặc Pháp văn làm sinh ngữ chính hoặc sinh ngữ phụ
(2 ) Trịnh Công Sơn, Nhật ký tuổi 30, Tuổi Trẻ Chủ Nhật,ngày 8.4.20001
(3) Trịnh Công Sơn, Những bài ca không năm tháng, Nhà xuất bản Am nhạc, 2000
(4) Trịnh Công Sơn, Những bài ca không năm tháng, Nhà xuất bản Am nhạc, 2000
( 5 ) Trịnh Công Sơn, Nhật ký tuổi 30, Tuổi Trẻ Chủ Nhật,ngày 8.4.20001




Ca khúc đầu tiên

Năm 1958, Sơn sáng tác ca khúc Ứớt Mi được Nhà xuất bản An Phú ấn hành tại Sàigòn năm 1959.. Thật ra, theo như lời Sơn kể lại thì trước đó Sơn cũng đã sáng tác một số bài như Sương Đêm, Chơi Vơi… “Rất nhiều bài hát đã được viết trước bài” Ướt Mi” nhưng riêng bài Ướt Mi thì tồn tại như một số phận của nó và của tôi”( 1 ), do đó có thể coi Ướt Mi là tác phẩm đầu tay của Trịnh Công Sơn chính thức được công bố.

Trong một tối, Trịnh Công Sơn đã cùng một vài người bạn đến Mỹ Cảnh, một phòng trà nổi tiếng của Sàigòn thời ấy để uống rượu và nghe nhạc. Khi nghe Thanh Thúy, một ca sĩ mới 15 tuổi hát. Người mà Giáo sư Nguyễn Văn Trung đã dành một chương trong trong tác phẩm Nhận Định IV mang tên Ảo Ảnh Thanh Thúy để viết về cô:

“ (…) Thường một ca sĩ ra hát, bao giờ cũng cố gắng làm sao cho người khác để ý đến mình, không những chỉ bằng sự hiện diện trước mặt họmà còn bằng những cử động, những cái nhìn, nụ cười chiếu thẳng vào khán giả mong làm hài lòng khán giả như mời gọi, quyến rũ. Đứng trước máy vi âm, ca sĩ chú ý đến khán giả mong làm hài lòng khán giả bằng sự phô trương tất cả con người của mình.

Trái lại Thanh Thúy ra hát, dĩ nhiên cũng là hát cho khán giả, nhưng làm ra vẻ không chú ý đến khán giả , không tự giới thiệu, đi đến với khán giả bằng cử chỉ nụ cười , cái nhìn Thanh Thúy e lệ, kín đáo, bước ra rụt rè như con cò, tiến đến gần máy vi âm, mà không đưa mắt nhìn vào khán giả. Lúc hát không làm một cử động nào, hai tay luôn luôn nắm lấy cây sắt của máy vi âm, mắt nhìn xuống đất hoặc nhìn ngang, thỉnh thoảng mới nhìn lên lướt qua rất nhanh khán giả mà không cố ý nhìn một ai. Thanh Thúy không nhìn ai, để trở thành vật được nhìn của tất cả. Hình như đôi lúc Thanh Thúy lại nhắm mắt hay chỉ mở lim dim…

Thái độ của Thanh Thúy là đi tới người khác không phải bằng cách cởi mở, đón tiếp, mời gọi với những cái nhìn, nụ cười cử chỉ mà bằng cách khép mình lại, thu mình vào bên trong, không xét đến người khác đang nhìn mình. Thỉnh thoảng cô mỉm cười khi lời ý buồn cười, nhưng cũng như cười với mình thôi.

Do đó, ra trình diễn, mà lại như không muốn cho người xem thấy mình vì Thanh thúy che dấu mặt đến quá nửa bằng mái tóc bỏ xõa… Hát xong một khúc,đi vào trong ngay, không đứng lại bên máy, bên dàn nhạc để hát tiếp khúc sau.

(…) Đứng trướcThanh Thúy, nghe Thanh Thúy hát những bài buồn buồn bằng một giọng trầm, với những nét mặt xa vắng, khán giả như thấy bị lôi kéo về một dĩ vãng xa xôi nhưng cũng rất gần gũi quen thuộc, một dĩ vãng dệt một hình ảnh rung động, cảm nghĩ gắn liền với lịch sử đất nước, với thôn quê , đồng ruộng , với sông Hương , núi Ngự, tiêu biểu cho những gì là dân tộc, cá tính địa phương về mặt tiêu cực: một nỗi buồn man mác, cô tịch, trầm lặng, vô định…Thanh Thúy là hiện thân của nỗi buồn đó. Cho nên khi hát , hình như Thanh Thúy không chú ý phát âm rõ, và người nghe hình như cũng không đòi hỏi hiểu được lời ca vì cái cốt yếu là truyền cảm được nỗi buồn, bằng một giọng buồn và thông cảm được điệu buồn, nỗi buồn không nội dung rõ rệt. Có lẽ những khán giả thích Thanh Thúy là thích vì vậy, không phải giải thích như một thân xác, nhưng như một người đàn bà , một thiếu nữ Việt, một cô gái Huế qua những cái rất” đàn bà”,”rất Việt Nam”và rất “Huế”của Thanh Thúy (2)

Giọng ca trầm buồn và phong cách trình diễn của Thanh Thúy đã gây cho Sơn một ấn tượng đặc biệt. Ngay trong đêm nhạc đó, Sơn đã viết một mảnh giấy nhỏ đề nghị Thanh Thúy hát bài Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong. Thanh Thúy nhỏ nhẹ cám ơn, rồi cất tiếng hát. Khi hát do có tâm sự riêng, nghe đâu cha cô vừa mất đâu trước đó vài tháng và mẹ cô bị lao phổi đang trong trong tình trạng trầm trọng. Cô đã không kiềm chế được cảm xúc, cứ để cho tình cảm tràn đầy, cô vừa hát vừa khóc.

Sau khi quay về Huế, có lẽ vào một đêm mưa, cơn mưa của Huế , Sơn đã nhớ lại những giòng nước mắt lăn dài trên má của cô ca sĩ trẻ với số phận bất hạnh, “ những giọt nước mắt ấy như một cơn mưa nhỏ trên tâm hồn mỏng manh của tôi đã khiến tôi phải lùi xa hơn nữa về một cõi đời nào còn xa xôi hơn đã từng làm tôi nhỏ lệ.

Phải có một nỗi tuyệt vọng nào đó khởi đầu để tôi không ngừng dan díu với những giọt nước mắt của đời làm của cải riêng tư. Eva ăn trái cấm và sự sống thành hình. Tôi e cũng đã từng nuốt những giọt nước mắt để biết tận tình nói về những giọt nước mắt kia (3) .

Những giọt nước mắt đó đã trờ thành một ám ảnh, một thôi thúc làm bùng lên ngọn lửa sáng tạo đang âm ĩ cháy trong Sơn. Và, Sơn đã viết ra như không kiềm giữ được:

Buồn ơi trong đêm thâu
Ôm ấp giùm ta nhé
Người em thương mưa ngâu
Hay khóc sầu nhân thế
Tình ta đêm về có ấm
từng cơn mưa em chưa (…)
Ướt Mi (4)

Bài hát Ướt Mi ra đời trong một hoàn cảnh như thế, và nó đã được đón nhận nồng nhiệt của giới trẻ miền Nam vào những năm 1959-1960, đặc biệt khán giả Nhật Bản cũng rất thích bản nhạc nầy, một phần do dàn nhạc giao hưởng của Nhật đã thu và trình diễn bài nhạc này. Với âm điệu đó, ngôn từ đó hình như anh đã nói thay họ những gì trong cái góc riêng tư , sâu kín nhất nhưng lại như có vẻ giản dị, dễ cảm thông mà họ không thể nói được.

Tiền bản quyền của ca khúc Ướt Mi mà Nhà xuất bản An Phú đã trả cho Sơn là 5.000 đồng (5) , một số tiền quá lớn. Chính đã bất ngờ với số tiền mà mình nhận được. “ Dạo ấy, trong đầu hoàn toàn chưa có một khái niệm nào về tiền tác quyền. Ở tuổi hai mươi, trong tâm trí đang còn phơi phới những ý đồ hiệp sĩ. Số tiền năm ngàn hồi ấy quá lớn đã được dùng một phần tặng người ca sĩ và phần còn lại chia đều cho các bạn cùng ở trọ. Mỗi tháng tiền ăn ở cho một học sinh, sinh viên chỉ có năm sáu trăm đồng.

Nguồn cảm hứng đầu tiên ấy đã làm cơ sở cho một loạt những cảm xúc khác thành hình. Như một khu rừng mùa thu yên tĩnh được một cơn gió thổi bùng lên đánh thức lớp lá vàng dậy, tâm hồn tôi đã bắt đầu biết xôn xao theo những tín hiệu, dù nhỏ nhất của cuộc sống. Tôi không còn nhìn ngắm cuộc sống một cách lơ đãng như trước nữa mà càng lúc càng thấy mình bị cuốn về phía những tình cảm phức tạp của con người.

Những trái cây đầu mùa ấy còn vụng về, chưa có vóc dáng riêng, nhưng nó mang đến niềm thích thú để từ đó sẳn lòng làm một cuộc hành trình dài lâu đi vào cái bề sâu của âm thanh và ngôn ngữ.” (6)

Một năm sau, năm 1959 , một lần nữa, Sơn viết một bài khác , cũng để tặng người đã hát bài hát đầu tiên của mình. Bóng dáng người nữ ca sĩ nhỏ nhắn đêm đêm sau xuất hát hấp tấp bước vào ngõ tối trên đường Cao Thắng trở về nhà với mẹ. Đó là ca khúc Thương Một Người như để chia sẻ trên đôi vai cô ca sĩ trẻ sớm gánh chịu nỗi nhọc nhằn.

Thương ai về ngõ tối
Sương rơi ướt đôi môi
Thương ai buồn kiếp đời
lạnh lùng ánh sao rơi.
(..)
Thương ai về xóm vắng
Đêm nay thiếu ánh trăng
Đôi vai gầy ướt mềm
người lạnh lắm hay không.
Thương một người ( 7)

Với Thanh Thúy, tình cảm mà Trịnh Công Sơn đã dành cho cô là tình yêu hay nỗi niềm cảm thông trước số phận nghiệt ngã của người đồng điệu? Hình như chính Sơn cũng không phân định được./.

( 1 )Trịnh Công Sơn, Trịnh Công Sơn, Người hát rong qua nhiều thế hệ, Nhà Xuất Bản Trẻ ,2003 ,tr.16
( 2) Nguyễn Văn Trung, Nhận Định IV , Nam Sơn xuất bản, 1966, tr. 148-150
( 3 ) Trịnh Công Sơn, Ướt Mi, Nhà Xuất bản An Phú ,1959
( 4 ) Trịnh Công Sơn, Sđd, Nhà Xuất Bản Trẻ ,2003 ,tr16
( 5 ) Theo thời giá năm 1956, một lượng vàng khoảng hơn 1.000 đồng .
( 6) Trịnh Công Sơn, Trái Đầu mùa, Bản thảo viết
(7) Trịnh Công Sơn, Thương một người, Nhà xuất bản An Phú, 1960


Sâm Thương
vanchuongviet.org

Thứ Hai, 29 tháng 3, 2010

Thanh Tâm Tuyền (1936 - 2006)

Bià Giai Phẩm Văn về Thanh Tâm Tuyền, Sài gòn 1973


* Tạp chí Văn bộ mới số đặc biệt Tưởng niệm Thanh Tâm Tuyền 1936-2006: số đôi 113&114 tháng Năm & Sáu, 2006. California. Chủ bút Nguyễn Xuân Hoàng.

Hình: Nguyen Xuan Hoang

Từ trái sang: Bùi Giáng, Thanh TâmTuyền, Mai Thảo, Nguyễn Xuân Hoàng trước toà soạn báo Văn, 38 Phạm Ngũ lão, Sài Gòn năm 1973, trước khi làm Giai Phẩm Văn đặc biệt Thanh Tâm Tuyền [cùng năm]



Thanh Tâm Tuyền dưới nét vẽ Duy Thanh

Ngày 22 tháng Ba, 2006 là ngày Thanh Tâm Tuyền từ giã chúng ta. Vậy là đã bốn năm, ngọn cờ đầu của thơ tự do Việt Nam, người làm mới thi ca Việt Nam đã ra đi.

Tôi muốn lấy câu viết sau đây của Đặng Tiến như một ghi nhận về người thi sĩ của chúng ta:
“Thanh Tâm Tuyền là một tác gia chính yếu đã làm mới nền văn học miền nam, trước 1975, và góp phần tạo nên một khúc quành cho văn học Việt Nam nói chung trong nửa sau thế kỷ 20. Ông làm mới câu thơ, bài thơ, ý thơ và quan niệm thi ca Việt Nam. Ông cũng làm mới câu văn xuôi, cách kể chuyện bắt đầu từ truyện Bếp Lửa.”*.

Nguyễn Xuân Hoàng

Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2010

Tưởng niệm nhà thơ Hữu Loan (1916 - 2010)




Hữu Loan: ly kỳ & độc đáo


PHANXIPĂNG




Hữu Loan chào đời ngày chủ nhật 2-4-1916 nhằm 30 tháng 2 Bính Thìn tại thôn Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Cũng tại đấy, Hữu Loan từ trần tối thứ sáu 18-3-2010 nhằm mùng 3 tháng 2 Canh Dần, hưởng thọ 95 tuổi. Bài viết này thay tràng hoa vĩnh biệt một thi sĩ - chiến sĩ tài năng.
Hữu Loan có họ tên đầy đủ là Nguyễn Hữu Loan. Đỗ tú tài Tây năm 1938 nên thường được gọi Tú Loan. Theo bài Tự phỏng vấn do Hữu Loan viết năm 1988, ông “cũng có tên đời Nguyễn Văn Dao, Sắt Đỏ, Tốt Đỏ, Binh Nhì”, lại thêm “tên chợ là Ông già vườn Lỗi (Phù Viên Lỗi)”. Nhắc Hữu Loan, đông đảo bạn đọc gần xa nghĩ ngay đến bài thơ Màu tím hoa sim được ông sáng tác với đề từ: Khóc Lê Đỗ Thị Ninh.

Độc đáo “Màu tím hoa sim”
Lê Đỗ Thị Ninh là ái nữ của ông Lê Đỗ Kỳ, Tổng thanh tra Nông lâm Đông Dương thời ấy. Biết Hữu Loan học giỏi và hay thơ, phu nhân ông Kỳ là bà Đái Thị Ngọc Chất mời Hữu Loan về nhà dạy kèm các con. Bấy giờ, Hữu Loan 24 tuổi, Ninh vừa lên 8. Điều khó ngờ là tình yêu giữa Hữu Loan với Ninh nẩy nở. Mãi 9 năm sau, ngày 6-2-1948, hai người thành hôn tại ấp Thị Long, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá. Ngày 29-5-1948, Ninh đột tử. Không phải vì giặc giết em rồi, dưới gốc thông như Vũ Cao thể hiện qua bài thơ Núi Đôi (1956). Không phải vì giặc bắn em rồi quăng mất xác như Giang Nam diễn tả qua bài thơ Quê hương (1960). Lý do khiến Ninh từ trần rất bất ngờ mà quá đỗi bình thường: chết đuối. Nàng xuống sông Chuồng giặt giũ và chẳng may trượt chân vào luồng nước dữ dưới chân núi Nưa. Thương vợ, xót chồng, Hữu Loan viết Màu tím hoa sim vào năm 1949 với những con chữ rơi rơi y hệt dòng lệ thảm.
Ngày 5-10-2007, ngay sau khi bão Lekima vừa tan, nhà thơ Hữu Loan nói với tôi:
— Khi Lê Đỗ Thị Ninh mất, tôi làm Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn 304 đóng ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ai đấy cứ bảo rằng tôi sáng tác Màu tím hoa sim khi đi công tác Nghệ An. Không phải đâu ạ. Tôi làm bài đó ngay tại Thanh Hoá.
Mặc dù ở Thanh Hoá, Hữu Loan lại gọi nhạc mẫu bằng má, chứ không gọi mẹ. Vì sao? Vì theo thói quen của vợ. Lê Đỗ Thị Ninh chào đời tại Sài Gòn, ấu thời quen gọi mẫu thân kiểu miền Nam. Thuở nọ, Ninh có em chưa biết nói là ai? Là Lê Thị Như Ý. Ba người anh của Ninh là Lê Đỗ Khôi (chính trị viên tiểu đoàn 315, trung đoàn 165, đại đoàn 312, đã hy sinh nơi đồi Him Lam trong chiến dịch Điện Biên Phủ sáng 7-5-1954), Lê Đỗ Nguyên (nay là trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) và Lê Đỗ An (tức Nguyễn Tiên Phong, nguyên Bí thư trung ương Đoàn khoá III và IV, nguyên Phó ban Dân vận trung ương). Kỳ thực, lúc bấy giờ, trên chiến trường đông bắc chỉ có hai anh Khôi với Nguyên được tin em gái mất trước tin em lấy chồng.
Hữu Loan giữ riêng bài thơ Màu tím hoa sim như một kỷ niệm sâu sắc riêng tư. Vũ Tiến Đức – biên tập viên báo Chiến Sĩ – là người chuyền tay bài thơ này đến bà Ngọc Chất cùng một số kẻ quen biết. Trao đổi cùng tôi, nhà thơ Hữu Loan khẳng định:
— Màu tím hoa sim được in lần đầu trên tờ Trăm Hoa do Nguyễn Bính thực hiện tại Hà Nội năm 1956.
Bài thơ ấy đã được được nhiều nhạc sĩ phổ thành ca khúc. Thập niên 1960, Dzũng Chinh soạn Những đồi hoa sim bằng điệu slow rumba theo âm giai chủ rê thứ; được các ca sĩ Phương Dung, Sơn Tuyền, Hương Lan, Duy Quang, Trường Vũ, Tuấn Vũ, Hạ Vy, Mạnh Quỳnh, Như Quỳnh, v.v., thể hiện. Tương tự Dzũng Chinh, Anh Bằng phỏng ý thơ Hữu Loan để soạn ca khúc Chuyện hoa sim. Sau, cũng nhạc sĩ Anh Bằng soạn ca khúc Tím cả chiều hoang thì bám kỹ vào nội dung bài thơ. Duy Khánh soạn Màu tím hoa sim với phần ca từ cũng theo sát nguyên bản bài thơ. Phạm Duy soạn Áo anh sứt chỉ đường tà - khởi sự từ năm 1949, đến năm 1971 mới hoàn tất - gồm cả loạt trường đoạn phối hợp, nhằm diễn đạt nhiều cung bậc và sắc thái tình cảm, từ nhịp 4/4 với âm giai chủ đô thứ, sang nhịp 2/4 đô trưởng, qua nhịp 4/4 la thứ, chuyển nhịp 3/4 đô trưởng, rồi kết bằng nhịp 4/4 đô trưởng. Áo anh sứt chỉ đường tà đã được thể hiện bởi những giọng khác nhau như Thái Thanh, Elvis Phương, Trần Thái Hoà, Duy Quang, Bích Liên, Ý Lan, Mai Hương, Xuân Phú, Hiền Thục, Khắc Dũng, Đức Minh, Đức Tuấn, v.v. Nhạc sĩ Phạm Duy cho hay:
— Phổ bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan, các nhạc sĩ khác đã dùng hình thức “tiểu khúc” bình dân, ngắn ngủi, chỉ một đoản khúc pop boléro hoặc slow rock giản dị, dễ nghe, dễ hiểu; còn tôi lại soạn “đại khúc” bi hùng dài tới 5-7 đoạn, với mong ước tạo được một “ái quốc ca” (chant patriotique).
Dư luận lắm phen chuyển từ cực đoan nọ sang cực đoan kia đến khó lường. Từng có nơi, có lúc, có người vênh giọng phê phán rằng Màu tím hoa sim là bài thơ “uỷ mị” và “nhuốm mùi tiểu tư sản”, song tác phẩm ấy vẫn sống trong lòng muôn kẻ yêu văn nghệ. Ngày nay, lại vần vũ lời tung hô: Màu tím hoa sim là “một trong những bài thơ tình hay nhất thế kỷ XX”. Một sự kiện khiến dư luận chú ý đặc biệt: Màu tím hoa sim vụt trở thành bài thơ được trả tiền tác quyền cao nhất Việt Nam – và cả châu Á, cũng như toàn thế giới – vào năm 2004 với mức 100 triệu đồng. Hữu Loan bằng lòng chuyển giao bản quyền tác giả đối với bài thơ Màu tím hoa sim cho Công ty cổ phần công nghệ Việt (Vitek VTB) và đã hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết.
Điều buồn cười: bài thơ Màu tím hoa sim bấy lâu nay lưu truyền nhiều dị bản. Ngạc nhiên xiết bao khi so sánh một số thủ bản do Hữu Loan đích thân thực hiện, tôi vẫn thấy những chi tiết khác nhau về từ ngữ, về kiểu xuống dòng, về quy cách viết hoa và viết thường!

Loạt chuyện ly kỳ
Năm 1953, tại Thanh Hoá, Hữu Loan kết hôn lần thứ hai với Phạm Thị Nhu. Qua thơ Hữu Loan, mỗi ý trung nhân đều gắn bó một loài hoa. Bài thơ Hoa lúa do Hữu Loan sáng tác năm 1955 “nịnh” người vợ sau, từng được nhạc sĩ Trần Chung chuyển soạn thành ca khúc Cô gái hội Lim .
Trong giai đoạn chiến tranh ác liệt, trải hoàn cảnh quá ư khó khổ lại rối rắm muôn đa đoan trắc trở, đôi vợ chồng vẫn sinh và nuôi được 10 con trưởng thành, trong đó có những người làm việc Nhà nước. Xin nêu phương danh cùng nghề nghiệp: 1. Nguyễn Hữu Cương (sửa xe máy). 2. Nguyễn Thị Hương (giáo viên THCS); 3. Nguyễn Thị Hà (buôn bán); 4. Nguyễn Hữu Vũ (thợ cơ khí); 5. Nguyễn Hữu Lập (tài xế); 6. Nguyễn Thị Chung (làm ruộng); 7. Nguyễn Thị Dinh (hoạ sĩ); 8. Nguyễn Hữu Đán (kiến trúc sư); 9. Nguyễn Thị Ứng (thợ may); 10. Nguyễn Thị Triêu (thợ cơ khí). Có những đứa con tạo cảm hứng cho bố sáng tác, chẳng hạn trưởng nam là động lực khiến Hữu Loan viết áng thơ Tò he vào năm 1957. Hiện 10 con ấy đã sinh 37 cháu nội ngoại cho ông bà Hữu Loan.
Sau khi bị chỉnh huấn phong trào Nhân Văn - Giai Phẩm, Hữu Loan thôi làm báo Văn Nghệ và rời Hà Nội, về quê nhà, kiếm sống bằng những công việc tay chân cực nhọc là cày bừa, đánh cá, đốn củi, thồ đá, v.v., từ năm 1958 đến cuối đời. Tuy nhiên, sau mấy thập niên vùi mình nơi làng quê, Hữu Loan đã có dịp ra Bắc vào Nam. Năm 1987, tái ngộ Hà Nội. Năm 1988, ghé Lâm Đồng, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, TP.HCM, Bà Rịa, Phan Thiết, Nha Trang, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Quảng Nam - Đà Nẵng, Huế, Đồng Hới, Hà Tĩnh. Năm 1990, quay lại Đồng Nai và Sài thành. Năm 1995, tiếp tục thăm mảnh đất Thăng Long.
Năm 2007, nguyệt san Khởi Hành (do nhà thơ Viên Linh chủ nhiệm kiêm chủ bút, trụ sở chính hiện đặt tại Litle Saigon, quận Cam, California, USA) trao giải “Văn chương toàn sự nghiệp” đến nhà thơ Hữu Loan. Giải thưởng trị giá 5.000 USD, gồm 3.000 USD hiện kim và 2.000 USD nhằm ấn hành tập thơ. Qua điện thoại, bà Phạm Thị Nhu cho tôi hay:
— Nguyệt san Khởi Hành đã gửi 3.000 USD bằng đường bưu điện. Nhà tôi mới nhận được vào ngày 30-9-2007 đấy.
Cũng ngày chủ nhật 30-9-2007, Người Việt Online loan tin: “Cho tới nay sau hai phần ba thế kỷ làm thơ, Hữu Loan vẫn chưa in được một tập thơ nào cả, nên nguyệt san Khởi Hành sẽ in một tác phẩm... đầu tay cho nhà thơ Hữu Loan, và tác giả còn nhận được một phần bản quyền tác giả trên tập thơ được in ra nữa”.
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia cũng ghi: “Hữu Loan chưa xuất bản tập thơ nào”.
Thứ sáu 19-3-2010, báo Sài Gòn Giải Phóng Online truyền bài
Tác giả bài thơ “Màu tím hoa sim” qua đời và tạp chí Nhà Văn truyền bài Tác giả “Màu tím hoa sim” đã ra đi vẫn lặp lại: “Hữu Loan chưa xuất bản tập thơ nào”. Thứ bảy 20-3-2010, báo Đất Việt Online truyền bài Nhà thơ Hữu Loan trong mắt bạn bè còn nhấn: “Trên thực tế, Hữu Loan là nhà thơ nổi tiếng duy nhất cả đời không in một tập thơ nào”. Cùng ngày, báo Công An Nhân Dân Online truyền bài Tác giả “Màu tím hoa sim” đã về miền cực lạc vẫn không tránh khỏi ngộ nhận: “Mặc dù chưa xuất bản tập thơ nào, nhưng ông lại khá nổi tiếng trên văn đàn”. Chủ nhật 21-3-2010, báo Tuần Việt Nam truyền bài Người nhuộm tím thi đàn bằng màu hoa sim cũng trượt theo tuyến nhầm lẫn: “Cả cuộc đời dài gần trăm năm của mình, Hữu Loan làm thơ không nhiều, không in tập lớn, tập bé; nhưng chỉ cần với một Màu tím hoa sim, ông đã nhuộm tím thi đàn Việt Nam”.
Hỡi ôi! Thông tin vậy hoàn toàn thiếu chính xác! Vì từ năm 1990, tại Việt Nam, tập thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan được ấn hành bởi NXB Hội Nhà Văn. Tập thơ dày 92 trang, khổ 13 x 19cm, chỉ 10 bài thơ của Hữu Loan; phần còn lại là những ghi chép bởi Vũ Cao, Nguyễn Sĩ Đạt, Ngô Văn Phú, Đào Bích Nguyên. Đó là 10 bài thơ: Ngày mai, Màu tím hoa sim, Những làng đi qua, Hoa lúa, Phương gió, Tò he, Nếu anh không đi, Đèo Cả, Quách Xuân Kỳ, Yên Mô.
Bây giờ, Hữu Loan vĩnh viễn khuất bóng. Nhưng tác phẩm và cuộc đời ông vẫn triển chuyển mãi trong tâm trí bao người. Chắc chắn rằng thơ văn của Hữu Loan cùng những trang viết của tha nhân về ông sẽ được ấn hành rộng khắp.
Phanxipăng



PHỤ LỤC
Lời tự thuật của nhà thơ Hữu Loan

(Trích
“Lời tự thuật của tác giả 1 bài thơ nổi tiếng”, trên báo Đàn Chim Việt)

Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, hồi nhỏ không có cơ may cắp sách đến trường như bọn trẻ cùng trang lứa, chỉ được cha dạy cho dăm chữ bữa có bữa không ở nhà. Cha tôi tuy là tá điền nhưng tư chất lại thông minh hơn người. Lên trung học, theo ban thành chung tôi cũng học tại Thanh Hóa, không có tiền ra Huế hoặc Hà Nội học. Đến năm 1938 – lúc đó tôi cũng đã 22 tuổi – Tôi ra Hà Nội thi tú tài, để chứng tỏ rằng con nhà nghèo cũng thi đỗ đạt như ai. Tuyệt nhiên tôi không có ý định dấn thân vào chốn quan trường. Ai cũng biết thi tú tài thời Pháp rất khó khăn. Số người đậu trong kỳ thi đó rất hiếm, hiếm đến nỗi 5-6 chục năm sau những người cùng thời còn nhớ tên những người đậu khóa ấy, trong đó có Nguyễn Đình Thi , Hồ Trọng Gin, Trịnh văn Xuấn , Đỗ Thiện và ...tôi – Nguyễn Hữu Loan.

Với mảnh tú tài Tây trong tay, tôi rời quê nhà lên Thanh Hóa để dạy học. Nhãn mác con nhà nghèo học giỏi của tôi được bà tham Kỳ chú ý, mời về nhà dạy cho hai cậu con trai. Tên thật của bà tham Kỳ là Đái thị Ngọc Chất, bà là vợ của của ông Lê Đỗ Kỳ, tổng thanh tra canh nông Đông Dương, sau này đắc cử dân biểu quốc hội khóa đầu tiên. Ở Thanh Hóa, Bà tham Kỳ có một cửa hàng bán vải và sách báo, tôi thường ghé lại xem và mua sách, nhờ vậy mới được bà để mắt tới.

Bà tham Kỳ là một người hiền lành, tốt bụng, đối xử với tôi rất tốt, coi tôi chẳng khác như người nhà. Nhớ ngày đầu tiên tôi khoác áo gia sư, bà gọi mãi đứa con gái – lúc đó mới 8 tuổi- mới chịu lỏn lẻn bước ra khoanh tay, miệng lí nhí: ” Em chào thầy ạ!” Chào xong, cô bé bất ngờ mở to đôi mắt nhìn thẳng vào tôi. Đôi mắt to, đen láy, tròn xoe như có ánh chớp ấy đã hằn sâu vào tâm trí tôi, theo tôi suốt cả cuộc đời. Thế là tôi dạy em đọc, dạy viết. Tên em là Lê Đỗ Thị Ninh, cha làm thanh tra nông lâm ở Sài Gòn nên sinh em trong ấy, quen gọi mẹ bằng má. Em thật thông minh, dạy đâu hiểu đấy nhưng ít nói và mỗi khi mở miệng thì cứ y như một “bà cụ non”. Đặc biệt em chăm sóc tôi hằng ngày một cách kín đáo: em đặt vào góc mâm cơm chổ tôi ngồi ăn cơm lúc thì vài quả ớt đỏ au, lúc thì quả chanh mọng nước em vừa hái ở vườn, những buổi trưa hè, nhằm lúc tôi ngủ trưa, em lén lấy áo sơ mi trắng tôi treo ở góc nhà mang ra giếng giặt .....

Có lần tôi kể chuyện ” bà cụ non” ít nói cho hai người anh của em Ninh nghe, không ngờ chuyện đến tai em, thế là em giận! Suốt một tuần liền, em nằm lì trong buồng trong, không chịu học hành... Một hôm bà tham Kỳ dẫn tôi vào phòng nơi em đang nằm thiếp đi. Hôm ấy tôi đã nói gì, tôi không nhớ nữa, chỉ nhớ là tôi đã nói rất nhiều, đã kể chuyện em nghe, rồi tôi đọc thơ... Trưa hôm ấy, em ngồi dậy ăn một bát to cháo gà và bước ra khỏi căn buồng. Chiều hôm sau, em nằng nặc đòi tôi đưa lên khu rừng thông. Cả nhà không ai đồng ý: “Mới ốm dậy còn yếu lắm, không đi được đâu” Em không chịu nhất định đòi đi cho bằng được. Sợ em lại dỗi nên tôi đánh bạo xin phép ông bà tham Kỳ đưa em lên núi chơi .....


Xe kéo chừng một giờ mới tới được chân đồi. Em leo đồi nhanh như một con sóc, tôi đuổi theo muốn đứt hơi. Lên đến đỉnh đồi, em ngồi xuống và bảo tôi ngồi xuống bên em.Chúng tôi ngồi thế một hồi lâu, chẳng nói gì. Bất chợt em nhìn tôi, rồi ngước mắt nhìn ra tận chân trời, không biết lúc đó em nghĩ gì. Bất chợt em hỏi tôi:

- Thầy có thích ăn sim không ?

- Tôi nhìn xuống sườn đồi: tím ngắt một màu sim. Em đứng lên đi xuốn sườn đồi, còn tôi vì mệt quá nên nằm thiếp đi trên thảm cỏ....Khi tôi tỉnh dậy, em đã ngồi bên tôi với chiếc nón đầy ắp sim. Những quả sim đen láy chín mọng.

- Thầy ăn đi.

Tôi cầm quả sim từ tay em đưa lên miệng trầm trồ:

-Ngọt quá.

Như đã nói, tôi sinh ra trong một gia đình nông dân, quả sim đối với tôi chẳng lạ lẫm gì, nhưng thú thật tôi chưa bao giờ ăn những quả sim ngọt đến thế! Cứ thế, chúng tôi ăn hết qủa này đến qủa khác. Tôi nhìn em, em cười. Hai hàm răng em đỏ tím, đôi môi em cũng đỏ tím, hai bên má thì....tím đỏ một màu sim. Tôi cười phá lên, em cũng cười theo!

Cuối mùa đông năm ấy, bất chấp những lời can ngăn, hứa hẹn can thiệp của ông bà tham Kỳ, tôi lên đường theo kháng chiến. Hôm tiễn tôi, em theo mãi ra tận đầu làng và lặng lẽ đứng nhìn theo. Tôi đi... lên tới bờ đê, nhìn xuống đầu làng ,em vẫn đứng đó nhỏ bé và mong manh. Em giơ bàn tay nhỏ xíu như chiếc lá sim ra vẫy tôi. Tôi vẫy trả và lầm lũi đi...Tôi quay đầu nhìn lại... em vẫn đứng yên đó ... Tôi lại đi và nhìn lại đến khi không còn nhìn thấy em nữa...

Những năm tháng ở chiến khu, thỉnh thoảng tôi vẫn được tin tức từ quê lên, cho biết em vẫn khỏe và đã khôn lớn. Sau này, nghe bạn bè kể lại, khi em mới 15 tuổi đã có nhiều chàng trai đên ngỏ lời cầu hôn nhưng em cứ trốn trong buồng, không chịu ra tiếp ai bao giờ ...

Chín năm sau, tôi trở lại nhà...Về Nông Cống tìm em. Hôm gặp em ở đầu làng, tôi hỏi em , hỏi rất nhiều, nhưng em không nói gì, chỉ bẽn lẽn lắc hoặc gật đầu. Em giờ đây không còn cô học trò Ninh bướng bỉnh nữa rồi. Em đã gần 17 tuổi, đã là một cô gái xinh đẹp....

Yêu nhau lắm nhưng tôi vẫn lo sợ vì hai gia đình không môn đăng hộ đối một chút nào. Mãi sau này mới biết việc hợp hôn của chúng tôi thành công là do bố mẹ em ngấm ngầm ” soạn kịch bản”. Một tuần sau đó chúng tôi kết hôn. Tôi bàn việc may áo cưới thì em gạt đi, không đòi may áo cưới trong ngày hợp hôn, bảo rằng là: ” yêu nhau, thương nhau cốt là cái tâm và cái tình bền chặt là hơn cả”. Tôi cao ráo, học giỏi, Làm thơ hay...lại đẹp trai nên em thường gọi đùa là anh chồng độc đáo. Đám cưới được tổ chức ở ấp Thị Long, huyện Nông Công, tỉnh Thanh Hóa của gia đình em, nơi ông Lê Đỗ Kỳ có hàng trăm mẫu ruộng. Đám cưới rất đơn sơ, nhưng khỏi nói, hai chúng tôi hạnh phúc hơn bao giờ hết!

Hai tuần phép của tôi trôi qua thật nhanh, tôi phải tức tốc lên đường hành quân, theo sư đoàn 304, làm chủ bút tờ Chiến Sĩ. Hôm tiễn tôi lên đường, em vẫn đứng ở đầu làng, nơi chín năm trước em đã đứng. Chỉ có giờ em không còn cô bé Ninh nữa mà là người bạn đời yêu quý của tôi. Tôi bước đi, rồi quay đầu nhìn lại.....Nếu như chín năm về trước, nhìn lại chỉ thấy một nỗi buồn man mác thì lần này, tôi thật sự đau buồn. Đôi chân tôi như muốn khuỵu xuống.

Ba tháng sau, tôi nhận được tin dữ: vợ tôi qua đời! Em chết thật thảm thương: Hôm đó là ngày 25 tháng 5 âm lịch năm 1948, em đưa quần áo ra giặt ngoài sông Chuồn (thuộc ấp Thị Long, Nông Cống), vì muốn chụp lại tấm áo bị nước cuốn trôi đi nên trượt chân chết đuối! Con nước lớn đã cuốn em vào lòng nó, cướp đi của tôi người bạn lòng tri kỷ, để lại tôi tôi nỗi đau không gì bù đắp nỗi. Nỗi đau ấy, gần 60 năm qua, vẫn nằm sâu thẳm trong trái tim tôi.

Tôi phải giấu kín nỗi đau trong lòng, không được cho đồng đội biết để tránh ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của họ. Tôi như một cái xác không hồn....Dường như càng kềm nén thì nỗi đau càng dữ dội hơn. May sao, sau đó có đợt chỉnh huấn, cấp trên bảo ai có tâm sự gì cứ nói ra, nói cho hết. Chỉ chờ có thế, cơn đau trong lòng tôi được bung ra. Khi ấy chúng tôi đang đóng quân ở Nghệ An, tôi ngồi lặng đi ở đầu làng, hai mắt tôi đẫm nước, tôi lấy bút ra ghi chép. Chẳng cần phải suy nghĩ gì, những câu những chữ mộc mạc cứ trào ra: “Nhà nàng có ba người anh đi bộ đội... Những em nàng có em chưa biết nói. Khi tóc nàng đang xanh...” Tôi về không gặp nàng...

Về viếng mộ nàng, tôi dùng chiếc bình hoa ngày cưới làm bình hương, viết lại bài thơ vào chiếc quạt giấy để lại cho người bạn ở Thanh Hóa... Anh bạn này đã chép lại và truyền tay nhau trong suốt những năm chiến tranh. Đó là bài thơ Màu Tím Hoa Sim.

Đến đây, chắc bạn biết tôi là Hữu Loan, Nguyễn Hữu Loan, sinh ngày 2-4-1916 hiện tại đang “ở nhà trông vườn” ở làng Nguyên Hoàn – nơi tôi gọi là chỗ “quê đẻ của tôi đấy” thuộc xã Mai Lĩnh, huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa.

Em Ninh rất ưa mặc áo màu tím hoa sim. Lạ thay nơi em bị nước cuốn trôi dưới chân núi Nưa cũng thường nở đầy những bông hoa sim tím. Cho nên tôi viết mới nổi những câu : “Chiều hành quân, qua những đồi sim... Những đồi sim, những đồi hoa sim.. Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết.. Màu tím hoa sim, tím cả chiều hoang biền biệt...Và chiều hoang tím có chiều hoang biết...Chiều hoang tim tím thêm màu da diết.”

Mất nàng, mất tất cả, tôi chán đời, chán kháng chiến, bỏ đồng đội, từ giã văn đàn về quê làm ruộng, một phần cũng vì tính tôi” hay cãi, thích chống đối, không thể làm gì trái với suy nghĩ của tôi”. Bọn họ chê tôi ủy mị, hoạch hoẹ đủ điều, không chấp nhận đơn từ bỏ kháng chiến của tôi. Mặc kệ! Tôi thương tôi, tôi nhớ hoa sim của tôi quá! Với lại tôi cũng chán ngấy bọn họ quá rồi!

Đó là thời năm 1955 – 1956, khi phong trào văn nghệ sĩ bùng lên với sự xuất hiện của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm chống chính sách độc tài, đồng thời chống những kẻ bồi bút đan tâm lừa thầy phản bạn, dốc tâm ca ngợi cái này cái nọ để kiếm chút cơm thừa canh cạn. Làm thơ thì phải có cái tâm thật thiêng liêng thì thơ mới hay. Thơ hay thì sống mãi. Làm thơ mà không có tình, có tâm thì chả ra gì! Làm thơ lúc bấy giờ là phải ca tụng, trong khi đó tôi lại đề cao tình yêu, tôi khóc người vợ tử tế của mình, người bạn đời hiếm có của mình. Lúc đó tôi khóc như vậy họ cho là khóc cái tình cảm riêng....Y như trong thơ nói ấy, tôi lấy vợ rồi ra mặt trận, mới lấy nhau chưa được hơn một tháng, ở nhà vợ tôi đi giặt rồi chết đuối ở sông ... Tôi thấy đau xót, tôi làm bài thơ ấy tôi khóc, vậy mà họ cho tôi là phản động. Tôi phản động ở chổ nào? Cái đau khổ của con người, tại sao lại không được khóc?

Bọn họ xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng của tôi đối với người vợ mà tôi hằng yêu quý, cho nên vào năm 1956, tôi bỏ đảng, bỏ cơ quan, về nhà để đi cày. Họ không cho bỏ, bắt tôi phải làm đơn xin. Tôi không xin, tôi muốn bỏ là bỏ, không ai bắt được! Tôi bỏ tôi về, tôi phải đi cày đi bừa, đi đốn củi, đi xe đá để bán. Bọn họ bắt giữ xe tôi, đến nỗi tôi phải đi xe cút kít, loại xe đóng bằng gỗ, có một bánh xe cũng bằng gỗ ở phía trước, có hai cái càng ở phía sau để đủn hay kéo. Xe cút kít họ cũng không cho, tôi phải gánh bộ. Gánh bằng vai tôi, tôi cũng cứ gánh, không bao giờ tôi bị khuất phục. Họ theo dõi, ngăn cản, đi đến đâu cũng có công an theo dõi, cho người hại tôi... Nhưng lúc nào cũng có người cứu tôi! Có một cái lạ là thơ của tôi đã có lần cứu sống tôi! Lần đó tên công an mật nói thật với tôi là nó được giao lệnh giết tôi, nhưng nó sinh ở Yên Mô, thường đem bài Yên Mô của tôi nói về tỉnh Yên Bình quê nó ra đọc cho đỡ nhớ, vì vậy nó không nỡ giết tôi.?Ngoài Yên Mô, tôi cũng có một vài bài thơ khác được mến chuộng. Sau năm 1956 , khi tôi về rồi thấy cán bộ khổ quá, tôi đã làm bài Chiếc Chiếu, kể chuyện cán bộ khổ đến độ không có chiếc chiếu để nằm!

Định mệnh đưa đẩy, dắt tôi đến với một phụ nữ khác, sống cùng tôi cho đến tận bây giờ. Cô tên Phạm Thị Nhu, cũng là phụ nữ có tâm hồn sâu sắc. Cô vốn là một nạn nhân của chiến dịch cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ năm 1954, 1955.? ?Lúc đó tôi còn là chính trị viên của tiểu đoàn. Tôi thấy tận mắt những chuyện đấu tố. Là người có học , lại có tâm hồn nghệ sĩ nên tôi cảm thấy chán nản quá, không còn hăng hái nữa. Thú thật, lúc đó tôi thất vọng vô cùng. Trong một xã thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cách xa nơi tôi ở 15 cây số, có một gia đình địa chủ rất giàu, nắm trong gần năm trăm mẫu tư điền.? ?Trước đây, ông địa chủ đó giàu lòng nhân đạo và rất yêu nước. Ông thấy bộ đội sư đoàn 304 của tôi thiếu ăn nên ông thường cho tá điền gánh gạo đến chổ đóng quân để ủng hộ. Tôi là trưởng phòng tuyên huấn và chính trị viên của tiểu đoàn nên phải thay mặt anh em ra cám ơn tấm lòng tốt của ông, đồng thời đề nghị lên sư đoàn trưởng trao tặng bằng khen ngợi để vinh danh ông . Thế rồi, một hôm, tôi nghe tin gia đình ông đã bị đấu tố. Hai vợ chồng ông bị đội Phóng tay phát động quần chúng đem ra cho dân xỉ vả, rồi chôn xuống đất, chỉ để hở hai cái đầu lên. Xong họ cho trâu kéo bừa đi qua đi lại hai cái đầu đó cho đến chết. Gia đình ông bà địa chủ bị xử tử hết, chỉ có một cô con gái 17 tuổi được tha chết nhưng bị đội Phóng tay phát động đuổi ra khỏi nhà với vài bộ quần áo cũ rách. Tàn nhẫn hơn nữa, chúng còn ra lệnh cấm không cho ai được liên hệ, nuôi nấng hoặc thuê cô ta làm công. Thời đó, cán bộ cấm đoán dân chúng cả việc lấy con cái địa chủ làm vợ làm chồng.

Biết chuyện thảm thương của gia đình ông bà địa chủ tôi hằng nhớ ơn, tôi trở về xã đó xem cô con gái họ sinh sống ra sao vì trước kia tôi cũng biết mặt cô ta. Tôi vẫn chưa thể nào quên được hình ảnh của một cô bé cứ buổi chiều lại lén lút đứng núp bên ngoài cửa sổ nghe tôi giảng Kiều ở trường Mai Anh Tuấn.? ?Lúc gần tới xã, tôi gặp cô ta áo quần rách rưới, mặt mày lem luốc. Cô đang lom khom nhặt những củ khoai mà dân bỏ sót, nhét vào túi áo, chùi vội một củ rồi đưa lên miệng gặm, ăn khoai sống cho đỡ đói. Quá xúc động, nước mắt muốn ứa ra, tôi đến gần và hỏi thăm và được cô kể lại rành rọt hôm bị đấu tố cha mẹ cô bị chết ra sao. Cô khóc rưng rức và nói rằng gặp ai cũng bị xua đuổi; hằng ngày cô đi mót khoai ăn đỡ đói lòng, tối về ngủ trong chiếc miếu hoang, cô rất lo lắng, sợ bị làm bậy và không biết ngày mai còn sống hay bị chết đói. Tôi suy nghĩ rất nhiều, bèn quyết định đem cô về làng tôi, và bất chấp lệnh cấm, lấy cô làm vợ. Sự quyết định của tôi không lầm. Quê tôi nghèo, lúc đó tôi còn ở trong bộ đội nên không có tiền, nhưng cô chịu thương chịu khó , bữa đói bữa no.... Cho đến bây giờ cô đã cho tôi 10 người con – 6 trai, 4 gái – và cháu nội ngoại hơn 30 đứa! Trong mấy chục năm dài, tôi về quê an phận thủ thường, chẳng màng đến thế sự, ngày ngày đào đá núi đem đi bán, túi dắt theo vài cuốn sách cũ tiếng Pháp, tiếng Việt đọc cho giải sầu, lâu lâu nổi hứng thì làm thơ, thế mà chúng vẫn trù dập, không chịu để tôi yên. Tới hồi mới mở cửa, tôi được ve vãn, mời gia nhập Hội Nhà Văn, tôi chẳng thèm gia nhập làm gì. Năm 1988, tôi ” tái xuất giang hồ” sau 30 năm tự chôn và bị chôn mình ở chốn quê nghèo đèo heo hút gió. Tôi lang bạt gần một năm trời theo chuyến đi xuyên Việt do hội văn nghệ Lâm Đồng và tạp chí Langbian tổ chức để đòi tự do sáng tác, tự do báo chí – xuất bản và đổi mới thực sự. Vào tuổi gần đất xa trời, cuối năm 2004, công ty Viek VTB đột nhiên đề nghị mua bản quyển bài Màu Tím Hoa Sim của tôi với giá 100 triệu đồng. Họ bảo đó là một hình thức bảo tồn tài sản văn hóa. Thì cũng được đi. Khoản tiền 100 triệu trừ thuế đi còn 90 triệu, chia “lộc” cho 10 đứa con hết 60 triệu đồng, tôi giữ lại 30 triệu đồng, phòng đau ốm lúc tuổi già, sau khi trích một ít để in tập thơ khoảng 40 bài mang tên Thơ Hữu Loan. Sau vụ này cũng có một số công ty khác xin ký hợp đồng mua mấy bài thơ khác, nhưng tôi từ chối, thơ tôi làm ra không phải để bán.

Hữu Loan

Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2010

Vĩnh biệt nhà thơ HỮU LOAN


Vào lúc 19 giờ hôm qua 18.3, lão thi sĩ Hữu Loan đã từ trần tại nhà riêng ở thôn Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, H.Nga Sơn (Thanh Hóa), thọ 95 tuổi. Thi sĩ Hữu Loan tên thật là Nguyễn Hữu Loan, sinh năm 1916 tại thôn Văn Hoàn, xã Nga Lĩnh, H.Nga Sơn (Thanh Hóa).
Ông đỗ tú tài năm 1943. Hữu Loan tham gia Mặt trận bình dân năm 1936, tham gia Việt Minh ở thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa)... Trước năm 1945, ông từng là cộng tác viên trên các tập san văn học xuất bản tại Hà Nội. Sau Cách mạng tháng Tám, ông được cử làm Ủy viên Văn hóa trong Ủy ban Hành chính lâm thời tỉnh Thanh Hóa. Kháng chiến chống Pháp, Hữu Loan tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam, phục vụ trong Đại đoàn 304.
Sau năm 1954, ông làm việc tại Báo Văn Nghệ trong một thời gian. Ông nổi tiếng với các bài thơ Màu tím hoa sim, Đèo Cả, Hoa Lúa... Từ hơn 1 năm nay, thi sĩ Hữu Loan bị chứng thấp khớp nặng, toàn thân đau nhức không thể đi lại được. Mặc dù đã được gia đình chăm sóc chu đáo, nhưng do tuổi cao, sức yếu, nhà thơ đã vĩnh biệt cuộc đời ở tuổi 95.
TNO - 19/3/2010


Màu tím hoa sim
Hữu Loan
Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh
Tôi người Vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê...
Nhưng không chết
người trai khói lửa
Mà chết
người gái nhỏ hậu phương
Tôi về
không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương
tàn lạnh vây quanh
Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
không được nghe nhau nói
không được trông nhau một lần
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa
một mình đèn khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa...
Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên chiến trường đông bắc
Được tin em gái mất
trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
cỏ vàng chân mộ chí
Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu...
Màu tím hoa sim, tím tình trang lệ rớm
Tím tình ơi lệ ứa
Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh nát chỉ dù lâu...
(1949, khóc vợ Lê Đỗ Thị Ninh)
GHI CHÚ THÊM:
Hữu Loan tên thật là Nguyễn Hữu Loan, sinh năm 1916 tại làng Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông học Thành chung ở Thanh Hóa, đậu tú tài Tây năm 1938 tại Hà Nội (vì vậy ở quê thường gọi là cậu Tú Loan).
Thời đó, bằng tú tài rất hiếm, rất ít người có nên ông được mời vào làm trong Sở Dây thép (Bưu điện) Hà Nội nhưng ông không làm mà đi dạy học và đã từng là cộng tác viên của các tập san văn học xuất bản tại Hà Nội. Năm 1939 ông tham gia Mặt trận Bình Dân rồi về tham gia Mặt trận Việt Minh tại thị xã Thanh Hóa. Năm 1943, ông gây dựng phong trào Việt Minh ở quê nhà, và khi cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 nổ ra, ông làm Phó chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa huyện Nga Sơn, rồi được cử làm Ủy viên Văn hóa trong Ủy ban lâm thời tỉnh Thanh Hóa, phụ trách các ty: Giáo dục, Thông tin, Thương chính và Công chính. Trong kháng chiến chống Pháp, Hữu Loan tình nguyện đi bộ đội, phục vụ trong sư đoàn 304 và làm chính trị viên tiểu đoàn, đồng thời làm chủ bút tờ Chiến Sĩ của sư đoàn.
Tháng 2 năm 1948, ông cưới cô Lê Đỗ Thị Ninh là người học trò cũ mới 16 tuổi. Cưới nhau xong, ông lại lên đường ra mặt trận. Ba tháng sau, ông được tin người vợ trẻ tuổi ở nơi quê chết đuối. Ông quá đau khổ, viết lại chuyện hai người thành bài thơ Màu tím hoa sim.
Năm 1954, cưới Phạm Thị Nhu cô gái 17 tuổi. Cuộc hôn nhân này đã cho ông 10 người con và hơn 30 người cháu.
Đầu năm 1955, ra khỏi quân đội, ông về Hà Nội xin vào làm việc tại báo Văn Nghệ. Trong thời gian 1956-1957, ông tham gia Phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm do nhà văn Phan Khôi chủ trương.
Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm bị dập tắt vào năm 1958, ông bỏ Hà Nội về sống tại quê nhà và mất vào lúc 21 giờ ngày 1/3/2010
Các tác phẩm: Một số bài thơ đã được nổi tiếng: Màu tím hoa sim, Đèo Cả, Yên mô, Hoa lúa, Tình Thủ đô… và tập Thơ Hữu Loan
Tại miền Nam, bài Màu tím hoa sim đã được hai nhạc sĩ Dũng Chinh và Phạm Duy phổ nhạc, mỗi người theo cách riêng của mình nhưng đều nổi tiếng.
Vào tháng 10 năm 2004, Màu tím hoa sim đã được Công ty Cổ phần Công nghệ Việt (viết tắt: vitek VTB) mua bản quyền với giá 100 triệu đồng.

Thứ Hai, 15 tháng 3, 2010

Bùi Giáng, Đi về với gió du côn


Thưa rằng: nói nữa là sai

Mùa xuân đương đợi bước ai đi vào

(Chào nguyên xuân, Mưa Nguồn. BG)

Bước ai đi vào, hay bước chân rất nhẹ của Bùi Giáng. Và nói về anh nữa có là sai....

Họ Bùi tuổi Cọp hút heo,
Vèo bay khói thuốc mốc meo linh hồn”
(Chào mừng Sài gòn 1989. Thơ Bùi Giáng, trang 56, Việt Thường, Canada, xb1990).
Như vậy anh sinh năm Dần, mất cũng năm Dần …(1)

Sách báo bài viết đã quá nhiều, cứ góp thêm từng kỷ niệm, nhớ anh những ngày xưa, cũ. Năm 1989, những ngày tôi bận rộn dọn dẹp xưởng vẽ trong con hẻm nhỏ đường Nguyễn đình Chiểu, Tân Định để cùng gia đình đi Mỹ, không biết linh tính thế nào, anh Bùi Giáng ngày nào cũng ghé chơi. Sáu giờ sáng đã đến kêu cửa. Đi xích lô từ Gia Định qua và kêu tôi ra trả tiền. Anh thường dậy và đi thật sớm. Bốn năm giờ sáng đi, cho đến chín mười giờ tối trở về căn chòi ở góc vườn nhà người cháu đường Lê quang Định, Gia Định. Một căn chòi khoảng hai thước vuông,vách ván, vá víu thêm những miếng các tông thùng. Bên trong chỉ cái giường gỗ duy nhất, quanh năm treo mùng, chiếc mùng trắng cũ ngã màu vàng ố. Quanh phòng đầy giấy vụn, áo quần, giày cũ đủ loại, mỗi thứ một chiếc khác nhau, anh đi lượm về. Một ngọn điện vàng, một cây đèn dầu, những chiếc bị lác xơ xác, cái mũ, chiếc nón lá rách và vài ba quyển sách cũ… Quyển Lễ Hội Tháng Ba là quyển anh giữ bên người lâu nhất, anh ghi đủ thứ, trên mỗi ngày rong chơi phố thị. Anh tặng tôi quyển sách ấy rồi sau đòi lại…

Anh đã ở qua rất nhiều nơi, những năm 1960, đường Phan thanh Giản, nhà cháy, về đường Trương tấn Bửu, có lúc ở trong Đại học Vạn Hạnh. Thời kỳ này anh vẽ nhiều tranh bột màu trên giấy, có khi là bút chì sáp, nhiều nhất là bút bi. Đã triển lãm tranh bột màu lần duy nhất tại nhà sách Albert Portail (về sau là nhà sách Xuân Thu, đường Đồng Khởi, Sài Gòn).

Sau 1975, anh về nhà người cháu như kể trên. Đây là một xóm rộng, nhiều ngõ ngách, nhiều cây xanh im mát của vùng Gia Định. Xóm này là nơi anh đi về thân quen, đám trẻ nít hay chạy giỡn múa may theo anh. Trước khi về nhà, anh thường ghé quán tạp hoá đầu ngõ mua các thứ linh tinh hay uống ly rượu đế. Thích nhất là quán cô Thu ở gần nhà anh sâu trong ngõ, vì cô Thu hay bênh vực khi anh bị đám trẻ nít theo chọc phá. Bạn đến thăm là rủ đến đó uống bia hơi, bia lên men, rượu đế với vài gói đậu phụng, hút thuốc cho đến đoạn tàn – mẫu thuốc tàn vất xuống là anh lượm để dành. Anh thích vậy. Đi ăn hủ tiếu mì thì thích ngồi chồm hổm, ăn thịt trước rồi mới ăn xác, và húp cạn nước sau. Hỏi vì sao khi nào cũng lượm thịt ăn trước thì anh nói ăn cái ngon trước, lỡ nửa chừng chết sao …Chỗ anh hay ghé nhất là quán cà phê Huy Tưởng (2) ở ngã ba đường Trần quang Khải và Bà Lê Chân, cạnh chợ Tân Định, đứng múa may, chỉ đường ở đó. Làm gì quá lắm, chỉ có chị Bình (anh gọi là Thánh Nữ muôn vàn), vợ anh Huy Tưởng ra nói thì anh mới chịu nghe. Mỗi lần chở Honda cho anh đi là rất sợ, ngồi sau cứ múa may, đứng lên ngồi xuống rất nguy hiểm. Thường chở anh ghé nhà Hải Phương (3) và chị Quận đường Nguyễn thiện Thuật, Bàn Cờ, và nhà vợ chồng em trai Phạm công Thiện ở hẻm bên hông Đại học Vạn Hạnh. Có khi nhờ chở đi nhận tiền của bà con anh ở nước ngoài gởi về nơi nhà người quen. Thời còn thịnh hành truyện Kim Dung đăng hằng ngày trên các nhật báo Sài Gòn, Bùi Giáng đã đón đọc bằng tiếng Tàu những bài báo mới nhất từ Hồng Kông gởi qua. Đã dịch Kim Kiếm Điêu Linh của Ngọa Long Sinh, Võ Tánh xb 1967. Anh còn là dịch giả tài hoa nhất những tập truyện của Saint Exupery, Albert Camus, André Gide, Gerard de Nerval (Hoàng Tử Bé, Cõi Người Ta, Ngộ Nhận, Khung Cửa Hẹp, Mùi Hương Xuân Sắc…). Năm 1972, Thượng Tọa Thích Nhất Hạnh có ý kiến làm tập Dialogue, đối thoại với các nhà văn, nhà thơ, nhà tư tuởng ở các nước Tây Phương đang ảnh hưởng đến văn học Việt Nam lúc bấy giờ. Thầy Nhất Hạnh nhờ Bùi Giáng viết lời mở đầu – avant-propos ­- phần bên trong gồm nhiều tác giả viết như Phạm công Thiện viết cho Henry Miller, Vũ hoàng Chương, Tam Ích, Hồ hữu Tường viết cho Jean-Paul Sartre, Simone Weil…Duy nhất có Bùi Giáng viết cho nhà thơ lớn của Pháp là René Char, được chính René Char hồi âm, kèm theo những tập thơ với lời đề tặng trang trọng và quý mến. Bùi Giáng viết rất mông lung mà đã đi vào trái tim của người thi sĩ muôn trùng cách biệt …Năm 1965 cháy nhà, bị mất biết bao sách quý, trong đó có sách của Albert Camus, René Char đề tặng Bùi Giáng, ít ai có được.

Vui thôi mà, ba chữ mà chúng ta hay nói với nhau ngày nay…là từ Bùi Giáng đã nói với Mai Thảo (4) những năm bảy mươi khi ông [cùng với Nguyễn Xuân Hoàng] làm ở toà soạn tạp chí Văn ở Sài Gòn, nhân Mai Thảo hỏi Bùi Giáng vì sao suốt ngày rong chơi mà viết và làm thơ nhiều đến vậy…Nhiều lần ghé toà soạn, Mai Thảo kể: “Một vài lần khác, chúng tôi đi ra ngoài một lát trở về, thấy ông nằm ngủ ngon lành trên hai cái bàn dài kê liền lại. Giấc ngủ dài, quên đời, quên hết, mặc hết, phải đánh thức dậy. Những lần đó, ông ngồi dậy im lặng, bất động, thì thầm câu Vui thôi mà, vui thôi mà, rồi lặng lẽ bỏ đi, cái bóng dáng gầy đỗ, gầy guộc trong chiều xuống.” (Văn, số 26.tháng 8.1984, California. Một vài kỷ niệm với Bùi Giáng).

Về sách thì phải kể đến nhà xuất bản An Tiêm của Thầy Thanh Tuệ (5), cuối năm 1969 và những năm 1970 gần như là dành riêng in sách Bùi Giáng, bìa và nội dung được chăm sóc kỷ lưỡng. Nhà xuất bản An Tiêm ở đường Lý thái Tổ, Sài Gòn, cũng là nơi họp bạn bè văn nghệ, mỗi lần có sách mới in xong. Ở đó tôi đã gặp Bửu Ý, Nguyễn đức Sơn, Phạm công Thiện …và Bùi Giáng. Chúng tôi ngồi trên căn gác nhỏ thoáng mát ăn nhậu và các vị luôn cãi nhau đủ thứ chuyện …rồi lại ngồi im nghe những dĩa nhạc cổ điển cỡ lớn, là sưu tập riêng rất quý của Thanh Tuệ. Sau 75 phải đem bán chợ trời thật uổng. Nhân nhắc Bửu Ý, có thể nói là người cùng đi bộ với Bùi Giáng dài đường nhất, đi từ Sài Gòn vô Chợ Lớn thường xuyên. Những năm 60 Bửu Ý từ Huế vào làm báo Mai của Hoàng minh Tuynh, người đã cùng với Huỳnh văn Lang làm tờ Bách Khoa những năm khởi đầu.
Bùi Giáng đặc biệt mê tranh Chagall dù cuộc đời anh khốc liệt không kém Van Gogh, trong tập thơ Ngàn Thu Rớt Hột, Lá Cồn xuất bản năm 1963, có hai bài: Marc Chagall, Lý Bạch và Chagall. Bài Marc Chagall, năm 1973 in lại trong Bài Ca Quần Đảo, nhà xuất bản Nguyễn đình Vượng, anh đề tặng Nguyễn sỹ Tế (6). Đọc lại, thấy thơ anh đôi khi là một vẻ đẹp huyền bí, thơ mộng:


Buổi về đắm lụy điêu linh

Còn nguyên xứ sở mang hình chiêm bao

Máu se tàn lạnh điệu chào

Trên đầu phố lạ vẽ màu quê chung

(Marc Chagall, Ngàn Thu Rớt Hột, trang 39)

Anh thường la cà đến chỗ vẽ của Đỗ quang Em, khi nào cũng ghé tôi cùng đi. Lần Trịnh công Sơn, Đỗ quang Em và tôi bày tranh chung tại Nhà Hữu Nghị Tiệp Khắc, từ 14 đến 24 tháng giêng 1989 (trước 1975 là Alliance Francaise, đường Gia Long, Sài Gòn. Nơi này, Hội Họa Sĩ Trẻ chúng tôi thường mượn để họp và bày tranh. Nhớ nhất là Chú Tư, luôn cầm chiếc khăn trắng lau mấy chiếc ly thuỷ tinh ở quầy rượu). Buổi bế mạc phòng tranh anh ghé đến đòi uống whisky, say quá phải đưa anh về xưởng vẽ tôi nghỉ. Sẵn giấy màu anh cao hứng tự vẽ chân dung mình …thật đã.

Hai người bạn ở nước ngoài về rất mê anh là Ngô văn Quế (Ngô văn Tao) ở Canada, Nguyễn chí Trung ở Đức. Trong tập thơ Mây, xuất bản tại Montreal, Canada, 1988, Ngô văn Tao đã viết: “Nhưng một hai trăm năm nữa, thời đại của chúng ta có nhiều nước mắt, có nhiều chờ đợi, sẽ chỉ còn là một gợn sóng trong muôn ngàn gợn sóng của lịch sử. Khi những công trình zù bằng đá hoa sẽ đi vào hoang phế để lại mấy vụn xương khô, thì thơ văn của Bùi Giáng sẽ tồn tại trong sử sách” (Bùi Giáng thi nhân, trang 180). Nguyễn chí Trung làm hàng trăm bài thơ lục bát mang âm hưởng Bùi Giáng …

Bùi Giáng rất chí tình với bạn bè, ngày Thanh Tâm Tuyền (nhà thơ nổi tiếng trong nhóm Sáng Tạo, đã mất tại thành phố Saint Paul, Minnesota ngày 22.3.2006, thọ 70 tuổi) từ trại cải tạo về, một buổi sáng sớm, đã thấy Bùi Giáng đến thăm, mặc dầu anh ở trong ngõ khó tìm. Bùi Giáng có trí nhớ rất tốt, hang cùng ngõ hẻm nào anh cũng tìm ra.
Trong trại cải tạo Long Giao năm 1976, Thanh tâm Tuyền đã làm bài thơ Xuân đề tặng BG:

Vẫn thấy trong mơ đời trở giấc

Cỏ cây rù quyến gió hoang đàng

Trời xanh cao vút giếng nước ngọc

Đất hiền thở hương nắng thênh thang.

(Thanh tâm Tuyền, Thơ ở đâu xa, Trầm phục Khắc xuất bản, California, 1990)

Gió hoang đàng của Thanh Tâm Tuyền và Đi về với gió du côn của Bùi Giáng, theo tôi là hai ngọn gió chướng, mang ngôn ngữ ảo diệu, là hồn thơ mở phơi hào hứng một thời của Saint-John Perse, Yves Bonnefoy:

Đi về với gió du côn

Mở giông bão xuống cõi tồn sinh phai

Mép rìa vòm cỏ hương bay

Mở trang nhảy múa trên ngày phù du …

(Đi Về VII, Thơ Bùi Giáng, Việt Thường xuất bản, Canada 1990)

Bùi Giáng, anh đã nhảy múa trên tháng ngày phù du, cho đến khi ngã quỵ, hôn mê…từ giã cõi đời ngày 7 tháng 10 năm 1998. Anh đã: “…Tận hiến hết cả đời mình cho Duy-nhất Thơ-ca, từ buổi sơ ngộ đầu đời cho đến những giây phút cuối cùng về với chốn lâm chung. Tận hiến mà không hề nhận lại một sự bù đắp nào đối đãi nào của nhân thế, trút gửi hết thảy xương máu và hồn phách, lưu lại ở đời như vay tạm một hình cốt mong manh bi thiết và mộng mị. Với riêng tôi, hình ảnh đắm chìm của tận hiến hung hiểm đó chính là một tượng đài vĩ đại đến khủng khiếp của Thiên tài thơ Bùi Giáng …”(Lời đọc trước mộ của nhà thơ Huy Tưởng)

Hình ảnh Bùi Giáng có thể là một tượng đài vĩ đại, nhưng chỉ ước mong sao có một tượng chân dung nhỏ của anh trong một góc công viên, hay sân chùa nào đó ở Sài Gòn, Gia Định hay Đà Nẵng, để chúng ta không còn thấy anh “nhe răng cười trong bóng tối” và để đôi khi khách du lịch còn được giới thiệu: tượng chân dung một nhà thơ kỳ lạ nhất Việt Nam.

ĐINH CƯỜNG

- Virginia, 12.2009


(1) Tiểu Sử Bùi Giáng có thể xem bài:
- Đặng Tiến - Sơ thảo tiểu truyện Bùi Giáng - có công phu xác minh rõ ràng nhất- Bùi Giáng, Tiểu sử tự ghi (in lại trong Bùi Giáng trong cõi người ta, nhà xuất bản Lao Động. Trung Tâm Văn Hoá Ngôn Ngữ Đông Tây. Hà Nội 9.2008)
Các bài viết cuả những tác giả trong gia đình Bùi Giáng:
- Bùi công Luân: Chị và Anh.- Bùi văn Vịnh: Về Bùi Giáng (bài nói tại Ngày Hội Thi Văn và Tư Tưởng Bùi Giáng - California, 21.10.1995).- Bùi văn Nam Sơn: Vài nét về Bùi Giáng. (Chớp Biển .Thơ Bùi Giáng . Gia đình kỷ niệm 70 năm sinh, Sài Gòn - Anaheim - Koln -1996).
(2) Huy Tưởng, nhà thơ, hiện nay có quán ăn FaiFo, đường Huỳnh tịnh Của,Tân Định, Sài Gòn.
(3) Hải Phương, nhà thơ, San José – California.
(4) Mai Thảo, 1956 chủ trương biên tập tạp chí Sáng Tạo 1974, chủ trương tạp chí Văn. Mất ngày 10.1.1988, California.
(5) Thanh Tuệ, cùng gia đình sống tại Pháp, mất năm 2006, California.
(6) Nguyễn sỹ Tế, nhà giáo, viết khảo luận văn chương …mất năm 2005, California.

Thứ Ba, 9 tháng 3, 2010

Thơ Nguyễn Miên Thảo



SỰ TÍCH HOA ĐỔ QUYÊN

gửi Thái Nguyên Hạnh



Có một loài hoa tên thảo anh
sinh ra quê quán tự cung hằng
một hôm chú Cuội buồn tay hái
rơi xuống trần gian hóa đổ quyên

Từ đó ẩn mình tận núi cao
ăn toàn trăng gió uống sương sao
ngày xuân nở rộ hoa tình ái
những đóa chung tình vạn kiếp sau

Có kẻ vô tình mang xuống phố
hoa chợt buồn thiu muốn úa tàn
ngày xuân tình cờ anh gặp lại
hoa cười rạng rỡ giữa đêm trăng...



PHẬT NÓI YÊU LÀ PHÁP TU HÀNH

trong mơ Phật nói rõ ràng
anh yêu em đã nghìn năm trước rồi
Phật rằng,chỉ có anh thôi
dám đem Phật Thánh tỏ lời tình nhân
yêu mà sâu nặng như anh
thì thôi chẳng phải tu hành làm chi
Phật buồn thoát khỏi bến mê
anh vui vì được đi về có em



Có một ngày

Có một ngày em bỏ đi biền biệt
Ta trở về mộng ảo cũng tan hoang
Lầm lủi bước giữa đông tàn lạnh lẽo
Cháy ngang trời một nỗi nhớ ly tan



NGUYỄN MIÊN THẢO

Cây quạt từ S. Mallarmé đến Hồ Xuân Hương …

Tiểu luận KHỔNG ĐỨC
Thêm Ảnh
Cũng lạ, cây quạt chiếm vị trí trung tâm trong thơ Mallarmé, thông thoáng, mơ hồ, cản trở, tham dự…Trở thành mẫu mực của thơ, nó dẫn dụ như một hơi gió do tay phát ra, một nhịp liên tục hiện rồi biến. Như động tác, đi về, quảng không đóng mở Cái quạt của Mallarmé là mô típ quay về, trùng phục hay láy đi láy lại…. Trong bài “Sự biến hóa của một chủ đề” ( Variations sur un sujet) Mallarmé đã viết : “ Sự gấp xếp đối với trang giấy in cở lớn, là một triệu chứng gần như thuộc tín ngưỡng , nó không dập mạnh chồng chất thành chiều dày, cho người ta có cảm giác là ngôi mộ nhỏ, dĩ nhiên là ngôi mộ của tâm hồn.”
Nếu quyển sách và cây quạt có điểm giống nhau ở sự đóng và khép, mở ra và chồng lên, nhưng cách thức rất khác nhau. Với quyển sách lằn xếp đồng nhất, còn cây quạt thí có vô số lằn xếp; quyển sách có nhiều trang, còn cây quạt chỉ có một trang duy nhất. Cây quạt mở ra trước mắt trọn vẹn, còn sách chỉ mở ra từng trang từng đoạn. Cây quạt mở ra như tràng hoa, còn sách xếp lại như nấm mồ nhỏ. Quyển sách ẩn dấu một sự bí mật, còn cây quạt thì như bày ra trò chơi. Quyển sách giống như một cái tủ, chống lại không gian cường bạo một cách tế nhị, xếp dấu cái tự ngã hiện hữu đến tận cùng và chân thành. Cây quạt trái lại, tự mở ra trước không gian, nó không bảo vệ chống lại sự tế nhị của nó, nó không che đậy cái nội tâm mà mở ra. Nó hoạt động, nó trình bày, nó thiết lập nhịp điệu và động tác; trong khi quyển sách như hăm dọa tự đông cứng như nấm mộ.
Cây quạt trước mắt thi nhân như một trang sách mẫu thoải mái. Khinh khoái và thoáng đảng, cao quí và vững chắc, vốn đồng nhất và phân tán, như là từng bộ phận của nó – nhịp, câu, đoạn, hay chủ đề -- toàn thể nó không bao giờ cô đặc lại. Đi đến cùng , nhịp của bài thơ xếp lại, trong khi cây quạt gọi đó là “coup de dé” ( may mắn) ý tưởng theo đoạn dọc bày ra, và một câu thơ tung ra và liên tục “được ngắt ra” còn cây quạt là như trang giấy độc nhất có nhiều nếp, nó thỏa mãn cái ước vọng chung của một bài thơ có kích thước chính xác, hay là cái quảng dài của quyển sách mà nó tiếp theo không phải là sự thu nhập, một album và sưu tập, mà là đối tượng của trang giấy duy nhất dâng tặng cho sự theo đuổi một văn bản độc nhất.
Nếp gấp xếp của bài thơ đó là những khoảng trắng “là cái khung tri thức” của nó. Đó cũng là khoảng ngắt hơi của sự đọc, thứ sắc dục phô bày ẩn dấu, hiện, biến. Dưới mắt của Mallarmé, chữ viết và đọc tạo thành một trò chơi bác học, chứng tỏ cái mà ông gọi là “dáng điệu của ý niệm” (les gestes de l’idée) và là “ hành vi thi tính (l’acte poétique), gồm có sự bắt gặp một ý niệm tương tợ phân chia thành một số những mô-típ có giá trị để tập họp nó lại, lằn xếp của cây quạt phù hợp với thi pháp lặp lại (reflets réciproques). Người ta có thể nói rằng đó là nhịp của ý nghĩa. Nó tạo thành những câu thơ và những đoạn tập hợp lại, những ý tưởng chia nhỏ ra như hình lăng trụ (subdivisions prismatiques). Cái thi tính lấp lánh, gấp xếp và những láy lại thành cặp với tư tưởng vừa tập hợp vừa phân chia ra.Tia lấp lánh của thủy tinh như khao khát, từ đó thu họach được những mảnh vụn và khúc xạ có tính toán, nó không còn bị đè nặng như không chịu nổi tia sáng tuyệt đối ngoài nội dung .
Gấp lại và mở ra, lấp lánh và phản chiếu, mở ra một thể chế mới về trử tình, được nắm vững bằng tay viết và bằng cách ngắt đoạn bình thường nhưng phức tạp nó sẽ thay thế cho sự khoa trương cất cánh cũ kĩ. Nếu cây quạt là phương trượng đặc trưng của nữ giới, giá trị của nó là bộ phận đột khởi một quá trình của bài thơ không có gì là nam tính, kết nối với sự mất mát năng lượng. Baudelaire nhấn mạnh về sự lưỡng tính của thi nhân, trong khi Mallarmé lại nhấn mạnh về nữ tính. Người ta biết rằng những phục trang tủn mủn theo sở thích mang danh hiệu nữ giới.
Mallarmé viết nhiều vế cây quạt dưới dạng bốn câu, chỉ có ba bài dài là phác họa ba khuôn mặt tượng trưng cho ba mối tình : tình vợ chồng, con cái và tình riêng tư. Đó là ba nhân vật : Bà Marie là vợ, con gái là Geneviève, và người tình là Mery.
Cây quạt của Méry Laurent, là một sonnet viết năm 1890, mang màu sắc của tính ái; ở đó Mallarmé trước hết là dừng lại ở sự tô điểm đối tượng, vẽ nên những hoa hồng trắng, mà hơi thở của người yêu đánh thức sự hiển hiện của tính lạnh lùng, tuy nhiên cử chỉ của nó lại giải thoát cái quán tính của sự tô điểm, vẽ ra những đài hoa trắng. Chúng ta hãy đọc nguyên văn bài thơ : EVENTAIL Cây quạt ( tạm dịch lấy ý )
De frigides roses pour vivre Để sinh tồn em như đóa hoa hồng lạnh.
Toute la même interrompront Tất cả như ngung đứt, với một đài trắng
Avec un blanc calice prompt ngắn gọn;
Votre souffle devenu givre Hơi thở em trở thành sương trinh.

Mais que mon battement delivre Và tim tôi đập mạnh giải thoát
La touffe par un choc profond Sum sê bằng một cú sốc sâu xa
Cette frigidité se fond Sự lạnh lùng tan biến
En du rire de fleurir ivre Thành nụ cười như hoa nở

A jeter le ciel en détail Thiên thần tung ra chi tiết
Voilà comme bon éventail Đúng như cây quạt mỹ miều
Tu conviens mieux qu’une friole Em trở thành một bình pha lê quí

Nul n’enfermant à l’émeri Như viên ngọc thạch vở tung
Sans qu’il y perdre ou le viole Nó không mất mát hay cưỡng hiếp
L’arôme émané de Mery. Hương vương bốc từ Mery
.
Trở lại với bài thơ, ở đây cây quạt là nhân vật thứ nhất, thay vì cho vị trí của thi nhân – dĩ nhiên là ông ta muốn tỏ ra thân thiết với người yêu cũng như đồi tượng - hoàn thành việc biến đổi sự lạnh lùng thành nụ cười như hoa nở.
Bài thơ viết về cây quạt của bà Mallarmé ghi ngày 1-1-1891; chắc đó là quà tặng trong năm mới theo các nhà chú thích, rất khó diễn giảng. Theo Bertrand Marchal, dường như là ca tụng bà Marie về nội trợ, quét dọn bụi bặm trong nhà như đó là cây quạt. Ông đề cao sự hoạt động rất là bình dị và kết nối nó như một bài thơ. Ông coi bà như một sứ giả hạ cánh xuống trần thế, bà chú ý đến việc bảo vệ sự sáng sủa và sạch sẽ, bà lẫn lộn giữa sự nhàn hạ và sự chăm sóc, sự ăn không ngồi rồi và công việc, so sánh với sự bận rộn đặc biệt của việc tả tác. Bà cũng đảng trí và khá tỉ mỉ với điều mà bà quan tâm và mơ tưởng lơ đểnh với điều mà bà cho là không cần thiết như chú ý đến nhan sắc, và thuần dưỡng điều đáng chú ý như ngôn ngữ và nơi cư ngụ quí báu. Ở đây nhà thơ thực hiện bài thơ nhắm vào quan điểm của bà Marie, đó là cảnh ở trần thế chứ không phải ở trên cao, thậm chí rất thấp, khiêm nhượng và nhỏ nhẹ hơn là truyền thuyết và cao hứng . Cái cánh bận rộn với tro bụi ở trần thế và trút bỏ để có thể bay bổng trong tương lai.
Để tránh sự dài dòng chỉ xin trích một vài đoạn :
Avec comme pour langage Tạm dịch ý : Như ngôn ngữ thông dụng
Rien qu’un battement aux cieux Không có gì xúc động đến thần linh
Le futur vers se dégage Câu thơ tương lai tự thoát ra
Du logis très précieux Nơi cư trú là quí báu hơn cả.

Aile tout bas la courrìère Cánh thấp nhỏ của sứ giả
Cet éventail si c’est lui Chính bà là cây quạt
Le même par qui derrìere Nó ở cả phía sau
Toi quelque miroir a lui Như một cái gương cho em
…......…
Thú thật không có B. Marchal chỉ dẫn .chúng ta không sao hiểu dược Mallarmé nói gì .Bài cây quạt của cô con gái được tạo thành 5 đoạn, 8 âm tiết, với vần chéo nhau (rimes croisées) Về ngôn từ cây quạt của Genevìève không nghỉ ngơi…Nó khiến chúng ta liên tưởng đến bản chất cô gái, đến cử chỉ và chúc năng mơ mộng của cô ta. Thi nhân đồng hóa cô con gái thành một nàng thơ (muse) cầm trên tay chiếc cánh của nhà thơ . O rêveuse pour que je prolonge - Ồ mộng mơ cho ta ngụp lặn
Au pur délice sans chemin Niềm thích thú thuần túy không có lối đi
Sache, par un subtil mensonge chỉ biết do dối trá tế nhị
Garder mon aile dans ta main Trong bàn tay ấy giữ chiếc cánh của ta
Và tưởng như bài thơ cất cánh bay. Trong đoạn 2, với cử chỉ tươi mát mang tính trử tình hoàn hảo của luồng không khí phe phảy từ cây quạt tỏa ra của buổi hoàng hôn….Tri giác của thế giới tình cảm; và những tầm vóc của nó cũng mang kiểu cách sự di chuyển nhẹ nhàng. Nơi kia vừa xót xa với khát vọng thì ở đây đã có những cử chỉ bình thường giữ lại bột phát Une fraicheur de crépuscule Vẻ mát dịu của hoàng hôn
Te vient à chaque battement Đến với con từng nhịp đập trái tim
Dont le coup prisonnier recule Mà cứ đập lụi dần
L’horizon délicatement Về phía chân trời lung linh
Trong đoạn 3 sự phe phẩy của cây quạt kích thích không gian như một nụ hôn nồng nàn làm choáng váng…và rồi một thế giới lấy lại ý nghĩa. Bài thơ tự đóng lại với đoạn cuối: biểu tượng nữ tính :Ce blanc vol fermé que tu poses Contre le feu d’un bracelet. Sự trinh bách cất cánh đóng kín chống lại ngọn lửa của chiếc nhẫn lấp lánh…
Tiếp theo chúng ta hãy xem hai bài thơ vịnh cây quạt của Hồ Xuân Hương :

Bài I
Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa
Duyên en dính dáng tự bao giờ
Chành ra ba góc da còn thiếu
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa
Mát mặt anh hùng khi tắt gió
Che đầu quân tử lúc sa mưa
Nâng niu ướm hỏi người trong trướng
Phì phạch trong lòng đã sướng chưa


Bài 2
Mười bảy hay là mười tám đây
Cho ta yêu dấu chẳng rời tay
Mỏng dày từng ấy chành ba góc
Rộng hẹp dường nao cắm một cây
Càng nóng bao nhiêu thời càng mát
Yêu đêm chưa phỉ lại yêu ngày
Hồng hồng má phấn duyên vì cậy
Chúa dấu vua yêu một cái này.

Hồ Xuân Hương (ước chừng 1765-1822) ra đời trước Mallarmé(1842-1898) gần một thế kỷ, kẻ ở phương đông , người ở phương tây; hoàn toàn xa lạ. Cùng một chủ đề “cây quạt”, nhưng hai cách diễn tả hoàn toàn khác nhau. Hồ Xuân Hương như nhà thơ tả chân, tả đúng hình ảnh của cây quạt, mà cũng chính là hình ảnh quí báu của nữ giới, không rụt rè, không che đậy như phơi trần trước mặt mọi người, còn rêu rao cả cái tác dụng như một công cụ cần thiết :
Chành ra ba góc da còn thiếu
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa
Mát mặt anh hùng khi tắt gió
Che đầu quân tử lúc sa mưa
Cái tài tình của thơ đông phương là ít chữ mà ý nhiều. Mallarmé là thủy tổ của trường phái tương trưng thơ Pháp, chữ dùng đầy ẩn dụ và cô đọng, được suy tôn như thi hào. Đề tài cây quạt làm đến ba bài cho ba đối tượng, dài lê thê vẫn không sao lột tả được hai mặt tĩnh và động tức cây quạt thực bằng giấy hay bằng vải và cây quạt sống chính thân, vũ khí chủ yếu của nữ giới như HXHương. Càng đọc hai câu :
Chành ra ba góc da còn thiếu, Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa.
Càng phục tài quan sát và diễn tả của XHương vượt cả cổ kim đông tây. Nhưng thơ mà chỉ nhắm vào việc quan sát với diễn tả không thôi thì tầm thường quá, nó phải vươn lên cao, hay lặn ngụp vào hố thẳm, nó là chân cảnh, là tiếng nói của tâm linh, nó là kết tinh phản ứng của thời đại….
Cây quạt của Mallarmé là cây quạt của nghệ thuật, vẫn mang hình ảnh chân thực của nữ giới, nhưng là nữ giới được che kín bằng trang phục, hóa trang bằng phấn son, rằng đẹp thì có đẹp như một họa phẩm, một giai nhân làm thỏa mãn thị giác và xúc giác thế thôi
Nó không giống như cây quạt của HXuân Hương, có thể nói là cây quạt bằng xương bằng thịt, nó có thể làm cho tế bào xúc động, thần kinh rung chuyển … Nhưng do đâu mà nó đạt được những yếu tố kỳ đặc như thế,
trước khi đi sâu vào vấn đề phân tích nôi dung thơ, chắc các bạn đọc cùng đồng ý với chúng tôi rằng: trong hai bài cây quạt thi bài thứ nhất như trội hẳn hơn bài thứ hai, theo riêng tôi thì có thể bài thứ hai chưa chắc gì đã là của HXuân Hương, do đó chúng ta chỉ nói nhiều về bài thứ nhất mà ít đề cập đến bài thứ hai. Và trước tịên cũng nên xác định quan điểm bình giảng thơ của chúng tôi là không theo những nẻo đường mòn của những người đi trước, cho rằng Xuân Hương là người lãng mạn, dâm đảng, vợ bé ông Tổng Cóc, rồi ông phũ Vĩnh Tường, bồ bịch với Chiêu Hổ, v…v…, mà bà là mẫu người đăc biệt, vượt cả không gian thời gian, không những giới nữ lưu mà cả nam giới cũng chẳng ai bằng. Thơ của Bà là tuyệt vời cổ kim đông tây, đa phần đã hiểu và đánh giá sai lệch. Có dịp chúng ta sẽ bàn nhiều, giờ đây chỉ giới hạn trong bài cây quạt. Cái rủi ro của XHương là sinh ra trong một thời đại, trong một đất nước đầy nhiễu nhương. thời đại vua Lê chúa Trịnh, một thời đại đầy thối nát, đầy kinh dị; vua hư vị, chúa hoang dâm, quan lại xôi thịt. sĩ phu hèn mạt. binh lính kiêu căng…Nhân dân lúc nào cũng lo sợ, sống giữa trần gian mà chẳng khác nào tự giam mình trong địa ngục.
Mỗi một công trình, một tác phẩm văn học nghệ thuật kỳ vĩ ra đời đều phải có một nguyên nhân một lý do xác đáng chứ đâu có phải như các loài thực vật động vật bậy bạ. Một bài thơ bốn câu hay tám câu, dù gọi là ứng khẩu đi nữa cũng phải có sự thai nghén uẩn nhưỡng lâu dài, chứ có` phải đụng đâu nói đó mà được sao. Bài “cây quạt” của Hồ Xuân Hương cũng vậy. có phải tự nhiên mà có đâu, nó chính là con đẻ của hiện tượng Đặng Thị Huệ, từ một cô gái hái chè, một nữ tỳ bổng dưng trở thành đối tượng mê hoặc một ông chúa vốn cũng không phải tầm thường như Trịnh Sâm, làm đảo điên sụp đổ cả một triều đình. Một ông tướng từng khuấy động ở biên cương như Hoàng Đình Bảo, cuối cùng cũng phải chết thảm vì cái váy của vương phi. Đã hết đâu, lại còn thêm một đứa em tàn bạo là Đặng Mậu Lân, dựa vào hơi hướm của chị mà huậy nát cả kinh thành, chỉ mấy chục đứa tay chân đầu trâu mặt ngựa cầm gươmg giáo nghênh ngang khắp kinh ấp, gặp đàn bà con gái giữa đường vừa mắt, tức thi Lân sai bộ hạ quay màn trướng ngay tai chỗ rôi lôi vào hảm hiếp; ai phản đối thi cho cắt ngay đầu vú, chồng hay cha nào kêu ca thi cho bẻ răng, hoặc đánh đập đến chết. Đứng trước những cảnh áp bức và uy hiếp như vậy, đã là người ai mà không cảm xúc, không đau khổ, không phản ứng, nhất là đối với những người giàu lương tri có học thức; nhưng trước bạo lực hung tàn ai mà dám mở miệng, hay phải né tránh quay mặt đi nơi khác. Với người thường, thì vì cuộc sống vì hoàn cảnh có thể lơ đi. Nhưng với nhà thơ thì hình ảnh uy hiếp đó lắng sâu vào tiềm thức, nó biền thành xung động bản năng đề kháng chống đối. Nhưng với kẻ yếu đuối lép vế thì lấy phương tiện gì mà chống đối, ôm trong lòng nhẫn nhục chịu đựng theo các nhà tâm lý hiện đại thì đó là hiện tượng ức chế lâu ngày thành bệnh. Do đó mà bản năng chống đối đề kháng của phái yếu là nguyền rủa chưởi bới ở sau lưng kẻ thù, thường là nói tục. Nên cây quạt của XHương cũng là một sự phản ứng hào hùng mà thôi. Cái thời đại mà nữ giới luôn luôn cam phần nô lệ “Ngựa anh đi trước võng nàng theo sau “ Lễ nghi chúng ta thường cấm kị đề cập đến các bộ phận sinh dục của nam cũng như nữ, cho đó là tục là dơ nhớp. mà dơ thật vì đó cũng là nơi bài tiết tinh khí, nước tiểu, nữ còn có cả kinh kỳ…. Lại dùng nó làm đề tài cho thơ thì đó là sự chưởi bới cho hả hê, là phản ứng của kẻ yếu, sự phản ứng tồi tệ khi con người chịu nhẫn nhục hết nổi, tuy rằng vẫn tự biết là vũ khí qui giá nên phải che đậy. Cây quạt đúng là hình ảnh của âm hộ : Chành ra ba góc…, nhưng lại có khả năng mát mặt anh hùng ….hay Cho quân tử đội đầu…Ít ra phải sống dười thời đại của Trịnh Sâm – Đặng Thị Huệ mới có thể hạ bút viết được những câu như vừa nêu , hay Chúa dấu vua yêu một cái này. Thơ của HXuân Hương hay nói tục chính là vi bị ức hiếp quá đổi mà phải phản ứng đó thôi, có hiểu như vậy thí mới thấy Bà là một nữ anh kiệt. Tôi có thể nói thêm một chút là bài thơ “ Chàng cóc ơi, Chàng Cóc ơi … là thay mặt cho Đthị Huệ khóc Trịnh Sâm, chú chẳng phải Tổng Cóc , tổng kiết gì cả. Người ta thường coi trọng yếu tố tính cách cá nhân (caractere) mà quên yếu tố tình cảnh (situation); đa số khi giải thích hành vi của người khác đều có khuynh hướng quy nguyên nhân là tính cách. Nhưng khi giải thích hành vi của chính mình lại có khuynh hướng quy nguyên nhân về tình cảnh.
Có thể nói Hồ Xuân Hương là một thiên tài hiếm có, bà là người đã vượt qua thời đại, là kẻ tiên phong đề cao giá trị của phụ nữ, coi thường giới sĩ phu, tư tưởng của bà vượt cả không gian và thời gian,. Là con người của cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 mà giống như con người của thế kỷ 21 .

Khổng Đức



Thứ Hai, 8 tháng 3, 2010

Sài Gòn tháng Giêng

Tháng giêng treo mình trên ngọn cây
Ngoài trời nắng nóng 37 độ C
Bạn bè bốc hơi tứ tán
Núi và biển gọi
Một ngày hy vọng vào những điều huyền hoặc
Người thiếu nữ cầm cành hoa bước tới và lầm thầm những lời bí nhiệm
Về một cuộc tình đầu

Tháng giêng ngồi vắng lặng dưới mái hiên che rợp tàng cây
Những người đi qua hết
Chiếc bàn trống không vắng những ly tách ngày vui lanh canh
Tiếng cười trộn với tiếng nói
Ầm ào một không gian

Sài Gòn tháng giêng sau một mùa sum vầy
Những con đường còn rộng những làn xe
Mọi người chưa tỉnh lại
Vẫn còn ngây ngất mùa xuân và lễ hội
Vẫn còn mê đắm ở phương xa
Chưa trở về

Và em vẫn chưa trở về
Tôi treo mình lên ngọn cây
Như tháng giêng ngoài trời nắng cháy
Chờ.

Từ Hoài Tấn