Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2018

Nhà văn Kim Thúy ‘nhìn chữ là thấy thương’



 Nhà văn Kim Thúy tại Festival America, tháng 9, 2010. (Hình: Camille Gévaudan)


“Không có. Không có.” Kim Thúy cười lớn, khẳng định “không có” chuyện cô sẽ đoạt Giải Thưởng Mới Trong Văn Chương (the New Prize in Literature), được mệnh danh “giải thưởng thay thế Nobel Văn Chương 2018.”
Giải thưởng mới “tính theo số người bỏ phiếu.” Kim Thúy nói với VOA, cô ngạc nhiên, và độc giả của cô cũng ngạc nhiên, về việc cô có tên trong số 47 tác giả được đưa ra cho công chúng bình chọn.
“Chẳng hạn, trong 47 người đó, có nhà văn Rowling. Chỉ cần 0.01% độc giả của Rowling bỏ phiếu, thì tôi đã không có tên trong số 4 người [vào vòng trong].” Rồi cô cười lớn, “chắc Rowling không để ý.”
Hàn Lâm Viện Thụy Điển quyết định hoãn công bố giải Nobel Văn Chương 2018 do các điều tiếng về scandal liên quan đến giám khảo của giải thưởng danh giá này. Vì lý do ấy, các quản thủ thư viện Thụy Điển cùng thành viên trong cộng đồng văn hóa và nghệ thuật quyết định lập ra một giải thưởng khác, chỉ trong năm nay, để lấp vào khoảng trống của Nobel Văn Chương.
Tôi hãnh diện về vẻ đẹp của Việt Nam mình. Có những cái nhỏ, nhỏ, nhỏ của Việt Nam mình mà mình không để ý tới. Chẳng hạn chữ “ru,” không ngờ một chữ “ru” mà đẹp đến như vậy.
Nhà Văn Kim Thúy
Văn bản nói về lý do ra đời của Giải Thưởng Mới Trong Văn Chương có đoạn: “Trong thời điểm mà giá trị nhân văn ngày càng bị thách thức, thì văn chương trở thành lực đối kháng với sự đàn áp và thái độ vô cảm. Bây giờ là thời điểm quan trọng hơn bao giờ hết giải thưởng văn chương cao quý nhất thế giới phải được trao tặng.”
Các thành viên trong ban tổ chức Giải Thưởng Mới Trong Văn Chương chọn ra danh sách 47 nhà văn trên toàn thế giới, rồi để công chúng bình chọn. Bốn người có số phiếu cao nhất sẽ được xét chọn bởi ban giám khảo, gồm giáo sư văn chương Lisbeth Larsson, nhà báo kiêm thủ thư Marianne Steinsaphir, nhà phê bình kiêm chủ bút Peter Stenson, và giám đốc thư viện, Gunilla Sandin.
Trả lời tờ báo National Post, Kim Thúy cũng nói xác suất để mình thắng giải thưởng này là “dưới zero phần trăm.” Cô nói về 3 nhà văn trong danh sách được bình chọn (Maryse Condé - the Guadeloupe và Pháp, Haruki Murakami - Nhật Bản; và Neil Gaiman - Anh): “Họ là những biểu tượng văn hóa – những nhà văn dày dạn kinh nghiệm – trong khi tôi chỉ mới bắt đầu hành trình của mình.”
Rồi cô nói đùa: “Có thể gia đình tôi hơi đông người!”
Kim Thúy thật lòng không tin mình sẽ thắng giải, và cô bông đùa thoải mái về giả thuyết sẽ trở thành “khôi nguyên giải thưởng thay thế Nobel Văn Chương.”
Thế nhưng, con đường đi vào văn chương của tác giả các tác phẩm có tựa đề độc đáo, “Ru,” “Vi,” “Man,” lại mang đậm sự ray rứt về thân phân con người di dân, tị nạn, và lòng yêu mến đến sâu thẳm giá trị văn hóa Việt Nam.
“Tôi hãnh diện về vẻ đẹp của Việt Nam mình. Có những cái nhỏ, nhỏ, nhỏ của Việt Nam mình mà mình không để ý tới. Chẳng hạn chữ “ru,” không ngờ một chữ “ru” mà đẹp đến như vậy. Khi tôi tìm đến tiếng Pháp thì chữ “ru” trong tiếng Pháp rất dài. Ru con ngủ là một cái gì rất là dài, thế mà “ru” chỉ là một chữ thôi. Thành ra tôi thấy nó hay quá đi, và thấy mình phải chia sẻ.” Kim Thúy nói với VOA.
Cách “chia sẻ” của Kim Thúy cũng rất lạ: Cô muốn, qua mỗi tác phẩm của mình, độc giả ngoại quốc lại được học thêm một vài chữ tiếng Việt. Và sự chia sẻ ấy bắt đầu ngay từ tựa đề của sách.
“Chỉ một “sound” đã có ý nghĩa rồi. Chữ “Man,” tức là “Mãn”, đẹp thế nào. Mãn, là mãn nguyện. Nhìn chữ là thấy thương. Hay “ru,” tiếng Pháp cũng có ý nghĩa. “Man,” tiếng Anh cũng có nghĩa. “Vi,” cũng gần như “C’est la Vie” trong tiếng Pháp. Lúc nào cũng có ý nghĩa của 2, 3 ngôn ngữ. Nhưng lúc nào cũng muốn có tiếng Việt Nam. Tôi muốn độc giả thấy chữ viết của tiếng Việt mình. Tức là độc giả của tôi bây giờ biết ít nhất là một chữ tiếng Việt. Còn trong tác phẩm “Man,” gần như mỗi trang đều có một chữ tiếng Việt, để người ta thấy tiếng Việt mình có dấu hỏi, dấu ngã, dấu nặng…”
“Ru”, xuất bản cách đây gần 10 năm, là một trong những tác phẩm thành công nhất của Kim Thúy. Tác phẩm, được viết bằng tiếng Pháp, được dịch sang 27 ngôn ngữ, gần đây nhất là dịch sang tiếng Ukraine.
Nhưng Kim Thúy “thấy buồn” khi “Ru” đến nay vẫn còn “ăn khách.”
“Có nhiều nước mua và dịch Ru ra tiếng của họ, bây giờ vẫn còn, thành ra tôi thấy Ru cứ còn mới như là một em bé. Nhưng rất buồn là còn phải dùng chữ di dân, tị nạn trong tác phẩm, chỉ mong là một ngày nào không cần dùng chữ này nữa thôi. Nhưng mà rồi chiến tranh hết ở đây rồi ở kia. Thành ra ở phương diện ấy, nếu cuốn sách này còn mới hoài, còn nói về vấn đề của hiện tại bây giờ… Tôi mong là một ngày nào đó, cuốn sách này chỉ nói về một chuyện rất xa xưa trong quá khứ, không ăn nhập gì với thời hiện tại.”
Mặc dầu đã có mặt tại 27 quốc gia khác nhau, "Ru" vẫn chưa xuất hiện tại Việt Nam. Kim Thúy nói có lẽ vì Ru nói về chuyện vượt biển, là chuyện vẫn còn "khó nói" ở trong nước. Và cô cho rằng mình có thể "đợi một tý."
Tôi ngủ gục quá nhiều ở các đèn đỏ. Ngủ gục ở đèn đỏ thì rất nguy hiểm, nên lúc đầu tôi ăn hạt dưa. Nhưng ăn hạt dưa riết rồi hư răng. Thành ra đổi lại viết lúc dừng đèn đỏ. Thành ra cuốn sách này (Ru) là do những cái đèn đỏ.
Nhà Văn Kim Thúy
Kim Thúy vượt biên năm 1978, lúc mới 10 tuổi, rồi sang định cư tại Canada. Cô tốt nghiệp ngành Luật, đến năm 1998 thì về Việt Nam làm việc 4 năm. Đối với cô, 4 năm này là cơ hội để cô học lại văn hóa Việt Nam, là văn hóa mà cô tưởng mình “đã hiểu”.
“Thật ra thì tôi thấy tôi nhầm cơ. Tưởng là hiểu Việt Nam, mà thật ra trở lại Việt Nam sau 20 năm thì Việt Nam trở thành một xứ khác rồi. Mà ở đâu cũng vậy, luôn luôn có sự thay đổi. Tôi sanh ở Sài Gòn mà khi trở về làm việc là làm ở Hà Nội, lại là một xứ mới (cười lớn). Và như vậy phải học trở lại, và nhờ học trở lại tôi tìm ra cái đẹp đặc sắc của Việt Nam mình. Nếu không trở lại Việt Nam trong 4 năm đó, tôi không nghĩ có thể viết được; sẽ không thể biết làm sao để trân quý vẻ đẹp riêng của Việt Nam. Thành ra nhờ 4 năm ấy, trở về một nơi mình nghĩ mình biết, mà mình không biết, đó là một sự học hỏi phải làm lại từ đầu.”
Kim Thúy luôn khẳng định, rằng cô không chọn văn chương, mà văn chương chọn cô, từ một sự tình cờ nằm ở những đèn xanh, đèn đỏ ở các ngã tư đường tại Montreal.
“Tôi ngủ gục quá nhiều ở các đèn đỏ. Ngủ gục ở đèn đỏ thì rất nguy hiểm, nên lúc đầu tôi ăn hạt dưa. Nhưng ăn hạt dưa riết rồi hư răng. Thành ra đổi lại viết lúc dừng đèn đỏ. Thành ra cuốn sách này (Ru) là do những cái đèn đỏ. Mà tôi thích quá nên hay tìm những cái đèn đỏ lâu nhất, dài nhất ở Montreal để đi. Nhiều khi đi thành một vòng để tìm đèn đỏ dài thiệt dài để mình có thể viết tí xíu.”
“Lúc đầu cũng định thử [viết] một tháng thôi, và vì mình xuất thân là di dân, tị nạn. Rồi một tháng thành hai tháng, rồi năm tháng, rồi một năm, rồi thành một cuốn sách. Và cũng không nghĩ cuốn sách được nhiều người đọc như thế. Bây giờ nếu có ai mời nói về vấn đề di dân thì em cám ơn, vì có cơ hội nói cho những người đó; vì ít khi mình đưa microphone cho một người di dân, một người tị nạn nói. Thành ra, nếu tôi có cơ hội được đứng lên nói cho những người không có cơ hội, những người vượt biển mất tích hoặc chết ở biển, thì tôi nghĩ tôi có trách nhiệm nói giúp cho họ. Và hễ có cơ hội thì cứ nói, nhất là bây giờ có nhiều vấn đề về di dân.”
The CBC, hãng tin Canada, 47 nhà văn được chọn có nhiều lối viết và thể loại khác nhau, từ nhà văn hư cấu nổi tiếng Haruki Murakami, Cormac McCarthy, Don DeLillo, Zadie Smith và Elena Ferrante, đến các nhà văn viết cho thiếu nhi, như J.K. Rowling và Meg Rosoff, hay nhạc sĩ Patti Smith và nhà văn châm biếm giả tưởng nổi tiếng Neil Gaiman.
Trong khi ấy, Kim Thúy, nhà văn Canada gốc Việt, thì cho rằng mình được chọn chỉ vì nói đúng chuyện vào “đúng lúc, đúng thời.”
“Cuốn sách Ru là do một người bạn của Kim Thúy cầm mang đến một nhà xuất bản chứ bản thân tôi không có liếm tem, bỏ vào bao thơ để gởi. Thế rồi cuốn sách được chấp nhận rất nhanh. Thành ra cuốn sách này là ai chọn tôi chứ cá nhân chỉ là người gởi thông điệp.”
Và vai trò “gởi thông điệp,” theo Kim Thúy, chỉ có tính giai đoạn: “Rồi năm năm sau, vai trò đó lại trao cho người khác rồi tôi đi làm chuyện khác (cười lớn). Người Việt Nam mình hay nói “đúng lúc, đúng thời”, thì tôi chỉ nói cuốn Ru là đúng lúc, đúng thời.”
Lịch sử dân tộc là một cuốn sách dày, và Kim Thúy chỉ e rằng, một trang trong cuốn sách lịch sử ấy sẽ mất đi, hay bị bỏ trống, chỉ vì những chứng nhân của giai đoạn ấy không kịp viết lại những điều đã xảy ra. Viết, và viết đúng sự thật đã xảy ra, là thông điệp mà cô muốn gởi đến độc giả gốc Việt của mình: “Quan trọng là tất cả chúng ta đều viết, không chỉ văn sĩ mới viết. Những gì chúng ta viết là để lại cho thế hệ mới, giống như dây curoa, luôn tiếp tục vận hành. Mình là con cháu của ông bà mình, chứ không chỉ là mình, thành ra, tôi mong lúc nào cũng viết để để lại. Bởi vì “trang” ấy, không có sách lịch sử nào viết lại cả.”
Và mọi câu chuyện của từng người Việt Nam đã sống qua một giai đoạn nào đó, được cho vào một chiếc hộp, để các thế hệ sau có thể trở vô để đọc, từng câu chuyện một.

 https://www.voatiengviet.com/a/kim-thuy-nha-van-nobel-van-chuong-2018/4577080.html

Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2018

Bài nói của nhà văn, dịch giả Bửu Ý trong buổi giới thiệu tập thơ “Đạp xe ra ngoại ô” của Từ Hoài Tấn tại tòa soạn tạp chí Sông Hương ở Huế






TỪ HOÀI TẤN, tác giả tập thơ
ĐẠP XE RA NGOẠI Ô

BỬU Ý

Cầm tập thơ của Từ Hoài Tấn trên tay, nhìn trang bìa trình bày thanh đạm mà đẹp, tôi đọc thấy nhan đề tập thơ
ĐẠP XE RA NGOẠI Ô
Một nhan đề gợi nhớ một không gian rộng mở, một không gian dự trữ năng lượng của một thành phố và có sức hấp dẫn có khi còn hơn cả lòng thành phố.
Cũng giống như ở Huế, ngày xưa người ta quen gọi là ngoại ô những vùng như Kim Long, Bãng Lãng, Bến Ngự, Vỹ Dạ … thì ở Saigon cũng có những vùng ngoại ô như Thủ Đức, Phú Lâm, Hóc Môn …
Khi bước chân đi đến ngoại ô tức là đã đi xuyên phá nội thành. Ngoại ô là một hấp lực ly tâm giúp thành phố dãn rộng và nó còn chứa đựng nhiều sản phâm riêng biệt mà nội thành không có. Thí dụ Saigon xưa nay làm gì có ánh trăng, cho nên muốn thưởng trăng thì phải ra ngoại ô. Thậm chí Saigon hầu như thiếu cả khí trời, muốn hít thở đầy phổi cũng phải ra ngoại ô.
Có những tác giả thơ, nhạc động lòng vì ngoại ô, vì bao nhiêu hình ảnh, âm thanh của ngoại ô bị bỏ quên một cách oan uổng, như trong ca khúc của Đỗ Kim Bảng hay Phạm Thế Mỹ …
Ngoại ô có mặt trong thơ cũa Từ Hoài Tấn nhưng lại bày ra một bộ mặt khác:

Đây khu ngoại ô
Đàn bà và đàn ông cùng một bộ đồng phục
(MỘT BUỔI CHIỀU RA KHU NGOẠI Ô, trích, trang 5)

Ngoại ô của Từ Hoài tấn, ngược lại với thông thường, không phải là bình oxy của Saigon, mà là một loại thông hành địa dịch đưa dẫn vào thành phố, trở thành một vùng đất hoạt động bên lề mà người ta dễ bỏ qua hoặc dể quên.

* * *

Đọc đi đọc lại thơ của Từ Hoài Tấn, rải rác có những câu thơ như thế này:

Nếu không có ngày lưu lạc
Sao ta  một chuyến về
Cầm tay người nghe đã khác
Màu da rám nắng chân quê
(XA HUẾ, trích, trang 38)
Hoặc là:
Định cư hay du cư
Chí là ý niệm hờ hững
(ĐỊNH CƯ, trích, trang 115)
Hoặc là:
Kỷ niệm ghi dấu cùng năm tháng
Khi bước qua cuộc đời này,
Sẽ còn ai để kể lại
Mười lăm năm chìm đắm ở miền Tây
(SÔNG NƯỚC MIỀN TÂY, trích, trang 22)

Đọc mấy câu thơ này, tôi tự nhiên giật mình, “Mười lăm năm chìm đắm ở miền Tây”. Giống như thể “mười lăm năm” là một hạn kỳ, không hiểu là ngắn hay dài, nhưng có lẽ là vừa đủ để nếm trải đủ mùi đủ vị của một cuộc sống lưu lạc, một hạn kỳ thu tóm lại một kiếp phù sinh.
Và cũng giống như Stendhal có nói tới hiện tượng “kết tinh” tình cảm trong Tình Yêu thì ở đây, thiết tưởng cũng tương tự như thế, mười lăm (15) năm là thời hạn kết tinh đắng xót của một con người.
Tôi lại còn miên man liên tưởng tới 15 năm đoạn trường của Thúy Kiều và luôn cả 15 năm cuối đời của Nguyễn Du sống ở Huế, xa quê hương, và viết nên Truyện Kiều.
Lưu lạc, lưu đày, là một vấn nạn của thời đại, và cũng có thể không chỉ là thời đại mà thôi, mà đó là vấn nạn muôn đời của nhân sinh.
Đó là chưa kể đến tình cảnh lưu lạc ngay trên quê hương của mình trong những thời khắc con người cảm nhận một nỗi khó sống, khó thích nghi dù là ở giữa một môi trường vốn quen biết của mình.
“Lưu đày” và “quê nhà” xưa nay là một cặp phạm trù đối lập nhau triệt để nhưng, ác thay, cả hai không loại trừ nhau mà lại bao hàm nhau làm điều kiện hiện hữu song đôi, vừa lẩn tránh nhau, vừa thách đố nhau: phải lưu đày mới biết quý quê nhà, có quê nhà rồi vẫn ngóng lưu đày …
Tập thơ của Từ Hoài Tấn vô hình trung là một lời nhắc nhở, một lời nhắn gửi đến mỗi một chúng ta

Huế 13/9/2018
                                                                                                BỬU Ý






Thứ Ba, 18 tháng 9, 2018

Giới thiệu tập thơ Đạp xe ra ngoại ô của tác giả Từ Hoài Tấn

08:02 | 14/09/2018
Chiều ngày 13/9,  Tạp chí Sông Hương đã tổ chức giới thiệu tác phẩm Đạp xe ra ngoại ô của nhà thơ Từ Hoài Tấn.
Giới thiệu tập thơ Đạp xe ra ngoại ô của tác giả Từ Hoài Tấn
Nhà thơ Lê Vĩnh Thái - Phó Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương phát biểu giới thiệu sách
Nhà thơ Từ hoài Tấn tên thật là Hồ Văn Hiền, sinh năm 1950 tại làng Chuồn - An Tuyền, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ tập niên 1960 - 1970 anh có nhiều sáng tác thơ xuất hiện trên các tạp chí Văn, Nghệ Thuật, Vấn Đề, Trình Bày, Khởi Hành, Ý Thức, Tuổi Ngọc… và tạp chí Văn, Thanh Niên, Văn Nghệ thành phố Hồ chí Minh, Tạp chí Sông Hương. Anh đã xuất bản nhiều tập thơ như: Hành tinh phiêu lạc, Nxb. Thuận Hoá, 2003; Đi, đứng và chạy... với thời gian, Nxb. Hội Nhà văn, 2012; Phục hưng tôi & em, Nxb. Hội Nhà văn, 2013.
Tác phẩm " Đạp xa ra ngoại ô" của tác giả Từ Hoài Tấn
Tập thơ “Đạp xe ra ngoại ô là tập thơ thứ tư của tác giả, với gần 80 bài thơ, tác giả đã ghi lại những khoảnh khắc của cảm xúc, những hành trình và những nơi anh đã đi qua. Ở đó, là quãng thời gian dài của sự chiêm nghiệm, của ký ức và của hiện tại, nhưng sau tất cả là nỗi nhớ nhà, nhớ Huế, nhớ những cơn mưa mùa đông xứ Huế.
Nhà thơ Từ Hoài Tấn

Nhà thơ Từ Hoài Tấn chia sẻ “ Đây là tập thơ mới nhất của tôi trong mười năm trở lại, trong những năm tháng ở miền Nam,với cuộc sống tấp nập, xô bồ, có những phút giây cần phải ra khỏi thành phố, ra ngoại ô để được ngắm trăng, được thở, được mở màn che mặt của mình để sống với chính mình, rời xa những lớp bụi đường và sự giả dối nào đó của con người”.
Nhà thơ Nguyễn. Quốc Thái

Theo nhà thơ Du Tử Lê: “ Thơ anh phản ánh nhiều mặt tình cảm, đời sống quê hương đất nước và tình người. tất cả chứa đựng chất hiện thực và hiện sinh trong thơ anh, có nhiều bài thơ đọc lên thấy hết sự thầm kín đó vào tehes giới nội tâm hơn là thế giới ngoại hình, rồi từ đó anh phá lệ, vượt thoát qua mọi thể thơ anh viết. Thơ anh tiềm ấn và sáng tạo, dòng thơ đi lần vào dạng thơ siêu thực, đó là khuynh hương siêu thực thơ mà rất ít tìm thấy ở nơi khác. Anh muốn vượt ra khỏi hiện hữu để trở về bản chất cố hữu của riêng anh”.
Một số hình ảnh tại buổi giới thiệu sách: 
Nhà thơ Võ Quê
Chị Như Nguyện - người bạn của tác giả ngâm thơ tại buổi giới thiệu sách
Dịch giả Bửu Ý
Nhà thơ Phạm Tấn Hầu
Phương Anh

http://tapchisonghuong.com.vn/

Thứ Tư, 5 tháng 9, 2018

Người em sầu mộng vướng víu nợ thi nhân

21:41 31/08/2018

Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị (1920-2002) là một gương mặt xuất sắc của nền mỹ thuật Việt Nam, được thế giới công nhận.