Thứ Ba, 18 tháng 11, 2008

Hai bài thơ mới

CUỘC HẸN


Đường thơm lừng dưới gót chân em

Tình đi trong buổi sáng hôm nay

Hò hẹn cà phê vệ đường

Những chiếc ghế chao đảo lời nói em

Không gian ngây ngất hơi thở em

Ngồi gần nhau

Không thể gần hơn

Chỉ cách nhau môt chiếc lá

Và một ngọn gió


Em khẽ nói về những ngày yêu nhau

Bão ngầm dưới đôi môi đỏ

Khúc tình tự vỗ sóng

Thuyền chúng ta đi xa đi xa

Không bến bờ nữa

Em yêu

Cuộc hẹn của những chiếc bong bóng

Vừa thả vào hư không


12 giờ trưa

Mọi người đúng dậy ra về

Chỉ còn lại chiếc lá

Và ngọn gió

Không có hai người





MƠ MÒNG


Thăm thẳm tím chiều sâu không gian

Lưng ngựa dốc cao gồ ghề

Hàng cây im tiếng những cành lá lặng lẽ

Đâu đó trong thoang thoảng điệp khúc về xa

Ở phía bình nguyên người gù lưng cuộc sống

Mơ mộng hát lời bình yên


Chiều vỗ mặt tôi gió của ngàn lau sậy xưa

Ngượng lời vi vu đằm thắm

Thời gian và lối mòn

Về đâu về đâu

Những nhát búa người phu rừng

Đốn cổ thụ quá khứ

Ngắt tạnh cơn mưa miên viễn tăm tối mặt đất

Vầng sáng ngày trở lại lời ao ước hiện thực


Chiều thăm thẳm bước đi thời gian

Thật sự mạnh mẽ niềm mơ ước

Tôi trở lại trong chiều nay

Mới nguyên


Tháng 11 - 2008


Thứ Tư, 12 tháng 11, 2008

Nguyễn Hiến Lê - hai mươi năm, một trăm cuốn sách

Nguyễn Hiến Lê thời trẻ.

Hầu hết, những vị tôi muốn gặp đều tiếp người ngoài Bắc vào với thái độ nhiệt tình, ít nhất cũng lịch sự dù không giấu vẻ lạnh lùng. Duy có hai người khước từ: Thượng toạ Thích Trí Quang và học giả Nguyễn Hiến Lê.

"Văn kỳ thanh"

Tôi gặp nhà sư Thích Trí Quang chủ yếu vì tò mò. Còn Nguyễn Hiến Lê là người mình thực lòng hâm mộ. Vì vậy, chờ một thời gian lâu cho tình hình thành phố thật ổn định, tôi lại đến gõ cửa ngôi nhà có gốc hoàng lan ở đường Kỳ Đồng.

Dường như đối với học giả nổi tiếng này, tôi có chút duyên. Tôi nghe tên ông đã lâu, tuy chưa được tiếp cận trọn vẹn một tác phẩm nào. Ở Hà Nội thỉnh thoảng vẫn gặp ông trên tạp chí Bách khoa được tiếng đứng đắn xuất bản tại Sài Gòn. Bài nào ông viết cũng toát lên sự tự tin về kiến giải, lời văn mạch lạc, giản dị và trong sáng lạ thường.

Tại Đà Nẵng, tôi hay la cà các hiệu sách. Một lần, chị hàng sách thấy khách xem nhiều mua ít, nghĩ chắc anh bộ đội không đủ tiền, liền bê một chồng sách từ trên giá xuống, bảo tôi mang theo mà đọc. Tôi chọn lấy hai cuốn, biết mình còn tiếp tục đi xa về hướng Nam, và cũng không muốn lợi dụng lòng tốt của đồng bào. Hai cuốn sách ấy đều của Nguyễn Hiến Lê. Cuốn Lịch sử văn minh Ấn Độ của nhà sử học Mỹ Will Durant do ông dịch, và bộ Sử ký của Tư Mã Thiên ông cùng làm với Giản Chi.

Tờ tạp chí mới duy nhất in trước ngày 30/4 bày bán tại hiệu sách tôi mua được ở Sài Gòn cũng lại là tờ Bách khoa số cuối cùng (426) ra ngày 20/4/1975. Đây gần như là một đặc san mừng cuốn sách thứ 100 của Nguyễn Hiến Lê, xuất bản khớp với ngày phát hành tạp chí. Cuộc triển lãm toàn bộ tác phẩm của nhà văn nghe nói định làm ở nhà sách Khai Trí đã không diễn ra vì thời cuộc.

Đến khi say sưa tìm hiểu đồng bằng sông Cửu Long, sưu tầm tài liệu về vùng đất ấy, tôi lại gặp Nguyễn Hiến Lê. Cuốn du khảo Bảy ngày ở Đống Tháp Mười phần nào mảnh mai về độ dày mà ngồn ngộn thông tin, chứa đựng nhiều tư liệu vững chãi. Một cuốn biên khảo hấp dẫn gần như tiểu thuyết. Tôi nhiều lần trích dẫn nó trong các bài viết cuối những năm 1970 về đồng bằng Nam Bộ.

Cuộc gặp đầu tiên

Một con người dong dỏng, mái tóc hoa râm, vẻ mặt đăm chiêu, mặc chiếc sơ mi trắng dài tay rộng và chiếc quần Âu cũng rộng thùng thình, hơi khác thường so với thời trang bó sát người thời ấy. Đó là hình ảnh nhà văn Nguyễn Hiến Lê lưu lại trong tôi khi ông thong thả từ gác hai xuống tiếp khách. Trước khi vào phòng, tôi đã dừng lại một phút ở hành lang ngắm cái tủ sách đóng theo lối cổ xếp đầy sách, toàn tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê.

Tôi trao tặng ông cuốn sách mới in, Đất nước một dải tập hợp những bút ký viết dọc theo chiều đất nước, từ khi giải phóng Quảng Trị ngày 19/3/1975, qua Huế, Đà Nẵng, Đèo Cả, Cam Ranh, Vũng Tàu, Sài Gòn đến "những cánh đồng thẳng cánh cò bay", do Nhà xuất bản Thanh Niên vừa ấn hành. Ông nói: "In cũng nhanh nhỉ" trong khi những ngón tay tiếp tục lật các trang và đôi mắt lướt qua các bài viết. Đến trang cuối sách, ông ngẩng đầu hơi lộ vẻ ngạc nhiên: "Mười nghìn bản?".

Đặt sách xuống bàn, ông nói tiếp: "Ở trong Nam này, sách in lần đầu, chẳng bao giờ lên tới con số ấy".

Dường như cuốn sách nhỏ giúp đánh tan bầu không khí phần nào lạnh nhạt ban đầu. Thay những lời đối đáp xã giao, ông mặn mà trả lời những câu tôi hỏi. Tôi kể ông nghe chuyện được biếu sách tại Đà Nẵng, và thật thà nhắc lại, ngay sau ngày mới giải phóng tôi có đến thăm ông, tiếc là gặp lúc ông không được khoẻ. Ông nói: "Tôi mắc bệnh đau bao tử từ lâu, thỉnh thoảng nó lại hành cho một trận". Tôi đáp: "Bệnh của người lao động trí óc. Chắc bác biết, tại bác làm việc quá miệt mài, ngồi tại chỗ, ít đi lại...". Ông cười: "Tôi biết tất cả. Biết mà không sao làm khác. Cái nghiệp của mình là đọc và viết mà...".

Tấm gương sáng về tự học

Đời văn của Nguyễn Hiến Lê là một hiện tượng hiếm thấy ở nước ta. Nghiên cứu, biên khảo, cảo luận, tiểu phẩm, dịch thuật, bình chú..., trong khoảng thời gian hai mươi năm (1955 - 1975), cho ra đời một trăm tác phẩm - trong đó nhiều cuốn ba, bốn tập và rất có giá trị.

Giáo sư Đào Duy Anh đánh giá bộ Đại cương văn học sử Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê là "tác phẩm trội nhất từ trước tới nay trong loại của nó". Bộ Đại cương Triết học Trung Quốc viết chung với Giản Chi là một tác phẩm đồ sộ (1.700 trang). Ba tập Lịch sử văn minh Ấn Độ, A Rập, Trung Quốc, dịch của Will Durant, có chú giải và bình luận dày hơn hai ngàn trang.

Bảy, tám năm cuối đời (1975-1984), trở về sống tại đồng bằng sông Cửu Long nơi ba mươi năm trước ông giã từ để "lên Sài Gòn sống bằng cây bút", nhà văn còn viết và dịch thêm hơn hai mươi cuốn nữa. Có những cuốn đòi hỏi sự nghiên cứu công phu, như khảo luận triết học Trung Hoa trước đời Tần. Chỉ tính riêng về số lượng, đã là một kỳ tích.

Nguyễn Hiến Lê là một tấm gương sáng về tự học. Ra đời làm một kỹ sư công chính, vốn Tây học của ông khá dày dặn. Tuy nhiên, cho dù xuất thân gia đình Nho học, thuở nhỏ có theo đòi đôi ba chữ Hán, và về sau, những kỳ nghỉ hè cũng có về quê học với ông bác, vốn Nho học của ông "trước sau có bốn tháng, mỗi ngày học hai giờ!. Thuộc bốn ngàn từ, quên mất một nửa".

Sau khi đỗ kỹ sư, thời gian chờ việc, ông học chữ Hán. Chiều chiều đến Thư viện Trung ương đường Trường Thi (nay là Thư viện Quốc gia) mượn bộ Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh. Rồi “bắt đầu từ chữ A, tìm những từ và ngữ nào đoán thường dùng mà chưa biết thì chép lại trong một tập vở, mỗi ngày độ ba, bốn chục từ". Tối hôm đó và sáng hôm sau học thuộc những gì sáng đã ghi chép, chiều lại đến thư viện.

Ông còn mượn cuốn Ngữ pháp tiếng Trung của một tác giả viết bằng tiếng Pháp để học và ghi những điều quan trọng. Với cái vốn ấy, bắt đầu đọc nguyên bản truyện Tàu (Tam quốc chí), lúc đầu chậm sau nhanh, càng quen càng thích...

Đừng cầu danh, danh sẽ tới

Thời học sinh, ông cũng có học tiếng Anh, vừa đủ để vượt qua cửa ải môn ngoại ngữ kỳ thi tú tài. Chính sách của nhà cầm quyền Pháp thời trước, dù không nói ra, không muốn học sinh Việt Nam biết thêm một thứ gì khác ngoài ngôn ngữ và văn chương Pháp. Để có thể làm việc nghiên cứu, biên dịch, trước tác, Nguyễn Hiến Lê tự học thêm Anh ngữ, khá tới mức được một trường tư thục mời dạy Anh văn. Ông quả quyết: "Muốn kiểm soát sự hiểu biết của mình (về ngoại ngữ), muốn hiểu cho rõ thì phải dịch ra tiếng Việt".

Trau dồi ngoại ngữ, ông không coi đó chỉ là phương tiện làm việc mà còn là một cửa ngõ đi tiếp vào biển học không bờ. Cuối đời, sau khi đã tạo lập nên một sự nghiệp đáng nể vì, Nguyễn Hiến Lê khẳng định: "Đời tôi có thể tóm tắt trong hai chữ Học và Viết... Chép về đời văn của tôi, phải nhắc trước hết đến việc tự học".

Ông có lời khuyên các bạn trẻ, thoạt nghe như nghịch lý mà rất nghiêm trang: "Khi muốn học về một vấn đề nào thì cứ viết sách về vấn đề ấy... Viết sách tức là tự ra bài cho mình làm. Học mà không làm bài thì chỉ mới đọc qua chứ không phải học". Một thái độ như vậy có phần nào chưa thật trang nghiêm đối với công việc trước tác chăng? Dường như thấy trước phản xạ của độc giả, ông trấn an ngay: "Khi viết nên nhớ mục đích của ta là để tìm hiểu chứ không phải để cầu danh. Đừng cầu danh thì danh sẽ tới. Cầu nó, nó sẽ trốn...".


Triển lãm sách của Nguyễn Hiến Lê tại Sài Gòn năm 1959.

Đọc - ghi và viết

Đọc và viết là nếp sống hằng ngày của Nguyễn Hiến Lê. Buổi sáng, sau điểm tâm, công việc mở đầu ngày làm việc là đọc chứ chưa phải viết. Đọc hết nửa buổi, mới ngồi vào bàn. Chiều cũng vậy. Còn cả buổi tối chỉ dành cho sự đọc. Sách nào mua về cũng đọc, dù chán cũng ráng mà đọc, để biết qua nội dung "trừ loại chưởng của Kim Dung".

Những nơi đọc sách luôn để sẵn cây bút chì và cục gôm (tẩy). Đọc thấy chỗ nào đáng chú ý, cần xem lại hoặc ghi chép thì đánh dấu vào trang. Đọc xong chương nào, giở lại xem những đoạn có đánh dấu, ghi ngay những điều cần nhớ hoặc suy nghĩ, bình luận của mình.

Về mặt này, ông có điểm giống văn hào Ernest Hemingway: "Điều lớn lao nhất là sống, là làm công việc của mình - Hemingway nói - là nhìn, học và hiểu. Rồi lúc ấy mới viết, sau khi đã biết được một điều gì đấy, sau chứ không phải trước".

Những người cầm bút đều biết, viết không phải lúc nào cũng là một thú vui. Đối với Nguyễn Hiến Lê, "dù không có hứng cũng đúng giờ ngồi vào bàn viết, viết bừa vài câu, nửa trang, rồi hứng tự nhiên tới". Có thấy cách làm việc của ông, mới hiểu tại sao ông trước tác được nhiều như vậy. Nhà thơ Quách Tấn uyên thâm cổ văn từng ngạc nhiên: Riêng việc Nguyễn Hiến Lê đọc sách cũng đã khó có người bì kịp, chứ đừng nói đọc rồi còn viết.

Một đặc điểm nổi bật trong phương pháp làm việc của Nguyễn Hiến Lê là ghi chép. Ông ghi cẩn thận, không mệt mỏi, thường là tại chỗ qua mỗi chuyến công vụ khi còn làm công chức (mà ông gọi là "đi kinh lý") hoặc những lần chuyển dịch vì việc riêng. Từ khi bắt đầu cầm bút, ông đã có thiên hướng viết du ký, đi đến đâu ông cũng chịu khó ghi chép cảnh đẹp, tục lạ, cổ tích... Trở về nhà, ghi ngay lại cảm tưởng cả chuyến đi. Văn phong của ông lưu loát.

Hãy đọc lại một đoạn ông viết bảy mươi năm trước về cái ga xép Lăng Cô, nay là điểm du lịch khởi sắc ở miền Trung, nhất là từ khi hoàn thành đường hầm Hải Vân: "... Từ trên cao nhìn xuống, nó y hệt một bức tranh thuỷ mặc của Trung Hoa. Một cù lao nhỏ ở gần bờ, bằng phẳng, trồng toàn dương, có chùa có nhà, có ghe đánh cá và lưới đánh cá phất phơ dưới gió. Một cây cầu dài nối với bờ. Những buổi chiều mây ngũ sắc in trên mặt nước, những chiếc ghe giương buồm ra khơi, hay những đêm trăng sóng bạc nhấp nhô vạch một đường sáng tới một đảo nào ở chân trời mù mịt, ngồi ở góc đường đầu cầu này mà ngắm trời nước...".

Sách đã in ra, ông vẫn kiếm tiếp tài liệu để bổ sung khi tái bản. Như cuốn Đông kinh nghĩa thục (xuất bản lần đầu 1956), lần tái bản bổ sung ba mươi trang (1968), in lần thứ ba thêm hai mươi trang nữa (1974).

Phan Quang

* Các tít nhỏ do Tòa soạn đặt

Nguồn: http://dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/guyen-Hien-Le-

hai-muoi-nam-mot-tram-cuon-sach/2008/11/258080.vip

Thứ Hai, 10 tháng 11, 2008

Đầm Chuồn đêm ngàn sao...

Đầm Chuồn không xa lắm, bởi chỉ mười cây số đi xe máy từ trung tâm thành phố Huế là đến nơi. Trên đường đi, tiện thể ghé qua làng Chuồn (xã Phú An, Phú Vang, Huế) đong vài xị “đệ nhất danh tửu”, chọn một vài đòn bánh tét đặc sản lúc nào cũng có ở chợ làng này.

Bình minh trên đầm Chuồn

Ra đến bến đò Đồng Miệu, mấy anh bạn lái thuyền cặp đôi hai chiếc ghe nan, đủ chỗ cho tám người, gắn máy đuôi tôm hẵn hòi. Khuôn mặt khách háo hức, bởi trừ hai anh bạn thuyền “thổ địa”, những người còn lại đều lần đầu được rong chơi giữa vùng đầm phá bao la này.

Con thuyền phăng phăng lướt sóng. Anh bạn lái thuyền khéo léo điều khiển thuyền luồn lách giữa đám “nò” sáo ken dày như bàn cờ trên mặt phá, lúc rẽ phải, lúc rẽ trái, chuyển hướng điệu nghệ như một tay lái “lụa” điều khiển xe hơi giữa thành phố đông đúc với nhiều ngã ba, ngã tư...

Nhà chồ của ngư dân

Nửa giờ sau, thuyền đến nơi và cặp vào một nhà “chồ” (nhà tạm trên sông). Hai ông thổ địa bảo, việc đầu tiên thú vị nhất là đi giở nò (đổ nò). Chiếc nò hình trụ, được làm bằng tre đan, đặt ở đầu chóp hình chữ V của các tấm sáo trên mặt phá với độ sâu chừng hai mét. Anh bạn thuyền khỏe mạnh, bặm môi kéo nò lên, tôm cá thi nhau quẫy đạp. Mọi người háo hức, lăng xăng chuẩn bị cho bữa tiệc đầy hứa hẹn.

Rượu làng Chuồn được rót ra, mùi ngất ngây của loại “đệ nhất danh tửu” này quyện với mùi cá tươi thoang thoảng hình như đã kích thích bụng dạ mọi người đói cồn cào. Vừa nhấm nháp thưởng thức, vừa xuýt xoa khen ngon, anh bạn quả quyết rằng, ăn con cá trên suốt dọc chiều dài đất nước, không ở đâu ngon bằng cá trên phá Tam Giang, bởi nó có mùi... đầm phá. Một anh khác giải thích thêm, đó là nhờ mùi rong tảo đặc trưng, chỉ có ở vùng nước lợ... Mùi của biển, mùi rong tảo đầm phá vừa quen vừa lạ, phảng phất đâu đây. Đêm khuya, nước trời lồng lộng, không còn xác định được phương hướng nữa.

Thuyền đi giữa nò sáo

“Trăng lên!”. Ai đó reo. Mảnh trăng thượng tuần được mắc sẵn trên bầu trời, ánh bạc lấp lóa trên mặt nước. Phong cảnh đẹp lạ lùng. Không khí loãng ra. Mấy xị rượu và bánh tét làng Chuồn đã đưa mọi người vào trạng thái lâng lâng rồi nhanh chóng rơi vào giấc ngủ sâu.

Gió biển mơn man nhè nhẹ, mang theo cảm giác se lạnh, tưởng chừng như mùa hè oi bức đã rời xa. Giữa vùng đầm phá mênh mông bốn bề sóng nước, đêm trên nhà chồ thoáng mát, hư ảo trong một khung cảnh khá lạ lùng, bỗng quên mùa hè hanh hao miền Trung.

Chiều trên phá Tam Giang.

Người Huế gọi đêm ngủ nhà chồ trên phá Tam Giang là đi ngủ “khách sạn nghìn sao”. Ranh giới giữa trời và nước không còn. Chỉ tiếng sóng vỗ về mạn thuyền nghe rì rào, và thi thoảng có tiếng quẫy của con cá hanh, cá kình.

Tam Giang nay đã hòa vào dòng chảy của đời người...

Vũ Hào (Phụ Nữ Online)

http://www.hue.vnn.vn/dulich/diemthamquan/2008/11/302279/

Thứ Năm, 6 tháng 11, 2008

Núi non ca

Khi bóng tàn trăng người ngậm tù và

Ở bên dốc núi vài cô em mọi nhỏ

Rừng sắp qua thu chiều sắp qua ngày

Ngồi uống cốc nước mát bên khe suối


Không em lời chim hót nghe thành quen

Một bài ca nhịp đều qua năm tháng

Không em đời cũng không thể gọi tên

Nguời khuất nẻo xa xa trầm khúc lắng


Chiều nay một thoáng nhìn theo bóng mây

Thu hết rồi vương vài giọt nắng vàng

Em phía bình nguyên đường về tít tắp

Mong chờ theo ngọn gió lướt bay ngang


Núi xa đèo dốc mỏi bàn chân đi

Người một thời xuân qua ngày tháng tới

Chiều nay ngậm ngùi vài chiếc lá rơi

Tạm biệt thu khúc hát vang dưới núi

Từ Hoài Tấn

Thứ Ba, 4 tháng 11, 2008

Mùa Thu Tế hàng năm của Làng Chuồn - VÕ QUÊ

Tháng Bảy âm lịch, trời Huế vào thu. Hoa địa lan bắt đầu nở hồng trong ngôi vườn quê. Những áp thấp nhiệt đới. Những cơn bão xa có khi làm bầu trời Huế tưởng như chùng lại, thấp hơn. Những đám mây màu trắng, những đám mây màu xám đan chen nhau sà xuống gần đỉnh núi Kim Phụng. Bạn bè ngỡ ngàng nói với nhau: Rứa là mùa thu tế đã về!

Tuổi thơ những làng quê thuộc thế hệ chúng tôi gắn liền với bốn mùa thiên nhiên cảnh quan đồng nội. Thiết thân với những sinh hoạt hội hè đình đám quanh làng. Nhưng có lẽ ấn tượng sâu đậm nhất trong tình cảm mỗi người vẫn là mùa thu tế. Xuân Thu nhị kỳ, mỗi năm có hai lần tế lễ, nhưng nổi lên vẫn là lễ tế mùa thu, tháng Bảy âm lịch.

Mỗi làng đều chọn cho mình một ngày âm lịch trong tháng Bảy để tiến hành lễ tế. Như làng Diên Trường, gần cửa Thuận An coi ngày tốt mỗi năm, có khi là ngày 12, có khi là ngày 14. Cách nay mấy năm, làng Thanh Thủy Chánh, nơi có danh thắng cầu Ngói Thanh Toàn tế ngày 3 với nghi lễ trang trọng, lần đầu tiên sau mấy mươi năm có tổ chức lễ nghinh thần, tống thần. Làng An Hòa, Dưỡng Mong, An Truyền (thường gọi là làng Chuồn) thường tiến hành lễ tế vào ngày 16... Tùy theo tính truyền thống, đặc điểm văn hóa, tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi nơi mà thực hiện quy mô tổ chức lễ tế. Nhưng dù quy mô, hình thức nào đi nữa, tựu trung thu tế là ngày hội của dân làng với ý thức sâu xa muôn thuở là xiễn dương, bày tỏ lòng biết ơn, ngợi ca ân đức tiền nhân, những vị khai canh, khai khẩn, tiền hiền, hậu hiền, chư vị thần hoàng, những đấng khuất mặt khuất mày...đã đem hết công sức tạo nên làng xóm, họ mạc ban đầu và làm cho người dân an cư lạc nghiệp từ đời này sang đời khác.

Bây giờ, tuy đã lớn khôn, đã trải qua nhiều thăng trầm, buồn vui trước cuộc đời vốn nhiều đa đoan, hệ lụy. Nhưng hằng năm cứ vào “tháng Bảy nước nhảy lên bờ” thì lòng tôi lại cứ bâng khuâng nghĩ về mùa thu tế. Con em dân làng dù thành phần nào trong xã hội khi đi làm ăn, sinh sống tứ xứ trong nước, hải ngoại...đều mong được trở lại quê nhà trong ngày làng tế. Không về được thì gửi tiền bạc hoặc gửi lễ vật về dâng cúng. Lễ vật có khi là áng thờ sơn son thếp vàng, có khi là đồ bát bửu, bộ tam sự bằng đồng, mâm cau trầu rượu...Qua lễ vật, tấm lòng những người xa xứ muốn gửi gắm biết bao nguồn thương yêu thiêng liêng tới miền đất mình đã từng một thời chôn nhau cắt rốn, đã từng đắm hồn trong âm thanh chiêng trống, trong ngào ngạt hưong trầm, hoa lá, trong bàng bạc trăng sương thu...

Theo đà phát triển của đất nước, nhiều mỹ tục mới đã được hình thành trong ngày thu tế. Một số đình làng với truyền thống lịch sử, văn hóa của mình trong những năm tháng dựng nước, giữ nước đã được Nhà nước công nhận là di sản văn hóa quốc gia. Hòa chung vào các nghi lễ truyền thống từ xa xưa để lại, nhiều làng đã tổ chức trao học bổng, quà tặng cho các em học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó; biểu dưong những gia đình hòa thuận, hạnh phúc, nuôi con khỏe, dạy con ngoan... trước sân đình trong không khí trang nghiêm lễ tế. Hồn nước, tình dân, nghĩa khí làng xã từ khung cảnh trang trọng ấy dường như đang góp phần ươm mầm, nuôi dưỡng nhân cách, tâm hồn tuổi thơ nhiều thế hệ thấm nhuần câu ‘uống nước nhớ nguồn’. Câu “uống nước nhớ nguồn” rất đơn giản nhưng thể hiện cho chu toàn thực không phải dễ.

Về làng An Truyền trong ngày thu tế, tôi thường nhìn ngắm các hưong án của các họ tộc trước đình làng, những cổng tam quan rợp cờ ngũ sắc đầu xóm trên suốt dọc đường từ đình ra Đồng Miệu, nơi diễn ra lễ nghinh, tống thần làng vào đình làng trước và sau lễ chánh tế. Đám rước dài với các kiệu lễ, tứ linh, cờ xí, binh khí, lỗ bộ...Đám rước như bồng bềnh trong âm hưởng kèn trống, chiêng. Đám rước in bóng lung linh trên mặt nước đầm Chuồn trong bình minh hư ảo. Trong âm hưởng điệu thài của ban tư văn ngân lên hồn thiêng hạo khí đất trời.

Về làng trong ngày thu tế, chợt bâng khuâng nhớ bạn bè một thuở. Cái thuở “ Trẻ con làng thường có giấc ngủ vui. Khi lăn lóc trước sân đình thu tế. Khi bụi bặm đụn rơm vàng hương lúa. Khi trên cầu thanh thản ngọn nồm khuya...”. Cái thuở trong khi chờ làng hành lễ, lần đầu tiên cùng bằng hữu biết nâng ly rượu Chuồn và thưởng thức bánh tét (ảnh dưới), bánh khoái cá kình, canh cá kình (ảnh cuối bài}, cá bống thệ kho khô... thấm đẩm phong vị quê hương vùng đầm phá.

Mùa thu tế! Sống hoài trong tâm thức tôi hình ảnh chuông chùa ngân đồng làng thơm hương cốm. Rạo rực giữa cõi nhớ tôi âm ba hồi trống đình giục vầng trăng về xóm, những câu thài thay tiếng mẹ ru nôi. Rất thương yêu. Mùa thu tế. Xin biết ơn làng!

Thứ Hai, 3 tháng 11, 2008

thơ RỪNG RÚ



tản mạn trong mưa


phải chiều ni mưa,

nên dòng Hương trắng đục

bên tê bờ,

ngươi nhớ một dòng xanh


phải lời mong manh,

ngỡ chòng chành,

nên ái ngại.

câu thơ buồn khoá trái cửa tâm hồn.


phải chiều ni mưa,

nên đường về ướt nắng

câu thơ vàng,

gió cuộn

khẽ khàng rơi.


phải chiều ni say,

nên lòng ngươi mềm nhũn

một dòng sông

đã đánh đắm con thuyền.


huế và em


Huế và em,

cái dấu chấm lửng

tôi bỏ quên từ hai mươi năm trước

đêm trở về

thắp sáng giọng đò đưa

tôi chẻ ngìn sợi tóc

sợi tóc nào còn xanh

cho tôi chút chuyện tình năm cũ.

mái trường xưa

lặng lẽ

dấu chấm buồn.

Huế và em,

cơm hến cay sè con mắt.

miếng vả nào?

- chua chát một đời nhau

sao em đành, đánh mất buồng cau

để chợ Dinh

- miếng trầu không héo úa.

tôi đan nghìn sợi nhớ.

sợi nhớ nào?

- quay quắt bến đò chiều

đêm tôi về,

- tan rã bước cô liêu...

Những bậc chân tu - Thập tam lãng tử - LÊ NGỌC THUẬN

NGUYỄN MIÊN ĐẠI SƯ

Một trong tứ dị trần gian
Đại sư mang cả hồn nàng theo kinh
Hèn chi chuông mỏ gập ghềnh
Dồn lên dập xuống lênh đênh xác phàm.

VÕ CÔNG TỬ

Đơn thân độc chiến quần hùng
Tả xung hữu đột nội công ngất trời
Khuya về mộng rã mồ hôi
Tham thiền nhập định thế ngôi cô đơn.

VĂN TƯ MÃ

Giọng ngâm xuyên suốt xiêm y
Hương da thịt thấm xuân thì ngả nghiêng
Rong chơi ròng rã đâm ghiền
Môi ai mọng nước ngoài hiên địa đàng.

CAO THÁM HOA

Phủi tay về giữa bụi đời
Rượu khơi giỡn chén vô thưòng cạn chơi
Đã quên danh phận trong đời
Khi say chửi tới Thiên Lôi cũng gờm.


THÁI TINH QUÂN

Đ.M âm vọng nghênh ngang
Bỗng dưng tim đập oanh vàng run môi
Một mình thở chẳng ra hơi
Nữa đêm xuất cuộc tình rơi giọt buồn.

PHẠM NGỰ SỮ

Thân đã rời xa Truyền Thanh Tự
Cân đai áo mão trả cho đời
Về đây rượu vời xưa bè bạn

Cạn chén buồn vui ai nhớ quên.

TÂN ĐẠO SĨ

Chùa Lão Tử một mình hương khói
Dấu giang hồ ẩn trong men cay
Thôi thế sự nhân sinh hề!cạn
Phố khuya về vô ưu bước chân.

THẠCH CẦM ĐẶNG NGỌC

Khúc thạch cầm âm thầm tiếu ngạo
Thì sá chi Bất Bại Đông Phương
Tay vẫn cứ búng giây huyền hoặc
Rượu theo cung nốt vọng phong trần.

TRẦN VÀNG TIÊN SINH

Môi bí mật không ai biết được
Lưỡi tiên sinh chạm phải răng ai
Đêm Vỹ Dạ vẫn còn hư ảo
Rượu với trăng tàn chưa?chưa tàn!

LÃNG TỬ HỒ THUYÊN

Tây hay Đông trời cũng có mây
Rượu phương nào anh vẫn cứ say
Kệ cha thiên địa tình nhất xứ
Bằng hữu ngàn ly cạn rồi đầy.

TỪ HOÀI BÁ TƯỚC

Một Nam Trân cũng đủ vàng da
Huống hồ còn B-C-G-S
Tim bá tước nhiều ngăn chưa rõ
Hãy thâu vào sách sử thời xanh.

HUỲNH ĐẠI SỸ

Tóc Huỳnh Ngọc khi vàng khi đỏ
Phải chăng theo mấy quẻ càn khôn
Tay đường chỉ rằn ri phiêu bạt
Rượu ngậm ngùi cây lá Quê xưa.

LÊ NGỌC THẤT PHU

Lòng gã trong như nước lọc
Qua bao cát sạn đá than
Gã ngồi ngẫm kinh vô tự
Trăng rơi những giọt sương tàn.