Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

TƯỞNG NHỚ MẠ

* Chú Mạ: danh xưng Cha Mẹ ở một số miền quê Thừa Thiên Huế
 
 

nhớ buổi tối mùa đông
mạ đi bán về muộn
liếp cửa giật mấy lần
gió se lòng nỗi đợi
 
con ngồi trông mong ngóng
ngọn đèn dầu tỏ mờ
các em đều đã ngủ
trong giấc dài trẻ thơ
 
mạ thu mình qua cửa
đêm tối ở ngoài kia
mạ cười hoa sen nở
- chợ mùa mưa ế nhề
 
mong mạ về là quý
từ hồi sớm canh khuya
áo tơi đôi triên gióng
về họp chợ đầu ngày
 
từ nhà quê lên phố
hai vai nặng cá đầy
có khi xe đò chạy
đành gánh bộ đi sau
 
con đường quê đá sỏi
mưa nắng biết mấy mùa
mạ ngày ngày hôm sớm
cuộc mưu sinh nhọc nhằn
 
thời thiếu nữ xuân thì
mạ vào vai đào chính
gánh hát ở làng quê
do ông Ngoại chủ xướng

giọng ca hò thắm đượm
tình quê bao niềm thương
dạt dào qua năm tháng
ấm áp lời quê hương

chú ở cách một xóm
nhà hai bên cũng gần
trời se duyên mau chóng
nối kết một đời chung
 
chú lái xe đò nhỏ
chạy từ làng lên phố
ngày ngày lại đi về
tiếng còi vang ngoài ngõ
 
một dạo miền quê khó
lại bão lụt liên miên
chú chạy xe không được
mạ bán cá nhọc nhằn
 
nghe miền Nam trong đó
khu dinh điền mới mở
đất lạ dễ làm ăn
chú mạ bàn tính kế
 
đi thì đi bỏ quê
tìm con đường sanh sống
con ở lại với dì
sáu tuổi đà đưa tiễn
 
một vài năm qua đi
một vài năm xứ lạ
có vốn liếng ầm ì
chú muốn về quê lại
 
về quê rồi về quê
không cầm được của cải
ở Hải Lăng thất bại
về quê lại về quê
 
mạ theo chú dãi dầu
nắng mưa cùng sớm tối
đám con còn lau nhau
tuổi thơ nhiều chìm nổi
 
lần này ở cao nguyên
có người quen dò hỏi
làm ăn rất xông xênh
vùng khai hoang đất mới
 
Kontum chào vẫy gọi
lên đường lại lên đường
năm một chin sáu hai
em Hằng vừa một tuổi
 
nhà ở khu Võ Lâm
số nhà 42 A
đường Đống Đa mới mở
hai căn nhà liền kề
 
mạ vẫn là sớm hôm
lại cùng đôi triên gióng
chợ Võ Lâm không xa
mở một vựa cá nhỏ
 
năm cùng năm tháng qua
nhà một tay mẹ giữ
nuôi đàn heo sau nhà
mỗi năm được hai lứa
 
nhà mỗi ngày một khá
chú sắm xe daihatsu
cuộc sống vui rôm rả
con sáu đứa đủ đầy
 
mỗi năm con lên thăm
hè cao nguyên mát mẻ
trong hơi ấm mạ hiền
tình gia đình rất ấm
 
mạ tươi tắn nụ cười
sáng chợ về ra đón
có mấy gói hàng quà
cho đàn con trông ngóng
 
năm con đậu Tú tài
chú mạ mừng vô kể
mua cho chiếc Honda
để đi học ở Huế
 
gần mười năm cao nguyên
nên một cơ nghiệp nhỏ
chú mạ cuộc sống yên
bên các con đầy đủ
 
gần mười năm Kontum
chiến tranh ngòai cửa ngõ
đêm vẫn nghe tiếng pháo
từ xa xa ì đùng
 
mạ vẫn ngày buôn bán
chú vẫn chạy xe đều
mua thêm căn nhà nữa
ở ngòai phố mặt tiền
 
nhà trải qua mấy cuộc
pháo kích xa rồi gần
giữa thời buổi chiến tranh
biết đâu mà né tránh
 
mạ ngày ngày đi chợ
hơi trưa trưa lại về
đời sống như bình ổn
một gia đình xa quê
 
khi mỗi mùa hè đến
con trở lại mái nhà
trong tình yêu của mạ
ngời sáng cả bao la
 
rồi cũng đến một ngày
như bao nhiêu chàng trai
con sung vào quân đội
mạ canh cánh lo hoài
 
lo hết nửa chiếc xe
con trở về hậu cứ
anh lính kiểng lè phè
lòng vòng quanh phố chợ
 
năm bảy mươi qua đi
Kontum và chú mạ
mùa Xuân đến thầm thì
hạnh phúc tràn qua ngõ
 
Xuân đến vẫn đang mùa
Tết vừa qua một lúc
hôm tháng giêng mười ba
điện gọi từ căn cứ
 
âm báo từ cao nguyên
về một tin khủng khiếp
mạ qua đời qua đời
từ một cơn pháo kích
 
trong buổi sáng lệ thường
mạ thức dậy ra chợ
ngày mới chớm tinh sương
bằng xe ôm đến bến
 
khi trở về trên phố
viên đạn pháo quái ác
nổ tung giữa mặt đường
mạ vướng nhiều mảnh đạn
ôi một trời đau thương
 
chú trăm đường chạy chữa
nhưng không kịp nữa rồi
mạ trút hơi thở cuối
còn kịp gọi tên con
 
ôi đau đớn lòng ôi
đau đớn quá lòng ơi
mạ đã không còn nữa
đau xé ruột trời ơi
 
mạ đã không còn nữa
qua chặng đường thanh xuân
tuổi vừa tròn bốn bốn
đã vĩnh biệt dương trần
 
đã vĩnh biệt mạ ơi
xa cách ngàn sông núi
bao giờ được gặp Người
mịt mờ đường muôn lối
 
đưa mạ về quê hương
nấm mộ nằm mông quạnh
ôi dâu bể tang thương
cuộc đời sao vắng lặng
 
chú và các con còn
mưu sinh trên phố núi
mạ vắng rồi ai mong
những sớm trưa về chợ
 
con còn những ngày hè
xưa còn tiếng cười mạ
xa xa dặm đường quê
tìm bóng chim tăm cá
 
ôi mạ của một đời
khôn xiết lời đau đớn
chia ly cả một đời
vô cùng cơn bi hận
 
ai khóc giùm với tôi
Người không còn cõi thế
không còn thấy mặt Người
còn khi nào gặp gỡ ?
 
trăm năm ôi ngàn năm
mỗi người chỉ một mẹ
âm vang muôn nghìn lần
một lời ru khe khẽ
 
mạ qua rồi còn đây
cả một đời thương nhớ
khóc thuở bước xa bầy
chân lạc loài trong cõi
 
thiên thu cũng là đây
mạ qua rồi, ừ nhỉ
trắng xóa một bờ mây
vọng âm buồn muôn ý
 
bao giờ ta có lại
bóng mạ hiền năm xưa
một đời ta mãi mãi
ôm gối Người đong đưa
 
để chiều hôm sớm tối
tiếng mạ cười như mơ
tiếng cười như âm dội
qua mấy tầng thiên thu
 
bao giờ bao giờ nữa
thời gian qua mất rồi
mạ cũng không còn nữa
đau đớn dậy thành lời
 
con đốt nén hương thơm
đồng mồ quê làng cũ
mạ nằm có ấm không
những mùa đông mưa lũ
 
dặm đời dài phía trước
con còn cuộc mưu sinh
chú và bầy em nhỏ
trong cõi sống bập bềnh
 
ôi biết bao nhiêu năm
tìm ra một người mẹ
trăng qua bao nhiêu rằm
nụ cười bừng sáng lại
 
ôi biết khi nào nguôi
niềm thương nhớ mạ tôi
 
TỪ HOÀI TẤN
Mùa Vu Lan - 2008

Nguồn gốc lễ Vu lan - ngày báo hiếu

Rằm Tháng 7- ngày lễ của người Việt được giới tăng ni Phật tử gọi là ngày Đại Lễ Vu Lan, dịp đặc biệt để con cái báo hiếu các bậc sinh thành, tổ tiên đã khuất. Theo tín ngưỡng dân gian, rằm tháng Bảy cũng là ngày xá tội vong nhân, các nhà bày mâm cỗ cúng chúng sinh....
thư pháp chữ cha mẹ
Vu lan là dịp để tưởng nhớ và báo hiếu đến cha mẹ



1. Theo sự tích xưa, Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) - cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước.
Sau khi đã chứng quả A La Hán, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng huệ nhãn tìm. Thấy mẹ vì gây nhiều nghiệp ác nên rơi vào ngục A Tỳ làm quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi tranh không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng thức ăn đã hóa thành lửa đỏ.Quá thương cảm, xót xa Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp Ðúng vào ngày rằm tháng 7 thì lập trai đàn để cầu nguyện, thiết trai diên để mời chư tăng thọ thực. Trước khi thọ thực, các vị này sẽ tuân theo lời dạy của Ðức Phật mà chú tâm cầu nguyện cho cha mẹ và ông bà bảy đời của thí chủ được siêu thoát".

Mục Liên làm đúng như lời Phật dạy. Quả nhiên vong mẫu của ông được thoát khỏi kiếp ngạ quỷ mà sanh về cảnh giới lành. Cách thức cúng dường để cầu siêu đó gọi là Vu Lan bồn pháp, lễ cúng đó gọi là Vu Lan bồn hội, còn bộ kinh ghi chép sự tích trên đây thì gọi là Vu Lan bồn kinh.

Và thế là mỗi năm khi ngày này đến gần, những người phụ nữ trong gia đình lại bận rộn hơn với công việc chuẩn bị cúng rằm nhớ ơn tổ tiên, lên chùa khấn cầu Phật phù hộ cho gia đình, cha mẹ được bình an phúc đức, tất bật chuẩn bị những mâm lễ cúng chúng sinh. (VNN).

2. Theo Phật Quang Đại từ điển, mục từ: Vu Lan Bồn. Phạm: Ullalambana. Cũng gọi: Ô lam bà noa. Chữ Hán dịch là Đảo huyền. Cũng gọi là Vu lan bồn hội, Bồn hội. Chỉ cho nghi thức cầu siêu độ cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thân thuộc nhiều đời, được cử hành vào ngày Rằm tháng 7 âm lịch hàng năm căn cứ theo lời Phật dạy trong kinh Vu lan bồn tạo các khu vực theo Phật giáo thuộc hệ thống Hán ngữ.

Vu lan bồn là dịch âm từ chữ Phạm Avalambana (Đảo huyền = treo ngược), ví như nỗi khổ của người chết giống như cái khổ của người bị treo ngược, cực kỳ đau đớn. (...)

Theo Kinh Vu Lan bồn, đệ tử Phật là ngài Mục Liên dùng thiên nhãn trông thấy thân mẫu bị đọa vào đường quỷ đói, gầy ốm chỉ còn da bọc xương, ngày đêm khổ não liên tục, thấy rồi, ngài Mục liên dùng bát đựng cơm đưa đến dâng cho mẹ, nhưng do chịu quả báo của nghiệp ác nên cơm biến thành lửa. Để cứu mẹ thoát khỏi nghiệp khổ này, ngài Mục liên bèn xin đức Phật chỉ dạy cách giải cứu, Phật liền dạy ngài Mục liên vào ngày rằm tháng 7 là ngày chư tăng tự tứ (kết thúc hạ an cư) , dùng thức ăn uông đựng trong bồn Vu Lan cúng dường Tam bảo sẽ được vô lượng công đức, cứu được cha mẹ 7 đời. ..

Còn theo Kinh Đại bồn tịnh độ thì vua Bình sa, cư sĩ Tu đạt, phu nhân Mạt lợi ...y theo phương pháp của ngài Mục liên là 500 bồn vàng đựng thức ăn dâng cứng đức Phật và chúng tăng để cầu diệt trừ tội nghiệp của cha mẹ 7 đời.

Tại Trung Quốc, theo truyền thuyết, vua Vũ đế nhà Lương là người đầu tiên cử hành hội Vu Lan bồn. (Trích: Phật Quang Đại từ điển, tập 6 do Hòa thượng Thích Quảng Độ dịch. Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản, trang 7241- 7242).

3. Theo Từ điển Văn hóa cổ truyền Việt Nam, mục từ Vu Lan (lễ)(Phật giáo).

Vu Lan (bồn) là cái chậu đựng hoa quả, phẩm vật dâng cúng. Lễ Vu Lan cử hành vào rằm tháng Bảy âm lịch hàng năm, là lễ dâng các phẩm vật cúng chư tăng đựng trong chiếc Vu Lan cầu xin cho vong hồn người thân thoát khỏi nơi địa ngục. Rằm tháng 7 âm lịch gọi là ngàu vong nhân xá tooijm nghĩa là dưới âm phủ, ngày hôm ấy các vong hồn được tha tội. Bởi vậy đốt vàng mã cúng gia tiên.

(Trích Từ điển Văn hóa cổ truyền Việt Nam. Hữu Ngọc chủ biên. Nxb Thế giới, Hà Nội, 2002, trang 750).

Đọc thêm: Gương hiếu hạnh của Đức Mục Kiền Liên
lễ vu lan
Nguồn gốc lễ Vu lan
Hôm nay là ngày Lễ Vu Lan, 15 tháng bảy âm lịch theo Phật giáo Việt Nam, trích bài "Gương hiếu hạnh Đức Mục Kiền Liên" của Hòa thượng THÍCH THANH TỪ để mọi người cùng đọc.

Ngày lễ này có ý nghĩa rất lớn vì đây là ngày Tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ thoát khỏi khổ hình trong địa ngục. Tại sao Ngài Mục Kiền Liên là vị đệ tử của Phật, cũng như bao nhiêu vị A la hán khác nhưng chúng ta lại đặt quan trọng? Bởi vì người Việt Nam lâu nay nặng về chữ Hiếu, tổ tiên ông bà cha mẹ đều lấy chữ Hiếu làm đầu. Gương của ngài Mục Kiền Liên là một gương sáng nói lên lòng hiếu thảo của người con đối với cha mẹ, nên rất thích hợp với Phật giáo Việt Nam.

Cho nên Phật giáo nước ta xem ngày Lễ Vu lan rất quan trọng, để nhắc nhở tất cả Phật tử đều ý thức ngày lễ này là một hình ảnh đẹp, là một tấm gương sáng ngời, chúng ta phải hằng nhớ hằng biết, chớ không thể lơ là được. Người Việt Nam mình tôn trọng chữ Hiếu làm đầu, điều này có sai lệch không? Chắc là không. Bởi vì ai cũng thấy rõ, chúng ta nhờ thừa hưởng sự trao truyền từ cha mẹ mà mình có hình hài, có thân thể này. Sự trao truyền đó là huyết thống, chớ không phải chuyện ở bên ngoài. Cho nên mọi hay dở tốt xấu của chúng ta là niềm vui buồn hay đau khổ của cha mẹ. Bổn phận làm con không bao giờ quên ơn cha mẹ, bởi vì thâm ân đó không thể nào chối cãi, không thể nào từ bỏ được.

Người nào thấy cha mẹ già có vẻ lẩm cẩm một chút mà xem thường cha mẹ là có lỗi lớn. Dù cha mẹ lẩm cẩm bao nhiêu đi nữa, nhưng chúng ta cũng nhớ rằng bản thân mình là một phần của thân thể cha mẹ, không thể tách rời, không thể đứng riêng, dù muốn chối bỏ cũng không chối bỏ được. Thân này đã là của cha mẹ mà mình phụ rẫy, vong ân thì điều đó thật vô nghĩa, không xứng đáng là một con người. Do đó lòng hiếu thảo đối với chúng ta là một chân lý. Trên thế gian này không có ân nào quý trọng và cao cả bằng ân cha mẹ. Nếu ân cao cả như vậy mà chúng ta quên đi thì những ân thường trong xã hội, ân của bạn bè giúp đỡ, chúng ta làm gì biết ơn và đền ơn.


Như vậy muốn thành người tốt, có đạo đức, trước tiên phải là người con hiếu thảo. Người Phật tử không phải tu theo Phật để chỉ cầu giải thoát sanh tử thôi, mà còn tu trong bổn phận làm người, trong đó cha mẹ là trên hết. Đối với cha mẹ mà quên thì cầu thành Phật, cầu giải thoát, e rằng chưa được. Vì sao? Vì ngài Mục Kiền Liên đã chứng A la hán rồi mà còn chưa quên công ơn của mẹ, huống nữa chúng ta là phàm Tăng phàm Ni, lại không nhớ không kể gì đến ân cha mẹ, đó là một điều thiếu sót không thể chấp nhận được.

Vì vậy ngày Lễ Vu lan vừa là lễ Phật, lễ Bồ tát, lễ A la hán tức ngài Mục Kiền Liên, mà cũng là một ngày gợi nhắc lại cho chúng ta tinh thần cao đẹp của tổ tiên mình. Chúng ta phải nhớ ngày Lễ Vu lan có ý nghĩa trọng đại như thế, chớ không phải tới ngày này chỉ cầu nguyện cho ông bà siêu sanh Tịnh độ thôi, mà chúng ta luôn nghĩ tới bổn phận làm con đối với cha mẹ. Nghĩ đến tình thương cha mẹ đối với chúng ta như thế nào để cố gắng tu hành, cố gắng đền trả công ơn lớn lao của cha mẹ. Như vậy mới xứng đáng là người con Phật, cũng xứng đáng là người Phật tử Việt Nam.

Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao ngài Mục Kiền Liên đã tu chứng lục thông, có thể đến được chỗ của mẹ ở trong cõi ngạ quỷ đói khát, mà không dùng thần thông cõng mẹ chạy lên cõi Trời cho sung sướng? Tại sao thấy cảnh mẹ khổ rồi khóc trở về, không làm gì được? Đó là một vấn đề cần phải hiểu rõ. Trong nhà Phật có câu “Thần thông bất năng địch nghiệp”, nghĩa là thần thông không thể diệt được định nghiệp. Nghiệp đã nhất định rồi, dù có thần thông cũng không đổi dời được.

Như trường hợp Đức Phật khi đã đắc quả rồi, dòng họ Thích bị vua Lưu Ly cử binh sang đánh. Đức Phật nhiều lần khuyên ngăn nhưng không được, cuối cùng Phật cũng đành chịu để vua Lưu Ly chém giết dòng họ Thích Ca. Như vậy để thấy khi định nghiệp có rồi thì khó cải đổi được. Đức Phật không cứu được dòng họ cũng như ngài Mục Kiền Liên không cứu được mẹ, dù là có thần thông. Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy rõ thần thông không chuyển được định nghiệp của người khác.

Trong nhà thiền thì xem thường thần thông lắm. Như tổ Hoàng Bá ở Trung Hoa, ngài lên núi Thiên Thai vào mùa mưa, khi xuống núi gặp một vị Tăng, cả hai kết bạn cùng đi. Đi một đỗi gặp dòng suối lớn, nước chảy mạnh, đằng xa có một con thuyền. Vị Tăng cùng đi bảo “huynh đi qua đi”, ngài Hoàng Bá nói “huynh qua được thì cứ qua trước”. Vị Tăng nọ liền vén áo, đi thật nhanh trên mặt nước qua bờ bên kia. Ngài Hoàng Bá dùng thuyền qua sau. Đến bờ bên kia, người bạn đồng hành cười ra vẻ xem thường ngài không có thần thông.

Ngài hỏi: - Huynh tập bao lâu mới được thần thông?

Đáp: - Ba mươi năm.

Ngài Hoàng Bá nói: - Công của huynh tập ba mươi năm, giá đáng hai xu thôi.

Vì bỏ ra ba mươi năm để có thần thông đi qua dòng suối, trong khi thiền sư chỉ cần tốn hai xu qua đò là xong. Nên ngài nói công tập ba mươi năm chỉ đáng giá hai xu! Như vậy để chúng ta hiểu đạo Phật trọng tu hành chuyển nghiệp hơn là thần thông. Bởi vì nghiệp mình tạo sẽ chuốc quả khổ, người khác có thần thông không cứu được. Muốn hết nghiệp phải chuyển từ lúc ban đầu, chớ không phải luyện tập thần thông mà được.

Nghiệp của bà Thanh Đề, mẹ ngài Mục Kiền Liên là nghiệp gì? Bỏn xẻn là một phần nhỏ, lớn hơn là lòng hiểm ác. Từ nghiệp hiểm ác bỏn sẻn mà đọa vào kiếp ngạ quỷ, làm quỷ đói. Đã đọa rồi thì phải chịu quả, dù con mình có thần thông cũng không cứu được. Cho nên biết thần thông không chuyển được nghiệp, chỉ tu mới chuyển được thôi. Đó là giải đáp thắc mắc về vấn đề thần thông.

Còn một vấn đề nữa, sau khi ngài Mục Kiền Liên về, trình lên Phật nỗi đau khổ vì thấy mẹ đói, Ngài đem cơm cho mẹ ăn mà bà ăn không được. Ngài muốn cứu mẹ, không làm sao cứu được. Phật mới dạy Tôn giả thỉnh chư Tăng cầu nguyện cho mẹ Ngài chuyển kiếp ngạ quỷ. Sau khi tổ chức Lễ Vu lan rồi, chư Tăng thọ trai xong, đồng thời nguyện cầu cho bà chuyển được tâm niệm ác độc trở thành tâm niệm lương thiện. Nương nơi sức cầu nguyện của chư Thánh tăng, bà chuyển được tâm xấu ác thành tâm thiện lành, liền sanh lên cõi Trời. Nhân đó, người ta đặt câu hỏi đạo Phật nói nhân quả, tạo nhân nào thì chịu quả nấy, tại sao cầu nguyện liền mất hết quả cũ. Như vậy lý nhân quả nằm ở chỗ nào? Đó là một vấn đề.

Quý Phật tử nên biết không phải chư Tăng tụng kinh cầu nguyện, liền đó bà Thanh Đề được sanh về cõi Trời. Hương linh của người chết đọa vào kiếp ngạ quỷ, họ sống, họ ăn bằng cái tưởng. Chúng ta cúng cô hồn gồm muối, gạo, cơm cháo…, cúng rồi còn hay hết, cúng rồi còn nguyên. Như vậy rõ ràng do tâm tưởng, họ ăn được no. Họ ăn bằng cái tưởng nên họ sống bằng tâm tưởng nhiều hơn sống bằng cái thực. Vì thể xác của họ không nặng nề như mình, mà nhẹ nhàng như bóng như gió vậy. Do sống bằng tâm tưởng nên khi chuyển tâm tưởng lại thì liền đó thoát khổ. Khi chư Tăng nguyện lành cho bà, bà thức tỉnh chuyển tâm hiểm ác keo kiệt trở thành tâm lương thiện, liền sanh cõi Trời. Như vậy không phải chư Tăng có khả năng đưa bà lên cõi Trời, mà do bà chuyển được tâm niệm nên sanh về cõi Trời.

Lúc trước bà chết, tâm hiểm ác keo kiệt dẫn bà đi vào cõi Ngạ quỷ. Thế thì quý Phật tử nhất là những vị lớn tuổi cần phải đề phòng. Chúng ta khi ra đi sẽ theo tâm tưởng mà thác sanh. Tưởng lành tưởng ác sẽ dẫn mình đi vào đường lành đường ác. Do đó nhà chùa hay tổ chức lễ cầu nguyện cho người sắp lâm chung, chư Tăng chư Ni hoặc huynh đệ Phật tử tới hộ niệm để làm gì? Bởi vì khi chúng ta sắp xả thân, thể xác này đau đớn khổ sở vô kể, vì lo đau đớn nên quên niệm lành. Bây giờ muốn được niệm lành phải có sự trợ lực của chư Tăng chư Ni hoặc huynh đệ, cùng đọc lên những lời dạy của Phật tức là đọc kinh, để mình nhớ lại Phật mà quên những niệm xấu. Nhờ nhớ Phật, quên niệm xấu nên nhắm mắt mình đi đường lành. Đó là ý nghĩa quan trọng của người trợ niệm.

Chúng ta khi còn khỏe mạnh tỉnh táo nghĩ tới điều lành, nghĩ tới lời Phật dạy không khó. Nhưng lúc đau đớn khổ sở, thân thể bức ngặt quá, thật là khó nhớ. Cho nên bây giờ chúng ta ráng tu, ráng gìn giữ tâm tư trong sáng. Những tâm tư trong sáng đó giúp mình khi bức bách không bị quên, không bị xao lãng, nếu không tu như vậy tới chừng đó chúng ta không thể chuyển kịp. Nhiều người khi sống cũng làm đôi ba việc thiện, nhưng khi chết đau khổ quá, ai làm trái ý liền nổi giận lên. Chính cái giận đó sẽ dẫn họ đi vào đường ác, gọi là cận tử nghiệp, cái đó hết sức hệ trọng. Quý Phật tử nghĩ đến sự tu thì ráng tập tâm tư của mình luôn luôn trong sáng. Khi gần nhắm mắt được chư Tăng chư Ni hoặc các Phật tử giúp cho, mình cố gắng thêm quên cái đau đớn, chỉ nhớ Phật, đó là duyên tốt để đi đường lành. Người thân cũng nên nhớ đừng gây phiền hà buồn bực làm cho thần thức kẻ sắp lâm chung đi vào đường khổ.

Bởi vậy tinh thần hiếu thảo của Phật tử là phải quý trọng giờ lâm chung của cha mẹ, đem hết lòng thành kính thỉnh mời chư Tăng chư Ni tới để trợ lực giúp cho cha mẹ tỉnh táo, nhớ được điều lành. Đây là việc hết sức thiết yếu. Phật tử nhớ chúng ta tu là làm sao cho hiện đời được an lạc, khi nhắm mắt đi trên đường lành. Đó là người biết lo xa, chuẩn bị trước, không phải tu chỉ để được phước. Được phước mà tâm còn tối tăm, xấu xa thì phước chưa đủ để đưa mình tới chỗ lành.

Như chúng ta thấy có nhiều con chó sướng hơn con người, phải không? Nó được cưng được quý, trong khi nhiều con người sống lang thang rất khổ sở. Bây giờ đặt câu hỏi ngược lại, có phước mới được làm người, vô phước mới làm súc sanh, tại sao đã làm súc sanh mà sướng hơn người? Đó là một vấn đề chúng ta cần phải hiểu rõ. Bởi vì người vừa làm phước vừa tạo tội nên sanh có quả không cố định được. Ví như người đi ăn trộm được tiền nhiều, họ đem cúng chùa một phần, hưởng một phần. Như vậy một bên làm tội một bên làm phước. Có tội thì phải đọa, nhưng làm phước thì hưởng phước. Cho nên tuy tội đọa làm súc sanh mà vẫn hưởng được phước sung sướng. Phật tử tu làm sao để vừa được làm người, vừa có phước nữa, chớ đừng có phước mà không được làm người, uổng lắm. Hiểu rõ như vậy chúng ta sẽ không thắc mắc về thân phận và quả phước khác nhau của chúng sanh.

Nguồn : Internet