Thứ Tư, 29 tháng 11, 2017

Thiền tông và Thiền học Trung Quốc trong liên quan với Phật giáo Việt (1)

Nguyễn Thanh Văn

Tạm đặt tên cho phần bài mới xong, giờ xin có đôi lời phân trần trước. Chỉ một góc của chủ đề đã mang mang thiên địa, tốn giấy bút các bậc tiền bối có thực học và thâm tu xưa nay, những nhân vật mà thiếu họ những tay mơ như người viết khó lòng có tư liệu để đọc, học và múa may đôi tí. Cũng giải thích thêm rằng nói chuyện một truyền thống Phật giáo lớn có ảnh hưởng tới Phật giáo Việt Nam, nhưng thực ra chỉ giới hạn trong các tiểu mục mà tôi chủ quan dành ưu tiên (dù thực tế với góc độ tư liệu và trọng lượng vấn đề, mỗi tiểu mục cần phát triển thành một bài viết đầy đủ). Giới hạn đến mức độ đó vẫn tiếp tục quá sức vóc người viết và số trang giới hạn, nên lại thưa tiếp bài chỉ có ước mong khiêm tốn bàn qua, bàn sơ vài chỗ, ráng né điểm phức tạp, khi tự thấy rành rành quá sức mình, nên chọn cách đặt câu hỏi có khi lại học được nhiều hơn chăng. Riêng chút hương vị hý luận trong bài viết thì rõ quá rồi, chối sao đặng – bởi bản thân “tản mạn” đã là hý luận rồi! Có người khuyên dù bể học mênh mông chóng cả mặt, cứ chân thật mà viết, nếu nhân sự tào lao mình bày biện ra mà có bậc thức giả có thêm một tới hai gợi ý cũng thoả mãn. Hy vọng của tôi cũng chỉ tới đó.

Cái thứ hai cũng cần thưa là nếu đúng ý ban đầu của người viết thì khái niệm Thiền học (Trung Hoa) phải hạn chế trong nghĩa lý lẽ, giáo pháp làm cơ sở cho Thiền và Thiền tông, hiểu như một bộ phận của Phật giáo. Tuy nhiên, xét ra từ bao thế kỷ rồi từ thời Thiền tông nở rộ ở quê xứ Trung Hoa và đất Phù Tang, người ta đã dùng khái niệm Thiền học để chỉ Phật học, đại khái như nói Thiền môn là chỉ chùa chiền, nên lướt qua sự “cố chấp” – và cũng có cớ mà lập luận như ý đồ trước đó – để đi nhanh vào câu chuyện có khi dễ nghe hơn chăng! Dù thực tế làm chúng ta phải loay hoay, khó yên tâm: tình hình tông phái ở Trung Quốc không phải có ngay từ đầu, thậm chí suốt thời gian dài dễ đoán ra cả giới tu sĩ lẫn tín đồ còn chưa rõ ý nghĩa khu biệt giữa “Tiểu Thừa” và “Đại Thừa” và cá biệt các luận sư còn xác định sai gốc tông phái của một số Kinh nhất định – các từ “Tiểu Thừa”, “Đại Thừa” bỏ vào dấu kép vì cũng như nhiều người, người viết không tán thành cách gọi này. Và ngay trong lịch sử tông phái không phải Thiền tông có ngay vị trí lừng lẫy một cách quá dễ dàng (chưa tính tới nay, Thiền tông ngay trên đất Trung Hoa đâu còn vị trí ngày nào). Nói một cách thẳng thắn, ngay khi một tông phái thắng thế thì không có nghĩa Lý Nghĩa, Giáo Pháp thuyết phục được “đối thủ” và cũng không phải thu phục hết lòng người. Có thể mạnh dạn bàn thêm sự xuất hiện của tông phái, Pháp chủ, các Ôn, các Tổ không phải bao giờ cũng là điềm lành của Chánh Pháp, nếu không cũng có khi ngược lại. Vậy tạm tiếp cận linh động y như thực tế vốn đã như vậy: Thiền tông là Thiền tông, nhưng Thiền học vừa là cơ sở giáo pháp của Thiền tông vừa có nghĩa là Phật học nói chung.
Người Việt và nói riêng Phật tử Việt không thể tìm hiểu Phật giáo Việt Nam và lịch sử truyền Phật pháp ở Việt Nam mà không nghiên cứu chủ đề tương đương trên đất Trung Quốc. Chỗ cho rằng ta đã tiếp nhận Phật pháp qua các vị sư Thiên Trúc trước khi nhận từ nguồn Trung Hoa và việc nhấn mạnh Trung tâm Luy Lâu như một bằng chứng về thế mạnh của Phật giáo Việt trước Phật giáo Hoa xin có dịp bàn sau – và nếu còn dịp lạm bàn, người viết ngờ rằng nên tiếp cận đúng khách quan lịch sử và bản chất phi quốc tịch của Phật pháp và Phật giáo thì hợp lý hơn âm hưởng yêu nước yêu nòi, e không thích hợp (âm hưởng ở góc độ công-dân-Phật-tử, chứ không phải đáng hoan nghênh hơn là ở tư cách Phật tử hay tu sĩ). Nhìn chung tư liệu và cách nhận định của chúng ta về Phật giáo Trung Quốc xưa nay chủ yếu đều từ nguồn của giới nghiên cứu Trung Quốc, nếu không nói thêm là tư liệu ta có được cũng không đầy đủ, ít hệ thống và khi có chỗ mâu thuẫn nhau thì né tránh thảo luận và kết luận. Truyền thống người ta có tập quán lưu trữ tư liệu nghiêm túc – đạo cũng như đời –, có hệ thống, có văn bản nên việc học hỏi và dịch thuật các công trình của người là đương nhiên. Diện mạo của Phật giáo và lịch sử truyền bá Phật pháp ở đất Trung Hoa hình thành trước hết là tựa vào công lao to lớn, kỳ vĩ của giới dịch thuật với các tên tuổi quá quen thuộc: An Thế Cao, Cưu La Ma Thập, Trúc Pháp Hộ, Huyền Trang… Ở nước ta, từ ngày các dịch phẩm của Cư sĩ Lê Đình Thám, quý Thầy Thích Minh Châu, Thích Thiện Siêu, Thích Trí Quang, Thích Nữ Diệu Không, Thích Thiện Hoa, Thích Quảng Độ, Thích Thanh Từ… ra mắt cho tới các nguồn kinh luận gần đây hơn qua công phu dịch thuật của các tên tuổi quý Thầy Thích Tuệ Sĩ, Thích Đức Thắng, nhóm của Thầy Thích Hạnh Bình…, chúng ta đang chứng kiến hiện tượng có khí vị hứng khởi tương tự và tôi đoán rằng tình hình dịch thuật ở Việt Nam sẽ có cao trào và còn hưng phấn nhiều thập kỷ nữa.
Đã biết có sự đồng hoá hai khái niệm Thiền học và Phật học nói chung, nhưng để sát với chủ đề bài viết xin bắt đầu từ thời kỳ được cho là xuất hiện bộ mặt độc đáo của Thiền tông Trung Quốc với hai nhân vật gây chú ý không thể không nhắc: Bồ Đề Đạt Ma và Huệ Năng. Tôi trình bày theo cách riêng của mình: điểm qua các thông tin đã quen thuộc ở xứ ta kèm vài nhận xét vắn tắt.
– Ngài Bồ Đề Đạt Ma tới Trung Quốc là chuyện có thực. Cuộc gặp gỡ với Lương Vũ Đế có thêu dệt thêm chi tiết là cái chắc, nhưng giới nghiên cứu thống nhất là chuyện có thực. Cũng được chấp nhận “có thực” luôn là một loạt các chi tiết có tính huyền thoại được chứng minh đã được thêm thắt dần dà về sau, không tính tới vài chuyện kết luận ngay được là giả mà việc có người gặp Ngài ngồi trên chiếc giày xuôi – hay ngược – về Thiên Trúc là một ví dụ.
Tiểu sử không được xác nhận trong hồ sơ lưu trữ của Công an Ấn Độ của Bồ Đề Đạt Ma xét ra không quan trọng, chẳng ảnh hưởng chi uy danh của Ngài vì bậc tu hành phiêu bạt cứu đời, độ tha sá chi trò hộ khẩu và KT3 kiểu chính quyền Hà Nội. Nhưng lý lịch gắn với vụ truyền thừa từ thời Đức Phật và Ngài Ca Diếp thì không ít nhà nghiên cứu Phật học Trung Hoa đặt vấn đề. Trong bộ sách công phu về Thiền học Trung Quốc (Lịch sử Thiền tông Trung Quốc, NXB Phương Đông 2016 – Việt dịch: Thích Hạnh Bình và nhóm học viên), Ngài Ấn Thuận lý giải rất rõ, các bạn quan tâm đề tài nên đọc. Sau đây tiện tôi nêu vài thắc mắc và nhận xét liên quan.
LIÊN QUAN CHUYỆN BÌNH BÁT – CÀ SA VÀ VIỆC TRUYỀN THỪA
*Chủ trương Trung Hoa hoá Phật giáo của người Trung Quốc nhiều người biết, nhưng đừng quên do những mặc cảm riêng, các luận sư và tu sĩ nội địa vẫn cố nối kết gốc gác với Đất Phật xa xôi để “dợt l’air” với hai đạo nhà: Lão và Khổng và mượn Ấn Độ cái mà tâm thức sử sách rạch ròi kiểu Chinois thiếu và khao khát bù trừ: vị huyền hoặc tâm linh. Khi có cảm giác chạm sĩ diện thì có huyền thoại khác lấp vào: Phật tổ chính là Lão Tử ta vân du Tây Phương (chỉ Ấn Độ) hoá thành, còn ai vô đó!
*Tầm cho ra máu mủ hoàng gia với Đức Giáo chủ là để hợp pháp hoá, ngán chi các đời sau và đám chi thứ và cũng là cách hoá giải mặc cảm của con cháu – xin lỗi, của cụ Tổ – của một người quen của văn hào Lỗ Tấn: đồng chí AQ.

Thứ Ba, 28 tháng 11, 2017

Dịch giả Trần Thiện Đạo vừa qua đời tại Paris

Kết quả hình ảnh cho tran thien dao

FB Nguyễn Đình Thành
Xin có lời chia buồn với thân quyến của ông. Người yêu văn học ở Sài Gòn trước 1975 vẫn nhớ tới ông như một trong những người chủ chốt của Tạp chí Văn danh tiếng thời ấy.
Ông đã dịch các tác phẩm : Cậu Hoàng Con (Le petit prince) của Saint Exupéry, Giao Cảm (Noces) của Albert Camus, Bề Trái Và Bề Mặt (L'envers et l'endroit) của Albert Camus, Sa Ðọa (La chute) của Albert Camus, Kín Cửa (Huis Clos) của Jean Paul Sartre, Phấn Ðấu Cho Một Nền Tiểu Thuyết Mới (Pour un nouveau roman) của Alain Robbe Grillet, Im Lặng Của Biển Cả (Le silence de la mer) của Jean Bruller Vercors, Zadig của Voltaire, Ao Qủy (La mare au diable) của George Sand,... và thường xuyên viết báo. Trước năm 75 công việc của ông nhiều khi gặp rắc rối vì chính quyền SG coi ông là Cộng Sản. Sau năm 75 ông không về ngay VN được vì bị coi là Nguỵ quyền. Ông bị kẹt giữa hai làn đạn như vậy. Sau Mở cửa, ông thỉnh thoảng về Việt Nam với công việc dạy Bảo hiểm và viết báo gửi về Việt Nam. Ông đặc biệt dị ứng với việc bị biên tập bài nếu ông viết theo cách nói của người miền Nam mà bị biên tập lại theo cách nói phổ thông. Ông có một con trai duy nhất tên là Gilles Trần Kim Lân và vợ của anh là nhà nghiên cứu, biên dịch Nguyễn Thụy Phương. Ông tâm sự, đã bỏ cơ hội phát triển thành một cán bộ cao cấp về bảo hiểm để có thời gian cho việc dịch, việc viết.

Tôi có may mắn được biết đến ông năm 2005 khi còn học tại Pháp. Tôi cũng có may mắn được ông chỉ bảo về cách dịch và nghề dịch. 1 tháng trời nằm trên ghế đi văng nhà ông để đọc sách và trao đổi những câu chuyện về văn học, về cuộc đời. Sau này mới biết tôi không phải là người duy nhất làm điều ấy. Rất nhiều nhà văn, người dịch, nhà nghiên cứu ở Việt Nam qua Paris đều ở lại nhà bác và ngủ trên chiếc ghế đi văng này. Có người thậm chí còn đang làm chức gần to nhất tại Việt Nam. Nhà bác cơ man nào là sách nhưng rất ngăn nắp. Cần cuốn nào là ông cụ tìm được ngay. Ở Pháp có 3 bác Đạo nổi tiếng mà người ta hay gọi đùa là ông Đạo Văn (ông Đạo làm văn học), ông Đạo Nhạc (Nguyễn Thiện Đạo) và ông Đạo Khoa học (nhà nghiên cứu khoa học).
Xin post lại lời bạt của ông viết cho cuốn Nửa kia của Hitler của tôi, mời các bạn quan tâm cùng đọc.
Một lần nữa xin chia buồn với thân quyến của ông.
LỜI BẠT CHO CUỐN Nửa kia của Hitler:
Chúng tôi xin được nói ngắn và gọn, không quá vài trăm chữ. Một là vì không muốn lạm dụng thời giờ quí báu của bạn đọc - time is money. Hai là vì biết chắc bạn đọc sẽ lấy làm chán ngấy phải nghe lại những điều đã được dịch giả trình bày ở đầu sách - res, non verba. Vậy, dưới đây, sẽ chỉ nêu lên hai điều chưa được bàn tới trong mấy trang giới thiệu.
¤ Tác giả và tác phẩm
Trong cuộc họp báo vừa rồi, trả lời câu hỏi của chúng tôi : « Xin ông cho biết vài nét chủ yếu trong cung cách xử thế của ông ở ngoài đời như thế nào ? », Éric-Emmanuel Schmitt không chút do dự : « Hết sức gần gũi với mọi người. Tôi dễ thông cảm với họ, luôn luôn đứng bên cạnh họ, trong hoàn cảnh của họ để hiểu họ. Hiểu, nhưng không nhứt thiết là phải đồng tình. Đây cũng là đức tánh đã mặc nhiên khiến tôi trở thành nhà văn. »
Khỏi cần viện dẫn dài dòng, chúng ta cũng đà nghiệm thấy qua lời giải đáp trên đây sắc thái đặc thù đậm nét trong sự nghiệp của đương sự và, nói riêng, trong tác phẩm Nửa kia của Hitler : nhơn vật Hitler hư cấu (Adolf H.= nửa kia) và nhơn vật Hitler lịch sử (Adolf Hitler) đều được tác giả hình tượng theo mỗi một thể cách, chính vì là hai con người khác nhau. Cả hai đều được ông phác họa qua thứ năng khiếu biết đặt mình vào vị trí của một nhơn vật phân tán. Nhờ vậy mà cả hai mặt, Adolf H. hư cấu và Adolf Hitler lịch sử, đều đồng lượt đề xuất một sự thật riêng lẻ - một sự thật trơn tru, không bịa đặt, không cường điệu, ăn khớp với tâm tánh đặc dị của mình.
Thành công của thiên truyện nằm chính ở chỗ đó, ở chỗ tác giả biết đặt mình vào vị trí thích hạp để thể hiện một nhơn vật nước đôi. Chớ không đơn thuần ở thông điệp, xét cho cùng cũng không mấy độc đáo, mà ông muốn gởi tới người đọc, đòi y phải chú tâm soi vào phần tăm tối còn ẩn nấp trong mỗi người chúng ta.
¤ Dịch giả và dịch phẩm
Một trong những nguyên cớ làm cho sách dịch tồi, đầy ngập hiện nay trên thị trường chữ nghĩa ở nước ta, mà ông Hoàng Hưng vạch ra là dịch ẩu. (*) Nhơn chứng trong thời gian dịch giả thực hiện công trình chuyển ngữ tập sách, chúng tôi xin đoan chắc rằng đương sự không mắc phải lỗi đó - đã bao nhiêu lần khôn thôi nghe ông trăn trở về một chữ, một câu, một đoạn, săn tìm cái mà giới dịch thuật Pháp gọi là le mot juste (dùng chữ cho đúng - không nô lệ từ điển) cho hạp với mạch văn, với tình huống, với hoạt cảnh, với nhơn vật và với nhiều thứ khác nữa. Năm dài kinh nghiệm cho phép chúng tôi khẳng định đây là tác phong hàng đầu mà người dịch phải tuân thủ, không thôi thì bản dịch sẽ mang vẻ ngô nghê thế nào, tây chẳng ra tây mà ta cũng chẳng ra ta – tất nhiên là đồng thời cũng phải thông thạo ngoại ngữ mà mình muốn chuyển dịch và tiếng nước nhà.
Những trăn trở nói trên của ông biểu hiện một thái độ khiêm nhường : cố công phục vụ tác giả chớ không phục vụ chính mình. Và biết rõ trình độ của mình, không bị những lời tâng bốc xu thời đánh lạc phán đoán. Khiêm nhường là đức tánh dịch giả nào cũng cần có. (**) Bằng không thì, trong hình trạng tốt đẹp nhứt, dịch phẩm có cơ biến thành cái mà ngày xưa giới phê bình Pháp gọi mỉa là les belles infidèles (những tình lang bội bạc), chỉ các bản dịch rằng hay thì thật là hay nhưng không chánh xác của Charles Baudelaire (1821-1867) - hệt như sách dịch của Bùi Giáng (1926-1998) ở bên ta một thế kỉ sau.
Bản dịch hiện nằm trên tay bạn đọc không thuộc loại này.
Chúng tôi tin rằng với bản dịch đầu tay Nửa kia của Hitler, với thái độ khiêm nhường mà ông chứng tỏ, Nguyễn Đình Thành sẽ lần hồi cống hiến cho chúng ta nhìều công trình ngày càng khởi sắc.
---------------------------
(*) Xem : Hoàng Hưng, Năm nguyên cớ của sách dịch tồi (Quân đội nhân dân, ngày 27/04/2007). Năm nguyên cớ tác giả vạch ra là : Dốt, Ẩu, ‘’Thằng chột làm vua xứ mù ‘’ (cậy tình trang kém cõi về ngoại ngữ chung của xã hội để dịch ẩu), Tiền nào của nấy (tiền công trả cho dịch giả rất thấp) và Tham (các nhà xuất bản cần có sản phẩm ăn khách tung ra thị trường để kiếm chác, bất cần chất lượng).
(**) Xem : Found in translation : a life’s passion ( Dịch thuật : một khối tình khôn dứt) - talks with Bạch Liên ( phỏng vấn do Bạch Liên thực hiện). Việt Nam News, số 5555 & 5562, ngày 4 & 11, tháng 02/2007.
TRẦN THIỆN - ĐẠO (Paris, 10/07/2007)

Thứ Hai, 27 tháng 11, 2017

“Đường dẫn xuống địa ngục lót toàn bằng thiện ý” – về một đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ

Hoàng Dũng
Dư luận đang dậy sóng vì một bài đăng trong kỷ yếu của một cuộc hội thảo về chữ Quốc ngữ. Tác giả của bài báo cáo đó là PGS TS Bùi Hiền. Ông cho VTC News biết đã nghiên cứu vấn đề cải tiếng chữ Quốc ngữ đã 30 năm. Kết quả là những đề xuất táo bạo, giảm số lượng ký tự từ 38 xuống 31 chữ bằng cách thay ng bằng q; đ bằng d; c, k, q bằng k; ph bằng f; s, x bằng s; gi, d, r bằng z; nh bằng n’; th bằng w; v.v. Mà đó mới chỉ là phụ âm, còn cải tiến về nguyên âm thì ông hứa hẹn sẽ công bố vào tháng 3/2018.
Lý do của sự cải tiến này, theo ông là chữ quốc ngữ không triệt để theo nguyên tắc mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị, và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt.
Không khó để thấy rằng đề xuất của ông rất bấp bênh về mặt thực tiễn. Trước hết, những thay thế như ng bằng q, th bằng w, … sẽ gây khó khăn không đáng có khi học sinh học ngoại ngữ vì chữ Việt trở thành một ngoại lệ duy nhất trên thế giới: không có hệ chữ viết Latin nào lại gán cho các con chữ q, w một cách phát âm như thế. Thứ hai, cách viết cải tiến của ông dựa vào tiếng Hà Nội, do đó việc nhập một ch-tr, s-x, gi-d-r sẽ tạo ra hàng loạt các từ đồng tự (homograph), gây trở ngại cho việc nhận hiểu nghĩa từ: chẳng hạn các từ tra  cha đều viết là ca; sa  xa đều viết là sa; gia, da  ra đều viết là za. Đó là chưa kể tại sao lại loại trừ sự phân biệt tr-ch, s-x, d-r vốn phổ biến ở các phương ngữ khác, viện lý do phải căn cứ vào tiếng Hà Nội. Thứ ba, việc nghiên cứu 30 năm của ông về việc cải tiến chữ Quốc ngữ vẫn để lộ khuyết điểm rất khó hiểu: của  quả vốn đọc rất khác nhau lại đều được viết là kủa, vi phạm cái nguyên tắc do chính ông đề ra: “mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị, và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt”. Thứ tư, sự cải tiến một cách quyết liệt như thế sẽ tạo ra một đứt gãy văn hóa giữa các thế hệ, giữa những người chỉ biết cách viết “mới” với di sản tư liệu chữ Quốc ngữ “cũ”. Thứ năm, muốn khắc phục phần nào (chỉ phần nào thôi) sự đứt gãy văn hóa đó, phải tốn một khoản tiền khổng lồ để chuyển kho tư liệu vốn được viết theo cách viết “cũ” sang cách viết “mới”.
clip_image002
Nhưng trên hết, cái ý tưởng giải quyết chữ viết chỉ dựa vào âm vị học chẳng qua chỉ là làm sống dậy một cái xác tưởng đã rữa nát. Năm 1897, Hội Ngữ âm học quốc tế ra đời và công bố hệ ký tự gọi là IPA, làm dấy lên một phong trào rầm rộ đòi cải tiến chữ viết, nhưng luôn luôn kết thúc bằng sự thất bại nặng nề, trừ hai ngoại lệ: Liên Xô và Trung Quốc.
Ở Trung Quốc, từ năm 1956, chữ “phồn thể” bị thay bằng chữ “giản thể”. Nhưng thực ra, công việc không đơn giản: năm 1964, nhà nước lại có quy định mới; năm 1977 ban hành một cuộc cải cách rộng lớn hơn, trong đó thay 248 chữ giản thể bằng những chữ giản thể khác; năm 1986 cuộc cải cách này bị bãi bỏ, mà một lý do chính được cho là do người ủng hộ cuộc cải cách này là Trương Xuân Kiều, nhân vật thuộc “tứ nhân bang”; nhà nước chính thức quay lại danh sách các chữ giản thể năm 1964 tuy không phải chấp nhận tất cả, mà thu hẹp danh sách này. Tất nhiên, việc sử dụng chữ giản thể chỉ thực hiện ở Trung Quốc là chính, chứ ở Đài Loan, Hồng Công, Ma Cao,… thì người dân vẫn quen dùng phồn thể. Như thế, việc áp dụng “giản thể” là một việc phức tạp, trải qua nhiều đợt sửa đổi khác nhau và là một chuyện mệnh lệnh hành chính, người dân bắt buộc tuân theo.
Ở Liên Xô, đầu thế kỷ XX, ngay sau khi Cách mạng Nga thành công, nhà ngữ văn học Aleksey Shakhmatov, người đứng đầu Hội nghị Xem xét việc đơn giản hóa chính tả đã đề xuất việc cải cách chữ Nga và đã được nhà nước Nga chấp thuận. Tháng 12 năm 1917, A. V. Lunacharsky, bộ trưởng Bộ Giáo dục, ban hành một văn bản buộc tất cả các cơ quan, trường học thuộc nhà nước và chính phủ phải chuyển không trì hoãn sang dùng lối viết mới… từ ngày 1 tháng 1 năm 1918, tất cả các ấn bản của chính phủ và nhà nước, định kỳ hay không định kỳ đều phải in theo lối mới.
Hai trường hợp trên đều có một điều kiện thiết yếu: đó là những đất nước có chế độ tập quyền mạnh, có khả năng cưỡng bách dân chúng phải thực hiện mọi quyết định hành chính, thậm chí có khi còn vượt quá phạm vi hiệu lực của quyết định đó. Chẳng hạn, quyết định do A. V. Lunacharsky ký trên bề mặt không tác động đến các ấn phẩm tư nhân, nhưng trên thực tế, nhà nước Liên Xô thực hiện chính sách cực quyền về xuất bản, nên không có nhà xuất bản tư nhân nào lúc ấy dám dùng chữ Nga theo lối cũ. Như thế, đằng sau sự thành công đó, lý do khoa học đóng vai trò rất khiêm tốn.
Nói rõ hơn, nếu để cho chữ viết sống cuộc đời tự nhiên của nó, mà thiếu yếu tố cưỡng bách, thì cải cách chữ viết không thể thành công. Chữ Pháp và nhất là chữ Anh, xét trên quan điểm âm vị học, bất hợp lý một cách cùng cực và không thiếu những đề nghị cải cách. Nhưng vì những lý do dễ hiểu, sự thay đổi chỉ diễn ra dần dà (có khi vài thế kỷ!) và trong một số điểm tương đối nhỏ, thông qua những cá nhân, tổ chức hoặc ấn phẩm có uy tín lớn, chẳng hạn đối với tiếng Pháp là Voltaire, Viện Hàn Lâm, các từ điển Littré, Larousse, Robert,… Cho đến nay, tình trạng “bất hợp lý” của chữ Pháp và chữ Anh vẫn không thay đổi gì đáng kể mặc dù Pháp và Anh có những nhà ngôn ngữ học xuất sắc hàng đầu thế giới.
Tình hình tương tự đối với chữ Quốc ngữ. Một điều dễ thấy: chữ Quốc ngữ không “hoàn hảo”. Chính vì thế, năm 1902, nghĩa là cách đây hơn một thế kỷ, một Uỷ ban cải cách chữ Quốc ngữ được thành lập tại Hà Nội do Jean Nicholas Chéon đứng đầu, tổ chức một hội nghị suốt ba ngày xung quanh vấn đề cải cách chữ Quốc ngữ, đề ra chủ trương triệt để tôn trọng nguyên tắc mỗi chữ một giá trị kí âm. Năm 1906, lại thêm một hội nghị nữa. Sau khi đất nước bị chia cắt, ở miền Nam, năm 1956 tại Ðại hội Văn hóa toàn quốc, Ủy ban Ngôn ngữ đưa ra kiến nghị sửa đổi một số cách viết chữ Quốc ngữ; vấn đề cải tiến chữ Quốc ngữ còn được tái khởi động cùng với sự ra đời của Ủy ban Ðiển chế Văn tự (1973). Ở miền Bắc, trong Hội nghị Cải tiến chữ Quốc ngữ năm 1960, Ban Ngôn ngữ (Viện Văn học) mà đại diện là Hoàng Phê đọc một báo cáo, được xuất bản vào năm sau, nhan đề Vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ (Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1961). Sau khi đất nước thống nhất, trong các năm 1978 và 1979, một số hội nghị được tổ chức xoay quanh vấn đề chuẩn mực hoá chính tả và thuật ngữ khoa học; những báo cáo quan trọng được đăng trên tạp chí Ngôn ngữ số 3+4 (1979).
Về cá nhân, không ít người đề xuất cải cách chữ quốc ngữ, như Nguyễn Văn Vĩnh năm 1928 và các tác giả Vi Huyền Đắc, Phạm Xuân Thái sau đó; hay như Nguyễn Bạt Tụy 20 năm sau (1949).
clip_image004
Ảnh chụp đề xuất của Nguyễn Bạt Tụy trong Chữ và vần Việt khoa học (1949) về cải tiến chữ Quốc ngữ thể hiện qua mấy dòng thơ Kiều.

Dẫn ra như thế để thấy vấn đề cải cách chữ Quốc ngữ không có gì mới. Ông Bùi Hiền tuyên bố là chữ Quốc ngữ có nhiều điểm bất hợp lí, thiếu khoa học thì ngay từ hội nghị 1902 người ta đã làm điều này rồi. Một số đề xuất của tác giả (như k thay cho c, q, k; z thay cho d) cũng đã được hội nghị này nêu lên.
Tuy nhiên, tất cả nỗ lực vừa kể, trong đó có đóng góp của những nhà ngôn ngữ học thực sự, sau hơn 100 năm, cho đến nay hoàn toàn không có kết quả gì.
Tác giả Bùi Hiền cho rằng đề xuất của mình bị nhiều người phản đối vì “[…] thói quen của nhiều người vẫn chứa đựng tính bảo thủ, phản xạ phủ nhận” và “Khi một số cơ quan truyền thông đọc được ở đó và nhận thấy đấy là vấn đề hay và đưa ra nhưng họ lại chưa tìm hiểu kỹ về cơ sở khoa học của nó, vì vậy khi đăng tải lên báo chí khiến vấn đề bị "ném đá"”. Hơn 100 năm trước, Nguyễn Văn Vĩnh than: “Mấy năm nay có người bàn cách sửa đổi chữ quốc ngữ cho phải lẽ nhưng chẳng lý nào bằng thói quen của người ta, cho nên tuy đã có nghị định y lối Kuốk-ngữ tân-thứk, mà không ai chịu theo, tân thứk lại mang tiếng oan rằng khéo vẽ vời cho nhiễu sự” (“Chữ quốc ngữ”, Đông Dương tạp chí, số 33, 1913).
Oan chăng? Sự thất bại của những ý định cải cách chữ viết theo kiểu “cả gói”, “một lần cho xong” hẳn có lý do. Ngày nay, giới chuyên môn hiểu rằng chữ viết có chức năng hoàn toàn khác với lời nói bởi một lẽ đơn giản: nó đọc bằng mắt chứ không phải nghe bằng tai, do đó nhận diện từ ngữ qua chữ viết không giống như nhận diện từ ngữ trong lời nói. Cho dẫu có đồng âm đi nữa, thì ty  ti cho người ta một nhận thức rất khác, gợi những liên tưởng rất khác. Không phải ngẫu nhiên mà ty Giáo dục thì thường viết với y trong khi ti tiện thường viết với i; đồ hình (graphic) của i dễ xui người ta nghĩ đến cái gì đó nhỏ bé. Và thật là bất nhã nếu viết tên hai ca sĩ Quang  và Khánh Ly thành Quang  và Khánh Li. Khi một hệ chữ viết tồn tại hàng trăm năm, thì chữ viết là văn hóa, là hồn chữ. Cho nên, mọi cải tiến theo kiểu của ông Bùi Hiền tuy có khuấy động dư luận, nhưng cũng như bao đề xuất tương tự, chỉ là – nói như một thành ngữ phương Tây – cơn bão trong tách trà, sẽ mau chóng qua đi và hoàn toàn không để lại dấu vết gì.
Ông Bùi Hiền có thiện ý. Nhưng thiện ý thôi, chưa đủ. Người ta chẳng đã nói “Đường dẫn xuống địa ngục lót toàn bằng thiện ý” (The road to hell is paved with good intentions) hay sao?
https://vandoanviet.blogspot.com/2017/11/uong-dan-xuong-ia-nguc-lot-toan-bang.html#more

Thứ Tư, 15 tháng 11, 2017

Thiền – Thiền tông – Thiền học và Phật pháp – Phật giáo (2)

Nguyễn Thanh Văn

ĐỨC PHẬT ĐÃ NÓI GÌ VỀ THIỀN?
– Cũng như mọi Pháp Thiền, và riêng các Pháp Thiền trước thời Đức Phật – mà thái tử Tất Đạt Đa từng thực hành – Pháp Thiền của Ngài cũng chú ý tới hơi thở, phép An Tức. Đã có những hướng dẫn khác nhau về phép thở, thiền giả chú tâm vào trạng thái tĩnh tâm, theo luồng hơi thở, hướng vào chót mũi hay một điểm nào đó – phép diện bích nghe đồn của Ngài Bồ Đề Đạt Ma chẳng hạn. Mạn phép bình thêm do Ngài Bồ Đề Đạt Ma quá nổi tiếng kèm tập quán sính văn nghệ, mê biểu tượng của dân Viễn Đông ta nên huyền thoại này có ấn tượng mạnh với tín đồ và nói riêng giới làm thơ Thiền chứ “diện bích” thì có chi là lạ với người Thiền. Không diện bích thì “diện” màn, phên, cánh cửa, thậm chí khoảng trống – phải khăng khăng diện bích mới Thiền thì Tâm Thiền đâu nữa mà thiền! – và ngay cả con số 9 năm diện bích tự nó quyết không phải là giá trị hay kỷ lục Guiness được vì khối chi các bậc sư sãi Việt (ngay cả ở thời hiện đại) có hàng thập kỷ toạ Thiền và không diện bích thì “diện” một đối tượng chi đó hoặc nhắm mắt – có quan trọng chi! Không nên dao động bởi những “data” bên ngoài, dựa vào đó mà quên thực chất vấn đề cầu Đạo và đạt Đạo. Và tất nhiên – xin nói với tâm nghiêm túc – nếu các sư dừng Thiền để ăn uống, tắm táp, tiểu tiện, đại tiện …thì quyết Ngài Bồ Đề Đạt Ma cũng thế, không thể khác; còn bảo 9 năm liền không có hiện tượng sinh hoạt vừa kể – nếu có bằng chứng thì đây mới đúng là sự lạ, tâm phục, khẩu phục – thì chắc chắn hoang đường hoàn toàn. Tôi trích nguyên văn lời của Ngài Ấn Thuận để các bạn tham khảo (Lịch sử Thiền tông Trung Quốc, trang 55, 56, tác giả: Hòa thượng Ấn Thuận, dịch giả: Hoà thượng Thích Hạnh Bình và nhóm học viên, NXB Phương Đông, 2016): "Từ "bích quán" từ trước tới nay có các quan điểm khác nhau, trong Truyền đăng lục, quyển ba, phần chú thích đề cập: "Đạt Ma dạy Pháp cho Nhị tổ rằng: Bên ngoài dứt các duyên, bên trong tâm không mối nghĩ, TÂM NHƯ TƯỜNG VÁCH (tôi nhấn mạnh – NTV), thì mới vào đạo được". Như vậy "bích quán" có thể mang ý nghĩa "tâm như tường vách".
Tóm lại, về điểm đang bàn liên quan hơi thở, cách hít thở, cách tập trung tỉnh tâm có chút dị biệt, linh động nhưng đại thể không khác, không phân biệt ở góc độ giá trị. Ở điểm này, Đức Phật không có lời phân biệt với cách hít thở trong phép Thiền phổ biến ở Ấn Độ thời đó và trước đó. Thậm chí, phép Thiền “Vô Sở Hữu Xứ” và “Phi Tưởng Phi Phi Tưởng” mà Đức Phật giữ lại trong các Thiền Xứ dạy đệ tử thực hành là phép Thiền Ngài học của hai Đạo sư Uddaka Ramaputta và Alara Kalama.
– Đức Phật không xem Thiền như một Pháp môn độc lập. Điểm này đã bàn qua ở trên. Chỉ thử đưa một ý dè dặt gợi từ một nhận định nổi tiếng của triết gia Heidegger: “Ở đâu thiếu nhân bản, ở đấy thường nhắc tới nhân bản”. Liệu có phải tình trạng hí luận, bỏ bê Thiền hành một thời đã thúc đẩy việc thành lập Thiền tông, đưa Thiền, nhắc Thiền thành trọng tâm, rồi hưng phấn mà dựng thành Tông Phái?
– Đức Phật không xem Thiền có mục đích tự thân mà ở trên tôi đã trình bày qua. Từ “thiêng liêng” quen thuộc với mọi tôn giáo hình như không quen dùng trong Phật pháp và Phật giáo – đặc biệt trong Thiền Tông –, nhưng cũng nhấn thêm một ý rằng cách biểu cảm mang sắc thái thiêng liêng, nghĩa là quá long trọng, thành kính dành cho Thiền là sai lệch. Nói khác đi, tự khái niệm Thiền không làm nên giá trị khởi sắc gì quá đặc biệt.
– Khái niệm Thiền lạc, Thiền hỷ có trong Phật pháp. Bạn nào đọc qua nội dung Đức Phật giải thích Tứ Thiền đều rõ Ngài nhắc Hỷ phát sinh khi đạt Sơ Thiền do chế ngự được Tham, Sân, Si (dù chưa hoàn toàn rốt ráo), và Hỷ, Lạc phát sinh do công phu Tu Định trong Nhị Thiền và Tam Thiền mà thành tựu (dù chưa hoàn toàn rốt ráo). Ngài xác nhận Hỷ Lạc loại này không thuộc về Thế Lạc chứa chấp đau khổ, nhưng đừng quên lời căn dặn không bám trụ chúng và từ bỏ để tu Pháp cao thượng có Quả cao quý hơn. Đến Thiện lạc còn phải vượt qua vì lý tưởng Giác ngộ cuối cùng, thì việc quảng bá Thiện lạc với nghĩa đen là lạc thú do Thiền đem lại như một lý tưởng tự thân của Thiền giả và Thiền pháp sao cho là đúng tinh thần Phật pháp được (tôi đang liên hệ cách nghĩ sai về Thiền và Thiền lạc trong tín đồ nói chung và cách một số Trung tâm và Khoá Thiền quảng bá lối “lợi bất cập hại”, không quy cho Thiền tông có chủ trương này). Hiểu lời dạy của Đấng Giáo chủ là biết tu theo hướng từng bước bỏ tạp tâm, xa lánh Tam Độc (Tham – Sân – Si), nhất tâm Chánh Định đem lại tịnh lạc hơn đời, nhưng hễ bám trụ, không tinh tấn với Pháp cao hơn, với Thượng Tâm là đồng nghĩa với sự nuôi dưỡng và quật cường trở lại của Ái, Thủ, Hữu – những anh chị em thân thiết của Vô Thường và Khổ! Sự kiện Sa môn Tất Đạt Đa từ biệt hai vị Đạo sư sau khi tu thành tựu hai Pháp Thiền định bậc cao “Vô Sở Hữu Xứ” và “Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ” nói lên lý tưởng Đại Tuệ – Đại Bi của một Đức Phật và các đệ tử chân truyền của Ngài không thể là dạng khát khao Thiền Lạc vốn nằm trong khái niệm “THỌ” còn trong chi phối của quy luật hành, trụ, hoại lạnh lùng mang tên VÔ THƯỜNG! Nói khác đi, nếu Sa môn Tất Đạt Đa chọn cách tu Thiền lấy Thiền và Thiền lạc làm mục đích rốt ráo, tối hậu thì tên tuổi Ngài may mắn lắm còn nằm trong ký ức tín đồ một Tông Phái trong hàng trăm Tông Phái Tâm Linh ở đất Thiên Trúc hoặc như các Đạo sư xiển dương Thiền với các Thiền lạc từ hấp dẫn tới cực kỳ hấp dẫn đang mọc ra như nấm hiện nay. Và Đạo Phật không ra đời, Chánh Pháp của Đấng Từ Phụ không có trên thế gian, và thậm chí bài viết nhỏ bé với tri thức hẳn nhiên còn giới hạn này không được viết ra vì dù nhỏ bé, nó viết ra chỉ để bàn về một đề mục do chính Đức Bổn sư Thích Ca thuyết pháp và răn dạy.

Thiền – Thiền tông – Thiền học và Phật pháp – Phật giáo (1)

Nguyễn Thanh Văn
MỞ:
Cái người viết lo ngại nhất là nhan đề bài gây cảm giác sai về phía người đọc. Không có chuyện luận bàn sâu xa theo chân các học giả Phật giáo ở đây và càng không có tâm tư hoằng pháp trịnh trọng chi khác. Lý do các bạn đoán ra ngay điều mà đối với người viết thì rõ hơn cả ban ngày: làm gì có đủ tri thức, khả năng – và thanh vọng – mà làm và hơn nữa chuyện đề tài tôn giáo, thần học không phải chỗ để “tản mạn” ngay cả khi giới tín đồ, tu sĩ có vì lòng từ bi, bác ái mà bỏ qua. Vậy bài viết chỉ nhắm vào một phạm vi hẹp, có vài chủ điểm tạm cho là “linh tinh” như là…, như là… với khẳng định mang tính chủ quan; còn nói vì sao biết chủ quan mà vẫn nói thì phải giả lả thưa luôn rằng thỉnh thoảng mỗi con người thấp thỏi trong chúng ta đây không sử dụng cái quyền có có tí ti “chủ quan” với nhau thì e có ngày một cái “đại chủ quan” lớn dần làm chờn lòng, chóng mặt người có thiện ý bắt chuyện. Và không có khâu bắt chuyện thì làm chi còn câu chuyện trên đời này!
Người viết cũng thẳng thắn không tin rằng chỉ với một quan điểm “viên dung vô ngại” chung chung – và bị sử dụng không có nội dung và nguyên tắc chi rõ ràng lâu nay – là giải quyết được mọi vấn đề; nói thiệt tình chỉ hàng núi vấn đề, vấn nạn càng ngày càng cao ngất ngưởng làm bối rối người muốn tu học và làm nản lòng người mong cầu một câu trả lời khả dĩ cho mình và cho người, chứng tỏ không thể lật bí kíp “viên dung”, “bất khả tư nghị”, “vô ngôn” …theo kiểu thiên sinh tự nhiên bình dân chủ nghĩa hay thuyết “cùng tắc biến, biến tắc thông” made in China là đất tất hoá vàng và vàng tất hoá kim cương được. Có một nếp nghĩ lâu nay nên xem lại là trong phạm vi tôn giáo cứ lấy truyền thống – càng lâu đời nhất càng đáng tin – và trích dẫn một bên hoặc là nội dung thuyết pháp của các vị danh tăng đại lão như một chân lý miễn bàn cãi; mặt khác, là ngầm công nhận các tín điều đang được đông đảo các tín đồ hâm mộ, đăng ký làm câu trả lời xác tín cuối cùng. Chuyện nhiều fan quây quần thành Bang, thành Hội ắt sẽ sở hữu được chân lý thì không cần chứng minh vì tính xốc nổi, a dua của dân chúng không ai không biết và đám đông không phải là điều kiện đủ để đảm bảo cho Chân lý. Riêng sự hoài nghi đặt ra cho những nhân vật nổi tiếng, đầy thanh vọng tế nhị hơn nhiều. Để tránh âm sắc thất lễ nên nêu câu hỏi cụ thể rằng ngay một người có lòng tôn kính bậc bề trên và các truyền thống nhưng khi chính các bậc bề trên lại nói ngược nhau, chống báng chủ trương của nhau thì lòng tôn kính nên thể hiện thế nào đây?! Cùng những đại danh ở đẳng cấp “no comment” nhưng lập luận bài bác nhau kịch liệt như nước với lửa mà kết luận dưới quan điểm “vô ngại” hai bên đều là chân lý thì gượng gạo, ba phải và nói thiệt tình đâm bất nhã nhưng nghe “chướng tai quá”. Ví dụ minh hoạ trong lịch sử Phật giáo thì đầy tràn, không đủ giấy để chép! Còn chuyện truyền thống rằng ý kiến hễ càng xưa càng đúng, đời nay không thể so sánh được thì e không logic và thuyết phục, nhưng nếu muốn quyết như vậy thật thì trong lịch sử Phật pháp và Phật giáo lời dạy của Đức Giáo chủ tất nhiên phải xưa nhất và đáng tin đệ nhất không cần tranh cãi – và nếu kết luận như vậy thì người viết lại hoàn toàn ủng hộ là khác. Tiếc thay, nói như bà con Nam Bộ “nói dzậy mà không phải dzậy”.
Có những đại danh nổi tiếng Đông Tây – ai từng để tâm nghiên cứu kinh sách làm chứng cho tôi – không rõ căn cơ, mục đích thế nào để lại những nhận định phải nói là (tội) “tày trời” rằng toàn bộ kinh sách, nội dung Đức Phật thuyết giảng là dạng thấp – second-rate! – dành cho đệ tử căn cơ thấp! Và kinh sách Tông phái họ phải chế Chân Kinh mới để làm sáng rõ Chân Lý, Chánh Pháp. Điều bi kịch cho Lịch sử Phật pháp và Phật giáo thế giới là những nộị dung này được phổ biến và công khai đi vào trong vô số Kinh và Luận. Đó cũng là bi kịch của lối kiến giải Phật giáo ta hơn Đạo người ta ở chỗ phát triển tông phái, nở rộ viễn kiến như cỏ dại sau mưa xuân tới độ từ cách nhận định một nội dung Phật pháp với nhiều cách và tầng vỉa – là việc bình thường – đến chỗ lật vị trí Giáo chủ và thay bằng Chân Lý đích thật của Tông phái mình mới phát minh ra (tất nhiên là chế biến từ Chùa mềnh và của Tổ mềnh!). Không thể không hỏi là Sáng Chế ra Chân Kinh vĩ đại sao không công khai tác giả, lại “ký tên” Đức Phật và việc lập luận lòng vòng mà tiếp tục đăng ký họ nhà Phật Tổ là “Phật pháp”, “Phật giáo”, ‘Kinh Phật” thì có ý nghĩa gì? Và các bạn có vui lòng cho tôi “lý sự” tiếp rằng nói lớp đệ tử đầu tiên của Đức Phật là căn cơ thấp, vậy những tên tuổi nào về sau là “căn cơ cao”, đồng thời những bản kinh do các ngài Xá Lợi Phất, A Nan, Ca Chiên Diên, Ca Diếp trực tiếp giảng trong các Kinh A Hàm và Kinh Bộ được chính Đức Phật xác nhận, khen ngợi thì thế nào! Và xin lỗi quý tín đồ nhạy cảm trước, nói những kinh sách Đức Phật dạy lúc ở thế gian là thấp (vì dành cho căn cơ thấp) thì có hai cách hiểu: Thứ nhất, Ngài đã không dạy hết bài và không chân thật khi xác nhận lời Ngài là Chân Lý và việc thọ ký của Ngài cho các đại đệ tử là giả; điều hoàn toàn mâu thuẩn với sự xác nhận của chính Đức Thích Ca rằng Ngài là mẫu Đạo sư ‘VỚI BÀN TAY MỞ” (không giấu giếm Đạo Giải Thoát với đệ tử) và các đại đệ tử của Ngài đều là những nhân vật lỗi lạc có bằng chứng lịch sử, người để lại nội dung thuyết pháp cao diệu, người trực tiếp lãnh đạo Tăng Chúng trước và sau Đức Phật nhập diệt, người trực tiếp giảng dạy nhiều thế hệ và để lại ấn tượng sâu sắc cho hàng đệ tử. Một Xá Lợi Phất được Đấng Giác Ngộ không tiếc lời khẳng định trước tăng chúng là Đại Tuệ, Đại Biện Tài, Đại Trí nằm lại trong ký ức nhiều thế hệ vùng Trung Ấn Độ với danh xưng “Buddha” – theo các nhà nghiên cứu, dân chúng đương thời ở miền này biết và hâm mộ danh tiếng của Ngài hơn cả Đức Phật! – mà ai đó cho là “căn cơ thấp” thì khủng khiếp quá. Thứ hai – và đặc biệt cần nhấn mạnh – việc xếp Giáo pháp của Đức Thích Ca trực tiếp thuyết giảng là dạng Kinh second-rate nhằm tôn kinh tông phái mình lên là một hành vi đáng công khai gọi và kết án là báng bổ, khó tha thứ và chỉ có tính “viên dung vô ngại” vô nguyên tắc theo lối lập luận trăm kinh đều là Kinh Phật cả thôi, được một số luận sư kim cổ vận dụng theo những kiến thức và phương pháp phi lịch sử mới “nỡ” để thoi thóp sống trong lịch sử kinh sách nhà Phật – cho tôi xin lỗi nghìn lần vì có sự bức xúc – như một vết nhơ!
Phần Mở – với dụng ý của tác giả – như vậy có ý chạm chỗ có tính tổng quát để đi vào nội dung hạn chế lại về Thiền và … và …nhằm giải thích trước với các bạn vì sao phải nhìn lại cả các kiến thức căn bản, vì sao nên nhất nhất quy chiếu Kim Ngôn của Đức Phật trước khi luận bàn, gia giảm bất cứ điểm gì và vì sao một dạng hưng phấn có tính biểu tượng kiểu “gặp chùa đốt chùa, gặp Phật giết Phật” đầy ý nhị, cảnh báo – có ý nghĩa vào những thời kỳ Phật giáo chìm trong trò cao đàm, huyền đàm phảng phất “công nghệ và tài vặt” của các em Gheisa hơn là công phu học thuật thực sự, thậm chí thiếu cả hương vị tâm linh tôn kính của tín đồ chân chính – bỗng hoá thành một trò Thiền ngông cuồng, lấy sự càn dở và ngôn ngữ hí luận làm lý lẽ mà tột đỉnh của nó là sự cả gan hạ thấp Chánh Pháp của Giáo chủ thành cấp Mẫu giáo, Tiểu học, công khai xếp chiếu dưới so với dạng kinh sách tự chế “không có tên tác giả” và giả định là của Đức Phật tin cậy truyền riêng cho một vị nặc danh – thật khác với phong độ, giáo phong quang minh chính đại của Đức Phật lịch sử – hoặc viện lý do hoang đường là mới được bí mật đào được đâu đó!